Bản án 167/2021/HS-PT ngày 30/03/2021 về tội buôn lậu

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 167/2021/HS-PT NGÀY 30/03/2021 VỀ TỘI BUÔN LẬU

Ngày 30 tháng 03 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 70/2020/TLPT- HS ngày 13 tháng 02 năm 2020 đối với bị cáo Đoàn Phi V, Kim Thế C do có kháng cáo của các bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 111/2019/HSST ngày 26/12/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương.

1. Các bị cáo có kháng cáo:

1.1. Đoàn Phi V, sinh năm 1978, tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hộ khẩu thường trú: đường D, Phường 15, quận P, Thành phố Hồ Chí Minh; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; nghề nghiệp: Làm thuê; trình độ học vấn: 11/12; con ông Đoàn Văn T, sinh năm 1955 và bà Nguyễn Kim Ch, sinh năm 1954, vợ: Mai Thị Trâm A, sinh năm 1979; có 01 con sinh năm 2003; tiền án, tiền sự: Không; bị bắt giữ, tạm giam từ ngày 15/01/2017, ngày 08/01/2018 được áp dụng biện pháp cho bảo lĩnh. (có mặt)

Người bào chữa cho bị cáo Đoàn Phi V: Ông Nguyễn Duy L – Luật sư Văn phòng Luật sư N và Cộng sự. (có mặt)

1.2. Kim Thế C, sinh năm 1974, tại tỉnh Tiền Giang. Hộ khẩu thường trú: đường T, tổ 80A, khu phố 7, phường T1, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh. Địa chỉ tạm trú: Đường P, xã B, huyện H, Thành phố Hồ Chí Minh; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; nghề nghiệp: Làm thuê; trình độ học vấn: 12/12; con ông Kim S, sinh năm 1951 và bà Nguyễn Thị L, sinh năm 1952, vợ: Đặng Thị Ngọc L, sinh năm 1978; có 02 con, lớn sinh năm 2001, nhỏ sinh năm 2013; tiền án, tiền sự: Không; bị bắt giữ, tạm giam từ ngày 15/01/2017, ngày 08/01/2018 được áp dụng biện pháp cho bảo lĩnh. (có mặt)

Người bào chữa chỉ định cho bị cáo Kim Thế C: Luật sư Lê Văn Ch – thuộc Văn phòng Luật sư Lê Văn Ch, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt)

2. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

2.1. Nguyễn Đức C1, sinh năm 1957, địa chỉ: Đường H, Phường 6, thành phố Đ, tỉnh Lâm Đồng. Địa chỉ liên lạc: Đường Tr, Phường 4, quận T2, Thành phố Hồ Chí Minh. (vắng mặt)

2.2. Đỗ Phước H, sinh năm 1990, địa chỉ: Ấp P1, xã B, huyện M, tỉnh Bến Tre. (vắng mặt)

2.3. Nguyễn Quỳnh Lệ Th, sinh năm 1981, địa chỉ: Chung cư H, đường Tr1, phường B1, quận B2, Thành phố Hồ Chí Minh. (vắng mặt)

2.4. Tưởng Văn H1, sinh năm 1982, địa chỉ: Đường Ng, khu phố 2, phường B3, quận Th, Thành phố Hồ Chí Minh. (vắng mặt)

2.5. Tưởng Văn L, sinh năm 1989, địa chỉ: Đội 7, xóm P3, thôn P4, xã Q, huyện Q1, tỉnh Quảng Bình. (vắng mặt)

2.6. Huỳnh Thanh T, sinh năm 1980, địa chỉ: Quốc lộ 13, khu phố 2, phường H2, quận Th, Thành phố Hồ Chí Minh. (vắng mặt)

2.7. Hồ Đắc N, sinh năm 1986, địa chỉ: Đường N, phường B3, quận Th, Thành phố Hồ Chí Minh. (vắng mặt)

2.8. Tạ Quốc N1, sinh năm 1973, địa chỉ: khu phố 1, phường H2, quận Th, Thành phố Hồ Chí Minh. (vắng mặt)

2.9. Nguyễn Tấn Tr, sinh năm 1976: khu phố 1, phường T3, quận Th, Thành phố Hồ Chí Minh. (vắng mặt)

2.10. Nguyễn Văn Ph (G), sinh năm 1993, địa chỉ: tổ 6, khu phố 1, phường H2, quận Th, Thành phố Hồ Chí Minh. (vắng mặt)

2.11. Nguyễn Chí L1, sinh năm 1994, địa chỉ: khu phố Th1, phường D, thị xã D, tỉnh Bình Dương. (vắng mặt)

2.12. Phạm Thanh L2, sinh năm 1995, địa chỉ: đường số 15, khu phố 1, phường L, quận Th, Thành phố Hồ Chí Minh. (vắng mặt)

2.13. Nguyễn Đăng H3, sinh năm 1995, địa chỉ: đường số 11, Phường T4, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh. (vắng mặt)

2.14. Ngô Thành T1, sinh năm 1997, địa chỉ: đường Đ1, tổ 6, khu phố 3, Phường T4, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh. (vắng mặt)

2.15. Hồ Văn H4, sinh năm 1995, địa chỉ: đường H5, phường T5, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh. (vắng mặt)

2.16. Huỳnh Đức H5, sinh năm 1995, địa chỉ: đường L, phường T6, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh. (vắng mặt)

2.17. Trần Huy H6, sinh năm 1994, địa chỉ: đường Đ2, quận B4, Thành phố Hồ Chí Minh. (vắng mặt)

2.18. Nguyễn Hoàng Bảo M, sinh năm 1995, địa chỉ: đường Đ2, quận B4, Thành phố Hồ Chí Minh. (vắng mặt)

2.19. Lê Thiết H7, sinh năm 1959, địa chỉ: Ấp 5, đường số 7, khóm 4, xã X, huyện X1, tỉnh Đồng Nai. (vắng mặt)

2.20. Phạm Ngọc H8 – Chủ Hộ kinh doanh Cửa hàng NT, địa chỉ: đường V, phường C, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. (vắng mặt)

2.21. Phan Thị Thanh Th – Chủ Hộ kinh doanh TN, địa chỉ: đường T7, phường B5, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. (vắng mặt)

2.22. Phạm Đăng H9 – Chủ Hộ kinh doanh điện lạnh HH, địa chỉ: đường K, khu phố 1, phường L2, quận Th, Thành phố Hồ Chí Minh. (vắng mặt)

