Bản án 06/2016/KDTM-PT ngày 29/01/2016 về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 06/2016/KDTM-PT NGÀY 29/01/2016 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM

Ngày 29 tháng 01 năm 2016 tại: Trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 26/2015/TLPT-KDTM ngày 26 tháng 10 năm 2015 về “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm”.

Do bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 62/2015/KDTM–ST ngày 17/09/2015 của Toà án nhân dân quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 29/2015/QĐ – PT ngày 07 tháng 12 năm 2015.

1. Nguyên đơn: Ông Đỗ L – sinh năm 1967

Nguyễn Thị B – sinh năm 1969

Địa chỉ: đường A, quận B, thành phố Đà Nẵng.

2. Bị đơn: Tổng Công ty Cổ phần B.

Địa chỉ: đường B, quận H, thành phố Hà Nội.

Đại diện theo pháp luật: Ông Trần Hoài A, chức vụ: Tổng Giám đốc.

Đại diện theo ủy quyền:

- Bà Đinh Thị Thanh H, chức vụ: Trưởng phòng Giám định bồi thường – Công ty B Đà Nẵng, vắng mặt.

Ông Phạm Hoàng S, trú tại: đường A, phường B, quận C, TP. Hồ Chí Minh, có mặt.

- Ông Trương Minh Cát N, trú tại: đường D, phường E, quận F, TP. Hồ Chí Minh, có mặt.

3. Người làm chứng:

- Ông Huỳnh Hữu N và Bà Trần Thị Thu T, địa chỉ: A1 đường A, quận B, thành phố Đà Nẵng, vắng mặt.

- Ông Võ D, địa chỉ: A2 đường A, quận B, thành phố Đà Nẵng, vắng mặt.

- Ông Võ Văn V, địa chỉ: A3 đường A, quận B, thành phố Đà Nẵng, vắng mặt.

4. Người kháng cáo: Tổng Công ty Cổ phần B – bị đơn

NHẬN THẤY

* Đại diện nguyên đơn trình bày:

Ngày 24/12/2010, để thi công công trình khách sạn tại đường A, quận B, thành phố Đà Nẵng, ông Đỗ L và bà Nguyễn Thị B đã ký Hợp đồng bảo hiểm số 03102598 với Công ty Bảo hiểm B Đà Nẵng thuộc Tổng Công ty Cổ phần B Trước khi ký hợp đồng, Công Ty B Đà Nẵng đã tiến hành các bước xem xét thẩm định. Theo hợp đồng bảo hiểm, Công Ty B Đà Nẵng đồng ý bồi thường mọi rủi ro xảy trong suốt quá trình xây dựng khách sạn, thời hạn bảo hiểm là 02 năm kể từ ngày 24/12/2010 đến 24/12/2012. Đối tượng bảo hiểm là công trình khách sạn tại đường A, quận B, thành phố Đà Nẵng. Công trình bắt đầu thi công từ 30/09/2010, trước khi ông bà ký hợp đồng bảo hiểm.

Quá trình thi công, từ ngày 12/01/2011 thì các hộ liền kề là: A3 đường A, quận B, thành phố Đà Nẵng, A4 đường A, quận B, thành phố Đà Nẵng, A5 đường A, quận B, thành phố Đà Nẵng, A1 đường A, quận B, thành phố Đà Nẵng và A2 đường A, quận B, thành phố Đà Nẵng bắt đầu khiếu nại vì công trình khách sạn gây lún nứt nhà của họ và đã bị UBND Phường H, thành phố Đà Nẵng yêu cầu tạm đình chỉ. Ông L và bà B đã liên hệ với Công Ty B Đà Nẵng để xác định thiệt hại và giải quyết bồi thường cho các hộ trên. Ngày 25/01/2011, Ông L, bà B, đại diện 05 hộ lân cận, đại diện Công Ty B Đà Nẵng đã có buổi làm việc lần thứ nhất tại UBND Phường H, thành phố Đà Nẵng, nhưng hòa giải không thành vì các bên không thống nhất được mức độ thiệt hại. Ngày 8/3/2011, UBND Phường H, thành phố Đà Nẵng mời các bên hòa giải lần hai, tại đó các bên đã thống nhất mời đơn vị V Đà Nẵng tiến hành giám định mức độ thiệt hại. Các bên cũng đã thống nhất nguyên đơn ứng trước số tiền bồi thường thiệt hại cho các hộ dân để đảm bảo tiến độ thi công.

