TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 918/2024/HS-PT NGÀY 25/09/2024 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
Ngày 25 tháng 9 năm 2024, tại trụ sở Tòa án nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 628/2024/TLPT-HS ngày 15 tháng 7 năm 2024 đối với bị cáo Trần Thị Thanh T. Do có kháng cáo của bị cáo Trần Thị Thanh T đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 17/2024/HS-ST ngày 03 tháng 5 năm 2024 của Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long.
• Bị cáo có kháng cáo:
Trần Thị Thanh T, sinh năm 1979; Nơi cư trú: ấp C, xã M, huyện T, tỉnh Vĩnh Long; nghề nghiệp: làm vườn; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: nữ; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Trần Văn Đ và bà Nguyễn Thị B; có chồng Lê Văn N và 02 người con; tiền án, tiền sự: không. Bị cáo hiện tại ngoại. (Có mặt)
*Người bào chữa chỉ định cho bị cáo: Luật sư Lê Thị M – Đoàn Luật sư tỉnh Đ. (Có mặt)
*Bị hại: Thạch Sau N, sinh năm: 1987; nơi cư trú: số A, ấp S, xã L, huyện T, tỉnh Vĩnh Long. (Có mặt)
*Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án: Anh Hồng Phước T1, sinh năm: 1987; nơi thường trú: ấp A, xã A, huyện C, tỉnh Đồng Tháp; nơi ở hiện tại: 291Đ, khu V, thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh Long An. (Vắng mặt)
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Bị cáo Trần Thị Thanh T, sinh: 1979, ngụ: ấp C, xã M, huyện T, tỉnh Vĩnh Long, thời gian từ năm 2006 đến năm 2012 bị cáo làm việc tại khối V huyện T phụ trách công tác đoàn thể, phụ nữ và công việc quản lý nguồn vốn của Ngân hàng chính sách xã hội huyện T, nên biết được việc cho vay của Ngân hàng đối với các chị em phụ nữ các xã trong huyện. Từ đó, bị cáo T có quen biết với các tổ trưởng đại diện vay vốn Ngân hàng. Đến năm 2019 bị cáo T chuyển sang làm việc thu tiền cước W tại Vinaphone huyện T và có quen biết với anh Thạch Ư làm chung tại V. Trong thời gian làm việc tại V, bị cáo T mất cân đối về tài chính do thiếu nợ vay của nhiều người. Do đó, khoảng tháng 7/2021 bị cáo T nghĩ cách để có tiền trả nợ nên gặp anh Thạch Ư nói dối rằng “Tiền có quen với cán bộ tín dụng Ngân hàng chính sách xã hội huyện T, giải quyết cho vay dạng giải quyết việc làm và hộ nghèo, T đang cần một số tiền để cho các tổ viên vay lại đáo hạn Ngân hàng, khoản 10 ngày sẽ trả lại” nhưng thực tế bị cáo T không quen biết ai cả, bị cáo nói vậy để Thạch Ương tin tưởng cho bị cáo T vay tiền. Bị cáo T nhờ anh Thạch Ư giới thiệu tìm người có nguồn vốn cho bị cáo vay và hứa nếu các tổ trưởng vay đáo hạn được sẽ chia cho anh Thạch Ư một nữa số tiền lãi thu được. Anh Thạch Ư tin tưởng bị cáo nói thật nên đồng ý và giới thiệu em bà con là Thạch Sau Na R, sinh: 1987, cư trú tại: số A ấp S, xã L, huyện T cho bị cáo vay tiền, anh Thạch Ư cũng nói lại cho bị hại Na R biết bị cáo có quen cán bộ Ngân hàng và đang tìm nguồn tiền vay, để cho các tổ trưởng vay lại đáo hạn Ngân hàng. Bị hại Na R nghe anh Thạch Ư nói vậy nên tin tưởng là thật và đồng ý cho bị cáo vay tiền, thỏa thuận lãi suất vay là 4.000đ/1.000.000đ/01 ngày. Khi cho bị cáo vay nhiều lần với số tiền khoảng 450.000.000 đồng, bị hại Na R không đủ tiền cho vay thêm nữa nên bị hại Na R liên hệ với bạn là anh Hồng Phước T1, sinh: 1987, nơi thường trú: ấp A, xã A, huyện C, tỉnh Đồng Tháp để vay tiền rồi cho bị cáo vay lại hưởng chênh lệch, khi vay tiền anh T1, bị hại Na R nói với anh T1 mục đích của bị cáo T vay tiền là để cho các tổ trưởng vay lại đáo hạn Ngân hàng và anh T1 đồng ý.
