Bản án về Tranh chấp đất rừng số 54/2021/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG

BẢN ÁN 54/2021/DS-PT NGÀY 20/12/2021 VỀ TRANH CHẤP ĐẤT RỪNG 

Trong ngày 20 tháng 12 năm 2021, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 36/2021/TLPT-DS ngày 13 tháng 10 năm 2021 về Tranh chấp đất rừng.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 10/2021/DS-ST ngày 10 tháng 8 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện TA, tỉnh Cao Bằng bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 97/2021/QĐ-PT ngày 03 tháng 12 năm 2021 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Đinh Hồng Đ (Tên gọi khác: Đinh Văn ĐN) - sinh năm 1958.

Người đại diện theo ủy quyền: Bà Vi Thị H – sinh năm 1986. Có mặt

Cùng địa chỉ: huyện TA, tỉnh Cao Bằng

- Bị đơn: Ông Đinh Vĩnh C - sinh năm 1964. Có mặt

Người đại diện theo ủy quyền: Bà Đặng Thị T. Có mặt Cùng địa chỉ: huyện TA, tỉnh Cao Bằng.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Luật sư N và Luật sư T - Văn phòng Luật sư N, Đoàn Luật sư tỉnh Cao Bằng. Địa chỉ:  phường S, thành phố C, tỉnh Cao Bằng. Luật sư N và Luật sư T có mặt

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Đinh Văn B – sinh năm 1981. Có mặt 2. Đinh Thị V – sinh năm 1983. Có mặt

Cùng trú tại: huyện TA, tỉnh Cao Bằng.

3. Đinh Thị N. Địa chỉ: Tổ 4, phường T, thành phố T, tỉnh N.

Người đại diện theo ủy quyền: Bà Vi Thị H – sinh năm 1986. Địa chỉ: BV, xã ĐL, huyện TA, tỉnh Cao Bằng. Có mặt

- Người làm chứng:

1. Ông Đinh Văn Th – sinh năm 1955. Vắng mặt

2. Bà Hà Thị Z – sinh năm 1959. Có mặt

3. Bà Đàm Thị Vg – sinh năm 1964. Có mặt

Cùng địa chỉ: BV, xã ĐL, huyện TA, tỉnh Cao Bằng.

- Người kháng cáo: Bị đơn Đinh Vĩnh C.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 24/12/2020 và trong quá trình tố tụng nguyên đơn, người được nguyên đơn ủy quyền trình bày:

Ông ĐN trình bày: Thửa đất này trước đây từ 1965-1966 của gia đình ông Hà Hắc S, khi đất bạc màu thì bỏ hoang, đến 1995 gia đình tôi được UBND huyện giao đất này để quản lý, canh tác. Khi nhận đất thì có các loại cây Trám đen và một số cây tự nhiên khác, còn cây Hồi và cây Quế thì gia đình tôi trồng theo dự án PAM, sau khi vợ ông mất do ông bị bệnh nặng, con cái thoát ly nên ông không có điều kiện để chăm sóc, bảo vệ các loại cây mà gia đình đã trồng theo dự án, và cây trồng thêm là Quế, các cây tự nhiên như cây Trám đen, nay tôi yêu cầu được quản lý, sử dụng đất như nhà nước đã giao.

