Bản án về tội hủy hoại tài sản số 436/2021/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 436/2021/HS-PT NGÀY 11/10/2021 VỀ TỘI HỦY HOẠI TÀI SẢN

Ngày 11/10/2021 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên toà công khai xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 775/2020/TLPT-HS ngày 24/9/2020 do có kháng cáo của bị cáo Trần Ngọc A và đại diện hợp pháp cho bị hại Đinh Thị B là ông Đinh Bạt V đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 104/2020/HS-ST ngày 11/08/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An.

* Bị cáo có kháng cáo và bị kháng cáo:

1. Trần Ngọc A, tên gọi khác: Không; sinh ngày 19/5/1989, tại Nghệ An; giới tính: Nam;

Nơi ĐKNKTT: Xóm 7 C2, xã C1, huyện C, tỉnh Nghệ An; Dân tộc: Kinh; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: Không; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hóa: 12/12; con ông: Trần Văn D sinh năm 1957 và con bà Trần Thị D1 (Đoàn Thị D1), đã chết; Anh chị em ruột có 04 người, bị cáo là con thứ 03 trong gia đình; vợ: Cao Thị Ngọc D2, sinh năm 1991; có 01 con sinh năm 2016; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo bị bắt, tạm giữ, tạm giam từ ngày 25/9/2019 đến nay, có mặt tại phiên tòa.

2. Thái Bá C, tên gọi khác: Không; sinh ngày 28/12/1991, tại Nghệ An; giới tính: Nam;

Nơi ĐKNKTT: Xóm 6 C2, xã C1, huyện C, tỉnh Nghệ An; dân tộc: Kinh; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: Thiên chúa giáo; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hóa: 8/12; con ông: Thái Bá D3, sinh năm 1957 và bà Bùi Thị D4, sinh năm 1958; anh chị em ruột: Có 08 người, bị cáo là con thứ 05; vợ con: Chưa có; tiền án, tiền sự: Không;

Nhân thân: Năm 2011, bị Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Nghệ An xử phạt 42 tháng tù về tội “Cướp tài sản”, ngày 07/10/2014 bị cáo chấp hành xong hình phạt;

Bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 19/9/2019 đến ngày 15/02/2020 được tại ngoại, vắng mặt tại phiên tòa.

3. Cao E, tên gọi khác: Không; sinh ngày 05/5/1990 tại Nghệ An; giới tính: Nam;

Nơi ĐKNKTT: Xóm 11 C2, xã C1, huyện C, tỉnh Nghệ An; dân tộc: Kinh; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: Không; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hóa: 8/12; con ông: Cao D5, sinh năm 1962 và bà Nguyễn Thị D6, sinh năm 1965; anh chị em ruột: Có 02 người, bị cáo là con đầu; vợ con: Chưa có; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo bị bắt tạm giữ từ ngày 25/9/2019 đến ngày 04/10/2019 được thay đổi biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, hiện tại ngoại, có mặt tại phiên tòa.

* Người bào chữa cho bị cáo Trần Ngọc A: Ông Chu D7 và ông Chu Huy D8, Luật sư Văn phòng luật sư Investlinco và cộng sự, thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội; vắng mặt.

* Người bị hại có kháng cáo: Bà Đinh Thị B, sinh năm 1984, vắng mặt;

Trú tại: Xóm 13, xã D9, huyện D10, tỉnh Nghệ An;

Người đại diện theo ủy quyền của bà B: Ông Đinh Bạt V, sinh năm 1978; trú tại: Xóm 13, xã D9, huyện D10, tỉnh Nghệ An (văn bản ủy quyền ngày 07/01/2020), ông V có mặt.

* Người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho bị hại: Ông Nguyễn Vinh D11 và bà Nguyễn Thị D12, Luật sư Văn phòng Luật sư Vinh Diện và cộng sự, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An, ông D11 vắng mặt, bà D12 có mặt.

* Ngoài ra còn có những bị hại, gồm: Nguyễn Thị D13, Nguyễn Thị Việt D14 và Trần Thị D15 không kháng cáo, không liên quan đến nội dung kháng cáo nên Tòa án không triệu tập.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Do có người thuê Trần Ngọc A đe dọa bà Đinh Thị B; khoảng 14 giờ ngày 20/6/2019, Trần Ngọc A mua 01 cây tông đơ cắt tóc, rủ Thái Bá C đi cắt tóc, chụp ảnh đánh cảnh cáo bà B. Khi đến quán của bà B ở xóm 13, xã D9, D10, Nghệ An, A nói với bà B: “Chị có thích cặp bồ người khác nữa không”. Chị B trả lời: “Anh ơi, em cặp bồ ai”, thì bị A dùng tay đấm 02 phát vào đầu làm cho Chị B ngã xuống đất. A tiếp tục đấm, Chị B vùng dậy bỏ chạy và la hét; sau đó A và C bỏ về.

