Bản án về tội hủy hoại rừng số 03/2018/HS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN BA TƠ, TỈNH QUẢNG NGÃI

BẢN ÁN 03/2018/HS-ST NGÀY 01/03/2018 VỀ TỘI HỦY HOẠI RỪNG

Ngày 01 tháng 3 năm 2018 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 18/2017/TLST-HS ngày 01 tháng 11 năm 2017 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 01/2018/QĐXXST-HS ngày 17 tháng 01 năm 2018 đối với bị cáo:

Phạm Văn T; sinh năm 1972; tại xã B, huyện C, tỉnh Quảng Ngãi; nơi cư trú: thôn Đ, xã B, huyện C, tỉnh Quảng Ngãi; nghề nghiệp: nông; trình độ học vấn: 05/12; dân tộc: Hre; giới tính: nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phạm Văn T1 và bà Phạm Thị N; có vợ Phạm Thị H và 01 con; tiền án,tiền sự: không; nhân thân chưa bị xử lý hành chính và hình sự; Bị cáo được áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 14/02/2017, bị cáo tại ngoại, có mặt tại phiên tòa.

- Người bào chữa cho bị cáo: Ông Hà Văn H1, Luật sư, cộng tác viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Quảng Ngãi, có mặt.

- Nguyên đơn dân sự: Ủy ban nhân dân xã B, huyện C, tỉnh Quảng Ngãi.

Đại diện cho Ủy ban nhân dân xã Ba Bích: Ông Phạm Văn C, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã B, có mặt.

Địa chỉ: Xã B, huyện C, tỉnh Quảng Ngãi.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

+ Bà Phạm Thị H, sinh năm 1975;

Nơi cư trú: Thôn Đ, xã B, huyện C, tỉnh Quảng Ngãi.

+ Ông Phạm Văn T2, sinh năm 1975;

Nơi cư trú: Thôn Đ, xã B, huyện C, tỉnh Quảng Ngãi.

Bà H, ông T2 có mặt.

- Người làm chứng: Ông Nguyễn Quang V, Kiểm lâm viên địa bàn xã B, có mặt.

- Người phiên dịch: Ông Phạm Văn X, Công chức Phòng Văn hóa thông tin huyện B; có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào khoảng tháng 7 năm 2016, Phạm Văn T nói với Phạm Thị H (vợ bị cáo) lên khu vực Lô 2a, Khoảnh 9, Tiểu khu 411 và Lô 2b, Khoảnh 1, Tiểu khu 425, thuộc xã Ba Bích, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi phát luỗng bụi rậm, dây leo và cây nhỏ để lấy đất trồng keo, hai vợ chồng sử dụng rựa phát trong thời gian 05 ngày. Khoảng một tuần sau, Phạm Văn T thuê Phạm Văn T2 (em ruột của bị cáo) lên khu vực rừng nói trên dùng máy cưa xăng cưa hạ những cây gỗ lớn trong 04 buổi chiều, thời gian làm chủ yếu từ 14 giờ đến 18 giờ hàng ngày, tiền công mỗi buổi là 200.000đồng. Sau đó, Phạm Văn T để cây khô mục đích lên đốt lấy đất trồng keo. Đến ngày 28/7/2016, kiểm lâm địa bàn phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, phát hiện vụ việc phá rừng trái pháp luật tại khu vực nói trên và kịp thời có biện pháp ngăn chặn Phạm Văn T đốt rừng để lấy đất trồng keo, lập hồ sơ ban đầu và chuyển cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện B tiếp tục xử lý.

