TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
BẢN ÁN 12/2022/DS-PT NGÀY 30/03/2022 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG
Trong ngày 30 tháng 3 năm 2022, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 55/2021/TLPT-DS ngày 19 tháng 11 năm 2021 về việc “Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số 14/2021/DS-ST ngày 24 tháng 9 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện TA, tỉnh Cao Bằng bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 25/2022/QĐ-PT ngày 14 tháng 3 năm 2022 giữa các đương sự:
- Các nguyên đơn: - Nông Văn H; Sinh năm 1970; Có mặt - Bế Thị A; Sinh năm 1973; Có mặt Địa chỉ: Xóm NQ, xã TC, huyện TA, tỉnh Cao Bằng;
Đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Ông Nguyễn Ngọc Y - Có mặt; Địa chỉ: Số 365 N, phường N, thành phố H, tỉnh H;
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn:
Bà Hà Thị B - Trợ giúp viên pháp lý - Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Cao Bằng; Có đơn xin xét xử vắng mặt
Bà Luân Thị U - Luật sư - Văn phòng luật sư K - Chi nhánh H – Đoàn luật sư H; Có mặt Địa chỉ: Số 135 C, phường N, thành phố H, tỉnh H.
- Bị đơn: Nông Văn N; Sinh năm 1988; Có mặt Địa chỉ: Xóm NQ, xã TC, huyện TA, tỉnh Cao Bằng;
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn:
- Luật sư Nguyễn Đ - Tham gia với tư cách là trợ giúp viên pháp lý - Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Cao Bằng; Có mặt
- Luật sư Trần Ngọc L – Thuộc văn phòng luật sư N – Đoàn luật sư tỉnh Cao Bằng. Có mặt Địa chỉ: Số 49, tổ 12, phường S, thành phố C, tỉnh Cao Bằng.
- Người làm chứng:
1. Bà Lăng Thị T Địa chỉ: Ngõ 18, đường B, phường Đ, thành phố L, tỉnh L.
2. Bà Vương Thị C Địa chỉ: Xóm NQ, xã TC, huyện TA, tỉnh Cao Bằng.
3. Ông Bế Văn D Địa chỉ: Bản C, xã Chí M, huyện T, tỉnh L;
4. Ông Nông Văn E 5. Bà Sầm Thị G Cùng địa chỉ: Xóm NQ, xã TC, huyện TA, tỉnh Cao Bằng. Những người làm chứng vắng mặt.
- Người kháng cáo: Nguyên đơn Nông Văn H, Bế Thị A.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện và tại phiên tòa ông Nông Văn H và bà Bế Thị A trình bày:
Buổi chiều ngày 01/5/2020 vợ chồng ông, bà đang dọn nương tại khu vực Cốc Cheng gần nhà, bất ngờ anh N vác theo cây gậy dài 1,5m – 2m màu trắng đến quát tháo rồi lao vào đánh ông H, bà A, bị bất ngờ ông H không kịp phản kháng gì chỉ biết chống đỡ, Bà A ở phía trên thấy N và ông H đánh nhau bà chạy xuống can thì bị N quay sang đánh bà A trúng vào lưng, sườn và nách, khi đó ông H mới thoát được, lúc đó ông H choáng váng, đau ở vùng mặt, ông vuốt mặt xem thì có máu, xong ông H mới đuổi đánh nhưng không đuổi kịp. N đi được khoảng 2m rồi quay lại đánh ông H, bà A và dùng cây đập xuống đầu ông H, ông H dùng tay đỡ, sự việc diễn ra khoảng 4 - 5 lần. Hậu quả ông H và bà A bị đau phải điều trị tại Trung tâm y tế huyện TA từ ngày 01/5/2020 đến ngày 06/5/2020 ra viện.
Theo kết luận giám định pháp y tỉnh Cao bằng xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên cho ông H là 02%; Bà A là 0%. Ông N gây thương tích cho ông H và bà A chưa đủ yếu tố cấu thành tội cố ý gây thương tích nên Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện TA đã ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Nhưng N bị Xử phạt vi phạm hành chính và ông khẳng định N là người đánh trước, sự việc xảy ra tại nơi xảy ra đánh nhau bị che khuất tầm nhìn nên cũng không có ai nhìn thấy việc đánh nhau giữa ông H, bà A và ông N.
