TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 27/2018/KDTM-PT NGÀY 16/07/2018 VỀ TRANH CHẤP GIỮA CÁC THÀNH VIÊN TRONG CÔNG TY
Ngày 16 tháng 7 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 28/2016/TLPT- KDTM ngày 09 tháng 6 năm 2016 về việc Tranh chấp giữa các thành viên trong công ty.
Do bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 353/2016/KDTM-ST ngày 14 tháng 4 năm 2016 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 446/2016/QĐ-PT ngày 05 tháng 9 năm 2016 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Lê Chí S, sinh năm 1974 (có mặt)
Địa chỉ: Đường X, phường H, quận T, Thành phố Hồ Chí Minh
- Bị đơn:
1/ Ông Hồng Chánh C, sinh năm 1958 (xin xét xử vắng mặt)
Địa chỉ thường trú: T, phường X1, Quận Y, Thành phố Hồ Chí Minh.
Địa chỉ tạm trú: N, phường X2, Quận Y1, Thành phố Hồ Chí Minh.
2/ Ông Phạm Đình T, sinh năm 1968 (có mặt)
Địa chỉ thường trú: N, phường B, Quận Y2, Thành phố Hồ Chí Minh.
Địa chỉ tạm trú: T, phường P, Quận Y3, Thành phố Hồ Chí Minh.
3/ Ông Trần Hoài T1, sinh năm 1972 (có mặt)
Địa chỉ thường trú: C, phường B, Quận Y3, Thành phố Hồ Chí Minh.
Địa chỉ tạm trú: H (số cũ P), phường X2, quận G, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của bị đơn: Luật sư Nguyễn Ngọc L – Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).
- Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:
1/ Công ty cổ phần Điện tử K Trụ sở chính: ấp H, cư xá B, Quốc lộ X3, xã B, huyện H, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Phạm Đình T. Chức danh: Giám đốc
2/ Công ty cổ phần S1 Trụ sở chính: Tầng Z, khu A, N, phường Đ, Quận Y3, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Hồng Chánh C. Chức danh: Chủ tịch Hội đồng quản trị.
- Người kháng cáo: Nguyên đơn ông Lê Chí S
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện và các đơn thay đổi, bổ sung yêu cầu của nguyên đơn, ông Lê Chí S trình bày:
Công ty cổ phần Điện tử K (công ty K) được thành lập lần đầu vào ngày 15/11/2006 gồm 05 cổ đông sáng lập là Lê Chí S với tỷ lệ cổ phần góp vốn là 17%, Hồng Chánh C với tỷ lệ góp vốn là 35%, Phạm Đình T với tỷ lệ góp vốn là 16%, Trần Hoài T1 với tỷ lệ góp vốn là 16%, Trần Tuấn L với tỷ lệ góp vốn là 16%. Thực tế các cổ đông không đóng đủ tỷ lệ vốn góp như đã đăng ký. Năm 2007, Công ty khởi kiện đã xóa tên cổ đông đối với ông Trần Tuấn L. Ông là đại diện theo pháp luật của công ty.
Đến ngày 14/5/2015, công ty K đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật từ ông Lê Chí S sang ông Phạm Đình T và công ty gồm 4 cổ đông sáng lập là Lê Chí S với tỷ lệ cổ phần góp vốn là 33%, Hồng Chánh C với tỷ lệ góp vốn là 35%, Phạm Đình T với tỷ lệ góp vốn là 16%, Trần Hoài T1 với tỷ lệ góp vốn là 16%, tất cả đều là cổ phần phổ thông.
Trước khi thay đổi người đại diện theo pháp luật, ông là người quản lý con dấu, quản lý tài sản và điều hành công ty từ xa. Ông T1 là người quản lý tài liệu sổ sách của công ty.
Sau khi thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty, giữa ông, ông T (người đại diện theo pháp luật mới của công ty) và các cổ đông còn lại chưa thực hiện kiểm tra sổ sách, kiểm toán và chưa thực hiện việc bàn giao công việc trong công ty.