Khong 18 giờ ngày 29/6/2019, Trần Ngọc A gọi điện cho Thái Bá C hẹn tối vào huyện D10 đốt quán bà B, C đồng ý. Đến khoảng 0 giờ ngày 30/6/2019, Trần Ngọc A điều khiển xe mô tô nhãn hiệu Jupiter màu sơn đen, không có biển kiểm soát, mang theo 02 túi quần áo cũ, 01 can đựng xăng chứa 02 lít, 01 can đựng 1,5 lít dầu hỏa, 02 bình ga mini và bật lửa (do A đã chuẩn bị trước đó) đến đón Thái Bá C. Sau đó, Trần Ngọc A điều khiển xe mô tô chở Thái Bá C ngồi phía sau cầm các dụng cụ đi đến xã D9, huyện D10, Nghệ An. Trên đường đi A có nói với C biết mục đích vào đốt quán bà B, đồng thời nói cho C biết bỏ quần áo xuống, tẩm xăng dầu đốt, bỏ bình ga mi ni để phát tiếng nổ cho mọi người biết, do biết mẹ con bà B ngủ trong quán tạp hóa nên bảo đốt cách cửa quán một tý, C đồng ý. Đến khoảng 3 giờ cùng ngày, cả hai đi đến quán bà Đinh Thị B thì A dừng xe mô tô lại bên đường; C xuống xe cầm theo 02 túi quần áo cũ, 02 can đựng xăng, dầu hỏa và 02 bình ga mini đi lại sát trước quán và A cũng đi lại theo. Sau đó A và C cùng rải quần áo phía trước cách cửa quán khoảng 1,5m và cùng đổ xăng tẩm vào số quần áo này, bỏ 02 bình ga mini trong hai túi quần áo. Trần Ngọc A dùng bật lửa, châm đốt số quần áo này làm lửa bùng cháy lên. Sau khi thực hiện xong, thì A và C lên xe mô tô rời khỏi hiện trường rồi sau đó quay lại xem, thấy lửa bùng cháy to nên cả hai cùng đi về. Khi phát hiện thấy cháy, bà Đinh Thị B cùng người dân gần đó đã cùng nhau dập lửa; hậu quả tài sản của bà B bị cháy hoàn toàn 01 mắt camera, 02 cánh cửa kính và 02 bóng đèn điện.

Do thiệt hại gây ra của vụ đốt ngày 30/6/3019 là không lớn, người thuê Trần Ngọc A không vừa lòng nên tiếp tục yêu cầu A đốt quán bà Đinh Thị B. Khoảng 17 giờ ngày 19/7/2019, do gọi điện cho Thái Bá C không nghe máy nên Trần Ngọc A gọi điện cho Cao E nhờ E chở vào huyện D10 có việc, A không nói rõ lý do thì E đồng ý. Đến khoảng 18 giờ cùng ngày, Trần Ngọc A điều khiển xe mô tô nhãn hiệu Jupiter màu sơn đen, không có biển kiểm soát đến nhà E. Sau đó E lái xe chở A ngồi phía sau cầm một chiếc túi màu đen, bên trong đựng 01 can xăng loại 5 lít có chứa 2,5 lít xăng, 04 bình ga mini, 01 đoạn dây dù mà A đã chuẩn bị trước. Khoảng 19 giờ 30 phút cùng ngày, cả hai đi đến trước quán tạp hóa của bà Đinh Thị B. A nói E dừng xe lại và quay đầu xe chờ A. Lúc này thấy quán tạp hóa mở cửa, A xuống xe mang theo can xăng có buộc sẵn dây dù ở miệng can và các bình ga mini được dán xung quanh can. A mở nắp can xăng và nghiêng xăng đổ vào sợi dây, dùng lửa châm vào sợi dây rồi ném can xăng vào 02 tủ đồ ở ngoài vỉa hè trước quán tạp hóa, cùng lúc bà Đinh Thị B bước ra thì lửa cháy vào 02 chân. Bà B chạy vào nhà tắm nhảy vào chậu nước dập lửa. Sau đó bà B cùng con gái Hoàng Linh B1, sinh 2015 và chị dâu Trần Thị D15, sinh 1991 chạy theo cửa sau thoát ra ngoài. Lúc này, A chạy lại xe mô tô và lên xe rồi nói E đi về. Hậu quả: Bà B bị bỏng ở hai chân, toàn bộ quán tạp hóa, đồ đạc, số tiền 57.000.000 đồng, xe máy mang biển kiểm soát 37K1-88003 của bà Đinh Thị B trong quán bị cháy thiêu rụi hoàn toàn. Ngoài ra chiếc xe máy mang biển kiểm soát 37L7-9722 của Trần Thị D15 cũng bị cháy hoàn toàn. 01 căn nhà của bà Nguyễn Thị Việt D14, sinh năm 1973 và 01 căn nhà của bà Nguyễn Thị D13, sinh năm 1976, cùng trú tại xóm 13, xã D9, D10, Nghệ An bị hư hỏng. Ngày 23/7/2019, Trần Ngọc A nhận được 18.000.000đồng (Mười tám triệu đồng) của người phụ nữ tên H thuê, do Nguyễn Thị H2, sinh 1978, trú tại xóm 1, xã D16, huyện D10, tỉnh Nghệ An chuyển vào tài khoản của A.