Nay ông H, bà A yêu cầu ông N phải bồi thường thiệt hại sức khỏe như sau:
I/ Thiệt hại sức khỏe:
1. Tiền thuê xe đi bệnh viện 2 người: 1.000.000,đ 2. Tiền chi phí ăn uống 06 ngày x 90.000,đ/người x 2 người = 1.080.000,đ;
3. Tiền chi phí giám định sức khỏe 2 người = 2.500.000,đ;
4. Tiền chi phí chụp X.quang 2 người = 600.000,đ;
5. Tiền thuê xe chụp X.quang tại thị trấn T 2 người = 300.000,đ.
Tổng số tiền yêu cầu bồi thường do sức khỏe bị xâm hại = 5.480.000,đ II/ Thu nhập thực tế bị mất:
06 ngày điều trị tại bệnh viện 2 người x 220.000,đ/ người x 6 ngày = 2.640.000,đ;
Ngày công bị mất do nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe sau khi ra viện như sau:
Ông H 40 ngày x 220.000,đ = 8.800.000,đ; Bà A 20 ngày x 220.000,đ = 4.400.000,đ.
Tổng cộng: 15.840.000,đ.
III/ Thiệt hại do tổn thất tinh thần mỗi người bằng 50 lần mức lương cơ sở:
50 lần x 1.490.000,đ x 2 người = 149.000.000,đ.
IV/ Tiền thuốc men tự mua là 1.000.000,đ/ người x 2 = 2.000.000,đ;
Tiền bồi dưỡng sức khỏe trong những ngày điều trị là 2.000.000,đ/người x 2 = 4.000.000,đ; Tiền phục hồi đa vết thương là 2.000.000,đ/người x 2 = 4.000.000,đ Tổng cộng: 180.320.000,đ. (Một trăm tám mươi triệu ba trăm hai mươi nghìn đồng) và không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn Nông Văn N.
Ngoài ra không yêu cầu gì thêm.
Tại phiên tòa ông N trình bày: Khoảng 15 giờ 30 phút ngày 01/5/2020 ông N đang ở nhà thì nghe thấy tiếng chặt cây ông N đi xem thì thấy ông H và bà A đang chặt dọn cây tại thửa đất của gia đình đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thấy vậy N nhắc nhở và bảo “đây là nền đất thuộc bìa đỏ của gia đình N, ông H, bà A không được làm nữa, trước phát đã bảo rồi sao giờ còn tiếp tục làm” nhưng ông H, bà A không nghe mà còn thách thức, chửi bậy, sau đó ông N nói “ nếu thế ông cùng N cầm bìa đỏ lên Ủy ban nhân dân xã TC để Địa chính lấy bản đồ đối chiếu xem đất thuộc bìa đỏ của ai thì người đấy làm” nhưng ông H vẫn không nghe và ông H nói “đất của mày ở đâu”. Nên ông N bước tiếp đi vào rẫy và bảo đây là đất của gia đình ông N, xong ông H cầm dao quắm lao về phía N chém N trước một cái vào vai phải làm rách áo và vào da thịt N vết rách dài khoảng 2cm, do N né tránh được nên bị nhẹ, lúc đó trong tay N không có gì, khi né tránh N có cúi xuống nhặt được cành cây tại chỗ đó đánh trả để tự vệ bản thân.
Trong khi ông N cùng ông H đang xô xát đánh nhau thì bà A ở phía trên cách đó khoảng 15 - 20m cũng cầm dao đi xuống giúp ông H chém N thấy vậy khi đó N chỉ có một mình và khúc cây đang cầm đã bị gẫy, N cảm thấy đánh không kịp nữa nên bỏ chạy, khi chạy sắp ra khỏi đám rẫy thì bị vấp ngã nên không kịp chạy theo hướng về nhà được vì lúc đó ông H và bà A đang cầm dao đuổi sát sau lưng N và hô hoán gọi các con về giúp đuổi giết. N tiếp tục chạy được một đoạn lại nhặt được một cành cây về giằng co với ông H, bà A khi đó ông H đứng trước bà A đứng sau lưng ông H rồi bảo với ông H “mày để tao” nói xong bà A tiến lên phía trước, ông H cũng cầm dao tiến về phía N vung dao chém, sẵn có cây trong tay N cũng đánh trả ý định đánh vào tay cầm dao của bà A, hai bên xô xát đoạn cây N cầm lại bị gẫy, còn ông H, bà A có dao nên N bỏ chạy bà A cầm dao đuổi theo, ông H nhặt cục đá ném trúng vào lưng N sau đó ông H lại chặt cây thành khúc ném trúng vào tay phải N 02 phát, hai bên giằng co cứ như vậy N bỏ chạy về nhà còn ông H và bà A vẫn cầm dao đuổi theo về đến dưới nhà N. Sự việc xảy ra đánh nhau giữa ông H, bà A, ông N cũng bị đau và đi điều trị tại Trung tâm y tế huyện TA tỉnh Cao Bằng từ ngày 02/5/2020 đến ngày 07/5/2020 ra viện.
