Bản án về tranh chấp chia thừa kế số 13/2021/DS-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

BẢN ÁN 13/2021/DS-PT NGÀY 21/05/2021 VỀ TRANH CHẤP CHIA THỪA KẾ

Ngày 21 tháng 5 năm 2021, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Hưng Yên xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 05/2021/TLPT-DS ngày 05 tháng 02 năm 2021 về việc “Tranh chấp về thừa kế tài sản”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 13/2020/DS-ST ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Toà án nhân dân huyện  bị kháng cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 02/2021/QĐ-PT ngày 04 tháng 3 năm 2021, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn:

+ Bà Phạm Thị N, sinh năm 1963 (có mặt);

+ Anh Nguyễn Văn B, sinh năm 1992 (có mặt);

Đều trú tại: Thôn 2, xã H, huyện Â, tỉnh Hưng Yên.

2. Bị đơn: Ông Nguyễn Văn Q, sinh năm 1965 (vắng mặt);

HKTT: Thôn 2, xã H, huyện Â, tỉnh Hưng Yên.

Hiện trú tại: Ấp M1, xã N1, huyện P1, tỉnh Hậu Giang.

Người đại diên theo ủy quyền của ông Q: Bà Đỗ Thị T, sinh năm 1956;

trú tại: Thôn 2, xã H, huyện Â, tỉnh Hưng Yên (có mặt).

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

+ Ông Nguyễn Văn S, sinh năm 1957 (vắng mặt);

Địa chỉ: Đội 15, xã Q1, huyện Q2, tỉnh Thái Bình.

+ Ông Nguyễn Văn Y, sinh năm 1958 (có mặt);

Trú tại: Thôn 2, xã H, huyện Â, tỉnh Hưng Yên

+ Bà Nguyễn Thị C, sinh năm 1972 (có mặt);

Trú tại: Thôn 6, xã H, huyện Â, tỉnh Hưng Yên.

+ Bà Nguyễn Thị U, sinh năm 1969 (có mặt);

Trú tại: Thôn C1, xã U1, huyện X, tỉnh Hưng Yên.

+ Ông Trần Bắc I, sinh năm 1947 (vắng mặt);

Trú tại: Thôn H1, thị trấn A, huyện F, tỉnh Hải Dương

+ Chị Nguyễn Thị Ư, sinh năm 1989; trú tại: Thôn D1, xã H1, huyện Â, tỉnh Hưng Yên (có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện và lời khai của nguyên đơn bà Phạm Thị N trình bày: Cụ Nguyễn Văn X, cụ Lê Thị Ơ có 07 người con là: Nguyễn Văn A(Liệt sĩ hy sinh năm 1972); Nguyễn Văn Y, Nguyễn Văn P, Nguyễn Văn Q, Nguyễn Thị C, Nguyễn Thị U, Nguyễn Văn S, ngoài ra cụ Ơ còn có người con riêng là Trần Bắc I. Cụ Ơ mất năm 2010, cụ X mất năm 2019. Bà N kết hôn với ông P, năm 2016 ông P chết. Bà và ông P sinh được 02 người con là Nguyễn Thị Ư và Nguyễn Văn Q.

Năm 1998, khi còn sống cụ Ơ, cụ X phân chia đất cho các con trai cụ thể là: Cho anh S đất bên cạnh nhà có 6m mặt đường dài theo đất thổ của gia đình, anh Y đã mua cho đất ở cửa anh Luyện Rồng, ông Q cho đất bên cạnh ông Ô, ông Q đã bán cho bà I và vào Nam làm ăn. Còn vợ chồng bà và cháu B. Cụ X và cụ Ơ đã di chúc cho vợ chồng bà và cháu B phần diện tích đất ở còn lại là 148m2 và phần ao còn lại thì có mốc giới từ nhà M đến nhà Ă với giá 4.000.000 đồng, theo biên bản xác minh mốc giới thửa đất năm 1998 và bản di chúc lập năm 2002, đến năm 2011, cụ X vẫn khẳng định thửa đất ở để cho vợ chồng bà. Tất cả bản di chúc năm 2002, 2011 đều có trưởng thôn ký, đối với di chúc năm 2011 còn có xác nhận của UBND xã H. Việc lập di chúc trên các anh, em nhà chồng bà hoàn toàn biết và đồng ý. Năm 2010, cụ Ơ mất nhưng không hề có bất cứ văn bản nào để thay thế di chúc đã lập. Năm 2016, chồng bà bị bệnh mất, khi chết không lại di chúc. Sau khi chồng bà mất thì cụ X vào trong Nam với ông Q, được 2 tháng thì cụ X lại về ở với mẹ con bà, ngày 27/7/2017 ông Q về đón cụ X đi.

Ngày 27/7/2017, cụ X họp gia đình gồm có: Bà T, ông Q, cô U, cô C, ông Đ, bà M, bà, cụ X tuyên bố cho vợ chồng bà thửa đất ở trên đất có ngôi nhà tình nghĩa, giao cho cháu B quản lý để thờ cúng. Có lập biên bản cuộc họp. Sau cuộc họp này cụ X vẫn trong Nam ở, bà thấy cụ không về nữa, đến khi cụ X chết đầu năm 2019 thì các con trong Nam mới đưa cụ về ngoài này để an táng. Đến 49, 50 ngày thì ông Q về và đọc di chúc, lúc này có trưởng thôn là ông D, phó thôn đến, nội dung di chúc được lập năm 2018 là để làm nhà thờ, nhưng bà không đồng ý vì bà có bảo thửa đất này cụ X đã cho vợ chồng bà và cháu B nên bà đã đi về. Từ đó, ông Q về thửa đất đó ở, sau này thì vợ chồng bà T ở thửa đất này. Đến nay bà vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện đề nghị Tòa chấp nhận di chúc năm 2002, 2011, hủy bỏ di chúc năm 2018 để buộc ông Q phải trả mẹ con bà QSD 148 m2 đất ở và công nhận QSD đất ao của vợ chồng bà đã mua của cụ X, cụ Ơ năm 2002, công nhận tặng cho QSD đất nông nghiệp có diện tích 1540,8m2.

