Bản án về tội hủy hoại rừng số 19/2022/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI

BẢN ÁN 19/2022/HS-PT NGÀY 12/04/2022 VỀ TỘI HỦY HOẠI RỪNG

Ngày12 tháng 4năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 16/2022/TLPT-HS ngày 23 tháng 02 năm 2022 đối với bị cáo Rơ Mô P do có kháng cáo của bị cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm số 05/2022/HSST ngày 12 tháng 01 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Gia Lai.

*Bị cáo có kháng cáo:

Rơ Mô P, sinh năm 1978 tại tỉnh Gia Lai. Nơi ĐKHKTT và chỗ ở: Buôn T, xã I, huyện K, tỉnh Gia Lai; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn: không biết chữ; dân tộc: Jrai; giới tính: nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Kpă L và bà Mô H’ (đều đã chết); có vợ là Alê H’ và có 04 con, lớn nhất sinh năm 1998, nhỏ nhất sinh năm 2007; tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, bị cáo tại ngoại. Có mặt tại phiên tòa.

Người bào chữa cho bị cáo: Bà Bùi Thị P – Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Gia Lai, Chi nhánh huyện A. Có mặt tại phiên tòa.

Người phiên dịch: Bà Pui H’ – Phiên dịch tiếng Jrai Địa chỉ: Làng Thung, xã A, thành phố P, tỉnh Gia Lai. Có mặt tại phiên tòa.

NỘI DUNG VỤ ÁN

1. Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào khoảng tháng 11/2020 Rơ Mô P một mình đi vào khu rừng tại lô 4, khoảnh 7, tiểu khu 1346 thuộc Lâm phần UBND xã Đ, huyện K, tỉnh Gia Lai quản lý, sử dụng dao rựa phát dọn những cây gỗ nhỏ rồi dùng cưa xích cắt hạ những cây gỗ lớn trong khoảng 4 ngày, P đã chặt trắng phần diện tích rừng là 4.900m2. Khoảng 01 tháng sau, P gom và đốt cháy những cây đã cắt hạ, nhằm mục đích để lấy đất sản xuất.

Sau khi tiếp nhận nội dung vụ việc, Hạt kiểm lâm huyện K đã phân công tin báo tiến hành kiểm tra, xác minh và phối hợp với UBND xã Đ, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát huyện K tiến hành khám nghiệm hiện trường rừng bị chặt phá. Đối chiếu bản đồ quy hoạch 03 loại rừng theo Nghị quyết số 100/NQ-HĐND ngày 07/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai để xác định vị trí, loại rừng và thiệt hại thực tế tại hiện trường như sau: Địa điểm phá rừng tại lô 4, khoảnh 7, tiểu khu 1346; loại rừng phòng hộ, trạng thái rừng gỗ tự nhiên núi đất rụng lá nghèo (RLN) thuộc lâm phần UBND xã Đ quản lý. Tại thời điểm kiểm tra, xác minh các vết chặt nhận thấy dụng cụ cắt hạ là bằng cưa xích, dao rựa; hình thức chặt trắng; thân, cành, ngọn cây được gom đốt nhưng chưa cháy hết còn nằm ngổn ngang tại hiện trường, cây bị chặt hạ có đường kính gốc từ 10cm- 28cm, chiều cao gốc chặt từ 16cm-87cm. Loại cây bị chặt chủ yếu là Thành Ngạnh, Bằng Lăng, Cóc, Ké, SP,…Thời gian chặt hạ vào khoảng tháng 11/2020. Diện tích rừng bị chặt phá là 4.900m2. Tiến hành đo đếm các gốc cây bị chặt phá, lập biểu tính lâm sản bị thiệt hại trên diện tích rừng bị phá trái phép, gỗ tròn nhóm III-VIII có khối lượng: 6,911m3, củi nhóm III-VIII, có khối lượng 0,640 Ster.

Tại kết luận định giá số 24/KL-HĐĐG ngày 01/6/2021 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện K. Kết luận thiệt hại về lâm sản là 10.608.765 đồng và thiệt hại về môi trường rừng là 2.079.317 đồng. Tổng giá trị thiệt hại trên diện tích rừng bị phá trái phép 4.900m2 là 12.688.082 đồng.

2. Giải quyết của Tòa án cấp sơ thẩm:

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 05/2022/HSST ngày 12/01/2022 của Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Gia Lai đã quyết định:

Tuyên bố bị cáo Rơ Mô P phạm tội “Hủy hoại rừng”.

