TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG
BẢN ÁN 290/2024/DS-PT NGÀY 18/09/2024 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỞ HỮU TÀI SẢN (TIỀN BỒI THƯỜNG VÀ HỖ TRỢ KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT)
Ngày 18 tháng 9 năm 2024, tại Trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 143/2024/TLPT-DS ngày 22/7/2024 về việc: “Tranh chấp quyền sở hữu tài sản (tiền bồi thường và hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất)”.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số 05/2024/DS-ST ngày 05 tháng 3 năm 2024 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 1694/2024/QĐ-PT ngày 27 tháng 8 năm 2024 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Huỳnh Văn H, sinh năm 1934; cư trú tại: Khu dân cư T, thôn A, xã B, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi, có mặt.
Người đại diện theo uỷ quyền: Ông Huỳnh Hiếu T, sinh năm 1980; trú tại:
phường T, quận H, thành phố Đà Nẵng, có mặt.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn: Luật sư Trần Thị Khánh N-Luật sư Công ty L2, Đoàn Luật sư thành phố Đ, có mặt.
- Bị đơn: Ông Trần T1, sinh năm 1951; cư trú tại: Xóm B, thôn T, xã B, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi, có mặt.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Luật sư Ngô Văn D, Văn phòng L3, Đoàn Luật sư thành phố Đ, có mặt.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Ủy ban nhân dân huyện B; địa chỉ: Tổ dân phố D, thị trấn C, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi; người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Tưởng D1, chức vụ: Chủ tịch UBND huyện, có Văn bản số 3000/UBND-NC ngày 9/9/2024 xin vắng mặt.
2. Trung tâm phát triển quỹ đất huyện B; địa chỉ: Tổ dân phố B, thị trấn C, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi; người đại diện theo pháp luật: Ông Võ Quang T2, chức vụ: Giám đốc, có Văn bản số 527/PTQĐ ngày 5/9/2024 xin vắng mặt.
3. Bà Cao Thị H1, sinh năm 1956; anh Huỳnh Hiếu T, sinh năm 1980; cư trú tại: Số F đường N, phường T, quận H, Thành phố Đà Nẵng - Ủy quyền tham gia tố tụng cho anh Huỳnh Hiếu T. 4. Chị Huỳnh Thị Kim H2, sinh năm 1988; hiện cư trú tại: 4 R street, A, 2144, S, NSW, Australia - Ủy quyền tham gia tố tụng cho anh Huỳnh Hiếu T theo văn bản ủy quyền được T12 tại S, Australia chứng thực ngày 14/8/2019.
5. Bà Nguyễn Thị L, sinh năm 1937; ông Huỳnh Văn T3, sinh năm 1966; đều cư trú tại: Số nhà K đường T, quận H, Thành phố Đà Nẵng - Ủy quyền tham gia tố tụng cho ông Huỳnh Văn H, ông T3 có mặt.
6. Ông Phạm T4, sinh năm 1930; cư trú tại: Thôn T, xã B, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi - Ủy quyền tham gia tố tụng cho ông Huỳnh Văn H. 7. Bà Phạm Thị H3, sinh năm 1957; cư trú tại: Thôn T, xã B, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi - Ủy quyền tham gia tố tụng cho ông Huỳnh Văn H. 8. Bà Huỳnh Thị Lệ H4, sinh năm 1964; cư trú tại: Số A, thôn B, xã T, huyện Đ, tỉnh Lâm Đồng. 9. Bà Huỳnh Thị Lệ H5, sinh năm 1968; cư trú tại: Thôn T, xã B, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi. 10. Bà Huỳnh Thị Lệ H6, sinh năm 1970; cư trú tại: Khu dân cư Đ, thôn Đ, xã B, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi. 11. Ông Huỳnh Văn V, sinh năm 1972; cư trú tại: Thôn Đ, xã B, huyện C, tỉnh Gia Lai. 12. Bà Huỳnh Thị Lệ H7, sinh năm 1976; cư trú tại: Số A đường C, phường D, thành phố V, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. 13. Bà Huỳnh Thị Lệ D2, sinh năm 1977; ông Huỳnh Văn T5, sinh năm 1983; đều cư trú tại: T, thôn A, xã B, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi. 14. Ông Huỳnh Văn Đ, sinh năm 1979; cư trú tại: Số B đường S, phường T, quận A, thành phố Hồ Chí Minh. 15. Ông Đặng Văn N1; bà Đặng Thị N2, sinh năm 1980; ông Đặng Văn Đ1, sinh năm 1990; đều cư trú tại: Thôn T, xã B, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi. 16. Ông Đặng Xuân V1, sinh năm 1972; cư trú tại: Thôn T, xã B, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi. 17. Bà Đặng Thị B, sinh năm 1975; cư trú tại: Xóm C, thôn M, xã B, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi. 18. Ông Đặng Xuân H8, sinh năm 1979; cư trú tại: Xã B, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi. 19. Ông Trần Văn L1, sinh năm 1979; cư trú tại: Xóm B, thôn T, xã B, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi, có mặt.
