Bản án về tội cố ý gây thương tích số 41/2021/HS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN A, TỈNH B

BẢN ÁN 41/2021/HS-ST NGÀY 29/09/2021 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 29 tháng 9 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện A, tỉnh B xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 43/2021/TLST-HS, ngày 09 tháng 8 năm 2021 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 54/2021/QĐXXST-HS ngày 09 tháng 8 năm 2021 đối với các bị cáo:

1. Đ.P.T, tên gọi khác: Hét, sinh ngày 18 tháng 11 năm 1988, tại: huyện A, tỉnh B; Nơi cư trú: thôn N, xã K, huyện A, tỉnh B; Nghề nghiệp: nông; Trình độ văn hóa: 9/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông: Đ.P, sinh năm: 1964 và bà: P.T.L, sinh năm: 1966; Vợ: L.T.C, sinh năm: 1992; Con: Chưa có; Tiền án: Ngày 20.06.2013 bị Tòa phúc thẩm TANDTC tại Đ.N, xử phạt 10 năm tù, về tội Trộm cắp tài sản. Chấp hành xong hình phạt tù vào ngày 06.09.2019, chưa được xóa án tích. Bị cáo bị bắt, tạm giam từ ngày 02.06.2021 tại Nhà tạm giữ Công an huyện A cho đến nay.(Có mặt).

2. P.V.N, tên gọi khác: Không, sinh ngày 21 tháng 5 năm 1992, tại: huyện M, tỉnh B; Nơi cư trú: thôn H, xã C, huyện M, tỉnh B; Nghề nghiệp: không; Trình độ văn hóa: 7/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông: P.C.C, sinh năm: 1965 (chết) và bà: T.T.H, sinh năm: 1966;

Vợ,con: Chưa có; Tiền án: ngày 23.11.2012, TAND tỉnh B xử phúc thẩm, tuyên y án sơ thẩm: 3 năm tù, về tội Cố ý gây thương tích, với tình tiết tăng nặng: Tái phạm; buộc bồi thường cho người bị hại số tiền 4.108.300 đồng và án phí. Ngày 23.09.2013, TAND tỉnh B xử phúc thẩm, tuyên: 2 năm 6 tháng tù về tội Cố ý gây thương tích, tổng hợp với bản án ngày 23.11.2012, phải chấp hành 5 năm 6 tháng tù. Đến ngày 08.10.2017, P.V.N đã chấp hành xong hình phạt tù và án phí, nhưng chưa bồi thường cho bị hại số tiền 4.108.300 đồng, mặc dù bị hại đã có đơn yêu cầu thi hành án. Do đó, P.V.N đã tái phạm chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý. Nhân thân: ngày 30/06/2010 bị TAND huyện M, tỉnh B xử phạt 15 tháng tù về tội Trộm cắp tài sản. Bị cáo bị bắt, tạm giam từ ngày 02.06.2021 tại Nhà tạm giữ Công an huyện A cho đến nay. (Có mặt).

3. Đ.N.V, tên gọi khác: V.L, sinh ngày 20 tháng 7 năm 1992, tại: huyện M, tỉnh B; Nơi cư trú: thôn L, xã M.H, huyện M, tỉnh B; Nghề nghiệp: không; Trình độ văn hóa: 10/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông: Đ.H.L, sinh năm: 1965 và bà: N.T.T.X, sinh năm: 1961; Vợ: P.T.M.L, sinh năm: 1995; Con: 01 người, sinh năm: 2019; Nhân thân: Ngày 09/02/2010 bị TAND huyện M xử phạt 6 tháng Cải tạo không giam giữ, về tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản; ngày 26.10.2012 bị TAND huyện M xử phạt 5 năm tù, về tội Cố ý gây thương tích, chấp hành xong hình phạt vào ngày 10.01.2017, đã được xóa án tích. Bị cáo bị bắt, tạm giam từ ngày 02.06.2021 tại Nhà tạm giữ Công an huyện A cho đến nay. (Có mặt).

4. H.N.H, tên gọi khác: không, sinh ngày 16 tháng 5 năm 1993, tại: huyện M, tỉnh B; Nơi cư trú: thôn P, xã M.H, huyện M, tỉnh B; Nghề nghiệp: lái máy đào; Trình độ văn hóa: 9/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông: H.N, sinh năm: 1968 và bà: C.T.C, sinh năm: 1970; Vợ: L.T.K.C, sinh năm: 1996; Con: 01 người, sinh năm: 2020; Nhân thân: Ngày 26/06/2012, TAND tỉnh B xử phúc thẩm, tuyên án 22 tháng tù nhưng cho hưởng án treo và thời gian thử thách 44 tháng, về tội Cố ý gây thương tích. Bị cáo bị bắt, tạm giam từ ngày 02.06.2021 tại Nhà tạm giữ Công an huyện A cho đến nay. (Có mặt).

5. N.T.K, tên gọi khác: C.A, sinh ngày 24 tháng 7 năm 1999, tại: huyện A, tỉnh B; Nơi cư trú: Khu K, thị trấn U, huyện A, tỉnh B; Nghề nghiệp: không; Trình độ văn hóa: 9/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông: N.V.A, sinh năm: 1976 và bà: N.T.T, sinh năm: 1974; Vợ, con: Chưa có;Tiền án:ngày 03.09.2020, bị TAND huyện A xử phạt 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 12 tháng, về tội Cố ý gây thương tích, chưa được xóa án tích, phạm tội mới trong thời gian thử thách. Bị cáo bị bắt, tạm giam từ ngày 02.06.2021 tại Nhà tạm giữ Công an huyện A cho đến nay. (Có mặt).