Sau khi sự việc xảy ra ông N từ chối giám định thương tích. Ngày 08 tháng 4 năm 2021 ông N có đơn phản tố và có yêu cầu loại trừ toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn; Yêu cầu nguyên đơn bồi thường thiệt hại sức khỏe cho ông; Yêu cầu Tòa án nhân dân huyện TA cho ông đi giám định pháp y trên cơ sở bệnh án mà ông đã điều trị và yêu cầu nguyên đơn phải bồi thường sức khỏe, thu nhập thực tế bị mất, bồi thường thiệt hại bù đắp tổn thất tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm, chi phí giám định, thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm hại và các chi phí khác.
Ngày 09/4/2021 ông N có đơn đề nghị giám định tỷ lệ thương tật. Ngày 12/4/2021 Tòa án nhân dân huyện TA ra Quyết định giám định thương tật đối với Nông Văn N theo bản sao bệnh án ngoại khoa của Trung tâm y tế huyện TA, tỉnh Cao Bằng. Tại kết quả giám định số: 053/21/TgT, ngày 19/4/2021 của Trung tâm giám định pháp y tỉnh Cao Bằng kết luận: Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là: 01%.
Ông N khẳng định sự việc xảy ra đánh nhau ông H là người đánh ông N trước. Tại nơi xảy ra đánh nhau là ở trên đồi có cây che khuất tầm nhìn nên không có ai nhìn thấy.
Ông N có đơn phản tố yêu cầu ông H, bà A liên đới bồi thường thiệt hại sức khỏe cho ông như sau:
1. Tiền bồi dưỡng giám định tư pháp: 680.000,đ;
2. Chi phí giám định tư pháp: 535.000,đ;
3. Bồi thường phục hồi sức khỏe: 2.000.000,đ;
4. Thu nhập bị mất trong những ngày điều trị: 06 ngày x 220.000,đ = 1.320.000,đ;
5. Bồi thường thiệt hại bù đắp tổn thất tinh thần do sức khỏe bị xâm hại số tiền bồi thường tương ứng với 5 lần mức lương tối thiểu cụ thể: 5 x 1.490.000,đ = 7.450.000,đ;
6. Thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm tương ứng với 5 lần mức lương tối thiểu: 5 x 1.490.000,đ = 7.450.000,đ.
Tổng bồi thường là: 19.435.000,đ. (Mười chín triệu bốn trăm ba mươi năm nghìn đồng) và không chấp nhận toàn bộ yêu cầu bồi thường của nguyên đơn Nông Văn H và Bế Thị A.
Ngoài ra không yêu cầu gì thêm.
Người làm chứng Sầm Thị G khai: Sau khi sự việc đánh nhau giữa ông H, bà A và ông N khi N về nhà thấy quần áo N bị ướt hết và áo bị rách, khi N cởi áo ra quan sát thấy trên người N từ phần vai xuống đến tay thấy có máu chảy nhưng không biết tay bên nào và lưng cũng có những vết xước. Lời khai ông Bế Văn D khai: Mục đích ông đến xóm NQ là để mua ngô về chăn gà, nên giữa ông H, bà A và ông N đánh nhau như thế nào ông không biết và ông N bị thương như thế nào ông cũng không quan sát nên không biết N bị thương tại vị trí nào trên cơ thể.
Người được nguyên đơn ủy quyền ông Nguyễn Ngọc Y có ý kiến và yêu cầu. Những tài liệu có trong hồ sơ và diễn biến tại phiên tòa có đầy đủ căn cứ xác định ông H và bà A bị ông N đánh gây thương tích, ông N thừa nhận dùng cây để đánh ông H và bà A, nhưng cơ quan điều tra không thu giữ được 4 cây gậy là cây rừng tự nhiên mà N dùng để đánh ông H và bà A. Đây cũng được xác định là hung khí nguy hiểm cơ quan điều tra không khởi tố ông N, Kết luận giám định không khách quan, Bản kết luận giám định chỉ giám định 2 vết thương ở cẳng tay còn các vết thương rách da của ông H và vùng ngang lưng bẩm tím, dập nát, không giám định do vậy kết luận giám định chưa khách quan, không chính xác. Đề nghị Hội đồng xét xử kiến nghị đến các cơ quan điều tra để xem xét.
Với những chứng cứ nêu trên việc giám định không khách quan. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho ông H và bà A đi giám định lại thương tích.
Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét sự việc đánh nhau giữa ông H, bà A với ông N. Cơ quan điều tra đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính ông N.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Luân Thị U có ý kiến căn cứ lời khai của người làm chứng Bế Văn D khai “khi N cởi áo ra không nhìn thấy N bị thương”. Do vậy đề nghị Hội đồng xét xử bác toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn Nông Văn N, căn cứ Điều 584 và 590 – Bộ luật dân sự; Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP, ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Đề nghị Hội đồng xét xử buộc ông N phải bồi thường cho ông H và bà A tổng các khoản chi phí là 180.320.000,đ. (Một trăm tám mươi triệu ba trăm hai mươi nghìn đồng).
