Bản án 46/2017/HSST ngày 27/09/2017 về tội hủy hoại rừng

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN DUY XUYÊN - TỈNH QUẢNG NAM

BẢN ÁN 46/2017/HSST NGÀY 27/09/2017 VỀ TỘI HỦY HOẠI RỪNG

Ngày 27/9/2017, tại Tòa án nhân dân huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam xét xử sở thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 34/2017/HSST ngày 08/8/2017, đối với bị cáo:

Lê Bá H, sinh năm 1983 tại xã DS, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam; trú tại: Thôn CL, xã DS, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam; nghề nghiệp: Thợ sơn nước; trình độ học vấn: lớp 8; Tiền án, Tiền sự: Không.

Con ông Lê Bá N (sn 1937) và bà Lê Thị C (sn 1950). Gia đình có 09 anh em. Bị cáo là con thứ 6 trong gia đình, có vợ là Huỳnh Thị Ánh T và 01 con sinh năm 2015. Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, có mặt tại phiên tòa.

Nguyên đơn dân sự: Ủy ban nhân dân xã DT, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Do ông Đoàn Công V, Phó chủ tịch UBND đại diện theo ủy quyền (Văn bản số 60/QĐ-UBND ngày 03/7/2017). Có mặt.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Ông Nguyễn Ngọc L, sinh năm 1954. Có mặt

- Ông Trần H1, sinh năm 1954. Có mặt

- Ông Đoàn B, sinh năm 1934. Có mặt

Cùng trú tại: Thôn CS, xã DT, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

NHẬN THẤY

Bị cáo Lê Bá H bị Viện kiểm sát nhân dân huyện Duy Xuyên truy tố về hành vi phạm tội như sau:

Vào ngày 10/5/2011, Ban quản lý rừng phòng hộ Duy Xuyên (bên A) có ký kết hợp đồng giao khoán quản lý bảo vệ rừng phòng hộ tại khoảnh 7, Tiểu khu 409 Đồi SG thuộc thôn CS, xã DT, Duy Xuyên, diện tích rừng 3,2 ha, rừng thông nhựa và keo lá tràm, được trồng năm 2003 theo dự án JBIC. Thời hạn nhận khoán bảo vệ rừng là 10 năm kể từ ngày 10/5/2011 đến ngày 10/5/2021 với nhóm hộ gồm 06 người: ông Nguyễn Ngọc L, ông Trần H1, ông Đoàn B, bà Cao Thị N1, bà Nguyễn Thị P và bà Phạm Thị T1; ông Nguyễn Ngọc L làm nhóm trưởng (bên B) .

Đến ngày 01/02/2016, Lê Bá H cùng ông Ngô H2 đến gặp ông Nguyễn Ngọc L đề nghị chuyển nhượng lại 3,2ha rừng phòng hộ nêu trên cho H và H2. Ông L cùng với ông Trần H1, ông Đoàn B hội ý, thống nhất chuyển nhượng lại 3,2ha rừng thông nhựa, keo lá tràm nêu trên cho Lê Bá H và ông Ngô H2 với giá 20.000.000đ (hai mươi triệu đồng) mà không có văn bản đồng ý của chủ rừng là Ủy ban nhân dân xã DT.

Đến tháng 8/2016, Lê Bá H thuê người dọn thực bì trên 3,2ha rừng này và đến tháng 9/2016, H mua 24.000 cây con keo ghép với giá 16.800.000 đồng, thuê người trồng xen kẽ vào rừng thông và keo lá tràm trên diện tích 3,2 ha rừng này. Lúc trồng cây con keo ghép, ông Ngô H2 đến mùa cày ruộng nên nói với H không chung vốn làm trên khu vực này nữa. Lê Bá H đồng ý và trả lại số tiền 10.000.000đ (mười triệu đồng) chung vốn mua rừng cho ông Ngô H2.

