Bản án về tranh chấp quyền sử dụng đất của cơ sở tôn giáo số 56/2023/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH

BẢN ÁN 56/2023/DS-PT NGÀY 23/02/2023 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Vào ngày 23 tháng 02 tháng năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 399/2022/TLPT-DS ngày 03 tháng 11 năm 2022, về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất”.

Do Bản án Dân sự sơ thẩm số: 39/2022/DS-ST ngày 26 tháng 9 năm 2022, của Toà án nhân dân huyện BC, tỉnh Tây Ninh bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 10/2023/QĐXXPT-PT ngày 09 tháng 01 năm 2023, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: A.

Địa chỉ trụ sở: Phường 3, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Phạm Đình Kh, pháp danh: Hòa thượng Thích Niệm Th, là Trưởng Ban Trị sự, Trưởng Ban Tăng sự. (có đơn đề nghị xét xử vắng mặt) - Bị đơn:

+ Bà Đỗ Thị T, sinh năm 1960; ông Bùi Văn D, sinh năm 1963. Cùng cư trú tại: Ấp CX, xã TP, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh.

+ Bà Đỗ Thị H, sinh năm 1970; ông Lê Văn H1, sinh năm 1971. Cùng cư trú tại: Ấp XM1, xã TP, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh.

+ Ông Đỗ Thành D2, sinh năm 1979; bà Đỗ Thị H1, sinh năm 1980. Cùng cư trú tại: Ấp XM1, xã TP, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Đỗ Văn Gi, sinh năm 1934, cư trú tại: Ấp XM1, xã TP, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh.

Người đại diện theo ủy quyền của bà Đỗ Thị H, ông Lê Văn H1, ông Đỗ Thành D2, bà Đỗ Thị H1, bà Đỗ Thị T, ông Bùi Văn D, ông Đỗ Văn Giãng: Ông Nguyễn Văn D3, sinh năm 1963, cư trú tại: Khu phố TBC, thị trấn Gò Dầu, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. (có mặt)

- Người kháng cáo: Ông Phạm Đình Kh là người đại diện theo pháp luật của nguyên đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

- Theo đơn khởi kiện và trong quá trình tham gia tố tụng, ông Phạm Đình Kh là người đại diện theo pháp luật của nguyên đơn A trình bày:

Vào năm 1950, cụ Huỳnh Thị M hiến cho Chùa Phước L 04 ha đất, tọa lạc tại RTL, nay là: Ấp V3, xã A Th, huyện BC, tỉnh Tây Ninh, có lập “Tờ cho chấn đứt ruộng còn dành để huê lợi” ghi ngày 18-4-1950, có Trụ trì Chùa Phước L lúc bấy giờ là ông Hồ Văn T2 ký tên, được Làng GL, tỉnh Tây Ninh, thuộc Nam phần Việt Nam chứng nhận, đất có tứ cận: Đông giáp Sông Cái; Tây giáp rừng làng; Nam giáp đất ông L2; Bắc giáp RTL.

Ngay sau khi cụ M lập tờ cho đất, Chùa Phước L cho cụ Đỗ Văn H4(là ông nội của các bị đơn) thuê 04 ha đất này để cụ H canh tác và trả lúa hàng năm.

Sau năm 1975, cụ H4 chết, con cụ H4 là ông Đỗ Văn Gi (cha ruột của các bị đơn) tiếp tục thuê đất và trả lúa hàng năm.

Vào năm 2017, con trai ông Gi là Đỗ Thành D2 vẫn còn trả 1.500.000 đồng tiền thuê đất, có “Biên nhận” ghi ngày 10-5-2017.

Nay Chùa Phước L cần lấy lại đất để sử dụng thì phát hiện các con của ông Gi, gồm: Bà Đỗ Thị T, ông Bùi Văn D đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 5.000 m2, thuộc thửa 190; bà Đỗ Thị H, ông Lê Văn H1 đứng tên 5.000 m2, thuộc thửa số 189; ông Đỗ Thành D2, bà Đỗ Thị H1 đứng tên 8.434,7 m2, thuộc các thửa: 1, 4, 185, 187.