Về nguyên nhân dẫn đến việc đánh nhau gây thương tích: Do tranh chấp đất đai nên ông N đã đến rẫy để đánh ông H, bà A, đây là lỗi hoàn toàn thuộc về ông N chứ ông H và bà A không có lỗi. Do vậy người không có lỗi thì không phải bồi thường. Người có lỗi trong trường hợp này là ông N. Do vậy ông N phải bồi thường toàn bộ cho ông H và bà A.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bà Hà Thị H có ý kiến và yêu cầu: Sự việc đánh nhau xảy ra ngày 01/5/2020 nguyên nhân do tranh chấp đất đai ông N đã dùng gậy đánh vào người ông H và bà A. Tại bệnh án ngoại khoa cũng thể hiện các vết thương trên người ông H và bà A và tại kết luận giám định thương tích ông H 02% , Bà A 0%. Do vậy đề nghị Hội đồng xét xử xem xét buộc ông N phải bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo các yêu cầu trên và buộc ông N phải bồi thường cho ông H là 180.320.000,đ. Đối với yêu cầu phản tố của ông N không có căn cứ nên không chấp nhận yêu cầu phản tố của ông N.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Ông Nguyễn Đ có ý kiến và yêu cầu: Theo đơn khởi kiện của ông H và bà A có yêu cầu bồi thường thiệt hại sức khỏe bị xâm phạm là 170.320.000,đ và tại phiên tòa phía nguyên đơn yêu cầu bồi thường là 180.320.000,đ. Sự việc này nguyên nhân xảy ra là do tranh chấp đất đai, gia đình ông N đã nhắc nhở ông H và bà A từ khi phát nương là gia đình đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng ông H và bà A không chấp thuận. Nên ngày 01/5/2020 ông H và bà A lại tiếp tục đi dọn nương, ông N có đến ngăn chặn không cho ông H và bà A tiếp tục phát dọn nương tại thửa đất thuộc quyền quản lý, sử dụng của gia đình ông N.
Sự việc xảy ra đánh nhau: Không bên nào chứng minh được ai là người đánh trước, ai là người đánh sau, N dùng cây gậy để đánh nhưng không tìm thấy cây gậy mà N dùng để đánh ông H, bà A, còn ông H và bà A mỗi người 01 con dao quắm trong tay. Quá trình xô xát không có căn cứ chứng minh là N đánh ông H và bà A đánh trước vì không có ai nhìn thấy. Về quan hệ gia đình: Ông N là cháu, ông H là chú ruột, bà A là thím.
Do vậy khi xác định về lỗi phải xem xét về tương quan lực lượng và phương tiện, công cụ dùng để đánh nhau, khi đánh nhau N chỉ có một mình, khi bị đánh N nhặt cây tại vị trí đánh nhau để chống đỡ, còn ông H và bà A có hai người khi đánh nhau mỗi người cầm một con dao quắm trong tay. Do vậy khi yêu cầu bồi thường thiệt hại sức khỏe bị xâm phạm cần xem xét thực tế thiệt hại xảy ra. Khi đánh nhau N cũng bị đau và đến Trung tâm y tế huyện TA để điều trị và N có đơn phản tố yêu cầu ông H và bà A phải có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm là 19.435.000,đ (Mười chín triệu bốn trăm ba mươi năm nghìn đồng). Với yêu cầu như vậy khi tính toán bồi thường đề nghị Hội đồng xét xử xem xét theo quy định của pháp luật.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 14/2021/DS-ST ngày 24/9/2021 của Tòa án nhân dân huyện TA, tỉnh Cao Bằng đã:
Căn cứ các Điều 584,585,590 Bộ luật dân sự; Điều 26, 35, 39, 147 Bộ luật tố tụng dân sự; Điểm d khoản 1 Điều 12; Điều 26 của Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên:
1/. Chấp nhận một phần đơn khởi kiện của ông Nông Văn H và bà Bế Thị A.
Buộc Nông Văn N phải bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm cho ông H và bà A là 5.052.000,đ (Năm triệu không trăm năm mươi hai nghìn đồng).
2/. Chấp nhận một phần yêu cầu của bị đơn Nông Văn N.
Buộc Nông Văn H và bà Bế Thị A phải có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm cho ông Nông Văn N là: 4.383.000,đ (Bốn triệu ba trăm tám mươi ba nghìn đồng).
Sau khi đối trừ ông N còn phải bồi thường cho ông H và Bà A là 669.000,đ. (Sáu trăm sáu mươi chín nghìn đồng).