3. Người làm chứng: Kim Thế V1, sinh năm 1982. Địa chỉ: Ấp 2, xã P, huyện N, tỉnh Đồng Nai (vắng mặt)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Lúc 09 giờ 00 phút ngày 15/01/2017, Cục Cảnh sát kinh tế, Bộ Công an; Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương lập biên bản bắt người phạm tội quả tang tại Doanh nghiệp tư nhân AT, địa chỉ Quốc lộ 13, phường V, thị xã Th, tỉnh Bình Dương đối với Đoàn Phi V, Kim Thế C về hành vi buôn lậu. Mở rộng điều tra, cơ quan công an khám xét 04 kho hàng liên quan, thu giữ nhiều loại hàng hóa không có thủ tục hợp pháp như hàng điện máy, điện tử, thực phẩm, rượu, vải… với giá trị hàng hóa được xác định là 14.656.255.000 đồng. Ngoài ra, cơ quan công an còn thu giữ các loại vật chứng là công cụ, phương tiện, tài liệu liên quan hành vi buôn lậu của V, C và đồng phạm.

Vật chứng do Cơ quan cảnh sát điều tra thu giữ trong vụ án gồm:

- 2.850 chai rượu hiệu Gold Label màu vàng (đã trừ 150 chai phục vụ giám định).

- 6.588 chai rượu hiệu Jose Cuervo Especial;

- 14.256 bộ bài lá hiệu Royal màu đỏ;

- 01 xe ôtô tải hiệu Mitsubishi màu trắng, biển số 51C-058.79;

- 01 xe ôtô tải hiệu Mitsubishi màu trắng, biển số 54Y-7983;

- 01 xe ôtô tải hiệu Mitsubishi màu trắng, biển số 51C-514.17;

- 01 xe ôtô tải hiệu Isuzu màu trắng, biển số 51C-738.98;

- 01 kìm cộng lực màu xanh, tay cầm màu đen;

- 45 thùng nhựa màu trắng, có nắp, kích thước (70x49x41)cm;

- 45 thùng giấy, kích thước (760 x 580 x 450)cm;

- 12 pallet gỗ;

- 05 giấy chứng nhận đăng ký xe ôtô và 05 (năm) giấy chứng nhận kiểm định của 05 (năm) xe ô tô tải biển số 54U-2043, 51C-058.79, 54Y-7983, 51C- 738.98, 51C-514.17;

- 12 vỏ, mâm bánh xe (vỏ, mâm bánh xe của rờ mooc 51R-077.30);

- 01 xe gắn máy, biển số 67U - 1646, số máy YUNEXYG150FMH - 7U218126;

- 01 giấy chứng nhận đăng ký xe môtô và 01 (một) giấy chứng nhận kiểm định của xe ô tô tải biển số 51C – 10576;

- 13 cây vải;

- 01 xe ôtô tải hiệu KIA màu trắng, biển số 51C – 10576;

- 01 xe ôtô tải hiệu Mitsubishi màu trắng, biển số 54U-2043;

- 01 USB màu cam đen, có chữ NewTel - CAU 11312000346 (chữ ký số).

- 01 USB màu bạc đen, có chữ CA2. WWW.CaVn (chữ ký số).

- 01 USB màu đen trắng, có chữ CA2.WWW.CaVn, 955110079036, CA2 1900545407 (chữ ký số).

- 01 USB màu đen, có chữ SmartSignTM, Trust your creation, vina Certificate authority, WWW, Smartsign.com.vn (chữ ký số).

- Thiết bị điện tử thu giữ trong quá trình khám xét:

+ 01 (một) đầu CPU màu đen, không nhãn hiệu, không có ổ đĩa DVD; 01 (một) màn hình máy tính, viền màu bạc, có chữ HP, số sêri 448302-001 (thu giữ tại địa chỉ: Số 668/22, Quốc lộ 13, khu phố 4, phường H2, quận Th, Thành phố Hồ Chí Minh);

+ 01 (một) máy tính xách tay màu đỏ có chữ Dell Inspiron N4010; 01 (một) CPU máy tính có chữ Dell, có số sê ri 18DKHBX; 01 (một) CPU máy tính có chữ HP, có số sê ri JPA226MSJW; 01 (một) thẻ nhớ màu xanh có chữ SanDick SD Card 2GB, có số BE1015714689D; 01 (một) thẻ nhớ màu xanh có chữ SanDick SD Card 2GB, không rõ số hiệu; 01 (một) đầu thu màu đen có chữ J- TECH, kích thước (20x30x5)cm; 01 (một) màn hình máy tính có chữ Sam Sung màu đen; 01 (một) máy in màu đen có chữ HP LaserJet P1102WW (thu giữ tại địa chỉ: Hẻm 577 Quốc lộ 13 thuộc phường H2, quận Th, Thành phố Hồ Chí Minh);

+ 01 đầu thu màu đen có chữ J-TECH (thu giữ tại địa chỉ: đường V 22, phường V, thị xã Th, tỉnh Bình Dương).

- 01 điện thoại di động hiệu Iphone 5S màu trắng bạc, số Imel: 358814054176930 và sim điện thoại số 01649586829, số sêri của sim 8984 0403 7100 2538 341 (thu giữ trên người Kim Thế C);

- 01 điện thoại di động hiệu Iphone 6 plus màu đen trắng, số Imel: 354389066395152. Sim điện thoại số 0912997168, số sêri của sim 8984 0 20002 12 228 58802 (điện thoại bị cong, bể kiếng màn hình thu giữ của Đoàn Phi V);

- 01 điện thoại Iphone 6, vỏ màu xám, số IMEL 354405069218082 (không có sim);

- 01 điện thoại Iphone 6 Plus, vỏ màu xám, số IMEL 355876060686577 (không có sim);

(02 điện thoại này thu giữ của Nguyễn Quốc H) Quá trình khám xét, Cơ quan cảnh sát điều tra thu giữ nhiều tài liệu liên quan vụ án, trong đó có 470 hợp đồng thu mua, 47 hợp đồng ký gởi. Qua xác minh, các tài liệu thu được là các hồ sơ về hợp đồng, nhằm hợp thức hóa chứng từ cho việc lượng hàng hóa nhập lậu trong đường dây buôn lậu do Nguyễn Bảo Q cầm đầu.

