Bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản số 510/2024/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 510/2024/HS-PT NGÀY 23/10/2024 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 23 tháng 10 năm 2024, tại điểm cầu trung tâm trụ sở Toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng kết nối với điểm cầu thành phần trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, Toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm trực tuyến công khai vụ án hình sự thụ lý số 452/2024/TLPT-HS ngày 13 tháng 9 năm 2024 đối với bị cáo DU SOH AB DUL RA Z AK về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 71/2024/HS-ST ngày 13 tháng 8 năm 2024 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi.

Bị cáo có kháng cáo:

DU SOH AB DUL RA Z (tên gọi khác: M), sinh ngày 11/10/1986 tại tỉnh An Giang; nơi cư trú: Ấp C, xã C, thị xã T, tỉnh An Giang; nghề nghiệp: Hướng dẫn viên du lịch; trình độ học vấn: 01/12; dân tộc: Chăm; giới tính: Nam; tôn giáo: Hồi giáo; quốc tịch: Việt Nam; con ông Du S và bà Sari G (Chết); vợ: Sa Ky F, có 02 con: Lớn sinh năm 2014, nhỏ sinh năm 2019; tiền án, tiền sự: Không; bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 24/4/2023; có mặt tại phiên tòa.

Người bào chữa theo luật định cho bị cáo: Ông Lương Sỹ H – Luật sư Văn phòng L, thuộc Đoàn luật sư tỉnh Q; có mặt.

Ngoài ra, những người tham gia tố tụng khác không liên quan đến kháng cáo nên Tòa án không triệu tập.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Nội dung vụ án được tóm tắt theo Bản án sơ thẩm như sau:

Vợ chồng ông Ngô Văn N, bà Ngô Thị T và vợ chồng ông Phạm N1, bà Võ Thị T1 đều sở hữu tàu cá, hành nghề khai thác hải sản, hoạt động ngoài khơi thuộc vùng biển Việt Nam. Ngày 20/3/2020, Chi cục Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Q cấp giấy phép khai thác thủy sản số 1082-1/2020/QNg- GPKTTS và số 1098-1/2020/QNg-GPKTTS lần lượt đối với hai tàu cá có số đăng ký QNg-90545-TS (bà T1 làm chủ tàu) và QNg-90690-TS (bà T làm chủ tàu).

Năm 2013, ông Ngô Văn N đến tỉnh Sabah, Malaysia để đóng tiền thuế tàu cá cho người có tên F1 (quốc tịch: Malaysia, chưa rõ nhân thân lai lịch, sinh sống tại Malaysia) để được khai thác, đánh bắt cá trên vùng biển thuộc tỉnh Sabah, Malaysia. Tại đây, do thông thạo hai thứ tiếng Việt Nam và Malaysia, nên D (tên gọi khác là M) làm phiên dịch cho ông N và F1 nói chuyện với nhau. Từ đó, M và ông N quen biết nhau.

Tháng 7/2022, ông N gọi điện thoại cho M hỏi về việc tàu cá của ông N và của ông Phạm N1 có thể đi khai thác, đánh bắt cá tại vùng biển Malaysia được không, M trả lời để hỏi ý kiến F, sau đó, M gọi lại cho ông N nói tàu cá của ông N, ông N1 có thể đánh bắt cá tại vùng biển gần cảng K thuộc tỉnh Sabah, Malaysia. M báo giá hợp đồng đi biển là 10.000 Ringgit/tàu, yêu cầu đóng 58.000.000đồng/tàu (Razak hưởng 4.000.000đồng/tàu), ông N, ông N1 đồng ý và chuyển khoản số tiền 116.000.000 đồng đóng phí cho 02 tàu cá vào tài khoản của M. Sau đó, ông N gửi các giấy tờ liên quan đến hai tàu cá, thông tin thuyền viên qua Zalo cho M để làm thủ tục. Sau đó, M gửi qua Zalo của ông N 02 tập tài liệu viết bằng tiếng Malaysia là giấy phép khai thác và hợp đồng đi biển. M hướng dẫn ông N, ông N1 khi đến vùng biển Malaysia, phải sơn lại cabin tàu thành màu cam, thay đổi số đăng ký tàu QNg-90690-TS của ông N thành SBF41, tàu QNg-90545-TS của ông N1 thành SBF32, tháo cờ Việt Nam và treo cờ Malaysia. Ông N đưa cho M số điện thoại 03495204xx của bà Ngô Thị T (vợ ông N) và dặn dò nếu tàu của ông N, ông N1 bị bắt tại vùng biển Malaysia thì M liên hệ với bà T để bà T chuyển tiền chuộc tàu và thuyền viên.

