Bản án về tranh chấp chia di sản thừa kế theo pháp luật số 30/2020/DS-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC

BẢN ÁN 30/2020/DS-PT NGÀY 07/08/2020 VỀ TRANH CHẤP CHIA DI SẢN THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT

Ngày 07 tháng 8 năm 2020, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 21/2020/TLPT-DS ngày 04 tháng 02 năm 2020 về việc: “Tranh chấp về chia di sản thừa kế theo pháp luật”;

Do Bản án dân sự sơ thẩm số: 20/2019/DS-ST ngày 26 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện L bị kháng cáo, kháng nghị.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 15/2020/QĐPT-DS ngày 03 tháng 3 năm 2020 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Chị Nguyễn Thị Hương T, sinh năm 1979; nơi cư trú: Tổ dân phố H, thị trấn S, huyện L, tỉnh Vĩnh Phúc, có mặt.

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Q, sinh năm 1982; nơi cư trú: Thôn Đ, xã B, huyện Y, tỉnh Vĩnh Phúc (Theo văn bản ủy quyền ngày 08/8/2018), có mặt.

2. Bị đơn: Bà Nguyễn Thị T, sinh năm 1961; nơi cư trú: Tổ dân phố P, thị trấn L, huyện L, tỉnh Vĩnh Phúc, có mặt;

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn: Ông Nguyễn Công T, sinh năm 1953; nơi cư trú: Thôn V, xã X, huyện Y, tỉnh Vĩnh Phúc (Theo văn bản ủy quyền ngày 14/02/2020), có mặt;

3. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

- Bà Trần Thị X, sinh năm 1947; nơi cư trú: Tổ dân phố H, thị trấn S, huyện L, tỉnh Vĩnh Phúc, vắng mặt;

- Chị Nguyễn Thị Kim H, sinh năm 1977; nơi cư trú: Tổ 1, thị trấn C, huyện , tỉnh L, vắng mặt;

- Chị Nguyễn Thị Hồng N, sinh năm 1982; nơi cư trú: số nhà 06, phố L, phường T, thành phố G, tỉnh B, vắng mặt;

Người đại diện theo ủy quyền của bà X, chị H, chị N: Bà Nguyễn Thị Q, sinh năm 1982; nơi cư trú: Thôn Đ, xã B, huyện Y, tỉnh Vĩnh Phúc (Theo văn bản ủy quyền ngày 18/9/2018), có mặt;

- Anh Nguyễn Văn T, sinh năm 1987; nơi cư trú: Tổ dân phố H, thị trấn S, huyện L, tỉnh Vĩnh Phúc, có mặt;

- Cháu Khổng Quốc T, sinh ngày 23/7/2001; nơi cư trú: Tổ dân phố H, thị trấn S, huyện L, tỉnh Vĩnh Phúc, vắng mặt;

4. Người làm chứng: Ông Nguyễn Văn C, sinh năm 1952; nơi cư trú: xóm D, xã Đ, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc, vắng mặt.

5. Người kháng cáo: Bà Nguyễn Thị T

6. Viện kiểm sát kháng nghị: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa sơ thẩm, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Nguyên đơn chị Nguyễn Thị Hương T trình bày:

Bố chị là cụ Nguyễn Ngọc D (sinh năm 1931, chết năm 1998) có hai vợ là cụ Đỗ Thị B (sinh năm 1929, chết ngày 22/01/2015) và cụ Trần Thị X (cụ D lấy bà X năm 1976). Cụ D và cụ B không có con chung. Cụ D và cụ X sinh được 03 người con là chị, chị Nguyễn Thị H, chị Nguyễn Thị Hồng N. Cụ D cụ B chết đều không để lại di chúc.

Trước khi chết cụ D để lại tài sản là diện tích 843m2 đất, thuộc thửa đất số 46, tờ bản đồ số 58 tại tổ dân phố H, thị trấn S, huyện L, tỉnh Vĩnh Phúc, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên cụ Nguyễn Ngọc D, trên đất hiện nay có 01 ngôi nhà 4 gian lợp ngói, tường rào, sân lát gạch, giếng nước và một số cây cối lâm lộc trên đất.

Nguồn gốc thửa đất trên là do cụ D và cụ B tạo lập được từ khoảng những năm 1960. Năm 1976 cụ X về sống chung cùng cụ D và cụ B, 3 cụ cùng nhau sử dụng, quản lý. Năm 1998 cụ D chết thì toàn bộ thửa đất trên do cụ B, cụ X và chị quản lý, sử dụng. Đến cuối năm 2006, gia đình chị xây dựng được 01 ngôi nhà cấp 4 bốn gian lợp ngói, xây tường rào, lải sân gạch và hiện nay sống trên đất, nhà này có chị, cụ X, anh T và cháu T là con trai của chị. Tổng số tiền xây dựng khoảng 28.000.000 đồng (chị không nhớ chính xác), trong đó: Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo (thời điểm đó cụ B là chủ hộ, T viên trong hộ có chị, cụ X), số tiền Nhà nước hỗ trợ là 7.800.000 đồng, số tiền còn lại là 20.000.000 đồng thì bà T góp 5.000.000 đồng, chị góp 5.000.000 đồng, chị H góp 5.000.000 đồng, chị N góp 5.000.000 đồng. Toàn bộ đất và tài sản trên đất trên do chị và cụ X quản lý, sử dụng.