3/. Bác yêu cầu của ông H và bà A gồm các khoản sau: Ngày công bị mất do nghỉ dưỡng phục A sức khỏe sau khi xuất viện: Ông H là 8.800.000,đ; Bà A là 4.400.000,đ; Khoản tiền chi phí ăn uống trong 06 ngày điều trị cho 2 người là 1.080.000,đ; Tiền chụp X – Quang: 02 người là 600.000,đ; Tiền thuê xe chụp X – Quang tại thị trấn T là 300.000,đ, tiền thuốc 2.000.000,đ và tiền bồi dưỡng hồi phục đa vết thương là 4.000.000,đ.
4/. Bác yêu cầu của ông N đối với khoản tiền yêu cầu: Bồi thường thiệt hại danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm hại là 7.450.000,đ và khoản tiền bồi thường phục A sức khỏe 2.000.000,đ.
5/. Bác yêu cầu bồi dưỡng sức khỏe sau khi ra viện theo Luật bảo hiểm của đại diện Viện kiểm sát.
6/. Bác yêu cầu đi giám định lại về tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do thương tích gây nên của nguyên đơn Nông Văn H và Bế Thị A.
7/. Về án phí: Ông Nông Văn H, bà Bế Thị A, ông Nông Văn N được miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm Ngoài ra bản án còn tuyên về quyền kháng cáo cho các đương sự.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 07/10/2021 ông Nông Văn H và bà Bế Thị A có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm số 14/2021/DS-ST ngày 24/9/2021 của Tòa án nhân dân huyện TA, tỉnh Cao Bằng, yêu cầu cấp phúc thẩm: Xem xét tăng mức bồi thường thiệt hại cho ông H, bà A và không buộc ông H, bà A phải bồi thường cho N. Lý do của việc kháng cáo: Tòa tuyên mức bồi thường của ông Nông Văn N cho tôi là quá thấp, không bù đắp tương xứng với những thiệt hại mà tôi phải gánh chịu. Sau khi N gây thương tích cho tôi, tôi đã phải tốn nhiều chi phí đi khám, điều trị, bồi bổ sức khỏe, tuy nhiên đến nay sức khỏe đã bị giảm sút nhiều, không thể lao động như bình thường trước đây; Tòa xác định tôi có 60% lỗi đối với ông N và yêu cầu tôi bồi thường thiệt hại cho Nông Văn N là không có cơ sở vì tôi không được gây thương tích N.
Tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, đề nghị HĐXX xem xét lại toàn bộ bản án, xem xét tăng mức bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn và không buộc nguyên đơn phải bồi thường cho bị đơn.
Tại phiên tòa phúc thẩm bị đơn không nhất trí với yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, đề nghị HĐXX bác kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng phát biểu ý kiến:
Về tố tụng: Người tham gia tố tụng và người tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự tại Tòa án cấp phúc thẩm.
Về nội dung và quan điểm giải quyết vụ án: Đề nghị HĐXX căn cứ khoản 1 Điều 308 BLTTDS giữ nguyên bản án sơ thẩm số 14/2021/DS-ST ngày 24 tháng 9 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện TA, tỉnh Cao Bằng.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ và thẩm tra chứng cứ tại phiên tòa, nghe lời trình bày của các đương sự, ý kiến phát biểu của kiểm sát viên và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về quan hệ tranh chấp: Nguyên đơn ông Nông Văn H, bà Bế Thị A nộp đơn khởi kiện bị đơn Nông Văn N yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khỏe. Cấp sơ thẩm xác định quan hệ tranh chấp là “ Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” theo quy định tại khoản 6 Điều 26 của Bộ luật tố tụng dân sự là có căn cứ và đúng pháp luật.
[2] Về thẩm quyền: Nguyên đơn Nông Văn H, Bế Thị A và bị đơn Nông Văn N đều cư trú tại xã TC, huyện TA, tỉnh Cao Bằng, do đó Tòa án nhân dân huyện TA, tỉnh Cao Bằng thụ lý giải quyết là là có căn cứ, đúng thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 điều 39 bộ luật tố tụng dân sự.
[3] Tính hợp pháp của đơn kháng cáo: Ngày 24/9/2021 Tòa án nhân dân huyện TA, tỉnh Cao Bằng tuyên bản án sơ thẩm số 14/2021/DS-ST về việc “tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn Nông Văn H, Bế Thị A. Đến ngày 07 tháng 10 năm 2021 ông Nông Văn H và bà Bế Thị A có đơn kháng cáo tại tòa án. Đơn kháng cáo của đương sự được gửi trong thời hạn luật định và đương sự thuộc trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm. Như vậy, đơn kháng cáo của đương sự là hợp pháp.
