Bản án 67/2020/DS-PT về tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

BẢN ÁN 67/2020/DS-PT NGÀY 01/06/2020 VỀ TRANH CHẤP ĐÒI BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG TÀI SẢN

Trong các ngày 27 tháng 5 và ngày 01 tháng 6 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, xét xử phúc thẩm vụ án dân sự thụ lý số: 28/2020/TLPT-DS ngày 09 tháng 01 năm 2020, về việc “Tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng về tài sản”.Do bản án dân sự sơ thẩm số 35/2019/DS-ST ngày 30 tháng 9 năm 2019 của Tòa án nhân dân thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bị kháng cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 30/2020/QĐ-PT ngày 19-02-2020 và Quyết định hoãn phiên tòa số 08/2020/QĐ-PT ngày 05/3/2020; thông báo mở lại phiên tòa số 43/2020/TB-TA ngày 06-5-2020; giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Phạm Văn M, sinh năm 1962 (vắng mặt);

Trú tại: Tổ X, khu phố H, phường K, thành phố B, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Người đại diện hợp pháp cho nguyên đơn:

- Ông Nguyễn Xuân H, sinh năm 1962 (có mặt); địa chỉ: Số X đường M, phường Y, quận P, thành phố Hồ Chí Minh, là đại diện ủy quyền theo văn bản ủy quyền ngày 27/02/2017;

- Bà Phạm Thị T, sinh năm 1964 (có mặt); địa chỉ: Tổ X, khu phố H, phường K, thành phố B, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, là đại diện ủy quyền theo văn bản ủy quyền ngày 27/05/2017.

2. Bị đơn: Ban quản lý RPH.

Địa chỉ: Số X, đường Y, phường P, thành phố B, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Người đại diện hợp pháp cho bị đơn: Ông Châu Anh Đ, sinh năm 1961 (có mặt), chức vụ: Trưởng phòng quản lý bảo vệ rừng và ông Võ Thanh M, sinh năm 1961 (vắng mặt), chức vụ: Phó trưởng trạm quản lý bảo vệ rừng T; là đại diện theo ủy quyền theo giấy ủy quyền ngày 20-5-2020.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Bà Phạm Thị T, sinh năm 1964 (có mặt);

Địa chỉ: Tổ X, khu phố H, phường K, thành phố B, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

3.2. Công ty cổ phần S Địa chỉ: Tầng 7 – Tòa nhà hỗn hợp S– H, km 10 đường T, phường V, quận H, Hà Nội.

Người đại diện hợp pháp: Ông Lê Văn T, chức vụ: Giám đốc, là đại diện theo pháp luật (vắng mặt).

3.3. Ban Quản lý các Dự án Công trình điện M;

Địa chỉ: Số X đường Y, quận H, thành phố Đà Nẵng;

Người đại diện hợp pháp: Ông Nguyễn Đức T, chức vụ: Giám đốc, là đại diện theo pháp luật (vắng mặt).

3.4. Công ty cổ phần S - Chi nhánh Công ty cổ phần S.5;

Địa chỉ: Tầng 7 – Tòa nhà hỗn hợp S– H, km10 đường T, phường V, quận H, Hà Nội;

Người đứng đầu Chi nhánh: Ông Nguyễn Mạnh H, sinh năm 1957; địa chỉ: Số X, Phố V, phường N, quận Đ, Thành phố Hà Nội (vắng mặt).

3.5. Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên X;

Địa chỉ: Tổ X, thị trấn Đ, huyện Đ, Hà Nội;

Người đại diện hợp pháp: Ông Bùi Quang C, chức vụ: Giám đốc; là đại diện theo pháp luật (vắng mặt);

4. Người kháng cáo: Nguyên đơn là ông Phạm Văn M, sinh năm 1962 và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Phạm Thị T, sinh năm 1964.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 14/5/2015 và trong quá trình tố tụng nguyên đơn – ông Phạm Văn M và người đại diện hợp pháp của nguyên đơn là ông Nguyễn Xuân H, bà Phạm Thị T trình bày:

Ban Quản lý RPH (trước đây là Ban Quản lý dự án 1892) và ông Phạm Văn M, thỏa thuận ký kết 02 hợp đồng khoán bảo vệ rừng gây trồng rừng phòng hộ như sau:

Ngày 15/4/1995 ông Phạm Văn M ký hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng gây trồng rừng phòng hộ Núi Dinh – Thị Vải số 72-95/HĐK với Ban quản lý RPH. Bên nhận khoán là ông Phạm Văn M, bên giao khoán là Ban quản lý RPH. Tổng diện tích khoán bảo vệ rừng gây trồng rừng là 7,7ha, thuộc lô 10,11 khoảnh I, tiểu khu Long Hương, thời hạn của hợp đồng đến ngày 15/4/2045.

Ngày 15/4/2001, ông Phạm Văn M ký hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng gây trồng rừng phòng hộ Núi Dinh - Thị Vải số 85/95/HĐKTT với Ban quản lý RPH. Bên nhận khoán là ông Phạm Văn M, bên giao khoán là Ban quản lý RPH. Tổng diện tích khoán bảo vệ rừng gây trồng rừng là 4,0 ha, thuộc lô 12 khoảnh I, tiểu khu Long Hương, thời hạn của hợp đồng đến ngày 15/4/2045.

