TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 1127/2020/KDTM-PT NGÀY 23/12/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG HỢP TÁC GÓP VỐN ĐẦU TƯ VÀ HỢP ĐỒNG CHUYỂN NHƯỢNG VỐN GÓP
Trong ngày 03 và ngày 23 tháng 12 năm 2020, tại phòng xử án của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự phúc thẩm thụ lý số 147/2020/TLPT-KDTM ngày 16 tháng 9 năm 2020 về “Tranh chấp về hợp đồng hợp tác góp vốn đầu tư và về hợp đồng chuyển nhượng vốn góp”.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số 45/2020/KDTM-ST ngày 04 tháng 8 năm 2020 của Tòa án nhân dân Quận K bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 5382/2020/QĐ-PT ngày 27 tháng 10 năm 2020 và Quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm số 18391/2020/QĐ-PT ngày 11 tháng 11 năm 2020, giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Ngân hàng TMCP Việt Nam; Địa chỉ: Số 22 đường H, Thành phố Hà Nội; Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn:
1/. Bà Nguyễn Thị S; Căn cước công dân số 040192001173 do Cục Cảnh sát cấp ngày 26/9/2019;
2/. Ông Nguyễn Quốc H; CMND số 025079000132 do Cục Cảnh sát cấp ngày 18/3/2015;
3/. Ông Nguyễn Xuân S; Căn cước công dân số 034077003242 do Cục Cảnh sát cấp ngày 28/8/2017;
Cùng địa chỉ liên hệ: Số 22 đường H, Thành phố Hà Nội.
(Giấy ủy quyền số 15172/UQ-PVB ngày 03/08/2020) (Có mặt) Bị đơn: Công ty TNHH TS;
Địa chỉ: Số 3, Phường 11, Quận K, TPHCM;
Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Ngô Trọng H; CMND số 341023203 do Công an tỉnh Đồng Tháp cấp ngày 09/5/2018. (Giấy ủy quyền số 1195/UQ –TS ngày 04/11/2020) (Có mặt)
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Luật sư T, thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh. Thẻ Luật sư số 11982/LS do Liên đoàn Luật sư Việt Nam cấp ngày 16/5/2017 (Có mặt).
Người kháng cáo: Công ty TNHH TS.
Theo bản án sơ thẩm:
NỘI DUNG VỤ ÁN
- Nguyên đơn trình bày:
Ngày 14/9/2006 Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam/nguyên đơn) đã ký Hợp đồng góp vốn đầu tư số 373/HĐHT-PVFC-THAISON 10.15 với Công ty TNHH TS - Bộ Quốc phòng (để thực hiện dự án Trung tâm Triển lãm và Xúc tiến Thương mại Quân đội phía Nam, tại địa chỉ: 19A CH, Phường 12, quận S, Thành phố Hồ Chí Minh với giá trị vốn góp là 35.000.000.000 đồng. Thực hiện hợp đồng: Ngày 06/10/2006 và ngày 19/10/2006, nguyên đơn đã chuyển cho bị đơn số tiền 35.000.000.000 đồng.
Ngày 02/4/2007 và ngày 16/10/2008, hai bên ký Phụ lục Hợp đồng số 230 PLHĐHT-PVFC-THAISON 10.15 và Phụ lục số 2 Hợp đồng số 69 BSHĐHT- PVFC-THAISON 10.15, thoả thuận về vốn góp, về việc chuyển nhượng 50% vốn góp và về nguyên tắc phân chia lợi nhuận.
Ngày 17/10/2007 bị đơn đã chuyển cho nguyên đơn số tiền 2.497.446.123 đồng để tạm ứng thu nhập của hợp đồng góp vốn đầu tư.
Ngày 05/7/2007 và ngày 30/9/2009, bị đơn đã chuyển cho nguyên đơn số tiền lần lượt là 22.187.000 đồng và 856.416.667 đồng để thực hiện nghĩa vụ trả lãi.
