Bản án về khiếu kiện quyết định hành chính chế độ trợ cấp mất sức lao động số 65/2019/HC-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 65/2019/HC-PT NGÀY 19/05/2020 VỀ KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP MẤT SỨC LAO ĐỘNG

Ngày 19 tháng 5 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm công khai vụ án hành chính thụ lý số 04/2019/TLPT-HC ngày 03 tháng 12 năm 2019 về việc “Khiếu kiện quyết định hành chính về chế độ trợ cấp mất sức lao động”, do Bản án hành chính sơ thẩm số 28/2019/HC-ST ngày 26 tháng 9 năm 2019 của Toà án nhân dân tỉnh Đ bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 516/2020/QĐ-PT ngày 23 tháng 4 năm 2020, giữa các đương sự:

1. Người khởi kiện: Ông Hà Ngọc A, sinh năm 1948; địa chỉ: Thôn 6A, xã H, huyện K, tỉnh Đ (vắng mặt).

Người đại diện theo ủy quyền của người khởi kiện: Anh Hà Huy C, sinh năm 1982; địa chỉ: Thôn 6A, xã H, huyện K, tỉnh Đ (được ủy quyền theo Giấy ủy quyền ngày 06/01/2020, có mặt).

2. Người bị kiện:

(1) Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đ; địa chỉ: thành phố B, tỉnh Đ (vắng mặt);

Người đại diện theo ủy quyền của Giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh Đ: Bà Lại Thị L, chức vụ: Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đ (được ủy quyền theo Giấy ủy quyền ngày 08/5/2020, có mặt).

(2) Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Đ; địa chỉ: thành phố B, tỉnh Đắk Lắk (vắng mặt);

Người đại diện theo ủy quyền của Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Đ: Ông Nguyễn Văn Chấn, chức vụ: Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Đ (Giấy ủy quyền ngày 07/01/2020, có đơn xin xét xử vắng mặt).

3. Người kháng cáo: Ông Hà Ngọc A (Là người khởi kiện vụ án)

NỘI DUNG VỤ ÁN

1. Theo đơn khởi kiện và quá trình tố tụng tại Tòa án, người khởi kiện là ông Hà Ngọc A và người đại diện hợp pháp của ông Hà Ngọc A là anh Hà Huy C trình bày:

Năm 1965, ông Hà Ngọc A tham gia phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam; trong khi làm nhiệm vụ, tháng 12/1966 ông A bị thương tật, thương binh hạng 1/4, tỷ lệ thương tật là 81% và ông được hưởng trợ cấp thương tật từ ngày 17/6/1976. Sau khi xuất ngũ, năm 1975 ông A công tác tại Ngân hàng huyện T thuộc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Tuy nhiên, do ốm đau vì thương tật tái phát nên ông A đã nghỉ theo chế độ nghỉ mất sức lao động và được hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng từ ngày 01/11/1981 theo Quyết định số 10 ngày 03/8/1981 của Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Năm 1984, ông A cùng gia đình đi kinh tế mới và sinh sống tại tỉnh Đ nên hồ sơ chế độ thương binh và chế độ mất sức lao động của ông được chuyển cho Sở Thương binh Xã hội tỉnh Đ (nay là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đ). Từ khi chuyển hồ sơ cho đến tháng 4/1986, ông A không nhận được bất kỳ văn bản nào liên quan đến việc quyết định trợ cấp và ông A được nhận trợ cấp tại đâu mà ông A chỉ được nghe Phòng Thương binh - Xã hội huyện K gọi lên để nhận trợ cấp hàng tháng. Tuy nhiên, từ tháng 5/1986 đến tháng 5/2010 ông A không nhận được tiền trợ cấp mất sức lao động mà chỉ nhận được tiền trợ cấp chế độ thương binh; ông A không biết lý do bị cắt tiền trợ cấp mất sức lao động vì ông không nhận được Quyết định hay Thông báo từ cơ quan có thẩm quyền.