Đầu năm 2018 bà T có ý định mang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất trên để thế chấp Ngân hàng (chị không xác định rõ được là Ngân hàng nào), nhưng chị không đồng ý để cho bà T thế chấp đất cho Ngân hàng.

Quá trình sống cùng bố mẹ chị có nghe nói cụ D và cụ B nhận bà Nguyễn Thị T là con nuôi, nhưng không đăng ký thủ tục nhận nuôi con nuôi, không có giấy tờ hợp pháp chứng minh bà T là con nuôi của cụ D, cụ B.

Nay chị khởi kiện yêu cầu Tòa án chia di sản của cụ D, cụ B để lại là toàn bộ diện tích đất nêu trên theo pháp luật cho những người thuộc hàng thừa kế của cụ D là cụ B, cụ X, chị, chị N, chị H. Trường hợp bà T chứng minh được bà T là con nuôi của cụ D, cụ B chị cũng chấp nhận chia cho bà T một phần trong toàn bộ di sản trên. Riêng ngôi nhà, tường rào, sân xây dựng trên đất chị không đề nghị chia, chị và chị H, chị N, cụ X tự thỏa thuận với nhau về việc sử dụng những tài sản này.

Đối với số tiền 5.000.000 đồng bà T góp làm nhà, chị tự nguyện thanh toán trả lại cho bà T, còn các tài sản khác và cây cối lâm lộc trên đất thì trên đất của ai người đó sử dụng, không ai phải thanh toán tiền chênh lệch tài sản cho nhau. Về số tiền nộp tạm ứng chi phí tố tụng chị đề nghị chia đều cho những người được hưởng di sản.

Bị đơn bà Nguyễn Thị T vắng mặt, nhưng đã có bản tại bản tự khai trình bày:

Ngày 22/5/1965 bà được cụ Nguyễn Ngọc D và cụ Đỗ Thị B nhận làm con nuôi và sống chung cùng một mái nhà với hai cụ cho đến lúc bà học hết cấp III và đi xây dựng gia đình. Trong lúc bà còn ở nhà thì cụ D có đưa bà X về làm vợ hai cùng chung sống với cụ D, cụ B vào năm 1976, bà X không ở liên tục mà đi làm “phiêu bạt” thỉnh thoảng mới về vì phải đi kiếm sống. Cụ D và bà X sinh được 3 người con là T, N, H nhưng việc chăm sóc 3 người con này do cụ D và cụ B trông nom, chăm sóc. Việc giỗ tết hàng năm đều do bà cùng cụ D, cụ B lo toan. Trong quá trình bị bệnh cụ D đã giao cho bà 01 tờ giấy nhận con nuôi (bà đã nộp bản sao cho Tòa án) và dặn bà sau này trông nom, thờ cúng các cụ, làm nhà thờ tổ. Năm 1998, cụ D chết không để lại di chúc. Ngày 04/5/2004, cụ B đã làm thủ tục thừa kế để lại toàn bộ cho bà. Đến ngày 09/9/2006, Nhà nước hỗ trợ cụ B xây dựng nhà tình nghĩa số tiền 7.800.000đồng và bà là người nhận tiền hỗ trợ, mẹ con bà X có xin bà cho đóng góp để cùng ở trong căn nhà với cụ B. Bà và gia đình cũng đã tổ chức họp gia đình, có ý kiến để chị T thừa kế trông nom phần nhà đất mà cụ B để lại cho bà, nhưng trong quá trình làm nhà chị T, bà X quấy phá, ảnh hưởng đến việc làm nhà.

