Bản án về tranh chấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản số 371/2021/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BẢN ÁN 371/2021/DS-PT NGÀY 22/10/2021 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT, QUYỀN SỞ HỮU VÀ CÁC QUYỀN KHÁC ĐỐI VỚI TÀI SẢN

Ngày 17 tháng 09 năm 2020 và ngày 22 tháng 10 năm 2021, tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 228/2020/TLPT-DS ngày 28 tháng 4 năm 2020 về việc tranh chấp về quyền sử dụng đất, tranh chấp về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản.

Do bản án sơ thẩm số 09/2019/DS-ST ngày 24/10/2019 của Tòa án nhân dân huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội, bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 304/2020/QĐ-PT ngày 16/06/2020; Quyết định hoãn phiên toà dân sự phúc thẩm số: 256/2020/QĐHPT-PT ngày 29 tháng 06 năm 2020; Thông báo mở lại phiên toà số: 584/2020/TB-DS ngày 18 tháng 08 năm 2020; Quyết định hoãn phiên toà dân sự phúc thẩm số: 464/2020/QĐHPT-PT ngày 04 tháng 09 năm 2020; Quyết định tạm ngừng phiên toà số 511/2020/QĐTNPT-PT ngày 17 tháng 09 năm 2020; Thông báo mở lại phiên toà số: 511/2021/TB-DS ngày 08 tháng 07 năm 2021; Thông báo mở lại phiên toà số: 676/2021/TB-DS ngày 07 tháng 10 năm 2021; Quyết định hoãn phiên toà dân sự phúc thẩm số: 474/2021/QĐHPT-PT ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của dòng họ VX: Ông Vương Xuân C, sinh năm 1943; cư trú: Thôn Đ, xã H, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội;

2. Bị đơn: Ông Vương Xuân K, sinh năm 1940, chết ngày 07/03/2020; những người thừa kế quyền và nghĩa vụ của ông Vương Xuân K gồm: Bà Sái Thị D, sinh năm 1950; chị Vương Thị D, sinh năm 1965; chị Vương Thị T, sinh năm 1971; anh Vương Xuân C, sinh năm 1975; chị Vương Thị H, sinh năm 1977.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của anh Vương Xuân C: Luật sư Nguyễn Đức L - Văn phòng luật sư T.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chị Vương Thị D, chị Vương Thị T, chị Vương Thị H: Luật sư Lê Duy H - Văn phòng luật sư T.

3. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

3.1. Bà Sái Thị D, sinh năm 1950; cư trú: Thôn Đ, xã H, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội;

3.2. Anh Vương Xuân C, sinh năm 1975; cư trú: Thôn Đ, xã H, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội;

3.3. Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn; người đại diện theo pháp luật: Ông Phạm Văn M - Chủ tịch; người đại diện theo ủy quyền: Bà Phạm Thị Thu H - Chuyên viên phòng Tài nguyên và Môi trường.

4/ Người kháng cáo:

4.1. Nguyên đơn khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của dòng họ Vương Xuân - ông Vương Xuân C;

4.2. Bị đơn

- ông Vương Xuân K, sinh năm 1940, chết ngày 07/03/2020; những người thừa kế quyền và nghĩa vụ của ông Vương Xuân K: Bà Sái Thị D, sinh năm 1950; chị Vương Thị D, sinh năm 1965; chị Vương Thị T, sinh năm 1971; anh Vương Xuân C, sinh năm 1975; chị Vương Thị H, sinh năm 1977.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn - dòng họ Vương Xuân do ông Vương Xuân C là đại diện theo ủy quyền trình bày:

Các cụ đời trước của dòng họ VX để lại cho con cháu mảnh đất diện tích 360 m2, địa chỉ tại thôn Đ, xã H, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội. Đây là mảnh đất do con cháu đời trước của dòng họ Vương Xuân cung tiến. Theo các tài liệu của Viện Hán Nôm được dịch lại từ tư liệu Hán Nôm của dòng họ VX, xã H có nội dung: Nhà thờ dòng họ VX được xây dựng từ năm 1721, rộng 1 sào đất (tức 360 m2) gồm 03 gian nhà để thờ phụng tổ tiên. Tại nhà thờ họ hiện nay vẫn còn bia đá bằng chữ Hán, theo bản dịch văn bia của PGS.TS Đỗ Thị Hảo đã được viện Hán Nôm xác nhận có nội dung bia được dựng vào tháng 3 niên hiệu Bảo Thái, đến năm 1882 nhà thờ được trùng tu lại trên nền đất cũ để thờ cúng tổ tiên.

Năm 2000, do nhà thờ tiếp tục xuống cấp, nên toàn bộ dòng họ đã họp, có gia đình ông K tham gia và đóng góp. Dòng họ đã nhất trí, quyết định tu sửa lại 03 gian nhà thờ họ trên nền nhà thờ cũ. Đồng thời dòng họ cũng đóng góp kinh phí để làm cho gia đình ông K 03 gian nhà cấp 4 để ở bên cạnh về phía tây nhà thờ trong khu đất của nhà thờ họ.

Năm 2005, nhà thờ họ lại xuống cấp, mối mọt nhiều nên dòng họ đã tiếp tục tu sửa lại vẫn trên nền đất cũ.

Năm 2011, nhà thờ tiếp tục xuống cấp và dòng họ đã quyết định tu sửa thay thế cột và một số chỗ hư hỏng. Thời điểm đó gia đình ông K vẫn đồng ý cùng dòng họ tu sửa lại nhà thờ. Nhưng từ khi tu sửa xong đến nay, gia đình ông K đã tự ý đóng cổng không cho ai trong dòng họ vào để thờ cúng.

Về phần đất của gia đình ông K: Đời trước của gia đình ông Vương Xuân K có 01 miếng đất giáp với nhà thờ họ, nhưng gia đình ông K đã bán đi, chỉ để lại 12 m2. Hiện nay trên khuôn viên mảnh đất đang tranh chấp diện tích 372 m2 có các công trình: 03 gian nhà thờ họ Vương Xuân và 01 sân gạch; 03 gian nhà cấp 4 và 01 sân gạch. Nay, ông Vương Xuân K có hành vi chiếm đoạt toàn bộ diện tích 360 m2 đất của nhà thờ họ, đóng khóa cổng nhà thờ, cản trở và chửi bới những người trong dòng họ đến nhà thờ hương khói, cũng lễ.

