TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN
BẢN ÁN 09/2018/DS-PT NGÀY 17/07/2018 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TRONG HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG HÌNH SỰ
Ngày 17 tháng 7 năm 2018 tại Trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Bắc Kạn, Toà án nhân dân tỉnh Bắc Kạn xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 15/2018/TLPT-DS ngày 19 tháng 3 năm 2018 về Tranh chấp bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự
Do Bản án dân sự sơ thẩm số 02/2018/DS-ST ngày 07 tháng 02 năm 2018 của Tòa án nhân dân thành phố B, tỉnh Bắc Kạn bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 12/2018/QĐ-PT ngày 21 tháng 5 năm 2018, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Chị Phạm Thị L; trú tại: tổ 3, phường P, thành phố B, tỉnh Bắc Kạn. Có mặt
2. Bị đơn: Viện kiểm sát nhân dân thành phố B, tỉnh Bắc Kạn; địa chỉ: t 4, phường Đ, thành phố B, tỉnh Bắc Kạn
Người đại diện hợp pháp của Bị đơn: Ông Nguyễn Ngọc S – Chức vụ: Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố B (Theo Quyết định ủy quyền số 02/QĐ-VKS ngày 13/6/2017 của Viện trưởng VKSND thành phố B). Vắng mặt
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
3.1. Bà Mai Thị N. Vắng mặt
3.2. Ông Phạm Hữu S. Vắng mặt
3.3. Anh Phạm Hữu L. Vắng mặt
Đều trú tại: tổ 8B, phường P, thành phố B, tỉnh Bắc Kạn
3.4. Anh Hoàng Hữu L1; trú tại: Tổ 3, phường P, thành phố B, tỉnh Bắc Kạn. Có mặt
4. Người kháng cáo: Nguyên đơn Phạm Thị L và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là: Hoàng Hữu L1, Mai Thị N, Phạm Hữu L, Phạm Hữu S.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện ngày 05/9/2016, Đơn khởi kiện bổ sung ngày 19/9/2016 và quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm nguyên đơn Phạm Thị L trình bày:
Ngày 28/4/2014 chị L nhận được quyết định khởi tố bị can số 56 ngày 28/4/2014 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố B đối với Phạm Thị L về tội “Đánh bạc”. Đến ngày 19/11/2015, chị nhận được Quyết định số 03/KSĐT ngày 19/11/2015 của Viện kiểm sát nhân dân thành phố B quyết định đình chỉ bị can đối với Phạm Thị L do không có hành vi phạm tội đánh bạc. Ngày 12/5/2016 chị đã làm đơn yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân thành phố B, tỉnh Bắc Kạn bồi thường thiệt hại do việc khởi tố oan, sai đối với chị. Sau khi Viện kiểm sát nhân dân thành phố B nhận đơn đã tiến hành giải quyết thương lượng 02 lần nhưng đều không thành và ngày 22/8/2016 chị nhận được Quyết định số 02 ngày 22/8/2016 v/v giải quyết bồi thường đối với bà Phạm Thị L. Không đồng ý với quyết định giải quyết bồi thường, chị đã có đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân thành phố B, tỉnh Bắc Kạn giải quyết buộc Viện kiểm sát nhân dân thành phố B bồi thường cho chị các khoản sau:
1. Bồi thường tổn thất về tinh thần tổng cộng 660.000.000đ (Sáu trăm sáu mươi triệu đồng). Trong đó:
- Bồi thường tổn thất tinh thần cho bản thân Phạm Thị L là 300.000.000đ (Ba trăm triệu đồng)
- Bồi thường tổn thất tinh thần cho bố đẻ là Phạm Hữu S 50.000.000đ (Năm mươi triệu đồng)
- Bồi thường tổn thất tinh thần cho mẹ đẻ là Mai Thị N 50.000.000đ (Năm mươi triệu đồng)
- Bồi thường tổn thất tinh thần cho em trai là Phạm Hữu L 50.000.000đ (Năm mươi triệu đồng)
- Bồi thường tổn thất tinh thần cho con trai là Hoàng Hữu L1 200.000.000đ (Hai trăm triệu đồng)
- Bồi thường tổn thất tinh thần cho con trai là Phạm Hữu M 10.000.000đ (Mười triệu đồng).
