TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 182/2018/HS-PT NGÀY 06/04/2018 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN VÀ LÀM GIẢ CON DẤU, TÀI LIỆU CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC
Ngày 06 tháng 4 năm 2018 tại Tòa án nhân dân quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 472/2017/TLPT-HS ngày 19 tháng 9 năm 2017 đối với bị cáo Trần A G do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 31/2017/HSST ngày 13 tháng 7 năm 2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
- Bị cáo có kháng cáo: Trần A G (P), sinh ngày 05 tháng 01 năm 1982 tại Đồng Nai; đăng ký thường trú tại: Tổ F, ấp I, xã J, huyện K, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; nghề nghiệp: làm rẫy; trình độ văn hóa (học vấn): không; dân tộc: Hoa; giới tính: Nữ; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Trần Xí C, sinh năm 1953 và bà M, sinh năm 1955; có chồng là Chí A T, sinh năm 1977; có 05 con (con lớn nhất sinh năm 2007, nhỏ nhất sinh năm 2017); tiền án, tiền sự: không; tạm giam ngày 21 tháng 8 năm 2013, tạm tha ngày 29 tháng 11 năm 2013, bị cáo tại ngoại (có mặt).
- Người bào chữa cho bị cáo: Ông Trần Đức H là Luật sư thuộc Công ty Luật TNHH V - Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (có mặt).
- Bị hại:
1/ Bà Nguyễn Thị Kim H1, sinh năm 1965; cư trú tại: Ấp N, xã L, huyện K, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (có mặt).
2/ Ông Nguyễn Minh T1, sinh năm 1961; cư trú tại: Ấp N, xã L, huyện K, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (có mặt).
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:
1/ Ông Chí A T, sinh năm 1977; cư trú tại: Tổ F, ấp I, xã J, huyện K, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (vắng mặt).
2/ Bà Nguyễn Thị Minh H2, sinh năm 1967; cư trú tại: Tổ O ấp Q, xã J, huyện K, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (có mặt).
3/ Ông Trần Đăng T2, sinh năm 1960; cư trú tại: Tổ O ấp Q, xã J, huyện K, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (có mặt).
- Người làm chứng: Bà Vòng A T3, sinh năm:1951; cư trú tại ấp I, xã J, huyện K, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (vắng mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Năm 2010, bị cáo Trần A G (P) phát hiện bị bệnh tim, cần phải có tiền để điều trị bệnh. Thông qua mẹ chồng là bà Vòng A T3, bị cáo biết vợ chồng ông Nguyễn Minh T1 và bà Nguyễn Thị Kim H1 có cho vay tiền nên đến gặp ông T1, bà H1, nói với vợ chồng bà H1 là bị cáo được mẹ nuôi cho 3.500m2 đất ở B và đang chuẩn bị được Công ty du lịch bồi thường tiền. Sau đó, bị cáo hỏi vay tiền của vợ chồng bà H1 với lý do để điều trị bệnh, cam kết khi được tiền bồi thường đất sẽ trả nợ và hẹn khi có giấy tờ bồi thường đất sẽ cho vợ chồng bà H1 xem. Bị cáo dẫn ông T1 đến B, chỉ khu đất trống ở gần Siêu thị C1 nói là đất của bị cáo, hiện giấy tờ đất đang thế chấp ngân hàng. Thực tế, bị cáo không có đất tại B. Tin bị cáo, vợ chồng bà H1 đồng ý cho bị cáo vay tiền.
Ngày 02 tháng 10 năm 2010, bị cáo bắt đầu vay tiền của vợ chồng bà H1. Thời gian đầu, mỗi lần cho bị cáo vay tiền, bà H1 ghi vào sổ tay màu đen rồi đọc lại cho bị cáo nghe vì bị cáo không biết viết chữ. Bị cáo nhận tiền, tự đếm lại rồi ký tên vào sổ tay của bà H1. Bị cáo vay tiền của vợ chồng bà H1 nhiều lần, lần vay cao nhất là 450.000.000 đồng. Bà H1 trình bày là bà cho bị cáo vay đến tháng 9 năm 2011 thì chốt sổ rồi ghi ra tờ “Giấy thiếu nợ” để bị cáo ký xác nhận bị cáo nợ bà H1 4.000.000.000 đồng, còn cuốn sổ màu đen bà H1 đã làm thất lạc. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, bị cáo cung cấp 01 cuốn sổ màu đen khác thể hiện việc bị cáo vay tiền của bà H1 nhiều lần và chốt đến ngày 22 tháng 8 năm 2011 bị cáo còn nợ 1.080.000.000 đồng (trong đó bị cáo đã trả tiền lãi cho bà H1 20.000.000 đồng).