Nay bà thấy chị T không đủ điều kiện nhận thừa kế từ bà chuyển lại nên bà vẫn giữ nguyên theo di nguyện của bố mẹ bà giao cho bà làm nhà thờ tổ. Bà xác định cụ D và cụ B là vợ chồng, bà là con nuôi hợp pháp của hai cụ. Cụ D chết thì cụ B là người thừa kế số 1; cụ B chết, cụ thừa kế cho bà là hợp pháp, bà xác định toàn bộ tài sản cụ D, cụ B để lại là của bà, bà không đồng ý chia di sản thừa kế theo yêu cầu của chị T.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cụ Trần Thị X trình bày:

Về mối quan hệ gia đình như chị T trình bày là đúng. Cụ về chung sống cùng cụ Nguyễn Ngọc D vào năm 1976 (chỉ tổ chức cưới và chung sống như vợ chồng, không có đăng ký kết hôn), khi đó cụ D đã có vợ cả là cụ Đỗ Thị B, cụ và cụ D, cụ B cùng ở tại ngôi nhà lá đắp vách đất trên 01 thửa đất có diện tích khoảng 800m2 (là diện tích hiện nay bà và chị T đang quản lý, sử dụng và đang có tranh chấp). Từ khi cụ về chung sống cùng với cụ D cho đến nay thì cụ cùng cụ D đã nhiều lần cải tạo ngôi nhà. Diện tích đất không có thay đổi, biến động gì.

Năm 1998 diện tích đất trên được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên cụ Nguyễn Ngọc D. Quá trình chung sống, cụ có thấy cụ D, cụ B nói là nhận bà Nguyễn Thị T là con nuôi, tuy nhiên việc nhận nuôi bà T cụ thể như thế nào, có thông qua chính quyền, có giấy tờ gì không thì cụ không biết.

Năm 1998 cụ D chết, trước khi chết cụ D có để lại di chúc và để lại nhà cửa, đất cho 02 con là Nguyễn Thị Hương T và Nguyễn Thị Hồng N (di chúc này ông D đưa cho chị N cất giữ). Năm 2006, do gia đình cụ thuộc hộ nghèo (khi đó gia đình có 04 nhân khẩu là cụ B, bà, chị T, cháu Trung con trai chị T) nên được Nhà nước hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết. Khi đó cụ B, bà X cùng chị T, chị N, chị H và bà T họp gia đình và thống nhất xây nhà mới để cho cụ, cụ B ở, sử dụng làm nơi thờ cúng tổ tiên và nhất trí cho chị T ở cùng cụ và cụ B tại nhà mới. Tiền xây nhà là được Nhà nước hỗ trợ 7.800.000đồng, còn lại do chị T, chị N, chị H và bà T cùng nhau đóng góp mỗi người 5.000.000đồng. Năm 2015 cụ B chết, trước khi chết cụ B không để lại di chúc. Việc làm ma cho cụ B là do bà T đứng ra làm ma và đưa đi hỏa táng, chi phí làm ma một phần là tiền tiết kiệm của cụ B, phần còn lại do cụ X cùng chị T, chị N, chị H và bà T cùng nhau đóng góp, số tiền đóng góp cụ thể bao nhiêu thì bà X không nhớ.

Từ khi cụ D chết, cụ là người trực tiếp thờ cúng tổ tiên; toàn bộ chi phí mai táng và sang cát cho cụ D là do các T viên trong gia đình đóng góp, gồm: Cụ, cụ B, chị T, chị N, chị H và bà T, số tiền đóng góp cụ thể bao nhiêu thì cụ không nhớ. Đến tháng 6/2018, có cán bộ Ngân hàng đến thẩm định nhà đất, cụ có hỏi để làm gì thì cụ mới biết bà T đã dùng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên cụ D để làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng, nhưng do cụ không đồng ý nên bà T không được vay vốn.

Nay chị T khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế như trên, cụ nhất trí với yêu cầu của chị T và bà xin được chia bằng hiện vật.

Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là chị Nguyễn Thị H, chị Nguyễn Thị N có lời khai thống nhất như nội dung lời khai của chị T và cụ X. Chị H và chị N cũng đồng ý với yêu cầu khởi kiện như của chị T.

Anh Nguyễn Văn Thời và cháu Khổng Đức Trung đều trình bày và xác nhận: chỉ ở trên nhà và đất cùng chị T, không có đóng góp, liên quan gì đến nhà, đất trên và không có yêu cầu, đề nghị gì.

Người làm chứng là ông Nguyễn Văn C trình bày: Ông là em trai của cụ D, ông xác định đất các bên đang tranh chấp có nguồn gốc của bố mẹ ông để lại. Quá trình sử dụng, quản lý là do cụ D và cụ B quản lý sử dụng từ những năm 1954 cho đến nay. Nay ông xác định đất là của bố mẹ ông, ông không đồng ý chia đất theo yêu cầu của chị T, nhưng ông không cung cấp được tài liệu, chứng cứ gì để chứng minh là đất của bố mẹ ông và ông cũng không có yêu cầu, đề nghị Tòa án giải quyết. Ngoài ra, thời điểm cụ D, cụ B còn sống có nhận bà T làm con nuôi, hai cụ nuôi bà T cho đến khi bà T khoảng 17 -18 tuổi mới về ở với bố mẹ đẻ. Khi cụ D, cụ B già yếu, ốm đau bà T cũng chăm sóc, nuôi dưỡng các cụ một thời gian và khi các cụ chết thì bà T cùng gia đình lo ma chay cho các cụ.