Ngày 14/6/2007, ngày 22/5/2008 và ngày 01/9/2009, bị đơn đã chuyển cho nguyên đơn số tiền lần lượt là 5.484.000.000 đồng, 6.105.500.000 đồng và 10.140.000.000 đồng để thực hiện thanh toán mua lại 50% phần vốn góp theo thoả thuận tại hợp đồng và các Phụ lục hợp đồng nêu trên.
Ngày 16/5/2011, hai bên ký Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp số 05/2011/HĐCNVG-PVFC HCM-THAISON, thỏa thuận: Nguyên đơn chuyển nhượng toàn bộ 50% số vốn góp còn lại là 17.500.000.000 đồng cho bị đơn với giá 26.000.000.000 đồng. Thực hiện hợp đồng từ ngày 21/01/2016 đến ngày 27/12/2017, bị đơn đã chuyển cho nguyên đơn số tiền 15.100.000.000 đồng.
Do bị đơn liên tục vi phạm nghĩa vụ và các cam kết tại Hợp đồng góp vốn đầu tư số 373/HĐHT-PVFC-THAISON 10.15 ngày 14/9/2006, nên ngày 16/5/2011, nguyên đơn đã đồng ý chuyển nhượng toàn bộ số vốn góp còn lại cho bị đơn với giá 26.000.000.000 đồng. Căn cứ thỏa thuận tại Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp số 05/2011/HĐCNVG-PVFC HCM-THAISON ngày 16/5/2011, thì trong 10 ngày, kể từ ngày ký hợp đồng, bị đơn đặt cọc cho nguyên đơn 20% giá trị hợp đồng, tương đương số tiền 5.200.000.000 đồng.
Trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày ký hợp đồng, bị đơn có nghĩa vụ thanh toán cho nguyên đơn 80% giá trị hợp đồng, tương đương số tiền 20.800.000.000 đồng. Tại các Biên bản làm việc ngày 17/7/2014; ngày 26/10/2017; ngày 21/6/2018 và Văn bản số 917/TS-KTTC ngày 24/8/2018, bị đơn cam kết thực hiện đúng nghĩa vụ thanh toán, nhưng cho đến nay bị đơn chỉ thanh toán số tiền 15.100.000.000 đồng, nên nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn số tiền còn nợ của hợp đồng chuyển nhượng vốn góp là 10.900.000.000 đồng.
Do bị đơn chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán, nên nguyên đơn căn cứ Điều 5 tại hợp đồng chuyển nhượng vốn góp quy định mức lãi suất chậm trả là 22,5%/năm, yêu cầu bị đơn thanh toán tiền lãi tính đến ngày 28/7/2020 là 29.335.041.667 đồng.
Đối với Biên bản làm việc ngày 17/7/2014 giữa hai bên có ghi nhận việc nguyên đơn đồng ý giảm tiền lãi chậm trả từ 22,5%/năm xuống 11%/năm, nguyên đơn yêu cầu Tòa án không công nhận giá trị pháp lý của biên bản này, lý do là bà Hồ Việt H không được nguyên đơn uỷ quyền hợp pháp để làm việc và thoả thuận về mức lãi suất với bị đơn.
Đối với yêu cầu phản tố của bị đơn, nguyên đơn đề nghị Tòa án không xem xét, vì nguyên đơn chỉ yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp số 05/2011/HĐCNVG-PVFC HCM-THAISON ngày 16/5/2011, không yêu cầu giải quyết Hợp đồng góp vốn đầu tư số 373/HĐHT- PVFC-THAISON 10.15 ngày 14/9/2006. Hợp đồng góp vốn đầu tư số 373/HĐHT-PVFC-THAISON 10.15 ngày 14/9/2006 đã thực hiện xong; bản chất của hai hợp đồng này không liên quan với nhau và không thể bù trừ nghĩa vụ, nên nguyên đơn đề nghị không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn.