Từ năm 2006 đến tháng 8/2012, công ty không có lợi nhuận và chưa chia cổ tức cho các cổ đông. Đến cuối tháng 8/2012 công ty mới bắt đầu có lợi nhuận theo sổ sách.
Ngày 31/5/2013 công ty K đã khởi kiện yêu cầu ông bàn giao con dấu và giấy tở sổ sách cho công ty, đồng thời ông cũng có yêu cầu phản tố là yêu cầu công ty hoàn trả cho ông số tiền tương ứng 33% vốn góp. Tòa án đã chấp nhận yêu cầu của công ty nhưng không chấp nhận yêu cầu phản tố của ông. Đến nay, ông vẫn giữ con dấu của công ty.
Hiện tại công ty chưa giải thể hoặc phá sản nhưng thực tế đã không còn hoạt động. Trụ sở của công ty đã bị 03 cổ đông còn lại chiếm đoạt.
Trước thời điểm phát sinh tranh chấp, công ty vẫn còn tổn kho số lượng lớn tài sản và vật tư hàng hóa, nếu sau khi nộp thuế và thanh toán các khoản công nợ cho khách hàng thì giá trị các tài sản còn lại tương đương 5.767.112.119 đồng (33% là 1.903.147.023 đồng). Việc nộp thuế và thanh toán khoản công nợ với khách hàng là do ông tự tạm tính dựa trên sổ sách chứng từ và báo cáo thuế của công ty K mà ông đang quản lý từ năm 2006 đến nay.
Theo ông được biết thì các tài sản vật tư hàng hóa này đã được 03 cổ đông nêu trên chuyển đến trụ sở của Công ty cổ phần S (sau đây viết tắt là Công ty S1) mà không có sự chứng kiến của ông để chiếm đoạt trái phép. Công ty cổ phần S thành lập ngày 13/06/2013, gồm 03 thành viên là ông Hồng Chánh C, ông Phạm Đình T và ông Trần Hoài T1, ông C là đại diện theo pháp luật. Ông không tranh chấp và không yêu cầu gì đối với Công ty cổ phần S.
Trước đây, ông có yêu cầu thẩm định tài sản của Công tv K để tại trụ sở của Công ty K đã bị Công ty cổ phần S chiếm dụng trái phép. Tuy nhiên, đến nay các tài sản này đã bị ông Hồng Chánh C, ông Phạm Đình T và ông Trần Hoài T1 là các cổ đông của Công ty K chiếm đoạt, tẩu tán nên ông không yêu cầu thẩm định tài sản mà yêu cầu Tòa án căn cứ chứng từ do ông tự tính toán để xem xét giải quyết, cụ thể:
Tổng giá trị tài sản vật tư hàng hóa linh kiện điện tử mua vào hiện đang còn tồn. kho trên hóa đơn sổ sách chứng từ kế toán là 6.617.789.409 đồng, nhưng đến thời điểm ngày 15/5/2013 sau khi kiểm tra vật tư hàng hóa tồn kho thực tế và khấu trừ phần chi phí vật tư thiết bị linh kiện điện tử đã được mua làm mẫu thử nghiệm hoặc hàng mẫu cho khách hàng kể từ năm 2010 cho đến tháng 5/2013 là 76.808.669 đồng, như vậy phân tài sản vật tư linh kiện điện tử và hàng hóa thành phẩm tồn kho còn lại cho đến thời điểm ngày 10/05/2013 có tổng trị giá là (6.617.789.409 đồng - 76.808.669 đồng) = 6.540.980.740 đồng.
Công ty K phải nộp thuế cho Nhà nước là 577.270.099 đồng và trả cho khách hàng cung cấp vật tư linh kiện là 1.529.244.710 đồng cùng với các khoản công nợ phải thu hồi sau bán hàng là 3.936.635.697 đồng kể từ ngày 10/05/2013 trở về trước theo số liệu chứng từ kế toán, nhưng thực tế trong đó các khoản nợ còn phải thu khoảng 2.603.989.437 đồng.
Như vậy, tổng giá trị tài sản vật tư và hàng hóa linh kiện điện tử tồn kho của Công ty ngày 31/12/2013 có tổng giá trị vào khoảng [(6.617.789.409 đồng - 76.808.669 đồng) + 3.936.635.697 đồng - (2.106.514.809.0 + 2.603.989.437.0)] = 5.767.112.191 đồng.