Do Chùa Phước L là thành viên của A, tỉnh Tây Ninh, tài sản của Chùa Phước L là tài sản của A, tỉnh Tây Ninh nên A, tỉnh Tây Ninh khởi kiện bà Đỗ Thị T, ông Bùi Văn D; bà Đỗ Thị H, ông Lê Văn H1; ông Đỗ Thành D2, bà Đỗ Thị H1 yêu cầu trả lại các thửa đất nêu trên cho A, tỉnh Tây Ninh và Chùa Phước L.

- Các bị đơn, gồm: Bà Đỗ Thị T, ông Bùi Văn D; bà Đỗ Thị H, ông Lê Văn H1; ông Đỗ Thành D2, bà Đỗ Thị H1 và người đại diện theo ủy quyền là ông Nguyễn Văn D3 trình bày:

Vào năm 1940 cụ Đỗ Văn H (là ông nội của các bị đơn) thuê 05 ha đất lúa của cụ Huỳnh Thị M (tên thường gọi là Ban Tiên), khi thuê không lập giấy tờ, cụ H canh tác, trả lúa hàng năm cho cụ M.

cụ H cùng với con trai là ông Đỗ Văn Gi (cha ruột của các bị đơn) sử dụng đất đến khi cụ M chết, do cụ M không có cH1 con nên gia đình cụ H không trả lúa hàng năm nữa.

Đến sau giải phóng 1975 thì giao lại cho Nhà nước khoảng hơn 01 ha để đưa vào tổ sản xuất, phần đất còn lại cụ H giao cho ông Gi tiếp tục canh tác.

Năm 1990 cụ H chết, ông Gi thừa hưởng đất này, tiếp tục canh tác, có nộp thuế đất hàng năm cho Nhà nước, ông Gi kê khai đăng ký, năm 2004 được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diện tích 20.976 m2, không ai tranh chấp.

Năm 2019, ông Gi phân chia đất cho các con, gồm: Bà Đỗ Thị T, ông Bùi Văn D; bà Đỗ Thị H, ông Lê Văn H1; ông Đỗ Thành D2, bà Đỗ Thị H1.

Cụ H, sau đó là ông Gi là người trực tiếp sử dụng đất từ năm 1940 đến nay đã trên 30 năm, ông Gi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp, tặng cho các con hợp pháp.

Vì vậy, các bị đơn không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Đỗ Văn Gi và người đại diện theo ủy quyền là ông Nguyễn Văn D3 trình bày:

Cụ M có khoảng 19 ha đất tại khu vực RTL (thuộc ấp V3, xã A Th hiện nay), cho nhiều người thuê, trong đó có cụ H thuê khoảng 05 ha vào năm 1940, khi thuê không làm giấy tờ. cụ H canh tác, trả lúa cho cụ M hàng năm đến khi cụ M chết, do cụ M không có người thân nào hưởng tài sản nên gia đình cụ H tiếp tục canh tác mà không phải trả tiền thuê đất.

Sau khi cụ H giao cho Nhà nước khoảng 01 ha để đưa vào Tập đoàn sản xuất thì diện tích còn lại ông Gi sử dụng liên tục đến năm 2004 đi kê khai, đăng ký và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng diện tích chỉ còn hơn 02 ha.

Ông Gi sử dụng đất hợp pháp, tặng cho các con hợp pháp nên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

- Bản án Dân sự sơ thẩm số: 39/2022/DS-ST ngày 26 tháng 9 năm 2022, của Toà án nhân dân huyện BC, tỉnh Tây Ninh, quyết định:

Căn cứ Điều 255 của Bộ luật Dân sự năm 1995; Điều 151 của Luật đất đai năm 2003; Điều 159, Điều 203 của Luật đất đai 2013; khoản 9 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35; điểm c khoản 1 Điều 39, Điều 157, Điều 158 Điều 147 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án:

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ban Trị sự A, tỉnh Tây Ninh đối với bà Đỗ Thị T, ông Bùi Văn D; bà Đỗ Thị H, ông Lê Văn H1; ông Đỗ Thành D2, bà Đỗ Thị H1, về việc tranh chấp quyền sử dụng đất tại thửa số 190, tờ bản đồ số 34 tại xã A Th, huyện BC, tỉnh Tây Ninh, thuộc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số vào sổ cấp GCN: CS06325 do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh cấp ngày 01-4-2019, đứng tên ông Lê Văn H1 và bà Đỗ Thị H; Thửa số 189, tờ bản đồ số 34, tại xã A Th, huyện BC, tỉnh Tây Ninh, thuộc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số vào sổ cấp GCN: CS06326 do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh cấp ngày 01-4-2019, đứng tên ông bà Đỗ Thị T và ông Bùi Văn D; Thửa số 1, 4, 185, 187, tờ bản đồ số 34 tại xã A Th, huyện BC, tỉnh Tây Ninh, thuộc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số vào sổ cấp GCN: CS06327 do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh cấp ngày 01-4-2019, đứng tên ông bà Đỗ Thị H1 và ông Đỗ Thành D2.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về chi phí tố tụng khác; nghĩa vụ chịu án phí; quyền kháng cáo của các đương sự trong vụ án.

Ngày 03-10-2022, ông Phạm Đình Kh là người đại diện theo pháp luật của nguyên đơn, kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

- Tại phiên tòa phúc thẩm:

+ Ông Kh vắng mặt.

+ Các bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan do ông Nguyễn Văn D3 đại diện theo ủy quyền, không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn.

Ý kiến của Vị Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh tham gia phiên tòa:

+ Về thủ tục tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự; các đương sự chấp hành đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

+ Về nội dung: Đề nghị không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án được xem xét tại phiên tòa, căn cứ kết quả tranh tụng tại phiên tòa, xét thấy:

[1] Về thủ tục tố tụng:

Người đại diện theo pháp luật của nguyên đơn là ông Phạm Đình Kh có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; các bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa nhưng đã có ủy quyền, Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ vào Điều 228, Điều 296 của Bộ luật Tố tụng dân sự xét xử vắng mặt họ.

Về việc xác định nguyên đơn trong vụ án: Theo quy định tại Điều 29, Điều 30 của Hiến chương A thì Giáo hội cấp tỉnh, thành phố có danh xưng là A, tỉnh (thành phố)…Ban Trị sự là cơ quan hành chính, điều hành, quản lý trực tiếp mọi mặt hoạt đồng của phật sự trên địa bàn tỉnh; theo đơn khởi kiện và trong quá trình cung cấp chứng cứ, người khởi kiện ghi là A, tỉnh Tây Ninh nhưng Tòa án cấp sơ thẩm xác định nguyên đơn là Ban Trị sự A, tỉnh Tây Ninh là không đúng, Hội đồng xét xử phúc thẩm điều chỉnh lại.

Ông Đỗ Văn Gi là tên gọi đúng theo các tài liệu trong hồ sơ vụ án nhưng trong bản án ghi Giãng là không đúng, phải điều chỉnh lại trong bản án phúc thẩm.

[2] Về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất tranh chấp:

Các bên đương sự thống nhất nguồn gốc đất tranh chấp là của cụ Huỳnh Thị M, tên thường gọi là Ban Tiên, có từ trước năm 1950.

Về quá trình sử dụng đất, các bên đương sự khai không thống nhất:

+ Nguyên đơn khai cụ M đã hiến tặng cho Chùa Phước L 04 ha, có lập “Tờ cho chấn đứt ruộng còn dành để huê lợi” đề ngày 18-4-1950, nội dung“…Tôi là chủ sở ruộng….19ha40a20…Ngày nay tôi bằng lòng đứng cho chấn đứt và vĩnh viễn sở ruộng 19ha40a20 ra 04 ha cho Chùa phật Phước L Tự tại Làng Gia-Lộc…..có ông Hồ Văn T2, giáo thọ Trụ trì thay mặt cho Chùa bằng lòng nhận lãnh….huê lợi thì còn để lại cho tôi hưởng đến ngày tôi chết mới thôi. Chừng tôi chết rồi thì Chùa Phước L mới được hưởng dụng sở ruộng này…”. Chùa Phước L cho cụ Đỗ Văn H thuê từ năm 1950 đến nay, có trả lúa thuê hàng năm, năm 2017 cháu cụ H là ông D2 còn trả 1.500.000 đồng tiền thuê đất.