- Bị đơn trình bày:
Căn cứ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, số vào sổ cấp giấy chứng nhận CT34568 do Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 22/5/2014 cho Trung tâm Triển lãm Quân đội - Cục Kinh tế - Bộ Quốc phòng thì Thửa đất số 9, tờ bản đồ số 11; địa chỉ: số 19A đường CH, Phường 12, quận S có mục đích sử dụng là đất quốc phòng. Như vậy, mục đích Công ty Tài chính Dầu khí và Công ty TS ký Hợp đồng góp vốn đầu tư số 373/HĐHT-PVFC-THAISON 10.15 ngày 14/9/2006 để thực hiện dự án Trung tâm Triển lãm và Xúc tiến Thương mại Quân đội phía Nam là vi phạm quy định của pháp luật về chế độ quản lý, sử dụng đất đai do sử dụng đất sai mục đích. Mặt khác, bản chất của hợp đồng hợp tác góp vốn đầu tư có lợi nhuận dựa trên kết quả kinh doanh theo nguyên tắc “lời ăn, lỗ chịu”. Tuy nhiên, tại Điều 2 và Điều 3 của Hợp đồng góp vốn đầu tư số 373/HĐHT-PVFC-THAISON 10.15 ngày 14/9/2006 quy định về việc chuyển nhượng phần vốn góp; về số tiền gốc và tiền lãi phải trả, đã ấn định sẵn số tiền lợi nhuận mà nguyên đơn được hưởng là 3.602.500.000 đồng, cho thấy quan hệ giữa hai bên thực chất là quan hệ cho vay tài sản. Do vậy, căn cứ Điều 128 và Điều 129 của Bộ luật Dân sự năm 2005, Hợp đồng góp vốn đầu tư số 373/HĐHT-PVFC-THAISON 10.15 ngày 14/9/2006 vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật và do giả tạo nhằm che giấu giao dịch cho vay tài sản.
Do Phụ lục hợp đồng góp vốn đầu tư số 230 PLHĐHT-PVFC-THAISON 10.15 ngày 02/4/2007; Phụ lục số 2 Hợp đồng góp vốn đầu tư số 69 BSHĐHT- PVFC-THAISON 10.15 ngày 16/10/2008 và Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp số 05/2011/HĐCNVG-PVFC HCM-THAISON ngày 16/5/2011 được xác lập dựa trên hợp đồng góp vốn đầu tư số 373/HĐHT-PVFC-THAISON 10.15 ngày 14/9/2006, nên hợp đồng góp vốn đầu tư vô hiệu thì các hợp đồng sau đó không có hiệu lực pháp luật, không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên kể từ thời điểm xác lập hợp đồng. Từ những căn cứ này, bị đơn không đồng ý toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Đối với Biên bản làm việc số 5944/BB-QL7TCTTS ngày 21/6/2018 và Văn bản số 917/TS-KTTC ngày 24/8/2018 do ông Nguyễn Văn T ký xác nhận nghĩa vụ của Tổng công ty TS phải thanh toán số tiền gốc chuyển nhượng là 10.900.000.000 đồng, bị đơn yêu cầu Tòa án không công nhận giá trị pháp lý của các văn bản này, bởi ông Nguyễn Văn T không được Tổng công ty TS - Bộ Quốc phòng uỷ quyền hợp pháp để cam kết thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền chuyển nhượng góp vốn cho nguyên đơn.
Bị đơn thừa nhận nguyên đơn đã chuyển cho bị đơn số tiền 35.000.000.000 đồng và bị đơn đã chuyển cho nguyên đơn số tiền 39.637.883.123 đồng. Căn cứ Điều 137 của Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định khi giao dịch dân sự vô hiệu, thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, do đó bị đơn yêu cầu nguyên đơn hoàn trả cho bị đơn số tiền chênh lệch là 4.637.883.123 đồng.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 45/2020/KDTM-ST ngày 04 tháng 8 năm 2020, Tòa án nhân dân Quận K tuyên xử:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn về việc yêu cầu bị đơn thanh toán tiền nợ gốc và tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ:
Buộc Công ty TNHH TS có nghĩa vụ thanh toán cho Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam số tiền 23.187.297.061 đồng, trong đó nợ gốc là 10.900.000.000 đồng và tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán tính đến ngày 04/8/2020 là 12.287.297.061 đồng, thi hành ngay khi bản án có hiệu lực pháp luật.
