TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 817/2024/HS-PT NGÀY 11/09/2024 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH KẾ TOÁN GÂY HẬU QUẢ NGHIÊM TRỌNG
Ngày 11 tháng 9 năm 2024, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 301/2024/TLPT-HS ngày 19 tháng 4 năm 2024 đối với bị cáo Võ Tá T và các bị cáo khác. Do có kháng cáo của các bị cáo và bị hại đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 03/2024/HS-ST ngày 30 tháng 01 năm 2024 của Tòa án nhân dân tỉnh TG.
- Các bị cáo kháng cáo:
1. Võ Tá T, sinh năm 1965 tại tỉnh Hà Tĩnh. Thẻ CCCD: 04206500xxxx (có mặt);
Nơi cư trú: Số A P, K, phường B, thành phố V, tỉnh Nghệ An. Nghề nghiệp: Nguyên Giám đốc Cảng vụ Hàng hải M1; Trình độ văn hóa: 12/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: (Không); Quốc tịch: Việt Nam; con ông Võ Ngọc T1 (đã chết) và bà Nguyễn Thị N (đã chết); Bị cáo có vợ: Trịnh Thị L và có 02 người con; Tiền án, tiền sự: (Không); Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú.
2. Nguyễn Tấn P, sinh năm 1970 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Thẻ CCCD: 07907003xxxx (có mặt);
Nơi cư trú: Số B, ấp E, xã T, thành phố M, tỉnh TG. Nghề nghiệp: Nguyên Trưởng phòng - Phòng Tài vụ kiêm Kế toán trưởng Cảng vụ Hàng hải M1;
Trình độ văn hóa: 12/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: (Không); Quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Văn Đ (đã chết) và bà Trần Thị Ngọc D. Bị cáo có vợ: Đặng Thị Thu H và có 02 người con; Tiền án, tiền sự: (Không); Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú.
3. Lê Quang H1, sinh năm 1971 tại tỉnh TG; Thẻ CCCD: 08307100xxxx (có mặt);
Nơi cư trú: Số A, ấp B, xã T, thành phố M, tỉnh TG. Nghề nghiệp: Nguyên Trưởng phòng - Phòng An toàn Thanh tra Hàng hải Cảng vụ Hàng hải M2; Trình độ văn hóa: 12/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: (Không); Quốc tịch: Việt Nam; con ông Lê Quang L1 (đã chết) và bà Võ Thị H2 (đã chết). Bị cáo có vợ: Trần Thị Ngọc H3 và có 02 người con; Tiền án, tiền sự: (Không); Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú.
4. Phạm Thanh T2, sinh năm 1980 tại tỉnh TG. Thẻ CCCD: 08208000xxxx (có mặt);
Nơi cư trú: Ấp T, xã K, huyện C, tỉnh TG; Nghề nghiệp: Nhân viên lái canô Cảng vụ Hàng hải M1. Trình độ văn hóa: 5/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: (Không); Quốc tịch: Việt Nam; con ông Phạm Văn T3 (đã chết) và bà Phạm Thị T4; Bị cáo có vợ: Bùi Kim T5 và có 02 người con; Tiền án, tiền sự: (Không); Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú.
- Người bào chữa theo yêu cầu của bị cáo Võ Tá T: Luật sư Nguyễn Trường T6, thuộc Đoàn luật sư thành phố C (có mặt);
Địa chỉ: Văn phòng L3 – Số E đường H, phường T, quận N, thành phố Cần Thơ.
- Người bào chữa theo yêu cầu của bị cáo Nguyễn Tấn P: Luật sư Nguyễn Xuân N1 - Công ty L4, thuộc Đoàn Luật sư Thành phố H (vắng mặt) - Bị hại: Cảng vụ Hàng hải Đ Địa chỉ: Số A Quốc lộ C, Phường A, thành phố C, tỉnh Đồng Tháp. Người đại diện theo pháp luật: Ông Vũ Đăng V – Giám đốc (vắng mặt); Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Ngọc D1 – Phó Giám đốc (có mặt).
(Trong vụ án còn có bị cáo Bùi Thị Đoan K và Trần Hải Triều T7 và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không kháng cáo, không liên quan đến kháng cáo nên Tòa án không triệu tập đến phiên tòa).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
1. Về cơ cấu tổ chức, hoạt động của Cảng vụ Hàng hải M1 và nhiệm vụ, quyền hạn của các cá nhân liên quan * Cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ của Cảng vụ Hàng hải Mỹ Tho Cảng vụ Hàng hải Mỹ Tho được thành lập vào ngày 01/6/1995, trực thuộc Cục H5, Bộ G. Trụ sở chính tại số H, đường T, xã T, thành phố M, tỉnh TG, có 04 phòng chức năng gồm: Phòng Tổ chức Hành chính; Phòng Tài vụ; Phòng A;
02 Văn phòng đại diện đặt tại Vĩnh Long và Long An; 02 Trạm đại diện đặt tại tỉnh Bến Tre và huyện G, tỉnh TG. Nhiệm vụ kiểm tra an toàn hàng hải đối với tàu thuyền neo đậu trong các khu vực chuyển tải, khu vực neo đậu, kiểm tra luồng hàng hải, phao tiêu, biển báo trong phạm vi địa giới hành chính được giao phụ trách.
* Về hoạt động tài chính, tài sản của Cảng vụ Hàng hải Mỹ Tho Cảng vụ Hàng hải Mỹ Tho có tư cách pháp nhân, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, được sử dụng con dấu riêng, hoạt động theo chế độ “Dự toán thu, chi” do Cục H5 duyệt theo chế độ hiện hành. Thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; từ năm 2016 đến nay thực hiện theo quy định của Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 quy định “Cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác”. Cảng vụ Hàng hải M1 có 02 nguồn kinh phí:
- Nguồn ngân sách Nhà nước cấp hàng năm theo dự toán được Cục H5 phê duyệt và thực hiện quyết toán hàng năm, bao gồm:
+ Kinh phí chi hoạt động thường xuyên: Tiền nhiên liệu sử dụng cho các phương tiện: canô, ôtô, môtô hàng tháng, được quyết toán từ nguồn kinh phí thường xuyên.
+ Kinh phí chi hoạt động không thường xuyên.
- Nguồn thu khác được trích lập, điều chuyển theo quy định.
Tài sản của Cảng vụ Hàng hải M1 được trang cấp các loại phương tiện phục vụ công tác bao gồm: 01 xe ôtô 05 chỗ ngồi, biển kiểm soát 63D - 1116;
01 canô công vụ công suất máy 210CV, số đăng ký VNSG 1503CN; 01 ca nô tìm kiếm cứu nạn công suất máy 85CV, sau đó được nâng cấp công suất máy lên 115CV, số đăng ký TG 5587.
* Nhiệm vụ, quyền hạn của các cá nhân liên quan - Võ Thanh T8, sinh năm 1962, cư trú số C T, Phường G, thành phố M, tỉnh TG được bổ nhiệm làm Giám đốc từ khi Cảng vụ Hàng hải M1 thành lập đến ngày 31/01/2014;
- Hồ Đắc L2, sinh năm 1960, cư trú số F C, phường B, Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh làm Giám đốc từ ngày 01/02/2014 đến ngày 31/12/2014;
- Võ Tá T được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc từ ngày 01/01/2015.
Giám đốc Cảng vụ Hàng hải M1 chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý tài sản, phương tiện, ký duyệt các chứng từ thu chi và thanh quyết toán các nguồn tài chính của Cảng vụ Hàng hải M1, trong đó có nguồn nhiên liệu cho các phương tiện phục vụ công tác.