Ông M đã làm đúng nghĩa vụ của mình trong quá trình thực hiện hợp đồng không hề vi phạm. Tuy nhiên Ban quản lý RPH đã đơn phương vi phạm hợp đồng, lợi dụng trách nhiệm được giao về việc hướng dẫn, kiểm tra khai thác trong rừng phòng hộ, không thông báo cho ông M mà tự đơn phương hướng dẫn cho chi nhánh Công ty cổ phần S.5 khai thác và lấy toàn bộ sản phẩm gỗ trong diện tích 1106,7m2 của lô 11, 12 khoảnh 1, gây thiệt hại cho ông M. Ngay sau khi phát hiện việc bị khai thác gỗ, ông M đã làm đơn gửi Hạt kiểm Lâm C - B để kiểm tra và xử lý trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Theo Công văn số 20/TB-HKL ngày 28/01/2015 của Hạt Kiểm lâm C - B “Quyền lợi của ông M với Ban quản lý RPH, thuộc trách nhiệm giải quyết của chủ rừng”. Vì vậy, ông M yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Ban quản lý RPH bồi thường cho hộ gia đình ông về giá trị 07 loại gỗ (cây) đã thiệt hại thực tế, theo giá thị trường hiện nay là 1.686.000.000đ x giá trị bên ông M được hưởng, tính bình quân 65% là 1.095.900.000 đồng.

Ngày 02/3/2017, ông M thay đổi yêu cầu khởi kiện đề nghị Tòa án buộc Ban quản lý RPH bồi thường thiệt hại với số tiền 1.433.100.000 đồng. Lý do đưa ra là do tính toán nhầm lẫn giữa hai loại rừng phòng hộ là Rừng phòng hộ đầu nguồn với Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay thì tỷ lệ hộ nhận khoán được hưởng thực tế là từ 80% đến 90% giá trị cây trồng (bình quân là 85%).

Tại phiên tòa, đại diện nguyên đơn giữ nguyên việc rút một phần yêu cầu khởi kiện, yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bị đơn bồi thường thiệt hại với số tiền 717.650.000 đồng, cụ thể số gỗ (cây) bị thiệt hại như sau: Gỗ Cẩm Lai 07 cây x 45 triệu đồng/cây = 315 triệu đồng; Gỗ Giáng Hương 02 cây x 45 triệu đồng/cây = 90 triệu đồng; Gỗ Bằng Lăng 14 cây x 7 triệu đồng/cây = 98 triệu đồng; Gỗ Phượng Vĩ 10 cây x 7 triệu đồng/cây = 70 triệu đồng; Gỗ Muồng Đen 05 cây x 7 triệu đồng/cây = 35 triệu đồng; Gỗ tự nhiên (tạp) 23 x 3 triệu đồng/cây = 69 triệu đồng; Gỗ Tràm Bông Vàng 18 cây x 3 triệu đồng/cây = 54 triệu đồng. Tổng cộng 731 triệu đồng, trong đó Ban quản lý RPH hưởng 15% giá trị cây Muồng và cây Tràm là 13.350.000 đồng còn lại thuộc hộ ông M.

Theo bản tự khai và trong quá trình tố tụng đại diện bị đơn trình bày:

Ban quản lý RPH thống nhất với lời trình bày của nguyên đơn và người đại diện về việc ký kết các hợp đồng khoán bảo vệ gây trồng rừng phòng hộ. Đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn thì có ý kiến như sau:

Ban Quản lý Dự án 1892 (nay là Ban quản lý RPH) có ký với ông Phạm Văn M 02 (Hai) hợp đồng khoán số 72-95/HĐK năm 1995 và số 85-95/HĐK năm 2001. Hai hợp đồng nhận khoán được trồng rừng với vốn ngân sách nhà nước đầu tư theo Quyết định 689/QĐ.UBT ngày 18/6/1995 về việc phê duyệt thiết kế - dự toán trồng, chăm sóc và khoanh nuôi phục hồi rừng năm 1995 chương trình 327 của Dự án 1892. Hộ nhận khoán đã được Ban quản lý RPH chi trả đầy đủ chi phí trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng theo dự toán được UBND tỉnh phê duyệt hàng năm.

Thực hiện chủ trương xây dựng đường dây điện 220KV Phan Thiết – Phú Mỹ 2 là công trình lưới điện quốc gia. Tại văn bản số 203/TTg-KTN ngày 31/01/2013 Phó Thú tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo đẩy nhanh tốc độ thực hiện dự án để đảm bảo cung cấp điện cho nền kinh tế quốc dân. Ngày 12/8/2014, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh BRVT có công văn số 1645/SNN-LN về việc phối hợp xác định vị trí, diện tích, hiện trạng rừng khu vực đường điện đi qua lâm phận rừng phòng hộ để báo cáo UBND tỉnh. Ban quản lý RPH đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức xác định tại hiện trường về vị trí, diện tích, hiện trạng cây rừng tại vị trí móng trụ điện và hiện trạng rừng trên tuyến đường tạm để vận chuyển vật liệu thi công móng trụ. Ngày 04/11/2014, Ban quản lý RPH có báo cáo số 552/BC-BQL về xác định vị trí, diện tích, hiện trạng rừng khu vực tuyến đường dây điện đi qua rừng phòng hộ gửi Sở NN&PTNT.

Ngày 14/11/2014 Sở NN&PTNT có công văn số 2446/SNN-LN về việc cho phép Ban Quản lý dự án các công trình điện M thi công trước các vị trí móng trụ điện đoạn tuyến đi qua rừng phòng hộ thuộc dự án.