Kể từ ngày 05/8/2020 cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất là 0,544%/tháng.
2. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn về việc yêu cầu nguyên đơn hoàn trả số tiền 4.637.883.123 đồng.
3. Về án phí dân sự sơ thẩm:
- Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam chịu án phí là 125.047.745 đồng, nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 71.725.550 đồng, theo biên lai thu tiền số AA/2017/0040785 ngày 09/5/2018 của Chi cục Thi hành án Dân sự Quận K. Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam còn phải nộp thêm số tiền là 53.322.195 đồng.
- Công ty TNHH TS chịu án phí là 243.825.180 đồng, nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 41.000.000 đồng, theo biên lai thu tiền số AA/2018/0017195 ngày 08/4/2019 và số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 15.318.942 đồng, theo biên lai thu tiền số AA/2018/0017918 ngày 15/10/2019 của Chi cục Thi hành án Dân sự Quận K. Công ty TNHH TS còn phải nộp thêm số tiền là 187.506.238 đồng.
Ngày 13/8/2020 bị đơn nộp đơn kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm; lý do bản án sơ thẩm không phản ánh đúng với hồ sơ vụ án và không xác định đúng quan hệ pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của bị đơn. Yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
- Đại diện nguyên đơn: Giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và đề nghị Hội đồng xét xử bác kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
- Đại diện bị đơn: Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo, sửa bản án sơ thẩm, bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn.
- Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh - Ông Tôn Mạnh Hùng, Kiểm sát viên, phát biểu có nội dung chính như sau: Nhận thấy Thẩm phán và Hội đồng xét xử phúc thẩm đã tuân thủ đúng thủ tục tố tụng, các đương sự thực hiện được quyền và nghĩa vụ tố tụng. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn. Giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa và phát biểu của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Tại phiên tòa phúc thẩm, các đương sự thừa nhận nội dung trình bày của các đương sự được ghi nhận trong bản án sơ thẩm là đúng; trong giai đoạn phúc thẩm các đương sự nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ giải trình về việc ký kết và quá trình thực hiện hợp đồng. Xét, Tòa án nhân dân Quận K, thụ lý giải quyết tranh chấp về hợp đồng hợp tác góp vốn đầu tư và về hợp đồng chuyển nhượng vốn góp, giữa nguyên đơn với bị đơn là đúng trình tự, thủ tục thẩm quyền. Sau khi xét xử sơ thẩm, bị đơn nộp đơn kháng cáo trong thời hạn luật định nên đơn kháng cáo hợp lệ.
[2] Xét kháng cáo của bị đơn yêu cầu Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vì Hợp đồng số 373/HĐHT-PVFC-THAISON 10.15 ngày 14/9/2006 vô hiệu do vi phạm quy định về góp vốn quy định tại Khoản 4, Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2005; vi phạm quy định về sử dụng vốn Nhà nước quy định tại Khoản 3, Điều 67 Luật Đầu tư 2005; vô hiệu do giả tạo, che dấu giao dịch cho vay tài sản theo quy định tại Điều 128, Điều 129 Bộ luật Dân sự 2005; đồng thời chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn yêu cầu nguyên đơn hoàn trả số tiền 4.637.883.123 đồng.
[2.1] Đối với yêu cầu kháng cáo cho rằng Hợp đồng số 373, vô hiệu do vi phạm quy định về góp vốn quy định tại Khoản 4, Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2005.
Xét, theo thỏa thuận tại Hợp đồng góp vốn đầu tư số 373/HĐHT-PVFC- THAISON 10.15 ngày 14/9/2006 thì giao dịch của các bên không phải là góp vốn vào doanh nghiệp mà giao dịch của hai bên là góp vốn để đầu tư dự án, do đó phải áp dụng Luật Đầu tư năm 2005 và Nghị định 79/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ quy định về tổ chức hoạt động của công ty tài chính để giải quyết các quan hệ góp vốn đầu tư giữa các đương sự.
