Bản án 04/2024/DS-PT về tranh chấp quyền sử dụng đất

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG 

BẢN ÁN 04/2024/DS-PT NGÀY 19/01/2024 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Trong ngày 19 tháng 01 năm 2024, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 27/2023/TLPT-DS ngày 24 tháng 10 năm 2023 về việc Tranh chấp quyền sử dụng đất.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 09/2023/DS-ST ngày 14 tháng 8 năm 2023 của Tòa án nhân dân huyện Q, tỉnh Cao Bằng bị kháng cáo, kháng nghị.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 90/2023/QĐ-PT ngày 05 tháng 12 năm 2023; Thông báo hoãn phiên toà số 161/TB-TA ngày 19 tháng 12 năm 2023 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn:

Đồng nguyên đơn (17 người) gồm:

1. Hoàng Thị N, sinh năm 1945; địa chỉ: Phố H, thị trấn Q, Q, Cao Bằng.

Có mặt

2. Lê Thị B, sinh năm 1969; Vắng mặt

3. Lê Đình Đ, sinh năm 1965; Vắng mặt

4. Lê Đình Đ1, sinh năm 1969; Vắng mặt

5. Lê Đình T sinh năm 1965; Vắng mặt

6. Nông Thị P, sinh năm 1968; Có mặt

7. Sầm Thị E, sinh năm 1963; Vắng mặt

8. Lê Đình C, sinh năm 1975; Vắng mặt

9. Lê Đình T1, sinh năm 1995; Có mặt

10. Lê Đình L, sinh năm 1949; Vắng mặt

11. Lê Đình T2, sinh năm 1961; Vắng mặt

12. Lê Tuấn V, sinh năm 1944; Vắng mặt

13. Lê Đình H, sinh năm 1979; Vắng mặt

14. Đàm Thị N1, sinh năm 1955; Vắng mặt

15. Lê Đình M, sinh năm 1947; Vắng mặt

16. Lê Đình H1, sinh năm 1972; Vắng mặt

17. Lê Đình N2, sinh năm 1979. Vắng mặt

Cùng địa chỉ: Xóm T, xã P, huyện Q, Cao Bằng.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn Hoàng Thị N: Bà Hà Thị H2 – Trợ giúp viên pháp lý, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh C.

- Bị đơn:

1. Triệu Thị Đ2, sinh năm 1969; Có mặt

2. Nông Văn N3, sinh năm 1998; Vắng mặt

3. Nông Thị H3, sinh năm 1969; Có mặt

4. Sầm Thị H4, sinh năm 1974; Có mặt

5. Nông Thị N4, sinh năm 1960; Có mặt

Cùng địa chỉ: Xóm T, xã P, huyện Q, Cao Bằng.

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn: Ông Nông Văn S, địa chỉ: Số nhà A, tổ C, phường Đ, thành phố C, tỉnh Cao Bằng. Có mặt

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Nông Văn S: Luật sư Phùng Văn C1 và luật sự Nguyễn Đắc T3. Địa chỉ: Công ty L3 – Phòng 1602A, tòa nhà G, KĐT Hai bên đường L, xã A, huyện H, thành phố Hà Nội. (Luật sư C1 có mặt, Luật sư T3 vắng mặt)

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ủy ban nhân dân xã P, huyện Q, tỉnh Cao Bằng. Có đơn xin xét xử vắng mặt.

2. Nông Văn S, sinh năm 1967. Địa chỉ: Số nhà A, tổ C, phường Đ, thành phố C, tỉnh Cao Bằng. Có mặt 3. Nông Văn D, sinh năm 1972; Có mặt 4. Sầm Thị Đ3, sinh năm 1934; Có mặt 5. Nông Thị Ư, sinh năm 1943; Có mặt 6. Sầm Thị H5, sinh năm 1944; Có mặt 7. Nông Thị Ọ, sinh năm 1947; Có mặt 8. Triệu Thị Đ4, sinh năm 1950; Có mặt 9. Sầm Thị T4, sinh năm 1953; Vắng mặt 10. Nguyễn Thị U, sinh năm 1946; Có mặt 11. Nông Hải L1, sinh năm 1959; Có mặt 12. Nông Văn N5, sinh năm 1959; Có mặt 13. Nông Văn T5, sinh năm 1963; Có mặt 14. Nông Văn T6, sinh năm 1972. Có mặt Cùng địa chỉ: T, xã P, huyện Q, tỉnh Cao Bằng.

- Người làm chứng:

+ Bà Ma Thị V1, sinh năm 1974; trú tại: Xóm X, xã P, huyện Q, Cao Bằng.

+ Ma Văn B1, sinh năm 1939; Ma Thế D1, sinh năm 1954; Ma Thị T7, sinh năm 1952; Ma Thị N6, sinh năm 1944; Ma Thị N7, 83 tuổi; Ma Văn T8, sinh năm 1967; Ma Văn T9, sinh năm 1972; Ma Văn B2, sinh năm 1969; Ma Văn B3, sinh năm 1967; Ma Văn T10, sinh năm 1970; Ma Văn H6, sinh năm 1976; Ma Thị E1, sinh năm 1943; Ma Văn D2, sinh năm 1963; Ma Văn T11, sinh năm 1970; Ma Thị P1, sinh năm 1972; Sầm Văn T12, sinh năm 1975; Sầm Văn T13, sinh năm 1978; Sầm Hữu Đ5, sinh năm 1946; Sầm Thị T14, sinh năm 1973; Sầm Thị T15, sinh năm 1971; Hoàng Thị P2, sinh năm 1949; Ma Hoàng T16, sinh năm 1967; Ma Thị T17, sinh năm 1982. Cùng trú tại: Xóm T, xã P, huyện Q, tỉnh Cao Bằng.

(Những người làm chứng đều vắng mặt).

- Người kháng cáo: Nguyên đơn La Văn C2.

- Người kháng nghị: Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện đề ngày 05/10/2022, bản tự khai ngày 02/12/2022 và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn đồng thời là người đại diện của các nguyên đơn bà Hoàng Thị N trình bày: Bà là vợ của ông Lê Đình V2, bà nhận sự ủy quyền của dòng họ Nông khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết xác định ranh giới đất nghĩa địa Đông Sâu giữa dòng họ L2 và dòng họ Nông, đất đang tranh chấp tọa lạc tại xóm T, xã P, huyện Q, tỉnh Cao Bằng; ngoài ra, yêu cầu Toà án xác định ngôi mộ tổ tên Lê Pháp M1 tại nghĩa địa Đ là của dòng họ Lê do gia đình bà N và Lê Đình T1, Lê Đình C quản lý.

