TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 40/2022/HS-PT NGÀY 13/01/2022 VỀ TỘI BUÔN LẬU XĂNG DẦU
Ngày 13 tháng 01 năm 2022, tại trụ sở, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 740/2020/TLPT-HS ngày 23 tháng 12 năm 2020 về biện pháp tư pháp do có kháng cáo của Công ty trách nhiệm hữu hạn A đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 27/2020/HS-ST ngày 28 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận.
- Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:
1. Đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn A Địa chỉ: Lầu 3, số 85 R4, phường R1, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Địa chỉ trụ sở chính: Số 3 NSH, phường 5, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.
Đại diện theo pháp luật của Công ty Trách nhiệm hữu hạn A: Bà Nguyễn Thị Yến L, sinh năm 1992 (vắng mặt);
Địa chỉ: Ấp Long Hưng, xã L, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.
Đại diện theo ủy quyền: Ông Trần Bá H (có mặt);
Địa chỉ: số 63 K, Phường 3, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh.
1. Chi cục Hải quan B Địa chỉ: Đại lộ T, phường Xuân An, thành phố Phan Thiết, tỉnh B.
Đại diện: Ông Đặng Kim N – Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan B(có mặt);
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, bản án hình sự phúc thẩm số 545/2019/HS-PT ngày 23/9/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, phần nhận định được tóm tắt như sau:
Đối với kiến nghị của Cục Thuế tỉnh B đối với số tiền 62.598.545.262 đồng là tiền thuế xăng dầu mà Công ty trách nhiệm hữu hạn A (sau đây viết tắt là Công ty A) đã nộp để mua số xăng, dầu nhập lậu hiện cơ quan thi hành án dân sự đang tạm giữ giao cho Cục Thuế tỉnh B xử lý theo quy định của pháp luật để nộp ngân sách nhà nước và Công văn của Cục Thi hành án dân sự tỉnh B đề nghị giải thích bản án, Hội đồng xét xử xét thấy: Mặc dù nội dung này sau khi xét xử sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị, tuy nhiên đây là vụ án buôn lậu xăng dầu cơ quan điều tra đã tiến hành thu giữ 14.418.894 lít xăng A92, đây là vật chứng của vụ án. Ngày 16/9/2016, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã phối hợp với Công ty cổ phần bán đấu giá S (trụ sở 111 P3, phường P3, Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức bán đấu giá số xăng dầu trên.
Căn cứ để cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đưa ra mức đấu giá xăng A92 khởi điểm là 6.595 đồng là căn cứ vào chứng thư thẩm định giá số 1508 ngày 15/8/2016 của Công ty cổ phần đầu tư và thẩm định giá G. Tại chứng thư này, Công ty G đã đưa ra giá xăng bán lẻ là 14.690 đồng/lít là giá tham chiếu của Petrolimex. Sau khi khấu trừ các khoản thuế theo quy định như: Thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế giá trị gia tăng 10%, thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng/lít và thuế nhập khẩu 20% thì giá xăng A92 ước lượng trước các loại thuế, phí đã nộp nên còn 6.595 đồng/lít. Công ty A có trụ sở tại Lầu 3, số 85 R4, phường R1, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị trúng đấu giá với mức giá 6.650 đồng/lít xăng A92 (chưa bao gồm các loại thuế, phí nêu trên). Công ty A mới nộp 93.458.461.718 đồng giá chưa thuế (6.650 đồng/lít) và tiền thuế (gồm thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế giá trị gia tăng 10%, thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng/lít), chưa nộp 20% thuế nhập khẩu. Lẽ ra cấp sơ thẩm phải tuyên buộc tịch thu sung quỹ toàn bộ số tiền 93.458.461.718 đồng và 62.598.545.262 đồng, đồng thời buộc Công ty A nộp 20% tiền thuế nhập khẩu còn lại mới đúng. Nhưng cấp sơ thẩm chỉ tuyên tịch thu sung quỹ 93.458.461.718 đồng, sau khi trừ 16.893.018.265 đồng và giao 62.598.545.262 đồng cho Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh xử lý là không đúng quy định của pháp luật về xử lý vật chứng theo điểm a, c khoản 2 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và Công văn số 3516/TCT-CS ngày 08/8/2016 Tổng Cục thuế trả lời cơ quan điều tra (BL007128-007130), Công văn số 96/TCHQ ngày 09/01/2017 Tổng cục hải quan trả lời cơ quan điều tra Bộ Công an (BL007140). Mặt khác, việc tuyên như bản án sơ thẩm sẽ không thi hành án được và sẽ thất thu cho ngân sách nhà nước. Vì vậy, căn cứ Điều 345 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Hội đồng xét xử xem xét luôn phần này và thấy cần thiết phải hủy phần quyết định này, giao lại cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại theo đúng quy định pháp luật.
