Bản án về tranh chấp hợp đồng dịch vụ logictics số 108/2017/KDTM-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN TÂN BÌNH, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 108/2017/KDTM-ST NGÀY 11/08/2017 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ LOGICTICS

Ngày 11 tháng 8 năm 2017 tại Tòa án nhân dân quận Tân Bình xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 132/2016/TLST-KDTM ngày 16 tháng 11 năm 2016 về “Tranh chấp hợp đồng dịch vụ logictics” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 88/2017/QĐXXST-KDTM ngày 27 tháng 7 năm 2017 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Công ty TNHH Phân phối và Thương mại T, trụ sở tại: Tầng M, Tòa nhà A, 117-119 L, Phường X, Quận Y, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Bà Đỗ Thị T, sinh năm 1961, địa chỉ tại: 199 L, Phường X, quận Y, Thành phố Hồ Chí Minh là người đại diện theo ủy quyền (văn bản ủy quyền ngày 04/4/2017) (Bà T có mặt).

- Bị đơn: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu Thực phẩm C, trụ sở tại: 279-281 C, Phường X, quận Y, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Nguyễn Bá L, là người đại diện theo pháp luật của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu Thực phẩm C (Giám đốc Công ty). (Ông L có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện, bản tự khai và các biên bản phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, nguyên đơn do ông Nguyễn Thái B đại diện trình bày:

Vào đầu tháng 7/2016, ông B – giám đốc Công ty TNHH Phân phối và Thương mại T (sau đây gọi tắt là Công ty T) có liên lạc với ông Nguyễn Bá L – Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm C (sau đây gọi tắt là Công ty C) nhờ Công ty C đứng ra nhập khẩu lô hàng đậu nành từ Công ty Y (gọi tắt là Công ty S) ở Thái Lan về Việt Nam. Hai bên có trao đổi qua điện thoại, ông L có hứa sẽ kiểm tra công ty bên Thái Lan và lo mọi việc liên quan đến hải quan để lấy lô hàng ra. Vì tin tưởng lời hứa của ông L nên Công ty T đã ký hợp đồng dịch vụ Logistics số127/2016-UTNK ngày 12/7/2016 với Công ty C. Ông B đã thỏa thuận hàng hóa, số lượng, giá cả với Công ty S bên Thái Lan, sau đó Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm C đã ký kết hợp đồng mua bán với Công ty S (Thái Lan) để nhập khẩu lô hàng đậu nành trị giá 2.700 USD về Việt Nam. Ông B đã đến Công ty C để chuyển tiền 02 lần, lần 1: 35% giá trị hợp đồng là 22.288.000 đồng, lần 2: 65% giá trị hợp đồng là 39.312.000 đồng. Tổng cộng Công ty T đã chuyển cho Công ty C số tiền 60.485.000 đồng nhưng cho đến nay Công ty T vẫn chưa được nhận hàng từ Công ty S Thái Lan. Theo ông B, Công ty C đã không kiểm tra tính hợp lệ của bộ chứng từ do bên Công ty Thái Lan cung cấp và đã không kiểm tra kỹ thông tin tàu chạy trước khi chuyển tiền cho bên Công ty S dẫn đến việc Công ty S không giao hàng. Do vậy, Công ty T khởi kiện yêu cầu Công ty C phải bồi thường số tiền 60.485.000 đồng. Tại biên bản hòa giải ngày 27/3/2017, ông B yêu cầu Công ty C phải có trách nhiệm trả lại cho Công ty T số tiền chuyển lần 2 là 39.312.000 đồng do Công ty C không kiểm tra thông tin tàu chạy mà đã chuyển số tiền này. Còn số tiền chuyển lần 1 là 22.288.000 đồng thì Công ty T không yêu cầu.