Tổng giá trị 33% cổ phần sở hữu hợp pháp của cá nhân ông tại Công ty K đến thời điểm ngày 31/01/2014 sau khi được khấu trừ đi các khoản công nợ phải trả cho nhà nước và khách hàng sẽ có giá trị còn lại là 5.767.112.191 đồng x 33% = 1.903.147.023 đồng.
Do vậy, ông yêu cầu Tòa án xác định yêu cầu tranh chấp của ông là tranh chấp dân sự về quyền sở hữu tài sản theo Khoản 2 Điều 25 Bộ luật Tố tụng dân sự và buộc ông Hồng Chánh C, ông Phạm Đình T và ông Trần Hoài T1 là 03 cổ đông còn lại trong Công ty K phải hoàn trả cho ông 1.903.147.023 đồng là số tiền tương đương 33% tỷ lệ cổ phần góp vốn của ông vào Công ty K, cụ thể mỗi người phải trả cho ông 634.382.341 đồng tương ứng tỷ lệ 11% nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của ông trong Công ty K.
Bị đơn:
1/ Ông Phạm Đình T trình bày: Ông là cổ đông của Công ty K, việc thành lập, đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật, thay đổi cổ đông sáng lập, tỷ lệ góp vốn của cổ đông sáng lập trong Công ty K đúng như ông S trình bày.
Ông chưa đóng đủ 16% vốn góp như đã đăng ký, cũng không nhớ chính xác cụ thể đã đóng bao nhiêu.
Năm 2006 đến nay ông không trực tiếp điều hành Công ty K, cả 04 cổ đông đều không thường xuyên có mặt tại Công ty, tài sản của Công ty thì để tại trụ sở của Công ty, ông T1 trực tiếp quản lý sổ sách. Năm 2013 thì ông T1 giao trả sổ sách cho Công ty và ông S cất giữ tài liệu sổ sách và con dấu cho đến nay.
Từ năm 2006 đến nay Công ty không có lợi nhuận như ông S khai.
Ngày 14/5/2013, Cơ quan chức năng chấp nhận thay đổi người đại diện theo pháp luật của Công ty từ ông Lê Chí S sang cho ông, theo đề nghị của ông để tạo niềm tin cho đối tác.
Sau khi thay đổi người đại diện theo pháp luật cho đến nay, giữa ông và ông S chưa thực hiện kiểm tra sổ sách, kiểm toán Công ty và chưa thực hiện việc bàn giao công việc giữa ông S và ông.
Hiện tại mặc dù Công ty không có hoạt động nhưng chưa đăng ký giải thể. Các sổ sách tài liệu của Công ty, kể cả con dấu ông S vẫn đang nắm giữ mặc dù đã có bản án có hiệu lực pháp luật buộc ông S giao trả con dấu cho Công ty.
Công ty cũng chưa yêu cầu cơ quan thi hành án thi hành bản án nêu trên.
Riêng tài sản của Công ty từ trước đến sau khi thay đổi người đại diện pháp luật vẫn còn trong kho do Công ty thuê. Ông không nắm rõ tài sản của Công ty thực tế còn lại bao nhiêu, chủng loại gì. Tài sản này cá nhân ông không chiếm đoạt và cũng không đưa vào làm tài sản của Công ty S1 như ông S đã khai.
Do ông S vẫn giữ con dấu, giữ tài liệu, không hợp tác với các cổ đông nên Công ty không hoạt động được.
Ngoài ra, ông cũng là cổ đông của Công ty S1, phần góp vốn của ông trong Công ty S1 là phần vốn góp độc lập không liên quan đến tài sản của Công ty K.
Nay, với tư cách cổ đông Công ty K, ông không đồng ý hoàn trả cho ông S 1/3 vốn góp của ông S trong Công ty K, tương đương 634.382.341 đồng.
Đối với số tiền nợ thuế, nợ khách hàng như ông S nêu trên, Công ty K có trách nhiệm giải quyết theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Thuế và các quy định pháp luật có liên quan.