Qua điều tra xác định: Ngày 25/3/2014, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (viết tắt là UBND) huyện B đã ban hành quyết định số 01/QĐ-UBND về phân cấp trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp cho UBND xã , thị trấn thì các vị trí phá rừng trên thuộc quản lý là UBND xã B. Hàng năm, chính quyền địa phương phối hợp với kiểm lâm địa bàn thường xuyên tuyền truyền, triển khai các văn bản pháp luật của nhà nước trong việc quản lý, bảo vệ rừng đến từng người dân trên địa bàn xã, đồng thời tổ chức cho người ký cam kết bảo vệ rừng bằng văn bản. Trước khi chặt phá, Phạm Văn T biết diện tích rừng trên là thuộc quyền quản lý của Nhà nước, không được phép khai phá nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Phạm Văn T đã thực hiện việc chặt phát để lấy đất trồng keo phát triển kinh tế gia đình.

Ngày 17/8/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra phối hợp với Viện kiểm sát, Hạt kiểm lâm huyện C và chính quyền địa phương xã B tiến hành khám nghiệm hiện trường cho thấy: Hiện trường vụ “Hủy hoại rừng” xảy ra tại Lô 2a, Khoảnh 9, Tiểu khu 411 và Lô 2b, Khoảnh 1, Tiểu khu 425, thuộc xã B, huyện C, tỉnh Quảng Ngãi. Hiện trường có vị trí tiếp giáp như sau: Phía Bắc tiếp giáp với rừng tự nhiên của tiểu khu 411, xã Ba Bích; Phía Đông giáp với Suối Nước Ôn; Phía Nam và phía Tây giáp với rừng tự nhiên của tiểu khu 425, xã Ba Bích. Hiện trường là khoảng đất có diện tích 22.810m2, trong đó: Lô 2a, khoảnh 9, tiểu khu 411 có diện tích 19.970m2 và lô 2b, khoảnh 1, tiểu khu 425 là 2.840m2. Trên khoảnh đất phát hiện nhiều gốc cây và thân cây bị chặt hạ, các thân cây nằm ngổn ngang trên mặt đất, mặt cắt của các gốc cây có hình răng cưa, đường kính mặt cắt có kích thước từ 0,8cm đến 40cm, mặt cắt của các gốc cây cách mặt đất về phía trên từ 40cm đến 83cm, khoảnh cách giữa các gốc cây bị chặt hạ cách nhau từ 1m đến 3,5m. Tiến hành lập 05 ô tiêu chuẩn với tổng diện tích là 2.500 m2 đếm được 167 gốc cây, có đường kính từ 10cm đến 44cm.

Ngày 30/9/2017, Chi cục kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi giám định về việc phá rừng tại Lô 2a, khoảnh 9, tiểu khu 411 và Lô 2b, khoảnh 1, tiểu khu 425, thuộc xã Ba Bích, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, kết luận:

- Vị trí, diện tích:

+ Vị trí: Lô 2a, khoảnh 9, tiểu khu 411 và Lô 2b, khoảnh 1, tiểu khu 425 xã Ba Bích - Tờ bản đồ theo dõi diễn biến rừng huyện Ba Tơ năm 2015.

+ Diện tích: 22.810m2 (Hai mươi hai ngàn tám trăm mười mét vuông).

- Trạng thái rừng: Rừng gỗ tự nhiên núi đất lá rộng thường xanh nghèo.

- Mục đích quy hoạch cho lâm nghiệp

+ Diện tích 19.970m2  nằm ở Lô 2a, Khoảnh 9, Tiểu khu 411 thuộc chức năng quy hoạch rừng sản xuất.

+ Diện tích 2.840m2 nằm ở Lô 2b, Khoảnh 1, Tiểu khu 425 thuộc chức năng quy hoạch rừng phòng hộ đầu nguồn.

- Trữ lượng rừng, sản lượng gỗ bị thiệt hại:

+ Tại tiểu khu 411

Tổng trữ lượng rừng bị thiệt hại: 82,5204m3/ha x 1,997ha = 164,7932m3;

Tổng khối lượng (sản lượng) gỗ bị thiệt hại: 164,7932m3  x 55% = 90,6362m3.

