TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI
BẢN ÁN 383/2024/HS-PT NGÀY 10/05/2024 VỀ TỘI BUÔN LẬU
Ngày 10 tháng 5 năm 2024, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đ, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm, công khai vụ án hình sự thụ lý số 281/2024/HS-PT ngày 04 tháng 3 năm 2024 đối với bị cáo Nguyễn Thị Quỳnh T phạm tội “Buôn lậu”, do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 17/2024/HS-ST ngày 23 tháng 01 năm 2024 của Tòa án nhân dân tỉnh Đ.
1. Bị cáo có kháng cáo: Nguyễn Thị Quỳnh T, sinh năm 1982; giới tính: Nữ; nơi thường trú: 475/32/2 Hai Bà Trưng, phường Võ Thị Sáu, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh; nơi tạm trú: B5, Phòng 2108 Chung cư Park Residence, Nguyễn Hữu T, xã Phước K, huyện Nhà B, thành phố Hồ Chí M; nơi ở hiện tại: Số E5-07, Chung cư Sài Gòn South, Nguyễn Hữu T, xã Phước K, huyện Nhà B, thành phố Hồ Chí Minh; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Thiên chúa; Số CCCD: 07918201xxxx cấp ngày 22/12/2021; Nơi cấp: Cục Cảnh sát QLHC về TTXH; trình độ học vấn: 12/12; nghề nghiệp: Giám đốc Công ty TNHH Dược phẩm N; con ông Nguyễn Văn M, sinh năm 1944 và bà Nguyễn Thị D, sinh năm 1951; gia đình có 03 anh em, bị cáo là con thứ 3; chưa có chồng, con; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 11/5/2023. Hiện bị cáo đang bị tạm giam tại Trại tạm giam - Công an tỉnh Đ. Có mặt.
2. Trong vụ án còn có các bị cáo Nguyễn Quang N; Hoàng Thị Y không kháng cáo, các bị cáo không bị kháng cáo, kháng nghị nên Tòa án không triệu tập.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo bản án sơ thẩm, nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Khoảng tháng 6/2021, Nguyễn Thị Quỳnh T (là Giám đốc Công ty TNHH Dược phẩm N) liên hệ với một người Ấn Độ tên J (không có thông tin cụ thể về họ tên, địa chỉ) là nhân viên bán hàng của Công ty H (Ấn Độ) để hỏi về thông tin các thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị Covid-19. Ông J đã giới thiệu cho T về loại thuốc kháng vi rút Covid-19 loại F (Fabiflu 400mg) do Ấn Độ sản xuất; nhưng thời điểm đó T chưa có nhu cầu nên chưa đặt mua loại thuốc này. Đến khoảng đầu tháng 8/2021, T biết loại thuốc trên mặc dù chưa được cấp phép lưu hành, cấp phép nhập khẩu tại Việt Nam nhưng đã được cấp phép khẩn cấp tại một số nước khác ( như Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia…) nên đã nảy sinh ý định mua loại thuốc trên từ Ấn Độ về Việt Nam để bán kiếm lời. Do thời điểm đó trong thành phố Hồ Chí Minh đang bị dịch covid 19, đi lại hạn chế nên T đã nhờ Hoàng Thị Y, sinh năm 1987, trú tại: số 29, ngõ 44 Đại Linh, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội (có mối quan hệ công việc từ trước với T) tìm người giúp T làm thủ tục nhập khẩu thuốc F (Fabiflu 400mg) do Ấn Độ sản xuất (sau đây viết là thuốc Favi) về Việt Nam và T gửi hình ảnh hộp thuốc cho Y; Y nhận lời. Sau đó Y gửi hình ảnh hộp thuốc Favi và gọi điện trao đổi với Nguyễn Quang N (sinh năm 1981, trú tại: phòng 1502, toà S1.02 Vinsmart City, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội) là đồng nghiệp của Y tại Công ty CP Dược phẩm H, chuyên làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hoá để hỏi N có thể nhập khẩu thuốc này về Việt Nam được không. N xem hình ảnh hộp thuốc và trả lời Y là N có thể nhập được nhưng phải kê khai là thực phẩm chức năng. Sau đó, ngày 06/8/2021, T gọi điện cho Y để hỏi thì được Y thông báo đã tìm được người nhận lời làm thủ tục nhập khẩu lô hàng trên về Việt Nam nhưng không nói với T cụ thể là ai, T và Y trao đổi về việc thuốc Favi đã được sử dụng ở một số nước nhưng ở Việt Nam chưa cho nhập, Y nói người Y nhờ (N) sẽ khai là thực phẩm chức năng, T hỏi lại Y là có chắc chắn N khai hàng được không, có phải hỏi Hải quan trước không thì được Y trả lời N vẫn nhập nhiều loại hàng