Tại biên bản hòa giải ngày 01/6/2017, bà Đỗ Thị T - người đại diện theo ủy quyền của Công ty T trình bày: Hợp đồng ngày 19/7/2016 giữa Công ty Y (S) và Công ty C là do Công ty T ủy thác cho Công ty C ký theo chỉ định của Công ty T về công ty bán, số lượng, chất lượng, giá cả... nhưng giữa Công ty T và Công ty C không ký hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa. Sau đó, Công ty T ký hợp đồng Logistic với Công ty C để làm thủ tục nhập khẩu lô hàng theo hợp đồng mua bán giữa Công ty C với công ty Y (S). Tại khoản 1 Điều V của Hợp đồng Logistics giữa Công ty T và Công ty C quy định Công ty C phải đứng tên công ty ủy thác theo dõi, báo cáo thế. Tại Khoản 6 Điều II của Hợp đồng Logistics giữa Công ty T và Công ty C quy định Công ty C có trách nhiệm nhập khẩu hàng về và giao hàng cho Công ty T nguyên đai, nguyên kiện. Lỗi của Công ty C là không kiểm tra số vận đơn có đúng do hãng tàu từ Công ty phía Thái Lan đưa ra hay không và không kiểm tra tàu chạy mà đã giao tiền lần 2 cho công ty phía Thái Lan là có sự vi phạm. Cũng theo hợp đồng ngày 19/7/2016 giữa Công ty Y (S) với Công ty C thì Công ty C không kiểm tra vận đơn có phải là thật hay giả mà Công ty C đã chuyển tiền là có sự vi phạm. Qua đó, do lỗi của Công ty C dẫn đến việc vi phạm hợp đồng Logistics đã giao kết với Công ty T. Vì muốn thỏa thuận để giải quyết vụ án được nhanh chóng nên lần hòa giải trước Công ty T có giảm bớt số tiền yêu cầu, chỉ yêu cầu Công ty C bồi thường số tiền giao lần 2 là 65% giá trị hợp đồng tương đương số tiền 39.312.000 đồng. Nhưng nay do phía Công ty C không có thiện chí nên phía Công ty T vẫn giữ yêu cầu như đơn khởi kiện, yêu cầu Công ty C phải bồi thường số tiền 60.485.000 đồng.

