Bản án về khiếu kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 815/2024/HC-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 815/2024/HC-PT NGÀY 06/08/2024 VỀ KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Ngày 06 tháng 8 năm 2024, tại trụ sở, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án hành chính thụ lý số: 1030/2023/TLPT-HC ngày 13 tháng 12 năm 2023 về việc “Khiếu kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính”.

Do Bản án hành chính sơ thẩm số 32/2023/HC-ST ngày 25 tháng 9 năm 2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 994/2024/QĐPT-HC ngày 24 tháng 7 năm 2024, giữa các đương sự:

- Người khởi kiện: Ông Phạm Cương Q, sinh năm 1972. (vắng mặt) Địa chỉ: đường L, tổ 46, khóm 3, Phường 2, thành phố C, tỉnh Đồng Tháp.

Người đại diện theo ủy quyền của ông Phạm Cương Q: Ông Vũ Tuấn A, sinh năm 1970; Địa chỉ: đường C, Phường 3, thành phố C, tỉnh Đồng Tháp (theo Văn bản ủy quyền ngày 14/10/2021). (có mặt)

- Người bị kiện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Người đại diện theo pháp luật: Ông Phạm Thiện Ngh, chức vụ: Chủ tịch.

(có đơn xin xét xử vắng mặt) Địa chỉ: đường 30/4, Phường 1, thành phố C, tỉnh Đồng Tháp.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp: Ông Nguyễn Hồng Ph - Chuyên viên, Ban tiếp công dân - Nội chính thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp. (có mặt)

- Người kháng cáo: Ông Phạm Cương Q.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Người khởi kiện ông Phạm Cương Q trình bày:

Ngày 16/10/2019, Công an thành phố C tiếp nhận nguồn tin sản xuất phân bón giả nên đã tiến hành kiểm tra Căn nhà không số trên đuờng Đ thuộc tổ 4, ấp 1, xã M, thành phố C, tỉnh Đồng Tháp đang sản xuất phân bón DOLA 2X cho Công ty cổ phần D (gọi tắt là Công ty D), địa chỉ tổ 20, ấp A, xã A1, huyện C, Đồng Tháp do ông Phạm Cương Q là người chịu trách nhiệm.

Trong Biên bản lập ngày 16/10/2019 sau khi kiểm đếm thể hiện tạm giữ nhiều đồ vật, tài liệu của ông Q, trong đó có: 1.504 bao nhãn hiệu “THIO UREA MADE IN CHINA”, loại 25 kg/bao; 31 bao nhãn hiệu “NEOBOR BORAX PENTAHYDRATE”, loại 25 kg/bao; 07 bao nhãn hiệu “ZINC SULFATE HEPTAHYDRATE”, loại 25 kg/bao.

Ngày 07/01/2021, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an thành phố C ra Quyết định số 04/QĐKKTVA-CQĐT không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ sản xuất phân bón giả bị phát hiện bắt quả tang ngày 16/10/2019.

Ngày 09/01/2020, Viện kiểm sát nhân dân thành phố C ra Thông báo số 05/TB-VKS-TPCL về việc kiểm sát quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Theo đó: “Hành vi sản xuất phân bón nhãn hiệu DOLA 02X của ông Q bị phát hiện và tạm giữ ngày 16/10/2019 là không có dấu hiệu của tội “Sản xuất hàng giả là phân bón” và không đủ căn cứ xác định có dấu hiệu tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”.

Ngày 13/10/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp ra Quyết định số 1553/QĐ-KPHQ về áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với ông Q bằng hình thức tiêu hủy số hàng hóa là 1.504 bao nhãn hiệu “THIO UREA MADE IN CHINA”, loại 25 kg/bao; 31 bao nhãn hiệu “NEOBOR BORAX PENTAHYDRATE”, loại 25 kg/bao; 07 bao nhãn hiệu “ZINC SULFATE HEPTAHYDRATE”, loại 25 kg/bao.

Nay ông Q không đồng ý với Quyết định số 1553/QĐ-KPHQ vì các lý do sau:

Về căn cứ pháp lý: Việc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả của Quyết định số 1553/QĐ-KPHQ là căn cứ theo điểm k khoản 1 Điều 17 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ. Tuy nhiên, Nghị định số 185 không còn hiệu lực và đã được thay thế bởi Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020, có hiệu lực thi hành vào ngày 15/10/2020.