2. Thiệt hại về vật chất do tổn hại về sức khỏe 560.000.000đ (Năm trăm sáu mươi triệu đồng), gồm các khoản sau:
- Chi phí khám chữa bệnh 50.000.000đ (Năm mươi triệu đồng)
- Chi phí đi lại khám chữa bệnh 80.000.000đ (Tám mươi triệu đồng)
- Chi phí mua thuốc 80.000.000đ (Tám mươi triệu đồng)
- Chi phí bồi dưỡng phục hồi sức khỏe 200.000.000đ (Hai trăm triệu đồng)
- Chi phí thuê người chăm nuôi hai con khi đi khám chữa bệnh 100.000.000đ (Một trăm triệu đồng)
- Chi phí đi lại và mất thu nhập thực tế của bố, mẹ trong thời gian chăm sóc chị L bị ốm đau là 50.000.000đ (Năm mươi triệu đồng)
3. Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất 547.600.000đ (năm trăm bốn mươi bẩy triệu sáu trăm nghìn đồng), gồm các khoản sau:
- Mất thu nhập do kinh doanh buôn bán mỗi ngày 700.000đ (Bẩy trăm nghìn đồng) x 568 ngày = 397.600.000đ (Ba trăm chín mươi bẩy triệu sáu trăm nghìn đồng)
- Mất thu nhập các lần đến cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án là 50.000.000đ (Năm mươi triệu đồng)
- Các lần đến cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải thuê xe, ngườichăm nuôi con là: 100.000.000đ (Một trăm triệu đồng).
4. Thiệt hại vay vốn phụ nữ để chăn nuôi là 23.240.000đ (Hai mươi ba triệu hai trăm bốn mươi nghìn đồng)
5. Thiệt hại những tài sản phục vụ cho buôn bán kinh doanh là 170.000.000đ (Một trăm bẩy mươi triệu đồng), gồm các khoản:
- Chi phí làm biển hiệu 70.000.000đ (Bẩy mươi triệu đồng)
- Chi phí các loại tủ kính và kệ hàng là 100.000.000đ (Một trăm triệu đồng)
6. Thiệt hại về kinh doanh bị mất uy tín với khách hàng tổng số tiền là 300.000.000đ (Ba trăm triệu đồng) và yêu cầu bồi thường nguồn vốn bị thiệt hại, mất mát, hư hỏng 500.000.000đ (Năm trăm triệu đồng).
7. Trả tiền lãi hàng tháng cho ngân hàng nhà nước mà Phạm Thị L vay về để kinh doanh, tính từ ngày có quyết định khởi tố cho đến ngày bồi thường xong thiệt hại trên.
8. Thiệt hại do phải kêu oan và thuê Luật sư tư vấn tổng số tiền là 110.000.000đ (Một trăm mười triệu đồng). Trong đó:
- Chi phí cho luật sư để được tư vấn là 50.000.000đ (Năm mươi triệu đồng)
- Chi phí tàu xe, ăn uống, ngủ nghỉ đi lại để tư vấn pháp luật là 60.000.000đ (Sáu mươi triệu đồng)
Tổng số tiền yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân thành phố phải bồi thường là 2.870.240.000đ (Hai tỷ tám trăm bẩy mươi triệu hai trăm bốn mươi nghìn đồng).
Trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên hòa giải bị đơn có ý kiến:
1. Về yêu cầu bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần cho bản thân Phạm Thị L và người thân của Phạm Thị L:
- Căn cứ khoản 5 Điều 47 Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước, chấp nhận bồi thường cho chị Phạm Thị L 31.405.000đ (Ba mươi mốt triệu bốn trăm linh năm nghìn đồng)
- Căn cứ tiết b mục 1.1 phần 1. Phần I Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và khoản 1 Điều 10 Thông tư liên tịch số 05/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP- BQP-BTC-BNN&PTNT ngày 02/11/2012 thì bố, mẹ, em trai và các con của chị Phạm Thị L không thuộc diện được bồi thường về tổn thất tinh thần. Do vậy, không chấp nhận bồi thường tổn thất tinh thần cho bố, mẹ, em trai và các con trai của Phạm Thị L số tiền 360.000.000đ (Ba trăm sáu mươi triệu đồng) theo yêu cầu của nguyên đơn.
2. Thiệt hại về vật chất do tổn hại về sức khỏe chị Phạm Thị L yêu cầu tổng số tiền là 560.000.000đ (Năm trăm sáu mươi triệu đồng), nhưng do chị L không cung cấp được tài liệu chứng cứ để chứng minh, không có căn cứ pháp luật nên không chấp nhận bồi thường.
3. Về yêu cầu bồi thường thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất là 547.600.000đ (Năm trăm bốn mươi bẩy triệu sáu trăm nghìn đồng); thiệt hại do vay vốn phụ nữ để chăn nuôi 23.240.000đ (Hai mươi ba triệu hai trăm bốn mươi nghìn đồng); thiệt hại tài sản phục vụ cho buôn bán kinh doanh 170.000.000đ (Một trăm bẩy mươi triệu đồng); thiệt hại do nguồn vốn bị mất mát, thua lỗ, bị phá sản nguồn vốn kinh doanh là 500.000.000đ (Năm trăm triệu đồng); thiệt hại về kinh doanh bị mất uy tín với khách hàng là 300.000.000đ (Ba trăm triệu đồng); trả tiền lãi hàng tháng cho ngân hàng mà Phạm Thị L đã vay về để kinh doanh, tính từ ngày có quyết định khởi tố cho đến ngày bồi thường xong thiệt hại.
Về các khoản yêu cầu trên, Viện kiểm sát nhất trí bồi thường mất thu nhập mỗi lần đến cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án để làm việc theo số ngày thực tế. Còn các thu nhập khác căn cứ vào khoản 1 Điều 7 Thông tư liên tịch số: 05/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BQP-BTC-BNN&PTNT ngày 02/11/2012 thì không thuộc trường hợp được bồi thường.
4. Về thiệt hại do phải kêu oan và chi phí luật sư tư vấn, tiền tàu xe đi lại, ăn nghỉ tổng là 110.000.000đ (Một trăm mười triệu đồng), do chị L không cung cấp được tài liệu liên quan đến việc thuê luật sư tư vấn nên Viện kiểm sát không nhất trí bồi thường.
Bản án số 02/2018/DS-ST ngày 07/02/2018 của Tòa án nhân dân thành phố B, tỉnh Bắc Kạn áp dụng khoản 5 Điều 47 Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2009; tiết b mục 1.1 phần 1. Phần I Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; khoản 1 Điều 7, khoản 1 Điều 10 Thông tư liên tịch số 05/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BQP-BTC-BNN&PTNT ngày 02/11/2012; Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 48 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án. Quyết định:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự của chị Phạm Thị L đối với Viện kiểm sát nhân dân thành phố B
2. Viện kiểm sát nhân dân thành phố B phải bồi thường cho chị Phạm Thị L 33.740.000đ (Ba mươi ba triệu bẩy trăm bốn mươi nghìn đồng) về thiệt hại do tổn thất tinh thần cho bản thân chị Phạm Thị L; 12.500.000đ (Mười hai triệu năm trăm nghìn đồng) tiền mất thu nhập thực tế và tiền thuê người trông con mỗi lần đến cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án.
Bác toàn bộ các yêu cầu còn lại của chị Phạm Thị L
Việc thi hành án khoản tiền bồi thường được thực hiện theo khoản 2 Điều 357 Bộ luật Dân sự.
