TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
BẢN ÁN 21/2021/DS-PT NGÀY 22/07/2021 VỀ KIỆN ĐÒI QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP
Trong các ngày 20 và 22 tháng 7 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 52/2020/TLPT-DS ngày 07 tháng 12 năm 2020 về việc “ Kiện đòi quyền sử dụng đât nông nghiệp”. Do bản án sơ thẩm số 13/2020/DSST ngày 21 tháng 10 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên bị kháng cáo.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 16/2021/QĐ-PT ngày 28 tháng 5 năm 2021 và Quyết định hoãn phiên tòa số 20/2021/QĐ-PT ngày 23/6/2021, giữa các đương sự:
* Nguyên đơn: Bà Đỗ Thị M, sinh năm 1963. Địa chỉ: ĐN - Thị trấn VG - V G - HY (có mặt).
* Bị đơn: Ông Nguyễn Văn T, sinh năm 1956 và bà Nguyễn Thị T, sinh năm 1958 (vắng mặt).
Đều trú tại: ĐN - Thị trấn VG - V G - HY;
Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn là anh Đàm Đức T, sinh năm 1988. Địa chỉ: Đội 14 thôn Đan Nhiễm, thị trấn Văn Giang, tỉnh Hưng Yên (có mặt).
* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
- Bà Đỗ Thị H, sinh năm 1949. Trú tại: CL1 - Thị trấn VG - VG - HY (vắng mặt).
- Bà Lã Thị V, sinh năm 1952 (vắng mặt).
- Bà Đỗ Thị T, Sinh năm 1953 (có mặt).
- Ông Đỗ Khắc T, Sinh năm 1958 (vắng mặt).
- Ông Đỗ Đức T1(tên khác là Đỗ Văn T1) sinh năm 1961 (có mặt).
Đều trú tại: ĐN - Thị trấn VG - V G - HY.
- Bà Đỗ Thị O, sinh năm 1971. Trú tại: Khu dịch vụ thôn B - PC - VG - HY(vắng mặt).
- Chị Đỗ Thị L2, sinh năm 1983 (có mặt).
Đều trú tại: ĐN - Thị trấn VG - V G - HY.
- Chị Đỗ Thị L, sinh năm 1987. Trú tại: PN - LT - VL - HY (có mặt).
- Chị Đỗ Thị L1, sinh năm 1989. Trú tại: CL1 - Thị trấn VG - VG - HY (có mặt).
- Anh Nguyễn Hữu T, sinh năm 1988 (vắng mặt).
- Anh Nguyễn Văn S, sinh năm 1991 (vắng mặt).
Đều trú tại: ĐN - Thị trấn VG - V G - HY;
* Người kháng cáo: Bị đơn là Ông Nguyễn Văn T, bà Nguyễn Thị T và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Anh Nguyễn Hữu T.
NỘI DUNG VỤ ÁN
*Theo đơn khởi kiện và quá trình tố tụng nguyên đơn Bà Đỗ Thị M trình bày:
Năm 1993, địa phương chia đất nông nghiệp lâu dài cho các hộ dân theo Nghị quyết 03 của tỉnh ủy Hải Hưng, gia đình bà có 6 nhân khẩu gồm mẹ ông T1 là cụ Nguyễn Thị H, vợ chồng bà và 3 con của ông bà. Mỗi nhân khẩu được chia 1 sào 3 thước (diện tích 432m2). Ngoài ra gia đình bà còn được chia 60m2 đất hương khói liệt sĩ.
Cách thức chia là căn cứ theo diện tích đất khoán 10, hộ nào thừa phải trả lại, hộ nào thiếu sẽ được chia bổ sung. Theo quy định thì hộ gia đình bà được chia bổ sung và diện tích đất bổ sung là đất tại khu Miếu Tân Hưng. Khi đó ông Đ là đội trưởng đội sản xuất trực tiếp thông báo đến từng hộ để đi nhận ruộng, ông H là người trực tiếp đo đất để giao cho từng hộ. Gia đình bà được Ông Đ thông báo đi nhận 2 sào 5 thước (diện tích 840m2) tại khu Miếu Tân Hưng.
Thời điểm đó các con bà còn nhỏ, bà đi chợ buôn bán nên không thể canh tác được thêm ruộng. bà đã thông báo cho các anh em trong gia đình về việc gia đình được nhận thêm ruộng tại khu Miếu Tân Hưng, có ai làm thì gia đình bà nhận về cho làm, nhưng anh em ruột thịt trong gia đình không ai canh tác.
Vợ chồng ông T đã đến nhà mẹ đẻ bà để nói chuyện với vợ chồng bà để xin được canh tác phần đất gia đình bà được chia bổ sung Vợ chồng bà đã nhất trí và cho ông T được đi nhận đất thay vợ chồng bà hai bên thỏa thuận khi gia đình bà cần thì phải trả lại đất.
Sau khi nhận đất của gia đình bà, có thời gian ông T trồng mía, hàng năm đến vụ thu hoạch, ông T đều mang mía vào cho các con bà.