Tại cơ quan cảnh sát điều tra, Đoàn Phi V và Kim Thế C khai nhận đã thực hiện hành vi giúp sức cho Nguyễn Bảo Q điều hành đường dây buôn lậu, đưa hàng hóa các nước vào Việt Nam thông qua hình thức quá cảnh, sau đó tráo đổi hàng hóa để tiêu thụ tại Việt Nam, hàng hóa đã tráo đổi được vận chuyển sang Campuchia theo lộ trình quá cảnh.

Hoạt động buôn lậu của Nguyễn Bảo Q và đồng phạm được xác định như sau: Nguyễn Bảo Q tìm nguồn hàng hóa có xuất xứ nước ngoài (gồm các mặt hàng điện máy, điện tử, thực phẩm, rượu, vải…), thuê tàu vận chuyển đến Việt Nam, kê khai là hàng tiêu dùng (thường là hàng tiêu dùng bằng nhựa). Khi hàng hóa về đến bến cảng quốc nội, các công ty do Q lập ra sẽ đảm nhận chức năng vận chuyển hàng quá cảnh sang Campuchia, qua cửa khẩu M (Tây Ninh). Từ cảng C các container hàng hóa được vận chuyển đến các kho trung chuyển của Q thuê ở quận Th – Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương để mở lấy hàng hóa và đưa các mặt hàng plastic (nhựa) lên container, vận chuyển sang Campuchia qua cửa khẩu M.

Để tráo đổi hàng hóa trên container đã được niêm phong bởi hãng tàu và hải quan, Q và các đối tượng đồng phạm đã thực hiện các thủ đoạn như làm giả niêm phong hãng tàu; móc nối với cán bộ hải quan để nhận niêm phong hải quan thay vì cán bộ hải quan trực tiếp dán niêm phong vào container hàng hóa quá cảnh; cắt cửa container để tráo đổi hàng hóa, hàn và sơn lại phần vỏ container bị cắt.

Theo khai nhận của các bị cáo tại Cơ quan cảnh sát điều tra: Vào ngày 10/01/2017, hãng tàu PIL phát hành vận đơn số ASSINCMP 1120501-02, thông báo container hàng quá cảnh số hiệu 8752690, số niêm phong X0487522, do Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sản xuất TT hợp đồng vận chuyển, sẽ cập cảng C, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào ngày 13/01/2017. Nguyễn Bảo Q liên lạc với Kim Thế C, yêu cầu ưu tiên làm thủ tục hải quan để nhận container 8752690 (Q và các đồng phạm thống nhất gọi tên là container G73). Sau khi nhận được vận đơn của hãng tàu PIL, C nhắn số niêm phong hãng tàu cho Đoàn Phi V để chuẩn bị làm niêm phong giả, C thực hiện thủ tục đăng ký, mở tờ khai vận chuyển độc lập số 500070701620 đối với container G73, kê khai hàng hóa là hàng bách hóa, đồ dùng gia đình (tấm lợp lấy ánh sáng Polycarbonate), hàng mới 100%, nhập từ Singapore sang Campuchia quá cảnh Việt Nam.

Ngày 14/01/2017, C giao hồ sơ vận chuyển cho Huỳnh Văn V2, nhân viên Công ty T (còn gọi là V2 Nhỏ, chưa rõ nhân thân lai lịch) đi nhận container G73 và báo cho Đoàn Phi V chuẩn bị xe đầu kéo, người áp tải, chuẩn bị cho việc nhận hàng. Khoảng 11 giờ 30 phút cùng ngày, Hứa T (chưa rõ nhân thân lai lịch), nhân viên Công ty T, đi cùng xe đầu kéo 51C-711.16 do Đoàn Phi V thuê, đến cảng C để áp tải container G73 về kho AT, tại, Quốc lộ 13, khu phố Tr, phường V, thị xã Th, tỉnh Bình Dương. V gọi điện cho Nguyễn Đắc Tr, nhân viên Công ty T (chưa rõ nhân thân lai lịch) thuê bốc xếp chuẩn bị chuyển hàng hóa từ container G73 sang xe tải nhỏ đã chuẩn bị sẵn. V hẹn gặp Tr tại kho AT để chuẩn bị cho việc in số niêm phong lên niêm phong hãng tàu giả. Sau đó, V tìm mua các thùng nhựa để chuẩn bị tráo đổi hàng hóa trên container G73 vận chuyển đến cửa khẩu M xuất sang Campuchia theo lịch trình.

Khoảng 18 giờ ngày 14/01/2017, Huỳnh Văn V2 gọi điện báo cho Đoàn Phi V biết container G73 đã làm xong thủ tục hải quan tại cảng C; khoảng 19 giờ, Ph gọi điện thoại báo cho Đoàn Phi V sẽ thay đầu kéo tại cầu vượt BP.

Khoảng 20 giờ cùng ngày, Đoàn Phi V đến cầu vượt BP. Khoảng 15 phút sau Ph áp tải xe đầu kéo 51C-711.16 chở container G73 đến. Sau khi thay đầu kéo, Đoàn Phi V và Ph cho xe đầu kéo chở container G73 đến kho AT. Đến kho AT, tài xế xe đầu kéo tháo rơ-mooc khỏi xe và lái đi đâu không rõ (xe đầu kéo thay và tài xế chưa xác định được). Lúc này, trên container G73 không bấm niêm phong hải quan, chỉ có niêm phong hãng tàu, Đoàn Phi V cho Nguyễn Văn Ph (nhân viên Công ty T) dùng kềm cắt niêm phong hãng tàu trên container G73 (niêm phong hãng tàu bị cắt văng xuống đất và bị thất lạc) và cho 10 người bốc xếp khuân vác, chuyển hàng hóa từ container sang 04 xe ô tô tải đã chuẩn bị sẵn. Trong lúc hàng hóa đang được chuyển từ container G73 xuống xe ô tô tải biển kiểm soát 54U - 2043 thì bị lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện.

Lợi dụng lúc lực lượng chức năng đang kiểm tra hàng hóa trong container G73, Hứa T đã bỏ trốn.

Khoảng 01 giờ sau, Kim Thế C đến kho AT để nắm thông tin theo yêu cầu của Q thì bị lực lượng chức năng giữ lại.

