Bản án về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm số 03/2020/KDTM-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN

BẢN ÁN 03/2020/KDTM-PT NGÀY 19/05/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM

Ngày 19 tháng 5 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số: 01/2020/TLPT-KDTM ngày 07 tháng 01 năm 2020 về “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm”.Do bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 12/2019/KDTM-ST ngày 26 tháng 11 năm 2019 của Toà án nhân dân thành phố T bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 05/2020/QĐ-PT ngày 20 tháng 4 năm 2020 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Lương Văn Q, sinh năm 1953; địa chỉ: thôn P, xã AĐ, huyện TA, Phú Yên. Có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Trần Danh T, sinh năm 1958 – Luật sư (Theo Quyết định cử Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng số 30/QĐ-TGPL ngày 13/3/2018 của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Phú Yên). Có mặt.

2. Bị đơn: Tổng Công ty cổ phần BM; Địa chỉ: 26 TTĐ, phường B, Quận 1, thành phố H. (Chi nhánh Phú Yên – Công ty BM Phú Yên; Địa chỉ: 55 LTT, Phường 1, thành phố T, tỉnh Phú Yên).

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn:

- Ông Trần Đình D, sinh năm 1978 – Trưởng Phòng bồi thường Công ty BM Phú Yên. Vắng mặt.

- Ông Nguyễn T, sinh năm 1988 – Nhân viên bồi thường Công ty BM Phú Yên. Có mặt.

- Bà Nguyễn Thị Hoàng L, sinh năm 1980 – chuyên viên Ban Bảo hiểm Hàng hải Tổng Công ty cổ phần BM. Vắng mặt.

- Ông Nguyễn Đức H, sinh năm 1989 – Chuyên viên pháp lý Tổng Công ty cổ phần BM. Vắng mặt.

(Văn bản ủy quyền số 0207/2018-BM/VP ngày 22/01/2018).

3. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

- Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam – chi nhánh huyện TA; Người đại diện theo ủy quyền: ông Lê Văn C, sinh năm 1976 – Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh (Văn bản ủy quyền ngày 06/11/2019). Có mặt.

- Bà Đỗ Thị Ch, sinh năm 1956; Địa chỉ: thôn P, xã AĐ, huyện TA, Phú Yên. Bà Ch vắng mặt, có ủy quyền cho ông Lương Văn Q, sinh năm 1953; địa chỉ: thôn P, xã AĐ, huyện TA, tỉnh Phú Yên (Văn bản ủy quyền ngày 18/11/2019).

4. Người giám định: Công ty cổ phần Giám định Năng lượng Việt Nam – chi nhánh Miền Trung; Địa chỉ: 44 Trần Cao Vân, phường T, quận Kh, Đà Nẵng. Người đại diện theo ủy quyền: Ông Lê Đức Th – Giám định viên (Văn bản ủy quyền số 03/UQ-CEB ngày 23/9/2019). Vắng mặt.

5. Người làm chứng:

- Trạm Kiểm soát Biên phòng P thuộc Đồn Biên phòng A, huyện TA, tỉnh Phú Yên, do ông Nguyễn Văn T – Phó Đồn trưởng Nghiệp vụ Đồn Biên phòng A làm đại diện theo ủy quyền. Có mặt.

- Ông Nguyễn L, sinh năm 1988. Địa chỉ: thôn T, xã A, huyện TA, Phú Yên. Vắng mặt.

- Ông Lương Thanh Th, sinh năm 1982. Địa chỉ: thôn P, xã AĐ, huyện TA, Phú Yên. Có mặt.

- Ông Lương Văn T, sinh năm 1990. Địa chỉ: thôn P, xã AĐ, huyện TA, Phú Yên Vắng mặt.

- Ông Lương Thanh H, sinh năm 1985. Địa chỉ thôn P, xã AĐ, huyện TA, Phú Yên. Vắng mặt.

- Ông Nguyễn T, sinh năm 1979. Địa chỉ: thôn P, xã AĐ, huyện TA, Phú Yên. Vắng mặt.