Đến tháng 12/2021, bị hại Na R cho bị cáo vay tổng số tiền là 1.650.000.000 đồng (bao gồm: tiền bị hại Na Rít vay của anh T1 1.200.000.000 đồng và số tiền của bị hại Na R cho bị cáo vay 450.000.000 đồng). Lúc này, anh T1 muốn rút vốn lại nhưng bị hại Na R nói “tiền dính vào Ngân hàng hết rồi, vì Thanh T nói, tiền đưa vô Ngân hàng chưa đủ nên chưa giải ngân được để rút ra trả lại cho Na R và T1”. Do đó, anh T1 muốn kiểm tra xem có thật hay không nên đến nhà của bị hại N, thì gặp bị hại Na R, Thạch Ư và bị cáo. Tại nhà bị hại Na R, bị cáo trực tiếp nói với bị hại Na R và anh T1 “vay tiền của Na R và T1 để cho các tổ trưởng vay lại đáo hạn Ngân hàng chính sách xã hội huyện T, T làm đại diện vay vốn, lãi suất vay là 4.000đ/01 ngày/1.000.000đ, hứa từ 01 ngày đến 10 ngày sẽ trả tiền gốc và lãi” và nói “tiền chưa đủ vô Ngân hàng nên chưa giải ngân được, vì vậy chưa có tiền trả lại”. Bị hại Na R và anh T1 nghe vậy nên tin tưởng và đồng ý cho bị cáo vay tiếp tục để kịp giải ngân lấy tiền ra trả lại cho bị hại Na R và anh T1. Do không đủ nguồn vốn cho bị cáo vay, bị hại Na R và anh T1 hỏi vay nhiều nơi để cho bị cáo vay lại, nên lãi suất bị hại Na R và anh T1 cho bị cáo vay nâng lên từ 0,8% đến 1,2%/01 ngày/1.000.000đ; bị cáo vẫn đồng ý vay.
Cách thức giao nhận tiền khi vay: thời gian đầu tháng 7/2021 bị cáo nhận tiền vay từ anh Thạch Ư khoảng 300.000.000 đồng, đến tháng 8/2021 bị cáo giao dịch trực tiếp với bị hại Na R và nhận tiền từ tài khoản do bị hại Na Rít chuyển khoản vào. Sau đó, anh T1 chuyển khoản vào tài khoản của bị cáo, mỗi lần chuyển khoản xong anh T1 có gửi Zalo báo lại cho bị hại Na Rít biết, khi nào bị cáo cần vay và điện thoại trực tiếp cho anh T1 thì anh T1 sẽ hỏi ý kiến bị hại Na Rít, nếu bị hại Na R đồng ý thì anh T1 mới chuyển tiền vào tài khoản của bị cáo theo yêu cầu của bị hại Na Rít.
Từ ngày 26/7/2021 đến ngày 15/6/2022, bị cáo đã vay của bị hại Na Rít 27 lần tổng cộng tiền gốc là: 6.306.300.000 đồng, đã trả tiền gốc là: 3.351.800.000 đồng, đã trả tiền lãi là: 826.365.800 đồng. Hiện còn nợ tiền gốc là: 2.954.500.000 đồng. Trong đó:
+ Vay trực tiếp của bị hại Na Rít 18 lần là 3.172.300.000đ đồng đã trả gốc:
2.716.800.000 đồng, đã trả lãi: 573.565.800 đồng, còn nợ gốc là: 455.500.000 đồng.
+ Vay bị hại Na R (do Na R hỏi nợ anh Hồng Phước T1), 09 lần là:
3.134.000.000 đồng, đã trả gốc: 635.000.000 đồng, đã trả lãi 252.800.000 đồng, còn nợ gốc 2.499.000.000 đồng.
Hiện nay, bị cáo không có khả năng trả lại cho bị hại Na Rít số tiền gốc là 2.954.500.000 đồng.
- Đối với Thạch Ư có hành vi giúp bị cáo đưa thông tin nhằm cho bị hại Na R tin tưởng cho vay tiền, nhưng bản thân Thạch Ư không biết bị cáo lừa dối mình và bị hại Na Rít nên cơ quan chức năng không xử lý đối với Thạch Ư về hành vi giúp sức cho bị cáo.