Năm 1995, bà đã đóng tiền để được nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sau đó các hộ khác được nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, riêng gia đình bà được cán bộ địa chính trả lời là bị thất lạc nên đến nay vẫn chưa được cấp.
Khi các con của bà trưởng thành, có nhu cầu sử dụng ruộng, vợ chồng bà đã vào nhà ông T yêu cầu trả lại ruộng nhưng ông T không trả. Thời gian đầu thì ông T nói đất của gia đình bà đã được vào sổ đỏ của gia đình ông T rồi nên vợ chồng bà cứ yên tâm, sau này Nhà nước hay công ty lấy ruộng đất, có đền bù thì không để vợ chồng bà thiệt thòi, nhưng vợ chồng bà không nhất trí. Sau đó vợ chồng bà lại tiếp tục yêu cầu ông T trả ruộng thì ông T tuyên bố không trả vợ chồng bà ruộng nữa.
Nay bà khởi kiện đến Tòa án, yêu cầu hộ ông T phải trả gia đình bà 847m2 ở khu Miếu Tân Hưng.
*Bị đơn Ông Nguyễn Văn T trình bày:
Năm 1983, thực hiện khoán 10, gia đình ông nhận làm hơn 1 mẫu ruộng, trong đó có 6.5 sào ở khu Miếu Tân Hưng (2.280m2). Từ khi nhận ruộng, vợ chồng ông canh tác ổn định, không tranh chấp với ai.
Năm 1993, thực hiện Nghị quyết 03, gia đình ông có 4 nhân khẩu được chia ruộng gồm vợ chồng ông và hai con là anh T và anh Sơn. Theo quy định, mỗi nhân khẩu được 1 sào 5 thước (480m2), tổng diện tích gia đình ông được giao theo tiêu chuẩn là 1.920m2.
Diện tích đất giao năm 1993 trên cơ sở diện tích khoán 10, ông cũng thừa nhận thời điểm đó nhà nào sử dụng thừa tiêu chuẩn sẽ phải trả lại UBND xã, hộ gia đình nào sử dụng thiếu so với tiêu chuẩn sẽ được chia bổ sung, hộ gia đình ông sử dụng thừa ruộng nên đã phải trả ra 1 sào (360m2) ở khu Miếu Tân Hưng, địa phương đã giao lại cho bà Chử Thị Tùy. Phần đất ông trả lại mà bà Tùy được sử dụng ở liền ruộng mà gia đình ông đang sử dụng.
Ngoài ra ông còn phải trả lại ở khu Bờ Đầm 300m2, 580m2 ở khu Nghĩa Trang. Do không có ai nhận phần ruộng tại hai khu này nên UBND xã tiếp tục giao cho ông sử dụng diện tích ruộng ở 2 khu này.
Ông xác định gia đình ông sử dụng thừa so với tiêu chuẩn được giao là 1239m2, nhưng ông khẳng định tiêu chuẩn thừa này là thừa diện tích ở khu Bờ Đầm và khu Nghĩa Trang, còn lại tại khu Miếu Tân Hưng gia đình ông vẫn sử dụng ổn định từ khoán 10.
Năm 1983, ông ở đội 6, đội trưởng là ông Nguyễn Hữu Huệ (đã chết); gia đình bà M ở đội 7, đội trưởng là ông Nguyễn Hữu L (ông L đã chết). Năm 1993 gia đình ông sử dụng thừa ruộng, ông tự cắt 360m2 để trả cho bà Tùy chứ UBND xã không cử ai đến thu lại, giao ruộng cho gia đình ông.
Năm 1996, gia đình ông được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tổng diện tích 3.159m2 trong đó có thửa số 51/218B diện tích 984m2, thửa số 51/204 diện tích 847m2, cùng ở tờ bản đồ số 3B ở xứ đồng Miếu Tân Hưng.
Hiện trạng hai thửa đất này ông đã san lấp thành một thửa để tiện canh tác.
Theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho gia đình ông, nay đã hết hạn sử dụng, gia đình ông đã làm hồ sơ đề nghị gia hạn nhưng do có tranh chấp nên đến nay vẫn chưa được Nhà nước gia hạn sử dụng.
Thời điểm thực hiện Nghị quyết 03, vợ ông là bà T có gặp bà M ở ngoài đường , theo câu chuyện thì bà M cho biết gia đình bà M được chia ruộng ở khu Miếu Tân Hưng nhưng không có người canh tác nên gia đình bà không nhận ruộng này, gia đình bà M muốn gia đình ông nhận ruộng của gia đình bà M để canh tác. Gia đình ông không nhận mà muốn lấy lại phần diện tích mà gia đình ông đã trả cho bà Tùy để tiện canh tác, do vậy ông đã đến gặp đội trưởng nhưng đội trưởng không cho nên gia đình ông vẫn sử dụng ruộng theo tiêu chuẩn được chia.
Vì vậy không có việc gia đình ông nhận ruộng của gia đình bà M tại khu Miếu Tân Hưng.
Hai thửa đất ở khu Miếu Tân Hưng của gia đình ông chỉ san lấp chỗ cao vào chỗ thấp chứ không bồi lấp gì thêm, hiện nay ông đang cho bà Đỗ Thị O thuê toàn bộ 2 thửa ruộng ở khu này.
