Bản án về tội hủy hoại rừng số 16/2023/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BK

BẢN ÁN 16/2023/HS-PT NGÀY 30/06/2023 VỀ TỘI HỦY HOẠI RỪNG

Ngày 30/6/2023 tại Hội trường xét xử, Tòa án nhân dân tỉnh BK tiến hành xét xử công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 18/2023/TLPT-HS ngày 25 tháng 5 năm 2023 đối với bị cáo Lê Công A do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 15/2023/HS-ST ngày 21/4/2023 của Tòa án nhân dân huyện CĐ, tỉnh BK.

Bị cáo kháng cáo: Lê Công A (Tên gọi khác: Không), sinh ngày 01/01/1971 tại huyện KA, tỉnh HT; Nơi ĐKHKTT và chỗ ở hiện nay: Thôn NA, xã ĐL, huyện CĐ, tỉnh BK; Nghề nghiệp: Cán bộ hưu trí; trình độ văn hóa: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; Con ông Lê Công Tr và bà Lê Thị M; vợ: Nông Thị C; con: Có 01 con; tiền án, tiền sự: Không có; nhân thân: Không. Bị cáo tại ngoại, có mặt tại phiên tòa.

Nguyên đơn dân sự không liên quan đến kháng cáo, Tòa án không triệu tập.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Ngày 07/4/2022, Trạm kiểm lâm QB thuộc Hạt kiểm lâm huyện CĐ phối hợp với UBND xã ĐL tiến hành kiểm tra, phát hiện một phần diện tích rừng tại lô 23, 24 khoảnh 7, tiểu khu 260 khu rừng Phia Ngát thuộc thôn NA, xã ĐL, huyện CĐ, tỉnh BK do hộ gia đình ông Nông Văn C, sinh năm 1948, trú tại thôn NA, xã ĐL, huyện CĐ, tỉnh BK được Ủy ban nhân dân huyện CĐ giao khoán, bảo vệ theo hồ sơ giao đất lâm nghiệp số 5110 ngày 10/11/1996 bị phát phá trái phép toàn bộ các cây rừng tự nhiên. Qua đo đạc sơ bộ ban đầu xác định được tổng diện tích rừng bị phát phá tại lô 23, lô 24 là 37.887m2 (ba mươi tám nghìn tám trăm tám mươi bảy mét vuông) đều thuộc quy hoạch rừng phòng hộ, trạng thái rừng gỗ tự nhiên núi đất lá rộng thường xanh phục hồi (TXP). Qua xác minh ban đầu do Lê Công A phát phá trái phép vào khoảng tháng 4 năm 2021, với mục đích lấy mặt bằng để trồng cây mỡ.

Ngày 07/6/2022, Hạt kiểm lâm huyện CĐ đã tiến hành bàn giao toàn bộ hồ sơ vụ án cho Cơ quan CSĐT Công an huyện CĐ để tiến hành điều tra theo quy định.

Ngày 02/8/2022 và ngày 20/9/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện CĐ phối hợp với Hạt kiểm lâm huyện CĐ, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng và những người có liên quan tiến hành khám nghiệm hiện trường. Kết quả sử dụng máy định vị toàn cầu (GPS- MAP 78) để đo đạc, thống kê xác định tổng diện tích rừng bị phát phá trái phép tại lô 23, lô 24 thuộc khoảnh 7, tiểu khu 260 khu rừng Phia Ngát, thuộc thôn NA, xã ĐL, huyện CĐ là 25.040m2 (hai mươi lăm nghìn không trăm tám mươi bảy mét vuông), trong đó, lô 23 là 519,4m2, lô 24 là 24.520,6m2. Tổng số gốc cây và thân cây tự nhiên từ nhóm V đến nhóm VIII bị chặt phá nằm rải rác tại hiện trường qua kiểm đếm, xác định được là: 138 (một trăm ba mươi tám) gốc cây có tổng khối lượng là 4,489m3 (bốn phẩy bốn tám chín mét khối), trong đó lô 23 là 5 gốc cây có khối lượng 0,175m3, lô 24 là 133 gốc cây có khối lượng 4,314m3 và 179 (một trăm bảy mươi chín) thân gỗ có khối lượng 37,886m3 (ba mươi bảy phẩy tám tám sáu mét khối), trong đó lô 23 là 5 thân gỗ có khối lượng 1,229m3, lô 24 là 174 thân gỗ có khối lượng 36,657m3. Trên diện tích bị phát phá đã trồng mới loại cây mỡ chiều cao trung bình tại thời điểm khám nghiệm hiện trường khoảng 0,5m. Đối chiếu với bản đồ quy hoạch 03 loại rừng ban hành kèm theo Quyết định số:

1794/QĐ-UBND ngày 26/10/2018 của UBND tỉnh BK về việc phê duyệt kết quả rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch 3 loại rừng tỉnh BK và Quyết định số:

278/QĐ-UBND ngày 08/02/2021 của UBND huyện CĐ về công bố hiện trạng rừng năm 2020 trên địa bàn huyện CĐ thì phần diện tích rừng bị phá tại lô 23, khoảnh 7, tiểu khu 260 nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng, trạng thái rừng gỗ tự nhiên núi đất là rộng thường xanh phục hồi (TXP); Lô 24, khoảnh 7, tiểu khu 260 là rừng phòng hộ, trạng thái rừng gỗ tự nhiên núi đất lá rộng thường xanh phục hồi TXP.