Trong thời gian vay tiền của bị hại Na R, bị cáo có đưa Thạch Ư số tiền 30.000.000 đồng và nói là chia tiền lời, riêng bị hại Na R có cho Thạch Ư tiền hoa hồng số tiền 20.000.000 đồng.
- Đối với số tiền vay của bị hại Na R, bị cáo khai nhận sử dụng vào việc trả nợ do làm ăn thua lỗ nuôi heo 800.000.000 đồng; trị bệnh cho con 1.654.500.000 đồng và đóng lãi vay 1.654.500.000 đồng.
Tại Bản cáo trạng số 46/CT-VKS-P1 ngày 13 tháng 10 năm 2023 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã truy tố Trần Thị Thanh Tiền về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 174 của Bộ luật Hình sự với số tiền chiếm đoạt là 2.128.134.200 đồng.
Ngày 18/01/2024 Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung số 02/2024/HSST-QĐ về việc điều tra bổ sung về hành vi cho vay lãi nặng đối với Thạch Sau N và Hồng Phước T1. Ngày 23/01/2024 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Long có văn bản trả lời số 17/VKS-P1 về việc phúc đáp việc trả điều tra bổ sung vụ án vẫn giữ nguyên cáo trạng số 46/CT-VKS-P1 ngày 13 tháng 10 năm 2023 vì cho rằng: đối với bị hại Na R và anh T1 có hành vi cho vay với lãi suất vượt mức quy định của Nhà nước, tuy nhiên đây là thủ đoạn của bị cáo đưa ra lãi suất cao để người khác cho vay. Mặt khác, số tiền của bị hại Na Rít và anh T1 thu lãi vẫn chưa đủ trả vào số tiền gốc mà bị cáo chiếm đoạt, nên không xử lý đối với bị hại Na R và anh T1 về hành vi “cho vay lãi nặng”.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 17/2024/HS-ST ngày 03 tháng 5 năm 2024, Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã quyết định:
Tuyên bố bị cáo Trần Thị Thanh T phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
- Căn cứ điểm a khoản 4 Điều 174; điểm s khoản 1 Điều 51, điểm g khoản 1 Điều 52, Điều 38 Bộ luật Hình sự.
Xử phạt bị cáo Trần Thị Thanh T 14 (mười bốn) năm tù; thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án.
- Về trách nhiệm dân sự: căn cứ Điều 48 của Bộ luật Hình sự.
Buộc bị cáo Trần Thị Thanh T có nghĩa vụ trả cho bị hại Thạch Sau Na Rít số tiền 2.128.134.200 đồng.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí, quyền yêu cầu thi hành án và quyền kháng cáo vụ án theo luật định.
Ngày 16/5/2024, bị cáo Trần Thị Thanh T có đơn kháng cáo và ngày 20/5/2024 bị cáo có đơn kháng cáo bổ sung với nội dung kêu oan, yêu cầu huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm, chuyển vụ án hình sự thành vụ án dân sự Tại phiên tòa phúc thẩm, Bị cáo giữ nguyên kháng cáo kêu oan, cho rằng bị cáo có nói dối với Thạch Ư, Thạch Sau N là vay tiền để làm dịch vụ đáo hạn, nhưng về sau bị hại có đến nhà của bị cáo xem trang trại nuôi heo thì đã biết bị cáo vay tiền để đầu tư vào trang trại mà vẫn đồng ý cho vay tiếp nên không thể xem là bị cáo lừa đảo bị hại. Quá trình vay nợ, bị cáo có trả lãi, trả gốc và vay lại nhiều lần, đây là quan hệ vay mượn trong dân sự, thậm chí các chủ nợ còn cho vay với mức lãi vượt quy định nhiều lần là hành vi cho vay lãi nặng, cơ quan chức năng lại không xử lý họ mà quy trách nhiệm hình sự đối với bị cáo là oan cho bị cáo. Xin Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo, tuyên bị cáo không phạm tội để chuyển vụ án này sang xét xử thành vụ án dân sự.
Người bị hại Thạch Sau N xác định số tiền mà án sơ thẩm quy kết bị cáo chiếm đoạt là đúng, từ đầu đến cuối bị cáo chỉ nói là vay để làm đáo hạn, chuyện đưa bị hại và ông Hồng Phước T1 đến nhà xem trang trại là để biết khả năng trả nợ của bị cáo chứ không có thỏa thuận nào là cho bị cáo vay tiền để nuôi heo.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án:
Đơn kháng cáo của bị cáo làm trong hạn luật định, hợp lệ.