Người kháng cáo: Bị đơn Tổng công ty cổ phần BM.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Quá trình giải quyết vụ án, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn và nguyên đơn ông Lương Văn Q thống nhất trình bày:

Ngày 29/6/2016, ông Lương Văn Q mua bảo hiểm tại BM Phú Yên cho tàu cá số hiệu PY – 93031 – TS, Giấy chứng nhận Bảo hiểm khai thác hải sản số: AD0043/16B357024; hiệu lực bảo hiểm từ 00 giờ 00 phút ngày 30/6/2016 đến 24 giờ 00 phút ngày 29/6/2017; số tiền bảo hiểm thân tàu là 1.010.000.000 đồng; phí bảo hiểm phải trả là 18.447.950 đồng.

Ngày 13/12/2016, tàu cá của ông Q xuất bến An Vũ thuộc thôn P, xã AĐ, huyện TA, Phú Yên để đánh bắt hải sản. Khi đi qua Trạm biên phòng An Vũ, do nước nguồn xuống chảy xiết nên tàu không cập trạm để đăng ký được. Đến khoảng 13 giờ 40 phút cùng ngày, tàu của ông bị va chạm vào vật cứng không xác định và bị chìm hoàn toàn không trục vớt được tại tọa độ 13/0/12E, 109/0/23N. Sau khi bị tai nạn, ông đã liên hệ với Công ty BM Phú Yên để yêu cầu bồi thường theo hợp đồng bảo hiểm nhưng Tổng Công ty Cổ phần BM từ chối bồi thường cho ông theo Công văn số 1428/2017- BM/HH ngày 05/10/2017.

Do đó, ông Q khởi kiện yêu cầu bị đơn Tổng công ty cổ phần BM phải bồi thường cho ông số tiền bảo hiểm thân tàu bị tổn thất toàn bộ là 1.010.000.000 đồng và lãi chậm trả (mức 9%/năm) tính từ tháng 01/2017 đến tháng 7/2019 là 272.700.000 đồng.

Vợ chồng ông Lương Văn Q, bà Đỗ Thị Ch thế chấp tàu cá PY – 93031 – TS để vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, chi nhánh huyện TA, chưa trả được nợ. Giữa ông Q, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, chi nhánh huyện TA và Công ty BM Phú Yên ký Hợp đồng bảo hiểm tàu cá ngày 29/6/2016, theo đó Ngân hàng là người thụ hưởng thứ nhất khi tàu cá bị tổn thất được bảo hiểm nhưng đến nay Ngân hàng thống nhất để ông Q là người thụ hưởng thứ nhất và các bên không yêu cầu Tòa giải quyết.

Quá trình giải quyết vụ án, bị đơn Tổng Công ty cổ phần BM trình bày:

Ngày 29/06/2016, Tổng Công ty cổ phần BM (viết tắt: BM) cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm số: AD0044/16B357024 với nội dung cơ bản: Người được bảo hiểm: Ông Lương Văn Q; Đối tượng bảo hiểm: Tàu cá PY – 93031 – TS; Hiệu lực bảo hiểm: 30/06/2016 – 29/06/2017; Giá trị thực tế thân tàu: 1.010.000.000 đồng. Quy tắc bảo hiểm: Được chấp thuận đăng ký theo Công văn số 18759/BTC-QLBH ngày 16/12/2015 của Bộ Tài chính (gọi tắt là “Quy tắc bảo hiểm 18759”).