nhưng phí dịch vụ cao; T tiếp tục nhờ Y hỏi cụ thể thông tin giá dịch vụ và lượng hàng có thể nhập như thế nào. Sau đó, T chào hàng với bà Trần Thị N (sinh năm 1980; Giám đốc Công ty TNHH Era Pharma; trú tại: 856 Tạ Quang Bửu, phường 4, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh) và bà N đồng ý mua của T khoảng 1.500 hộp thuốc Favi. T tiếp tục nhờ Y hỏi về thu tục nhập khẩu 1.500 hộp thì như thế nào, Y hỏi N và được N hướng dẫn Y phải chia lô hàng 1.500 hộp thuốc trên thành 02 kiện, mỗi kiện khoảng 20 kg, chuyển về Việt Nam 02 lần, đồng thời N chuyển thông tin của Công ty TNHH Thương mại và Dược phẩm N (do N thành lập và điều hành hoạt động từ khoảng giữa tháng 7/2021; nhờ em ruột là Nguyễn Quang Anh, sinh năm 1993, trú tại: Số 2A Lý Thường Kiệt, phường Bà Triệu, thành phố Đ đứng tên giám đốc, người đại diện theo pháp luật; sau đây gọi tắt là Công ty N) cho Y, giới thiệu là công ty của N sử dụng để làm thủ tục nhập khẩu. N hướng dẫn Y yêu cầu đối tác gửi hàng chuẩn bị các chứng từ (hoá đơn, vận đơn, COA…) thể hiện nội dung hàng hoá ghi tên sản phẩm là “FABI”; ghi mô tả là “Food Supplement (thực phẩm chức năng)”; ghi chú hàng hoá là “Sample is not value (hàng mẫu không có giá trị)”, địa chỉ gửi đến là Công ty N. Ngoài ra N báo chi phí làm thủ tục hải quan trọn gói cho toàn bộ số hàng là 50 triệu đồng (đã bao gồm chi phí kho bãi, thuế phí nhập khẩu). Sau đó Y đã nói lại với T nội dung N đã hướng dẫn và báo chi phí trọn gói là 55 triệu đồng (Y được hưởng 05 triệu đồng chênh lệch nếu số hàng hoá được nhập về Việt Nam thành công). T đồng ý và đã liên hệ, thoả thuận với ông J, nhân viên bán hàng Công ty H tại Ấn Độ để đặt hàng mua 1.500 hộp thuốc trên về Việt Nam với đơn giá 16.66 USD/1 hộp (chưa bao gồm thuế, phí vận chuyển), tổng giá trị đơn hàng khoảng gần 650 triệu đồng; chuyển hàng qua đường hàng không; thanh toán bằng tiền mặt tại Việt Nam sau khi nhận hàng.
Ngày 07/8/2021, T nhờ đối tác Ấn Độ chuẩn bị hoá đơn (Invoice_Packing list, tạm dịch: hoá đơn_danh mục đóng gói) cho lô hàng thứ nhất ghi số lượng hàng hoá là 700 hộp; tên hàng “Fabi”; mô tả “Food Supplement (thực phẩm chức năng)”; đơn giá 03 USD/hộp; tổng giá trị 2.100 USD và chuyển cho Y. Khi Y chuyển file này qua Zalo cho N, N yêu cầu Y chỉnh sửa phần mô tả ghi thêm nội dung “Sample is not value (hàng mẫu không có giá trị)” và sửa giảm đơn giá hàng hoá xuống 0,5 USD/hộp để giảm giá trị đơn hàng cho phù hợp với loại hàng mẫu thực phẩm chức năng. Sau đó, Y báo T để yêu cầu chỉnh sửa theo yêu cầu của N.
Ngày 09/8/2021, T chuyển cho Y file nháp vận đơn (Air Waybill) cho lô hàng thứ nhất chuẩn bị chuyển về Việt Nam; Y chuyển tiếp file này qua Zalo cho N. Sau khi kiểm tra, N yêu cầu Y chỉnh sửa phần ghi địa chỉ của Công ty N và bổ sung thêm nội dung “The sample is not value” tại mục “Nature and Quanlity of Goods (Tính chất và số lượng hàng hoá)”. Y gọi điện cho T để báo đối tác gửi hàng sửa thông tin trên vận đơn theo hướng dẫn của N.
Ngày 10/8/2021, đối tác tại Ấn Độ gửi lô hàng thứ nhất về Việt Nam; T gửi cho Y hoá đơn (Invoice_Packing list) sau khi đã sửa theo yêu cầu của N, nội dung ghi số lượng hàng hoá là 750 hộp; tên hàng “Fabi”; mô tả “Food Supplement - sample is not value”; đơn giá 0,5 USD/hộp; tổng giá trị 375 USD; Y chuyển tiếp cho N để N chuẩn bị mở tờ khai hải quan nhập khẩu cho lô hàng. Đồng thời, T đã gọi điện yêu cầu bà Trần Thị N chuyển tiền đặt cọc cho lô hàng 1.500 hộp thuốc N đã đặt mua với giá 24 USD/hộp. Theo đó, ngày 10/8/2021 bà N đã chuyển khoản 02 lần, tổng số tiền 435,2 triệu đồng vào tài khoản cá nhân của T để đặt cọc cho một nửa số hàng 1.500 hộp thuốc. Ngày 11/8/2023, T chuyển khoản cho Y 25 triệu đồng tiền chi phí làm thủ tục hải quan cho lô hàng thứ nhất. Cùng ngày, Y chuyển khoản cho N 22,5 triệu đồng (do Y trừ đi 2,5 triệu đồng tiền N đang nợ Y).