Do đó, dòng họ Vương Xuân do ông Vương Xuân C làm đại diện đã khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết những vấn đề sau: 1/ Yêu cầu đòi 360m2 đất tại thửa số 211, tờ bản đồ số 2, xóm 7, thôn Đ, xã H, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội mà ông K quản lý sử dụng để trả lại cho dòng họ Vương Xuân. 2/ Yêu cầu ông Vương Xuân K trả lại nhà thờ và 01 sân gạch để dòng họ Vương Xuân sử dụng làm nơi thờ cúng tổ tiên, thực hiện các sinh hoạt văn hóa cộng đồng. 3/ Buộc ông Vương Xuân K chấm dứt các hành động cản trở, chửi bới những người trong dòng họ đến thắp hương, cúng lễ.

Trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn - ông Vương Xuân K trình bày:

Nguồn gốc đất đang tranh chấp mà ông đang sử dụng là do tổ tiên ông để lại. Ông là trưởng họ của dòng họ Vương Xuân ở thôn Ngô Đại, xã H được thừa hưởng từ đời ông cố, ông nội và bố ông. Khi ông sinh ra đã có 05 gian nhà trên thửa đất, xây từ đời ông nội ông. Trong khuôn viên thửa đất vẫn có 01 tấm bia, ông không biết có từ khi nào, bây giờ vẫn đang nằm trên phần đất ông đang sử dụng. Thửa đất này ông đã được UBND huyện Sóc Sơn cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng (QSD) đất năm 1999 có số vào sổ là 00592. Tuy nhiên, Giấy chứng nhận QSD đất này hiện ông đã làm mất. Ông đã làm thủ tục xin được cấp lại, trong quá trình xét duyệt thì có tranh chấp với dòng họ Vương Xuân. Do vậy, đến nay ông vẫn chưa được cấp lại vì còn phải chờ kết quả giải quyết của cơ quan có thẩm quyền.

Đối với việc chuyển nhượng đất ông K khẳng định gia đình ông không chuyển nhượng diện tích đất nào trong thửa đất hay cạnh thửa đất đang tranh chấp cho gia đình ông Vương Đình Biệu, ông Vương Đình L hay bất cứ hộ nào trong xóm.

Đối với 03 gian nhà thờ mà đại diện dòng họ trình bày là của dòng họ Vương Xuân trên diện tích đất xây lần đầu năm 1721, ông có ý kiến: Năm 2000, dòng họ mới họp thống nhất tu sửa 03 gian để làm nơi thờ cúng các cụ còn để lại cho vợ chồng ông 02 gian. Năm 2011, do 3 gian nhà xuống cấp nên dòng họ tiếp tục tu sửa, nhưng gia đình ông không đồng ý nên đã bắt trói các thành viên gia đình ông, ép để xây nhà thờ họ như hiện nay.

Đối với yêu cầu khởi kiện của dòng họ Vương Xuân ông K không đồng ý, đề nghị dòng họ Vương Xuân muốn thờ cúng thì chuyển 03 gian nhà thờ đi chỗ khác để trả lại mặt bằng cho gia đình ông.

Trong quá trình giải quyết vụ án , người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan - bà Sái Thị D trình bày:

Thửa đất đang tranh chấp mà nhà bà đang sử dụng có diện tích 372 m2 gia đình bà đã sử dụng từ nhiều đời. Bà đề nghị dòng họ Vương Xuân xác định 01 sào và 03 gian nhà thờ họ ghi trong văn bia là nằm ở vị trí nào.

Trong quá trình giải quyết vụ án, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan - anh Vương Xuân C trình bày:

Thửa đất hiện nay bố anh là ông Vương Xuân K đang quản lý có 05 gian nhà từ thời ông nội anh để lại.

Năm 2000, dòng họ Vương Xuân có đến bảo bố anh lập bàn thờ các cụ.

Năm 2011, dòng họ có bàn dỡ nhà để xây 03 gian nhà mới làm nhà thờ họ, gia đình anh không đồng ý nên dòng họ đã trói mọi người trong gia đình anh. Trong thửa đất có 01 văn bia nằm ở vườn từ khi nào anh không biết.

Trong quá trình giải quyết vụ án , pháp nhân (tổ chức) có quyền lợi nghĩa vụ liên quan - UBND huyện Sóc Sơn do bà Phạm Thị Thu H là đại diện theo uỷ quyền trình bày:

Theo thông tin cung cấp tại Văn bản số 1732/CNSS ngày 16/7/2019 của Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội- chi nhánh huyện Sóc Sơn về Giấy chứng nhận QSD có số vào sổ 00592, xã H có nội dung: Giấy chứng nhận số 00592 (giấy chứng nhận cấp trước ngày 01/1/2005, sổ theo dõi cấp giấy chứng nhận không có mục ghi ngày tháng năm cấp giấy chứng nhận) người sử dụng đất là Lương Như Quảng, thửa đất số 152, tờ bản đồ số 01, diện tích 265 m2 tại thôn Cốc Lương, xã H. Sổ theo dõi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xã H không có thông tin về cấp giấy chứng nhận cho ông Vương Xuân K. Về tranh chấp quyền sử dụng đất nhà thờ giữa dòng họ Vương Xuân và ông Vương Xuân K thì đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Tại bản án dân sự sơ thẩm 09/2019/DS-ST ngày 24/10/2019 của Tòa án nhân dân huyện Sóc Sơn đã xử và quyết định:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của dòng họ Vương Xuân đối với ông Vương Xuân K.

2. Giao cho dòng họ Vương Xuân được quản lý, sử dụng 115 m2 đất thổ cư, thửa 211, tờ bản đồ 02 tại thôn Đ, xã H có nhà thờ dòng họ Vương Xuân để làm nơi thờ tự. Có các cạnh cụ thể: Phía Bắc giáp hộ ông L: 15,02m; phía Nam giáp phần đất còn lại của ông K: 15,78m; phía Đông giáp tiểu ngõ: 7,51m; phía Tây giáp phần đất còn lại của ông K: 7,48m (có sơ đồ kèm theo) Buộc ông Vương Xuân K phải tháo dỡ, di rời toàn bộ công trình, cây cối lâm lộc thuộc quyền sở hữu của ông nằm trên phần đất giao cho dòng họ Vương Xuân để bàn giao lại mặt bằng cho dòng họ.

Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 28/10/2019, bị đơn ông Vương Xuân K có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm và cho rằng Toà án cấp sơ thẩm đã áp dụng không đúng quy định của pháp luật làm ảnh hưởng đến kết quả giải quyết vụ án, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông.

Ngày 05/11/2029, nguyên đơn là dòng họ Vương Xuân do ông Vương Xuân C làm đại diện có đơn kháng cáo phần quyết định của bản án sơ thẩm, đề nghị trả cho dòng họ Vương Xuân diện tích toàn bộ 360 m2 là đất của nhà thờ họ.

Quá trình thu thập chứng cứ tại giai đoạn phúc thẩm :

Tại Biên bản làm việc ngày 09/03/2021, UBND xã H cung cấp ý kiến:

Hiện nay, UBND xã H chỉ có Bản đồ địa chính 1/1000 đo vẽ năm 1993, can năm 1994 và được phê duyệt của Sở địa chính Hà Nội ngày 26/11/1996. Thửa đất đang tranh chấp giữa nguyên đơn là dòng họ Vương Xuân với bị đơn là gia đình ông Vương Xuân K thuộc thửa đất số 211, tờ bản đồ 02, diện tích 372 m2. Bản đồ được phê duyệt ngày 26/11/1996 không ghi chủ sử dụng đất nhưng tại sổ mục kê kèm theo trang số 05, thôn Đ thể hiện chủ sử dụng đất là "keng", sổ mục kê này chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Theo sổ địa chính quyển số 04 do UBND xã H quản lý (có 10 quyển, UBND xã cũng không rõ sổ địa chính được lập vào thời điểm nào); tại trang 17, quyển số 4 có ghi: Thửa đất 211, tờ bản đồ số 02, diện tích 372 m2, mục đích sử dụng là đất ở nông thông (L dài); nguồn gốc sử dụng đất Nhà nước công nhận. quyền sử dụng đất, số vào sổ cấp giấy chứng nhận là 591, chủ sử dụng là Vương Xuân K.

Ngoài 03 tài liệu quản lý nhà đất nêu trên thì UBND xã H không có tài liệu nào khác, không có hồ sơ cấp Giấy chứng nhận QSD đất. Các tài liệu trên là tài liệu quản lý, theo dõi đất đai. Do vậy, UBND xã H không khẳng định được ông Vương Xuân K đã được cấp Giấy chứng nhận QSD đất đối với diện tích đang tranh chấp hay chưa. Hiện UBND xã H không có sổ theo dõi việc cấp Giấy chứng nhận QSD đất trên địa bàn xã H.

UBND huyện Sóc Sơn cung cấp ý kiến tại Biên bản làm việc ngày 09/03/2021 và Công văn số 1241/CNSS ngày 07/04/2021:

UBND xã H chỉ có Bản đồ địa chính đo vẽ năm 1993 (Sở địa chính Hà Nội ngày 26/11/1996) là tài liệu chính quy trong hệ thống hồ sơ địa chính.

Thửa đất số 211 (thôn Đ, xã H, huyện Sóc Sơn), tờ bản đồ số 02, bản đồ địa chính đo vẽ năm 1993 (được phê duyệt năm 1996) chưa được UBND huyện Sóc Sơn cấp Giấy chứng nhận QSD đất lần đầu.

Theo sổ theo dõi cấp Giấy chứng nhận QSD đất lưu giữ tại Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội - Chi nhánh Sóc Sơn thì thể hiện không có thông tin về việc đã cấp Giấy chứng nhận QSD cho ông Vương Xuân K; số thứ tự cấp 591 là Giấy chứng nhận QSD số L957271 mang tên ông Vũ Văn T, thôn Cẩm H, xã H huyện Sóc Sơn được cấp đối với thửa đất số 95B, tờ bản đồ 01, diện tích 400 m2.

Tại phiên tòa phúc thẩm: Đi diện các nguyên đơn trình bầy: Nguyên đơn vẫn giữ nguyên các ý kiến đã trình bầy; nguồn gốc toàn bộ đất là của dòng họ Vương Xuân; nhà thờ dòng họ Vương Xuân được xây dựng từ năm 1721; gia đình ông K là trưởng họ nên nhiều đời nay họ để cho ở để trông nom nhà thờ. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận đơn kháng cáo của dòng họ Vương Xuân, buộc gia đình ông Vương Xuân K trả cho dòng họ Vương Xuân nhà thờ họ nằm trên diện tích 360 m2 đất thuộc nhà thờ họ.

Người thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông Vương Xuân K- anh Vương Xuân C trình bầy: Anh vẫn giữ nguyên toàn bộ ý kiến của bố anh là Vương Xuân K đã trình bầy tại cấp sơ thẩm.

Tại cấp phúc thẩm, anh đã nộp cho Tòa án Công văn số 154/UBND ngày 10/09/2020 trong đó có nội dung: Tại sổ mục kê ruộng đất quyển 1, thôn Đ, xã H, huyện Sóc Sơn ghi thửa đất số 211, diện tích 372 m2 chủ hộ Keng. Sổ địa chính tại trang 17, quyển số 4 thửa đất 211 đã được cấp Giấy chứng nhận QSD đất số 591 cho ông Vương Xuân K. Tuy nhiên, tại phiên toà phúc thẩm ngày 22/10/2021, anh xác nhận diện tích đất tranh chấp chưa được cấp Giấy chứng nhận QSD đất lần đầu.

Nguồn gốc đất là của gia đình anh đã ở 4,5 đời. Năm 2000, bố anh là ông Vương Xuân K nghe lời một người trong họ là ông Đ tư vấn là nếu hiến đất để làm nhà thờ để thờ cụ Vương Tướng C thì sẽ được Bộ văn hóa công nhận di tích lịch sử và được cấp tiền. Vì lý do đó nên bố anh đã đồng ý cho dòng họ sửa lại ngôi nhà 05 gian gia đình đang ở thành nhà thờ. Dòng họ Vương Xuân đã tiến hành sửa chữa lớn nhà gồm thay dui mè, xây lại các bức tường, đảo lại ngói thành 03 gian nhà thờ trên nền nhà cũ. Toàn bộ tiền sửa chữa nhà thờ là của dòng họ chia đều cho các đinh đóng; bố anh không đóng. Ngoài ra, cùng với việc sửa lại nhà thờ thì dòng họ đã xây 03 gian cấp 4 cho bố anh ở; chi phí xây nhà thì dòng họ chi trả một phần tiền và bố anh đóng góp một phần tiền. Sau khi sửa xong thành nhà thờ; dòng họ quản lý và sử dụng nhà thờ vào việc cúng giỗ các vị tiền tổ; thắp hương ngày Rằm, mùng Một. Bố anh và bà Sái Thị D ở tại nhà cấp 4 mới xây.

