Bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản số 905/2024/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 905/2024/HS-PT NGÀY 12/11/2024 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 12 tháng 11 năm 2024, tại điểm cầu trung tâm Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội và điểm cầu thành phần Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên mở phiên tòa xét xử phúc thẩm trực tuyến, công khai vụ án hình sự thụ lý số 49/2024/TLPT-HS ngày 24 tháng 4 năm 2024 đối với bị cáo Chu Thị D về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, do có kháng cáo của các bị hại đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 50/2024/HS-ST ngày 29/5/2024 của Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên.

* Bị cáo bị kháng cáo:

Họ và tên: Chu Thị D, sinh năm 1983 tại huyện Y, tỉnh Hưng Yên; Giới tính: Nữ; Sinh trú quán: thôn Ố, xã Đ, huyện Y, tỉnh Hưng Yên. Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Trình độ học vấn: 05/12; Nghề nghiệp: Lao động tự do; Con ông: Chu Văn Q, sinh năm 1957; Con bà: Chu Thị D1, sinh năm 1959; Gia đình có 03 anh em, bị cáo là con thứ hai; Chồng: Chu Văn T, sinh năm 1974; Bị cáo có 02 con, lớn sinh năm 2000, nhỏ sinh năm 2003; Tiền án, tiền sự: Không.

Bị cáo bị tạm giam từ ngày 06/12/2023; Hiện bị cáo đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh H, có mặt tại phiên tòa.

* Người bào chữa cho bị cáo D: Luật sư Bùi Đình S - Văn phòng L1 thuộc Đoàn luật sư tỉnh H, vắng mặt tại phiên tòa (có đơn xin xét xử vắng mặt và gửi bản bào chữa cho bị cáo).

* Các bị hại có kháng cáo:

- Bà Đỗ Thị Phương Đ, sinh năm 1973, trú tại: thôn Ố, xã Đ, huyện Y, tỉnh Hưng Yên; vắng mặt.

- Bà Chu Thị Q1, sinh năm 1975, trú tại: thôn Ố, xã Đ, huyện Y, tỉnh Hưng Yên; có mặt.

- Anh Chu Đức N, sinh năm 1987, trú tại: thôn Ố, xã Đ, huyện Y, tỉnh Hưng Yên; vắng mặt.

- Bà Chu Thị S1, sinh năm 1966, trú tại: thôn Ố, xã Đ, huyện Y, tỉnh Hưng Yên; vắng mặt.

- Bà Chu Thị T1, sinh năm 1979, trú tại: thôn Ố, xã Đ, huyện Y, tỉnh Hưng Yên; vắng mặt.

- Bà Chu Thị T2, sinh năm 1963, trú tại: trú tại: thôn Ố, xã Đ, huyện Y, tỉnh Hưng Yên; vắng mặt.

- Bà Chu Thị H, sinh năm 1974, trú tại: thôn Ố, xã Đ, huyện Y, tỉnh Hưng Yên; vắng mặt.

- Chị Nguyễn Thị Diệu L, sinh năm 1987, trú tại: thôn X, xã Đ, huyện Y, tỉnh Hưng Yên; có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Chu Thị D, sinh năm 1983, trú tại: thôn Ố, xã Đ, huyện Y, tỉnh Hưng Yên làm nghề buôn bán hàng tạp hóa. Do làm ăn thua lỗ cùng với việc cần tiền tiêu xài cá nhân nên D nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản của người khác thông qua hình thức lập bát họ giả. D giới thiệu với các cá nhân là người thân, họ hàng hoặc người quen biết là bản thân đã thành lập và là người cầm cái một số bát họ, đồng thời mời những cá nhân này tham gia chơi. Thực tế, không có ai chơi họ cùng D nhưng D nói dối là đã có sẵn từ 10 đến 17 người tham gia chơi họ (chân họ). Người tham gia chơi sẽ nộp tiền họ cho D hàng tháng từ 3.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng/chân họ vào khoảng thời gian cuối mỗi tháng âm lịch. Nếu ai lấy tiền trước thì các tháng sau đó ngoài số tiền chân họ phải đóng thì người này phải đóng thêm cho người lấy sau tiền lãi khoản tiền tương ứng 10% số tiền 01 chân họ phải đóng. Nếu lấy tiền cuối cùng (lấy chân họ cuối) thì người chơi sẽ không phải đóng tiền chân họ tháng đó, được trả lại toàn bộ số tiền đã đóng và tiền lãi tương ứng với 10% số tiền đó. Để có thể chiếm đoạt số tiền của các bị hại trong nhiều tháng nhất có thể, D lấy lý do các chân họ trước đã có người lấy nên các bị hại tin tưởng đồng ý tham gia chơi họ cùng D và lấy chân họ cuối.

