Bản án về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài số 04/2022/HS-ST

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG

Bản án 04/2022/HS-ST ngày 22/03/2022 về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài

Ngày 22 tháng 3 năm 2022, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Tuyên Quang xét xử công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 07/2022/TLST - HS ngày 24 tháng 02 năm 2022 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 05/2022/QĐXXST - HS ngày 08 tháng 3 năm 2022 đối với bị cáo:

Chung Thị H (tên gọi khác: Không), sinh năm 1973 tại huyện C, tỉnh Tuyên Quang.

Nơi cư trú: Thôn Đ 2, xã N, huyện C, tỉnh Tuyên Quang.

Nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hóa (học vấn) lớp 07/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; chức vụ Đảng, đoàn thể: Không; con ông Chung Tác V và bà Nguyễn Thị K (đều đã chết); có chồng Nguyễn Bá T và 02 con.

* Tiền án, tiền sự: Không.

Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 08/10/2021, hiện đang tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Tuyên Quang (có mặt).

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Anh Nguyễn Văn D, sinh năm 1982 (có mặt);

- Anh Nguyễn Tiến D, sinh năm 1988 (có mặt);

- Anh Ngôn Văn T, sinh năm 1984 (có đơn xin vắng mặt);

- Anh Nguyễn Mạnh H, sinh năm 1993 (có đơn xin vắng mặt);

- Anh Nguyễn Ngọc L, sinh năm 2000 (có mặt);

Cùng địa chỉ: Thôn B, xã N, huyện C, tỉnh Tuyên Quang.

- Anh Nguyễn Văn T, sinh năm 1985 (có đơn xin vắng mặt);

- Anh Lương Văn C, sinh năm 1973 (có đơn xin vắng mặt);

Cùng địa chỉ: Thôn L, xã Yên Lập, huyện C, tỉnh Tuyên Quang.

- Anh Đặng Văn T, sinh năm 1995 (có đơn xin vắng mặt);

Địa chỉ: Thôn B, xã Yên Lập, huyện C, tỉnh Tuyên Quang.

- Anh Lục Văn V, sinh năm 1983 (có đơn xin vắng mặt);

Địa chỉ: Thôn Đ 2, xã N, huyện C, tỉnh Tuyên Quang.

- Anh Hoàng Văn L, sinh năm 1988 (có đơn xin vắng mặt);

Địa chỉ: Số nhà 22, đường Trường học, khu I, xã T, huyện V, tỉnh Lạng Sơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Năm 2012, khi công trình T điện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang xây dựng thì Chung Thị H làm công việc nấu cơm cho công nhân. Tại đây, H có quen biết với quản lý công nhân Trung Quốc làm việc tại Công trình T điện Chiêm Hóa tên là A Nham. Đến cuối năm 2014 Công trình T điện Chiêm Hóa hoàn thành, A Nham rủ H đi sang Trung Quốc làm công việc nấu cơm cho công nhân công trường, tiền công sẽ được trả là 2.500 nhân dân tệ (NDT)/01 tháng (tương đương khoảng 8.500.000 đồng/01 tháng), H đồng ý.

Khoảng đầu năm 2015, H được A Nham đưa từ huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang đến tỉnh Lạng Sơn, sau đó A Nham bố trí người đón, đưa dẫn H đi sang Trung Quốc bằng đường mòn đồi, núi tại khu vực biên giới gần Cửa khẩu Chi Ma, tỉnh Lạng Sơn, còn A Nham đi qua Cửa khẩu Hữu Nghị bằng Hộ chiếu. Tại Trung Quốc, H được A Nham giới thiệu làm quen với 01 người đàn ông Trung Quốc chuyên tuyển công nhân làm việc tại Trung Quốc tên là A Phủ. A Phủ sắp xếp cho H công việc nấu cơm, mua thực phẩm cho công nhân và trả tiền công lao động cho H. A Phủ thoả thuận với H tìm người ở Việt Nam sang Trung Quốc làm thuê mức lương 90NDT/01 ngày công (tương đương 300.000 đồng/01 ngày công), A Phủ trả lương cho người làm qua H, nếu đưa được nhiều người sang làm thuê thì H được lợi từ số tiền chênh lệch khi mua thực phẩm (H cho A Phủ tài khoản số 8104205179878, mở tại Ngân hàng Agribank Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang để A Phủ chuyển tiền Trung Quốc qua người phụ nữ Trung Quốc tên là Lương Tiểu Hà và Hà chuyển tiền qua Hoàng Văn L, cư trú tại số nhà 22, đường Trường học, khu I, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn để L đổi sang tiền Việt Nam gửi vào tài khoản cho H).