Ông A cho rằng, Sở Thương binh Xã hội tỉnh Đ và Bảo hiểm xã hội tỉnh Đ cắt trợ cấp mất sức lao động của ông từ tháng 5/1986 đến tháng 5/2010 là ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của ông. Do đó, ông A khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết:

- Hủy Quyết định số 56/QĐ-TBXH ngày 28/03/1986 của Giám đốc Sở Thương binh Xã hội tỉnh Đ về việc thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động đối với ông Hà Ngọc A kể từ ngày 30/4/1986 (Tại phiên toà sơ thẩm, ông Hà Ngọc A và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông A chỉ đề nghị Toà án huỷ một phần Quyết định nêu trên đối với phần thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động, giữ nguyên phần chế độ thương binh).

- Hủy Công văn trả lời đơn số 2103/BHXH-KT ngày 15/9/2016 của Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Đ.

- Hủy Quyết định số 1979/QĐ-BHXH ngày 31/5/2017 của Giám đốc Bảo hiểm hội tỉnh Đắk Lẳk về việc giải quyết khiếu nại của ông Hà Ngọc A.

- Đề nghị Tòa án buộc các cơ quan nêu trên phải bồi thường thiệt hại cho ông Hà Ngọc A.

2. Ý kiến của người bị kiện:

2.1. Người đại diện theo ủy quyền của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (sau đây viết tắt là LĐ-TB&XH) tỉnh Đ trình bày:

Theo hồ sơ lưu trữ tại Bảo hiểm xã hội tỉnh Đ thể hiện: Ông Hà Ngọc A, nguyên là cán bộ Ngân hàng huyện T, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng; nhập ngũ ngày 20/02/1965 với chức vụ nhân viên văn phòng huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng; bị thương khi làm nhiệm vụ ngày 28/12/1966; được hưởng trợ cấp thương tật từ ngày 17/6/1976, hạng 6/8 vĩnh viễn, tỷ lệ 71% theo Quyết định ngày 15/7/1977 của Ty Thương binh và Xã hội Quảng Nam - Đà Nẵng và được nghỉ hưởng chế độ mất sức lao động theo Quyết định số 10 ngày 03/8/1981 của Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng kể từ ngày 01/11/1981. Như vậy, ông A có 16 năm 11 tháng công tác liên tục (không thể hiện thời gian công tác trong Quân đội, Công an).

Căn cứ quy định tại tiết b khoản 2 mục B phần I của Công văn số 169/BHXH ngày 17/02/1981 của Bộ LĐ-TB&XH, Nghị định số 236/HĐBT ngày 18/9/1985 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), Thông tư số 48-TBXH ngày 30/9/1985 của Bộ Thương binh và Xã hội nên Sở Thương binh và Xã hội tỉnh Đ đã có Quyết định số 56/QĐ-TBXH ngày 28/3/1986 về việc cắt chế độ mất sức lao động của ông Hà Ngọc A để hưởng trợ cấp thương binh cao hơn kể từ ngày 01/5/1986. Việc Giám đốc Sở Thương binh và Xã hội tỉnh Đ ban hành Quyết định trên để cho ông A hưởng trợ cấp thương binh cao hơn là đúng theo quy định. Mặt khác, theo quy định khoản 3 Điều 4 Nghị định số 28/CP ngày 29/4/1995 của Chính phủ, khoản 2 điều 2 Nghị định số 102/2002/NĐ-CP ngày 11/12/2002 của Chính phủ, điểm b khoản 2 mục II Thông tư số 02/2003/TT-BLĐTBXH ngày 07/02/2003 của Bộ LĐ-TB&XH, Thông tư số 25/2007/TT-BLĐTBXH ngày 15/11/2007 của Bộ LĐ-TB&XH; Thông tư 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 của Bộ LĐ-TB&XH thì từ thời điểm 1986 đến nay ông A không đủ điều kiện để hưởng đồng thời hai chế độ thương binh và mất sức lao động. Do đó, yêu cầu khởi kiện của ông Hà Ngọc A không có căn cứ, đề nghị Tòa án bác đơn khởi kiện của ông A.

Việc Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk căn cứ Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26/5/2006 của Chính phủ và Thông tư số 25/2007/TT- BLĐTBXH ngày 15/11/2006 của Bộ LĐ-TB&XH để ban hành Quyết định số 02/QĐ-CĐBHXH ngày 08/4/2013 cho ông Hà Ngọc A được hưởng tiếp chế độ mất sức lao động, trong khi đó ông A đang được hưởng chế độ thương binh 81% là không đúng quy định.