Quá trình điều tra Cơ quan cảnh sát điều tra thu giữ nhiều tài liệu, chứng cứ liên quan hoạt động buôn lậu của Nguyễn Bảo Q (danh sách hàng hóa, tin nhắn trao đổi, hình ảnh, USB chữ ký số, USB lưu trữ hình ảnh tin nhắn, điện thoại, máy tính …) do Kim Thế C, Đoàn Phi V, Nguyễn Quốc H, Kim Thế V1 (em của Kim Thế C), Đỗ Phước H (chủ kho) giao nộp (Phụ lục 3 kèm theo cáo trạng).

Theo lời khai của Đoàn Phi V, Kim Thế C, Nguyễn Quốc H tại Cơ quan cảnh sát điều tra, hàng hóa lấy từ container Q giao cho Nguyễn Quốc H, Nguyễn Huỳnh Th (vợ Q) liên hệ chào hàng và đưa đi tiêu thụ tại các cơ sở kinh doanh trong nước. Cơ quan cảnh sát điều tra xác định được 3 cơ sở kinh doanh đã mua hàng nhập lậu của Q là: Cửa hàng NT, địa chỉ: Số 582, V, phường C, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh do ông Phạm Ngọc H8 làm chủ; Cửa hàng TN, địa chỉ: đường T7, phường B5, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) do bà Phan Thị Thanh Th làm chủ; Cửa hàng điện lạnh HH, địa chỉ: đường K, Khu phố 1, phường L2, quận Th, Thành phố Hồ Chí Minh do ông Phạm Đăng H9 làm chủ.

Nhằm tránh sự nghi ngờ phát hiện của cơ quan chức năng, Nguyễn Bảo Q đã thành lập 13 công ty, luân phiên tiếp nhận việc vận chuyển hàng quá cảnh, gồm:

1. Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ tiếp vận QH do Nguyễn Quốc H làm Giám đốc.

2. Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ C do Kim Thế C làm Giám đốc.

3. Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ xuất nhập khẩu T do Hứa T làm Giám đốc.

4. Công ty TNHH Vận chuyển Quốc Tế Đ do Nguyễn Hoàng Sơn H, sinh ngày 26/02/1988, hộ khẩu thường trú: đường X, Phường 21, quận B4, Thành phố Hồ Chí Minh làm Giám đốc.

5. Công ty TNHH E do Võ Phước T, sinh năm: 1983, hộ khẩu thường trú: Ấp 2, xã X2, huyện X1, tỉnh Đồng Nai làm Giám đốc.

6. Công ty TNHH T3 do Nguyễn Thị Thanh Tr, sinh ngày: 18/5/1989. Hộ khẩu thường trú: Tổ 7, ấp L, xã M, huyện C, tỉnh Long An làm Giám đốc.

7. Công ty TNHH O do Nguyễn Quang Nh sinh ngày: 03/9/1985. Hộ khẩu thường trú: Tổ 2, làng X, phường H, thị xã H1, tỉnh Thừa Thiên Huế làm Giám đốc.

8. Công ty TNHH R do Lâm Duy Ph, sinh ngày: 30/3/1987. Hộ khẩu thường trú: Khu phố 7, phường P, thành phố B, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm Giám đốc.

9. Công ty TNHH tiếp vận X do Nguyễn Quỳnh Lệ Th, sinh ngày:

15/7/1981. Hộ khẩu thường trú: đường T, Phường 10, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh làm Giám đốc.

10. Công ty TNHH M do Trần Văn Kh, sinh ngày 02/01/1989. Hộ khẩu thường trú: đường O, Phường 14, Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh làm Giám đốc.

11. Công ty TNHH Vận tải thương mại dịch vụ TH do Triệu Ngọc H, sinh ngày 24/11/1983. Hộ khẩu thường trú: đường C, Phường 5, thành phố B, tỉnh Bạc Liêu làm Giám đốc.

12. Công ty TNHH tiếp vận SV do Lê Công Ph, sinh ngày 02/04/1979. Hộ khẩu thường trú: đường Tr, Phường 9, quận P, Thành phố Hồ Chí Minh làm Giám đốc.

13. Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ sản xuất T do Nguyễn Huỳnh T, sinh ngày 20/12/1980. Hộ khẩu thường trú: đường V, Phường 1, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh làm Giám đốc.

Để thuận tiện trao đổi và bảo mật Nguyễn Bảo Q và các đối tượng trong đường dây buôn lậu thống nhất cách gọi tên các container quá cảnh như sau: “V” là hàng quá cảnh nhập từ nước Nhật chuyển dịch vụ (hợp pháp) cho khách; “A” là hàng nhập lậu từ nước Nhật; “B” là hàng nhập lậu từ nước Mỹ; “G” là hàng nhập lậu từ nước Singapore; “N” là hàng nhập lậu từ Hồng Kông; “Q” là hàng nhập lậu từ nước Đức; “MH” là hàng quá cảnh nhập qua đường hàng không… Để tránh bị lộ thông tin Nguyễn Bảo Q, Đoàn Phi V, Kim Thế C, Nguyễn Quốc H và các đối tượng khác trong đường dây buôn lậu trao đổi, liên lạc thông tin về hoạt động buôn lậu bằng cách gọi điện thoại, nhắn tin nhóm trên phần mềm Skype, Whatapps, Viber. Q đã tạo nhiều nhóm “chat” Viber, trong đó có nhóm “P. Kinh doanh TSN” gồm các đối tượng: Nguyễn Bảo Q, Nguyễn Quốc H, Đoàn Phi V, Kim Thế C, Nguyễn Huỳnh Th (vợ Q), Tuyết (chưa rõ nhân thân lai lịch), nhóm “Phong Thu Tuc LGVN” gồm các đối tượng: Nguyễn Bảo Q, Nguyễn Quốc H, Đoàn Phi V, Kim Thế C, Trần Văn Kh và Nguyễn Thị Thúy V. Những đối tượng trên đều là nhân viên trong Công ty T.

Trong hoạt động buôn lậu, các bị cáo và đồng phạm được Nguyễn Bảo Q phân công trách nhiệm như sau:

Nguyễn Quốc H có nhiệm vụ kiểm tra, quản lý kho hàng ở phường H2, quận Th, Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời tìm thị trường tiêu thụ những hàng hóa nhập lậu.

Kim Thế C có nhiệm vụ làm thủ tục mở tờ khai hải quan hàng quá cảnh đường biển cho tất cả các công ty của Q. Hàng quá cảnh đường biển được nhập từ các nước và vùng lãnh thổ: Singapore, Đức, Mỹ, Hồng Kông, Nhật Bản… sang Campuchia, quá cảnh Việt Nam, mỗi tháng Q trả lương cho C 10.000.000 đồng (mười triệu đồng).