Từ đầu năm 2015 đến tháng 5 năm 2019, A Phủ đã nhiều lần trao đổi với H tìm người Việt Nam, đưa sang Trung Quốc làm việc cho A Phủ. H đã thực hiện hành vi 07 lần tổ chức cho 09 người, gồm: Nguyễn Văn D, Lương Văn C, Nguyễn Văn T, Nguyễn Tiến D, Ngôn Văn T, Đặng Văn Thuỷ, Lục Văn V, Nguyễn Ngọc L và Nguyễn Mạnh H là công dân xã N, xã Yên Lập, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang và xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn sang Trung Quốc trái phép để làm thuê, cụ thể như sau:

Lần thứ nhất: Khoảng đầu năm 2015 (không rõ ngày tháng), H đang ở Nam Ninh, Trung Quốc thì A Phủ trao đổi với H tìm 03 người Việt Nam để làm công việc ghép dầm cầu. H đã gọi điện thoại cho Nguyễn Văn D, Lương Văn C và Nguyễn Văn T đều trú tại huyện Chiêm Hoá. H trao đổi với D, C, T biết công việc bên Trung Quốc là hàn cốt pha, ghép dầm bê tông, tiền công được trả là 90NDT/01 ngày công, tương đương 300.000 đồng/01 ngày công, tiền công được trả một lần vào cuối năm, H là người trả tiền công, nếu đồng ý đi, H sẽ cho ứng trước tiền xe ở Việt Nam, còn sau khi đến Trung Quốc, H trả tiền xe và hướng dẫn đường đi, mọi người đều đồng ý. Sau đó H hướng dẫn D, C, T đón xe khách “Loan Tinh” đi đến tỉnh Thái Nguyên rồi đón tiếp xe khách đi đến khu vực biên giới gần Cửa khẩu Chi Ma, tỉnh Lạng Sơn, H bố trí người đến đón, đưa dẫn bằng đường mòn đồi, núi sang Trung Quốc làm thuê. Khi sang đến Trung Quốc; D, C, T được A Phủ đưa đến khu vực Công trình T điện Nam Ninh, Trung Quốc làm việc hàn cốt pha, ghép dầm bê tông. Đến khoảng giữa năm 2015, D, C, T xin về Việt Nam, H đón xe khách cho mọi người trở về khu vực biên giới và hướng dẫn D, Chúng, T đi theo bằng đường mòn đồi, núi gần Cửa khẩu Chi Ma, tỉnh Lạng Sơn về Việt Nam. A Phủ đã trả tiền công qua H và H đã trả cho D, C, T.

Lần thứ hai: Khoảng cuối năm 2015 (không rõ ngày tháng), H đang ở Nam Ninh, Trung Quốc thì A Phủ trao đổi với H tìm 02 người Việt Nam để làm công việc ghép dầm cầu. H gọi điện thoại trao đổi với Nguyễn Văn D và Nguyễn Tiến D (em D) hiện chủ Trung Quốc cần 02 người làm hàn cốt pha, ghép dầm bê tông tiền công vẫn giống như lần trước. D và D đồng ý và H cho ứng trước mỗi người 1.500.000 đồng. Sau đó D và D đến nhà H gặp Nguyễn Thị Trang (con H) để lấy tiền (Trang không biết việc H tổ chức cho D, D sang Trung Quốc trái phép để làm thuê). H hướng dẫn cho D, D (qua điện thoại) đi như lần thứ nhất (đi theo đường mòn đồi, núi ở khu vực Cửa khẩu Chi Ma, tỉnh Lạng Sơn). Khi đến Trung Quốc, D, D được A Phủ bố trí làm công việc hàn cốt pha, ghép dầm bê tông tại Xảo Châu, Quảng Đông, Trung Quốc nhưng do công việc ít nên D, D làm khoảng 02 tháng rồi về, H hướng dẫn D, D đi theo đường mòn đồi, núi ở khu vực Cửa khẩu Chi Ma, tỉnh Lạng Sơn về Việt Nam. A Phủ đã trả tiền công qua H và H đã trả cho D, D.