Theo “Giấy thiếu nợ” thể hiện từ ngày 09 tháng 10 năm 2011 đến ngày 02 tháng 7 năm 2012, bị cáo vay tiền của vợ chồng bà H1 tổng cộng 4.600.000.000 đồng. Sau đó, bị cáo tiếp tục vay tiền của bà H1 nhiều lần: ngày 07 tháng 7 năm 2012 vay 70.000.000 đồng, ngày 08 tháng 7 năm 2012 vay 100.000.000 đồng, ngày 15 tháng 7 năm 2012 vay 60.000.000 đồng, ngày 19 tháng 7 năm 2012 vay 50.000.000 đồng, ngày 21 tháng 7 năm 2012 vay 150.000.000 đồng, ngày 25 tháng 7 năm 2012 vay 02 lần (gồm tiền, vàng, nữ trang và thỏa thuận quy đổi ra tiền tổng cộng là 110.000.000 đồng), từ ngày 20 tháng 8 năm 2012 đến ngày 26 tháng 9 năm 2012 vay tổng cộng 120.000.000 đồng. Mỗi lần nhận tiền, bị cáo đều tự đếm tiền rồi ký tên xác nhận vào “Giấy thiếu nợ” do bà H1 viết. Bị cáo là người trực tiếp nhận tiền từ vợ chồng bà H1, ngoài ra không có người khác.
Thời gian đầu khi cho bị cáo vay tiền, vợ chồng bà H1 yêu cầu bị cáo đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các giấy tờ liên quan đến việc bồi thường đất thì mới cho bị cáo vay tiền. Bị cáo đã đưa cho vợ chồng bà H1 các giấy tờ giả mạo thể hiện bị cáo sẽ được bồi thường số tiền 93.000.000.000 đồng vào ngày 25 tháng 7 năm 2012 như sau: Quyết định số 4285/QĐ-UBND ngày 01 tháng 4 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ bổ sung cho hộ ông (bà) Trần A G ngụ tại phường A, thị xã B, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (thể hiện số tiền được bồi thường 93.000.000.000 đồng, không có chữ ký, con dấu của đơn vị ban hành văn bản); Quyết định số 4285/QĐ-UBND ngày 01 tháng 4 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ bổ sung cho hộ ông (bà) Trần A G sinh năm 1982, ngụ tại phường A, thị xã B (thể hiện số tiền được bồi thường 93.000.000.000 đồng, không có chữ ký, con dấu của đơn vị ban hành văn bản); Giấy Bồi thường nhà đất (phía trên có chữ đánh máy ghi ngày cấp 26 tháng 12 năm 2006, phía dưới có chữ viết tay ghi ngày 20 tháng 6 năm 2012, có chữ ký nhưng không đóng dấu đơn vị ban hành, nội dung thể hiện bị cáo được bồi thường 93.000.000.000 đồng vào ngày 25 tháng 7 năm 2012; Bảng kê chi tiết bồi thường, hỗ trợ công trình du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chủ đầu tư Công trình du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu của Ban bồi thường hỗ trợ và tái định cư, UBND thị xã B ngày 20 tháng 6 năm 2012 (có chữ ký nhưng không đóng dấu đơn vị ban hành, thể hiện bị cáo được bồi thường 3.500m2 đất với 93.000.000.000 đồng vào ngày 25 tháng 7 năm 2012).
Trong thời gian này, vợ chồng bà H1 thỏa thuận bán cho vợ chồng bị cáo 01 căn nhà, đất tại khu vực Đ, xã L, huyện K, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với giá 1.400.000.000 đồng. Hai bên viết giấy thỏa thuận mua bán đất và nhà ở (không ghi ngày) nhưng chưa giao nhận tiền. Bà H1 trình bày tiền mua vật liệu xây nhà khoảng 320.000.000 đồng. Bị cáo khai tiền công xây nhà khoảng 60.000.000 đồng.
Đến thời hạn cam kết trả nợ và thời hạn bị cáo được tiền bồi thường đất thể hiện trong các giấy tờ mà bị cáo đưa ra, vợ chồng bà H1 không thấy bị cáo trả tiền nên yêu cầu bị cáo trả nợ và cung cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bị cáo đưa cho vợ chồng bà H1 một Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số X (mang tên bị cáo và ông Chí A T, diện tích 3.500m2, thửa đất số 631, tờ bản đồ số 42 tại phường A, thị xã B, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do Ủy ban nhân dân thị xã B cấp ngày 13 tháng 5 năm 2009, đóng dấu của Ủy ban nhân dân huyện K, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, người ký tên Mai Văn D) rồi tiếp tục vay thêm tiền của vợ chồng bà H1.