Bản án số 545/2019/HS-PT ngày 23/9/2019 của Tòa án cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên: Hủy một phần biện pháp tư pháp, cụ thể tuyên hủy phần quyết định có nội dung: Số tiền 62.598.545.262 đồng là tiền thuế xăng dầu mà Công ty A đã nộp, giao số tiền này chọ Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh xử lý theo đúng quy định pháp luật (Hội đồng xét xử có văn bản riêng về việc chuyển số tiền này).
Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh B xét xử lại phần này theo đúng quy định pháp luật.
Tiếp tục tạm giữ số tiền 62.598.545.262 đồng, giao cho Cục Thi hành án dân sự tỉnh B quản lý cho đến khi có bản án có hiệu lực pháp luật.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 27/2020/HS-ST ngày 28 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân tỉnh B quyết định:
Về biện pháp tư pháp:
Buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn A phải nộp 89.783.670.354 đồng (gồm thuế nhập khẩu 20%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế giá trị gia tăng 10%, thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng/lít) tịch thu sung quỹ nộp ngân sách Nhà nước; Khấu trừ số tiền 62.598.545.262 đồng (theo lệnh chuyển số 20011210300004705 ngày 15/9/2020 người nhận tiền Cục thi hành án dân sự tỉnh B, tài khoản tại Kho bạc nhà nước tỉnh B).
Số tiền còn lại Công ty A tiếp tục nộp là 27.185.125.092 đồng (Hai mươi bảy tỷ một trăm tám mươi lăm triệu một trăm hai mươi lăm ngàn không trăm chín mươi hai đồng) để tịch thu sung quỹ Nhà nước.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về trách nhiệm dân sự, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 09/11/2020, Công ty A kháng cáo toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm nêu trên. Về tố tụng, Công ty A không nhận được bất kì văn bản thông báo về việc xét xử ngày 28/9/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh B. Về nội dung, Tòa án cấp sơ thẩm buộc Công ty A nộp số tiền 27.185.125.092 đồng để tịch thu sung quỹ Nhà nước là không có căn cứ.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, Công ty A có ông Trần Bá H là người đại diện theo ủy quyền trình bày: không kháng cáo về tố tụng của bản án sơ thẩm, chỉ đề nghị xem xét quyết định bản án sơ thẩm về nội dung tuyên buộc Công ty tiếp tục nộp là 27.185.125.092 đồng (Hai mươi bảy tỷ một trăm tám mươi lăm triệu một trăm hai mươi lăm ngàn không trăm chín mươi hai đồng) để tịch thu sung quỹ Nhà nước; đề nghị sửa bản án sơ thẩm theo hướng tuyên Công ty A không phải chịu thuế nhập khẩu do Công ty mua xăng dầu nhập lậu bán đấu giá trong nước, không làm thủ tục nhập khẩu nên không phải chịu thuế nhập khẩu. Khi đấu giá xong, Bộ công an đã có hóa đơn xuất Công ty A, hóa đơn đã hoạch toán đúng giá trị, không thể có việc nộp bổ sung. Ngoài ra, Cục hải quan Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản trả lời hoạt động đấu giá này không phải nộp thuế nhập khẩu theo qui định.
Chi cục Hải quan B có người đại diện theo ủy quyền là ông Đặng Kim N trình bày: đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận toàn bộ kháng cáo của Công ty A, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu quan điểm:
Tại Công văn số 196/TCHQ-TXNH ngày 09/01/2017 của Tổng Cục Hải quan trả lời cho Cơ quan sảnh sát điều tra - Bộ công an có nội dung: “… lô hàng xăng Ron A 92 có nguồn gốc tịch thu hàng nhập lậu đã bán đấu giá công Công ty A với giá 6.650 đồng/lít chưa bao gồm các loại thuế, phí thì đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra căn cứ quy định tại Điều 5 Quy chế tính giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ ban hành kèm theo Thông tư số 154/2010/TT-BTC ngày 01/10/2010 của Bộ Tài Chính và thời điểm Công ty A trúng đấu giá để xác định trị giá thuế” dẫn chiếu Điều 5 Quy chế kèm Thông tư số 154/2010/TT-BTC ngày 01/10/2010 quy định về căn cứ tính giá. Tuy nhiên, việc tính giá là của cơ quan tổ chức bán đấu giá. Hiện nay kết quả bán đấu giá đã được công nhận và Điều 5 này không quy định người mua đấu giá phải chịu thuế nhập khẩu.