- Nguyễn Tấn P được Cục H5 bổ nhiệm làm Kế toán trưởng Cảng vụ Hàng hải Mỹ Tho từ tháng 12/2010 và kiêm chức vụ Trưởng phòng Tài vụ. Nguyễn Tấn P có nhiệm vụ điều hành mọi hoạt động của Phòng Tài vụ, tham mưu cho Giám đốc Cảng vụ Hàng hải M1 trong toàn bộ hoạt động thu, chi và báo cáo quyết toán hàng năm của đơn vị.
- Nguyễn Thiên T9 được bổ nhiệm làm Trưởng phòng - Phòng Tổ chức Hành chính kể từ năm 2006, đến tháng 6/2017 thì xin nghỉ việc. Với vai trò là Trưởng phòng, Nguyễn Thiên T9 có nhiệm vụ tham mưu cho Giám đốc về công tác tổ chức cán bộ, lao động, tiền lương, thi đua, khen thưởng, kỷ luật, hành chính, văn thư, lưu trữ, quản trị, xây dựng cơ bản và quản lý theo dõi tài sản của đơn vị.
- Lê Quang H1 được bổ nhiệm làm Phó Trưởng phòng - Phòng An toàn Thanh tra hàng hải từ tháng 12/2014, đến cuối năm 2015 thì được bổ nhiệm làm Trưởng phòng - Phòng An toàn Thanh tra hàng hải. Lê Quang H1 có nhiệm vụ điều hành hoạt động của Phòng An toàn Thanh tra hàng hải, tham mưu cho Giám đốc về công tác an toàn, an ninh hàng hải, thanh tra chuyên ngành hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường, quản lý kết cấu hạ tầng cảng biển và phòng chống lũ lụt tìm kiếm cứu nạn.
- Bùi Thị Đoan K được tuyển dụng vào làm việc tại Phòng Tổ chức hành chính chịu sự phân công của Trưởng phòng - Phòng Tổ chức hành chính từ năm 2007. Ngày 20/12/2012, được điều động đến công tác tại Phòng Tài vụ, thực hiện các nhiệm vụ kế toán thu, chi theo phân công của Kế toán trưởng và Giám đốc Cảng vụ; đến tháng 5/2016 được Giám đốc phân công kiêm nhiệm vụ thủ quỹ. Với nhiệm vụ là kế toán, Bùi Thị Đoan K có trách nhiệm thẩm định các hồ sơ thanh quyết toán, lập phiếu thu, chi, ký tất các giấy ủy nhiệm chi để tham mưu thanh toán đối với các hoạt động của Cảng vụ Hàng hải M1; theo dõi các nguồn quỹ của đơn vị kể từ tháng 5/2016.
- Trần Hải Triều T7 được tuyển dụng và phân công nhiệm vụ thủ quỹ thuộc Phòng Tài vụ từ năm 2006, đến tháng 4/2016 thì xin nghỉ việc. Với vai trò là thủ quỹ, Trần Hải Triều T7 có nhiệm vụ quản lý, theo dõi các nguồn quỹ của đơn vị và theo dõi sổ sách tài sản của đơn vị.
- Phạm Thanh T2 được ký hợp đồng lao động làm nhân viên bảo vệ Cảng vụ Hàng hải M1 kể từ ngày 15/01/2010, nhiệm vụ cụ thể do Trưởng phòng - Phòng Tổ chức hành chính là Nguyễn Thiên T9 phân công. Từ tháng 8/2011, Phạm Thanh T2 được Nguyễn Thiên T9 phân công nhiệm vụ quản lý vận hành 02 canô phục vụ công tác thanh kiểm tra an toàn hàng hải.
- Phan Phú C, sinh năm 1969, cư trú số 996 ấp L, xã Đ, thành phố M, tỉnh TG được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Phòng Pháp chế An toàn Thanh tra hàng hải từ tháng 02/2009, đến tháng 10/2014 thì C xin nghỉ việc. Với nhiệm vụ là Trưởng phòng, C tham mưu cho Giám đốc thực hiện các kế hoạch kiểm tra hàng hải và trực tiếp tham gia đoàn công tác theo sự phân công Giám đốc.
- Lê Trung T10, sinh năm 1988, cư trú số 522A Ấp B, Phường E, thành phố M, tỉnh TG được tuyển dụng làm kế toán của Cảng vụ hàng hải M1 từ tháng 9/2008, đến tháng 6/2013 thì được bổ nhiệm làm Phó Trưởng phòng - Phòng Tài vụ, đến tháng 7/2015 chuyển làm công tác khác. Lê Trung T10 có nhiệm vụ kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của các chứng từ kế toán trước khi trình cho kế toán trưởng và Giám đốc ký duyệt.
2. Diễn biến việc lập hồ sơ quyết toán nhiên liệu cho Canô 210CV 2.1. Việc lập hồ sơ quyết toán nhiên liệu cho canô 210CV giai đoạn từ tháng 8/2011 đến ngày 31/01/2014 do Võ Thanh T8 làm giám đốc Theo lời khai của Nguyễn Tấn P, Bùi Thị Đoan K, Lê Quang H1, Trần Hải Triều T7 và Phạm Thanh T2 thể hiện: Canô 210CV của Cảng vụ Hàng hải M1 khi T2 được giao quản lý vào tháng 8/2011 đã hư hỏng, không thể phục vụ công tác của đơn vị và công tác thanh kiểm tra an toàn hàng hải của Cảng vụ Hàng hải M1 được thực hiện bằng các phương tiện như: Canô 85CV; xe ôtô hoặc xe môtô cá nhân của cán bộ được phân công nhiệm vụ và được thanh quyết toán theo quy chế chi tiêu nội bộ; đối với việc kiểm tra luồng, phao tiêu báo hiệu, cảng biển cán bộ được phân công thực hiện đi xe môtô đến các Trạm đảm bảo an toàn hàng hải, cảng biển và sử dụng canô của Trạm đảm bảo an toàn hàng hải hoặc thuê mướn ghe, đò của người dân để tiến hành kiểm tra. Việc quyết toán tiền nhiên liệu đối với các phương tiện nêu trên đã được Cảng vụ Hàng hải M1 thực hiện quyết toán theo quy định.
Bên cạnh đó, Nguyễn Tấn P, Bùi Thị Đoan K, Lê Quang H1 và Trần Hải Triều T7 còn khai: Mặc dù Canô 210CV không hoạt động nhưng do nguồn kinh phí cấp cho đơn vị còn hạn chế, trong khi các khoản chi ngoại giao, tiếp khách,…. có phát sinh không thể quyết toán bằng nguồn ngân sách Nhà nước. Để tạo nguồn chi cho các khoản này, Võ Thanh T8 cùng lãnh đạo các Phòng nghiệp vụ có chủ trương lập hồ sơ việc canô 210CV vẫn phục vụ công tác để quyết toán tiền nhiên liệu; số tiền này giữ tại đơn vị dùng vào chi tiếp khách, chi các khoản không thuộc danh mục được quyết toán ngân sách Nhà nước …. hàng tháng bộ phận kế toán do Nguyễn Tấn P có trách nhiệm tổng hợp số tiền đã chi trong tháng để phối hợp với Nguyễn Thiên T9 - Phòng Tổ chức hành chính, Phan Phú C - Phòng An toàn T12 kiểm tra, và sử dụng phương tiện là canô 210CV bằng số giờ quy đổi ra lượng nhiên liệu tiêu hao phù hợp với số tiền do P cung cấp, sau đó báo với Võ Thanh T8 để liên hệ xin hóa đơn thuế giá trị gia tăng đưa vào hồ sơ quyết toán. Tổng số tiền quyết toán nhiên liệu cho canô 210CV giai đoạn này là 417.059.092 đồng.