Do không còn tiền và tài sản cho bị cáo vay thêm, ngày 26 tháng 9 năm 2012, vợ chồng bà H1 yêu cầu bị cáo và ông Chí A T ký xác nhận nợ bằng “Giấy thỏa thuận vay tiền (VNĐ)”. Mặc dù tổng số tiền vay theo “Giấy thiếu nợ” thể hiện 9.260.000.000 đồng nhưng hai bên thỏa thuận ghi số tiền bị cáo nợ vợ chồng bà H1 tính đến ngày 26 tháng 9 năm 2012 là 10.000.000.000 đồng. Ngoài ra, bị cáo hứa bán cho vợ chồng bà H1 1.500m2 đất trong 3.500m2 đất mà bị cáo nói sẽ được bồi thường nên hai bên viết “Giấy thỏa thuận mua bán đất thổ cư” đề ngày 2 tháng 10 năm 2010” có chữ ký của bà H1 và vợ chồng bị cáo.
Sau khi xác nhận nợ, không thấy bị cáo trả nợ và bán đất cho vợ chồng bà H1 như cam kết, vợ chồng bà H1 yêu cầu bị cáo trả nợ và đòi lại nhà đất tại xã L, huyện K đã thỏa thuận bán cho bị cáo. Bị cáo tiếp tục hứa hẹn và đưa cho vợ chồng bà H1 các giấy tờ giả mạo sau: Giấy bồi thường nhà đất (phía trên ghi ngày cấp 26 tháng 12 năm 2006, phía dưới ghi ngày 5 tháng 2 năm 2013, có chữ ký nhưng không đóng dấu, không có tên cơ quan ban hành, thể hiện ngày 15 tháng 5 năm 2013 bị cáo sẽ được bồi thường 93.000.000.000 đồng; Bảng kê chi tiết bồi thường, hỗ trợ Công trình du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu, Chủ đầu tư công trình du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (ghi nơi ban hành “ỦY BAN NHÂN DÂN Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu VÀ TÁI ĐỊNH CƯ”, đề ngày 5 tháng 02 năm 2013, có chữ ký nhưng không đóng dấu cơ quan ban hành, thể hiện ngày 15 tháng 5 năm 2013 bị cáo sẽ được bồi thường 93.000.000.000 đồng.
Tháng 6 năm 2013, vợ chồng bà H1 đến Ủy ban nhân dân phường A, thành phố B tìm hiểu thì được biết các tài liệu, thông tin mà bị cáo nói với vợ chồng bà H1 về diện tích đất được bồi thường là gian dối nên làm đơn tố cáo bị cáo.
Kết quả điều tra xác minh và lời khai của bị cáo xác định bị cáo không có đất ở B. Các giấy tờ thể hiện bị cáo được bồi thường tiền và giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất mà bị cáo đưa cho vợ chồng bà H1 đều không phải do cơ quan nhà nước ban hành mà bị cáo thuê người khác làm giả để chiếm đoạt tiền của vợ chồng bà H1.
Tại Kết luận giám định số 3343/PC45 ngày 31 tháng 12 năm 2013, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kết luận: Chữ ký Mai Văn D trên tài liệu mẫu cần giám định (ký hiệu A) với mẫu chữ ký của ông Mai Văn D trên tài liệu mẫu so sánh (ký hiệu M) là không phải do cùng một người ký. Hình dấu tròn có nội dung: “Ủy ban nhân dân huyện K, Bà Rịa – Vũng Tàu” trên tài liệu mẫu cần giám định (ký hiệu A) với mẫu hình dấu tròn của Ủy ban nhân dân huyện K, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trên mẫu so sánh (ký hiệu M) là không phải do cùng một con dấu đóng ra. Nội dung trên “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” số X đứng tên ông Chí A T, sinh năm 1977 và bà Trần A G, sinh năm 1982, ngày 13 tháng 5 năm 2009 (ký hiệu A) không bị tẩy xóa, sửa chữa.
Tại Kết luận giám định số 1213/PC45 ngày 01 tháng 7 năm 2014, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kết luận: Chữ ký đứng tên “Trần A G” dưới mục “vợ - Đại diện bên A” trên Giấy thỏa thuận vay tiền (VNĐ); dưới mục “vợ - người bán” trên Giấy thỏa thuận mua bán đất thổ cư; chữ ký “G” trên Giấy thiếu nợ so với mẫu chữ ký của Trần A G là do cùng một người ký ra. Chữ ký đứng tên “Chí A T” dưới mục “chồng - Đại diện bên A” trên Giấy thỏa thuận vay tiền (VNĐ); dưới mục “chồng - người bán” trên Giấy thỏa thuận mua bán đất thổ cư so với mẫu chữ ký của Chí A T là do cùng một người ký ra.
