Bản án về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm số 01/2018/KDTM-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH

BẢN ÁN 01/2018/KDTM-PT NGÀY 18/12/2018 TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM

Ngày 18 tháng 12 năm 2018, tại Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 10/2018/TLPT-KDTM ngày 16 tháng 10 năm 2018 về “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm”.

Do bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 06/2018/KDTM-ST ngày 17 tháng 8 năm 2018 của Tòa án nhân dân thành phố B bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 09/2018/QĐ-PT ngày 02 tháng 11 năm 2018 giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Công ty TNHH đầu tư thương mại và sản xuất kinh doanh xốp nhựa T.

Người đại diện theo pháp luật: Bà Nguyễn Thị N, sinh năm 1974 - Chức vụ: Giám đốc Công ty (Vắng mặt).

Địa chỉ: Khu công nghiệp Đ, xã H, huyện T, tỉnh Bắc Ninh.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Đinh Chí T1, sinh năm 1977. Theo văn bản ủy quyền ngày 20 tháng 11 năm 2018 của giám đốc Công ty T (Có mặt).

Bị đơn: Tổng công ty cổ phần B.

Địa chỉ: Đường T, Phường N, Quận M, thành phố Hồ Chí Minh. Người đại diện theo pháp luật: Ông Lê Văn T2- Tổng giám đốc.

Người đại diện theo ủy quyền: Bà Phạm Thanh H (Có mặt), bà Trần Thị Chi L, ông Hán Hoàng Y và ông Đặng Tiến D (Đều vắng mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn: Luật sư Trần Thị Mỹ Loan, sinh năm 1985 (Có mặt) và Luật sư Trần Văn Hựu, sinh năm 1969 (Vắng mặt) - Công ty luật hợp danh Nghiêm và Chính thuộc Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh.

Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ngân hàng TMCP Đầu tư & phát triển Việt Nam - Chi nhánh B1.

Địa chỉ: Số A, đường N, quận L, thành phố Hà Nội.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Phan Kế T3 - Chức vụ: Giám đốc (Có đơn xin xử vắng mặt).

2. Ông Ngô Quý H1 - Giám đốc Công ty B2.

Địa chỉ: Số A, đường L, phường V, thành phố B, tỉnh Bắc Ninh (Có đơn xin xử vắng mặt).

Người kháng cáo: Công ty TNHH đầu tư thương mại và sản xuất kinh doanh xốp nhựa T là nguyên đơn trong vụ án.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án sơ thẩm và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được tóm tắt như sau: Trước ngày 25/3/2013 giữa Công ty TNHH đầu tư thương mại và sản xuất kinh doanh xốp nhựa T (sau viết và gọi tắt là Công ty T hoặc T) và Công ty B2 (sau gọi và viết tắt là Công ty B2 hoặc B2) có ký Hợp đồng bảo hiểm (sau viết tắt là HĐBH) hỏa hoạn và rủi ro đặc biệt số AD 0050/111 ngày 9/12/2011 có thời hạn 01 năm kể từ ngày 09/12/2011 đến ngày 09/12/2012. Sau khi hết thời hạn của HĐBH trên dù T vẫn tiếp tục tham gia bảo hiểm nhưng chỉ được cấp đơn bảo hiểm số PFF/00553413, không ký HĐBH mới hay phụ lục, gia hạn HĐBH đã ký.

Ngày 25/3/2013 giữa Công ty T và B2 có ký đơn yêu cầu bảo hiểm, theo đơn thì: Người được bảo hiểm là Công ty T; Thời hạn bảo hiểm từ ngày 25/3/2013 đến 25/3/2014; Số tiền được bảo hiểm 33 tỷ; Ngày yêu cầu bảo hiểm 25/3/2013; Phí bảo hiểm 50.820.000đ (cả VAT); Người được thụ hưởng: Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam, chi nhánh B1. Kèm theo đơn bảo hiểm B2 còn gửi thông báo thu phí và xuất hóa đơn cho Công ty T.

Ngày 24/5/2013 Công ty T có uỷ nhiệm chi cho Ngân hàng Đầu tư B1 chi cho B2 số tiền 50.820.000đ. Ngày 27/5/2013 Ngân hàng đã chuyển cho B2 số tiền trên, ngày 29/5/2013 B2 đã trả lại T số tiền trên.

Đến ngày 25/5/2013 xảy ra vụ hỏa hoạn tại Công ty T, làm cháy 2 khu nhà xưởng, các dàn máy, hàng hóa, kho nguyên liệu… tại khu công nghiệp Đại Đồng, xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Sau sự kiện cháy xảy ra, Tổng công ty B đã cử cán bộ phối hợp với cơ quan giám định độc lập do B2 chỉ định là Vietj Adjusters JSC xuống hiện trường nắm bắt tình hình, giám định tổn thất. Nhân viên của JSC đã thực hiện giám định sơ bộ tổn thất ban đầu, có lập các biên bản hiện trường như biên bản giám định ngày 26/5/2013 và 27/5/2013. Sau đó, B2 cho rằng T không thanh toán phí bảo hiểm đúng hạn theo thỏa thuận trên HĐBH ngày 25/3/2013 nên không thể làm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm của bên bảo hiểm và ngừng tiếp tục giám định. Đồng thời B2 có thông báo 0567/2013BMBN/BT ngày 29/5/2013 của Công ty B2 về việc không phát sinh trách nhiệm bảo hiểm của HĐBH số PFF/00553413. Sau đó T có công văn khiếu nại với Tổng công ty B về việc B2 cho rằng không có phát sinh bảo hiểm.

Ngày 20/6/2013 Tổng công ty B có văn bản số 0934/2013-BM/BT về việc giải quyết khiếu nại bồi thường đối với tổn thất xảy ra ngày 25/5/2013, theo đó B2 căn cứ vào Điều 572 Bộ luật dân sự 2005 và khoản 2 Điều 23 Luật kinh doanh bảo hiểm thì thỏa thuận thời hạn nộp phí là ngày 25/3/2013 và Công ty T không có bất kỳ văn bản nào cho B2 về việc chưa nộp phí theo thỏa thuận. Với lý do trên, Tổng công ty B cho rằng đơn bảo hiểm ngày 25/3/2013 mặc nhiên vô hiệu mà không cần báo trước.

Với căn cứ mà B2 đưa ra nguyên đơn cho rằng chưa từng nhận được bất kỳ thông tin, thông báo nào ấn định thời gian nộp phí, hay sửa đổi chấm dứt HĐBH nêu trên. Ngoài ra, B2 đã chỉ định cơ quan giám định độc lập đến hiện trường thực hiện việc giám định, đã chứng tỏ sự kiện bảo hiểm xảy ra, giao dịch bảo hiểm đã xác lập.