Ngày 21/11/2014, UBND tỉnh có công văn số 8789/UBND-VP về việc bồi thường giải phóng mặt bằng công trình đường dây 220kv Phan Thiết - Phú Mỹ 2, đoạn đi qua tỉnh BR-VT. Trong đó, tại mục 2.3 có nội dung cho phép Ban QLDA các công trình điện M triển khai thi công trước các vị trí móng trụ đi qua lâm phần của Ban quản lý RPH.

Ngày 29/12/2014, Sở NN&PTNT có Quyết định số 04/QĐ-SNN-LN về việc phê duyệt hồ sơ, cấp phép khai thác tận dụng gỗ của Công ty cổ phần S, Chi nhánh Công ty cổ phần S.5 tại rừng phòng hộ thuộc địa bàn thành phố Bà Rịa. Quyết định số 04 có nội dung Phê duyệt hồ sơ thiết kế khai thác và cấp phép khai thác tận dụng gỗ trên diện tích 4.644,7 m2, với 8 vị trí móng trụ nằm trong lâm phần rừng phòng hộ thuộc địa bàn thành phố Bà Rịa. Tại điều 2 Quyết định số 04, thể hiện việc giao trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị có liên quan, trong đó mục 2 nêu: “Ban quản lý RPH có trách nhiệm hướng dẫn, giám sát, kiểm tra hoạt động khai thác của đơn vị khai thác được quy định tại Điều 26 Thông tư 35/2011/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; kiểm tra, đảm bảo công tác vệ sinh rừng và phòng chống cháy rừng trong và sau khi khai thác, đồng thời quản lý lâm sản theo quy định”.

Tuy nhiên do Công ty cổ phần S- Chi nhánh Công ty cổ phần S.5 đã mở con đường tạm để đưa vật liệu, máy móc lên thi công khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Tổng diện tích rừng bị phá là 2.956.1 m2 trong đó có 1.106,7 m2 nằm trong diện tích nhận khoán của ông Phạm Văn M thuộc lô 11,12. Ông M đã cho rằng lỗi là do Ban quản lý RPH đã tự ý đơn phương hướng dẫn cho chi nhánh Công ty cổ phần S.5 mở đường tạm và khai thác gỗ khi chưa được Cơ quan có thẩm quyền cấp phép và không thông báo cho ông M biết. Đồng thời yêu cầu Ban Quản lý bồi thường cho ông M sản phẩm gỗ đã hướng dẫn khai thác, thiệt hại với tổng số tiền 717.650.000 đồng. Theo yêu cầu khởi kiện, bị đơn không chấp nhận vì Ban quản lý RPH không vi phạm khi thực hiện các hợp đồng khoán, không phải là người trực tiếp gây thiệt hại cho ông M, cụ thể như sau:

1. Ban quản lý RPH không hướng dẫn Chi nhánh Công ty cổ phần S.5 khai thác tận dụng gỗ ngoài khu vực được cấp phép.

Theo mục 2 của Quyết định số 04 của Sở NN&PTNT ngày 29/12/2014 và Điều 26 của Thông tư 35/2011/TT-BNNPTNT ngày 20/5/2011 thì Công ty cổ phần S, chi nhánh Công ty cổ phần S.5 là đơn vị lập hồ sơ thiết kế khai thác và được cơ quan có thẩm quyền cho phép khai thác; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của hồ sơ thiết kế khai thác, thuyết minh thiết kế khai thác, bảng dự kiến sản phẩm khai thác và những văn bản liên quan do mình xây dựng, đăng ký, báo cáo, hoặc đề nghị.

Đối với Ban quản lý RPH là kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác không để xảy ra những vi phạm trong khu vực đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép, đây là trường hợp tận thu, tận dụng toàn bộ cây gỗ để giải phóng mặt bằng (Điều 22). Khai thác tận dụng trên diện tích giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình, hoặc sử dụng vào mục đích khác, do đó trách nhiệm của Ban quản lý RPH chủ yếu là kiểm tra việc vệ sinh rừng và phòng chống cháy trong và sau khi khai thác và thực hiện đúng trách nhiệm của mình.

Việc Chi nhánh Công ty cổ phần S.5 san ủi gây thiệt hại đến rừng là hành vi phá rừng trái pháp luật. Theo biên bản làm việc ngày 22/01/2015 giữa Hạt kiểm lâm Châu Đức – Bà Rịa, Ban Quản lý RPH, UBND phường Kim Dinh, Công ty cổ phần S- Chi nhánh Công ty cổ phần S.5 có ông M tham gia thể hiện “Đường san ủi có chiều dài 238m x rộng 4,65m, tổng diện tích san ủi 1.106,7 m2, thuộc lô 11, 12 khoảnh I tiểu khu Kim Dinh là rừng trồng năm 1995 (vốn ngân sách) gồm các loại cây keo lá tràm, bằng lăng, muồng đen, phượng và cây rừng tự nhiên tái sinh.

Ngày 22/01/2015, Hạt kiểm lâm Châu Đ – B lập biên bản vi phạm hành chính số 0056/BB-VPHC đối với chi nhánh Công ty cổ phần S.5 về hành vi sử dụng cơ giới san ủi đường tại lô 11 + 12, khoảnh I, thuộc rừng phòng hộ phường Kim Dinh (chưa được cấp phép). Đoạn đường dài 721 m rộng trung bình 4,1 m diện tích 2.956,1 m2, cây rừng bị thiệt hại là cây rừng trồng năm 1995 và rừng tái sinh.