[4] Xét kháng cáo và các căn cứ kháng cáo của nguyên đơn Nông Văn H, Bế Thị A: Tại đơn kháng cáo ông Nông Văn H và bà Bế Thị A kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm. Yêu cầu cấp phúc thẩm: Xem xét tăng mức bồi thường thiệt hại cho ông H, bà A và không buộc ông H, bà A phải bồi thường cho N. Lý do của việc kháng cáo: Tòa tuyên mức bồi thường của ông Nông Văn N cho nguyên đơn là quá thấp, không bù đắp tương xứng với những thiệt hại mà nguyên đơn phải gánh chịu. Sau khi N gây thương tích cho nguyên đơn, nguyên đơn đã phải tốn nhiều chi phí đi khám, điều trị, bồi bổ sức khỏe, tuy nhiên đến nay sức khỏe đã bị giảm sút nhiều, không thể lao động như bình thường trước đây; Tòa xác định nguyên đơn có 60% lỗi đối với ông N và yêu cầu nguyên đơn bồi thường thiệt hại cho Nông Văn N là không có cơ sở vì nguyên đơn không được gây thương tích N. HĐXX xét thấy:
Ngày 01/5/2020 ông Nông Văn H và bà Bế Thị A dọn nương tại thửa đất có tên gọi là Cốc Cheng, gần nhà thuộc thửa đất số 332 gia đình ông N đã được UBND huyện TA cấp GCNQSD đất và thửa đất số 317 thuộc quyền quản lý của UBND xã TC, huyện TA, ông Nông Văn N ở nhà nghe thấy tiếng dao chặt dọn cây, ông N đi xem thì thấy ông H và bà A đang dọn nương để trồng thạch thấy vậy ông N nói “ Đây là đất thuộc bìa đỏ (GCNQSD đất) của gia đình ông, ông H bà A không được làm, trước phát đã bảo rồi sao giờ còn tiếp tục làm”. Nhưng ông H, bà A không nghe nên hai bên đã thách thức, chửi bậy và ẩu đả đánh nhau. Sự việc đánh nhau không có ai được chứng kiến, đánh nhau trên nương có cây che khuất tầm nhìn. Không có căn cứ xác định N là người đánh trước hay ông H và bà A là người đánh trước.
Thứ nhất, đối với yêu cầu kháng cáo: Xem xét tăng mức bồi thường thiệt hại cho ông H, bà A với lý do: Tòa tuyên mức bồi thường của ông Nông Văn N cho nguyên đơn là quá thấp, không bù đắp tương xứng với những thiệt hại mà nguyên đơn phải gánh chịu. Sau khi N gây thương tích cho nguyên đơn, nguyên đơn đã phải tốn nhiều chi phí đi khám, điều trị, bồi bổ sức khỏe, tuy nhiên đến nay sức khỏe đã bị giảm sút nhiều, không thể lao động như bình thường trước đây. HĐXX xét thấy:
Đối với ông H, theo bệnh án khoa ngoại của Trung tâm y tế huyện TA vào hồi 16 giờ ngày 01/5/2020 ông H có các vết thương gồm: Vùng mặt bên (P) có vết xước da dài gần 1cm, xưng bầm tím D gần 5cm, mặt sau cánh tay (T) có vết xước da sưng đau dài gần 3cm, hai cẳng tay có vết xước da gần 2cm. Phù hợp với kết luận giám định số: 063/20/TgT, ngày 11/6/2020 của Trung tâm pháp y tỉnh Cao Bằng. Kết luận giám định: “ Hai khối xơ cứng vùng cẳng tay hai bên, kích thước nhỏ: 02%, các đám xây sát da vùng mặt, canh tay trái trong bảng tỷ lệ tổn thương cơ thể không có quy định đánh giá tỷ lệ tổn thương: 0%”.
Đối với bà A theo bệnh án khoa ngoại của Trung tâm y tế huyện TA vào hồi 16 giờ ngày 01/5/2020 bà A có các vết thương gồm: Vùng ngang lưng bên (T) có vết xưng đỏ dài khoảng 10cm, rộng 5 cm, dưới nách (T) xưng đỏ đường kính khoảng 5cm. Phù hợp với kết luận giám định số: 064/20/TgT, ngày 11/6/2020 của Trung tâm pháp y tỉnh Cao Bằng. Kết luận giám định: “ Hiện tại trên thân thể của nạn nhân không có dấu vết tổn thương sau chấn thương ngày 01/5/2020. Tỷ lệ tổn thương là: 0%”.
Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm ông N cũng thừa nhận giữa ông H, bà A và ông N có chửi bới, xô xát, đánh nhau, ông N có được vơ những khúc cây trong rẫy để đánh trả ông H, bà A nhưng đánh vào vị trí nào thì ông không xác định được vì khi đánh nhau ông H và bà A mỗi người cầm 01 con dao Quắm (Vì đang dọn nương để trồng Thạch), nên ông N vơ bừa những cành cây tại đó đánh lại mục đích là tự vệ bản thân. Vì vậy buộc ông N phải bồi thường về thương tích cho ông H và bà A là có căn cứ. Với những yêu cầu của ông H, bà A, cấp sơ thẩm đã xem xét như sau:
Thu nhập thực tế bị mất trong 06 ngày điều trị là 6 ngày x 220.000,đ/ ngày x 2 người = 2.640.000,đ. Xét thấy nghề nghiệp của ông H, bà A là trồng trọt, thu nhập không ổn định chủ yếu phụ thuộc vào vụ mùa không xác định được mức thu nhập cụ thể, nên cần áp dụng mức thu nhập bình quân của người lao động tại địa phương để tính. Do vậy yêu cầu này của ông H, bà A là phù hợp với thực tế thu nhập tại địa phương. Do vậy được chấp nhận.