Chiều ngày 13/8/2021, N sử dụng chữ ký điện tử của Giám đốc Công ty N, mở tờ khai hải quan số 104201151503/H11 và truyền lên hệ thống phần mềm hải quan để khai báo tại Chi cục Hải quan Đ làm thủ tục nhập khẩu cho lô hàng thứ nhất; nội dung tờ khai:
- Người nhập khẩu: Công ty TNHH Thương mại và Dược phẩm N; địa chỉ: 104 Nguyễn Công Trứ, KĐT Hoà Vượng, phường Lộc Hoà, Thành phố Đ, tỉnh Đ.
- Người xuất khẩu: H PVT LIMITED; địa chỉ: 507, 508 tầng 5 oop 4D Square Mall near, the Emporio Pantaloon, India.
- Số hoá đơn HHC754 (hoá đơn thương mại) ngày 07/8/2021; phương thức thanh toán: Không thanh toán; đơn giá: 0,5 USD/hộp; tổng giá trị hoá đơn: 350 USD (7.994.000 đồng).
- Mô tả hàng hoá: FABI. Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ. Hộp /40 viên. Ngày sản xuất 05/2021; hạn sử dụng: 04/2023. Số lô: 19212248, 50210108. Nhà sản xuất: H PVT LIMITED. INDIA.
- Số lượng: 700 hộp đóng trong 01 kiện, tổng trọng lượng 26kg.
- Phần ghi chú: Hàng mẫu không có giá trị thương mại, dùng mục đích nghiên cứu nội bộ, doanh nghiệp đề nghị kiểm hoá hộ ở cửa khẩu.
Hồ sơ hải quan N gửi kèm theo gồm: Hoá đơn số HHC754 ngày 07/8/2021; Vận đơn số 157AMD10997980 (đều có ký điện tử của Công ty N và truyền lên hệ thống phần mềm hải quan). Trong đó, N không sử dụng file hoá đơn do Y chuyển ngày 10/8/2021 (ghi số lượng 750 hộp, giá trị hoá đơn là 375 USD) mà N tự sửa file hoá đơn này ghi số lượng 700 hộp, giá trị hoá đơn là 350 USD để khai báo hải quan.
Cũng trong chiều ngày 13/8/2021, khi lô hàng thứ nhất được chuyển đến kho ALS Mỹ Đình, N đưa giấy giới thiệu của Công ty N cho Đặng Xuân Hậu (sinh năm 1994, nhân viên Công ty CP Thương mại và vận chuyển Quốc tế Đại An; trú tại: Số 52, ngõ 204 đường Kim Giang, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) đến Kho ALS Mỹ Đình để làm thủ tục nộp phí vận chuyển, khai thác lô hàng số tiền 321.206 đồng và N nhờ Hậu ra Ngân hàng để nộp tiền thuế nhập khẩu, thuế GTGT theo tờ khai hải quan cho lô hàng thứ nhất số tiền 2.118.410 đồng. Sau khi việc nộp tiền đã được thông tin trên hệ thống, N đến kho hàng để làm thủ tục thông quan, nhận hàng. Tuy nhiên, Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội là đơn vị giám sát kho hàng yêu cầu tạm dừng thông quan để kiểm tra theo đề nghị kiểm hóa hộ của Chi cục Hải quan Đ trên Tờ khai hải quan.
Ngày 13/8/2021, đối tác Ấn Độ tiếp tục gửi lô hàng thứ hai về Việt Nam, T chuyển cho Y để Y chuyển tiếp cho N file vận đơn số 157AMD10997991 của lô hàng thứ hai mà không chuyển các hoá đơn, tài liệu gì khác. Bởi vì, sau khi lô hàng thứ nhất đang bị cơ quan hải quan tạm giữ do việc khai báo hải quan của N là không đúng, Y đã gọi điện cho N để N hướng dẫn cách khai báo hải quan, làm thủ tục nhập khẩu cho lô hàng thứ hai thì N nói cứ để N xử lý.
Trưa ngày 17/8/2021, N sử dụng chữ ký điện tử của Giám đốc Công ty N, mở tờ khai hải quan số 104205053152/A11 và truyền lên hệ thống phần mềm hải quan để khai báo tại Chi cục Hải quan Đ làm thủ tục nhập khẩu cho lô hàng thứ hai. Tuy nhiên, do lô hàng thứ nhất chưa được thông quan nên N không khai báo hải quan như đối với lô hàng thứ nhất mà N sử dụng bộ hồ sơ nhập khẩu đối với lô hàng Nemflex do UAB ACONITUM, Lít-va sản xuất (Công ty N đã làm thủ tục nhập khẩu ngày 10/8/2021) để sửa chữa và khai báo, làm thủ tục nhập khẩu lô hàng thứ hai; trong đó N sửa nội dung trên Hoá đơn INV2021 series No.123 ngày 30/7/2021 (là Hóa đơn của lô hàng Nemflex) thành hóa đơn INV2021 series No.125 ngày 10/8/2021 và sửa giá trị hóa đơn từ 4.239,8 EUR thành 467,5 EUR cũng để giảm giá trị lô hàng nhằm mục đích giảm bớt thuế, phí nhập khẩu phải nộp. Nội dung tờ khai hải quan số 104205053152/A11 như sau:
+ Người nhập khẩu: Công ty TNHH Thương mại và Dược phẩm N; địa chỉ: 104 Nguyễn Công Trứ, khu đô thị Hoà Vượng, phường Lộc Hoà, thành phố Đ, tỉnh Đ.
+ Người xuất khẩu: UAB ACONITUM; địa chỉ: Inovaciju G4, Biruliskiu K., LT RAJ, Lithuania.