Từ ngày 31/7/2019 đến ngày 21/3/2023, với phương thức và thủ đoạn nêu trên, D đã gian dối chiếm đoạt của 23 bị hại với tổng số tiền là: 2.261.000.000 đồng. Cụ thể đối với các bị hại có kháng cáo như sau:

1. Hành vi gian dối thành lập 04 bát họ chiếm đoạt của bà Đỗ Thị Phương Đ, sinh năm 1973 tại thôn Ố, xã Đ, huyện Y, tỉnh Hưng Yên số tiền 483.000.000 đồng.

Bà Đỗ Thị Phương Đ là thím họ của D, từ ngày 13/3/2020 đến ngày 20/3/2023 dương lịch, D đã 04 lần rủ bà Đ tham gia chơi 04 bát họ. Mỗi lần rủ tham gia bát họ, D đều nói D làm chủ dây họ đang có 16 chân họ, nếu bà Đ tham gia sẽ là 17 người chơi và là người lấy chân họ cuối, số tiền đóng là 10.000.000 đồng/chân họ/tháng, bát họ diễn ra trong 17 tháng (tính theo tháng âm lịch). D hứa hẹn đến tháng thứ 17, khi bà Đ lấy họ sẽ trả bà Đ số tiền bà đã đóng họ trong 16 tháng cộng với số tiền lãi 10% của số tiền đã đóng (16.000.000 đồng). Bà Đ đồng ý tham gia chơi. Cụ thể:

+ Bát họ thứ nhất: Bà Đ đã đóng cho D 16 tháng họ với tổng số tiền 160.000.000 đồng. Ngày 20/6/2021, D đã trả bà Đ số tiền 156.000.000 đồng, chiếm đoạt 4.000.000 đồng gốc và tiền lãi của bà Đ.

+ Bát họ thứ hai: Bà Đ đã đóng cho D 16 tháng họ với tổng số tiền 160.000.000 đồng; Ngày 08/7/2021 dương lịch, D đã trả bà Đ số tiền 1.000.000 đồng, chiếm đoạt 159.000.000 đồng gốc và tiền lãi của bà Đ.

+ Bát họ thứ ba: Bà Đ đã đóng cho D 16 tháng họ với tổng số tiền 160.000.000 đồng. D chiếm đoạt 160.000.000 đồng tiền gốc và tiền lãi của bà Đ.

+ Bát họ thứ tư: Bà Đ đã đóng cho D 16 tháng họ với tổng số tiền 160.000.000 đồng. D chiếm đoạt 160.000.000 đồng tiền gốc và tiền lãi của bà Đ.

Như vậy, trong khoảng thời gian từ ngày 13/3/2020 đến ngày 20/3/2023 dương tịch, bằng thủ đoạn lập ra 04 bát họ giả, bị cáo đã chiếm đoạt của bà Đỗ Thị Phương Đ tổng số tiền 483.000.000 đồng Quá trình đóng một số chân họ, bà Đ yêu cầu D ký xác nhận vào sổ tay ghi chép của mình. Đến tháng 02/2023 âm lịch, D viết xác nhận vào sổ tay ghi chép nợ tiền họ của bà Đ. Bà Đ tự nguyện cung cấp cho Cơ quan điều tra tài liệu trên.

