Bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản số 01/2020/HS-ST

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK NÔNG

BẢN ÁN 01/2020/HS-ST NGÀY 03/01/2020 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 03 tháng 01 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông, xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 68/2019/TLST-HS ngày 21 tháng 11 năm 2019, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 69/2019/TLST-HS ngày 20 tháng 12 năm 2019 đối với các bị cáo:

1. Nguyễn Thị T (tên gọi khác: Đ) sinh năm: 1991, tại tỉnh Bình Thuận; nơi cư trú: Tổ dân phố 3, phường N, thành phố G, tỉnh Đăk Nông; trình độ học vấn: 06/12; nghề nghiệp: Buôn bán; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; con ông Nguyễn E và bà Võ Thị L; có chồng là Đặng Văn C và có 02 con; bị bắt tạm giam từ ngày 24-01-2019 - Có mặt.

2. Nguyễn Chí Th (tên gọi khác: C) sinh năm: 1995, tại tỉnh Bình Thuận; nơi cư trú: Tổ dân phố 3, phường N, thành phố G, tỉnh Đăk Nông; trình độ học vấn: 06/12; nghề nghiệp: Lái xe; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; con ông Nguyễn E và bà Võ Thị L; có vợ là Trương Thị Linh Q và có 02 con; bị bắt tạm giam từ ngày 14-6-2019 đến ngày 26-9-2019 - Có mặt.

- Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị T: Ông Nguyễn Thanh H, Luật sư Văn phòng luật sư Nguyễn Thanh H, thuộc Đoàn luật sư tỉnh Đ; địa chỉ: số 191, đường 23 tháng 3, tổ 2, phường N, thành phố G, tỉnh Đăk Nông - Có mặt.

Ông Nguyễn Mai H, Luật sư Văn phòng luật sư Nguyễn Mai H, thuộc Đoàn luật sư tỉnh Đ, địa chỉ: Số 11 Lê Đại C, phường T, thành phố B, tỉnh Đăk Lăk - Có mặt.

- Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Chí Th:

Ông Phan Văn C, Luật sư Văn phòng luật sư Phan Văn C, thuộc Đoàn luật sư tỉnh Đ; địa chỉ: số 161, đường Nguyễn Văn T, tổ 2, phường N, thành phố G, tỉnh Đăk Nông - Có mặt.

Ông Nguyễn Mai H, Luật sư Văn phòng luật sư Nguyễn Mai H, thuộc Đoàn luật sư tỉnh Đ, địa chỉ: Số 11 Lê Đại C, phường T, thành phố B, tỉnh Đăk Lăk - Có mặt.

Bị hại:

- Chị Phạm Thị Kiều O; địa chỉ: Tổ dân phố 2, thị trấn K, huyện Đ, tỉnh Đăk Nông - Vắng mặt.

- Chị Nguyễn Thị Hồng L; địa chỉ: Tổ dân phố 5, thị trấn K, huyện Đ, tỉnh Đăk Nông - Vắng mặt.

- Chị Trịnh Thị Th1; địa chỉ: Tổ dân phố 1, thị trấn K, huyện Đ, tỉnh Đăk Nông - Vắng mặt.

- Chị Nguyễn Thị T1; địa chỉ: Tổ dân phố 1, thị trấn K, huyện Đ, tỉnh Đăk Nông - Vắng mặt.

- Chị Bùi Thị Diễm L1; địa chỉ: Thôn 3, xã N, huyện Đ, tỉnh Đăk Nông - Vắng mặt.

- Chị Võ Thị Tuyết N; địa chỉ: Tổ dân phố 5, phường N, thành phố G, tỉnh Đăk Nông - Có mặt.

- Chị Đặng Thị T2; địa chỉ: Tổ dân phố 1, phường N, thành phố G, tỉnh Đăk Nông - Vắng mặt.

- Chị Bùi Thị Kim T3; địa chỉ: Tổ dân phố 4, phường N, thành phố G, tỉnh Đăk Nông - Vắng mặt.

Người làm chứng:

- Anh Nguyễn Ngọc Ch; địa chỉ: Tổ dân phố 4, phường N, thành phố G, tỉnh Đăk Nông - Vắng mặt.

- Anh Đặng Văn C; địa chỉ: Tổ dân phố 3, phường N, thành phố G, tỉnh Đăk Nông - Vắng mặt.

- Chị Bùi Thị Ngọc S; địa chỉ: Tổ dân phố 1, phường N, thành phố G, tỉnh Đăk Nông - Vắng mặt.

- Anh Cao Nguyên S; địa chỉ: Tổ dân phố 1, phường N, thành phố G, tỉnh Đăk Nông - Vắng mặt.

- Anh Trần Viết P; địa chỉ: Tổ dân phố 4, phường N, thành phố G, tỉnh Đăk Nông - Vắng mặt.

- Ông Trịnh Xuân T; địa chỉ: Tổ dân phố 2, phường N, thành phố G, tỉnh Đăk Nông - Vắng mặt.

- Bà Bùi Thị Diễm Tr; địa chỉ: Thôn 3, xã N, huyện Đ, tỉnh Đăk Nông - Vắng mặt.

- Chị Võ Thị Thùy K; địa chỉ: Thôn 3, xã N, huyện Đ, tỉnh Đăk Nông - Vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên toà, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khong đầu năm 2015 đến ngày 30/10/2017, Nguyễn Thị T đang nợ tiền của nhiều người, trong đó có nhiều khoản vay từ đầu năm dồn lại, T đã trả được tiền lãi mà chưa trả được tiền gốc, hoặc tiền lãi T chưa trả được chuyển thành tiền gốc. Để tiếp tục vay được tiền của người khác, T đã liên hệ và nói với người cho vay là T làm đáo hạn ngân hàng và đưa ra mức tiền lãi từ 5.000 đồng/triệu/ngày đến 7.000 đồng/1 triệu/ngày; khi vay được tiền, T thường trả trước một số tiền để thể hiện uy tín làm cho nhiều người cho vay tin tưởng, T dễ vay tiền.

Khong từ đầu tháng 3/2018 đến đầu tháng 9/2018, T mua thêm một điện thoại di động và sim điện thoại (loại sim không bắt buộc phải đăng ký tên khi sử dụng, còn gọi là sim rác) rồi T gắn sim này vào điện thoại mới mua thêm, lưu số điện thoại giả tạo là các cá nhân làm việc tại các tổ chức tín dụng như: “T Sacombank”; “anh P BIDV”, “S BIDV”, “Bùi Ngọc S quỹ tín dụng cao su” (do trước đó T biết là Ngân hàng Sacombank Đ có anh Trịnh Xuân Th là chuyên viên khách hàng; Ngân hàng BIDV Đ có anh Cao Nguyên S là chuyên viên quản lý khách hàng và anh Trần Viết P là phó phòng khách hàng cá nhân; Quỹ tín dụng cao su Đ có chị Bùi Thị Ngọc S là nhân viên kiểm soát). Sau đó T tự tạo vào điện thoại này những tin nhắn và cuộc gọi thể hiện việc những người có tên trên giới thiệu với T có khoản vay tín dụng và tiếp tục khoản vay mới (thường gọi là đáo hạn), mua bán tài sản phát mãi (tài sản thế chấp) để thu hồi nợ rồi T nhắn tin và gọi đến điện thoại T thường sử dụng, sau đó T chụp ảnh màn hình tin nhắn và nhật ký cuộc gọi tự tạo trên điện thoại chính lại để làm cho người cho vay tin tưởng là T đang làm đáo hạn cho các khoản vay tại các tổ chức tín dụng là thật nên đưa tiền cho T vay. Để thực hiện việc nhận và chuyển tiền, T mở tài khoản số 63510000436295 tại Ngân hàng BIDV Đ.