Bà Vi Thị H trình bày: Gia đình tôi được UBND huyện TA giao rừng và đất lâm nghiệp theo Quyết định số 100/QĐ/UB ngày 01/10/1995, biên bản giao nhận rừng và đất để trồng rừng; Nhận cây về trồng rừng theo hợp đồng trồng rừng 5322 năm 2000 theo hợp đồng số 192 với ban quản lý dự án PAM-5322; Sau khi trồng đã được nghiệm thu vào ngày 20/10/2001 và ngày 05/12/2000 và được cấp phát lương thực theo dự án trồng rừng PAM. Từ khi về làm dâu gia đình ông ĐN tôi vẫn chăm sóc, bảo vệ và khai thác hoa lợi trên đất. Nay ông Đinh Vĩnh C tranh chấp, lấn chiếm thửa đất gia đình tôi được nhà nước giao, mới trồng thêm vào đất Nhà nước đã giao cho gia đình tôi mấy bụi Mai và ít cây Quế nhỏ. Tôi thay mặt gia đình yêu cầu Tòa án giải quyết cho gia đình tôi tiếp tục được quản lý, canh tác và yêu cầu ông Đinh Vĩnh C thu hoạch các bụi Mai và dời các cây Quế con mà ông khai ông đã trồng lên đất đã được giao cho gia đình tôi, đồng thời chấm dứt hành vi lấn chiếm, khai thác các loại cây, màu trên đất của gia đình tôi. Khi nhà nước làm đường qua gia đình tôi được nhận tiền đền bù cây trên đất bị thu hồi làm đường.

Bị đơn ông Đinh Vĩnh C trình bày: Thửa đất đang tranh chấp có tên là Bó Cốc Bây, là đất do ông cha để lại, trong đó có những cây Trám đen, cây Sở, cây Quế, cây Mai, cây Vầu…theo mẹ tôi kể thời kỳ khó khăn mẹ đã chặt một số cây trám đen để làm củi nộp cho lò nung ngói. Năm 1995 khi nhà nước giao đất, giao rừng thì gia đình tôi không kê khai để nhận đám đất này vì cán bộ nói đất có cây ăn quả thì không giao mà ai đang quản lý thì quản lý, thời điểm đó gia đình tôi cũng được giao một đám đất rừng ở gần đó. Khi nhà nước thực hiện việc kê khai để cấp sổ thì xem xét trên thực địa trên đất không phải là cây Hồi trồng theo PAM.

Khi nhà nước làm đường qua có đền bù tiền cây trên đất thì gia đình tôi cũng được nhận.

Ông Đinh Văn Th; Đinh Vĩnh HA; Đinh Vĩnh L; Đinh Vĩnh K đều khai rằng thửa đất rừng hiện nay đang tranh chấp là của tổ tiên để lại, nay đất bị bà Vi Thị H tranh chấp các anh em ủy quyền cho ông Đinh Vĩnh C để giải quyết. Riêng ông Đinh Văn Th (anh trai ruột ông C) khi triển khai dự án PAM ông là phổ cập viên được trực tiếp giao nhận cây, phân bón, phát gạo dự án cho hộ gia đình ông ĐN.

Bà Đàm Thị Vg, sinh năm 1964 (có đất sát đất đang tranh chấp) đám đất này nguồn gốc là gia đình tôi mua với ông Hà Văn S (ông S bán đề vào Nam) năm 1984, sau khi mua gia đình trồng sắn trên đám đất này, khi đất bạc màu thì không canh tác nữa, khi nhà nước giao đất thì gia đình tôi không nhận vì đám đất này không có cây to về sau không có ai nhận nên gia đình ông ĐN đã nhận. Lúc gia đình tôi canh tác ở đây thì trên đất có một số cây Trám đen, cây Sở. Cây Mai thì gia đình ông C trồng gần đây.

Bà Hà Thị Z, sinh năm 1959 (đất sát đất đang tranh chấp) đám đất này trước là của ông S quê ở Quốc Khánh (T, tỉnh L) sang mua để canh tác, trồng sắn sau đó ông S bán lại cho gia đình ông BN (bố chồng bà Vg) để canh tác. Tôi không thấy gia đình ông C canh tác ngày nào vì ông nội và bố, mẹ ông C đều thoát ly đi công tác. Sau khi gia đình ông BN không canh tác nữa thì bỏ hoang là bãi chăn thả. Năm 1995 chia đất lâm nghiệp thì gia đình ông ĐN không có đất nên thôn thống nhất chia cho gia đình ông. Sau khi vợ ông ĐN chết, ông ĐN do ốm đau không canh tác được nên gần đây ông C mới trồng cây Mai vào đất đó.