Tiền thuê xe từ nhà đến điều trị tại Trung tâm y tế huyện TA cả 2 người là 1.000.000,đ; Tiền bồi dưỡng giám định tư pháp 680.000,đ/ người x 2 = 1.360.000,đ; Phí giám định tư pháp 535.000,đ/ người x 2 = 1.070.000,đ. Đây là các khoản chi phí hợp lệ cần được chấp nhận.
Đối với các khoản tiền như:
Tiền bồi thường tổn thất tinh thần ông H, bà A yêu cầu mỗi người bằng 50 lần mức lương cơ sở bằng 149.000.000,đ. Xét thấy ông H, bà A bị thương tích phần mềm, kích thước nhỏ đến trung bình, sẹo ít, không ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và thẩm mỹ. Tại bản kết luận giám định về thương tích xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 0,2% . Do vậy cũng ảnh hưởng phần nào tới tinh thần nên phải bồi thường cho ông H tương đương với 3 lần mức lương cơ sở là 3 x 1.490.000,đ = 4.470.000,đ và bà A tương đương với 1 lần mức lương cơ sở 1 x 1.490.000,đ = 1.490.000,đ.
Ngày công bị mất do nghỉ dưỡng phục A sức khỏe ông H yêu cầu 40 ngày x 220.000,đ = 8.800.000,đ, bà A yêu cầu 20 ngày x 220.000,đ = 4.400.000,đ. Đối với yêu cầu này. Xét thấy ông H, bà A chỉ bị thương ở phần mềm không ảnh hưởng lớn tới hoạt động sinh hoạt hàng ngày trong cuộc sống. Nên yêu cầu này không có cơ sở để chấp nhận. Hội đồng xét xử sẽ tính vào tiền bồi dưỡng sức khỏe trong 6 ngày điều trị mỗi người là 50.000,đ / ngày. Vậy 6 ngày x 50.000,đ/ ngày x 2 = 600.000,đ.
Tổng cộng: 12.630.000,đ. (Mười hai triệu sáu trăm ba mươi nghìn đồng). Đối với khoản tiền chi phí ăn uống trong 6 ngày điều trị 90.000,đ/ngày/ người là: 6 x 90.000,đ/ ngày x 2 = 1.080.000,đ. Hội đồng xét xử xét thấy đây là phí sinh hoạt hàng ngày đã được chấp nhận trong khoản thu nhập thực tế bị mất. Do đó yêu cầu này của ông H, bà A không phù hợp theo quy định của pháp luật. Nên không được chấp nhận.
Đối với khoản tiền chi phí chụp X - Quang 600.000,đ và tiền thuê xe đến thị trấn T để chụp X - Quang là 300.000,đ; Tiền mua thuốc 1.000.000,đ/người x 2 = 2.000.000,đ; Tiền bồi dưỡng phục hồi đa vết thương 2.000.000.đ/người x 2 = 4.000.000,đ. Hội đồng xét xử xét thấy yêu cầu này ông H, bà A không cung cấp được hóa đơn, chứng từ hợp lệ nên không có cơ sở để xem xét, do đó không được chấp nhận.
Xét thấy các khoản tiền cấp sơ thẩm chấp nhận cho ông H, bà A đã hợp lý, có căn cứ, phù hợp quy định của pháp luật. Do vậy bác yêu cầu kháng cáo của ông H, bà A về yêu cầu buộc Nông Văn N tăng tiền bồi thường cho ông H, bà A.