Với nội dung trên, tại Bản án dân sự sơ thẩm số 20/2019/DS-ST ngày 26 tháng 11 năm 2019 Tòa án nhân dân huyện L đã quyết định:

Căn cứ vào các Điều 609, 610, 611, 612, 613, 614, 616, 618, 623, 649, 650, 651, 654, 660, Điều 357, Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 147, 165 Bộ luật tố tụng dân sự 2015; Điều 100 Luật đất đai năm 2013; Điều 26 Luật thi hành án dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Nguyễn Thị Hương T đối với bị đơn là bà Nguyễn Thị T yêu cầu chia thừa kế tài sản đối với di sản là quyền sử dụng đất của cụ Nguyễn Ngọc D và cụ Đỗ Thị B.

Hàng thừa kế của cụ D, cụ B gồm: chị Nguyễn Thị Hương T, chị Nguyễn Thị Hồng N, chị Nguyễn Thị H.

Trích chia công sức cho bà Nguyễn Thị T và cụ Trần Thị X.

Về di sản: Xác định 662,8m2 quyền sử dụng đất tại thửa đất số 46, tờ bản đồ 58 tại tổ dân phố H, thị trấn S, huyện L, tỉnh Vĩnh Phúc là di sản của cụ D, cụ B để lại.

Chia di sản của cụ D, cụ B theo pháp luật, cụ thể:

- Chị H được hưởng 134.1 m2 trị giá trị giá 309.000.000đồng (trong đó:

34m2 đất ở và 100,1m2 đất vườn), trên đất có 02 cây bưởi, 01 cây xoài, 01 phần ngôi nhà cấp bốn và một số cây lâm lộc khác (có các chiều, các cạnh cụ thể) - Chị T được hưởng 132.5m2 trị giá 305.800.000đồng(trong đó: 34m2 đất ở và 98,5m2 đất vườn) và sử dụng phần đất chia cho chị N là 130.9m2 trị giá 302.600.000đồng (trong đó: 34m2 đất ở và 96,9m2 đất vườn), trên đất có 01 cây xoài, 01 giếng nước, 02 cây nhãn, 7.76m tường rào và 03 gian nhà cấp 4 và một số cây cối lâm lộc khác (có các chiều, các cạnh cụ thể) Chị T có trách nhiệm thanh toán cho chị N số tiền 302.600.000 đồng.

Kể từ ngày án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án nếu người phải thi hành án không thi hành hoặc thi hành không đầy đủ thì phải chịu lãi suất chậm trả theo quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật dân sự.

- Trích chia cho bà T được hưởng 137,9m2 trị giá 316.600.000đồng (trong đó: 34m2đất ở và 103,9m2đất vườn). Trên đất có 01 cây sấu phi trên 40, 01 cây dừa; 01 bếp đã cũ hỏng (có các chiều, các cạnh cụ thể);

- Trích chia cho cụ X được hưởng 127,4m2 trị giá 294.352.000đồng (trong đó: 32,96m2 đất ở và 94,44m2 đất vườn), trên đất có 02 cây nhãn, 01 cây bưởi, 01 búi tre, 3.99m tường rào, 01 gian buồng 7.84m2 (có các chiều, các cạnh cụ thể; có sơ đồ hiện trạng kèm theo);

Các đương sự không phải thanh toán tiền chênh lệch tài sản cho nhau.

Các đương sự có trách nhiệm liên hệ với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ngoài ra Bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí, chi phí tố tụng, nghĩa vụ chấp hành bản án và quyền kháng cáo cho các đương sự.

Sau khi xét xử sơ thẩm ngày 11 tháng 12 năm 2019 bà Nguyễn Thị T kháng cáo đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm với lý do:

- Tại Biên bản làm việc ngày 12/9/2018 bà X khai trước khi chết cụ D có để lại di chúc giao lại nhà cửa, đất đai cho hai con gái là Nguyễn Thị Hương T và Nguyễn Thị Hồng N, nhưng trong đơn khởi kiện chị T lại cho rằng cụ D, cụ B trước khi chết không để lại di chúc (các lời khai của chị N, chị H đều đồng ý lời khai của chị T). Đây là mâu thuẫn trong lời khai về vấn đề định đoạt tài sản, chưa được Tòa án cấp sơ thẩm cho đối chất để làm rõ;

- Trong Biên bản ghi ngày 26/5/2006 do nguyên đơn cung cấp cho Tòa án là Biên bản họp gia đình để thỏa thuận về việc sử dụng tài sản của cụ D để lại, các T viên có mặt và đồng ý nhưng riêng cụ B không đồng ý nên không điểm chỉ vào văn bản, nhưng trong Biên bản mà chị T cung cấp cho Tòa án lại có chữ ký ghi tên của cụ B là không đúng sự thật. Bà đã đề nghị Tòa án xác minh làm rõ, nhưng Tòa án không cho đi giám định mà vẫn chấp nhận văn bản này để làm căn cứ giải quyết vụ án, dẫn đến làm sai lệch bản chất của vụ án;