Đến ngày 19/9/2019, Thái Bá C đến Công an huyện D10 xin đầu thú và khai báo hành vi phạm tội của mình.

Ngày 25/9/2019, Trần Ngọc A đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An và Cao E đến Công an huyện D10 xin đầu thú và khai báo hành vi phạm tội của mình.

Tại Kết luận giám định số 4320/C09-P2 ngày 14/8/2019 của Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an kết luận:

- Không phát hiện thấy dấu vết chập mạch điện trên các đoạn dây điện có ký hiệu M3 gửi đến giám định.

- Trong các mẫu ký hiệu M1, M2, M4, M5 có tìm thấy dấu vết của xăng.

Tại Kết luận giám định số 282/KLGĐ-KTHS(DVC) ngày 16/9/2019 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Nghệ An kết luận nguyên nhân xảy ra vụ cháy là do bị đốt.

Tại Kết luận định giá tài sản số 67/KL.ĐG ngày 16/9/2019 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện D10 định giá tài sản bị thiệt hại của vụ cháy ngày 30/6/2019 là 4.720.000 đồng (bốn triệu bảy trăm hai mươi nghìn đồng).

Tại Kết luận định giá tài sản số 63/KL.ĐG ngày 28/8/2019 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện D10, định giá tài sản bị thiệt hại của bà Đinh Thị B và chiếc xe máy của chị Trần Thị D15 trong vụ cháy ngày 19/7/2019 là 426.540.000 đồng (bốn trăm hai mươi sáu triệu năm trăm bốn mươi nghìn đồng), trong đó tài sản của bà Đinh Thị B bị thiệt hại là 411.040.000 đồng (bốn trăm mười một triệu không trăm bốn mươi nghìn đồng) và của chị Trần Thị D15 là 15.500.000 đồng (mười lăm triệu năm trăm nghìn đồng).

Ngày 27/9/2019, Cơ quan CSĐT Công an huyện D10 có Yêu cầu định giá tài sản số 190, đề nghị Hội đồng định giá tài sản tố tụng hình sự huyện D10 định giá tài sản bị thiệt hại của chị Nguyễn Thị Việt D14 và chị Nguyễn Thị D13 trong vụ cháy ngày 19/7/2019.

Tại Kết luận định giá tài sản số 71/KL.ĐG ngày 27/9/2019 của Hội đồng định giá tài sản tố tụng hình sự huyện D10 định giá tài sản bị thiệt hại của bà Nguyễn Thị Việt D14 và bà Nguyễn Thị D13 trong vụ cháy ngày 19/7/2019 là 46.000.000 đồng (bốn mươi sáu triệu đồng), trong đó tài sản của bà Nguyễn Thị Việt D14 bị thiệt hại là 22.000.000 đồng (hai mươi hai triệu đồng) và của bà Nguyễn Thị D13 là 24.000.000 đồng (hai mươi bốn triệu đồng).

Tại Kết luận giám định pháp y về thương tích số 322/TTPY ngày 19/12/2019 của Trung tâm pháp y tỉnh Nghệ An kết luận:

- Bỏng lửa xăng độ I, II, III ở phía sau cả hai chân chiếm 15% diện tích cơ thể đã được điều trị ổn định không có di chứng tổn thương thần kinh và vận động khớp.

Sẹo vùng gót chân phải có nhiều chỗ lồi lõm xơ cứng nhẹ, màu nâu sẫm.

- Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là: 15% (mười lăm phần trăm).

Với nội dung trên, tại Bản án hình sư sơ thẩm số 104/2020/HS-ST ngày 11/8/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã quyết định:

- Áp dụng khoản 4 Điều 178; điểm đ khoản 2 Điều 134; điểm d, g khoản 1 Điều 52; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 55; Điều 58 Bộ luật Hình sự;

xử phạt bị cáo Trần Ngọc A 10 (mười) năm tù về tội “Hủy hoại tài sản”, 02 (hai) năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Tổng hợp hình phạt buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung cho cả 02 tội là 12 (mười hai) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt tạm giữ, tạm giam bị cáo (25/9/2019).

- Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 178; điểm b, s, t khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54; Điều 58 Bộ luật hình sự; xử phạt bị cáo Thái Bá C 08 (tám) tháng tù về tội “Hủy hoại tài sản”. Thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo thi hành án nhưng được trừ thời gian tạm giữ, tạm giam 19/9/2019 đến ngày 15/02/2020.

- Áp dụng khoản 1 Điều 390; điểm s, i khoản 1 Điều 51; Điều 36 Bộ luật hình sự; xử phạt bị cáo Cao E 09 (chín) tháng cải tạo không giam giữ về tội “Không tố giác tội phạm”, khấu trừ thời gian tạm giữ từ ngày 25/9/2019 đến ngày 04/10/2019, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt 08 (tám) tháng 03 (ba) ngày cải tạo không giam giữ. Giao bị cáo Cao E cho UBND xã C1, huyện C, tỉnh Nghệ An giám sát, giáo dục. Gia đình bị cáo E có trách nhiệm phối hợp với UBND xã C1 trong việc giám sát, giáo dục bị cáo. Thời gian cải tạo không giam giữ tính từ ngày UBND xã C1 nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án. Miễn khấu trừ thu nhập cho bị cáo Cao E nhưng buộc bị cáo E phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ công cộng trong thời gian cải tạo không giam giữ.

Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 48 Bộ luật hình sự; Điều 589; Điều 590 Bộ luật dân sự;

Buộc bị cáo Trần Ngọc A phải bồi thường cho bà Đinh Thị B tổng số tiền là 609.922.000đ, nhưng được trừ 20.000.000đ bị cáo A đã bồi thường, bị cáo A còn phải bồi thường 589.142.000đ.

Buộc bị cáo Thái Bá C phải bồi thường thiệt hại số tiền 2.500.000đ cho bà Đinh Thị B, số tiền này bị cáo đã tự nguyện nộp tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An theo biên lai thu tiền số 0000493 ngày 10/8/2020.

Ngoài ra bản án còn buộc bị cáo Trần Ngọc A phải bồi thường cho bà D15 số tiền 15.500.000đ và bà D13 số tiền 24.000.000đ; bản án còn truy thu số tiền thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, buộc nghĩa vụ chịu án phí và tuyên quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật; sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 16/8/2020 bị cáo Trần Ngọc A có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt; ngày 25/8/2020 đại diện hợp pháp cho bị hại B có đơn kháng cáo đề nghị tăng hình phạt đối với 03 bị cáo, tăng mức bồi thường và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Tại phiên tòa, những người kháng cáo giữ nguyên kháng cáo và trình bày:

- Bị cáo Trần Ngọc A trình bày: Thừa nhận hành vi phạm tội của mình như bản án sơ thẩm đã quy kết, nhưng với mức hình phạt như bản án sơ thẩm đối với bị cáo là quá cao. Bởi vì, ngoài những tài sản bị thiệt hại do bị cháy bị cáo chấp nhận giá trị theo kết quả định giá, nhưng với số tiền mặt 57.000.000đ là không có căn cứ, vì căn cứ kết luận giám định thì không thu giữ được tro của tiền, quá trình điều tra bị hại lúc đầu khai số tiền ít hơn nhưng sau đó lại khai số tiền là 57.000.000, bị hại cũng không cung cấp được chứng cứ gì để chứng minh là có số tiền này, nên không có căn cứ quy kết đối với số tiền mặt này. Do đó, bị cáo bị xét xử theo khoản 4 Điều 178 Bộ luật hình sự là không có căn cứ, mà theo bị cáo thì mình chỉ phạm tội theo khoản 3 Điều 178 Bộ luật hình sự. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Đối với trách nhiệm dân sự đề nghị không buộc bị cáo phải bồi thường số tiền 57.000.000đ.

- Bị cáo Cao E trình bày: Bị cáo thừa nhận hình vi phạm tội của mình như bản án sơ thẩm đã kết luận, hôm đó bị cáo chỉ biết là Trần Ngọc A nhờ bị cáo chở đi có việc, nhưng không nói đi đâu và làm gì; sau khi A thực hiện hành vi phạm tội xong bị cáo chở A về thì mới biết A đã đốt quán Chị B.

- Người đại diện hợp pháp cho bị hại có kháng cáo trình bày: Bị cáo A mặc dù không quen biết Chị B, nhưng khi có người thuê thì đã nhiều lần hủy hoại tài sản của B dẫn đến gây thương tích cho bị hại; quá trình điều tra và tại các phiên tòa bị cáo khai báo chưa thành khẩn, ngoài số tiền chi phí lúc Chị B điều trị thì bị cáo chưa khắc phục thêm được số tiền nào, nên bị cáo không được hưởng các tình tiết giảm nhẹ. Ngoài ra, hành vi của bị cáo Cao E là đồng phạm với Trần Ngọc A, Tòa án sơ thẩm chỉ xử phạt bị cáo C 08 tháng tù và bị cáo E 09 tháng cải tạo không giam giữ là quá thấp, không tương xứng với hành vi phạm tội của các bị cáo. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử tăng hình phạt đối với cả ba bị cáo. Hơn nữa, ngoài 03 bị cáo thì có anh Ngô Trí H3 (con bà H, người thuê bị cáo A) là người đã đưa cho A số tiền 10.000.000đ nhưng cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét để xử lý đối với Ngô Trí H3 là bỏ lọt tội phạm; đề nghị Hội đồng xét xử xem xét.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội phát biểu quan điểm:

Sau khi phân tích, đánh giá hành vi phạm tội của các bị cáo thấy cấp sơ thẩm xét xử, quy kết các bị cáo về tội danh như Bản án sơ thẩm là có căn cứ, đúng pháp luật. Về hình phạt đối với bị cáo C, E cấp sơ thẩm đã xem xét, đánh giá đúng tính chất hành vi phạm tội của cả hai bị cáo, đã xem xét đầy đủ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nên đã xử phạt cả hai bị cáo mức án như bản án sơ thẩm là phù hợp, tại cấp phúc thẩm không có thêm tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ nào mới nên không có căn cứ tăng hình phạt đối với bị cáo C và E.

Đối với bị cáo A, bị cáo phạm tội nhiều lần, là người chủ mưu cầm đầu nhưng cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo 10 năm tù là mức khởi điểm của khung hình phạt là thấp, sau khi xét xử sơ thẩm bị cáo A không bồi thường thêm được số tiền nào cho bị hại, nên có căn cứ chấp nhận kháng cáo đối với người đại diện hợp pháp của bị hại về tăng hình phạt đối với bị cáo A về tội “Hủy hoại tài sản”, còn tội “Cố ý gây thương tích” thì mức hình phạt 02 năm tù là có căn cứ, nên không có căn cứ tăng, hoặc giảm hình phạt đối với bị cáo A.

Đối với kháng cáo tăng mức bồi thường của bị hại: Cấp sơ thẩm đã xem xét đầy đủ các yêu cầu của bị hại, nên không có căn cứ chấp nhận tăng mức bồi thường dân sự.

Đối với kháng cáo cho rằng bỏ lọt tội phạm: Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa sơ thẩm đã làm rõ, không có đồng phạm khác; việc anh Ngô Trí H3 đưa tiền cho Trần Ngọc A là việc vay nợ, không có căn cứ chứng minh đó là tiền thuê bị cáo A đốt quán bị hại.

Vì vậy, đề nghị căn cứ Điều 355; Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự, chấp nhận một phần kháng cáo của bị hại về tăng hình phạt đối với bị cáo A về tội “Hủy hoại tài sản”; không chấp nhận các kháng cáo của bị cáo Trần Ngọc A và bị hại.

Người bào bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho bị hại trình bày:

Bị cáo A phải bị quy kết về tội “Giết người” vì bị cáo ném xăng vào quán Chị B khi đang có người ở trong quán; hơn nữa có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm vì lúc đầu thú bị cáo A khai nhận có gặp trao đổi với một người đàn ông tại đường N5, người này đã nhiều lần đưa tiền cho A, hơn nữa anh Ngô Trí H3 là người đã đưa cho bị cáo A số tiền 10.000.000đ, đây có khả năng là tiền trả tiền công cho bị cáo A, nhưng cấp sơ thẩm chưa điều tra, làm rõ nội dung này. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án để điều tra, xét xử lại theo hướng quy kết các bị cáo tội “Giết người”. Nếu Hội đồng xét xử không chấp nhận hủy bản án sơ thẩm thì tăng hình phạt đối với các bị cáo.

Đối với trách nhiệm dân sự: Mặc dù kết quả định giá xác định bị hại B thiệt hại hơn 500.000.000đ, nhưng thực tế Chị B bị thiệt hại nhiều hơn so với kết quả định giá, nên đề nghị buộc bị cáo B phải bồi thường cho Chị B tổng số tiền bị thiệt hại là 823.328.000đ.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, bị cáo và người bào chữa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng: Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Thái Bá C vắng mặt không có lý do mặc dù đã được Tòa án triệu tập hợp lệ; đây là phiên tòa được mở lần thứ ba, những lần trước bị cáo C đều vắng mặt, Hội đồng xét xử thấy việc vắng mặt của bị cáo C không ảnh hưởng đến việc xét xử. Bị cáo A cho rằng mình tự bào chữa tại phiên tòa được, nên đã từ chối người bào chữa. Do đó, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt bị cáo C và vắng mặt người bào chữa cho bị cáo A.