Về nội dung: Nguyên liệu này do Công ty TNHH Thương mại H nhập khẩu, không phải là hàng hóa nhập lậu, điều này đã được Công ty TNHH Giám định V Thành phố Hồ Chí Minh xác nhận đạt yêu cầu chất lượng nhập khẩu. Không có căn cứ pháp lý nào thể hiện số hàng hóa này không đảm bảo an toàn sử dụng để sản xuất phân bón.

Nguyên liệu này được Công ty TNHH Thương mại H bán cho Công ty TNHH F, sau đó ông Q mua lại số hàng hóa này từ Công ty TNHH F. Tất cả việc mua bán này đều có hợp đồng, có hóa đơn, có chứng từ rõ ràng.

Vì thế, tại điểm 3 Điều 1 của Quyết định 1553 nêu nội dung: “....ông Phạm Cương Q đã sử dụng phân bón nguyên liệu là hàng hóa nhập lậu...nhưng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn) không đảm bảo an toàn sử dụng để sản xuất phân bón” là áp đặt, là không có căn cứ.

Vì những lý do trên, ông Q khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết: Hủy Quyết định số 1553/QĐ-KPHQ ngày 13/10/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp về áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

Theo văn bản ý kiến số 68/UBND-TCD-NC ngày 07/3/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp trình bày:

1/. Về căn cứ pháp lý được áp dụng tại Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả số 1553/QĐ-KPHQ ngày 13/10/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp: Tại Quyết định số 1553/QĐ-KPHQ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp căn cứ theo Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2014) và Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (có hiệu lực kể từ ngày 05/01/2016); Không căn cứ theo Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (có hiệu lực kể từ ngày 15/10/2020), bởi vì:

Tại Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định áp dụng văn bản quy phạm pháp luật như sau:

1. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực.

n bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó. [...] 4. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra, trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới”.

Tại Điều 90 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định điều khoản chuyển tiếp như sau: “Đối với hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực, sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết mà Nghị định này không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn thì áp dụng các quy định của Nghị định này ”.

Đối chiếu với vụ việc thì:

Thời điểm phát hiện vụ vi phạm (vào ngày 16/10/2019) xảy ra trước ngày Nghị định số 98/2020/NĐ-CP có hiệu lực.

Giữa Nghị định số 185/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 124/2015/NĐ-CP) và Nghị định số 98/2020/NĐ-CP đều có quy định là xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy hàng hóa không bảo đảm an toàn sử dụng.

Vì vậy, Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả số 1553/QĐ- KPHQ ngày 13/10/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp áp dụng theo Nghị định số 185/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 124/2015/NĐ-CP) là đúng với quy định của pháp luật.

2/. Về căn cứ để xác định hàng hóa nhập lậu và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:

03 loại phân bón nguyên liệu (Thio Urea, Neobor Borax Pentehydrate và Zinc Sulfate Heptahydrate) đều do nước ngoài sản xuất, được nhập khẩu vào trong nước nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Do là hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường nên phải có hóa đơn, chứng từ và phải xuất trình hóa đơn, chứng từ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 64/2015/TTLT-BTC- BCT-BCA- BQP ngày 08/5/2015 quy định chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường.

Tuy nhiên, các hóa đơn số 0000017, số 0000955 và số 0064636 do ông Q cung cấp (có gửi kèm theo) không phải là hóa đơn xuất cho hàng hóa bị tạm giữ vì:

- Số lượng hàng hóa trong hóa đơn không phù hợp với số lượng hàng hóa bị tạm giữ, cụ thể: số lượng Ammonium Sulfate (Thio Urea) bị tạm giữ là 37.600kg trong khi hóa đơn cung cấp có 40.000kg; số lượng Neobor Borax (Borax.5H20) bị tạm giữ là 775kg trong khi hóa đơn cung cấp lên đến 3.000kg; Số lượng Zinc Sulfate Heptahydrate (hóa chất vô cơ kẽm Sulfate) bị tạm giữ là 175kg trong khi hóa đơn cung cấp là 3.000kg.