Về quản lý, sử dụng số tiền 417.059.092 đồng quyết toán cho canô 210CV giai đoạn từ tháng 8/2011 đến tháng 01/2014: Theo T7 khai, số tiền này T7 tự theo dõi, quản lý, chi theo chỉ đạo của Võ Thanh T8 không có chứng từ liên quan kèm theo; Số tiền còn tồn lại cuối năm T7 giao lại cho T8.
* Quá trình điều tra xác định các cá nhân có liên quan đã lập và ký tên trên bộ hồ sơ, chứng từ quyết toán nhiên liệu giai đoạn Võ Thanh T8 làm giám đốc như sau:
- Lê Quang H1 - nhân viên Phòng Pháp chế an toàn thanh tra: Lập “Giấy điều động và cấp nhiên liệu”, “Giấy xin điều động phương tiện” cho canô 210CV trình Phan Phú C ký tắt trước khi trình Võ Thanh T8 ký duyệt; lập “báo cáo kế hoạch và nhiên liệu công tác thanh tra an toàn hàng hải”; “Giấy đề nghị thanh toán” trình bộ phận kế toán và Giám đốc ký thực hiện quyết toán; ký vào vị trí “người nhận tiền” trên các phiếu chi trong hồ sơ quyết toán.
- Phan Phú C - Trưởng phòng An toàn Thanh tra hàng hải: Trên cơ sở “Giấy điều động và cấp nhiên liệu” và “Giấy xin điều động phương tiện” do H1 lập, C ký tắt vào chứng từ trước khi trình Giám đốc Võ Thanh T8 ký duyệt.
- Lê Trung T10 - kế toán: Ký trên chứng từ chi tại vị trí “người lập” để trình cho kế toán trưởng ký duyệt.
- Bùi Thị Đoan K - kế toán: Ký tắt trên chứng từ ủy nhiệm chi để trình kế toán trưởng và Giám đốc ký duyệt chuyển tiền nhiên liệu cho đối tác xuất hóa đơn giá trị gia tăng của nhiên liệu sử dụng của canô 210CV. Đối với các hồ sơ không chuyển tiền bằng ủy nhiệm chi thì K thực hiện nhiệm vụ như Lê Trung T10.
- Nguyễn Tấn P - kế toán trưởng: Thực hiện thẩm định toàn bộ hồ sơ quyết toán nhiên liệu do bộ phận kế toán tổng hợp, ký trên “Giấy đề nghị thanh toán” do H1 lập, sau đó trình Giám đốc duyệt chi thanh toán tiền thanh toán nhiên liệu.
- Võ Thanh T8 - Giám đốc: Ký duyệt trên “Giấy điều động và cấp nhiên liệu”, “Giấy xin điều động phương tiện” cho canô 210CV do H1 lập; ký duyệt trên “Giấy đề nghị thanh toán” do H1 lập và “Phiếu chi” do bộ phận kế toán trình để thanh toán nhiên liệu sử dụng cho canô 210CV.
- Trần Hải Triều T7, thủ quỹ: Thực hiện ký trên “Phiếu chi” tại vị trí thủ quỹ và thực tế không chi tiền này cho người nhận mà giữ số tiền này cho chi phí tiếp khách, ngoại giao của đơn vị theo chỉ đạo của Giám đốc.
Mặc dù Nguyễn Tấn P, Bùi Thị Đoan K, Lê Quang H1 và Trần Hải T11 T7 khai trong giai đoạn Võ Thanh T8 làm giám đốc có chỉ đạo lập hồ sơ khống quyết toán tiền nhiên liệu như đã nêu trên. Tuy nhiên quá trình điều tra thì Võ Thanh T8, Phan Phú C và Lê Trung T10 không thừa nhận việc lập hồ sơ khống quyết toán tiền nhiên liệu, Võ Thanh T8 khai canô 210CV không bị hư hỏng và có phục vụ công tác; các doanh nghiệp liên quan đến hoá đơn giá trị gia tăng trong bộ hồ sơ quyết toán nhiên liệu canô 210CV xác định có bán xăng và xuất hóa đơn theo quy định; đối với số tiền thể hiện trên hóa đơn giá trị gia tăng đã được thực hiện chuyển thanh toán qua tài khoản của doanh nghiệp số tiền 233.978.786 đồng (trong tổng số 417.059.092 đồng).
2.2. Việc lập hồ sơ quyết toán nhiên liệu cho canô 210CV giai đoạn 01/02/2014 đến ngày 31/12/2014 do Hồ Đắc L2 làm giám đốc Ngày 01/02/2014, Hồ Đắc L2 được bổ nhiệm làm Giám đốc.
Theo lời khai của Nguyễn Tấn P, Bùi Thị Đoan K, Lê Quang H1, Trần Hải Triều T7 trong giai đoạn Hồ Đắc L2 làm giám đốc cũng thực hiện quyết toán nhiên liệu cho canô 210CV như giai đoạn từ tháng 8/2011 đến ngày 31/01/2014. Tổng số tiền quyết toán nhiên liệu cho canô 210CV giai đoạn này là 291.003.416 đồng.
* Quá trình điều tra xác định các cá nhân có liên quan đã lập và ký tên trên bộ hồ sơ, chứng từ quyết toán nhiên liệu giai đoạn Hồ Đắc L2 làm giám đốc như sau:
- Lê Quang H1 - nhân viên Phòng Pháp chế an toàn thanh tra: Lập “Giấy điều động và cấp nhiên liệu”, “Giấy xin điều động phương tiện” cho canô 210CV trình Phan Phú C ký tắt trước khi trình Giám đốc Hồ Đắc L2 ký duyệt; lập “báo cáo kế hoạch và nhiên liệu công tác thanh tra an toàn hàng hải”; “Giấy đề nghị thanh toán” trình bộ phận kế toán và Giám đốc ký thực hiện quyết toán; ký vào vị trí “người nhận tiền” trên các phiếu chi trong hồ sơ quyết toán.
- Phan Phú C - Trưởng phòng An toàn Thanh tra hàng hải: Trên cơ sở “Giấy điều động và cấp nhiên liệu” và “Giấy xin điều động phương tiện” do H1 lập, C ký tắt vào trước khi trình Giám đốc phê duyệt. Đến tháng 10/2014 thì C nghỉ việc, các hồ sơ này H1 lập trình cho Giám đốc Hồ Đắc L2 ký duyệt.
- Bùi Thị Đoan K - kế toán: Lập và ký trên chứng từ chi tại vị trí “người lập” và trình cho kế toán trưởng ký duyệt chứng từ thanh toán.
- Nguyễn Tấn P - kế toán trưởng: Ký trên “Giấy đề nghị thanh toán” do H1 lập, sau đó trình Giám đốc duyệt chi thanh toán tiền nhiên liệu.
- Hồ Đắc L2 - Giám đốc: Ký duyệt trên “Giấy điều động và cấp nhiên liệu”, “Giấy xin điều động phương tiện” cho canô 210CV do H1 lập; ký duyệt trên “Giấy đề nghị thanh toán” do H1 lập và “Phiếu chi” do bộ phận kế toán trình để thanh toán tiền nhiên liệu sử dụng cho canô 210CV.
- Trần Hải Triều T7 - thủ quỹ: Thực hiện ký trên “Phiếu chi” tại vị trí thủ quỹ và thực tế không chi tiền này cho người nhận mà giữ số tiền này cho chi phí tiếp khách, ngoại giao của đơn vị theo chỉ đạo của Giám đốc.