Trên cơ sở giám định V Đà Nẵng, có 04 hộ đã đồng ý với mức giám định và mức bồi thường thiệt hại. Riêng hộ số A1 đường A, quận B, thành phố Đà Nẵng do ông Huỳnh Hữu N làm chủ hộ không đồng ý với mức bồi thường. Ông N đã kiện Ông L và bà B ra Tòa án nhân dân quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Theo quyết định của tòa án, Ông L và bà B phải chi trả 269.000.000đ tiền bồi thường thiệt hại cho ông N và chi phí giám định là 45.000.000đ.

Ngày 11/12/2012, Công Ty B Đà Nẵng có Công văn số 260 cho rằng tổn thất xảy ra không thuộc phạm vi bồi thường bảo hiểm và từ chối thực hiện nghĩa vụ bồi thường. Ông L, bà B đã gửi đơn khiếu nại đến Công Ty B Đà Nẵng. Đến ngày 04/02/2013 Công Ty B Đà Nẵng ra thông báo số 31 đồng ý bồi thường cho họ với mức 137.217.000đ. Với lý do mức bồi thường là quá nhỏ so với thiệt hại thực tế, nguyên đơn tiếp tục khiếu nại và ngày 01/7/2013 Công Ty B Đà Nẵng ra thông báo số 134 từ chối bồi thường thiệt hại.

Ngày 26/09/2013, Ông L và bà B và đại diện phía Tổng Công ty cổ phần B, Công ty B Đà Nẵng đã tiến hành làm việc một lần nữa nhưng không thống nhất được nội dung bồi thường, các bên chỉ thống nhất đưa vụ án ra Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng để giải quyết. Trước đây trong hợp đồng bảo hiểm quy định nếu có tranh chấp xảy ra sẽ giải quyết bằng trọng tài thương mại. Tuy nhiên sau buổi làm việc hai bên đã thống nhất lại việc giải quyết vụ án thông qua Tòa án, mà trong trường hợp này Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nhân dân quận Hải Châu.

Ông Đỗ L và bà Nguyễn Thị B yêu cầu Công Ty B phải bồi thường số tiền bao gồm:

- Tiền bồi thường thiệt hại cho 05 hộ:

Nhà ông Võ Văn V, A3 đường A, quận B, thành phố Đà Nẵng: 34.130.787đ

Nhà  ông  Trương  Triệu  H,  A4  đường  A,  quận  B,  thành  phố  Đà  Nẵng: 19.362.437đ

Nhà ông Võ D, A2 đường A, quận B, thành phố Đà Nẵng: 17.002.001đ

Nhà ông Trần Văn L, A5 đường A, quận B, thành phố Đà Nẵng: 35.603.580đ

Nhà  ông  Huỳnh  Hữu  N,  A1  đường  A,  quận  B,  thành  phố  Đà  Nẵng: 269.000.000đ

- Chi phí giám định của V: 44.000.000đ

- Chi phí giám định của Công ty CP T: 45.000.000đ

Sau khi khấu trừ 10.000.000đ mức miễn trừ theo quy định. Số tiền phải bồi thường là 454.098.805đ và tiền lãi chậm thanh toán bảo hiểm tạm tính từ ngày 09/11/2012 (ngày cuối cùng mà nguyên đơn phải bồi thường cho bên thứ ba là thời điểm Quyết định số 106/2012/QĐST-DS ngày 09/11/2012 của Tòa án nhân dân quận Hải Châu có hiệu lực) đến ngày xét xử sơ thẩm 17/9/2015 (34 tháng) theo mức lãi suất cơ bản do ngân hàng nhà nước công bố là 9% /năm là: 115.795.195đ.

Tổng số tiền yêu cầu bị đơn phải bồi thường là 569.894.000đ.