- Khi giải quyết vụ án, Tòa án chưa xem xét các chứng cứ còn mâu thuẫn, cụ thể: Chị T khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế là 843m2 đất và ngôi nhà 04 gian, nhưng tại “Biên bản thẩm định” ngày 11/12/2018 thì diện tích đo đạc thực địa là 713,19m2 (thiếu 129,1m2); Ngày 13/9/2019 Tòa án tổ chức đo đạc lại thị diện tích đất còn lại chỉ là 662,8m2, thiếu 149,16m2 chưa tính diện tích UBND thị trấn báo cáo là đã thu hồi 31,04m2 (vấn đề thu hồi và bồi thường như thế nào chưa được làm rõ). Mặt khác sau khi cụ D chết, cụ B đã ủy quyền cho bà được toàn quyền sử dụng đất theo văn bản ngày 16/5/2002, sau khi được ủy quyền, ngày 15/12/2016 bà đã làm đơn khiếu nại gửi UBND thị trấn S về việc bị các hộ đã lấn chiếm đất, UBND thị trấn S đã trả lời bà bằng văn bản. Bà cũng đã làm đơn gửi cho TAND huyện L ngày 06/9/2018 đề nghị Tòa án giải quyết tranh chấp đất đai với gia đình ông Lê Quang H. Như vậy thửa đất này đang có tranh chấp, chưa được cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết mà Tòa án lại chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn để chia thừa kế là sai lầm nghiêm trọng;

- Trong quá trình giải quyết, khi Tòa án đưa vụ án ra xét xử bà phải đi bệnh viện, phải đóng cửa hàng, ngừng kinh doanh. Bà cũng nhờ người đưa giấy triệu tập đến Tòa báo cáo nhưng Tòa án không đi xác minh mà cho rằng bà không chấp hành giấy triệu tập, xét xử vắng mặt bà, vi phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà.

Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân huyện L giải quyết lại vụ án vì TAND huyện L có vi phạm trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ, cụ thể:

Về thu thập chứng cứ:

Chị Nguyễn Thị Hương T cung cấp cho Tòa án bản sao “Biên bản thỏa thuận” (BL10,11), biên bản này có 03 trang, trong đó bút lục 11 gồm 02 trang của biên bản, bút lục 10 là trang 3 của biên bản; cả 03 trang của tài liệu này đều không có công chứng, chứng thực. Tại trang 3 của tài liệu có chữ viết: “ngày 27/8/2019, đã đối chiếu bản gốc” và dấu “Chánh văn phòng Lê Thị N”; xem xét nội dung của “Biên bản thỏa thuận” có 03 trang nhưng chỉ trang 3 có chữ ký của bà T, cụ X, cụ B, chị H, chị T, chị N và có xác nhận của ông Cao Bá Lộc, tổ trưởng khu phố H.

Nếu cho rằng cán bộ Tòa án có thẩm quyền xác nhận thì trang 1 và trang 2 không được xác nhận là chứng cứ theo khoản 1 Điều 95 Bộ luật tố tụng dân sự.

Bên cạnh đó, trong quá trình giải quyết bà T cho rằng buổi họp gia đình có mặt cụ B nhưng cụ B không đồng ý và không có xác nhận của chính quyền địa phương (BL89, 90). Tòa án cấp sơ thẩm không yêu cầu đương sự cung cấp bản chính hoặc bản sao có chứng thực biên bản này, không yêu cầu các đương sự cung cấp tài liệu, chứng cứ để làm rõ quan điểm của bà T về việc cụ B không ký có đúng hay không, nhưng lại sử dụng tài liệu này để đánh giá ý chí của cụ B đã thay đổi kể từ thời điểm gia đình họp bàn, lập biên bản và thống nhất “Giấy ủy quyền đất ở lâu dài” không còn giá trị pháp lý là không đúng.