Thứ hai, đối với yêu cầu kháng cáo của ông H, bà A cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm xác định nguyên đơn có 60% lỗi đối với ông N và yêu cầu nguyên đơn bồi thường thiệt hại cho Nông Văn N là không có cơ sở vì nguyên đơn không được gây thương tích N. HĐXX xét thấy: Sự việc đánh nhau các bên đương sự đều khai ai cũng là người bị đánh trước, không có người làm chứng, tuy nhiên theo báo cáo kết quả xác minh của Công an huyện TA và lời khai của các bên đương sự, thì sự việc đánh nhau không xác định được ai là người đánh trước, ông N chỉ sử dụng những cành cây có sẵn trên đất (nương) trong lúc xô sát đánh nhau. Ông H, bà A phát nương để trồng Thạch trên thửa đất mà gia đình ông N đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là nguyên nhân xảy ra xô xát đánh nhau. Xét về tương quan lực lượng: Ông H và bà A có hai người. Về công cụ, phương tiện dùng để đánh nhau ông H, bà A mỗi người cầm trong tay một con dao quắm (đang dọn nương). Tại phiên tòa ông H và bà A cũng thừa nhận trong khi rượt đuổi đánh nhau hai người vẫn cầm con dao trong tay “Nếu đuổi kịp N thì chém”. Còn ông N chỉ nhặt những cành cây có sẵn ở trong nương để chống đỡ lại ông H, bà A. Xét về mối quan hệ ông H, bà A là chú, thím ruột của ông N, sự việc này ông H, bà A là người chú, thím phải làm gương cho con cháu, đối với ông N là cháu trong gia đình họ hàng thân T cũng phải tôn trọng đối với người bậc trên của mình. Đối với việc ông H, bà A khai ông N có chủ ý đánh nhau với vợ chồng ông, bà nên đã vác cây từ nhà đi đến khu đất tranh chấp, khi sự việc đánh nhau xảy ra Cơ quan điều tra đã xem xét tại hiện trường không thu giữ được cây gậy hay vật dụng gì để khẳng định là N đã vác gậy hoặc mang theo vật dụng khác từ nhà đi. Do vậy việc ông H khai ông N vác cây từ nhà đi đến nơi ông H, bà A đang dọn nương để đánh nhau với ông H, bà A là không có căn cứ. Với những căn cứ như trên xét về lỗi ở đây là lỗi hỗn hợp, căn cứ vào nguyên nhân, tương quan lực lượng, công cụ, phương tiện đánh nhau thì ông H, bà A phải chịu lỗi nhiều hơn so với ông N trong sự việc đánh nhau này. Cấp sơ thẩm nhận định ông H, bà A phải chịu 60% lỗi, ông N phải chịu 40% lỗi và ông H, bà A phải bồi thường cho ông N tương ứng với 60% lỗi của ông H, bà A là có căn cứ. Do vậy bác kháng cáo của ông H, bà A về yêu cầu ông H, bà A không phải bồi thường cho ông N.
Những quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, hết thời hạn kháng nghị theo quy định của pháp luật.
Ý kiến của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng tại phiên tòa cũng phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.
[5] Về án phí: Ông Nông Văn H và bà Bế Thị A không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 308 - Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy Ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.
Bác kháng cáo của ông Nông Văn H và bà Bế Thị A. Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 14/2021/DS-ST ngày 24 tháng 9 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện TA, tỉnh Cao Bằng.
Tuyên xử:
1. Chấp nhận một phần đơn khởi kiện của ông Nông Văn H và bà Bế Thị A. Buộc Nông Văn N phải bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm cho ông H và bà A là 5.052.000,đ (Năm triệu không trăm năm mươi hai nghìn đồng).
2. Chấp nhận một phần yêu cầu của bị đơn Nông Văn N. Buộc Nông Văn H và bà Bế Thị A phải có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm cho ông Nông Văn N là: 4.383.000,đ (Bốn triệu ba trăm tám mươi ba nghìn đồng).
Sau khi đối trừ ông N còn phải bồi thường cho ông H và Bà A là 669.000,đ. (Sáu trăm sáu mươi chín nghìn đồng).
3. Bác yêu cầu của ông H và bà A gồm các khoản sau: Ngày công bị mất do nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe sau khi xuất viện: Ông H là 8.800.000,đ; Bà A là 4.400.000,đ; Khoản tiền chi phí ăn uống trong 06 ngày điều trị cho 2 người là 1.080.000,đ; Tiền chụp X – Quang: 02 người là 600.000,đ; Tiền thuê xe chụp X – Quang tại thị trấn T là 300.000,đ, tiền thuốc 2.000.000,đ và tiền bồi dưỡng hồi phục đa vết thương là 4.000.000,đ.
4. Bác yêu cầu của ông N đối với khoản tiền yêu cầu: Bồi thường thiệt hại danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm hại là 7.450.000,đ và khoản tiền bồi thường phục hồi sức khỏe 2.000.000,đ.
5. Bác yêu cầu bồi dưỡng sức khỏe sau khi ra viện theo Luật bảo hiểm của đại diện Viện kiểm sát.
6. Bác yêu cầu đi giám định lại về tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do thương tích gây nên của nguyên đơn Nông Văn H và Bế Thị A.
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với trường hợp thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong tất cả khoản tiền vay, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.
7. Về án phí: Ông Nông Văn H, bà Bế Thị A, ông Nông Văn N được miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm.
Ông Nông Văn H và bà Bế Thị A không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng số 12/2022/DS-PT
Số hiệu: | 12/2022/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Cao Bằng |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 30/03/2022 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về