Ngoài ra án còn tuyên án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.
Ngày 21/02/2018 nguyên đơn Phạm Thị L kháng cáo toàn bộ quyết định của Bản án sơ thẩm. Lý do là các thiệt hại không được bồi thường thỏa đáng.
Ngày 21/02/2018 những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Hoàng Hữu L1, Mai Thị N, Phạm Hữu L, Phạm Hữu S có chung nội dung kháng cáo là kháng cáo toàn bộ quyết định của bản án sơ thẩm. Lý do, bồi thường thiệt hại cho Phạm Thị L không thỏa đáng.
Tại phiên tòa phúc thẩm
Nguyên đơn có ý kiến: Giữ nguyên nội dung kháng cáo, yêu cầu khởi kiện là yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân thành phố B phải bồi thường cho chị Phạm Thị L Tổng số tiền 2.870.240.000đ (Hai tỷ tám trăm bẩy mươi triệu hai trăm bốn mươi nghìn đồng).
Bị đơn đề nghị xét xử vắng mặt, giữ nguyên những ý kiến đã trình bày tại cấp sơ thẩm và đồng ý với quyết định của bản án sơ thẩm.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có ý kiến: Ông Phạm Hữu S: Đề nghị xét xử vắng mặt. Bà Mai Thị N: Đề nghị xét xử vắng mặt.
Anh Phạm Hữu L: Đề nghị xét xử vắng mặt
Anh Hoàng Hữu L1: Kháng cáo yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân thành phố B bồi thường tổn thất tinh thần cho anh L1 200.000.000đ (Hai trăm triệu đồng. Lý do, mẹ anh bị khởi tố oan, sai ảnh hưởng đến tinh thần của anh.
Kiểm sát viên phát biểu ý kiến:
Về thủ tục tố tụng: Việc chấp hành pháp luật của người tiến hành tố tụng từ khi thụ lý vụ án đến trước khi nghị án và của người tham gia tố tụng là đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Về nội dung kháng cáo: Bản án sơ thẩm chấp nhận buộc Viện kiểm sát nhân dân thành phố B phải bồi thường cho chị Phạm Thị L 33.740.000đ (Ba mươi ba triệu bẩy trăm bốn mươi nghìn đồng) về thiệt hại do tổn thất tinh thần cho bản thân chị Phạm Thị L; 12.500.000đ (Mười hai triệu năm trăm nghìn đồng) tiền mất thu nhập thực tế và tiền thuê người trông con mỗi lần đến cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án là có căn cứ. Kháng cáo của chị L yêu cầu được bồi thường các khoản như đơn khởi kiện, nhưng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ để chứng minh, nên không có căn cứ chấp nhận bồi thường thêm. Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự bác kháng cáo, giữ nguyên án sơ thẩm.
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Xét kháng cáo của nguyên đơn Phạm Thị L không đồng ý với quyết định của bản án sơ thẩm, cho rằng các thiệt hại chưa được bồi thường thỏa đáng và yêu cầu được bồi thường tổng số tiền là 2.870.240.000đ (Hai tỷ tám trăm bẩy mươi triệu hai trăm bốn mươi nghìn đồng) đối với các khoản như đơn khởi kiện.
Hội đồng xét xử xét thấy:
[2] Chị Phạm Thị L yêu cầu bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần cho bản thân chị Phạm Thị L là 300.000.000đ (Ba trăm triệu đồng). Bản án sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu của chị L, buộc Viện kiểm sát nhân dân thành phố B bồi thường tổn thất tinh thần cho chị L số tiền 33.740.000đ (Ba mươi ba triệu bẩy trăm bốn mươi nghìn đồng) là đúng, đủ theo quy định tại khoản 5 Điều 47 Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước 2009, Hướng dẫn tại điểm a khoản 1 Điều 10 Thông tư liên tịch số 05/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA- BTP-BQP-BTC BNN&PTNT ngày 02/11/2012 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao-Tòa án nhân dân tối cao- Bộ Tư pháp-Bộ Quốc phòng-Bộ Tài chính-Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và khoản 2 Điều 3 Nghị định 47/2017/NĐ-CP ngày 24/4/2017 của Chính phủ. Do vậy, không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của chị Phạm Thị L yêu cầu được tăng mức bồi thường tổn thất tinh thần.