6. N.T.N, tên gọi khác: C.E, sinh ngày 24 tháng 7 năm 1999, tại: huyện A, tỉnh B; Nơi cư trú: Khu A, thị trấn U, huyện A, tỉnh B; Nghề nghiệp: không; Trình độ văn hóa: 8/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông: N.V.A, sinh năm: 1976 và bà: N.T.T, sinh năm: 1974; Vợ, con: Chưa có;Tiền sự:Ngày 30.07.2020, bị Công an huyện A xử phạt 2.500.000 đồng về hành vi xâm hại đến sức khỏe của người khác; Ngày 06.08.2020 đã nộp xong tiền phạt, chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính. Nhân thân: Ngày 05.12.2017, bị TAND huyện A xử phạt 4 tháng tù, về tội Cố ý gây thương tích, đã được xóa án tích.

Bị cáo bị bắt, tạm giam từ ngày 02.06.2021 tại Nhà tạm giữ Công an huyện A cho đến nay. (Có mặt).

7. N.V.Đ, tên gọi khác: H, sinh ngày 25 tháng 10 năm 1992, tại: huyện M, tỉnh B; Nơi cư trú: thôn 1, xã E, huyện M, tỉnh B; Nghề nghiệp: thợ sửa điện; Trình độ văn hóa: 8/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông: N.C, sinh năm: 1971 và bà: N.T.P, sinh năm: 1971; Vợ: đã ly hôn, con: 02 người. Lớn nhất sinh năm 2017, nhỏ nhất sinh năm 2019; Tiền án, tiền sự: không. Bị cáo bị áp dụng biện pháp Cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 28.05.2021 cho đến nay. (Có mặt).

- Người bị hại:Chị N.T.D, sinh năm: 1974.

Đa chỉ: thôn N, xã K, huyện A, tỉnh B. (Có mặt). Anh T.V.T, sinh năm: 1973.

Đa chỉ: thôn N, xã K, huyện A, tỉnh B.(Có mặt).

- Người làm chứng: Anh Đ.N.B.A, sinh năm: 2000. Địa chỉ: Khu 3, thị trấn U, huyện A, tỉnh B. (Có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Gia đình Đ.P.T và bà N.T.D, sinh năm 1974, ở thôn N, xã K, huyện A là láng giềng nhưng hay xảy ra cãi vã, xúc phạm nhau nên Đ.P.T nảy sinh ý định tìm, thuê người đánh gây thương tích cho bà N.T.D nhằm mục đích dằn mặt, để bà N.T.D khỏi nói xấu gia đình mình.

Để thực hiện ý định, sáng ngày 12/05/2021 Đ.P.T điện thoại rủ N.V.Đ (Đ.P.T là anh phía vợ của N.V.Đ) đến quán S, ở thôn 2, xã X, huyện A, uống cà phê. Tại đây, Đ.P.T nói dối với N.V.Đ: có bà đây gần nhà ( tức bà N.T.D) nợ 20.000.000 đồng, không trả mà còn qua nhà chửi bới, em tìm người giúp anh đánh bà này mấy cái dằn mặt, sẽ trả cho 10.000.000 đồng; N.V.Đ nói: em có quen ông đây, để gọi xem có làm được không thì hai bên gặp trực tiếp nói chuyện. Sau đó, cả hai ra về. Đến trưa cùng ngày, N.V.Đ điện thoại cho P.V.N (là chú phía vợ của N.V.Đ): có kèo này, có ông anh nhờ đánh bà đây dằn mặt, chú coi làm được kiếm ít đồng; P.V.N trả lời: có gì tối gặp nói chuyện; sau đó P.V.N điện cho Đ.N.V: có công việc này, anh em coi làm được kiếm ít đồng tiêu. Đ.N.V đồng ý gặp P.V.N để bàn chuyện và rủ thêm H.N.H cùng tham gia.

Khong 18h ngày 12/05/2021, N.V.Đ và Đ.P.T, đến quán cà phê A.N ở thôn 4, xã C, huyện M gặp P.V.N, Đ.N.V và H.N.H, để bàn chuyện đánh bà N.T.D. Tại đây, N.V.Đ giới thiệu Đ.P.T với nhóm P.V.N; Đ.PT nói với nhóm của P.V.N: bà N.T.D ở gần nhà nợ 20.000.000 đồng, không trả còn chửi bới, xúc phạm gia đình, nhờ mấy bạn đánh bà N.T.D mấy tát dằn mặt, xong việc tôi trả 10.000.0000 đồng và cho cả nhóm biết địa chỉ nhà bà N.T.D; P.V.N, Đ.N.V, H.N.H đồng ý giúp Đ.P.T đánh bà N.T.D; thỏa thuận xong, Đ.P.T đi về trước, còn N.V.Đ điều khiển xe mô tô dẫn P.V.N, Đ.N.V, H.N.H đến thôn N, xã K, huyện A chỉ nhà bà N.T.D cho nhóm của P.V.N, rồi đi về nhà.

Sau khi đã xác định được vị trí nhà bà N.T.D thì P.V.N, Đ.N.V, H.N.H đến quán lẩu 35K, ở thôn H, xã C, huyện M để nhậu. Tại quán, Đ.N.V điện thoại rủ anh em N.T.K và N.T.N ở huyện A ra xã C nhậu, có công chuyện, thuê xe ô tô đi, tiền bạc có gì anh trả; N.T.K đồng ý và thuê xe ô tô 79C-516.87 của anh Đ.N.B.A, sinh năm 2000 ở khu 3, TT. U, huyện A, điều khiển chở N.T.K, N.T.N đến quán 35K.