2.2. Người đại theo ủy quyền của Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Đ trình bày:

Căn cứ quy định tại tiết b khoản 2 mục B phần I Công văn số 169/BHXH ngày 17/02/1981 của Bộ LĐ-TB&XH và Nghị định số 236/HĐBT ngày 18/9/1985 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), Thông tư số 48/TBXH-TT ngày 20/9/1985 của Bộ Thương binh và xã hội thì Sở Thương binh Xã hội tỉnh Đ đã có Quyết định số 56/QĐ-TBXH ngày 28/3/1986 về việc cắt chế độ mất sức lao động của ông Hà Ngọc A để chuyển sang hưởng trợ cấp thương binh cao hơn kể từ ngày 01/5/1986 là đúng theo quy định.

Căn cứ hồ sơ mất sức lao động của ông Hà Ngọc A và Quyết định số 613/QĐ-TTg ngày 06/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 21/10/2011 Bảo hiểm xã hội tỉnh Đ đã có Quyết định số 92/QĐ-BHXH về việc cho ông A hưởng trợ cấp theo Quyết định trên. Tuy nhiên, sau khi Bảo hiểm xã hội rà soát lại thì thấy, mặc dù ông A đã có đủ thời gian công tác thực tế và tuổi đời là đủ 60 tuổi nhưng ông A không đủ điều kiện để được hưởng trợ cấp theo Quyết định trên, vì ông A không thuộc đối tượng bị cắt trợ cấp mất sức lao động theo Quyết định 60- HĐBT ngày 01/3/1990. Việc giải quyết cho hưởng trợ cấp theo Quyết định số 613/QĐ-TTg là sai; do đó, ngày 08/4/2013 Bảo hiểm xã hội tỉnh Đ đã ban hành Quyết định số 94/QĐ-CĐBHXH về việc cắt trợ cấp theo Quyết định số 613/QĐ-TTg đối với ông A. Ngoài ra, tại biên bản giám định khả năng lao động ngày 17/7/1981 có ghi “Thương binh nặng” là giám định gộp suy giảm khả năng lao động và thương tật, tổng tỷ lệ 75% và biên bản giám định thương tật ngày 21/5/1986 tỷ lệ là 81%. Như vậy, nếu lấy tỷ lệ suy giảm khả năng lao động trừ đi tỷ lệ suy giảm do thương tật thì ông A không thuộc đối tượng hưởng lại trợ cấp mất sức lao động, nhưng Bảo hiểm xã hội tỉnh Đ ban hành Quyết định số 02/QĐ-CĐBHXH ngày 08/4/2013 giải quyết cho ông A hưởng lại chế độ trợ cấp mất sức lao động hàng tháng kể từ tháng 5/2013 là không đúng quy định. Vì vậy, Bảo hiểm xã hội tỉnh Đ đề nghị Tòa án giải quyết theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông A; đồng thời, đề nghị Tòa án hủy Quyết định số 02/QĐ-CĐBHXH ngày 08/4/2013 của Bảo hiểm xã hội tỉnh Đ.

3. Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 28/2019/HC-ST ngày 26 tháng 9 năm 2019, Toà án nhân dân tỉnh Đ đã quyết định:

Căn cứ khoản 3 Điều 32; điểm a khoản 2 Điều 193 Luật Tố tụng hành chính; Điều 2 Luật Người cao tuổi; Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Bác đơn khởi kiện của ông Hà Ngọc A yêu cầu Tòa án hủy một phần Quyết định số 56/QĐ-TBXH ngày 28/03/1986 của Giám đốc Sở thương binh Xã hội tỉnh Đ (nay là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đ) về việc thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động đối với ông Hà Ngọc A kể từ ngày 30/4/1986;

2. Bác đơn khởi kiện của ông Hà Ngọc A yêu cầu Tòa án hủy Công văn trả lời đơn số 2103/BHXH-KT ngày 15/02/2016 của Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk;

3. Bác đơn khởi kiện của ông Hà Ngọc A yêu cầu Tòa án hủy Quyết định số 1979/QĐ-BHXH ngày 31/5/2017 của Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Đ về việc giải quyết đơn khiếu nại của ông Hà Ngọc A;

4. Bác đơn khởi kiện của ông Hà Ngọc A yêu cầu về bồi thường thiệt hại. Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định miễn án phí hành chính sơ thẩm cho ông Hà Ngọc A và phổ biến quyền kháng cáo cho các đương sự theo quy định của pháp luật.