2/ Ông Hồng Chánh C trình bày: Ông là cổ đông của Công ty K, ông thừa nhận Công ty K được thành lập, thay đổi người đại diện theo pháp luật và hoạt động như lời khai của ông T nêu trên. Riêng phần vốn góp thì ông mới góp đủ 80% của tỷ lệ 35% vốn góp đã đăng ký theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, phần góp vốn thực tế của các cổ đông còn lại thì ông không biết.
Ông cũng là cổ đông của Công ty S1 và là người đại diện theo pháp luật của Công ty S1. Công ty S1 thành lập độc lập không có liên quan đến Công ty K.
Đối với yêu cầu khởi kiện của ông S, ông không chấp nhận vì cá nhân ông không chiếm đoạt và cũng không đưa tài sản của Công ty K vào Công ty S1 như ông S đã khai. Do ông S vẫn còn giữ con dấu, giữ tài liệu, không hợp tác với các cổ đông nên Công ty K không hoạt động được.
Ông không đồng ý trả ông S số tiền 634.382.341 đồng như yêu cầu khởi kiện của ông S.
Đối với số tiền nợ thuế, nợ khách hàng như ông S nêu trên, Công ty K có trách nhiệm giải quyết theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Thuế và các quy định pháp luật có liên quan.
3/ Ông Trần Hoài T1 trình bày: Ông là cổ đông của Công ty K, ông thừa nhận Công ty được thành lập và hoạt động như lời khai của ông T. Riêng phần vốn góp thì ngoài ông C đã góp đủ 80% theo tỷ lệ đã đăng ký, các cổ đông còn lại chưa ai góp đủ, mỗi người được ưu đãi 50.000.000 đồng theo đề nghị của ông C, thực tế chỉ đóng khoảng mấy chục triệu.
Ông cũng là cổ đông của Công ty S1, phần vốn góp của cá nhân ông vào Công ty S1 là phần vốn góp độc lập không liên quan đến tài sản của Công ty Kỳ thuật mới. Thực tế tài sản của Công ty K chỉ là một số linh kiện chứ không có giá trị lớn, hiện tại đều để ở kho do Công ty thuê.
Đối với yêu cầu khởi kiện của ông Lê Chí S, ông với tư cách cổ đông của Công ty K không chấp nhận, bởi ông không chiếm đoạt và cũng không đưa tài sản của Cône ty Kỹ thuật mới vào Công ty S1 như ông S đã trình bàv.
Do ông S vẫn giữ con dấu, giữ tài liệu, không hợp tác với các cổ đông của Công ty K nên Công ty không hoạt động được.
Đối với số tiền nợ thuế, nợ khách hàng như ông S nêu trên, Công ty K có trách nhiệm giải quyết theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Thuế và các quy định pháp luật có liên quan.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:
Công ty cổ phần Điện tử K (ông Phạm Đình T đại diện theo pháp luật trình bày):
Tài sản góp vốn của ông Lê Chí S vào Công ty K đã trở thành tài sản của Công ty. Các cổ đông của Công ty K chưa góp đủ phần vốn góp đã đăng ký.
Hiện tại Công ty K chưa giải thể hoặc phá sản, phần tài sản thuộc sở hữu của ông S trong Công ty K được xác định tương ứng tỷ lệ góp vốn của ông. Công ty K không chuyển tài sản của Công ty K vào Công ty S1.
Công ty K không thừa nhận lời khai của ông S và không chấp nhận yêu cầu của ông S buộc các cổ đông còn lại của Công ty phải trả cho ông S số tiền tương ứng 33% tỷ lệ vốn góp theo tài liệu, sổ sách do ông S tự tính.
Phần nợ thuế của Nhà nước, nợ của khách hàng và số tiền của người khác nợ Công ty K, Công ty K sẽ thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các quy định pháp luật có liên quan.
Công ty cổ phần S (có ông Hồng Chánh C là đại diện theo pháp luật) trình bày:
Công ty S1 thành lập ngày 13/6/2013, gồm 03 cổ đông sáng lập là ông (Hồng Chánh C) với tỷ lệ cổ phần góp vốn là 46%, ông Phạm Đình T với tỷ lệ góp vốn là 27%. ông Trần Hoài T1 với tỷ lệ góp vốn là 27%, các cổ đông chưa góp đủ phần vốn góp.