Ngày 21/11/2016, Lê Bá H thuê bốn người: bà Lưu Thị B1, Lưu Thị L1, Nguyễn Thị B2 và ông Nguyễn Phước B3 lên rừng phòng hộ tại khoảnh 7, Tiểu khu 409 Đồi SG thuộc thôn CS, xã DT dùng rựa vạc vỏ gốc cây thông nhựa và keo lá tràm làm các cây này chết dần, cây nhỏ bằng cổ tay người lớn trở xuống thì chặt bỏ. Mục đích để cho cây keo con của H mới trồng phát triển. H trả công cho mỗi người làm thuê là 150.000 đ/ ngày. Đến 15h15 phút cùng ngày, thì bị phát hiện.

Kết quả khám nghiệm hiện trường xác định:

+ Diện tích rừng phòng hộ bị chặt phá: 11.915 m2..

+ Số lượng 528 cây thông bị chặt phá có trữ lượng gỗ 9,909m3  và keo đã chết là 124 cây có trữ lượng gỗ 2,091m3, tổng trữ lượng 12m3.

Toàn bộ diện tích 11.915m2 bị phá tại khoảnh 7, Tiểu khu 409 Đồi SG thuộc thôn CS, xã DT, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam thuộc loại rừng phòng hộ (theo Quyết định số 2462/QĐ-UBND ngày 09/8/2013 của UBND tỉnh Quảng Nam) và nằm trong diện tích rừng trồng thuộc dự án JBIC được giao khoán cho hộ ông Nguyễn Ngọc L (nhóm trưởng) quản lý bảo vệ. Trước đây diện tích này được Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Duy Xuyên quản lý nhưng sau khi Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Duy Xuyên giải thể theo Quyết định số 8416/QĐ-UBND ngày 03/11/2015 của UBND huyện Duy Xuyên về việc thu hồi và hủy bỏ Quyết định thành lập BQL rừng phòng hộ Duy Xuyên thì diện tích rừng này do UBND xã DT quản lý.

Tại Bản kết luận định giá tài sản số 07/KLĐG-HĐĐGTS ngày 10/3/2017 của Hội đồng định giá tài sản huyện Duy Xuyên đã kết luận: Diện tích rừng phòng hộ: 11.915m2

Tổng cộng giá trị lâm sản: 7.513.650 đồng

Tổng giá trị về môi trường: 30.054.600 đồng

Tổng cộng giá trị lâm sản và môi trường: 37.568.250 đồng

(Ba mươi bảy triệu năm trăm sáu mươi tám nghìn hai trăm năm mươi đồng) Tại bản cáo trạng số 33/CT-VKS-HS ngày 07/8/2017 Viện kiểm sát nhân dân huyện Duy Xuyên truy tố Lê Bá H về tội “Hủy hoại rừng” theo điểm b, khoản 3 Điều 189 Bộ luật hình sự sửa đổi bổ sung năm 2009.

Tại phiên tòa, trong phần tranh luận đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Duy Xuyên giữ nguyên quyết định truy tố bị cáo Lê Bá H về tội “Hủy hoại rừng” theo điểm b, khoản 3 Điều 189 Bộ luật hình sự. Đồng thời đề nghị áp dụng điểm b khoản 3 Điều 189; điểm b, p khoản 1 khoản 2 Điều 46; Điều 47 Bộ luật hình sự để xử phạt Lê Bá H 03 năm tù cho hưởng án treo. Thời gian thử thách 05 năm.

Bị cáo Lê Bá H công nhận Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Duy Xuyên truy tố hành vi của bị cáo là đúng, thống nhất về tội danh và khung hình phạt. Do hiểu biết pháp luật còn thấp, bị cáo nghĩ đây là rừng mình mua rồi. Bị cáo đã trồng dặm rừng rất nhiều nên bị cáo nghĩ mình chỉ phát dọn cây lớn hơn cho rừng phát triển chứ bị cáo không nghĩ là mình hủy hoại rừng. Hiện tại hoàn cảnh của bị cáo rất khó khăn, vợ bị bệnh ung thư, bị cáo nuôi con nhỏ. Bản thân là lao động chính nên xin giảm nhẹ hình phạt và được hưởng án treo. Về phần dân sự, Bị cáo và đại diện Ủy ban nhân dân xã DT thỏa thuận bồi thường thiệt hại số tiền 23.543.000đ và đề nghị Hội đồng xét xử công nhận.