Trong khoảng thời gian từ ngày 30-10-2017 đến ngày 04-9-2018, Nguyễn Thị T đã sử dụng thủ đoạn trên chiếm đoạt tiền vay cụ thể như sau:

Đi với chị Phạm Thị Kiều O:

Vào khoảng tháng 7 năm 2017, thông qua chị Nguyễn Khánh Tr, T quen biết với chị Phạm Thị Kiều O. Quá trình quen biết, Thành đã nhiều lần vay tiền của chị O, T chủ động đưa ra mức lãi trả cho chị O từ 5.000đ/triệu/ngày đến 7.000 đồng/triệu/ngày. Để tạo niềm tin, sau khi lấy được tiền vay, T thường trả đủ tiền lãi và một phần tiền gốc cho chị O bằng chính tiền vay của chị O.

Vào khoảng cuối tháng 10/2017, Nguyễn Thị T sử dụng mạng xã hội Messenger tên tài khoản của mình là “Nguyễn Nhã Đ” nhắn tin nói chuyện với chị Phạm Thị Kiều O có tài khoản tên là “O Phạm”. Thành nói với chị O là có 03 khoản làm đáo hạn ngân hàng, tại lỡ hứa rồi nên T phải làm, T nói với chị O gom tiền chuyển cho T vay, lãi 5.000đồng/1 triệu/ngày, thời hạn vay là 10 ngày, hình thức giao tiền và trả tiền là thông qua tài khoản ngân hàng và giao nhận trực tiếp bằng tiền mặt. Chị O tin tưởng nên ngày 30-10-2017, chị O đã nộp vào tài khoản của T cho T vay 100.000.000 đồng; ngày 01/11/2017, chị O tiếp tục nộp tiền vào tài khoản của T cho T vay 1.000.000.000 đồng và từ ngày 17-11- 2017 đến ngày 27-12-2018, chị O nộp và chuyển khoản vào tài khoản của T cho T vay 06 lần với tổng số tiền là 2.290.000.000 đồng. Trong thời gian này, T trả cho chị O qua tài khoản và tiền mặt được tổng cộng 1.690.500.000 đồng. Tính đến ngày 30-12-2017, chị O cho T vay tổng số tiền là 3.390.000.000 đồng, T đã trả được 1.690.500.000 đồng, T chưa trả được cho chị O 1.700.000.000 đồng.

Để tiếp tục lấy được tiền của chị O, thông qua mạng xã hội Mesenger, T tiếp tục tin nhắn tin với chị O (có khoản đáo hạn ngân hàng, ở G người ta làm khiếp lắm 1.500.000.000 đồng nay vô, ngày mai ra là có 30.000.000 đồng tiền lãi, T có mối là chỉ kêu chị O thôi), T tạo dựng tin nhắn giả của cán bộ ngân hàng gửi cho T thể hiện T được giới thiệu các khoản đáo hạn (như: T Sacombank nhắn: món 1,7 tỷ, thứ 6 ra, món 700 triệu và món 500 thứ 2 ra, món 1 tỷ thứ 3 ra, lãi 70 triệu, tổng số 7 món 9 tỷ 2, “chị ráng đầu tuần em gom em giải ngân từng món, chị em mình làm ăn 03 năm rồi ...” Anh “P BIDV” nhắn tin: nhờ T nhận làm hồ sơ 2 tỷ 2, lãi 70 triệu, thứ 2 ra. “S BIDV” nhắn cho Thành: “chiều nay có 02 món, 02 ngày ra, món 800 triệu với món 1 tỷ 2, đúng tứ 6 ra”; Bùi Ngọc S quỹ tín dụng cao su nhắn cho T: Qua tuần đáo món 400 triệu, đáo bên em 10 ngày ...rồi gửi cho chị O xem làm cho chị O tưởng thật nên tiếp tục cho T vay tiền. Trong khoảng thời gian từ ngày 01-01-2018 đến ngày 27-8-2018, chị O chuyển khoản và nộp tiền vào tài khoản của T cho T vay 78 lần với tổng số tiền là 26.792.500.000 đồng. T đã trả cho chị O qua tài khoản và tiền mặt nhiều lần với tổng số tiền là 22.320.66.000 đồng. Còn lại 4.471.900.000 đồng T chưa trả lại cho chị O.

Như vậy, trong khoảng thời gian từ ngày 30-10-2017 đến 27-8-2018, Nguyễn Thị T chị O đã cho T vay với 86 lần, tổng số tiền là 30.182.500.000 đồng. Nguyễn Thị T trả lại cho chị O được 24.010.600.000 đồng; T chiếm đoạt của chị O 6.171.900.000 đồng.

Đi với chị Nguyễn Thị Hồng L: Khong đầu năm 2017, Nguyễn Thị T quen biết với chị Nguyễn Thị Hồng L; sau đó T đã vay của chị L số tiền 1.200.000.000 đồng và T đã trả lại đầy đủ gốc và lãi.

Vào đầu tháng 8/2018, T liên lạc với chị L nói là vay tiền làm đáo hạn ngân hàng. Ngày 09-8-2018, T chụp hình tin nhắn giữa T với Bùi Ngọc S về việc hỏi vay T để đáo hạn cho khách hàng do T tự tạo rồi gửi vào tin nhắn điện thoại của chị L, nội dung: Bùi Ngọc S nhắn: “có không chị?”, T trả lời: “S, chắc chắn 2 giờ, chị làm cho, mọi người không có tiền, đợi tiền bên chị ra, chị làm cho”, Bùi Ngọc S nhắn tiếp: “chắc 2 giờ nha chị, em hẹn khách nha”. Sau đó, T gọi điện cho chị L nói là người tên S đang cần vay 650.000.000 đồng để đáo hạn, do T mới mua xe ô tô Meccerdec không có tiền nên T nói chị L cho T vay 650.000.000 đồng để T cho S vay lại hưởng tiền lãi chênh lệch thì chị L đồng ý. Chiều ngày 09-8-2018, T đến nhà chị L lấy 650.000.000 đồng. Sau đó, T tiếp tục sử dụng phương thức tương tự như trên nên chị L tin tưởng tiếp tục cho T vay tiền cụ thể: ngày 16-8-2018 chị L cho T vay 800.000.000 đồng, thời hạn vay 06 ngày; ngày 17-8-2018 chị L cho T vay 850.000.000 đồng (do khoản vay 650.000.000 đồng ngày 09-8-2018 T chưa trả nên được viết gộp thành một giấy vay với số tiền 1.500.000.000 đồng đề ngày 17- 8-2018, thời hạn vay là 05 ngày).

Đến ngày 20-8/-2018, T tự tạo cuộc gọi nhỡ của “S BIDV” vào điện thoại chính của T rồi chụp màn hình tiếp tục gửi cho chị L hình ảnh nhật ký cuộc gọi của điện thoại T, trong đó có gọi nhỡ 02 cuộc của “S BIDV”: 1 cuộc gọi nhỡ lúc 10 giờ 20 phút, 01 cuộc gọi nhỡ vào lúc 10 giờ 33 phút rồi T nhắn tin cho chị L nói “chị tranh thủ được không” - ý nói là tranh thủ cho T mượn tiền được không, “em đi mà đã thấy 02 cuộc gọi nhỡ của thằng S”, sau đó T gọi điện hỏi vay chị L số tiền 2.000.000.000 đồng nên chị L đồng ý cho thành vay, thời hạn vay là 04 ngày. Lấy được tiền của chị L, thành trả khoản vay khác. Đến thời hạn trả, chị L đòi tiền, T chỉ trả lại cho chị L được 500.000.000 đồng.

Như vậy tổng cộng T đã vay của chị L 06 lần với tổng số tiền là 4.300.000.000 đồng, trả được 500.000.000 đồng, còn lại 3.800.000.000 đồng T chiếm đoạt của chị L.