Ngày 10/7/2013, B2 tiếp tục ban hành công văn số 0949/2013-BM/TSKT về việc giải quyết khiếu nại bồi thường đối với tổn thất xảy ra ngày 25/5/2013 trong đó có trích dẫn khoản 3 cam kết thanh toán phí thuộc mục II điều VII của quy tắc bảo hiểm hỏa hoạn và rủi ro đặc biệt của B2…. Theo trích dẫn của điều luật trên của B2 cho rằng thời hạn đóng phí cuối cùng đối với HĐ PFF/0055413 vào ngày 25/4/2013. Với những gì diễn ra, Công ty T cho rằng B2 đã cố ý thoái thác trách nhiệm bảo hiểm đối với T. Quá trình tham gia bảo hiểm, B2 đã không giải thích hướng dẫn cũng như cung cấp cho T các điều kiện, điều khoản bảo hiểm, quyền, nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm, cũng như các hồ sơ pháp lý khác có liên quan.

Nay B2 từ chối trách nhiệm bảo hiểm đối với tổn thất phát sinh theo đơn bảo hiểm ngày 25/3/2013 đối với Công ty T không phù hợp với các lý do sau đây:

- Sự kiện bảo hiểm hỏa hoạn xảy ra tại nhà máy là hoàn toàn khách quan và trong thời gian bảo hiểm theo đơn bảo hiểm số PFF/00553413 do Công ty B2 cấp. Trước thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm, Công ty T chưa nhận được thông báo sửa đổi, chấm dứt hiệu lực của đơn bảo hiểm trên.

- Vào thời gian cấp đơn bảo hiểm trên, giữa hai bên có xác lập nhiều giao dịch bảo hiểm trách nhiệm dân sự, bảo hiểm vật chất và T còn hoàn tất thủ tục để nhận tiền bồi thường bảo hiểm trách nhiệm dân sự thông báo duyệt bồi thường số 0246/2013-BMBN/BT vào tháng 14/3/2013. Việc thanh toán phí bảo hiểm của nhiều giao dịch bảo hiểm khác nhau (kể cả đề xuất đối trừ tiền bảo hiểm bồi thường trách nhiệm dân sự mà T được chi trả vào các khoản phí bảo hiểm phát sinh).

Được thực hiện thông qua các bộ phận chuyên môn của hai bên thì T chưa nhận được bất kỳ thông báo nào về việc chậm thanh toán phí bảo hiểm.

Công ty B2 đã phát hành hóa đơn GTGT số 005583, ký hiệu AA/12P ngày 27/3/2013 đối với khoản phí bảo hiểm hỏa hoạn theo đơn bảo hiểm số PFF/00554313 và giao cho Công ty T kê khai hạch toán thuế, hạch toán vào chi phí của Công ty. Đến bây giờ Công ty T chưa có thông báo nào về việc điều chỉnh hóa đơn GTGT (bảo hiểm) nêu trên mà người thụ hưởng theo đơn bảo hiểm là Ngân hàng Đầu Tư B1.

Khi sự kiện bảo hiểm xảy ra B2 đã chỉ định cơ quan giám định độc lập JSC đến hiện trường vụ hỏa hoạn để thực hiện việc giám định. Điều này chứng tỏ sau thời điểm sự kiện bảo hiểm xảy ra, giao dịch giữa các bên vẫn còn giá trị. Việc B2 đưa thông báo không phát sinh trách nhiệm bảo hiểm hay cho rằng bảo hiểm đã chấm dứt sau khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra là không thỏa đáng, thể hiện sự cố tình né tránh trách nhiệm bảo hiểm trước những thiệt hại vật chất mà T phải chịu.

Nguyên đơn yêu cầu Tòa án buộc Tổng công ty B phải thanh toán tiền bảo hiểm theo đơn yêu cầu bảo hiểm số PFF/00553413 do B2 cấp với số tiền là 33 tỷ đồng cho người thụ hưởng Công ty T.

Yêu cầu Tổng công ty B có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại phát sinh do chậm thực hiện nghĩa vụ của bên bảo hiểm cho T tính từ ngày Tòa án thụ lý vụ án cho đến ngày xét xử sơ thẩm 17/8/2018 tính tròn là 5.000.000.000đ theo lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. 

Phía Tổng công ty cổ phần B trình bày:

Công ty B2 là đơn vị phụ thuộc của Tổng công ty B, có con dấu và mở tài khoản riêng, không có tư cách pháp nhân, chịu trách nhiệm trước Tổng công ty B.

Ngày 25/3/2013 giữa B2 và công ty T có ký kết đơn yêu cầu bảo hiểm, theo đơn thì: Người được bảo hiểm Công ty T; Thời hạn bảo hiểm từ ngày 25/3/2013 đến 24/3/2014; Số tiền được bảo hiểm 33 tỷ; Ngày yêu cầu bảo hiểm 25/3/2013. Thông báo thu phí, có nội dung: Phí bảo hiểm 50.820.000đ; Người được thụ hưởng: Ngân hàng TMCP Đầu Tư và phát triển Việt Nam chi nhánh B1; Ngày phát sinh phí là 25/3/2013; ngày thanh toán phí 25/3/2013. Cùng ngày, B2 có xuất 01 hoá đơn giá trị gia tăng với số tiền 50.820.000đ cho Công ty T. Các văn bản trên được in vào ngày 27/3/2013.

Ngày 24/5/2013 Công ty T có uỷ nhiệm chi cho Ngân hàng Đầu Tư B1 chi cho B2 số tiền 50.820.000đ. Ngày 29/5/2013 B2 đã trả lại T số tiền trên.

Khi ký đơn bảo hiểm trên, B2 có gửi cho T 01 thư chào hàng trong đó có nội dung nếu T chấp nhận đơn bảo hiểm thì T ký vào đơn bảo hiểm vào phần xác nhận rồi gửi lại B2, nhưng T đã không gửi lại cho B2 tài liệu trên và đơn bảo hiểm có chữ ký xác nhận của T. Do không được nhận lại các tài liệu do T phải xác nhận như trên nên đơn bảo hiểm ngày 25/3/2013 giữa B2 với T không phát sinh trách nhiệm bảo hiểm. Theo thông báo thu phí thì T có nghĩa vụ nộp phí ngày 25/3/2013 nhưng T đã không nộp phí do vậy đơn bảo hiểm trên không phát sinh quyền và nghĩa vụ kể từ ngày 26/3/2013. Vậy tổn thất của T xảy ra ngày 25/5/2013 là không thuộc trách nhiệm bảo hiểm của B2, việc T yêu cầu B2 bồi thường tiền bảo hiểm theo đơn bảo hiểm như trên thì B2 không chấp nhận vì:

Khoản 3 Điều 15 Luật kinh doanh bảo hiểm (gọi và viết tắt là Luật KDBH) quy định về thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm: “Trách nhiệm bảo hiểm phát sinh khi có bằng chứng về việc thực hiện HĐBH đã được giao kết và bên mua bảo hiểm đã đóng đủ phí bảo hiểm”.

Sau khi nhận được đơn bảo hiểm và hóa đơn GTGT thì T không có phản hồi nào về việc chấp thuận tiếp tục tham gia bảo hiểm theo các điều kiện, điều khoản, ký kết hay thanh toán phí bảo hiểm liên quan đến đơn bảo hiểm. Do vậy, đơn bảo hiểm ngày 25/3/2013 chưa phát sinh hiệu lực.