Nay ông không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà M.
*Bị đơn bà Nguyễn Thị T trình bày:
Theo khoán 10 gia đình bà nhận canh tác 5.519m2, năm 1993 địa phương chia đất nông nghiệp, theo quy định gia đình bà được chia 1.920m2, theo đó gia đình bà phải trả ra 1.599m2, gia đình bà đã trả bà Tùy 360m2 phần đất còn lại không hộ gia đình nào nhận, nên gia đình bà xin tiếp tục sử dụng, ông H và ông Đ là người trực tiếp đi đo đất và giao cho gia đình bà sử dụng. Việc xã giao cho gia đình bà phần đất ruộng tiêu chuẩn của hộ nào thì bà không biết, việc bà M cho rằng có cho gia đình bà mượn 847m2 đất ruộng tại khu Miếu Tân Hưng là không đúng, bà không chấp nhận yêu cầu của bà M.
*Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
- Ông Đỗ Đức T1 trình bày:
Việc giao nhận, sử dụng ruộng, ông đều thống nhất với phần trình bày và quan điểm của bà M.
Vợ chồng ông T bà T đã tự ý kê khai 847m2 đất ruộng của gia đình ông vào sổ đỏ rồi lấy lý do đã được cấp sổ đỏ nên không trả gia đình ông.
Tại các buổi hòa giải ở UBND thị trấn, ông T bà T thừa nhận có làm thừa đất theo tiêu chuẩn nhưng không trả lại cho vợ chồng ông với lý do Hợp tác xã giao cho ông bà, ông đề nghị Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà M.
- Chị Đỗ Thị L2, Đỗ Thị L và Đỗ Thị L1 đều có quan điểm:
Nhất trí với yêu cầu khởi kiện của bà M, đề nghị Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà M. Đề nghị giao toàn bộ phần đất các chị được hưởng cho bà M, ông T1 quản lý sử dụng.
- Ông Đỗ Khắc T, Bà Đỗ Thị H, Bà Đỗ Thị T có quan điểm:
Ông bà là con của cụ Đỗ Khắc A (chết năm 1985) và cụ Nguyễn Thị H (chết năm 2005). Hai cụ sinh được 5 người con, ông Đỗ Khắc H là liệt sĩ, hy sinh năm 1971 có vợ là Bà Lã Thị V.
Cụ Hạt sinh sống cùng với gia đình ông T1 từ năm 1987 nên năm 1993 cụ Hạt được chia một suất đất ruộng với hộ ông T1 và 10 thước ruộng tiêu chuẩn của liệt sĩ tại khu Bờ Đầm.
Nay ông T1, bà M khởi kiện yêu cầu ông T trả lại 847m2 đất ở khu Miếu Tân Hưng, trong diện tích đất này có cả phần tiêu chuẩn của cụ Hạt, các ông bà đều nhất trí với yêu cầu khởi kiện của bà M, các ông bà không yêu cầu chia thừa kế di sản của cụ Hạt, đề nghị Tòa án giao toàn bộ diện tích đất trên cho vợ chồng ông bà M Tuyên quản lý, sử dụng.
- Bà Lã Thị V trình bày:
Bà là vợ của ông Đỗ Khắc Hợp, năm 1969 ông Hợp hy sinh, bà Vấn và ông Hợp không có con chung, không nhận ai làm con nuôi. Sau khi ông Hợp hy sinh một thời gian, bà kết hôn với người khác nên toàn bộ chế độ liệt sĩ của ông Hợp do bố mẹ ông Hợp hưởng. Nay bà không yêu cầu gì đối với yêu cầu khởi kiện của bà M.
- Bà Đỗ Thị O trình bày:
Từ nhiều năm nay bà thuê ruộng của Ông Nguyễn Văn T tại xứ đồng Miếu Tân Hưng, trên đất bà trồng một số cây Bàng Đài Loan, Tường vi, Sao biển, Cau, Cọ, Lưỡi Hổ, ngoài ra trên đất bà còn khoan 1 cái giếng. Khi thuê bà không biết ông T mượn đất của gia đình bà M. Nếu Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà M, bà tự nguyện không yêu cầu ông T, bà M phải trả giá trị cây, công trình trên đất.
- Anh Nguyễn Hữu T và Anh Nguyễn Văn S trình bày:
Năm 1993, gia đình anh có 04 nhân khẩu được chia đất 03 là ông T, bà T, anh T và anh Sơn. Tổng diện tích đất 03 gia đình anh được giao năm 1993 là 3.159m2, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 156/QSDĐ do UBND huyện Châu Giang cấp ngày 08/8/1996. Toàn bộ diện tích đất 03 được giao tại xứ đồng Miếu Tân Hưng theo các anh được biết thì bố mẹ các anh đã sử dụng từ năm 1983 theo khoán 10. Nay bà M khởi kiện, các anh đều không nhất trí và thống nhất theo quan điểm của ông T, bà T.