Tại quán N.T.K, N.T.N hỏi: có chuyện gì vậy, thì Đ.N.V nói: có bà này nợ tiền thằng bạn không trả mà còn chửi bới, nó nhờ tụi mình đánh bà ta mấy cái dằn mặt; Đ.N.V bảo với N.T.K, N.T.N là: việc đánh bà N.T.D để Đ.N.V, P.V.N, H.N.H lo, còn N.T.K, N.T.N đứng ngoài canh chừng; N.T.K, N.T.N đồng ý tham gia giúp nhóm Đ.N.V đánh bà N.T.D.

Sau khi bàn bạc, thống nhất xong, cả nhóm gồm: P.V.N, Đ.N.V, H.N.H, N.T.K, N.T.N lên xe ô tô, rồi bảo anh Đ.N.B.A chở đến phòng trọ của P.V.N ở thôn H, xã C, huyện M; khi đến phòng trọ, P.V.N vào lấy 02 cây phản phát bờ (để làm hung khí), ra bỏ vào cốp sau xe ô tô. Sau đó, P.V.N và Đ.N.V chỉ đường cho anh Đ.N.B.A điều khiển xe ô tô chở cả nhóm đến nhà bà N.T.D. Khi đến nơi, thì không có bà N.T.D ở nhà nên Đ.N.V điện thoại cho Đ.P.T và được Đ.P.T cho biết: vợ chồng bà N.T.D vừa đi khỏi nhà bằng xe SH màu xanh, đi hướng Đ hay xã X gì đó và thông báo đặc điểm nhận dạng vợ chồng bà N.T.D cho nhóm Đ.N.V biết.

Biết được tin tức về vợ chồng bà N.T.D như vậy, Đ.N.V và P.V.N bảo anh Đ.N.B.A điều khiển xe ô tô quay lại, chở cả nhóm xuống hướng Đ thôn An 5, xã K, huyện A, dạo tìm vợ chồng bà N.T.D nhưng không có, nên tiếp tục yêu cầu anh Đ.N.B.A chạy xe lên đường TL 639 đoạn gần ngã ba cầu Treo thuộc thôn N, xã K, huyện A - đường về nhà bà N.T.D và dừng lại đứng chờ vợ chồng bà N.T.D.

Đến khoảng 22h ngày 12/05/2021, khi thấy ông T.V.T (chồng bà N.T.D) điều khiển xe mô tô SH màu xanh, chở bà N.T.D chạy ngang qua thì Đ.N.V la lên: nó kìa; cả nhóm liền lên xe ô tô yêu cầu anh Đ.N.B.A lái xe đuổi theo; chạy được khoảng 200m thì đuổi kịp và lúc này xe ô tô chạy chậm, song song với xe mô tô của vợ chồng bà N.T.D nên P.V.N liền mở cửa xe trước bên phải của xe ô tô va vào xe mô tô, làm vợ chồng bà N.T.D và xe mô tô ngã xuống lề đường; cả nhóm gồm: P.V.N, Đ.N.V, H.N.H, N.T.K, N.T.N xuống khỏi xe ô tô để đánh bà N.T.D; P.V.N, Đ.N.V và H.N.H xông đến dùng tay, chân đấm, đá vào người bà N.T.D; còn N.T.K, N.T.N đứng ngoài canh chừng; ông T.V.T thấy vậy liền đến can ngăn thì cũng bị ba người này quay sang dùng tay, chân đánh vào người; bà N.T.D chạy vào nhà ông L.V.V, ở gần đó cầm 1 khúc cây chạy ra thì P.V.N, N.T.N cầm mỗi người 1 cái phản phát bờ hăm dọa chém, làm bà N.T.D sợ không dám phản kháng. Lúc này, có nhiều người dân ra xem nên cả nhóm lên xe ô tô về nghỉ tại nhà nghỉ T, ở thôn H, xã C, huyện M; trên đường đi, Đ.N.V điện thoại thông báo cho Đ.P.T biết là công việc đã xong.

Tại nhà nghỉ T, P.V.N điện thoại cho N.V.Đ nói: công việc xong rồi, giờ gặp Đ.P.T lấy tiền; N.V.Đ điện thoại cho Đ.P.T, Đ.P.T bảo xuống nhà lấy; một lúc sau, khoảng 0h ngày 13/05/2021 thì P.V.N với N.T.K chạy xe mô tô đến, N.V.Đ dẫn P.V.N và N.T.K đến nhà Đ.P.T, Đ.P.T trả cho P.V.N 10.000.000 đồng như đã thỏa thuận; sau khi nhận được tiền P.V.N lấy tiền đưa N.V.Đ nhưng N.V.Đ không lấy, nói: khuya rồi có gì mai nói chuyện; P.V.N và N.T.K về lại nhà nghỉ T.

Số tiền 10.000.000 đồng nhận được, P.V.N đưa cho Đ.N.V 1.500.000 đồng, trả tiền xe cho anh Đ.N.B.A 1.500.000 đồng; còn lại P.V.N chi tiêu chung cho cả nhóm.