- Từ tháng 9/2014 đến tháng 12/2014, trong hồ sơ còn có tài liệu “Nhật ký vận hành ca nô” do Phạm Thanh T2 lập, ký tại vị trí “lái ca nô” và trình cho Nguyễn Thiên T9 ký duyệt.
Đối với số tiền 291.003.416 đồng quyết toán cho canô 210CV giai đoạn từ tháng 02/2014 đến tháng 12/2014 do Hồ Đắc L2 làm giám đốc. Theo T7 khai: T7 tự theo dõi, quản lý, chi theo chỉ đạo của Hồ Đắc L2, không có chứng từ liên quan kèm theo. Số tiền còn tồn lại T7 giao lại cho P sử dụng cho ngoại giao, tiếp khách, .....
Mặc dù Nguyễn Tấn P, Bùi Thị Đoan K, Lê Quang H1 và Trần Hải T11 T7 khai trong giai đoạn Hồ Đắc L2 làm giám đốc có chỉ đạo lập hồ sơ khống quyết toán tiền nhiên liệu như đã nêu trên. Tuy nhiên quá trình điều tra thì Hồ Đắc L2, Phan Phú C không thừa nhận việc lập hồ sơ khống quyết toán tiền nhiên liệu. Hồ Đắc L2 khai canô 210CV có bị hư hỏng nhưng có được sửa chữa phục vụ công tác tại đơn vị; các doanh nghiệp liên quan đến hoá đơn giá trị gia tăng trong bộ hồ sơ quyết toán nhiên liệu canô 210CV xác định có bán xăng và xuất hóa đơn theo quy định.
2.3. Việc lập hồ sơ quyết toán nhiên liệu cho canô 210CV giai đoạn 01/01/2015 đến ngày 31/12/2016 do Võ Tá T làm giám đốc Sau khi Võ Tá T về giữ chức vụ Giám đốc từ ngày 01/01/2015, Võ Tá T và các đồng phạm lập hồ sơ về việc canô 210CV (đã bị hư hỏng không hoạt động được) nhưng vẫn quyết toán nhiên liệu. Số tiền quyết toán được giữ lại tại đơn vị giao cho thủ quỹ quản lý, dùng vào việc chi tiêu cho những khoản không quyết toán được như: Chi tiếp khách, ngoại giao với các ban ngành đoàn thể mà không thể quyết toán được theo nguyên tắc tài chính, kế toán. Tổng số đã lập 152 bộ hồ sơ, chứng từ để quyết toán nhiên liệu gây thiệt hại với số tiền 1.493.796.775 đồng. Cụ thể như sau:
Hàng tháng Nguyễn Tấn P báo Võ Tá T về số tiền cần thanh toán khống trong tháng, sau khi được T đồng ý, P thông báo lại cho Lê Quang H1 biết để lập khống các thủ tục công tác, cụ thể:
- Căn cứ số tiền cần quyết toán khống hàng tháng do P cung cấp, H1 cân đối và tính toán ra số km thực hiện công tác, lượng nhiên liệu tiêu hao, lịch kiểm tra tàu thuyền trên bảng theo dõi công tác để lập khống các thủ tục:
+ Kế hoạch công tác và điều động phương tiện canô 210CV, nhật ký vận hành canô 210CV trình cho Nguyễn Thiên T9 ký xác nhận tại vị trí lãnh đạo Phòng Tổ chức hành chính, Phạm Thanh T2 ký xác nhận vị trí người lái canô.
+ Lê Quang H1 lập và ký xác nhận khống vào sổ “Công tác thanh tra an toàn hàng hải” ghi khống tuyến đường, thời gian công tác, lượng nhiên liệu tiêu hao; Báo cáo kế hoạch và nhiên liệu công tác thanh tra an toàn hàng hải; Lập, ký khống vào vị trí người đề nghị trên giấy đề nghị cấp nhiên liệu, giấy đề nghị thanh toán trình Võ Tá T ký duyệt.
- Hóa đơn thuế giá trị gia tăng dùng làm căn cứ lập hồ sơ quyết toán được Lê Quang H1 và Nguyễn Tấn P liên hệ đề nghị các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh TG như Doanh nghiệp tư nhân M3; các cửa hàng xăng dầu số C, số A, số A, số 18 thuộc Công ty Cổ phần C1 và Trạm xăng thuộc Doanh nghiệp tư nhân X xuất khống cho Cảng vụ Hàng hải M1 để đưa vào hồ sơ quyết toán.
- Sau khi có được hóa đơn giá trị gia tăng và lập các tài liệu đề nghị thanh toán khống, Lê Quang H1 chuyển toàn bộ hồ sơ thanh toán nhiên liệu khống đến Phòng Tài vụ để Bùi Thị Đoan K duyệt thẩm định, lập phiếu chi, trình cho Nguyễn Tấn P ký duyệt vào vị trí Kế toán trưởng, sau đó Nguyễn Tấn P trực tiếp hoặc chỉ đạo cho K trình Võ Tá T duyệt chi. Căn cứ phiếu chi do Võ Tá T duyệt, Trần Hải T11 T7 đưa lại phiếu chi cho Lê Quang H1 ký nhận tại vị trí người nhận tiền nhưng tiền quyết toán nhiên liệu thì T7 giữ lại.
Số tiền quyết toán nhiên liệu do Thanh quản l và chi; trong tháng sử dụng không hết, T7 giao lại cho P quản lý và P thực hiện chi theo chỉ đạo của T; Số tiền này được sử dụng chi cho T, P, T9 khi tiếp khách, ngoại giao,...
Để theo dõi số tiền quyết toán từ việc lập hồ sơ quyết toán nhiên liệu khống, T7 lập một quyển sổ tay để ghi nhận số tiền thu, chi hàng tháng theo chỉ đạo của T và P, tổng số tiền thừa giao lại cho P theo từng tháng. Đến hết tháng 4/2016, T7 nghỉ việc tại Cảng vụ Hàng hải M1, trước khi nghỉ việc, T7 sử dụng dấu tên của mình đóng vào các trang giấy trong quyển sổ theo dõi tiền nhiên liệu khống và bàn giao quyển sổ này lại cho K để tiếp tục theo dõi số tiền quyết toán khống này. Quá trình điều tra, Bùi Thị Đoan K đã cung cấp quyển sổ ghi chép này cho cơ quan điều tra.
Khi nhận tiền nhiên liệu khống còn thừa hàng tháng từ Trần Hải Triều T7 và Bùi Thị Đoan K, Nguyễn Tấn P lập một quyển sổ tay để theo dõi, ghi chép chi tiết số tiền 1.493.796.775 đồng nhiên liệu quyết toán khống để chi theo chỉ đạo của Võ Tá T.
* Sổ theo dõi do Trần Hải Triều T7, Bùi Thị Đoan K và Nguyễn Tấn P ghi thể hiện như sau:
- Chi tiếp khách, chi các khoản không thuộc danh mục được quyết toán ngân sách Nhà nước và quy chế chi tiêu nội bộ với tổng số tiền 437.095.000 đồng.
- Chi thanh toán tiền xin hóa đơn giá trị gia tăng khống 81.881.000 đồng. Trong đó, chi thông qua Lê Quang H1 46.400.000 đồng (chi bồi dưỡng tiền xăng đi lấy hóa đơn cho H1 4.500.000 đồng, H1 trực tiếp chi 05% xin hóa đơn 41.900.000 đồng); Nguyễn Tấn P trực tiếp chi là 35.481.000 đồng.