* Đại diện bị đơn trình bày:

Tổng Công ty Cổ phần B (gọi tắt là Công Ty B) cung cấp bảo hiểm theo “Giấy yêu cầu bảo hiểm” của ông Đỗ L và bà Nguyễn Thị B. Theo giấy yêu cầu bảo hiểm, Ông  L  và  bà  B  khai  thời  gian  thi  công  công  trình  bắt  đầu  từ  24/12/2010  đến 24/12/2012.

Về thời điểm xảy ra rủi ro, Công Ty B cho rằng nó xảy ra trước khi ký kết hợp đồng bảo hiểm. Cụ thể là ngày 17/12/2010, nhật ký thi công ghi nhận công trình tạm nghỉ để giải quyết tranh chấp đất đai với các hộ lân cận. Ngoài ra, Công Ty B Đà Nẵng đã làm việc với các hộ dân, theo các biên bản làm việc ghi nhận việc tường nhà của các hộ dân bị nứt từ tháng 10/2010. Tại bản khai ở Tòa án trong vụ tranh chấp giữa ông Đỗ L và ông Huỳnh Hữu N, ông Đỗ L khai rằng UBND Phường H, thành phố Đà Nẵng đã ra quyết định đình chỉ thi công ngày 25/11/2010 đối với công trình khách sạn của ông bà.

Trong các phiên hòa giải do UBND Phường H, thành phố Đà Nẵng tổ chức, đại diện Công ty B Đà Nẵng chỉ tham gia làm việc ngày 25/01/2011, và không tham gia vào phiên làm việc ngày 08/3/2011. Về việc Ông L và bà B phải ứng trước tiền bồi thường thiệt hại cho các hộ dân, Công Ty B cho rằng đó không phải là Ông L ứng trước mà là Ông L thực hiện nghĩa vụ trả tiền bồi thường cho thiệt hại mà Ông L tự gây ra. Ngoài ra, việc UBND Phường H, thành phố Đà Nẵng tổ chức các phiên làm việc là để hòa giải giữa Ông L và các hộ dân chứ không phải hòa giải giữa Ông L và Công Ty B Đà Nẵng.

Đối với thiệt hại, Công ty B cho rằng sự cố rủi ro không thuộc phạm vị bảo hiểm do tổn thất đã xảy ra trước thời điểm ký kết hợp đồng, giải trừ các tổn thất nhỏ theo nguyên tắc bảo hiểm đính kèm hợp đồng bảo hiểm.

Về thẩm quyền của Tòa án, Công ty B cho rằng căn cứ vào hợp đồng, thẩm quyền giải quyết tranh chấp thuộc về Trung tâm trọng tài thương mại quốc tế Việt Nam, bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Mặc dù trong buổi làm việc ngày 26/09/2013 các bên đã thỏa thuận đưa vụ án ra giải quyết tại Tòa án nhân dân thành phố Đà nẵng, nhưng theo luật định Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng trong vụ án này không có thẩm quyền nên thỏa thuận trên vô hiệu.

Công ty B không chấp nhận toàn bộ và đề nghị Tòa án bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Bản án sơ thẩm số: 62/2015/KDTM-ST ngày 17 tháng 9 năm 2015 của Tòa án nhân dân quận Hải Châu quyết định:

- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện về việc tranh chấp hợp đồng bảo hiểm của ông Đỗ L, bà Nguyễn Thị B đối với Tổng Công ty CP B.

- Buộc Tổng Công ty CP B phải thanh toán cho ông Đỗ L, bà Nguyễn Thị B số tiền 569.894.000đ.

- Bản án sơ thẩm còn quyết định vấn đề án phí và quyền kháng cáo của các bên theo quy định pháp luật.

Ngày 28/9/2015,  Công ty B có đơn kháng cáo đề nghị tòa án cấp phúc thẩm bác toàn bộ bản án sơ thẩm và bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn với các lý do sau:

1. Theo quy định tại Điều 12 của Hợp đồng bảo hiểm hai bên ký kết thỏa thuận thẩm quyền giải quyết tranh chấp thuộc Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nên Tòa án không có thẩm quyền giải quyết vụ án.

2. Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm: chưa xem xét ý kiến tranh luận của các bên tại phiên tòa về nguyên nhân và thời điểm xảy ra tổn thất; chưa xem xét các chứng cứ khoa học gồm báo cáo giám định của công ty T và của công ty V, nhật ký thi công, hợp đồng thi công mà chỉ dựa vào biên bản xác minh của Tòa án đối với các Hộ dân bị thiệt hại; chưa xem xét các quy định của pháp luật kinh doanh bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm và Quy tắc bảo hiểm để giải quyết vụ án.

XÉT THẤY

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy:

Xét kháng cáo của công ty B thì thấy:

1. Về việc Tòa án nhân dân không có thẩm quyền giải quyết vụ án. Tại phiên tòa phúc thẩm người đại diện của Công ty B đã rút kháng cáo đối với yêu cầu này. Xét thấy, việc rút một phần kháng cáo của người kháng cáo là tự nguyện. Do vậy, HĐXX phúc thẩm áp dụng khoản 3 Điều 260 Bộ luật tố tụng dân sự đình chỉ xét xử phúc thẩm phần kháng cáo này của Công ty B.

2. Về việc xác định nguyên nhân gây nên tổn thất, thời điểm xảy ra tổn thất và trách nhiệm của bảo hiểm.

Ngày 24/12/2010 ông Đỗ L, bà Nguyễn Thị B (bên A) và Công ty B Đà Nẵng (bên B) ký kết Hợp đồng bảo hiểm bảo hiểm mọi rủi ro trong xây dựng số 03102598 đối với công trình xây dựng khách sạn tại đường A, quận B, thành phố Đà Nẵng. Theo quy định tại khoản 6.1 Điều 6 của hợp đồng: “Bên B nhận bảo hiểm cho công trình xây dựng của bên A từ ngày 24/12/2010 đến ngày 24/12/2012 cộng với 12 tháng bảo hiểm bảo hành theo điều khoản sửa đổi bổ sung đính kèm hợp đồng này”. Theo Giấy yêu cầu bảo hiểm mọi rủi ro trong xây dựng ngày 24/12/2010 ông Đỗ L gửi cho Công Ty B Đà Nẵng thì thời gian xây dựng công trình khách sạn tại đường A, quận B, thành phố Đà Nẵng là từ 24/12/2010 đến 24/12/2012. Giấy yêu cầu bảo hiểm này là một bộ phận không tách rời của Hợp đồng bảo hiểm mọi rủi ro trong xây dựng mà hai bên đã ký kết. Tuy nhiên, thực tế công trình được bắt đầu thi công từ ngày 30/9/2010, trước khi ký hợp đồng bảo hiểm gần 03 tháng. Theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000:  “Khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm; bên mua bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến đối tượng bo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm. Các bên chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin đó...”.  Như vậy, ông Đỗ L và bà Nguyễn Thị B đã kê khai thông tin không trung thực về thời gian bắt đầu xây dựng công trình khách sạn tại đường A, quận B, thành phố Đà Nẵng khi kết Hợp đồng bảo hiểm số: 03102598 ngày 24/12/2010.

Theo Chứng thư giám định số 11E02TT0090-01 ngày 09/3/2011 của V Đà Nẵng và Công văn số: 112/CV-CNĐN ngày 17/10/2012 của V Đà Nẵng là đơn vị do Ông L, bà B và các hộ dân bị thiệt hại thống nhất thuê để giám định thiệt hại, kết luận: Tình trạng hư hỏng của các nhà lân cận xảy ra trong quá trình thi công công trình xây dựng tại đường A, quận B, thành phố Đà Nẵng. Nguyên nhân gây ra hư hỏng các nhà lân cận có thể do:

- Trong quá trình thi công ép cọc cừ thép và ván thép làm tường cừ (để đào móng công trình xây dựng) đã tạo ra chấn động nền và móng cũ của các nhà xung quanh công trình.