Theo Điều 2 của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 ngày 06/4/2013 của Quốc hội phù hợp hướng dẫn tại Công văn 3015 ngày 03/11/2016 của Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh thì Công ty A mua hàng hóa thông qua thủ tục bán đấu giá, Công ty không phải doanh nghiệp nhập khẩu nên không thuộc đối tượng chịu thuế nhập khẩu.
Mặt khác, Công văn số 639 ngày 03/6/2021 của Chi cục Hải quan Bình Thuận viện dẫn điểm l Khoản 4 Điều 17 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định; và thừa nhận chỉ có 2.573.628,08 lít/14.238.268 lít mà Công ty A đã mua đấu giá là thuộc sở hữu của Công ty P1 là phải chịu thuế nhập khẩu: 3.553.495.461 đồng. Tuy nhiên, Điều 42 của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/12/2020 nên không thể áp dụng đối với vụ việc xảy ra trước đó.
Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo của Công ty trách nhiệm hữu hạn A, sửa một phần bản án sơ thẩm theo hướng không buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn A phải nộp khoản tiền thuế nhập khẩu trong số 27.185.125.092 đồng để sung quỹ Nhà Nước.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Ngày 16/9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phối hợp với Công ty Cổ phần bán đấu giá S (Trụ sở tại 111 P3, phường P3, quận P2, Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức bán đấu giá 14.418.894 lít xăng RON A92, là tang vật của vụ án hình sự Buôn lậu; với giá khởi điểm của tài sản là 6.595 đồng/lít. Giá chưa bao gồm các loại thuế, phí, lệ phí khác theo quy định (nếu có).
[2] Căn cứ để Công ty Cổ phần bán đấu giá S đưa ra mức giá khởi điểm là dựa vào Chứng thư thẩm định giá số 1508-2016/CT-TLVC-C46 ngày 15/8/2016 của Công ty Cổ phần đầu tư và thẩm định giá G, theo đó xăng A92 khởi điểm cho mức đấu giá là 6.595 đồng/lít. Công ty Cổ phần đầu tư và thẩm định giá G đã đưa ra giá xăng bán lẻ 14.690 đồng/lít, là giá tham chiếu của Petrolimex, sau khi khấu trừ các khoản thuế theo quy định như: Thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế giá trị gia tăng 10%, thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng/lít và thuế nhập khẩu 20% thì giá xăng A92 ước lượng trước các loại thuế, phí đã nộp còn 6.595 đồng/lít.
[3] Công ty A (có trụ sở tại Lầu 3, số 85 đường R4, phường R1, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) là đơn vị trúng đấu giá với mức giá 6.650 đồng/lít xăng A92 (chưa bao gồm các loại thuế, phí).
[4] Tại Hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá số 639/2016/HĐMBTSBĐG ngày 16/9/2016, giữa bên bán Công ty Cổ phần bán đấu giá S với bên mua là Công ty A thì khối lượng xăng đem bán đấu giá được tạm tính là 14.418.894 lít xăng A92. Khoản 3 Điều 7 Hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá số 639 nêu trên quy định: Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) trực tiếp bàn giao khối lượng theo thực tế, trường hợp khối lượng thực tế thiếu hụt so với khối lượng bán ra ban đầu thì Công ty Cổ phần bán đấu giá S có trách nhiệm chuyển trả lại tiền mua hàng cho Công ty A. Căn cứ Biên bản bàn giao thì quá trình giao nhận số xăng dầu trên, do tính hao mòn (hao hụt) của xăng nên đã bị giảm 180.626 lít và thực tế Công ty A chỉ nhận 14.238.268 lít xăng A92. Như vậy, tổng giá trị lô hàng thực tế chưa có thuế, phí là: 6.650 đồng x 14.238.268 lít = 94.684.482.200 đồng. Sau khi trừ số tiền 1.226.020.482 đồng là các chi phí hao hụt, giám định, thẩm định, đấu giá, thuê bồn, số tiền còn lại Công ty A phải nộp là 93.458.461.718 đồng. Ngoài ra, Công ty A còn nộp 62.598.545.262 đồng tiền thuế của số xăng dầu trúng đấu giá nói trên.
