TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 347/2020/HS-PT NGÀY 22/06/2020 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH AN TOÀN THỰC PHẨM
Ngày 22 tháng 6 năm 2020 tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, xét xử công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 98/2019/TLPT- HS ngày 29 tháng 01 năm 2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh.
Do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 46/2028/HS-ST ngày 28/12/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông.
Bị cáo kháng cáo:
1/ Nguyễn Thị Thanh L, sinh năm 1975 tại tỉnh Đồng Nai; nơi cư trú: Thôn 13, xã M, huyện N, tỉnh Đắk Nông; nghề nghiệp: Buôn bán; trình độ học vấn: 6/12; dân tộc: Kinh; giới tính: nữ; tôn giáo: Thiên chúa giáo; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Thanh S (đã chết) và bà Nguyễn Thị Ngọc M, sinh năm 1956; có chồng là Lê Thành C, sinh năm 1973 (đã ly hôn) và 01 con, sinh năm 2001; nhân thân: Bản án hình sự sơ thẩm số: 70/2004/HS-ST ngày 23-02-2004, bị Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai xử phạt 12 tháng nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 24 tháng về tội “Vi phạm chế độ một vợ, một chồng”, đã chấp hành xong hình phạt và đã được xóa án tích; Bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 24-4-2018 (Bị cáo có mặt tại phiên tòa).
2/ Nguyễn Xuân B, sinh năm 1985 tại tỉnh Đồng Nai; nơi cư trú: Thôn Quảng T, xã Đạo N, huyện N, tỉnh Đắk Nông; nghề nghiệp: Buôn bán; trình độ học vấn: 7/12; dân tộc: Kinh; giới tính: nam; tôn giáo: Phật giáo; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn T, sinh năm 1953 và bà Diệp Thị T, sinh năm 1953; có vợ là Đỗ Thị Thùy D, sinh năm 1982 (đã ly hôn) và 01 con, sinh năm 2011; tiền án: Bản án hình sự sơ thẩm số: 22/2012/HS-ST ngày 22-5-2012, bị Tòa án nhân dân huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai xử phạt 04 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, đã chấp hành xong hình phạt nhưng chưa được xóa án tích; Bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 24-4-2018 (Có mặt tại phiên tòa).
3/ Lê Thị Hồng T, sinh năm 1979 tại tỉnh Bình Phước; nơi cư trú: Thôn 5, xã M, huyện N, tỉnh Đắk Nông; nghề nghiệp: Kinh doanh; trình độ học vấn: 5/12; dân tộc: Kinh; giới tính: nữ; tôn giáo: Thiên chúa giáo; quốc tịch: Việt Nam; con ông Lê N (đã chết) và bà Hoàng Thị S, sinh năm 1947; có chồng là Nguyễn Văn T, sinh năm 1977 và 02 con (con lớn sinh năm 2001, con nhỏ sinh năm 2006); Bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 24-4-2018 (Có mặt tại phiên tòa)
4/ Trần N (tên gọi khác: Trần Văn T), sinh năm 1976 tại thành phố Đà Nẵng; nơi cư trú: Thôn 2, xã M, huyện N, tỉnh Đắk Nông; nghề nghiệp: Lái xe; trình độ học vấn: 8/12; dân tộc: Kinh; giới tính: nam; tôn giáo: Phật giáo; quốc tịch: Việt Nam; con ông Trần Q và bà Nguyễn Thị N (đều đã chết); có vợ là Nguyễn Thị Thanh T, sinh năm 1975 và 04 con (con lớn nhất sinh năm 1996, con nhỏ nhất sinh năm 2015); bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 24-4-2018 (Có mặt tại phiên tòa).
Người bào chữa cho các bị cáo:
Luật sư Lê Ngọc Luân, Công ty Luật TNHH Chìa Khóa Vàng thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh bào chữa cho bị cáo Lê Thị Hồng T (Có mặt).