[2] Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo Trần Ngọc A, Cao E khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như bản án sơ thẩm đã quy kết. Tuy nhiên, bị cáo A cho rằng việc gây thương tích cho bà B là không có chủ ý, nhưng bị cáo thừa nhận thương tích bà B là do hành vi của bị cáo gây ra; đối chiếu lời khai của các bị cáo tại phiên tòa hôm nay thấy phù hợp với lời khai trong quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, phù hợp với lời khai của bị hại; phù hợp với các chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án; đặc biệt là các kết luận giám định. Vì vậy, đã có đủ căn cứ kết luận: Do có người thuê bị cáo A nên khoảng 14 giờ ngày 20/6/2019 bị cáo A, bị cáo C đã gặp bà B tại quán của bà B; A đã dùng tay đánh bà B 02 nhát, bà B bỏ chạy; đến khoảng 03 giờ ngày 30/6/2019, bị cáo A chuẩn bị 02 túi quần áo cũ, 01 can đựng 02 lít xăng, 01 can đựng 1,5 lít dầu hỏa, 02 bình ga mini cùng với bị cáo C đến đốt cách trước quán bà B 1,5m làm cháy toàn bộ 01 mắt camera, 02 cánh cửa kính và 02 bóng đèn; làm thiệt hại tổng giá trị là 4.720.000đ. Do thiệt hại chưa lớn, nên khoảng 19 giờ 30 ngày 19/7/2019, bị cáo A tiếp tục chuẩn bị 01 can nhựa 2,5 lít xăng, 04 bình ga mini, 01 đoạn dây dù nhờ Cao E chở đến quán bà B; khi đến nơi, A xuống xe mang theo can xăng, buộc sẵn dây dù ở miệng can và các bình ga được dán xung quanh can xăng và châm lửa đốt, rồi ném can xăng vào trước cửa quán bà B; lúc này bà B vừa đi ra nên lửa cháy vào 02 chân, bà B chạy vào nhà tắm nhảy vào chậu nước dập lửa, sau cùng con gái là Hoàng Linh B1 và bà Trần Thị D15 chạy theo cửa sau thoát ra ngoài. Hậu quả làm cháy 01 căn nhà cấp 4 diện tích 31,5m2, 01 căn nhà cấp 4 diện tích 22,5m2, 01 máy bơm nước, 02 xe máy, toàn bộ hàng tạp hóa, đồ dùng sinh hoạt có trong cửa hàng và số tiền mặt là 57.000.000đ. Tổng thiệt hại tài sản và tiền mặt là 529.540.000đ; ngoài ra bà B còn bị tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 15%. Hình vi đó của bị cáo Trần Ngọc A và bị cáo Thái Bá C đã đủ yếu tố cấu thành tội “Hủy hoại tài sản”; bị cáo Trần Ngọc A còn phạm thêm tội “Cố ý gây thương tích”. Mặc dù giá trị tài sản bị hủy hoại theo kết quả định giá là 472.540.000đ, nhưng ngoài ra do hành vi phạm tội của bị cáo A nên bà B còn thiệt hại thêm 57.000.000đ tiền mặt; tuy bị cáo cho rằng không có căn cứ để xác định thiệt hại đối với số tiền mặt này, nhưng quán Chị B là nơi vừa sinh sống, vừa kinh doanh buôn bán nhiều mặt hàng, nên việc có số tiền mặt dự trữ để lưu thông trong quá trình kinh doanh, cũng như thu được từ việc bán hàng hàng ngày là cần thiết, có căn cứ, nên bị cáo phải chịu toàn bộ thiệt hại do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra. Đối với thương tích của bà B là do chính hành vi của bị cáo gây ra, bị cáo cho rằng bị cáo không cố ý, nhưng khi thực hiện hành vi buộc bị cáo phải nhận thức được tính nguy hiểm do hành vi phạm tội của mình có thể gây thương tích, hoặc dẫn đến chết người; do quán bán hàng của bà B còn có lối thoát ở phía sau nên những người ở trong quán có thể thoát ra ngoài bằng cửa sau, nên không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng thương tích của bà B do chính bị cáo gây ra, nên bị cáo phải chịu trách nhiệm đối với hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra. Vì vậy, cấp sơ thẩm quy kết, xét xử bị cáo A theo khoản 4 Điều 178 và điểm đ khoản 2 Điều 134; bị cáo C theo điểm d khoản 2 Điều 178 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật, các bị cáo không bị oan.

Đối với bị cáo Cao E tuy có chở bị cáo A đi, nhưng khi đi A không cho E biết được đi làm việc gì, hai bị cáo cũng không bàn bạc gì với nhau cũng như không có hứa hẹn trước; quá trình đốt quán bà B cũng chỉ mình bị cáo A thực hiện, bị cáo E đứng từ xa chờ A và chở A về. Do đó, không có cơ sở quy kết bị cáo E có vai trò đồng phạm đối với bị cáo A; nhưng bị cáo biết được việc bị cáo A thực hiện hành vi phạm tội, nên cấp sơ thẩm quy kết, xét xử bị cáo về tội “Không tố giác tội phạm” theo khoản 1 Điều 390 Bộ luật hình sự là có căn cứ.