Ngày 13/02/2015 Chi cục kiểm lâm ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 01/QĐ-XPVPHC đối với chi nhánh Công ty cổ phần S.

5 về hành vi Phá rừng theo điểm c khoản 5 Điều 20 của Nghị định số 57/2013/NĐ-CP ngày 11-11- 2013 của Chính phủ. Xử phạt số tiền 60.000.000 đồng, hình phạt bổ sung: Buộc thanh toán chi phí trồng lại rừng, chăm sóc bảo vệ rừng áp dụng ở địa phương tại thời điểm vi phạm hành chính trên diện tích 2.956,1m2 số tiền 9.799.635 đồng.

Như vậy, qua nội dung thể hiện tại các biên bản xác minh, qua việc xử phạt vi phạm hành chính thì Công ty cổ phần S - Chi nhánh Công ty cổ phần S.5 đã vi phạm với hành vi phá rừng để làm đường vận chuyển vật liệu xây dựng đường điện 220 kv trong lâm phận rừng phòng hộ. Ngày 03-4-2015, Ban quản lý RPH ban hành công văn 147/BQL đề nghị Chi nhánh Công ty cổ phần S.5 tiến hành chi trả bồi thường thiệt hại nhưng đến nay chưa thực hiện.

2. Đối với đơn giá bồi thường, giá trị cây rừng mà nguyên đơn yêu cầu bồi thường là không có cơ sở: Quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp được quy định tại Điều 15 Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg ngày 12/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ.

Quá trình tố tụng và tại phiên tòa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Phạm Thị T trình bày:

Đồng ý với yêu cầu của nguyên đơn về việc yêu cầu bị đơn phải bồi thường số tiền 717.650.000 đồng do hành vi vi phạm hợp đồng khoán rừng.

Quá trình tố tụng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty cổ phần S trình bày:

Chi nhánh Công ty cổ phần S.5 là đơn vị trực thuộc Công ty Cổ phần S, được giao thi công công trình đường điện 220KV Phan Thiết - Phú Mỹ 2, bắt đầu thi công từ ngày 28-12-2013. Khi thi công công trình Công ty có mở đường tạm đi qua lô 11, 12 và 14 khoảnh 1, tiểu khu Long Hương để đưa vật liệu xây dựng và các thiết bị cần thiết lên núi khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Vì vậy Công ty đã bị xử lý vi phạm hành chính và đã nộp phạt theo Quyết định xử phạt hành chính số 01 ngày 15-2-2015 cuả Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đối với việc bồi thường do thi công công trình đường điện 220kv tại lô số 11,12 và 14, diện tích 2.956,1 m2 trong đó có 1.106,7 m2 đất rừng của hộ ông M nhận giao khoán. Công ty cổ phần S chỉ làm việc với Ban quản lý RPH, còn việc Ban Quản lý giao diện tích cho các hộ dân nhận khoán trồng rừng cụ thể như thế nào công ty không biết. Công ty cổ phần S đã nộp phạt và đóng tiền chi phí trồng lại rừng nên Công ty xác định không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông M. Công ty cổ phần S không có yêu cầu độc lập.

Quá trình tố tụng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Ban Quản lý dự án các công trình điện M:

Kể từ khi thụ lý vụ án cho đến nay, Tòa án đã tống đạt hợp lệ Thông báo thụ lý vụ án, các văn bản tố tụng khác. Tuy nhiên Ban Quản lý dự án các công trình điện M không đến Tòa án cũng không có ý kiến gì. TAND Tp Bà Rịa đã ủy thác cho TAND quận Hải Châu, Tp Đã Nẵng nơi Ban Quản lý đặt trụ sở chính hoạt động tiến hành lấy lời khai, nhưng sau khi Ban Quản lý nhận được giấy triệu tập của TAND quận Hải Châu thì không hợp tác. Ngày 28-6-2018 người đại diện theo ủy quyền là ông Lê Đức N có đơn xin xét xử vắng mặt, không giao nộp ý kiến và chứng cứ gì cho Tòa.

Quá trình tố tụng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty cổ phần S- Chi nhánh Công ty cổ phần S.5 (Chi nhánh công ty cổ phần S.5):

Công ty cổ phần S- Chi nhánh công ty cổ phần S.5 là đơn vị được giao nhiệm vụ thi công xây lắp công trình đường dây 220Kv Phan Thiết – Phú Mỹ 2. Công trình đã hoàn thiện đóng điện và bàn giao cho đơn vị chức năng quản lý vận hành. Quá trình thi công, chi nhánh Công ty cổ phần S.5 đã chấp hành các quy định của pháp luật, nay không có tài liệu chứng cứ nào khác để cung cấp cho Tòa án và yêu cầu được vắng mặt tại các phiên xét xử.