Căn cứ vào Khoản 2 Điều 23 Luật KDBH quy định:“HĐBH chấm dứt trong các trường hợp bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm hoặc không đóng phí bảo hiểm theo thời hạn thỏa thuận trong HĐBH, trừ có thỏa thuận khác”.

Căn cứ Điều 18 Thông tư liên tịch số 125 ngày 30/7/2012 của Bộ Tài chính quy định thì: “Trong trường hợp bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí hoặc không đóng phí bảo hiểm theo thời hạn thỏa thuận trong HĐBH, thì HĐBH sẽ tự chấm dứt hiệu lực bảo hiểm vào ngày kế tiếp ngày bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm theo thỏa thuận trong HĐBH”.

Vậy trong HĐBH đã được giao kết trên thì T đã vi phạm nghĩa vụ nộp phí, do vậy HĐBH mặc nhiên bị chấm dứt hiệu lực vào ngày kế tiếp ngày mua phải đóng phí bảo hiểm, tức ngày 26/3/2013.

Về việc xuất hóa đơn GTGT ngày 27/3/2013 thì B2 xuất hóa đơn để ghi nhận doanh thu đầu vào tại sổ sách kế toán và đảm bảo tuân thủ theo các quy định về chế độ tài chính đối với doanh nghiệp thì tại Điều 18 của Thông tư số 125 quy định: Trong trường hợp bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí hoặc không đóng phí bảo hiểm theo thời hạn thỏa thuận trong HĐBH sẽ tự chấm dứt hiệu lực bảo hiểm vào ngày kế tiếp ngày bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm theo đúng thỏa thuận trong HĐBH.

Doanh nghiệp bảo hiểm ghi giảm doanh thu tương ứng với thời gian của HĐBH không phát sinh trách nhiệm bảo hiểm do bên mua bảo hiểm không thực hiện đóng phí bảo hiểm theo đúng thỏa thuận trong HĐBH.

Với các quy định trên thì B2 cho rằng việc xuất hóa đơn GTGT đi kèm bộ đơn bảo hiểm gửi cho T là hợp pháp mặc dù chưa được thu tiền và hoàn toàn phù hợp các quy định pháp luật trong việc ghi nhận doanh thu đầu vào. Quyền của người được bảo hiểm chỉ phát sinh khi đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp phí theo thỏa thuận, không ảnh hưởng đến việc xuất hóa đơn hay chưa. Vậy B2 xuất hóa đơn GTGT mặc dù chưa thu được phí không phải là cơ sở để xác định hiệu lực của HĐBH, việc B2 chưa khai báo giảm doanh thu hoàn toàn không ảnh hưởng đến hiệu lực của HĐBH và trách nhiệm của các bên tham gia bảo hiểm.

Theo Quy tắc bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt đi kèm đơn bảo hiểm ngày 25/3/2013 tại khoản 3 mục 1, 2 Điều VIII quy định: “Người được bảo hiểm thanh toán đầy đủ phí bảo hiểm cho B2 trong thời hạn 30 ngày tính từ ngày chấp nhận bảo hiểm theo HĐBH và nếu vi phạm thời hạn cam kết thanh toán phí thì phạm vi bảo hiểm nêu trong HĐBH sẽ bị hủy bỏ”. Điều này cho thấy B2 xuất hóa đơn, ghi nhận doanh thu đồng nghĩa với việc B2 đã phát sinh phí bảo hiểm cần phải thu và chấp nhận cho T có nghĩa vụ thanh toán phí đầy đủ cho B2 trong vòng 30 ngày kể từ ngày thanh toán phí ghi trên đơn bảo hiểm, nhưng hết hạn 30 ngày T cũng không nộp phí nên HĐBH đó đương nhiêm được chấm dứt.

Về việc giám định tổn thất: Căn cứ Điều 48 Luật Kinh doanh bảo hiểm thì khi xảy ra sự kiện bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền thực hiện việc giám định tổn thất, chi phí giám định do doanh nghiệp chịu. Với quy định trên, sau khi T bị cháy, bảo hiểm đã mời VietAdjusters tiến hành giám định sơ bộ ban đầu, việc mời giám định không có nghĩa là phát sinh trách hiệm bảo hiểm.

Về thẩm quyền ký đơn bảo hiểm: Theo quy định của ngành thì ông Hà giám đốc bảo hiểm B2 chi nhánh Bắc Ninh chỉ được ký kết các hợp đồng có giá trị bảo hiểm đến 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu xét ở góc độ phân cấp được Tổng công ty giao cho B2 chưa được Tổng giám đốc cấp ủy quyền ký kết là chưa phù hợp quy định về thẩm quyền phân cấp và khai thác của B2. Mặt khác, đơn bảo hiểm trên chỉ là bản chào bảo hiểm nên chỉ vượt thẩm quyền về hình thức do đơn bảo hiểm được in ra từ hệ thống có cài dặt chữ ký in sẵn của ông Ngô Quý H1 và đóng dấu đưa cho khách hàng. Trong khi đó nếu xét mặt khai thác bảo hiểm, sau khi nhận được đơn bảo hiểm chào hàng số PFF/00553413 từ B2, T không có bất kỳ sự phản hồi nào cho B2 và B2 cũng không nhận được bất cứ phản hồi nào nào từ phía T về việc chấp thuận tiếp tục tham gia bảo hiểm theo các điều kiện, điều khoản, ký kết hay thanh toán phí bảo hiểm liên quan đến đơn bảo hiểm này, thì hợp đồng được xem như là chưa giao kết.

Phía Ngân hàng TMCP Đầu Tư và phát triển Việt Nam chi nhánh B1 trình bày: Ngày 25/3/2013 giữa Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam, chi nhánh B1 (sau gọi tắt là Ngân hàng) và Công ty T có ký với nhau văn bản sửa đổi bổ sung quyền thụ hưởng bảo hiểm. Theo văn bản trên người được bảo hiểm là Công ty T, nhưng được sửa đổi người được thụ hưởng là Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam chi nhánh B1, vì T có thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay là toàn bộ máy móc, thiết bị, nhà xưởng, hàng hóa của công ty để vay vốn của ngân hàng theo hợp đồng thế chấp số 01/2011 ngày 03/8/2011, khi thế chấp Ngân hàng yêu cầu T phải mua bảo hiểm đối với tài sản đảm bảo như trên. Ngày 25/5/2013 xảy ra sự kiện cháy nổ tại Công ty T nên T khởi kiện đối với Tổng công ty B yêu cầu thanh toán tiền được bảo hiểm theo đơn bảo hiểm và Ngân hàng có yêu cầu B2 bồi thường số tiền bảo hiểm cho ngân hàng là người thụ hưởng. Năm 2016 công ty T đã thanh toán các khoản nợ với Ngân hàng, hai bên thanh lý hợp đồng nên không còn quyền và nghĩa vụ liên quan đến nhau cũng như đối với B2, nay ngân hàng không yêu cầu gì liên quan đến việc thụ hưởng theo đơn yêu cầu bảo hiểm như trên.