Anh B và chị Như Ư trí với quan điểm của bà N Bị đơn ông Nguyễn Văn Q, đại diện theo ủy quyền của bị đơn là bà T cùng những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bà C, ông S, ông Y và bà U trình bày: Việc bà N trình bày về diện và hàng thừa kế cũng như quan hệ giữa bà N với ông P là đúng. Quá trình chung sống cụ Ơ, cụ X có tạo dựng được tài sản là ngôi nhà tình nghĩa là do gia đình liệt sỹ nên được xây dựng trên đất của cụ Ơ và cụ X, diện tích khoảng 148m2 đất ở, có 01ao còn lại là 144m2 (đo thực tế 217 m2 chưa tính phần bà N bán cho ông K vượt quá 21 m2) tại thôn 2, H, Â, Hưng Yên. Sau khi các con trai trưởng thành thì đều xây dựng gia đình, ở một thời gian với bố mẹ, sau đó đều ra ở riêng. Toàn bộ tài sản do hai cụ quản lý, đến năm 2010 thì cụ Ơ mất, không để lại di chúc, toàn bộ tài sản do cụ X quản lý. Năm 2016 cụ X vào trong Nam ở với ông Q, tài sản của hai cụ đóng cửa để đó, không ai quản lý. Trước khi chết cụ X có để lại di chúc, nội dung di chúc: Toàn bộ diện tích 148m2 đất ở và ngôi nhà tình nghĩa để làm nhà thờ hai liệt sỹ, không cho con cái nào hết, đối với đất ao cũng nằm trong khuôn viên đất nên không cho ai mà để làm nhà thờ, trong di chúc có giao cho 3 con trai gồm có ông Y, ông S, ông Q trông nom. Việc bà N khởi kiện đòi chia di sản thừa kế của hai cụ theo di chúc năm 2002, 2011 là do khi cụ X còn sống có hứa là cho vợ chồng ông P, bà N toàn bộ tài sản của hai cụ nhưng với điều kiện phải trông nom hai cụ, tuy nhiên vợ chồng ông P, bà N không trông nom, cụ X, cụ Ơ chết không có một đồng nào, toàn bộ do anh em lo liệu. Đối với QSD đất ruộng cụ X cho vợ chồng ông P, bà N năm 2016, tại biên bản họp gia đình ngày 27/7/2017 bà N đã trao trả cho ông Q để ông Q cấy nuôi cụ X, vì thế bà N không còn quyền gì đối với thửa ruộng của hai cụ. Do đó, việc bà N khởi kiện đòi chia di sản thừa kế của hai cụ theo di chúc 2002,2011 các bà không đồng ý mà đề nghị chấp nhận di chúc năm 2018. Đối với ông S đề nghị Tòa giải quyết vắng mặt. Bà U, bà C, ông Q, ông Y xác định nếu khi chia thừa kế phần di sản các ông bà được hưởng nhập vào di sản của cụ X để làm thờ cúng.

Ông S xác định không có đóng góp gì vào tài sản của hai cụ và đề nghị xét xử vắng mặt.

Ông I trình bày: Ông là con riêng của cụ Ơ, sau khi bố ông mất thì cụ Ơ lấy cụ X. Lúc đó ông mới 02 tuổi, ông ở với các chú, các bác, việc bà N khởi kiện đòi quyền sử dụng đất thừa kế ông xác định ông không liên quan và ông từ chối nhận di sản.

Lời khai của những người làm chứng:

Ông D trình bày: Ông làm trưởng thôn từ năm 2000. Năm 2002 ông có ký xác nhận cho bản di chúc của cụ X, cụ Ơ vào ngày 28/9/2002. Do thời gian lâu nên ông không nhớ nội dung bản di chúc. Năm 2011 ông lại xác nhận cho cụ X bản di chúc chuyển thừa kế đất thổ cư lập ngày 23/9/2011, ông khẳng định cả hai thời điểm lập di chúc thì cụ X đều minh mẫn. Cụ X, cụ Ơ ký là đúng. Mặc dù bà N, ông P không sống cùng hai cụ nhưng vẫn qua lại chăm sóc hai cụ rất tốt. Khi hai cụ để lại thửa đất đang tranh chấp cho vợ chông bà N. Đến sau này, ông không chứng kiến nhưng gia đình, người dân phản ánh bà N, ông P không chăm sóc, nuôi dưỡng cụ X, cụ Ơ mà còn đuổi các cụ. Vì vậy cụ X khi còn sống đã thay đổi di chúc vào năm 2018, cụ X trực tiếp đến UBND xã H xác nhận bản di chúc năm 2018, sau đó chủ tịch UBND xã có gọi ông đến ký vào nội dung bản di chúc miệng của cụ X. Ông có nói đã ký vào bản di chúc năm 2002, 2011 thì ông E chủ tịch có nói cụ X còn minh mẫn nên có quyền thay đổi nội dung di chúc, bản di chúc lập sau có hiệu lực. Sau đó ông ký với tư cách Trưởng thôn 2 H, ông E ký TM.UBND xã và bản di chúc này các bên đã ký, trước đó ông cũng đã ký văn bản huỷ bỏ các bản di chúc năm 2002, 2011.

Năm 2019 ông có ký xác nhận đơn đề nghị bán ao của bà Thảo đề ngày 26/7/2019, trước khi ký xác nhận ông đã hỏi bà Ă, bà T1 có sự thật là đã mua đất ao nên ông D ký xác nhận .

Ông E trình bày: Ông E làm chủ tịch từ tháng 7/2011. Tháng 9/2011 cụ X có lên UBND xã để xác nhận bản di chúc lập ngày 23/9/2011. Thời điểm này cụ X hoàn toàn minh mẫn, sáng suốt, đã có chữ ký xác nhận của trưởng thôn (Nguyễn Văn Trọng), có chữ ký của địa chính xã. Nội dung di chúc thể hiện thửa đất ở của cụ X di chúc để lại cho vợ chồng ông P, bà N thuộc quyền sử dụng đất của cụ X, tuy nhiên với điều kiện phải chăm sóc trông nom, nuôi dưỡng cụ X. Năm 2013 vợ chồng ông P, bà N cam kết là thửa đất của cụ X khi còn sống thì được toàn quyền nên ông E có ký xác nhận TM.UBND xã H. Đến năm 2018 cụ X cùng các con của cụ đến UBND xã để xác nhận bản di chúc ngày 25/01/2018 với nội dung thửa đất theo bản di chúc năm 2011 nhưng cụ X thay đổi di chúc với nội dung là thửa đất này không cho ai mà để làm nhà thờ. Tuy nhiên ông E chưa ký mà yêu cầu cụ X phải có văn bản huỷ bỏ các di chúc trước, nên cụ X đã có giấy huỷ di chúc liên quan tới đất thổ cư và những giấy tờ liên quan đến quyền lợi. Khi hai văn bản trên đều có xác nhận của trưởng thôn, thì ông E có hỏi cụ X, ông có đọc lại cho cụ X nghe cụ X nhất trí có điểm chỉ vào văn bản hủy bỏ di chúc và di chúc nên ông E đã thay mặt UBND xã ký xác nhận. Thời điểm này mặc dù cụ X tuổi cao, sức yếu nhưng vẫn hoàn toàn minh mẫn, sáng suốt. Trước khi ký thì ông E có yêu cầu xuất trình các bản di chúc trước đó nhưng cụ X nói bà N giữ, hỏi bà N thì bà N đã bảo mất. Khi ký xác nhận ông E không hỏi địa chính xã về hiện trạng thực tế của thửa đất nhưng ông E có hỏi cụ X và con cụ X khẳng định không có gì thay đổi và nguyện vọng của cụ X theo di chúc là hoàn toàn chính đáng nên ông E ký xác nhận, không lưu bản di chúc nào tại xã.