Ngày 13/12/2016, khi tàu đang vào bờ để tránh đới áp thấp nhiệt đới, tàu cá PY – 93031 – TS va chạm vào vật thể ngầm gây chìm tàu hoàn toàn và không thể trục vớt. Ngày 14/12/2016, chủ tàu là ông Lương Văn Q đã thông báo tai nạn và yêu cầu bồi thường toàn bộ. Căn cứ hồ sơ bồi thường, BM có Công văn số: 0952/2017-BM/HH ngày 13/07/2017, từ chối bồi thường đối với tổn thất của tàu cá PY – 93031 – TS, lý do: Theo khoản 5 Điều 5 Nghị định 66/2005/NĐ-CP ngày 19/05/2005 của Chính phủ về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản quy định chủ tàu có trách nhiệm: “Đôn đốc thuyền trưởng trước khi rời bến phải kiểm tra trạng thái an toàn của tàu, của các trang thiết bị an toàn, cứu nạn cho người và tàu, thực hiện nghiêm chỉnh chế độ khai báo khi ra và vào cảng, bến đậu và đảm bảo an toàn giao thông đường thuỷ nội địa, an toàn hàng hải”. Theo khoản 2 Điều 15 Nghị định 66/2005/NĐ-CP quy định: “2. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm, cứu nạn và Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương tổ chức bắn pháo hiệu báo bão ở các cửa lạch, cảng, bến cá, ngư trường trọng điểm khi có bão; chỉ đạo lực lượng Biên phòng, Cảnh sát biển, phối hợp với lực lượng Công an, Thanh tra bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản và chính quyền địa phương kiểm soát chặt chẽ, kiên quyết không cho người và tàu cá đi hoạt động nếu chưa có đủ trang bị an toàn; kịp thời ứng cứu người và tàu cá trong các trường hợp cần thiết.” Xét Giấy phép khai thác thủy sản số: 33550/KTTS của tàu cá PY – 93031 – TS có công suất 330 CV thể hiện: Tàu được cấp phép hoạt động tại Vùng khơi thuộc diện đi biển dài ngày và phải thực hiện nghiêm chỉnh chế độ khai báo khi ra và vào cảng, bến đậu theo điểm b, khoản 2 Chỉ thị số 555/CT-BTL ngày 11/07/2006 của Bộ Tư lệnh Bộ Đội Biên Phòng – Bộ Quốc Phòng: “Phương tiện đi biển dài ngày hoạt động tuyến khơi, xa bờ: Kiểm tra, kiểm soát, đăng ký, kiểm chứng chặt chẽ người, phương tiện, trang thiệt bị an toàn trước khi xuất bến.”Trong chuyến khai thác ngày 13/12/2016, tàu cá PY – 93031 – TS không có “danh bạ thuyền viên” được Biên phòng xác nhận. Cụ thể: Theo xác nhận của Trạm kiểm soát biên phòng P – Đồn Biên Phòng A tại Văn bản trả lời ngày 21/02/2017: “Đối với trường hợp tàu cá PY – 93031 – TS của ông Lương Văn Q, trong chuyến đi biển ngày 13/12/2016, thuyền trưởng không trình báo Trạm kiểm soát biên phòng Phú Hội khi tàu cá xuất bến, do đó Trạm kiểm soát biên phòng Phú Hội không chứng xuất vào sổ danh bạ thuyền viên”. Như vậy: Tàu cá PY – 93031 – TS đã vi phạm nghĩa vụ khai báo khi ra vào cảng, bến đậu và quy định về đăng ký thuyền viên khi hoạt động, chưa được Cơ quan Biên phòng kiểm tra an toàn, chưa được xác nhận danh sách thuyền viên có mặt trên tàu và cấp phép rời cảng. Đây là trường hợp vi phạm lệnh cấm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 15 của Quy tắc bảo hiểm 18759 – Loại trừ bảo hiểm có quy định Doanh nghiệp bảo hiểm không chịu trách nhiệm bồi thường các tổn thất đối với thân tàu, ngư lưới cụ và trang thiết bị đánh bắt thủy sản được bảo hiểm xảy ra trong trường hợp: “Vi phạm lệnh cấm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc hoạt động kinh doanh trái phép”.