+ Số hoá đơn INV2021SERIESNO.125 (hoá đơn thương mại) ngày 10/8/2021; phương thức thanh toán: TTR; đơn giá: 0,85 EUR/hộp; tổng giá trị hoá đơn: 467,5 EUR (12.319.662,85 đồng).
+ Mô tả hàng hoá: NEMFLEX, Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, hỗ trợ giảm triệu chứng của viêm khớp. Hộp/2 vỉ x 15 viên, ngày sản xuất: tháng 7/2021, hạn sử dụng tháng 6/2024; số lô: 21344; Nhà sản xuất: UAB ACONITUM.
+ Số lượng: 550 hộp đóng trong 01 kiện, tổng trọng lượng 26kg.
N gửi hồ sơ hải quan kèm theo gồm: Hoá đơn số INV2021SERIESNO.125 ngày 10/8/2021 (là Hóa đơn do N sửa); Vận đơn số 157AMD10997991 (do Y gửi cho N); Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 3818/2021/ĐKSP ngày 28/4/2021; Certificate of quality No.
210/2021/MP; Uỷ quyền sử dụng công bố sản phẩm ngày 23/7/2021; (đều có ký điện tử của Công ty N và truyền lên hệ thống phần mềm hải quan).
Chiều ngày 17/8/2021, khi lô hàng thứ hai được chuyển đến kho ALS Mỹ Đình, N tiếp tục đưa giấy giới thiệu của Công ty N cho Đặng Xuân Hậu đến Kho ALS Mỹ Đình để làm thủ tục nộp phí vận chuyển, khai thác lô hàng số tiền 313.005 đồng, đồng thời N cũng nhờ Hậu ra Ngân hàng để nộp tiền thuế nhập khẩu, thuế GTGT theo tờ khai hải quan cho lô hàng thứ hai số tiền 3.264.710 đồng.
Hồi 16 giờ 40 phút ngày 17/8/2021, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực Miền Bắc - Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan đã phối hợp với Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội - Cục Hải quan thành phố Hà Nội tiến hành kiểm tra lô hàng thuộc tờ khai hải quan số 104201151503/H11 (lô hàng nhập lần 1), kết quả kiểm tra thực tế như sau: Hàng hoá là 730 hộp đựng trong 01 kiện (01 thùng xốp); tên hàng: F Tablets 400mg Fabi Flu®400; 17 viên/hộp; ngày sản xuất: 05/2021; hạn sử dụng: 04/2023; nhà sản xuất: Glenmark Pharmaceuticals Ltd; xuất xứ Ấn Độ; trong đó: Số lô 19212248 là 200 hộp; Số lô 50210108 là 530 hộp. Cơ quan hải quan đã tiến hành các thủ tục lấy mẫu, niêm phong, tạm giữ hàng hoá; chờ xử lý theo quy định. Đồng thời, ngày 17/8/2021, căn cứ đề nghị phối hợp kiểm tra của Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực Miền Bắc; Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội đã ra thông báo số 1099/TB-HQBHN về việc thông báo tạm dừng đưa hàng hoá qua khu vực giám sát đối với lô hàng nhập khẩu của Công ty N theo tờ khai hải quan số 104205053152/A11 đăng ký ngày 17/8/2021 (lô hàng thứ hai); để tiến hành kiểm tra thực tế 100% hàng hoá.
Hồi 11 giờ 10 phút ngày 18/8/2021, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực Miền Bắc tiếp tục phối hợp với Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội tiến hành kiểm tra lô hàng thuộc tờ khai hải quan số 104201151503/H11, kết quả kiểm tra thực tế như sau: Hàng hoá là 740 hộp đựng trong 01 kiện (01 thùng xốp); tên hàng: F Tablets 400mg Fabi Flu®400; 17 viên/hộp; ngày sản xuất: 05/2021; hạn sử dụng: 04/2023; nhà sản xuất: Glenmark Pharmaceuticals Ltd; xuất xứ Ấn Độ; trong đó: Số lô 18210401 là 50 hộp; Số lô 50210108 là 690 hộp. Cơ quan hải quan đã tiến hành các thủ tục lấy mẫu, niêm phong, tạm giữ hàng hoá; chờ xử lý theo quy định.
Tại chứng thư giám định số 019/MH/022023 và số 020/MH/022023 ngày 06/3/2023 của Công ty Cổ phần giám định tư vấn kỹ thuật Minh Huy ban hành 02 chứng thư giám định số 019/MH/022023 và số 020/MH/022023 xác định: 02 lô hàng trên là thuốc kháng vi rút chưa qua sử dụng, xuất xứ Ấn Độ, có hàm lượng F (C5H4FN3O2) đạt 392mg/viên (tương ứng 98,0% so với lượng ghi trên nhãn).
Ngày 12/11/2021, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế có công văn số 13637/QLD- ĐK cung cấp thông tin: Tại thời điểm tháng 8/2021, Cục Quản lý dược - Bộ Y tế chưa cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc hoặc cấp phép nhập khẩu đối với sản phẩm thuốc kháng virus F Tablest 400mg. Ngày 01/8/2021, Cục Quản lý Dược đã có Công văn số 9057/QLD-KD v/v chia sẻ thông tin về thuốc điều trị Covid- 19; trong đó có nội dung: Thuốc F đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp ở Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia và Malaysia để điều trị cho bệnh nhân thể nhẹ. Nhằm tăng cường việc tiếp cận của bệnh nhân với thuốc điều trị Covid-19. Cục Quản lý Dược đề nghị: Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông tin đến các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn để tham khảo, nghiên cứu. Các cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở nhập khẩu trong trường hợp xác định được nhu cầu về thuốc điều trị Covid-19, đề nghị chủ động liên hệ, phối hợp với các cơ sở cung cấp thuốc để có kế hoạch tiếp cận thuốc điều trị Covi-19 phù hợp.
