Bản án 13/2024/DS-PT về tranh chấp quyền sử dụng đất lâm nghiệp

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH HÒA BÌNH

BẢN ÁN 13/2024/DS-PT NGÀY 26/04/2024 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT LÂM NGHIỆP

Ngày 26 tháng 4 năm 2024 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 42/2023/TLPT-DS ngày 30 tháng 11 năm 2023 về tranh chấp quyền sử dụng đất lâm nghiệp.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 26/2023/DS-ST ngày 12 tháng 10 năm 2023 của Tòa án nhân dân thành phố H, tỉnh Hòa Bình bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 06/2023/QĐPT-DS ngày 28 tháng 02 năm 2024 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Tổng công ty L - Công ty cổ phần; Địa chỉ trụ sở: 127 L, quận H, thành phố Hà Nội.

Đại diện theo pháp luật: Ông Lê Quốc Kh - Chức vụ: Tổng giám đốc.

Đại diện theo ủy quyền: Ông Trần Mạnh H - Chức vụ: Phó Giám đốc Chi nhánh Tổng công ty L - Công ty cổ phần - Công ty L; Địa chỉ: Tổ 7, phường K, thành phố H, tỉnh Hòa Bình (Văn bản ủy quyền số 203.GUQ/TCT-PC&KSNB ngày 01/02/2024); “có mặt”.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Bà Lê Thị Hải Th - Luật sư Văn phòng Luật sư H thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Hòa Bình; “có mặt”.

2. Bị đơn: Ông Nguyễn Quý K, sinh năm 1947; Địa chỉ: Xóm M, xã Đ, thành phố H, tỉnh Hòa Bình; “có mặt”.

Đại diện theo ủy quyền: Bà Bùi Thị Kim L, sinh năm 1984; Địa chỉ: Số 335 đường C, phường D, quận C, thành phố Hà Nội; “có mặt”.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Bà Tạ Thị P, sinh năm 1953; Địa chỉ: Xóm M, xã Đ, thành phố H, tỉnh Hòa Bình; “có mặt”.

- Anh Nguyễn Quý M, sinh năm 1975; Địa chỉ: Cụm 5, thôn H, huyện Đ, thành phố Hà Nội.

- Chị Nguyễn Thị H, sinh năm 1978; Địa chỉ: Số 18, ngõ 33 Đ, phường L, quận B, thành phố Hà Nội.

- Chị Nguyễn Thị H1, sinh năm 1980; Địa chỉ: Số 85 L, phường N, quận H, thành phố Hà Nội.

4. Người kháng cáo: Bị đơn ông Nguyễn Quý K và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Tạ Thị P.

NỘI DUNG VỤ ÁN

1. Nguyên đơn Tổng công ty L - Công ty cổ phần - Công ty L và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trình bày:

Năm 1986, UBND huyện K ra Quyết định số 02-QĐ/UB điều chỉnh rừng và đất rừng với nội dung giao cho Lâm trường K 5.542 ha.

Ngày 28/3/1998, Lâm trường K cùng một số Lâm trường khác trên địa bàn tỉnh Hòa Bình được sáp nhập lại và đổi tên thành Công ty L theo Quyết định số 19/1998/QĐ-UB của UBND tỉnh Hòa Bình.

Ngày 05/6/1998, UBND tỉnh Hòa Bình ban hành Quyết định số 431/QĐ- UBND về việc chuyển giao Công ty L (thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình) làm đơn vị thành viên hạch toán kinh tế độc lập trực thuộc Tổng công ty L.

Ngày 02/02/2000, UBND tỉnh Hòa Bình ra Quyết định số 07/2000/QĐ-UB về việc bàn giao rừng và đất lâm nghiệp cho Công ty L với tổng diện tích 17.594,4ha. Trong đó diện tích tại huyện K là 5.854 ha.

Ngày 01/02/2008, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành Quyết định số 444/QĐ-BNN-ĐMDN về việc chuyển Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình thành Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hòa Bình.

Ngày 09/12/2013, UBND tỉnh Hòa Bình ban hành Quyết định số 2924/QĐ-UBND về việc cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho Công ty TNHH MTV L với diện tích tại huyện K là 1.663,78 ha để sử dụng xây dựng trụ sở làm việc và sản xuất lâm nghiệp, thời hạn thuê tới ngày 15/10/2043.

Ngày 27/9/2016, Tổng công ty L ban hành Quyết định số 22/QĐ/HĐQT- TCLĐ về việc thành lập Chi nhánh Tổng công ty L - Công ty cổ phần - Công ty L (sau đây gọi tắt là Công ty L) trên cơ sở tổ chức lại Công ty TNHH MTV L.

Ngày 16/4/1998, thực hiện chủ trương giao khoán đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, Công ty L đã lập biên bản tạm thời giao hiện trường trồng rừng nguyên liệu cho ông Nguyễn Qúy K. Biên bản nêu rõ “Đồng ý giao hiện trường trồng rừng khu vực HTX D, xã D, đất Lâm trường K quản lý cho ông Nguyễn Qúy K trồng rừng nguyên liệu cho Công ty”. Thực hiện nội dung trên, từ năm 1998 đến cuối năm 2015, gia đình ông K đã thực hiện 02 chu kỳ trồng rừng liên doanh với Công ty, hai bên cũng đã tiến hành nghiệm thu, khai thác sau mỗi chu kỳ.