Tại Khoản 2, Điều 24 Nghị định 79/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 quy định:
“Điều 24. Các nghiệp vụ khác được phép thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, gồm:
...........
2. Đầu tư cho các dự án theo hợp đồng”.
Tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều 3 của Luật Đầu tư năm 2005 quy định:
1. Đầu tư là việc nhà đầu tư bỏ vốn bằng các loại tài sản hữu hình hoặc vô hình để hình thành tài sản tiến hành các hoạt động đầu tư theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Đầu tư gián tiếp là hình thức đầu tư thông qua việc mua cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu, các giấy tờ có giá khác, quỹ đầu tư chứng khoán và thông qua các định chế tài chính trung gian khác mà nhà đầu tư không trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư”.
Công ty TS là đơn vị cần vốn để khai thác dự án xây dựng Trung tâm Triển lãm và Xúc tiến Thương mại Quân đội tại địa chỉ 19A CH, Phường 12, quận S và Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam có nguồn vốn với tư cách là nhà đầu tư trung gian có thể bán tài sản tài chính theo Hợp đồng góp vốn đầu tư số 373 ngày 14/9/2006. Căn cứ theo các quy định pháp luật nêu trên thì việc nguyên đơn bỏ vốn ra để đầu tư vào dự án với bị đơn mà không tham gia quản lý hoạt động đầu tư được xem là đầu tư gián tiếp, phù hợp với quy định tại Khoản 1, Khoản 3 Điều 3 của Luật Đầu tư năm 2005. Do đó Công ty TS kháng cáo cho rằng việc góp vốn đã vi phạm quy định về góp vốn quy định tại Khoản 4, Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2005 là không có cơ sở.
[2.2] Đối với yêu cầu kháng cáo cho rằng Hợp đồng số 373, vô hiệu do vi phạm quy định về sử dụng vốn Nhà nước quy định tại Khoản 3, Điều 67 Luật Đầu tư 2005.
Công ty TS cho rằng cả hai đều là doanh nghiệp Nhà nước, được Nhà nước giao vốn để quản lý đầu tư và hoạt động kinh doanh, thì việc sử dụng vốn Nhà nước để đầu tư phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định đầu tư thẩm định và chấp thuận.
Căn cứ vào Giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh số 4113032850, đăng ký lần đầu ngày 10/4/2008 tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, có cơ sở xác định Công ty Tài chính dầu khí chuyển đổi thành Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam.
Xét, theo quy định tại Điều 2, Nghị định 79/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002, thì:
“Công ty Tài chính là loại hình tổ chức tín dụng phi ngân hàng, với chức năng là sử dụng vốn tự có, vốn huy động và các nguồn vốn khác để cho vay, đầu tư; cung ứng các dịch vụ tư vấn về tài chính, tiền tệ và thực hiện một số dịch vụ khác theo quy định của pháp luật, nhưng không được làm dịch vụ thanh toán, không được nhận tiền gửi dưới 1 năm.” Như vậy công ty tài chính là một tổ chức tín dụng được phép huy động vốn từ các nguồn khác để thực hiện hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật và nguồn vốn đầu tư vào dự án cùng với bị đơn là nguồn vốn mà nguyên đơn đã huy động từ các nguồn khác một cách hợp pháp, không phải nguồn vốn ngân sách Nhà nước theo quy định tại Khoản 10 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2005. Vì vậy, nguyên đơn có quyền góp vốn đầu tư dự án xây dựng trung tâm triển lãm mà không phải thực hiện thủ tục thẩm định và chấp thuận của cơ quan chủ quản khi thực hiện đầu tư theo quy định tại Khoản 3, Điều 67 của Luật Đầu tư năm 2005.
Đối với bị đơn khi tham gia đầu tư dự án đã được phê duyệt của cơ quan chủ quản là Bộ Quốc phòng tại Quyết định số 3393/QĐ-BQP ngày 14/12/2005 Điều 1 có ghi: “Cho phép Công ty TS thuộc Trung tâm nhiệt đới Việt – Nga và các doanh nghiệp khác tham gia góp vốn để đầu tư khai thác Trung tâm xúc tiến thương mại và giới thiệu sản phẩm kinh tế kỹ thuật Quân đội phía Nam do Cục Kinh tế Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư. Nguồn vốn tham gia bằng vốn tự có và vốn tự huy động của doanh nghiệp”.