Đối với ông Ngô Văn N: Ngày 01/8/2022, ông làm thủ tục xuất bến tại Trạm kiểm soát biên phòng S2, thành phố Q và điều khiển tàu cá số đăng ký QNg-90690- TS chở các thuyền viên đến quần đảo T để hành nghề lặn đêm.

Đối với ông Phạm N1: Trước ngày 03/8/2022, ông đón xe khách từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa, làm thủ tục khai thác hải sản tại quần đảo T. Ngày 03/8/2022, ông N1 điều khiển tàu cá số đăng ký QNg-90545-TS chở các thuyền viên xuất bến tại cảng H, thành phố N, tỉnh Khánh Hòa đến quần đảo T để hành nghề lặn đêm.

Hai tàu cá của ông N và ông N1 gặp nhau tại đảo T thuộc khu vực quần đảo T thay đổi biển số đăng ký tàu, tháo cờ Việt Nam và treo cờ Malaysia, nhưng không sơn cabin màu cam rồi di chuyển đến vùng biển Malaysia để đánh bắt hải sản. Đến ngày 13/8/2022, trong lúc 02 tàu cá đang neo đậu thì bị tàu của M1 bắt giữ, đưa về đảo K, S1, Malaysia giam giữ.

Khi biết tàu cá của ông N và ông N1 bị cơ quan chức năng Malaysia bắt thì ngày 13/8/2022, M gọi điện thoại cho bà Ngô Thị T, thông báo cho bà T biết việc tàu cá và thuyền viên của ông N và ông N1 bị nước Malaysia bắt. M giới thiệu bản thân có khả năng chuộc tàu và thuyền viên, nếu đồng ý chuộc phải chuyển số tiền 30.000 Ringgit, tương đương 174.000.000 đồng cho M. Tin tưởng lời nói của M nên bà T, bà T1 chuyển khoản số tiền 174.000.000 đồng vào tài khoản của M.

Sau đó, M nhiều lần liên lạc với bà T, bà T1 và yêu cầu chuyển thêm tiền để đưa cho những người thuộc Sở Cảnh sát tỉnh S, Bộ T2 cho Luật sư và chi phí đi lại giữa hai nước Việt Nam, Malaysia nên bà T, bà T1 đồng ý. Từ ngày 13/8/2022 đến ngày 26/8/2022, bà T và bà T1 nhiều lần chuyển vào tài khoản của M với tổng số tiền: 1.252.700.000 đồng. Tuy nhiên, đến ngày 26/10/2022, Tòa án Sabah, Malaysia đưa ra xét xử, tuyên phạt ông Ngô Văn N, ông Phạm N1 mỗi người 05 tháng tù giam, các thuyền viên còn lại mỗi người 04 tháng tù giam, tịch thu 02 tàu cá QNg- 90545-TS và QNg-90690-TS. Ngày 16/02/2023, 28 thuyền viên chấp hành xong án phạt tù và được về nước. Ngày 13/3/2023, ông N và ông N1 chấp hành xong án phạt tù và được về nước.

Như vậy, tổng số tiền mà M chiếm đoạt của bà T và bà T1 là số tiền 1.426.700.000 đồng (174.000.000 đồng + 1.252.700.000 đồng).