Nguyên đơn dân sự: đại diện Ủy ban nhân dân xã DT thống nhất ý kiến của Kiểm sát viên về tội danh và khung hình phạt và mức hình phạt đối với bị cáo. Đây là khu vực rừng Phòng hộ mà Ủy ban nhân dân xã DT đang quản lý. Thiệt hại bị cáo gây ra đối với rừng phòng hộ là cây keo lai và cây thông nên khó có thể tính hết về mức độ thiệt hại mô trường. Về trách nhiệm dân sự: bị cáo đã nhận thấy việc sai trái và thống nhất thỏa thuận bồi thường thiệt hại cho Ủy ban nhân dân xã DT số tiền 23.543.000đ. Về phần hình phạt cho bị cáo thì đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng mức hình phạt thấp nhất và tạo điều kiện cho bị cáo được hưởng án treo.

Căn cứ vào các chứng cứ tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ toàn diện chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác;

XÉT THẤY

Bị cáo Lê Bá H trình bày ý kiến tại phiên tòa phù hợp với nội dung Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Duy Xuyên, ý kiến Kiểm sát viên và ý kiến của nguyên đơn dân sự, các chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án nên có căn cứ xác định:

Ngày 01/02/2016, Lê Bá H nhận chuyển nhượng 3,2ha rừng thông và keo lá tràm tại khoảnh 7, tiểu khu 409, đồi SG thuộc thôn CS, xã DT huyện Duy Xuyên của nhóm hộ do ông Nguyễn Ngọc L làm trưởng nhóm với giá 20.000.000đ. Từ tháng 8 đến tháng 9/2016, Lê Bá H thuê người dọn thực bì và trồng xen kẽ 24.000 cây keo ghép vào rừng thông và keo lá tràm nêu trên. Ngày 21/11/2016, chưa được sự cho phép của Ủy ban nhân dân xã DT nhưng H thuê 4 người là Lưu Thị B1, Lưu Thị L1, Nguyễn Thị B2 và Nguyễn Phước B3 cùng lên khu rừng đó để vạc vỏ gốc cây thông nhựa và keo lá tràm làm cho các cây này chết dần, cây nhỏ bằng cổ tay người lớn thì chặt bỏ. Mục đích là để cho rừng mình trồng trước đây phát triển. Theo kết luận định giá số 07/KLĐG-HĐĐGTS ngày 10/3/2017 thì: Tổng diện tích rừng bị chặt phá là 11.915m2. Giá trị thiệt hại về lâm sản là 7.513.650đ (Bảy triệu năm trăm mười ba ngàn sáu trăm năm mươi đồng); giá trị thiệt hại về môi trường là 30.054.600đ (ba mươi triệu không trăm năm mươi bốn ngàn sáu trăm đồng). Tổng cộng là 37.568.250đ (Ba mươi bảy triệu năm trăm sáu mươi tám ngàn hai trăm năm mươi đồng).

Tại quyết định số 2462/QĐ-UBND ngày 09/8/2013 về việc Phê duyệt quy hoạch và bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011-2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam kèm theo bản đồ quy hoạch 3 loại rừng tại xã DT và văn bản trả lời số 1132/UBND-NNPTNT ngày 15/9/2017 của Ủy ban nhân dân huyện Duy Xuyên xác định: diện tích rừng bị Lê Bá H chặt phá tại khoảnh 7, tiểu khu 409, đồi SG, xã DT là Rừng phòng hộ thuộc dự án trồng rừng JBIC.

Căn cứ theo Thông tư số 19/2007/TTLN-BNN-BTP-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 08/3/2007 hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật hình sự trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản thì hành vi chặt, phá cây rừng của bị cáo đã phạm vào tội Hủy hoại rừng. Hội đồng xét xử có cơ sở kết luận bị cáo Lê Bá H phạm vào tội: “Hủy hoại rừng” theo điểm b khoản 3 điều 189 BLHS. Vì vậy Lời luận tội của Kiểm sát viên tại phiên tòa về hành vi phạm tội, tội danh, khung hình phạt đồng thời đề nghị áp dụng điểm b khoản 3 Điều 189; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 47, Điều 60 Bộ luật hình sự đối với Lê Bá H là có căn cứ.