Quá trình tố tụng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty TNHH một thành viên X:

Công ty TNHH MTV X (Công ty X) đã ký hợp đồng xây lắp số 115/2013/HĐXL-AMT-KH ngày 28/12/2013 với Ban Quản lý dự án các công trình điện M về việc thi công gói thầu số 6-lô 6.2 thuộc dự án đường dây điện 220KV Phan Thiết – Phú Mỹ 2 và mở rộng các ngăn lộ 220KV với tư cách là một thành viên liên doanh Công ty cổ phần S và Công ty X (Công ty cổ phần S là thành viên đứng đầu liên doanh); Trong đó Công ty X thi công các vị trí móng cột từ vị trí 190 đến vị trí 262, kéo dây từ 189 đến 257. Công ty cổ phần S thi công các vị trí móng cột từ vị trí 263 đến ĐC và kéo dây từ 257 đến ĐC. Trong thỏa thuận liên doanh giữa 02 nhà thầu ngày 18-11-2013 tại Mục 5 - Điều 3 có ghi: Mỗi thành viên trong liên doanh phải tự chịu trách nhiệm riêng trong phạm vi hợp đồng của mình về mọi vấn đề liên quan đến khối lượng, kỹ thuật, tiến độ xây dựng công trình và các quy định khác của nhà nước trước Chủ đầu tư”. Việc Công ty cổ phần S mở đường tạm thi công thuộc phạm vi khối lượng công việc của Công ty cổ phần S, vì vậy Công ty cổ phần S phải tự chịu trách nhiệm việc này. Mặt khác, theo thỏa thuận hợp đồng đã chỉnh lý giữa 2 nhà thầu ngày 24/12/2013 tại Mục 3 - Điều 1 có ghi: Nhà thầu nhất trí ủy quyền cho Công ty cổ phần S làm đại diện cho liên doanh chịu trách nhiệm trước Chủ đầu tư về việc thực hiện hợp đồng nêu trên”. Do vậy Công ty X đề nghị Tòa án xem xét miễn trách nhiệm, nghĩa vụ liên quan của Công ty X đối với vụ án này đồng thời có đơn xin xét xử vắng mặt.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 35/2019/DS-ST ngày 30 tháng 9 năm 2019 của Tòa án nhân dân thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã:

Áp dụng: Các Điều 26, 35, 39 và Điều 147 và Điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Các Điều 604, 605, 608 của Bộ luật dân sự 2005; Điều 688 Bộ luật dân sự 2015; Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án. Tuyên xử: Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Văn M về việc yêu cầu Ban quản lý RPH bồi thường số tiền 715.450.000đ (Bảy trăm mười lăm triệu bốn trăm năm mươi nghìn đồng); Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Văn M về việc yêu cầu Ban quản lý RPH bồi thường thiệt hại tổng số tiền 717.650.000đ (Bảy trăm mười bảy triệu sáu trăm năm mươi nghìn đồng). Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo theo luật định.

Ngày 14 tháng 10 năm 2019, ông Phạm Văn M và bà Phạm Thị T làm đơn kháng cáo yêu cầu Tòa phúc thẩm hủy toàn bộ bản án sơ thẩm do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông M.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Ông Phạm Văn M vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, Ban quản lý RPH đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để được thực hiện quyền yêu cầu độc lập của mình và các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án.

Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát như sau:

- Về việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử, thư ký và các đương sự là đúng theo quy định của pháp luật.

- Về nội dung kháng cáo:

Trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn và bị đơn đều xác định các hợp đồng giao khoán và bảo vệ rừng đã được thực hiện, không tranh chấp về nội dung của các hợp đồng giao khoán đã ký kết.

Năm 2014 khi Ban Quản lý dự án các công trình điện M (gọi tắt là AMT) là chủ đầu tư xây dựng dự án đường dây điện 220KV Phan Thiết - Phú Mỹ 2 đi qua địa bàn tỉnh BR-VT trong đó có một số trụ móng thuộc lâm phần của Ban quản lý RPH; đơn vị trực tiếp thi công là liên danh Công ty cổ phần S và Công ty TNHH MTV X trong đó Chi nhánh Công ty cổ phần S.5 là đơn vị trực tiếp tiến hành san ủi mặt bằng làm đường tạm để vận chuyển vật liệu xây dựng lên vị trí móng trụ trong khi chưa được sự đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chưa đền bù giá trị thiệt hại của cây rừng dẫn đến hộ ông M bị thiệt hại về giá trị cây rừng được hưởng. Vì vậy, có căn cứ xác định quan hệ tranh chấp là "yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng" nên Tòa án cấp sơ thẩm xác định "tranh chấp bồi thường thiệt hại đối với hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng gây trồng rừng phòng hộ” là không chính xác.