Cổ đông trong Công ty S1 là độc lập, không liên quan đến cổ đông và tài sản của Công ty K.
Công ty S1 không chấp nhận yêu cầu của ông S, bởi Công ty S1 hoạt động độc lập không liên quan đến Công ty K cũng như ông S.
Tại bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 353/2016/KDTM-ST ngày 14 tháng 4 năm 2016 Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:
Áp dụng khoản 3 Điều 29, Điều 33, Điều 131 Bộ luật Tố tụng dân sự (đã được sửa đổi bổ sung);
Áp dụng Điều 4, Điều 114, Điều 115 Luật Doanh nghiệp; Áp dụng Điều 26 Luật Thi hành án dân sự;
Áp dụng Điều 27, Điều 30 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án, Không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn ông Lê Chí S.
Không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn ông Lê Chí S về việc yêu cầu ông Hồng Chánh C, ông Phạm Đình T, ông Trần Hoài T1 là các cổ đông trong Công ty cổ phần Điện tử K phải hoàn trả cho ông S số tiền 1.903.147.023 đồng (Một tỷ, chín trăm lẻ ba triệu, một trăm bốn mươi bảy nghìn không trăm hai mươi ba đồng), cụ thể mỗi người phải hoàn trả 634.382.341 đồng (số tiền tương đương 33% tỷ lệ cổ phần vốn góp đã đăng ký của ông Lê Chí S trong Công ty cổ phần Điện tử K).
Thi hành tại cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 27/4/2016 nguyên đơn ông Lê Chí S kháng cáo bản án sơ thẩm.
Tại phiên toà phúc thẩm, ông Lê Chí S nêu cụ thể yêu cầu kháng cáo: Không đồng ý quyết định của bản án sơ thẩm, ông khởi kiện là khởi kiện 03 cá nhân 03 thành viên còn lại của công ty vì họ đã có hành vi lấy tài sản của Công ty cổ phần Điện tử K (công ty K) làm tài sản của công ty cổ phần Smarrtek (công ty Smarrtek) mà họ thành lập chứ không phải khởi kiện tranh chấp thành viên công ty.
Bị đơn ông Phạm Đình T, ông Trần Hoài T1 và luật sư bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của bị đơn đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên toà phát biểu quan điểm:
+ Về tố tụng: Hội đồng xét xử và các đương sự đều thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
+ Về nội dung: Sau khi xét xử sơ thẩm, ông Lê Chí S có đơn kháng cáo 09 nội dung của bản án sơ thẩm. Tuy nhiên trong 9 nội dung kháng cáo có những nội dung không thuộc phạm vi thẩm quyền xét xử phúc thẩm nên những nội dung đó không được xem xét Ông S cho rằng cấp sơ thẩm xác định quan hệ tranh chấp không đúng nhưng ông S là cổ đông của công ty K, căn cứ vào đơn khởi kiện ông S yêu cầu cổ đông khác trả lại phần vốn góp nên quan hệ tranh chấp theo án sơ thẩm xác định là đúng Về yêu cầu giải quyết lại phần vốn góp: Hiện tại ông S vẫn là cổ đông sở hữu 33% cổ phần công ty, các đương sự thừa nhận hiện tại doanh nghiệp chưa bị phá sản, giải thể. Theo quy định Luật Doanh nghiệp cổ đông không được rút vốn dưới bất kỳ hình thức nào mà chỉ được chuyển nhượng cổ phần cho người khác. Do đó, yêu cầu khởi kiện của ông S buộc bị đơn trả lại số tiền góp vốn là không có căn cứ. Bản án sơ thẩm quyết định là có căn cứ, đề nghị không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra tại phiên toà, căn cứ kết quả tranh luận tại phiên toà, nghe lời phát biểu của luật sư, của đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử xét thấy,
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về tố tụng: Về thẩm quyền, về thời hiệu như nhận định của Toà án cấp sơ thẩm là có căn cứ phù hợp pháp luật.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn ông Hồng Chánh C có đơn xin xét xử vắng mặt, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đã được triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt nên Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ vào Điều 227, 228 BLTTDS 2015 xét xử vắng mặt đương sự.