- Tại tiểu khu 425

Tổng trữ lượng rừng bị thiệt hại: 81,7569m3/ha x 0,284ha = 23,2189m3;

Tổng khối lượng (sản lượng) gỗ bị thiệt hại: 23,2189m3  x 55% = 12,7703m3.

Ngày 06/9/2017, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện C có kết luận số 12/KL-HDĐGTS về việc xác định giá trị tiền bồi thường thiệt hại đối với hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại về rừng theo Điều 8, Quy định về giá các loại rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi (ban hành kèm theo Quyết định số 61/2015/QĐ-UBND, ngày 31/12/2015 của UBND tỉnh Quảng Ngãi), cụ thể như sau:

- Tại tiểu khu 411 xã Ba Bích: Diện tích rừng bị phá 19.970m2, là rừng tự nhiên, chức năng quy hoạch rừng sản xuất; là rừng nghèo; có trữ lượng gỗ bình quân/ha bị thiệt hại là: 82,5204m3/ha; tổng khối lượng (sản lượng) gỗ bị thiệt hại: 90,6362m3 có giá trị bị thiệt hại phải bồi thường là 160.107.232 đồng; trong đó:

+ Giá trị lâm sản rừng tự nhiên bị thiệt hại là 40.026.808 đồng.

+ Giá trị môi trường bị thiệt hại là 120.080.424 đồng.

- Tại tiểu khu 425 xã Ba Bích: Diện tích rừng bị phá 2.840m2, là rừng tự nhiên chức năng quy hoạch rừng phòng hộ đầu nguồn đập Nước Đang; là rừng nghèo, có trữ lượng gỗ bị thiệt hại: 81,7569m3/ha; tổng khối lượng (sản lượng) gỗ bị thiệt hại: 12,7703m3, có giá trị bị thiệt hại phải bồi thường là 28.198.390 đồng; trong đó:

+ Giá trị lâm sản rừng tự nhiên bị thiệt hại là 5.639.678 đồng.

+ Giá trị môi trường bị thiệt hại là 22.558.712 đồng.

Tổng giá trị bị thiệt hại phải bồi thường cho Nhà nước là 188.305.622 đồng (Một trăm tám mươi tám triệu, ba trăm lẻ năm nghìn, sáu trăm hai mươi hai đồng).

Tại cáo trạng số 18/QĐ-VKS ngày 27 tháng 10 năm 2017 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Ba Tơ đã truy tố Phạm Văn T về tội “Hủy hoại rừng” theo điểm a, khoản 3 Điều 189 Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009. Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Ba Tơ giữ nguyên quyết định truy tố đối với bị cáo Phạm Văn T, đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a, khoản 3 Điều 189, điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 47, Điều 33 Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, Nghị quyết 41 của Quốc Hội, Khoản 3 Điều 7, điểm đ, khoản 2 Điều 243 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017; xử phạt bị cáo Phạm Văn Thật từ 18 đến 24 tháng tù.

Về trách nhiệm dân sự: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng các Điều 585; Điều 586 và Điều 589 Bộ luật dân sự: Buộc bị cáo phải khắc phục cho Nhà nước số tiền 188.305.622 đồng, tiếp tục tạm giữ số tiền 150.851.625 đồng để đảm bảo thi hành án.

Về vật chứng: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 2 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 tuyên tịch thu tiêu hủy 02 cái rựa đã sử dụng vào việc hủy hoại rừng; Trả lại 01 máy cưa xăng cho Phạm Văn T2.

Tại phiên tòa, đại diện của Ủy ban nhân dân xã B, trình bày ý kiến: về hiện trạng rừng sau khi bị chặt phát nhưng bị cáo không đốt nên hiện nay các loại cây trên diện tích bị cáo phát đã mọc chồi cao khoảng 02 mét và rút yêu cầu bị cáo bồi thường số tiền 80.467.921 đồng để trồng lại rừng trên tiểu khu 411,425.