Đối với nội dung kháng cáo của ông M, bà T về những vi phạm tố tụng trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm thì thấy: Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 18/5/2018 thì phiên tòa đã được tạm ngừng để đưa Chi nhánh Công ty cổ phần S.5 và công ty TNHH MTV X vào tham gia tố tụng và xác minh thêm tài liệu chứng cứ tại hai đơn vị này; đồng thời Thẩm phán đã ban hành Thông báo số 04/TB-TA về việc đưa thêm người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là Chi nhánh Công ty cổ phần S.5 và Công ty TNHH MTV X vào tham gia tố tụng là phù hợp. Căn cứ vào Công văn số 383/BQL ngày 30/7/2015 của Ban quản lý RPH và lời trình bày của đại diện ủy quyền của Ban quản lý RPH tại phiên tòa phúc thẩm đã xác định trách nhiệm yêu cầu bồi thường đối với rừng nhận khoán khi bị thu hồi, xâm phạm thuộc về Ban quản lý RPH. Như vậy, Ban quản lý RPH là đơn vị có trách nhiệm yêu cầu đơn vị gây thiệt hại bồi thường sau đó chi trả số tiền bồi thường cho hộ dân; mặt khác, đối với phần diện tích cây rừng bị san ủi thì ngoài hộ ông M được hưởng giá trị cây rừng theo tỷ lệ % thì còn có phần thiệt hại của chủ rừng. Vì vậy, lẽ ra Tòa án cấp sơ thẩm cần hướng dẫn cho bị đơn khởi kiện yêu cầu bồi thường đối với đơn vị gây thiệt hại có trách nhiệm bồi thường để có căn cứ giải quyết vụ án nhưng nội dung này chưa được thực hiện. Nhận thấy, tuy Tòa án ấp sơ thẩm đã tạm ngưng phiên tòa ngày 08/8/2019 để Ban quản lý RPH thực hiện thủ tục khởi kiện yêu cầu bồi thường đối với Ban Quản lýdự án các công trình điện M nhưng do chưa được thụ lý yêu cầu khởi kiện này nên Tòa án cấp sơ thẩm đã đưa vụ án của ông M ra xét xử. Vì vậy, quyền lợi của gia đình ông M bị thiệt hại từ năm 2014 đến nay nhưng Ban Quản lý rừngvẫn chưa có biện pháp đảm bảo quyền lợi cho người dân; Ban quản lý RPH cũng thừa nhận trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với đơn vị gây thiệt hại là thuộc về Ban quản lý RPH nhưng chưa thực hiện và cũng đồng ý với yêu cầu của nguyên đơn hủy án sơ thẩm để Ban quản lý RPH thực hiện yêu cầu khởi kiện này. Vì vậy, để giải quyết các quan hệ tranh chấp một cách khách quan, toàn diện và triệt để, tránh phát sinh các vụ án khác; đảm bảo được quyền lợi cho Ban quản lý RPH cũng như hộ gia đình ông M thì cần thiết phải hủy bản án sơ thẩm đã giải quyết đối với nội dung yêu cầu bồi thường thiệt hại của ông M, giao hồ sơ về cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại để Ban quản lý RPH thực hiện quyền khởi kiện.

Bởi các lẽ trên, đề nghị HĐXX phúc thẩm TAND tỉnh BR-VT chấp nhận kháng cáo của ông Phạm Văn M và bà Phạm Thị T; áp dụng khoản 3, Điều 308, Điều 310 BLTTDS: Hủy Bản án số 35/DS-ST ngày 30/9/2019 của TAND thành phố Bà Rịa, giao hồ sơ về cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo thủ tục chung.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng:

[1.1] Đơn kháng cáo của ông Phạm Văn M, bà Phạm Thị T đảm bảo đúng thủ tục, nội dung và nộp trong thời hạn theo quy định tại các Điều 272, 273 của Bộ luật tố tụng dân sự nên hợp lệ. Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận xem xét lại bản án sơ thẩm theo trình tự phúc thẩm.

[1.2] Xét sự vắng mặt của đương sự tại phiên tòa: Các đương sự ông Phạm Văn M vắng mặt nhưng đã ủy quyền cho người đại diện; Công ty cổ phần S, Ban Quản lý các dự án công trình điện M, Công ty TNHH một thành viên X, Công ty cổ phần S – Chi nhánh Công ty cổ phần S.5, Công ty cổ phần S đã được triệu tập hợp lệ nhưng vẫn vắng mặt lần thứ hai không vì sự kiện bất khả kháng hay trở ngại khách quan; căn cứ Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án.

[2] Về nội dung: Xét yêu cầu kháng cáo của ông Phạm Văn M, bà Phạm Thị T thì thấy:

[2.1] Ban quản lý RPH có ký với ông Phạm Văn M 02 (Hai) hợp đồng khoán số 72-95/HĐK năm 1995 và số 85-95/HĐK năm 2001; theo đó, Ban Quản lý dự án rừng phòng hộ giao khoán cho ông M diện tích khoán gây trồng rừng là 7,7 ha, thuộc lô 10,11 khoảnh I, tiểu khu Long Hương và 4,0 ha, thuộc lô 12 khoảnh I, tiểu khu Long Hương; thời hạn của 02 hợp đồng đến ngày 15/4/2045.

Vào khoảng tháng 1 năm 2015, đơn vị thi công đường dây điện là Công ty cổ phần S, chi nhánh Công ty cổ phần S.5 đã tiến hành san ủi, mở đường tạm đi qua đất trồng rừng của ông M nhận khoán với diện tích 1.106,7 m2 (dài 238 m, rộng 4,65 m). Trong quá trình san ủi con đường tạm đã gây thiệt hại cho ông M các loại cây rừng gồm: Cẩm lai, Giáng hương, Bàng lăng, Phượng vĩ, Muồng đen, Tràm keo và cây tạp tự nhiên. Nay ông M khởi kiện Ban quản lý RPH phải bồi thường giá trị những cây rừng bị san ủi là 717.650.000 đồng.

Xét thấy, giữa ông M và Ban quản lý RPH trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng không có phát sinh tranh chấp đối với hợp đồng giao nhận khoán rừng. Thiệt hại về tài sản mà ông M yêu cầu Ban Quản lý bồi thường phát sinh ngoài các nội dung thỏa thuận trong hợp đồng giao nhận khoán. Do đó, cần xác định quan hệ pháp luật tranh chấp là: Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng về tài sản bị xâm hại được quy định tại Điều 608 Bộ luật dân sự 2005 và Điều 589 Bộ luật dân sự 2015. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm lại xác định quan hệ tranh chấp “Bồi thường thiệt hại đối với hợp đồng khoán bảo vệ rừng, gây trồng rừng phòng hộ” là không chính xác.