Đến năm 2011, do mãi không thấy Nhà nước công nhận di tích lịch sử; không được cấp tiền nên bố anh đã không đồng ý cho dòng họ Vương Xuân sử dụng nhà thờ nữa; sau đó xẩy ra vụ bắt trói gia đình anh để sửa chữa nhà thờ.

Anh không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Chế và dòng họ Vuương Xuân; anh không đồng ý với bản án sơ thẩm.

Người thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông Vương Xuân K - bà Sái Thị D, chị Vương Thị T, chị Vương Thị H trình bầy: Đồng ý hoàn toàn phần trình bầy của ông Vương Xuân K trong quá trình giải quyết tại cấp sơ thẩm; phần trình bầy của anh Vương Xuân C tại cấp sơ thẩm và phúc thẩm.

Các bên đương sự đã được tiếp cận toàn bộ chứng cứ hai bên xuất trình và do Tòa án cấp phúc thẩm thu thập, không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho anh Vương Xuân C trình bầy bản luận cứ; đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm vì dòng họ Vương Xuân không có quyền khởi kiện; việc hòa giải tại UBND xã không đủ thành phần như quy định tại Luật đất đai năm 2013.

Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chị Vương Thị D, chị Vương Thị T, chị Vương Thị H trình bầy bản luận cứ; đề nghị Hội đồng xét xử sửa bản án sơ thẩm bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội phát biểu ý kiến:

Về thủ tục tố tụng: Thẩm phán và Hội đồng xét xử đã tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự; các đương sự đã thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

Về nội dung: Trong đơn khởi kiện do ông Vương Xuân C ký đơn khởi kiện với tư cách nguyên đơn bảo vệ quyền và lợi ích dòng họ Vương Xuân. Trong quá trình giải quyết tranh chấp, UBND xã H đã tổ chức nhiều lần hòa giải có sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc. Đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên phần nội dung, sửa bản án sơ thẩm về về tư cách nguyên đơn, sửa án phí vì tranh chấp giá ngạch.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh luận công khai tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định:

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về tố tụng:

 [1.1] Về quyền khởi kiện, về tư cách nguyên đơn:

Tại Biên bản họp dòng họ Vương Xuân ngày 23/01/2018 có nội dung: 74 hộ gia đình uỷ quyền cho các ông: Vương Xuân Đ, Vương Xuân C, ông Vương Xuân L, ông Vương Xuân Đ, ông Vương Quốc T, ông Vương Xuân C. Tại Giấy uỷ quyền ngày 04/07/2018, có nội dung 74 hộ (có danh sách kèm theo) uỷ quyền cho các ông: Ông Vương Xuân C, ông Vương Xuân L, ông Vương Xuân Đ. Tại đơn khởi kiện ngày 04/08/2015, 74 hộ gia đình (có danh sách kèm theo) không ký đơn khởi kiện; chỉ có ông Vương Xuân C là người ký đơn khởi kiện và đơn này được thụ lý theo trình tự của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Tại Điều 3 Nghị quyết 01/2020/NQ-HĐTP ngày 05/03/2020 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao quy định “Quyền khởi kiện vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của dòng họ.

1. Thành viên dòng họ có quyền khởi kiện vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của dòng họ theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

2. Dòng họ không phải là nguyên đơn”.

Điều 186 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án”.

Khoản 2 Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định “Cá nhân có đầy đủ năng lực lực hành vi tố tụng dân sự thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi rõ họ tên, địa chỉ nơi cư trú của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, cá nhân đó phải ký tên hoặc điểm chỉ”.

Hội đồng xét xử nhận thấy, bản án sơ thẩm xác định nguyên đơn là 74 hộ trong dòng họ Vương Xuân tại thôn Đ, xã H, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội do các ông Vương Xuân C, ông Vương Xuân L, ông Vương Xuân Đông, ông Vương Quốc Trung là không chính xác; cần xác định ông Vương Xuân C là nguyên đơn khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của dòng họ Vương Xuân. Do vậy, cần sửa bản án sơ thẩm về tư cách nguyên đơn.

[1.2] Về phạm vi khởi kiện, quan hệ pháp luật, thẩm quyền:

Ông Vương Xuân C là nguyên đơn khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của dòng họ Vương Xuân yêu cầu xác định 360 m2 thuộc thửa đất 211, tờ bản đồ số 2, xóm 7, thôn Đ, xã H, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội là của dòng họ Vương Xuân; buộc ông Vương Xuân K là người đang quản lý sử dụng trả lại diện tích đất này; đòi lại nhà thờ; yêu cầu chấm dứt hành vi ngăn cản việc sử dụng nhà thờ. Đây quan hệ tranh chấp là tranh chấp về quyền sử dụng đất, tranh chấp về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản theo quy định tại khoản 2, khoản 9 Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Tài sản tranh chấp là 372 m2 đất và bị đơn là ông Vương Xuân K có địa chỉ tại thôn Đ, xã H, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội. Căn cứ Điều 35, Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án nhân dân huyện Sóc Sơn giải quyết theo thủ tục sơ thẩm vụ án này là đúng quy định của pháp luật.

[1.3] Về thủ tục tiền tố tụng:

Do hai bên phát sinh tranh chấp, ngày 08/12/2011; UBND xã H đã làm việc và hoà giải với đầy đủ thành phần theo quy định của pháp luật nhưng hoà giải không thành. Do vậy, việc thụ lý vụ án là đảm bảo thủ tục tiền tố tụng theo quy định tại khoản 2 Điều 202 Luật đất đai năm 2013.

[1.4] Về chứng cứ:

Tại Biên bản phiên họp về kiểm tra việc giao nộp chứng cứ, tiếp cận, công khai chứng cứ ngày 08/10/2020, Toà sơ thẩm đã công bố các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án do các đương sự nộp và do Toà án thu thập. Các đương sự đã được tiếp cận toàn bộ tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ do hai bên đương sự cung cấp và Toà án thu thập. Các đương sự xác nhận đã nộp đầy đủ các tài liệu, chứng cứ, không xuất trình thêm tài liệu, chứng cứ nào khác, không yêu cầu Toà án triệu tập đương sự khác; không phản đối về các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.