- Các sổ ghi chép thể hiện chi tiền mặt cho Võ Tá T làm chi phí đi ngoại giao trong các lần đi công tác, tiếp khách tổng số tiền 901.096.695 đồng.
- Ngoài ra sổ ghi chép thể hiện chuyển khoản cho người thân, thanh toán tiền mua vé máy bay cho Võ Tá T 73.724.000 đồng.
Cơ quan điều tra xác định các bị cáo Nguyễn Tấn P, Nguyễn Thiên T9, Lê Quang H1, Bùi Thị Đoan K, Trần Hải Triều T7 và Phạm Thanh T2 không hưởng lợi, không được chia từ số tiền quyết toán. Đối với Võ Tá T khai khoản tiền chuyển khoản cho người thân, T tự lấy tiền cá nhân nhờ chuyển khoản giúp chứ không lấy tiền của Cảng vụ Hàng hải M1 quyết toán nhiên liệu khống nên chưa đủ căn cứ xác định T chiếm đoạt số tiền này.
* Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã thu giữ các vật chứng, tài liệu như sau:
- Bản chính 152 bộ hồ sơ quyết toán khống tiền nhiên liệu canô 210CV của Cảng vụ Hàng hải M1.
- Quyển nhật ký canô 210CV do Phạm Thanh T2 lập có chữ ký xác nhận của Nguyễn Thiên T9 - Trưởng phòng Tổ chức hành chính.
- 09/152 hồ sơ thanh quyết toán khống tiền nhiên liệu canô 210CV trùng với 09 hồ sơ công tác thực tế có thật, đồng thời trùng với các hồ sơ quyết toán nhiên liệu ôtô và môtô của Cảng vụ Hàng hải M1.
- Nhật ký canô 210CV do Lê Quang H1 lập khống trên mẫu giấy: “Công tác thanh tra an toàn hàng hải”.
- Sổ tay của thủ quỹ do Trần Hải Triều T7, Bùi Thị Đoan K lập, cập nhật các khoản thu, chi tiền nhiên liệu khống từ tháng 01/2015 đến tháng 7/2017.
- Sổ tay của Nguyễn Tấn P lập ghi nhận chi số tiền quyết toán khống từ tháng 12/2014 đến tháng 12/2016 theo chỉ đạo của Võ Tá T.
- 01 mẩu giấy ghi số tiền nhiên liệu khống của tháng 10/2015, các khoản đã chi theo chỉ đạo của T, P và số tiền còn lại mà thủ quỹ Trần Hải T11 T7 giao cho Nguyễn Tấn P (mực bút chì).
- Danh sách chi tiền thưởng cho lãnh đạo Cục H6 tổng kết năm 2015 có chữ viết của Nguyễn Thiên T9 và bút tích chỉnh sửa của Võ Tá T.
- Hồ sơ đăng kiểm canô 210CV của Cảng vụ Hàng hải M1 do Chi cục Đăng kiểm T13 cung cấp thể hiện canô 210CV không đăng kiểm từ cuối năm 2011 đến 01/2017.
- Các quyết định kiểm tra và biên bản kiểm tra luồng lạch, cảng biển và tàu biển thực tế mà Cảng vụ Hàng hải M1 có thực hiện trong năm 2015 và năm 2016.
- Các báo cáo sơ kết 06 tháng, báo cáo năm, báo cáo chuyên đề công tác thanh kiểm tra an toàn hàng hải của Cảng vụ Hàng hải M1 năm 2015 và năm 2016 không có các nội dung kiểm tra thể hiện trong 152 hồ sơ khống.
- 01 USB chứa đoạn băng ghi âm do Lê Quang H1 cung cấp.
- Tiền Việt Nam đồng: 176.700.000 đồng (Bị cáo Lê Quang H1 tự nguyện giao nộp 4.500.000 đồng; Khám xét, thu giữ nơi làm việc của Võ Tá T 137.500.000 đồng; Trần Minh Q tự nguyện giao nộp 31.500.000 đồng; Trần Thị Mỹ D2 tự nguyện giao nộp 2.000.000 đồng; Lê Hoàng D3 tự nguyện giao nộp 1.200.000 đồng), đang tạm gửi tại Kho bạc Nhà nước tỉnh T.
* Kết quả giám định các tài liệu đã thu giữ - Ngày 25/9/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh T đã ban hành Quyết định số 3345/CSKT trưng cầu Sở Tài chính tỉnh T giám định về tài chính kế toán đối với các tài liệu, chứng từ đã thu thập.
Tại Kết luận giám định tài chính ngày 15/4/2021 của Giám định viên thuộc Sở Tài chính tỉnh T, kết luận:
+ Số tiền nhiên liệu được cấp cho canô 210CV từ ngày 01/01/2015 đến ngày 31/12/2016 là 1.493.796.775 đồng.
+ Việc lập hồ sơ thanh quyết toán tiền nhiên liệu (trong trường hợp Cơ quan Cảnh sát điều tra có cơ cơ sở xác định là thanh quyết toán khống) là vi phạm với quy định tại: khoản 4, Điều 6, khoản 3, Điều 7, khoản 1, Điều 14 của Luật Kế toán năm 2003 và khoản 4, Điều 5, khoản 3, Điều 6, khoản 1, Điều 13 của Luật Kế toán năm năm 2015;
+ Qua kiểm tra, các khoản chi liên quan tiền nhiên liệu canô 210CV thể hiện trên: Sổ tay của Nguyễn Tấn P; sổ tay của Trần Hải Triều T7 và Bùi Thị Đoan K; các khoản chi thể hiện trên các bảng kê tháng 3, 4, 5, 6, 7, 9, 10, 11, 12/2014 và tháng 10/2015 do Nguyễn Tấn P cung cấp; các khoản chi thể hiện trên bảng kê tháng 7, 8, 9, 10, 11/2016 do Bùi Thị Đoan K cung cấp, đa số không phù hợp với nội dung chi quy định trong các quy chế chi tiêu nội bộ và của Cảng vụ M1 và quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
• Các nội dung chi phù hợp với quy chế chi tiêu nội bộ và quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ: Chi công tác hành chính; chi hội nghị; chi phí đi công tác các tỉnh; chi đặt ăn, tiếp khách; chi sửa chữa cơ quan; chi trang trí cơ quan các dịp lễ, tết; chi đám tang; chi tiền thưởng năm công chức viên chức.
• Các nội dung chi nêu trên (chi công tác hành chính, chi hội nghị, chi phí đi công tác các tỉnh...) phù hợp với nội dung chi quy định tại các quy chế chi tiêu nội bộ của Cảng vụ Hàng hải M1 và quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ- CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ. Tuy nhiên, trong trường hợp Cơ quan Cảnh sát điều tra kết luận nguồn kinh phí dùng để chi cho các nội dung này là do thanh quyết toán khống nhiên liệu mà có thì không thể xem việc chi tiêu trên là hợp pháp.
- Ngày 18/4/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh T có Quyết định số 553/CSKT trưng cầu Phòng K1 Công an tỉnh T giám định: Chữ viết, chữ số, chữ ký, chữ viết tắt liên quan đến Nguyễn Thiên T9.
Tại Kết luận giám định số 435/GĐ-KTHS(Đ3) ngày 25/6/2019 của Phòng K1 Công an tỉnh T, kết luận:
+ Chữ ký tại cột “Ký duyệt”, được đóng khung màu đỏ trên tài liệu cần giám định ký hiệu A so với chữ ký mang tên “Nguyễn Thiên T9” trên tài liệu mẫu so sánh ký hiệu M1 đến M14 do cùng một người ký ra.