Hậu quả của vụ án:

-Kết luận giám định pháp y về thương tích: số 126/2021/PY-TgT ngày 20 tháng 05 năm 2021 của Trung tâm Pháp y tỉnh B, đối với N.T.D, kết luận: chấn thương gây sưng nề vùng chẩm, đau đầu, không tổn thương sọ đã điều trị, hiện vùng chẩm không có dấu vết; chấn thương gây đau vùng cổ, gáy, không ghi nhận dấu vết thương tích, không tổn thương xương vùng cổ đã điều trị; hiện vùng cổ gáy không có dấu vết; chấn thương gây bầm tím ô mô cái tay trái, không tổn thương xương đã điều trị, hiện ô mô cái tay trái để diện rối loạn sắc tố da kt(3x2)cm, vận động ngón tay trong giới hạn bình thường; chấn thương gây xây xát da gối phải, hiện gối phải để lại sẹo đang đóng vảy kt ( 3,5x1,5)cm, vận động gối phải trong giới hạn bình thường; chấn thương gây bầm tím gối trái, hiện mặt trước gối trái để diện rối loạn sắc tố da kt(4x5)cm.

Căn cứ Bảng tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể ban hành kèm theo Thông tư số 22/2019/TT-BYT ngày 28/08/2019 của Bộ y tế, tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là : 07%.

-Kết luận giám định pháp y về thương tích: số 125/2021/PY-TgT ngày 20 tháng 05 năm 2021 của Trung tâm Pháp y tỉnh B, đối với T.V.T, kết luận: Chấn thương gây sưng nề nhiều mảng cẳng tay trái, đau, không tổn thương xương cẳng tay đã điều trị, hiện cẳng tay trái để diện rối loạn sắc tố da đoạn 1/3 giữa, kt (1x1)cm; chấn thương gây gãy xương bàn V bàn tay trái đã cố định bột cổ-bàn tay, hiện bàn tay trái trong bột, các ngón cử động trong giới hạn bình thường.

Căn cứ Bảng tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể ban hành kèm theo Thông tư số: 22/2019/TT-BYT ngày 28/08/2019 của Bộ y tế, tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là: 09%.

- Trong quá trình bà N.T.D bị nhóm của P.V.N đánh, còn làm đứt, mất 01 sợi dây chuyền có trọng lượng 11 chỉ vàng 18k mà bà N.T.D đang đeo trên cổ.

Vật chứng: Tạm giữ 02 cái phản (Có đặc điểm như biên bản tạm giữ đồ vật, tài liệu), đã chuyển giao cho Chi cục THADS huyện A, tỉnh B.

Về dân sự:

Ông T.V.T và bà N.T.D, kê khai yêu cầu bồi thường các khoản (Có chứng từ và không có chứng từ), tổng số tiền là: 64.513.000 đồng. Trong đó: Chi phí cho sức khỏe, ngày công lao động v.v…là: 29.313.000 đồng; Sợi dây chuyền bị mất là: 35.200.000 đồng.

Gia đình các bị cáo đã:

- Nộp lại số tiền do phạm tội mà có: 10.000.000 đồng.

- Nộp tổng số tiền để khắc phục hậu quả, bồi thường cho hai bị hại là: 47.000.000 đồng. Trong đó: Đ.P.T 10.000.000 đồng; N.V.Đ 10.000.000 đồng; P.V.N 8.300.000 đồng; Đ.N.V 4.800.000 đồng; H.N.H 8.300.000 đồng; N.T.K và N.T.N 5.600.000 đồng.

Tại bản cáo trạng số:36/CT-VKSPC, ngày 06.08.2021của Viện kiểm sát nhân dân huyện A đã truy tố các bị cáo: P.V.N về tội: “Cố ý gây thương tích” theo điểm d khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015; Đ.P.T và N.V.Đ về tội: “Cố ý gây thương tích” theo điểm h khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015; Đ.N.V và H.N.H về tội: “Cố ý gây thương tích” theo điểm h, i khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015; N.T.K và N.T.N về tội: “Cố ý gây thương tích” theo điểm i khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện A trong phần tranh luận vẫn giữ nguyên quyết định truy tố đối với các bị cáo: P.V.N, về tội: “Cố ý gây thương tích” theo điểm d khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015; Đ.P.T và N.V.Đ, về tội: “Cố ý gây thương tích” theo điểm h khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015; Đ.N.V và H.N.H về tội: “Cố ý gây thương tích” theo điểm h, i khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015; N.T.K và N.T.N về tội: “Cố ý gây thương tích” theo điểm i khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015.

- Đề nghị HĐXX áp dụng điểm d khoản 2 Điều 134, điểm b, s khoản 1 Điều 51, khoản 1 Điều 54, Điều 58 của Bộ luật hình sự 2015.

Xử phạt bị cáo P.V.N với mức án từ: 18 tháng tù đến 21 tháng tù.

- Đề nghị HĐXX áp dụng điểm h khoản 1 Điều 134, điểm b, s khoản 1 Điều 51, Điều, điểm h khoản 1 Điều 52, Điều 58 của Bộ luật hình sự 2015.

Xử phạt bị cáo Đ.P.T với mức án từ: 15 tháng tù đến 18 tháng tù.

- Đề nghị HĐXX áp dụng điểm h, i khoản 1 Điều 134, điểm b, s khoản 1 Điều 51, Điều 58 của Bộ luật hình sự 2015.

Xử phạt bị cáo Đ.N.V với mức án từ:12 tháng tù đến 15 tháng tù.

- Đề nghị HĐXX áp dụng điểm h, i khoản 1 Điều 134, điểm b, s khoản 1 Điều 51, Điều 58 của Bộ luật hình sự 2015.

Xử phạt bị cáo H.N.H với mức án từ: 09 tháng tù đến 12 tháng tù.

- Đề nghị HĐXX áp dụng điểm i khoản 1 Điều 134, điểm b, s khoản 1 Điều 51, điểm h khoản 1 Điều 52, Điều 58 của Bộ luật hình sự 2015.