Hành vi phạm tội của bị cáo đã trực tiếp xâm hại đến chế độ quản lý, bảo vệ rừng của Nhà nước, xâm phạm nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, gây ảnh hưởng trật tự xã hội; nên cần xử lý nghiêm để giáo dục bị cáo đồng thời góp phần đấu tranh phòng chống tội phạm.

Tuy nhiên, sau khi phạm tội bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Bị cáo đã tự nguyện nộp tiền bồi thường một phần thiệt hại số tiền 4.000.000đ (Bốn triệu đồng) theo biên lai thu tiền số 821 ngày 22/9/2017 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Duy Xuyên. Và thực tế bị cáo đã trồng lại rừng và hiện đang phát triển xanh tốt. Hoàn cảnh gia đình bị cáo hết sức khó khăn, thuộc diện hộ cận nghèo, có vợ bị bệnh hiểm nghèo đang điều trị. Bản thân bị cáo là lao động chính đang nuôi con còn nhỏ. Nên bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b, p khoản 1 khoản 2 điều 46 BLHS. Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu nên cần áp dụng điều 47 để xử bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt. Đồng thời bị cáo có đủ các điều kiện theo hướng dẫn của Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP ngày 01/11/2013 của Hội đồng thẩm phán TANDTC về áp dụng điều 60 để cho bị cáo được hưởng án treo.

Về trách nhiệm dân sự: Tại phiên tòa, bị cáo và đại diện nguyên đơn dân sự thỏa thuận bồi thường tổng số tiền thiệt hại về lâm sản và thiệt hại về môi trường là 23.543.000đ. Bị cáo đã bồi thường được 4.000.000đ, còn lại tiếp tục bồi thường số tiền 19.543.000đ (Mười chín triệu năm trăm bốn mươi ba ngàn đồng). Sự thỏa thuận này phù hợp với pháp luật và không trái đạo đức xã hội nên công nhận.

Về án phí: Căn cứ Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội buộc bị cáo Lê Bá H phải chịu 200.000đ án phí hình sự sơ thẩm và 19.543.000 x 5% = 977.000đ án phí dân sự sơ thẩm.

Vì các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố bị cáo Lê Bá H phạm tội: “Hủy hoại rừng”.

Áp dụng điểm b khoản 3 điều 189; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 47, Điều 60 Bộ luật hình sự, xử phạt Lê Bá H 03 (ba) năm tù cho hưởng án treo. Thời gian thử thách 05 (năm) năm tính từ ngày tuyên án sơ thẩm (ngày 27/9/2017).

Giao bị cáo cho UBND xã DS, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp cùng chính quyền địa phương trong giám sát, giáo dục bị cáo.

Trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 điều 69 Luật thi hành án hình sự.

Về trách nhiệm dân sự: Buộc bị cáo Lê Bá H bồi thường thiệt hại về lâm sản và thiệt hại về môi trường cho Ủy ban nhân dân xã DT huyện Duy Xuyên số tiền 23.543.000đ (Hai mươi ba triệu năm trăm bốn mươi ba ngàn đồng). Bị cáo đã bồi thường được 4.000.000đ. Còn lại phải bồi thường số tiền 19.543.000đ (Mười chín triệu năm trăm bốn mươi ba ngàn đồng).

Trường hợp bị cáo Lê Bá H chậm trả tiền thì phải chịu khoản tiền lãi phát sinh do chậm trả tiền theo quy định tại khoản 2 Điều 357 Bộ luật dân sự..

Về án phí: Bị cáo Lê Bá H phải chịu 200.000đ (Hai trăm ngàn đồng) án phí hình sự sơ thẩm và 977.000đ (Chín trăm bảy mươi bảy ngàn đồng) án phí dân sự sơ thẩm.

Trường hợp quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 6, Điều 7 và Điều 9 luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án dân sự thực hiện theo Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm bị cáo, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo bản án để đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam xét xử phúc thẩm.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

722
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 46/2017/HSST ngày 27/09/2017 về tội hủy hoại rừng

Số hiệu:46/2017/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Duy Xuyên - Quảng Nam
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 27/09/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;