Đối với giấy ủy nhiệm chi ngày 24/5/2013 của T: Ngày 24/5/2013 T có gửi 01 ủy nhiệm chi lúc 16 giờ 30 ngày 24/5/2013, nội dung chuyển tiền, số tiền 50.820.000đ, người thụ hưởng Công ty B2, về thời gian giao dịch theo khoản 1 Điều 11 Thông tư số 23/2010/TTNHNN ngày 9/11/2010 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định về việc quản lý, vận hành và sử dụng hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng có hiệu lực đến ngày 31/7/2013 thời điểm các đơn vị trong hệ thống thanh toán liên ngân hàng ngừng gửi lệnh thanh toán giá trị thấp (thanh toán có giá trị nhỏ hơn 500.000.000đ) là 15 giờ 00 phút. Do Công ty T chuyển ủy nhiệm chi vào lúc 16 giờ 30 ngày thứ sáu 24/5/2013, đã quá thời gian giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng sang hệ thống ngân hàng khác nên việc chuyển tiền được chuyển sang ngày làm việc kế tiếp. Thứ bảy ngày 25/5/2015 ngân hàng có làm việc buổi sáng nhưng chỉ thực hiện giao dịch chuyển tiền trong nội bộ các chi nhánh BIDV nên ngân hàng B1 đã thực hiện trách nhiệm chuyển tiền cho Công ty B2 ngày 27/5/2013 là đúng quy định giao dịch tại ngân hàng.

Ông Ngô Quý H1 trình bày:

Tòa án hỏi ông về thẩm quyền của ông trong việc cấp đơn bảo hiểm cho Công ty T có vượt quá thẩm quyền. Hỏi về quy trình cấp đơn bảo hiểm cũng như quy trình trao đổi nghiệp vụ giữa Tổng công ty B với chi nhánh thông qua thư điện thử, điện thoại. Hỏi về chữ ký của ông trong đơn bảo hiểm được đăng ký như thế nào, ai được trách nhiệm phát hành, chữ ký đó có được đăng ký giao dịch với cơ quan có thẩm quyền không, nguồn gốc của đơn bảo hiểm ngày 25/3/2013 đã cấp cho Công ty T từ đâu, đơn đó đã có đầy đủ nội dung của một hợp đồng bảo hiểm không, sau đơn bảo hiểm việc cấp giấy chứng nhận bảo hiểm có phải là quy trình bắt buộc không, có cần phải người có thẩm quyền ký bằng chữ ký trực tiếp không … và các vấn đề khác có liên quan.

Nội dung trên đến nay ông Hà cho rằng ông không được ủy quyền của Tổng công ty B do vậy ông không phát ngôn hay có ý kiến gì.

Với nội dung trên, tại bản án kinh doanh thương mại số 06/2018/KDTM-ST ngày 17/8/2018 của Toà án nhân dân thành phố B đã xử:

Căn cứ các điều Điều 147, 161, 228, 250, 251, 254, 260, 262, 264, 266, 271 Bộ luật tố tụng dân sự 2015;

Áp dụng Điều 569, 570 Bộ luật dân sự năm 2005;

Căn cứ Điều 12, 13, 14, 15, 17, 18, 23 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2014; Căn cứ Thông tư 09 ngày 21/01/2011 và Thông tư số 125 ngày 30/7/2012 của Bộ tài chính;

Căn cứ Nghị định số 326 của Chính phủ quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

Xử: Bác đơn khởi kiện của Công ty TNHH đầu tư thương mại và sản xuất kinh doanh xốp nhựa T yêu cầu Tổng công ty cổ phần B chi trả tiền bảo hiểm là 13.815.431.000đ (Mười ba tỷ, tám trăm mười năm triệu, bốn trăm ba mốt nghìn đồng) và tiền chậm thanh toán tiền bảo hiểm theo lãi suất cơ bản của ngân hàng nhà nước từ ngày thụ lý vụ án đến ngày xét xử tính tròn là 5.000.000.000đ (Năm tỷ đồng).

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên án phí, chi phí giám định và tuyên quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 30 tháng 8 năm 2018, nguyên đơn là Công ty TNHH đầu tư thương mại và sản xuất kinh doanh xốp nhựa T làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm số 06/2018/KDTM-ST ngày 17/8/2018 của Tòa án nhân dân thành phố B nêu trên.

Lý do kháng cáo nguyên đơn đưa ra là: Nội dung quyết định của bản án sơ thẩm chưa phù hợp với các chứng cứ, tình tiết khách quan của vụ án, không khách quan và xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích của nguyên đơn. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét, sửa nội dung phần quyết định của bản án sơ thẩm tuyên buộc Tổng công ty cổ phần B phải thanh toán cho nguyên đơn số tiền bảo hiểm là 13.815.218.431đ, tiền lãi chậm thanh toán là 5.000.000.000đ và chi phí giám định là 457.420.073đ.

Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Nguyễn Chí T1 là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và đưa ra các căn cứ sau:

* Về hợp đồng bảo hiểm: Căn cứ Điều 14 và khoản 2 Điều 17 Luật Kinh doanh bảo hiểm thì đơn bảo hiểm ngày 25/3/2013 là bằng chứng giao kết hợp đồng. Ngoài đơn bảo hiểm ngày 25/3/2013 thì B2 còn cấp cho T nhiều bảo hiểm khác trước đó, khi phát sinh bảo hiểm Công ty T thực tế cũng sử dụng các đơn bảo hiểm trên để làm thủ tục thanh toán mà không có vướng mắc gì. Các văn bản trao đổi hai bên thì B2 đều gọi đơn bảo hiểm ngày 25/3/2013 đều là đơn bảo hiểm, chưa ai dùng từ đơn chào bảo hiểm. Vậy xác định đơn bảo hiểm ngày 25/3/2013 là bằng chứng giao kết hợp đồng và các tài liệu kèm theo được coi là HĐBH giữa B2 và T với phạm vi bảo hiểm là hỏa hoạn và các rủi ro khác cho nhà máy của T, thời hạn bảo hiểm là 01 năm từ ngày 25/3/2013 đến 24/3/2014, tổng số tiền được bảo hiểm là 33 tỷ.

* Về thanh toán phí: Công ty T không vi phạm nghĩa vụ thanh toán phí do B2 đồng ý cho T được nợ chưa phải thanh toán phí bảo hiểm thông qua các dẫn chứng như sau:

Đơn bảo hiểm số PFF/00553413 được B2 in ngày 27/3/2013, hóa đơn phát hành 27/3/2013 trong khi ngày thanh toán phí kỳ ghi trong đơn bảo hiểm và thông báo ngày 25/3/2013, như vậy B2 biết rõ T chưa thanh toán phí bảo hiểm nhưng B2 đã đồng ý cho Công ty T nợ chưa phải thanh toán phí bảo hiểm hoặc đối trừ vào các khoản thanh toán giữa các bên nên B2 vẫn phát hành, chuyển giao đơn bảo hiểm cho T.