Bị đơn - Công ty C, do ông Nguyễn Bá L là người đại diện theo pháp luật, trình bày tại bản tự khai và các biên bản hòa giải: Ngày 12/7/2016, Công ty C có ký hợp đồng dịch vụ Logistics số 127/2016-UTNK với Công ty T. Công ty C nhận ủy thác nhập khẩu lô hàng, chỉ chịu trách nhiệm đứng tên trên giấy tờ nhập khẩu, làm thủ tục hải quan và nhận chuyển hàng về kho của bên A sau khi hàng về đến Cảng C, Thành phố Hồ Chí Minh. Công ty T đã tự liên hệ, thỏa thuận với Công ty Y (S) Thái Lan, gởi thông tin của Công ty C, tự làm hợp đồng với bên nước ngoài và đàm phán chất lượng, giá cả, và phía bên Thái Lan đã gởi mẫu hàng trước đó cho Công ty T. Ông B mang bản scan hợp đồng mua bán với Công ty S Thái Lan đến và yêu cầu Công ty C nhận tiền của Công ty T và chuyển tiền cho Công ty Y (S). Để hoàn tất thủ tục chuyển tiền được cho Công ty Y (S) thì Công ty C phải ký vào hợp đồng mua bán với Công ty S và sao y đưa cho ngân hàng thì mới chuyển tiền được. Công ty C không hề biết về thời điểm giao hàng và tàu chạy khi chưa có thông tin từ Công ty T. Công ty C đã chuyển tiền theo chỉ định của Công ty T. Vận đơn cũng là do Công ty T gởi cho Công ty C. Công ty C xác nhận có ký hợp đồng mua bán với Công ty S Thái Lan theo chỉ định của Công ty T để chuyển tiền cho hợp lệ. Căn cứ theo khoản 6 điều II trong hợp đồng dịch vụ Logistics thì “Bên B có trách nhiệm nhập khẩu hàng về và giao hàng nguyên đai nguyên kiện cho bên A đúng theo đơn hàng, số lượng mà bên A đã đàm phán với đối tác nước ngoài sau đó chỉ định đối tác nước ngoài giao hàng cho bên B theo Contract của nước ngoài. Bên B không chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa và giấy tờ nước ngoài, hồ sơ báo hàng trễ và đơn giá kê khai trong hợp đồng nhập khẩu”. Do vậy, Công ty C chỉ chịu trách nhiệm đứng tên trên giấy tờ nhập khẩu, làm thủ tục hải quan và vận chuyển hàng về kho của bên A sau khi hàng về đến Cảng C– Thành phố Hồ Chí Minh mà không có trách nhiệm phải kiểm tra chứng từ hàng nhập, không có trách nhiệm xác minh đối tác nước ngoài làm ăn chân chính hay tội phạm lừa đảo vì đối tác nước ngoài do bên A cung cấp thông tin, bên A đã làm việc với đối tác nước ngoài để nhận mẫu, đặt hàng… Tại khoản 1 Điều III (về trách nhiệm) “Bên A cung cấp số tiền đúng theo hợp đồng nhập khẩu nước ngoài để bên B chuyển tiền cho bên bán hàng đúng như cam kết trên hợp đồng ngoại thương”. Tại khoản 3 Điều III có quy định: Công ty T có trách nhiệm cung cấp đầy đủ bộ chứng từ hợp lệ và chính xác có liên quan đến hàng hóa như giấy phép xuất khẩu, vận đơn, hợp đồng… để Công ty C làm thủ tục hải quan và nhận hàng. Đợt 1 chuyển tiền cho đối tác nước ngoài ngay khi ký hợp đồng là 22.288.000 đồng, đợt 2 sau khi Công ty T nhận được bill của công ty nước ngoài, chuyển cho Công ty C và yêu cầu Công ty C chuyển cho Công ty S 65% số tiền còn lại là 39.312.000 đồng. Công ty C không có lỗi và đã thực hiện đúng hợp đồng, Công ty C khẳng định chỉ ký hợp đồng dịch vụ Logistics với Công ty T, không ký hợp đồng ủy thác mua bán nào khác. Việc Công ty C ký hợp đồng mua bán với công ty S là để thực hiện hợp đồng Logistics với Công ty T nên không đồng ý bồi thường bất cứ khoản tiền nào như Công ty T yêu cầu. Đến nay Công ty C cũng chưa nhận được phí theo hợp đồng dịch vụ Logistics.