4. Kháng cáo:

Ngày 07/10/2019, người khởi kiện là ông Hà Ngọc A có đơn kháng cáo đối với Bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Hà Ngọc A và chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đ để xem xét, khởi tố vụ án hình sự đối với Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đ.

5. Tại phiên tòa phúc thẩm:

Người đại diện hợp pháp của ông Hà Ngọc A giữ nguyên đơn khởi kiện, đơn kháng cáo; người đại diện hợp pháp của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đ đề nghị Hội đồng xét xử bác kháng cáo của ông Hà Ngọc A và giữ nguyên Bản án sơ thẩm.

Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng:

Về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm: Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa và các thành viên Hội đồng xét xử đã thực hiện đầy đủ, đúng các quy định của Luật Tố tụng hành chính; những người tham gia tố tụng đã thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật; những người tham gia tố tụng vắng mặt tại phiên tòa đều đã có văn bản trình bày ý kiến và có đơn xin xét xử vắng mặt. Do đó, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt những người này là đúng quy định tại Điều 225 của Luật Tố tụng Hành chính.

Về nội dung: Căn cứ vào lời trình bày của các đương sự, các tài liệu, chứng cứ do các đương sự giao nộp và Tòa án thu thập trong quá trình tố tụng đã có đủ cơ sở xác định Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Hà Ngọc A là có căn cứ, đúng pháp luật. Sau khi xét xử sơ thẩm, ông Hà Ngọc A kháng cáo nhưng không cung cấp được chứng cứ, tài liệu nào mới để chứng minh kháng cáo của ông là có căn cứ nên không có cơ sở để chấp nhận. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 241 của Luật Tố tụng hành chính, bác kháng cáo của ông Hà Ngọc A và giữ nguyên Bản án sơ thẩm.

Trên cơ sở các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm định tại phiên tòa; ý kiến của các đương sự, của người đại diện hợp pháp của các đương sự; ý kiến của Kiểm sát viên phát biểu tại phiên tòa,

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Trong quá trình tố tụng tại Tòa án cấp sơ thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm, người khởi kiện là ông Hà Ngọc A và người đại diện hợp pháp của ông A đều cho rằng việc Giám đốc Sở Thương binh Xã hội tỉnh Đ (nay là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đ) đã ban hành Quyết định số 56/QĐ-TBXH ngày 28/3/1986 về việc thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động đối với ông Hà Ngọc A kể từ ngày 30/4/1986 là trái pháp luật. Phía người bị kiện thì cho rằng: Căn cứ vào quy định tại Thông tư số 104-LB/QP ngày 04/12/1965 của Liên Bộ Quốc phòng - Công an - Nội vụ, tiết b khoản 2 mục B phần I của Công văn số 169/BHXH ngày 17/02/1981 của Bộ LĐ-TB&XH, Nghị định số 236/HĐBT ngày 18/9/1985 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) và Thông tư số 48/TBXH- TT ngày 20/9/1985 của Bộ Thương binh và Xã hội, Sở Thương binh Xã hội tỉnh Đ đã ban hành Quyết định số 56/QĐ-TBXH ngày 28/3/1986 về việc thôi hưởng chế độ mất sức lao động đối với ông Hà Ngọc A để ông A hưởng trợ cấp thương binh cao hơn kể từ ngày 01/5/1986 là đúng theo quy định. Mặt khác, theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 28/CP ngày 29/4/1995 của Chính phủ, khoản 2 điều 2 Nghị định số 102/2002/NĐ-CP ngày 11/12/2002 của Chính phủ, điểm b khoản 2 mục II Thông tư số 02/2003/TT-BLĐTBXH ngày 07/02/2003 của Bộ LĐ-TB&XH và các Thông tư số 25/2007/TT-BLĐTBXH ngày 15/11/2007, Thông tư 05/2013/TT-BLĐ-TB&XH ngày 15/5/2013 của Bộ LĐ-TB&XH thì từ thời điểm năm 1986 đến nay, ông A không đủ điều kiện để hưởng đồng thời hai chế độ thương binh và mất sức lao động.