- Và/hoặc tường cừ được thi công chưa cách nước, vì vậy khi bơm nước trong hố đào (hạ mực nước ngầm để thi công móng), nước trong lớp đất, cát dưới công trình xung quanh thoát ra, chảy về hướng hố đào theo nguyên lý B thông nhau, đã kéo theo đất cát làm cho áp lực nước lỗ rỗng trong đất thay đổi đã gây sụt lún nền và nứt tường các công trình xung quanh.

Theo Báo cáo giám định số: 105 TT/12TD ngày 18/10/2012 của Công ty T là đơn vị do Tòa án nhân dân quận Hải Châu trương cầu giám định nguyên nhân gây thiệt hại của nhà ông Huỳnh Hữu N số A1 đường A, quận B, thành phố Đà Nẵng, kết luận:

Trong quá trình thi công phần ngầm (móng và tầng hầm) công trình đơn vị thi công đã tiến hành đào đất hố móng tương đối sâu so với mặt đất tự nhiên (≥ 4.0m), tuy xung quanh hố đào đã có tường cừ thép che chắn, nhưng trong lòng tường chắn lại trở thành giếng thu nước lớn. Quá trình thi công móng phải hút một lượng nước rất lớn để hạ mực nước ngầm. Việc hạ mực nước ngầm này sẽ làm cho mực nước ngầm ở khu vực lân cận bị hạ xuống. Kết quả là các vùng đất nền gần với khu vực thi công sẽ bị mất nước lỗ rỗng (giảm thể tích) gây lún lệch đối với các nhà xung quanh.

Tiếp theo nguyên nhân trên, quá trình hút nước hố móng để thi công đã tạo nên các dòng chảy ngầm trong nền đất, các dòng chảy này sẽ cuốn theo các hạt nhỏ trong nền đất xung quanh về phía hố móng gây ra hiện tượng phân bố lại thành phần hạt của lớp đất xung quanh hố móng, gây rỗng nền đất xung quanh hố móng do các hạt có kích thước nhỏ bị cuốn về phía hố móng (gây chặt vùng nền dưới đáy hố móng), i tải trọng của các ngôi nhà lân cận, nền đất xung quanh hố móng bị xẹp xuống, gây lún cho chính các nhà đó.

Ngoài ra, quá trình thi công công trình đã đặt lên nền đất một tải trọng tương đối lớn và tải trọng này không chỉ truyền thẳng đứng xuống nền đất mà còn được truyền theo phương nghiên một góc 45 độ (trong kỹ thuật gọi là góc truyền lực). Dưới tác động của tải trọng này (tăng dần theo chiều cao của công trình), nền đất bị nén chặt lại và giảm thể tích (lún). Sự lún này diễn ra tại vùng nền đất ngay dưới móng của công trình đang thi công và một vùng nền đất xung quanh công trình. Kết quả là đã gây ra hiện tượng lún lệch đối với các nhà dân lân cận.

Căn cứ vào nhật ký thi công công trình thì thấy, công trình bắt đầu thi công từ ngày 30/9/2010. Thời gian thi công phần móng, ép cọc và rút nước xử lý nước ngầm bắt đầu từ ngày 02/10/2010 đến ngày 30/12/2010, đến ngày 30/12/2010 tiến hành đổ bê tông lót móng, kết thúc công tác đóng, lún cọc cừ xung quanh móng. Như vậy, tính đến ngày ký kết hợp đồng bảo hiểm ngày 24/12/2010 thì công trình đã cơ bản hoàn thành xong phần móng. Từ ngày 12/01/2011 đến ngày 24/01/2011 khi các hộ liền kề có đơn khiếu nại vì công trình khách sạn gây lún nứt nhà của họ và bị UBND Phường H, thành phố Đà Nẵng tạm đình chỉ thi công công trình thì công trình cũng chỉ mới thi công hoàn thiện phần móng mà chưa thi công xây dựng tầng trên đó.