Xử phạt bị cáo N.T.K với mức án từ: 09 tháng tù đến 12 tháng tù. Đồng thời đề nghị áp dụng Điều 56 của Bộ luật hình sự năm 2015 để tổng hợp hình phạt của Bản án số: 22/2020/HS-ST ngày 03.9.2020 của TAND huyện A, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung của hai bản án.

- Đề nghị HĐXX áp dụng điểm i khoản 1 Điều 134, điểm b, s khoản 1 Điều 51, Điều 58 của Bộ luật hình sự 2015.

Xử phạt bị cáo N.T.N với mức án từ: 06 tháng tù đến 09 tháng tù.

- Đề nghị HĐXX áp dụng điểm h khoản 1 Điều 134, điểm b, i, s khoản 1, Điều 51, Điều 58, Điều 65 của Bộ luật hình sự 2015.

Xử phạt bị cáo N.V.Đ với mức án từ: 06 tháng tù đến 09 tháng tù nhưng cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách. Giao bị cáo cho UBND xã E, huyện M quản lý, giáo dục trong thời gian thử thách.

Về dân sự:

Đề nghị HĐXX áp dụng Điều 48 Bộ luật hình sự 2015; Điều 589, 590 của Bộ luật dân sự 2015.

Tuyên buộc các bị cáo chưa bồi thường đủ số tiền khắc phục hậu quả cho người bị hại là chị N.T.D, anh T.V.T thì phải tiếp tục bồi thường.

Về xử lý vật chứng: Đề nghị HĐXX áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự 2015, Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Tịch thu, sung ngân sách nhà nước số tiền thu lợi bất chính: 10.000.000 đồng; Tịch thu, tiêu hủy 02 cái phản mà các bị cáo sử dụng để phạm tội.

Tại phiên tòa trong phần tranh luận, người bị hại chị N.T.D và anh T.V.T đã có ý kiến đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Trong phần tự bào chữa,các bị cáo đã thừa nhận hành vi như nội dung bản cáo trạng đã truy tố và tự nguyện thống nhất cùng bồi thường thiệt hại theo yêu cầu của người bị hại. Đồng thời đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1]. Xét về mặt thủ tục tố tụng: Trong các giai đoạn điều tra, truy tố, những người tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự thủ tục theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS 2015); các bị cáo và những người tham gia tố tụng khác đều không có ý kiến hoặc khiếu nại gì đối với các cơ quan tiến hành tố tụng và hành vi của những người tiến hành tố tụng. Do đó, Tòa án nhân dân huyện A có đủ căn cứ để xác định, ở các giai đoạn tố tụng này, hành vi của những người tố tụng và quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp; quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng được đảm bảo, các nguyên tắc trong tố tụng hình sự được tôn trọng và thực hiện đầy đủ theo quy định của pháp luật Hình sự.

[2].Xét nội dung của vụ án và hành vi của các bị cáo thực hiện, Hội đồng xét xử thấy rằng: Tại phiên tòa hôm nay các bị cáo Đ.P.T, P.V.N, Đ.N.V, H.N.H, N.T.K, N.T.N và N.V.Đ đã khai nhận toàn bộ hành vi, diễn biến của vụ án như nội dung bản cáo trạng đã truy tố. Lời khai nhận của các bị cáo trước tòa phù hợp với lời khai của các bị cáo ở cơ quan điều tra, phù hợp với lời khai của người bị hại và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, làm rõ tại Tòa. Như vậy, đủ cơ sở và yếu tố pháp lý kết luận:

Xuất phát từ mâu thuẫn xích mích giữa gia đình Đ.P.T với bà N.T.D và cách xử sự hàng xóm với nhau, nên làm cho Đ.P.T bức xúc, muốn đánh bà N.T.D để dằn mặt. Do đó, Đ.P.T đã nhờ bị cáo N.V.Đ tìm, thuê người khác đánh bà N.T.D với giá 10.000. 000 đồng. N.V.Đ nhận lời và đã tích cực tìm, giúp sức, giới thiệu P.V.N cho Đ.P.T để Đ.P.T trực tiếp bàn bạc, thỏa thuận trong việc đánh bà N.T.D. Khi được thuê, P.V.N, Đ.N.V và H.N.H, dù không quen biết hay mâu thuẫn gì với bà N.T.D nhưng vì cần tiền để tiêu xài đã đồng ý đánh thuê. Và để tăng thêm khí thế, Đ.N.V đã rủ N.T.K và N.T.N tham gia giúp sức; khi được rủ và biết được mục đích của nhóm là đi đánh dằn mặt bà N.T.D, N.T.K và N.T.N cũng không có mâu thuẫn, quen biết với bà N.T.D nhưng vẫn tham gia một cách tích cực. Từ đó nhóm của P.V.N, đã chặn đường dùng tay, chân đánh vợ chồng ông T.V.T và bà N.T.D, gây ra thương tích cho ông T.V.T với tỷ lệ 9%, bà N.T.D với tỷ lệ 7%, vào khoảng 22h ngày 12.05.2021 tại thôn N, xã K, huyện A, tỉnh B.

Các bị cáo đều là những thanh niên đã trưởng thành nhưng có nhân thân xấu, ngoài bị cáo N.V.Đ thì các bị cáo còn lại đều có tiền án nhưng không chịu cố gắng cải tạo, làm ăn lương thiện mà lại tiếp tục phạm tội. Vụ án có nhiều bị cáo tham gia nhưng không mang tính có tổ chức, trong đó bị cáo Đ.P.T là người thuê gây tích cho người khác; N.V.Đ là người giúp sức tìm người để cho Đ.P.T thuê; P.V.N, Đ.N.V, H.N.H là những người trực tiếp gây thương tích cho người khác do được Đ.P.T thuê nên thuộc trường hợp phạm tội có tính chất côn đồ; N.T.N, N.T.K với vai trò giúp sức, thực hiện tội phạm có tính chất côn đồ.