Do đó bị đơn kháng cáo cho rằng nguyên đơn và bị đơn vi phạm quy định về sử dụng vốn Nhà nước theo quy định tại Khoản 3, Điều 67 Luật Đầu tư năm 2005 là không có cơ sở.
[2.3] Đối với yêu cầu kháng cáo cho rằng Hợp đồng số 373, vô hiệu do giả tạo, che dấu giao dịch cho vay tài sản theo quy định tại Điều 128; Điều 129 Bộ luật Dân sự năm 2005.
Xét, giao dịch giữa các đương sự là hình thức đầu tư gián tiếp trên cơ sở tự nguyện thỏa thuận về việc góp vốn đầu tư vào dự án và phân chia lợi nhuận, pháp luật không cấm các doanh nghiệp không được hợp tác góp vốn đầu tư và phân chia lợi nhuận, căn cứ vào Điều 11 của Luật Thương mại năm 2005 thì các bên có quyền đưa ra mức lợi nhuận để thỏa thuận, việc nguyên đơn đưa ra mức lãi suất là phù hợp với quy định của pháp luật, thỏa thuận của các đương sự là hợp pháp. Thực tế các đương sự có thỏa thuận góp vốn; nguyên đơn có chuyển số tiền góp vốn; bị đơn có sử dụng số vốn góp của nguyên đơn để cùng Cục Kinh tế - Bộ Quốc phòng xây dựng dự án là có thật. Như vậy, Hợp đồng số 373 không phải là giao dịch giả tạo, không có việc che dấu mức lãi suất để thỏa thuận thông qua hợp đồng góp vốn như bị đơn trình bày.
[2.4] Đối với yêu cầu phản tố của bị đơn:
Do các đương sự đã thống nhất số tiền nguyên đơn đã giao cho bị đơn là 35.000.000.000 đồng và bị đơn cũng đã giao trả cho nguyên đơn số tiền là 39.637.883.123 đồng, tuy nhiên như đã phân tích do không có cơ sở để tuyên bố các hợp đồng và phụ lục hợp đồng mà các bên đã ký kết là vô hiệu, do đó không có cơ sở để chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn, khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho bị đơn số tiền chênh lệch là 4.637.883.123 đồng.
Đối với Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp số 05/2011 ngày 16/5/2011: Sau khi thực hiện Hợp đồng số 373, thì số tiền góp vốn của nguyên đơn đã trở thành sở hữu chung hỗn hợp tại dự án theo quy định tại Điều 218 Bộ luật Dân sự năm 2005; số tiền nguyên đơn đã góp vốn vào cùng với bị đơn chính là một phần tài sản thuộc sở hữu chung hỗn hợp và khi nguyên đơn không còn ý định hợp tác cùng bị đơn thì các đương sự đã thỏa thuận về việc chuyển nhượng lại phần tài sản đó cho bị đơn, việc mua bán theo nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận trong hoạt động thương mại phù hợp quy định tại Điều 11 Luật Thương mại năm 2005. Đối với phần vốn nhận chuyển nhượng về, Công ty TS chỉ phải hạch toán tăng tài sản tiền mặt trên hệ thống kế toán chứ không có liên quan đến việc phải làm thủ tục tăng vốn điều lệ và chuyển đổi mô hình doanh nghiệp vì trong thực tế không có việc tăng vốn điều lệ của Công ty TS.
