Bản án về tranh chấp kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do tính mạng bị xâm phạm số 20/2020/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC

BẢN ÁN 20/2020/DS-PT NGÀY 15/07/2020 VỀ TRANH CHẤP KIỆN ĐÒI BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG DO TÍNH MẠNG BỊ XÂM PHẠM

Trong ngày 15 tháng 7 năm 2020 tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 68/2019/TLPT- DS ngày 28 tháng 10 năm 2019 về việc tranh chấp kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do tính mạng bị xâm phạm.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 11/2009/DS-ST ngày 15 tháng 8 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện V bị kháng cáo Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 92/2019/QĐPT- DS ngày 23 tháng 12 năm 2019 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Đặng Đức S, sinh năm 1949; Địa chỉ: Khu 3, thị trấn T, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc (có mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông S: Bà Phan Thị Kim L - Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc (có mặt).

2. Bị đơn: Ủy ban nhân dân thị trấn T, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc; Người đại diện theo pháp luật: Ông Bùi Quang Đ; Chức vụ: Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn T;

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Đỗ Văn T; Chức vụ: Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn T (có mặt).

Địa chỉ: Thị trấn T, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Hợp tác xã nông nghiệp T; Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Minh A - Giám đốc Hợp tác xã (có mặt).

Địa chỉ: Thị trấn T, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc.

- Hợp tác Dịch vụ điện T, đổi tên là Công ty TNHH điện T;

Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Văn H - Giám đốc Hợp tác xã Địa chỉ: Thị trấn T, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc (có mặt).

- Chị Đặng Thị V, sinh năm 1973; địa chỉ: Khu 3, thị trấn T, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc (có mặt).

- Anh Đặng Đức C, sinh năm 1975; địa chỉ: Đại đội 2, Tiểu đoàn 701, Bộ tham mưu Quân Đoàn X - thành phố T, tỉnh N (vắng mặt).

Người đại diện theo ủy quyền của anh Đặng Đức C: Ông Đặng Đức S, sinh năm 1949; địa chỉ: Khu 3, thị trấn T, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc (Theo Văn bản ủy quyền ngày 05 tháng 6 năm 2020).

- Anh Đặng Văn O, sinh năm 1978; địa chỉ: Khu 3, thị trấn T, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc (vắng mặt).

- Chị Đặng Thị H, sinh năm 1981; địa chỉ: Trường tiểu học Tam Quan I, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc (vắng mặt).

Người đại diện theo ủy quyền của anh O và chị H: Chị Đặng Thị V, sinh năm 1973; địa chỉ: Khu 3, thị trấn T, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc (Theo Văn bản ủy quyền ngày 04/6/2020 và ngày 12/6/2020).

- Ông Đặng Văn V; địa chỉ: Khu 6, thị trấn T, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc (vắng mặt).

4. Người kháng cáo: Ông Đặng Đức S; UBND thị trấn T, huyện V 5. Viện kiểm sát kháng nghị: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện và các lời khai tiếp theo tại Toà án, nguyên đơn ông Đặng Đức S trình bày:

Tháng 3 năm 1985 bà Lê Thị P là vợ ông Đặng Đức S đi làm ruộng tại xã T, huyện V, tỉnh Vĩnh Phú (cũ). Nay là thị trấn T, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc bị sự cố điện giật chết. Ngày 28/9/1988 gia đình ông S và Ủy ban nhân dân xã T đã lập biên bản thỏa thuận về việc bồi thường thiệt hại do sự cố điện dẫn đến cái chết của bà P. Nội dung biên bản thỏa thuận bồi thường thể hiện, Ủy ban nhân dân xã T hỗ trợ cho gia đình ông S tiền mai táng phí, tiền cải cát cho bà P; tiền lương thực, tiền giấy bút, tiền quần áo cho các con ông S và bà P đến khi các cháu đủ 16 tuổi.

Nội dung cụ thể:

Tiền mai táng phí; tiền cải cát cho bà Lê Thị P (vợ ông S - đã chết) là 230.000 đồng, quy đổi ra thóc là 700kg, ông S đề nghị áp dụng là 6.000đồng/01kg bằng 4.200.000 đồng.

Tiền lương thực cho các con ông S từ tháng 3 năm 1985 đến năm 1987 là 1.500 kg thóc, với giá 6.000 đồng/01 kg bằng 9.000.000 đồng.