- Không xuất trình được hóa đơn, chứng từ tại thời điểm kiểm tra, tạm giữ hàng hóa (ngày 16/10/2019), một thời gian sau mới cung cấp (cung cấp hóa đơn hóa đơn số 0064636 vào ngày 11/11/2019, cung cấp hóa đơn số 0000017, số 0000955 vào ngày 13/02/2020). Sau đó, ông Q vẫn không cung cấp được các hóa đơn, chứng từ phù hợp với số lượng hàng hóa nhập khẩu đang bị tạm giữ.

- Hóa đơn số 0000955 và số 0064636 thể hiện đơn vị mua hàng là Công ty cổ phần D (sau đây gọi là Công ty D), mã số thuế: 1400294469, địa chỉ: số 539A, ấp A, xã A1, huyện C, tỉnh Đồng Tháp chứ không phải bán cho ông Q.

- Hóa đơn điện tử số 0000017 do ông Q cung cấp thể hiện ngày lập là ngày 08/10/2019, ngày ký: 01/11/2019, đơn vị bán hàng là Công ty TNHH F nhưng hóa đơn điện tử số 0000017 do Công ty TNHH F khai báo với Chi cục Thuế Khu vực 1 - Cục Thuế tỉnh Đồng Tháp thì có ngày lập trùng với ngày ký là ngày 08/10/2019 (có gửi kèm theo). Tuy nhiên, theo văn bản số 2110/DTP-KHDN ngày 07/8/2020 của V1 Đồng Tháp (có gửi kèm theo) thì hóa đơn điện tử số 0000017 của Công ty TNHH F có ngày lập hóa đơn là ngày 08/10/2019 và ngày ký hóa đơn là ngày 01/11/2019. Qua xác minh được biết, Chi cục Thuế Khu vực 1 đã đóng mã số thuế Công ty TNHH F vào ngày 30/10/2019 (Công văn số 816/CCT-KTT1 ngày 24/7/2020 của Chi cục Thuế Khu vực 1 (có gửi kèm theo).

- Theo Công văn số 2514/TCT-CS ngày 09/7/2021 của Tổng cục Thuế và Công văn số 1488/CT-TTHT ngày 02/8/2021 của Cục Thuế tỉnh Đồng Tháp (có gửi kèm theo) thì tờ hóa đơn điện tử số 0000017, ký hiệu NN/18E ghi lập ngày 08/10/2019 nhưng chữ ký điện tử ngày 01/11/2019 (sau ngày đóng mã số thuế và quyết định giải thể) do Công ty TNHH F xuất bán cho Công ty D là hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp theo quy định tại Điều 22 Thông tư số 39/2014/TT- BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP.

- Theo văn bản số 13/DAS ngày 03/3/2020, văn bản số 17/DAS ngày 06/3/2020 của Công ty D (có gửi kèm theo) thì Công ty D có mua hàng, nhập kho (không nhập kho lưu giữ bên ngoài Công ty) và thanh toán đối với hóa đơn số 0000955 và hóa đơn số 0064636; Công ty D không mua hàng, không nhập kho và không thanh toán cho Công ty TNHFI F đối với hàng hóa liên quan đến hóa đơn số 0000017. Ngày 16/10/2019, ông Q (Tổng Giám đốc đương nhiệm) có chỉ đạo ông Nguyễn Tấn Đ mượn hóa đơn tài chính bản gốc số 0064636 từ Phòng Tài chính kế toán và in lại hóa đơn điện tử số 0000955 từ Phòng Kinh doanh tổng hợp sau đó cung cấp cho cơ quan điều tra. Cũng tại văn bản số 17/DAS, Công ty D đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố C đồng ý cho Công ty nhận lại hóa đơn tài chính bản gốc số 0064636.

Việc ông Q sử dụng hóa đơn như trên là chưa đúng theo quy định của pháp luật, bởi vì: Ông Q đã sử dụng bất hợp pháp hóa đơn (dùng hóa đơn của hàng hóa này để chứng minh cho hàng hóa khác quy định tại khoản 9 Điều 3 Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Điều 23 Thông tư số 39/2014/TT-BTC) đối với hóa đơn số 0000955 ngày 28/8/2019 của Công ty TNHH xuất nhập khẩu K bán cho Công ty D sản phẩm hóa chất Borax.5H20, số lượng 3.000kg và hóa đơn số 0064636 ngày 16/8/2019 của Công ty cổ phần kinh doanh dịch vụ đầu tư Đ bán cho Công ty D sản phẩm hóa chất vô cơ kẽm Sulfate, số lượng 3.000kg.