Người kháng cáo: Ông Huỳnh Văn H.
NỘI DUNG VỤ ÁN
* Theo đơn khởi kiện, các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và tại phiên tòa, nguyên đơn là ông Huỳnh Văn H trình bày như sau:
Về nguồn gốc, quá trình quản lý, sử dụng đất: Nguyên các thửa đất số 188, 221, 223, 224, 227, thuộc tờ bản đồ số 37, xã B, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi có nguồn gốc do cha mẹ tôi tạo lập từ trước năm 1945, sử dụng trồng mì và trồng tre, một số diện tích còn lại là chồi tranh (dùng để lợp nhà). Đến năm 1969 mẹ tôi chết, năm 1972 cha tôi chết. Sau khi cha mẹ tôi chết, các anh chị em của tôi tiếp tục trông coi quản lý và canh tác sử dụng (chỉ còn lại tôi và người chị ruột Huỳnh Thị Thanh quản l canh tác, anh Huỳnh K tập kết ra bắc, em Huỳnh K1 thoát ly tham gia cách mạng, chị Huỳnh Thị H4 có chồng). Vào năm 1979, Nhà nước có chủ trương hợp tác hóa nông nghiệp đối với xã B, nhưng Hợp tác xã không yêu cầu gia đình giao đất do cha mẹ để lại cho Hợp tác xã quản lý. Vì vậy gia đình tôi (vợ chồng và các con) cùng người chị ruột Huỳnh Thị T6 tiếp tục quản lý, canh tác trồng mì, phát dọn đồi tranh. Đến 1995 thì gia đình tôi chuyển đổi qua trồng cây dương liễu, sau đó gia đình tôi tái định cư vào xã B nên không có điều kiện trực tiếp trông coi, quản lý không thường xuyên, lợi dụng việc này ông Trần T1 là người sinh sống tại địa phương đã tiến hành trồng cây dương liễu xen kẽ vào các thửa đất nêu trên. Để giữ lại đất do cha mẹ để lại, vào ngày 14/8/2005, tôi có yêu cầu ông T1 ký giấy xác nhận mượn đất trồng cây và ông T1 đã ký xác nhận, sau đó tôi mang giấy xác nhận đến Vức trưởng (hay còn gọi là Xóm trưởng) và T7 trưởng thôn T, xã B ký xác nhận. Tuy nhiên, sau khi ký xác nhận thì ông T1 vẫn tiếp tục sử dụng đất, tự ý đăng ký, kê khai và được cấp giấy chứng nhận (03 thửa). Đến khi có dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát D thì ông T1 kê khai đất đai, cây trồng và được bồi thường, hỗ trợ. Việc ông T1 mượn đất của tôi để trồng cây, sau đó chiếm luôn, tôi đã nhiều lần yêu cầu chính quyền địa phương giải quyết nhưng ông T1 không chịu trả lại đất, lại đăng ký, kê khai để nhận tiền bồi thường, hỗ trợ là xâm phạm đến quyền lợi của tôi và những người thừa kế của cha mẹ tôi.
Nay tôi khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết xác định tôi và những người thừa kế của cha mẹ ông (gồm các ông, bà: Nguyễn Thị L, Cao Thị H1, Huỳnh Hiếu T, Huỳnh Thị Kim H2, Huỳnh Văn T3, Phạm T4 và Phạm Thị H3 là những người được quyền sở hữu số tiền 358.680.000 đồng (ba trăm năm mươi tám triệu, sáu trăm tám mươi nghìn đồng) được Nhà nước bồi thường, hỗ trợ đối với các thửa đất số: 188, 221, 223, 224, 227, thuộc tờ bản đồ số 37, xã B, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi; do hộ ông Trần T1 là người kê khai, thuộc dự án: Khu liên hợp sản xuất gang thép H9; hiện Trung tâm phát triển quỹ đất huyện B đang quản lý số tiền này.