Luật sư Hà Ngọc Tuyền, VPLS Hà Tuyền, thuộc Đoàn LS tỉnh Đắk Nông bào chữa cho bị cáo Trần N (Có mặt tại phiên tòa).
Bị cáo không có kháng cáo: Bị cáo Phan Thị D.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo bản án sơ thẩm thì vụ án có nội dung như sau:
Vào các năm 2003-2004 thông qua việc kinh doanh mua bán hạt tiêu, Phan Thị D là Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại TD (gọi tắt là Công ty TD) quen biết Lê Thị Hồng T là Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên TT Đắk Nông.
Đến giữa năm 2015, T biết một số đối tượng mua bán hạt tiêu trộn tạp chất (gồm vỏ cà phê lẫn sỏi đá có màu đen, kích thước khoảng 02-3mm là phế thải trong quá trình thu hoạch và sơ chế cà phê) vào hạt tiêu để bán. Lúc này, T nảy ra ý định lấy mẫu tạp chất đưa cho D xem và thống nhất với nhau: T tìm người làm tạp chất bán cho D để D trộn vào hạt tiêu mua của người dân, T được hưởng chênh lệch 1.000đồng/kg.
Để có tạp chất, T liên hệ với Nguyễn Thị Thanh L và đặt mua khoảng 03 tấn tạp chất đặc điểm như trên. Khi T đặt được hàng, L lấy vỏ cà phê lẫn sỏi đá nhỏ được sàng, quạt tách ra từ 01 lô hàng cà phê tưới nước, ủ một thời gian khi tạp chất chuyển sang màu đen, phơi khô đóng bao thuê xe tải chở đến nhà em rể T, trú tại ấp 4, xã Lộc Đ, huyện LN, tỉnh Bình Phước giao cho T. Để tránh sự phát hiện của người khác, T tiếp tục sang xe tải khác chở đến giao cho D để trộn tạp chất này vào hạt tiêu rồi bán ra thị trường (thời điểm này 175.000đồng/kg). Thấy lợi nhuận cao, D tiếp tục nhờ T mua tạp chất của L trộn vào số hạt tiêu D đã thu mua được của người dân để bán theo hợp đồng với một số bạn hàng.
Quá trình thực hiện các hợp đồng mua bán hạt tiêu, mỗi khi cần tạp chất để trộn, D gọi điện cho T. Trong quá trình mua bán, có một số chuyến D trả lại cho T vì tạp chất không đạt màu sắc với tiêu hạt khô. T nói với Trần N chở trả lại cho L và B, đồng thời D có đưa cho N một ít mẫu để đưa về cho L. Lúc này, L và B nghĩ ra dùng bột pin Con ó để nhuộm đen, dùng lò sấy khô và dùng sàng để sàng lấy ra tạp chất đúng theo yêu cầu của D. Sau đó, L và B đi mua pin con ó về, đập ra lấy bột pin cho vào thùng nước dùng máy khuấy bột pin tan trong nước, lọc bỏ lõi và vỏ pin tưới vào tạp chất, đưa vào máy trộn bê tông quay trộn đều, đưa lên lò sấy khô, đóng bao đem cất khi nào T gọi điện lấy thì đem bán cho T.
Quá trình trộn tạp chất vào hạt tiêu, Phan Thị D, ông Lê Văn L và một số công nhân thấy trong tạp chất có lẫn nhiều mảnh nhựa là vỏ pin, D yêu cầu công nhân nhặt bỏ đi và tiếp tục trộn tạp chất này vào hạt tiêu để bán và gọi điện cho T và N hỏi có phải L và B nhuộm đen tạp chất bằng bột pin không thì được trả lời là nhuộm bằng thuốc.
Khoảng tháng 3-2018, D có nhu cầu lấy tạp chất để trộn vào hàng xuất bán theo hợp đồng nên gọi điện cho T. Ngày 10-4-2018, N nói L và B chở lên cho D 23.300kg.