+ Chữ viết, chữ số có nội dung bắt đầu và kết thúc bằng các từ “A.Giang CT 1.000.000....57.000.000”; “A Dũng PC 1.000.000 ... 66.000.000”; “Đi Long An nhận đất....Tiếp đoàn kiểm tra PCCC 400.000” (đóng khung màu đỏ) trên “DANH SÁCH THƯỞNG LÃNH ĐẠO CỤC HHVN TỔNG KẾT NĂM 2015” (gồm 02 tờ), ký hiệu A1 so với chữ viết, chữ số đứng tên “Nguyễn Thiên T9” trên tài liệu mẫu so sánh ký hiệu từ M2 đến M6, M9, M12, M14 do cùng một người viết ra.
+ Không đủ cơ sở kết luận giám định chữ ký tắt trên tài liệu cần giám định ký hiệu A, A1 so với chữ ký tắt trên tài liệu mẫu so sánh ký hiệu M6, M7, M8 có phải do cùng một người ký ra hay không.
- Ngày 18/4/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh T có Quyết định số 554/CSKT trưng cầu Phòng K1 Công an tỉnh T giám định: Chữ viết, chữ số, chữ ký liên quan đến Lê Quang H1.
Tại Kết luận giám định số 436/GĐ-KTHS(Đ3) ngày 25/6/2019 của Phòng K1 Công an tỉnh T, kết luận:
+ Chữ viết, chữ số tại cột “Ngày tháng; Tóm tắt nội dung công việc; Đơn vị; Khối lượng hoàn thành; Ghi chú” trên tài liệu cần giám định ký hiệu từ A1 đến A18 (trừ chữ viết, chữ số ở mặt sau năm 2017 trên tài liệu ký hiệu A18) so với chữ viết, chữ số đứng tên Lê Quang H1 trên các tài liệu mẫu so sánh ký hiệu từ M1 đến M5 (trừ chữ số tại mục “Kèm theo 01 chứng từ gốc, chữ viết dưới mục “Người duyệt” trên tài liệu ký hiệu M1, M2, M3, M4) là do cùng một người viết ra.
+ Chữ ký tại cột “Người thực hiện” trên tài liệu cần giám định ký hiệu từ A1 đến A18 (trừ chữ ký được đóng khung mực màu đỏ trên tài liệu ký hiệu từ A1 đến A7 và chữ ký ở mặt sau năm 2017 trên tài liệu ký hiệu A18) so với chữ ký đứng tên Lê Quang H1 trên các tài liệu mẫu so sánh ký hiệu từ M1 đến M5 là do cùng một người ký ra.
- Ngày 18/4/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh T có Quyết định số 556/CSKT trưng cầu Phòng K1 Công an tỉnh T giám định: Chữ viết, chữ số liên quan đến Võ Tá T.
Tại Kết luận giám định số 438/GĐ-KTHS(Đ3) ngày 25/6/2019 của Phòng K1 Công an tỉnh T, kết luận:
+ Chữ viết, chữ số có nội dung bắt đầu và kết thúc bằng các từ: “23Mr Sáng P.PTCCB 1.000.000 .... Chị H P.CTH2 1.000.000đ” trên tài liệu cần giám đinh ký hiệu A (trừ các chữ số “6”, “27”, “28”, “30” được viết bằng cây bút khác) so với chữ viết, chữ số đứng tên Võ Tá T trên các tài liệu mẫu so sánh ký hiệu từ M1 đến M13 là do cùng một người viết ra.
+ Không đủ cơ sở kết luận chữ số “5” dưới mục “Số tiền” trên tài liệu cần giám định ký hiệu A so với chữ viết, chữ số đứng tên Võ Tá T trên các tài liệu mẫu so sánh ký hiệu từ M1 đến M13 là có phải do cùng một người viết ra hay không.
Quyết định số 552/CSKT trưng cầu Phòng K1 Công an tỉnh T giám định: Chữ viết, chữ số liên quan đến Phạm Thanh T2.
Tại Kết luận giám định số 439/GĐ-KTHS(Đ3) ngày 25/6/2019 của Phòng K1 Công an tỉnh T, kết luận:
Chữ viết, chữ số thể hiện tại mục: “Tuyến đường hoạt động”, “Đồng hồ báo giờ”, “Nhiên liệu tồn két”, “Nhiên liệu bổ sung”, “Tiêu hao thực tế”, “Ký duyệt” trên tài liệu cần giám định ký hiệu A so với chữ viết, chữ số đứng tên “Phạm Thanh T2” trên các tài liệu mẫu ký hiệu từ M1 đến M13 do cùng một người viết ra.
- Ngày 10/12/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh T có Quyết định số 2163/CSKT trưng cầu Phân Viện khoa học Hình sự tại Thành phố Hồ Chí Minh giám định giọng nói được lưu trong USB mà Cơ quan điều tra đã thu giữ.
Tại Kết luận giám định số 356/C09B ngày 17/01/20120 nội dung file ghi âm kèm theo của Phân Viện khoa học Hình sự tại thành phố Hồ Chí Minh, kết luận:
+ Không phát hiện thấy dấu hiệu cắt, ghép, chỉnh sửa nội dung trong file ghi âm thanh mẫu cần giám định.
+ Tiếng nói của người đàn ông nói giọng miền B (ký hiệu“Thiện” trong “Bản dịch nội dung”) và tiếng nói của bị cáo Võ Tá T trong mẫu so sánh là của cùng một người nói ra.
+ Nội dung hội thoại trong file âm thanh mẫu cần giám định đã được chuyển thành văn bản.
3. Về trách nhiệm dân sự Quá trình giải quyết vụ án, Lê Quang H1 đã tự nguyện giao nộp số tiền 4.500.000 đồng để khắc phục một phần hậu quả do hành vi phạm tội đã gây ra. Số tiền gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước, các bị cáo chưa nộp khắc phục hậu quả.
Tại bản Cáo trạng số 25/CT-VKSTG-P1 ngày 27 tháng 10 năm 2022, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh TG đã truy tố các bị cáo Võ Tá T, Nguyễn Tấn P, Lê Quang H1, Bùi Thị Đoan K và Phạm Thanh T2 về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại khoản 3 Điều 221 Bộ luật Hình sự. Bị cáo Trần Hải Triều T7 về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 221 Bộ luật Hình sự.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 03/2024/HS-ST ngày 30 tháng 01 năm 2024 của Tòa án nhân dân tỉnh TG quyết định:
1. Về tội danh: Tuyên bố các bị cáo Võ Tá T, Nguyễn Tấn P, Lê Quang H1, Phạm Thanh T2 phạm tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.
- Áp dụng khoản 2 Điều 221; điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38; Điều 17; Điều 58; Điều 50 Bộ luật Hình sự. Xử phạt bị cáo Võ Tá T 03 (ba) năm 06 (sáu) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án.
- Áp dụng khoản 2 Điều 221; điểm b, s, t, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38; Điều 17; Điều 58; Điều 50 Bộ luật Hình sự. Xử phạt bị cáo Nguyễn Tấn P 03 (ba) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án.
- Áp dụng khoản 2 Điều 221; điểm b, r, s, t, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38; Điều 17; Điều 58; Điều 50 Bộ luật Hình sự. Xử phạt bị cáo Lê Quang H1 03 (ba) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án.
- Áp dụng khoản 2 Điều 221; điểm b, r, s, t, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54; Điều 17; Điều 38; Điều 58; Điều 50 Bộ luật Hình sự. Xử phạt bị cáo Phạm Thanh T2 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án.
Ngoài ra bản án sơ thẩm còn quyết định về tội danh và hình phạt của hai bị cáo Bùi Thị Đoan K và Trần Hải Triều T7, về trách nhiệm dân sự, về xử lý vật chứng, về án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 31/01/2024, bị cáo Võ Tá T có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo.
