Bản án về tội hủy hoại rừng số 95/2021/HS-ST

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN EA H’LEO, TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 95/2021/HS-ST NGÀY 27/12/2021 VỀ TỘI HỦY HOẠI RỪNG

Ngày 27/12/2021 tại Phòng xử án - Tòa án nhân dân huyện Ea H’Leo mở phiên toà xét xử công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 93/2021/TLST-HS ngày 03/11/2021, theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 101/2021/QĐST-HS ngày 15/11/2021 và các quyết định hoãn phiên tòa số 49/2021/QĐST-HS ngày 30/11/2021, số 51/2021/QĐST- HS ngày 16/12/2021đối với bị cáo:

Họ và tên: Ksơr Pr (Tên gọi khác: Ma H Nh); sinh năm 1990 tại tỉnh Đăk Lăk; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở hiện nay: Buôn Chư, xã B, thị xã A, tỉnh Gia Lai; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn: 6/12; giới tính: Nam; dân tộc: Ja Rai; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nay Bo, sinh năm 1940 và bà Ksơr H’Kh, sinh năm 1946; có vợ Nay H’L, sinh năm 1991 và 02 con, con lớn sinh năm 2010, con nhỏ sinh năm 2018; tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo được Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Ea H’Leo áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, bị cáo có mặt tại phiên toà.

- Nguyên đơn dân sự: UBND tỉnh Đăk Lăk.

Đại diện: Ông Phạm Ngọc Ngh - Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk.

Đại diện theo ủy quyền: Ông Kiều Thanh H – Phó chi cục trưởng - Chi cục kiểm lâm tỉnh Đăk Lăk, theo văn bản ủy quyền ngày 29/11/2021. Có đơn xin xét xử vắng mặt.

- Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

Công ty cổ phần đầu tư – Xuất nhập khẩu Phước Thành.

Đại diện theo pháp luật: Ông Trương Quang Ph – Tổng giám đốc.

Địa chỉ: Số 11 NO, phường X, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. Trụ sở công ty: Buôn T, xã E, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đăk Lăk;

Đại diện theo ủy quyền: Ông Quách Thiện T.

Địa chỉ: Tổ dân phố 5, phường T, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk; vắng mặt.

- Người làm chứng:

Chị Nay H’L, sinh năm 1991; địa chỉ: Buôn C A, xã C, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai; có mặt.

Anh Ksơr T, sinh năm 1992; địa chỉ: Buôn Chăm, xã E, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đăk Lăk; có mặt.

Anh Ksơr Ph, sinh năm 1992; địa chỉ: Buôn C A, xã C, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai; có mặt.

Chị Nay H’B, sinh năm 1995; địa chỉ: Buôn C A, xã C, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai; có mặt.

Ông Ksơr Nh, sinh năm 1978; địa chỉ: Buôn C B, xã C, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai; vắng mặt.

Chị Ksơr M, sinh năm 1979; địa chỉ: Buôn Chăm, xã E, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đăk Lăk; có mặt.

Ông Ksơr Pho, sinh năm 1979; địa chỉ: Buôn T, xã E, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đăk Lăk; vắng mặt.

Ông Lê Đỗ Thanh B, sinh năm 1983; địa chỉ: Số 53/77 G, phường T, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk; có mặt.

Ông Nguyễn Văn Ch, sinh năm 1966; địa chỉ: Thôn Thái, xã E, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đăk Lăk; vắng mặt.

Ông Nguyễn Văn Ng, sinh năm 1964; địa chỉ: Buôn Bung, xã E, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đăk Lăk; vắng mặt.

Ông Đinh Tiến H, sinh năm 1964; địa chỉ: Tổ dân phố 8, thị trấn E, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đăk Lăk; vắng mặt.

Người phiên dịch: Ông Y N Ksơr; có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu Phước Thành (gọi tắt là Công ty Phước Thành) được Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk cho thuê đất và rừng tại xã E, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk, theo Quyết định số 656/QĐ-UBND ngày 19/3/2015 của UBND tỉnh Đắk Lắk và Hợp đồng thuê đất, thuê rừng ngày 14/7/2016 với diện tích đất 7.300.000 m2, trong đó diện tích rừng là 3.941.000 m2, mục đích sử dụng rừng sản xuất, tại Tiểu khu 23 và 40, xã E, huyện Ea H’Leo.