Luật sư bào chữa cho bị cáo, trình bày: thống nhất tội danh như Cáo trạng đã truy tố, tuy nhiên bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đã khắc phục số tiền trên 150.000.000 đồng là quá lớn đối với hộ cận nghèo như bị cáo, cha đẻ bị cáo là người có công cách mạng, bản thân bị cáo lần đầu phạm tội có nhân thân tốt. Do đó đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng các điểm b, s, x Điều 51, Điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015 xử phạt bị cáo không quá 03 năm tù cho hưởng án treo để thể hiện tính khoan hồng của Nhà nước.

Bị cáo Phạm Văn T đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt vì hiện nay gia đình bị cáo rất khó khăn về kinh tế vay mượn tiền để khắc phục quá nhiều, để bị cáo có điều kiện đi làm trả nợ đã vay.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về các hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, người bào chữa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa bị cáo và những người tham gia tố tụng không ai có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Các hành vi, quyết định tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều đảm bảo theo quy định của pháp luật.

[2] Về nội dung vụ án: Tại phiên tòa bị cáo Phạm Văn T khai nhận hành vi phạm tội, lời khai nhận của bị cáo phù hợp với lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng và các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án. Hội đồng xét xử có đủ cơ sở xác định: Vào khoảng tháng 7 năm 2016, bị cáo bảo vợ là chị Phạm Thị H lên khu vực lô 2a, khoảnh 9, tiểu khu 411 và lô 2b, khoảnh 1, tiểu khu 425, thuộc xã Ba Bích, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi phát luỗng bụi rậm, dây leo và cây nhỏ để lấy đất trồng keo, hai vợ chồng sử dụng rựa phát trong thời gian 05 ngày. Khoảng một tuần sau, Phạm Văn T thuê Phạm Văn T2 (em ruột của bị cáo) lên khu vực rừng nói trên dùng máy cưa xăng cưa hạ những cây gỗ lớn trong 04 buổi chiều, thời gian làm chủ yếu từ 14 giờ đến 18 giờ hàng ngày, tiền công mỗi buổi là 200.000 đồng. Sau đó, Phạm Văn Thật để cây khô thì lên đốt lấy đất trồng keo, trong thời gian chờ cây, dây leo khô để đốt thì bị lực lượng chức năng phát hiện và ngăn chặn hành vi chặt phá cây rừng trái phép.

[3] Căn cứ kết quả giám định ngày 30/9/2017 của các giám định viên tư pháp các vụ việc lâm nghiệp thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi, diện tích rừng mà bị cáo Phạm Văn T hủy hoại là 22.810m2 (Hai mươi hai ngàn tám trăm mười mét vuông) tại lô 2a, khoảnh 9, tiểu khu 411 và lô 2b, khoảnh 1, tiểu khu 425, thuộc xã B, huyện C, tỉnh Quảng Ngãi. Trong đó:

Diện tích 19.970 m2 nằm ở lô 2a, khoảnh 9, tiểu khu 411 xã Ba Bích thuộc chức năng quy hoạch rừng sản xuất, tổng trữ lượng rừng bị thiệt hại: 164,7932m3; Tổng khối lượng (sản lượng) gỗ bị thiệt hại: 90,6362m3.

Diện tích 2.840 m2 nằm ở lô 2b, khoảnh 1, tiểu khu 425 thuộc chức năng quy hoạch rừng phòng hộ đầu nguồn, tổng trữ lượng rừng bị thiệt hại: 23,2189m3; Tổng khối lượng (sản lượng) gỗ bị thiệt hại: 12,7703m3.