Theo quy định của pháp luật, sau khi nhận được đầy đủ tài liệu chứng từ hợp lý của bên được bảo hiểm thì trong thời hạn 15 ngày, Công ty bảo hiểm phải thanh toán tiền bảo hiểm cho bên bảo hiểm nếu thuộc trường hợp được bảo hiểm. Đối với vụ việc của ông Q nếu ông Q đủ điều kiện để được bồi thường thì ngày cuối cùng Công ty BM xác định là bên được bảo hiểm cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ là ngày 29/9/2017 (ngày Công ty BM nhận được Công văn của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên). Theo Công văn số 1428/2017-BM/HH ngày 05/10/2017, Công ty BM căn cứ vào điểm đ khoản 1 Điều 15 của Quy tắc bảo hiểm 18759 – Loại trừ bảo hiểm để từ chối bồi thường bảo hiểm đối với tổn thất tàu tàu cá PY – 93031 – TS là đúng quy định của pháp luật, do đó, Công ty BM không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Q.

Giữa Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, chi nhánh huyện TA, ông Lương Văn Q và BM Phú Yên có ký Hợp đồng bảo hiểm tàu cá ngày 29/6/2016, thỏa thuận khi tàu cá PY – 93031 – TS có tổn thất xảy ra thuộc phạm vi bảo hiểm thì Ngân hàng là người thụ hưởng thứ nhất, ông Q là người thụ hưởng thứ hai nhưng Ngân hàng và ông Q có quyền thỏa thuận người được thụ hưởng số tiền bảo hiểm (nếu có), BM không ý kiến gì.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam trình bày:

Ngày 22/10/2015, giữa Ngân hàng và vợ chồng ông Lương Văn Q, bà Đỗ Thị Ch ký kết Hợp đồng tín dụng số 4602LAV201502091/HĐTD, phương thức cho vay từng lần, số tiền vay là 350.000.000 đồng, mức lãi suất 10%/năm, được đảm bảo bằng tàu cá PY – 93031 – TS theo Hợp đồng thế chấp số 061015/HĐTC ngày 19/10/2015. Hiện nay ông Q, bà Ch còn nợ Ngân hàng số tiền gốc là 330.000.000 đồng và lãi là 117.895.900 đồng, số nợ này đã quá hạn nhưng Ngân hàng không khởi kiện đối với vợ chồng ông Q, bà Ch. Giữa Ngân hàng, ông Lương Văn Q và BM Phú Yên có ký Hợp đồng bảo hiểm tàu cá ngày 29/6/2016, thỏa thuận khi tàu cá PY – 93031 – TS có tổn thất xảy ra thuộc phạm vi bảo hiểm thì Ngân hàng là người thụ hưởng thứ nhất, ông Q là người thụ hưởng thứ hai nhưng nay Ngân hàng thống nhất để ông Q là người thụ hưởng thứ nhất và sẽ tự thỏa thuận với ông Q về việc xử lý số tiền bảo hiểm sau khi nhận được mà không yêu cầu Tòa giải quyết.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Đỗ Thị Ch đã ủy quyền cho ông Lương Văn Q: thống nhất theo trình bày của ông Lương Văn Q.

Người giám định: Công ty cổ phần giám định năng lượng Việt Nam trình bày: Công ty đã tiến hành thu thập, tham khảo các bản tin dự báo thời tiết để phục vụ cho việc giám định từ trang web của Công ty TNHH một thành viên Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam – là công ty chuyên cung cấp dịch vụ dự báo thời tiết trên các vùng biển. Tàu cá của ông Q có thể hoạt động được trong điều kiện thời tiết nào là do đăng kiểm phân cấp, theo Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá số 00003791 ngày 14/6/2016 thì tàu cá của ông Q là cấp tàu hạn chế II. Công ty đã có Kết luận giám định ngày 12/4/2017: Tàu cá của ông Q vi phạm lệnh cấm do Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành, đó là vi phạm Điều 5.5, Điều 6.1.b của Nghị định 66/2005/NĐ- CP ngày 19/5/2005 của Chính phủ về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản – tàu cá, chưa được Cơ quan Biên phòng kiểm tra an toàn, chưa được xác nhận danh sách thuyền viên có mặt trên tàu và cấp phép rời cảng. Do đó, Công ty xác định tổn thất của tàu cá PY – 93031 – TS không thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm theo đơn bảo hiểm đã cấp.