[3] Xét kháng cáo của bị cáo Trần Ngọc A đề nghị giảm hình phạt, cũng như kháng cáo của bị hại đề nghị tăng hình phạt đối với các bị cáo, thấy: Hội đồng xét xử đồng tình với nhận định của Tòa án cấp sơ thẩm là: Mặc dù không quen biết, mâu thuẫn gì với bà B, nhưng khi có người thuê đe dọa bị cáo A đã hai lần thực hiện việc dùng xăng, dầu, bình ga đốt quán bà B; bị cáo A còn rủ rê, lôi kéo C cùng thực hiện tội phạm, quá trình thực hiện chính bị cáo là người ra tay thực hiện tích cực, nên xác định bị cáo là kẻ chủ mưu, cầm đầu, người thực hành. Bị cáo C khi nghe A rũ rê mặc dù nhận thức được việc làm là vi phạm pháp luật nhưng không những không can ngăn, ngược lại đồng tình ủng hộ, điều khiển xe máy chở A đi và trong lần phạm tội đầu chính bị cáo đã giúp A rải quần áo cũ, đổ xăng, dầu vào quần áo để A đốt quán. Khi xét xử, cấp sơ thẩm đã xem xét, đánh giá đúng tính chất hành vi phạm tội của từng bị cáo, đã phân hóa đúng vai trò của bị cáo cũng như xem xét đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với cả hai bị cáo nên đã xử phạt cả hai bị cáo mức án như bản án sơ thẩm là có căn cứ. Tại cấp phúc thẩm không có thêm tình tiết gì mới nên không có căn cứ tăng nặng, giảm nhẹ hình phạt đối với cả hai bị cáo.

[4] Đối với bị cáo Cao E, như đã phân tích trên thì bị cáo không đồng phạm với bị cáo A, nên kháng cáo về nội dung này của bà B không có căn cứ chấp nhận, đối với việc tăng hình phạt đối với bị cáo, khi xét xử sơ thẩm Tòa án cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất phạm tội của bị cáo, đã xem xét đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo, sau khi xét xử sơ thẩm bị cáo không kháng cáo. Mặc dù bị hại B kháng cáo đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo nhưng bị cáo phạm tội “Không tố giác tội phạm” khách thể của tội này là xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm, không trực tiếp xâm phạm đến quyền lợi ích hợp pháp của bà B, nên bà B không có quyền kháng cáo về nội dung này. Hơn nữa, tại cấp phúc thẩm không có thêm tình tiết gì mới nên không có căn cứ tăng hình phạt đối với bị cáo.

[5] Đối với kháng cáo của bị hại B về việc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm là anh Ngô Trí H3, con trai bà H (là người hiện đang ở Đài Loan, trung Quốc), thấy: Quá trình điều tra, cũng như tại phiên tòa sơ thẩm bị cáo A khai người phụ nữ tên H thuê bị cáo đe dọa bà B, nhưng bị cáo cũng không biết được lai lịch cụ thể của người phụ nữ này, nên chưa đủ căn cứ để khẳng định bà H thuê A. Đối với việc Ngô Trí H3 đưa cho bị cáo A 10.000.000đ, bị cáo chỉ thừa nhận là tiền vay nợ, không liên quan đến hành vi phạm tội, ngoài ra không có chứng cứ nào để chứng minh Ngô Trí H3 liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo A, nên chưa đủ căn cứ để xử lý; Cơ quan Điều tra Công an tỉnh Nghệ An đang tiếp tục điều tra, làm rõ khi có căn cứ sẽ xử lý. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị hại Đinh Thị B cũng không cung cấp được thêm chứng cứ gì, nên không có căn cứ để xử lý. Tuy nhiên, nếu bà B có căn cứ tiếp tục tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền để tiếp tục điều tra xử lý. Do đó, kháng cáo của đại diện theo ủy quyền của bà B không có căn cứ chấp nhận.