Lần thứ ba: Khoảng đầu năm 2016 (không rõ ngày tháng), H đang ở Nam Ninh, Trung Quốc thì A Phủ trao đổi với H tìm 04 người Việt Nam để làm công việc ghép dầm cầu. H gọi điện thoại trao đổi với 04 người gồm: Nguyễn Văn D; Lương Văn C; Ngôn Văn T và Đặng Văn T sang Trung Quốc làm thuê với mức tiền công và công việc như hai lần trước. D, C, T, Thuỷ đều đồng ý. Sau đó H hướng dẫn đi theo đường mòn đồi, núi ở khu vực Cửa khẩu Chi Ma, tỉnh Lạng Sơn. Khi sang đất Trung Quốc, A Phủ đưa D, C, T, Thuỷ đến Mẩy Chẩu, Trung Quốc làm công việc hàn cốt pha công trình. Đến cuối năm 2016, khi D, C, T, Thuỷ xin về, H hướng dẫn mọi người đi theo đường mòn đồi, núi ở khu vực Cửa khẩu Chi Ma, tỉnh Lạng Sơn về Việt Nam. A Phủ đã trả tiền công qua H và H đã trả cho D, C, T, Thuỷ.

Lần thứ tƣ: Khoảng đầu năm 2017 (không rõ ngày tháng, sau tết Nguyên đán), H đến nhà Lục Văn V (tên gọi khác Lẩu, ở cùng thôn) rủ V sang Trung Quốc trái phép để làm thuê, V đồng ý. H hướng dẫn V đi theo đường mòn đồi, núi ở khu vực Cửa khẩu Chi Ma, tỉnh Lạng Sơn, lần này có H, Nguyễn Bá Thu (chồng H), Chung T Vũ (cháu H, ở cùng thôn) cùng sang Trung Quốc làm việc ghép dầm bê tông tại Mẩy Châu, Trung Quốc. Khoảng 02 tháng sau V xin về Việt Nam, H hướng dẫn V và cùng Thu, Vũ đi theo đường mòn đồi, núi ở khu vực Cửa khẩu Chi Ma, tỉnh Lạng Sơn về Việt Nam (đối với Thu chồng H hiện bị bệnh mất trí nhớ không lấy được lời khai; Chung T Vũ cháu H xác minh vắng mặt tại địa phương không rõ địa chỉ). A Phủ đã trả tiền công qua H và H đã trả cho V.

Lần thứ năm: Khoảng đầu năm 2018 (không rõ ngày tháng, sau tết Nguyên đán), H ở nhà và gọi điện thoại trao đổi với 04 người, gồm: Nguyễn Văn D, Ngôn Văn T, Lục Văn V và Nguyễn Tiến D (em D) là chủ Trung Quốc đang cần 04 người làm hàn cốt pha, tiền công vẫn được trả như lần trước, nhưng lần này sang Trung Quốc là vượt sông bằng bè mảng tại khu vực biên giới gần Cửa khẩu Tà Lùng, tỉnh Cao Bằng (vì ở khu vực Cửa khẩu Chi Ma, tỉnh Lạng Sơn đã bị rào không đi được), mọi người đều đồng ý. H đón xe khách “Tiến Đạt” cho D, T, V và D đến tỉnh Cao Bằng, sau đó H hướng dẫn mọi người xuống xe tại khu vực “gốc đa” Tà Lùng, tỉnh Cao Bằng rồi tiếp tục đi bè mảng qua sông sang Trung Quốc. Khi đến Trung Quốc, A Phủ đưa đến làm việc ở xưởng sắt tại Mẩy Châu, Trung Quốc. Sau đó có PH Đức Quân (tự đi sang Trung Quốc) gọi điện thoại cho H để làm cùng nhóm D. H gọi điện thoại và được sự đồng ý của A Phủ, Quân đến làm cùng nhóm của D. Đến gần Tết Nguyên đán 2019, mọi người xin về, H hướng dẫn đi về qua sông bằng bè mảng ở khu vực Cửa khẩu Tà Lùng, tỉnh Cao Bằng về Việt Nam. A Phủ đã trả tiền công qua H và H đã trả cho D, T, V, D và Quân.