[3] Đối với yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần cho bố, mẹ đẻ, em trai, các con của chị Phạm Thị L với tổng số tiền là 360.000.000đ (Ba trăm sáu mươi triệu đồng). Tại điểm b tiểu mục 1.1 mục 1 phần I Nghị quyết 03/2006/NQ- HĐTP ngày 08/7/2006 quy định: “ Thiệt hại do tổn thất tinh thần của cá nhân được hiểu là do sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm mà người bị thiệt hại hoặc do tính mạng bị xâm phạm mà người thân thích gần gũi nhất của nạn nhân phải chịu đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm, bị giảm sút hoặc mất uy tín, bị bạn bè xa lánh do hiểu nhầm…và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất mà họ phải chịu” và quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư liên tịch số 05/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC- BCA-BTP-BQP-BTC-BNN&PTNT ngày 02/11/2012 thì bố, mẹ, em trai và các con của chị Phạm Thị L không thuộc diện được bồi thường. Do vậy, án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu này của chị L và bố, mẹ, em trai, các con của chị L là có căn cứ. Kháng cáo của chị L, bố, mẹ, em trai, con chị L yêu cầu được bồi thường khoản tiền này là không có căn cứ chấp nhận.
[4] Thiệt hại về vật chất do tổn hại về sức khỏe chị L yêu cầu được bồi thường là 560.000.000đ (Năm trăm sáu mươi triệu đồng) do bị bệnh u sơ tử cung và bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng, huyết áp thấp. Hội đồng xét xử xét thấy em trai chị L là Phạm Hữu L khai “Chị L bị bệnh theo tôi biết có mẹ tôi và con trai lớn của chị L chăm sóc”. Con trai lớn của chị L là Hoàng Hữu L1 khai “Tôi không biết cụ thể mẹ bị bệnh gì, điều trị ở viện nào”. Mẹ chị L là bà Mai Thị N khai “Tôi không biết L có nằm điều trị hay không, bản thân tôi không được chăm sóc L”. Chị L cung cấp sổ khám bệnh, có nội dung ngày 19/01/2017 được chuẩn đoán “Rong kinh do u sơ tử cung”. Tại Văn bản số 763/SYT-TTrS ngày 20/4/2017 của Sở Y tế Bắc Kạn về việc cung cấp tài liệu có nội dung “Về nguyên nhân bệnh U sơ tử cung chưa có cơ sở khoa học là do yếu tố strest, mà do nguyên nhân cường estrogen”. Chị L cũng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ nào khác để chứng minh mình bị thiệt hại về sức khỏe do việc khởi tố, truy tố oan sai gây ra. Do vậy, Bản án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu này của chị L là có căn cứ. Tại cấp phúc thẩm, chị L cũng không cung cấp được tài liệu gì thêm, xét thấy không có căn cứ chấp nhận yêu cầu kháng cáo này của chị L.