Căn cứ vào sự thừa nhận của tất cả các đương sự tại phiên tòa và các tài liệu, chứng cứ thể hiện tại hồ sơ đã có cơ sở xác định từ ngày 21/01/2016 đến ngày 27/12/2017, bị đơn đã thanh toán số tiền chuyển nhượng vốn góp cho nguyên đơn là 15.100.000.000 đồng, như vậy số tiền chuyển nhượng vốn góp chưa thanh toán cho nguyên đơn là 10.900.000.000 đồng. Căn cứ Điều 2 của Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp số 05 ngày 16/5/2011 mà các bên đã thỏa thuận, có cơ sở chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về số tiền nợ gốc và nợ lãi như bản án sơ thẩm của TAND Quận K đã tuyên buộc bị đơn có nghĩa vụ thanh toán cho nguyên đơn là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Xét cần giữ nguyên bản án sơ thẩm và không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn.
Do Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm nên người kháng cáo là Công ty TNHH TS phải chịu án phí phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
- Căn cứ Khoản 1 Điều 308; Khoản 1 Điều 148; Điều 313 Bộ luật Tố tụng dân sự; Khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.
- Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn – Công ty TNHH TS. Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 45/2020/KDTM-ST ngày 04/8/2020 của Tòa án nhân dân Quận K, Thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể:
Xử:
1/. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc yêu cầu bị đơn thanh toán tiền nợ gốc và tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ:
Buộc Công ty TNHH TS có nghĩa vụ thanh toán cho Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam số tiền 23.187.297.061 (hai mươi ba tỷ một trăm tám mươi bảy triệu hai trăm chín mươi bảy ngàn không trăm sáu mươi mốt) đồng, trong đó nợ gốc là 10.900.000.000 đồng và tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán tính đến ngày 04/8/2020 là 12.287.297.061 đồng, thi hành ngay khi bản án có hiệu lực pháp luật tại Cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền.
Kể từ ngày 05/8/2020 cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất là 0,544%/tháng.
2/. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn về việc yêu cầu nguyên đơn hoàn trả số tiền 4.637.883.123 (bốn tỷ sáu trăm ba mươi bảy triệu tám trăm tám mươi ba ngàn một trăm hai mươi ba) đồng.
3/. Về án phí sơ thẩm:
- Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam chịu án phí 125.047.745 (một trăm hai mươi lăm triệu không trăm bốn mươi bảy ngàn bảy trăm bốn mươi lăm) đồng, nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp 71.725.550 (bảy mươi mốt triệu bảy trăm hai mươi lăm ngàn năm trăm năm mươi) đồng, theo Biên lai thu tiền số AA/2017/0040785 ngày 09/5/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận K, Thành phố Hồ Chí Minh. Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam còn phải nộp thêm số tiền là 53.322.195 (năm mươi ba triệu ba trăm hai mươi hai ngàn một trăm chín mươi lăm) đồng, thi hành tại Cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền.
- Công ty TNHH TS chịu án phí là 243.825.180 (hai trăm bốn mươi ba triệu tám trăm hai mươi lăm ngàn một trăm tám mươi) đồng, nhưng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 41.000.000 (bốn mươi mốt triệu) đồng và 15.318.942 (mười lăm triệu ba trăm mười tám ngàn chín trăm bốn mươi hai) đồng, theo các Biên lai thu tiền số AA/2018/0017195 ngày 08/4/2019 và AA/2018/0017918 ngày 15/10/2019 của Chi cục Thi hành án Dân sự Quận K, Thành phố Hồ Chí Minh. Công ty TNHH TS còn phải nộp thêm số tiền là 187.506.238 (một trăm tám mươi bảy triệu năm trăm lẻ sáu ngàn hai trăm ba mươi tám) đồng, thi hành tại Cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền.
4/. Về án phí phúc thẩm:
Công ty TNHH TS phải chịu 2.000.000 (hai triệu) đồng, nhưng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp 2.000.000 (hai triệu) đồng, theo Biên lai thu tiền số AA/2019/0014952 ngày 18/8/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận K, Thành phố Hồ Chí Minh.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án Dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án Dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án Dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2014)
Bản án về tranh chấp hợp đồng hợp tác góp vốn đầu tư và hợp đồng chuyển nhượng vốn góp số 1127/2020/KDTM-PT
Số hiệu: | 1127/2020/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 23/12/2020 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về