Ngày 16/12/2015, gia đình ông K có đơn đề nghị được tiếp tục trồng rừng nguyên liệu chu kỳ 3 năm 2016. Tuy nhiên, từ đầu năm 2016 ông K mới cho rằng diện tích đất lâm nghiệp ông được giao khoán từ Công ty là đất của ông, đã được HTX xóm D cho từ năm 1997 và không đồng ý ký tiếp Hợp đồng, không bàn giao lại đất trồng rừng cho Công ty. Hai bên đã nhiều lần trao đổi, hòa giải nhưng không thành.

Ngày 24/4/2017, Phòng Tài nguyên và môi trường huyện K, UBND xã D, hộ ông K đã tiến hành kiểm tra, rà soát trên bản đồ kèm theo Quyết định số 2924/QĐ-UBND và kết luận trong Biên bản làm việc với nội dung “Toàn bộ khu đất 29,1 ha của hộ ông Nguyễn Qúy K nằm trọn bên trong khu vực giữ lại của Công ty L (các điểm đưa ra là tọa độ trong khu vực rà soát giữ lại) và liên quan các thửa đất 148, 149, 178 thuộc tờ bản đồ số 01, bản đồ rà soát đất đai theo Quyết định 2924/QĐ-UBND”. Đây cũng chính là diện tích đất ông K có tranh chấp với Tổng công ty L.

Như vậy, trải qua nhiều thời kỳ thay đổi về tên gọi, cơ quan chủ quản, đến nay Tổng công ty L là đơn vị có thẩm quyền quản lý, sử dụng hợp pháp đối với 1.663,78 ha đất lâm nghiệp tại thành phố H (tiếp quản lại toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao đất cho Xí nghiệp L huyện K, Công ty L trước đây), trong đó có toàn bộ diện tích 29,1 ha đất lâm nghiệp mà hộ ông K được công ty giao khoán để trồng rừng nguyên liệu.

Cho rằng hộ ông K cố tình chiếm dụng, không trả lại đất lâm nghiệp sau khi kết thúc chu kỳ giao khoán, Tổng công ty L khởi kiện đề nghị Tòa án buộc hộ ông Nguyễn Qúy K chấm dứt hành vi vi phạm QSDĐ hợp pháp của Tổng công ty, phải trả lại toàn bộ diện tích 29,1 ha đất lâm nghiệp cho Tổng công ty; Buộc hộ ông K phải di dời, khai thác toàn bộ các tài sản có trên đất và phải bồi thường thiệt hại do hành vi chiếm giữ trái phép diện tích đất nêu trên.

Tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trình bày:

Tổng công ty L là tổ chức có quyền quản lý, sử dụng hợp pháp đối với diện tích đất lâm nghiệp trước đây được Nhà nước giao cho Xí nghiệp L, Công ty TNHH MTV L, trong đó có 29,1 ha đất lâm nghiệp tại xóm M, xã Đ, thành phố H mà hộ ông K đang tranh chấp. Thời điểm năm 1998, khi ông K nhận trồng rừng nguyên liệu với Xí nghiệp L thì diện tích đất 29,1 ha có tranh chấp đã nằm trong ranh giới 5.542 ha đất mà UBND huyện K giao cho Lâm trường K từ năm 1986. Diện tích, vị trí của 29,1 ha đất tranh chấp không có thay đổi suốt từ năm 1986 cho tới thời điểm ngày 24/4/2017 khi Phòng Tài nguyên và môi trường huyện K, UBND xã D, hộ ông K đã tiến hành kiểm tra, rà soát trên bản đồ; cũng như kết quả trích đo ngày 09/8/2021 của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Hòa Bình.

Ông K cho rằng gia đình ông được ông Th (chủ nhiệm HTX xóm D) cho khoảng 150-200 ha đất đồi núi trọc để canh tác từ năm 1997 nên đất tranh chấp là của gia đình ông. Quan điểm này là không đúng pháp luật bởi ông Th không có thẩm quyền giao đất; cũng không có tài liệu, chứng cứ nào thể hiện ông K có quyền sử dụng đất với 29,1 ha đất đang tranh chấp với Tổng công ty L trong khi 29,1 ha đất nêu trên đã nằm trong ranh giới đất được UBND huyện K giao cho Lâm trường K từ năm 1986.

Ông K cho rằng từ năm 1998, gia đình ông được Lâm trường và HTX xóm D giao trồng rừng không thời hạn, ông đã thực hiện xong 02 chu kỳ trồng rừng nên khi hết hợp đồng thì đất là của ông. Quan điểm này cũng không đúng vì Công ty L chỉ bàn giao đất để hộ ông K canh tác, không phải chuyển quyền sử dụng đất sang cho ông. Cũng tại biên bản bàn giao hiện trường trồng rừng nguyên liệu ngày 16/4/1998 giữa đại diện Lâm trường K, đại diện HTX xóm D, vợ chồng ông K bà P cũng nêu rõ là căn cứ vào diện tích đất đai trong khu vực Lâm trường quản lý từ năm 1986; việc giao cũng chỉ là tạm thời trong khi chờ hoàn thiện hợp đồng trồng rừng nguyên liệu.

Tổng công ty L không chấp nhận yêu cầu phản tố về việc ông K đòi bồi thường số tiền 16 tỷ đồng nếu thu lại đất của ông. Bởi lẽ, sau khi kết thúc chu kỳ 2, Công ty L đã yêu cầu ông K ký tiếp chu kỳ 3 nhưng ông K phản đối và tự ý chiếm giữ đất, thuê người phát dọn, trồng cây, xây nhà tạm trên đất khi không được sự đồng ý của Công ty. Công ty đã nhiều lần giải thích, vận động, ngăn cản, yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm nhưng ông K không thực hiện. Đây là lỗi của ông K. Ngoài ra, theo hợp đồng trồng rừng, Công ty đầu tư vốn cho gia đình ông K về cây giống, kỹ thuật, phân bón, cho vay vốn, tiêu thụ sản phẩm...; gia đình ông K được thanh toán tiền công chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng, chỉ phải nộp một phần sản lượng khai thác về Công ty theo thỏa thuận nên việc ông K đòi bồi thường tiền công sức, đào hào rãnh quanh khu đất, xây nhà trông coi... là không có cơ sở.