2. Hành vi gian dối thành lập 01 bát họ chiếm đoạt của chị Nguyễn Thị Diệu L, sinh năm 1987 trú tại thôn X, xã Đ, huyện Y, tỉnh Hưng Yên số tiền 170.000.000 đồng.

Chị Diệu L là em họ của D, khoảng tháng 8/2021 dương lịch, D rủ chị L chơi bát họ, D nói với chị L bát họ do D lập và là người cầm cái, D đang chơi 02 chân họ, bát họ đang có sẵn 15 người chơi (16 chân họ), nếu chị L tham gia sẽ là 16, số tiền đóng là 5.000.000 đồng/chân họ/tháng. Chị L đồng ý chơi 02 chân họ và là người lấy 02 chân họ cuối (chân họ thứ 17 và 18). Từ ngày 25/6/2021 âm lịch (tức ngày 03/8/2021 dương lịch) đến ngày 25/10/2022 âm lịch (tức ngày 18/11/2022 dương lịch). Chị L đã đóng 17 tháng họ cho D với tổng số tiền 170.000.000 đồng (5.000.000 đồng x 02 chân họ x 17 tháng = 170.000.000 đồng), trong đó có 16 tháng đóng tiền mặt và 01 tháng chuyển khoản 10.000.000 đồng từ tài khoản số: 0868627103 mang tên chị L mở tại Ngân hàng M sang tài khoản 1015262273 của chị Chu Thị T3, sinh năm 2000 ở cùng thôn (con gái D) mở tại Ngân hàng V. Chị T3 sau đó đã chuyển lại số tiền này cho D. Đến tháng 18, D không trả tiền gốc và lãi cho chị L như hứa hẹn, chiếm đoạt toàn bộ số tiền 170.000.000 đồng của chị L. Ngày 21/3/2022 âm lịch, D ký xác nhận trên một tờ giấy về việc chơi bát họ với chị L. Chị L tự nguyện cung cấp cho Cơ quan Điều tra tài liệu này.

3. Hành vi gian dối thành lập 02 bát họ chiếm đoạt của bà Chu Thị Q1, sinh năm 1975 (cô họ của D) trú tại thôn Ố, xã Đ, huyện Y, tỉnh Hưng Yên số tiền 146.000.000 đồng.

+ Bát họ thứ nhất: Khoảng tháng 01/2021 dương lịch, D rủ bà Q1 chơi bát họ, D nói với bà Q1 bát họ do D lập và là người cầm cái đang có 14 chân họ, nếu bà Q1 tham gia nữa là 15 người chơi, số tiền đóng là 5.000.000 đồng/chân họ/tháng. Bà Q1 đồng ý chơi 02 chân họ và là người lấy 02 chân họ cuối (chân họ thứ 15 và 16). Bà Q1 đã đóng 14 tháng họ cho D với tổng số tiền là 140.000.000 đồng (của 02 chân họ). Đến tháng thứ 15, D chỉ trả cho bà Q1 số tiền 54.000.000 đồng, số tiền gốc còn lại 86.000.000 đồng và tiền lãi theo thỏa thuận D chưa trả bà Q1. Do vậy, đến tháng thứ 16 bà Q1 không đóng tiền họ cho D nữa. D đã chiếm đoạt số tiền 86.000.000 đồng của bà Q1.

+ Bát họ thứ hai: Để tiếp tục lừa bà Q1, D khất lần và hứa hẹn sẽ trả bát họ thứ nhất đầy đủ, đồng thời đến khoảng tháng 01/2022 dương lịch, D tiếp tục rủ bà Q1 chơi thêm một bát họ nữa. D nói với bà Q1 bát họ do D lập và là người cầm cái đang có 12 chân họ, nếu bà Q1 tham gia sẽ có 13 người chơi, số tiền đóng là 5.000.000 đồng/tháng/chân họ. Do là họ hàng, mặt khác mong muốn D trả lại tiền bát họ trước nên bà Q1 đồng ý chơi 01 chân họ và là người lấy chân họ cuối (chân họ thứ 13). Bà Q1 đã đóng 12 tháng họ cho D với tổng số tiền 60.000.000 đồng. Đến tháng thứ 13, D không trả gốc và lãi như đã hứa hẹn, chiếm đoạt số tiền 60.000.000 đồng của bà Q1.

