TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN LÝ NHÂN, TỈNH HÀ NAM
BẢN ÁN 56/2024/HS-ST NGÀY 22/07/2024 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH AN TOÀN THỰC PHẨM
Ngày 22 tháng 7 năm 2024, tại trụ sở Toà án nhân dân huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 45/2024/TLST- HS ngày 14 tháng 5 năm 2024, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 54/2024/QĐXXST-HS ngày 12 tháng 7 năm 2024 đối với bị cáo:
Phạm Văn K, sinh năm 1978 tại Hà Nam; nơi cư trú: Thôn T, xã N, huyện L, tỉnh Hà Nam; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hoá: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phạm Văn V và bà Nguyễn Thị H; có vợ là Đặng Thị T và có 03 con; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 21/02/2024 đến nay; có mặt.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
+ Chị Đặng Thị T1, sinh năm 1981; nơi cư trú: Thôn T, xã N, huyện L, tỉnh Hà Nam.
+ Anh Phạm Hồng T2 sinh năm 1991; nơi cư trú: Thôn V, xã Đ, huyện L, tỉnh Hà Nam.
+ Ông Trần Văn B, sinh năm 1973; nơi cư trú: Tổ 8, thị trấn N, huyện N, tỉnh Nam Định.
+ Chị Hoàng Thị Mai L, sinh năm 1982; nơi cư trú: Thôn 6, xã C, huyện L, tỉnh Hà Nam.
+ Anh Nguyễn Chí T3, sinh năm 1974; nơi cư trú: Số 12 P, phường Đ, thị xã D, tỉnh Hà Nam.
- Người làm chứng:
+ Anh Nguyễn Trung T4.
+ Ông Phạm Văn V.
+ Bà Nguyễn Thị H.
Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người làm chứng đều vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên toà, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Do cần mua giò, chả và dăm bông để tặng quà tết nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 cho công nhân của Công ty may N nên ngày 28/01/2024 anh Phạm Hồng T2 là đã liên hệ với Phạm Văn K và ông Trần Văn B để đặt mua giò, chả, dăm bông mỗi loại 150kg đều cùng mức giá 85.000đ/kg, thời hạn giao hàng từ 02 đến 03 ngày, anh T2 đặt cọc cho ông B số tiền 2.000.000 đồng. Sau khi thống nhất với anh T2, giữa K và ông B thỏa thuận: K bán giò, chả còn ông B bán dăm bông, ai bán gì thì hưởng lợi từ việc bán sản phẩm đó.
K thấy giá mua giò, chả của anh T2 thấp nên tính toán giảm khối lượng thịt lợn trong giò, chả và tăng khối lượng bột mì để thu được lợi nhuận. Để giò, chả giòn, ngon, bảo quản được lâu, K đã cho Hàn the vào khi sản xuất giò chả mặc dù K biết rõ Hàn the là chất không nằm trong danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Sáng ngày 29/01/2024, K đi đến khu vực chợ C, xã N, huyện L, tỉnh Hà Nam mua của anh Nguyễn Trung T4 01kg Hàn the với số tiền 105.000 đồng. Ngày 30/01/2024, tại nhà mình tthuộc thôn T, xã N, Phạm Văn K pha 01kg Hàn the với khoảng 10 lít nước lọc sau đó xay thịt lợn để làm giò, chả. Mỗi lượt xay thịt, K sử dụng khoảng 1,5 muỗng nước đã hòa tan Hàn the trước đó đổ vào phần thịt đang xay, rồi đổ vào khuôn và đem luộc thành giò, chả. Trong ngày 30/01/2024, K sử dụng toàn bộ số nước Hàn the đã pha để sản xuất được 161 chiếc giò, 154 chiếc chả và mang 152 chiếc giò, 152 chiếc chả đóng vào 09 thùng catton, xếp lên thùng xe ô tô tải biển kiểm soát: 90C - 073.xx; 09 chiếc giò, 02 chiếc chả còn lại bảo quản trong tủ lạnh để mang đi bán sau.