Do vậy, những tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án mà Toà án sử dụng làm căn cứ giải quyết đủ điều kiện là chứng cứ theo Điều 92, 93 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

[1.5] Về người thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông Vương Xuân K: Ngày 07/03/2020, ông Vương Xuân K chết. Theo tài liệu do anh Vương Xuân C cung cấp thì những người thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông Vương Xuân K gồm: Bà Sái Thị D, sinh năm 1950; chị Vương Thị D, sinh năm 1965; chị Vương Thị T, sinh năm 1971; anh Vương Xuân C, sinh năm 1975; chị Vương Thị H, sinh năm 1977. Trong quá trình giải quyết tại cấp phúc thẩm, bà Sái Thị D, chị Vương Thị T, anh Vương Xuân C, chị Vương Thị H tham gia tố tụng và có ý kiến vẫn giữ nguyên những ý kiến và yêu cầu như ông Vương Xuân K trình bầy.

[1.6] Về kháng cáo:

Tại phiên toà ngày 24/10/2019, có mặt ông Vương Xuân C, ông Vương Xuân K. Ngày 29/10/2019, ông Vương Xuân K nộp đơn kháng cáo; ngày 05/11/2019, ông Vương Xuân C nộp đơn kháng cáo. Như vậy, nguyên đơn và bị đơn kháng cáo trong thời hạn luật định; đã nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm. Do đó, kháng cáo đảm bảo về chủ thể, hình thức, nội dung và trong thời hạn kháng cáo theo quy định tại Điều 271, Điều 272, Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Phạm vi kháng cáo: Nguyên đơn - ông Vương Xuân C có đơn kháng cáo phần quyết định của bản án sơ thẩm, đề nghị trả cho dòng họ Vương Xuân toàn bộ diện tích 360 m2 là đất của nhà thờ họ. Ông Vương Xuân K kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm và cho rằng Toà án cấp sơ thẩm đã áp dụng không đúng quy định của pháp luật làm ảnh hưởng đến kết quả giải quyết vụ án, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông.

[1.7] Về việc có mặt, vắng mặt tại phiên toà phúc thẩm:

Toà án đã triệu tập hợp lệ phiên toà lần thứ hai; tại phiên toà phúc thẩm có mặt ông Vương Xuân C, bà Sái Thị D, chị Vương Thị T, anh Vương Xuân C, chị Vương Thị H. Vắng mặt UBND huyện Sóc Sơn và chị Vương Thị D. Trong đó, UBND huyện Sóc Sơn (đã có đơn xin xét xử vắng mặt); chị Vương Thị D đã nhận được lịch phiên tòa, đã làm thủ tục nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp nhưng vắng mặt không có lý do; những người em ruột khác của chị Dự không có yêu cầu hoãn phiên tòa.

Hội đồng xét xử thấy cần xét xử vắng mặt UBND huyện Sóc Sơn và chị Vương Thị D theo quy định tại khoản 2 Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

[2] Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:

[2.1] Xét yêu cầu của nguyên đơn về việc buộc gia đình ông Vương Xuân K trả lại 360m2 đt tại thửa số 211, tờ bản đồ số 2, xóm 7, thôn Đ, xã H, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội mà ông K quản lý sử dụng để trả lại cho dòng họ Vương Xuân:

Về giấy tờ pháp lý của diện tích đất tranh chấp: Đất tranh chấp mang số thửa 211, tờ bản đồ số 02, diện tích 372 m2 tại địa chỉ xóm 7, thôn Đ, xã H, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội. Theo cung cấp của UBND huyện Sóc Sơn tại Biên bản làm việc ngày 09/03/2021; Công văn số 1241/CNSS ngày 07/04/2021 thì thửa đất số 211 (thôn Đ, xã H, huyện Sóc Sơn), tờ bản đồ số 02, bản đồ địa chính đo vẽ năm 1993 (được phê duyệt năm 1996) chưa được UBND huyện Sóc Sơn cấp Giấy chứng nhận QSD đất lần đầu; không có thông tin về việc đã cấp Giấy chứng nhận QSD cho ông Vương Xuân K. Hội đồng xét xử nhận thấy diện tích đất tranh chấp chưa được cấp Giấy chứng nhận QSD đất lần đầu.

Đối với lời khai của nguyên đơn cho rằng nhà thờ được xây dựng từ năm 1721 trên diện tích đất 360 m2 theo bản dịch của Viện Hán Nôm. Tuy nhiên, các thành viên trong dòng họ Vương Xuân không xuất trình được bất kỳ tài liệu, chứng cứ nào chứng minh cho việc nhà thờ được xây dựng từ năm 1721 và được xây trên diện tích đất đang tranh chấp tại thửa đất hiện nay mang thửa 211, tờ bản đồ số 02, diện tích 372 m2 tại địa chỉ xóm 7, thôn Đ, xã H, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội. Theo xác minh tại UBND xã H không có hồ sơ về đất đai của nhà thờ họ, từ đường của dòng họ nào trên địa bàn xã. Hội đồng xét xử nhận thấy không có tài liệu chứng cứ chứng minh việc toàn bộ diện tích của thửa đất 211 là của dòng họ Vương Xuân Đối với lời khai của nguyên đơn cho rằng gia đình ông Vương Xuân K có mảnh đất giáp với nhà thờ họ, nhưng ông K đã bán đi chỉ còn lại 12 m2, Hội đồng xét xử nhận thấy, căn cứ lời khai của ông Vương Đình L, ông Vương Đình B đều xác nhận: Khoảng năm 1975, gia đình ông L có mua một phần mảnh đất của gia đình ông K. Tuy nhiên, sau đó bà Hồng là vợ trước của ông K đã chuộc lại mảnh đất và ông L đã trả lại phần đất đã mua cho gia đình ông K. Hội đồng xét xử nhận thấy việc dòng họ Vương Xuân cho rằng gia đình ông K chỉ còn 12 m2 đất giáp với nhà thờ họ là không có cơ sở.