Tại bản Kết luận định giá tài sản số: 28/KL-HĐĐGTS ngày 29/7/2022 của Hội đồng định giá tài sản huyện CĐ kết luận: 179 thân gỗ tròn nhóm V- VIII có khối lượng 37,886m3 trị giá tại thời điểm tháng 4/2022 là 18.943.000đ (mười tám triệu chín trăm bốn ba nghìn đồng). Trong đó lô 23 có 05 thân gỗ có khối lượng 1,229m3 trị giá 614.500đ (sáu trăm mười bốn nghìn năm trăm đồng); Lô 24 có 174 thân gỗ có khối lượng 36,657m3 trị giá 18.328.500đ (mười tám triệu ba trăm hai tám nghìn năm trăm đồng);

Tại bản Kết luận định giá tài sản số: 52/KL-HĐĐGTS ngày 15/12/2022 của Hội đồng định giá tài sản huyện CĐ kết luận: 05 gốc cây gỗ tự nhiên nhóm V- VIII tại lô 23 có khối lượng 0,175m3 trị giá tại thời điểm tháng 4/2022 là 61.250đ (sáu mươi mốt nghìn hai trăm năm mươi đồng) và 133 gốc cây gỗ tự nhiên nhóm V- VIII có khối lượng 4,314m3 trị giá tại thời điểm tháng 4/2022 là 1.509.900đ (một triệu năm trăm linh chín nghìn chín trăm đồng).

Tiến hành xác minh, lấy lời khai:

Ông Nông Văn C, sinh năm 1948, trú tại thôn NA, xã ĐL, huyện CĐ, tỉnh BK khai nhận: Năm 1996, ông được UBND huyện CĐ giao đất lâm nghiệp số 5110 ngày 10/11/1996 địa chỉ thửa đất tại thôn NA, xã ĐL, huyện CĐ, tỉnh BK.

Tháng 3 năm 2021 ông đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên với số tiền 45.000.000đ (bốn mươi năm triệu đồng) cho ông Lê Công A là người cùng thôn để quản lý và sử dụng, hai bên lên chỉ ranh giới tại rừng, không làm giấy tờ mua bán gì và chưa ra UBND xã đề nghị chuyển đổi tên trong hồ sơ giao đất lâm nghiệp. Hiện trạng rừng ông được cấp là rừng có mọc các cây bụi, dây leo, cây tự nhiên có nhiều chủng loại và kích thước khác nhau.

Quá trình điều tra, truy tố Lê Công A khai nhận: Phần diện tích rừng 25.040m2 là do An phát phá với mục đích để lấy mặt bằng trồng cây, diện tích rừng trên là do An mua lại với ông Nông Văn C, sinh năm 1948, người cùng thôn vào tháng 3 năm 2021 với giá 45.000.000đ (bốn mươi năm triệu đồng). Cụ thể: Khoảng tháng 4/2021, A một mình đi vào khu rừng trên rồi dùng dao chặt hạ các cây như dây deo, cây bụi, các cây gỗ tự nhiên có kích thước nhỏ, sau khi phát xong đến tháng 6/2021 A sử dụng một cưa tay, một cưa xăng để chặt hạ các cây gỗ to có nhiều kích thước khác nhau. Tháng 7/2021 A dừng lại việc phát phá để đi điều trị bệnh, sau khi điều trị bệnh xong, từ tháng 02/2022 đến tháng 4/2022 An tiếp tục sử dụng dao, cưa tay, cưa xăng để chặt hạ các bụi, dây leo và cây gỗ tự nhiên. Sau khi phát phá xong toàn bộ cây cối ở diện tích rừng trên thì A đốt dọn rồi trồng cây mỡ, ngô, lúa nương trên toàn bộ diện tích đã phát phá.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số: 15/2023/HS-ST ngày 21/4/2023 của Tòa án nhân dân huyện CĐ, tỉnh BK đã căn cứ điểm c khoản 3 Điều 243, điểm b, s, v khoản 1 Điều 51; Điều 38; Điều 54 của Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Lê Công A 03 (Ba) năm tù về tội "Hủy hoại rừng". Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo đi chấp hành án. Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về trách nhiệm dân sự theo đó bị cáo phải bồi thường cho Ủy ban nhân dân huyện CĐ, tỉnh BK số tiền là 19.838.400đ (mười chín triệu tám trăm ba mươi tám nghìn bốn trăm đồng), tuyên xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 24/4/2023, bị cáo kháng cáo xin được hưởng án treo. Tại phiên tòa, bị cáo giữ nguyên nội dung đã kháng cáo.