Lần thứ sáu: Khoảng tháng 02/2019 (không rõ ngày) H ở nhà và gọi điện thoại trao đổi với 03 người, gồm: Nguyễn Văn D, Nguyễn Tiến D, Nguyễn Ngọc L (cháu D) đi Trung Quốc làm thuê, tiền công vẫn như các lần trước và đi qua khu vực Cửa khẩu Tà Lùng, tỉnh Cao Bằng, mọi người đều đồng ý. Sáng ngày 02/3/2019, H đón xe khách “Tiến Đạt” cho D, D, L đến khu vực “gốc đa” Tà Lùng, tỉnh Cao Bằng; H hướng dẫn 03 người vượt sông bằng bè mảng qua sông sang Trung Quốc. Khi sang đến Trung Quốc, A Phủ đưa đến làm việc tại Mẩy Châu, Trung Quốc.

Lần thứ bảy: Tháng 5/2019 (không rõ ngày) H ở nhà gọi điện thoại trao đổi với 02 người, gồm: Ngôn Văn T, Nguyễn Mạnh H rủ T, H sang Trung Quốc làm thuê, T, H đồng ý. H hướng dẫn vượt sông bằng bè mảng ở khu vực Cửa khẩu Tà Lùng, tỉnh Cao Bằng sang Trung Quốc và được A Phủ bố trí làm việc tại Mẩy Châu, Trung Quốc cùng với nhóm của D. Sau đó có Nguyễn Văn Tùng (tự đi sang Trung Quốc) gọi điện thoại cho H để làm cùng nhóm D. H gọi điện thoại và được sự đồng ý của A Phủ, Tùng đến làm cùng nhóm của D. Đến tháng 10/2019, nhóm của D xin về Việt Nam, H hướng dẫn vượt sông bằng bè mảng ở khu vực Cửa khẩu Tà Lùng, tỉnh Cao Bằng về Việt Nam. Sau đó H hẹn đến gần Tết Nguyên đán 2020 sẽ trả tiền công lao động cho mọi người (lý do A Phủ chưa chuyển tiền vào tài khoản cho H).

Tháng 12/2020, Nguyễn Văn D, Nguyễn Tiến D, Nguyễn Mạnh H đến nhà H để đòi tiền công lao động; H tính toán lại cho mọi người tiền công thấp hơn so với thoả thuận ban đầu (lý do A Phủ nói mọi người làm việc chưa đủ 01 năm). Do không đồng ý với cách tính tiền công lao động của Chung Thị H nên giữa H và D, D, H xảy ra mâu thuẫn. Ngày 01/02/2021, Nguyễn Văn D tố giác hành vi phạm tội của Chung Thị H với Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Tuyên Quang cùng các tài liệu chứng cứ kèm theo.

Tại Kết luận giám định số 4925/C09-P6, ngày 10/9/2021 của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, Kết luận: 03 đoạn ghi âm nêu trên không có dấu vết cắt ghép, chỉnh sửa nội dung; tiếng nói của người phụ nữ xưng là “chị” (được ký hiệu là “H” trong bản dịch nội dung ghi âm mẫu cần giám định) trong mẫu cần giám định và tiếng nói của Chung Thị H trong mẫu so sánh là của cùng một người. Nội dung cuộc hội thoại trong mẫu cần giám định đã được chuyển sang văn bản.