Đối với lời khai của ông Vương Xuân K khẳng định gia đình ông đã được cấp Giấy chứng nhận QSD đất lần đầu đối với thửa đất số 211, tờ bản đồ số 02, diện tích 372 m2 số vào sổ là 592. Tuy nhiên, tại Công văn số 1732/CNSS ngày 16/7/2019 của Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội, chi nhánh huyện Sóc Sơn đã cung cấp thông tin: Số vào sổ giấy chứng nhận 00592 cấp cho người sử dụng đất là ông Lương Như Quảng, thửa đất số 152, tờ bản đồ số 01, diện tích 265 m2 tại thôn Cốc Lương, xã H. Hội đồng xét xử nhận thấy lời khai của ông Vương Xuân K là không có cơ sở.

Đối với cung cấp của UBND xã H tại Công văn số 154/UBND ngày 10/09/2020 có nội dung: Thửa đất 211 đã được cấp Giấy chứng nhận QSD đất số 591 cho ông Vương Xuân K. Tuy nhiên, tại buổi làm việc ngày 09/03/2021, UBND huyện Sóc Sơn khẳng định: Theo sổ theo dõi cấp Giấy chứng nhận QSD đất trên địa bàn xã H thì không có thông tin việc đã cấp Giấy chứng nhận QSD đất lần đầu cho ông Vương Xuân K. Cũng tại buổi làm việc ngày 09/03/2021, UBND xã H xác nhận: Sổ địa chính số 04 là tài liệu quản lý, theo dõi đất đai. Ngoài ra, UBND xã không có tài liệu nào, hồ sơ về việc cấp Giấy chứng nhận QSD đất lần đầu; không có sổ theo dõi việc cấp Giấy chứng nhận QSD đất lần đầu trên địa bàn xã H nên UBND xã H không khẳng định được ông Vương Xuân K đã được cấp Giấy chứng nhận QSD đất lần đầu đối với diện tích đất tranh chấp hay chưa. Ngoài ra, UBND huyện Sóc Sơn đã xác nhận số thứ tự cấp 591 là Giấy chứng nhận QSD đất số L957271 mang tên ông Vũ Văn Tám, thôn Cẩm Hà, xã H huyện Sóc Sơn được cấp đối với thửa đất số 95B, tờ bản đồ 01, diện tích 400 m2. Hội đồng xét xử nhận thấy cung cấp của UBND xã H tại Công văn số 154/UBND ngày 10/09/2020 là không có căn cứ.

Đối với những văn bản có ý kiến của những người thuộc chi 1 dòng họ Vương Xuân xác nhận việc gia đình ông Vương Xuân K đã ở trên đất từ 4,5 đời; đất do dòng tổ tiên của ông Vương Xuân K để lại. Hội đồng xét xử thấy rằng, những người có ý kiến đều là người có họ hàng gần với ông Vương Xuân K. Hơn nữa, tình tiết gia đình ông Vương Xuân K đã ở nhiều đời trên đất hai bên đương sự đều đã thừa nhận, là tình tiết không cần phải chứng minh. Ngoài ra, những người cung cấp sự việc đều khai những sự việc nghe kể lại từ nhiều đời trước, không có tài liệu chứng cứ chứng minh cho những lời cung cấp này là có căn cứ.

Tại Bản đồ địa chính đo vẽ năm 1993 (được phê duyệt năm1996) thì thửa đất số 211 không ghi chủ sử dụng đất. Tại sổ mục kê kèm theo thể hiện chủ sử dụng đất là "keng". Tuy nhiên, sổ mục kê này chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Hội đồng xét xử nhận thấy Sổ mục kê này không có giá trị là chứng cứ; không có tài liệu thể hiện chủ sử dụng đất của thửa đất số 211 là ông Vương Xuân K hay dòng họ Vương Xuân.

Hội đồng xét xử nhận thấy, không có căn cứ chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc yêu cầu đòi toàn bộ diện tích 360 m2 đất tại thửa số 211, tờ bản đồ số 2, xóm 7, thôn Đ, xã H, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội.

[2.2] Xét yêu cầu của nguyên đơn về việc yêu cầu ông Vương Xuân K trả lại nhà thờ và 01 sân gạch để dòng họ Vương Xuân sử dụng là nơi thờ cúng tổ tiên, thực hiện các sinh hoạt văn hóa cộng đồng:

Tại diện tích đất tranh chấp hiện trạng có nhà thờ dòng họ Vương Xuân và gia đình ông Vương Xuân K cùng sử dụng đi chung cổng, sử dụng chung sân gạch, không phân định ranh giới.

Căn cứ vào Biên bản Hội nghị xác định nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất của dòng họ Vương Xuân và hộ ông Vương Xuân K ngày 30/01/2013; Biên bản Hội nghị xác định nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất tại thửa số 211, tờ bản đồ số 2, diện tích 372m2 (địa chỉ: thôn Đ, xã H, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) ngày 23/12/2015; Báo cáo số 10/BC-UBND ngày 27/02/2013 về kết quả xác định nguồn gốc đất, thời điểm sử dụng đất của dòng họ Vương Xuân và gia đình ông Vương Xuân K của UBND xã H có nội dung: Không xác định được ranh giới đất đâu là của dòng họ, đâu là của riêng gia đình ông Vương Xuân K do việc sử dụng nhiều đời đã không rõ ràng về ranh giới, không phân định không gian thờ cúng và không gian sinh hoạt của gia đình ông K.

Quá trình giải quyết vụ án các bên đương sự đều thừa nhận nhà thờ đã tồn tại trên đất từ trước đến nay. Tuy nhiên, các bên đều không xác định được thời gian xây dựng nhà thờ.