Đại diện Viện kiểm sát trình bày quan điểm giải quyết vụ án: Tại giai đoạn xét xử phúc thẩm bị cáo nộp khoản tiền 14.838.400đ để bồi thường thiệt do hành vi của bị cáo gây ra cho UBND huyện CĐ, tỉnh BK và bị cáo khắc phục hậu quả, bằng việc tự bị cáo trồng lại cây mỡ trên toàn bộ diện tích bị phát phá và hiện nay các cây mỡ cao trung bình từ 1,5 m đến 2 m phát triển bình thường - có xác nhận của chính quyền địa phương. Ngoài ra bị cáo nộp 200.000đ án phí hình sự sơ thẩm và 741.920đ án phí dân sự sơ thẩm theo bản án sơ thẩm đã tuyên - đây là tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự. Bị cáo được hưởng thêm nhiều tình tiết giảm nhẹ mới, có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng, ổn định nên bị cáo đủ điều kiện được hưởng án treo theo quy định của pháp luật. Do đó, Đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị cáo Lê Công A, chuyển 03 năm tù giam thành 03 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 05 năm. Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân xã ĐL, huyện CĐ giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Bị cáo A tại phiên tòa phúc thẩm, thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Bị cáo khẳng định Tòa án cấp sơ thẩm xét xử về tội danh và hình phạt là đúng, không oan sai. Bị cáo đã ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của bản thân, bị cáo bị suy thận độ 4 mong Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được hưởng án treo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa. Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tố tụng: Kháng cáo của bị cáo đảm bảo về chủ thể, thẩm quyền và thời hạn theo quy định của Bộ luật tố tụng Hình sự, nên được Hội đồng xét xử xem xét theo quy định.

[2] Tại phiên tòa, qua phần xét hỏi công khai bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội như bản án sơ thẩm đã tuyên; Lời khai nhận phù hợp với các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án. Do đó, Hội đồng xét xử có đủ cơ sở khẳng định:

Do có nhu cầu lấy đất canh tác (trồng rừng) nên vào khoảng tháng 4 năm 2021 đến tháng 4 năm 2022, bị cáo Lê Công A đã có hành vi dùng dao, cưa tay, cưa xăng phát phá trái phép tổng diện tích rừng bị phát phá tại lô 23 và lô 24 thuộc khoảnh 7, tiểu khu 260 khu rừng Phia Ngát, thuộc thôn NA, xã ĐL, huyện CĐ, tỉnh BK là 25.040m2 (hai mươi lăm nghìn không trăm tám mươi bảy mét vuông); trong đó, lô 23 là 519,4m2, lô 24 là 24.520,6m2.

Đối với 519,4m2 tại lô 23, khoảnh 7, tiểu khu 260 bị cáo phát phá gây thiệt hại 1,404m3 gỗ trị giá 675.750đ (sáu trăm bảy mươi năm nghìn bảy trăm năm mươi đồng). Quá trình điều tra xác định mặc dù là trạng thái rừng gỗ tự nhiên núi đất lá rộng thường xanh phục hồi (TXP) nhưng nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng, do vậy không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị cáo. Cơ quan CSĐT Công an huyện CĐ đã tách ra để chuyển cho Hạt kiểm lâm huyện CĐ xử lý theo thẩm quyền đối với 519,4 m2 tại lô 23, khoảnh 7, tiểu khu 260 do bị cáo phát phá.

Từ những nội dung nêu trên xác định bị cáo Lê Công A phải chịu trách nhiệm hình sự đối với diện tích do bị cáo hủy hoại là 24.520,6m2 (hai mươi bốn nghìn năm trăm hai mươi phẩy sáu mét vuông) rừng, được quy hoạch là rừng phòng hộ, trạng thái rừng gỗ tự nhiên núi đất lá rộng thường xanh phục hồi (TXP). Hành vi của bị cáo thực hiện đã gây thiệt hại về tài sản 133 (một trăm ba mươi ba) gốc cây gỗ có khối lượng 4,314m3 (bốn phẩy ba trăm mười bốn mét khối), trị giá 1.509.900đ (một triệu năm trăm linh chín nghìn chín trăm đồng) và 174 thân gỗ có khối lượng 36,657m3 trị giá 18.328.500đ (mười tám triệu ba trăm hai tám nghìn năm trăm đồng) tại lô 24, khoảnh 7, tiểu khu 260, khu rừng Phia Ngát thuộc thôn NA, xã ĐL, huyện CĐ, tỉnh BK.