Ông Trần Văn B mua 150kg dăm bông tại Cơ sở sản xuất của ông Nguyễn Chí T3 rồi chở đến nhà K. Chiều ngày 30/01/2024, K và ông B xếp tiếp dăm bông lên xe ô tô tải biển kiểm soát: 90C - 073.xx rồi chở số giò, chả và dăm bông đến Công ty may N để giao cho anh T2. K và ông B chưa giao được giò, chả, dăm bông cho anh Tấn thì bị Công an xã N, huyện L phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành về An toàn thực phẩm huyện L phát hiện, kiểm tra bằng hình thức test nhanh, kết quả xác định số giò, chả dương tính với Hàn the, dăm bông âm tính. Đoàn kiểm tra tiến hành lập biên bản vụ việc và thu giữ niêm phong 05 thùng catton bên trong chứa 152 chiếc giò nạc có tổng khối lượng 156,5kg (được niêm phong ký hiệu lần lượt là G1, G2, G3, G4, G5); 04 thùng catton bên trong chứa 152 chiếc chả lụa có tổng khối lượng 150kg (được niêm phong ký hiệu lần lượt là C1, C2, C3, C4); 03 bao tải xác rắn chứa 150 chiếc dăm bông có tổng khối lượng 159kg (được niêm phong ký hiệu lần lượt DB1, DB2, DB3). Ngoài ra còn thu giữ 01 xe ô tô tải đã cũ nhãn hiệu Suzuki biển kiểm soát: 90C - 073.xx và 01 giấy kiểm định xe ô tô biển kiểm soát: 90C - 073.xx; 01 giấy đăng ký xe ô tô và 01 giấy bảo hiểm bắt buộc mang tên Phạm Văn K.
Tiến hành kiểm tra tại nhà của Phạm Văn K thuộc thôn T, xã N phát hiện, thu giữ tại ngăn mát tủ lạnh 09 chiếc giò có khối lượng 10kg; 02 chiếc chả có khối lượng 02kg dương tính với Hàn the (được niêm phong trong thùng catton ký hiệu GC1). Đoàn kiểm tra đã bàn giao toàn bộ vật chứng đã thu giữ, niêm phong đến Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Lý Nhân để điều tra, giải quyết theo thẩm quyền.
Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Lý Nhân tiến hành khám nghiệm hiện trường và thu giữ tại nhà của Phạm Văn K 15 khuôn giò bằng kim loại; 01 bát nhựa; 01 muỗng nhựa.
Ngày 07/02/2024, Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia có kết quả xét nghiệm đối với 161 chiếc giò, 154 chiếc chả với tổng khối lượng là 318,5kg như sau: Trong từng chiếc giò, chả xét nghiệm đều có Hàn the (công thức hóa học Na2B4O7), với hàm lượng thấp nhất là 2350mg/kg và hàm lượng cao nhất là 7658mg/kg kèm ghi chú: “Hàn the không nằm trong danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm theo Thông tư số 24/2019/TT-BYT”.
Tại văn bản số 12/ATTP-NVTTra ngày 07/02/2024 của Chi Cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hà Nam cung cấp thông tin về “Hàn the” với nội dung:
“Hàn the có tên khoa học Natri borat hoặc Borax, có tính sát khuẩn nhẹ, đặc biệt nó làm cho sản phẩm tinh bột, thịt, cá,... trở nên dai, giòn. Hàn the có thể gây ngộ độc cấp tính cho người sử dụng với liệu lượng thấp. Liều từ 5 gam trở lên đã gây ngộ độc cấp tính có thể dẫn đến tử vong. Hàn the có thể gây ngộ độc mạn tính, ảnh hưởng đến gan, thận, biếng ăn, suy nhược cơ thể. Trong thực tế ít gặp trường hợp ngộ độc cấp tính do hàn the mà thường gặp ngộ độc mạn tính. Khi vào cơ thể, hàn the khó bị đào thải mà tích tụ ở gan, đến khi lượng tích lũy trong cơ thể đủ lớn sẽ gây các bệnh mãn tính. Do “Hàn the” có độc tính khá lớn đối với cơ thể nên Ủy ban Codex Việt Nam và nhiều nước thuộc EU, Asean, Mỹ... đều không cho phép Hàn the trong danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong quá trình chế biến thực phẩm. Thông tư 24/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019 của Bộ Y tế quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm và Thông tư số 17/2023/TT-BYT ngày 25/9/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành không quy định “Hàn the” nằm trong danh mục được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm”.