Đoàn Phi V có nhiệm vụ giám sát hàng hóa, cắt niêm phong hãng tàu trên container, lấy hàng trong container đưa về các kho ở quận Th, Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương bảo quản và làm giả niêm phong hãng tàu, mỗi tháng Q trả cho V 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng).

Việc làm giả niêm phong để thay thế niêm phong hãng tàu bị cắt được Q và đồng phạm thực hiện như sau: Sau khi nhận được vận đơn (bill) của hãng tàu Kim Thế C chụp ảnh nhắn tin cho Đoàn Phi V làm giả niêm phong; V nhắn tin cho Nguyễn Đắc Tr để làm bảng in lụa số niêm phong, rồi in lên niêm phong hãng tàu giả (niêm phong này do Nguyễn Bảo Q mua từ trước).

Đối với container đã bị cán bộ hải quan bấm niêm phong, Nguyễn Bảo Q chỉ đạo Đoàn Phi V, Nguyễn Hoàng S, Hứa T, (nhân viên Công ty T) cắt tại vị trí cửa container để lấy hàng, sau khi tráo đổi hàng thì dùng thiết bị hàn lại vỏ container, tiếp tục lộ trình sang Campuchia.

Với cách hoạt động trên, từ tháng 10/2015 đến đầu tháng 01/2017, Nguyễn Bảo Q, Đoàn Phi V, Kim Thế C cùng các đối tượng đồng phạm đã vận chuyển trót lọt 110 (một trăm mười) container hàng quá cảnh, tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.

Tất cả hàng hóa sau khi tập kết tại các kho hàng trên, Nguyễn Quốc H chỉ đạo bốc xếp bố trí hàng hóa và tìm thị trường bán các mặt hàng điện tử, điện lạnh, ... H đã bán cho nhiều người, trong đó H đã bán cho ông Phạm Đăng H9 địa chỉ: đường K, phường L2, quận Th, Thành phố Hồ Chí Minh, chủ cơ sở kinh doanh điện lạnh HH nhiều lần trong thời gian từ 8/2016 - 02/2017, gồm: 60 (sáu mươi) bộ máy lạnh với giá 3.200.000 đồng/01 bộ, 173 (một trăm bảy mươi ba) bộ máy lạnh với giá 2.700.000 đồng/01 bộ, 10 (mười) tủ lạnh với giá 6.500.000 đồng/01 cái, 23 (hai mươi ba) máy giặt với giá 5.000.000 đồng/01 cái, 150 (một trăm năm mươi) nồi cơm điện với giá 350.000 đồng/01 cái. Còn các mặt hàng khác như: Thực phẩm, dược phẩm, rượu, … Q chỉ đạo các đối tượng khác (chưa xác định rõ) trong Công ty T tìm khách hàng để bán ra thị trường Việt Nam.

Tại cơ quan cảnh sát điều tra, Đoàn Phi V và Kim Thế C khai nhận: Quá trình giám sát hàng quá cảnh do các công ty của Nguyễn Bảo Q hợp đồng vận chuyển, các công chức hải quan thuộc Chi cục hải quan cửa khẩu Cảng C không trực tiếp bấm niêm phong hải quan vào container hàng quá cảnh mà giao niêm phong hải quan cho người áp tải hàng hoặc tài xế chở hàng tự bấm. Việc này đã tạo điều kiện cho hoạt động buôn lậu của Nguyễn Bảo Q và đồng phạm. Sau khi phá niêm phong hãng tàu, lấy hết hàng hóa trong container, đưa hàng hóa theo đúng tờ khai vào container các đối tượng buôn lậu bấm niêm phong hải quan thật và niêm phong hãng tàu giả vào container rồi tiếp tục vận chuyển sang Campuchia một cách hợp pháp. Tuy nhiên V và C không nhớ được họ tên của các công chức hải quan cụ thể. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã xác minh, xác định các công chức hải quan trực tiếp giám sát 116 container hàng quá cảnh của Nguyễn Bảo Q nhập về, trong thời gian từ 6/2014 đến tháng 01/2017, gồm: Thân Thị Thanh Ng, Nguyễn Xuân T, Vũ Trường G, Nguyễn Văn Đ, Vũ Hồng H, Trần Văn S1, Hứa Phước V4, Phan Mạnh H1, Hà Thị Thùy LPhạm Thị Kim Ph, Đinh Thị Kh, Phạm Văn Ngh, Nguyễn Hồng L1, Trần Văn H2, là các công chức hải quan thuộc đội kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan thuộc Chi cục hải quan cửa khẩu Cảng C. Qua làm việc, các công chức hải quan đều xác định đã thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm trong việc giám sát những container hàng quá cảnh trên và trực tiếp bấm niêm phong hải quan vào từng container theo quy định tại Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính và Quyết định số 1966/QĐ-TCHQ ngày 10/7/2015 của Tổng cục Hải quan. Do việc giao nhận niêm phong hải quan giữa công chức hải quan và các đối tượng liên quan trong vụ án chỉ có hai người biết nên Cơ quan Cảnh sát điều tra không có cơ sở xác định có hay không việc công chức hải quan giao niêm phong hải quan cho các đối tượng trong vụ án tự bấm vào container nên không có cơ sở đề xuất xử lý.

Đối với niêm phong hải quan số hiệu H130076264 , ông Trần Văn H2, công chức Hải quan C khai nhận: Quá trình kiểm tra, giám sát hải quan, ông H đã trực tiếp bấm niêm phong hải quan vào container. Trong khi Đoàn Phi V xác định: Khi container số hiệu 8752690 được áp tải đến kho AT thì không có niêm phong hải quan, việc liên hệ Hải quan C tiếp nhận container hàng quá cảnh do Huỳnh Văn V2 (V2 Nhỏ) thực hiện và Hứa T là người áp tải container từ cảng C về kho AT, không rõ ai là người cất giữ niêm phong hải quan. Do Hứa T và Huỳnh Văn V2 bỏ trốn nên không có cơ sở để điều tra, làm rõ có hay không việc ông Trần Văn H2 đưa niêm phong hải quan cho các đối tượng trên tự bấm vào container.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số: 111/2019/HSST ngày 26 tháng 12 năm 2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương, quyết định:

Tuyên bố các bị cáo Đoàn Phi V, Kim Thế C phạm tội “Buôn lậu”.

Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 188; điểm s, t khoản 1, Điều 51, điểm a khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

- Xử phạt bị cáo Đoàn Phi V 13 (mười ba) năm tù về tội “Buôn lậu”. Thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án, được khấu trừ thời gian bị bắt giam, giữ từ 15/01/2017 đến ngày 08/01/2018.

Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 188; điểm s, t khoản 1, Điều 51, điểm a khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

- Xử phạt bị cáo Kim Thế C 12 (mười hai) năm tù về tội “Buôn lậu”. Thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án, được khấu trừ thời gian bị bắt giam, giữ từ 15/01/2017 đến ngày 08/01/2018.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo vụ án theo luật định.

Ngày 30/12/2019, bị cáo Đoàn Phi V có đơn kháng cáo kêu oan Ngày 06/01/2020, bị cáo Kim Thế C có đơn kháng cáo kêu oan.

* Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao phát biểu quan điểm như sau:

Các bị cáo kháng cáo kêu oan cho rằng, những lời khai trước đây là do Điều tra viên ép cung, mớm cung nhưng không có chứng cứ chứng minh. Bản thân các bị cáo là người có học thức nên ý thức được việc khai nhận. Lý do này là không có cơ sở chấp nhận.

Án sơ thẩm kết tội là có căn cứ, kháng cáo là không có cơ sở xem xét. Đề nghị không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của hai bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

* Luật sư bào chữa cho bị cáo V có quan điểm cho rằng: Bác bỏ toàn bộ Cáo trạng của Viện kiểm sát, thân chủ vô tội, việc cáo buộc là thiếu cơ sở pháp lý, có biểu hiện oan sai bởi vì:

Cơ quan điều tra đã mớm cung gây bất lợi cho bị cáo. Nhận định của cấp sơ thẩm là chung chung, không rõ ràng, cụ thể:

Bị cáo không cắt niêm phong, thể hiện qua lời khai xác nhận của nhân chứng là nhân viên bốc xếp tên Phụng. Bị cáo chỉ là người chụp ảnh và gửi cho đối tượng Q để báo cáo. Bản thân bị cáo không lấy hàng hóa tại container, lời khai của nhân chứng Phụng đã xác định việc này. Bị cáo chỉ giám sát và không có quyền quyết định việc này.

Bị cáo không làm giả niêm phong hãng tàu. Đây là sự chỉ đạo trực tiếp của đối tượng Q đối với đối tượng Tr.

Bị cáo không cắt container. Lời khai này do cán bộ điều tra hướng dẫn bị cáo khai. Bị cáo chỉ chụp ảnh container đã cắt để gửi cho Q xem. Những lời khai này không được coi là chứng cứ buộc tội theo quy định của Bộ luật hình sự.

Bị cáo V không thuê xe đầu kéo. Lời khai của ông Hiệp là chủ xe khẳng định bị cáo không thuê xe. Cáo buộc là không có căn cứ.

Cáo buộc xác định bị cáo V phải chịu trách nhiệm đối với toàn bộ hơn 100 container vận chuyển hàng lậu là không có căn cứ. Bởi vì bị cáo V chỉ khai nhận giám sát đối với hơn 30 container. Bị cáo V không nhận thức được việc giám sát hàng hóa là vi phạm pháp luật, vì bị cáo không nhận thức đó là hàng lậu; bị cáo cũng không hề biết việc làm giả niêm phong hãng tàu là vi phạm pháp luật.

Ở trường hợp bị cáo V chỉ là người được hưởng lương, không được hưởng lợi từ việc buôn lậu. Vì vậy bị cáo không phải là đồng phạm.

Trong vụ án này, Điều tra viên đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong việc lấy lời khai, có việc sao chép nguyên văn biên bản lấy lời khai, các bản khai giống y hệt nhau, kể cả dấu chấm, dấu phẩy. Bà H không phải là Điều tra viên nhưng vẫn tiến hành lấy lời khai là vi phạm tố tụng.

Hành vi của bị cáo V không cấu thành tội buôn lậu vì hồ sơ vụ án không thể hiện hàng hóa là của Q mà là của một tổ chức nước ngoài.

* Luật sư bào chữa cho bị cáo C có quan điểm cho rằng: Bị cáo chỉ được thuê vào làm thủ tục mở tờ khai hải quan, việc mở tờ khai này là đúng quy định của pháp luật. Những việc làm khác của đối tượng Q, bị cáo C hoàn toàn không biết.

Bị cáo C không phạm tội.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ các chứng cứ, tài liệu đã thu thập. Qua tranh tụng công khai tại phiên tòa phúc thẩm, quan điểm của đại diện Viện kiểm sát, các bị cáo và Luật sư bào chữa, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng:

[1] Trong vụ án này, Bản Kết luận điều tra, Cáo trạng truy tố và bản án sơ thẩm đều xác định: Căn cứ vào lời khai nhận của hai bị cáo trong vụ án này là Đoàn Phi V và Kim Thế C, thì đây là một vụ án Buôn lậu có tổ chức, có quy mô lớn, với thủ đoạn và cách thức, thủ đoạn hết sức tinh vi, chặt chẽ; thực hiện tội phạm trong thời gian dài, với số lượng hàng hóa đặc biệt lớn. Trong đó, đối tượng Nguyễn Bảo Q được xác định là người cầm đầu, tổ chức và điều hành mọi hoạt động của đường dây buôn lậu, hai bị cáo V và C (là hai bị cáo duy nhất trong vụ án này) – cùng nhiều đối tượng khác tham gia với vai trò là người thực hành.