Vào năm 2015, Ksơr Pr có thời gian làm công nhân tại Công ty Phước Thành sau đó nghỉ việc; đến cuối tháng 12 năm 2020, Ksơr Pr nảy sinh ý định chặt phá rừng của Công ty Phước Thành làm nương rẫy nên Ksơr Pr nói với Nay H’L (vợ của Ksơr Pr, sinh năm 1991, trú tại buôn Chư, xã B, thị xã A, tỉnh Gia Lai); Ksơr T (em trai của Ksơr Pr, sinh năm 1992, trú tại buôn Chăm, xã E, huyện Ea H’Leo); Ksơr Ph (sinh năm 1992), Nay H’B (vợ của Ksơr Ph, sinh năm 1995), Ksơr Nh (bố vợ của Ksơr T, sinh năm 1978), cùng trú tại buôn C A, xã C, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai; thỏa thuận về việc đi làm rẫy đổi công cho nhau; Ksơr Pr nói với những người trên là đi làm đổi công tại rẫy của gia đình Ksơr Pr tại buôn Chăm, xã E, huyện Ea H’Leo (rẫy của ông Nay B, là bố của Ksơr Pr) thì những người trên đồng ý; sau đó Ksơr Pr dẫn Nay H’L, Ksơr T, Ksơr Ph, Nay H’B, Ksơr Nh đến Lô 20g và Lô 32, Khoảnh 5, Tiểu khu 23 lâm phần do Công ty Phước Thành quản lý, thuộc địa giới hành chính xã E, huyện Ea H’Leo, dùng dao rựa chặt phá cây rừng trong thời gian 02 ngày để lấy đất làm nương rẫy. Đến ngày 28/02/2021, Ksơr Pr đến khu vực rừng trước đó đã chặt phá để tiến hành thu gom các cây khô thì bảo vệ của Công ty Phước Thành mời về làm việc, tại đây Ksơr Pr đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Quá trình điều tra xác định, gia đình ông Nay B có làm rẫy tại Khoảnh 5, Tiểu khu 23, xã E, huyện Ea H’Leo (nguồn gốc đất là do ông Nay B khai hoang từ khoảng năm 1996, Công ty Phước Thành đã yêu cầu giao lại đất nhưng hiện nay gia đình ông Nay B vẫn đang canh tác) giáp ranh với khu vực đất rừng bị chặt phá do Công ty Phước Thành quản lý; ông Nay B già yếu nên để lại rẫy cho con gái là Ksơr M (chị gái của Ksơr Pr, sinh năm 1979; trú tại buôn Chăm, xã E, huyện Ea H’Leo) canh tác.

Tại biên bản khám nghiệm hiện trường do Cơ quan Cảnh sát điều tra công an huyện Ea H’Leo lập vào hồi 9 giờ 00 phút ngày 05/02/2021, xác định: Vụ hủy hoại rừng xảy ra tại Lô 20g và Lô 32, Khoảnh 5, Tiểu khu 23 do Công ty Cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu Phước Thành quản lý, thuộc địa giới hành chính xã E, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk; các cây rừng bị chặt phá bằng vật cứng, có cạnh sắc; cách mặt đất từ 0,6m đến 0,8m; chiều dài của các thân cây bị chặt gãy xuống mặt đất ngắn nhất 3m, dài nhất 5m; đường kính phần gốc các cây bị chặt phá nhỏ nhất 06cm, lớn nhất 10cm; khoảng cách trung bình từ cây này đến cây khác là 2m; tổng diện tích rừng bị phá là 9.470 m2..

Ngày 03/3/2021, Hạt Kiểm lâm Ea H’Leo - Krông Búk ra Quyết định trưng cầu giám định số 19/QĐ-TCGĐ đến Hội đồng giám định thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk và Trường Đại học Tây Nguyên, giám định thiệt hại về Diện tích, Trạng thái rừng, Loại rừng, Khối lượng lâm sản.