[4] Xét hành vi của bị cáo: Trên diện tích và loại rừng bị hủy hoại, Căn cứ quy định tại tiểu mục 3.6 Mục 3; Điều 3 Phần IV của Thông tư liên tịch số 19/2007/TTLT/BNN&PTNT-BTP-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 08/3/2007 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Bộ tư pháp; Bộ Công an; Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; quy định về tình tiết định khung hình phạt tại điểm b, khoản 3 Điều 189 Bộ luật hình sự: “Huỷ hoại rừng phòng hộ, rừng đặc dụng” là hủy hoại các loại rừng này với diện tích trên mức tối đa bị xử phạt vi phạm hành chính và liên hệ tại điểm b, khoản 5, Điều 20 Nghị Định 157/2013/NĐ-CP, ngày 11/11/2013 của Chính Phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; điểm c, khoản 5, Điều 20 Nghị định 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ; Hội đồng xét xử xét thấy hành vi của bị cáo Phạm Văn Thật đã đủ yếu tố cấu thành tội: “Hủy hoại rừng” được quy định tại điểm a, khoản 3 Điều 189 Bộ luật hình sự.

[5] Tại thời điểm bị cáo thực hiện hành vi phạm tội được áp dụng pháp luật quy định tại điểm a khoản 3 Điều 189 Bộ luật hình sự năm 1999 có khung hình phạt từ 7 đến 15 năm tù; Nhưng theo quy định tại Điều 243 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì diện tích 2.840m2 rừng phòng hộ mà bị cáo chặt, phát không đủ yếu tố cấu thành tội “Hủy hoại rừng”, phần diện tích rừng sản xuất 19.970 m2 mà bị cáo chặt, phát thì thuộc khoản 2 Điều 243 Bộ luật hình sự; Căn cứ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ tổng hợp diện tích bị thiệt hại của các loại rừng thì hành vi của bị cáo phạm vào khoản 2 Điều 243 Bộ luật hình sự 2015 có khung hình phạt từ 3 năm đến 7 năm tù. Theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự 2015: “…Điều luật quy định một hình phạt nhẹ hơn… có li cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành”. Do vậy, để đảm bảo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội cần áp dụng Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội về việc thi hành Bộ Luật hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14, để áp dụng điểm đ, khoản 2 Điều 243 Bộ luật hình sự 2015 khi lượng hình đối với bị cáo.

[6] Xét tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi phạm tội do bị cáo gây ra: Bị cáo là người có đầy đủ năng lực nhận thức và điều khiển hành vi, hiểu biết pháp luật nhưng chỉ vì mục đích trồng keo, xây dựng kinh tế gia đình mà bị cáo đã bất chấp quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; Do đó, Hội đồng xét xử xét thấy cần phải xử lý nghiêm minh đối với bị cáo mới có tác dụng giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung cho xã hội.

[7] Xét nhân thân và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo:

Về nhân thân: bị cáo không có tiền án, tiền sự, có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, là người đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng cao có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn nên nhận thức pháp luật còn nhiều hạn chế và thuộc diện hộ cận nghèo. Vào năm 2004, bị cáo đã chấp hành theo chính sách về “Kinh tế mới” của Nhà nước, tự nguyện lên làng thanh niên lập nghiệp đặc biệt khó khăn tại thôn Đ, xã B, huyện C để lập làng Kinh tế mới lao động, sản xuất; Điều kiện hoàn cảnh kinh tế gia đình của bị cáo hiện nay rất khó khăn, thiếu đất sản xuất, vợ thường xuyên đau ốm và nuôi hai cháu ngoại mồ côi; bị cáo là lao động chính trong gia đình, trước khi phạm tội bị cáo chấp hành nghiêm chỉnh các chủ trương của Nhà nước, trình độ học vấn và hiểu biết pháp luật hạn chế, mục đích phát rừng của bị cáo là để trồng keo, làm nương rẫy, xói đói, giảm nghèo phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Bị cáo chưa đốt diện tích rừng đã chặt phát, theo xác nhận của UBND xã B thì diện tích bị cáo hủy hoại hiện nay đã tái sinh chiều cao bình quân của các cây khoảng 02 m.

Bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm dân sự: Bị cáo tự nguyện bồi thường thiệt hại số tiền 150.851.625 đồng; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, cha đẻ bị cáo là ông Phạm Văn T, thương binh người có công Cách mạng, đây là các tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b, p khoản 1, khoản 2, Điều 46 Bộ luật hình sự.

Xét bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ được quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, do đó, Hội đồng xét xử xét thấy cần áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo trong khung hình phạt liền kề, để thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước.

[8] Hiện nay tình trạng đốt, phá rừng tại địa phương xảy ra nhiều nên cần xử lý nghiêm, cách ly bị cáo ra khỏi cộng đồng xã hội một thời gian để giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung; Do đó ý kiến của Luật sư bào chữa cho bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử cho bị cáo được hưởng án treo không được chấp nhận.

[9] Về dân sự: Số tiền bị cáo phải bồi thường cho Nhà nước là 188.305.622 đồng, bị cáo đã khắc phục được 150.851.625 đồng, cần tiếp tục tạm giử số tiền 150.851.625 đồng để đảm bảo thi hành án.

Xét thấy hoàn cảnh kinh tế của bị cáo là hộ cận nghèo, có xác nhận của chính quyền địa phương nên không cần thiết phạt bổ sung bằng hình thức phạt tiền đối với bị cáo.

[10] Về phần diện tích 22.810 m2 rừng bị hủy hoại, bị cáo T chưa đốt và chưa trồng cây mà chỉ có cây tự nhiên mọc lại, Ủy ban nhân dân xã B tiếp tục quản lý đúng thẩm quyền đã được Nhà nước giao theo quy định.

[11] Về vật chứng vụ án:

- Một máy cưa xăng màu đỏ của Phạm Văn T2 mà bị cáo T đã thuê Phạm Văn T2 sử dụng vào việc cưa cây không liên quan đến vụ án, nên Hội đồng xét xử áp dụng Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự trả lại cho anh Phạm Văn T2 quản lý, sử dụng.

- Đối với 02 cái rựa cán bằng gỗ tròn dài 40 cm, lưỡi bằng sắt dài 30cm, rộng 03cm, có mấu nhọn ở đầu lưỡi. Đây là công cụ Phạm Văn T sử dụng để chặt phá cây rừng trái phép, không còn giá trị sử dụng nên tịch thu, tiêu hủy.

[12] Về án phí: Bị cáo Phạm Văn T thuộc hộ cận nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn, theo quy định tại điểm đ, khoản 1 điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội bị cáo thuộc trường hợp được miễn nộp toàn bộ tiền án phí.

[13] Xét hành vi của Phạm Thị H và Phạm Văn T2:

- Đối với Phạm Thị H: là vợ của Phạm Văn T, tại phiên tòa đã trình bày, trong quá trình phát chặt cây tại các tiểu khu 411, 425 Phạm Văn T có nói với vợ cùng lên phát cây, dây leo để trồng keo, là người đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, nhận thức hiểu biết pháp luật quá hạn chế, nên Phạm Thị H chỉ làm theo lời chồng sai bảo, mục đích là trồng keo xóa đói, giảm nghèo chứ không chủ động, không biết đây là rừng Nhà nước đã quy hoạch cấm chặt phát. Do đó, việc không xử lý hình sự đối với Phạm Thị H là có cơ sở để thể hiện tính nhân đạo của Nhà nước.

- Đối với Phạm Văn T2: là em của Phạm Văn T, bị cáo thuê T2 dùng máy cưa cắt các cây lớn trong diện tích tại các tiểu khu 411,425. Tuy nhiên, Phạm Văn T2 không biết đây là rừng Nhà nước cấm chặt phá và được bị cáo T2 thuê cắt cây để trả tiền công. Do đó, việc không xử lý hình sự đối với Phạm Văn Thương là có cơ sở.