Bà M trình bày: Bà M là hàng xóm của cụ X và ở đây hơn 30 năm, cụ X ở ngay bên cạnh đất nhà bà M. Cụ X, cụ Ơ sinh được 07 người con, gồm 05 trai, 02 gái, 01 con trai đã hy sinh. Khi các con của hai cụ lấy chồng, lấy vợ thì mỗi người sống một nơi. Cụ ở với vợ chồng ông P, bà N được một thời gian đến khi ông P ốm mệt thì con trai trong Miền Nam đón cụ vào chơi. Đến khi ông P mất thì cụ X ở nhà, ngày 27/7/2017 gia đình cụ có họp gia đình và gọi tôi đến để chứng kiến, khi bà đến thì có các con của cụ gồm bà T, ông Q, bà N, bà U, bà C. Nội dung họp cụ X quyết định cho cháu B (con trai ông P, bà N) toàn bộ đất ở và 01 ngôi nhà tình nghĩa để thờ cúng, còn bà N trả cho ông Q 04 sào 02 miếng 8 ruộng để ông Q cấy. Khi xong thì con gái là bà C là người viết biên bản và những người có mặt ký tên. Sau khi mọi người ký xong thì bà N đưa giấy ruộng cho ông Q.

Việc cho đất của các cụ như thế nào thì bà M không rõ, bà chỉ biết khi hai cụ còn sống thửa đất của hai cụ, một phần cho ông S giáp đất nhà bà M, sau đó bán cho ông Q, một phần cho ông Q nay bà T1 quản lý, sử dụng, còn ở giữa là đất của cụ X. Đối với thửa đất ao thì cụ X bán cho bà N, ông P, hiện trạng toàn bộ khu đất này đều có ao đằng sau. Trước đó đo đạc thì nhà bà, nhà ông T1 đã chuyển đổi đất ao thành đất ở, còn gia đình cụ X, ông Q có ao do bán cho bà N nên thửa đất vẫn có ao mà chưa chuyển đổi. Vài năm trước bà N bảo bố nuôi múc đất ở ruộng 03 vượt lập vào đất ao giáp đất nhà bà M. Việc ai trả tiền bà M không nhớ, lúc đó cụ X vẫn đang ở nhà. Bà N đã vượt lập được 01 phần đất ao, cụ thể hết phần đất ở ông Q thẳng xuống, còn phần đất ở nhà cụ X, nhà bà T1 thì phần ao vẫn chưa vượt lập được vẫn là thùng vũng. Việc hai cụ khi còn sống bán toàn bộ đất ao cho bà N thì tôi không chứng kiến. Việc cụ Ơ biết chữ hay không thì tôi không rõ.

Ông G trình bày: Ông G làm địa chính xã từ năm 1986 đến năm 2017 thì nghỉ chế độ. Trong thời gian làm địa chính thì ông G có 03 bản đồ thể hiện ở bản đồ năm 299 đo đạc năm 1986, bản đồ đo đạc năm 1998, bản đồ chỉnh lý năm 2016. Đối với thửa đất của cụ X ở thôn 2, xã H là của cụ X. Năm 1998 cụ X lên UBND xã đề nghị đo đạc tách đất cho con, cụ thể tách cho anh S, còn cho anh Phong thửa số 59 có diện tích 148m2 nhưng đến khi nào các cụ chết thì đất này mới chuyển. Vì thế biên bản xác định mốc giới thửa đất đã thể hiện và đã sơ hoạ thửa đất như trong biên bản xác định mốc giới là đúng. Trong bản đồ năm 1998 thì thửa đất của cụ X tách làm 03 thửa, một thửa đã bán cho gia đình ông T2, một thửa đứng tên ông S (con cụ X), một thửa đứng tên cụ X. Năm 2011 cụ X lên UBND xã chứng thực di chúc, thì kiểm tra bản đồ, sổ mục kê thửa đất số 59, tờ bản đồ số 25 vẫn đứng tên cụ X. Việc lập di chúc của cụ X khi cụ hoàn toàn minh mẫn, sáng suốt đúng nguyện vọng của cụ nên ông E đã ký vào xác nhận. Khi cụ X lên UBND xã đề nghị tách đất cho con thì cụ không có đơn, hay giấy tờ gì vì vậy UBND xã không lập hồ sơ. Hơn nữa cụ X chỉ để cho anh P khi hai cụ chết, còn chỗ đất của ông S thì đã cho và tách đất luôn. Khi tiến hành đo đạc thì các cụ và các con nhất trí, không có ý kiến gì. Năm 1993 có chủ trương chia ruộng theo Nghị quyết 03, riêng xã H không có việc diện tích thừa đất ở trừ vào đất ruộng, nếu có diện tích thừa thì trừ vào ruộng công điền.

Ông Đỗ Ngọc K trình bày: Ông và cụ X, các con của cụ X không có quan hệ gì với nhau. Năm 2013 ông K có nhận chuyển nhượng 165 m2 đất, cụ thể có cạnh như: Phía đông giáp đất của ông K, phía Tây giáp đất của ông Ă, phía Nam giáp ruộng, phía Bắc giáp nhà bà M. Hai bên đã thoả thuận số tiền là 46.000.000 đồng, ông K đã trả đủ số tiền trên cho bà N, ông P, có cụ X chứng kiến, có xác nhận của ông D trưởng thôn. Hai bên có làm giấy nhượng lại đất thổ cư đề ngày 15/10/2003, hai bên không ra UBND xã. Sau khi nhận chuyển nhượng các bên đã đo đạc, cắm mốc 04 cạnh và hiện trạng thực tế thửa đất vẫn không thay đổi. Ông K không có yêu cầu gì về việc mua bán giữa ông K và vợ chồng bà N. Nay giữa ông K và các con của cụ X không có tranh chấp gì đối với phần diện tích đất ao mà ông K đã mua của bà N, ông P nên ông K không yêu cầu Toà án xem xét giải quyết.