Nay Tổng công ty L yêu cầu buộc ông Nguyễn Quý K phải trả lại toàn bộ diện tích 296481.7m2 đất rừng (theo kết quả trích đo ngày 09/8/2021 của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Hòa Bình).

2. Bị đơn ông Nguyễn Qúy K trình bày:

Khoảng tháng 8/1997, ông K lên xin HTX xóm D, xã D (nay là xóm M, xã Đ) đất để sản xuất và được ông Đinh Văn Th (chủ nhiệm HTX) dẫn đến địa điểm đất (hiện giờ đang tranh chấp với Công ty Lâm nghiệp). Ông Th đã cho ông K diện tích đất khoảng 150 ha đến 200 ha. Ông Th có nói rằng diện tích đất trên đỉnh cao là đất của Lâm trường K nên phải đến xin Lâm trường và ông K đã đến Lâm trường xin được sử dụng, canh tác đất đó. Do không có vốn nên ông K có đề nghị vay vốn của Xí nghiệp - Công ty L thì được trả lời rằng nếu muốn vay tiền thì phải thế chấp, hơn nữa đất này là đất của công ty nên nếu ông muốn trồng rừng thì phải ký hợp đồng. Đến cuối năm 1998, ông K được xí nghiệp cho vay khoảng hơn 01 triệu đồng trên 01 ha. Chu kỳ thứ nhất, từ năm 1998 đến năm 2004, gia đình ông đã bán cây cho xí nghiệp thanh toán trả đủ gốc, lãi, công thiết kế,… Chu kỳ thứ hai, từ năm 2005 đến năm 2015 gia đình ông tiếp tục bán cây trả đầy đủ gốc, lãi, các khoản chi khác cho Công ty L. Đến chu kỳ thứ ba, từ năm 2016, ông K tiếp tục trồng, nhưng Công ty L cho người vào chia đất, quấy rối. Ông K cho rằng, gia đình ông không ký bất cứ hợp đồng gì với Công ty L mà chỉ ký hợp đồng với Xí nghiệp L. Trong nội dung hợp đồng chỉ là về việc vay vốn, đồng thời có nội dung nhận khoán đất của xí nghiệp. Và hiệu lực của hợp đồng chỉ đến năm 2014, sau năm 2014 khi hợp đồng hết hiệu lực, đất đó vẫn thuộc quyền sử dụng của ông.

Trong đơn yêu cầu phản tố đề ngày 22/02/2023 và trình bày tại phiên tòa ông K cho rằng, diện tích 29,1 ha đất lâm nghiệp có tranh chấp là đất của gia đình ông. Nếu Tổng công ty L muốn lấy đất đó phải trả cho gia đình ông số tiền là 16 tỷ đồng. Số tiền đó bao gồm công sức gia đình ông bỏ ra để làm đường, xây nhà, đào hào và thiệt hại do 02 lần công ty gây khó khăn, cho người vào phá rừng của ông.

Tại phiên tòa, bị đơn ông K và bà Bùi Thị Kim L (người được ông K ủy quyền) trình bày ý kiến tranh luận:

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, bởi lẽ Công ty L được Nhà nước giao đất từ năm 1986 cho đến năm 1997 (khoảng 12 năm) đã không sử dụng, để hoang hóa khi giao cho ông K là vi phạm quy định về chủ trương chính sách của Nhà nước trong việc quản lý đất đai (theo quy định thì 06 tháng không sử dụng đất thì Nhà nước phải thu hồi); Năm 1998 Công ty L giao đất trồng rừng không có thời hạn nên khi lấy lại rừng và đất thì phải bồi thường cho gia đình ông K 16 tỷ đồng; Tại thông báo quy định về tổ chức trồng rừng năm 1998 có thể hiện người dân là tự liên hệ tìm đất trồng rừng, điều đó đã thể hiện đây không phải là đất của Công ty L. Phía bị đơn cũng yêu cầu đề nghị giám định Quyết định số 02-QĐ/UB ngày 12/12/1986 vì nghi ngờ có sự tẩy xóa và yêu cầu nguyên đơn cung cấp bản đồ quy hoạch của tỉnh Hòa Bình năm 1986.

3. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà Tạ Thị P trình bày:

Bà thống nhất ý kiến như trình bày của ông K. Gia đình bà được HTX xóm D giao một diện tích đất đồi núi trọc, bỏ hoang để sử dụng từ năm 1997. Bà P bác bỏ toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Tổng công ty L đòi gia đình bà phải trả lại 29,1 ha đất lâm nghiệp; đòi gia đình bà phải bồi thường thiệt hại cho Công ty. Nếu Tổng công ty muốn thu hồi diện tích đất nêu trên thì phải bồi thường cho gia đình bà số tiền là 16 tỷ đồng.

4. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là anh Nguyễn Qúy M, chị Nguyễn Thị H, chị Nguyễn Thị H1 có cùng ý kiến trình bày:

Các anh chị thống nhất ý kiến mà ông K, bà P trình bày tại Tòa án và đều khẳng định diện tích 29,1 ha đất lâm nghiệp đang tranh chấp đã được HTX xóm D cho ông K từ năm 1997. Năm 1998, Lâm trường K, Công ty L và HTX xóm D đã kiểm tra thực địa, giao cho ông K khu đất diện tích khoảng 150 ha đến 200 ha và được quyền tổ chức trồng rừng không thời hạn nên việc Công ty L khởi kiện đòi gia đình anh chị phải trả là không đúng. Việc trồng rừng chủ yếu do ông K và bà P đầu tư công sức, tiền bạc, các anh chị lúc đó còn nhỏ, đang đi học nên có đóng góp công sức song không đáng kể. Toàn bộ diện tích 29,1 ha đất lâm nghiệp và tài sản trên đất là của ông K, bà P, các anh chị không có liên quan gì.

Ngày 24/02/2023, Hội đồng định giá đã xác định giá trị của diện tích 29,1 ha (Đất RSX) có giá là: 2.328.000.000 đồng (Hai tỷ ba trăm hai mươi tám nghìn đồng); Công trình nhà tạm + công trình phụ + đường hào xung quanh diện tích đất có giá trị là 423.025.155 đồng (Bốn trăm hai mươi ba triệu không trăm hai mươi lăm nghìn một trăm năm mươi lăm đồng); Cây keo và các loại cây khác trên đất có giá là: 1.054.537.800 đồng (Một tỷ không trăm năm mươi tư triệu năm trăm ba mươi bảy nghìn tám trăm đồng).

Bản án sơ thẩm số 26/2023/DS-ST ngày 12/10/2023 của Tòa án nhân dân thành phố H, tỉnh Hòa Bình quyết định: Căn cứ khoản 9 Điều 26, điểm c khoản 1 Điều 35, điểm c khoản 1 Điều 39, khoản 1 Điều 147, 157, 165, 217, 228, 244, 266, 271, 273 của Bộ luật tố tụng dân sự. Điều 163, 164, 165, 166, 169 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Điều 4, 5, 12, 56, 59, 99, 166, 189, 191, 202, 203 của Luật Đất đai. Điểm đ khoản 1 Điều 12, Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, nộp, miễn, giảm án phí, lệ phí Tòa án. Xử:

- Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là Tổng công ty L - Công ty cổ phần V về việc:

Buộc ông Nguyễn Quý K và bà Tạ Thị P phải trả lại diện tích 296481.7 m2 đất (rừng sản xuất) tại địa chỉ: xóm M, xã Đ, thành phố H, tỉnh Hòa Bình (Vị trí, tọa độ theo kết quả trích đo của Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Hòa Bình ngày 09/8/2021).

Buộc ông Nguyễn Quý K và bà Tạ Thị P phải tháo dỡ, phá bỏ các vật kiến trúc đã xây dựng và di dời toàn bộ tài sản của ông K, bà P trên diện tích đất tranh chấp.

- Đình chỉ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc bồi thường thiệt hại do hành vi chiếm giữ trái phép diện tích 29,1 ha đất rừng của hộ ông Nguyễn Quý K.

- Bác yêu cầu phản tố của bị đơn ông Nguyễn Quý K về việc đề nghị công nhận ông K có quyền sử dụng diện tích 29,1 ha đất đang tranh chấp và yêu cầu Tổng công ty L phải bồi thường số tiền 16 tỷ đồng khi thu hồi lại đất.

- Về chi phí tố tụng: Buộc ông Nguyễn Quý K phải trả cho Tổng công ty L tiền chi phí tố tụng theo quy định của pháp luật với tổng số tiền là 69.119.000 đồng.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 24/10/2023, bị đơn ông Nguyễn Quý K và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Tạ Thị P kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm và yêu cầu làm rõ các căn cứ giao đất rừng 29,1 ha cho Tổng công ty L - Công ty cổ phần V; làm rõ việc để hoang hóa đất trồng rừng 12 năm mà công ty đang ngụy biện, tạo dựng hồ sơ chứng cứ để nhằm chiếm đoạt công sức là tài sản của gia đình ông bà; nếu công ty cho rằng đất của công ty thì phải trả chi phí cải tạo, công sức của gia đình ông bà.

Quá trình thụ lý vụ án tại cấp phúc thẩm, nguyên đơn có văn bản trình bày ý kiến (Văn bản số 32/CT-LN ngày 31/01/2024) như sau:

Việc ông Nguyễn Quý Km cho rằng công ty để hoang đất trồng rừng nhằm chiếm đoạt công sức, tài sản của gia đình ông và yêu cầu công ty phải trả lại các chi phí, công sức mà gia đình đã cải tạo, phía công ty không đồng ý bởi qua các thời kỳ, Tổng công ty L - Công ty cổ phần được Nhà nước giao đất, cho thuê đất đảm bảo đúng quy định. Việc hộ ông Nguyễn Quý K được quản lý, sử dụng diện tích 29,1 ha là do công ty thực hiện chính sách giao khoán đất trồng rừng cho hộ gia đình theo Nghị định số 01-CP ngày 04/01/1995 của Chính phủ ban hành quy định về việc giao khoán đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trong các doanh nghiệp nhà nước và Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 08/11/2005 về việc giao khoán đất nông trường, đất rừng sản xuất và đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản trong các nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh và được thể hiện thông qua Biên bản bàn giao hiện trường trồng rừng ngày 16/4/1998, đơn xin trồng rừng ngày 14/5/2008, hợp đồng giao khoán đất lâm nghiệp số 03 HĐ/KĐ-XN, hợp đồng nguyên tắc trồng rừng nguyên liệu số 03 HĐ/NT-XN… Việc hộ ông Nguyễn Quý K nêu công ty để hoang hóa đất trồng rừng 12 năm là không đúng vì quá trình thực hiện được giao nhiệm vụ hàng năm công ty vẫn thực hiện công tác quản lý rừng, đất rừng; tổ chức trồng rừng theo kế hoạch được nhà nước giao và đến năm 1998 công ty tổ chức trồng rừng đối với diện tích 29,1 ha và có biên bản ngày 16/4/1998 với nội dung "tạm giao hiện trường trồng rừng cho ông Nguyễn Quý K để tổ chức phát dọn và trồng rừng nguyên liệu cho công ty". Việc giao khoán giữa hai bên được thực hiện ổn định, liên tục từ năm 1998 đến năm 2015. Hai bên đã nhận đủ tiền nhân công (tiền phát dọn thực bì, cuốc hố, trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng) và vật tư (cây giống, phân bón) theo đúng đơn giá dự toán đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng trong 02 chu kỳ 1998-2004 và 2008-2015, đến năm 2016 hộ ông K không ký tiếp hợp đồng cũng không chịu trả lại đất.