Ngoài ra, nguyên đơn không yêu cầu gì khác.
* Theo các tài liệu có tại hồ sơ vụ án và tại phiên tòa, bị đơn là ông Trần T1 trình bày như sau:
Về nguồn gốc và việc sử dụng thửa đất: Nguyên các thửa đất mà nguyên đơn tranh chấp tiền bồi thường, hỗ trợ như trên có nguồn gốc do tôi khai hoang từ năm 1976, thuộc đồi G, xã B, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi. Trước năm 1975, khu vực đồi Gò Cao hoang vu, không ai sử dụng nên sau năm 1975, tôi cùng với một số hộ dân khác tiến hành khai hoang, vỡ hóa. Sau khi khai hoang, tôi tiến hành trồng mì, khoai lang được một thời gian, khoảng năm 1980 - 1986 thì chuyển qua trồng cây dương liễu, bạch đàn và đã khai thác cây trồng nhiều lần. Trong quá trình khai hoang và sử dụng đất thì không có ai tranh chấp hay thắc mắc về việc sử dụng đất, tôi đã tiến hành đăng ký, kê khai các thửa đất nêu trên và đã được UBND huyện B cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2015, gồm các thửa: Thửa số 221, diện tích 595m2, loại đất rừng sản xuất; thửa đất số 227, diện tích 788m2, loại đất rừng sản xuất và thửa số 224, diện tích 390m2, loại đất rừng sản xuất, đều thuộc tờ bản đồ số 37 xã B, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi. Đối với hai thửa đất còn lại, gồm: Thửa số 188, diện tích 317m2, loại đất trồng cây lâu năm và thửa số 223, diện tích 899m2, loại đất trồng cây lâu năm, đều thuộc tờ bản đồ số 37 xã B tôi đã đăng ký, kê khai, đã làm thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận nhưng chưa được cấp.
Vào năm 2018, Nhà nước đã thu hồi các thửa đất này để thực hiện dự án khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát D, số tiền được bồi thường, hỗ trợ là 358.680.000 đồng (ba trăm năm mươi tám triệu, sáu trăm tám mươi nghìn đồng), hiện Trung tâm phát triển quỹ đất huyện B đang quản lý số tiền này vì đang có tranh chấp. Sau khi có thông tin về dự án gang thép H, Nhà nước thu hồi đất, bồi thường thì ông H tranh chấp, cho rằng đất này có nguồn gốc do cha mẹ ông để lại, đưa ra giấy xác nhận mượn đất để yêu cầu được quyền sở hữu số tiền được bồi thường, hỗ trợ. Tôi không biết chữ nên không viết và ký tên trong giấy xác nhận mà ông Hoàng cung c, chữ ký trong giấy xác nhận không phải là của tôi mà do ông H tự viết và tự ký.
Việc ông H khởi kiện tranh chấp số tiền bồi thường, hỗ trợ về đất đối với tôi và một số hộ gia đình khác ở B là hoàn toàn không có căn cứ, không đúng thực tế sử dụng đất nên tôi không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Tôi yêu cầu Tòa án giải quyết xác định hộ của tôi là người được quyền sở hữu số tiền bồi thường, hỗ trợ là 358.680.000 đồng (ba trăm năm mươi tám triệu, sáu trăm tám mươi nghìn đồng) được bồi thường, hỗ trợ đối với các thửa đất như trên.