Tại bản kết luận số 06/KL-ĐGTS ngày 06/02/2024 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện L, kết luận: “152 chiếc giò thịt lợn nạc tổng khối lượng 156,5kg có giá là 14.085.000 đồng; 152 chiếc chả thịt lợn nạc tổng khối lượng 150kg có giá là 13.500.000 đồng; 09 chiếc giò thịt lợn nạc, 02 chiếc chả nạc thịt lợn có tổng khối lượng 12kg có giá là 1.080.000 đồng. Tổng cộng:
28.665.000 đồng (Hai mươi tám triệu sáu trăm sáu mươi lăm nghìn)”.
Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Lý Nhân đã yêu cầu Phạm Văn K thực hiện lại quy trình làm giò, chả và ghi hình, lưu giữ trong 01 USB ký hiệu “A”.
- Vật chứng, tài sản đã thu giữ:
Toàn bộ số giò, chả do Cơ quan kiểm nghiệm hoàn lại là thực phẩm có chứa chất Hàn the không được sử dụng, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Lý Nhân đã tiêu hủy; 01 xe ô tô tải nhãn hiệu Suzuki BKS: 90C - 073.xx và giấy tờ xe đã thu giữ, tài liệu điều tra xác định là tài sản hợp pháp của chị Hoàng Thị Mai L (K đã bán cho chị L vào ngày 20/01/2024) chị L cho K mượn nhưng không biết việc K chở giò, chả có chất Hàn the đi tiêu thụ. Ngày 21/02/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Lý Nhân đã trả lại cho chị L; 15 khuôn giò bằng kim loại; 01 bát bằng nhựa; 01 muỗng nhựa là công cụ Phạm Văn K sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội được chuyển đến Chi cục Thi hành án dân sự huyện Lý Nhân 01 USB ký hiệu “A” ghi lại quy trình sản xuất giò, chả của Phạm Văn K được chuyển theo hồ sơ vụ án.
- Về trách nhiệm dân sự: Ông B đã đưa cho K số tiền 2.000.000đ mà anh T2 đặt cọc, K đã trả lại cho anh T2 đủ số tiền trên. Anh T2 đã nhận lại tiền. Ông B và anh T2 không có đề nghị gì về phần trách nhiệm dân sự.
Quá trình điều tra: Phạm Văn K đã thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi đã thực hiện.
Tại bản cáo trạng số 50/CT-VKS ngày 13/5/2024 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, truy tố Phạm Văn K về tội “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm” theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 317 của Bộ luật hình sự.
Tại phiên tòa:
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Lý Nhân giữ nguyên quan điểm truy tố đối với bị cáo, đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo Phạm Văn K phạm tội “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm”, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 1 Điều 317; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 65 Bộ luật hình sự: Xử phạt bị cáo Phạm Văn K 18 đến 24 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 36 đến 48 tháng; phạt bổ sung là phạt tiền đối với bị cáo từ 5.000.000đồng đến 10000.000đồng nộp ngân sách Nhà nước. Đồng thời đề xuất hướng xử lý vật chứng và án phí vụ án.
Bị cáo Phạm Văn K khai nhận hành vi phạm tội của mình đúng như bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Lý Nhân đã truy tố; không có ý kiến tranh luận, bào chữa hay khiếu nại gì và đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại gì về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp, khách quan.
[2] Đối với người tham gia tố tụng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người làm chứng vắng mặt tại phiên toà nhưng trong hồ sơ vụ án đã có đầy đủ lời khai, ý kiến của họ, được cơ quan điều tra tiến hành lấy lời khai theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự nên Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử theo quy định của pháp luật.