Tại bản án số 13/2020/DS-ST ngày 31 tháng 12 năm 2020 của TAND huyện Â, tỉnh Hưng Yên đã quyết định: Căn cứ:

- Điều 26, Điều 35, Điều 39, Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự;

- Điều 657, 659 Bộ luật dân sự năm 1995; Điều 305; Điều 459; Điều 502, Điều 611, Điều 612, Điều 613, Điều 623, Điều 625, Điều 630, Điều 635, Điều 636, Điều 645, Điều 650, Điều 651; Điều 658, Điều 660 Bộ luật Dân sự;

- Điều 168; 190 Luật đất đai;

- Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình; Khoản 4 Điều 26; Khoản 7 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà N, anh B 2. Không chấp nhận yêu cầu về việc chấp nhận di chúc năm 2002, 2011. Chấp nhận một phần hủy bỏ di chúc năm 2018 của cụ X.

3. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà N về việc công nhận việc tặng cho QSD đất nông nghiệp của cụ X cho vợ chồng bà N, ông P có diện tích 770,4m2 4. Xác định di sản chung của cụ Ơ, cụ X gồm có: Diện tích đất ở là 148m2 trị giá 222.000.000 đồng, đất ao có diện tích 217m2 trị giá 17.360.000 đồng, bể nước trị giá 1.443.600 đồng, giếng khoan trị giá 1.655.400 đồng; ngôi nhà tình nghĩa trị giá 46.956.000 đồng. Tổng giá trị tài sản là: 272.055.000 đồng. Trích trả công vượt lập ao của bà N là 1.000.000 đồng, tài sản còn lại là 271.055.000 đồng.

Ngoài ra di sản của cụ Ơ còn có 770,4 m2 QSD đất nông nghiệp trị giá 61.632.000 đồng.

Phần di sản của cụ Ơ chia cho các thừa kế ông Y, ông S, ông Q, bà C, bà U, ông P (bà N, anh B hưởng), mỗi người được hưởng là: [271.055.000 đồng :2] + 61.632.000 đồng = 197.159.500 đồng : 7 = 28.165.642 đồng Phần di sản của cụ X gồm có: Diện tích đất ở là 148 m2 : 2 = 74 m2; đất ao có diện tích 108,5 m2; ½ ngôi nhà tình nghĩa, ½ bể nước, ½ giếng khoan và phần di sản của cụ X được hưởng từ di sản của cụ Ơ. Cụ X đã để lại di chúc để làm nơi thờ cúng.

Ghi nhận kỷ phần của bà U, bà C, ông Q, ông Y được hưởng của cụ Ơ nhập vào di sản của cụ X để làm thờ cúng.

5. Giao các bên hiện vật như sau:

Xác định phần di sản của cụ X là thửa đất số 59 tờ bản đồ số 25 có diện tích 74m2 và di sản của cụ Ơlà 74m2, tổng diện tích là 148m2 để thờ cúng, tạm giao cho ông Nguyễn Văn Q trông nom theo hình ABCD có các cạnh như sau:

Phía đông giáp đất ông K dài 23,80m Phía tây giáp đất ông Q dài 23,10m Phía nam giáp đất ao của cụ X dài 5,86m Phía bắc giáp đường bê tông dài 6,62m Trên đất có 01 ngôi nhà tình nghĩa, 01 bể nước, 01 cổng, tường bao 6,62m, 01 giếng khoan.

Đối với đất ao: Xác định phần di sản của cụ X, cụ Ơ là thửa đất số 68 tờ bản đồ số 25 có diện tích còn lại là 217m2 để thờ cúng theo hình CDEF, tạm giao cho ông Nguyễn Văn Q trông nom có các cạnh như sau:

Phía đông giáp đất ao đã bán cho ông K dài 19m Phía tây giáp đất bà M dài 16,64m Phía nam giáp đất ao của UBND xã quản lý dài 5,6m, giáp đất ao của ông P dài 5,7m Phía bắc giáp đất ở của cụ X dài 5,86m, đất ở của ông Q dài 5,7m Đối với QSD đất nông nghiệp: Giao bà N được quyền sử dụng thửa đất ruộng thuộc cánh đồng mái I tờ bản đồ số 06 có diện tích 1540,8m2 và bà T có trách nhiệm giao trả bà N theo hình GHIK, có các cạnh như sau:

Phía Đông giáp đường 200 mới dài 18,37m Phía tây giáp cánh đồng mái I dài 18,37m Phía Nam giáp ruộng ông Odài 83,90m Phía Bắc giáp ruộng ông L dài 84,10m Có sơ đồ kèm theo 6. Sau khi đối trừ công sức là 1.000.000 đồng, bà N có trách nhiệm trả ông Sơn kỷ phần thừa kế được hưởng của cụ Ơ là 28.165.642 đồng. Bà N có trách nhiệm trả ông Q, bà U, bà C, ông Y kỷ phần thừa kế được hưởng của cụ Ơ, mỗi người là 1.075.000 đồng.

Ngoài ra bản án còn quyết định về án phí, quyền kháng cáo bản án.

Ngày 11 tháng 01 năm 2021, bà Phạm Thị N kháng cáo yêu cầu Toà án cấp phúc thẩm tuyên bố di chúc miệng được lập năm 2018 không có hiệu lực vì lúc đó cụ X ốm không thể ra UBND xã làm thủ tục chứng thực di chúc được; Chia di sản thừa kế của cụ Nguyễn Văn X và cụ Lê Thị Ơ theo nội dung di chúc được lập năm 2002 và di chúc được lập năm 2011; Công nhận giấy cho đất ruộng được lập năm 2016, yêu cầu bà Đỗ Thị T giao trả cho bà 1.540,8m2 đất nông nghiệp.

Ngày 09 tháng 01 năm 2021 bà Nguyễn Thị U kháng cáo yêu cầu bà N phải trả 36m2 đất ao và không chia cho bà N đất nông nghiệp thờ cúng liệt sỹ.

Tại cấp phúc thẩm: Các đương sự vẫn giữ nguyên quan điểm đã trình bày trên. Ngoài ra các đương sự đều xác định cụ Ơ không biết chữ, bà N xác định di chúc năm 2002 do cụ X và cụ Ơ lập bà không chứng kiến, nhưng có ông Ô viết hộ, một tháng sau bà mới biết, sau khi đưa đủ số tiền 4.000.000 đồng để mua 4 miếng ao của cụ X thì có nhờ ông D trưởng thôn ký. Bà U xác định khi đo thực tế bà N chuyển nhượng vượt quá 21m2 cho ông K, do đó yêu cầu Hội đồng xét xử nhập 21 m2 đất ao này vào làm di sản thừa kế và chia theo quy định của pháp luật, giao cho bà N được sử dụng. Đối với tài sản là trụ cổng, tường bao trên đất do bà Thảo, bà U, bà C, ông Y xây dựng nhưng các đương sự không yêu cầu nên Hội đồng xét xử không xem xét.