[5] Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất chị L yêu cầu được bồi thường là 547.600.000đ (Năm trăm bốn mươi bẩy triệu sáu trăm nghìn đồng), trong đó: thiệt hại về kinh doanh 397.600.000đ (Ba trăm chín mươi bẩy triệu sáu trăm nghìn đồng), tính trên cơ sở chị kinh doanh hàng tạp hóa, lãi 700.000đ/ngày x 568 ngày. Chi phí đi lại gửi con, chăm con 100.000.000đ (Một trăm triệu đồng). Bản thân đi lại làm việc với cơ quan điều tra 50.000.000đ (Năm mươi triệu đồng). Hội đồng xét xử xét thấy:
[6] Căn cứ quy định tại Điều 46 Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước 2009; khoản 1 Điều 5 và khoản 1 Điều Thông tư liên tịch số 05/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BQP-BTC-BNN&PTNT ngày 02/11/2012,thấy nguyên đơn Phạm Thị L yêu cầu tính mất thu nhập 700.000đ (Bẩy trăm nghìn đồng) một ngày nhưng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ nào. Tại Biên bản xác minh ngày 28/12/2016 của Tòa án, Tổ trưởng tổ 3, phường P cung cấp “Khoảng tháng 4 năm 2014 đến tháng 11 năm 2015 thì chị L có bán hàng tại nhà. Các mặt hàng kinh doanh là chăn, chiếu, quần áo may sẵn, hàng tạp hóa.”. Biên bản xác minh tại Đội thuế phía Nam cung cấp: Chị L kinh doanh hàng tạp hóa không kê khai thuế hàng tháng và không nộp thuế, các hộ kinh doanh cá thể và có cùng ngành nghề kinh doanh, cùng địa bàn với hộ bà L kê khai doanh thu nộp thuế trung bình từ 8.500.000đ đến 22.500.000đ một tháng” (BL110a). Do chị L không kê khai nộp thế, nên không có căn cứ tính thu nhập trung bình trong ba tháng liền kề trước thời điểm thiệt hại, nhưng có căn cứ áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương, lấy mức trung bình là 15.000.000đ/tháng chia cho 30 ngày, bằng 500.000đ (Năm trăm nghìn đồng) một ngày. Do vậy án sơ thẩm chấp nhận mức bồi thường cho chị L 500.000đ (Năm trăm nghìn đồng) một ngày là có căn cứ, chị L yêu cầu tính 700.000đ (Bẩy trăm nghìn đồng) một ngày là không có căn cứ chấp nhận. Chị L yêu cầu tính số tiền thiệt hại đối với 568 ngày (từ ngày bị khởi tố đến ngày có quyết định đình chỉ bị can) là không phù hợp với quy định nêu trên vì chị L không bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù, mà chỉ có căn cứ chấp nhận mất thu nhập trong những ngày chị L phải đi làm việc với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án có tổng số là 25 ngày. Như vậy, thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút của nguyên đơn có căn cứ chấp nhận buộc bị đơn bồi thường là 500.000đ (Năm trăm nghìn đồng) một ngày nhân với 25 (Hai mươi lăm) ngày bằng 12.500.000đ (Mười hai triệu năm trăm nghìn đồng). Do vậy, án sơ thẩm đã xác định đúng, đủ thiệt hại về phần này, kháng cáo của nguyên đơn không có căn cứ chấp nhận.
[7] Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch số 05/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BQP-BTC-NN&PTNT ngày 02/11/2012 thì tiền chị L phải thuê người trông con Phạm Hữu M sinh ngày 10/10/2012 và tiền xe đi lại trong những ngày đi làm việc với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án là có căn cứ được bồi thường, nhưng tiền xe đi lại chưa được cấp sơ thẩm chấp nhận. Đối với số tiền chị L thuê người trông con cấp sơ thẩm xem xét gộp chung với số tiền mất thu nhập thực tế là chưa hợp lý vì đây là thiệt hại thực tế được bồi thường cần tách ra để xem xét riêng. Tuy nhiên, số tiền thuê người trông con chị L yêu cầu 100.000.000đ (Một trăm triệu đồng) chỉ có căn cứ nhấp nhận một phần, cụ thể, căn cứ vào lời khai của nguyên đơn, những người trông con cho nguyên đơn thì số tiền trông con một ngày giao động từ 100.000đ (Một trăm nghìn đồng) đến 200.000đ (Hai trăm nghìn đồng). Xét thấy, việc chị L gửi con trong những ngày làm việc với cơ quan tố tụng là đột xuất, nên có căn cứ chấp nhận ở mức cao nhất là 200.000đ (Hai trăm nghìn đồng) một ngày. Do vậy, số tiền được chấp nhận là 200.000đ x 25 ngày = 5.000.000đ (Năm triệu đồng).