Đi với chị Đặng Thị T2: T quen biết chị Đặng Thị T2 từ năm 2016. Đến khoảng đầu năm 2018, T nhiều lần nói với chị T2 là T quen nhiều người làm tín dụng trong ngân hàng giới thiệu cho T làm các khoản đáo hạn nên khi cần tiền, Thành hỏi vay tiền chị T2. Chị T2 tin tưởng T nói thật nên nhiều lần cho T vay tiền, đến hạn T trả đầy đủ gốc và lãi. Khoảng đầu tháng 8/2018, T đến nhà chị T2 hỏi vay 1.000.000.000 đồng để làm đáo hạn ngân hàng vì đang có mối cần gấp thì chị T2 nói là chưa có tiền, nếu vay được người khác thì chị T2 sẽ cho T vay lại. Sau đó, T nhiều lần gọi điện để hối chị T2 cho vay tiền. Vào ngày 14-8- 2018, bạn của chị T2 chuyển khoản vào số tài khoản của chị T2 1.000.000.000 đồng thì chị T2 báo cho T biết. T đồng ý vay, thời hạn vay 15 ngày. Tin tưởng T, cùng ngày, chị T2 chuyển khoản số tiền 1.000.000.000 đồng cho T vay. Sau khi vay được tiền, T rút sử dụng cá nhân. Đến hạn trả, chị T2 đòi tiền nhưng T nói là Ngân hàng chưa giải ngân và cho đến nay không trả lại tiền cho chị T2.

Đi với bà Trịnh Thị Th1: Khoảng giữa năm 2018 T quen biết bà Trịnh Thị T1. Quá trình quen biết, T nhiều lần vay tiền của bà Th1. Mỗi lần vay, T đều nói với bà Th1 là T vay để làm đáo hạn ngân hàng nhằm hưởng tiền lãi chênh lệch, tin tưởng T nên bà Th1 cho T vay tiền, đến hạn T trả lại đầy đủ gốc và lãi. Vào khoảng gần giữa tháng 8/2018, trong lúc T còn nợ nhiều người với tổng số tiền hơn 11 tỷ đồng, T tiếp tục gọi điện thoại nói với bà Th1 là T cần vay 500.000.000 đồng để làm đáo hạn ngân hàng, bà Th1 nói là chỉ có 450.000.000 đồng thì T đồng ý vay, hai bên thỏa thuận thời hạn vay là 03 ngày. Tin tưởng T nên vào ngày 15/8/2018, bà Th1 đưa cho T vay 450.000.000 đồng. Lấy được tiền của bà Th1, T dùng để trả khoản vay khác. Hết thời hạn vay, bà Th1 đòi T trả tiền thì T nói là Ngân hàng chưa giải ngân. Sau đó bà Th1 tiếp tục đòi nợ thì T thú nhận là bị bể nợ không có tiền trả cho bà Th1.

Đi với bà Bùi Thị Diễm L1: Giữa năm 2018 T quen biết chị Bùi Thị Diễm L1. Quá trình quen biết, T nhiều lần tạo dựng nói với chị L1 là T được “T Sacombank” giới thiệu khoản vay đáo hạn ngân hàng chị L1 đã cho T vay một số khoản, hết thời hạn vay, T trả đầy đủ cả gốc và lãi. Đến ngày 21-8-2018, T tạo dựng tiếp tục nói với chị L1 là “T Sacombank” giới thiệu khoản vay đáo nợ và hỏi vay chị L1 1.000.000.000 đồng, thời hạn vay 15 ngày. Chị L1 tin tưởng T nói là thật nên đưa cho T vay số tiền 1.000.000.000 đồng, thời hạn vay 03 ngày. Ngày 22-8-2018, T tiếp tục nói với chị L1 như trên và hỏi vay chị L1 số tiền 650.000.000 đồng, thời hạn vay 03 ngày, chị L1 - đồng ý đưa cho T vay 650.000.000 đồng. Ngày 23-8-2018, T trả cho chị L1 550.000.000 đồng, còn lại 1.100.000.000 đồng.

Để chị L1 tin tưởng tiếp tục cho T vay thêm số tiền 1.500.000.000 đồng nên T nhờ em trai là Nguyễn Chí Th đóng giả làm “T Sacombank” nói chuyện và nhắn tin qua điện thoại với chị L1 (tuy biết việc đóng giả làm “T Sacombank” là không đúng nhưng Nguyễn Chí Th vẫn đồng ý giúp T vay tiền). Tin tưởng “T Sacombank” là có thật nên ngày 24/8/2018, chị L1 đã đưa cho T vay số tiền 1.500.000.000 đồng, thời hạn vay 06 ngày. Đến hạn, chị L1 đòi T trả tiền thì T nói là Ngân hàng chưa giải ngân nên T không có tiền trả cho chị L1. Chị L1 gọi điện cho Nguyễn Chí Th để đòi nợ thì Nguyễn Chí Th tiếp tục đóng giả làm “T Sacombank” nhắn tin cho chị L1 xin khất nợ. Sau đó, chị L1 nhiều lần gọi điện thoại và đến nhà T để đòi tiền. Lúc này, T và Nguyễn Chí Th mới thú nhận: Thực tế không có việc “T Sacombank” giới thiệu khoản vay đáo hạn ngân hàng mà do T nhờ Nguyễn Chí Th đóng giả làm “T Sacombank” nói chuyện để chị L1 cho vay tiền. Sự việc bị vỡ lở, sợ bị xử lý trách nhiệm, Nguyễn Chí Th đã đứng ra nhận nợ số tiền 2.600.000.000 đồng thay cho T. Cuối tháng 10/2018, Nguyễn Chí Th gán căn nhà của mình tại phường N, thành phố G trị giá 1.800.000.000 đồng cho chị L1 để trả nợ cho chị L1. Ngày 10-6-2019, Nguyễn Chí Th cùng gia đình trả tiếp cho chị L1 được 600.000.000 đồng. Còn nợ lại số tiền 200.000.000 đồng.