[2] Về nội dung:
[2.1] Công ty cổ phần Điện tử K đăng ký thành lập lần đầu vào ngày 15/11/2006 với 05 cổ đông gồm: Lê Chí S, Hồng Chánh C, Phạm Đình T, Trần Hoài T1, Trần Tuấn L. Năm 2007, công ty chỉ còn 04 cổ đông do đã xóa tên cổ đông đối với ông Linh. Ông S khởi kiện yêu cầu 03 cổ đông còn lại của công ty phải trả lại giá trị tương đương với tỷ lệ cổ phần vốn góp của ông vào công ty. Tại phiên tòa phúc thầm, ông S cho rằng ông khởi kiện cá nhân 03 bị đơn chứ không phải khởi kiện tranh chấp thành viên công ty theo như nhận định của bản án sơ thẩm. Nhưng xét thấy, thông qua các đơn khởi kiện, lời trình bày của ông S và tại phiên tòa ông vẫn yêu cầu 03 bị đơn phải trả lại cho ông 1.903.147.023 đồng tương đương 33% cổ phần. Do đó, về bản chất là tranh chấp giữa các thành viên công ty cho nên lời trình của ông S mâu thuẫn với nhau. Quan hệ tranh chấp theo bản án sơ thẩm xác định là chính xác.
[2.2] Tại quy định tại Điều 115 Luật Doanh nghiệp 2014 thì nghĩa vụ của cổ đông phổ thông: “Không được rút vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần. Trường hợp có cổ đông rút một phần hoặc toàn bộ vốn cổ phần đã góp trái với quy định tại khoản này thì cổ đông đó và người có lợi ích liên quan trong công ty phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị cổ phần đã bị rút và các thiệt hại xảy ra” và cổ đông chỉ được nhận lại phần tài sản còn lại tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần tại công ty cổ phần khi công ty giải thể hoặc phá sản. Theo lời trình bày của các bên đương sự, thực tế các cổ đông công ty chưa góp đủ số góp đủ số vốn đã đăng ký và đến thời điểm hiện tại công ty vẫn chưa bị giải thể hoặc phá sản. Do đó, yêu cầu của ông S không có căn cứ để chấp nhận.
[2.3] Đối với những nội dung kháng cáo còn lại: Những nội dung này cấp sơ thẩm không xem xét nên không thuộc phạm vi thẩm quyền giải quyết của cấp phúc thẩm.
[3] Do yêu cầu kháng cáo không được chấp nhận nên đương sự phải chịu án phí phúc thẩm.
[4] Các phần quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn ông Lê Chí S. Giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Áp dụng khoản 3 Điều 29, Điều 33, Điều 131 Bộ luật Tố tụng Dân sự; Áp dụng Điều 4, Điều 114, Điều 115 Luật Doanh nghiệp;
Áp dụng Điều 26 Luật Thi hành án dân sự; Điều 27, 30 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
Không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn ông Lê Chí S về việc yêu cầu ông Hồng Chánh C, ông Phạm Đình T, ông Trần Hoài T1 là các cổ đông trong Công ty cổ phần Điện tử K phải hoàn trả cho ông S số tiền 1.903.147.023 đồng (Một tỷ, chín trăm lẻ ba triệu, một trăm bốn mươi bảy nghìn không trăm hai mươi ba đồng), cụ thể mỗi người phải hoàn trả 634.382.341 đồng (số tiền tương đương 33% tỷ lệ cổ phần vốn góp đã đăng ký của ông Lê Chí S trong Công ty cổ phần Điện tử K).
Về án phí phúc thẩm: Ông Lê Chí S phải chịu 200.000 đồng án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm, khấu trừ vào tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 03767 ngày 11/5/2016 của Cục thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Trong trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo qui định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tranh chấp giữa các thành viên trong công ty số 27/2018/KDTM-PT
Số hiệu: | 27/2018/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 16/07/2018 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về