Vào thời gian cấp đơn bảo hiểm trên giữa hai bên còn xác lập nhiều giao dịch bảo hiểm trách nhiệm dân sự khác và Công ty T đang hoàn tất thủ tục nhận tiền bồi thường theo thông báo duyệt bồi thường tháng 3/2013.

Đơn bảo hiểm có ghi ngày thanh toán phí kỳ 25/3/2013… nếu B2 cho rằng T chậm thanh toán phí theo định kỳ thì B2 cũng chưa ấn định một thời gian để T đóng theo quy định khoản 2 Điều 572 BLDS.

Hóa đơn GTGT ngày 27/3/2013 B2 giao cho T, T đã hạch toán đầu vào chi phí của Công ty, đến thời điểm này T không nhận được thông báo nào của B2 để điều chỉnh, hủy hóa đơn trên, vậy hệ thống sổ sách kế toán hai bên đều ghi nhận khoản phải trả, phải thu đối với phí là 50.820.000đ.

Tại văn bản số 0266 ngày 22/01/2008 của B2 hướng dẫn thực hiện về tài chính kế toán thì “sau 30 ngày kể từ ngày lập cấp hóa đơn và ngày đến kỳ thu phí mà khách hàng chưa trả nợ, đơn vị tiến hành nhắc nợ quá hạn, khi đã nhắc 2 lần mà khách hàng không có lý do hoặc xét thấy không có khả năng chi trả thì phải làm thủ tục hủy HĐBH” nhưng B2 thực tế không nhắc nợ.

Khi sự kiện cháy xảy ra B2 đã thực hiện nghĩa vụ của mình là thuê công ty giám định Điều Chỉnh Việt đến hiện trường lập biên bản, điều này chứng tỏ sau khi sự kiện cháy, giao dịch về bảo hiểm giữa T và B2 vẫn còn hiệu lực, B2 đưa ra thông báo không phát sinh hiệu lực, và thông báo chấm dứt sau khi xảy ra cháy là né tránh trách nhiệm.

* Về hiệu lực của HĐBH:

Căn cứ Điều 15 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm như sau:

 “1. Hợp đồng đã được giao kết và bên mua bảo hiểm đã đóng đủ phí.

2. Hợp đồng đã được giao kết trong đó có thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm nợ phí bảo hiểm

3. Có bằng chứng về hợp đồng bảo hiểm được giao kết và bên mua bảo hiểm đã đóng đủ phí bảo hiểm.”

Căn cứ Điều 23 Luật kinh doanh bảo hiểm quy định về chấm dứt HĐBH như sau:

 “1. Bên mua bảo hiểm không còn quyền lợi có thể được bảo hiểm.

2. Bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm hoặc không đóng phí bảo hiểm theo thời hạn thỏa thuận trong HĐBH, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.”

Căn cứ mục 3 phần VIII quy tắc bảo hiểm quy định về cam kết thanh toán phí:

Căn cứ vào mục 4 phần VI quy tắc bảo hiểm quy định về hủy bỏ HĐBH. Căn cứ vào văn bản 0266/2008-BM/TCKT ngày 22/1/2008 của Tổng giám đốc công ty B2 quy định về xử lý nợ quá hạn.

Căn cứ Điều 425 Bộ luật dân sự 2005 quy định về hủy bỏ hợp đồng dân sự quy định: “1. Một bên có quyền huỷ bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện huỷ bỏ mà các bên đã thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.

2. Bên huỷ bỏ hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc huỷ bỏ, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

3. Khi hợp đồng bị huỷ bỏ thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết và các bên phải hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải trả bằng tiền.

4. Bên có lỗi trong việc hợp đồng bị huỷ bỏ phải bồi thường thiệt hại.”

Từ những trích dẫn trên, đơn bảo hiểm 25/3/2013 có nội dung thỏa thuận giữa B2 và T về việc bên mua bảo hiểm nợ phí bảo hiểm trong vòng 30 ngày nên đương nhiên hợp đồng bảo hiểm này có giá trị 01 năm từ ngày 25/3/2013 đến 24/3/2014.

Về số tiền bảo hiểm T yêu cầu là 13.815.431.000 đồng theo như kết luận giám định của công ty Điều Chỉnh Việt.

Người được thụ hưởng là Công ty T chứ không phải Ngân hàng B1. Lý do chuyển người thụ hưởng vì trong thời gian qua, năm 2016 T đã thanh toán hết nợ cho Ngân hàng, hai bên đã giải chấp nên Ngân hàng không còn quyền lợi gì trong hợp đồng bảo hiểm trên.

* Về ý kiến, căn cứ của B2 nêu ra để từ chối là không phù hợp: B2 căn cứ khoản 1 và khoản 3 Điều 15 Luật Kinh doanh bảo hiểm để cho rằng thời điểm phát sinh hiệu lực là thời điểm bên mua bảo hiểm đóng đủ phí là không phù hợp vì các bên có thỏa thuận về việc bên mua bảo hiểm nợ phí bảo hiểm trong vòng 30 ngày. Do vậy, thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm trong vụ này phải được xác định theo khoản 2 Điều 15 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định HĐBH đã được giao kết trong đó có thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm về việc bên mua bảo hiểm nợ phí bảo hiểm.

Việc B2 cho rằng T không thanh toán phí bảo hiểm nên hợp đồng bảo hiểm ngày 25/3/2013 bị chấm dứt là không phù hợp với việc giữa các bên đã có thỏa thuận về việc mua bán bảo hiểm nợ phí bảo hiểm, hủy bỏ HĐBH và quy định tại khoản 2 Điều 23 quy định bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm hoặc không đóng phí bảo hiểm theo thời hạn thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. 

B2 trích dẫn một phần nội dung của điểm 1.1.c Điều 18 của Thông tư số 125/2012/TT-BTC về “Nguyên tắc xác định doanh thu của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp nước ngoài”. Trong trường hợp bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm hoặc không đóng phí bảo hiểm theo thời hạn thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm sẽ tự chấm dứt hiệu lực vào ngày kế tiếp ngày bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm để cho rằng hợp đồng bảo hiểm ngày 25/3/2013 được chấm dứt vì: Phạm vi đối tượng của thông tư trên được quy định rõ tại Điều 1 là hướng dẫn chế độ tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm... chứ không phải hướng dẫn về hợp đồng bảo hiểm với các điều kiện phát sinh hiệu lực, chấm dứt hiệu lực…

* Về kê khai, nộp thuế và hạch toán các bên:

Không chỉ T kê khai thuế giá trị gia tăng thì Công ty B2 cũng kê khai nộp thuế. Đến nay không có điều chỉnh do vậy khoản doanh thu này cơ quan thuế vẫn tính thuế trên cơ sở doanh thu này được doanh nghiệp bảo hiểm ghi nhận trên hệ thống sổ sách của B2. Nên xác định hợp đồng bảo hiểm do doanh thu không được điều chỉnh và không có cơ sở để xác định hợp đồng bảo hiểm trên bị chấm dứt trước hạn.