Ngày 27/01/2022, Hải quan Ấn Độ có thư trả lời về kết quả xác minh đối với 02 lô hàng nhập khẩu từ Ấn Độ và gửi kèm một số các tài liệu: Tờ khai hải quan, Checklist for Shipping Bill (tạm dịch: Bảng kê hóa đơn vận chuyển); Invoice (Hóa đơn thương mại); Packing list (Tạm dịch: Bảng kê hóa đơn) của 02 lô hàng. Trong đó thể hiện nội dung:
+ Lô hàng thứ nhất: 700 hộp Fabiflu 400mg; số lô: 19212248, 50210108; ngày sản xuất: tháng 5/2021; hạn sử dụng: 30/4/2023; đơn giá: 16.66 USD/1 hộp; tổng giá trị 11.662 USD, tiền thuế GST: 1.399,44 USD; tổng giá trị đơn hàng 13.061,44 USD (quy đổi thành 298.323.289,6 VND).
+ Lô hàng thứ hai: 800 hộp Fabiflu 400mg; số lô: 18210401, 50210108; ngày sản xuất: tháng 5/2021; hạn sử dụng: 30/4/2023; đơn giá: 16.66 USD/1 hộp; tổng giá trị 13.328 USD, tiền thuế GST: 1.599,36 USD; tổng giá trị đơn hàng 14.927,36 USD (quy đổi thành 340.940.902,4 VND).
Tại bản Kết luận định giá số số 40/KL-HĐĐGTS ngày 31/8/2023 của Hội đồng định giá trong Tố tụng hình sự tỉnh Đ kết luận: tổng giá trị 1470 hộp thuốc Fa vi có giá trị là 624.285.560 đồng.
Tại CQĐT, Nguyễn Quang N, Nguyễn Thị Quỳnh T, Hoàng Thị Y khai nhận hành vi như nêu trên.
Đối với ông J (nhân viên bán hàng của Công ty HeetHealthcare tại Ấn Độ): Tài liệu chứng cứ không xác định được thông tin cụ thể đối với ông J để có căn cứ tiến hành xác minh, tương trợ tư pháp. Tuy nhiên, thời điểm tháng 8/2021, khi các đối tượng trong vụ án thực hiện hành vi phạm tội thì tại Ấn Độ cho phép lưu hành, buôn bán đối với loại thuốc trên. Mặt khác, theo tài liệu của Cơ quan Hải quan Ấn Độ cung cấp thì việc mở tờ khai hải quan, xuất khẩu 02 lô hàng thuốc F Fabiflu 400mg nêu trên của Công ty HeetHealthcare thể hiện đúng về nội dung giao dịch, thông tin hàng hoá, giá trị hàng hoá. Kết quả điều tra đến nay không có tài liệu chứng cứ thể hiện việc giúp sức của Công ty HeetHealthcare và ông J đối với hành vi phạm tội của Nguyễn Thị Quỳnh T.
Đối với Phạm Minh Dương, cán bộ Hải quan Chi cục Hải quan tỉnh Đ là người được phân công tiếp nhận, xử lý giải quyết các thủ tục hải quan cho lô hàng đã có đề nghị kiểm hóa hộ. Việc các lô hàng sai phạm khi về Việt Nam đều đã bị Cơ quan hải quan cửa khẩu và Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục hải quan kiểm tra, thu giữ, chưa có điều kiện thông thương ra ngoài thị trường nên chưa phát sinh các hậu quả khác. Kết quả điều tra đến nay không có tài liệu, chứng cứ về việc hưởng lợi, giúp sức của Dương trong việc giải quyết thủ tục hải quan cho các lô hàng nhập khẩu của Công ty N.
Đối với Trần Thị N, người đặt mua hàng tại Việt Nam; dù đã đặt cọc tiền mua hàng nhưng thời điểm thực hiện việc thoả thuận, giao dịch là sau khi Cục Quản lý dược Bộ Y tế ra Công văn số 9057/QLD-KD ngày 01/8/2021 v/v chia sẻ thông tin về thuốc điều trị Covid-19; đã cho phép các cơ sở y tế, các đơn vị nhập khẩu thuốc được phép chủ động liên hệ, phối hợp với các cơ sở cung cấp thuốc để có kế hoạch tiếp cận thuốc điều trị Covid-19 phù hợp. Bản thân N không biết, không trao đổi việc T nhập khẩu lô hàng trên như thế nào. N cũng chưa nhận được hàng, chưa được hưởng lợi gì. Kết quả điều tra đến nay không có tài liệu, chứng cứ thể hiện việc N biết hoặc giúp sức đối với hành vi phạm tội của Nguyễn Thị Quỳnh T.
Đối với Nguyễn Quang Anh và Đặng Xuân Hậu, kết quả điều tra đến nay không có tài liệu, chứng cứ thể hiện việc Quang Anh và Hậu biết việc kê khai gian dối của Nguyễn Quang N nên không đồng phạm với Nguyễn Quang N.