Theo vợ chồng bà H1 trình bày số tiền bị cáo vay là 9.260.000.000 đồng. Bị cáo nhiều lần thay đổi lời khai về số tiền vay: Tại Biên bản ghi lời khai ngày 12 tháng 7 năm 2013 và Biên bản hỏi cung ngày 11 tháng 9 năm 2013 bị cáo khai vay 03 đến 04 tỷ đồng; Biên bản hỏi cung ngày 24 tháng 10 năm 2013 bị cáo khai vay 02 đến 03 tỷ đồng; Biên bản hỏi cung ngày 24 tháng 4 năm 2014 bị cáo khai vay 02 tỷ đồng. Căn cứ vào cuốn sổ ghi nợ màu đen do bị cáo cung cấp và “Giấy thiếu nợ” do bà H1 cung cấp có chữ ký xác nhận của bị cáo thì tổng số tiền bị cáo chiếm đoạt của bà H1 là 6.340.000.000 đồng.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 61/2015/HSST ngày 10 tháng 11 năm 2015, Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã quyết định xử phạt bị cáo 14 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 01 năm tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, tổng hợp hình phạt 02 tội là 15 năm tù; buộc bị cáo và ông Chí A T liên đới bồi thường cho ông Nguyễn Minh T1 và bà Nguyễn Thị Kim H1 6.340.000.000 đồng.
Ngày 23 tháng 11 năm 2015, ông Nguyễn Minh T1 kháng cáo yêu cầu tăng mức hình phạt đối với bị cáo và yêu cầu bị cáo phải hoàn trả số tiền chiếm đoạt 9.260.000.000 đồng.
Ngày 24 tháng 11 năm 2015, bị cáo kháng cáo cho rằng tổng số tiền bị cáo nợ vợ chồng bà H1 là 2.000.000.000 đồng bao gồm cả lãi suất, số tiền bị cáo thực vay là 1.000.000.000 đồng và cấn trừ số tiền 400.000.000 đồng mà bị cáo bỏ ra sửa chữa căn nhà vợ chồng bà H1 bán cho vợ chồng bị cáo nhưng sau đó lấy lại; bị cáo không phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” như Bản án sơ thẩm đã tuyên.
Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 479/2016/HSPT ngày 13 tháng 9 năm 2016, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh quyết định hủy toàn bộ Bản án hình sự sơ thẩm số 61/2015/HSST ngày 10 tháng 11 năm 2015 của Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để điều tra, xét xử lại.
Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã kết luận về các vấn đề cần điều tra lại do Hội đồng xét xử phúc thẩm ghi tại Bản án hình sự phúc thẩm nêu trên như sau:
1/ Tài liệu chứng minh số tiền vay 4.600.000.000 đồng ghi trong “Giấy thiếu nợ” (thời gian từ ngày 09 tháng 10 năm 2011 đến ngày 02 tháng 7 năm 2012):
Quá trình điều tra lại, vợ chồng bà H1 cung cấp thêm cho Cơ quan điều tra 01 tờ giấy có tiêu đề “Giấy thiếu nợ” (bản chính gồm 4 mặt) thể hiện: Từ ngày 09 tháng 10 năm 2011 đến ngày 02 tháng 7 năm 2012 bị cáo vay tiền của vợ chồng bà H1 nhiều lần, mỗi lần vay từ 10.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng, tổng cộng là 4.540.000.000 đồng (Trong đó, từ ngày 09 tháng 10 năm 2011 đến ngày 10 tháng 3 năm 2012 bị cáo vay nhiều lần với tổng số tiền 3.400.000.000 đồng, những lần vay này đều cam kết trả nợ vào ngày 30 tháng 3 năm 2012; Từ ngày 17 tháng 4 năm 2012 đến ngày 02 tháng 7 năm 2012 bị cáo vay nhiều lần với tổng số tiền 1.140.000.000 đồng). Tất cả những lần vay tiền đều có chữ ký của bị cáo.
Ngoài ra, “Giấy thiếu nợ” nêu trên còn thể hiện nội dung từ ngày 01 tháng 12 năm 2010 (không thể hiện rõ thời gian chốt nợ), bị cáo vay của vợ chồng bà H1 4.000.000.000 đồng, cam kết đến ngày 30 tháng 3 năm 2012 trả. Tuy nhiên, vợ chồng bà H1 không cung cấp được giấy tờ, sổ sách chứng minh về số tiền vay nêu trên và vợ chồng bà H1 cũng không lý giải được cụ thể từng lần vay.
Ngày 18 tháng 01 năm 2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC45) Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ra Quyết định trưng cầu giám định chữ ký mang tên “G” trong dòng chữ “Trần A G” tại “Giấy thiếu nợ” do vợ chồng bà H1 cung cấp nêu trên có phải chữ ký của Trần A G hay không. Tại Kết luận giám định số 32/PC54 ngày 10 tháng 02 năm 2017, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kết luận: Chữ ký dạng chữ viết “g” trên tài liệu cần giám định ký hiệu A so với chữ ký dạng chữ viết “g” của Trần A G trên tài liệu mẫu so sánh ký hiệu M do cùng một người ký ra.