[14] Đối với Uỷ ban nhân xã B được Nhà nước giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý rừng tại tiểu khu 411, 425 theo quyết định số 01/2014/QĐ-UBND ngày 25/3/2014 của UBND huyện Ba Tơ. Chính quyền địa phương xã B chưa có biện pháp ngăn chặn kịp thời hành vi phá rừng trái phép, lấy đất làm nương rẫy. Để nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý và bảo vệ rừng ở địa phương, Ủy ban nhân dân xã B cần kết hợp với cơ quan Kiểm lâm của địa bàn, trong thời gian đến tổ chức kiểm điểm trách nhiệm trong quản lý nhà nước về bảo vệ rừng, nâng cao trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý và bảo vệ rừng tại địa phương của mình.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm a khoản 3 điều 189; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 33; Điều 47 Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009; Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc Hội; khoản 3 Điều 7; điểm đ, khoản 2 Điều 243 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Tuyên bố bị cáo Phạm Văn T phạm tội “Hủy hoại rừng”

Xử phạt bị cáo Phạm Văn T 18 tháng tù (mười tám tháng tù); Thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo chấp hành án.

- Về trách nhiệm dân sự:

Căn cứ khoản 1, Điều 42 Bộ luật hình sự năm 1999; Điều 585; Điều 586 và Điều 589 Bộ luật dân sự:

+ Buộc bị cáo Phạm Văn T phải nộp sung ngân sách Nhà nước số tiền 188.305.622 đồng (một trăm tám mươi tám triệu ba trăm lẻ năm ngàn sáu trăm hai mươi hai đồng).

+ Tiếp tục tạm giữ số tiền 150.851.625 đồng (một trăm năm mươi triệu tám trăm năm mươi mốt ngàn sáu trăm hai mươi lăm đồng) bị cáo Phạm Văn T đã nộp để đảm bảo cho việc thi hành án; Trong đó:

* Số tiền 25.851.625 đồng (hai mươi lăm triệu tám trăm năm mươi mốt ngàn sáu trăm hai mươi lăm đồng) tại tài khoản: 3949.0.1068643.00000 ngày 19/6/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ba Tơ tại Kho bạc Nhà nước huyện Ba Tơ.

* Số tiền 125.000.000 đồng (một trăm hai mươi lăm triệu đồng) theo biên lai thu số 00126 ngày 14/11/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ba Tơ.

- Ủy ban nhân dân xã B tiếp tục quản lý diện tích 19.970 m2 nằm ở lô 2a, khoảnh 9, tiểu khu 411 xã Ba Bích thuộc chức năng quy hoạch rừng sản xuất; diện tích 2.840 m2 nằm ở lô 2b, khoảnh 1, tiểu khu 425 thuộc chức năng quy hoạch rừng phòng hộ đầu nguồn theo quyết định số 01/2014/QĐ-UBND ngày 25/3/2014 của Uỷ ban nhân dân huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi.

Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

- Về vật chứng trong vụ án: Áp dụng Điều 41 của Bộ luật hình sự và Điều 106 của Bộ luật tố tụng hình sự:

+ Trả lại cho anh Phạm Văn T2 quản lý, sử dụng 01 (một) máy cưa xăng màu đỏ, đã qua sử dụng, máy không còn nhãn hiệu.

+ Tịch thu tiêu hủy 02 (hai) cái rựa cán bằng gỗ tròn dài 40 cm, lưỡi bằng sắt dài 30cm, rộng 03cm, có mấu nhọn ở đầu lưỡi.

(Vật chứng hiện đang tạm giữ tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ba Tơ theo biên bản giao nhận vật chứng ngày 26/10/2017)

- Về án phí: Căn cứ quy định tại khoản 2, Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bị cáo Phạm Văn T được miễn án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm.

- Về quyền kháng cáo: Bị cáo, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án (ngày 01/3/2018), đương sự vắng mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được tống đạt hợp lệ.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người  được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

4091
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tội hủy hoại rừng số 03/2018/HS-ST

Số hiệu:03/2018/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Ba Tơ - Quảng Ngãi
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 01/03/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;