[5] Xét kháng cáo của Công ty A về số tiền thuế phải nộp:
[5.1] Về tiền thuế nhập khẩu:
Bản án hình sự phúc thẩm số 545/2019/HS-PT ngày 23/9/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã hủy để xem xét lại đối với khoản tiền 62.598.545.262 đồng tiền thuế mua bán đấu giá số xăng dầu trên. Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 27/2020/HS-ST ngày 28/9/2020, Tòa án nhân dân tỉnh B xác định Công ty A phải nộp thêm tiền thuế nhập khẩu là 20%.
Tuy nhiên, Hội đồng xét xử xét thấy việc Công ty A có phải chịu thuế nhập khẩu hay không, đồng thời, có phải chịu các loại thuế, phí gì đều phải dựa trên các quy định của pháp luật về thuế tại thời điểm mua bán đấu giá tài sản.
Căn cứ Quyết định xử lý vật chứng số 27/C46(P11) và số 28/C46(P11) ngày 11/8/2016 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an; Quy chế bán đấu giá số 639/2016/QCBĐG ngày 01/9/2016 được Công ty Cổ phần bán đấu giá S công khai đối với các khách hàng tham gia đấu giá, thì: “Nguồn gốc tài sản bán đấu giá 14.418.894 lít xăng A92, là do Công ty Cổ phần Dương Đông P1 nhập lậu…Người có tài sản chịu trách nhiệm về các thông tin liên quan đến tài sản bán đấu giá, đồng thời có trách nhiệm bàn giao tài sản đấu giá đúng như hiện trạng và trên hồ sơ mà khách hàng đã được xem, giám định trước đó”.
Tại phần nhận định của Bản án hình sự phúc thẩm số 545/2019/HS-PT ngày 23/9/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh và Bản án hình sự sơ thẩm số 27/2020/HS-ST ngày 28/9/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh B, cho rằng căn cứ Công văn số 196/TCHQ-TXNH ngày 09/01/2017 của Tổng cục Hải quan và Công văn số 3516/TCT-CS ngày 08/8/2016 của Tổng cục thuế trả lời cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thì Công ty A phải chịu 20% thuế nhập khẩu.
Tuy nhiên, Công văn số 3516/TCT-CS ngày 08/8/2016 của Tổng cục thuế nêu trên chỉ hướng dẫn về quy định tính thuế ở các khâu nhập khẩu, bán ra trong nước đối với mặt hàng xăng Ron A92. Công văn số 196/TCHQ-TXNH ngày 09/01/2017 của Tổng cục Hải quan thì có nội dung: “….lô hàng xăng Ron A 92 có nguồn gốc tịch thu hàng nhập lậu đã bán đấu giá cho Công ty TNHH A với giá 6.650 đồng/lít chưa bao gồm các loại thuế, phí thì đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra căn cứ quy định tại Điều 5 Quy chế tính giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ ban hành kèm theo Thông tư số 154/2010/TT-BTC ngày 01/10/2020 của Bộ Tài chính và thời điểm Công ty TNHH A trúng đấu giá để xác định trị giá tính thuế”. Dẫn chiếu Điều 5 Quy chế tính giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ ban hành kèm theo Thông tư số 154/2010/TT-BTC ngày 01/10/2020 của Bộ Tài chính nêu trên cũng chỉ quy định về các căn cứ để tính giá phù hợp, không quy định việc Công ty mua đấu giá hàng hóa trong nước phải chịu thuế nhập khẩu. Đồng thời, cũng chính tại Công văn số 196/TCHQ-TXNH ngày 09/01/2017 của Tổng cục Hải quan nêu trên có nội dung: “Đối với trường hợp của mặt hàng xăng ron A92 trong vụ án hình sự buôn lậu …đã bị tịch thu, bán đấu giá thu hồi tài sản cho nhà nước không có tờ khai hải quan và hồ sơ, chứng từ liên quan kèm theo nên không có căn cứ để xác định trị giá tính thuế khâu nhập khẩu”.