* Về số tiền bảo hiểm:

Sự kiện cháy là khách quan và trong thời gian được bảo hiểm, thiệt hại đến 50 tỷ, nhưng qua giám định còn hơn 13 tỷ, đây là căn cứ nên T phải chấp nhận sự thiệt thòi này. Sự kiện cháy của T là khách quan, đến khi xảy ra cháy T không nhận được thông báo chấm dứt hiệu lực hay hủy bỏ đơn bảo hiểm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Đại diện theo ủy quyền của Tổng công ty cổ phần B và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn trình bày không chấp nhận lý do kháng cáo của nguyên đơn đưa ra, bởi lẽ:

* Xác định hợp đồng bảo hiểm đó có được giao kết hay không: Đơn bảo hiểm số PFF/00553413 ngày 25/3/2013 chỉ là “bản chào” được in ra từ hệ thống quản lý của B2, theo đó chữ ký của đại diện B2 là ông Ngô Quý H1 trên bản chào số PFF/00553413 cũng chỉ là chữ ký có sẵn được in ra từ hệ thống máy tính. Đơn chào số PFF/00553413 của T thuộc rủi ro nhóm 4 có số tiền bảo hiểm 33 tỷ đồng - là trên phân cấp… nên việc ký kết HĐBH phải thuộc về Tổng Công ty. Do đó, B2 cho rằng: Đây cũng chỉ là bản chào bảo hiểm nên B2 chỉ vượt thẩm quyền về hình thức do Đơn chào bảo hiểm được in ra từ hệ thống có cài đặt chữ ký in sẵn của Ông Ngô Quý H1 và đóng dấu đưa cho khách hàng để xem xét việc giao kết HĐBH (nếu có) về sau. Vì vậy, ngày 27/3/2013 Ông Ngô Quý H1 đã ký văn bản đính kèm Bộ HĐBH gửi sang cho T, có nội dung ghi rõ: “Khi nhận được thư này, xin Quý khách hàng vui lòng ký tên vào phiếu xác nhận in kèm phía dưới và gửi lại công ty chúng tôi”. Tuy nhiên T đã không có bất kỳ sự phản hồi nào cho B2 và B2 cũng không nhận được bất cứ phản hồi nào từ phía T về việc chấp thuận tiếp tục tham gia bảo hiểm theo các điều kiện, điều khoản, ký kết hay thanh toán phí bảo hiểm liên quan đến đơn chào bảo hiểm này, thì Hợp đồng bảo hiểm xem như chưa được giao kết. Căn cứ Khoản 3 Điều 15 Luật kinh doanh bảo hiểm: “Thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm: Trách nhiệm bảo hiểm phát sinh khi có bằng chứng về việc HĐBH đã được giao kết và bên mua bảo hiểm đã đóng đủ phí bảo hiểm.” Đối với trường hợp trên, B2 khẳng định: Đơn chào bảo hiểm số PFF/00553413 ngày 25/3/2013 chưa được giao kết giữa các bên tham gia và chưa phát sinh hiệu lực, nên chưa làm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm của B2 là hoàn toàn có cơ sở pháp lý và tuân thủ đúng theo quy định pháp luật.

* Vấn đề hợp đồng bảo hiểm chấm dứt hay không:

- Theo thông báo thu phí thì T phải đóng phí ngày 25/3/2013.

- Theo quy tắc bảo hiểm thì được nợ phí trong 30 ngày kể từ ngày chấp nhận bảo hiểm tức ngày 25/3/2013, vậy trên thực tế T đã quá 30 ngày không nộp phí thì hợp đồng bảo hiểm bị chấm dứt.

- Việc thông báo trước 7 ngày mà nguyên đơn viện dẫn như trên chỉ áp dụng trong trường hợp người mua bảo hiểm đã nộp phí nhưng không nộp đầy đủ, khi muốn chấm dứt thì phải thông báo chứ không thể áp dụng trong trường hợp bên mua bảo hiểm không nộp phí.

- Các chứng cứ phía T đưa ra tại phiên tòa, B2 không chấp nhận vì các phiếu chi đó không có sự liên quan đến đơn bảo hiểm ngày 25/3/2013, nó có trước khi phát sinh hợp đồng bảo hiểm ngày 25/3/2013, cụ thể việc đối trừ số tiền được nhận tiền bồi thường không có đối trừ cho đơn bảo hiểm ngày 25/3/2013, sau ngày 14/3/2013 giữa T và B2 không có văn bản thỏa thuận nợ phí, số tiền được bồi thường không khớp với số tiền phải đóng phí bảo hiểm. Việc T ủy nhiệm chi ngày 24/5/2013 là có sự mâu thuẫn vì T đã thỏa thuận chuyển khoản tiền được nhận bồi thường theo thông báo duyệt tiền bồi thường ngày 14/3/2013 nhưng lại nộp phí thông qua ủy nhiệm chi, vậy khoản phí của đơn bảo hiểm ngày 25/3/2013 được nộp hai lần. Ngân hàng chuyển tiền phí bảo hiểm của đơn bảo hiểm ngày 25/3/2015 vào ngày 27/5/2015, nhưng sự kiện cháy xảy ra ngày 25/5/2013, vậy phí nộp sau khi cháy nên không phát sinh trách nhiệm bồi thường.

Vấn đề giám định: Ngay khi xảy ra tổn thất, do Công ty T là khách hàng thường xuyên, khi báo cháy phía B2 thể hiện là nhà bảo hiểm có trách nhiệm, có thái độ phục vụ khách hàng tận tâm… nên đã yêu cầu VietAdjusters là đơn vị giám định độc lập đến ngay hiện trường để tiến hành công tác giám định sơ bộ ban đầu theo luật định. Dù vậy, việc mời giám định này không thể được hiểu hay không có nghĩa là B2 thừa nhận trách nhiệm bảo hiểm đã phát sinh hoặc tổn thất thuộc phạm vi bảo hiểm. Qua xem xét, đánh giá Đơn bảo hiểm số PFF/00553413 không phát sinh hiệu lực do Người được bảo hiểm là T đã vi phạm cam kết đóng phí của HĐBH nên B2 chấm dứt việc giám định là bình thường, nó không phải thể hiện việc nhận trách nhiệm của B2 như T đưa ra.

Về việc xuất và hủy hóa đơn GTGT: Theo Điều 18 Thông tư 125/2012/TT- BTC ngày 30/7/2012 của Bộ Tài chính quy định nó là trình tự ghi nhận doanh thu, việc xuất hóa đơn không liên quan đến hiệu lực của hợp đồng. B2 xuất hóa đơn GTGT mặc dù chưa thu được phí không phải là cơ sở để xác định hiệu lực của Hợp đồng bảo hiểm. Hay nói cách khác, nếu T không đóng phí hoặc vi phạm nghĩa vụ thanh toán phí thì HĐBH sẽ mặc nhiên chấm dứt hiệu lực vào ngày kế tiếp ngày phải đóng phí bảo hiểm theo thỏa thuận mà không cần phải thông báo trước. Ngày 29/5/2013 B2 đã phát hành thông báo số 0567/2013-BMBN/BT về việc chấm dứt HĐBH số PFF/00553413 theo Điều 23 Luật Kinh doanh bảo hiểm. Việc phát hành thông báo này hoàn toàn phù hợp với các quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và là một trong các bước thực hiện trước khi tiến hành thu hồi hóa đơn từ T và hủy hóa đơn GTGT đã xuất theo quy định của cơ quan thuế.