+ Ngược lại, ông Gi khai: cụ H thuê của cụ M 05 ha đất lúa vào năm 1940, cụ H cùng với gia đình trong đó có ông Gi sử dụng đất đến khi cụ M chết, do cụ M không có người thân nên cụ H không trả lúa hàng năm nữa. Sau giải phóng 1975 giao cho Nhà nước khoảng hơn 01 ha, phần đất còn lại cụ H giao cho ông Gi tiếp tục canh tác. Năm 1990 cụ H chết, ông Gi thừa hưởng đất này, tiếp tục canh tác, có nộp thuế đất hàng năm cho Nhà nước, ông Gi kê khai đăng ký, năm 2004 được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diện tích 20.976 m2, không ai tranh chấp. Năm 2019 ông Gi phân chia đất cho các con, gồm: Bà Đỗ Thị T, ông Bùi Văn D; bà Đỗ Thị H, ông Lê Văn H1; ông Đỗ Thành D2, bà Đỗ Thị H1 và họ đã đứng tên và sử dụng đất.

[3] Xét kháng cáo của nguyên đơn, thấy rằng:

Nguyên đơn cho rằng Chùa Phước L được cụ M tặng cho đất từ năm 1950 theo “Tờ cho chấn đứt ruộng còn dành để huê lợi” nhưng từ năm 1950 đến trước khi giải phóng năm 1975 Chùa Phước L không làm thủ tục xác lập quyền sử dụng, quyền sở hữu theo pháp luật của chế độ cũ; sau năm 1975 cũng không kê khai đăng ký đứng tên trong sổ địa chính, không thực hiện quyền quản lý sử dụng của chủ sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai qua các thời kỳ.

Nguyên đơn khai sau khi tiếp nhận đất từ cụ M đã cho cụ H thuê liền từ năm 1950 là mâu thuẫn với “Tờ cho chấn đứt ruộng còn dành để huê lợi” vì nội dung ghi: “…huê lợi thì còn để lại cho tôi hưởng đến ngày tôi chết mới thôi. Chừng tôi chết rồi thì Chùa Phước L mới được hưởng dụng sở ruộng này”;

Cho rằng ông D2 ký giấy tay trả tiền thuê đất cho Chùa Phước L vào năm 2017 là không có căn cứ vì ông D2 không thừa nhận và yêu cầu giám định, ông D2 đã cung cấp mẫu chữ ký nhưng nguyên đơn rút yêu cầu giám định. Ngoài ra không có chứng cứ nào khác để chứng minh có việc trả tiền thuê đất cho Chùa Phước L.

Xét diễn biến quá trình sử dụng đất, nhận thấy bị đơn khai đất thuê của cụ M từ năm 1940 là có căn cứ, từ năm 1940 đến nay không ai tranh chấp. Tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Gi là người đang sử dụng đất, đã chiếm hữu ngay tình, liên tục trên 30 năm, đủ căn cứ xác lập quyền sở hữu đối với bất động sản theo quy định tại khoản 7 Điều 176, khoản 1 Điều 255 của Bộ luật Dân sự năm 1995. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Gi đúng theo quy định tại khoản 4 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003 và các văn bản có liên quan. Việc ông Gi tặng cho các con là các bị đơn trong vụ án vào năm 2019 là đúng theo quy định tại Điều 167 của Luật Đất đai năm 2013.

Mặt khác, A, tỉnh Tây Ninh cho rằng tài sản của Chùa Phước L là tài sản của A, tỉnh Tây Ninh nhưng không cung cấp chứng cứ chứng minh, không có cơ sở chấp nhận, bởi vì: Theo quy định tại khoản 7 Điều 3 của Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo, có hiệu lực từ ngày 15-11-2004; khoản 14 Điều 2 của Luật Tín ngưỡng tôn giáo năm 2016 thì Chùa là cơ sở tôn giáo; theo qui định tại Điều 51 của Luật Đất đai năm 2003 thì “Cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.

A, tỉnh Tây Ninh căn cứ “Tờ cho chấn đứt ruộng còn dành để huê lợi” của cụ M đối với Chùa Phước L để khởi kiện đòi quyền sử dụng đất là không đúng theo quy định tại Điều 166, Điều 168 của Bộ luật Dân sự.

Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện là có căn cứ.

Giáo Hội Phật giáo kháng cáo nhưng không có chứng cứ chứng minh cho yêu cầu kháng cáo nên không có căn cứ chấp nhận.