* Tại Bản cáo trạng số 01/CT-VKS-P3 ngày 07 tháng 12 năm 2023 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đ truy tố: Nguyễn Quang N, Nguyễn Thị Quỳnh T, Hoàng Thị Y về tội: “Buôn lậu” theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều188 Bộ luật hình sự.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 17/2024/HS-ST ngày 23 tháng 01 năm 2024 của Tòa án nhân dân tỉnh Đ, đã quyết định: Tuyên bố bị cáo Nguyễn Thị Quỳnh T phạm tội “Buôn lậu”.
Áp dụng: điểm a khoản 3 Điều 188; điểm h, s khoản 1 Điều 51; Điều 17; Điều 58; Điều 54 Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị Quỳnh T 03 (ba) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày 11-5-2023.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về tội danh và hình phạt đối với các bị cáo Nguyễn Quang N và Hoàng Thị Y; quyết định về xử lý vật chứng khác, án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.
Ngày 26/01/2024, bị cáo Nguyễn Thị Quỳnh T có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo thay đổi nội dung kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được chấp hành hình phạt chính là hình phạt tiền để có điều kiện chăm sóc bố mẹ già; tiếp tục quản lý công ty, lo công ăn việc làm, lo cuộc sống cho các nhân viên trong công ty của bị cáo, làm người có ích cho xã hội. Bị cáo có tình tiết giảm nhẹ chưa được cấp sơ thẩm xem xét đó là bị cáo hỗ trợ nuôi dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; tham gia công việc thiện nguyện được nhiều địa phương ghi nhận và có Thư cảm ơn. Trước khi phạm tội bị cáo có nhân thân tốt, được Công an phường xác nhận. Bị cáo ăn năn hối hận vì tin tưởng vào bị cáo Y, bị cáo N mà phạm tội. Bị cáo đã tác động gia đình nộp 20 triệu đồng tiền phạt theo quyết định của bản án sơ thẩm và tiền án phí. Để đảm bảo cho việc thực hiện hình phạt tiền thì gia đình bị cáo đã xuất trình bản chính 02 quyển sổ tiết kiệm do bị cáo là chủ sở hữu gửi tại Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu từ ngày 12/12/2022 với số dư trên 511 triệu đồng; sổ thứ hai gửi ngày 21/3/2023 với số dư là 510 triệu đồng và cam đoan số tiền trên là của bị cáo và sổ còn nguyên giá trị.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội phát biểu quan điểm: Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Thị Quỳnh T về tội “Buôn lậu” theo điểm a khoản 3 Điều 188 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật. Tại cấp phúc thẩm, bị cáo được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ mới, đề nghị chấp kháng cáo và sửa bản án sơ thẩm theo hướng: Chuyển hình phạt chính là hình phạt tiền, phạt bị cáo T 700 triệu đồng đến 750 triệu đồng; đối với số tiền 20 triệu đồng bị cáo đã nộp thì đề nghị HĐXX đối trừ cho bị cáo.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1]. Về tố tụng: Đơn kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thị Quỳnh T trong thời hạn luật định, hình thức nội dung đơn phù hợp, được chấp nhận để xem xét theo trình tự phúc thẩm. Các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm đều đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Tại phiên tòa có thêm các tài liệu mới được công khai tranh tụng gồm: Giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân xã Lộc Thuận, xã Lộc Khánh, xã Lộc Hưng huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình phước về việc bị cáo làm công tác từ thiện tại địa phương năm 2019- 2020; Thư cảm ơn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường 11, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh về việc bị cáo hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng Mẹ Việt Nam Anh Hùng Nguyễn Thị Ai trên địa bàn phường; Đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo của 5 nhân viên đã ký hợp đồng lao động với công ty của bị cáo; anh trai của bị cáo là Nguyễn Quang Minh nộp trực tiếp số tiền 20.200.000 đồng là tiền phạt và án phí theo bản án sơ thẩm tại Biên lai số 0004544 ngày 26/02/2024 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đ; nộp 02 quyển sổ tiết kiệm có số seri: IK 82569; số tài khoản 38247xxxx, ngày 21/12/2022 với số dư 511.897.784 đồng và sổ tiết kiệm có số seri: IM 82993; số tài khoản 39206xxxx, ngày 21/3/2023 với số dư 510.000.000 đồng đều đứng tên chủ tài khoản Nguyễn Thị Quỳnh T tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu – Chi nhánh Tân Thuận, Phòng giao dịch Nguyễn Hữu Thọ. Bị cáo có đơn từ chối Luật sư do gia đình mời và tự bào chữa tại phiên tòa.