Ngày 08/10/2021, Cơ quan An ninh điều tra tiến hành khám xét tại nơi ở của Chung Thị H, thu giữ 01 quyển vở học sinh gồm 21 tờ, bìa ngoài màu xanh có nội dung “TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG ĐẦM HỒNG”; “Môn học: Hóa” (là sổ H ghi chép nội dung đối chiếu ngày công và tiền công lao động của những người lao động Việt Nam làm thuê cho A Phủ).

Tại Kết luận giám định số 121/GĐ-KTHS ngày 11/01/2022 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Tuyên Quang, kết luận: Chữ viết, chữ số tại các tờ được đánh số thứ tự 13, 15, 16, 17, 18,19, 20, 21 trên quyển vở học sinh kẻ ngang, bìa màu xanh cần giám định với chữ viết, chữ số đứng tên Chung Thị H trên các mẫu so sánh ký hiệu M1, M2, M3 là do cùng một người viết.

Kết quả xác minh tại Ngân hàng Agribank (Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn) tỉnh Tuyên Quang, sao kê các giao dịch tài khoản số 8104205179878 của Chung Thị H có nhiều giao dịch chuyển vào tài khoản của H từ Hoàng Văn L với tổng số tiền là 1.904.720.000 đồng (Một tỷ chín trăm linh tư triệu bảy trăm hai mươi nghìn đồng) là số tiền A Phủ trả tiền công của những người sang Trung Quốc làm thuê qua H.

Tại Cáo trạng số 07/CT-VKSTQ-P2 ngày 24 tháng 02 năm 2022 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã truy tố bị cáo Chung Thị H về tội Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 349 Bộ luật Hình sự.

Tại phiên tòa bị cáo thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội phù hợp với bản cáo trạng đã truy tố.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan Nguyễn Văn D, Nguyễn Tiến D, Nguyễn Ngọc L khai tại phiên tòa phù hợp lời khai của bị cáo. Anh Nguyễn Ngọc L không có ý kiến đề nghị gì; anh Nguyễn Văn D và Nguyễn Tiến D đã thỏa thuận giải quyết xong với bị cáo về số tiền lương bị cáo chưa trả các anh trong thời gian đi làm tại Trung Quốc, hiện nay giữa các anh và bị cáo không còn vướng mắc gì nên anh D và anh D không đề nghị tòa án giải quyết.

Kết thúc phần tranh luận, Kiểm sát viên trình bày luận tội giữ nguyên quyết định truy tố đối với bị cáo như nội dung bản Cáo trạng đã nêu và đề nghị Hội đồng xét xử:

Tuyên bố: Bị cáo Chung Thị H phạm tội: Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài.

- Căn cứ: Điểm b khoản 2 Điều 349; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38 Bộ luật Hình sự. Xử phạt bị cáo Chung Thị H từ 05 năm 06 tháng đến 06 năm 06 tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt tạm giam 08/10/2021.

Về hình phạt bổ sung: Không áp dụng hình phạt bổ sung (phạt tiền) đối với bị cáo. Về vật chứng: Đề nghị Hội đồng xét xử trả lại cho bị cáo 01 điện thoại di động nhãn hiệu Iphone, 01 thẻ ngân hàng ATM Agribank và 01 giấy xác nhận mở tài khoản Chung Thị H tài khoản số 8104205179878 nhưng giữ lại để đảm bảo việc thi hành án.

Ngoài ra, Đại diện Viện kiểm sát còn đề nghị Hội đồng xét xử xử buộc bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm và tuyên quyền kháng cáo bản án theo quy định của pháp luật.

Bị cáo Chung Thị H không có ý kiến tham gia tranh luận.

Kết thúc phần tranh luận, bị cáo nói lời sau cùng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt để bị cáo có cơ hội sớm được trở về với gia đình, hòa nhập cộng đồng.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Tại phiên tòa, bị cáo khai nhận, thời gian ở Trung Quốc bị cáo làm công việc nấu cơm cho công nhân và được A Phủ giao thêm việc mua thực phẩm cho công nhân, bị cáo thấy nếu số công nhân càng nhiều thì tiền chênh lệch từ việc mua thực phẩm cũng sẽ nhiều hơn, đồng thời A Phủ cũng đề nghị bị cáo tìm người đưa sang Trung Quốc nên bị cáo đồng ý với mục đích hưởng tiền chênh lệch từ việc mua thực phẩm cho công nhân nên bị cáo đã 07 lần tổ chức đưa người trốn sang Trung Quốc để lao động làm thuê.