Hành vi chiếm giữ trái phép diện tích đất rừng của hộ ông K dẫn đến Công ty L không thể sử dụng và thực hiện trồng rừng mới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi công ty. Do vậy, đề nghị Tòa án bác toàn bộ nội dung đơn kháng cáo của ông Nguyễn Quý K và bà Tạ Thị P, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Ngày 10/3/2024, bị đơn ông Nguyễn Quý K có văn bản nêu ý kiến không đồng ý với khoản tiền chi phí tố tụng như quyết định của bản án sơ thẩm cũng như các quyết định khác. Đề nghị cấp phúc thẩm xác minh thực tế khu rừng và những người đã tham gia làm rừng cho hộ ông K; xác minh thực tế về việc đào hào, giữ đất, giữ nước trong khu rừng; giám định lại toàn bộ nội dung của Quyết định số 02 ngày 12/12/1986 cùng hồ sơ liên quan được giao nộp bởi Công ty L; triệu tập cơ quan liên quan là UBND thành phố H để làm rõ hồ sơ địa chính và sở, ngành liên quan của tỉnh về quy hoạch khu đất 29,1 ha.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, các đương sự không thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, ông K, bà P giữ nguyên nội dung kháng cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình phát biểu ý kiến:

Về tố tụng: Quá trình giải quyết vụ án tại cấp phúc thẩm và tại phiên tòa, Hội đồng xét xử, thư ký phiên tòa và các đương sự chấp hành đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự, kháng cáo trong thời hạn luật định, hợp lệ.

Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm bác kháng cáo. Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, không chấp nhận kháng cáo của bị đơn ông Nguyễn Quý K và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Tạ Thị P, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 26/2023/DS-ST ngày 12/10/2023 của Tòa án nhân dân thành phố H, tỉnh Hòa Bình về việc tranh chấp quyền sử dụng đất lâm nghiệp.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và được xem xét, thẩm tra tại phiên tòa cũng như kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1]. Về tố tụng:

1.1. Đơn kháng cáo của bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan kháng cáo trong hạn luật định, hợp lệ, nên được chấp nhận để xem xét. Người không kháng cáo nhưng có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo và những người tham gia tố tụng khác đã được Tòa án triệu tập hợp lệ. Tòa án tiến hành xét xử vụ án theo quy định tại Điều 296 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

1.2. Theo Quyết định số 215/QĐ-TTg ngày 03/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ thì Tổng công ty L có tên gọi là:

- Tên tiếng Việt: Tổng công ty L - Công ty cổ phần.

- Tên giao dịch: Tổng công ty L.

- Tên tiếng Anh: Viet Nam Forestry Corporation - Joint Stock Company - Tên viết tắt: V.

Án sơ thẩm ghi tên gọi là Tổng công ty L - Công ty cổ phần V là không đúng, do vậy cần sửa chữa lại cho đúng tên gọi là: Tổng công ty L - Công ty cổ phần.

[2]. Về nội dung kháng cáo:

2.1. Về nguồn gốc 29,1 ha đất lâm nghiệp tại xóm M, xã Đ, thành phố H, tỉnh Hòa Bình, yêu cầu ông Nguyễn Qúy K phải trả lại cho Tổng công ty L:

Lâm trường K được hình thành từ năm 1962. Tới năm 1983 thì được phân cấp cho UBND huyện K quản lý, đã được cơ quan có thẩm quyền cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cụ thể:

- Quyết định số: 02/QĐ/UB, ngày 12/12/1986 của Ủy ban nhân dân huyện K (nay là thành phố H) điều chỉnh rừng và đất rừng cho Lâm nghiệp K diện tích 5.542,0 ha. (kèm theo Bản đồ tỷ lệ 1:25.000) - Quyết định số: 07/2020/QĐ-UB, ngày 02/02/2000 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về việc bàn giao rừng và đất lâm nghiệp cho Công ty L, tổng diện tích 17.594,4 ha, trong đó có 5.536,8 ha đất có rừng.

- Quyết định số: 2924/QĐ-UBND, ngày 09/12/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về việc cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty TNHH Một thành viên Công ty L tại K, diện tích 1.663,78 ha (nay là Chi nhánh Tổng công ty L - Công ty cổ phần - Công ty L theo Quyết định số 22/QĐ/HĐQT-TCLĐ ngày 27/9/2016 của Tổng công ty Lâ - Công ty cổ phần).