Khoảng 22 giờ ngày 15-4-2018, qua báo mạng, D biết tạp chất mua của L và B có trộn bột pin Con ó bị cơ quan điều tra phát hiện. Lúc này, trong kho của D có 9.800kg tạp chất mới nhập của N. Sợ bị phát hiện xử lý, D gọi cho N nhờ người khác nhận mua tạp chất này để làm phân bón và cho người chở ra rẫy cao su ủ làm phân bón để tẩu tán. Tại kho của D lúc này còn có khoảng 4.000kg hạt tiêu đã trộn với tạp chất, D cho trộn thêm vào khoảng 5.000kg hạt tiêu để bán cho công ty cổ phần Phalco Việt Nam theo hợp đồng dự kiến giao hàng vào ngày 23-4-2018.
Ngày 22-4-2018, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đắk Nông tiến hành tạm giữ tại kho của D 9.000 kg hạt tiêu.
Theo quy định tại Thông tư liên tịch số: 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT- BTC ngày 09-4-2014 quy định: Hạt tiêu khô là thực phẩm.
Theo Kết luận giám định số 2197A/C54 (P4) ngày 26-4-2018 của Viện khoa học hình sự, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, xác định:
Trong mẫu tiêu hạt gửi giám định có thành phần chính là tiêu hạt, hàm lượng 81,66%, ngoài ra có tìm thấy các tạp chất gồm: vụn vỏ cà phê, vụn đá, bột pin (có thành phần: mangan đioxít, kẽm clorua, amoni clorua), hàm lượng tổng tạp chất là 18,34%. Theo quy định tại Thông tư số: 05/2018/TT-BYT ngày 05-4-2018 của Bộ Y tế thì các chất Mangan Dioxit, Kẽm Clorua, amoni clorua không nằm trong danh mục chất hỗ trợ chế biến thực phẩm.
Theo Thông báo kết luận định giá tài sản số 134/TB-HĐĐG ngày 27-6-2018 của Hội đồng định giá tài sản trong Tố tụng hình sự tỉnh Đắk Nông xác định:
Số lượng 360 bao tiêu hạt tổng trọng lượng là 9.000kg, trong đó có 18,34% tạp chất tại thời điểm 23-4-2018 là 454.464.000 đồng.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 46/2018/HS-ST ngày 28 tháng 12 năm 2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông, đã tuyên xử:
1/ Tuyên bố: Các bị cáo Phan Thị D, Nguyễn Thị Thanh L, Nguyễn Xuân B, Lê Thị Hồng T và Trần N phạm tội “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm”.
1.1/ Áp dụng điểm d khoản 3 Điều 317; điểm s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015. Xử phạt Nguyễn Thị Thanh L 07 năm 06 tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày 24-4-2018.
1.2/ Áp dụng điểm d khoản 3 Điều 317; điểm s khoản 1 Điều 51; điểm h khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự năm 2015. Xử phạt Nguyễn Xuân B 08 năm tù, thời hạn tù tính từ ngày 24-4-2018.
1.3/ Áp dụng điểm d khoản 3 Điều 317; điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015. Xử phạt Lê Thị Hồng T 07 năm tù, thời hạn tù tính từ ngày 24- 4-2018.
1.4/ Áp dụng điểm d khoản 3 Điều 317; điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015. Xử phạt Trần N 07 năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt tạm giữ, tạm giam là ngày 24-4-2018.
Ngoài ra còn xử phạt bị cáo Phan Thị D 7 năm tù.
Bán sơ thẩm còn giải quyết các vấn đề liên quan đến tang vật, án phí, trách nhiệm dân sự và quyền kháng cáo theo luật định.
Ngày 29/12/2017, 09/01/2017, ngày 10/01/2019 các bị cáo Nguyễn Thị Thanh L, Nguyễn Xuân B, Lê Thị Hồng T, Trần N làm đơn kháng cáo, nêu lý do:
Bản án sơ thẩm chưa thỏa đáng mức án quá nặng, xin được xem xét lại tội trạng.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Các bị cáo Nguyễn Thị Thanh L, Nguyễn Xuân B, Lê Thị Hồng T, Trần N cho rằng mức án nặng quá, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, bản thân đã thành khẩn nhận tội, ăn năn, hối hận.