Quan điểm của đại diện VKSND tỉnh Hưng Yên:

Về thủ tục tố tụng: Thẩm phán và Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, xác định đúng tư cách của những người tham gia tố tụng. Đối với người tham gia tố tụng đã chấp hành quy định của pháp luật.

- Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử tạm dừng phiên tòa để xác minh làm rõ trình tự lập di chúc của cụ X tại Ủy ban nhân dân xã H.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét, đánh giá toàn diện chứng cứ, Hội đồng xét xử nhận định:

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về tố tụng:

 [1.1] Ông Nguyễn Văn Q, ông Nguyễn Văn S và ông Trần Bắc I đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ 2 nhưng vẫn vắng mặt, căn cứ vào khoản 3 Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử xử vắng mặt những người trên là phù hợp.

[1.2] Đối với cấp sơ thẩm quá trình giải quyết có căn cứ xác định cụ X và cụ Ơ chuyển nhượng cho vợ chồng ông P và bà N 04 miếng (144m2) ao, tuy nhiên khi xem xét thẩm định tại chỗ thì phần diện tích ao mà vợ chồng ông P, bà N chuyển nhượng cho ông Đỗ Ngọc K là 165m2 ao (vượt quá 21m2 ao là phần xác định là di sản thừa kế của cụ Ơ và cụ X) trong khi đó về phía bị đơn vẫn có quan điểm yêu cầu xem xét phần diện tích đất ao này lại không đưa ông Đỗ Ngọc K tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Lẽ ra tòa án cấp phúc thẩm phải hủy án, tuy nhiên tại phiên tòa phúc thẩm về phía đại diện theo ủy quyền của bị đơn và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là bà U, bà C và ông S có quan điểm đề nghị Hội đồng xét xử khi xét xử nhập phần diện tích đất ao này vào di sản thừa kế nhưng giao cho bà N sử dụng (trừ vào kỷ phần thừa kế của ông P được hưởng). Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy quan điểm của bị đơn và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trên là phù hợp, nên không cần thiết phải hủy bản án sơ thẩm. Về phần này cấp sơ thẩm cần nghiêm túc rút kinh nghiệm.

[2] Về nội dung: Xét yêu cầu kháng cáo của các đương sự

[2.1] Đối với yêu cầu kháng cáo của bà Phạm Thị N:

[2.1.1] Về kháng cáo cho rằng di chúc miệng do cụ X lập năm 2018 là vô hiệu không có hiệu lực:

- Xét thấy về di sản thừa kế: Theo cung cấp của UBND xã H và lời khai của các đương sự, biên bản xem xét thẩm định tại chỗ thì di sản thừa kế của cụ Ơ và cụ X là phần diện tích đất tại thửa số 59, tờ bản đồ số 25 diện tích 148m2 đất ở và 217m2 đất ao (chưa tính 21m2 đất ao bà N đã bán cho ông K), 01 ngôi nhà tình nghĩa cùng bể nước, giếng khoan và 1540.8m2 đất nông nghiệp.

- Xét về di chúc năm 2018, theo ông Nguyễn Văn D là trưởng thôn 2 và lời khai của ông Nguyễn Trọng V cán bộ tư pháp xã, thì năm 2018, cụ X có đến UBND xã H làm thủ tục hủy bỏ các di chúc trước đó và lập di chúc để định đoạt tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại thửa số 59, tờ bản đồ số 25 của cụ Ơ và cụ X, phù hợp với lời khai của ông Chu Văn E là Chủ tịch UBND xã H cung cấp xác định ngày 25/01/2018 cụ X được các con của cụ đưa cụ X đến UBND xã làm thủ tục hủy bỏ các di chúc trước đó và chứng thực di chúc để định đoạt tài sản, khi đến cụ X có mang sẵn giấy hủy bỏ di chúc liên quan tới đất thổ cư và những giấy tờ liên quan tới quyền lợi của của cụ và di chúc miệng, ông có đọc lại 02 văn bản trên cho cụ X nghe, cụ X nhất trí đã điểm chỉ vào 02 văn bản trên. Sau đó, ông mới chứng thực. Vào thời điểm cụ X đến đề nghị chứng thực di chúc tinh thần cụ X minh mẫn sáng suốt, cụ X lập di chúc để định đoạt tài sản của cụ làm nơi thời cúng tất cả các con cháu nội ngoại đều có quyền về hương khói. Như vậy việc cụ X đến UBND xã làm thủ tục chứng thực vào giấy hủy bỏ di chúc và di chúc miệng là có thật và việc lập di chúc tại UBND xã H tuân theo quy định tại Điều 635 Bộ luật dân sự. Tuy nhiên việc cụ X định đoạt toàn bộ tài sản bao gồm cả di sản thừa kế của cụ Ơ nên Tòa án cấp sơ thẩm xác định di chúc của cụ X chỉ có hiệu lực một phần đối với phần tài sản thuộc quyền sử dụng định đoạt của cụ X là có căn cứ.

[2.1.2] Đối với yêu cầu công nhận di chúc lập 2002 của cụ X và cụ Ơ với tiêu đề “ giấy ủy quyền đất ở và duy chúc ” với nội dung bà N cho rằng cụ Ơvà cụ X định đoạt quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại thửa số 59, tờ bản đồ số 25 của hai cụ cho ông P bà N và cháu B: Xét thấy theo lời khai của các đương sự cụ Ơ không biết chữ, bản thân bà N khai thời điểm cụ X và cụ Ơ lập di chúc bà không biết. Sau đó khoảng 01 tháng sau bà mới biết và có đưa 4.000.000 đồng (tiền bán 4 miếng ao của cụ X) cho ông Ô để ông Ô đưa cho cụ X chữa bệnh cho ông S, sau khi đưa tiền xong thì bà mới xin chữ ký của trưởng thôn là ông D. Như vậy, vào thời điểm lập di chúc chỉ có ông Ô chứng kiến và viết chứ ông D là trưởng thôn cũng không trực tiếp chứng kiến. Trong di chúc ngày 20/8/2002 có chữ ký người làm chứng là bà U, bà C là các con của cụ Ơ và cụ X, tuy nhiên bà U và bà C đều xác định không trực tiếp chứng kiến việc cụ X, cụ Ơ lập di chúc mà khi bà N bảo hai bà ký vào thì hai bà ký. Giả sử cứ cho rằng bà U và bà C trực tiếp chứng kiến nhưng theo quy định tại khoản 1 Điều 657 Bộ luật dân sự năm 1995 thì bà U và bà C là người thừa kế theo pháp luật cũng không làm người làm chứng cho việc lập di chúc mà chỉ có ông Ô chứng kiến. Theo quy đinh tại Điều 659 Bộ luật dân sự thì “ Trong trường hợp người lập di chúc không thể tự mình viết bản di chúc, thì có thể nhờ người khác viết, nhưng phải có ít Ă là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc ’’. Như vậy việc lập di chúc không tuân thủ đúng quy định tại khoản 1 Điều 657 và Điều 659 Bộ luật dân năm 1995, do đó việc bà N yêu cầu công nhận tính hợp pháp của di chúc năm 2002 là không có cơ sở chấp nhận.