Nguồn gốc đất nghĩa địa Đông Sâu của dòng họ L2 là do ông bà tổ tiên họ Ma chia cho con rể là Lê Kim Đ6 và con gái Ma Thị N8 với tổng diện tích đất khoảng 5.382m2, đất chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trước đây(không biết thời gian cụ thể, chỉ nghe những người lớn tuổi trong họ nói) ông Nông Văn N9 (bố chồng bị đơn Nông Thị H3) và ông Lê Đình Đ7 (bố của anh Lê Đình T) có thỏa thuận về ranh giới ngăn cách đất của hai họ bằng hai hòn đá (hai hòn đá ông chôn xuống đất); việc thỏa thuận không lập biên bản. Cụ Lê Pháp M1 từ Hải Dương lên Cao Bằng dạy chữ Nho cho ông T18 và là bố nuôi của Lê Đình T19 (ông T19 là ông nội của ông Lê Đình V2- chồng bà N), nhưng cụ Lê Pháp M1 không làm thủ tục nhận ông Lê Đình T19 làm con nuôi theo quy định của pháp luật; cụ Lê Pháp M1 chết vào tháng 10 năm 1944 được chôn trong đất họ Lê tại nghĩa địa Đ, hưởng thọ 62 tuổi.

Năm 2004, giữa dòng họ Lê và họ Nông có mâu thuẫn với nhau do tranh chấp ngôi mộ tổ và không thống nhất được ranh giới phần đất nghĩa địa giữa hai dòng họ. Bà H3, bà H4, bà N4 đã có hành vi ngăn cản các thành viên của dòng họ Lê tảo mộ ngôi mộ tổ (cụ Lê Pháp M1). Năm 2019, bà Triệu Thị Đ2 và anh Nông Văn N3 (vợ, con của ông Nông Văn T20) đã có hành vi lấn chiếm đất của dòng họ Lê, cụ thể đã chôn mộ ông Nông Văn T20 xuống phần đất nghĩa địa của dòng họ L2. Năm 2020, khi chồng bà N (Lê Đình V2) chết đã chôn cất tại đất nghĩa địa Đ của dòng họ L2, tuy nhiên bà Nông Thị H3 và bà Sầm Thị H4 có hành vi ngăn cản. Hiện nay, dòng họ N10 đã chôn sang đất nghĩa địa của họ Lê hai ngôi mộ là mộ ông Nông Văn T20 và ông Nông Văn T21 (bố của bà Nông Thị Ọ). Nay, bà Hoàng Thị N thay mặt dòng họ Lê yêu cầu xác định ranh giới đất giữa hai dòng họ L2 – Nông có hai hòn đá dưới ngôi mộ tổ (Lê Pháp M1) kéo thẳng xuống đất ông Ma Vũ N11 và bà Hà Thị H7. Còn các ngôi mộ đã chôn vượt mốc, đại diện nguyên đơn không yêu cầu họ Nông di rời, nhưng sau này họ N10 không được chôn vượt qua ranh giới nữa.

Nguyên đơn Lê Đình T đã ủy quyền khởi kiện cho bà Hoàng Thị N và thống nhất được ranh giới đất nghĩa địa, việc ông Nông Văn S khai với Tòa án là ngày 08/2/2023 có bản tự khai tại Tòa án, năm 2004 giữa hai họ L2 - Nông chưa thống nhất được ranh giới đất nghĩa địa, việc ông Nông Văn S khai với Toà án là ông cùng với ông T đã vạch ranh giới đất nghĩa địa giữa hai họ và khoanh ngôi mộ bà mộ bà Hoàng Thị Y là sai sự thật. Ngoài ra, khi Nhà nước làm mương Hộ Nà Lái có sử dụng đất ruộng dưới khu đất nghĩa địa Đ của gia đình ông, ông T được Nhà nước chi trả tiền đền bù đất với số tiền là 1.702.000đ (Một triệu bảy trăm nghìn đồng). Thời điểm tranh chấp lần đầu, hai hòn đá còn ở giữa hai phần mộ họ Lê và họ Nông; đoạn đất trống giữa họ L2 và họ N10 còn rộng nên lúc đó ông T có ý kiến chia đôi là được.

Tại bản tự khai ngày 02/12/2022 và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đồngthời là người đại diện theo ủy quyền của các bị đơn (bà Đ2, bà H3, bà H bà N12, anh N3); đồng thời đại diện theo ủy quyền của những người có quyềnlợi nghĩa vụ liên quan (bà Đ3, bà Ư, bà H5, bà Ọ, bà Đ4, bà T4, bà U,ông L1, ông N5, ông T5, ông D, ông T6) ông Nông Văn S trình bày:Khu nghĩa địa Đ có diện tích khoảng 6.000m2 được các cụ tổ trongdòng họ chọn làm nghĩa địa họ Nông từ khi về khai đất, lập làng N (nay là xóm T). Năm 1947 hai ông: Nông Văn N9 và Lê Đình Đ7 đại diện cho hai dòng họ đã lập một mô đất và đắp bờ đất nhưng do trâu bò đi lại, nước mưa xói mòn hiện nay ranh giới không còn nhưng vẫn còn mô đất. Ranh giới khu đất nghĩa địa giữa hai dòng họ từ trước những năm 1990 được hai bên duy trì. Sau đó, họ L2 đã di dời một ngôi mộ từ nơi khác đến chôn lên phần ranh giới và lấn sang đất họ N10; bà Lê Thị B chôn mẹ đẻ là cụ Y sang phần đất của dòng họ N10 và xảy ra tranh chấp ranh giới đất nghĩa địa giữa hai họ. Ngôi mộ tổ bà N cho rằng mộ cụ Lê Pháp M1, nhưng thực tế là mộ cụ bà Hoàng Thị D3 của dòng họ N10 chôn cách đây hơn 400 năm. Trong trường hợp phải khai quật mộ cụ bà Hoàng Thị D3 để lấy mẫu đi giám định gen, ông S đại diện dòng họ Nông nhất trí cho khai quật mộ và tự nguyện đồng ý cho lấy mẫu gen của ông (Nông Văn S) để giám định với người dưới ngôi mộ. Năm 2021, bà N chôn chồng là ông Lê Đình V2 xuống phần đất nghĩa địa Đ của dòng họ N10, họ N10 đã yêu cầu bà N chôn sang phần đất của họ L2 nhưng bà B, bà N vẫn cố tình chôn xuống phần đất nghĩa địa của dòng họ N10.