Ông Q đã sử dụng hóa đơn bất hợp pháp (hóa đơn hết giá trị sử dụng (hóa đơn của tổ chức đã đóng mã số thuế) quy định tại khoản 7, khoản 8 Điều 3 Nghị định số 51/2010/NĐ-CP; Điều 22 Thông tư số 39/2014/TT-BTC đối với hóa đơn số 0000017 lập ngày 08/10/2019, ký ngày 01/11/2019 của Công ty TNHH F bán cho Công ty D sản phẩm phân Ammonium Sulphate (Thio Urea) số lượng 40.000kg.

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 64/2015/TTLT-BTC- BCT-BCA-BQP và điểm d khoản 7 Điều 3 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP thì các hàng hóa vừa nêu được coi là hàng hóa nhập lậu.

Do 03 loại phân bón nguyên liệu nêu trên là hàng hóa nhập lậu, trên hàng hóa không có nhãn phụ bằng tiếng Việt cũng như không thể hiện thông tin cần thiết bằng tiếng Việt như: thành phần, ngày sản xuất, hạn sử dụng, thông tin cảnh báo, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản,... Căn cứ khoản 5 Điều 17 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP được sửa đổi theo quy định tại khoản 16 Điều 1 Nghị định số 124/2015/NĐ-CP, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông Q.

Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 32/2023/HC-ST ngày 25 tháng 9 năm 2023, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã quyết định:

Áp dụng Điều 28, 58, 63, 65, 70, 75, 85 của Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, bổ sung năm 2020;

Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ;

Khoản 1 Điều 32 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử: Bác yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Cương Q đối với yêu cầu hủy Quyết định số 1553/QĐ-KPHQ ngày 13/10/2021 về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo của đương sự.

Ngày 06/10/2023, người khởi kiện ông Phạm Cương Q có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện người khởi kiện trình bày vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo; đề nghị Hội đồng xét xử sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Cương Q.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện đề nghị Hội đồng xét xử bác kháng cáo của ông Phạm Cương Q; giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án:

- Về việc chấp hành pháp luật: Hội đồng xét xử phúc thẩm và những người tham gia tố tụng đã chấp hành đúng các quy định của Luật tố tụng hành chính.

- Về nội dung: Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết là có căn cứ, đúng quy định pháp luật. Đề nghị Hội đồng xét xử bác kháng cáo của ông Phạm Cương Q; giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về hình thức: Đơn kháng cáo của ông Phạm Cương Q làm trong hạn luật định, hợp lệ về hình thức nên được Hội đồng xét xử xem xét theo trình tự phúc thẩm.

[2] Về nội dung:

[2.1] Về trình tự, thủ tục ban hành Quyết định số 1553/QĐ-KPHQ ngày 13/10/2021 về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:

Ngày 16/10/2019, Công an thành phố C tiếp nhận nguồn tin sản xuất phân bón giả nên đã tiến hành kiểm tra căn nhà không số trên đường Đ thuộc tổ 4, ấp 1, xã M, đang sản xuất phân bón DOLA 2X do ông Phạm Cương Q là người chịu trách nhiệm và lập Biên bản tạm giữ đồ vật, tài liệu của ông Q.

Sau khi tạm giữ, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố C tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ, định giá tài sản bị bắt quả tang, giám định chất lượng phân bón DOLA 2X, giám định nhãn hiệu bao bì phân bón DOLA 2X, xem xét giải trình của người vi phạm, xác minh Công ty TNHH A, xác minh tại Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, xác minh tại Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ, xác minh tại Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xác minh tại Công ty cổ phần chứng nhận và Giám định IQC, xác minh tại Sở Nông nghiệp nông thôn Đồng Tháp, xác minh tại Công ty D, xác minh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp, xác minh tại Cục Thuế tỉnh Đồng Tháp.