Tại Bản kết luận giám định ngày 17/3/2021, của Tổ giám định thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk và Trường Đại học Tây Nguyên, kết luận: Tổng diện tích rừng bị phá là 9.470 m2 (0,947 ha); Khu rừng bị phá thuộc Lô 20g và Lô 32, Khoảnh 5, Tiểu khu 23 do Công ty Cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu Phước Thành quản lý; mục đích sử dụng là Rừng sản xuất; nguồn gốc hình thành là Rừng tự nhiên; trạng thái Rừng rụng lá nghèo; trữ lượng lâm sản bị thiệt hại đối với toàn bộ diện tích rừng bị phá là 7,017 m3; mức độ thiệt hại là 100%.

Quá trình điều tra, Hạt Kiểm lâm Ea H’Leo - Krông Búk đã tiến hành thu gom vật chứng là cây rừng bị chặt hạ còn sót lại gồm: 127 lóng cây, khối lượng 2,315m3.

Tại bản kết luận định giá tài sản số 385 ngày 07/7/2021 của Hội đồng định giá tài sản huyện Ea H’Leo, kết luận: Trữ lượng lâm sản bị thiệt hại đối với toàn bộ diện tích rừng bị phá 7,017 m3 trị giá 27.285.000 đồng; khối lượng 2,315m3 lóng cây thu gom trị giá 9.425.000 đồng; không xác định được giá trị thiệt hại về môi trường.

Tại phiên tòa Kiểm sát viên giữ nguyên nội dung tại bản cáo trạng số 91/CT-VKS, ngày 02/11/2021 truy tố bị cáo Ksơr Pr về tội “Hủy hoại rừng” theo điểm b khoản 1 Điều 243 Bộ luật hình sự. Đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử:

Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 243; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự.

Xử phạt: Bị cáo Ksơr Pr mức án từ 02 năm đến 02 năm 06 tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

Về xử lý vật chứng: Cần tịch thu tiêu hủy: 01 dao rựa có đặc điểm dài 50,5 cm; phần cán dao bằng tre, màu vàng có chiều dài 26,5 cm; phần lưỡi dao bằng kim loại có móc cong, dài 24 cm; 01 dao rựa có chiều dài 51,5 cm; phần cán dao bằng tre, màu đen có chiều dài 28,5cm; phần lưỡi dao bằng kim loại có móc cong, dài 23 cm; 01 dao rựa dài 52,9 cm; phần cán dao bằng tre, màu vàng, có chiều dài 32 cm; phần lưỡi dao bằng kim loại có móc cong, dài 20,9 cm; 01 dao rựa có chiều dài 59 cm; phần cán dao bằng tre, màu nâu có chiều dài 35 cm; phần lưỡi dao bằng kim loại có móc cong, dài 24 cm;

01 dao rựa có chiều dài 59 cm; phần cán dao bằng tre, màu vàng có chiều dài 31,5 cm; phần lưỡi dao bằng kim loại có móc cong, chiều dài 27,5 cm; 01 dao rựa có chiều dài 58 cm; phần cán dao bằng tre, màu vàng có chiều dài 34,5 cm; phần lưỡi dao bằng kim loại có móc cong, dài 23,5 cm; đây là những công cụ dùng để chặt phá rừng do Ksơr Pr giao nộp.

Cần tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước 127 lóng cây, khối lượng 2,315m3 tận thu còn sót lại.

Về trách nhiệm dân sự: Cần buộc Ksơr Pr phải bồi thường cho Nhà nước số tiền 17.860.000 đồng là giá trị rừng bị thiệt hại sung vào ngân sách Nhà nước (đã được khấu trừ 9.425.000 đồng, giá trị số lóng cây được thu gom).

Bị cáo không có ý kiến gì về quyết định truy tố của Viện kiểm sát và không tranh luận gì với lời luận tội của đại diện Viện kiểm sát.