Ông Vương Xuân K cho rằng diện tích đất là của tổ tiên gia đình ông để lại và ông đã ở trên đất 4 đời nay, trên đất có nhà 05 gian, trong đó ba (03) gian là nhà thờ được xây từ đời ông nội ông, ông là trưởng họ của dòng họ Vương Xuân nên được thừa hưởng lại. Trong khuôn viên thửa đất phía ngoài vườn có 1 tấm bia đá, hiện vẫn đang nằm trên đất. Bản thân ông K cũng thừa nhận nhà thờ là của chung dòng họ Vương Xuân; thể hiện ở việc năm 2000, gia đình ông K nhất trí và cùng đóng góp đối với việc tu sửa 03 gian nhà thờ và làm cho gia đình ông K căn nhà cấp 4. Tại phiên toà phúc thẩm, những người thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông Vương Xuân K xác nhận việc năm 2000, ông Vương Xuân K đã đồng ý hiến đất cho dòng họ và đồng thuận để dòng họ tu sửa lại nhà mà gia đình ông K vừa ở, vừa sử dụng làm nơi thờ cúng thành nhà thờ. Dòng họ Vương Xuân đã tiến hành sửa chữa lớn nhà gồm thay dui mè, xây lại tường ngăn, đảo lại ngói thành 03 gian nhà thờ trên nền nhà cũ. Toàn bộ tiền sửa chữa nhà thờ là của dòng họ chia đều cho các đinh đóng. Cùng với việc xây sửa nhà thờ, dòng họ Vương Xuân đã xây 03 gian cấp 4 cho ông Vương Xuân K ở tách biệt khỏi nhà thờ; chi phí xây nhà mới cho ông K thì dòng họ Vương Xuân và ông K cùng chi trả.

Hội đồng xét xử nhận thấy, theo truyền thống và phong tục thờ cúng thì nhà thờ thường do trưởng họ trông nom nhưng không phải là của riêng của gia đình trưởng họ. Từ nhiều đời, dòng họ Vương Xuân và gia đình ông Vương Xuân K đã không có sự tách biệt giữa đất ở và đất sử dụng vào mục đích thờ cúng. Như nhận định ở mục [2.1], dòng họ Vương Xuân không có tài liệu chứng cứ chứng minh việc toàn bộ diện tích thửa đất 211 là của dòng họ Vương Xuân. Tuy nhiên, năm 2000 ông Vương Xuân K đã tự nguyện hiến đất; tự nguyện đồng ý để cho dòng họ Vương Xuân sử dụng nhà gia đình ông đang vừa dùng để ở, vừa dùng để thờ cúng để dòng họ Vương Xuân tu sửa thành nhà thờ chỉ dùng vào việc thờ cúng chung của dòng họ Vương Xuân. Toàn bộ chi phí sửa chữa, tu tạo do cả dòng họ đóng góp. Cùng với việc sửa nhà thờ, dòng họ Vương Xuân đã góp tiền dựng cho gia đình ông K căn nhà 03 gian tại phần đất bên cạnh. Sau khi sửa nhà thờ, dòng họ quản lý và sử dụng nhà thờ này vào việc cúng giỗ các vị tiền tổ vào các dịp giỗ, Tết và tiến hành những nghi thức chung của dòng họ cho đến năm 2011.

Tại Điều 211 Bộ luật dân sự năm 2015 đã có quy định về loại hình đất thuộc đất tôn giáo và nhà thờ họ là thuộc sở hữu chung cộng đồng như sau: “1. Sở hữu chung của cộng đồng là sở hữu của dòng họ, thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, cộng đồng tôn giáo và cộng đồng dân cư khác đối với tài sản được hình thành theo tập quán, tài sản do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm mục đích thoả mãn lợi ích chung hợp pháp của cộng đồng. 2. Các thành viên của cộng đồng cùng quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung theo thoả thuận hoặc theo tập quán vì lợi ích chung của cộng đồng nhưng không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.3. Tài sản chung của cộng đồng là tài sản chung hợp nhất không phân chia.”.

Do đó, yêu cầu khởi kiện của dòng họ Vương Xuân buộc ông K phải trả lại cho dòng họ Vương Xuân nhà thờ là phù hợp với Điều 163, Điều 164, Điều 166 Bộ luật dân sự năm 2015 và có căn cứ chấp nhận. Hội đồng xét xử thấy cần phân định phần diện tích nhà, đất gia đình ông Vương Xuân K đang sử dụng với diện tích nhà thờ chung của dòng họ Vương Xuân để hai bên có thể sử dụng riêng cho mục đích của mỗi bên.

Trên toàn bộ diện tích đất tranh chấp hiện nhà gia đình ông K ở và nhà thờ mái ngói cùng đi ra sân gạch. Việc dòng họ yêu cầu đòi nhà thờ và sân gạch nếu được chấp nhận thì phần nhà gia đình ông K ở sẽ không có lối đi ra ngõ chung. Hội đồng xét xử thấy việc chia phần đất như cấp sơ thẩm là có căn cứ, đảm bảo tách riêng hai diện tích riêng biệt cùng có lối đi ra đường ngõ xóm. Do vậy, cần giữ nguyên diện tích chia như cấp sơ thẩm.

Tuy nhiên, trên phần đất này hiện có phần diện tích nhà chưa có mái có diện tích 9,9 m2 có trị giá 1.365.203 VNĐ * 9,9 m2 * 5% = 675.000 VNĐ; công trình phụ mái ngói diện tích 13,4 m2 có trị giá 2.155.000 VNĐ * 13,4 m2 * 5% = 1.443.000 VNĐ. Đây là tài sản do gia đình ông K tạo dựng. Cần buộc dòng họ Xuân thanh toán cho gia đình ông Vương Xuân K số tiền 2.118.000 VNĐ (hai triệu, một trăm mười tám nghìn) đồng. Những cây cối trên diện tích đất này buộc gia đình ông K di chuyển khỏi diện tích đất trên.

[2.3] Xét yêu cầu của nguyên đơn về việc buộc ông Vương Xuân K chấm dứt các hành động cản trở, chửi bới những người trong dòng họ đến thắp hương, cúng lễ:

Theo truyền thống cúng lễ của nhân dân, nhà thờ là là nơi con cháu dòng họ thờ cúng tổ tiên, làm các nghi lễ cúng giỗ những dịp lễ Tết. Không gian thờ cúng linh thiêng nên việc hành động cản trở, chửi bới những người trong dòng họ đến thắp hương là việc trái đạo đức, trái pháp luật. Tuy nhiên, dòng họ Vương Xuân không chứng minh được việc gia đình ông K đã có các hành vi cản trở, chửi bới những người trong họ đến thắp hương cúng lễ. Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Không ai được quyền ngăn cản các hoạt động tín ngưỡng phù hợp với phong tục, truyền thống và đúng quy định của pháp luật.