Như vậy, nguyên nhân chính gây ra hiện tượng sụt lún nền và nứt tường các công trình xung quanh là do việc ép cọc và rút nước xử lý nước ngầm khi thi công đào móng công trình xây dựng khách sạn đường A, quận B, thành phố Đà Nẵng gây ra, trước khi hai bên ký kết Hợp đồng bảo hiểm số: 03102598 ngày 24/12/2010. Căn cứ khoản 6.2 Điều 6 hợp đồng: “Bên B sẽ không chịu trách nhiệm bồi thường đối với các tổn thất xảy ra trước ngày ký kết hợp đồng bảo hiểm”.

Ngoài ra, tại điều khoản sửa đổi, bổ sung số 09 (SĐBS 120: Chấn động, bộ phận chống đỡ bị dịch chuyển hoặc suy yếu) thuộc Điều 3 của hợp đồng bảo hiểm quy định:  Bên B sẽ không bồi thường cho người được bảo hiểm về trách nhiệm đối với tổn thất hoặc thiệt hại có thể lường trước được đối với tính chất của công việc xây dựng hoặc cách thực hiện chúng. Với việc thi công đào móng quá sâu (hơn 4m), ép cọc cừ và hút nước của công trình đường A, quận B, thành phố Đà Nẵng là việc có thể lường trước được sẽ gây sụt lún nền, nứt tường cho các công trình lân cận.

Từ các phân tích trên, xét thấy Công Ty B không phải chịu trách nhiệm bồi thường những tổn thất cho các hộ dân lân cận công trình khách sạn đường A, quận B, thành phố Đà Nẵng. Do các tổn thất của các hộ dân lân cận không thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm bảo hiểm mọi rủi ro trong xây dựng số 03102598 ngày 24/12/2010, nên Công Ty B không có nghĩa vụ thanh toán cho ông Đỗ L và bà Nguyễn Thị B tổng số tiền yêu cầu là 569.894.000đ.

Xét thấy, kháng cáo của Công Ty B là có cơ sở nên chấp nhận, sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ khởi kiện của nguyên đơn đối với Công Ty B.

Do yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn không được chấp nhận nên nguyên đơn phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm đối với toàn bộ số tiền khởi kiện không được chấp nhận theo quy định của pháp luật là 26.795.760đ

Tại phiên tòa, đại diện VKS đề nghị chấp nhận đơn kháng cáo của Công Ty B, sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. HĐXX phúc thẩm thấy có cơ sở nên chấp nhận.

Do sửa án sơ thẩm nên người kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm. Vì các lẽ trên,

Căn cứ vào khoản 3 Điều 260; khoản 2 điều 275 Bộ luật tố tụng dân sự.

QUYẾT ĐỊNH

Đình chỉ xét xử phúc thẩm một phần kháng cáo của Tổng Công ty Cổ phần B về việc: Tòa án nhân dân không có thẩm quyền giải quyết vụ án.

Chấp nhận kháng cáo của bị đơn Tổng Công ty Cổ phần B.

Sửa bản án sơ thẩm. Áp dụng:

- Điều 12, 17, 19 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000;

- Pháp lệnh án phí lệ phí Tòa án.

X:

1. Sửa bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 62/2015/KDTM – ST ngày 17 tháng 9 năm 2015 của Toà án nhân dân quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Đỗ L và bà Nguyễn Thị B về việc yêu cầu Tổng Công ty Cổ phần B bồi thường tổng số tiền là 569.894.000đ.

3. Về án phí :

a. Án phí KDTM sơ thẩm: Ông Đỗ L và bà Nguyễn Thị B phải chịu là 26.795.760đ, được trừ đi số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 14.351.487đ (theo biên lai thu số 0009549 ngày 12/3/2015 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Hải Châu, TP Đà Nẵng). Ông L, bà B còn phải nộp số tiền là: 12.444.273đ.

b. Án phí KDTM phúc thẩm: Tổng Công ty Cổ phần B không phải chịu, trả lại cho Tổng Công ty Cổ phần B 200.000đ tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp, theo biên lai thu số 004698 ngày 06.10.2015 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.

4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hánh án theo quy định tại Điều 6,7,9 Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1694
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 06/2016/KDTM-PT ngày 29/01/2016 về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm

Số hiệu:06/2016/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đà Nẵng
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 29/01/2016
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;