Về nội dung kháng cáo kêu oan của bị cáo: đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm do các cơ quan và người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng quy định về tố tụng; hành vi của bị cáo bị quy kết phù hợp với tài liệu chứng cứ đã thu thập và quy định của Bộ luật hình sự, án sơ thẩm đã vận dụng đầy đủ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và tuyên phạt tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Bị cáo kháng cáo kêu oan nhưng nhưng không cung cấp thêm tình tiết nào mới.
Người bào chữa cho bị cáo trình bày: về tố tụng, cơ quan tố tụng đã bỏ sót tội phạm về hành vi cho vay lãi nặng do bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cho vay lãi cao, dẫn đến bị cáo không trả nổi nợ và nợ nần chồng chất. Bị cáo là bác sĩ thú y, chăn nuôi heo nhiều lần nhưng có lúc thất bại, lỗ vốn phải vay mượn tiền để trang trải, việc vay mượn tiền của những người khác trong vụ án diễn ra trong thời gian dài, có vay và trả nhiều lần, số tiền lãi bị cáo đã trả cho bị hại rất nhiều, theo thống kê của cơ quan điều tra vẫn chưa đủ vì còn những khoảng bị cáo giao cho bị hại mà không lập giấy tờ. Việc bị cáo vay, trả nhiều lần không thể bị cho là mất khả năng thanh toán mà do bị cáo gặp khó khăn trong chăn nuôi (bị dịch bệnh), điều này có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã về việc heo bệnh chết. Ngoài ra, bị cáo cũng có dành dụm được một khoản tiền để trả cho bị hại nhưng bị hại không nhận mà vẫn yêu cầu công an xử lý. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị cáo, huỷ án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại, tránh làm oan cho bị cáo.
Bị cáo nói lời sau cùng: Bị cáo bị oan, xin chấp nhận kháng cáo. Bản kết luận điều tra không đúng sự thật, bị cáo gặp sự cố heo bị dịch bệnh dẫn đến không còn khả năng trả lãi. Lúc đầu bị cáo có nói dối để vay tiền nhưng các đợt sau là T1 cùng Na R đều biết bị cáo vay để đầu tư chăn nuôi.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về hình thức:
Đơn kháng cáo của bị cáo là trong thời hạn luật định, hợp lệ nên được Hội đồng xét xử xem xét theo trình tự phúc thẩm.
Quá trình tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm đã tuân thủ đúng quy định của pháp luật tố tụng, quyền và nghĩa vụ của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác được đảm bảo; các chứng cứ đã được thu thập hợp pháp, khách quan và đầy đủ để giải quyết toàn bộ các vấn đề của vụ án. Các bị cáo đã được tự nguyện khai báo, không bị ép cung, nhục hình. Những sai sót về tố tụng mà bị cáo và người bào chữa đề cập đã được Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu điều tra bổ sung nhưng kết quả không làm thay đổi nội dung truy tố.
[2] Về nội dung:
Căn cứ kết quả điều tra, qua đối chiếu lời khai của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác thấy phù hợp với các chứng cứ đã thu thập được, đủ cơ sở để kết luận:
Do có thời gian công tác khối V huyện T phụ trách công tác đoàn thể, phụ nữ và công việc quản lý nguồn vốn của Ngân hàng chính sách xã hội huyện T (từ năm 2006 đến năm 2012), nắm được các nguồn vốn chính sách cho các tổ viên vay nên khi làm ăn thua lỗ, mất khả năng chi trả từ tháng 7/2021, Trần Thị Thanh T đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản bằng cách đưa ra thông tin gian dối là có mối quan hệ quen thân với ông N1 đang làm việc tại Ngân hàng chính sách xã hội huyện T, tỉnh Vĩnh Long với vị trí cán bộ bộ phận tín dụng cho vay giải quyết việc làm, hộ nghèo nên có nghề đáo hạn ngân hàng. Tiền đưa ra thông tin đang cần một số tiền cho tổ trưởng, tổ viên vay để đáo hạn ở ngân hàng C huyện T, thời gian vay khoảng 10 ngày trả lại, làm cho các ông Thạch Ư, Thạch Sa Na R1 và Hồng Phước T1 tin tưởng là thật để Ư giới thiệu người cho bị cáo