Bà Nguyễn Thị T cung cấp cho Tòa án bản sao có chứng thực của UBND thị trấn L “ Giấy ủy quyền thừa kế đất ở lâu dài” (BL 75) nội dung văn bản này thể hiện lập ngày 16/5/2002, cụ Đỗ Thị B để lại khu đất ở (843m2) và 01 nhà lá 04 gian cho con gái nuôi là Nguyễn Thị T, văn bản có chữ ký, chữ viết của cụ Đỗ Thị B, có xác nhận của ông Cao B, trưởng khu phố H “Đơn trình bày của bà Đỗ Thị B có ủy quyền cho con gái là Nguyễn Thị T quyền sử dụng đất số L894248 là đúng sự thực”, có chữ ký, chữ viết của ông Nguyễn Ngọc C (em ruột chồng cụ B), cháu họ Nguyễn Văn H cùng ngày 16/5/2002 và UBND xã L xác nhận ngày 04/5/2004. Nội dung văn bản không ghi rõ số thửa đất, các chiều cạnh nhưng lời xác nhận của trưởng khu lại ghi rõ số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hơn nữa với tài liệu trong hồ sơ cho thấy cụ D, cụ B chỉ có 01 thửa đất thổ cư chính là thửa đất đang tranh chấp. Tuy nhiên Tòa án không yêu cầu đương sự cung cấp xác nhận hoặc trực tiếp lấy lời khai của những người chứng kiến để làm rõ tính hợp pháp của bản di chúc trên là chưa làm rõ những tình tiết khách quan của vụ án.

Như vậy Tòa án cấp sơ thẩm đã thu thập không đầy đủ chứng cứ, vi phạm khoản 1 Điều 96, điểm d, điểm đ khoản 2 Điều 203 và đoạn 2 điểm b khoản 2 Điều 66 Bộ luật tố tụng dân sự.

Vi phạm trong việc đánh giá chứng cứ:

Quá trình giải quyết vụ án ở Tòa án cấp sơ thẩm bà T cho rằng: Năm 1965 bà được cụ D, cụ B nhận làm con nuôi. Ngày 15/10/2018 bà đã cung cấp cho Tòa án bản sao có chứng thực của UBND thị trấn L “Đơn đề nghị xin giấy giới thiệu” của cụ Nguyễn Huy N (bố đẻ bà T) đề ngày 22/5/1965 (BL78), cụ Năng đồng ý cho bà làm con nuôi của cụ D và cụ B có xác nhận của Ủy ban hành chính xã L; tài liệu này phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 95 Bộ luật tố tụng dân sự: “Tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận”. Việc bà T là con nuôi của cụ D, cụ B còn thể hiện qua nhiều tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án như trong “Giấy ủy quyền thừa kế đất ở lâu dài”; Biên bản bàn giao nhà đại đoàn kết ngày 9/9/2006; Biên bản thỏa thuận ngày 26/5/2006 và lời khai của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan như bản án đã nhận định. Tuy nhiên Bản án quyết định bà T không phải là con của cụ D, cụ B dẫn đến tước bỏ quyền thừa kế của bà T là không đúng quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà T, vi phạm Điều 108 Bộ luật tố tụng dân sự về đánh giá chứng cứ.

Ở giai đoạn phúc thẩm bà Nguyễn Thị Q đã nộp bản gốc “Biên bản thỏa thuận ngày 26 tháng 5 năm 2006” cho Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc.

Tại phiên tòa phúc thẩm: Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện; người kháng cáo vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo. Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc giữ nguyên nội dung kháng nghị, đồng thời đã phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án và các đương sự. Trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm, Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án và các đương sự như đã chấp hành đúng và đầy đủ các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Từ những phân tích trên đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng nghị số 1759/QĐKNPT-VKS-DS ngày 26/12/2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc. Áp dụng khoản 3 Điều 308 và Điều 310 Bộ luật tố tụng dân sự hủy bản án sơ thẩm số 20/2019/DS-ST ngày 26/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện huyện L. Giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân huyện L giải quyết lại vụ án.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa Hội đồng xét xử, xét thấy:

[1] Về tố tụng:

Đơn kháng cáo của bà T và kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân tỉnh Vĩnh Phúc trong hạn luật định, được chấp nhận xem xét, giải quyết theo trình tự phúc thẩm.

[2] Xét nội dung kháng cáo của bà Nguyễn Thị T và kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, thấy rằng:

[2.1] Chị T yêu cầu chia di sản thừa kế do cụ D, cụ B để lại gồm diện tích đất 843m2, thuộc thửa đất số 46, tờ bản đồ số 58 tại tổ dân phố H, thị trấn S, huyện L, tỉnh Vĩnh Phúc, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên cụ Nguyễn Ngọc D. Đo thực tế diện tích đất chỉ còn 662,8m2. Trên đất có 01 ngôi nhà 4 gian lợp ngói, tường rào, sân lải gạch, giếng nước và một số cây cối lâm lộc trên đất.