*Những người làm chứng:
- Ông Đỗ Khắc C, bà Đỗ Thị D cung cấp:
Ông bà với Bà Đỗ Thị M là anh chị em ruột. Năm 1993, hộ bà M được chia bổ sung 2 sào 5 thước ở khu Miếu Tân Hưng, bà M có hỏi ông, bà và mọi người trong gia đình, nếu có ai canh tác thì bà M cho mượn, nhưng ông, bà và các anh em trong gia đình không ai làm, ông T, bà T nghe thấy vậy nên đã đến xin làm, ông bà đề nghị Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà M.
- Ông Đỗ Thành C trình bày:
Ông là hàng xóm của ông T1 và ông T, ông thân thiết với ông T hơn với ông T1, ông không biết ông T mượn ruộng nhà ông T1, bà M khi nào, do hàng xóm và chơi thân thiết với nhau, nên thường xuyên qua lại uống nước chè nói chuyện, trong các lần như vậy thì có lần ông T nói đang canh tác ruộng nhà ông T1 bà M ở Miếu Tân Hưng, thời gian ông T trồng mía ở Miếu Tân Hưng, khi thu hoạch ông T mang cho ông và nhà ông T1, bà M mía để ăn.
*Kết quả xác minh thu thập chứng cứ tại UBND thị trấn VG thể hiện:
Theo biên bản giao đất, bảng liệt kê số 23 tại đội 6:
Hộ gia đình ông Đỗ Văn Tuyên, Bà Đỗ Thị M có 6 nhân khẩu được giao đất nông nghiệp. Tổng số diện tích đã nhận là 1.738m2 bao gồm:
Thửa 17/35, tờ bản đồ (TBĐ) 2A, diện tích 564m2, ở xứ đồng Thấm Trên. Thửa 17/39, TBĐ 2A, diện tích 180m2, ở xứ đồng Thấm Trên.
Thửa 63/57, TBĐ 2C, diện tích 240m2, ở xứ đồng Quan Nhân (Bờ Đầm). Thửa 55/12, TBĐ 2B, diện tích 204m2, ở xứ đồng Đường Cái (đất rau). Thửa 10/9, TBĐ 2B, diện tích 360m2, ở xứ đồng Miếu Lũng.
Thửa 106/86, TBĐ 2D, diện tích 190m2, ở xứ đồng Đường Thé.
Diện tích trên đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), nhưng do có sai sót về tên hộ, nên UBND thị trấn Văn Giang đang lưu giữ chưa giao cho hộ gia đình bà M. Ngoài ra, hộ ông T1 còn được chia 60m2 đất thờ cúng liệt sĩ.
Theo biên bản giao đất, bảng liệt kê số 156 tại đội 6:
Hộ gia đình Ông Nguyễn Văn T và bà Nguyễn Thị T có 4 nhân khẩu được giao đất nông nghiệp. Tổng diện tích đã nhận là 3.159m2 bao gồm:
Thửa 65/8, TBĐ 2D, diện tích 300m2, ở xứ đồng Cửa Ao (Bờ Đầm). Thửa 102/124, TBĐ 2D, diện tích 588m2, ở xứ đồng Đường Thé. Thửa 14/60, TBĐ 3B, diện tích 440m2, ở xứ đồng Miếu Tân Hưng.
Thửa 51/ 218B, TBĐ 3B, diện tích 984m2, ở xứ đồng Miếu Tân Hưng.
Thửa 51/204, TBĐ 3B, diện tích 847m2, ở xứ đồng Miếu Tân Hưng.
Toàn bộ diện tích trên đã được cấp GCNQSDĐ số 156 ngày 08/8/1996.
Theo bản đồ giải thửa khi giao đất cho các hộ theo Nghị quyết 10, sau này được sử dụng để chia đất theo Nghị quyết 03 năm 1993, các thửa đất đều được ghi tên chủ sử dụng bằng bút chì, nhưng thửa 51/218B, diện tích 984m2 tại khu Miếu Tân Hưng ghi tên chủ sử dụng là: Trường Thành (bằng bút chì), Mão Tuyên (bằng bút mực xanh), Trường (bằng bút mực đỏ).
Xác minh ông Giang Hồng Đ (là đội trưởng đội sản xuất của đội 6 thôn Đan Nhiễm năm 1993) và Đỗ Đức H (tham gia Ban ruộng đất năm 1993 của xã) cung cấp:
Năm 1993, hộ ông T và hộ ông T1 cùng ở đội 6, mỗi nhân khẩu được chia 01 sào 03 thước 05 tấc bằng 444m2. Khi thực hiện khoán 10 các hộ đã được giao đất nông nghiệp. Năm 1993 thực hiện Nghị quyết 03 chia lại đất theo nhân khẩu, ruộng của các hộ gia đình được chia năm 1993 dựa trên số ruộng giao ở khoán 10, những hộ nào đang canh tác theo khoán 10 có diện tích ít hơn so với tiêu chuẩn định mức năm 1993 thì sẽ được chia thêm, ngược lại hộ gia đình nào canh tác nhiều hơn thì phải trả ra để giao cho hộ thiếu đất, nghĩa là năm 1993 khi giao đất nông nghiệp lâu dài, lấy đất của hộ thừa so với tiêu chuẩn, định mức để giao lại cho các hộ thiếu đất, nên việc giao ruộng năm 1993 không có việc giao thừa hoặc thiếu đất cho hộ nào, nếu có hộ nào thừa là do nhận làm của hộ khác, còn hộ nào thiếu là do cho hộ khác canh tác đất của hộ mình. Khi giao đất không giao cho hộ nào làm khoán hoặc nhận thêm đất công điền của đội để canh tác. Trong tổ có ông Đ trực tiếp chỉ đạo, các ông Nguyễn Hồng Thi, Đỗ Văn Hoạch và ông Đỗ Văn Bội là người trực tiếp đo đạc từng thửa, từng khu, trực tiếp điều chỉnh lấy đất của hộ thừa, chia cho hộ thiếu. Xứ đồng Miếu Tân Hưng là khu ruộng trũng, hay ngập và xa dân cư, nên các hộ thừa thì đều trả ra ở xứ đồng này, vì vậy các hộ thiếu thì cũng nhận thêm ruộng ở đây.