[3] Về tội danh: Lời khai nhận tội của bị cáo tại phiên toà là phù hợp với kết quả thẩm tra, tranh tụng tại phiên toà, lời khai của bị cáo trong giai đoạn điều tra, truy tố, lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng; kết quả xét nghiệm vật chứng thu được và các tài liệu, chứng cứ khác lưu trong hồ sơ vụ án. Do đó đủ cơ sở kết luận:
Ngày 30/01/2024, tại thôn T, xã N, huyện L, tỉnh Hà Nam; Phạm Văn K đã sử dụng Hàn the là chất phụ gia thực phẩm nằm ngoài Phụ lục I “Danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng trong thực phẩm” ban hành kèm theo Thông tư số 24/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019 của Bộ y tế quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm trực tiếp sản xuất 318,5kg giò, chả có tổng trị giá là 28.665.000 đồng (Hai mươi tám triệu sáu trăm sáu mươi lăm nghìn) với mục đích bán cho người tiêu dùng để thu lời bất chính thì bị Công an xã N, huyện L, tỉnh Hà Nam phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành về An toàn thực phẩm dịp tết Nguyên Đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024 huyện L phát hiện, thu giữ.
Hành vi nêu trên của bị cáo Phạm Văn K đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm”, tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 317 của Bộ luật hình sự.
Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam truy tố bị cáo là có căn cứ đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
[4] Về nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
- Về nhân thân: Bị cáo nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự.
- Về tình tiết tăng nặng: Bị cáo không phải chịu tình tiết tăng nặng nào quy định tại Điều 52 Bộ luật hình sự.
- Về tình tiết giảm nhẹ: Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, Phạm Văn K đều thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của bản thân, đồng thời thể hiện sự ăn năn hối cải trước pháp luật, mong muốn được sửa chữa lỗi lầm; bị cáo có hoàn cảnh gia đình khó khăn, đang nuôi 03 con đi học, có vợ và bố mẹ già thường xuyên ốm đau, bố đẻ bị cáo đã phẫu thuật cắt gan trái và túi mật; có ông nội, ông ngoại, bà ngoại tham gia kháng chiến đều được tặng huân chương - Đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà bị cáo được hưởng quy định tại điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự.
[5] Về hình phạt:
- Về hình phạt chính: Hành vi phạm tội của bị cáo Phạm Văn K là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm, xâm phạm trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng được pháp luật bảo vệ, gây mất an toàn trong sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn huyện L, tỉnh Hà Nam. Vì vậy, Hội đồng xét xử cần phải áp dụng mức hình phạt nghiêm đối với bị cáo mới có tác dụng riêng và phòng ngừa chung.
Trên cơ sở đánh giá tính chất vụ án, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và nhân thân của bị cáo. Hội đồng xét xử thấy: Đây là lần đầu tiên bị cáo phạm tội, số thực phẩm bị cáo sản xuất không an toàn chưa được tiêu thụ trong cộng đồng; bị cáo có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng và được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; bị cáo là người lao động luôn chấp hành tốt chính sách, pháp luật và quy định của địa phương, không có biểu hiện vi phạm pháp luật mới, có khả năng tự cải tạo nên không cần thiết phải cách ly bị cáo với xã hội mà cho bị cáo được hưởng án treo, chịu sự giám sát giáo dục của chính quyền địa phương cũng đủ tác dụng giáo dục bị cáo và phòng ngừa chung. Đây cũng là thể hiện chính sách khoan hồng của pháp luật đối với người phạm tội biết ăn năn hối cải, có nhân thân và hoàn cảnh như bị cáo, quan điểm đề nghị của đại diện Viện kiểm sát là phù hợp và đảm bảo đúng quy định tại Điều 65 Bộ luật hình sự và Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP, ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐTP, ngày 15/4/2022 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP, ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao. Tạo cơ hội cho bị cáo tự rèn luyện, tạo điều kiện cho bị cáo trong việc chăm sóc bố mẹ già ốm đau, nuôi các con ăn học, để bị cáo thấy được chính sách nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước đối với người phạm tội.
- Về hình phạt bổ sung: Bị cáo phạm tội nhằm mục đích thu lợi bất chính nên phạt tiền là hình phạt bổ sung đối với bị cáo theo quy định tại Điều 35 và khoản 5 Điều 317 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, bị cáo có thu nhập không ổn định, kinh tế gia đình khó khăn nên giảm nhẹ một phần hình phạt bổ sung cho bị cáo.