Ngày 01/02/2024, bị cáo Nguyễn Tấn P và bị cáo Phạm Thanh T2 cùng có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo.
Ngày 02/02/2024, bị cáo Lê Quang H1 có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo.
Ngày 02/02/2024, bị hại Cảng vụ Hàng hải Đ có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo và cho các bị cáo được hưởng án treo.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Các bị cáo Võ Tá T, Nguyễn Tấn P, Ngô Quang H4, Phạm Thanh T2 và người đại diện hợp pháp của bị hại là ông Nguyễn Ngọc D1 giữ nguyên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo và cho các bị cáo được hưởng án treo.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu quan điểm:
Về tố tụng: Hội đồng xét xử, những người tiến hành tố tụng khác và những người tham gia phiên toà đã thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Về nội dung: Tội danh và hình phạt mà Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên xử các bị cáo là có căn cứ. Tại phiên toà phúc thẩm, các bị cáo đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Các bị cáo đều có tình tiết giảm nhẹ mới là đã nộp thêm tiền khắc phục hậu quả cho bị hại sau phiên toà xét xử sơ thẩm. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm hình phạt đối với các bị cáo.
Luật sư Nguyễn Trường T6 trình bày: Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm hình phạt cho bị cáo Võ Tá T vì bị cáo đã có 02 tình tiết giảm nhẹ mới, cụ thể: Sau khi Tòa án cấp sơ thẩm xét xử, bị cáo T đã nộp thêm số tiền 132.500.000 đồng để khắc phục hậu quả vụ án. Bị hại kháng cáo đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Đối với yêu cầu kháng cáo của bị cáo về việc được hưởng án treo, bị cáo có 03 tình tiết để được hưởng án treo là bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn, hối cải; quá trình công tác tốt nên được nhận huân chương lao động; bị cáo đã khắc phục xong hậu quả của vụ án. Ngoài ra, bị cáo có thêm một số tình tiết giảm nhẹ là bị cáo bị mắc bệnh nan y suy tim độ 3; gia đình bị cáo có công với Cách M; bị cáo có nhân thân tốt và không có tiền án, tiền sự. Bị cáo không phải đối tượng gây nguy hiểm cho xã hội nên đề nghị Hội đồng xét xử dựa trên cơ sở tính nhân đạo để chấp nhận kháng cáo của bị cáo Võ Tá T, giảm án và cho bị cáo hưởng án treo.
Bị cáo Võ Tá T thống nhất với ý kiến của Luật sư Nguyễn Trường T6.
Bị cáo Nguyễn Tấn P trình bày: Bị cáo đã nộp số tiền khắc phục hậu quả của vụ án là 100.000.000 đồng; có xác nhận của địa phương là bị cáo chấp hành tốt chính sách của Đảng và địa phương; nhân thân tốt và không có tiền án, tiền sự. Ngoài ra, bị cáo là lao động chính trong nhà và gia đình của bị cáo thuộc diện khó khăn. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo cho bị cáo hưởng án treo.
Bị cáo Lê Quang H1 trình bày: Bị cáo đồng ý và thống nhất khung hình phạt, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét vai trò của bị cáo là cấp dưới, chỉ làm theo sự chỉ đạo của lãnh đạo (bị cáo P và bị cáo T). Bị cáo không hưởng lợi gì từ hành vi phạm tội. Bên cạnh đó, bị cáo cũng thu thập chứng cứ, tài liệu cho bị hại để có cơ sở giải quyết vụ án. Bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Điều 54 Bộ luật Hình sự; khoản 1, 2 Điều 65 Bộ luật Hình sự; Điều 2 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao; điểm a, b, c Điều 1 Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP ngày 15 tháng 4 năm 2022 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao; điểm a, b, r, s, t, v Điều 51 Bộ luật Hình sự cho bị cáo được hưởng án treo.
Bị cáo Phạm Thanh T2 trình bày: Bị cáo đã nộp số tiền khắc phục hậu quả là 55.000.000 đồng. Hoàn cảnh gia đình của bị cáo rất khó khăn và bị cáo đang là lao động chính trong nhà nuôi gia đình, mẹ già, em trai bị cáo bị bại liệt. Trong quá trình điều tra, bị cáo đã tích cực hợp tác, phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan điều tra. Ngoài ra, bị cáo có sổ bảo trợ xã hội; có công an xã xác nhận thực hiện tốt các nhiệm vụ ở địa phương. Tại thời điểm phạm tội, bị cáo chỉ kiêm nhiệm quản lý canô chứ thực chất bị cáo là bảo vệ, không có chức vụ.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Từ tháng 01 năm 2015 đến tháng 12 năm 2016 tại Cảng vụ Hàng hải M1, Võ Tá T và các đồng phạm Nguyễn Tấn P, Lê Quang H1, Bùi Thị Đoan K, Phạm Thanh T2, Trần Hải Triều T7 có lập hồ sơ không đúng sự thật về việc canô 210CV hoạt động để quyết toán nhiên liệu. Số tiền quyết toán được giữ lại tại đơn vị giao cho thủ quỹ quản lý, dùng vào việc chi tiêu cho những hoạt động chung của đơn vị như: Chi tiếp khách, ngoại giao với các ban ngành đoàn thể mà không thể quyết toán được theo nguyên tắc tài chính, kế toán…. đã gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước 709.490.125 đồng.
Hành vi nêu trên của các bị cáo Võ Tá T, Nguyễn Tấn P, Lê Quang H1, Phạm Thanh T2 đã bị Toà án cấp sơ thẩm xét xử về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 2 Điều 221 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội.
[2] Sau khi xét xử sơ thẩm, các bị cáo Võ Tá T, Nguyễn Tấn P, Lê Quang H1, Phạm Thanh T2 kháng cáo đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt và được hưởng án treo. Để chứng minh cho yêu cầu kháng cáo, các bị cáo đã cung cấp tình tiết nộp khắc phục toàn bộ hậu quả của vụ án theo quyết định của bản án sơ thẩm, cụ thể:
- Bị cáo Võ Tá T nộp khắc phục hậu quả với số tiền 132.500.000 đồng (một trăm ba mươi hai triệu năm trăm nghìn đồng) theo Biên lai thu tiền số 0000218 ngày 04/6/2024 của Cục Thi hành án dân sự Tiền Giang.
- Bị cáo Nguyễn Tấn P nộp khắc phục hậu quả với số tiền 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng) theo Biên lai thu tiền số 0000220 ngày 09/7/2024 của Cục Thi hành án dân sự Tiền Giang.