Để xác định 29,1 ha đất tranh chấp có nằm trong phạm vi đất lâm nghiệp mà nay là Tổng công ty L được sử dụng hợp pháp hay không, ngày 30/6/2021, Tòa án tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ xác định vị trí đất tranh chấp. Ông K cho rằng đây là đất của ông, phản đối việc đo đạc, không chỉ dẫn ranh giới. Theo chỉ dẫn ranh giới đất tranh chấp của ông Trịnh Nhân T - đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn, có sự chứng kiến của chính quyền địa phương, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Hòa Bình đã cắm 14 tọa độ điểm mốc, xác định thửa trích đo số 444, tờ bản đồ số 02 mà gia đình ông K đang sử dụng có diện tích 296481.7 m2, nằm trọn trong thửa 407, diện tích 1988318.2m2 đất lâm nghiệp đã được UBND tỉnh Hòa Bình cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho Công ty TNHH MTV L theo Quyết định số 2924/QĐ-UBND ngày 09/12/2013. Kết quả trích đo này cũng phù hợp với Biên bản kiểm tra, rà soát trên bản đồ kèm theo Quyết định số 2924/QĐ-UBND mà Phòng Tài nguyên và môi trường huyện K, UBND xã D, Công ty L, hộ ông K thực hiện ngày 24/4/2017, nội dung nêu rõ: “Toàn bộ khu đất 29,1 ha của hộ ông Nguyễn Qúy K nằm trọn bên trong khu vực giữ lại của Công ty L (các điểm đưa ra là tọa độ trong khu vực rà soát giữ lại) và liên quan các thửa đất 148, 149, 178 thuộc tờ bản đồ số 01 bản đồ rà soát đất đai theo Quyết định 2924/QĐ-UBND”.

Trong biên bản làm việc này, ông K thừa nhận phần diện tích Công ty L được giao và cho thuê trùng vào diện tích của gia đình ông đang sử dụng.

Tại văn bản trả lời số 1562/STNMT-QLĐĐ ngày 03/6/2021 của Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Hòa Bình có nội dung:

- Quyết định số 2924/QĐ-UBND ngày 09/12/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về việc cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty TNHH Một thành viên L tại huyện K, diện tích 1.663,78 ha, hồ sơ bao gồm:

Biên bản thẩm tra hồ sơ ngày 09/10/2013;

Biên bản mô tả ranh giới, mốc giới ngày 09/10/2013;

Đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất cho của Công ty TNHH Một thành viên Công ty L ngày 14/10/2013;

Báo cáo rà soát hiện trạng sử dụng đất số 325/BC- CTTNHH ngày 14/10/2013 Công ty TNHH Một thành viên Công ty L;

Tờ trình số 301/TTr-STNMT ngày 29/11/2013 của Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Hoà Bình về việc cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất cho Công ty TNHH Một thành viên Công ty L tại huyện K.

- Lý do Công ty L đến nay chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Quyết định số 2924/QĐ-UBND ngày 09/12/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình là do: “chưa bóc tách đường giao thông, đường điện, sông suối, khe rãnh, đất dốc không trồng được rừng”.

Căn cứ vào hồ sơ vụ án và kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ trích đo xác định diện tích và vị trí ngày 18/8/2021 của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Hòa Bình cho thấy việc chưa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty L không làm thay đổi diện tích đã được cấp theo Quyết định số 2924/QĐ-UBND ngày 09/12/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình.

Điều 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về trường hợp sử dụng đất lấn, chiếm đã được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất cho các nông trường, lâm trường quốc doanh, Ban quản lý rừng, trung tâm, trạm, trại, công ty nông nghiệp, lâm nghiệp như sau: “Trường hợp lấn, chiếm đất kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2004 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2014, đang sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp và hiện nay diện tích đất này vẫn được xác định giao cho nông trường, lâm trường quản lý, sử dụng thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thu hồi đất lấn, chiếm để trả lại cho nông trường, lâm trường”.

Như vậy, toàn bộ các tài liệu, chứng cứ mà nguyên đơn cung cấp nêu trên có căn cứ để chứng minh trong quá trình hoạt động, mặc dù đã trải qua nhiều lần sắp xếp đổi mới mô hình quản lý, tổ chức, tên gọi; điều chỉnh ranh giới, diện tích đất lâm nghiệp được Nhà nước giao, cho thuê, đến nay, Tổng công ty L là đơn vị quản lý đất theo quy định.

2.2. Việc ông K cho rằng toàn bộ diện tích đất công ty đang khởi kiện để buộc ông phải trả lại cho công ty là không đúng vì vào năm 1997, ông K xin HTX xóm D, xã D (nay là xóm M, xã Đ) đất để sản xuất và được ông Đinh Văn Th (chủ nhiệm HTX) dẫn đến địa điểm đất (hiện giờ đang tranh chấp với Công ty L). Ông Th đã cho ông K diện tích đất khoảng 150 ha đến 200 ha. Ông Th có nói rằng diện tích đất trên đỉnh cao là đất của Lâm trường K nên phải đến xin Lâm trường và ông K đã đến Lâm trường xin được sử dụng, canh tác đất đó. Do không có vốn nên ông K có đề nghị vay vốn của Xí nghiệp - Công ty L thì được trả lời rằng nếu muốn vay tiền thì phải thế chấp, hơn nữa đất này là đất của công ty nên nếu ông muốn trồng rừng thì phải ký hợp đồng. Đến cuối năm 1998, ông K được xí nghiệp cho vay khoảng hơn 01 triệu đồng trên 01 ha. Chu kỳ thứ nhất, từ năm 1998 đến năm 2004, gia đình ông đã bán cây cho xí nghiệp thanh toán trả đủ gốc, lãi, công thiết kế,… Chu kỳ thứ hai, từ năm 2005 đến năm 2015 gia đình ông tiếp tục bán cây trả đầy đủ gốc, lãi, các khoản chi khác cho công ty L.

Tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án thể hiện:

01 giấy viết tay ngày 18/10/1997 của chủ nhiệm HTX xóm D ông Đinh Văn Th có nội dung “đồng ý cho ông K, khu đất từ suối M đến suối (đ) DT (diện tích) khoảng 150-200 ha thuộc đất đồi núi trọc để ông khai hoang phục hóa cải tạo đất để trồng và sử dụng sx (sản xuất). Phần đất nói trên thuộc địa bàn HTX xóm D quản lý vì chưa có chủ sở hữu...”. HTX xóm D thừa nhận họ chỉ quản lý tạm thời khi chưa có chủ sở hữu và theo Điều 24 Luật đất đai năm 1993, Điều 6 Thông tư 06-LN/KL ngày 18/6/1994 của Bộ Lâm nghiệp hướng dẫn thi hành Nghị định 02/CP ngày 15/01/1994 về giao đất lâm nghiệp thì HTX xóm D không phải chủ thể có thẩm quyền giao đất lâm nghiệp, ông Đinh Văn Th (nguyên chủ nhiệm HTX xóm D) cũng đã xác nhận không có việc cho đất hoặc bán đất cho ông K (BL 169).

Tại Biên bản bàn giao hiện trường trồng rừng nguyên liệu lập ngày 16/4/1998 cũng nêu rõ “Tạm thời giao hiện trường đất trống cho ông K để tổ chức phát dọn và trồng rừng nguyên liệu. Diện tích khoảng 150-200 ha; ranh giới từ khu suối M đến suối Đ, suối C…” (BL 220).

Trong đơn xin nhận đất trồng rừng ngày 30/5/1998 (BL 463), ông K, đại diện Công ty L (ông Trịnh Nhân T) và cán bộ khuyến lâm địa bàn có nêu “gia đình tôi đã cùng ông bà cán bộ khuyến lâm địa bàn và cán bộ kỹ thuật của xí nghiệp đi tìm chọn và xác định hiện trường tại xóm D, xã D, K, Hòa Bình có một khu đất trống chưa có rừng trồng khoảng 100 ha là đất thuộc Xí nghiệp L quản lý".

Tại giấy chứng nhận giao đất lâm nghiệp để trồng rừng số 01-CN/GĐTR ngày 25/6/1998 của Công ty L (BL 464) có nêu “nay tạm thời giao đất với diện tích, địa điểm theo trong đơn để gia đình ông bà K đưa vào thiết kế và triển khai trồng rừng nguyên liệu… phải trả đất cho xí nghiệp để tiếp tục giao trồng rừng chu kỳ tiếp theo...nếu gia đình ông bà Kkhi nhận đất rừng mà không quản lý sử dụng đúng mục đích yêu cầu của hợp đồng…thì xí nghiệp cắt hợp đồng và thu hồi lại toàn bộ diện tích…”.

Tại Biên bản giải quyết vụ việc ngày 16/12/2015 của UBND xã D (BL 626) ông K có ý kiến: “Gia đình tôi có ký hợp đồng với xí nghiệp lâm trường Kỳ Sơn từ năm 1998 đến năm 2015, gia dình tôi có đóng góp đầy đủ các khoản theo hợp đồng với xí nghiệp”; Ngày 16/12/2015 ông K cũng có đơn đề nghị được tiếp tục trồng rừng nguyên liệu chu kỳ 3 năm 2016 nhưng sau đó không thực hiện việc ký hợp đồng theo quy định.

Như vậy, hộ gia đình ông K chỉ được Công ty L giao đất để trồng rừng nguyên liệu theo hợp đồng đã ký kết với công ty. Ông K cho rằng diện tích đất tranh chấp thuộc đất theo Nghị định 02/NĐ-CP của Chính Phủ nhưng không cung cấp tài liệu chứng minh.

2.3. Về yêu cầu Tổng Công ty L phải bồi thường cho ông K số tiền 16 tỷ đồng khi thu hồi lại phần đất có tranh chấp:

Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa ông K trình bày, trên diện tích 29,1 ha đất, ông đã phải đầu tư 10 tỷ đồng vốn (trong đó đào hào để ngăn trâu bò, làm nhà, đầu tư vào khu đất…); ông phải theo kiện tại Tòa án 07 năm (vụ án tranh chấp với ông Đinh Hữu T1) dẫn đến trâu bò phá hoại rừng vì không trông nom được, thiệt hại là 04 tỷ đồng; tháng 12/2015 Công ty L đã tự ý phá hoại rừng của ông, thiệt hại 02 tỷ đồng.

Cấp sơ thẩm đã ra yêu cầu cung cấp tài liệu chứng cứ số: 16/YC-TA ngày 31/3/2023, tuy nhiên ông K không cung cấp được cho Tòa án các chứng cứ, tài liệu để chứng minh những thiệt hại này nên không có cơ sở để chấp nhận yêu cầu bồi thường của ông Nguyễn Quý K.

Khoản 1 Điều 6 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định: “1. Đương sự có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, yêu cầu bảo vệ quyền và lợi hợp pháp của người khác có quyền và nghĩa vụ thu thập, cung cấp chứng cứ, chứng minh như đương sự.” Cấp sơ thẩm đã đánh giá nhận định để không chấp nhận yêu cầu Tổng công ty L phải bồi thường cho ông K số tiền 16 tỷ đồng khi thu hồi lại phần đất có tranh chấp là có căn cứ. Tại giai đoạn xét xử phúc thẩm phía bị đơn cũng không cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ mới chứng minh cho yêu cầu của mình, nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo về nội dung này.