[2.1.3] Đối với yêu cầu công nhận di chúc do cụ X lập ngày 23/9/2011 với tiêu đề “ Di chúc chuyển thừa kế đất thổ cư và tài sản trên thửa đất ” với nội dung cụ X chuyển thừa kế cho ông P và bà N nhà tình nghĩa và đất thổ cư. Xét thấy mặc dù di chúc được lập tại UBND xã H theo một trình tự về cơ bản phù hợp với Điều 658 Bộ luật dân sự năm 2005, tuy nhiên vào thời điểm cụ X lập di chúc, cụ Ơ đã mất nên cụ X chỉ có quyền định đoạt trong phạm vi quyền sử dụng của cụ X, tuy nhiên cụ X đã định đoạt cả phần của cụ Hơp là vượt quá phạm vi định đoạt của mình. Hơn nữa như phân tích tại mục [2.1.1] vào năm 2018, cụ X có văn bản hủy bỏ các di chúc trước đó và lập di chúc mới nên theo quy định tại khoản1 và 3 Điều 640 Bộ luật dân sự năm 2015 thì : “ 1. Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào…….3. Trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ.” Như vậy sau khi cụ X lập di chúc năm 2018 thì di chúc năm 2011 của cụ X bị hủy bỏ. Do đó yêu cầu của bà N công nhận di chúc năm 2011 của cụ X không có cơ sở [2.2] Đối với kháng cáo của bà Nguyễn Thị U:

[2.2.1] Về yêu cầu xác định khi còn sống cụ Ơ và cụ X chỉ bán cho bà N 4 miếng ao nhưng bà N lại chuyển nhượng cho ông Đỗ Ngọc K 5 miếng, bà U yêu cầu bà N phải trả 36m2 ao cho cụ X để xác định đó là di sản thừa kế. Xét thấy theo biên bản xem xét thẩm định tại chỗ thì phần diện tích đất ao bà N chuyển nhượng cho anh K 165 m2, so với biên bản mua bán ao giữa cụ X với bà N là 144m2 (thừa ra 21m2 ao). Tại phiên tòa bà U có quan điểm nhập 21m2 đất ao này vào làm di sản thừa kế và chia theo quy định của pháp luật và giao cho bà N được sử dụng là phù hợp cần chấp nhận.

[2.2.2] Đối với yêu cầu kháng cáo không chia đất nông nghiệp cho bà N: Xét thấy bà N làm ruộng, có nhu cầu sử dụng đất nông nghiệp, bản thân bà N theo giấy cho ruộng do cụ X lập ngày 29/3/2016, vợ chồng bà N được cụ X cho toàn bộ 1540.8m2 đất nông nghiệp, có xác nhận của chính quyền địa phương, bà N đã nhận ruộng và canh tác. Tuy nhiên đây là tài sản chung của cụ Ơ và cụ X, do đó cụ X chỉ có quyền định đoạt đối với phần diện tích của cụ X và một phần cụ X được hưởng thừa kế của cụ Ơ. Như vậy tổng diện tích đất nông nghiệp của cụ X có quyền định đoạt là 880.45m2 (phần này có hiệu lực). Xét thấy, để thuận tiện cho sản xuất giao cả phần diện đất nông nghiệp còn lại 660.35m2 di sản thừa kế của cụ Ơ cho bà N là phù hợp, nên kháng cáo của bà U yêu cầu không chia đất nông nghiệp cho bà N là không có cơ sở chấp nhận.

Tòa án cấp sơ thẩm cộng nhầm tổng số tài sản là di sản thừa kế nên tòa án cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm, tính lại để xác định kỷ phần thực tế các đương sự được hưởng và án phí sơ thẩm các đương sự phải chịu cho phù hợp.

Như vậy xác định di sản thừa kế của cụ X và cụ Ơ được phân chia theo di chúc và theo pháp luật như sau:

1. Xác định di sản chung của cụ Ơ, cụ X gồm có: Diện tích đất ở là 148m2 trị giá 222.000.000 đồng, đất ao có diện tích 238m2 trị giá 19.040.000 đồng, bể nước trị giá 1.443.600 đồng, giếng khoan trị giá 1.655.400 đồng; ngôi nhà tình nghĩa trị giá 46.956.000 đồng; 1540.8m2 đất nông nghiệp trị giá: 123.264.000 đồng. Tổng giá trị tài sản là: 414.359.000 đồng. Trích trả công vượt lập ao của bà N là 1.000.000 đồng , tài sản còn lại là 413.359.000 đồng.

2. Di sản trên được phân chia như sau:

2.1.Tại thời điểm cụ Ơ mất năm 2010, di sản của cụ Ơlà: 413.359.000 đồng : 2 = 206.679.500 đồng.

Do di chúc của cụ X và cụ Ơ lập ngày 20/8/2002 bị vô hiệu, nên di sản thừa kế của cụ Ơ được chia theo pháp luật.

Những người thuộc hàng thừa kế thứ Ă gồm: Cụ X, ông Y, ông P, ông Q, bà C, bà U, ông S và ông I (ông I là con riêng của cụ Ơ), ông Kinh từ chối nhận di sản nên di sản của cụ Ơ được chia cho 7 kỷ phần, mỗi người được: 206.679.500 đồng: 7 = 29.525.642 đồng.

Như vậy phần tài sản của cụ X bao gồm: 206.679.500 đồng + 29.525.642 đồng = 236.205.142 đồng. Trong tổng số tiền này có số tiền là phần đất nông nghiệp của cụ X được hưởng thừa kế của cụ Ơvà phần đất nông nghiệp của cụ X gồm: (1540.8 m2 :2) + (770.4m2 : 7) = 770.4m2 + 110.05m2 = 880.45m2 trị giá: 70.436.000 đồng.