Ông Nông Thanh H (người uy tín của thôn) trình bày: Nguồn gốc đất là của cả thôn dùng để chăn thả gia súc, khi nhà nước giao đất thì giao cho gia đình ông ĐN, cây Trám đen, cây Sở thì mọc tự nhiên còn cây Mai thì do gia đình ông C trồng khoảng 05 năm quay lại đây.

Ông Đinh Ngọc T, sinh năm 1939 (làm địa chính từ khi thành lập địa chính xã): Giao đất có thông B cho toàn thôn, hai gia đình không có tranh chấp khi giao đất.

UBND huyện TA trả lời những vấn đề liên quan đến đất tranh chấp giữa ông C với ông ĐN như sau:

- Việc giao đất đúng quy định Luật đất đai năm 1993Nghị định số 02/NĐ-CP ngày 15/01/1994 về việc giao đất lâm nghiệp.

- Không có sự nhầm lẫn giao đất của ông C cho ông ĐN, ông C yêu cầu được tiếp tục quản lý, sử dụng thửa đất này là không đúng vì đất đã giao theo Quyết định 100 cho gia đình ông ĐN.

- Khi nhà nước làm đường ông C và ông ĐN được nhận tiền đền bù nhưng là tiền của thửa đất khác không phải thửa đất đang tranh chấp.

Vụ án đã được hòa giải nhưng không thành.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 10/2021/DS-ST ngày 10/8/2021 của Tòa án nhân dân huyện TA, tỉnh Cao Bằng đã:

Căn cứ vào Điều 19; 24; 44 Luật đất đai 1993; khoản 2 Điều 97; khoản 2 Điều 166 Luật đất đai 2013; khoản 4 Điều 275, Điều 579, Điều 580 Bộ luật dân sự 2015; Điều 147, 157 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Căn cứ Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Vi Thị H đối với ông Đinh Vĩnh C.

Ông Đinh Vĩnh C có nghĩa vụ:

- Trả lại diện tích 6.800,7m2 tranh chấp nằm trong thửa đất đang tranh chấp tại lô đất số 48a theo quyết định số 100/QĐ/UB ngày 21/10/1995 của UBND huyện TA, tứ cận đám đất tranh chấp: Phía Đông giáp khi Mộ của làng và một phần là taly dưới taly là đường mòn, bên kia đường mòn là đất được giao cho hộ ông Đinh Văn Th; Phía Tây là phần đất còn lại thuộc lô 48a, tiếp giáp với đường Đ – ĐL; Phía Nam giáp đường mòn Khau Lùng, một phần đất bà Đàm Thị Vg và một phần đất thuộc lô 48a; Phía Bắc giáp đất bà Hà Thị Z.

- Thu hoạch hết các cây Mai và di dời cây Quế con mà ông C đã trồng vào phần đất tranh chấp.

2. Chi phí tố tụng: Chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ là 1.925.000đ ông Đinh Vĩnh C phải chịu chi phí này, bà Vi Thị H đã nộp tạm ứng nên ông Đinh Vĩnh C phải trả cho bà Vi Thị H 1.925.000đ (Một triệu chín trăm hai mươi lăm nghìn đồng).