Như vậy, trong khoảng thời gian từ ngày 25/8/2020 âm lịch (tức ngày 11/10/2020 dương lịch) đến ngày 25/10/2022 âm lịch (tức ngày 18/11/2022 dương lịch), bằng thủ đoạn gian dối lập 02 bát họ giả, thực tế chỉ có D và bà Q1 chơi. D đã chiếm đoạt tổng số tiền 146.000.000 đồng của bà Q1.

4. Hành vi gian dối thành lập 01 bát họ chiếm đoạt của anh Chu Đức N, sinh năm 1987 trú tại thôn Ố, xã Đ, huyện Y, tỉnh Hưng Yên số tiền 75.000.000 đồng.

Anh N là chú họ của D. Khoảng tháng 5/2021 dương lịch, D rủ anh Ngọc C bát họ, D nói bát họ do D lập và là người cầm cái, nếu anh N tham gia sẽ có 16 người chơi, số tiền đóng là 5.000.000 đồng/chân họ/tháng. Anh N đồng ý chơi một chân họ và là người lấy chân họ cuối. Từ ngày 30/3/2021 âm lịch (tức ngày 11/5/2021 dương lịch) đến ngày 30/5/2022 âm lịch (tức ngày 28/6/2022 dương lịch). Anh N đã đóng 15 tháng họ cho D với tổng số tiền 75.000.000 đồng. Đến chân họ cuối, D không trả gốc và lãi như đã thỏa thuận mà chiếm đoạt 75.000.000 đồng tiền gốc của anh N.

5. Hành vi gian dối thành lập 02 bát họ chiếm đoạt của bà Chu Thị S1, sinh năm 1966, trú tại thôn Ố, xã Đ, huyện Y, tỉnh Hưng Yên số tiền 120.000.000 đồng.

+ Bát họ thứ nhất: Bà S1 là thím họ của D. Khoảng tháng 12/2021 dương lịch. D rủ bà S1 chơi bát họ, D nói bát họ do D lập và là người cầm cái, nếu bà S1 tham gia sẽ có 13 người chơi, số tiền đóng là 5.000.000 đồng/chân họ/tháng. Bà S1 đồng ý chơi một chân họ và là người lấy chân họ cuối cùng. Bà S1 đã đóng 12 tháng họ cho D với tổng số tiền là 60.000.000 đồng. Đến chân họ cuối, D không trả gốc và lãi như đã hứa hẹn, chiếm đoạt số tiền 60.000.000 đồng của bà S1.

+ Bát họ thứ hai: Khoảng tháng 01/2022 dương lịch, D tiếp tục rủ bà S1 chơi thêm một bát họ nữa. D nói bát họ do D lập và là người cầm cái, nếu bà S1 tham gia sẽ có 13 người chơi, số tiền đóng là 5.000.000 đồng/chân họ/tháng. Bà S1 đồng ý chơi một chân họ và là người lấy chân họ cuối. Bà S1 đã đóng 12 tháng họ cho D với tổng số tiền là 60.000.000 đồng. Đến chân họ cuối, D không trả gốc và lãi như đã hứa hẹn, chiếm đoạt số tiền 60.000.000 đồng của bà S1.

Như vậy, trong khoảng thời gian từ ngày 29/10/2021 âm lịch (tức ngày 03/12/2021 dương lịch) đến ngày 30/10/2022 âm lịch (tức ngày 23/11/2022 dương lịch), bằng thủ đoạn gian dối lập ra hai bát họ giả, thực tế chỉ có D và bà S1 chơi. D đã chiếm đoạt tổng số tiền 120.000.000 đồng tiền gốc của bà S1.