Trợ cấp cho các con của ông S và bà P từ năm 1988 đến khi các con đủ 16 tuổi, cụ thể như sau:

Khoản trợ cấp cho chị Đặng Thị V: Trợ cấp trong thời gian 04 năm, từ năm 1985 đến năm 1990, các khoản trợ cụ thể: Tiền lương thực trong 04 năm; tiền quần áo trong 04 năm; tiền giấy bút đi học trong 04 năm.

Khoản trợ cấp cho anh Đặng Đức C: Trợ cấp trong thời gian 06 năm, từ năn 1985 đến năm 1992, các khoản trợ cấp cụ thể: Tiền trợ lương thực trong 06 năm;

tiền quần áo trong 06 năm; tiền giấy bút đi học trong 06 năm.

Khoản trợ cấp cho anh Đặng Văn O: Trợ cấp trong thời gian 09 năm, từ năn 1985 đến năm 1996, các khoản cụ thể: Tiền trợ lương thực trong 09 năm; tiền quần áo trong 09 năm; tiền giấy bút đi học trong 09 năm.

Khoản trợ cấp cho chị Đặng Thị H: Trợ cấp trong thời gian 12 năm, từ năn 1985 đến năm 1999, các khoản trợ cấp cụ thể: Tiền trợ lương thực trong 12 năm;

tiền quần áo trong 12 năm; tiền giấy bút đi học trong 12 năm.

Tổng số tiền quần áo cho 04 người con ông S là 15.500.000 đồng, tiền giấy bút là 15.500.000 đồng; tiền lương thực 24.180.000 đồng.

Đối với số tiền yêu cầu bồi thường tổn thất về tinh thần: Ông yêu cầu Ủy ban nhân dân thị trấn T phải bồi thường cho ông, chị V, anh C, anh O và chị H số tiền 149.000.000 đồng (tương đương với 100 tháng lương cơ sở do Nhà nước quy định).

Đồng thời yêu cầu Ủy ban nhân dân thị trấn T bồi thường tiền lương thực, tiền quần áo, tiền giấy bút cho 04 người con của ông S từ đủ 16 tuổi đến khi đủ 18 tuổi (thêm 02 năm) với tổng số tiền là 13.760.000 đồng.

Tổng số tiền ông Đặng Đức S yêu cầu Ủy ban nhân dân thị trấn T phải bồi thường cho ông, chị V, anh C, anh O và chị H là 231.140.000 đồng, được trừ số tiền 4.200.000 đồng ông S đã được Ủy ban nhân dân thị trấn T chi trả năm 1995, 1996. Số tiền còn lại là 226.940.000 đồng. Ông xin được nhận, hưởng toàn bộ số tiền bồi thường.

Đối với yều cầu bồi thường tiền học phí cho 04 người con của ông S, tại phiên tòa ông S xin rút toàn bộ yêu cầu này.

Ngưi đại diện theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân thị trấn T, ông Đỗ Văn T trình bày:

Ủy ban nhân dân thị trấn T đã giao cho Hợp tác xã nông nghiệp T đối trừ với gia đình ông S. Đối với các khoản gia đình ông S nợ của Hợp tác xã nông nghiệp T là tiền thủy lợi, làm đường và nợ Ủy ban nhân dân thị trấn T thuế nhà đất, dân công, đê điều, giao thông nông thôn, an ninh quốc phòng, tổng số 16.644.500 đồng. Ủy ban nhân dân thị trấn T và ông S đã lập biên bản đối trừ ngày 19/3/2015. Vì vậy Ủy ban nhân dân thị trấn T không còn nợ bất cứ khoản tiền gì của ông S.

Đối với các khoản hỗ trợ theo biên bản ngày 28/9/1988 giữa Ủy ban nhân dân xã T, huyện Vĩnh Lạc, tỉnh Vĩnh Phú (cũ). Nay là Ủy ban nhân dân thị trấn T, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc với ông S thì Ủy ban nhân dân thị trấn T không có ý kiến gì về các khoản và mức hỗ trợ như biên bản thỏa thuận bồi thường năm 1988. Nay Ủy ban nhân dân thị trấn T không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Đặng Đức S. Đồng thời đề nghị Tòa án xem xét về thời hiệu khởi kiện của nguyên đơn.