Bị cáo nói lời sau cùng: Bị cáo đã biết được việc làm của bị cáo là sai trái, bị cáo xin Hội đồng xét xử xử cho bị cáo mức án thấp nhất để bị cáo có điều kiện làm người công dân tốt.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1]. Về tố tụng: Quá trình điều tra, tại phiên tòa, các bị cáo và những người tham gia tố tụng khác không có ai có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2]. Về nội dung: Cuối tháng 12 năm 2020, Ksơr Pr nảy sinh ý định chặt phá rừng do Công ty Phước Thành quản lý lấy đất làm nương rẫy nên Ksơr Pr nói với Nay H’L; Ksơr T; Ksơr Ph; Nay H’B; Ksơr Nh thỏa thuận về việc đi làm rẫy đổi công tại rẫy của gia đình Ksơr Pr tại buôn Chăm, xã E, huyện Ea H’Leo (rẫy của ông Nay B, là bố của Ksơr Pr) thì những người trên đồng ý. Sau đó Ksơr Pr dẫn Nay H’L, Ksơr T, Ksơr Ph, Nay H’B, Ksơr Nh đến Lô 20g và Lô 32, Khoảnh 5, Tiểu khu 23 lâm phần do Công ty Phước Thành quản lý, thuộc địa giới hành chính xã E, huyện Ea H’Leo, dùng dao rựa chặt phá cây rừng trong thời gian 02 ngày. Đến ngày 28/02/2021, Ksơr Prel đến khu vực rừng trước đó đã chặt phá để tiến hành thu gom các cây khô thì bảo vệ của Công ty Phước Thành mời về làm việc, tại đây Ksơr Pr đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Xét hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm quy định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái rừng. Trước khi phạm tội bị cáo có thời gian làm công nhân tại Công ty Phước Thành sau đó nghỉ việc, nên bị cáo có đầy đủ nhận thức để biết được việc chặt phá rừng trái phép là vi phạm pháp luật. Thế nhưng, do ý thức coi thường pháp luật nên bị cáo vẫn cố ý thực hiện. Do đó, quyết định truy tố của viện kiểm sát nhân dân huyện Ea H’Leo đối với bị cáo về tội “Hủy hoại rừng” theo điểm b khoản 1 Điều 243 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tại Điều luật này quy định:

“1. Người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

b) Rừng sản xuất có diện tích từ 5.000 mét vuông (m2) đến dưới 10.000 mét vuông (m2)…” Hành vi của bị cáo đã gây ảnh hưởng cho Nhà Nước về quản lý tài nguyên thiên nhiên rừng, nhưng chỉ vì mục đích lấy đất làm nương rẫy, xây dựng kinh tế gia đình mà bị cáo đã bất chấp quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Vì vậy, cần xử phạt bị cáo mức hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ, hành vi phạm tội do bị cáo gây ra, ngoài ra còn có tác dụng răn đe, phòng ngừa chung.

Tuy nhiên, trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự, là người đồng bào dân tộc thiểu số, nên nhận thức pháp luật còn có phần hạn chế; bị cáo có điều kiện hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Mặt khác, diện tích đất rừng bị cáo chặt phá là do ông Nay B (là bố của bị cáo khai hoang năm 1996 để làm nương rẫy) nhưng sau đó ông Nay B không làm nữa. Sau khi về sống bên gia đình vợ không có đất canh tác bị cáo nghĩ đất này là của gia đình bỏ hoang trước đây nên vào khai phá để lấy đất làm hoa màu. Đây là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại các điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự.

[3]. Về hình phạt bổ sung: Xét thấy bị cáo là người đồng bào dân tộc thiểu số, nghề nghiệp làm nông, thu nhập không ổn định, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Do đó không áp dụng hình phạt bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 243 Bộ luật hình sự đối với bị cáo.

[4]. Về phần diện tích 9.470 m2 (0,947 ha) rừng bị hủy hoại, hiện các cây tự nhiên bị chặt phát mọc lại, Công ty Phước Thành tiếp tục quản lý đúng thẩm quyền đã được Nhà nước giao theo quy định.