Mặt khác, các Công văn trả lời nêu trên là các văn bản dưới luật, mang nội dung hướng dẫn, giải thích, việc tính giá phù hợp là trách nhiệm của cơ quan tổ chức bán đấu giá tài sản và hiện nay kết quả bán đấu giá đã được công nhận. Công ty Cổ phần bán đấu giá S đưa ra mức giá khởi điểm là dựa vào Chứng thư thẩm định giá số 1508-2016/CT-TLVC-C46 ngày 15/8/2016 của Công ty Cổ phần đầu tư và thẩm định giá G chưa bao gồm các loại thuế, phí không đồng nghĩa với việc Công ty A phải chịu thuế nhập khẩu mà phải dựa vào quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Căn cứ Điều 2 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 ngày 06/4/2016 của Quốc hội quy định “Đối tượng chịu thuế” xuất, nhập khẩu:
“1. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam.
2. Hàng hóa xuất khẩu từ thị trường trong nước vào khu phi thuế quan, hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước.
3. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại ch và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối.
4. Đối tượng chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu không áp dụng đối với các trường hợp sau:
a) Hàng hóa quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển;
b) Hàng hóa viện trợ nhân đạo, hàng hóa viện trợ không hoàn lại;
c) Hàng hóa xuất khẩu từ khu phi thuế quan ra nước ngoài; hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan; hàng hóa chuyển từ khu phi thuế quan này sang khu phi thuế quan khác;
d) Phần dầu khí được dùng để trả thuế tài nguyên cho Nhà nước khi xuất khẩu.
5. Chính phủ quy định chi Tiết Điều này”.
Như vậy, Công ty A mua đấu giá 14.418.894 lít xăng A92 trong nước từ Công ty Cổ phần bán đấu giá S, theo hồ sơ mua bán đấu giá công khai với nguồn gốc là vật chứng của vụ án hình sự buôn lậu, không có hoạt động xuất nhập khẩu nên hàng hóa đã mua không thuộc đối tượng chịu thuế xuất nhập khẩu.
[5.2] Các loại thuế khác:
- Thuế tiêu thụ đặc biệt: Theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Luật số 70/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Thông tư số 195/2015/TT-BTC ngày 24/11/2015 của Bộ Tài Chính thì mặt hàng xăng Ron A92 có thuế tiêu thụ đặc biệt là 10% và:
Giá tính thuế TTĐB = Giá tính thuế nhập khẩu + Thuế nhập khẩu (nếu có).
Do đó, số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt Công ty A phải nộp là:
94.684.482.200 x 10% = 9.468.448.220 đồng.
- Thuế bảo vệ môi trường: Theo Điều 4 Thông tư số 152/2011/TT-BTC ngày 11/11/2011 của Bộ Tài Chính thì mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 3.000 đồng/lít.
Số tiền thuế bảo vệ môi trường Công ty A phải nộp là:
14.238.268 lít x 3.000 đồng = 42.714.804.000 đồng - Thuế Giá trị gia tăng: Căn cứ Luật thuế giá trị gia tăng, Điều 4 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ; Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 219/2012/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài Chính thì Thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng xăng là 10%:
Giá tính thuế = Giá tính thuế nhập khẩu + Thuế nhập khẩu (nếu có) + Thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) + Thuế bảo vệ môi trường (nếu có).
Do đó, số tiền thuế giá trị gia tăng Công ty A phải nộp là:
(94.684.482.200đồng + 9.468.448.220 đồng + 42.714.804.000đồng) x 10% = 14.686.773.442 đồng.
Như vậy, tổng số tiền thuế Công ty A phải nộp là:
9.468.448.220 đồng + 42.714.804.000 đồng + 14.686.773.442 đồng = 66.870.025.662 đồng.
Khấu trừ số tiền 62.598.545.262 đồng Công ty A đã nộp (theo lệnh chuyển số 20011210300004705 ngày 15/9/2020 người nhận tiền Cục thi hành án dân sự tỉnh B, tài khoản tại Kho bạc nhà nước tỉnh B).
Số tiền còn lại Công ty A tiếp tục nộp phải là 4.271.480.400 đồng tiền thuế còn thiếu.
[6] Đơn kháng cáo và tại phiên tòa phúc thẩm, Công ty A cho rằng đã nộp đủ số tiền thuế theo quy định, nhận bàn giao số xăng dầu trên và hiện nay đã tiêu thụ hết số xăng dầu này nên không đồng ý nộp thêm khoản tiền thuế, phí nào khác.