Đi với chị Bùi Thị Kim T3: Nguyễn Thị T quen biết chị Bùi Thị Kim T3 từ năm 2012. Quá trình quen biết, chị T3 nhiều lần cho T vay tiền, hết thời hạn vay, T trả đầy đủ cả gốc và lãi. Đến khoảng cuối tháng 7/2018, đầu tháng 8/2018, T nhiều lần gọi điện cho chị T3 hỏi vay tiền để làm đáo hạn ngân hàng, nhiều lần chị T3 từ chối nhưng T vẫn gọi điện, nhắn tin liên tục hỏi vay tiền nói để đáo hạn cho người khác, sợ để lâu người ta bị nợ xấu. Đầu tháng 8/2018, T đang nợ nhiều người với tổng số tiền gần 15 tỷ đồng, T vẫn hỏi vay chị T3 500.000.000 đồng, thời hạn vay là 03 ngày, lãi suất 2.000 đồng/triệu/ngày thì chị T3 cho T vay. Đến hạn trả, chị T3 đòi tiền thì T nói đang có khách cần vay 1.100.000.000 đồng để đáo hạn, nhân viên tín dụng đang hối T làm giùm, T sợ mất mối nên đề nghị chị T3 cho T vay thêm 600.000.000 đồng nữa để đáo hạn khoản 1.100.000.000 đồng. Tin tưởng T nên chị T3 đồng ý cho T vay tiếp 600.000.000 đồng, đồng thời chị T3 đến nhà đưa tiền mặt và chuyển khoản cho T tổng cộng 600.000.000 đồng, sau đó T viết giấy nợ chị T3 tổng cộng 1.100.000.000 đồng, thời hạn vay 03 ngày. Đến hạn, chị T3 đòi tiền thì T nói là Ngân hàng đang chưa giải ngân được và T tạo dựng gửi zalo cho chị T3 xem hình ảnh chụp trước ngân hàng và trong ngân hàng BIDV thành phố G thể hiện T đang đợi ngân hàng giải ngân và hẹn sang tuần sau sẽ trả tiền cho chị T3. Đến thứ 3 tuần tiếp theo, chị T3 đòi tiền thì T nói “có tiền ra rồi mà em gọi chị không được nên có khách mới em đẩy vô luôn rồi, em nghĩ là chị đồng ý, vì người ta hối quá mà em không đưa vô thì không kịp cuối tuần ra” – ý nói là nộp tiền tất toán khoản vay cũ để kịp cuối tuần ngân hàng giải ngân khoản vay mới cho khách hàng. T nói tiếp: bây giờ vẫn còn thiếu 1 tỷ nữa vì món đáo hạn hơn 2 tỷ, T có mấy trăm rồi, thì chị T3 không đồng ý. T gửi zalo cho chị T3 nội dung tin nhắn T nói chuyện với nhân viên tín dụng là Bùi ngọc S đang hối thúc T đưa tiền cho vay nộp tất toán khoản vay cũ để ngân hàng giải ngân khoản vay mới, không làm thì kêu mối khác và gửi hình ảnh chụp nhân viên đang làm việc ở quầy giao dịch cho chị T3 xem. Thấy vậy, chị T3 tin tưởng nên cho T vay thêm 900.000.000 đồng, trong đó chị T3 trực tiếp đưa tiền mặt 200.000.000 đồng, còn lại chị T3 chuyển khoản cho T, T viết giấy nợ chị T3 2 tỷ đồng, thời hạn vay 03 ngày rồi đưa cho chị T3 và lấy lại giấy 1.100.000.000 đồng trước đó. Đến hạn trả, chị T3 đòi tiền thì T trả cho chị T3 được 1.450.000.000 đồng. Ngay đầu giờ chiều cùng ngày, T gọi điện mượn lại số tiền vừa trả cho chị T3 nói là để đáo hạn khoản vay do “T Sacombank” giới thiệu vì lo người vay tiền của ngân hàng bị nợ xấu. Sau đó, T gửi hình ảnh chụp màn hình tin nhắn của “T Sacombank” nhờ T giúp khoản đáo hạn cho khách. Thấy vậy, chị T3 tưởng thật nên đã cho T vay lại 1.450.000.000 đồng và hẹn 03 ngày sau sẽ trả lại cho chị T3. Đến hạn, chị T3 đòi tiền nhưng T nói ngân hàng chưa giải ngân và xin khất nợ vì T chưa xoay được tiền. Sau đó, chị T3 nhiều lần đòi nợ thì T trả lại được 480.000.000 đồng, còn nợ 1.520.000.000 đồng. Khoảng 3 ngày sau, T gọi điện cho chị T3 nói: tiền của chị Ngân hàng giải ngân rồi, em biết nếu nói thì chị không đưa tiền cho em mượn nữa nên em đã nộp để làm hồ sơ mua đất ngân hàng ở Đ phát mãi, giờ còn thiếu 2 tỷ nữa, nếu không có thì hồ sơ đó chuyển cho người khác thì mất trắng tiền. Nghe vậy thì chị T3 lo lắng và muốn lấy lại tiền T đang nợ nên chị T3 tiếp tục đồng ý cho T vay tiền. Vào ngày 24-8-2018, chị T3 chuyển khoản và đưa tiền mặt cho T vay tiếp 1.500.000.000 đồng, T viết giấy nợ chị T3 tổng cộng 3.500.000.000 đồng, thời hạn vay là 6 ngày đưa cho chị T3. Hai ngày sau, T lại gọi điện cho chị T3 nói có món đáo hạn 1.500.000.000 đồng rồi gửi zalo cho chị T3 xem hình chụp màn hình tin nhắn nội dung “T Sacombank” nói với T cố gắng làm đáo hạn món 1.500.000.000 đồng và nói với chị T3 là mối này T làm từ xưa tới giờ, nếu không làm cho người ta thì mất mối làm ăn của T, chị T3 cố gắng giúp T lần này, sau khi trả tiền chị T3 không làm ăn với T nữa cũng được. Tưởng thật, ngày 27/8/2018, chị T3 tiếp tục cho T vay 1.200.000.000 đồng đưa tiền mặt cho T tại nhà của chị T3, T viết giấy nợ đưa cho chị T3 và hẹn 03 ngày trả. Đến hạn, chị T3 đòi tiền nhưng T không trả.

Như vậy, từ đầu tháng 8/2018 đến ngày 27-8-2018, T vay của chị T3 tổng cộng là 4.700.000.000 đồng. T đã trả được cho chị T3 tổng cộng 480.000.000 đồng, còn lại 4.220.000.000 đồng T không trả lại cho chị T3.

Đi với chị Võ Thị Tuyết N: Nguyễn Thị T quen biết chị Võ Thị Tuyết N từ năm 2015. Quá trình quen biết, T nói với chị N là T làm đáo hạn ngân hàng nên chị N đã 02 lần cho T vay với tổng số tiền là 1.200.000.000 đồng, đến hạn, T trả đầy đủ cả gốc và lãi.

Vào ngày 25-7-2018, T nhắn tin và gọi điện cho chị N hỏi vay chị N số tiền 700.000.000 đồng để làm đáo hạn, tưởng thật nên chị N đồng ý. Trong ngày 25- 7-2018, chị N đến cửa hàng Nhã Đ của T đưa cho T vay 700.000.000 đồng, T viết giấy vay tiền rồi đưa giấy lại cho chị N, hẹn ngày 26-7-2018 trả tiền vay cho chị N. Lấy được tiền của chị N, T trả khoản vay đến hạn cho người khác. Đến hạn, chị N đòi tiền thì T nói là khách chưa vay được ngân hàng do bổ sung thêm tài sản để vay thêm, do đó chưa lấy được tiền để tra cho chị N, T xin khất đến ngày 30-7-2018 T sẽ trả tiền cho chị N, chị N đồng ý. Đến hạn, chị N đòi tiền thì T nói đã có 700.000.000 đồng để trả cho chị N nhưng do T tiếp tục làm đáo hạn cho một người khác nữa nên đã sử dụng số tiền này để làm luôn rồi và hẹn 1 tuần sau sẽ trả cho chị N. Chị N đồng ý tiếp tục cho T mượn thêm một tuần nữa. Đến ngày 01-8-2018, T gọi điện cho chị N nói đang có một người khách muốn vay đáo hạn ngân hàng, sẽ được đáo hạn ngay nên mượn chị N thêm 500.000.000 đồng cho người khách đó đáo hạn, lãi suất 2.000 đồng/triệu/ngày thì chị N đồng ý. Tin tưởng thành nên ngày 02-8-2018, chị N đến cửa hàng Nhã Đ đưa cho T mượn 500.000.000 đồng, T viết giấy vay tiền rồi đưa lại cho chị N, hẹn đến ngày 03-8-2018 trả tiền cho chị N. Lấy được tiền, T cũng trả khoản vay đến hạn của người khác. Đến hạn, chị N đòi tiền thì T nói là Ngân hàng giải ngân không kịp nên hẹn chị N sang ngày 08-6-2018 là ngày thứ 6 sẽ trả cho chị N. Đến hạn, chị N đòi tiền nhưng T nói chưa có trả. Đến ngày 10-8-2018, T gọi điện cho chị N nói đã lấy được khoản vay 500.000.000 đồng rồi nhưng để cho T vay tiếp cho người khác vay đáo hạn thì chị N không đồng ý. T nói là hiện giờ đang có nhiều người cần vay đáo hạn nên đề nghị chị N cho T vay làm đáo hạn hết tháng 8/2018. Nghe vậy thì chị N đồng ý. Đến ngày 13-8-2018,T trả cho chị N 60.000.000 đồng, ngày 15-8-2018, trả tiếp 111.000.000 đồng cho chị N. Còn lại 1.029.000.000 đồng T chưa trả cho chị N.