Về yêu cầu tiền lãi chậm thanh toán: B2 không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của T yêu cầu B2 thanh toán khoản tiền lãi chậm trả theo lãi suất cơ bản của ngân hàng Nhà nước từ ngày thụ lý vụ án đến ngày xét xử tính tròn là: 5.000.000.000 đồng (Năm tỷ đồng), vì: Tổn thất của T xảy ra ngày 25/5/2013 không phát sinh trách nhiệm bảo hiểm của B2; tại Đơn chào bảo hiểm hoàn toàn không có bất kỳ nội dung hay thỏa thuận nào liên quan về khoản tiền phạt hoặc lãi suất do chậm thanh toán… Do vậy, B2 cho rằng: việc T kháng cáo yêu cầu B2 phải thanh toán khoản tiền lãi chậm trả là không phù hợp với quy định pháp luật nói chung và pháp luật kinh doanh bảo hiểm nói riêng, nên không có cơ sở để xem xét chấp nhận.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh phát biểu ý kiến đã đánh giá việc tuân theo pháp luật tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán và của Hội đồng xét xử ở cấp phúc thẩm là đúng quy định của pháp luật. Việc chấp hành pháp luật của các đương sự như nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là nghiêm túc trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của đương sự. Về nội dung: Đại diện Viện kiểm sát nhận định rằng Tổng công ty B và Công ty T đều có lỗi và phải chịu trách nhiệm với tỷ lệ 50/50 nên đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 2 Điều 308 và Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, xử: sửa một phần bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 06/2018/KDTM-ST ngày 17/8/2018 của Tòa án nhân dân thành phố B theo hướng buộc Tổng công ty B phải thanh toán trả công ty T một nửa tổng số tiền thiệt hại theo kết luận giám định là 6.907.715.500 đồng và lãi suất chậm thanh toán số tiền này theo lãi suất ngân hàng nhà nước quy định từ khi thụ lý vụ án đến ngày xét xử sơ thẩm; Về tiền chi phí giám định: Tổng công ty B và Công ty T mỗi bên phải chịu ½ số tiền chi phí giám định 557.420.073 đồng là 228.710.036 đồng; Về tiền án phí: mỗi bên phải chịu ½ tiền án phí sơ thẩm và phúc thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ được xem xét tại phiên toà, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, Hội đồng xét xử thấy:

Xét lý do kháng cáo nguyên đơn đưa ra là: Nội dung quyết định của bản án sơ thẩm chưa phù hợp với các chứng cứ, tình tiết khách quan của vụ án, không khách quan và xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích của nguyên đơn. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét, sửa nội dung phần quyết định của bản án sơ thẩm tuyên buộc Tổng công ty cổ phần B phải thanh toán cho nguyên đơn số tiền bảo hiểm là 13.815.218.431đ, tiền lãi chậm thanh toán là 5.000.000.000đ và chi phí giám định là 457.420.073đ, Hội đồng xét xử thấy:

 [1] Xét tính pháp lý của việc giao kết hợp đồng bảo hiểm (Đơn bảo hiểm):

 [1.1] Về hình thức, nội dung của đơn bảo hiểm: Theo quy định tại Điều 570 Bộ luật dân sự 2005 quy định về hình thức của hợp đồng bảo hiểm thì hợp đồng bảo hiểm lập thành văn bản, giấy bảo hiểm có chữ ký của bên mua bảo hiểm là bộ phận không tách rời của hợp đồng bảo hiểm, giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc đơn bảo hiểm là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Tại điều 12, 13, 14 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định về hợp đồng bảo hiểm, nội dung của hợp đồng bảo hiểm, hình thức của hợp đồng bảo hiểm thì đơn bảo hiểm trên đã tuân thủ các điều kiện theo quy định, đơn bảo hiểm là bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm.

 [1.2] Mặt khác, trước ngày 25/3/2013 giữa Công ty T và Công ty B2 đã ký kết với nhau Hợp đồng bảo hiểm hỏa hoạn và rủi ro đặc biệt số AD 0050/111 ngày 9/12/2011 có thời hạn 01 năm kể từ ngày 09/12/2011 đến ngày 09/12/2012. Sau khi hết thời hạn của hợp đồng bảo hiểm trên dù T vẫn tiếp tục tham gia bảo hiểm nhưng chỉ được cấp đơn bảo hiểm số PFF/00553413, không ký hợp đồng bảo hiểm mới hay phụ lục, gia hạn hợp đồng bảo hiểm đã ký. Đồng thời tại thời điểm đó, các tài sản của T đang thế chấp tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam, Chi nhánh B1 và Ngân hàng bắt buộc doanh nghiệp phải mua bảo hiểm cho tài sản thế chấp thì mới được chấp nhận vay vốn. Nên sau khi hợp đồng bảo hiểm trên hết hiệu lực thì hai bên lại tiếp tục tham gia bảo hiểm bằng việc cấp đơn bảo hiểm ngày 25/3/2013 và đã sửa đổi, bổ sung người được thụ hưởng là Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam, chi nhánh B1. Điều này thể hiện mong muốn của cả hai bên cùng hợp tác với nhau để giao kết hợp đồng bảo hiểm (Đơn bảo hiểm) trên thực tế. 

Mặt khác, theo quy định tại Điều 570 Bộ luật dân sự 2005 và điều 12, 13, 14 Luật Kinh doanh bảo hiểm thì giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc đơn bảo hiểm là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng bảo hiểm. Mặc dù, T không gửi phần xác nhận cho B2 cũng là một thiếu sót, nhưng đã được phía B2 chấp nhận nên đã phát hành bộ đơn bảo hiểm gửi kèm thông báo thu phí và xuất hóa đơn cho Công ty T vào ngày 27/3/2013. Công ty T xác nhận đã nhận được bộ đơn bảo hiểm và các giấy tờ trên vào ngày 27/3/2013 . Do vậy, đơn bảo hiểm số PFF/00553413 ngày 25/3/2013 là căn cứ xác định đây là giao kết hợp đồng bảo hiểm, B2 cho rằng bộ đơn đó chỉ là chào bảo hiểm là không có căn cứ.

 [2] Xét về vấn đề nộp phí bảo hiểm: Tại điều 17, 18 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm thì B2 được quyền thu phí đúng theo thông báo nộp phí, nghĩa vụ của T phải nộp phí theo thông báo. Tuy nhiên, hai bên không có thỏa thuận nào khác về việc chậm nộp phí, khoản phí mà T phải nộp theo thông báo là ngày 25/3/2013 nhưng thông báo nộp phí ngày 27/3/2013 Công ty T mới nhận được, do vậy T không thể nộp phí theo thông báo là ngày 25/3/2013.