[6] Đối với kháng cáo của đại diện theo ủy quyền của bà B về tăng mức bồi thường dân sự, thấy: Tại cấp sơ thẩm, bà B yêu cầu bồi thường tổng thiệt hại là 684.500.000đ nhưng không xuất trình được căn cứ để chứng minh giá trị thiệt hại. Hơn nữa, căn cứ kết quả định giá của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự thì tổng thiệt hại của bà B trong 02 ngày (30/6 và 19/7/2019) là 415.760.000đ và số tiền mặt 57.000.000đ, tổng là 472.760.000đ, nên cấp sơ thẩm buộc các bị cáo bồi thường tổng số tiền trên là giá trị tài sản bị thiệt hại cho bà B là có căn cứ. Đối với số tiền cấp cứu, cứu chữa, cũng như tổn thất về tinh thần, bà B yêu cầu tổng là 138.882.000đ, tại phiên tòa sơ thẩm bị cáo nhất trí bồi thường toàn bộ số tiền này, nên cấp sơ thẩm đã chấp nhận toàn bộ chi phí cấp cứu, cứu chữa và tổn thất về tinh thần cho bà B là có căn cứ. Như vậy, cấp sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu, buộc các bị cáo phải bồi thường cho bà B tổng số tiền 611.642.000đ là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật; tại cấp phúc thẩm đại diện theo ủy quyền cho bà B yêu cầu buộc các bị cáo phải bồi thường cho bà B tổng số tiền là 823.328.000đ, nhưng không xuất trình thêm tài liệu, chứng cứ gì mới chứng minh cho yêu cầu của mình nên cấp phúc thẩm không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của phía bà B.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đề nghị không chấp nhận kháng cáo của bị cáo A, kháng cáo của đại diện theo ủy quyền cho bà B về bỏ lọt tội phạm, về tăng hình phạt của bị cáo C và E, về tăng mức bồi thường dân sự, giữ nguyên Bản án sơ thẩm đối với hình phạt của bị cáo C, E cũng như mức bồi thường dân sự là có căn cứ.

[7] Về án phí: Bị cáo A không được chấp nhận kháng cáo nên phải chịu án phí phúc thẩm, bà B không phải chịu án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

[8] Các quyết định khác không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự; không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Trần Ngọc A và kháng cáo của bị hại Đinh Thị B do ông Đinh Bạt V làm đại diện; giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 104/2020/HS-ST ngày 11/8/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An;

Áp dụng khoản 4 Điều 178; điểm đ khoản 2 Điều 134 BLHS; điểm d, g khoản 1 Điều 52; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 55; Điều 58 Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo Trần Ngọc A 10 (Mười) năm tù về tội “Hủy hoại tài sản”, 02 (Hai) năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Tổng hợp hình phạt buộc bị cáo phải chấp hành chung 2 tội là 12 (Mười hai) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt tạm giữ, tạm giam (25/9/2019).

Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 178; điểm b, s, t khoản 1, 2 Điều 51; Điều 54; Điều 58 Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo Thái Bá C 08 (Tám) tháng tù về tội “Hủy hoại tài sản”. Thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo thi hành án nhưng được trừ thời gian tạm giữ, tạm giam từ 19/9/2019 đến ngày 15/02/2020.

Áp dụng khoản 1 Điều 390; điểm s, i khoản 1Điều 51; Điều 36 Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo Cao E 09 (Chín) tháng cải tạo không giam giữ về tội “Không tố giác tội phạm”, khấu trừ thời gian tạm giữ từ ngày 25/9/2019 đến 04/10/2019, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt 08 (tám) tháng 03 (ba) ngày cải tạo không giam giữ. Giao bị cáo Cao E cho UBND xã C1, huyện C, tỉnh Nghệ An giám sát, giáo dục. Gia đình bị cáo E có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân xã C1 trong việc giám sát giáo dục bị cáo. Thời hạn cải tạo không giam giữ tính từ ngày Ủy ban nhân dân xã C1 nhận được Quyết định thi hành án và bản sao bản án có hiệu lực pháp luật. Miễn khấu trừ thu nhập cho bị cáo Cao E nhưng buộc bị cáo E phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ.

Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 48 Bộ luật hình sự; Điều 589, 590 Bộ luật dân sự;

Buộc bị cáo Trần Ngọc A phải bồi thường cho bà Đinh Thị B tổng số tiền là 609.142.000đ (Sáu trăm linh chín triệu, một trăm bốn mươi hai ngàn đồng) nhưng được trừ đi 20.000.000 đồng bị cáo đã bồi thường, bị cáo A còn phải bồi thường 589.142.000đ (năm trăm tám mươi chín triệu, một trăm bốn hai ngàn đồng).

Buộc bị cáo Thái Bá C bồi thường thiệt hại với số tiền 2.500.000 đồng (hai triệu năm trăm ngàn đồng) cho bà Đinh Thị B, số tiền này bị cáo đã tự nguyện nộp tại Cục thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An theo Biên lai thu tiền số 0000493 ngày 10/8/2020.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật người được quyền yêu cầu thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án thì người phải thi hành án phải thi hành, nếu không thi hành còn phải chịu lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định tương ứng với thời gian và số tiền chưa thi hành án.

Trường hợp Bản án được thi hành theo quy định tại điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Về án phí: Bị cáo Trần Ngọc A phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm, bà B không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm số 104/2020/HS-ST ngày 11/8/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

427
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tội hủy hoại tài sản số 436/2021/HS-PT

Số hiệu:436/2021/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 11/10/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;