Mặc dù bà H1 ghi “Giấy thiếu nợ” (cung cấp lần đầu) làm tròn số tiền là 4.600.000.000 đồng nhưng căn cứ “Giấy thiếu nợ” mà vợ chồng bà H1 cung cấp khi điều tra lại thì 4.540.000.000 đồng là tiền bị cáo vay vợ chồng bà H1 trong thời gian từ ngày 09 tháng 10 năm 2011 đến ngày 02 tháng 7 năm 2012.
2/ Khả năng nhận biết chữ số và nội dung giấy nợ của bị cáo và ông Chí A T:
Bị cáo khai có học lớp 01 tại huyện L1, tỉnh Đồng Nai nhưng học được một thời gian thì nghỉ học và không nhớ học trường nào. Bị cáo thừa nhận có biết mặt chữ cái, đếm được số và biết đếm tiền. Ngoài ra, kết quả điều tra xác định ông Chí A T có trình độ văn hóa lớp 02/12. Do đó, Cơ quan điều tra khẳng định khi bị cáo Trần A G vay tiền, ký tên vào 02 tờ “Giấy thiếu nợ” và cùng ông Chí A T ký tên vào “Giấy thỏa thuận vay tiền” ngày 26 tháng 9 năm 2012, bị cáo và ông T đều đủ khả năng nhận biết chữ số và nội dung ghi trong các giấy tờ nêu trên.
3/ Nguồn gốc số tiền vợ chồng bà H1 cho bị cáo vay:
Bà H1, ông T1 đã cung cấp các hợp đồng tín dụng vay tiền ngân hàng, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, giấy bán xe, giấy xác nhận nợ với các cá nhân cho vợ chồng bà H1 vay tiền. Bà H1 cho rằng số tiền vợ chồng bà H1 vay ngân hàng và các cá nhân đều trả lãi từ 1,3% đến 3% mỗi tháng. Vợ chồng bà H1 cho bị cáo vay không tính lãi vì bị cáo đưa ra thông tin, cung cấp các tài liệu bị cáo được tiền bồi thường đất quá lớn (93.000.000.000 đồng) và bị cáo hứa hẹn sẽ mua xe ô tô, cho thêm tiền vợ chồng bà H1 khi bị cáo nhận được tiền bồi thường đất.
Bị cáo chưa trả tiền mua căn nhà tại xã L, huyện K, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho vợ chồng bà H1 nên vợ chồng bà H1 đã lấy lại bán cho người khác. Đầu năm 2012, ông T1 thỏa thuận bằng lời nói với ông Lê Đức T6 (sinh năm 1971, cư trú tại: Ấp E, xã L, huyện K, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) sửa chữa căn nhà trên. Theo ông T6 và ông T1 trình bày thì ông T1 mua vật liệu xây dựng và trả tiền công xây nhà cho ông T6, bị cáo chỉ đưa cho ông T6 tiền bồi dưỡng thợ xây 500.000 đồng mỗi tuần trong thời gian 02 tháng. Bị cáo cho rằng bị cáo trả tiền công xây dựng căn nhà trên là 60.000.000 đồng nhưng không đưa ra được tài liệu chứng minh. Kết quả điều tra lại xác định không có việc bị cáo trả 400.000.000 đồng tiền sửa chữa căn nhà.
4/ Thời điểm bị cáo làm giả Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất so với thời điểm vay tiền:
Theo lời khai của bị cáo và vợ chồng bà H1 trong quá trình điều tra ban đầu và điều tra lại thì tại thời điểm vay tiền của vợ chồng bà H1, gia đình bị cáo nghèo khổ nên việc vay tiền không có tài sản thế chấp. Thời gian đầu và trong quá trình vay tiền, bị cáo đưa ra thông tin gian dối, cung cấp các giấy tờ giả mạo về việc bị cáo có đất ở B chuẩn bị được bồi thường để vợ chồng bà H1 tin tưởng cho bị cáo vay tiền rồi bị cáo chiếm đoạt. Cũng trong thời gian vay tiền, bị cáo sử dụng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả (số X mang tên Trần A G và Chí A T) đưa cho vợ chồng bà H1 để tiếp tục vay 20.000.000 đồng rồi chiếm đoạt. Sau khi ký xác nhận nợ bằng “Giấy thỏa thuận vay tiền” đề ngày 26 tháng 9 năm 2012 với vợ chồng bà H1, bị cáo tiếp tục đưa thêm cho bà H1 02 giấy tờ giả mạo thể hiện bị cáo sẽ được tiền bồi thường đất vào ngày 15 tháng 5 năm 2013.