Tại phiên tòa, bà Đỗ Thị T - đại diện theo ủy quyền của Công ty T trình bày: Nguyên đơn và bị đơn chỉ ký 1 hợp đồng dịch vụ Logistics ngày 12/7/2016, việc thoả thuận uỷ thác mua bán với Công ty S là do ông B trao đổi qua điện thoại với nhân viên của Công ty C. Tuy nhiên, số của hợp đồng Logistics là 127/2016-NTNK có chữ viết tắt UTNK cũng bao hàm ý uỷ thác mua bán với công ty S. Các chứng từ như hợp đồng, vận đơn, packing list... là do Công ty T cung cấp cho Công ty C. Tại bản tự khai ngày 04/01/2017 bị đơn xác nhận có nhận uỷ thác nhập khẩu lô hàng nói trên, chỉ chịu trách nhiệm đứng tên trên giấy tờ nhập khẩu “công ty chúng tôi nhận uỷ thác nhập khẩu lô hàng trên”. Tại biên bản làm việc ngày 04/4/2017, bị đơn khai không ký bất cứ hợp đồng uỷ thác nào với nguyên đơn, nhưng thực chất tại bản hợp đồng dịch vụ Logistics số 127/2016-UTNK đã nói lên bản chất của hợp đồng uỷ thác mà bị đơn chỉ ký tên trên bản scan hợp đồng mua bán với Công ty S. Căn cứ điều 15 và Điều 19 của Hợp đồng mà bị đơn ký với Công ty Thái Lan “Các bên cùng thoả thuận rằng các bản sao điện tử của hợp đồng này được xem là bản chính. Các bên đồng ý tất cả các điều khoản và điều kiện của hợp đồng ngay khi các bên ký kết hợp đồng”. Tại biên bản làm việc ngày 04/4/2017, bị đơn khai bị đơn không ký bất cứ hợp đồng uỷ thác nào với nguyên đơn nhưng bị đơn có xác nhận vai trò “đứng tên công ty uỷ thác theo dõi và báo cáo thế”. Tại bản hợp đồng mà bị đơn ký với nguyên đơn được giao kết tại điều 5 đã tính phí là 4.000.000 đồng cho việc đứng tên công ty uỷ thác. Bị đơn xác nhận chỉ ký tên trên bản scan hợp đồng mua bán với công ty S, không có trách nhiệm làm việc với Công ty S. Theo quy định pháp luật thương mại thì bản scan chính là thông điệp dữ liệu, là thông tin được tạo ra, gởi đi, nhận và lưu giữ bằng phương tiện điện tử. Do vậy bản scan hay bản đánh máy đều có giá trị pháp lý như nhau. Ngay sau khi tổn thất xảy ra, nguyên đơn đã nhiều lần liên hệ với bị đơn để cùng liên hệ với bên Thái Lan giải quyết sự việc nhưng bị đơn không có thiện chí. Do vậy, nguyên đơn căn cứ vào Bộ luật dân sự 2005, Điều 281, 302, 307, 308; căn cứ Điều 235, 302, 303 Luật thương mại 2005, căn cứ 02 bộ hợp đồng: hợp đồng Logistics mà nguyên đơn ký với bị đơn, hợp đồng mua bán mà bị đơn ký với Công ty S, căn cứ vào biên bản hoà giải và bản tự khai của bị đơn tại Toà yêu cầu Toà án buộc bị đơn phải bồi thường cho nguyên đơn số tiền 39.312.000 đồng do có sự vi phạm hợp đồng.

Tại phiên toà, nguyên đơn xin rút bớt một phần yêu cầu khởi kiện về số tiền chuyển lần 1 là 22.288.000 đồng, chỉ còn yêu cầu bị đơn bồi thường số tiền chuyển lần 2 là 39.312.000 đồng.

Bị đơn, Công ty C, do ông Nguyễn Bá L đại diện trình bày: Công ty C không ký hợp đồng uỷ thác mua bán nào với Công ty T, chỉ ký duy nhất hợp đồng dịch vụ Logistics ngày 12/7/2016. Việc ghi ký hiệu UTNK không nói lên điều gì, chỉ là ghi để tiện sắp xếp, theo dõi hồ sơ. Công ty T tự liên hệ, thoả thuận giá cả, số lượng... với Công ty S rồi mang hợp đồng bản scan qua yêu cầu Công ty C ký để sao y đưa cho Ngân hàng thì mới chuyển tiền cho Công ty S được. Tất cả các chứng từ như vận đơn, hợp đồng... đều do ông B đưa qua cho Công ty C và yêu cầu Công ty C phải chuyển tiền cho Công ty S. Hợp đồng Logistics không có điều khoản nào quy định Công ty C phải có trách nhiệm kiểm tra chứng từ là thật hay giả, hơn nữa chứng từ, vận đơn là do bên nguyên đơn cung cấp và chỉ định đối tác nước ngoài giao hàng. Công ty C chỉ có trách nhiệm làm thủ tục hải quan khi hàng về tại Cảng C, nhận hàng và vận chuyển đến kho cho nguyên đơn. Hiện Công ty C vẫn chưa nhận được chi phí dịch vụ theo hợp đồng Logistics mà còn phải mất phí chuyển tiền cho Ngân hàng. Công ty C đã làm đúng theo hợp đồng dịch vụ Logistics đã ký nên không đồng ý bồi thường khoản tiền nào cho Công ty T.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận, Hội đồng xét xử nhận định:

Công ty T khởi kiện tranh chấp hợp đồng dịch vụ Logistics đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu Thực phẩm C, việc khởi kiện của Công ty T là trong thời hiệu qui định tại điều 319 Luật thương mại năm 2005, quan hệ tranh chấp thuộc loại việc tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh thương mại theo qui định tại khoản 1 Điều 30 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Tại hợp đồng dịch vụ Logistics do hai bên ký kết ngày 12/7/2016, khoản 7.3 Điều VII phần cam kết chung hai bên thỏa thuận: “Nếu có bất kỳ tranh chấp hay bất đồng nảy sinh hoặc liên quan đến hợp đồng này… các bên có quyền đệ trình tranh chấp bất đồng đến Tòa án kinh tế TP.HCM để giải quyết…” Việc thỏa thuận về thẩm quyền giải quyết tranh chấp của các bên không rõ ràng và không đúng theo qui định của pháp luật qui định tại Điều 35, 37, 39 Bộ luật tố tụng dân sự nên thỏa thuận về cơ quan giải quyết tranh chấp này là vô hiệu. Do vậy, nay Công ty T tranh chấp hợp đồng dịch vụ Logistics và khởi kiện tại Tòa án nhân dân quận Tân Bình, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu Thực phẩm C có trụ sở chính đăng ký tại quận Tân Bình nên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân quận Tân Bình theo qui định tại khoản 1 điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự.

Xét yêu cầu của Công ty T về việc đòi Công ty C phải bồi thường số tiền 39.312.000 đồng:

Căn cứ vào hợp đồng dịch vụ Logistic số 127/2016-UTNK ngày 12/7/2016, lời trình bày của Công ty T, Công ty C và các chứng cứ do các bên cung cấp thể hiện: Công ty T và Công ty C có ký kết hợp đồng dịch vụ Logistics để giao nhận và vận chuyển hàng xuất nhập khẩu là đậu nành dùng làm thực phẩm. Công ty T và Công ty C đều xác nhận hai bên chỉ ký kết hợp đồng dịch vụ Logistic số 127/2016-UTNK ngày 12/7/2016, giữa Công ty T và Công ty C không có hợp đồng về việc Công ty T ủy thác cho Công ty C mua bán hàng hóa hay nhập khẩu hạt đậu nành từ Công ty S ở Thái Lan. Tại khoản 6 Điều II của Hợp đồng dịch vụ Logistics mà hai bên ký kết (về nội dung nghiệp vụ và chi phí) có qui định: Bên B có trách nhiệm nhập khẩu hàng về và giao hàng nguyên đai nguyên kiện cho bên A đúng theo đơn hàng, số lượng mà bên A đã đàm phán với đối tác nước ngoài sau đó chỉ định đối tác nước ngoài giao hàng cho bên B theo Contract của nước ngoài. Bên B không chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa và giấy tờ nước ngoài, hồ sơ báo hàng trễ và đơn giá kê khai trong hợp đồng nhập khẩu. Điều này thể hiện việc Công ty S giao hàng cho Công ty C là do Công ty T đàm phán với Công ty Ssau đó chỉ định đối tác nước ngoài giao hàng cho Công ty C “…theo contract của nước ngoài”, mà không thỏa thuận cụ thể Công ty C phải nhập khẩu hàng về theo hợp đồng nào, với công ty nào. Tại khoản 3 điều III của hợp đồng dịch vụ Logistics có qui định về trách nhiệm của bên A: cung cấp đầy đủ bộ chứng từ hợp lệ và chính xác có liên quan đến hàng hóa (giấy phép xuất khẩu nếu có), certosanitary Certificate, vận đơn, hợp đồng, invoice, packing list… để bên B làm thủ tục hải quan và nhận hàng. Như vậy, tất cả các giấy tờ liên quan đến hàng hóa, trong đó có vận đơn đều do Công ty T cung cấp cho Công ty C phải hợp lệ và chính xác. Tại phiên toà, đại diện Công ty T cũng xác nhận hợp đồng mua bán (bản scan) với Công ty SL, vận đơn đều do Công ty T cung cấp cho Công ty C. Tại vận đơn số BLA228007 ngày 25/7/2016 mà Công ty T cung cấp cho Công ty C cũng thể hiện rõ các thông tin liên quan đến hàng hóa là hạt đậu nành, tên tàu TR, tên chủ tàu TRANS O, ngày chất hàng lên tàu… nên việc Công ty T cho rằng Công ty C đã vi phạm hợp đồng khi không kiểm tra tính hợp lệ và thông tin tàu chạy mà đã chuyển tiền cho Công ty Thái Lan là không có cơ sở. Theo hợp đồng Logistic, Công ty C chỉ có trách nhiệm đứng tên trên giấy tờ nhập khẩu hàng, làm thủ tục hải quan, vận chuyển hàng về kho Công ty T (theo Điều II). Công ty T thừa nhận số tiền 60.485.000 đồng là tiền Công ty T đưa cho Công ty C để chuyển tiền cho Công ty S theo như hợp đồng mua bán mà Công ty C đã ký với Công ty S ngày 19/7/2016. Công ty C cũng đã chuyển số tiền này cho Công ty S, có xác nhận của ngân hàng TMCP K– Chi nhánh T. Công ty C đã thực hiện đúng như hợp đồng Logistics nên Công ty C không có lỗi trong việc không nhận được hàng của Công ty T. Vận đơn BLA ngày 25/7/2016 là do Công ty T cung cấp cho Công ty C nên việc không kiểm tra tính chính xác của vận đơn là lỗi hoàn toàn của Công ty T. Do vậy, căn cứ Điều 302, 303 Luật thương mại 2005, việc Công ty T yêu cầu Công ty C phải bồi thường số tiền 39.312.000 đồng là không có căn cứ chấp nhận.

Về án phí: Do toàn bộ yêu cầu của Công ty T không được chấp nhận nên theo qui định tại khoản 3 Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án, Công ty T phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 2.000.000 đồng, được cấn trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp 1.512.125 đồng theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0011594 ngày 10/11/2016. Công ty T còn phải nộp tiếp số tiền 487.875 đồng.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

- Áp dụng khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39; khoản 1 Điều 273, khoản 1 Điều 280 Bộ luật tố tụng dân sự 2015;

- Áp dụng các Điều 302, 303, 233 Luật thương mại năm 2005;

- Áp dụng khoản 3 Điều 27 Pháp lệnh về án phí, lệ phí Tòa án;

1/ Bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phân Phối và Thương Mại T đòi Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu Thực phẩm C bồi thường số tiền 39.312.000 đồng.

2/ Về án phí: Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là 2.000.000 (hai triệu) đồng, do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phân Phối và Thương Mại T phải chịu, được cấn trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp 1.512.125 đồng theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0011594 ngày 10/11/2016. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phân Phối và Thương Mại T còn phải nộp tiếp số tiền 487.875 (bốn trăm tám mươi bảy ngàn, tám trăm bảy mươi lăm) đồng.

3/ Về quyền kháng cáo: Nguyên đơn, bị đơn được quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, Viện kiểm sát nhân dân cấp trên được quyền kháng nghị theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Trường hợp bản án được thi hành theo qui định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án; tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

8015
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng dịch vụ logictics số 108/2017/KDTM-ST

Số hiệu:108/2017/KDTM-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quận Tân Bình - Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 11/08/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về

Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;