Hành vi của các bị cáo Đ.P.T, N.V.Đ, P.V.N, Đ.N.V, H.N.H, N.T.K và N.T.N là hành vi nguy hiểm cho xã hội, đã cố ý xâm phạm đến sức khỏe của người khác một cách trái pháp luật, làm ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội. Do đó, cần phải xử lý nghiêm minh theo pháp luật hình sự.

[3]. Xét tính chất nguy hiểm của hành vi, lỗi của các bị cáo đã thực hiện. Hội đồng xét xử xác định Viện kiểm sát nhân dân huyện A, tỉnh B truy tố bị cáo P.V.N về tội: “Cố ý gây thương tích” theo điểm d khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015; Đ.P.T và N.V.Đ về tội: “Cố ý gây thương tích” theo điểm h khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015; Đ.N.V và H.N.H về tội: “Cố ý gây thương tích” theo điểm h, i khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015; N.T.K và N.T.N về tội: “Cố ý gây thương tích” theo điểm i khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 là hoàn toàn có cơ sở, đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật. Hội đồng xét xử kết luận: Bị cáo P.V.N phạm tội: “Cố ý gây thương tích” theo điểm d khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015; bị cáo Đ.P.T và N.V.Đ phạm tội: “Cố ý gây thương tích” theo điểm h khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015; bị cáo Đ.N.V và H.N.H phạm tội: “Cố ý gây thương tích” theo điểm h, i khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015; bị cáo N.T.K và bị cáo N.T.N phạm tội: “Cố ý gây thương tích” theo điểm i khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015. Do đó, cần phải xử lý nghiêm minh nhằm giáo dục, cải tạo các bị cáo và răn đe phòng ngừa chung, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự ở địa phương.

[4].Xét về các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để quyết định hình phạt cho từng bị cáo, Hội đồng xét xử thấy rằng:

- Đối với bị cáo P.V.N: Mặc dù đã bị TAND tỉnh B 02 lần xét xử về tội cố ý gây thương tích và đã bị áp dụng tình tiết tăng nặng là tái phạm, chưa được xóa án tích nhưng đến ngày 12.05.2021 bị cáo tiếp tục phạm tội mới với lỗi cố ý. Do đó, bị cáo P.V.N phạm vào tình tiết định khung hình phạt: Tái phạm nguy hiểm, qui định tại điểm d khoản 2 Điều 134. Mặt khác, bị cáo cũng là người cầm đầu, rủ rê người khác tham gia vào vụ đánh thuê này nên bị cáo phải chịu mức hình phạt cao nhất.

- Đối với bị cáo Đ.P.T: Chỉ với những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống với bị hại N.T.D nhưng không tìm cách giải quyết mà lại tìm thuê người khác gây thương tích cho bà N.T.D. Mặt khác, bị cáo vừa mới chấp hành xong hình phạt 10 năm tù vào ngày 06.9.2019, chưa được xóa án tích thì đến ngày 12/5/2021 lại phạm tội mới nên áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là tái phạm. Do đó, bị cáo phải chịu mức hình phạt cao hơn so với các bị cáo còn lại.

- Đối với bị cáo Đ.N.V: Bị cáo tham gia với vai trò tích cực, rủ rê người khác tham gia vào việc đánh bị hại, bị cáo bị áp dụng hai tình tiết tăng nặng là gây thương tích thuê và có tính chất côn đồ. Mặt khác, bị cáo đã từng bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tuy đã được xóa án tích nhưng không chịu sửa chữa bản thân mà tiếp tục phạm tội. Do đó, bị cáo Đ.N.V phải chịu mức hình phạt nghiêm khắc.

- Đối với bị cáo H.N.H: Có vai trò đồng phạm giúp sức, khi được bị cáo Đ.N.V rủ nên bị cáo đồng ý thực hiện tích cực hành vi phạm tội. Do đó, bị cáo H.N.H phải chịu mức hình phạt tương xứng.

- Đối với bị cáo N.T.K: Khi được bị cáo Đ.N.V rủ rê tham gia đánh chị N.T.D, bị cáo không quen biết, không mâu thuẫn gì với chị N.T.D nhưng vẫn nhiệt tình nhận lời, thể hiện tính có côn đồ và sau đó trực tiếp đi lấy tiền thuê. Mặt khác, bị cáo đang thi hành thời gian thử thách của bản án “Cố ý gây thương tích” nhưng không lo chấp hành tốt mà lại phạm tội mới nên bị tình tiết tăng nặng là: Tái phạm. Do đó, áp dụng Điều 56 BLHS để tổng hợp hình phạt, buộc bị cáo phải thi hành hình phạt chung của cả hai bản án.

- Đối với bị cáo N.T.N: Với vai trò giúp sức, nể nang bạn bè nên tham gia nhưng không trực tiếp gây thương tích cho người bị hại. Tuy nhiên, bị cáo cũng có nhân thân xấu nên cũng cần áp dụng một mức hình phạt thỏa đáng đối với bị cáo.