6. Hành vi gian dối thành lập 01 bát họ chiếm đoạt của bà Chu Thị T1, sinh năm 1979 trú tại thôn Ố, xã Đ, huyện Y, tỉnh Hưng Yên số tiền 21.000.000 đồng.

Bà T1 là người quen biết với D. Khoảng tháng 6/2022 dương lịch, D rủ bà T1 chơi bát họ, D nói bát họ do D lập và là người cầm cái, nếu bà T1 tham gia sẽ có 16 người chơi, số tiền đóng là 3.000.000 đồng/chân họ/tháng. Bà T1 đồng ý chơi một chân họ và là người lấy hai chân họ cuối. Từ ngày 30/5/2022 âm lịch (tức ngày 28/6/2022 dương lịch) đến ngày 29/11/2022 âm lịch (tức ngày 22/12/2022 dương lịch). Bà T1 đã đóng 07 tháng họ cho D với tổng số tiền 21.000.000 đồng. Lúc này nghe dư luận về việc D vỡ nợ, không trả tiền họ cho những người bát họ nên bà T1 dừng đóng và đến đòi tiền Duyên. Duyên khất lần, viện nhiều lý do không trả và chiếm đoạt số tiền 21.000.000 đồng tiền gốc của bà T1.

7. Hành vi gian dối thành lập 01 bát họ chiếm đoạt của bà Chu Thị T2, sinh năm 1963 trú tại thôn Ố, xã Đ, huyện Y, tỉnh Hưng Yên số tiền 35.000.000 đồng.

Khoảng tháng 3/2022 dương lịch, D rủ bà T2 chơi bát họ, D nói bát họ do D lập và là người cầm cái, nếu bà T2 tham gia sẽ có 12 người chơi, số tiền đóng là 5.000.000 đồng/chân họ/tháng. Bà T2 đồng ý chơi một chân họ và là người lấy hai chân họ cuối. Từ ngày 30/01/2022 âm lịch (tức ngày 02/3/2022 dương lịch) đến ngày 29/11/2022 âm lịch (tức ngày 22/12/2022 dương lịch). Bà T2 đã đóng 11 tháng họ cho D với tổng số tiền 55.000.000 đồng. Đến tháng thứ 12, D không trả gốc và lãi cho bà T2 như hứa hẹn. Sau đó bà T2 đòi gắt gao, gây áp lực đòi kiện D nên đã trả số tiền 20.000.000 đồng còn chiếm đoạt số tiền 35.000.000 đồng tiền gốc của bà T2.

8. Hành vi gian dối thành lập 02 bát họ chiếm đoạt của bà Chu Thị H, sinh năm 1974 trú tại thôn Ố, xã Đ, huyện Y, tỉnh Hưng Yên số tiền 118.000.000 đồng.

+ Bát họ thứ nhất: Khoảng tháng 7/2019 dương lịch, D rủ bà H chơi bát họ, D nói bát họ do D lập và là người cầm cái, nếu bà H tham gia sẽ có 15 người chơi, số tiền đóng là 5.000.000 đồng/chân họ/tháng. Bà H tin tưởng đã đồng ý chơi một chân họ và là người lấy chân họ cuối. Bà H đã đóng 14 tháng họ cho D với tổng số tiền 70.000.000 đồng. Đến tháng thứ 15, D không trả gốc và tiền lãi như đã hứa hẹn, chiếm đoạt số tiền 70.000.000 đồng của bà H.

+ Bát họ thứ hai: Khoảng tháng 9/2019 dương lịch, D tiếp tục rủ bà H chơi thêm một bát họ nữa, D nói bát họ do D lập và là người cầm cái, nếu bà H tham gia sẽ có 13 người chơi, số tiền đóng là 4.000.000 đồng/chân họ/tháng. Bà H tin tưởng đã đồng ý chơi một chân họ và là người lấy chân họ cuối. Bà H đã đóng 12 tháng họ cho D với tổng số tiền 48.000.000 đồng. Đến chân họ cuối, D không trả gốc và tiền lãi như đã hứa hẹn, chiếm đoạt số tiền 48.000.000 đồng của bà H.