[6] Về xử lý vật chứng:
07 (bảy) khuôn giò bằng kim loại hình trụ tròn màu xám, đường kính 11cm, cao 14cm; 05 (năm) khuôn giò bằng kim loại hình trụ tròn màu xám, đường kính 11cm, cao 24cm; 03 (ba) khuôn giò băng kim loại hình trụ tròn màu xám, đường kính 11cm, cao 19cm; 01 (một) bát nhựa; 01 (một) muỗng nhựa đều là công cụ, phương tiện bị cáo thực hiện hành vi phạm tội, không còn giá trị sử dụng nên tịch thu và tiêu hủy.
[7] Về án phí: Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm.
[8] Về quyền kháng cáo: Bị cáo; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
[9] Về các vấn đề khác:
Đối với ông Phạm Văn V, bà Nguyễn Thị H và chị Đặng Thị T1 có tham gia giúp đỡ K trong quá trình làm thịt lợn; anh Nguyễn Trung T4 - là người bán Hàn the cho Phạm Văn K; anh Phạm Hồng T2 là người đặt mua giò, chả của K; chị L cho K mượn ô tô, ông B và anh T3 có dăm bông đi giao hàng cùng chuyến xe với K. Tài liệu điều tra xác định những người này đều không biết việc K sử dụng Hàn the để sản xuất giò, chả nên Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Lý Nhân không đặt ra xem xét, xử lý đối với ông Phạm Văn V, bà Nguyễn Thị H, chị Đặng Thị T1, Hoàng Thị Mai L, anh Nguyễn Trung T3, anh Phạm Hồng T2, ông Trần Văn B, ông Nguyễn Chí T4 là phù hợp.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 317; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 65 Bộ luật hình sự:
Tuyên bố bị cáo Phạm Văn K phạm tội “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm”.
Xử phạt: Bị cáo Phạm Văn K 18 (Mười tám) tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 36 (Ba mươi sáu) tháng, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
Giao bị cáo Phạm Văn K cho Uỷ ban nhân dân xã N, huyện L, tỉnh Hà Nam giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.
Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.
Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 Bộ luật hình sự.
2. Hình phạt bổ sung: Căn cứ Điều 35 và khoản 5 Điều 317 Bộ luật hình sự. Phạt tiền bị cáo Phạm Văn K 5.000.000 (Năm triệu) đồng nộp ngân sách Nhà nước.
3. Xử lý vật chứng: Căn cứ Điều 46, 47 Bộ luật hình sự; Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự:
- Tịch thu và tiêu hủy: 07 (bảy) khuôn giò bằng kim loại hình trụ tròn màu xám, đường kính 11cm, cao 14cm; 05 (năm) khuôn giò bằng kim loại hình trụ tròn màu xám, đường kính 11cm, cao 24cm; 03 (ba) khuôn giò băng kim loại hình trụ tròn màu xám, đường kính 11cm, cao 19cm; 01 (một) bát làm bằng nhựa trong, đường kính miệng bát 21cm, đường kính đáy bát 10,5cm, cao 7cm; 01 (một) muỗng làm bằng nhựa màu xanh lá cây, dài 21cm, phân muỗng rộng nhật kích thước 6cm.
(Tình trạng, đặc điểm vật chứng như biên bản giao, nhận vật chứng giữa cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Lý Nhân với Chi cục Thi hành án dân sự huyện Lý Nhân ngày 17/5/2024).
4. Về án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 136 của Bộ luật tố tụng hình sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.
Bị cáo Phạm Văn K phải chịu án phí hình sự sơ thẩm là 200.000 (Hai trăm nghìn) đồng.
5. Về quyền kháng cáo: Bị cáo có mặt tại phiên toà được quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án. Đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt phiên toà được quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án về tội vi phạm quy định an toàn thực phẩm số 56/2024/HS-ST
Số hiệu: | 56/2024/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Lý Nhân - Hà Nam |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 22/07/2024 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về