- Đối với bị cáo N.V.Đ: Vì có mối quan hệ thân thiết với bị cáo Đ.P.T nên khi biết chị N.T.D nhiều lần xúc phạm đến Đ.P.T và được Đ.P.T nhờ nên nể nang mà tìm người giúp Đ.P.T, bị cáo chỉ giới thiệu bị cáo P.V.N cho bị cáo Đ.P.T để hai bên tự thỏa thuận rồi bị cáo đi về, không được hưởng lợi gì trong vụ án này, không trực tiếp gây thương tích cho người bị hại, đồng phạm với vai trò thứ yếu; phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Mặt khác, hiện bị cáo đã ly hôn, là lao động chính phải nuôi hai con còn nhỏ sinh năm 2017, 2019; bị cáo có nơi cư trú rõ ràng. Do đó, nên cần xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, áp dụng mức hình phạt tù có điều kiện, cho bị cáo được hưởng án treo để bị cáo có điều kiện lo cho các con, cũng đủ tác dụng cải tạo, giáo dục bị cáo.

Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

Các bị cáo Đ.P.T, P.V.N, Đ.N.V, H.N.H, N.T.K và N.T.N trong các giai đoạn điều tra, truy tố và tại phiên tòa được hưởng các tình tiết giảm nhẹ là: Người phạm tội đã tự nguyện bồi thường thiệt hại cho người bị hại, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, s khoản 1, điều 51 BLHS.

Bị cáo N.V.Đ trong các giai đoạn điều tra, truy tố và tại phiên tòa được hưởng các tình tiết giảm nhẹ là: Người phạm tội đã tự nguyện bồi thường thiệt hại cho người bị hại, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, i, s khoản 1, điều 51 BLHS.

Tại phiên tòa trong phần tranh luận, người bị hại chị N.T.D và anh T.V.T đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Đây là tình tiết giảm nhẹ khác qui định tại khoản 2 Điều 51 BLHS. Do đó, nghĩ nên xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo là cũng phù hợp.

[5].Về trách nhiệm dân sự và các biện pháp tư pháp khác:

[5.1]. Về trách nhiệm dân sự:

Người bị hại chị N.T.D và anh T.V.T, kê khai yêu cầu bồi thường các khoản thiệt hại (Sợi dây chuyền vàng 18k bị mất và tổn hại sức khỏe), tổng số tiền là: 64.513.000 đồng.

Xét yêu cầu của người bị hại chị N.T.D và anh T.V.T là chính đáng, nên HĐXX chấp nhận và buộc các bị cáo phải tiếp tục bồi thường. Như vậy, mỗi bị cáo phải bồi thường là: 9.216.143 đồng (64.513.000đ : 07 bị cáo).

- Bị cáo Đ.P.T và bị cáo N.V.Đ đã nộp số tiền để bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả là: 10.000.000 đồng/ bị cáo. Tại phiên tòa, bị cáo Đ.P.T và bị cáo N.V.Đ tự nguyện thỏa thuận bồi thường thiệt hại cho người bị hại như số tiền đã nộp. Do vậy, hai bị cáo này xem như đã bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả xong.

Số tiền còn lại phải bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả là: 44.513.000 đồng (64.513.000 đồng – 20.000.000 đồng). Do đó, mỗi bị cáo còn lại phải chịu 8.902.600 đồng/ bị cáo (44.513.000 đồng : 05 bị cáo).

- Bị cáo P.V.N đã nộp 8.300.000 đồng nên còn phải tiếp tục bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả số tiền: 602.600 đồng.

- Bị cáo H.N.H đã nộp 8.300.000 đồng nên còn phải tiếp tục bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả số tiền: 602.600 đồng.

- Bị cáo Đ.N.V đã nộp 4.800.000 đồng nên còn phải tiếp tục bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả số tiền: 4.102.600 đồng.

- Bị cáo N.T.K đã nộp 2.800.000 đồng nên còn phải tiếp tục bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả số tiền: 6.102.600 đồng.

- Bị cáo N.T.N đã nộp 2.800.000 đồng nên còn phải tiếp tục bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả số tiền: 6.102.600 đồng.

[5.2]. Về xử lý vật chứng: Đã thu giữ 02 cái phản cùng kích thước, dài 111cm (cán gỗ dài 75cm, lưỡi bằng kim loại dài 36cm, rộng 6,5cm). Xét thấy đây là công cụ phạm tội và không có giá trị sử dụng nên cần tịch thu tiêu hủy.

Đi với số tiền: 10.000.000 đồng là tiền các bị cáo thu lợi bất chính nên cần tịch thu sung ngân sách nhà nước.

[6].Về án phí: Buộc bị cáo Đ.P.T, P.V.N, Đ.N.V, H.N.H, N.T.K, N.T.N, N.V.Đ phải chịu án phí HSST và án phí DSST theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

1.Tuyên bố: Các bị cáo Đ.P.T, P.V.N, Đ.N.V, H.N.H, N.T.K, N.T.N, N.V.Đ phạm tội: “Cố ý gây thương tích”.

- Áp dụ ng : Điểm d khoản 2 Điều 134; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51;

khon 1 Điều 54;Điều 58 của Bộ luật hình sự 2015.

Xử p h ạt:Bị cáo P.V.N 15 (Mười lăm) tháng tù. Thời hạn phạt tù tính từ ngày bắt tạm giữ, tạm giam: 02/6/2021.

- Áp dụ ng Điểm h khoản 1 Điều 134; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51;

điểm h khoản 1 Điều 52; Điều 58 của Bộ luật hình sự 2015.

Xử p h ạt Bị cáo Đ.P.T 12 (Mười hai) tháng tù. Thời hạn phạt tù tính từ ngày bắt tạm giữ, tạm giam: 02/6/2021.

- Áp dụn g Điểm h, i khoản 1 Điều 134; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51;

Điều 58 của Bộ luật hình sự 2015.