2.4. Về chi phí tố tụng:

Cấp sơ thẩm nhận định: Đối với chi phí cho việc định giá tài sản, số tiền là 61.428.000đ và tiền trích đo diện tích đất là 7.691.00đ. Nay do yêu cầu của nguyên đơn được chấp nhận nên bị đơn phải chịu khoản chi phí này. Hiện phía nguyên đơn đã chi phí số tiền trên nên ông K phải có nghĩa vụ trả số tiền này cho Tổng công ty L.

Nhận thấy: Bị đơn ông K cho rằng việc thẩm định, định giá xuất phát từ ý chí của người khởi kiện chứ không phải từ phía ông nên ông không đồng ý với quyết định này. Tuy nhiên, quá trình giải quyết tại cấp sơ thẩm ông có yêu cầu phản tố đòi Tổng công ty L phải bồi thường cho ông số tiền 16 tỷ đồng nên trong quá trình tố tụng, cấp sơ thẩm tiến hành thẩm định, định giá là đúng. Kết quả của thẩm định, định giá là cơ sở để đánh giá vụ án.

Căn cứ Điều 165 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định về nghĩa vụ chịu chi phí định giá tài sản như sau: "Trường hợp các bên đương sự không có thỏa thuận khác hoặc pháp luật không có quy định khác thì nghĩa vụ chịu chi phí định giá tài sản được xác định như sau: 1. Đương sự phải chịu chi phí định giá tài sản nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận;".

[3]. Như vậy, việc thu thập chứng cứ và chứng minh tại cấp sơ thẩm đã được thực hiện đầy đủ và theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo không xuất trình được tài liệu, chứng cứ nào mới được pháp luật chấp nhận nên không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn. Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự, không chấp nhận kháng cáo của ông Nguyễn Quý K và bà Tạ Thị P, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 26/2023/DS-ST ngày 12/10/2023 của Tòa án nhân dân thành phố H, tỉnh Hòa Bình.

[4]. Về án phí phúc thẩm: Do kháng cáo không được chấp nhận, bị đơn ông Nguyễn Quý K và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Tạ Thị P phải chịu án phí dân sự phúc thẩm nhưng do ông K và bà P là người cao tuổi (trên 70 tuổi) nên thuộc trường hợp được miễn án phí.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn ông Nguyễn Quý K và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Tạ Thị P; giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 26/2023/DS-ST ngày 12/10/2023 của Tòa án nhân dân thành phố H, tỉnh Hòa Bình, cụ thể:

Căn cứ khoản 9 Điều 26, điểm c khoản 1 Điều 35, điểm c khoản 1 Điều 39, khoản 1 Điều 147, 157, 165, 217, 228, 244, 266, 271, 273 của Bộ luật tố tụng dân sự. Điều 163, 164, 165, 166, 169 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Điều 4, 5, 12, 56, 59, 99, 166, 189, 191, 202, 203 của Luật Đất đai. Điểm đ khoản 1 Điều 12, Điều 26 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, nộp, miễn, giảm án phí, lệ phí Tòa án. Xử:

1. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là Tổng công ty L - Công ty cổ phần về việc:

- Buộc ông Nguyễn Quý K và bà Tạ Thị P phải trả lại diện tích 296481.7m2 đất (rừng sản xuất) tại địa chỉ: xóm M, xã Đ, thành phố H, tỉnh Hòa Bình (Vị trí, tọa độ theo kết quả trích đo của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Hòa Bình ngày 09/8/2021).

- Buộc ông Nguyễn Quý K và bà Tạ Thị P phải tháo dỡ, phá bỏ các vật kiến trúc đã xây dựng và di dời toàn bộ tài sản của ông K, bà P trên diện tích đất tranh chấp. Cụ thể: Phá bỏ 01 nhà ở (01 tầng, lợp tôn liên doanh, không có WC khép kín, quét vôi v, điện đồng bộ) + công trình phụ; Phá bỏ nền sân xi măng trước bếp, sau bếp; Tháo dỡ mái hiên sân trước bếp, sau bếp (Mái tôn liên doanh dày 0,4mm); Phá bỏ 01 bể nước; Khai thác, di dời toàn bộ cây trồng trên diện tích đất tranh chấp.

2. Đình chỉ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc bồi thường thiệt hại do hành vi chiếm giữ trái phép diện tích 29,1 ha đất rừng của hộ ông Nguyễn Quý K.

3. Bác yêu cầu phản tố của bị đơn ông Nguyễn Quý K về việc đề nghị công nhận ông K có quyền sử dụng diện tích 29,1 ha đất đang tranh chấp và yêu cầu Tổng công ty L phải bồi thường số tiền 16 tỷ đồng khi thu hồi lại đất.

4. Về chi phí tố tụng: Buộc ông Nguyễn Quý K phải trả cho Tổng công ty L tiền chi phí tố tụng theo quy định của pháp luật với tổng số tiền là 69.119.000 đồng (Sáu mươi chín triệu một trăm mười chín nghìn đồng).

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

5. Về án phí sơ thẩm: Miễn nộp tiền án phí cho bị đơn ông Nguyễn Quý K. Trả lại cho Tổng công ty L số tiền 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự thành phố H theo biên lai số 0006933 ngày 24/7/2020.

6. Về án phí phúc thẩm: Miễn nộp tiền án phí cho bị đơn ông Nguyễn Quý K và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Tạ Thị P.

7. Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án (26/4/2024).

Trong trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự. Người được thi hành án, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

172
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 13/2024/DS-PT về tranh chấp quyền sử dụng đất lâm nghiệp

Số hiệu:13/2024/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hoà Bình
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 26/04/2024
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;