Về trách nhiệm bồi thường trong vụ án không thuộc Ủy ban nhân dân thị trấn T mà thuộc Hợp tác xã nông nghiệp T.

Đối với giá 01kg thóc là 6.000.000 đồng và 01 bộ quần áo cho mỗi con ông S là 500.000 đồng và tiền giấy bút cho mỗi con ông S là 500.000 đồng trên 01 năm đến khi các cháu đủ 16 tuổi thì Ủy ban nhân dân thị trấn T, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc không có ý kiến gì.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đồng thời là người đại diện theo ủy quyền của anh Đặng Văn O và chị Đặng Thị H, chị Đặng Thị V trình bày:

Chị đồng ý toàn bộ lời trình bày và yêu cầu của ông Đặng Đức S. Ngoài ra chị không trình bày bổ sung gì thêm. Trường hợp yêu cầu khởi kiện của ông Đặng Đức S được chấp nhận thì chị V, anh O và chị H đồng ý để ông S được nhận và hưởng toàn bộ.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ L quan Hợp tác xã nông nghiệp T (ông Phan Minh An là người đại diện theo pháp luật), tuy vắng mặt tại phiên tòa nhưng quá trình chuẩn bị xét xử đã có lời trình bày thể hiện:

Từ năm 1985 đến năm 1988 việc quản lý điện là do Hợp tác xã quản lý. Tuy nhiên việc quản lý điện của Hợp tác xã vẫn chịu sự quản lý của Ủy ban nhân dân xã T. Đến năm 2009 thì Ủy ban nhân dân thị trấn T đã chỉ đạo tách việc quản lý điện ra khỏi Hợp tác xã nông nghiệp và thành lập Hợp tác xã Dịch vụ điện T.

Nay ông S khởi kiện yêu cầu đòi bồi thường thì Hợp tác xã nông nghiệp T không L quan gì về bồi thường. Trách nhiệm bồi thường thuộc Ủy ban nhân dân thị trấn T, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Hợp tác xã Dịch vụ điện thị trấn T (do ông Nguyễn Văn H là người đại diện theo pháp luật) tuy vắng mặt tại phiên tòa nhưng quá trình chuẩn bị xét xử đã có lời trình bày thể hiện:

Từ năm 1985 đến năm 1988 việc quản lý điện là do Hợp tác xã nông nghiệp T quản lý. Tuy nhiên việc quản lý điện của Hợp tác xã vẫn chịu sự quản lý của Ủy ban nhân dân xã T. Đến năm 2009 thì Ủy ban nhân dân thị trấn T đã chỉ đạo tách việc quản lý điện ra khỏi Hợp tác xã nông nghiệp và thành lập Hợp tác xã Dịch vụ điện T. Nay ông S khởi kiện yêu cầu đòi bồi thường thì Hợp tác xã Dịch vụ điện T không L quan gì về bồi thường. Trách nhiệm bồi thường thuộc Ủy ban nhân dân thị trấn T, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Đặng Văn V (nguyên Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp T thời kỳ năm 1985, 1988) vắng mặt tại phiên tòa, quá trình chuẩn bị xét xử Tòa án đã tiến hành làm việc, lấy lời khai đối với ông V theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên ông V không đồng ý để Tòa án tiến hành lấy lời khai. Ông V trình bày hiện ông đã là người xuất gia.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, bà Phan Thị Kim L trình bày: Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Với nội dung trên, tại Bản án dân sự sơ thẩm số 11/2009/DS-ST ngày 15 tháng 8 năm 2019 Tòa án nhân dân huyện V đã áp dụng Điều 244 của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015; Các Điều 154, 357, 468, Điều 584, Điều 585, Điều 588, Điều 591 và Điều 601 của Bộ luật Dân sự năm 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án.

Xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Buộc Ủy ban nhân dân thị trấn T, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cho ông Đặng Đức S số tiến 134.520.000đ (một trăm ba mươi tư triệu năm trăm hai mươi nghìn đồng).

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, nếu ông Đặng Đức S có đơn yêu cầu thi hành án mà Ủy ban nhân dân thị trấn T, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc không trả được số tiền trên thì còn phải trả lãi theo quy định tại Điều 357 của Bộ luật dân sự.

Đình chỉ đối với yêu cầu của nguyên đơn (ông Đặng Đức S) về việc yêu cầu đòi bồi thường tiền học phí cho 04 người con của ông S và bà Lê Thị P.