Đối với các yêu cầu của nguyên đơn, ông Nông Văn S đại diện theo ủy quyền của các bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan dòng họ Nông có ý kiến:

+ Ngôi mộ tổ mà đại diện nguyên đơn Hoàng Thị N cho rằng là mộ cụ ông Lê Pháp M1 là không đúng, vì đó là ngôi mộ cụ bà Hoàng Thị D3 của dòng họ Nông. Đề nghị Tòa án công nhận mộ cụ Hoàng Thị D3 và họ N10 không đồng ý để họ Lê tảo mộ cụ D3.

+ Về ranh giới xác định bằng hai hòn đá dưới ngôi mộ tranh chấp như quanđiểm của dòng họ L2 là vô căn cứ. Tại phiên tòa ông S yêu cầu xác định ranh giới đất mộ theo thực tế hai họ đã chôn cất người chết; cụ thể: Điểm đầu là điểm giữa 1A và 1C, từ đó kẻ chia đôi phần đất đang tranh chấp, mốc tiếp theo là điểm giữa mốc 5A và 5C kéo đến điểm cuối là điểm giữa mốc 6C và 7C.Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là Ủy ban nhân dân xã P, ông Hoàng Văn M - Chức vụ Phó chủ tịch tham gia tố tụng theo Giấy ủy quyền số 33a/GUQ/UBND ngày 04/6/2023 khai. Khu đất nghĩa địa Đ đang có tranhchấp giữa họ L2 và họ Nông tọa lạc tại xóm T, xã P, huyện Q, Cao Bằng thuộc một phần thửa đất số 44, tờ bản đồ số 45 (bản đồ địa chính xã P đo đạc năm 2000), diện tích 20.060m2, mục đích sử dụng đất là đất nghĩa địa; do đất chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên Ủy ban nhân dân xã P đang quản lý. Tuy nhiên, đến thời điểm này Ủy ban nhân dân xã P không có quy hoạch hay kế hoạch sử dụng đất đối với khu đất nghĩa địa Đ, nên đề nghị Tòa án giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.

Tại giấy xác nhận người làm chứng ngày 04/3/2020 và biên bản lấy lời khaingày 30/3/2023, ông Ma Văn B1 trình bày: Ông là hàng xóm của các nguyên đơn, nguồn gốc đất đang tranh chấp là của họ Ma chia cho họ L2 và họ N10, trước đây có gốc cây làm ranh giới giữa đất hai họ L2- Nông. Sau đó đi lại tảo mộ ở khu vực đấy có nhìn thấy hai hòn đá, nhưng từ khi hai họ phát sinh tranh chấp thì hòn đá đó đã không còn. Ông nghe người già kể lại ngôi mộ đang tranh chấp là cụ ông Lê Pháp M1, nhưng không biết thời gian nào chôn cụ M1; ông thấy hàng năm ông Lê Đình K đi tảo mộ ngôi mộ đang tranh chấp đó.

Tại giấy xác nhận người làm chứng ngày 04/3/2020 và biên bản lấy lời khai ngày 08/2/2023, ông Ma Thế D1 trình bày: Ông là hàng xóm của các nguyên đơn, ông không biết nguồn gốc đất, nhưng biết mốc giới đất giữa hai họ L2- Nông có hai hòn đá kéo xuống ruộng ông Ma Vũ Ng do từ nhỏ đến lớn thường xuyên đi lại ở khu vực này. Về ngôi mộ, nghe bố, mẹ kể lại đây là ngôi mộ của ông thầy người ở địa phương khác về dạy ông Lê Đình T19, ông thầy này không phải họ Lê. Chết tại nhà Lê Đình T19, để tỏ lòng biết ơn ông T19 đã chôn và lập ngôi mộ này, hàng năm con cháu họ Lê hương khói.

Tại giấy xác nhận người làm chứng không ngày, tháng, năm và biên bản lấy lời khai ngày 31/3/2023, bà Ma Thị T7 trình bày: Bà là hàng xóm với các nguyên đơn, bà không biết nguồn gốc đất giữa hai họ đang tranh chấp, còn ngôi tổ đang tranh chấp lúc còn nhỏ đã thấy người họ Lê đi tảo ngôi mộ hàng năm. Sau khi bà Lê Thị P3 chết thì hai họ Lê - Nông mới phát sinh tranh chấp đất. Về ranh giới đất, trước kia bà đi lại qua đó thì thấy hai hòn đá gần ngôi mộ đang tranh chấp; nhưng từ khi giữa hai họ xảy ra tranh chấp thì không thấy hai hòn đá đó nữa Tại giấy xác nhận người làm chứng không ngày, tháng, năm và biên bản lấy lời khai ngày 31/3/2023, bà Ma Thị N6 trình bày: Bà là người xóm Tri P4 và lấy chồng người dòng họ Lê. Về ngôi mộ đang tranh chấp từ nhỏ đến giờ thấy ông Lê Đình K tảo mộ hàng năm nhưng bà không biết nguồn gốc đất của ai; còn về ranh giới đất mộ giữa hai họ, trước kia có tranh chấp với nhau thì giữa hai họ đã tự thỏa thuận là lấy hòn đá cạnh ngôi mộ kéo thẳng xuống dưới làm ranh giới.

Tại giấy xác nhận người làm chứng ngày 04/3/2020 người làm chứng Ma Thị N7 ghi: Biết mốc giới đất giữa hai họ L2- Nông có hai hòn đá kéo xuống ruộng ông Ma Vũ N11; tuy nhiên, tại biên bản lấy lời khai ngày 31/3/2023 bà N7 lại khai bà là người cùng xóm với các nguyên đơn nhưng không biết về nguồn gốc đất và ngôi mộ đang tranh chấp, cũng không biết ranh giới đất mộ.

Tại Giấy xác nhận người làm chứng năm 2020 và biên bản lấy lời khai ngày08/2/2023 người làm chứng Ma Văn B2 khai: Ông có họ hàng với những ngườitrong dòng họ Lê. Đất đang tranh chấp là của họ L2, còn ngôi mộ theo người già kể lại là mộ ông M1. Ông làm ruộng gần khu mộ, đi lại thấy hai hòn đá dưới mộ ông M1 (cách 10 m), thấy ông Lê Đình Đ7 làm ruộng trên thửa ruộng ông Ma Vũ N11.