Quá trình giải quyết bà Nguyễn Thị T cung cấp cho Tòa án bản sao có chứng thực của UBND thị trấn L “Giấy ủy quyền thừa kế đất ở lâu dài” (BL 75) nội dung văn bản này thể hiện ngày 16/5/2002, cụ Đỗ Thị B để lại khu đất ở (843m2) và 01 nhà lá 04 gian cho con gái nuôi là Nguyễn Thị T, văn bản có chữ ký, chữ viết của cụ Đỗ Thị B, có xác nhận của ông Cao Bá , trưởng khu phố H “Đơn trình bày của bà Đỗ Thị B có ủy quyền cho con gái là Nguyễn Thị T quyền sử dụng đất số L894248 là đúng sự thực”; có chữ ký, chữ viết của ông Nguyễn Ngọc C (em ruột chồng cụ B), cháu họ Nguyễn Văn H cùng ngày 16/5/2002 và UBND xã L xác nhận ngày 04/5/2004. Nội dung văn bản không ghi rõ số thửa đất, các chiều cạnh nhưng lời xác nhận của trưởng khu lại ghi rõ số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hơn nữa với tài liệu trong hồ sơ cho thấy cụ D, cụ B chỉ có 01 thửa đất thổ cư chính là thửa đất đang tranh chấp. Tuy nhiên Tòa án không yêu cầu đương sự cung cấp xác nhận hoặc trực tiếp lấy lời khai của những người chứng kiến; hỏi rõ ai là người viết giấy ủy quyền này để làm rõ tính hợp pháp của bản di chúc trên là chưa làm rõ những tình tiết khách quan của vụ án.

[2.2] Chị Nguyễn Thị Hương T cung cấp cho Tòa án bản sao “Biên bản thỏa thuận” (BL10, 11), có xác nhận của khu phố H nhưng văn bản không có chứng thực hợp lệ. Theo Biên bản này thì ý nguyện của toàn thể các T viên trong gia đình là nhà đất này sau này sẽ để làm nhà thờ tổ nhưng chị T đang ở trên nhà đất này cùng các mẹ nên cả gia đình nhất trí để chị T ở cùng các mẹ trên nhà đất mới làm và sau khi các mẹ mất chị T được trực tiếp quản lý, sử dụng. Bà T cho rằng buổi họp gia đình có mặt cụ B nhưng cụ B không đồng ý và không có xác nhận của chính quyền địa phương (BL89, 90) nên không có giá trị pháp lý. Tòa án cấp sơ thẩm không yêu cầu đương sự cung cấp bản chính hoặc bản sao có chứng thực biên bản này, không yêu cầu các đương sự cung cấp tài liệu, chứng cứ để làm rõ quan điểm của bà T về việc cụ B không ký có đúng hay không, nhưng lại sử dụng tài liệu này để đánh giá ý chí của cụ B đã thay đổi kể từ thời điểm gia đình họp bàn, lập biên bản và thống nhất “Giấy ủy quyền đất ở lâu dài” không còn giá trị pháp lý là chưa đủ căn cứ.

[2.3] Sau khi cụ D chết, cụ B đã ủy quyền cho bà T được toàn quyền sử dụng đất theo văn bản ngày 16/5/2002, sau khi được ủy quyền, ngày 15/12/2016 bà T đã làm đơn khiếu nại gửi UBND thị trấn S về việc bị các hộ đã lấn chiếm đất, UBND thị trấn S đã trả lời bà bằng văn bản từ chối giải quyết tranh chấp đất đai của bà T với lý do bà T chưa làm thủ tục đăng ký nhận con nuôi; chưa được công nhận quyền sử dụng đất. Bà T cũng đã làm đơn gửi cho TAND huyện L ngày 06/9/2018 (BL 72) cùng các tài liệu chứng cứ kèm theo, đề nghị Tòa án giải quyết tranh chấp đất đai với gia đình ông Lê Quang H. Tòa án cấp sơ thẩm không thụ lý và không hướng dẫn đương sự hoàn thiện hồ sơ khởi kiện mà lại thông báo trả lại đơn khởi kiện cho đương sự (BL 88); Thông báo trả lại đơn khởi kiện cũng không tống đạt cho bà T để bà T thực hiện quyền khiếu nại là vi phạm Điều 171 Bộ luật tố tụng dân sự.

Theo các tài liệu do bà T xuất trình thì đúng là thửa đất này đang có tranh chấp, sau khi có đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai của bà T, Tòa án cấp sơ thẩm đi xác minh tại UBND thị trấn S nhưng không đưa ra các tài liệu, chứng cứ do bà T xuất trình chứng minh thửa đất đang có tranh chấp dẫn đến cán bộ tư pháp của UBND thị trấn S trả lời từ trước đến nay địa phương chưa tiếp nhận, giải quyết đơn khiếu nại của ai liên quan đến thửa đất tranh chấp (BL 160). Đây là thông tin rõ ràng không đúng sự thật nhưng Tòa án lại căn cứ vào đó để trả lại đơn khởi kiện cho bà T là sai sót.