Không chấp nhận yêu cầu của ông Đặng Đức S và các con của ông S và bà Lê Thị P về yêu cầu đòi bồi thường tiền lương thực, tiền quần áo và tiền giấy bút từ khi 04 người con của ông S và bà P đủ 16 tuổi cho đến khi đủ 18 tuổi.

Ngoài ra Bản án còn tuyên về án phí, nghĩa vụ chấp hành Bản án và quyền kháng cáo cho các đương sự.

Sau khi xét xử sơ thẩm:

- Ngày 27 tháng 8 năm 2019 ông Đặng Đức S và chị Đặng Thị V kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông S.

- Ngày 28 tháng 8 năm 2019 Ủy ban nhân dân thị trấn T kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại bản án phúc thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vì:

Toàn bộ việc bồi thường thiệt hại của Ủy ban nhân dân xã T (cũ) nay là Ủy ban nhân dân thị trấn T đã được thực hiện xong, thể hiện ở Quyết định số 29/QĐ- UBND ngày 05/6/2006 của Ủy ban nhân dân xã T và Biên bản giải quyết ngày 19/3/2015;

Việc ông S yêu cầu bồi thường tổn thất về tinh thần cho 04 người con và việc Tòa án xác định quan hệ tranh chấp kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là không đúng.

- Ngày 16 tháng 9 năm 2019, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định kháng nghị số 1241/QĐKNPT-VKS-DS, cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định sai quan hệ pháp luật tranh chấp và vi phạm về việc xác minh, thu thập chứng cứ. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm để giải quyết lại vụ án.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện; Người kháng cáo giữ nguyên nội dung kháng cáo;

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Đặng Đức S đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của ông Đặng Đức S.

Các đương sự không xuất trình chứng cứ mới.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc giữ nguyên nội dung kháng nghị.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu quan điểm về việc chấp hành pháp luật tố tụng dân sự của Hội đồng xét xử, của Thư ký Tòa án và của các đương sự, đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử như sau:

Tại đơn khởi kiện ông S yêu cầu Ủy ban nhân dân xã T thực hiện nghĩa vụ theo cam kết tại biên bản ngày 28/9/1998 và bồi thường do chậm thực hiện nghĩa vụ. Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ tranh chấp kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do tính mạng bị xâm phạm là không đúng.

Trong quá trình giải quyết vụ án Tòa án cấp sơ thẩm không yêu cầu các đương sự cung cấp tài liệu chứng cứ để làm rõ: Có việc UBND xã, HTX đã đối trừ các nghĩa vụ của ông S phải thực hiện với HTX và UBND xã với các khoản ông S được đối trừ từ UBND xã, số tiền UBND xã đã chi cho ông S 4.200.000đ vào năm 1995-1996 là hỗ trợ những khoản gì, thời điểm nào, số tiền UBND thị trấn còn nợ ông S 1.060.000đ đã được thanh toán chưa? Đơn khởi kiện ông S yêu cầu Ủy ban nhân dân thị trấn T phải bồi thường cho gia đình ông 231.240.000đ là tiền học phí cho 04 người con của ông; tại phiên tòa sơ thẩm ông S không yêu cầu giải quyết khoản này nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại cho rằng ông S rút một phần yêu cầu khởi kiện nên đình chỉ là không đúng.

Từ những phân tích trên đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng nghị số 1241/QĐKNPT-VKS-DS ngày 16/9/2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc. Áp dụng khoản 3 Điều 308 và Điều 310 Bộ luật tố tụng dân sự hủy bản án sơ thẩm số 11/2019/DS-ST ngày 15/8/2019 của Tòa án nhân dân huyện V. Giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân huyện V giải quyết lại vụ án.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về hình thức: Đơn kháng cáo của ông Đặng Đức S, Ủy ban nhân dân thị trấnT và kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc trong thời hạn luật định hợp lệ cần được chấp nhận xem xét theo trình tự phúc thẩm.