Tại bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 12/2019/KDTM-ST ngày 26 tháng 11 năm 2019 của Toà án nhân dân thành phố T đã quyết định:

Áp dụng các Điều 4 của Luật Thương mại năm 2005; Điều 224 của Bộ luật hàng hải năm 2005; Điều 12, 13, 14, 15, 17, 18, 29, 30, 46, 47 của Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000; Điều 305, 567, 570, 571, 576 của Bộ luật dân sự năm 2005; Điều 227, Điều 228 của Bộ luật tố tụng dân sự;

Tuyên xử: Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Lương Văn Q.

Buộc bị đơn Tổng Công ty cổ phần BM phải có trách nhiệm bồi thường cho nguyên đơn ông Lương Văn Q số tiền bảo hiểm tàu cá là 1.010.000.000 đồng (Một tỷ không trăm mười triệu đồng) và lãi suất chậm trả tính từ ngày 06/10/2017 đến ngày 26/11/2019 là 194.425.000 đồng (Một trăm chín mươi bốn triệu bốn trăm hai mươi lăm nghìn đồng). Tổng cộng là 1.204.425.000 đồng (Một tỷ hai trăm linh bốn triệu bốn trăm hai mươi lăm nghìn đồng).

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về nghĩa vụ chịu án phí, lãi suất chậm trả và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 02 tháng 12 năm 2019, bị đơn Tổng Công ty cổ phần BM có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện. Bị đơn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên tham gia phiên tòa phát biểu quan điểm: Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa đã tiến hành tố tụng đúng pháp luật tố tụng dân sự, các đương sự tham gia tố tụng chấp hành đúng pháp luật. Về giải quyết vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu tài liệu chứng cứ có tại hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, ý kiến các bên đương sự, Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về thủ tục tố tụng: Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn bà Nguyễn Thị Hoàng L, ông Trần Đình D, ông Nguyễn Đức H vắng mặt nhưng có mặt người đại diện khác của bị đơn là ông Nguyễn T, do đó, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt bà L, ông D, ông H.

[2] Xét nội dung kháng cáo của bị đơn:

[2.1]Căn cứ Giấy chứng nhận Bảo hiểm khai thác hải sản số: AD0043/16B357024 do Công ty BM Phú Yên (chi nhánh của Tổng Công ty cổ phần BM) cấp ngày 29/06/2016 cho ông Lương Văn Q: Đối tượng bảo hiểm là tàu cá PY – 93031 – TS; Hiệu lực bảo hiểm: từ 00 giờ 00 phút ngày 30/6/2016 đến 24 giờ 00 phút ngày 29/6/2017; Giá trị thực tế thân tàu là 1.010.000.000 đồng. Thực hiện theo “Quy tắc bảo hiểm 18759” (Được chấp thuận đăng ký theo Công văn số 18759/BTC-QLBH ngày 16/12/2015 của Bộ Tài chính). Ông Q đã đóng đầy đủ phí bảo hiểm là 18.447.950 đồng. Do đó, hợp đồng bảo hiểm này có hiệu lực, phát sinh trách nhiệm bảo hiểm của Tổng công ty cổ phần BM.

[2.2] Ngày 13/12/2016, tàu cá PY – 93031 – TS (là đối tượng bảo hiểm) xuất bến An Vũ thuộc thôn P, xã AĐ, huyện TA, Phú Yên đi đánh bắt hải sản. Đến khoảng 13 giờ 40 phút cùng ngày, tàu bị va chạm vào vật cứng không xác định và bị chìm hoàn toàn không trục vớt được tại tọa độ 13o12’E, 109o23’N. Ngày 14/12/2016, ông Lương Văn Q (chủ tàu) đã thông báo tai nạn với Công ty BM Phú Yên và yêu cầu bồi thường toàn bộ.