Luật sư Lê Ngọc Luân bào chữa cho bị cáo Lê Thị Hồng T cho rằng, theo hồ sơ thể hiện bị cáo T không biết bị cáo D pha tạp chất là vỏ cà phê vào hạt tiêu, bị cáo chỉ là người giúp sức, giá trị hưởng lợi rất ít so với bị cáo D, việc giám định giá trị hàng phạm pháp cũng chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật, nên gây bất lợi cho các bị cáo, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét chuyển sang khoản 2 để giảm nhẹ mức án cho bị cáo.
Luật sư Hà Ngọc Tuyên bào chữa cho bị cáo Trần N cho rằng, bị cáo N chỉ là người chở thuê, bị cáo không biết tạp chất có pha pin, vai trò của bị cáo rất hạn chế, không có hưởng lợi, số tiền bị cáo nhận chỉ là tiền công chuyên chở, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ mức án cho bị cáo.
Đại diện VKS nhân dân cấp cao tại Tp.HCM phát biểu quan điểm cho rằng: Về thủ tục tố tụng: Tòa án cấp phúc thẩm đã thụ lý và giải quyết vụ án đúng quy định pháp luật, những người tham gia phiên tòa cũng đã thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình theo Bộ Luật tố tụng Hình sự.
Về nội dung giải quyết vụ án: Bản án sơ thẩm đã có xem xét đến tính chất, mức độ, hành vi phạm tội của bị cáo, xem xét đến hoàn cảnh nhân thân cũng như các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ cho bị cáo là có căn cứ hợp pháp, tuy nhiên vai trò và sự chiếm hưởng số tiền thu lợi bật chính của các bị cáo có hạn chế nhiều so với bị cáo D là bị cáo đầu vụ, nên đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của các bị cáo có kháng cáo, giảm án cho mỗi bị cáo có kháng cáo 6 tháng tù.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, thẩm tra các chứng cứ tại phiên tòa, nghe bị cáo, đương sự trình bày, nghe vị đại diện Viện kiểm sát phát biểu quan điểm, nghe Luật sư bào chữa cho bị cáo, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về thủ tục kháng cáo:
Đơn kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thị Thanh L, Nguyễn Xuân B, Lê Thị Hồng T, Trần N làm trong hạn luật định, nên thủ tục kháng cáo hợp lệ.
[2] Về nội dung giải quyết yêu cầu kháng cáo của các bị cáo thì thấy:
[2.1] Căn cứ vào khai của các bị cáo phù hợp với các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, các bị cáo đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử các bị cáo về tội “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm” là có căn cứ, đúng pháp luật.
[2.2] Theo điểm d khoản 3 Điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm như sau:
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người.
b) Gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 101 người đến 200 người.
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%.
d) Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá từ 300.000.000đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000đồng đến dưới 300.000.000đồng.
[2.3] Đối chiếu với trường hợp phạm tội của các bị cáo thì thấy:
Trong vụ án này bị cáo D có vai trò chính, là người đứng ra tổ chức và mua vỏ cà phê có pha tạp chất là pin, sau đó bị cáo trộn vào tiêu hạt làm tăng giá trị của hạt tiêu, để bán nhằm thu lợi bất chính.
Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét đến chất chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo D, cũng như xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, xử bị cáo D mức án 7 năm tù là phù hợp, bị cáo không có kháng cáo.