Tại các giấy xác nhận người làm chứng Ma Văn D2, Ma Văn T8, MaVăn Tiến và Ma Thị E1 cùng khai: Biết mốc giới đất giữa hai họ Lê- Nông có hai hòn đá kéo xuống ruộng ông Ma Vũ N11; nhưng tại biên bản lấy lời khai các ngày 08/02/2023 và ngày 31/3/2023 những người làm chứng có tên trên lại khai cùng là hàng xóm của các nguyên đơn và biết nguồn gốc đất và ngôi mộ đang tranh chấp là của họ Lê nhưng không biết ranh giới đất mộ.

Tại các giấy xác nhận người làm chứng Ma Hoàng T16, Ma Thị T17 và Ma Văn B3 cùng khai: Biết mốc giới đất giữa hai họ Lê- Nông có hai hòn đá kéo xuống ruộng ông Ma Vũ N11; nhưng tại các biên bản lấy lời khai các ngày08/02/2023 và ngày 31/3/2023 những người làm chứng có tên trên lại khai cùng là hàng xóm của các nguyên đơn và không biết mộ là ai, không biết mốc giới đất của hai họ; thấy họ Lê tảo mộ ngôi mộ đang tranh chấp.

Tại giấy xác nhận người làm chứng không ngày, tháng, năm Ma Văn T11 khai: Biết mốc giới đất giữa hai họ L2 – Nông có hai hòn đá kéo xuống ruộng ông Ma Vũ N11; nhưng tại biên bản lấy lời khai ngày 08/02/2023 lại khai: Ông là người cùng xóm với các nguyên đơn, bãi đất đang tranh chấp là của họ Lê, lúc bé thấy ông Lê Đình K tảo mộ, còn ông xác nhận thấy 2 hòn đá nhưng không biết đấy là ranh giới đất giữa hai họ Lê - Nông.

Tại giấy xác nhận người làm chứng không ngày, tháng, năm Hoàng Thị P2 khai: Biết mốc giới đất giữa hai họ Lê -Nông có hai hòn đá kéo xuống ruộng ông Ma Vũ N11; nhưng tại biên bản lấy lời khai ngày 08/02/2023 lại khai: Bà ở làng khác về làm dâu họ Lê; bà không biết ranh giới và nguồn gốc đất tranh chấp, còn ngôi mộ tổ là cụ Lê Pháp M1.

Tại các giấy xác nhận người làm chứng và các biên bản lấy lời khai, bản tựkhai các ngày 08/02/2023 và ngày 31/3/2023, có 09 người làm chứng gồm: Ông Ma Văn T10, ông Ma Văn H6, bà Ma Thị P1, bà Ma Thị V1, ông Sầm Văn T12, ông Sầm Văn T13, ông Sầm Hữu Đ5, bà Sầm Thị T14 và bà Sầm Thị T15 khai: Cùng là hàng xóm của các nguyên đơn và đều không biết ngôi mộ đang tranh chấp là của ai, còn nhỏ đã thấy ông Lê Đình K tảo ngôi mộ đấy. Ngoài ra, trong danh sách những người làm chứng do bên nguyên đơn cung cấp còn có 07 người, trong đó có 6 người gồm: Ông Ma Kiên B4, ông Ma Văn T22, ông Ma Vũ N11, ông Nguyễn Đình M2, ông Sầm Văn R và ông Ma Văn T23 đều đã chết; còn người làm chứng Ma Hoàng T24 có đơn từ chối làm chứng vào ngày 09/02/2023 với lý do sức khỏe yếu.

Tại công văn số: 584/UBND-TNMT ngày 10/5/2023 của Ủy ban nhân dân huyện Q có nội dung: Khu đất nghĩa địa Đ được thể hiện trên bản đồ địa chính, sổ mục kê là thửa đất số 44, tờ bản đồ địa chính số 45, diện tích 20.060m2, mục đích sử dụng NTD (đất nghĩa địa), người quản lý là Ủy ban nhândân xã quản lý, loại đối tượng UBQ (Ủy ban nhân dân quản lý). Việc họ Lê và họ Nông đang chôn cất người chết trên thửa đất số 44 không vi phạm quy hoạch nôngthôn mới xã P, kế hoạch sử dụng đất của huyện Q vì lý do khu đấtđã được ghi nhận mục đích sử dụng đất là đất nghĩa địa trên hồ sơ địa chính.Ngày 31/3/2023 Tòa án nhân dân huyện Quảng Hòa tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ phần đất đang tranh chấp, kết quả như sau: Quá trình đo đạc xác định được đất nghĩa địa Đ nằm trong thửa đất số 44, tờ bản đồ địa chính số 45,diện tích đất đang tranh chấp là một phần đất nghĩa địa trong thửa đất có diện tích 20.060m2, địa chỉ tại xóm T, xã P, huyện Q, tỉnh Cao Bằng.

Phần đất nghĩa địa của họ Lê do đại diện họ Lê là bà Hoàng Thị N chỉ ranh giới được xác định bằng các điểm có tọa độ nối với nhau như sau: 1A (x=2516806.501; y=566549.370); 1 (x=2516804.770; y=566548.000);

2(x=2516800.240; y=566544.440); 3 (x=2505017.000; y=554340.290);

4(x=2516771.850; y=566533.400); 5 (x=2516765.040; y=566530.760);

6(x=2516757.300; y=566527.260); 7 (x=2516742.480; y= 566521.760);

8(x=2516735.340; y=566519.160) nằm trong thửa đất số 44, tờ bản đồ địa chính số 45, có tứ cận như sau: Phía Đông giáp phần đất đang tranh chấp; phía Tây giáp đất khu nghĩa địa họ Nông; phía Nam giáp đường bê tông xóm; phía Bắc giáp rẫy ông Sầm Văn P5. Ngôi mộ tổ mà hai họ đang tranh chấp không có bia mộ.