Kết luận giám định số 693/KL-KTHS ngày 29/7/2023 của Phòng K Công an tỉnh Q đối với điện thoại di động hiệu SAMSUNG, màu xanh đen của Z, kết quả đã trích xuất dữ liệu trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2022 đến ngày 26/4/2023, trích xuất dữ liệu cuộc gọi đến, cuộc gọi đi và nội dung tin nhắn lưu trữ trong ứng dụng M2, W giữa Du Soh Ab D Ra Z Ak với bị hại.

Với nội dung như trên, tại Bản án hình sự sơ thẩm số 71/2024/HS-ST ngày 13/8/2024 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định:

Bị cáo DU SOH AB DUL RA Z AK phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Xử phạt bị cáo 1 (mười hai) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giữ, tạm giam (Ngày 24/4/2023).

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về phần xử lý vật chứng, trách nhiệm dân sự, án phí và quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.

Ngày 23/8/2024, bị cáo DU SOH AB DUL RA Z AK kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi.

Luật sư bào chữa cho bị cáo và bị cáo trình bày: đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét tình tiết, giảm nhẹ bị cáo một phần hình phạt.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tội danh và hình phạt: lời khai nhận tội của bị cáo tại phiên toà phù hợp với các lời khai tại cơ quan điều tra, lời khai của các bị hại, lời khai của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, biên bản thu giữ vật chứng, các kết luận giám định của cơ quan chuyên môn và những tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Do đó, có cơ sở kết luận: từ ngày 13/8/2022 đến ngày 26/8/2022, bị cáo Z đưa ra thông tin gian dối với bà Ngô Thị T, bà Võ Thị T1 rằng bị cáo có khả năng chuộc tàu và thuyền viên, có thể giúp bà T, bà T1 chuộc tàu cá của ông Ngô Văn N, ông Phạm N1 đang bị cơ quan chức năng Malaysia bắt giữ. Bà Ngô Thị T, Võ Thị T1 tin tưởng là thật nên đã nhiều lần chuyển tiền cho Du Soh A Dul Ra Z Ak với tổng số tiền là: 1.426.700.000 đồng. Vì vậy, Viện kiểm sát cấp sơ thẩm truy tố, Toà án cấp sơ thẩm kết bị cáo tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 là có căn cứ và đúng pháp luật.

[2] Xét kháng cáo: hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội và thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, hành vi phạm tội của bị cáo đã gây thiệt hại không chỉ về vật chất của người bị hại mà còn gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội. Bị cáo sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của các bị hại nhiều lần nên bị cáo phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Tuy nhiên, bị cáo được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, bị cáo khắc phục một phần hậu quả (20.000.000 đồng), các bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo quy định tại điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Xét, Toà án cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, áp dụng đầy đủ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, xử phạt bị cáo 12 năm tù ở mức khởi điểm của khung hình phạt là phù hợp.

[3] Với phân tích trên, tại phiên toà phúc thẩm không có tình tiết mới, bị cáo chưa khắc phục thêm cho các bị hại nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt và quan điểm bào chữa của Luật sư, giữ nguyên Bản án sơ thẩm đã tuyên.

[4] Chấp nhận quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng tại phiên tòa.

[5] Các quyết định khác của Bản án hình sự sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[6] Án phí: kháng cáo của bị cáo không được chấp nhận nên phải chịu án phí phúc thẩm theo quy định theo các điểm a khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự: Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Du Soh A Dul Ra Z Ak, giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 71/2024/HS-ST ngày 13 tháng 8 năm 2024 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi.

2. Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 174; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017; xử phạt bị cáo DU SOH AB DUL RA Z AK 12 (mười hai) năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giữ, tạm giam (ngày 24/4/2023).

3. Án phí hình sự phúc thẩm: bị cáo phải chịu 200.000 đồng.

4. Các quyết định khác của Bản án hình sự sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

30
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản số 510/2024/HS-PT

Số hiệu:510/2024/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 23/10/2024
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: [email protected]
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;