Đến ngày 16-8-2018, T gọi điện cho chị N nói là T đang ở thị trấn K, huyện Đ có khách có nhu cầu vay tiền để đáo hạn ngân hàng số tiền 1.000.000.000 đồng, khách này do “T Sacombank” giới thiệu và họ đứng ra bảo lãnh, thì chị N đồng ý. Tin tưởng T nên ngày 17-8-2019, chị N đến cửa hàng Nhã Đ đưa cho T vay 1.000.000.000 đồng, T viết giấy vay tiền rồi đưa lại cho chị N hẹn 05 ngày sau T sẽ trả tiền cho chị N. Đến hạn, chị N đòi nợ thì T nói đang ở Ngân hàng chờ lấy tiền, T gửi qua Messenger hình ảnh chụp ngân hàng BIDV thành phố G, một giấy đề nghị thu nợ cho chị N xem rồi gọi điện thoại nói với chị N là có món thanh lý tài sản thế chấp là nhà để thu hồi nợ nên cần 2 tỷ đồng để mua nhà đó với giá rẻ, đã có người muốn mua rồi nếu mua được nhà đó sẽ bán được ngay, chỉ qua tuần sau là bán được nhà, T sẽ chia tiền lãi cho chị N và hứa sáng ngày 21-8-2018 T sẽ trả cho chị N 1.200.000.000 đồng nên đề nghị chị N cho T vay thêm cho đủ 2 tỷ để đầu tư. Sáng ngày 21-8-2018, tại cửa hàng Nhã Đ T trả cho chị N 1.200.000.000 đồng, sau đó T nói với chị N cho T vay tiền để mua nhà phát mãi giá rẻ, nếu thành công thì lợi nhuận rất cao, nghe vậy thì chị N đồng ý. Đến chiều ngày 21-8-2018, chị N tiếp tục đến cửa hàng Nhã Đ đưa cho T vay 2.000.000.000 đồng, T cũng viết giấy đưa cho chị N, hẹn đến ngày 23/8/2018 T sẽ trả tiền cho chị N. Lấy được tiền, T trả nợ khoản vay đến hạn của người khác. Đến ngày 23-8-2018, chị N đòi nợ thì T nói, khoản 1.000.000.000 đồng thì Ngân hàng chưa giải ngân còn khoản 2.000.000.000 đồng thì thủ tục sang nhượng nhà đất chưa xong nên phải đợi tới trước ngày 02-9-2018 sẽ giải quyết xong, nghe vậy chị N đồng ý. Ngày 23-8-2018, T chuyển khoản trả cho chị N 350.000.000 đồng, ngày 24-8-2018 T trả 15.000.000 đồng. Còn lại 2.664.000.000 đồng T chưa trả được cho chị N.

Đến ngày 26-8-2018, T gọi điện cho chị N nói có Bùi Ngọc Slà cán bộ quỹ tín dụng cao su Đ giới thiệu cho T là có khách cần vay đáo hạn số tiền 600.000.000 đồng đến ngày 29-8-2018 Quỹ tín dụng cao su sẽ giải ngân thì chị N không đồng ý vì T chưa trả nợ cũ. Ngày 27-8-2018, T tiếp tục gọi điện năn nỉ vay tiền chị N và hứa chắc chắn ngày 19-8-2018 Quỹ tín dụng cao su sẽ giải ngân thì chị N đồng ý. Trong ngày 27-8-2018, chị N đến cửa hàng Nhã Đ đưa cho T vay 600.000.000 đồng, T viết giấy nợ và ký tên rồi đưa cho chị N và hẹn đến ngày 29-8-2018 trả cho chị N. Đến ngày 28-8-2018, chị N đòi T trả nợ số tiền 1 tỷ thì T nói là chưa có, hẹn chị N đến ngày 29-8-2018 T sẽ trả hết các khoản nợ cho chị N. Đến ngày 29-8-2018, chị N tiếp tục đòi T trả tiền thì T nói là đang chờ ngân hàng giải ngân, T vẫn chưa lấý được tiền, hẹn chị N đến ngày 31-8-2018 sẽ trả tiền cho chị N. Đến sáng ngày 31-8-2019, trong lúc T còn nợ chị N hơn 3 tỷ đồng chưa trả nhưng T tiếp tục hỏi vay chị N thêm 400.000.000 đồng để đáo hạn khoản vay Quỹ tín dụng cao su, đến chiều cùng ngày nếu không kịp thì qua lễ ngày 02-9-2018 sẽ trả hết nợ cho chị N nhưng chị N không đồng ý cho T vay thêm 400.000.000 đồng. Ngày 03-9-2018, chị N tiếp tục đòi T trả nợ nhưng T nhiều lần xin khất và nói chị N đợi. Đến ngày 8-9-2018, T thú nhận với chị N là T không làm đáo hạn, không mua tài sản phát mãi mà T dùng tiền vay của chị N trả cho người khác nên không có tiền trả cho chị N. Đến ngày 09-9-2018, T thỏa thuận với em trai là Nguyễn Ngọc C gán lô đất của C trị giá 500.000.000 đồng cho chị N để trừ nợ.

Như vậy từ ngày 25-7-2018 đến ngày 27-8-2018, T vay của chị N 05 lần với tổng số tiền 4.800.000.000 đồng, đã trả được cho chị N tổng số tiền 2.236.000.000 đồng, còn lại là 2.564.000.000 đồng, T không có khả năng trả lại cho chị N.

Đi với chị Nguyễn Thị T1: Tháng 3/2018, T quen biết chị Nguyễn Thị T1.

Do cần có tiền nên ngày 03-9-2018, thời điểm này T còn nợ nhiều người khoảng hơn 26 tỷ đồng nhưng T vẫn gọi điện thoại, nhắn tin với chị T1 qua mạng Messenger, gợi ý việc vay tiền (T nói có món đáo hạn 650.000.000 đồng, được 30.000.000 đồng tiền lãi). Ngày 04-9-2018, T gửi hình ảnh chụp màn hình thể hiện Bùi Ngọc S (quỹ tín dụng cao su) gửi cho T, nội dung: “Ngày nay lấy món 400 có không chị” cho chị T1 xem. Chị T1 tưởng thật nên chị T1 đồng ý cho T vay số tiền 650.000.000 đồng, chị T1 chuyển khoản cho T 620.000.000 đồng, lấy lãi trước 30.000.000 đồng. Đến hạn, chị T1 đòi tiền, T1 nhờ em trai tên là Nguyễn Ngọc C nộp tiền vào tài khoản của chị T1 8.000.000 đồng để trả nợ còn lại 612.000.000 đồng, T chưa trả lại cho chị T1.

Ngoài ra, từ cuối năm 2017 đến tháng 8/2018, Th còn nợ chị Thái Thị Huyền T4 số tiền 710.000.000 đồng, bà Huỳnh Thị Th2 số tiền 460.000.000 đồng, bà Huỳnh Thị K số tiền 300.000.000 đồng; Chị Trần Thị Bích H số tiền 88.000.000 đồng; chị Võ Thị Thanh Ng số tiền 680.000.000 đồng, tuy nhiên đây là giao dịch dân sự nên không đề cập giải quyết.

Cáo trạng số: 83/CTr-VKS(P3) ngày 21/11/2019 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đăk Nông đã truy tố Nguyễn Thị T và Nguyễn Chí Th về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 174 của Bô luât Hình sư năm 2015.

Tại phiên tòa, các bị cáo Nguyễn Thị T và Nguyễn Chí Th thừa nhận hành vi phạm tội như nội dung bản Cáo trạng đã truy tố.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông sau khi trình bày luận tội đề nghị Hội đồng xét xử: Tuyên bố các bị cáo Nguyễn Thị T, Nguyễn Chí Th phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 174; điểm b, s khoản 1 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự năm 2015, xử phạt bị cáo Nguyễn Thị T 20 năm tù. Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 174; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 2 Điều 54; Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015, xử phạt bị cáo Nguyễn Chí Th từ 30 tháng đến 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với các bị cáo.

Về vật chứng vụ án: Căn cứ Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự:

+ Tịch thu nộp ngân sách Nhà nước 01 điện thoại di động Sam Sung Galaxy S8; 01 điện thoại di động, model: Buk B170, gắn sim Vinaphone số 0888.788899;

01 điện thoại di động hiệu Iphone 6S, màu xám, gắn sim số 0935.437799.

+ Trả lại cho chị Phạm Thị Kiều O 01 điện thoại di động Sam Sung Galaxy S9+, gắn sim số 0944.594848.