Phần đất nghĩa địa của họ N10 do đại diện bị đơn là bà Nông Thị H3 chỉ ranh giới được xác định bằng các điểm có tọa độ nổi với nhau như sau:

1C(x=2516794.790; y=566566.250); 1 (x=2516792.200; y=566564.350); 2 (x=2516783.670; (x=2516779.760; y=566558.100); 3 (x=2516750.400; y=566533.560); y=566555.120); 4 (x=2516768.200; y=566544.960); 5 (x=2516759.560; y=566537.680); 6 7 (x=2516740.500; y=566529.110); 8 (x=2516733.370; y=566525.370) nằm trong thửa đất số 44, tờ bản đồ địa chính số 45, có tứ cận như sau: Phía Đông giáp đất nghĩa địa họ Lê; phía Tây giáp phần đất đang tranh chấp; phía Nam giáp đường bê tông xóm; phía Bắc giáp đất rẫy ông Sầm Văn P5.

Tại Biên bản xác minh ngày 03/8/2023, bà Bế Thị S1 (sinh năm 1927) cho biết: Bà tuổi đã cao, còn nghe và hiểu chuyện nhưng tai nặng nên nói rõ ràng mới nghe được. Bà không biết việc người họ Lê khởi kiện họ Nông tranh chấp đất nghĩa địa Đông Sâu đến Tòa án. Bà là cán bộ tiền khởi nghĩa, người xóm B, xã P về làm dâu họ Nông. Bà S1 có biết người keo (người miền xuôi) tên Pháp M1 (không biết họ) đến địa phương dạy tào (dạy làm thầy cúng) cho ông Lê Đình T19. Sau đó, ông M1 do bị đau bụng chết không có chỗ chôn nên ông T19 chôn cất ông M1 ở nghĩa địa Đông Sâu trên đất của họ N10. Bà S1 nghe người khác nói lại có người nhìn thấy ông T19 chôn ông M1 vào ban đêm, khi chôn không có áo quan, chỉ quấn bằng vải trắng, chôn bên trên các ngôi mộ họ N10 đã chôn trước ở đó. Do ông T19 chôn người vào ban đêm nên mọi người không biết để ngăn cản. Bà S1 không nhớ ông Pháp M1 chết năm nào, chỉ nhớ lúc đó bà đã về làm dâu ở họ Nông nhưng chưa có con. Về ranh giới đất của hai họ N10 và họ Lê ở nghĩa địa Đ bà không xác định được do thời gian đã lâu. Khi Thẩm phán đưa sơ đồ trích đo khu đất nghĩa địa Đông Sâu cho bà S1 xem thì bà chỉ ngôi mộ ông Pháp M1 là ngôi mộ đang có tranh chấp nhưng không chỉ được ranh giới đất nghĩa địa của hai họ N10 và họ Lê trên sơ đồ. Ngoài ra, bà S1 không biết mộ bà Hoàng Thị D3 là mộ nào trong khu mộ họ Nông ở Đ. Tuy nhiên, ngày 08/8/2023 bà Bế Thị S1 đã có Đơn rút lời khai ngày 03/8/2023 với lý do tuổi cao, sức yếu, lú lẫn, lúc nhớ, lúc quên, trí nhớ giảm sút, tai bị điếc, mắt bị mờ nên cung cấp thông tin không đúng cho Tòa án.

Còn tại Biên bản xác minh 03/8/2023, ông Sầm Văn P5 (sinh năm 1938)cho biết: Ông không có quan hệ gì với hai họ L2 - Nông, gia đình ông có thửa đấtrẫy phía trên (liền kề) khu đất nghĩa địa Đ, từ nhỏ ông đi trồng ngô thì đãthấy ngôi mộ gần bờ rẫy nhưng không biết mộ ai, đã nhiều năm không thấy có người đến tảo mộ. Sau khi được xem sơ đồ trích đo khu đất nghĩa địa Đ ông P5 chỉ ngôi mộ đó chính là mộ đang tranh chấp, ông cũng không thấy có ranh giới đất giữa hai họ là hai hòn đá hay mô đất có trên bãi nghĩa địa Đ. Ông sống ở địa phương từ nhỏ nhưng không thấy có ai tên Pháp M1 người ở vùng khác đến sinh sống và chết ở địa phương. Ngoài ra, tại Biên bản xác minh 03/8/2023, ông Triệu Văn M3 (sinh năm 1948) cho biết: Ông không biết nguồn gốc đất nghĩa địa Đông Sâu và nguồn gốc ngôi mộ đang tranh chấp giữa hai dòng họ Lê -Nông, ông cũng không nghe được thông tin gì về người miền xuôi tên Pháp M1 lên đây làm thầy và chết ở đây. Tại địa phương có tập tục người chết ở thế hệ sau phải chôn dịch về phía dưới so với mộ của người thế hệ trước. Ông M1 có nghe thông tin là bà Lê Thị P3 người họ Lê đi làm dâu dòng họ Nông ở xóm N, khi đến tảo mộ họ Nông thì sang thắp hương mộ bên ngoại là ngôi mộ đang tranh chấp.

Trợ giúp viên pháp lý - bà Hà Thị H2 bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn Hoàng Thị N trình bày: Về ngôi mộ tổ, theo lời khai của nhữngngười làm chứng là những người sinh sống lâu năm tại địa phương, người có đấtgiáp ranh với phần đất tranh chấp bao gồm 24 người làm chứng bên nguyên đơn xác nhận: “Phần mộ do ông Lê Đình K tảo mộ, sau khi ông K chết thì con cháu đi tảo”. Việc dòng họ Lê hàng năm tảo ngôi mộ tổ thể hiện phong tục tập quán đã có từ xa xưa, xuất phát từ đạo lý “uống nước nhớ nguồn”; nhắc nhở mỗi người nhớ về quê hương, nguồn cội. Phong tục tảo mộ là một phong tục tốt đẹp, được truyền qua nhiều thế hệ người Tày, N13 ở Cao Bằng và hiện nay vẫn được giữ gìn và phát huy. Ngoài ra, còn có lời khai của bà Bế Thị S1 (người nhà họ N10) có biết người tên Pháp M1 đến địa phương dạy tào cho ông Lê Đình T19, sau đó ông M1 chết, ông T19 chôn ông M1 ở nghĩa địa Đông Sâu trên đất họ Nông. Do đó, căn cứ vào khoản 1 Điều 5, Điều 14 Bộ luật Dân sự năm 2015, mong Hội đồng xét xử xem xét áp dụng tập quán tảo mộ hàng năm để giải quyết vụ án này, xác định ngôi mộ đang tranh chấp là của dòng họ Lê, yêu cầu họ Nông không được ngăn cản các thành viên họ Lê tảo mộ, chăm nom, quản lý phần mộ này.