[2]. Về nội dung: Xét kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thị Quỳnh T:
Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Thị Quỳnh T thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình đúng như bản án sơ thẩm đã xác định. Theo đó xác định: Nguyễn Quang N là nhân viên Phòng xuất nhập khẩu - Công ty cổ phần Dược phẩm H, Chi nhánh Hà Nội; nhưng là người điều hành hoạt động của Công ty N do N thành lập và nhờ em trai của N đứng tên. Bản thân N biết rõ các quy định về thủ tục nhập khẩu thuốc, thực phẩm chức năng; mặc dù biết loại thuốc F Fabiflu 400mg chưa được cấp phép lưu hành, cấp phép nhập khẩu tại Việt Nam nhưng vì mục đích thu lợi bất chính N vẫn đồng ý giúp và hướng dẫn Hoàng Thị Y làm thủ tục nhập khẩu 1.470 hộp thuốc F Fabiflu 400mg từ Ấn Độ về Việt Nam theo dạng hàng mẫu thực phẩm chức năng. N là người trực tiếp chỉnh sửa, sử dụng các chứng từ không đúng sự thật giao dịch mua bán hàng hóa để cung cấp cho cơ quan Hải quan và mở 02 tờ khai Hải quan ghi sai về tên hàng, thành phần, chủng loại hàng hóa, ghi sai số lượng, ghi giảm đơn giá, giá trị hàng hóa trái quy định của pháp luật.
Nguyễn Thị Quỳnh T là Giám đốc doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực thuốc, thực phẩm chức năng. Bản thân hiểu rõ các quy định về nhập khẩu thuốc và thực phẩm chức năng. Mặc dù biết loại thuốc F Fabiflu 400mg chưa được cấp phép lưu hành, cấp phép nhập khẩu tại Việt Nam nhưng vì mục đích thu lợi bất chính T vẫn đặt hàng mua 1.500 hộp thuốc F Fabiflu 400mg từ Ấn Độ về Việt Nam để bán. Để nhập khẩu thuốc, T đã nhờ Hoàng Thị Y là nhân viên Phòng đăng ký thuốc - Công ty cổ phần Dược phẩm H, Chi nhánh Hà Nội là người hiểu rõ các quy định về các thủ tục nhập khẩu thuốc, thực phẩm chức năng. Y đã đồng ý giúp T tìm đơn vị làm thủ tục nhập khẩu 1.500 hộp thuốc F Fabiflu 400mg từ Ấn Độ về Việt Nam theo dạng thực phẩm chức năng.
Từ ngày 06/8/2021 đến 17/8/2021, Nguyễn Quang N, Nguyễn Thị Quỳnh T, Hoàng Thị Y đã trao đổi, bàn bạc và thống nhất kê khai gian dối thuốc kháng vi rút Covid-19 loại F Fabiflu 400mg do Ấn Độ sản xuất thành thực phẩm chức năng khi làm thủ tục hải quan để nhập khẩu trái phép 1470 hộp thuốc kháng vi rút Covid-19 loại F Fabiflu 400mg do Ấn Độ sản xuất.
Kết luận định giá số 40/KL-HĐĐGTS ngày 31-8-2023 của Hội đồng định giá trong Tố tụng hình sự tỉnh Đ kết luận: Tổng trị giá 1470 hộp thuốc F Fabiflu là 624.285.560 đồng.
Do đó, tại bản án sơ thẩm đã quy kết các bị cáo phạm tội: “Buôn lậu” theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều188 Bộ luật hình sự là có căn cứ pháp lý.
[3] Khi quyết định hình phạt đã xem xét đủ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Theo đó bị cáo Nguyễn Thị Quỳnh T không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nào theo quy định tại Điều 52 của Bộ luật hình sự; về tình tiết giảm nhẹ: Các bị cáo đều có thái độ khai báo thành khẩn, thể hiện sự ăn năn hối hận với hành vi phạm tội của mình; số hàng hoá nhập khẩu trái phép đã bị thu hồi, hành vi phạm tội chưa gây thiệt hại nên các bị cáo đều được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm s, h khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, khi đánh giá vai trò, ý thức chủ quan thấy: Tuy bị cáo Nguyễn Thị Quỳnh T là chủ lô hàng, có nhu cầu nhập khẩu nên đã nhờ Hoàng Thị Y hỏi và tìm đầu mối có thể nhập khẩu được thuốc Favi; Y và N trao đổi và được N xác định việc nhập khẩu; việc kê khai gian dối hàng hoá và chia lô hàng làm hai lần gửi là do Nguyễn Quang N mới là người chủ động hướng dẫn T và Y kê khai, tự lập hồ sơ kê khai hàng hóa cho lô hàng thứ hai nên N xếp vai trò đầu và Nguyễn Thị Quỳnh T có vai trò thực hành xếp sau N; Hoàng Thị Y là trung gian chuyển các thông tin nên xếp vai trò thứ 3.Từ đó đã quyết định hình phạt đối với các bị cáo tại bản án sơ thẩm là có căn cứ, đúng quy định; bị cáo Nguyễn Quang N và Hoàng Thị Y không kháng cáo nên không xét.