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

Ngoài ra bản án còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo cho các đương sự.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 23/8/2021 bị đơn Đinh Vĩnh C có đơn kháng cáo không nhất trí với bản án dân sự sơ thẩm số 10/2021/DS-ST ngày 10/8/2021 của Tòa án nhân dân huyện TA, tỉnh Cao Bằng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn Đinh Vĩnh C giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện TA, tỉnh Cao Bằng.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn Đinh Vĩnh C - Luật sư T trình bày: Thứ nhất, ông ĐN là người được Nhà nước giao lô đất 48a mà không thực hiện nghĩa vụ của người được giao đất rừng theo quy định. Cụ thể, gia đình ông ĐN được giao lô đất số 48a theo quyết định 100 từ năm 1995 nhưng không quản lý, sử dụng đất trong nhiều năm liên tiếp, việc không quản lý, sử dụng đất trong nhiều năm được thể hiện tại lời khai của ông ĐN, tại biên bản lấy lời khai của người làm chứng ngày 04/6/2021 có nội dung là: sau khi được giao đất giao rừng ông trồng hồi, năm 2001 vợ ông ĐN chết, ông ĐN sức khỏe yếu nên không quản lý…Lời khai về quá trình quản lý, sử dụng đất của ông ĐN là phù hợp với lời trình bày của bà H tại biên bản hòa giải ngày 23/6/2021, lời khai của bà Vg tại biên bản lấy lời khai ngày 15/7/2021 và lời khai của bà Hà Thị Z. Do vậy có căn cứ là ông ĐN mặc dù sinh sống tại địa phương và biết có người khác quản lý sử dụng lô đất của mình được Nhà nước giao trồng cây trong thời gian dài gần 20 năm, từ năm 2001 đến năm 2020 nhưng không có ý kiến gì là bỏ mặc không thực hiện nghĩa vụ của người được giao đất rừng. Thứ hai, về số lượng cây hồi được trồng trên lô đất số 48a, gia đình ông ĐN căn cứ vào 02 hợp đồng trồng rừng năm 1999 và năm 2000 với số lượng cây hồi nhận theo dự án là 500 cây và biên bản nghiệm thu trồng rừng Pam ngày 5/12/2000 và biên bản 20/10/2001, tuy nhiên theo phía bị đơn cho là 4 cây hồi trên đất hiện nay do gia đình bị đơn trồng, lô đất số 48a vẫn do gia đình bị đơn quản lý, sử dụng đến nay và không có việc ông ĐN trồng hồi trên lô đất số 48a, số hồi gia đình ông ĐN nhận theo các hợp đồng được trồng tại vị trí khác, thực tế hiện nay tại địa điểm thẩm định trên đất chỉ còn lại 04 cây hồi, số lượng cây còn rất ít và không đáng kể so với biên bản nghiệm thu là 425 cây. Bên cạnh đó, việc nghiệm thu cây hồi trên thực tế vào năm 2000 và năm 2001 theo lời khai của ông Đinh Văn Th là trưởng xóm, thì ông được ký vào biên bản nghiệm thu cây ngày 02/10/2001 nhưng không có việc kiểm tra tất cả các hộ được giao cây trồng theo dự án Pam mà chỉ kiểm tra ngẫu nhiên trong các hộ ông Th, ông Bộ…để lấy tỉ lệ ghi vào biên bản nghiệm thu cho cả thôn. Với những lời khai và xác nhận nêu trên, chưa có căn cứ xác định gia đình ông ĐN có trồng cây được nhận theo hợp đồng hay không, tỉ lệ cây hồi trên đất bao nhiêu chưa được làm rõ, việc ký và lập biên bản nghiệm thu dù không kiểm tra trên thực tế. Với số lượng cây hồi thực tế còn trên đất, có căn cứ cho thấy gia đình ông ĐN không thực hiện việc chăm sóc bảo vệ cây trên đất trong một thời gian dài là chưa thực hiện đầy đủ việc chăm sóc và bảo vệ cây rừng của người được Nhà nước giao rừng. Với những căn cứ về quá trình quản lý và số lượng cây trồng trên đất nêu trên cần xem xét ông ĐN là người được Nhà nước giao rừng nhưng vi phạm quy định về bảo vệ và phát triển rừng tại Điều 14, khoản 2 Điều 41 Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 1991, Điều 206 Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2005.