Năm 1993, hộ ông T1, bà M có 6 nhân khẩu được giao ruộng và 60m2 đất hương khói liệt sĩ, tổng diện tích theo tiêu chuẩn là 2.724m2, nhà bà M, ông T1 mới nhận 1.783m2 và bị quản treo 120m2, nên còn thiếu 821m2 so với tiêu chuẩn. Hộ ông T, bà T có 4 nhân khẩu được giao ruộng, tổng diện tích theo tiêu chuẩn là 1.766m2, theo biên bản giao ruộng tổng diện tích là 3.159m2, so với tiêu chuẩn thừa 1.383m2. Việc thừa và thiếu đất như trên là do cho nhau canh tác đất, không phải do địa phương giao thừa nhà ông T, giao thiếu cho nhà bà M.
Theo bản đồ giải thửa, thì thửa ruộng hai bên đang tranh chấp tại khu Miếu Tân Hưng ghi tên chủ sử dụng là: Trường Thành (bằng bút chì), Mão Tuyên (bằng bút mực xanh), Trường (bằng bút mực đỏ). Các ông giải thích chữ Trường Thành bằng bút chì là thể hiện hộ ông T canh tác ruộng này từ khoán 10 như các hộ khác đều ghi bằng bút chì, đến năm 1993 hộ ông T phải trả ruộng ra, trong đó có thửa này, hộ ông T1 được nhận thêm ruộng này, nên mới có sự điều chỉnh và ghi bằng bút mực xanh tên Mão Tuyên, do hộ bà M Tuyên cho hộ ông T làm nên mới ghi chú bằng bút mực đỏ tên “Trường” Tại bản án sơ thẩm số 13/2020/DSST ngày 21 tháng 10 năm 2020, Tòa án nhân dân huyện Văn Giang đã quyết định:
Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Bà Đỗ Thị M.
Buộc hộ Ông Nguyễn Văn T và bà Nguyễn Thị T phải trả hộ Bà Đỗ Thị M và Ông Đỗ Đức T1721m2 đất nông nghiệp, tại thửa số 51/218B, tờ bản đồ số 3B ở xứ đồng Miếu Tân Hưng, thôn Đan Nhiễm, thị trấn Văn Giang, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên (có sơ đồ kèm theo).
Nếu bà Đỗ Thị O có nhu cầu lấy lại các cây trồng trên phần đất ông T, bà T trả hộ bà M, ông T1, thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, bà Đỗ Thị O phải di dời toàn bộ cây trên phần đất, nếu bàị O không có nhu cầu lấy lại thì số cây trồng trên bà M, ông T1 được quyền sử dụng.
Hộ Bà Đỗ Thị M và Ông Đỗ Đức T1 có trách nhiệm liên hệ, kê khai diện tích đất trên với chính quyền địa phương và được quyền đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
- Không xem xét giao dịch cho thuê ruộng giữa hộ Ông Nguyễn Văn T với bà Đỗ Thị O.
- Không xem xét yêu câu cầu chia thừa kế của Ông Đỗ Khắc T đối với suất ruộng của cụ Hạt trong vụ án này, ông Thê được quyền làm đơn khởi kiện đề nghị Tòa án giải quyết ở vụ án khác.
- Kiến nghị chính quyền địa phương xem xét thu hồi diện tích đất nông nghiệp thừa so với tiêu chuẩn, định mức của hộ gia đình Ông Nguyễn Văn T và bà Nguyễn Thị T sau khi trừ diện tích đất đã trả cho hộ bà M, ông T1.
Ngoài ra bản án còn quyết định về án phí, quyền kháng cáo của đương sự theo quy định của pháp luật.
Ngày 04 tháng 11 năm 2020, bị đơn là Ông Nguyễn Văn T, bà Nguyễn Thị T và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Anh Nguyễn Hữu T kháng cáo cáo toàn bộ bản án, đề nghị hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án.
Tại phiên tòa phúc thẩm: Nguyên đơn Bà Đỗ Thị M đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là anh T; yêu cầu gia đình ông T phải trả gia đình bà 721m2 như quyết định của bản án sơ thẩm.
Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn là anh Đàm Đức T giữ nguyên yêu cầu kháng cáo của bị đơn và có quan điểm cho rằng hộ gia đình ông T được giao và sử dụng diện tích đất nông nghiệp thừa so với tiêu chuẩn định mức. Tuy nhiên, diện tích đất nông nghiệp thừa của hộ ông T được Nhà nước giao, đã sử dụng ổn định, không có tranh chấp và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc nguyên đơn cho rằng năm 1993, hộ bà M được giao đất ruộng ở Miếu Tân Hưng do chưa có nhu cầu sử dụng nên đã cho hộ ông T mượn nhưng không đưa ra được căn cứ chứng minh. Do vậy, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện, hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án.
Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án là ông T1, bà T, chị L2, chị L và chị L1 đều nhất trí với quan điểm của bà M, đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Anh T kháng cáo nhưng có đơn xin xét xử vắng mặt.
Đại diện Viện kiểm sát phát biểu quan điểm về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm: Thẩm phán, Hội đồng xét xử phúc thẩm, thư ký phiên tòa thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Các đương sự đã chấp hành đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình. Về đường lối giải quyết vụ án: Đề nghị áp dụng khoản 2 Điều 308, Điều 309 của Bộ luật tố tụng dân sự, sửa bản án sơ thẩm theo hướng: chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là anh T; bác yêu cầu khởi kiện của bà M, bà M phải chị án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1]. Về tố tụng: Kháng cáo của Ông Nguyễn Văn T, bà Nguyễn Thị T và Anh Nguyễn Hữu T trong thời hạn luật định và đã nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm nên được cấp phúc thẩm xem xét.
[2]. Về định mức giao ruộng: Thực hiện Nghị quyết 03 NQ/TU ngày 28/4/1992 của Tỉnh ủy Hải Hưng (nay là Hải Dương và Hưng Yên) về đổi mới tổ chức và quản lý hợp tác xã nông nghiệp, Quyết định 721-QĐ/UB ngày 17/9/1992 của UBND tỉnh Hải Hưng về làm điểm việc giao quyền sử dụng ruộng đất lâu dài cho hộ nông dân. Năm 1993 xã Văn Phúc, huyện Châu Giang, tỉnh Hải Hưng (nay là Thị trấn Văn Giang, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) tiến hành giao ruộng cho các hộ nông dân có hộ khẩu và sinh sống tại địa phương. Căn cứ vào kết quả xác minh với Ủy ban nhân dân thị trấn Văn Giang và các cán bộ trong ban đo đạc bàn giao đất năm 1993 là ông H và ông Đ và lời khai của các đương sự, thì có căn cứ xác định tại thôn Đan Nhiễm, thị trấn Văn Giang, một nhân khẩu được giao theo định mức là 444m2 đất nông nghiệp.
[2.1]. Hộ Bà Đỗ Thị M có 06 nhận khẩu, theo quy định sẽ được chia 2.664m2, cụ Nguyễn Thị Hạt (mẹ chồng bà M) có con liệt sĩ, sinh sống với vợ chồng bà M nên được chia thêm 60m2 đất hương khói liệt sĩ. Nên tổng diện tích đất nông nghiệp hộ bà M được giao sẽ là 2.724m2. Nhà bà M sinh con thứ ba, bị quản treo (địa phương tạm giữ đất) 120m2, hộ bà M bị trừ 145m2 đất vườn thừa.
Sau khi đối trừ các diện tích trên thì diện tích đất nhà bà M phải được giao là 2.459m2. Theo biên bản giao đất (BL 15) nhà bà M có diện tích 1.738m2, thiếu 721m2 so với tiêu chuẩn quy định.
[2.2]. Hộ Ông Nguyễn Văn T có 04 nhân khẩu gồm ông T, bà T và hai con là anh T, anh Sơn theo quy định sẽ được chia 1.776m2. Hộ ông T bị trừ 343m2 đất vườn thừa. Căn cứ biên bản giao đất (BL79) hộ ông T đang quản lý, sử dụng 3.159m2, thừa so với định mức là 1.726m2.
[3]. Xét yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn, Hội đồng xét xử nhận thấy:
Phía bị đơn và người đại diện theo ủy quyền đều thừa nhận diện tích đất nông nghiệp của gia đình ông T, bà T tại xứ đồng Miếu Tân Hưng gồm 3 thửa và là thừa so với quy định nhưng là do gia đình nhận làm tiêu chuẩn của hộ gia đình khác chứ không phải là ruộng của hộ gia đình bà M nhưng không đưa ra được căn cứ chứng minh.
Bà M trình bày năm 1993, gia đình bà được chia 02 sào 05 thước ở xứ đồng Miếu Tân Hưng, do gia đình bà không có người làm, và xuất phát từ mối quan hệ gia đình (mẹ bà và mẹ ông T là hai chị em) nên bà đã cho ông T, bà T mượn đất để canh tác.