Hành vi phạm tội của bị cáo phù hợp với lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, phù hợp với lời khai của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; Kết luận giám định, biên bản nhận dạng và các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án, tại phiên tòa không phát sinh thêm tình tiết mới. Hội đồng xét xử có đủ cơ sở kết luận: Từ đầu năm 2015 đến tháng 5/2019 Chung Thị H, cư trú tại thôn Đ 2, xã N, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện hành vi 07 lần tổ chức cho 09 người có địa chỉ tại huyện C, tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Bắc Kạn sang Trung Quốc trái phép để làm thuê, gồm: Nguyễn Văn D (đi 05 lần); Nguyễn Tiến D (đi 03 lần), Ngôn Văn T (đi 03 lần), Lương Văn C (đi 02 lần), Lục Văn V (đi 02 lần), Nguyễn Ngọc L (đi 01 lần) Nguyễn Mạnh H (đi 01 lần), Nguyễn Văn T (đi 01 lần), Đặng Văn Thuỷ (đi 01 lần). Như vậy, Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tuyên Quang truy tố bị cáo Chung Thị H về tội Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài theo điểm b khoản 2 Điều 349 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật.

[2] Hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính của Nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập cảnh, ảnh hưởng xấu đến an ninh khu vực biên giới. Bị cáo là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, nhận thức được hành vi tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép là vi phạm pháp luật nhưng vì hám lợi nên bị cáo đã thực hiện với lỗi cố ý. Vì vậy, cần có mức hình phạt tù nghiêm, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo để cải tạo, giáo dục bị cáo trở thành công dân tốt, đồng thời để phòng ngừa tội phạm chung trong xã hội.

[3] Về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

Tình tiết tăng nặng: Bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Tình tiết giảm nhẹ: Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; phạm tội lần đầu; có bố mẹ đẻ (ông Chung Tác Và và bà Nguyễn Thị Kính) được tặng Huy chương kháng chiến hạng Nhất, hạng Nhì, đây là các tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự cần xem xét áp dụng cho bị cáo.

[4] Về mức án Viện kiểm sát đề nghị, Hội đồng xét xử xét thấy phù hợp với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo nên chấp nhận.

[5] Về hình phạt bổ sung: Bị cáo là lao động chính nhưng không có thu nhập ổn định nên không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đối với bị cáo.

[6] Đối với yêu cầu của anh Nguyễn Văn D, Nguyễn Tiến D, Nguyễn Mạnh H đề nghị bị cáo phải hoàn trả tiền lương trong thời gian các anh đi sang Trung Quốc trái phép để lao động làm thuê. Hội đồng xét xử thấy rằng việc bị cáo tổ chức đưa những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vượt biên trái phép sang Trung Quốc lao động làm thuê, được người chủ phía bên Trung Quốc trả lương thông qua bị cáo. Tuy nhiên, việc những người này xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động không đúng quy định của pháp luật, do vậy các thiệt hại xảy ra không có chứng cứ để xem xét giải quyết giải quyết trong vụ án này. Tại phiên tòa anh D và anh D đã tự thỏa thuận giải quyết xong với bị cáo về số tiền lương nên không còn vướng mắc gì, nên Hội đồng xét xử không xem xét giải quyết.

[7] Về xử lý vật chứng: Đối với chiếc thoại di động nhãn hiệu Iphone, thẻ ngân hàng ATM và giấy xác nhận mở tài khoản mang tên Chung Thị H, xét không liên quan đến hành vi phạm tội nên cần trả lại cho bị cáo nhưng giữ lại để đảm bảo thi hành án.

Đối với số tiền theo bị cáo khai được hưởng lợi từ việc mua thực phẩm cho công nhân trong khoảng 26 tháng ở Trung Quốc là khoảng 230.000.000 đồng. Xét thấy, đây không phải số tiền thu lợi bất chính từ việc tổ chức đưa người trốn sang Trung Quốc do vậy không đề cập xử lý.