Về việc quản lý sử dụng lô đất rừng của gia đình ông C, đã có quá trình quản lý, sử dụng lô đất số 48a từ trước thời điểm Nhà nước giao đất cho gia đình nhà ông ĐN, việc quản lý, sử dụng đất của gia đình nhà ông C thời cha ông, đã trồng một số cây trám, cây sở. Việc ông bà, bố mẹ của ông C trồng cây trên đất và quản lý sử dụng cây trên đất có xác nhận của một số người làm chứng như bà Đàm Thị T, ông Đinh Xuân D, trên thực tế trong quá trình quản lý, sử dụng lô đất số 48a, gia đình ông C đã trồng và chăm sóc rất nhiều loại cây trám, mai, quế, hồi, khế, hàng năm vẫn thu hoạch các sản phẩm. Tại biên bản thẩm định của Tòa án nhân dân huyện TA, tỉnh Cao Bằng có xác định các loại cây trồng trên đất, theo phía bên nguyên đơn xác nhận gia đình ông C cũng có quá trình quản lý sử dụng lô đất rừng đang tranh chấp trên 20 năm, do vậy, việc buộc gia đình ông C phải chặt và thu dọn số lượng cây lớn như vậy ra khỏi lô đất số 48a là không phù hợp với quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng. Với những căn cứ nêu trên, đề nghị HĐXX xem xét giải quyết chấp nhận kháng cáo của bị đơn Đinh Vĩnh C.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án:

Về nguồn gốc đất tranh chấp: Là đất rừng do UBND huyện TA giao rừng và đất lâm nghiệp để quản lý bảo vệ và phát triển sản xuất kinh doanh về lâm nghiệp cho hộ gia đình ông Đinh Văn ĐN theo Quyết định số 100/QĐ-UB ngày 21/10/1995 được sử dụng lâu dài đất lâm nghiệp thuôc BV, xã ĐL với diện tích 10.000m2 tại lô 48a. Ngày 24/11/1995 các cơ quan chuyên môn lập biên bản giao nhận rừng và đất để trồng rừng cho ông Đinh Văn ĐN tại hiện trường.

Ngày 01/01/1999 Ban quản lý dự án ký hợp đồng khoán trồng rừng hộ phân tán số 152 để trồng hồi với diện tích 0,2ha với ông Đinh Văn ĐN.

Ngày 14/02/2000 Ban quản lý sự án PAM – 5233 huyện TA ký hợp đồng trồng rừng với gia đình ông Đinh Văn ĐN trồng hồi lại lô 48a tại khu vực Khau Lùng. Ngày 20/6/2000 hộ ông ĐN được cấp phát lương thực (gạo). Ngày 05/12/2000 có Biên bản nghiệm thu trồng rừng PAM. Ngày 20/10/20001 nghiệm thu chăm sóc rừng trồng PAM năm thứ 2. Sau khi nhận đất gia đình ông ĐN vẫn quản lý và sử dụng. Ngày 05/10/2020 bà H đi phát đồi thì gặp ông C đi bóc quế tại lô đất của gia đình nên đã B cáo chính quyền địa phương và xảy ra tranh chấp.

Ngày 30/10/2020 xã tiến hành hòa giải (BL 16) giữa gia đình nguyên đơn ông Đinh Văn Đ và bị đơn ông Đinh Vĩnh C. Nhưng người ký Biên bản nguyên đơn lại là Vi Thị H. Ngày 11/12/2020 tại nhà riêng xóm BV, ĐL ông Đinh Hồng Đ (tên gọi khác: Đinh Văn ĐN) ủy quyền cho bà Vi Thị H (BL 03) có xác nhận của chính quyền địa phương tại UBND xã. Ngày 24/12/2020 bà Vi Thị H làm đơn khởi kiện. Ngày 26/12/2020 Tòa án nhân dân huyện TA đã nhận đơn khởi kiện của bà H. Ngày 06/01.2021 bà H nộp tạm ứng án phí, cùng ngày Tòa án đã thụ lý vụ án; ngày 07/01.2021 thông B về việc thụ lý vụ án. Ngày 5/3/2021 bà H, ông C làm bản tự khai. Ngày 28/4 và 18/5/2021 Tòa án tiến hành lấy lời khai của nguyên đơn, bị đơn, người làm chứng (không có ông ĐN); Ngày 04/6/2021 Tòa án tiến hành lấy lời khai của người làm chứng ông Đinh Văn ĐN (BL 61); Ngày 23/6/2021 tiến hành kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ giữa nguyên đơn Vi Thị H và bị đơn Đinh Vĩnh C, đồng thời tiến hành hòa giải cùng ngày.