Như vậy, trong thời gian từ ngày 29/6/2019 âm lịch (tức ngày 31/7/2019 dương lịch) đến ngày 10/6/2020 âm lịch (tức ngày 30/7/2020 dương lịch) bằng thủ đoạn gian dối lập ra 02 bát họ giả, D đã chiếm đoạt số tiền 118.000.000 đồng của bà H.

Đối vối số tiền: 2.261.000.000 đồng bị cáo D đã chiếm đoạt, D khai đã sử dụng hết toàn bộ số tiền trên vào mục đích cá nhân trong thời gian dài, không ghi chép gì nên không có căn cứ xác minh thu hồi lại số tiền vật chứng.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 50/2024/HS-ST ngày 29/5/2024 của Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên đã quyết định: Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 174; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52 và khoản 1 Điều 38 Bộ luật hình sự, xử phạt Chu Thị D 14 (mười bốn) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo bị tạm giam 06/12/2023.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về trách nhiệm dân sự, án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, - Ngày 13/6/2024, các bị hại bà Đỗ Thị Phương Đ, bà Chu Thị Q1, bà Chu Thị S1, bà Chu Thị T1, bà Chu Thị T2, bà Chu Thị H, chị Nguyễn Thị Diệu L có đơn kháng cáo với nội dung đề nghị xử tăng hình phạt đối với bị cáo Chu Thị D.

- Ngày 12/7/2024, bị hại ông Chu Đức N có đơn kháng cáo với nội dung đề nghị xử tăng hình phạt đối với bị cáo Chu Thị D.

Tại phiên tòa: Bị cáo Chu Thị D thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của bị cáo như Tòa án sơ thẩm đã quy kết và quyết định. Bị cáo xác định Tòa án cấp sơ thẩm xử bị cáo là đúng người, đúng tội, không oan vì vậy bị cáo không kháng cáo. Bị cáo cũng biết có một số người bị hại có đơn kháng cáo đề nghị xử tăng hình phạt đối với bị cáo. Bị cáo xin Hội đồng xét xử xem xét đến hoàn cảnh gia đình của bị cáo để giữ nguyên mức hình phạt như Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên. Bị cáo cũng khẳng định về phần trách nhiệm dân sự Tòa án cấp sơ thẩm tuyên buộc bị cáo phải trả lại tiền cho các bị hại là đúng, bị cáo không thắc mắc gì.

Những người bị hại có mặt tại phiên tòa là bà Chu Thị Q1 và chị Nguyễn Thị Diệu L có chung ý kiến như sau: Về tội danh, Tòa án cấp sơ thẩm xử bị cáo về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là đúng, ngay sau khi xét xử sơ thẩm những người bị hại cũng không có ý định kháng cáo tăng hình phạt đối với bị cáo D, nhưng vì gia đình người thân của bị cáo có những lời nói đối với những người bị hại không đúng mực và còn có ý thách thức, không hỗ trợ tiền để bị cáo trả lại cho những người bị hại. Vì vậy, bị hại thấy quá bức xúc nên mới làm đơn kháng cáo đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo. Tuy nhiên tại phiên tòa hôm nay sau khi được hội đồng xét xử phân tích thì chị Nguyễn Thị Diệu L xin rút đơn kháng cáo và vẫn đề nghị bị cáo khẩn trương thu xếp trả lại tiền cho chị. Đối với người bị hại Chu Thị Q1 vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo và đề nghị bị cáo phải khẩn trương trả lại số tiền mà bị cáo đã chiếm đoạt của bà. Cả hai bị hại có mặt tại phiên tòa đều khẳng định Tòa án cấp sơ thẩm buộc bị cáo phải trả lại số tiền cho những người bị hại là đúng với số tiền mà bị cáo đã chiếm đoạt.

Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội tham gia phiên tòa: Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, kết quả tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, xét thấy, Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo Chu Thị D 14 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng với hành vi phạm tội của bị cáo. Những người bị hại có kháng cáo đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo nhưng cũng không đưa được những chứng cứ cụ thể, đồng thời chị Nguyễn Thị Diệu L đã rút toàn bộ nội dung kháng cáo. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của chị L và tiếp tục xét kháng cáo của những người bị hại khác. Tuy nhiên không có căn cứ để tăng hình phạt đối với bị cáo. Đề nghị Hội đồng xét xử bác kháng cáo của những người bị hại, giữ nguyên toàn bộ quyết định của bản án sơ thẩm.

Luật sư bào chữa cho bị cáo có đơn xin xét xử vắng mặt và gửi luận cứ bào chữa cho bị cáo với nội dung: Nhất trí về tội danh và điều luật như Tòa án cấp sơ thẩm đã quy kết và quyết định, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét: Bị cáo là người có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự, đây là lần đầu phạm tội của bị cáo. Trong suốt quá trình điều tra, truy tố và xét xử bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng: Cơ quan điều tra - Công an tỉnh H và Điều tra viên; Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hưng Yên và Kiểm sát viên Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký trong quá trình điều tra, truy tố xét xử đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

[2] Đơn kháng cáo của những người bị hại đúng thời hạn, được thực hiện đúng theo quy định pháp luật, do đó được xem xét theo thủ tục phúc thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày hôm nay, vắng mặt các bị hại bà Đỗ Thị Phương Đ, Chu Đức N, Chu Thị S1, Chu Thị T1, Chu Thị T2, Chu Thị H. Căn cứ vào kết quả triệu tập thì thấy các bị hại trên đã nhận được giấy triệu tập đến phiên tòa, hơn nữa tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, cũng có mặt bà Chu Thị Q1 và chị Nguyễn Thị Diệu L là những người bị hại trong vụ án có mặt tại phiên tòa và có cùng nội dung kháng cáo như những người bị hại khác, vì vậy Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử vụ án theo trình tự phúc thẩm.

Chị Nguyễn Thị Diệu L rút đơn kháng cáo do đó Hội đồng xét xử sẽ xem xét và quyết theo quy định của pháp luật.

[3] Xét kháng cáo của những người bị hại, Hội đồng xét xử thấy như sau:

Về hành vi phạm tội của bị cáo: Do làm ăn thua lỗ cùng với việc cần tiền tiêu xài cá nhân nên bị cáo nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản của người khác thông qua hình thức lập bát họ giả. Bị cáo giới thiệu với các cá nhân là người thân, họ hàng hoặc người quen biết là bản thân đã thành lập và là người cầm cái một số bát họ, đồng thời mời những cá nhân này tham gia chơi. Thực tế, không có ai chơi họ cùng bị cáo nhưng bị cáo nói dối là đã có sẵn từ 10 đến 17 người tham gia chơi họ (chân họ). Người tham gia chơi sẽ nộp tiền họ cho bị cáo hàng tháng từ 3.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng/chân họ vào khoảng thời gian cuối mỗi tháng âm lịch. Nếu ai lấy tiền trước thì các tháng sau đó ngoài số tiền chân họ phải đóng thì người này phải đóng thêm cho người lấy sau tiền lãi khoản tiền tương ứng 10% số tiền 01 chân họ phải đóng. Nếu lấy tiền cuối cùng (lấy chân họ cuối) thì người chơi sẽ không phải đóng tiền chân họ tháng đó, được trả lại toàn bộ số tiền đã đóng và tiền lãi tương ứng với 10% số tiền đó. Để có thể chiếm đoạt số tiền của các bị hại trong nhiều tháng nhất có thể, bị cáo lấy lý do các chân họ trước đã có người lấy nên các bị hại tin tưởng đồng ý tham gia chơi họ cùng bị cáo và lấy chân họ cuối. Từ ngày 31/7/2019 đến ngày 21/3/2023, với phương thức và thủ đoạn nêu trên, bị cáo đã gian dối chiếm đoạt của 23 bị hại với tổng số tiền là 2.261.000.000 đồng.