[2.3] Tại Công văn số 0952/2017-BM/HH ngày 13/07/2017 và Công văn số 1428/2017-BM/HH ngày 05/10/2017, Tổng Công ty cổ phần BM căn cứ vào điểm đ khoản 1 Điều 15 của Quy tắc bảo hiểm 18759 – Loại trừ bảo hiểm để từ chối bồi thường đối với tổn thất tàu cá PY – 93031 – TS với lý do: Ông Q vi phạm lệnh cấm do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành, đó là vi phạm nghĩa vụ khai báo khi ra vào cảng, bến đậu và quy định về đăng ký thuyền viên khi hoạt động, chưa được Cơ quan Biên phòng kiểm tra an toàn, chưa được xác nhận danh sách thuyền viên có mặt trên tàu và cấp phép rời cảng theo quy định tại khoản 5 Điều 5, khoản 2 Điều 15 Nghị định 66/2005/NĐ-CP ngày 19/05/2005 của Chính phủ về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản và quy định tại điểm b, khoản 2 Chỉ thị số: 555/CT-BTL ngày 11/07/2006 của Bộ Tư lệnh Bộ Đội Biên Phòng – Bộ Quốc Phòng. Theo Giấy phép khai thác thủy sản số 33550/KTTS, tàu cá PY – 93031 – TS có công suất 330 CV được cấp phép hoạt động tại Vùng khơi nhưng tại vị trí tàu bị chìm thì tàu đang hoạt động khai thác ngoài vùng được cấp phép khai thác.

[2.4] Hội đồng xét xử xét thấy: Theo Công văn số: 2275/BCH-TM ngày 09/10/2018 của Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Phú Yên: ngày 13/12/2016, không có lệnh cấm biển của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên nên tàu thuyền trong khu vực biển Phú Yên vẫn được phép ra biển hoạt động bình thường. Theo các Biên bản xác minh, ý kiến của đại diện Trạm kiểm soát biên phòng P: ngày 13/12/2016, trời mưa to, nước sông chảy xiết, ông Q không thực hiện thủ tục xuất bến cho tàu cá PY- 93031-TS tại Trạm Kiểm soát Biên phòng P có vi phạm điểm a khoản 2 Chỉ thị 555/CT-BTL ngày 11/7/2006 của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng “về tăng cường công tác quản lý, kiểm soát người, phương tiện nghề cá ra, vào hoạt động trên biển” nhưng đây chỉ là vi phạm về thủ tục hành chính, không vi phạm các quy định xuất nhập bến của Bộ đội biên phòng và do nguyên nhân khách quan. Tại Sổ danh bạ thuyền viên ngày 13/5/2013, ông Q đăng ký 05 lao động, ngày 13/12/2016, trên tàu không vượt quá số lượng thuyền viên đã đăng ký, có đủ thuyền trưởng và máy trưởng có bằng cấp theo quy định. Theo Sổ đăng kiểm tàu cá không ghi hạn chế tàu của ông Q được phép hoạt động trong điều kiện cấp sóng, cấp gió bao nhiêu nên tàu của ông Q được phép hoạt động trong vùng biển hạn chế quy định. Theo Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, hạn hoạt động đến ngày 08/6/2017 thì tàu cá PY – 93031 – TS thỏa mãn trạng thái kỹ thuật, đảm bảo được sự an toàn khi ra khơi, nếu tàu PY – 93031 – TS cập bến đăng ký sẽ được cấp phép xuất bến, không thuộc trường hợp cấm không cho ra khơi.

Tàu cá PY – 93031 – TS bị tai nạn tại tọa độ 13o12’E, 109o23’N cách bờ 9km (5 hải lý) thuộc vùng biển Việt Nam là đang trên đường vào bờ để tránh ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, không vượt quá vùng hạn chế quy định nên không có căn cứ xác định tàu cá ông Q “Hoạt động ngoài phạm vi theo quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam”. Do đó, bị đơn đưa ra các lý do để từ chối bảo hiểm cho ông Q theo điểm b khoản 1 Điều 15 Quy tắc bảo hiểm 18759 là không có cơ sở.