Ngày 16/7/2021 tại nhà riêng xóm BV, xã ĐL ông Đinh Hồng Đ (tên gọi khác: Đinh Văn ĐN) làm ủy quyền cho vợ tôi là Vi Thị H nhưng bên ủy quyền ký tên lại là Đinh Văn B.

Về tố tụng: Vi phạm Điều 5, khoản 2 Điều 68, Điều 97 BLTTDS. Thể hiện: Tại Quyết định giao đất cho ông Đinh Văn ĐN, tại Giấy ủy quyền ông ĐN có tên gọi khác là Đinh Hồng Đ (Theo Giấy chứng nhận bệnh binh kèm theo), Biên bản hòa giải lại là Đinh Văn Đ và người ký tên tại Biên bản hòa giải lại là Vi Thị H nhưng cấp sơ thẩm không kiểm tra, không tiến hành xác minh, không yêu cầu nộp chứng minh thư nhân dân để đối chiếu.

Vi phạm Điều 186; khoản 4 điểm g Điều 189 BLTTD, tại Quyết định của UBND huyện giao đất lâm nghiệp cho hộ gia đình ông Đinh Văn ĐN lô đất 48a nhưng ông ĐN không phải là người làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình mà người đứng tên khởi kiện là bà Vi Thị H.

Sau khi nhận được đơn khởi kiện Tòa án cấp sơ thẩm đã không yêu cầu người khởi kiện sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện là vi phạm khoản 3 Điều 191 BLTTDS.

Tại bản án của Tòa án cấp sơ thẩm: Mục ghi người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn Luật sư N và Luật sư T nhưng không ghi thuộc Văn phòng luật sư nào, thuộc đoàn luật sư của tỉnh nào là chưa đúng, chưa đầy đủ.

Về nội dung: Tại phần trình bày của nguyên đơn ông ĐN trình bày, tuy nhiên nguyên đơn trong bản án không có ai tên là ĐN.

Tại phần quyết định của bản án tuyên: trả lại diện tích 6.800,7m2 tranh chấp nằm tại lô đất số 48a, tứ cận: Phía Đông giáp khu Mộ của làng và một phần là taly dưới taly là đường mòn, bên kia đường mòn là đất được giao cho hộ ông Đinh Văn Th; Phía Tây là phần đất còn lại thuộc lô 48a, tiếp giáp với đường Đông Khê – ĐL; Phía Nam giáp đường mòn Khau Lùng, một phần đất bà Đàm Thị Vg và một phần đất thuộc lô 48a; Phía Bắc giáp đất bà Hà Thị Z.

Tuy nhiên theo Biên bản thẩm định tại chỗ ngày 01/4/2021 (BL 36, 37a) thì vị trí thửa đất đang tranh chấp nằm tại thửa 48a, diện tích 10ha theo bản đồ giao đất 1995. Theo bản đồ đo đạc năm 2005 và dùng máy GFS định vị thì vị trí tranh chấp và diện tích đang tranh chấp là tại thửa 291, diện tích tranh chấp là 6.800,7m2, có tứ cận: Đông giáp khu đất theo bản đồ là UBND xã ĐL quản lý (hiện nay ông Th đang quản lý sử dụng); Phía Tây giáp đường quốc lộ 34b; Nam giáp đường Khau Lùng (đường cũ và đất bà Vg đang quản lý). Theo bản đồ đo đạc năm 2005 thì thửa đất: Bắc; Đông; Nam là giáp đất trồng cây lâu năm thửa 277, diện tích 48458m2 .