[8] Còn tiền xe đi lại làm việc với cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, chị L khai có lần đi xe ôm, có lần đi xe taxi nhưng không cung cấp được biên lai. Tuy nhiên, xét thấy đây là thiệt hại thực tế, tại cấp phúc thẩm bổ sung thêm tài liệu là Biên bản xác minh ngày 18/6/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Kạn thì giá xe taxi loại 4 chỗ, theo thời điểm có giao động từ 11.000đ (Mười một nghìn đồng) đến 12.000đ (Mười hai nghìn đồng)/1Km. Từ nhà chị L đến các cơ quan tố tụng trong thành phố B chị L xác định nằm trong bán kính 5Km. Do vậy, có căn cứ chấp nhận một phần kháng cáo về nội dung này, cụ thể số tiền được chấp nhận là: 25 ngày (ngày làm việc với cơ quan tố tụng) x 2 lượt/ngày x 60.000đ (5km x 12.000đ/Km) = 3.000.000đ (Ba triệu đồng).
[9] Nguyên đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại vốn vay phụ nữ để chăn nuôi 23.240.000đ (Hai mươi ba triệu hai trăm bốn mươi nghìn đồng) vì truy tố oan sai nên không chăm sóc được vật nuôi (lợn nái) nên vật nuôi bị chết và tiền lãi ngân hàng của khoản vay 800.000.000đ (Tám trăm triệu đồng), vay ngày 17/4/2014, lãi tính từ ngày có quyết định khởi tố đến ngày bồi thường xong những thiệt hại theo yêu cầu của nguyên đơn. Lý do, là việc kinh doanh phá sản nên không có tiền trả lãi ngân hàng.
[10] Khoản 4 Điều 45 Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước 2009 quy định: “4. Các khoản tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bị tịch thu, thi hành án, khoản tiền đã đặt để bảo đảm tại cơ quan có thẩm quyền được hoàn trả cho người bị thiệt hại hoặc thân nhân của họ; trường hợp khoản tiền đó là khoản vay có lãi thì phải hoàn trả cả khoản lãi hợp pháp; trường hợp khoản tiền đó không phải là khoản vay có lãi thì phải hoàn trả cho người bị thiệt hại hoặc thân nhân của họ cả khoản lãi theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm giải quyết bồi thường.”. Xét thấy số tiền nguyên đơn yêu cầu bồi thường không thuộc trường hợp được bồi thường theo quy định, án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu này của nguyên đơn là có căn cứ. Do vậy, không có căn cứ chấp nhận nội dung kháng cáo này của nguyên đơn.
[11] Yêu cầu bồi thường những tài sản phục vụ kinh doanh bị thiệt hại bằng tổng số tiền 170.000.000đ (Một trăm bẩy mươi triệu đồng), do bảng biển, kệ, giá để hàng hỏng không sử dụng được và yêu cầu bồi thường nguồn vốn bị thiệt hại, mất mát, hư hỏng 500.000.000đ (Năm trăm triệu đồng), do lấy hàng về không bán hết, lỗi mốt không bán được. Xét thấy, tài sản chị L yêu cầu bồi thường không thuộc trường hợp bị phát mại, bị mất, chị L không bị tạm giữ, tạm giam, do vậy, không thuộc trường hợp được bồi thường theo khoản 1, 2, 3 Điều 45 Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2009 và khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch số 05/2012/TTLT- VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BQP-BTC-NN&PTNT .