- Bị cáo Phạm Thanh T2 nộp khắc phục hậu quả với số tiền 10.000.000 đồng (mười triệu đồng) theo Biên lai thu tiền số 0000221 ngày 19/7/2024 của Cục thi hành án dân sự Tiền Giang và số tiền 45.000.000 đồng (bốn mươi lăm triệu đồng) theo Biên lai thu tiền số 0000227 ngày 24/7/2024 của Cục Thi hành án dân sự Tiền Giang, tổng là 55.000.000 đồng (năm mươi lăm triệu đồng) - Bị cáo Lê Quang H1 nộp khắc phục hậu quả với số tiền 10.000.000 đồng (mười triệu đồng) theo Biên lai thu tiền số 0000222 ngày 19/7/2024 của Cục Thi hành án dân sự Tiền Giang và số tiền 45.000.000 đồng (bốn mươi lăm triệu đồng) theo Biên lai thu tiền số 0000226 ngày 24/7/2024 của Cục Thi hành án dân sự Tiền Giang, tổng là 55.000.000 đồng (năm mươi lăm triệu đồng) Đây được xem là các tình tiết giảm nhẹ mới để Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét cho các bị cáo. Tuy nhiên, căn cứ vào vai trò, mức độ, tính chất hành vi phạm tội của từng bị cáo, Hội đồng xét xử xét:
[2.1] Đối với bị cáo Võ Tá T: Khi lượng hình, Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét tính chất hành vi phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo như: Nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, tại cơ quan điều tra cũng như tại phiên toà đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, có thành tích xuất sắc trong công tác tại ngành hàng hải; bị cáo T khắc phục hậu quả, hiện sức khoẻ yếu, mang nhiều trọng bệnh như hở van tim phải đặt tel và các bệnh khác liên quan phải điều trị bệnh thường xuyên và lâu dài, gia đình bị cáo có công với Cách M; ngoài ra, bị hại cũng xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo T nên đã áp dụng các điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự để giảm cho bị cáo T một phần hình phạt mà lẽ ra bị cáo phải chịu.
Với vai trò là Giám đốc Cảng vụ Hàng hải M1, bị cáo phải chịu trách nhiệm cao nhất trong vụ án. Với tính chất hành vi phạm tội của vụ án bị cáo cần có mức hình phạt đủ nghiêm khắc để răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung nên cần cách ly bị cáo một thời gian. Do hậu quả vụ án đã được khắc phục nên Hội đồng xét xử chấp nhận giảm cho bị cáo một phần hình phạt mà Toà án cấp sơ thẩm đã tuyên, không chấp nhận yêu cầu xin hưởng án treo của bị cáo.
[2.2] Đối với bị cáo Nguyễn Tấn P và bị cáo Lê Quang H1:
Toà án cấp sơ thẩm đã xem xét các bị cáo có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra trong quá trình phát hiện tội phạm, giải quyết vụ án; có thành tích xuất sắc trong công tác, bồi thường khắc phục hậu quả, được bị hại xin giảm nhẹ hình phạt nên đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, s, t, v khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự để giảm cho các bị cáo một phần hình phạt mà lẽ ra các bị cáo phải chịu. Ngoài ra, bị cáo Lê Quang H1 còn có tình tiết giảm nhẹ là người phạm tội tự thú nên được áp dụng điểm r Điều 51 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo H1.
Bị cáo Nguyễn Tấn P với vai trò là Trưởng phòng - Phòng Tài vụ kiêm Kế toán trưởng và bị cáo H1 với vai trò là Trưởng phòng - Phòng An toàn thanh tra hàng hải, là những người đứng đầu của từng bộ phận nên cũng cần có mức hình phạt đủ nghiêm khắc để răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung. Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng tình tiết hậu quả vụ án đã được khắc phục nên chấp nhận giảm cho các bị cáo một phần hình phạt mà Toà án cấp sơ thẩm đã tuyên và không chấp nhận yêu cầu xin hưởng án treo của bị cáo H1 và bị cáo P.
[2.3] Đối với bị cáo Phạm Thanh T2: Khi lượng hình Toà án cấp sơ thẩm đã xem xét tính chất hành vi phạm tội cũng như các tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo như: Bị cáo có nhân thân tốt, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, bị cáo đã tự thú hành vi phạm tội của mình, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra trong quá trình phát hiện tội phạm, giải quyết vụ án, có thành tích xuất sắc trong công tác, bị cáo đã khắc phục hậu quả và được bị hại xin giảm nhẹ hình phạt nên đã áp dụng các điểm b, r, s, t, v khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự để giảm cho bị cáo một phần hình phạt.
Trong vụ án này hành vi phạm tội của bị cáo T2 có phần hạn chế, bị cáo là nhân viên phạm tội một phần vì áp lực sợ mất việc, bị cáo đã báo cáo sai phạm cho cấp trên và cung cấp bằng chứng cho cơ quan điều tra giúp cho việc điều tra vụ án. Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 và khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự, bị cáo không có tình tiết tăng nặng, nhân thân tốt, phạm tội lần đầu. Hơn nữa, bị cáo T2 có nơi cư trú rõ ràng; trong thời gian bị cáo tại ngoại, bị cáo đã chấp hành tốt chính sách pháp luật của Nhà nước, không có hành vi vi phạm pháp luật nào khác, được xác nhận của công an địa phương. Bị cáo có đủ điều kiện để hưởng án treo theo quy định tại Điều 65 Bộ luật Hình sự. Tại phiên toà phúc thẩm, bị cáo được bị hại làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và cho hưởng án treo, bị cáo là lao động chính trong gia đình, bị cáo cùng các bị cáo khác đã khắc phục toàn bộ hậu quả của vụ án. Do đó, với tính chất mức độ hành vi phạm tội của bị cáo thì cho bị cáo được hưởng án treo với thời gian thử thách cũng đã đủ sức răn đe, giáo dục bị cáo và phòng ngừa chung, nên Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo xin hưởng án treo của bị cáo.
[2.4] Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng cáo của các bị cáo Võ Tá T, Nguyễn Tấn P, Ngô Quang H4, chấp nhận kháng cáo của bị cáo Phạm Thanh T2, chấp nhận một phần kháng cáo của bị hại, sửa một phần bản án sơ thẩm về hình phạt của các bị cáo.
[3] Về án phí:
Do Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của các bị cáo và bị hại nên các bị cáo, bị hại không phải nộp án phí hình sự phúc thẩm.
[4] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 355; điểm c, e Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
1/ Chấp nhận một phần kháng cáo của các bị cáo Võ Tá T, Nguyễn Tấn P, Ngô Quang H4, chấp nhận kháng cáo của bị cáo Phạm Thanh T2, chấp nhận một phần kháng cáo của bị hại - Cảng vụ Hàng hải Đ, sửa một phần bản án sơ thẩm về hình phạt của các bị cáo.
2/ - Căn cứ khoản 2 Điều 221; điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38; Điều 17; Điều 58; Điều 50 Bộ luật Hình sự.
Xử phạt bị cáo Võ Tá T 03 (ba) năm tù về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án.
- Căn cứ khoản 2 Điều 221; điểm b, s, t, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38; Điều 17; Điều 54; Điều 58; Điều 50 Bộ luật Hình sự.
Xử phạt bị cáo Nguyễn Tấn P 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng tù về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án.
- Căn cứ khoản 2 Điều 221; điểm b, r, s, t, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38; Điều 17; Điều 54; Điều 58; Điều 50 Bộ luật Hình sự.
Xử phạt bị cáo Lê Quang H1 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng tù về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án.
Căn cứ khoản 2 Điều 221; điểm b, r, s, t, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54; Điều 17; Điều 38; Điều 58; Điều 50; Điều 65 Bộ luật Hình sự, Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 và Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐTP ngày 15/4/2022 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
- Xử phạt bị cáo Phạm Thanh T2 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”. Thời gian thử thách là 05 (năm) năm kể từ ngày tuyên án phúc thẩm.
Giao bị cáo Phạm Thanh T2 cho Ủy ban nhân dân xã K, huyện C, tỉnh TG giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.
Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 92 của Luật Thi hành án hình sự.
Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên, Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.
3/ Về án phí: Các bị cáo Võ Tá T, Nguyễn Tấn P, Ngô Quang H4 và Phạm Thanh T2, bị hại - Cảng vụ Hàng hải Đ không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
4/ Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tội vi phạm quy định kế toán gây hậu quả nghiêm trọng số 817/2024/HS-PT
Số hiệu: | 817/2024/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 11/09/2024 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về