Nhận thấy, lời khai của bà M là có cơ sở, phù hợp với cung cấp của UBND thị trấn Văn Giang, phù hợp với trình bày của ông Giang Hồng Đ (nguyên đội trưởng đội sản xuất số 6 thôn Đan Nhiễm), ông Đỗ Đức H (tham gia Ban ruộng đất năm 1993 của xã Văn Phúc) là những người trực tiếp đo đạc và phân chia giao ruộng cho các hộ dân theo nghị quyết 03 thời điểm năm 1993 tại xã Văn Phúc nay là thị trấn Văn Giang. Việc gia đình bà M, ông T1 được chia tiêu chuẩn ruộng tại xứ đồng Miếu Tân Hưng đã được chính bà M nói chuyện với bà T vợ ông T và được vợ chồng ông T thừa nhận.
Mặc dù phía gia đình ông T cho rằng không nhận làm tiêu chuẩn ruộng của hộ bà M tại xứ đồng Miếu Tân Hưng. Song theo bản đồ giải thửa ruộng khu vực Miếu Tân Hưng theo khoán 10 và là cơ sở để giao đất năm 1993, kết quả xác minh tại UBND thị trấn Văn Giang, có căn cứ xác định: Thửa số 208 bản đồ giải thửa ruộng khu vực Miếu Tân Hưng có ghi tên hộ “Mão Tuyên” (bằng bút mực màu xanh), “Trường Thành” (bằng bút chì), “Trường” (bằng bút mực đỏ) chính là thửa số 51/218B – Tờ bản đồ 3B diện tích 984m2 hiện đang xảy ra tranh chấp. Mặt khác, theo giải trình của ông Giang Hồng Đ và ông Đỗ Đức H là cán bộ đo đạc, trực tiếp đo và giao đất cho các hộ dân trong thôn Đan Nhiễm năm 1993 xác định: Khi thực hiện khoán 10 nhà ông T được giao thửa 208 (tức 51/218B), nên mới có tên Trường Thành, phù hợp với các thửa khác đều ghi tên chủ sử dụng bằng bút chì, phù hợp lời khai ông T, bà T và người đại diện ủy quyền cũng xác định hộ ông T được giao thửa này theo khoán 10. Khi thực hiện Nghị quyết 03 hộ ông T thừa ruộng nên phải trả, ông H và ông Đ đã giao cho hộ bà M, ông T1 thửa 51/218B nên đã ghi tên “Mão Tuyên” bằng bút mực xanh, do ông T mượn nhà Mão Tuyên và tiếp tục canh tác nên đã ghi tên “Trường” bằng bút đỏ để đánh dấu. Nội dung ông Đ và ông H cung cấp hoàn toàn phù hợp với lời khai của những người làm chứng là bà Dung, ông C và ông C.
Vì vậy, việc nguyên đơn bà M kiện đòi gia đình ông T phải trả lại một phần đất khu vực Miếu Tân Hưng thuộc thửa số 51/218B là có căn cứ chấp nhận.
[4]. Về diện tích kiện đòi, tại đơn khởi kiện ngày 17/8/2018 bà M đề nghị Tòa án giải quyết buộc ông T bà T trả 847m2. Tuy nhiên căn cứ hiện trạng đất đã được giao, việc địa phương quản treo 120m2 đất do bà M sinh con thứ 3, cũng như việc bị trừ 145m2 đất ruộng vào đất vườn thừa. Chỉ có căn cứ xác định hộ gia đình bà M thiếu 721m2 đất ruộng và được bà M thừa nhận tại phiên tòa phúc thẩm. Do vậy, việc cấp sơ thẩm chỉ chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Bà Đỗ Thị M, buộc hộ Ông Nguyễn Văn T và bà Nguyễn Thị T phải trả hộ ông T1, bà M diện tích 721m2 đất tại thửa số 51/218B, tờ bản đồ số 3B tại xứ đồng Miếu Tân Hưng, thôn Đan Nhiễm, thị trấn Văn Giang, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên là có cơ sở.
[5]. Về tiền đóng thuế sử dụng đất, việc tôn tạo, bồi lấp đất: Từ khi được giao đất, hộ ông T sử dụng ruộng và nộp thuế đất ruộng nông nghiệp đối với các thửa ruộng được giao. Ông T xác định khi được chia đất, các thửa ruộng có độ cao không đồng đều nên ông đã san các thửa ruộng ra mặt bằng như hiện nay, ông không phải đổ thêm đất vào các thửa đất tại khu Miếu Tân Hưng.
Nhận thấy trong quá trình sử dụng ruộng, gia đình ông T đã được hưởng hoa lợi. Mặt khác tại giai đoạn sơ thẩm và phúc thẩm, bị đơn và đại diện theo ủy quyền cũng như người có quyền lợi liên quan đứng về phía bị đơn đều không yêu cầu xem xét về số tiền nộp thuế đất nông nghiệp, công sức san lấp mặt bằng nên không đặt ra giải quyết.
[6]. Đối với diện tích đất thừa của hộ ông T sau khi đã trả cho hộ bà M, ông T1: Tòa án cấp sơ thẩm đã kiến nghị chính quyền địa phương xem xét thu hồi phần diện tích đất thừa này là không đảm bảo quyền lợi của hộ gia đình ông T bởi lẽ hộ ông T đã nộp thuế, sử dụng ổn định và đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên cấp phúc thẩm sẽ điều chỉnh lại.