Như vậy là chưa rõ ràng, chưa phù hợp với sơ đồ thửa đất tranh chấp, có sự mâu thuẫn về thửa đất tranh chấp và tứ cận tiếp giáp. Từ những phân tích trên, xét thấy bản án sơ thẩm số 10 ngày 10/8/2021 của Tòa án nhân dân huyện TA, tỉnh Cao Bằng đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Đề nghị HĐXX căn cứ khoản 3 Điều 308 BLTTDS năm 2015, hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ cho cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án.

Sau khi xem xét đơn kháng cáo; tài liệu chứng cứ đã được kiểm tra, xem xét tại phiên tòa; kết quả tranh tụng tại phiên tòa; quan điểm giải quyết vụ án của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về tố tụng: Tại giấy ủy quyền của ông Đinh Hồng Đ cho bà Vi Thị H là người đại diện hợp pháp của nguyên đơn đề ngày 11/12/2020, tại đơn khởi kiện đề ngày 24/12/2020, người khởi kiện là bà Vi Thị H, trú tại Thôn Bản BV xã ĐL, huyện TA, tỉnh Cao Bằng. Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý vụ án ngày 06/01/2021. Tuy nhiên tại bản án dân sự sơ thẩm số 10/2021/DS-ST ngày 10/8/2021 Tòa án cấp sơ thẩm lại xác định nguyên đơn là ông Đinh Hồng Đ, bà Vi Thị H là người đại diện hợp pháp theo ủy quyền của nguyên đơn, phần quyết định của bản án lại tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Vi Thị H. Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định sai tư cách tham gia tố tụng của các đương sự.

Ngày 20/9/2021 Tòa án nhân dân huyện TA, tỉnh Cao Bằng ban hành Quyết định sửa chữa, bổ sung bản án sơ thẩm số 363/2021/QĐ-SCBSBA. HĐXX xét thấy, việc Tòa án nhân dân huyện TA, tỉnh Cao Bằng sửa chữa bổ sung bản án không khắc phục được những vi phạm thủ tục tố tụng.

Việc xác định không đúng tư cách tham gia tố tụng của đương sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng tại khoản 2 Điều 68 BLTTDS, về việc xem xét, thẩm định tại chỗ có sự mâu thuẫn về thửa đất tranh chấp và tứ cận tiếp giáp, đồng thời chưa rõ ràng, chưa phù hợp với sơ đồ thửa đất tranh chấp, cấp phúc thẩm không thể khắc phục được, do đó cần hủy bản án giao cho cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án với thành phần hội đồng xét xử khác theo đúng với quy định của pháp luật.

[2] Về án phí: Do kháng cáo của bị đơn được chấp nhận nên bị đơn không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm, án phí sơ thẩm sẽ được xác định lại khi giải quyết vụ án theo thủ tục dân sự sơ thẩm.

[3] Về ý kiến của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng là có căn cứ, phù hợp với nhận định của HĐXX phúc thẩm nên cần chấp nhận.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 3 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

1. Chấp nhận kháng cáo của bị đơn Đinh Vĩnh C.

Huỷ bản án dân sự sơ thẩm số 10/2021/DS-ST ngày 10/8/2021 của Toà án nhân dân huyện TA, tỉnh Cao Bằng về “Tranh chấp đất rừng”.

Chuyển hồ sơ cho Toà án nhân dân huyện TA, tỉnh Cao Bằng giải quyết lại vụ án theo thủ tục dân sự sơ thẩm với thành phần hội đồng xét xử khác.

2. Về án phí: Ông Đinh Vĩnh C không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Ông Đinh Vĩnh C được trả lại 300.000đ tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm theo biên lai số AA/2016/0000733 ngày 23/8/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện TA, tỉnh Cao Bằng. Nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm sẽ được xác định lại khi cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1382
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về Tranh chấp đất rừng số 54/2021/DS-PT

Số hiệu:54/2021/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Cao Bằng
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 20/12/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;