Quá trình điều tra bị cáo luôn thay đổi lời khai về số tiền vay và mâu thuẫn với số tiền vay mà vợ chồng bà H1 cung cấp (9.260.000.000 đồng) nhưng căn cứ vào cuốn sổ nhỏ màu đen do G cung cấp, 02 tờ giấy có tiêu đề “Giấy thiếu nợ” (bản chính) do bà H1 cung cấp có cơ sở xác định số tiền bị cáo vay của vợ chồng bà H1 6.280.000.000 đồng (1.080.000.000 đồng + 4.540.000.000 đồng + 660.000.000 đồng). Quá trình điều tra xác định bị cáo đã trả lãi cho bà H1 20.000.000 đồng, trả tiền bồi dưỡng nhân công sửa chữa nhà 4.000.000 đồng (500.000 đồng mỗi tuần trong 2 tháng). Như vậy, số tiền bị cáo chiếm đoạt của vợ chồng bà H1 là 6.256.000.000 đồng (6.280.000.000 đồng – 20.000.000 đồng và 4.000.000 đồng).
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 31/2017/HSST ngày 13 tháng 7 năm 2017, Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã quyết định:
“Tuyên bố bị cáo Trần A G (P) phạm tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
1. Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 139; Khoản 1 Điều 267; khoản 1 Điều 50; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 33 Bộ luật hình sự.
Xử phạt: Bị cáo Trần A G (P) 12 (mười hai) năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 01 (một) năm tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Tổng hợp hình phạt chung cho cả hai tội, bị cáo Trần A G (P) phải chấp hành là 13 (mười ba) năm tù.
Thời hạn tù được tính từ ngày bắt bị cáo chấp hành án. Thời gian tạm giam trước đây từ ngày 21/8/2013 đến ngày 29/11/2013 (03 tháng 08 ngày) được khấu trừ vào thời hạn tù của bị cáo.
2. Về trách dân sự: Áp dụng khoản 1 Điều 42 Bộ luật hình sự, Điều 604, Điều 605 và Điều 608 Bộ luật Dân sự.
Buộc Trần A G (P) và Chí A T phải liên đới hoàn trả cho bà Nguyễn Thị Kim H1 và ông Nguyễn Minh T1 số tiền là 6.256.000.000đ (sáu tỷ, hai trăm năm mươi sáu triệu đồng)”.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về lãi suất nếu chậm thi hành án, án phí, việc thi hành án và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 22 tháng 7 năm 2017, bị cáo Trần A G kháng cáo đề nghị công nhận bị cáo chỉ vay của bà H1, ông T1 01 tỷ đồng, tuyên bị cáo không phạm tội “Làm giả giấy tờ, con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” (vì hồ sơ nhà, đất và hồ sơ đền bù do bà Nguyễn Thị Minh H2 và ông Trần Đăng T2 làm) và tuyên bị cáo không phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (vì việc bị cáo vay tiền của bà H1, ông T1 là quan hệ dân sự và bị cáo không dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của bị hại).
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa, phát biểu quan điểm về việc giải quyết kháng cáo của bị cáo như sau: Bị cáo thừa nhận đưa ra thông tin giả để vay tiền, sau đó củng cố thông tin giả để được tiếp tục cho vay là đã phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Nếu bị cáo dùng giấy tờ giả ngay từ đầu để lừa đảo thì có thể thu hút tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Sau khi vay tiền, bị cáo đã dùng giấy tờ giả để củng cố niềm tin của bị hại nên cần tách ra hai tội riêng. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo và bị hại đã đối chiếu giấy nợ về những chỗ đã sửa chữa có con số 600 triệu đồng nhưng bị hại cho rằng con số đó đúng 600 triệu đồng là không có căn cứ. Nếu không tính 1,2 tỷ đồng mà con số bị sửa chữa, bị cáo còn chiếm đoạt của bị hại trên 05 tỷ đồng là trên giá trị 500 triệu đồng được quy định tại khoản 4 Điều 139 Bộ luật Hình sự. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo ở mức khởi điểm của khung hình phạt là không nặng. Không có căn cứ nào mới để giảm hình phạt cho bị cáo. Đề nghị Hội đồng xét xử tách phần 1 tỷ 200 triệu đồng thành vụ kiện dân sự khác khi có yêu cầu, giữ nguyên Bản án sơ thẩm về phần hình phạt đối với bị cáo.
Luật sư bào chữa cho bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét bị cáo có đưa các tài liệu bồi thường đất giả, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả cho bị hại nhưng không nhằm mục đích lừa đảo và đưa vào thời gian sau khi vay. Tài liệu về bồi thường đất ghi ngày 05 tháng 02 năm 2013 là văn bản cuối cùng trong khi khoản vay là năm 2012 chứng tỏ bị cáo dùng tài liệu sau khi vay tiền. Bị cáo không biết chữ nên không thể tự làm giấy tờ giả được. Đối với hai khoản tiền bị sửa chữa số liệu mỗi khoản 600 triệu đồng là giao dịch dân sự, đề nghị Hội đồng xét xử hủy án sơ thẩm, tách ra thành vụ kiện dân sự khác.
Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo trình bày như đơn kháng cáo, thống nhất với ý kiến của Luật sư bào chữa cho bị cáo. Bị cáo thừa nhận có nói dối ông T1 bà H1 là bị cáo có đất sắp được đền bù, có thuê người làm giấy tờ giả để đưa cho vợ chồng bà H1 làm họ tin và cho bị cáo vay tiền. Khi nói lời sau cùng, bị cáo xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo để bị cáo được chăm sóc con nhỏ.
Ông T1, bà H1 trình bày ý kiến như sau: Bị cáo đã thừa nhận các tình tiết trong USB chúng tôi nộp cho Hội đồng xét xử phúc thẩm. Bị cáo có đơn tố cáo ông T2 trong đó thừa nhận việc dùng giấy tờ giả để lừa đảo. Tuy giấy nợ có bị sửa chữa nhưng cần phải xét lý do vì sao sửa và thực sự bị cáo biết số tiền là bao nhiêu. Việc bị cáo và Luật sư nói là sau khi vay tiền mới đưa giấy tờ giả ra là sai hoàn toàn. Đề nghị quý tòa giữ nguyên Bản án sơ thẩm về phần bồi thường và tăng hình phạt đối với bị cáo vì bị cáo không khắc phục hậu quả và không thành khẩn nhận tội.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Tại Biên bản hỏi cung bị can ngày 13 tháng 01 năm 2017 (Bút lục số 341, có sự chứng kiến của Luật sư bào chữa cho bị cáo và Kiểm sát viên), bị cáo khai do ông T1, bà H1 yêu cầu được xem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên bị cáo đã nhờ người làm hồ sơ đền bù đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả và đưa cho bà H1, ông T1. Trong suốt quá trình điều tra, xét xử bị cáo luôn thừa nhận bị cáo thuê người khác làm giả các giấy tờ nêu trên cho bị cáo và bị cáo trả công. Ông T2, bà H2 không thừa nhận đã làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả đưa cho bị cáo nhưng thừa nhận đã đánh máy giùm bị cáo giấy tờ có nội dung đền bù đất. Vì vậy, Hội đồng xét xử sơ thẩm áp dụng khoản 1 Điều 267 Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” là có căn cứ, đúng pháp luật, không oan.
[2] Tại Biên bản hỏi cung bị can ngày 13 tháng 01 năm 2017, bị cáo thừa nhận: Trước khi vay tiền của ông T1, bà H1 bị cáo có nói với ông T1, bà H1 là bị cáo có đất sắp được đền bù tại thành phố B. Khi ông T1 bà H1 cho bị cáo vay được khoảng 50 đến 60 triệu đồng, bị cáo đã đưa các giấy tờ liên quan đến việc đền bù cho bà H1 đọc. Khi vay được khoảng 400 triệu đồng, do bà H1 yêu cầu nên bị cáo đã đưa cho bà H1 giấy tờ liên quan đến việc đền bù. Bị cáo khai “khi việc vay tiền sắp xong, do ông T1, bà H1 yêu cầu được xem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tôi đã nhờ thầy T3, cô H3 nhờ làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đưa cho bà H1, ông T1”, “Sau khi đưa giấy tờ giấy liên quan đến việc đền bù, tôi vay tiếp của ông T1 bà H1 khoảng 1,9 tỷ đồng cả gốc và lãi”, “Khi đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tôi vay tiếp được khoảng 20 triệu đồng”.
[3] Lời khai của bị cáo phù hợp với lời trình bày của bà H1 tại Biên bản đối chất ngày 13 tháng 01 năm 2017 (Bút lục số 343 và 344): Bị cáo đã đưa cho bà 06 tờ giấy liên quan đến việc đền bù đất tại thành phố B, lần đầu tiên đưa cho bà 02 tờ giấy, cùng đi có chồng bị cáo, lúc này bị cáo đã vay được gần 50 triệu đồng. Sau lần đưa giấy này, bà tin tưởng nên cho bị cáo vay nhiền lần với số tiền lớn. Vào cuối năm 2011, bị cáo đưa cho bà H1 02 tờ giấy liên quan đến việc đền bù, lần cuối cùng bị cáo đưa cho bà 02 tờ giấy liên quan đến việc đền bù là vào khoảng cuối năm 2012. Buổi đối chất có sự chứng kiến của Luật sư bào chữa cho bị cáo, Kiểm sát viên và bị cáo thừa nhận nội dung trình bày của bà H1 là đúng.