Bị cáo đã phạm vào tội "Hủy hoại rừng" theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 243 của Bộ luật Hình sự. Như vậy, cấp sơ thẩm đã xét xử đối với bị cáo là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

[3] Xét kháng cáo xin hưởng án treo của bị cáo thấy rằng:

Hành vi của bị cáo đã trực tiếp xâm phạm các quy định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng, xâm phạm đến sự bền vững và ổn định môi trường, gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái tại địa phương. Nhưng vì mục đích phát triển kinh tế nên đã phát phá rừng để trồng cây có giá trị cao hơn. Tòa án nhân dân huyện CĐ, tỉnh BK xử phạt bị cáo mức án 03 (Ba) năm tù là phù hợp với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo.

Tại giai đoạn xét xử phúc thẩm bị cáo nộp khoản tiền 14.838.400đ để bồi thường thiệt về tài sản do hành vi của bị cáo gây ra cho UBND huyện CĐ, tỉnh BK và nộp 200.000đ án phí hình sự sơ thẩm và 741.920đ án phí dân sự sơ thẩm theo bản án sơ thẩm đã tuyên (xác nhận bị cáo đã nộp xong toàn bộ số tiền bồi thường và tiền án phí hình sự, dân sự của bản ản sơ thẩm) thể hiện ý thức chấp hành pháp luật tốt. Ngoài ra bị cáo còn nộp thêm Giấy xác nhận của chính quyền địa phương về việc số cây bị cáo đã trồng lại (cây mỡ) trên toàn bộ diện tích bị phát phá (số cây mỡ bị cáo trồng từ khoảng 4.000.đến 5.000 cây) hiện cây cao từ 1,5 m đến 2 m và phát triển tốt - đây là các tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự.

Hội đồng xét xử xét thấy, tại cấp phúc thẩm bị cáo được hưởng thêm nhiều tình tiết giảm nhẹ mới, bị cáo có nhân thân tốt, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn, sống phụ thuộc chủ yếu vào phát triển trồng cây lâm nghiệp. Mục đích bị cáo phát phá rừng là để phát triển kinh tế không nhằm thu lợi bất chính. Bị cáo có nơi cư trú rõ ràng, ổn định, đủ khả năng tự cải tạo tại địa phương. Do vậy, HĐXX thấy có đủ cơ sở chấp nhận kháng cáo chuyển hình phạt tù giam sang hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo đối với bị cáo. Như vậy, quan điểm giải quyết vụ án của Đại diện Viện kiểm sát về việc đề nghị chuyển hình phạt tù giam sang án treo cho bị cáo là có căn cứ.

Đối với số tiền 14.838.400đ; 200.000đ và 741.920đ bị cáo nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện CĐ, tỉnh BK cần tiếp tục tạm giữ để thi hành án cho bị cáo.

[4] Về án phí: Kháng cáo được chấp nhận nên bị cáo không phải chịu án phí theo quy định.

[5] Các quyết định khác của Bản án hình sự sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

[1] Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355; điểm e khoản 1 Điều 357 của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Chấp nhận kháng cáo của bị cáo, sửa Bản án hình sự sơ thẩm số: 15/2023/HS-ST ngày 21/4/2023 của Tòa án nhân dân huyện CĐ, tỉnh BK.

[2] Áp dụng điểm c khoản 3 Điều 243; điểm b, s, v khoản 1 và khoản 2 Điều 51; Điều 54; Điều 38; Điều 65 của Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Lê Công A 03 (ba) năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 05 (năm) năm về tội "Hủy hoại rừng". Thời hạn tính từ ngày tuyên án phúc thẩm. Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân xã ĐL, huyện CĐ, tỉnh BK giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của Bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 Bộ luật hình sự. Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại Điều 92 Luật Thi hành án hình sự.

[3] Tạm giữ số tiền để thi hành án cho bị cáo Lê Công A bao gồm số tiền 14.838.400đ (Mười bốn triệu, tám trăm ba mươi tám nghìn, bốn trăm đồng) theo biên lai thu tiền số 0001323; số tiền 200.000đ (Hai trăm nghìn đồng) theo biên lai thu tiền số 0001332 và 741.920đ (Bảy trăm, bốn mươi mốt nghìn, chín trăm hai mươi đồng) theo biên lai thu tiền số 0001333 (Các số tiền này bị cáo nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện CĐ, tỉnh BK).

[4] Bị cáo Lê Công A không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

[5] Các quyết định khác của Bản án hình sự sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

82
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tội hủy hoại rừng số 16/2023/HS-PT

Số hiệu:16/2023/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bắc Kạn
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 30/06/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;