Căn cứ vào Quy tắc bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt đi kèm đơn bảo hiểm ngày 25/3/2013 tại khoản 3 mục 1,2 Điều VIII quy định: “Người được bảo hiểm thanh toán đầy đủ phí bảo hiểm cho B2 trong thời hạn 30 ngày tính từ ngày chấp nhận bảo hiểm theo HĐBH và nếu vi phạm thời hạn cam kết thanh toán phí thì phạm vi bảo hiểm nêu trong HĐBH sẽ bị hủy bỏ”. Điều này cho thấy B2 xuất hóa đơn, ghi nhận doanh thu đồng nghĩa với việc B2 đã phát sinh phí bảo hiểm cần phải thu và chấp nhận cho T có nghĩa vụ thanh toán phí đầy đủ cho B2 trong vòng 30 ngày kể từ ngày thanh toán phí ghi trên đơn bảo hiểm, nhưng hết thời hạn 30 ngày 25/3/2013 T không nộp phí, do vậy đơn bảo hiểm ngày 25/3/2013 không phát sinh trách nhiệm bảo hiểm và đơn bảo hiểm đó đương nhiên hết hiệu lực vào ngày kế tiếp.

Ngày 25/3/2013 B2 đã chấp nhận bảo hiểm cho T, hai bên không có thỏa thuận nào khác về việc nợ phí bảo hiểm, vậy tiền phí là phải nộp vào ngày 25/4/2013, tức là sau 30 ngày kể từ ngày thông báo in trên đơn bảo hiểm theo Quy tắc bảo hiểm và Luật Kinh doanh bảo hiểm, nhưng T đã không nộp nên không phát sinh trách nhiệm bảo hiểm.

 [3] Vấn đề ủy nhiệm chi của T: Ngày 24/5/2013 T có ủy nhiệm chi cho Ngân hàng đầu tư B1 chi số tiền 50.825.000đ nộp phí bảo hiểm, ngày 27/5/2013 ngân hàng mới chuyển số tiền phí trên cho B2. Vậy số tiền này được T chuyển đến cho B2 sau khi sự kiện cháy ngày 25/5/2013 xảy ra, nên B2 không chấp nhận việc nộp phí và hoàn trả lại T khoản phí ngày 29/5/2013 và không phát sinh trách nhiệm bảo hiểm là có căn cứ.

 [4] Về việc xuất hóa đơn GTGT ngày 27/3/2013:

Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 8 Thông tư liên tịch số 09 ngày 21/1/2011 của Bộ Tài chính quy định “Thời điểm xác định thuế GTGT là thời điểm phát sinh trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm với bên mua bảo hiểm theo quy định của luật KDBH, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền hoặc thời điểm doanh nghiệp bảo hiểm xuất hóa đơn bán hàng”.

Sau ngày 27/3/2013, B2 đã kê khai Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh qua mạng đối với hóa đơn GTGT, kể từ ngày kê khai cho đến nay B2 không có việc điều chỉnh hóa đơn hay hủy hóa đơn. Ngày 25/5/2013 là ngày phát sinh sự kiện cháy tại T, như vậy việc B2 xuất hóa đơn chỉ là ghi nhận doanh thu đối với cơ quan thuế, để thực hiện nghĩa vụ với nhà nước, việc xuất hóa đơn B2 có quyền điều chỉnh trong thời gian tiếp theo như giảm doanh thu, hủy hóa đơn…Đến nay, B2 chưa điều chỉnh là thiệt hại cho doanh nghiệp và phải chịu trách nhiệm với cơ quan thuế, việc xuất hóa đơn và B2 chưa hủy hóa đơn hay giảm doanh thu nó không liên quan đến việc nợ phí của T, không làm ảnh hưởng đến hiệu lực của đơn bảo hiểm. Việc B2 gửi hóa đơn GTGT thể hiện hợp đồng bảo hiểm giữa T và B2 đã được ký kết.

Từ những căn cứ và nhận định trên, Hội đồng xét xử xét thấy việc Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên bác đơn khởi kiện của Công ty T đối với Tổng công ty cổ phần B là phù hợp với các chứng cứ, tình tiết khách quan của vụ án và các quy định pháp luật. Do vậy, kháng cáo của Công ty T đề nghị sửa án theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không được chấp nhận, cần giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm. Tuy nhiên, trong bản án phần áp dụng pháp luật cấp sơ thẩm lại áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2014 và căn cứ Nghị định 326 của Chính phủ qui định về án phí, lệ phí Tòa án là chưa chính xác cần chỉnh sửa lại.

Về án phí: Do kháng cáo của Công ty T không được chấp nhận nên phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm theo quy định pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào Điều 147, Điều 148; Khoản 2 Điều 308 và Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự 2015;

Sửa bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 06/2018/KDTM-ST ngày 17 tháng 8 năm 2018 của Tòa án nhân dân thành phố B.

Áp dụng Điều 569, 570 Bộ luật dân sự năm 2005;

Áp dụng các Điều 12, 13, 14, 15, 17, 18, 23 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000; Căn cứ Thông tư 09/2011/TT-BTC ngày 21/01/2011 và Thông tư số 125/2012/TT-BTC ngày 30/7/2012 của Bộ Tài chính; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về án phí và lệ phí Tòa án, xử:

Bác đơn khởi kiện của Công ty TNHH đầu tư thương mại và sản xuất kinh doanh xốp nhựa T yêu cầu Tổng công ty cổ phần B chi trả tiền bảo hiểm là 13.815.431.000đ (Mười ba tỷ, tám trăm mười năm triệu, bốn trăm ba mốt nghìn đồng) và tiền chậm thanh toán tiền bảo hiểm theo lãi suất cơ bản của ngân hàng nhà nước từ ngày thụ lý vụ án đến ngày xét xử tính tròn là 5.000.000.000đ (Năm tỷ đồng).

Công ty TNHH đầu tư thương mại và sản xuất kinh doanh xốp nhựa T phải chịu 126.815.218đ (Một trăm hai mươi sáu triệu, tám trăm mười lăm nghìn, hai trăm mười tám đồng) án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm. Được trừ số tiền dự phí đã tạm nộp tại biên lai số AA/2012/05486 ngày 23/9/2013 tại Chi cục Thi hành án dân sự thành phố B, tỉnh Bắc Ninh.

Về chi phí giám định: Công ty TNHH đầu tư thương mại và sản xuất kinh doanh xốp nhựa T phải chịu 457.420.073đ phí giám định (Xác nhận Công ty T đã nộp đủ số phí trên cho Công ty cổ phần điều chỉnh Việt - VIET ADJUSTER JSC).

Về án phí phúc thẩm: Công ty TNHH đầu tư thương mại và sản xuất kinh doanh xốp nhựa T phải chịu 2.000.000đ án kinh doanh thương mại phúc thẩm. Xác nhận đã nộp 2.000.000đ tiền tại biên lai số 0004958 ngày 30/8/2018 tại Chi cục Thi hành án dân sự thành phố B.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

2138
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm số 01/2018/KDTM-PT

Số hiệu:01/2018/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bắc Ninh
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 18/12/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;