[2.5] Nguyên đơn và bị đơn đều thống nhất tàu cá là đối tượng được bảo hiểm đã bị chìm hoàn toàn, không thể trục vớt, như vậy tàu cá đã bị tổn thất toàn bộ. Tổn thất xảy ra là sự kiện có thật và tai nạn đối với tàu cá thuộc phạm vi được xem xét bảo hiểm theo khoản 1 Điều 14 Quy tắc bảo hiểm 18759. Nguyên đơn đã cung cấp đầy đủ hồ sơ yêu cầu bồi thường theo quy định tại Điều 8 Quy tắc Bảo hiểm 18759 và không thuộc trường hợp loại trừ nào theo quy định tại Điều 15 Quy tắc Bảo hiểm 18759 nên có đủ cơ sở để được bồi thường tổn thất toàn bộ theo quy định tại Điều 18 Quy tắc Bảo hiểm 18759, bằng số tiền bảo hiểm ghi trên Giấy chứng nhận bảo hiểm đã cấp nhưng Tổng Công ty cổ phần BM đã có các Công văn số 0952/2017-BM/HH ngày 13/07/2017 và Công văn số 1428/2017-BM/HH ngày 05/10/2017 từ chối bồi thường. Theo quy định tại Điều 29 của Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000, Điều 10 của Quy tắc bảo hiểm 8759 và khoản 1 Điều 576 Bộ luật dân sự năm 2005 thì ngày 05/10/2017 là mốc thời gian sau cùng xác định Tổng Công ty cổ phần BM sẽ chi trả tiền bồi thường cho ông Q, nhưng BM đã từ chối chi trả dẫn đến chậm trả, nên ông Q yêu cầu phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tính từ ngày 06/10/2017 là có căn cứ theo quy định tại Điều 305, khoản 2 Điều 576 Bộ luật dân sự 2005. Mức lãi suất ông Qyêu cầu là 9%/năm là phù hợp quy định pháp luật.

Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

[3] Về án phí: bị đơn kháng cáo không được chấp nhận nên phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm theo Điều 29 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự 2015;

Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn Tổng công ty cổ phần BM, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Áp dụng các Điều 4 của Luật Thương mại năm 2005; Điều 224 của Bộ luật hàng hải năm 2005; Điều 12, 13, 14, 15, 17, 18, 29, 30, 46, 47 của Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000; Điều 305, 567, 570, 571, 576 của Bộ luật dân sự năm 2005; Điều 227, Điều 228 của Bộ luật tố tụng dân sự;

Tuyên xử: Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Lương Văn Q. Buộc bị đơn Tổng Công ty cổ phần BM phải có trách nhiệm bồi thường cho nguyên đơn ông Lương Văn Q số tiền bảo hiểm tàu cá là 1.010.000.000 đồng (Một tỷ không trăm mười triệu đồng) và lãi suất chậm trả tính từ ngày 06/10/2017 đến ngày 26/11/2019 là 194.425.000 đồng (Một trăm chín mươi bốn triệu bốn trăm hai mươi lăm nghìn đồng). Tổng cộng là 1.204.425.000 đồng (Một tỷ hai trăm linh bốn triệu bốn trăm hai mươi lăm nghìn đồng).

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của nguyên đơn cho đến khi thi hành án xong, bị đơn còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự.

- Về án phí: Căn cứ Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 26, Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án.

Bị đơn phải chịu 48.133.000 đồng (Bốn mươi tám triệu một trăm ba mươi ba nghìn đồng) tiền án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm và 2.000.000đ án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí 2.000.000 đồng tại Biên lai thu tiền số 001028 ngày 12 tháng 12 năm 2019 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố T, tỉnh Phú Yên.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

496
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm số 03/2020/KDTM-PT

Số hiệu:03/2020/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Phú Yên
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 19/05/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;