[8] Về hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên thuộc Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Tuyên Quang; Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tuyên Quang, trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[9] Đối với Chung Thị H và các đối tượng Nguyễn Văn D, Nguyễn Tiến D, Nguyễn Mạnh H, Nguyễn Văn T, Lương Văn C, Nguyễn Ngọc L, Ngôn Văn T, Lục Văn V, Đặng Văn T có hành vi xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc; nhập cảnh trái phép về Việt Nam nhưng trước đó các đối tượng chưa bị xử phạt vi phạm hành chính. Đến nay thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đã hết, do vậy không đề cập xử lý. Đối với Nguyễn Bá Thu, Chung T Vũ, PH Đức Quân và Nguyễn Văn Tùng tự xuất cảnh, nhập cảnh sang Trung Quốc để lao động trái phép đến nay thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đã hết, do vậy không đề cập xử lý.

Đối với Nguyễn Thị Trang khi đưa tiền cho Nguyễn Văn D và Nguyễn Tiến D nhưng không biết H tổ chức cho D, D trốn đi nước ngoài, do vậy không đề cập xử lý.

Đối với Hoàng Văn L (được Lương Tiểu Hà nhờ gửi tiền Việt Nam vào tài khoản của Chung Thị H nhưng không biết H tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài) và người phụ nữ Trung Quốc tên là Lương Tiểu Hà không xác định được nhân thân, địa chỉ, do vậy không có căn cứ xem xét xử lý.

Đối với 02 người đàn ông Trung Quốc tên A Nham và A Phủ: Quá trình điều tra không xác định được nhân thân, địa chỉ, vì vậy không có căn cứ xem xét xử lý.

[10] Về án phí: Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

[11] Bị cáo; người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan được quyền kháng cáo bản án theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố: Bị cáo Chung Thị H phạm tội: “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”.

1. Căn cứ: Điểm b khoản 2 Điều 349; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38 Bộ luật Hình sự.

Xử phạt: Bị cáo Chung Thị H 05 (năm) năm 06 (sáu) tháng tù Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt tạm giam (08/10/2021).

2. Về xử lý vật chứng: Căn cứ Điều Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự.

- Trả lại cho bị cáo 01 (một) điện thoại di động được dán kín trong phong bì niêm phong, tại các mép dán của phong bì có chữ ký của bị can Chung Thị H các thành phần tham gia niêm phong (theo Biên bản niêm phong đồ vật, tài liệu hồi 09 giờ 50 phút, ngày 01/12/2021 của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Tuyên Quang), trên bì ghi thông tin của đồ vật được niêm phong là: 01 (một) điện thoại di động đã qua sử dụng, nhãn hiệu Iphone, loại màn hình cảm ứng, nắp lưng màu trắng, góc trái màn hình bị nứt vỡ nhưng tạm giữ lại để đảm bảo thi hành án.

- Trả lại cho bị cáo 01 (một) thẻ ngân hàng ATM mặt trước màu xanh, mặt sau màu đỏ, trên mặt trước có in dòng chữ nổi, nổi dung “9704053047553267”, “ “04/21”, “04/27”, “CHUNG THI HIEN” và 01 (một) giấy xác nhận mở tài khoản Chung Thị H, tài khoản số 8104205179878 nhưng giữ lại để đảm bảo thi hành án.

(Tình trạng vật chứng như Biên bản giao nhận vật chứng giữa Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Tuyên Quang và Cục thi hành án dân sự tỉnh Tuyên Quang lập ngày 28/02/2022).

3. Về án phí: Căn cứ Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Bị cáo Chung Thị H phải chịu 200.000đ (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm.

4. Về quyền kháng cáo: Căn cứ Điều 331, Điều 333 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Bị cáo; những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (được kháng cáo phần có liên quan) có mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án 22/3/2022. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc niêm yết bản án theo quy định của pháp luật.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

461
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài số 04/2022/HS-ST

Số hiệu:04/2022/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Tuyên Quang
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 22/03/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;