Ngày 07/01/2021, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an thành phố C ban hành Quyết định số 04/QĐKKTVA-CQĐT không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ việc sản xuất phân bón giả bị phát hiện bắt quả tang ngày 16/10/2019; với lý do không đủ căn cứ xác định có hành vi sản xuất phân bón giả, chỉ có hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu nên chuyển cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Ngày 28/01/2021, Công an thành phố C lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Phạm Cương Q. Ngày 29/01/2021, Công an thành phố C có Văn bản số 131/TTr-CATP về việc đề nghị xử phạt vi phạm hành chính. Do thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đã hết theo quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật xử lý vi phạm hành chính nên ngày 13/10/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp ra Quyết định số 1553/QĐ-KPHQ áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo khoản 5 Điều 17 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ là đúng trình tự, thủ tục quy định.

Về áp dụng pháp luật: Hành vi xảy ra từ tháng 10/2019, thời điểm này Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP đang có hiệu lực thi hành. Căn cứ Điều 90 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 (thay thế Nghị định số 185/2013/NĐ-CP) thì việc Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp căn cứ Nghị định số 185/2013/NĐ-CP và Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ban hành Quyết định số 1553/QĐ-KPHQ là đúng quy định.

[2] Về nội dung Quyết định số 1553/QĐ-KPHQ:

Căn cứ các chứng cứ là hóa đơn ông Phạm Cương Q cung cấp và công văn trả lời của cơ quan chuyên môn thể hiện 03 loại phân bón nguyên liệu (Thio Urea, Neobor Borax Pentehydrate và Zinc Sulfate Heptahydrate) đều do nước ngoài sản xuất, được nhập khẩu vào trong nước nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt; các hóa đơn số 0000017, số 0000955 và số 0064636 do ông Q cung cấp không phải là hóa đơn xuất cho hàng hóa bị tạm giữ.

Do là hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường nên phải có hóa đơn, chứng từ và phải xuất trình hoá đơn, chứng từ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 64/2015/TTLT-BTC- BCT-BCA-BQP ngày 08/5/2015 và điểm d khoản 7 Điều 3 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định chế độ hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá nhập khẩu lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, các hóa đơn số 0000017, số 0000955 và số 0064636 do ông Q cung cấp không đúng quy định như sau: Thứ nhất, số lượng hàng hóa trong hóa đơn và tại thời điểm bị tạm giữ khác nhau, không cung cấp được hóa đơn tại thời điểm bị kiểm tra ngày 16/10/2019. Thứ hai, Hóa đơn số 0000017: 40.000kg nhãn hiệu “THIO UREA MADE IN CHINA”, nhưng hàng hóa kiểm tra tạm giữ 44.425kg, cung cấp hóa đơn ngày 13/02/2020; Hóa đơn số 0000955: 3.000kg nhãn hiệu “NEOBOR BORAX PENTAHYDRATE”, nhưng hàng hóa kiểm tra tạm giữ 243,5kg, cung cấp hóa đơn ngày 13/02/2020; Hóa đơn số 0064636: 3.000kg nhãn hiệu “ZINC SULFATE HEPTAHYDRATE”, nhưng hàng hóa kiểm tra tạm giữ 911,5kg, cung cấp hóa đơn ngày 11/11/2019; Hóa đơn số 0000955, 0064636 thể hiện đơn vị mua là Công ty cổ phần D (Công ty D), mã số thuế 1400294469, địa chỉ: ấp A, xã A1, huyện C, tỉnh Đồng Tháp; không phải của ông Q mua và địa chỉ là căn nhà không số trên đường Đ thuộc tổ 4, ấp 1, xã M, thành phố C, tỉnh Đồng Tháp (nơi bị kiểm tra hàng hóa bị tạm giữ) cũng không phải địa chỉ của Công ty D. Theo xác nhận của Công ty D xác định hóa đơn trên là của Công ty D mua, ông Q mượn 02 hóa đơn trên của Công ty để cung cấp cho cơ quan điều tra. Hóa đơn số 0000017 theo xác nhận của Công ty D xác định là không phải của Công ty D mua, và không có việc để số hàng hóa này ngoài địa chỉ của Công ty D. Theo văn bản trả lời của Chi cục Thuế Khu vực 1, Cục Thuế Đồng tháp, Tổng Cục thuế xác định hóa đơn số 0000017 có chữ ký điện tử ngày 01/11/2019 do Công ty TNHH F xuất cho ông Q sau ngày đóng mã số thuế và quyết định giải thể của Công ty TNHH F là ngày 30/10/2019 nên hóa đơn không hợp pháp (không có giá trị sử dụng).