* Theo các tài liệu có tại hồ sơ và trong quá trình giải quyết vụ án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là các ông, bà: Cao Thị H1, Huỳnh Hiếu T, Nguyễn Thị L, Phạm T4, Phạm Thị H3, Huỳnh Thị Lệ H4, Huỳnh Thị Lệ H5, Huỳnh Thị Lệ H6, Huỳnh Văn V, Huỳnh Thị Lệ H7, Huỳnh Thị Lệ D2, Huỳnh Văn T5, Huỳnh Văn Đ trình bày như sau: Thống nhất về nguồn gốc, quá trình quản lý, sử dụng đất và thống nhất với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, đề nghị Tòa án giải quyết như yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
* Tại bản tự khai, các biên bản làm việc và tại phiên tòa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Huỳnh Văn T3 trình bày như sau: Ông thống nhất về nguồn gốc, quá trình quản lý, sử dụng đất và thống nhất với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, đề nghị Tòa án giải quyết như yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
* Tại bản tự khai, các biên bản làm việc và tại phiên tòa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Trần Văn L1 trình bày như sau: Ông là con đẻ của ông Trần T1, ông thống nhất về nguồn gốc, quá trình quản lý, sử dụng các thửa đất nêu trên như bị đơn đã trình bày, thống nhất với ý kiến trình bày của bị đơn và đề nghị Tòa án giải quyết như yêu cầu của bị đơn.
* Ý kiến trình bày của của UBND huyện B và Trung tâm phát triển quỹ đất huyện B (trước đây là Trung tâm phát triển quỹ đất D) đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:
Xác định các thửa đất số: 188, 221, 223, 224, 227, cùng tờ bản số 37, xã B, loại đất trồng cây lâu năm do ông Trần T1 là người kê khai trong dự án: Khu liên hiệp sản xuất gang thép H9; các thửa đất này UBND huyện B đã thu hồi đất, số tiền được bồi thường, hỗ trợ là 358.680.000 đồng (ba trăm năm mươi tám triệu, sáu trăm tám mươi nghìn đồng). Vì giữa các bên xảy ra tranh chấp nên số tiền này được Trung tâm phát triển quỹ đất huyện B gửi vào Kho bạc Nhà nước tỉnh Qảng Ngãi, sau khi cơ quan có thẩm quyền giải quyết xong tranh chấp thì sẽ thực hiện việc chi trả cho người được quyền sở hữu số tiền này.
Theo kết quả xác minh, xác nhận của UBND xã B thì các thửa đất số 188, 221, 223, 224, 227 như trên có nguồn gốc do cha mẹ ông Huỳnh Văn H sử dụng từ trước năm 1945, để lại cho ông H sử dụng sau đó bỏ hoang (trước năm 1975). Đến năm 1976, ông Trần T1 khai hoang, sử dụng ổn định, liên tục đến khi Nhà nước thu hồi đất.
Ông Huỳnh Văn H tranh chấp quyền sử dụng đất tại thời điểm thực hiện dự án Khu liên hiệp sản xuất gang thép Hòa Phát D, đã được UBND xã B xác minh, hòa giải theo thẩm quyền nhưng kết quả hòa giải không thành. Việc các bên tranh chấp quyền sở hữu đối với số tiền nêu trên thì đề ghị Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi giải quyết theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, UBND huyện B và Trung tâm phát triển quỹ đất huyện B cung cấp hồ sơ về kết quả kiểm kê, xác lập hồ sơ thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, quyết định thu hồi đất; hồ sơ xác minh nguồn gốc đất; hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hồ sơ hòa giải tại xã, báo cáo kết quả giải quyết và đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt.
* Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan còn lại là các ông, bà: Đặng Văn N1, Đặng Thị N2, Đặng Văn Đ1, Đặng X, Đặng Thị B, Đặng Xuân H8: Trong quá trình giải quyết vụ án, những người này từ chối tham gia tố tụng, không có ý kiến trình bày, không có yêu cầu độc lập và không cung cấp tài liệu, chứng cứ liên quan đến các thửa đất nêu trên.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 05/2024/DS-ST ngày 05 tháng 3 năm 2024 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi quyết định:
Căn cứ vào khoản 2 Điều 26, Điều 37, khoản 1 Điều 38, các Điều 161, 227, 228, 264, 266, 273 và Điều 280 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
Căn cứ khoản 14, khoản 16 Điều 3, các Điều 26, 75, 77, 83, 84, 101, 166, 170 và Điều 179 của Luật đất đai năm 2013; Điều 20 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai; khoản 1 Điều 13 và Điều 20 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Căn cứ khoản 2 Điều 166, Điều 221 và Điều 236 của Bộ luật Dân sự năm 2015; Căn cứ Điều 12, Điều 14, khoản 2 Điều 26, Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Huỳnh Văn H về việc yêu cầu Tòa án xác định ông Huỳnh Văn H và những người thừa kế của cha mẹ ông (gồm: Bà Nguyễn Thị L, ông Huỳnh Văn T3, ông Phạm T4, bà Phạm Thị H3, bà Cao Thị H1, ông Huỳnh Hiếu T, bà Huỳnh Thị Kim H2) là người được quyền sở hữu số tiền được Nhà nước bồi thường, hỗ trợ đối với các thửa đất số: 188, 221, 223, 224, 227, thuộc tờ bản đồ số 37, xã B, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi.