+ Lưu hồ sơ vụ án: 01 USB màu đỏ hiệu Sandisk; 01 USB màu xám bạc; 01 bộ hồ sơ hợp đồng thế chấp và mua trả góp xe ô tô BKS 48A - 064.86; 40 tờ đơn xin góp vốn; 11 giấy xin góp vốn; 06 tờ giấy mượn tiền; 04 giấy ủy nhiệm chi; 02 giấy nhận tiền; 04 giấy vay tiền; 02 giấy nộp tiền; 01 bản sao kê tài khoản ngân hàng; 01 tờ giấy ô ly; 03 cuốn vở ô ly; 01 cuốn sổ tay; 01 tờ giấy phô tô; 01 tập tài liệu gồm 16 trang đã tạm giữ của Nguyễn Thị T; 02 tập sao kê tài khoản do chị Phạm Thị Kiều O giao nộp; 01 giấy biên nhận thể hiện việc T khắc phục trả cho bà L1 số tiền 600.000.000đ do chị Trương Thị Linh Q giao nộp; 01 giấy vay tiền do bà Trịnh Thị T giao nộp; 01 tập tài liệu, 01 giấy vay tiền, 01 hợp đồng vay tiền do bà Bùi Thị Diễm L1 giao nộp; 01 tập tài liệu gồm 14 trang do bà Bùi Thị Kim T3 giao nộp; 01 giấy ủy nhiệm chi, 03 phiếu giao dịch ngân hàng do chị Nguyễn Thị T1 giao nộp; 03 giấy biên nhận vay tiền, 01 tập tài liệu gồm 02 trang do bà Nguyễn Thị Hồng L giao nộp để giải quyết vụ án.

Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 48 của Bộ luật Hình sự năm 2015, buộc bị cáo Nguyễn Thị T trả lại số tiền 19.016.900.000 đồng đã chiếm đoạt cho các bị hại, cụ thể: trả lại cho chị Phạm Thị Kiều O 6.171.900.000 đồng, trả cho chị Nguyễn Thị Hồng L 3.800.000.000 đồng, trả cho bà Bùi Thị Diễm L1 200.000.000 đồng, trả cho chị Nguyễn Thị T1 612.000.000 đồng, trả cho chị Bùi Thị Kim T3 4.220.000.000 đồng, trả cho chị Võ Thị Tuyết N 2.554.000.000 đồng, trả cho chị Đặng Thị T2 1.000.000.000 đồng, trả cho bà Trịnh Thị Th1 450.000.000 đồng.

Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị T trình bày luận cứ: Viện kiểm sát truy tố bị cáo Nguyễn Thị T về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 174 của Bộ luật Hình sự là đúng pháp luật. Tuy nhiên mức hình phạt Viện kiểm sát đề nghị đối với bị cáo T là quá nghiêm khắc bởi vì, tuy bị cáo đã đưa ra thông tin gian dối để vay tiền nhưng mục đích bị cáo vay tiền là để trả nợ; trong tổng số tiền 19.017.900.000 đồng mà Viện kiểm sát truy tố đối với bị cáo chưa được điều tra làm rõ có bao nhiêu là tiền gốc và tiền lãi, trên thực tế số tiền bị cáo vay tiền của các bị hại với mức lãi suất cao (5.000 đồng/triệu/ngày), tuy nhiên tại phiên tòa hôm nay bị cáo vẫn chấp nhận toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt của các bị hại là 19.017.900.000 đồng không yêu cầu điều tra bổ sung để làm rõ nội dung này. Sau khi bị cáo phạm tội đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đã tác động gia đình bồi thường một phần thiệt hại đối với bị hại; bị cáo đang nuôi con nhỏ, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét xử phạt bị cáo mức hình phạt thấp hơn so với mức hình phạt mà Viện kiểm sát đã đề nghị.

Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Chí Th trình bày luận cứ: Bị cáo Nguyễn Chí Th tuy có hành vi giúp sức cho bị cáo T phạm tội, tuy nhiên do nhận thức pháp luật hạn chế nên thời điểm bị cáo T nhờ đóng giả cán bộ ngân hàng thì bị cáo không ý thức được việc làm của mình là giúp sức cho bị cáo T phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà chỉ đơn giản là giúp chị ruột của mình vay tiền, bị cáo hoàn toàn không được hưởng lợi gì từ việc vay tiền; sau khi sự việc bị phát hiện bị cáo biết hành vi của mình là sai trái nên đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo đã bán nhà của mình đi thuê nhà trọ ở để sử dụng số tiền bán nhà khắc phục toàn bộ số tiền mà bị cáo đã giúp sức cho bị cáo T chiếm đoạt của bà Nguyễn Thị Diễm L1, đồng thời bị cáo Nguyễn Chí Th đã cùng với gia đình đã trả thêm cho bà L1 số tiền 900.000.000 đồng, được bà L1 đề nghị không xử lý trách nhiệm hình sự. Do đó, đề nghị HĐXX xem xét miễn hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Chí Th thể hiện chính sách khoan hồng của pháp luật.

Các bị cáo Nguyễn Thị T, Nguyễn Chí Th không bào chữa, tranh luận.

Bị hại bà Võ Thị Tuyết N trình bày: Đối với số tiền bị cáo T khai đã trả nợ cho bà N một lần 350.000.000 đồng và một lần 110.000.000 đồng là không đúng mà thực tế bị cáo T đang nợ bà N số tiền 3.100.000.000 đồng, tuy nhiên các tờ giấy biên nhận nợ bà N đã giao cho bị cáo T nên không chứng minh được và trong quá trình điều tra bà N không trình bày rõ nội dung này nên bà N chấp nhận việc bị cáo T nợ bà N số tiền 2.564.000.000 đồng. Đối với mức hình phạt 20 năm tù mà Viện kiểm sát đề nghị đối với bị cáo T là phù hợp.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Tn cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1]. Về hành vi, quyết định của Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đắk Nông, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra, truy tố và tại phiên toà các bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2]. Lời khai của bị cáo tại phiên toà phù hợp với lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra và các chứng cứ, tài liệu khác đã thu thập được thẩm tra công khai tại phiên tòa. Do đó, Hội đồng xét xử có đủ căn cứ kết luận: Trong khoảng thời gian từ ngày 30-10-2017 đến ngày 04-9-2018, Nguyễn Thị T nhiều lần đưa ra thông tin gian dối với nội dung làm đáo hạn ngân hàng, mua tài sản phát mãi của ngân hàng và tự tạo dựng tin nhắn của cán bộ các Ngân hàng, quỹ tín dụng (cụ thể „T Sacombank”, “Bùi Ngọc S quỹ tín dụng, tin nhắn và cuộc gọi nhỡ của “S BIDV” giới thiệu cho T các khoản đáo hạn) sau đó chụp tin nhắn, cuộc gọi nhỡ này gửi qua điện thoại, mạng xã hội Messenger, Zalo cho các chị Phạm Thị Kiều O, chị Nguyễn Thị Hồng L, chị Đặng Thị T2, bà Trịnh Thị Th1, chị Bùi Thị Diễm L1, chị Bùi Thị Kim T3, chị Võ Thị Tuyết N, chị Nguyễn Thị T1 để cho các chị tin tưởng là có thật nên đưa tiền cho Th vay nhằm chiếm đoạt tổng số tiền 19.017.900.000 đồng đã vay (trong đó: chiếm đoạt của chị Phạm Thị Kiều O 6.171.900.000 đồng, chị Nguyễn Thị Hồng L 3.800.000.000 đồng, chị Đặng Thị T2 1.000.000.000 đồng, bà Trịnh Thị Th1 450.000.000 đồng, chị Bùi Thị Diễm L1 2.600.000.000 đồng, chị Bùi Thị Kim T3 4.220.000.000 đồng, chị Võ Thị Tuyết N 2.564.000.000 đồng, chị Nguyễn Thị T1 612.000.000 đồng).

Đi với bị cáo Nguyễn Chí Th đã có hành vi giúp sức cho bị cáo T trong việc đóng giả làm cán bộ ngân hàng (“T Sacombank”) để cho chị Bùi Thị Diễm L1 tin tưởng đưa cho T vay số tiền 1.500.000.000 đồng nhằm chiếm đoạt số tiền này. Vì vậy, hành vi của các bị cáo Nguyễn Thị T và Nguyễn Chí Th đã phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 174 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định:

“ 1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của ngừơi khác có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

a. Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;”

[3]. Xét tính chất vụ án do hành vi của các bị cáo gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, đã trực tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu hợp pháp về tài sản của các bị hại được pháp luật bảo vệ, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự trị an tại địa phương.