Xét bị cáo Nguyễn Thị Quỳnh T có nhân thân tốt được Công an phường Võ Thị Sáu, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh nơi bị cáo cư trú xác nhận; số hàng hoá nhập khẩu trái phép đã bị thu hồi, chưa gây thiệt hại gì. Bị cáo T là lao động chính đang sống cùng bố mẹ già, là người đứng đầu doanh nghiệp lo công việc và cuộc sống cho nhiều nhân viên; bị cáo là nữ chưa lập gia đình; tính đến khi xét xử phúc thẩm bị cáo đã bị giam giữ thời gian 01 năm. Hơn nữa tại thời điểm bị cáo liên hệ nhờ Y để nhập khẩu thuốc trong bối cảnh tại địa bàn thành phồ Hồ Chí Minh dịch bệnh Covid bùng phát trên diện rộng mức độ phải có sự chi viện của Trung ương và các địa phương nên nhu cầu thuốc chữa bệnh là cấp thiết. Mặt khác từ ngày 01/8/2021 Cục Quản lý dược - Bộ Y tế đã có Công văn số 9057/QLD-KD ngày 01/8/2021 gửi các Sở Y Tế các địa phương về việc chia sẻ thông tin về thuốc điều trị Covid-19; đã cho phép các cơ sở y tế, các đơn vị nhập khẩu thuốc được phép chủ động liên hệ, phối hợp với các cơ sở cung cấp thuốc để có kế hoạch tiếp cận thuốc điều trị Covid-19 phù hợp; do thiếu thông tin nên T mới nhờ bị cáo Y tìm giúp đơn vị giúp nhập khẩu thuốc đó; bị cáo Nguyễn Quang N mới là người chủ động hướng dẫn và trực tiếp kê khai gian dối để nhập được thuốc hưởng tiền công; nhưng về bản chất tại thời điểm đó loại thuốc này đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép tiếp cận (có thể hiểu là liên hệ để nhập khẩu) trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát như nêu trên. Do đó việc phạt tù giam đối với bị cáo Nguyễn Thị Quỳnh T là có phần quá nghiêm khắc. Vì vậy Hội đồng xét xử xét cần thiết phạt tiền đối với bị cáo ở mức trên một lần giá trị hàng hoá đã nhập khẩu cũng đủ tác dụng giáo dục đối với bị cáo và thể hiện tính nhận đạo của pháp luật trong bối cảnh bị cáo nhập khẩu thuốc để điều trị khi dịch bùng phát khó kiềm chế cũng đủ tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo nhưng vẫng đáp ứng công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, tạo điều kiện cho người phạm tội có cơ hội sửa chữa lỗi lầm.
Tại phiên toà phúc thẩm, gia đình bị cáo xuất trình Biên lai số 0004544 ngày 26/02/2024 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đ nội dung nộp số tiền 20.200.000 đồng là tiền phạt và án phí theo bản án sơ thẩm; nộp bản gốc 02 quyển sổ tiết kiệm có số seri: IK 82569; số tài khoản 38247xxxx, ngày 21/12/2022 với số dư 511.897.784 đồng và sổ tiết kiệm có số seri: IM 82993; số tài khoản 39206xxxx, ngày 21/3/2023 với số dư 510.000.000 đồng đều đứng tên chủ tài khoản Nguyễn Thị Quỳnh T tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu - Chi nhánh Tân Thuận, Phòng giao dịch Nguyễn Hữu Thọ. Những tài liệu này đã được tranh tụng xác định đúng nên được chấp nhận. Tạm giữ các quyển sổ tiết kiệm này để đảm bảo thi hành bản án.
Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa cũng đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị cáo và đề nghị xử phạt bị cáo hình phạt chính là hình phạt tiền từ 700 triệu đồng đến 750 triệu đồng; do hình phạt chính là hình phạt tiền nên không buộc bị cáo phải chịu hình phạt bổ sung. Vì vậy số tiền 20 triệu đồng gia đình bị cáo đã nộp được khấu trừ vào số tiền của hình phạt chính. Quan điểm này phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận để sửa bản án sơ thẩm.
[4] Về án phí: Kháng cáo được chấp nhận nên bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên, Căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 355, Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án;
QUYẾT ĐỊNH
[1] Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thị Quỳnh T. Sửa Bản án hình sự sơ thẩm số 17/2024/HS-ST ngày 23 tháng 01 năm 2024 của Tòa án nhân dân tỉnh Đ. Cụ thể:
Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 188; điểm h, s khoản 1 Điều 51; Điều 17;
Điều 58; Điều 54; điểm b khoản 1 Điều 32; Điều 35 Bộ luật Hình sự; Điều 318 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị Quỳnh T 700.000.000 đồng (bảy trăm triệu). Xác nhận bị cáo đã nộp 20.000.000 đồng (hai mươi triệu) tại Biên lai số 0004544 ngày 26/02/2024 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đ. Bị cáo còn phải chịu 680.000.000 đồng (sáu trăm tám mươi triệu).
Trả tự do ngay tại phiên tòa cho bị cáo Nguyễn Thị Quỳnh T, nếu bị không bị tạm giam về một tội phạm khác.
[2] Tạm giữ 02 sổ tiết kiệm có số seri: IK 82569; số tài khoản 38247xxxx, ngày 21/12/2022 với số dư 511.897.784 đồng và sổ tiết kiệm có số seri: IM 82993; số tài khoản 39206xxxx, ngày 21/3/2023 với số dư 510.000.000 đồng đều đứng tên chủ tài khoản Nguyễn Thị Quỳnh T tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu - Chi nhánh Tân Thuận, Phòng giao dịch Nguyễn Hữu Thọ để đảm bảo thi hành án.
[3] Về án phí: Bị cáo Nguyễn Thị Quỳnh T không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm. Xác nhận bị cáo Nguyễn Thị Quỳnh T đã nộp 200.000 (hai trăm nghìn) đồng án phí hình sự sơ thẩm tại Biên lai số 0004544 ngày 26/02/2024 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đ.
[4]. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tội buôn lậu số 383/2024/HS-PT
Số hiệu: | 383/2024/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 10/05/2024 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về