Bị cáo là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự nên nhận thức được hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là trái pháp luật nhưng vì muốn có tiền để chi tiêu vào mục đích cá nhân, bị cáo vẫn cố ý thực hiện. Hành vi của bị cáo thỏa mãn yếu tố cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; Số tiền bị cáo chiếm đoạt là 2.261.000.000 đồng nên Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên tuyên xử bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với tình tiết định khung là “Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên” theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật hình sự là có căn cứ và đúng pháp luật.

Về kháng cáo đề nghị tăng nặng hình phạt của những người bị hại: Trước khi quyết định về hình phạt đối với bị cáo, Tòa án cấp sơ thẩm cũng đã xem xét về tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự, nhân thân cụ thể như sau:

Về tình tiết tăng nặng: Bị cáo nhiều lần thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người với số tiền lớn. Do đó, bị cáo phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự.

Về tình tiết giảm nhẹ: Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của bản thân. Bị cáo có bố đẻ được tặng thưởng Huân chương chiến sỹ vẻ vang hạng nhì, hạng ba nên bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự.

Về nhân thân: Bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự.

Trên cơ sở đánh giá phân tích một cách khách quan, toàn diện, Tòa án cấp sơ thẩm xác định hành vi phạm tội của bị cáo là rất nghiêm trọng, chỉ trong một thời gian ngắn bị cáo đã liên tục thực hiện nhiều hành vi phạm tội, số tiền mà bị cáo chiếm đoạt của nhiều bị hại là rất lớn. Mặc dù bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự nhưng bị cáo phải chịu 01 tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 52 Bộ luật hình sự, được hưởng ít tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 51 Bộ luật hình sự. Hành vi phạm tội của bị cáo thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, bị cáo chưa khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội mà mình đã gây ra. Do vậy, Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng điểm a khoản 4 Điều 174; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52 và khoản 1 điều 38 Bộ luật hình sự để xử phạt bị cáo Chu Thị D 14 năm tù là đúng với tính chất hành vi phạm tội của bị cáo.

Trong quá trình giải quyết vụ án theo trình tự phúc thẩm cũng như tại phiên tòa hôm nay, những người bị hại có kháng cáo nhưng cũng không xuất trình được tài liệu nào đặc biệt mới.

Các tình tiết mà người bị hại, bị cáo, luật sư nêu ra tại phiên tòa phúc thẩm đều là những tình tiết đã được xem xét tại phiên tòa sơ thẩm.

Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử bác kháng cáo của những người bị hại, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội tham gia phiên tòa.

[4] Về án phí: Bị cáo và những người bị hại không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên, Căn cứ vào khoản 1 Điều 348, Điều 355, Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự.

QUYẾT ĐỊNH

1. Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của chị Nguyễn Thị Diệu L.

2. Không chấp nhận nội dung đơn kháng cáo của những người bị hại bà Đỗ Thị Phương Đ, bà Chu Thị Q1, bà Chu Thị S1, bà Chu Thị T1, bà Chu Thị T2, bà Chu Thị H, ông Chu Đức N. Giữ nguyên các quyết định của Bản án hình sự sơ thẩm số 50/2024/HS-ST ngày 29/5/2024 của Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên.

3. Về tội danh và hình phạt:

Tuyên bố bị cáo Chu Thị D phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Áp dụng: Điểm a khoản 4 Điều 174; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52 và khoản 1 điều 38 Bộ luật hình sự.

Xử phạt bị cáo Chu Thị D 14 (mười bốn) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo bị tạm giam 06/12/2023.

4. Về án phí: Bị cáo và những người bị hại không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

5. Các quyết định khác của Bản án hình sự sơ thẩm số 50/2024/HS-ST ngày 29/5/2024 của Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên không bị kháng cáo, kháng nghị, có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

36
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản số 905/2024/HS-PT

Số hiệu:905/2024/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 12/11/2024
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: [email protected]
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;