2. Hộ ông Trần T1 được quyền sở hữu số tiền 358.680.000 đồng (ba trăm năm mươi tám triệu, sáu trăm tám mươi nghìn đồng) theo Quyết định số 2104/QĐ- UBND ngày 29/5/2018 của UBND huyện B, về việc bồi thường, hỗ trợ cho hộ ông Trần T1 đang sử dụng đất tại xã B, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi.
3. Trung tâm phát triển quỹ đất huyện B có nghĩa vụ chi trả số tiền 358.680.000 đồng (ba trăm năm mươi tám triệu, sáu trăm tám mươi nghìn đồng) cho hộ ông Trần T1 theo mục 3 Điều 2 Quyết định số 2104/QĐ-UBND ngày 29/5/2018 của UBND huyện B. Hộ ông Trần T1 có quyền và nghĩa vụ liên hệ với Trung tâm phát triển quỹ đất huyện B và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác để được nhận số tiền bồi thường, hỗ trợ nêu trên.
Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn quyết định về phần án phí; chi phí tố tụng; lãi suất chậm thực hiện nghĩa vụ, quyền yêu cầu thi hành án và quyền kháng cáo theo quy định.
Ngày 15/3/2024, Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi nhận đơn kháng cáo của nguyên đơn ông Huỳnh Văn H, đề ngày 14/3/2024, kháng cáo Bản án sơ thẩm, đề nghị Toà án cấp phúc thẩm xử sửa Bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông.
Tại phiên toà phúc thẩm, nguyên đơn và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, sửa Bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện, nguyên đơn được hưởng khoản tiền bồi thường về đất là 196 triệu đồng.
Bị đơn và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn cho rằng Toà án cấp sơ thẩm đã giải quyết vụ án có căn cứ và đúng pháp luật, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên Bản án sơ thẩm.
Tại phiên toà, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng cho rằng Thẩm phán chủ toạ và Hội đồng xét xử đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự trong giai đoạn xét xử phúc thẩm. Về nội dung: Toà án cấp sơ thẩm đã xét xử vụ án có căn cứ và đúng pháp luật; kháng cáo của nguyên đơn là không có cơ sở, không có chứng cứ mới làm thay đổi bản chất nội dung vụ án nên đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ vào khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự: không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên Bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án đã được thẩm tra công khai tại phiên toà, kết quả tranh tụng, xem xét ý kiến của người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự và quan điểm của Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định như sau:
[1] Tại phiên toà phúc thẩm hôm nay, nguyên đơn ông Huỳnh Văn H không rút đơn khởi kiện. Nguyên đơn có kháng cáo có thay đổi nội dung kháng cáo, đề nghị Toà án cấp phúc thẩm sửa Bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là nguyên đơn được hưởng khoản tiền bồi thường về đất là 196 triệu đồng.
[2] Xét nội dung kháng cáo, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng: Xét nguồn các thửa đất số: 188, 221, 223, 224, 227, cùng tờ bản số 37, xã B: Ông Huỳnh Văn H cho rằng trước năm 1945, cha ông là cụ Huỳnh B1 khai phá diện tích khoảng 35.000m2 tọa lạc tại xứ Động G (hay còn gọi là đồi ông T8), thuộc thôn T, xã B, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi. Sau khi cha mẹ ông chết, ông và chị ông là bà Huỳnh Thị Thanh quản l, sử dụng thửa đất tranh chấp, canh tác trồng mì, phát dọn, chăm sóc đồi tranh. Còn ông Trần T1 cho rằng nguồn gốc các thửa đất nêu trên do ông khai hoang và sử dụng từ năm 1976 đến khi Nhà nước thu hồi đất. Tại các biên bản xác minh nguồn gốc đất vào các ngày: 22, 26, 27, 28/12/2017 và ngày 06/02/2018 (từ bút lục số 440 đến bút lục số 449), biên bản lấy ý kiến khu dân cư về nguồn gốc và thời điểm sử dụng đối với các thửa đất do ông H tranh chấp với ông T1 ghi ngày 26/6/2018 của UBND xã B (từ bút lục số 436 đến bút lục số 439) đã thể hiện: Các ông, bà: P, Bùi T9, L, Nguyễn C, Huỳnh T10 và một số bậc cao niên khác là những người làm chứng, sử dụng đất liền kề đã xác định nguồn gốc các thửa đất nêu trên trước đây là do cha mẹ ông H sử dụng từ trước năm 1945; sau năm 1975, lúc này cha mẹ ông H đã chết, đất đai không có ai quản lý, ông H và các anh chị em của ông không sử dụng nên ông T1 cùng với một số hộ dân khác đến khu vực này, thuộc đồi Gò Cao khai hoang, vỡ hóa vào khoảng từ năm 1976 đến năm 1980 để trồng hoa màu, mì lang, sau đó chuyển sang trồng cây lâu năm như dương liễu, bạch đàn và sử dụng đến khi Nhà nước thu hồi đất.