Theo đó, hành vi phạm tội được cấp sơ thẩm xác định như sau: Dưới sự điều hành của đối tượng Nguyễn Bảo Q, đường dây có tổ chức này đã thực hiện các hành vi như sau: bằng các thủ đoạn khai báo hải quan, móc nối với cán bộ hải quan, làm giả niêm phong hãng tàu, đánh tráo hàng hóa, vận chuyển hàng hóa vào Việt Nam tiêu thụ dưới hình thức quá cảnh. Sau khi chót lọt, số hàng hóa nhập lậu này đã được tiêu thụ tại một số doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể: Đối tượng cầm đầu là Nguyễn Bảo Q là người tìm nguồn hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài (gồm các mặt hàng điện máy, điện tử, thực phẩm, rượu, vải…) thuê tàu vận chuyển đến Việt Nam, kê khai là hàng tiêu dùng (thường là hàng tiêu dùng bằng nhựa). Khi hàng hóa về đến cảng quốc nội, các Công ty do Q lập ra sẽ đảm nhận chức năng vận chuyển hàng quá cảnh sang Campuchia, qua cửa khẩu M – tỉnh Tây Ninh. Từ cảng C, các container hàng hóa sẽ được vận chuyển đến các kho trung chuyển của Q thuê tại Quận Th – TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương để mở lấy hàng hóa, sau đó đưa các hàng hóa là plastic (nhựa) lên container vận chuyển sang Campuchia. Để việc tráo đổi hàng hóa không bị phát hiện, Q và các đối tượng đồng phạm đã làm giả niêm phong hãng tàu; móc nối với các cán bộ hải quan để nhận niêm phong hải quan, thay vì chính cán bộ hải quan trực tiếp dán niêm phong vào container hàng hóa quá cảnh; cắt cửa container tráo hàng hóa, sau đó hàn và sơn lại.

[2] Tuy nhiên, qua nghiên cứu, đánh giá toàn bộ các chứng cứ đã thu thập trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm vụ án này, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy:

[2.1] Thứ nhất: Về tính có căn cứ trong quá trình điều tra:

Quá trình điều tra cho thấy, trong vụ án này, có nhiều đối tượng có liên quan tham gia đường dây buôn lậu có tổ chức, ngày 24/7/2018 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Theo đó, ngoài các đối tượng cầm đầu và liên quan là Nguyễn Bảo Q đã bỏ trốn trước đó, đối tượng Nguyễn Quốc H bỏ trốn trong quá trình điều tra, đã có lệnh truy nã. Viện kiểm sát yêu cầu điều tra, làm rõ hành vi của các đối tượng liên quan gồm: Nguyễn Hoàng S, Hứa T. Triệu Ngọc H (Tr), Nguyễn Quang Nh, Võ Phước T, Trần Văn Kh, Nguyễn Hoàng Sơn H, Lê Công Ph, Lâm Duy Ph, Nguyễn Huỳnh Tvà Nguyễn Huỳnh Th (vợ của đối tượng cầm đầu Nguyễn Bảo Q). Các đối tượng này đều có địa chỉ cư trú rõ ràng.

Tại Bản kết luận điều tra bổ sung số 35/PC03 (Đ5) ngày 26/9/2018, Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Bình Dương cho rằng: các đối tượng này hiện không có mặt tại nơi cư trú. Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục xác minh, truy tìm các đối tượng trên. Khi tìm được sẽ tiến hành điều tra, làm rõ và xử lý… Nội dung kết luận này của Cơ quan cảnh sát điều tra là không phù hợp, bởi vì: Theo lời khai của hai bị cáo Đoàn Phi V và Kim Thế C thì đây là vụ án có tổ chức, các đối tượng tham gia đều là các mắt xích quan trọng trong đường dây buôn lậu có quy mô lớn và trong thời gian dài. Chính vì vậy, việc điều tra triệt để tất cả các đối tượng tham gia trong tổ chức buôn lậu này, mới có cơ sở để đánh giá tính chất, mức độ của tội phạm một cách toàn diện và đúng pháp luật. Trong khi đó, chứng cứ điều tra có tại hồ sơ thể hiện việc điều tra đối với các đối tượng có liên quan này chỉ mới dừng ở việc lập biên bản xác minh tại nơi cư trú. Việc cho rằng, sẽ điều tra làm rõ và xử lý sau là không phù hợp và chưa đủ cơ sở để giải quyết vụ án.

[2.2] Đối với việc điều tra, xác minh sự vi phạm của cán bộ, công chức Hải quan có liên quan đến các lô hàng nhập lậu, cũng như việc tách vụ án của Cơ quan Cảnh sát điều tra, thấy rằng:

[2.2.1] Theo lời khai của hai bị cáo thể hiện, trong vụ án này việc buôn lậu được trót lọt có sự giúp sức của một số cán bộ, công chức hải quan. Quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã kết luận chưa có đủ cơ sở để xác định hành vi vi phạm của các công chức hải quan, việc giám sát những container hàng quá cảnh và bấm seal hải quan là đúng theo quy định tại Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015.

Tuy nhiên, chứng cứ tại hồ sơ thể hiện việc điều tra về quy định liên quan đến vận chuyển hàng quá cảnh chưa được thể hiện đầy đủ. Cụ thể ở hai lô hàng do Công ty TNHH R và lô hàng do Công ty TNHH TMDV T. Hai lô hàng này vận chuyển đến Cảng quốc tế Tân Cảng C thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng C, sau đó vận chuyển đến cảng quốc tế SP – PSA thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng PM để tách 03 container lấy hàng nhập khẩu gồm 02 xe ô tô hiệu Ford model F150 mới 100% và 01 xe ô tô hiệu Lexus LX570; số hàng quá cảnh trong 03 container trên được chuyển qua xe tải để tiếp tục vận chuyển đến cửa khẩu M xuất sang Campuchia.

Như vậy, ở trường hợp này, để có cơ sở xác định hai lô hàng này có sai phạm hay không thì cần phải kiểm tra tài liệu là bộ chứng từ xuất hàng từ nước đi (xuất hàng), mặt hàng xuất, chủng loại, số lượng…và đích đến là quốc gia nào. Ở trường hợp hai lô hàng trên, nếu thuộc hàng quá cảnh thì về nguyên tắc (quy định của Thông tư 38) khi qua lãnh thổ Việt Nam chỉ tiến hành thủ tục mở tờ khai hải quan, sau đó tiếp tục vận chuyển đến nước thứ 3 là đích đến. Vậy cần phải làm rõ, việc hai lô hàng trên đã được tách và lấy 03 xe tô tô trên tại Hải quan cửa khẩu PM có đúng quy định tại Thông tư số 38/2015 (Điều 51) của Bộ Tài Chính không? Hồ sơ vụ án chưa thể hiện cũng như làm rõ về vấn đề này. Cơ quan điều tra cho rằng, chưa phát hiện dấu hiệu vi phạm của việc vận chuyển hàng quá cảnh và nhập khẩu đối với hai lô hàng trên là chưa đủ cơ sở.