[2.2] Về xác định người có lỗi xâm phạm về tài sản gây thiệt hại đối với hộ ông Phạm Văn M thì thấy:

Căn cứ vào Quyết định số 1591/QĐ-UB ngày 12/3/2002 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thì: Ban quản lý RPH là đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi phí, chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; có tư cách pháp nhân, có con dấu, trụ sở và tài khoản riêng. Ban quản lý RPH có trách nhiệm quản lý đối với diện tích rừng phòng hộ được giao. Căn cứ vào Quyết định số 17/2015/QĐ-TTg ngày 09/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định quy chế bảo vệ rừng thì: Ban Quản lý đã ký hợp đồng giao khoán rừng cho hộ gia đình ông Phạm Văn M là thực hiện cơ chế đồng quản lý rừng, chia sẻ lợi ích từ sản phẩm rừng, ổn định, lâu dài. Do Ban Quản lý ký hợp đồng giao khoán trồng rừng với hộ ông Phạm Văn M và được hưởng tỷ lệ % giá trị cây rừng khi khai thác, nên trường hợp cây rừng của hộ ông M bị thiệt hại thì cũng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của Ban Quản lý rừng. Vì vậy, Ban quản lý RPH cũng là người bị thiệt hại về tài sản.

Tại Biên bản vi phạm hành chính 0056/BB-VPHC ngày 22-01-2015 của Hạt Kiểm lâm liên huyện C – Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ghi nhận: Vào thời điểm ngày 30-12-2014, Chi nhánh Công ty cổ phần S.5 thuộc Công ty cổ phần S do ông Nguyễn T đại diện đã dùng xe cơ giới san ủi mở đường để thi công đường điện 220 KV Phan Thiết – Phú Mỹ 2, tại lô 11, 12 và 14 khoảnh I, tiểu khu Long Hương thuộc rừng phòng hộ Núi Dinh do Ban Quản lý rừng quản lý, diện tích rừng bị phá: chiều dài 721 m, rộng 04 m, tổng diện tích 2.956,1 m2; cây rừng bị thiệt hại do san ủi là cây rừng trồng năm 1995 và cây rừng tái sinh tự nhiên. Việc san ủi đường làm ảnh hưởng cây rừng trong lâm phần chưa có quyết định cho phép của cơ quan thẩm quyền.

Tại biên bản làm việc ngày 22-01-2015 giữa Hạt kiểm lâm C– B, Ban Quản lý RPH, UBND phường K, Công ty cổ phần S- Chi nhánh Công ty cổ phần S.5 có ông M tham gia thể hiện “Đường san ủi có chiều dài 238m x rộng 4,65m, tổng diện tích san ủi 1106,7 m2, thuộc lô 11, 12 khoảnh I tiểu khu Kim Dinh là rừng trồng năm 1995 (vốn ngân sách) gồm các loại cây keo lá tràm, bằng lăng, cây rừng tự nhiên....

Căn cứ vào các biên bản trên, có đủ cơ sở để xác định: người trực tiếp gây thiệt hại đối với cây rừng của hộ ông M là do Chi nhánh Công ty cổ phần S.5 thuộc Công ty cổ phần S.

Căn cứ vào biên bản lấy lời khai ngày 28/01/2016 của Tòa án nhân dân quận Hà Đông, thành phố Hà Nội đối với Công ty cổ phần S thì: Công ty cổ phần S.11 xác nhận: Việc bồi thường do thi công công trình đường điện 220KV Phan Thiết – Phú Mỹ 2 tại lô số 11, 12 khoảnh I tiểu khu Long Hương thuộc rừng phòng hộ Núi Dinh gây thiệt hại chúng tôi chỉ làm việc với Ban quản lý RPH. Về trách nhiệm bồi thường của Công ty cổ phần S thì Công ty đã thanh toán chi phí trồng rừng, chăm sóc bảo vệ rừng cho Ban quản lý RPH theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 01/QĐ-XPVPHC ngày 15-02-2015 là 9.799.635 đồng; Công ty không có trách nhiệm bồi thường cho hộ ông M. Đồng thời, tại phiên tòa phúc thẩm, Ban quản lý RPH cho rằng: Trách nhiệm chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân nhận khoán thuộc về Ban quản lý RPH; tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, Ban quản lý RPH chưa nhận được bất kỳ khoản tiền bồi thường nào liên quan đến việc cây rừng của hộ ông M bị san ủi. Số tiền 9.799.635 đồng là khoản tiền mà Công ty cổ phần S nộp và Ban quản lý RPH nhận là nhằm bồi thường cho chi phí trồng lại và chăm sóc cây rừng; không phải là khoản tiền bồi thường cây bị san ủi.

Do đó, trong vụ án này, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Ban quản lý RPH và của hộ gia đình ông M, cấp sơ thẩm cần thiết phải thu thập tài liệu, chứng cứ để xem xét lỗi hoặc hành vi gây thiệt hại của đơn vị thi công là Chi nhánh Công ty cổ phần S.5 – Công ty cổ phần S; cũng như phải làm rõ trách nhiệm bồi thường của Ban quản lý các dự án công trình điện M, Công ty cổ phần S, Công ty TNHH MTV X để từ đó xác định trách nhiệm bồi thường thuộc về đơn vị nào và quyết định người phải bồi thường.