[12] Về yêu cầu bồi thường thiệt hại về việc kinh doanh mất uy tín đối với khách hàng 300.000.000đ (Ba trăm triệu đồng). Xét thấy, theo quy định tại khoản 5 Điều 47 Luật trách nhiệm bối thường nhà nước 2009, tiểu mục 1.1 mục 1 phần I Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì uy tín bị xâm hại đã được xem xét bồi thường trong phần thiệt hại do tổn thất về tinh thần của chị Phạm Thị L. Do vậy, kháng cáo yêu cầu bồi thường thiệt hại về việc kinh doanh mất uy tín đối với khách hàng 300.000.000đ (Ba trăm triệu đồng) không có căn cứ chấp nhận .
[13] Về yêu cầu bồi thường tiền thuê luật sư tư vấn 110.000.000đ (Một trăm mười triệu đồng), nguyên đơn không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh có thuê luật sư tư vấn nên án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu này của nguyên đơn là có căn cứ. Tại cấp phúc thẩm nguyên đơn cũng không cũng cấp được tài liệu nào để chứng minh cho yêu cầu của mình nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn.
[14] Việc thi hành án khoản tiền bồi thường được thực hiện theo khoản 2 Điều 357 Bộ luật Dân sự.
[15] Về án phí: Căn cứ Điều 64 Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước, nguyên đơn Phạm Thị L, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Phạm Hữu S, Mai Thị N, Phạm Hữu L, Hoàng Hữu L1 kháng cáo không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm, án phí dân sự sơ thẩm .
[16] Án phí dân sự sơ thẩm: Viện kiểm sát nhân dân thành phố Băc Kạn, tỉnh Bắc Kạn phải chịu án phí theo quy định.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ: khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 77, 78 Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước 2017; Điều 45, 46, khoản 5 Điều 47, 64 Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2009; điểm b tiểu mục 1.1 mục 1 phần I Nghị quyết số: 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; khoản 1 Điều 7, khoản 1 Điều 10 Thông tư liên tịch số 05/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA- BTP-BQP-BTC-BNN&PTNT ngày 02/11/2012; Điều 147 Bộ luật Tố tụng Dân sự; Điều 48 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng áp phí và lệ phí Tòa án; khoản 4 Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án năm 2009.
Tuyên xử:
1. Chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn Phạm Thị L và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Mai Thị N, Pham Hữu S, Pham Hữu L, Hoàng Hữu L1.
2. Sửa Bản án dân sự sơ thẩm số: 02/2018/DS-ST ngày 07/02/2018 của Tòa án nhân dân thành phố B, tỉnh Bắc Kạn, như sau:
- Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Phạm Thị L, buộc Viện kiểm sát nhân dân thành phố B phải bồi thường cho chị Phạm Thị L tổng số tiền là 54.240.000đ (Năm mươi tư triệu hai trăm bốn mươi nghìn đồng). Trong đó: bồi thường thiệt hại do tổn thất tinh thần cho bản thân chị Phạm Thị L là 33.740.000đ (Ba mươi ba triệu bẩy trăm bốn mươi nghìn đồng); tiền mất thu nhập thực tế 12.500.000đ (Mười hai triệu năm trăm nghìn đồng); thiệt hại thực tế tiền xe đi lại 3.000.000đ (Ba triệu đồng) và tiền thuê người trông con 5.000.000đ (Năm triệu đồng).
- Không chấp nhận các yêu cầu khởi kiện còn lại của chị Phạm Thị L
Việc thi hành án khoản tiền bồi thường được thực hiện theo khoản 2 Điều 357 Bộ luật Dân sự.
3. Về án phí:
- Nguyên đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Mai Thị N, Phạm Hữu S, Phạm Hữu L, Hoàng Hữu L1 không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm, phúc thẩm.
- Viện kiểm sát nhân dân thành phố B phải chịu án phí dân sự sơ thẩm 2.712.000đ (Hai triệu bẩy trăm mười hai nghìn đồng).
“Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6,7, và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự”
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tranh chấp bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự số 09/2018/DS-PT
Số hiệu: | 09/2018/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bắc Kạn |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 17/07/2018 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về