Về việc xác định ranh giới khu mộ họ Lê và họ Nông: Ngôi mộ tổ được xácđịnh là của dòng họ L2 và nằm trên phần đất của họ Lê. Khu mộ của dòng họ N10 và họ Lê cả hai họ đều sử dụng ổn định theo ranh giới mà ông Nông Văn N9 và Lê Đình Đ7 đã thoả thuận, không tranh chấp. Không có dòng họ nào chôn cất người chết lấn sang ranh giới này. Tuy nhiên, sự việc bắt đầu phát sinh tranh chấp từ năm 2004, khi họ N10 cho rằng ngôi mộ ở vị trí cao nhất (mộ ông Lê Pháp M1) là mộ tổ của họ Nông (Hoàng Thị D3), từ đó phủ nhận ranh giới từ trước hai họ thống nhất. Thực tế theo sơ đồ kèm biên bản thẩm định tại chỗ ngày 31/3/2023 vẫn còn hai hòn đá làm ranh giới (theo trình bày của nguyên đơn) và chỉ có hai ngôi mộ của họ Nông lấn sang ranh giới họ Lê trong đó có mộ ông Nông Văn Trịnh c năm 2019 sau khi hai bên đã xảy ra tranh chấp, mộ ông Nông Văn P6 (bố của bà Nông Thị Ọ) chôn trong thời kỳ chạy Pháp, mọi người đi sơ tán nên họ L2 không biết.

Còn họ N10 cho rằng ngôi mộ tổ là của họ N10, hàng năm vẫn đến tảo mộ là không có căn cứ, không có người làm chứng cho việc này. Thực tế ông Lê Đình T19 (con nuôi ông Lê Pháp M1) có con gái là Lê Thị P3 làm dâu họ Nông, vẫn có đến tảo mộ bên ngoại và tảo mộ ông Lê Pháp M1, có thể vì thế nên bà Nông Thị N4 (là con gái bà P3) nhầm lẫn cho rằng đây là mộ họ Nông. Ngoài ra họ N10 cho rằng ranh giới là mô đất là không đúng, “mô đất” theo bị đơn chỉ là ngôi mộ của ông Lê Đình H8, tuy rằng không có bia mộ nhưng gia đình có đánh dấu bằng một phiến đá trước mộ.

Từ những lý lẽ trên, mong Hội đồng xét xử xem xét xác định ranh giới khu đất nghĩa địa của dòng họ L2 và dòng họ Nông theo ranh giới phía nguyên đơn đãngôi đền chỉ ở Sơ đồ kèm biên bản thẩm định tại chỗ ngày 31/3/2023.

Trợ giúp viên pháp lý - bà Nông Thị Thu T25 bảo vệ quyền và lợi ích hợppháp cho bị đơn Nông Thị H3 trình bày: Về việc xác định ranh giới của khu mộgiữa 2 dòng họ, căn cứ vào tài liệu có trong hồ sơ vụ án do các cơ quan chức năngcung cấp thì Khu đất nghĩa địa Đông Sâu được thể hiện trên bản đồ địa chính, sổmục kê là thửa đất số 44, tờ bản đồ địa chính số 45, diện tích 20.0060m2, mục đích sử dụng là đất nghĩa địa, người quản lý là Uỷ ban nhân dân xã. Như vậy thửa đất nói trên chưa được cấp cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư nào. Việc họ L2 và họ N10 đang chôn cất người chết trên thửa đất số 44, tờ bản đồ số 45 không vi phạm quy hoạch nông thôn mới xã P, kế hoạch sử dụng đất của huyện Q vì lý do khu đất đã được ghi nhận mục đích sử dụng đất là đất nghĩa địa trên hồ sơ địa chính. Việc xác định ranh giới sử dụng giữa hai họ N10 và họ Lê sẽ được xác định trên cơ sở những chứng cứ của hai bên cung cấp. Vì vậy, về ranh giới cùng đồng nhất với quan điểm của bị đơn, trên cơ sở là tôn trọng những ngôi mộ đã có trên đất, tôi đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ quy định pháp luật xác định ranh giới theo mốc như bị đơn đã trình bày.

Về yêu cầu xác định ngôi mộ tổ tại nghĩa địa Đông Sâu là của họ L2. Theo trình bày của nguyên đơn, ngôi mộ hiện đang tranh chấp là mộ ông Lê Pháp M4 vào tháng 10/1944 được chôn trong đất nghĩa địa Đông Sâu. Ông Lê Pháp M1 là bố nuôi của ông Lê Đình T19. Để chứng minh về nguồn gốc, nguyên đơn đưa những nhân chứng biết đến việc ông Lê Đình K là người thường xuyên đi tảo ngôi mộ trên. Đối với những nhân chứng có lời khai về việc thấy ông Lê Đình K đi tảo mộ và hương khói cho ngôi mộ, những người trên một số người là có quan hệ họ hàng với bên họ L2. Cụ thể, Ông Ma Văn B2, bà Hoàng Thị P2, ông Ma Văn H6, ông Ma Văn T10, bà Ma Thị E1, những lời khai của nhân chứng trên không đảm bảo tính khách quan. Ngoài ra, phía bên nguyên đơn có cung cấp thêm một số nhân chứng khác và có một số nhân chứng do chính bên nguyên đơn cung cấp không biết đến nguồn gốc về ngôi mộ đang tranh chấp cụ thể lời khai của nhân chứng Sầm Đức T26, nhân chứng Sầm Văn T13 (biết ông K đi tảo mộ nhưng không biết tảo mộ ngôi mộ nào). Tại lời khai do Tòa án tiến hành xác minh đối với ông Triệu Văn M3 (sinh năm 1948) không có quan hệ gì với dòng họ N10 và dòng họ L2, ông có 1 đám đất liền kề khu đất nghĩa địa Đ đang tranh chấp (nằm ở phía trên), từ nhỏ ông đi làm rẫy trồng ngô ở đó thì thấy ngôi mộ gần bờ rẫy, nhưng nhiều năm không thấy có người đến tảo mộ, khi được xem sơ đồ trích đo khu đất ông P2 đã chỉ đúng là ngôi mộ đang có tranh chấp, ông cũng có ý kiến là ông sống ở địa phương từ nhỏ đến nay không thấy ai tên Lê Pháp M1 người ở vùng khác đến sinh sống và chết ở địa phương, cũng không nghe ai kể lại về người có họ tên này.