Đối với các bị cáo Nguyễn Thị Thanh L, Nguyễn Xuân B, Lê Thị Hồng T, Trần N là những người giúp sức cho bị cáo D, tang vật gồm số lượng 9.000kg hạt tiêu bị thu giữ là do bị cáo D thực hiện pha trộn tạp chất, theo hồ sơ thể hiện lúc đầu tại kho của D còn 4.000kg hạt tiêu có pha tạp chất, nhưng khi xem các thông tin trên mạng đăng tải về việc pha trộn tạp chất vào hạt tiêu, bị cáo D đã trộn thêm 5.000kg hạt tiêu không có tạp chất vào mục đích để làm tăng chất lượng, việc khối lượng từ 4.000kg tăng lên thành 9.000kg là do bị cáo D chủ động quyết định, các bị cáo Nguyễn Thị Thanh L, Nguyễn Xuân B, Lê Thị Hồng T, Trần N đã bị động về hành vi trong việc làm tăng khối lượng như đã nêu trên.
Tòa án cấp sơ thẩm xác định bị cáo L, bị cáo B vai trò giúp sức tích cực, là người lấy võ cà phê pha với tạp chất trong đó có pin để bán cho D, đối với bị cáo T, bị cáo B là người mua đi bán lại tạp chất và chuyên chở nên phải chịu trách nhiệm có thấp hơn.
Tuy nhiên khi lượng hình Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo L 7 năm 6 tháng tù, bị cáo B 8 năm tù, bị cáo T 7 năm tù, bị cáo N 7 năm tù, như vậy các mức án nêu trên đều từ bằng hoặc cao hơn bị cáo D bị xử 7 năm tù, trong khi đó bị cáo D là người giữ vai trò chính trong vụ án, là chưa phù hợp.
Ngoài ra, tại cấp sơ thẩm và quá trình kháng cáo bị cáo Nguyễn Thị Thanh L, Nguyễn Xuân B, Lê Thị Hồng T, Trần N đều kêu oan, cho rằng không có tội. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm các bị cáo đã có chuyển biến, thành khẩn nhận ra sai phạm và tỏ thái độ ăn năn hối hận, thật thà khai báo, hậu quả chưa xãy ra, các bị cáo không có thu lợi bất chính.
Do đó, có cơ sở chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của các bị cáo Nguyễn Thị Thanh L, Nguyễn Xuân B, Lê Thị Hồng T, Trần N, cũng như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Tp.HCM, sửa một phần bản án sơ thẩm.
[3] Về án phí hình sự phúc thẩm:
Do chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo, nên các bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo luật định.
[4] Các phần quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật.
Bởi các lẽ trên.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ khoản điểm b khoản 1 Điều 355, điểm c khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng Hình sự.
Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của các bị cáo Nguyễn Thị Thanh L, Nguyễn Xuân B, Lê Thị Hồng T và Trần N, sửa một phần bản án sơ thẩm.
1/ Tuyên bố: Các bị cáo Phan Thị D, Nguyễn Thị Thanh L, Nguyễn Xuân B, Lê Thị Hồng T và Trần N phạm tội “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm”.
1.1/ Áp dụng điểm d khoản 3 Điều 317; điểm s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Xử phạt Nguyễn Thị Thanh L 07 năm tù, thời hạn tù tính từ ngày 24-4-2018.
1.2/ Áp dụng điểm d khoản 3 Điều 317; điểm s khoản 1 Điều 51; điểm h khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Xử phạt Nguyễn Xuân B 07 năm 6 tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày 24-4-2018.
1.3/ Áp dụng điểm d khoản 3 Điều 317; điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Xử phạt Lê Thị Hồng T 05 năm tù, thời hạn tù tính từ ngày 24-4-2018.
1.4/ Áp dụng điểm d khoản 3 Điều 317; điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Xử phạt Trần N 06 năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt tạm giữ, tạm giam là ngày 24-4-2018.
2/ Về án phí hình sự phúc thẩm: Các bị cáo Nguyễn Thị Thanh L, Nguyễn Xuân B, Lê Thị Hồng T và Trần N không phải chịu.
3/ Các phần quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật.
4/ Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.
Bản án 347/2020/HS-PT ngày 22/06/2020 về tội vi phạm quy định an toàn thực phẩm
Số hiệu: | 347/2020/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 22/06/2020 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về