[3] Về quá trình quản lý, sử dụng các thửa đất tranh chấp: Qua kết quả xác minh, làm việc với nhân chứng và chính quyền địa phương thì thấy rằng từ sau năm 1975, lúc này cha mẹ ông H đã chết, đất đai không có ai quản lý, ông H và các anh chị em của ông không sử dụng liên quan đến các thửa đất này nên ông T1 cùng với một số hộ dân khác đến khu vực này, thuộc động G khai hoang, vỡ hóa vào khoảng từ năm 1976 đến năm 1980 trồng hoa màu, mì lang, sau đó chuyển sang trồng cây lâu năm như dương liễu, bạch đàn và sử dụng mãi đến khi Nhà nước thu hồi đất.
Kết quả xác minh tại UBND xã B thể hiện trước khi có dự án Khu liên hiệp sản xuất gang thép Hòa Phát D, UBND xã không nhận được đơn thư tranh chấp hay yêu cầu giải quyết của ông H với bị đơn, việc tranh chấp xảy ra sau khi có thông tin về dự án nêu trên, trong thời gian tranh chấp thì Nhà nước tiến hành thu hồi các thửa đất để thực hiện dự án, sau đó ông H tiếp tục tranh chấp tiền bồi thường, hỗ trợ như hiện nay.
Như vậy, kể từ sau năm 1975 đến khi Nhà nước thu hồi đất, ông H và các anh chị em của ông không quản lý, không trực tiếp canh tác, sử dụng đất và không có trồng cây trên các thửa đất này, không có đăng ký, kê khai theo quy định của Luật đất đai qua các thời kỳ, nguyên đơn cũng không có một trong các loại giấy tờ theo quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013, đã từ bỏ quyền sử dụng đất kể từ thời điểm năm 1975 mãi đến thời điểm phát sinh tranh chấp. Ông H không xác định được vị trí, diện tích, khu vực có đất mà ông cho rằng do cha mẹ ông để lại, không đủ điều kiện để được Nhà nước xem xét công nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 101 Luật Đất đai 2013 và Điều 20 Nghị định số 43/2014/NĐ- CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ (sau đây viết tắt là Nghị định số 43/NĐ-CP).
[4] Bị đơn khai hoang và sử dụng đất từ năm 1976 đến khi Nhà nước thu hồi đất là hơn 30 năm, việc sử dụng đất là công khai, liên tục và ổn định, theo quy định tại Điều 236 Bộ luật Dân sự thì: “Người chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quan quy định khác”. Mặt khác, bị đơn là người trực tiếp quản lý, sử dụng các thửa đất nêu trên, có đăng ký kê khai và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các thửa số 221, 227 và thửa số 224, thuộc tờ bản đồ số 37 xã B; đối với thửa đất số 188 và thửa số 223 đã đăng ký, kê khai, đã làm thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận và đủ điều kiện để được Nhà nước xem xét công nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 101 Luật Đất đai 2013 và Điều 20 Nghị định số 43/NĐ-CP.