[4]. Đối với bị cáo Nguyễn Thị T phạm tội thuộc tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Phạm tội 02 lần trở lên” theo điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự năm 2015. Bị cáo đã thực hiện hành vi chiếm đoạt số tiền rất lớn của nhiều người; do đó, cần xử phạt bị cáo với mức hình phạt thật nghiêm khắc mới đủ tác dụng răn đe, phòng ngừa chung. Tuy nhiên sau khi phạm tội, bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình; bị cáo T đã tác động gia đình khắc phục một phần nhỏ số tiền đã chiếm đoạt, do đó cần áp dụng điểm b, s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015 để xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự đối với bị cáo.

[5]. Đối với bị cáo Nguyễn Chí Th là người giúp sức với vai trò không đáng kể cho bị cáo T phạm tội, bị cáo không được hưởng lợi gì từ số tiền chiếm đoạt; sau khi sự việc bị phát hiện bị cáo nhận ra hành vi sai trái của mình, nên bị cáo đã bán nhà của mình đi thuê nhà trọ ở để sử dụng số tiền bán nhà khắc phục toàn bộ số tiền mà bị cáo đã giúp sức cho bị cáo T chiếm đoạt của bà Bùi Thị Diễm L1, đồng thời bị cáo Nguyễn Chí Th đã cùng với gia đình trả thêm cho bà L1 số tiền 900.000.000 đồng không thuộc trách nhiệm của bị cáo, được bà L1 đề nghị không xử lý trách nhiệm hình sự đối với bị cáo.

Xét thấy, giữa bị cáo T và bị cáo Th là hai chị em ruột, bị cáo Th phạm tội lần đầu, có vai trò giúp sức không đáng kể trong vụ án; sau khi phạm tội bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; đã tự nguyện khắc phục toàn bộ thiệt hại và được bị hại đề nghị không xử lý trách nhiệm hình sự. Xét thấy bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo Điều 52 của Bộ luật Hình sự năm 2015. Bị cáo có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng, có khả năng tự cải tạo, việc cho bị cáo hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội, không gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội.

Xét đề nghị của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa là có căn cứ nên cần chấp nhận. Do đó, cần áp dụng các điểm b,s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54 và Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015 để xử phạt bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng và cho bị cáo được hưởng án treo là phù hợp, không trái quy định của pháp luật, thể hiện sự nhân đạo của pháp luật nhà nước ta.

[6]. Đối với anh Đặng Văn C đã có hành vi cùng bị cáo T ký giấy vay tiền của người khác, tuy nhiên anh C chỉ làm theo lời của bị cáo T không biết việc bị cáo T có thủ đoạn gian dối để vay tiền và cũng không biết ý định chiếm đoạt tiền vay, đồng thời số tiền vay được anh C cũng không tiêu xài sử dụng nên anh C không đồng phạm với bị cáo T về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

[7]. Đối với chị Phạm Thị Kiều O quá trình điều tra xác định hành vi của chị O có dấu hiệu của tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự. Tuy nhiên, xét thấy việc chị O cho bị cáo vay với mức lãi cao là do chính bản thân bị cáo T chủ động đưa ra mức lãi suất cao để dụ dỗ các bị hại (trong đó có chị O), sau đó bị cáo đã lấy một phần nhỏ trong số tiền gốc đã vay của chị O để trả tiền lãi cho chị O (trên thực tế tổng số tiền gốc chị O đưa cho bị cáo T vay là rất lớn, còn số tiền lãi chị O nhận được chỉ là một phần nhỏ, nếu lấy số tiền gốc bị cáo T đã chiếm đoạt trừ đi số tiền lãi chị O đã nhận thì phần lớn số tiền gốc chị O bỏ ra trước đó vẫn chưa lấy lại được). Do đó, để đánh giá xem xét theo hướng có lợi cho cả bị cáo T và chị O nên Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát không xem xét xử lý hình sự đới với chị Phạm Thị Kiều O là có căn cứ.

Đi với việc vay tiền giữa bị cáo T và chị Trần Thị T; chị Nguyễn Khánh Tr; chị Đào Cẩm T nhưng không có giấy tờ, tài liệu thể hiện, bản thân người cho vay không nhớ được đã cho T vay bao nhiêu tiền, T cũng không nhớ đã vay của họ bao nhiêu tiền nên không có căn cứ để xem xét, xử lý đối với T.

Đi với nội dung chị Đặng Thị T2 trình bày: Chị T2 đã cho bị cáo T vay tiền nhiều lần tổng số tiền là 2.100.000.000 đồng nhưng kết quả điều tra chỉ có đủ căn cứ để xác định bị cáo T vay của chị T2 số tiền 1.000.000.000 đồng. Số tiền còn lại 1.100.000.000 đồng chị T2 có quyền tố cáo, khởi kiện bị cáo T để xử lý theo quy định của pháp luật khi nếu có đủ căn cứ.

[4]. Về vật chứng vụ án: Căn cứ Điều 104, Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự; áp dụng Điều 46, 47 của Bộ luật Hình sự năm 2015:

- Chấp nhận Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đắk Nông trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp: 01 máy tính bảng Ipad, model A1475 bị nứt vỡ màn hình, trong tình trạng không hoạt động; 01 điện thoại di động Iphone màu Gold, dán lưng máy màu đỏ, trong tình trạng không hoạt động; 01 CPU máy tính để bàn; 01 đầu thu Camera; 01 máy tính xách tay hiệu Acer; 03 tờ giấy vay tiền của bà Huỳnh Thị K;

01 giấy mượn tiền của bà Huỳnh Thị Th; 01 giấy vay tiền của chị Thái Thị Huyền T4; 02 giấy vay tiền, 01 tập tài liệu gồm 20 trang của bà Võ Thị Thanh Ng.

+ Tịch thu nộp ngân sách Nhà nước 01 điện thoại di động Sam Sung Galaxy S8; 01 điện thoại di động, model: Buk B170, gắn sim Vinaphone số 0888.788899; 01 điện thoại di động hiệu Iphone 6S, màu xám, gắn sim số 0935.437779.

+ Trả lại cho chị Phạm Thị Kiều O 01 điện thoại di động Sam Sung Galaxy S9+, gắn sim số 0944.594848.

+ Lưu hồ sơ vụ án: 01 USB màu đỏ hiệu Sandisk; 01 USB màu xám bạc; 01 bộ hồ sơ hợp đồng thế chấp và mua trả góp xe ô tô BKS 48A - 064.86; 40 tờ đơn xin góp vốn; 11 giấy xin góp vốn; 06 tờ giấy mượn tiền; 04 giấy ủy nhiệm chi (bản chính và bản in giấy than); 02 giấy nhận tiền; 04 giấy vay tiền; 02 giấy nộp tiền; 01 bản sao kê tài khoản ngân hàng; 01 tờ giấy ô ly; 03 cuốn vở ô ly; 01 cuốn sổ tay; 01 tờ giấy phô tô; 01 tập tài liệu gồm 16 trang đã tạm giữ của Nguyễn Thị T; 02 tập sao kê tài khoản do chị Phạm Thị Kiều O giao nộp; 01 giấy biên nhận thể hiện việc Thanh khắc phục trả cho bà Lệ số tiền 600.000.000đ do chị Trương Thị Linh Q (vợ của Nguyễn Chí Th) giao nộp; 01 giấy vay tiền do bà Trịnh Thị T giao nộp; 01 tập tài liệu, 01 giấy vay tiền, 01 hợp đồng vay tiền do bà Bùi Thị Diễm L1; 01 tập tài liệu gồm 14 trang do bà Bùi Thị Kim T3 giao nộp; 01 giấy ủy nhiệm chi, 03 phiếu giao dịch ngân hàng do chị Nguyễn Thị T1 giao nộp; 03 giấy biên nhận vay tiền, 01 tập tài liệu gồm 02 trang do bà Nguyễn Thị Hồng L giao nộp để giải quyết vụ án.