[2] Xét kháng cáo của ông Đặng Đức S, của Ủy ban nhân dân thị trấn T và kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, thấy:

Theo các tài liệu có trong hồ sơ thì việc yêu cầu bồi thường thiệt hại của ông S xuất phát từ việc bà Lê Thị P bị điện giật chết từ 1985, từ sự kiện này, ngày 28/9/1988 Ủy ban nhân dân xã T (cũ) đã lập “Biên bản giải quyết đơn đề nghị” theo đơn của ông S, theo đó Ủy ban nhân dân xã T chấp nhận thanh toán thiệt hại cho gia đình ông S nhưng việc thanh toán được trừ theo phương án sản lượng hàng năm của gia đình ông S. Tuy nhiên từ năm 1988 đến nay giữa ông Đặng Đức S và Ủy ban nhân dân thị trấn T không thống nhất được số tiền thanh toán, ông S cho rằng gia đình ông chưa được thanh toán đầy đủ, vì vậy ông S làm đơn khởi kiện yêu cầu Ủy ban nhân dân thị trấn T bồi thường thiệt hại cho gia đình gia đình theo quy định của pháp luật. Như vậy quan hệ pháp luật tranh chấp Tòa án cấp sơ thẩm xác định là tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là có căn cứ, đúng pháp luật, nhưng do các tài liệu, chứng cứ về nguyên nhân cái chết của bà P các cơ quan chức năng cũng như các đương sự không lưu giữ được, vì vậy không xác định được ai là người có lỗi trong việc bà P chết nên việc giải quyết vụ án cần tôn trọng thỏa thuận năm 1988 giữa gia đình ông Đặng Đức S và Ủy ban nhân dân xã T.

[3] Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại:

Quá trình giải quyết vụ án ông S yêu cầu bị đơn là Ủy ban nhân dân thị trấn T phải có trách nhiệm bồi thường cho ông và các con ông theo biên bản thỏa thuận ngày 28/9/1988 và các khoản bồi thường khác. Ủy ban nhân dân thị trấn T thì cho rằng trách nhiệm bồi thường thuộc Hợp tác xã Nông nghiệp T; Hợp tác xã Nông nghiệp T thì khẳng định trách nhiệm bồi thường thuộc Ủy ban nhân dân xã T (cũ) nay là Ủy ban nhân dân thị trấn T. Tòa án cấp sơ thẩm đã điều tra, xác minh làm rõ trách nhiệm bồi thường thuộc Ủy ban nhân dân thị trấn T, vì lẽ từ khi sự cố điện dẫn đến cái chết của bà Lê Thị P, khi lập biên bản thỏa thuận ngày 28/9/1988 thì do Ủy ban nhân dân xã T (cũ) thực hiện với tư cách là Ủy ban nhân dân. Biên bản thỏa thuận có chữ ký của đại diện Ủy ban và được đóng dấu của Ủy ban nhân dân xã T. Trong 02 năm 1995, 1996 sau khi nhận bàn giao, quản lý lưới điện từ Hợp tác xã nông nghiệp thì ông Nguyễn Văn Cối nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã T (cũ) đã thực hiện một phần việc hỗ trợ theo biên bản thỏa thuận ngày 28/9/1988, hỗ trợ cho gia đình ông S 4.200.000 đồng. Bản thân Ủy ban nhân dân thị trấn T sau khi lập, thực hiện biên bản đối trừ ngày 19/3/2015 thì đều khẳng định hiện Ủy ban nhân dân thị trấn T không còn nợ bất cứ khoản tiền gì của ông S. Căn cứ về cơ cấu quản lý kinh tế trong những năm 1985, 1988 thì mọi hoạt động kinh tế đều thuộc quản lý của Ủy ban nhân dân (cơ chế tập trung bao cấp). Vì vậy việc hoạt động của Hợp tác xã nông nghiệp T (cũ) chịu sự quản lý của Ủy ban nhân dân xã T. Ngày 28/6/2019 Công ty điện lực Vĩnh Phúc có văn bản trả lời việc xác minh, thu thập của Tòa án thể hiện “Tại thời điểm năm 1985 viêc quản lý điện do địa phương quản lý...; việc xây dựng lưới điện năm 1985 là do địa phương làm chủ đầu tư và chọn đơn vị thi công”...Như vậy việc xác định trách nhiệm bồi thường cho gia đình ông Soan thuộc Ủy ban nhân dân thị trấn T là có căn cứ.