[5] Về giấy xác nhận mượn đất trồng cây ghi ngày 14/8/2005 do nguyên đơn cung cấp: Trong quá trình giải quyết vụ án, ông H trình bày ông T1 mượn đất do cha mẹ ông để trồng cây vào năm 1995, để giữ đất của cha mẹ, ông có yêu cầu ông T1 ký giấy xác nhận mượn đất trồng cây vào ngày 14/8/2005, ông H căn cứ vào giấy xác nhận này để đòi lại đất và tranh chấp tiền bồi thường, hỗ trợ. Tuy nhiên, qua xem xét giấy xác nhận này thì Hội đồng xét xử thấy rằng giấy mượn đất không thể hiện số thửa, tờ bản đồ, diện tích ghi trong giấy có sự chỉnh sửa, nguyên đơn không xác định vị trí, ranh giới, khu vực có diện tích đất cho mượn. Quá trình làm việc, đối chất giữa nguyên đơn và bị đơn thì xác định: Chữ viết, nội dung mượn đất, ký tên “Trần Thu” trong giấy mượn đất ghi ngày 14/8/2005 đều là do ông H viết và đưa cho ông T1 ký, kết quả trưng cầu giám định và đối chiếu chữ ký của ông T1: Xác định chữ ký trong giấy xác nhận mượn đất và các chữ ký mẫu do ông T1 ký là cùng một người viết ra. Kết quả làm việc với ông Bùi Văn M - người ký xác nhận trong giấy xác nhận nêu trên: Ông M xác định ông chỉ xác nhận chữ ký của ông Phan T11, lúc này là vức trưởng (xóm trưởng) vức 6, thôn T (ông T11 đã chết năm 2009), không ký xác nhận nội dung thỏa thuận, không xác nhận việc quản lý, sử dụng đất đối với các thửa đất nêu trên.
[6] Ông Trần T1 là người trực tiếp sử dụng đất và được Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên được nhận tiền bồi thường, hỗ trợ theo quy định khi Nhà nước thu hồi đất. Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu được nhận khoản tiền bồi thường nhưng không có chứng cứ chứng minh đã kê khai sử dụng đất theo quy định tại Chỉ thị 299 và Nghị định 64/NĐ-CP của Chính phủ. Ông H căn cứ vào nguồn gốc đất do cha mẹ ông sử dụng từ trước 1945 để yêu cầu người đang sử dụng đất xác nhận việc trồng cây, sau đó sử dụng tài liệu này để tranh chấp đòi lại đất, tranh chấp tiền bồi thường, hỗ trợ là không phù hợp với quy định tại Điều 5 Luật Đất đai 2013. Ông H không trực tiếp sử dụng đất nên không đủ điều kiện để được bồi thường theo quy định tại khoản 14 Điều 3, Điều 74, khoản 1 Điều 75 và khoản 2 Điều 77 Luật Đất đai năm 2013.
[7] Xét yêu cầu của nguyên đơn về tranh chấp số tiền được bồi thường và hỗ trợ: Trong vụ án này, nguyên đơn tranh chấp cả số tiền bồi thường về đất nông nghiệp là 199.596.000 đồng và tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp là 159.084.000 đồng. Tại phiên toà phúc thẩm nguyên đơn chỉ yêu cầu được nhận số tiền bồi thường về đất là 196.000.000 đồng. Theo quy định tại Điều 83 và Điều 84 Luật Đất đai năm 2013; Điều 20 Nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (sau đây viết tắt là Nghị định số 47/NĐ-CP) thì việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất được áp dụng đối với hộ gia đình, cá nhân đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, ông H không quản lý, không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, không sử dụng đất nhưng yêu cầu được quyền sở hữu số tiền bồi thường về đất; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp là không phù hợp với quy định của pháp luật nên Toà án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là đúng.
[8] Hội đồng xét xử có đủ căn cứ xác định hộ ông T1 là người sử dụng đất ổn định kể từ thời điểm trước ngày 01/7/2004 đến khi Nhà nước thu hồi đất, đã được cấp giấy chứng nhận 03 thửa, 02 thửa còn lại đủ điều kiện để được Nhà nước xem xét công nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 101 Luật Đất đai 2013 và Điều 20 Nghị định 43/NĐ-CP. Hiện các thửa đất này Nhà nước đã thu hồi nên hộ ông T1 được bồi thường, hỗ trợ theo quy định tại khoản 1 Điều 75, khoản 2 Điều 77, Điều 83 và Điều 84 Luật đất đai năm 2013; khoản 1 Điều 13, Điều 20 Nghị định 47/2014/NĐ-CP.