[4]. Về trách nhiệm dân sự: Tại phiên tòa bị cáo Nguyễn Thị T và Nguyễn Chí Th thống nhất sử dụng 10.000.000 đồng mà gia đình bị cáo đã nộp để khắc phục hậu quả cho bị Võ Thị Tuyết N nên cần chấp nhận.

Áp dụng Điều 48 của Bộ luật Hình sự năm 2015; Điều 589 của Bộ luật dân sự 2015 buộc bị cáo Nguyễn Thị T trả lại số tiền 19.017.900.000 đồng đã chiếm đoạt của các bị hại, được khấu trừ số tiền 10.000.000 đồng gia đình bị cáo đã nộp để trả lại cho chị Võ Thị Tuyết N, cụ thể: Trả lại cho chị Phạm Thị Kiều O 6.171.900.000 đồng, trả cho chị Nguyễn Thị Hồng L 3.800.000.000 đồng, trả cho bà Bùi Thị Diễm L1 200.000.000 đồng, trả cho chị Nguyễn Thị T1 612.000.000 đồng, trả cho chị Bùi Thị Kim T3 4.220.000.000 đồng, trả cho chị Võ Thị Tuyết N 2.554.000.000 đồng, trả cho chị Đặng Thị T2 1.000.000.000 đồng, trả cho bà Trịnh Thị Th1 450.000.000 đồng.

[5]. Về án phí: Các bị cáo Nguyễn Thị T, Nguyễn Chí Th phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Bị cáo Nguyễn Thị T phải chịu 127.017.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

1. Tuyên bố: Nguyn Thị T và Nguyễn Chí Th phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

1.1. Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 174; điểm b, s khoản 1 Điều 51, điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự năm 2015, xử phạt bị cáo Nguyễn Thị T 18 năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 24-01-2019.

1.2. Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 174; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54; Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015, xử phạt bị cáo Nguyễn Chí Th từ 02 năm 06 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 05 năm kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Giao bị cáo Nguyễn Chí Th cho Ủy ban nhân dân phường N, thành phố G, tỉnh Đăk Nông giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách. Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, nếu bị cáo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên thì Toà án có thể quyết định buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt tù của bản án này. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Toà án buộc phải chấp hành hình phạt của bản án này và tổng hợp với hình phạt của bản án mới.

2. Về xử lý vật chứng: Căn cứ Điều 104, Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự;

áp dụng Điều 46, 47 của Bộ luật Hình sự năm 2015:

- Chấp nhận Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đắk Nông trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp: 01 máy tính bảng Ipad, model A1475 bị nứt vỡ màn hình, trong tình trạng không hoạt động; 01 điện thoại di động Iphone màu Gold, dán lưng máy màu đỏ, trong tình trạng không hoạt động; 01 CPU máy tính để bàn; 01 đầu thu Camera; 01 máy tính xách tay hiệu Acer; 03 tờ giấy vay tiền của bà Huỳnh Thị K;

01 giấy mượn tiền của bà Huỳnh Thị T; 01 giấy vay tiền của chị Thái Thị Huyền T4; 02 giấy vay tiền, 01 tập tài liệu gồm 20 trang của bà Võ Thị Thanh Ng.

+ Tịch thu nộp ngân sách Nhà nước 01 điện thoại di động Sam Sung Galaxy S8; 01 điện thoại di động, model: Buk B170, gắn sim Vinaphone số 0888.788899; 01 điện thoại di động hiệu Iphone 6S, màu xám, gắn sim số 0935.437779 (có đặc điểm như Biên bản giao nhận vật chứng ngày 25-11-2019 giữa Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đăk Nông với Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đ).

+ Trả lại cho chị Phạm Thị Kiều O 01 điện thoại di động Sam Sung Galaxy S9+, gắn sim số 0944.594848 (có đặc điểm như Biên bản giao nhận vật chứng ngày 25-11-2019 giữa Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đăk Nông với Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đ).

+ Lưu hồ sơ vụ án: 01 USB màu đỏ hiệu Sandisk; 01 USB màu xám bạc; 01 bộ hồ sơ hợp đồng thế chấp và mua trả góp xe ô tô BKS 48A - 064.86; 40 tờ đơn xin góp vốn; 11 giấy xin góp vốn; 06 tờ giấy mượn tiền; 04 giấy ủy nhiệm chi (bản chính và bản in giấy than); 02 giấy nhận tiền; 04 giấy vay tiền; 02 giấy nộp tiền; 01 bản sao kê tài khoản ngân hàng; 01 tờ giấy ô ly; 03 cuốn vở ô ly; 01 cuốn sổ tay; 01 tờ giấy phô tô; 01 tập tài liệu gồm 16 trang đã tạm giữ của Nguyễn Thị T; 02 tập sao kê tài khoản do chị Phạm Thị Kiều O giao nộp; 01 giấy biên nhận thể hiện việc T khắc phục trả cho bà Lệ số tiền 600.000.000đ do chị Trương Thị Linh Q (vợ của Nguyễn Chí Th) giao nộp; 01 giấy vay tiền do bà Trịnh Thị T giao nộp; 01 tập tài liệu, 01 giấy vay tiền, 01 hợp đồng vay tiền do bà Bùi Thị Diễm L1; 01 tập tài liệu gồm 14 trang do bà Bùi Thị Kim T3 giao nộp; 01 giấy ủy nhiệm chi, 03 phiếu giao dịch ngân hàng do chị Nguyễn Thị T1 giao nộp; 03 giấy biên nhận vay tiền, 01 tập tài liệu gồm 02 trang do bà Nguyễn Thị Hồng L giao nộp để giải quyết vụ án.

3. Về phần dân sự: Áp dụng Điều 48 của Bộ luật Hình sự năm 2015; Điều 589 của Bộ luật dân sự 2015 buộc bị cáo Nguyễn Thị T trả lại số tiền 19.017.900.000 đồng (Mười chín tỷ không trăm mười bảy triệu chín trăm nghìn đồng) đã chiếm đoạt của các bị hại, được khấu trừ số tiền 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng) gia đình bị cáo đã nộp để trả lại cho chị Võ Thị Tuyết N. Cụ thể: Trả lại cho chị Phạm Thị Kiều O 6.171.900.000 đồng (Sáu tỷ một trăm bảy mươi mốt triệu chín trăm nghìn đồng), trả cho chị Nguyễn Thị Hồng L 3.800.000.000 đồng (Ba tỷ tám trăm nghìn đồng), trả cho bà Bùi Thị Diễm L1 200.000.000 đồng (Hai trăm triệu đồng), trả cho chị Nguyễn Thị T1 612.000.000 đồng (Sáu trăm mười hai triệu đồng), trả cho chị Bùi Thị Kim T3 4.220.000.000 đồng (Bốn tỷ hai trăm hai mươi triệu đồng), trả cho chị Võ Thị Tuyết N 2.554.000.000 đồng (Hai tỷ năm trăm năm mươi tư triệu đồng), trả cho chị Đặng Thị T2 1.000.000.000 đồng (Một tỷ đồng), trả cho bà Trịnh Thị Th1 450.000.000 đồng (Bốn trăm năm mươi triệu đồng).

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong, người phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo quy định tại Điều 357 và Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

[4]. Về án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 135 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015; áp dụng khoản 1 Điều 23 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án:

Buộc các bị cáo Nguyễn Thị T, Nguyễn Chí Th phải chịu 200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm.

Buộc bị cáo Nguyễn Thị T phải chịu 127.017.000 đồng (Một trăm hai mươi bảy triệu không trăm mười bảy nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm.

5. Quyền kháng cáo: Bị cáo, bị hại có mặt tại phiên toà có quyền kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Bị hại vắng mặt tại phiên toà có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc ngày niêm yết bản án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

2718
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản số 01/2020/HS-ST

Số hiệu:01/2020/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Nông
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 03/01/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;