Áp dụng điểm c khoản 1 Điều 243; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 54 Bộ luật hình sự.

Xử phạt bị cáo Rơ Mô P10 (Mười) tháng tù thời hạn tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên nghĩa vụ bồi thường, xử lý vật chứng, miễn án phí và quyền kháng cáo bị cáo theo luật định.

3. Kháng cáo của các bị cáo Ngày 21/02/2022 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và được hưởng án treo

4. Diễn biến tại phiên tòa phúc thẩm:

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo giữ nguyên nội dung kháng cáo.

Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử: Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 của Bộ luật tố tụng hình sự; không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Trợ giúp viên pháp lý bào chữa cho bị cáo: Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; đã bồi thường một phần cho bị hại và được Đại diện hợp pháp của bị hại xin giảm nhẹ hình phạt; ngoài ra bị cáo có nhân thân tốt , là người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn, bản thân hoàn cảnh gia đình bị cáo cũng khó khăn, bị cáo không biết chữ nên không hiểu biết pháp luật nên đề nghị HĐXX phúc thẩm xem xét xử phạt bị cáo mức án không quá 08 tháng tù và cho bị cáo được hưởng án treo.

Bị cáo nói lời sau cùng: Bị cáo biết việc làm của mình là sai, đề nghị Hội đồng xét giảm nhẹ hình phạt và cho bị cáo được hưởng án treo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi phạm tội của các bị cáo: Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội, phù hợp với biên bản khám nghiệm hiện trường, lời khai của những người liên quan và các chứng cứ khác có tại hồ sơ vụ án, có đủ căn cứ để xác định bị cáo đã dùng cưa xích, dao rựa chặt phá 4.900m2 diện tích rừng, lô 4, khoảnh 7, tiểu khu 1346; loại rừng phòng hộ, trạng thái rừng gỗ tự nhiên núi đất rụng lá nghèo (RLN) thuộc lâm phần UBND xã Đ, huyện K, tỉnh Gia Lai quản lý. Vì vậy, Tòa án nhân dân huyện K xét xử bị cáo về tội “Hủy hoại rừng” theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 243 Bộ luật hình sự năm 2015 là đúng người, đúng tội.

[2] Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và được hưởng án treo của bị cáo thấy rằng:

Tại phiên tòa bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội và cho rằng hành vi phạm tội của bị cáo là do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có đất sản xuất nên bị cáo phải phá đất rừng làm rẫy để có kinh tế lo cho gia đình, bị cáo là người dân tộc thiểu số, nhận thức pháp luật hạn chế nhưng đối chiếu với hành vi phá 4.900m2 đề làm nương rẫy có tổng khối lượng gỗ thiệt hại là 6,911m3, khối lượng củi thiệt hại là 0,640 Ster. Giá trị xác định giá thiệt hại về lâm sản là 10.608.765 đồng, thiệt hại về môi trường rừng là 2.079.317 đồng. Tòa án cấp sơ thẩm khi xét xử vụ án đã đánh giá đúng tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội của bị cáo cũng như nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ khác áp dụng Điều 54 xử bị cáo hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt tù với mức hình phạt là 10 tháng tù là đã khoan hồng đối với bị cáo, có tính răn đe và phòng ngừa chung khi tình trạng phá rừng làm nương rẫy diễn ra ngày càng nhiều và diện tích lớn tại nhiều địa phương trong tỉnh ta nên việc buộc bị cáo phải cải tạo tại cơ sở giam giữ là phù hợp. Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo không cung cấp thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nào mới nên Hội đồng xét xử không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bị cáo.

Do kháng cáo của bị cáo không được chấp nhận nên bị cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.Tuy nhiên, vì bị cáo ở vùng đặc biệt khó khăn, căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12 /2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí tòa án, bị cáo được miễn án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự; Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo. Giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm số 05/2022/HSST ngày 12-01-2022 của Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Gia Lai về phần hình phạt.

Áp dụng điểm c khoản 1 Điều 243; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 54 Bộ luật hình sự.

Xử phạt bị cáo Rơ Mô P 10 (Mười) tháng tù về tội “Hủy hoại rừng”, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án.

2. Căn cứ khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12 /2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí tòa án;

Miễn án phí hình sự phúc thẩm cho bị cáo.

3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án ./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

678
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tội hủy hoại rừng số 19/2022/HS-PT

Số hiệu:19/2022/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Gia Lai
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 12/04/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;