Xác định giấy tặng cho ruộng của cụ X cho vợ chồng ông P và bà N có hiệu lực đối với phần đất thuộc quyền sử dụng của cụ X là 880.45m2 trị giá: 70.436.000 đồng. Như vậy di sản của cụ X còn lại là 165.769.142 đồng.

Ghi nhận kỷ phần của bà U, bà C, ông Q và ông Y được hưởng nhập vào di sản của cụ X để làm nơi thờ cúng, tổng số tiền là: 165.769.142 đồng + (29.525.642 đồng x 4) = 283.871.710 đồng.

2.2. Toàn bộ di sản trên được chia bằng hiện vật như sau:

Ghi nhận sự tự nguyện của anh B và chị Ư nhường kỷ phần thừa kế mà anh B, chị Ư được hưởng cho bà N.

Xác định phần di sản của cụ X là thửa đất số 59 tờ bản đồ số 25 có diện tích 148m2 để thờ cúng, tạm giao cho ông Nguyễn Văn Q trông nom theo hình ABCD có các cạnh như sau:

Phía đông giáp đất ông K dài 23,80m Phía tây giáp đất ông Q dài 23,10m Phía nam giáp đất ao của cụ X dài 5,86m Phía bắc giáp đường bê tông dài 6,62m Trên đất có 01 ngôi nhà tình nghĩa, 01 bể nước, 01 cổng, tường bao 6,62m, 01 giếng khoan.

Đối với đất ao: Xác định phần di sản của cụ X, cụ Ơ là thửa đất số 68 tờ bản đồ số 25 có diện tích còn lại là 217 m2 để thờ cúng theo hình CDEFG, tạm giao cho ông Nguyễn Văn Q trông nom có các cạnh như sau:

Phía đông giáp đất ao đã bán cho ông K dài 19m Phía tây giáp đất bà M dài 16,64m Phía nam giáp đất ao của UBND xã quản lý dài 5,6m, giáp đất ao của ông P dài 5,7m Phía bắc giáp đất ở của cụ X dài 5,86m, đất ở của ông Q dài 5,7m Tổng trị giá tài sản làm nơi thờ cúng chung là: 289.415.000đ.

Đối với quyền sử dụng đất nông nghiệp: Giao bà N được quyền sử dụng thửa đất ruộng thuộc cánh đồng mái I tờ bản đồ số 06 có diện tích 1540,8m2, trị giá: 123.264.000 đồng (trong đó gồm: phần đất cụ X cho vợ chồng ông P bà N là 880.45m2, trị giá: 70.436.000 đồng và phần đất là di sản thừa kế của cụ Ơ là 660.35m2, trị giá 52.828.000 đồng) và bà Đỗ Thị T có trách nhiệm giao trả bà N theo hình GHIK, có các cạnh như sau:

Phía đông giáp đường 200 mới dài 18,37m Phía tây giáp cánh đồng mái I dài 18,37m Phía nam giáp ruộng ông O dài 84,10m Phía bắc giáp ruộng ông L dài 83,90m (Có sơ đồ kèm theo) Toàn bộ tài sản trên do bà Đỗ Thị T là người đang quản lý.

Giao cho bà N sử dụng 21m2 đất ao, trị giá 1.680.000 đồng (phần đất ao này nằm trong phần đất ao bà N đã chuyển nhượng cho ông K). Tổng giá trị tài sản bà N được hưởng là: 52.828.000 đồng + 1.680.000 đồng (21m2 ao) = 54.508.000 đồng, chưa tính 1.000.000 đồng công sức.

3. Sau khi đối trừ công sức là 1.000.000 đồng, bà N có trách nhiệm trả ông Sơn kỷ phần thừa kế được hưởng của cụ Ơlà 23.982.358 đồng.

Xét thấy: Bà U, bà C, ông Q và ông Y đều đề nghị Tòa để toàn bộ tài sản là quyền sử dụng đất 148m2 và 217m2 đất ao cùng toàn bộ tài sản trên đất để làm nhà thờ chung, nên chênh lệch tài sản vượt quá thực tế các kỷ phần được hưởng là: 289.415.000 đồng - 283.871.710 đồng = 5.543.290 đồng. Do đó ông Y, bà C, bà U và ông Q mỗi người phải trả ông S số tiền 1.385.822 đồng.

Đối với quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hưng Yên đề nghị Hội đồng xét xử tạm dừng phiên tòa để xác minh trình tự thủ tục lập di chúc tại UBND xã H của cụ X, Hội đồng xét xử xét thấy quá trình giải quyết ở cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm đã xác minh và làm rõ, với tài liệu chứng cứ đã thu thập đủ căn cứ để xem xét tính hợp pháp của di chúc nên không cần thiết phải tạm dừng phiên tòa như quan điểm của đại diện viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hưng Yên đã đề nghị.

4. Về án phí: Bà Phạm Thị N kháng cáo không có cơ sở chấp nhận nhưng do cấp phúc sửa án sơ thẩm và bà U kháng cáo có cơ sở chấp nhận một phần nên bà N, bà U không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Hoàn trả bà N, bà U số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp. Bà N, bà U, bà C, ông Y, ông Q, ông S phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với kỷ phần các đương sự được hưởng theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự;

- Điều 657, 659 Bộ luật dân sự năm 1995; Điều 658 Bộ luật dân sự năm 2005; Điều 459; Điều 502, Điều 611, Điều 612, Điều 613, Điều 614, Điều 623, 625, Điều 630, Điều 635, Điều 636, Điều 645, Điều 650, Điều 651; Điều 658, Điều 660 Bộ luật Dân sự năm 2015;

- Điều 168 Luật đất đai;

- Điều 31; Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình;

- Điều 147 và Điều 148 Bộ luật tố tụng dân sự; Khoản 4 điều 26; Khoản 7 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Xử:

- Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà Phạm Thị N.

- Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của bà Nguyễn Thị U.

Sửa bản án sơ thẩm số 13/2020/DS-ST ngày 31 tháng 12 năm 2020 của TAND huyện Â, tỉnh Hưng Yên như sau:

- Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Phạm Thị N, anh Nguyễn Văn B.

- Không chấp nhận yêu cầu về việc chấp nhận di chúc năm 2002, 2011. Chấp nhận một phần hủy bỏ di chúc năm 2018 của cụ X.

- Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà N về việc công nhận việc tặng cho QSD đất nông nghiệp của cụ X cho vợ chồng bà N, ông P có diện tích 880.45m2 1. Xác định di sản chung của cụ Lê Thị Ơ, cụ Nguyễn Văn X gồm có: Diện tích đất ở là 148m2 trị giá 222.000.000 đồng, đất ao có diện tích 238m2 trị giá 19.040.000 đồng, bể nước trị giá 1.443.600 đồng, giếng khoan trị giá 1.655.400 đồng; ngôi nhà tình nghĩa trị giá 46.956.000 đồng; 1.540.8m2 đất nông nghiệp trị giá: 123.264.000 đồng. Tổng giá trị tài sản là: 414.359.000 đồng. Trích trả công vượt lập ao của bà N là 1.000.000 đồng , tài sản còn lại là 413.359.000 đồng.