Xử p h ạt :Bị cáo Đ.N.V 09 (Chín) tháng tù. Thời hạn phạt tù tính từ ngày bắt tạm giữ, tạm giam: 02/6/2021.

- Áp dụn g Điểm h, i khoản 1 Điều 134; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51;

Điều 58 của Bộ luật hình sự 2015.

Xử p h ạt Bị cáo H.N.H 07 (Bảy) tháng tù. Thời hạn phạt tù tính từ ngày bắt tạm giữ, tạm giam: 02/6/2021.

- Áp dụ ng : Điểm i khoản 1 Điều 134; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51;

điểm h khoản 1 Điều 52; Điều 58; Điều 56 của Bộ luật hình sự 2015.

Xử p h ạt : Bị cáo N.T.K 07 (Bảy) tháng tù. Tổng hợp hình phạt 06 tháng tù của bản án số: 22/2020/HS-ST ngày 03/9/2020 của TAND huyện A, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung của hai bản án là: 13 (Mười ba) tháng tù. Thời hạn phạt tù tính từ ngày bắt tạm giữ, tạm giam: 02/6/2021.

- Áp dụn g :Điểm i khoản 1 Điều 134; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51;

Điều 58 của Bộ luật hình sự 2015.

Xử p h ạt : Bị cáo N.T.N 06 (Sáu) tháng tù. Thời hạn phạt tù tính từ ngày bắt tạm giữ, tạm giam: 02/6/2021.

- Áp dụn g: Điểm h khoản 1 Điều 134; điểm b, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51;

Điều 58; Điều 65của Bộ luật hình sự 2015.

Xử p h ạt :Bị cáo N.V.Đ 06 (Sáu) tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 12 (Mười hai) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm 29.9.2021.

Giao bị cáo N.V.Đ cho UBND xã E, huyện M, tỉnh B giám sát giáo dục trong thời gian thử thách.

Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại Điều 92 Luật thi hành án hình sự.

2.Về trách nhiệm dân sự và các biện pháp tư pháp khác:                 

2.1.Về trách nhiệm dân sự:Áp dụng Điều 48 Bộ luật hình sự; Điều 589; Điều 590 Bộ luật dân sự.

Buộc các bị cáo P.V.N, H.N.H, Đ.N.V, N.T.K và N.T.N phải tiếp tục bồi thường thiệt hại cho người bị hại chị N.T.D và anh T.V.T (ngoài số tiền các bị cáo đã nộp để khắc phục hậu quả, hiện đang tạm giữ tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện A). Cụ thể như sau:

- Bị cáo P.V.N đã nộp 8.300.000 đồng nên còn phải tiếp tục bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả số tiền: 602.600 đồng. (Sáu trăm linh hai ngàn sáu trăm đồng).

- Bị cáo H.N.H đã nộp 8.300.000 đồng nên còn phải tiếp tục bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả số tiền: 602.600 đồng.(Sáu trăm linh hai ngàn sáu trăm đồng).

- Bị cáo Đ.N.V đã nộp 4.800.000 đồng nên còn phải tiếp tục bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả số tiền: 4.102.600 đồng. (Bốn triệu một trăm linh hai ngàn sáu trăm đồng).

- Bị cáo N.T.K đã nộp 2.800.000 đồng nên còn phải tiếp tục bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả số tiền: 6.102.600 đồng. (Sáu triệu một trăm linh hai ngàn sáu trăm đồng).

- Bị cáo N.T.N đã nộp 2.800.000 đồng nên còn phải tiếp tục bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả số tiền: 6.102.600 đồng.(Sáu triệu một trăm linh hai ngàn sáu trăm đồng).

Số tiền bồi thường thiệt hại do chị N.T.D đại diện nhận.

Kể từ khi người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu bên phải thi hành chưa thi hành án thì hàng tháng còn phải chịu tiền lãi theo mức lãi suất quy định tại Điều 357 BLDS năm 2015 tương ứng với số tiền và thời gian chưa thi hành án.

2.2. Về xử lý v ật ch ứn g :Áp dụng Điều 47 BLHS, Điều 106 BLTTHS.

- Tịch thu sung ngân sách nhà nước số tiền: 10.000.000 đồng là tiền các bị cáo thu lợi bất chính. (Hiện đang tạm giữ tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện A, tỉnh B).

-Tịch thu tiêu hủy 02 cái phản cùng kích thước, dài 111cm (cán gỗ dài 75cm, lưỡi bằng kim loại dài 36cm, rộng 6,5cm). Hiện đang tạm giữ tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện A, tỉnh B ( Hiện đang tạm giữ tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện A, tỉnh B).

2.3.Án phí: Áp dụng khoản 2 Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015; Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

- Buộc các bị cáo Đ.P.T, P.V.N, Đ.N.V, H.N.H, N.T.K, N.T.N và N.V.Đ mỗi bị cáo phải chịu 200.000đ (Hai trăm ngàn đồng) án phí HSST sung vào ngân sách nhà nước.

- Buộc các bị cáo P.V.N, H.N.H, Đ.N.V mỗi bị cáo phải nộp 300.000đồng (Ba trăm ngàn đồng) án phí DSST sung vào ngân sách nhà nước.

- Buộc bị cáo N.T.K và bị cáo N.T.N mỗi bị cáo phải nộp 305.000 đồng (Ba trăm linh năm ngàn đồng) án phí DSST sung vào ngân sách nhà nước.

Qu yền kh áng cáo đ ối với bả n án : Trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, bị cáo, đương sự có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điểm 6, 7, 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

282
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tội cố ý gây thương tích số 41/2021/HS-ST

Số hiệu:41/2021/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện An Lão - Bình Định
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 29/09/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;