Về phong tục chôn cất của người dân tộc luôn là người chết ở thế hệ sau mộ chôn phải dịch về phía dưới so với mộ của người thế hệ trước; về lời khai của bà S1 có mâu thuẫn với lời khai của bà N: Bà S1 khẳng định họ Lê trộm chôn cụ M1 trên đất họ Nông, còn bà N khai cụ M1 chôn trên đất họ Lê. Ngoài ra, nhìn theo thực trạng của các ngôi mộ tại nghĩa địa Đông Sâu từ hướng đặt các ngôi mộ có thể thấy việc đặt mộ của dòng họ N10 đã phản ánh đúng phong tục tại địa phương. Đối với những ngôi mộ của dòng họ L2, trừ phần diện tích đất đặt ngôi mộ hiện đang tranh chấp thì những ngôi mộ còn lại đều đặt cùng về một phía. Như vậy nếu xác định theo ranh giới mà dòng họ Lê xác định sẽ không phản ánh đúng phong tục tập quán tại địa phương giống như vậy.

Từ những trình bày trên, kính mong Hội đồng xét xử căn cứ quy định pháp luật, tài liệu chứng cứ không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, công nhận ngôi mộ đang tranh chấp là ngôi mộ tổ của dòng họ Nông.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 09/2023/DS-ST ngày 14 tháng 8 năm 2023 của Tòa án nhân dân huyện Q, tỉnh Cao Bằng đã quyết định:

- Căn cứ Điều 203 Luật đất đai; khoản 1 Điều 5: Điều 175 Bộ luật dân sự năm 2015;

- Căn cứ khoản 9 Điều 26, Điều 35; Điều 39: Điều 91: Điều 147; khoản 1 Điều 157; khoản 2 Điều 229; Điều 271 và Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;

- Căn cứ vào điểm d khoản 1 Điều 12: khoản 4 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1.Về yêu cầu khởi kiện:

1.1.Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn họ Lê, có đại diện theo ủy quyền là bà Hoàng Thị N về xác định ngôi mộ tổ tên Lê Pháp M1 tại nghĩa địa Đ là của dòng họ L2, nay xử: Họ Lê gồm: Bà Hoàng Thị N, Bà Lê Thị B, ông Lê Đình Đ, ông Lê Đình Đ1, ông Lê Đình T, bà Nông Thị P, bà Sầm Thị E, ông Lê Đình C, ông Lê Đình T1, ông Lê Đình L, ông Lê Đình T2, ông Lê Tuấn V, ông Lê Đình H9, bà Đàm Thị N1, ông Lê Đình M, ông Lê Đình H1 và ông Lê Đình N2 được quản lý, thờ cúng ngôi mộ tổ tên là Lê Pháp M1 chôn tại nghĩa địa Đ xóm T, xã P, huyện Q, tỉnh Cao Bằng. Nghiêm cấm người ngoài họ L2 có hành vi cản trở việc thắp hương cụ Lê Pháp M1 của dòng họ L2, làm thay đổi hiện trạng ngôi mộ như: Bốc mộ, xây mộ, di rời mộ.....

1.2.Chấp nhận một phần yêu cầu của các nguyên đơn họ Lê, có đại diện theo ủy quyền là bà Hoàng Thị N về xác định ranh giới đất nghĩa địa Đông Sâu, nay xử: Công nhận ranh giới thực tế hiện nay mà hai họ Lê - Nông đang sử dụng đất tại nghĩa địa Đ để chôn người chết; cụ thể, từ ranh giới giáp đất rẫy của ông Sầm Văn P5 là điểm 1 có tọa độ x=2516806.510; y=566549.370; kéo xuống điểm 2 (bên phải góc dưới mộ cụ Lê Pháp M1 - hướng từ trên xuống) có tọa độ x=2516797.610, y=566543.280; kéo tiếp xuống điểm 3 (bên trái góc trên mộ ông Nông Văn T20 -hướng từ trên xuống) có tọa độ x=2516771.940, y=566539.240;

kéo xuống điểm 4 (gần bên trái góc dưới mộ ông Nông Văn T20 và gần bên phải góc trên mộ bà Hoàng Thị Y - hướng từ trên xuống có tọa độ x=2516768.460, trên xuống) có tọa độ x=2516740.500; y=566529.110; kéo xuống lễ đường bê tông y=566537.640; kéo xuống điểm 5 (bên trái cạnh mộ ông Nông Văn B5 - hướng từ trên xuống) có toạ độ x=2516740.500; y=566529.110; kéo xuống lề đường bê tông là điểm 6 có tọa độ x=2516733.370; y=566525.370, nằm trong thửa đất số 44, tờ bản đồ địa chính số 45, có tứ cận ranh giới đất như sau: Phía Đông giáp đất nghĩa địa họ Lê; phía Tây giáp đất nghĩa địa họ Nông; phía Nam giáp đường bê tông xóm; phía Bắc giáp đất rẫy ông Sầm Văn P5. (có sơ đồ trích đo thửa đất ngày 15/8/2023 kèm theo).

Ngoài ra bản án còn quyết định về chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và án phí cho các đương sự.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 25/8/2023, người đại diện theo uỷ quyền của bị đơn ông Nông Văn S có đơn kháng cáo không nhất trí với Bản án dân sự sơ thẩm số 09/2023/DS-ST ngày 14/8/2023 của Toà án nhân dân huyện Q, tỉnh Cao Bằng.

Ngày 14/9/2023 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng ra Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 2116/QĐ-VKS-DS đối với Bản án số 09/2023/DS-ST ngày 14/8/2023 của Toà án nhân dân huyện Q, tỉnh Cao Bằng.

Tại phiên toà phúc thẩm, người đại diện theo uỷ quyền của bị đơn giữ nguyên nội dung kháng cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng giữ nguyên kháng nghị. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án:

Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng căn cứ khoản 2 Điều 132 Luật đất đai năm 2013; khoản 9 Điều 26; khoản 3 Điều 308; khoản 2 Điều 310 BLTTDS năm 2015, chấp nhận toàn bộ kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng, không chấp nhận kháng cáo của đại diện theo uỷ quyền của bị đơn Nông Văn S, huỷ bản án dân sự sơ thẩm số 09/2022/DS-ST ngày 14 tháng 8 năm 2023 của Tòa án nhân dân huyện Q, tỉnh Cao Bằng và chuyển hồ sơ vụ án cho Toà án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

Sau khi xem xét đơn kháng cáo; tài liệu chứng cứ đã được kiểm tra, xem xét tại phiên tòa; kết quả tranh tụng tại phiên tòa; quan điểm giải quyết vụ án của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về tố tụng: Kháng cáo của người đại diện theo uỷ quyền của bị đơn ông Nông Văn S trong thời hạn luật định nên được xem xét giải quyết.

Tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ theo quy định tại khoản 9 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 xác định quan hệ tranh chấp là “Tranh chấp ngôi mộ tổ và tranh chấp ranh giới đất” là không chính xác. Quan hệ tranh chấp trong vụ án này được HĐXX phúc thẩm xác định lại là “Tranh chấp quyền sử dụng đất”.

[2] Xét kháng cáo và căn cứ kháng cáo của người đại diện theo uỷ quyền của bị đơn Nông Văn S:

Tại đơn kháng cáo đề ngày 16/8/2023 người đại diện theo uỷ quyền của bị đơn ông Nông Văn S kháng cáo toàn bộ bản án số 09/20/23/DS-ST ngày 14/8/2023 của Toà án nhân dân huyện Q, tỉnh Cao Bằng.

Hội đồng xét xử xét thấy:

Về nguồn gốc đất: Nguyên đơn, bị đơn đều cho rằng nguồn gốc đất nghĩa địa Đông S2 là do dòng họ Ma chia cho hai họ L2 – N, tuy nhiên cả hai bên đều không có giấy tờ tài liệu thể hiện về diện tích cũng như ranh giới phân chia giữa hai dòng họ.

Tại công văn số 584/UBND-TNMT ngày 10/5/2023 của Ủy ban nhân dân huyện Q xác định: “ Khu đất nghĩa địa Đ được thể hiện trên bản đồ địa chính, sổ mục kê là thửa đất số 44, tờ bản đồ địa chính số 45, diện tích 20.060m2, mục đích sử dụng NTD (đất nghĩa địa), người quản lý là Uỷ ban nhân dân xã quản lý, loại đối tượng UBQ (Uỷ ban nhân dân quản lý)…” Như vậy, khu đất nghĩa địa Đ mà hai dòng họ Lê – N10 đang tranh chấp thuộc sự quản lý của Ủy ban nhân dân xã P, huyện Q, tỉnh Cao Bằng. Việc hai dòng họ L2 – Nông chôn cất người chết trên khu đất nghĩa địa thuộc sự quản lý của Uỷ ban nhân dân xã không vi phạm quy định pháp luật. Tuy nhiên, không công nhận quyền sử dụng đất đối với hai dòng họ L2 - Nông do đó tranh chấp giữa hai dòng họ không có căn cứ để Toà án xem xét. Việc Toà án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không có căn cứ pháp luật. Đối với nội dung kháng cáo của ông Nông Văn S, ngoài lời khai của các nhân chứng không có tài liệu, chứng cứ gì chứng minh, do đó kháng cáo của người đại diện theo uỷ quyền của bị đơn ông Nông Văn S không có căn cứ để xem xét, chấp nhận.

[3] Xét kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng:

HĐXX xét thấy: Trong quá trình giải quyết vụ án, Toà án cấp sơ thẩm có những vi phạm nghiêm trọng sau:

Xác định sai quan hệ tranh chấp, theo quy định tại Điều 105 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định mồ mả trên đất không được coi là tài sản hoặc tài sản gắn liền với đất. Việc các nguyên đơn khởi kiện thực chất là để xác định quyền sử dụng đất từ đó phân chia ranh giới quyền sử dụng đất giữa hai dòng họ. Mặt khác, hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định Toà án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về mồ mả, hài cốt. Do đó, quan hệ tranh chấp trong vụ án này được xác định là “Tranh chấp quyền sử dụng đất”.

Áp dụng sai quy định pháp luật, nhận định giải quyết vụ án không có cơ sở, không khách quan, không đúng theo quy định của pháp luật. Toà án cấp sơ thẩm áp dụng Điều 175 BLDS năm 2015 quy định về Ranh giới giữa các bất động sản là không đúng bởi quy định trên chỉ áp dụng trong trường hợp xác định ranh giới giữa những người có quyền sử dụng đất. Tuy nhiên trong vụ án này, đất tranh chấp là đất nghĩa địa do UBND xã quản lý, chỉ được phép sử dụng chung để chôn cất người chết. Ngoài ra việc lấy lời khai của những người làm chứng để chứng minh nguồn gốc đất là chưa đầy đủ giá trị pháp lý bởi ngoài lời khai không có bất cứ tài liệu chứng cứ nào khác để chứng minh. Toà án cấp sơ thẩm tuyên xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, công nhận ranh giới của phần diện tích đất tranh chấp là áp dụng sai Điều 175 BLDS và khoản 2 Điều 132 Luật đất đai năm 2013 về việc xác định chủ thể có quyền sử dụng đất. Đối với vụ án trên cần xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các đồng nguyên đơn, đối với phần xác định ngôi mộ tổ, do chưa có điều luật áp dụng nên cần áp dụng theo Điều 43 và Điều 45 BLTTDS năm 2015.

Do đó, kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng là có căn cứ nên được chấp nhận.

Với những vi phạm nghiêm trọng nêu trên cần thiết phải huỷ Bản án Dân sự số 09/2023/DS-ST ngày 14/8/2023 của Tòa án nhân dân huyện Q, tỉnh Cao Bằng, giao hồ sơ cho Toà án cấp sơ thẩm để giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

[4] Về án phí phúc thẩm: Bị đơn là người dân tộc thiểu số cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nên được miễn án phí theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 3 Điều 308, khoản 2 Điều 310 BLTTDS; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Không chấp nhận kháng cáo của người đại diện theo uỷ quyền của bị đơn Nông Văn S.

Chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng.

1. Huỷ Bản án dân sự sơ thẩm số 09/20/23/DS-ST ngày 14/8/2023 của Toà án nhân dân huyện Q, tỉnh Cao Bằng. Giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân huyện Q, tỉnh Cao Bằng giải quyết xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm.

2. Tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm và các chi phí tố tụng khác sẽ được giải quyết khi Toà án sơ thẩm thụ lý lại vụ án.

3. Về án phí phúc thẩm: Bị đơn được miễn án phí dân sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

38
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 04/2024/DS-PT về tranh chấp quyền sử dụng đất

Số hiệu:04/2024/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Cao Bằng
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 19/01/2024
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;