[2.2.2] Quá trình giải quyết vụ án, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương đã yêu cầu điều tra Trưng cầu giám định về quy trình, thủ tục thực hiện phê duyệt khai báo vận chuyển đối với 116 lô hàng quá cảnh tại Cảng C thuộc Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và tại cửa khẩu M, tỉnh Tây Ninh. Đây là việc làm hết sức quan trọng trong việc giải quyết vụ án, tuy nhiên tại Bản kết luận điều tra bổ sung số 35/PC03 ngày 26/9/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương cho rằng: do Cục Hải quan tỉnh Bình Dương trả lời không có cơ quan giám định quy trình thủ tục Hải quan, để từ đó không trưng cầu giám định là không phù hợp. Bởi vì, ở trường hợp này thì cần có ý kiến thẩm định về chuyên môn của Tổng Cục Hải quan để làm cơ sở giải quyết vụ án, mà không nhất thiết phải là Cục Hải quan tỉnh Bình Dương. Việc trả lời như trên của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương là không phù hợp và ảnh hưởng đến việc xác định bản chất của vụ án.

[3] Thứ hai: Về việc tách vụ án:

Tại khoản 2 Điều 170 của Bộ luật tố tụng hình sự đã quy định: “…chỉ được tách vụ án trong trường hợp cần thiết khi không thể hoàn thành sóm việc điều tra với tất cả các tội phạm và việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện vụ án.” Trong vụ án này, chứng cứ tại hồ sơ thể hiện: Đối với lô hàng quá cảnh của Công ty TNHH TMDV tiếp vận QH mở tờ khai có số tờ khai vận chuyển 500069404150 do Đội kiểm soát chống buôn lậu thuộc Cục điều tra chống buôn lậu – Tổng Cục hải quan thông báo cho lãnh đạo Hải quan cửa khẩu M biết lô hàng trên có dấu hiệu nghi vấn vi phạm pháp luật, nên khi lô hàng trên được vận chuyển đến cửa khẩu M để làm thủ tục xuất hàng sang Campuchia thì bị lực lượng hải quan cửa khẩu M giữ lại và phối hợp với Đội Kiểm soát chống buôn lậu thuộc Cục điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan kiểm tra, phát hiện seal hãng tàu đã bị thay thế bằng seal khác; trọng lượng hàng hóa trên tờ khai vận chuyển và trọng lượng thực tế không trùng khớp, có dấu hiệu rút hàng hóa tiêu thụ nội địa nên đã chuyển cho Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Tây Ninh thụ lý theo thẩm quyền.

Như vậy, như đã nhận định và phân tích ở trên, đây là vụ án Buôn lậu có tổ chức, nhiều đối tượng tham gia với quy mô lớn và số hàng hóa buôn lậu là đặc biệt lớn. Do đó, việc điều tra, làm rõ tất cả các vấn đề có liên quan đến đường dây buôn lậu này sẽ giúp cho việc giải quyết vụ án được toàn diện và triệt để. Việc tách vụ án đối với trường hợp này là không phù hợp với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, có ảnh hưởng đến việc làm rõ quy mô vụ án, làm cơ sở đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các đối tượng có liên quan.

[4] Thứ ba: Đối với hành vi tiêu thụ hàng buôn lậu của một số đối tượng có liên quan.

Quá trình điều tra thể hiện: Theo lời khai của hai bị cáo Kim Thế C và Đoàn Phi V cho thấy: hàng hóa sau khi nhập lậu sẽ được vợ của đối tượng Nguyễn Bảo Q là Nguyễn Huỳnh Th và Nguyễn Quốc H liên hệ khách hàng để tiêu thụ. Các đối tượng tiêu thụ đã thừa nhận gồm: Hộ kinh doanh của hàng NT do Phạm Ngọc H8 làm chủ; Hộ kinh doanh TN do Phan Thị Thanh Th làm chủ; Hộ kinh doanh điện lạnh HH do ông Phạm Đăng H9 làm chủ. Các đối tượng này đều thừa nhận biết rõ số hàng hóa tiêu thụ không có nguồn gốc hợp pháp, không có hóa đơn chứng từ, nhưng vẫn mua để kinh doanh kiếm lời.

Hành vi của các đối tượng này có dấu hiệu tội phạm, việc Cơ quan điều tra xác định những hành vi này là vi phạm pháp luật, nhưng chưa đủ cơ sở để xử lý về mặt hình sự là không phù hợp và không đảm bảo được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đồng thời, không xác minh, làm rõ số hàng hóa nhập lậu đã tiêu thụ cũng như số tiền thu lợi bất chính từ việc tiêu thụ hàng hóa buôn lậu để xử lý là trái với quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự.

[5] Tóm lại: Như đã nhận định và phân tích ở trên, đây là vụ án có tổ chức và quy mô lớn, với nhiều đối tượng tham gia. Việc điều tra đã cho thấy chưa được thực hiện một cách triệt để, toàn diện và đầy đủ, có biểu hiện lọt người, lọt tội phạm. Những thiếu sót này đã ảnh hưởng lớn tới việc giải quyết đúng đắn vụ án, mà Tòa án cấp phúc thẩm không thể khắc phục được. Vì vậy, cần hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra và giải quyết lại theo đúng quy định của pháp luật.

[6] Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao là không phù hợp với quy định của pháp luật và nhận định của Hội đồng xét xử.

[7] Quan điểm của Luật sư bào chữa cho hai bị cáo phù hợp một phần với nhận định của Hội đồng xét xử.

[8] Do hủy án sơ thẩm, vì vậy hai bị cáo C và V không phải chịu án phí phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 355, Điều 358 Bộ luật tố tụng hình sự. Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của các bị cáo Đoàn Phi V và Kim Thế C. Hủy toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm số: 111/2019/HSST ngày 26 tháng 12 năm 2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương.

Chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương để điều tra và giải quyết lại theo đúng quy định của pháp luật.

Hai bị cáo Đoàn Phi V và Kim Thế C không phải chịu án phí phúc thẩm. Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

992
  • Tên bản án:
    Bản án 167/2021/HS-PT ngày 30/03/2021 về tội buôn lậu
  • Cơ quan ban hành:
  • Số hiệu:
    167/2021/HS-PT
  • Cấp xét xử:
    Phúc thẩm
  • Lĩnh vực:
    Hình sự
  • Ngày ban hành:
    30/03/2021
  • Từ khóa:
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 167/2021/HS-PT ngày 30/03/2021 về tội buôn lậu

Số hiệu:167/2021/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 30/03/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;