[9] Tại phiên toà phúc thẩm, ông Huỳnh Hiếu T là người đại diện theo uỷ quyền của nguyên đơn cho rằng ông Trần T1 ngang nhiên chiếm đất và được UBND cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng T cũng không cung cấp được chứng cứ gì về việc khởi kiện dân sự ông Trần T1 về chiếm đất cũng như khởi kiện về hành chính khi ông T1 được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng, Toà án cấp sơ thẩm xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ và đúng pháp luật. Kháng cáo của nguyên đơn ông Huỳnh Văn H không có cơ sở, không có tài liệu chứng cứ mới làm thay đổi bản chất nội dung vụ án nên không được chấp nhận, Hội đồng xét xử phúc thẩm giữ nguyên Bản án sơ thẩm.
Về án phí phúc thẩm dân sự: Tuy kháng cáo không được chấp nhận nhưng ông Huỳnh Văn H là người cao tuổi, có đơn xin miễn án phí, do đó căn cứ Điều 12, Điều 14, Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, Hội đồng xét xử chấp nhận miễn án phí dân sự sơ phúc cho ông Huỳnh Văn H. Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không bị kháng cáo kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự: Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn ông Huỳnh Văn H, giữ nguyên Bản án sơ thẩm.
Căn cứ vào khoản 2 Điều 26, Điều 37, khoản 1 Điều 38, các Điều 161, 227, 228, 264, 266, 273 và Điều 280 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
Căn cứ khoản 14, khoản 16 Điều 3, các Điều 26, 75, 77, 83, 84, 101, 166, 170 và Điều 179 của Luật đất đai năm 2013; Điều 20 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai; khoản 1 Điều 13 và Điều 20 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Căn cứ khoản 2 Điều 166, Điều 221 và Điều 236 của Bộ luật Dân sự năm 2015; Căn cứ Điều 12, Điều 14, khoản 2 Điều 26, Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Huỳnh Văn H về việc yêu cầu Tòa án xác định ông Huỳnh Văn H và những người thừa kế của cha mẹ ông (gồm: Bà Nguyễn Thị L, ông Huỳnh Văn T3, ông Phạm T4, bà Phạm Thị H3, bà Cao Thị H1, ông Huỳnh Hiếu T, bà Huỳnh Thị Kim H2) là người được quyền sở hữu số tiền được Nhà nước bồi thường, hỗ trợ đối với các thửa đất số: 188, 221, 223, 224, 227, thuộc tờ bản đồ số 37, xã B, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi.
2. Hộ ông Trần T1 được quyền sở hữu số tiền 358.680.000 đồng (ba trăm năm mươi tám triệu, sáu trăm tám mươi nghìn đồng) theo Quyết định số 2104/QĐ- UBND ngày 29/5/2018 của UBND huyện B, về việc bồi thường, hỗ trợ cho hộ ông Trần T1 đang sử dụng đất tại xã B, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi.
3. Trung tâm phát triển quỹ đất huyện B có nghĩa vụ chi trả số tiền 358.680.000 đồng (ba trăm năm mươi tám triệu, sáu trăm tám mươi nghìn đồng) cho hộ ông Trần T1 theo mục 3 Điều 2 Quyết định số 2104/QĐ-UBND ngày 29/5/2018 của UBND huyện B. Hộ ông Trần T1 có quyền và nghĩa vụ liên hệ với Trung tâm phát triển quỹ đất huyện B và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác để được nhận số tiền bồi thường, hỗ trợ nêu trên.
4. Về án phí dân sự phúc thẩm: Ông Huỳnh Văn H được miễn án phí dân sự phúc thẩm.
5. Về chi phí tố tụng: Buộc ông Trần T1 có nghĩa vụ hoàn trả lại cho ông Huỳnh Văn H chi phí trưng cầu giám định, số tiền phải hoàn trả là 1.500.000 đồng (một triệu, năm trăm nghìn đồng).
6. Kể từ khi bên được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, bên phải thi hành án chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền thì phải chịu lãi suất theo quy định tại Điều 357 và Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.
7. Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 482 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 2 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014.
Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không bị kháng cáo kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tranh chấp quyền sở hữu tài sản (tiền bồi thường và hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất) số 290/2024/DS-PT
Số hiệu: | 290/2024/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 18/09/2024 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về