[5]. Cần kiến nghị UBND tỉnh Đăk Lăk xem xét trách nhiệm của Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu Phước Thành trong công tác quản lý, bảo vệ rừng khi được Nhà nước giao.

[6]. Đối với Nay H’L là vợ của Ksơr Pr, trong quá trình điều tra và tại phiên tòa đã trình bày, do Ksơr Pr nói là rẫy của ông Nay B, là bố của Ksơr Pr, là người đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, nhận thức hiểu biết pháp luật quá hạn chế, nên Nay H’L chỉ làm theo lời chồng sai bảo, mục đích là phát cây lấy đất làm hoa màu để xóa đói, giảm nghèo chứ không chủ động, không biết đây là rừng Nhà nước đã quy hoạch cấm chặt phát. Do đó, việc không xử lý hình sự đối với Nay H’L là có cơ sở để thể hiện tính nhân đạo của Nhà nước.

Đối với Ksơr T, Ksơr Ph, Nay H’B, Ksơr Nh, do Ksơr Pr nói đi đổi công làm rẫy cho nhau và đây là đất rẫy của ông Nay B, là bố của Ksơr Pr bỏ hoang, là người đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, nhận thức hiểu biết pháp luật quá hạn chế, không biết khu vực rừng do Công ty Phước Thành quản lý, nên không có căn cứ để xử lý.

[7]. Về xử lý vật chứng: Cần tịch thu tiêu hủy: 06 con dao rựa có đặc điểm mô tả lưu tại hồ sơ vụ án là công cụ dùng để chặt phá rừng do Ksơr Pr giao nộp.

Cần tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước 127 lóng cây, khối lượng 2,315m3 tận thu còn sót lại.

[8]. Về trách nhiệm dân sự: Buộc Ksơr Pr phải bồi thường cho Nhà nước số tiền 17.860.000 đồng là giá trị rừng bị thiệt hại sung vào ngân sách Nhà Nước (đã được khấu trừ 9.425.000 đồng là giá trị 127 lóng cây có khối lượng 2,315m3 tận thu còn sót lại).

[9]. Về án phí: Cần buộc bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên:

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

-Căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 243 Bộ luật hình sự.

Tuyên bố: Bị cáo Ksơr Pr phạm tội “Hủy hoại rừng”.

-Căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 243; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự.

Xử phạt: Bị cáo Ksơr Pr 02 (hai) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

Về xử lý vật chứng: Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 47 Bộ luật hình sự; khoản 2 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự.

Tịch thu tiêu hủy 06 con dao rựa có đặc điểm mô tả lưu tại hồ sơ vụ án là công cụ dùng để chặt phá rừng do Ksơr Pr giao nộp.

Tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước 127 lóng cây, khối lượng 2,315m3 tận thu còn sót lại.

(Vật chứng được mô tả tại biên bản giao nhận vật chứng lập ngày 29/11/2021 giữa Công an huyện Ea H’Leo và Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ea H’Leo).

Về trách nhiệm dân sự: Bị cáo Ksơr Pr phải bồi thường cho Nhà nước số tiền 17.860.000 đồng là giá trị rừng bị thiệt hại để sung vào ngân sách Nhà Nước (đã được khấu trừ 9.425.000 đồng là giá trị 127 lóng cây có khối lượng 2,315m3 tận thu còn sót lại).

Về án phí: Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí và lệ phí Tòa án.

Bị cáo Ksơr Pr phải chịu 200.000 đồng tiền án phí hình sự sơ thẩm và 893.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm.

Về quyền kháng cáo: Căn cứ vào khoản 1 Điều 331; khoản 1 Điều 333 Bộ luật tố tụng hình sự.

Bị cáo có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án. Nguyên đơn dân sự và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận hoặc bản án được niêm yết.

Trường hợp quyết định được thi hành theo quy định tại điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

16
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tội hủy hoại rừng số 95/2021/HS-ST

Số hiệu:95/2021/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Ea H'leo - Đăk Lăk
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 27/12/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;