2. Di sản trên được phân chia như sau:

2.1 Tại thời điểm cụ Ơ mất năm 2010, di sản của cụ Ơlà: 413.359.000 đồng : 2 = 206.679.500 đồng.

Xác định di chúc do cụ X và cụ Ơ lập ngày 20/8/2002 bị vô hiệu, nên di sản thừa kế của cụ Ơ được chia theo pháp luật.

Những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm: Cụ Nguyễn Văn X, ông Nguyễn Văn Y, ông Nguyễn Văn P, ông Nguyễn Văn Q, bà Nguyễn Thị C, bà Nguyễn Thị U, ông Nguyễn Văn S và ông Trần Bắc I (ông I là con riêng của cụ Ơ), ông I từ chối nhận di sản nên di sản của cụ Ơ được chia cho 7 kỷ phần, mỗi người được 29.525.642 đồng.

Như vậy phần tài sản của cụ X bao gồm: 206.679.500 đồng + 29.525.642 đồng = 236.205.142 đồng. Trong tổng số tiền này có số tiền là phần đất nông nghiệp của cụ X được hưởng thừa kế của cụ Ơ và phần đất nông nghiệp của cụ X: (1540.8m2 : 2) + (770.4m2 : 7) = 770.4m2 + 110.05m2 = 880.45m2, trị giá:

70.436.000 đồng.

Xác định giấy tặng cho ruộng ngày 29/3/2016 của cụ X cho vợ chồng ông P và bà N có hiệu lực đối với phần đất thuộc quyền sử dụng của cụ X là 880.45m2 trị giá: 70.436.000 đồng. Di sản của cụ X còn lại là 165.769.142 đồng.

Ghi nhận kỷ phần của bà U, bà C và ông Q và ông Y được hưởng nhập vào di sản của cụ X để làm nơi thờ cúng, tổng số tiền là: 165.769.142 đồng + (29.525.642 đồng x 4) = 283.871.710 đồng.

2.2. Toàn bộ di sản trên được chia bằng hiện vật như sau:

Ghi nhận sự tự nguyện của anh Nguyễn Văn B và chị Nguyễn Thị Ư nhường kỷ phần thừa kế mà anh B, chị Ư được hưởng cho bà N.

Xác định phần di sản của cụ X là thửa đất số 59 tờ bản đồ số 25 có diện tích 148 m2 để thờ cúng, tạm giao cho ông Nguyễn Văn Q trông nom theo hình ABCD có các cạnh như sau:

Phía đông giáp đất ông K dài 23,80m Phía tây giáp đất ông Q dài 23,10m Phía nam giáp đất ao của cụ X dài 5,86m Phía bắc giáp đường bê tông dài 6,62m Trên đất có 01 ngôi nhà tình nghĩa, 01 bể nước, 01 cổng, tường bao 6,62m, 01 giếng khoan.

Đối với đất ao: Xác định phần di sản của cụ Nguyễn Văn X, cụ Lê Thị Ơ là thửa đất số 68 tờ bản đồ số 25 có diện tích còn lại là 217m2 để thờ cúng, tạm giao cho ông Nguyễn Văn Q trông nom, theo hình CDEFG có các cạnh như sau:

Phía đông giáp đất ao đã bán cho ông K dài 19m Phía tây giáp đất bà M dài 16,64m Phía nam giáp đất ao của UBND xã quản lý dài 5,6m, giáp đất ao của ông P dài 5,7m Phía bắc giáp đất ở của cụ X dài 5,86m, đất ở của ông Q dài 5,7m Tổng trị giá tài sản làm nơi thờ cúng chung là: 289.415.000 đồng.

Đối với quyền sử dụng đất nông nghiệp: Giao bà N được quyền sử dụng thửa đất ruộng thuộc cánh đồng mái I tờ bản đồ số 06 có diện tích 1540,8m2 trị giá: 123.264.000 đồng, bà T có trách nhiệm giao trả bà N theo hình GHIK, có các cạnh như sau:

Phía đông giáp đường 200 mới dài 18,37m Phía tây giáp cánh đồng mái I dài 18,37m Phía nam giáp ruộng ông O dài 84,10 m Phía bắc giáp ruộng ông L dài 83,90 m (Có sơ đồ kèm theo).

Toàn bộ tài sản trên do bà Đỗ Thị T là người đang quản lý.

Giao cho bà N sử dụng 21m2 đất ao (phần đất này nằm trong phần đất bà N đã chuyển nhượng cho ông K). Tổng tài sản bà N được hưởng bao gồm cả công sức là: 55.508.000 đồng.

3. Sau khi đối trừ công sức là 1.000.000 đồng, bà N có trách nhiệm trả ông Sơn kỷ phần thừa kế được hưởng của cụ Ơ là: 23.982.358 đồng.

Ông Y, bà C, bà U và ông Q, mỗi người phải trả ông S số tiền 1.385.822 đồng.

Kể từ ngày ông S có đơn yêu cầu thi hành án, nếu bà N, ông Q, ông Y, bà C và bà U không thi hành khoản tiền nêu trên thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả theo quy định tại Điều 357 và khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự.

- Về án phí phúc thẩm: Bà Phạm Thị N và bà Nguyễn Thị U không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Hoàn trả bà N 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí bà N đã nộp theo biên lai thu số AA/2018/0000696 ngày 11/01/2021 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Â; hoàn trả bà U 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm bà U đã nộp theo biên lai thu số AA/2018/0000697 ngày 11/01/2021 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Â.

- Về án phí sơ thẩm: Bà Phạm Thị N phải chịu 1.526.282 đồng án phí dân sự sơ thẩm, đối trừ vào số tiền 4.000.000 đồng tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm, bà N đã nộp theo biên lai thu số AA/2018/0000290 ngày 10/09/2019 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Â. Số tiền còn lại 2.473.718 đ hoàn trả bà N.

Ông Nguyễn Văn S, ông Nguyễn Văn Q, ông Nguyễn Văn Y, bà Nguyễn Thị U, bà Nguyễn Thị C, mỗi người phải chịu 1.476.282 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự. Người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

529
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tranh chấp chia thừa kế số 13/2021/DS-PT

Số hiệu:13/2021/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hưng Yên
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 21/05/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;