Trong quá trình xét xử, Tòa án cấp sơ thẩm đã tạm ngừng phiên tòa vào ngày 08-8-2019 để Ban quản lý RPH thực hiện thủ tục khởi kiện yêu cầu bồi thường. Ngày 09-8-2019, Ban quản lý đã nộp đơn khởi kiện nhưng cấp sơ thẩm không thụ lý giải quyết và đã mở phiên tòa xét xử lại là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Do vụ án đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử nên trong trường hợp này, cấp sơ thẩm phải thụ lý vụ án theo đơn khởi kiện của Ban quản lý, sau đó nhập các vụ án lại và căn cứ vào khoản 5 Điều 71 Bộ luật tố tụng dân sự xác định Ban quản lý là bị đơn có yêu cầu độc lập đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và phải giải quyết cùng trong một vụ án. Do chưa thụ lý yêu cầu độc lập của Ban quản lý nên cấp phúc thẩm không thể xem xét, giải quyết trong vụ án, dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích của hộ gia đình ông M, làm phát sinh thêm nhiều vụ án.

[2.3] Xác định mức thiệt hại:

Căn cứ vào nội dung của các Biên bản vi phạm hành chính, biên bản làm việc ngày 22/01/2015, có căn cứ để xác định hộ ông Phạm Văn M bị thiệt hại về tài sản là cây rừng trên diện tích đất bị san ủi 1.106,7 m2 thuộc lô 11, 12 là hoàn toàn có căn cứ.

Việc cấp sơ thẩm căn cứ vào Biên bản xem xét thẩm định tại chỗ ngày 30/11/2017 thể hiện “Con đường tạm do Công ty cổ phần S – Chi nhánh Công ty cổ phần S.5 mở, hiện nay cỏ mọc um tùm, không còn đường để đi và số cây thiệt hại đã không còn hiện hữu” để từ đó kết luận không có cơ sở để đối chiếu số cây thiệt hại mà nguyên đơn yêu cầu với thực tế bị thiệt hại là không đúng. Bởi lẽ, căn cứ vào yêu cầu khởi kiện của ông M và phúc đáp đơn kiến nghị của Ban quản lý RPH thì đã thống nhất các tài sản là cây bị thiệt hại gồm: gỗ Cẩm Lai 07 cây, gỗ Giáng Hương 02 cây, gỗ Bằng Lăng 14 cây, gỗ Phượng Vĩ 10 cây, gỗ Muồng Đen 05 cây, gỗ tự nhiên (tạp) 23..... Do các bên không thống nhất được mức thiệt hại, cụ thể: ông M dựa vào Bảng báo giá các loại gỗ của Công ty TNHH SX-TM-DV&XD Hoài Phúc để xác định giá trị cây; tuy nhiên Ban quản lý RPH không đồng ý. Để xác định được mức thiệt hại, đối với số số cây trên, Tòa án cấp sơ thẩm cần hướng dẫn cho Ban quản lý RPH thực hiện trưng cầu định giá tài sản; nếu Ban Quản lý không thực hiện và không yêu cầu định giá thì Tòa án phải căn cứ vào Điều 17 Thông tư Liên tịch số 02/2014/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BTC ngày 28-3- 2014 xác định giá tài sản theo mức giá mà ông M đưa ra.

[2.4] Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử nhận thấy, cấp sơ thẩm thu thập chứng cứ và chứng minh chưa được thực hiện đầy đủ mà tại phiên tòa phúc thẩm không thể thực hiện bổ sung được, đồng thời để giải quyết quan hệ tranh chấp một cách khách quan, toàn diện và triệt để, tránh phát sinh các vụ án khác; đảm bảo quyền lợi cho Ban quản lý RPH; cũng như hộ gia đình ông M thì cần thiết phải hủy án sơ thẩm.

[2.5] Về án phí dân sự sơ thẩm: Sẽ được quyết định khi giải quyết lại vụ án.

[2.6] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do cấp sơ thẩm hủy bản án sơ thẩm bị kháng cáo để xét xử lại nên đương sự kháng cáo không phải chịu án phí.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 3 Điều 308, khoản 1 Điều 310 Bộ luật tố tụng dân sự;

Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Phạm Văn M, bà Phạm Thị T.

1. Hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 35/2019/DS-ST ngày 30-9-2019 của Tòa án nhân dân thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; chuyển hồ sơ cho Tòa án nhân dân thành phố Bà Rịa để giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

2. Về án phí dân sự sơ thẩm: Sẽ được quyết định khi giải quyết lại vụ án.

3. Án phí dân sự phúc thẩm:

+ Hoàn trả lại cho ông Phạm Văn M số tiền án phí 300.000đ (ba trăm ngàn đồng) đã nộp theo các biên lai thu số 0000877 ngày 21/10/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

+ Hoàn trả lại cho bà Phạm Thị T phải nộp số tiền án phí 300.000đ (ba trăm ngàn đồng) theo biên lai thu số 0000878 ngày 21/10/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

187
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 67/2020/DS-PT về tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng tài sản

Số hiệu:67/2020/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bà Rịa - Vũng Tàu
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 01/06/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;