Như vậy thửa đất này đang có tranh chấp, chưa được cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết mà Tòa án lại chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn để chia thừa kế là sai lầm nghiêm trọng, vì Tòa án không thể giải quyết tranh chấp chia di sản thừa kế nếu chưa giải quyết tranh chấp phần di sản thừa kế đối với người khác. Trong trường hợp này Tòa án cần hướng dẫn cho bà T hoàn thiện hồ sơ để thụ lý giải quyết tranh chấp đất đai với gia đình ông Lê Quang H trước (vụ án tranh chấp thừa kế phải tạm đình chỉ theo quy định tại Điều 214 Bộ luật tố tụng dân sự). Sau đó giải quyết tranh chấp di sản thừa kế.

[2.4] Về đánh giá chứng cứ:

Tòa án cấp sơ thẩm chỉ xác định chị H, chị T, chị N là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ B và cho rằng cụ X không phải là vợ hợp pháp của cụ D, bà T không phải là con nuôi của cụ D, cụ B nên không được hưởng thừa kế.

Việc Tòa án cấp sơ thẩm xác định bà T không phải là con nuôi của cụ D, cụ B là sai lầm nghiêm trọng trong việc đánh giá chứng cứ, bởi lẽ:

Ngày 15/10/2018 bà T đã cung cấp cho Tòa án bản sao có chứng thực của UBND thị trấn L “Đơn đề nghị xin giấy giới thiệu” của cụ Nguyễn Huy N (bố đẻ bà T) đề ngày 22/5/1965 (BL78), cụ N đồng ý cho bà làm con nuôi của cụ D và cụ B có xác nhận của Ủy ban hành chính xã L; tài liệu này phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 95 Bộ luật tố tụng dân sự: “Tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận”.

Việc bà T là con nuôi của cụ D, cụ B còn thể hiện qua nhiều tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án như trong “Giấy ủy quyền thừa kế đất ở lâu dài”; Biên bản bàn giao nhà đại đoàn kết ngày 9/9/2006; Biên bản thỏa thuận ngày 26/5/2006 và lời khai của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan như Bản án đã nhận định. Như vậy có căn cứ vững chắc để khẳng định bà T là con nuôi của cụ D, cụ B. Tuy nhiên Bản án quyết định bà T không phải là con của cụ D, cụ B dẫn đến tước bỏ quyền thừa kế của bà T là không đúng quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà T Đối với cụ X được xác định là vợ hai của cụ D, cụ X kết hôn với cụ D năm 1976, có tổ chức cưới hỏi nhưng không đăng ký kết hôn và cùng chung sống với cụ B là vợ cả cụ D. Tòa án cấp sơ thẩm chưa nghiên cứu, xem xét thấu đáo đến hoàn cảnh lịch sử, quá trình chung sống và trách nhiệm của cụ X đối với cụ D và cụ B để xác định cụ X có phải là người thừa kế tài sản của cụ D hay không là thiếu sót.

Mặt khác khi chia di sản thừa kế Tòa án cấp sơ thẩm chia bằng hiện vật làm 05 phần tương đương nhau (phần của cụ X và chị T được Tòa xác định có công duy trì tài sản) là không hợp lý, vì nếu là công duy trì tài sản thì chỉ tính một phần giá trị bằng tiền, trừ trường hợp tính công sức duy trì tài sản cho chính người quản lý di sản.

[3] Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế do cụ Nguyễn Ngọc D và cụ Đỗ Thị B để lại. Tòa án nhân dân huyện L xác định chị Nguyễn Thị T là bị đơn; những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là cụ X, chị H, chị T, chị N là đúng nhưng lại đưa anh Nguyễn Văn T là chồng chị Nguyễn Thị T và cháu Khổng Quốc T là con riêng của chị T là những người không liên quan gì đến di sản thừa kế (bản thân nhưng người này cũng có lời khai không liên quan gì đến di sản thừa kế) tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là vi phạm thủ tục tố tụng. Việc đưa những người này tham gia tố tụng có thể dẫn đến hệ lụy về sau liên quan đến quyền khiếu nại của họ.

[4] Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và điều tra, thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, Tòa án cấp phúc thẩm không thể khắc phục được. Do vậy cần chấp nhận kháng cáo của bà Nguyễn Thị T và kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho TAND huyện L để giải quyết lại vụ án.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng khoản 3 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự.

Hủy bản án sơ thẩm số 20/2019/DS-ST ngày 26/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện L. Giao hồ sơ cho TAND huyện L giải quyết lại vụ án.

Các nội dung kháng cáo của các đương sự và án phí dân sự sơ thẩm sẽ được xem xét khi giải quyết lại vụ án.

Về án phí: Bà Nguyễn Thị T không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm được hoàn lại 300.000đ tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo Biên lại thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2017/0007540 ngày 05 tháng 9 năm 2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện L.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

760
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tranh chấp chia di sản thừa kế theo pháp luật số 30/2020/DS-PT

Số hiệu:30/2020/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Vĩnh Phúc
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 07/08/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;