Theo Công văn số 4660/C46(P11) ngày 28/12/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an chỉ đồng ý cho Công ty A tạm nộp số tiền 62.598.545.262 đồng tiền thuế vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, để được nhận khối lượng xăng đã mua trúng đấu giá và “Số tiền trên được tính vào giá bán của lô hàng. Khi có thông báo của các cơ quan chức năng có thẩm quyền tiếp tục nộp các loại thuế khác liên quan đến mặt hàng xăng Ron A92, yêu cầu Công ty phải thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước”. Do đó, Công ty A phải tiếp tục nộp số tiền thuế còn thiếu theo quy định của pháp luật.
[7] Xét khiếu nại tại Công văn số 639/HQBT-TH ngày 03/6/2021 của Chi cục Hải quan B viện dẫn điểm l Khoản 4 Điều 17 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định: “Hàng hóa nhập khẩu chưa hoàn thành thủ tục hải quan bị kê biên để bán đấu giá theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc bản án, quyết định của Tòa án thuộc đối tượng phải nộp thuế, cơ quan hải quan ấn định thuế để xác định số tiền thuế phải nộp và thông báo cho cơ quan, tổ chức thu tiền bán đấu giá để nộp thuế, trừ hàng hóa nhập khẩu bị tịch thu để bán đấu giá thuộc sở hữu Nhà nước”. Theo đó, Chi cục Hải quan B cho rằng trong số 14.418.894 lít xăng A92 bị tịch thu có 2.606.277 lít đã được Công ty Dương Đông P1 khai báo hải quan nên số tiền thuế thu được từ việc bán đấu giá số xăng này phải được trả cho Chi cục Hải quan B vì số xăng này là hợp pháp của Công ty Dương Đông P1, không phải thuộc sở hữu Nhà nước.
Tuy nhiên, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ mà Chi cục Hải quan B đã viện dẫn nêu trên, có hiệu lực kể từ ngày 05/12/2020, sau thời điểm Công ty A mua đấu giá và giao nhận số xăng dầu này. Đồng thời, Công ty A mua đấu giá lô hàng từ Công ty Cổ phần đấu giá S với nguồn gốc là tang vật của vụ án hình sự buôn lậu nên toàn bộ số tiền thuế 66.870.025.662 đồng mà Công ty A phải nộp từ việc mua đấu giá số xăng dầu 14.418.894 lít (thực tế 14.238.268 lít) xăng A92 trên phải bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước theo quy định tại điểm a, c khoản 2 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự.
Mặt khác, các loại thuế, phí này nếu Chi cục Hải quan B thu cũng phải nộp 100% vào ngân sách nhà nước theo quy định tại Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13 nên việc Chi cục Hải quan B yêu cầu được nhận số tiền thuế đối với 2.606.277 lít xăng đã được Công ty Dương Đông P1 khai báo hải quan, là không cần thiết.
Từ những căn cứ nêu trên, Hội đồng xét xử xét và chấp nhận một phần kháng cáo của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, Công ty A, sửa bản án hình sự sơ thẩm.
[8] Về án phí: Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, Công ty A không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
[9] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào điểm b Khoản 1 Điều 355; điểm d Khoản 1 Điều 357 của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.
1/ Chấp nhận một phần kháng cáo của Công ty trách nhiệm hữu hạn A; sửa bản án hình sự sơ thẩm.
Căn cứ Điểm b Khoản 1 Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Điểm a, c Khoản 2 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
Buộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn A phải nộp 66.870.025.662 đồng (gồm thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế giá trị gia tăng 10%, thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng/lít) tịch thu sung quỹ nộp ngân sách Nhà nước; Khấu trừ số tiền 62.598.545.262 đồng Công ty Trách nhiệm hữu hạn A đã nộp (theo lệnh chuyển số 20011210300004705 ngày 15/9/2020 người nhận tiền Cục thi hành án dân sự tỉnh B, tài khoản tại Kho bạc nhà nước tỉnh B).
Số tiền còn lại Công ty Trách nhiệm hữu hạn A tiếp tục phải nộp là 4.271.480.400 đồng (Bốn tỷ hai trăm bảy mươi mốt triệu bốn trăm tám mươi ngàn bốn trăm đồng) để tịch thu sung quỹ Nhà nước.
2/ Về án phí:
Áp dụng Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, Công ty TNHH A không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
3/ Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 40/2022/HS-PT về tội buôn lậu xăng dầu
Số hiệu: | 40/2022/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 13/01/2022 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về