[4] Như vậy, ngay từ khi mới bắt đầu vay tiền, bị cáo đã có thủ đoạn gian dối để ông T1 bà H1 tin mà đưa tiền cho bị cáo. Để được vay tiền của ông T1 bà H1 liên tục và với số lượng lớn, bị cáo đã duy trì việc nói dối, liên tục thực hiện một chuỗi hành vi gian đối để củng cố lòng tin của bị hại vào lời nói dối ban đầu của bị cáo là có đất sắp được bồi thường. Bị cáo đã dắt ông T1 đi xem đất, nhờ người làm giả hồ sơ đền bù, làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để đưa cho ông T1 bà H1. Hội đồng xét xử sơ thẩm quy kết bị cáo phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là không oan.
[5] Quá trình điều tra, bị cáo nhiều lần thay đổi lời khai về số tiền chiếm đoạt của ông T1 bà H1. Tại Biên bản ghi lời khai ngày 12 tháng 7 năm 2013 (Bút lục số 33), Biên bản hỏi cung ngày 11 tháng 9 năm 2013 (Bút lục số 35), bị cáo khai số tiền vay của bị hại khoảng 03 đến 04 tỷ đồng; tại Biên bản hỏi cung ngày 24 tháng 10 năm 2013 (Bút lục số 36), bị cáo khai vay của bị hại khoảng 02 đến 03 tỷ đồng; tại Biên bản phiên tòa hình sự sơ thẩm ngày 10 tháng 11 năm 2015, bị cáo khai vay của bị hại khoảng 02 tỷ đồng; tại Biên bản phiên tòa phúc thẩm ngày 13 tháng 9 năm 2016, bị cáo khai vay của bị hại 02 tỷ đồng bao gồm cả vốn và lãi; tại phiên tòa sơ thẩm ngày 13 tháng 7 năm 2017, bị cáo trình bày thực tế vay là 02 tỷ đồng; tại đơn kháng cáo ngày 22 tháng 7 năm 2017 và tại phiên tòa phúc thẩm ngày 06 tháng 4 năm 2018, bị cáo cho rằng chỉ thực vay của bà H1 ông T1 khoảng 01 tỷ đồng. Như vậy, trong trường hợp xem xét cho bị cáo số tiền ít nhất mà bị cáo thừa nhận đã chiếm đoạt của bị hại (khoảng 01 tỷ đồng) thì hành vi phạm tội của bị cáo thuộc trường hợp định khung tại điểm a khoản 4 Điều 139 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) như Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng.
[6] Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào 3 tài liệu về số tiền bị cáo vay của vợ chồng ông T1, bà H1 là cuốn sổ nhỏ màu đen do bị cáo cung cấp, 02 tờ giấy có tiêu đề “Giấy thiếu nợ” bản chính do bà H1 cung cấp (một “Giấy thiếu nợ” viết tay gồm 02 mặt (Bút lục số 70) và một tờ “Giấy thiếu nợ” viết tay 04 mặt (Bút lục số 385), kết luận bị cáo vay của vợ chồng bà H1 6.280.000.000 đồng (1.080.000.000 đồng + 4.540.000.000 đồng + 660.000.000 đồng), trừ lãi 20.000.000 đồng và tiền bồi dưỡng nhân công sửa chữa nhà 4.000.000 đồng mà bị cáo đã trả để xác định bị cáo chiếm đoạt của bị hại 6.256.000.000 đồng. Tuy nhiên, giấy “Giấy thiếu nợ” bản chính 4 mặt có nhiều dấu hiệu bị sửa chữa, đặc biệt là hai khoản tiền ghi 600 triệu đồng nhưng ở phần số và phần chữ đều bị xóa rồi viết lại, không có căn cứ để khẳng định số tiền là bao nhiêu nhưng cơ quan điều tra và Tòa án cấp sơ thẩm chưa chứng minh, làm rõ. Bị cáo, ông T1 và bà H1 không thống nhất được số tiền ghi trong giấy mà Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh không thể bổ sung, làm rõ được vấn đề này. Vì vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy cần phải hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm để điều tra lại về số tiền bị cáo nhận của vợ chồng bà H1 ghi trên “Giấy thiếu nợ” nêu trên vì số tiền bị cáo chiếm đoạt của bị hại trực tiếp ảnh hưởng đến việc quyết định hình phạt đối với bị cáo.
[7] Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, của Luật sư bào chữa cho bị cáo, ý kiến của bị cáo và các bị hại trình bày tại phiên tòa hôm nay không phù hợp với quan điểm của Hội đồng xét xử phúc thẩm nêu trên nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận.
[8] Vì Hội đồng xét xử hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm nên bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định tại điểm f khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 2 Điều 344, Điều 345, điểm c khoản 1 điểu 355, điểm b khoản 1 Điều 358 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015;
Chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Trần A G (P), hủy Bản án hình sự sơ thẩm số 31/2017/HSST ngày 13 tháng 7 năm 2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để điều tra lại.
Bị cáo Trần A G không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức số 182/2018/HS-PT
Số hiệu: | số 182/2018/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 06/04/2018 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về