vay. Do Na R1 được Thạch Ư giới thiệu nên đã tin tưởng là thật và rủ Hồng Phước T1 cùng cho T vay đáo hạn ngân hàng. Khi nhận được tiền vay theo lãi suất thoả thuận 4.000 đồng/ngày/1.000.000 đồng, ban đầu T còn trả đúng hạn, sau đó tiếp tục mượn nhiều lần dẫn đến không khả năng chi trả. Số tiền vay được, T không sử dụng vào việc đáo hạn ngân hàng như đã nói mà dùng để trả lãi vay của bị hại, trả nợ vay cho người khác, chi tiền điều trị bệnh cho con và sử dụng vào mục đíchcá nhân. Trong thời gian từ ngày 26/7/2021 đến ngày 15/6/2022, T đã vay của Na R1 27 lần với tổng số tiền 6.306.300.000 đồng, đã thanh toán tiền gốc 3.351.800.000 đồng và tiền lãi 826.365.800 đồng. Hành vi của Trần Thị Thanh t là đưa ra thông tin gian dối về mục đích vay, khả năng thanh toán tiền vay để nhận tài sản từ các bị hại, từ đó sử dụng vào mục đích riêng dẫn đến không khả năng chi trả. Các cơ quan tố tụng ở cấp sơ thẩm quy kết bị cáo chiếm đoạt số tiền 2.128.134.200 đồng của người bị hại (sau khi trừ tiền lãi không đúng quy định) là có căn cứ. Xét xử bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a, khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự là phù hợp.
[3] Về nội dung kháng cáo:
Tại phiên tòa, bị cáo giữ nguyên kháng cáo kêu oan và trình bày lý do kháng cáo là vay tiền để chi phí cho trang trại nuôi heo, do sự cố khách quan heo bệnh chết nên không trả lãi, gốc cho bị hại được như đã cam kết. Các bên tranh luận về yếu tố bỏ lọt tội phạm đối với hành vi cho vay lãi nặng của một số cá nhân. Tuy nhiên quá trình điều tra đã tiến hành xác minh nội dung này và Cơ quan diều tra đã kết luận không đủ yếu tố xử lý.
Riêng về mục đích vay tiền và khả năng thanh toán như trình bày của bị cáo và ý kiến bào chữa của Luật sư tại phiên toà phúc thẩm: Bị cáo cùng người bào chữa cho rằng ban đầu có nói dối về mục đích vay tiền để đáo hạn ngân hàng cho các hộ gia đình được ngân hàng cho vay theo chính sách hỗ trợ, nhưng sau đó các bị hại đã biết việc bị cáo vay tiền để mở trang trại nuôi heo. Tuy nhiên ý kiến này bị ông Thạch S Na Rít phủ nhận, cho rằng chỉ đến nhà xem để biết tình hình gia đình của bị cáo và khả năng bị cáo còn tài sản để trả nợ hay không, không nghe bị cáo nói về việc mục đích vay tiền là để nuôi heo. Qua trích xuất nội dung tin nhắn từ điện thoại của bị cáo với ông Hồng Phước T1 hoàn toàn là nội dung bị cáo kẹt tiền ngân hàng chậm giải ngân để khất nợ. Với các chứng cứ đã thu thập, không có cơ sở để chấp nhận lời kêu oan của bị cáo cũng như lời bào chữa của Luật sư. Do vậy, Hội đồng xét xử thống nhất theo đề nghị của Kiểm sát viên, không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Án phí hình sự phúc thẩm bị cáo phải chịu do kháng cáo không được chấp nhận.
Các quyết định khác của án sơ thẩm không có kháng cáo kháng nghị đã có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự, Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Trần Thị Thanh T, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Căn cứ điểm a khoản 4 Điều 174; điểm s khoản 1 Điều 51, điểm g khoản 1 Điều 52, Điều 38 Bộ luật Hình sự.
Xử phạt bị cáo Trần Thị Thanh T 14 (mười bốn) năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án.
Về trách nhiệm dân sự: căn cứ Điều 48 Bộ luật Hình sự.
Buộc bị cáo Trần Thị Thanh T có nghĩa vụ trả cho bị hại Thạch Sau Na Rít số tiền 2.128.134.200 đồng.
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a,7b và Điều 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Án phí hình sự phúc thẩm: bị cáo Trần Thị Thanh T phải chịu 200.000 đồng án phí phúc thẩm.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản số 918/2024/HS-PT
Số hiệu: | 918/2024/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 25/09/2024 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về