[4] Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn cho rằng từ 1994 trở về trước thì Hợp tác xã nông nghiệp T đã thực hiện toàn bộ việc bồi thường cho ông S và cho rằng toàn bộ việc bồi thường thiệt hại của Ủy ban nhân dân xã T (cũ) nay là Ủy ban nhân dân thị trấn T đã được thực hiện xong, thể hiện ở Quyết định số 29/QĐ-UBND ngày 05/6/2006 của Ủy ban nhân dân xã T (Quyết định 29) và Biên bản giải quyết ngày 19/3/2015.

Tuy nhiên Quyết định 29/QĐ-UBND là văn bản đơn phương của Ủy ban nhân dân xã T, ông S không đồng ý với quyết định này và có đơn khiếu nại, còn Biên bản giải quyết ngày 19/3/2015 ông S cho rằng số tiền 1.060.000đ ghi trong biên bản là số tiền cháu H sinh năm 1981 được hưởng trong năm 1997, gồm tiền thóc ăn, tiền giấy bút và tiền 01 bộ quần áo, không phải là Ủy ban nhân dân thị trấn T chỉ còn nợ gia đình ông số tiền trên.

Như vậy lời khai và của nguyên đơn, bị đơn về nội dung của hai văn bản này có sự mâu thuẫn nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không yêu cầu các đương sự cung cấp tài liệu, chứng cứ để làm rõ gia đình ông S đã được Hợp tác xã, Ủy ban nhân dân xã T đối trừ những khoản nào. Tòa án cấp sơ thẩm cũng không yêu cầu Ủy ban nhân dân thị trấn T cung cấp hoặc giải trình khoản chi cho gia đình ông S (4.200.000đ) là những khoản gì.

[5] Quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm, Tòa án đã yêu cầu Ủy ban nhân dân thị trấn T cung cấp các tài liệu, chứng cứ thể hiện việc đối trừ các khoản Ủy ban nhân dân thị trấn T phải chi trả cho gia đình ông S nhưng theo đại diện hợp pháp của Ủy ban nhân dân thị trấn T thì do các khoản thể hiện ở nhiều nơi, qua nhiều thời kỳ nên chưa thu thập được.

Như vậy việc thanh toán bồi thường thiệt hại cho gia đình ông S của Ủy ban nhân dân thị trấn T chưa được Tòa án cấp sơ thẩm làm rõ, nhưng lại buộc Ủy ban nhân dân thi trấn T phải trả cho gia đình ông S 134.520.000đ là chưa đủ căn cứ. Để giải quyết vụ án khách quan, chính xác cần làm rõ các khoản mà Ủy ban nhân dân thị trấn T đã chi trả cho gia đình ông S. Sai sót này của Tòa án cấp sơ thẩm là nghiêm trọng mà Tòa án cấp phúc thẩm không thể khắc phục được.

Ngoài ra trong đơn khởi kiện ông S yêu cầu Ủy ban nhân dân thị trấn T phải bồi thường cho gia đình ông 231.240.000đ là tiền học phí cho 04 người con của ông. Đến tại phiên tòa sơ thẩm ông rút yêu cầu này nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại cho rằng ông S rút một phần yêu cầu khởi kiện nên đình chỉ yêu cầu của nguyên đơn đối với yêu cầu bồi thường tiền học phí cho 04 người con của nguyên đơn là không đúng. Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về nội dung này là có căn cứ.

[6] Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy cần chấp nhận một phần kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, hủy bản án sơ thẩm. Các nội dung kháng cáo của các đương sự sẽ được xem xét khi giải quyết lại vụ án.

[7] Do vụ án bị hủy nên ông Đặng Đức S, chị Đặng Thị V không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Án phí dân sự sơ thẩm sẽ được xem xét khi vụ án giải quyết lại theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng khoản 3 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự.

Hủy bản án sơ thẩm số 11/2019/DS-ST ngày 15/8/2019 của Tòa án nhân dân huyện V. Giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân huyện V giải quyết lại vụ án.

Các nội dung kháng cáo của các đương sự sẽ được xem xét khi giải quyết lại vụ án.

Về án phí: Ông Đặng Đức S không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Chị Đặng Thị V không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm; được hoàn lại 300.000đ tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo Biên lại thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2017/0004694 ngày 05 tháng 9 năm 2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện V.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

325
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tranh chấp kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do tính mạng bị xâm phạm số 20/2020/DS-PT

Số hiệu:20/2020/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Vĩnh Phúc
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 15/07/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;