[3] Xét yêu cầu kháng cáo của các đương sự:

[3.1] Xét kháng cáo của nguyên đơn:

Về nội dung kháng cáo của nguyên đơn, Hội đồng xét xử xét thấy: Ông Vương Xuân C có đơn kháng cáo, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét buộc ông Vương Xuân K phải trả lại nốt 247,5 m2 đất của nhà thờ và trả lại cho nhà thờ phần sân gạch còn lại. Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện của dòng họ Vương Xuân không xuất trình được tài liệu chứng cứ chứng minh 247,5 m2 đất là của dòng họ Vương Xuân. Do đó, căn cứ vào các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử nhận thấy không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn.

[3.2] Xét kháng cáo của bị đơn:

Về nội dung kháng cáo của bị đơn Hội đồng xét xử xét thấy: Ông Vương Xuân K cho rằng bản án sơ thẩm đã áp dụng pháp luật không đúng xâm phạm đến quyền lợi ích hợp pháp của ông. Quá trình giải quyết tại cấp phúc thẩm, xác định rõ thửa đất 211 là đất hỗn hợp vừa là đất ở của gia đình ông K và đất thờ cúng của dòng họ Vương Xuân; chưa được cấp Giấy chứng nhận QSD đất lần đầu cho gia đình ông K. Bản án dân sự sơ thẩm đã áp dụng Bộ luật dân sự năm 2015, Luật đất đai năm 2013 để giải quyết tranh chấp là đúng quy định của pháp luật.

Về phần công trình xây dựng trên đất, như nhận định trên, Hội đồng xét xử thấy cần buộc dòng họ Vương Xuân thanh toán tiền công trình xây dựng bị phá dỡ. Do đó kháng cáo của ông K được chấp nhận một phần.

Luận cứ bảo vệ của luật sư không phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên không có cơ sở để xem xét chấp nhận.

Phát biểu của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.

Hội đồng xét xử thấy cần áp dụng khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự sửa bản án sơ thẩm.

[4] Về nghĩa vụ chịu án phí:

[4.1] Về nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm:

Ông Vương Xuân C phải chịu án phí dân sự có giá ngạch đối với phần diện tích đất không được chấp nhận; tuy nhiên, ông Chế, sinh năm 1943 là người cao tuổi nên được miễn án phí theo quy định tại Điều 2 Luật người cao tuổi năm 2009.

Ông Vương Xuân K phải chịu án phí dân sự có giá ngạch đối với phần diện tích đất giao cho dòng họ Vương Xuân; tuy nhiên, ông K, sinh năm 1940 là người cao tuổi tại thời điểm kháng cáo nên được miễn án phí theo quy định tại Điều 2 Luật người cao tuổi năm 2009.

[4.2] Về nghĩa vụ chịu án phí phúc thẩm:

Do sửa bản án nên dòng họ Vương Xuân và ông Vương Xuân K không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ :        

- Điều 163, Điều 164, Điều 166, Điều 211, Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2015;

- Điều 160; khoản 2 Điều 202 Luật đất đai 2013;

- Điều 2 Luật người cao tuổi năm 2009;

- Khoản 2, khoản 9 Điều 26; Điều 35, Điều 39; Điều 92, Điều 93, Điều 186; khoản 2 Điều 189; Điều 271, Điều 272, Điều 273; khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự;

- Điều 3 Nghị quyết 01/2020/NQ-HĐTP ngày 05/03/2020 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao;

- Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Xử:

[1] Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Vương Xuân C - nguyên đơn khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của dòng họ Vương Xuân; chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của ông Vương Xuân K - bị đơn (do những người thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông K; sửa bản án sơ thẩm số 09/2019/DS-ST ngày 24/10/2019 của Tòa án nhân dân huyện Sóc Sơn về cách tuyên, cụ thể như sau:

[1.1] Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Vương Xuân C về việc đòi 360 m2 đất tại thửa số 211, tờ bản đồ số 2, xóm 7, thôn Đ, xã H, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội;

[1.2] Chấp nhận yêu cầu của ông Vương Xuân C về việc ông Vương Xuân K (do những người thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông K) phải trả lại nhà thờ và một phần sân gạch để dòng họ Vương Xuân sử dụng là nơi thờ cúng tổ tiên, thực hiện các sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

[1.2.1] Giao cho dòng họ Vương Xuân được quản lý, sử dụng 115 m2 đất thổ cư, thửa 211, tờ bản đồ 02 tại thôn Đ, xã H có nhà thờ dòng họ Vương Xuân để làm nơi thờ tự. Có các cạnh cụ thể: Phía Bắc giáp hộ ông L: 15,02m; phía Nam giáp phần đất còn lại của ông K (do những người thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông K): 15,78m; phía Đông giáp tiểu ngõ: 7,51m; phía Tây giáp phần đất còn lại của ông K: 7,48m (có sơ đồ kèm theo).

[1.2.2] Buộc dòng họ Xuân thanh toán cho gia đình ông Vương Xuân K số tiền 2.118.000 VNĐ (hai triệu, một trăm mười tám nghìn) đồng.

Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật; nếu không có thỏa thuận về mức lãi suất thì quyết định theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

[1.2.3] Buộc ông Vương Xuân K (do những người thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông K) di chuyển cây cối của gia đình ông K đã trồng trên phần đất giao cho dòng họ Vương Xuân để bàn giao lại mặt bằng cho dòng họ Vương Xuân.

[1.3] Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc buộc ông Vương Xuân K (do những người thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông K) chấm dứt các hành động cản trở, chửi bới những người trong dòng họ đến thắp hương, cúng lễ.

Không ai được quyền ngăn cản các hoạt động tín ngưỡng phù hợp với phong tục, truyền thống và đúng quy định của pháp luật.

[2] Về án phí:

Ông Vương Xuân C không phải chịu án phí sơ thẩm và án phí phúc thẩm;

được nhận lại số tiền 300.000 đồng đã nộp theo biên lai số AC/2015/0001280 ngày 14/08/2018 và 300.000 đồng đã nộp theo biên lai số AA/2018/0018212 ngày 05/11/2019 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Sóc Sơn.

Ông Vương Xuân K (do những người thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông K) không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm, phúc thẩm; được hoàn trả lại số tiền 300.000 đồng tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo biên lai số AA//2018/0018194 ngày 29/10/2019 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Sóc Sơn.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Án xử công khai phúc thẩm, có hiệu lực thi hành kể từ ngày tuyên án./

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

373
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tranh chấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản số 371/2021/DS-PT

Số hiệu:371/2021/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Nội
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 22/10/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;