[7]. Đối với yêu cầu của Ông Đỗ Khắc T về việc đề nghị chia thừa kế xuất ruộng của cụ Nguyễn Thị Hạt theo quy định của pháp luật. Hội đồng xét xử xét thấy, tại phiên tòa sơ thẩm ông Thê mới có yêu cầu này, Tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ khoản 2 Điều 201 của Bộ luật tố tụng dân sự, không xem xét yêu cầu chia thừa kế của ông Thê là có căn cứ đúng quy định của pháp luận. Sau khi xét xử sơ thẩm ông Thê cũng không kháng cáo nội dung này nên Hội đồng xét xử không xem xét.
[8]. Đối với việc bà Đỗ Thị O đang trồng một số cây trên đất tranh chấp do trước đây bà có thuê đất của hộ ông T. Quan điểm của bà là nếu đất của ông T hay của gia đình bà M thì bà sẽ tiếp tục thỏa thuận việc thuê ruộng với chủ đất mà không yêu cầu giải quyết về cây trồng trên đất. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm lại quyết định “Nếu bà Đỗ Thị O có nhu cầu lấy lại các cây trồng trên phần đất ông T, bà T trả hộ bà M, ông T1, thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, bà Đỗ Thị O phải di dời toàn bộ cây trên phần đất, nếu bàị O không có nhu cầu lấy lại thì số cây trồng trên bà M, ông T1 được quyền sử dụng” là không đúng quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, cần buộc bàị O phải di dời cây cối để trả lại đất cho gia đình bà M.
[9]. Từ những phân tích trên, nhận thấy bản án sơ thẩm đã chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Do vậy, quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hưng Yên tại phiên tòa là không có cơ sở chấp nhận. Kháng cáo của Ông Nguyễn Văn T, bà Nguyễn Thị T, Anh Nguyễn Hữu T là được chấp nhận một phần.
[10]. Về án phí: Ông T, bà T và anh T không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Áp dụng: Khoản 2 Điều 308; Khoản 9 Điều 26; điểm c khoản 1 Điều 39; Điều 147; Điều 148; Điều 227; Điều 228; Điều 229; khoản 3 Điều 243 và Điều 244 Bộ luật tố tụng dân sự. Các Điều 158; 164; 166; 579; 580 Bộ luật dân sự năm 2015. Điều 166; 170 và điểm a khoản 1 Điều 179 Luật đất đai năm 2013.
Luật phí và lệ phí năm 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án.
Tuyên xử: Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của Ông Nguyễn Văn T, bà Nguyễn Thị T và Anh Nguyễn Hữu T. Sửa bản án sơ thẩm số 13/2020/DSST ngày 21/10/2020 của Tòa án nhân dân huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên như sau:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Bà Đỗ Thị M.
Buộc hộ Ông Nguyễn Văn T và bà Nguyễn Thị T phải trả hộ Bà Đỗ Thị M và Ông Đỗ Đức T1721m2 đất nông nghiệp, tại thửa số 51/218B, tờ bản đồ số 3B ở xứ đồng Miếu Tân Hưng, thôn Đan Nhiễm, thị trấn Văn Giang, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên (có sơ đồ kèm theo).
Buộc bà Đỗ Thị O phải di dời toàn bộ cây trồng trên diện tích 721m2 đất nông nghiệp, tại thửa số 51/218B, tờ bản đồ số 3B ở xứ đồng Miếu Tân Hưng, thôn Đan Nhiễm, thị trấn Văn Giang, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên của hộ Bà Đỗ Thị M và ông Đỗ Đức T1.
Hộ Bà Đỗ Thị M và Ông Đỗ Đức T1có quyền đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
2. Không xem xét giao dịch cho thuê ruộng giữa hộ Ông Nguyễn Văn T với bà Đỗ Thị O.
3. Không xem xét yêu cầu chia thừa kế của Ông Đỗ Khắc T đối với suất ruộng của cụ Nguyễn Thị H trong vụ án này, ông T được quyền làm đơn khởi kiện đề nghị Tòa án giải quyết ở vụ án khác.
4. Về án phí:
4.1. Án phí sơ thẩm:
Bà Đỗ Thị M phải chịu 504.000đ án phí dân sự sơ thẩm, đối trừ với 1.600.000đ tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 015768 ngày 20/8/2018 của Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Văn Giang, hoàn trả bà Bà Đỗ Thị M 1.096.000đ (một triệu không trăm chín mươi sáu nghìn đồng chẵn).
Ông Nguyễn Văn T và bà Nguyễn Thị T cùng liên đới chịu 2.884.000đ (hai triệu tám trăm tám mươi tư nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm.
4.2. Án phí phúc thẩm:
Ông Nguyễn Văn T, bà Nguyễn Thị T và anh Nguyễn Văn T không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Hoàn trả mỗi người 300.000đ tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 0001225 ngày 04/11/2021 và biên lai thu số 0001252; 0001251 ngày 06/11/2021 của Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a,7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về kiện đòi quyền sử dụng đất nông nghiệp số 21/2021/DS-PT
Số hiệu: | 21/2021/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hưng Yên |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 22/07/2021 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về