[4] Vị Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh tham gia phiên tòa đề nghị không chấp nhận kháng cáo của A, tỉnh Tây Ninh là có căn cứ.

[5] Bản án sơ thẩm đúng về nội dung nhưng về điều luật áp dụng chưa đúng, chưa đủ. Tuy nhiên, sai sót này không làm ảnh hưởng đến nội dung vụ án nên không cần thiết phải sửa bản án sơ thẩm phần này mà Hội đồng xét xử phúc thẩm điều chỉnh lại cho đúng.

[6] Về án phí phúc thẩm:

Do yêu cầu kháng cáo không được Tòa án chấp nhận nên A, tỉnh Tây Ninh phải chịu 300.000 đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự và khoản 1 Điều 29 của Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30- 12-2016, của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

A, tỉnh Tây Ninh có đơn đề nghị miễn án phí nhưng không thuộc trường hợp được miễn theo quy định tại Điều 12 của Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH 14 nên Hội đồng xét xử không miễn.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308, Điều 228, Điều 296, khoản 1 Điều 147, khoản 1 Điều 148, Điều 157, Điều 165 của Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 7 Điều 176, khoản 1 Điều 255 của Bộ luật Dân sự năm 1995; Điều 166, Điều 168 của Bộ luật Dân sự năm 2015; khoản 4 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003; Điều 167 của Luật Đất đai năm 2013; Điều 29, Điều 30 của Hiến chương A; khoản 1 Điều 26, khoản 1 Điều 29 của Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30-12- 2016, của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

1. Không chấp nhận kháng cáo của A, tỉnh Tây Ninh.

2. Giữ nguyên Bản án Dân sự sơ thẩm số: 39/2022/DS-ST ngày 26 tháng 9 năm 2022, của Toà án nhân dân huyện BC, tỉnh Tây Ninh.

- Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của A, tỉnh Tây Ninh đối với Bà Đỗ Thị T, ông Bùi Văn D; bà Đỗ Thị H, ông Lê Văn H1; ông Đỗ Thành D2, bà Đỗ Thị H1 về việc đòi lại quyền sử dụng các thửa đất, gồm:

+ Thửa số 189, tờ bản đồ 34, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số vào sổ cấp GCN: CS06326 ngày 01-4-2019, do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh cấp, bà Đỗ Thị T và ông Bùi Văn D đứng tên.

+ Thửa số 190, tờ bản đồ 34, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số vào sổ cấp GCN: CS06325 ngày 01-4-2019, do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh cấp, bà Đỗ Thị H và ông Lê Văn H1 đứng tên.

+ Các thửa số 1, 4, 185, 187, tờ bản đồ 34, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số vào sổ cấp GCN: CS06327 ngày 01-4-2019, do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh cấp, bà Đỗ Thị H1 và ông Đỗ Thanh D2 đứng tên.

Đất tọa lạc tại: Ấp V3, xã A Th, huyện BC, tỉnh Tây Ninh.

- Về chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản: A, tỉnh Tây Ninh phải chịu 10.000.000 (mười triệu) đồng, ghi nhận đã nộp xong.

- Về án phí sơ thẩm: A, tỉnh Tây Ninh phải chịu 300.000 (ba trăm nghìn) đồng, được trừ vào 7.500.000 (bảy triệu năm trăm nghìn) đồng tiền tạm ứng án phí sơ thẩm đã nộp theo Biên lai thu số: 0014491 ngày 26-10-2020, của Chi cục Thi hành án dân sự huyện BC, tỉnh Tây Ninh. Hoàn trả cho A, tỉnh Tây Ninh 7.200.000 (bảy triệu hai trăm nghìn) đồng tiền tạm ứng án phí sơ thẩm đã nộp theo Biên lai thu số 0014491.

3. Về án phí dân sự phúc thẩm: A, tỉnh Tây Ninh phải chịu 300.000 (ba trăm nghìn) đồng, được trừ vào 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo Biên lai thu số: 0022817 ngày 14-10-2022, của Chi cục Thi hành án dân sự huyện BC, tỉnh Tây Ninh.

4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1202
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tranh chấp quyền sử dụng đất của cơ sở tôn giáo số 56/2023/DS-PT

Số hiệu:56/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Tây Ninh
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 23/02/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;