Vi phạm trên của ông Phạm Cương Q được xác định là hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu (người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa). Vì vậy, trên cơ sở biên bản vi phạm hành chính, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành Quyết định số 1553 áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc tiêu hủy hàng hóa không an toàn sử dụng là có căn cứ, đúng quy định pháp luật.

[2.3] Đối với một số ý kiến khiếu nại của người đại diện theo ủy quyền của ông Phạm Cương Q thấy rằng:

Người đại diện theo ủy quyền của ông Q cho rằng ông Q là đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần D (Công ty D), việc ban hành quyết định buộc khắc phục hậu quả đối với cá nhân của ông Q là không đúng quy định pháp luật. Thấy rằng, tại Văn bản số 25/DAS ngày 07/11/2019, Công ty D xác định không có bất kỳ chi nhánh hoặc phân xưởng sản xuất phân bón nào ngoài địa chỉ duy nhất tổ 20, ấp A, xã A1, huyện C, tỉnh Đồng Tháp; Việc ông Phạm Cương Q thành lập phân xưởng Công ty D tại địa chỉ tổ 4, ấp 1, xã M, thành phố C, tỉnh Đồng Tháp và phân công ông Nguyễn Phan Trọng Q phụ trách điều hành phân xưởng là không hợp pháp và không có hiệu lực vì chưa thông qua Hội đồng quản trị và Ban điều hành của Công ty. Vì vậy, ông Q cho rằng hành vi sản xuất phân bón đang bị xử lý hành chính trong vụ án này là vi phạm của Công ty D là không có cơ sở.

Ngoài ra, người đại diện cho ông Q đề nghị xem xét Hợp đồng ủy quyền của ông Q cho ông H để tiêu hủy hàng hóa không đảm bảo an toàn sử dụng là không đúng. Xét thấy, Hợp đồng ủy quyền để tiêu hủy hàng hóa có nội dung ông Q ủy quyền cho ông H, việc tiêu hủy hàng hóa là do người vi phạm tiêu hủy, Công an thành phố C chỉ có trách nhiệm giám sát việc tiêu hủy, hợp đồng do ông H cung cấp cho Công an thành phố C, đồng thời ông Q không có ý kiến, khiếu nại về việc thực hiện tiêu hủy hàng hóa nên việc đề nghị xem xét lại hợp đồng trên là không có căn cứ.

[2.4] Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử xét thấy Tòa án cấp sơ thẩm bác yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Cương Q là có căn cứ, đúng quy định pháp luật. Kháng cáo của ông Phạm Cương Q không có cơ sở chấp nhận; cần giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.

[3] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị, có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị.

[4] Do kháng cáo không được chấp nhận nên ông Phạm Cương Q phải chịu án phí hành chính phúc thẩm.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 241, Điều 242 Luật tố tụng hành chính. Không chấp nhận kháng cáo của ông Phạm Cương Q.

Giữ nguyên Bản án hành chính sơ thẩm số 32/2023/HC-ST ngày 25 tháng 9 năm 2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp.

Áp dụng Điều 28, 58, 63, 65, 70, 75, 85 của Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi bổ sung năm 2020; Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1/. Bác yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Cương Q đối với yêu cầu hủy Quyết định số 1553/QĐ-KPHQ ngày 13/10/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

2/. Về án phí hành chính sơ thẩm: Ông Phạm Cương Q phải chịu 300.000 đồng; được khấu trừ 300.000 đồng tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 0004604 ngày 18/02/2022 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Tháp vào phần án phí phải chịu. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp không phải chịu.

3/. Án phí hành chính phúc thẩm: Ông Phạm Cương Q phải chịu 300.000 đồng; được khấu trừ 300.000 đồng tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 0003297 ngày 06/10/2023 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Tháp vào phần án phí phải chịu.

4/. Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

55
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về khiếu kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 815/2024/HC-PT

Số hiệu:815/2024/HC-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hành chính
Ngày ban hành: 06/08/2024
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: [email protected]
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;