Hội đồng xét xử xét thấy, tại Quyết định số 56/QĐ-TBXH ngày 28/3/1986, Giám đốc Sở Thương binh Xã hội tỉnh Đ căn cứ vào Nghị định số 236- HĐBT ngày 18/9/1985 của Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư số 48-TBXH ngày 30/9/1985 của Bộ Thương binh và Xã hội, nhưng tại hai văn bản này đều không có nội dung nào quy định trường hợp người được hưởng chế độ thương binh thì không được hưởng chế độ trợ cấp mất sức lao động; đồng thời, tại Quyết định số 56/QĐ-TBXH nêu trên cũng không có nội dung nào căn cứ vào Thông tư số 104- LB/QP ngày 04/12/1965 của Liên Bộ Quốc phòng - Công an - Nội vụ và Công văn số 169/BHXH ngày 17/02/1981 của Bộ Thương binh và Xã hội như phía người bị kiện trình bày nêu trên. Do vậy, căn cứ vào khoản 1 Điều 6 và khoản 6 Điều 241 của Luật Tố tụng hành chính, Hội đồng xét xử đã báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng có văn bản đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét tính hợp pháp của văn bản hành chính có liên quan đến quyết định hành chính bị khiếu kiện.

[2] Thực hiện yêu cầu của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Văn bản số 997/LĐTBXH-TTr ngày 19/3/2020 trả lời với nội dung cụ thể như sau:

“Căn cứ pháp lý được trích dẫn để ban hành Quyết định số 56/QĐ-TBXH ngày 28/3/1986 của Giám đốc Sở Thương binh Xã hội tỉnh Đ (gồm có Nghị định số 236/HĐBT ngày 18/9/1985 của Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư số 48-TBXH ngày 30/8/1985 của Bộ Thương binh và Xã hội) là không phù hợp vì nội dung hai văn bản nêu trên không quy định đối với trường hợp thương binh đồng thời là người hưởng chế độ mất sức lao động thì chỉ được hưởng một chế độ cao nhất.

Tuy nhiên, Sở Thương binh và Xã hội tỉnh Đ ban hành quyết định về việc thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động đối với ông Hà Ngọc A kể từ ngày 01/5/1986 và chuyển sang hưởng chế độ thương binh hạng 1 (cao hơn chế độ mất sức lao động) là đúng quy định tại mục 7 Tiết 3 Thông tư số 104-LB/QP ngày 04/12/1965 của Liên Bộ Quốc phòng - Công an - Nội vụ: “Thương binh về gia đình có đủ điều kiện hưởng trợ cấp mất sức lao động thì chế độ trợ cấp nào cao hơn được hưởng chế độ đó, nếu hưởng chế độ trợ cấp mất sức lao động thì vẫn được hưởng các chế độ ưu đãi khác quy định đối với thương binh” và tiết b điểm 2 khoản B mục II Phần thứ nhất Công văn số 169/BHXH ngày 17/02/1981 của Bộ Thương binh và Xã hội: “Đối với những người vừa có đủ điều kiện hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng, vừa đủ điều kiện hưởng chế độ trợ cấp khác thì chỉ được hưởng chế độ trợ cấp cao hơn”.

Tại thời điểm năm 1986, nội dung quy định tại mục 7 Tiết 3 Thông tư số 104- LB/QP ngày 04/12/1965 của Liên Bộ Quốc phòng - Công an - Nội vụ và Công văn số 169/BHXH ngày 17/02/1981 của Bộ Thương binh và Xã hội chưa bị một văn bản nào thay thế, bãi bỏ hoặc công bố hết hiệu lực”.

[3] Trên cơ sở xem xét toàn bộ các tài liệu, chứng cứ; lời trình bày của các đương sự và nội dung trả lời của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nêu trên, Hội đồng xét xử có đủ căn cứ kết luận:

Việc Giám đốc Sở Thương binh và Xã hội tỉnh Đ chỉ căn cứ vào Nghị định số 236/HĐBT ngày 18/9/1985 của Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư số 48- TBXH ngày 30/8/1985 của Bộ Thương binh và Xã hội để ban hành Quyết định số 56/QĐ-TBXH ngày 28/3/1986 là chưa đầy đủ. Tuy nhiên, tại thời điểm ban hành Quyết định này thì ông Hà Ngọc A có thời gian 16 năm 11 tháng công tác liên tục, được hưởng trợ cấp mất sức lao động là 54% lương chính; đồng thời, ông A cũng được xếp hạng thương tật là “hạng 1”, nếu được hưởng trợ cấp thương tật hàng tháng thì được hưởng 100% tính trên lương chính và phụ cấp thâm niên (nếu có). Do đó, Giám đốc Sở Thương binh Xã hội tỉnh Đ ban hành Quyết định số 56/QĐ-TBXH ngày 28/3/1986 về việc thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động đối với ông Hà Ngọc A và chuyển sang hưởng chế độ thương binh hạng 1 (cao hơn chế độ trợ cấp mất sức lao động) là đúng quy định tại mục 7 Tiết 3 Thông tư số 104- LB/QP ngày 04/12/1965 của Liên Bộ Quốc phòng - Công an - Nội vụ và quy định tại tiết b điểm 2 khoản B mục II Phần thứ nhất Công văn số 169/BHXH ngày 17/02/1981 của Bộ Thương binh và Xã hội (đã được xác định là chưa bị một văn bản nào thay thế, bãi bỏ hoặc công bố hết hiệu lực tại Văn bản số 997/LĐTBXH- TTr ngày 19/3/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).

Như vậy, thiếu sót về căn cứ ban hành Quyết định số 56/QĐ-TBXH ngày 28/3/1986 của Giám đốc Sở Thương binh và Xã hội tỉnh Đ không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông Hà Ngọc A, Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định bác yêu cầu khởi kiện của ông Hà Ngọc A về việc hủy Quyết định này và các văn bản, quyết định giải quyết khiếu nại có liên quan là có căn cứ, đúng pháp luật. Những lý do, căn cứ trong đơn kháng cáo của ông Hà Ngọc A và các văn bản trình bày ý kiến của người đại diện hợp pháp của ông Hà Ngọc A đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy Quyết định số 56/QĐ-TBXH ngày 28/3/1986 của Giám đốc Sở Thương binh Xã hội Đ là không có cơ sở do dẫn chiếu không đầy đủ, thiếu chính xác các quy định của pháp luật đang có hiệu lực tại thời điểm ban hành Quyết định này nên không được Hội đồng xét xử chấp nhận.

[4] Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại: Do Quyết định hành chính của Giám đốc Sở Thương binh Xã hội tỉnh Đ về việc ông Hà Ngọc A thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động, chuyển hưởng chế độ thương binh đã được xác định phù hợp với quy định của pháp luật nên Tòa án cấp sơ thẩm quyết định bác đơn khởi kiện của ông Hà Ngọc A yêu cầu về bồi thường thiệt hại là đúng quy định của pháp luật. Do đó, kháng cáo của ông Hà Ngọc A về yêu cầu bồi thường thiệt hại không được Hội đồng xét xử chấp nhận.

[5] Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị, Hội đồng xét xử không xem xét, có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[6] Về án phí: Căn cứ vào khoản 1 Điều 349 của Luật Tố tụng hành chính;

điểm đ khoản 1 Điều 12, khoản 6 Điều 15 và khoản 1 Điều 34 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, do ông A là người cao tuổi nên Hội đồng xét xử miễn toàn bộ án phí hành chính phúc thẩm cho ông Hà Ngọc A.

Vì các lẽ trên

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 241 của Luật Tố tụng hành chính;

Căn cứ vào Nghị định số 236/HĐBT ngày 18/9/1985 của Hội đồng Bộ trưởng; Thông tư số 48-TBXH ngày 30/8/1985 của Bộ Thương binh và Xã hội; mục 7 tiết 3 Thông tư số 104-LB/QP ngày 04/12/1965 của Liên Bộ Quốc phòng - Công an - Nội vụ và tiết b điểm 2 khoản B mục II Phần thứ nhất Công văn số 169/1981/BHXH ngày 17/02/1981 của Bộ Thương binh và Xã hội;

Căn cứ vào khoản 1 Điều 348, khoản 1 Điều 349 của Luật Tố tụng hành chính; khoản 1 Điều 32, khoản 1 Điều 34, điểm đ khoản 1 Điều 12 và khoản 6 Điều 15 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án, Bác kháng cáo của người khởi kiện ông Hà Ngọc A và giữ nguyên Bản án hành chính sơ thẩm số 28/2019/HCST ngày 26 tháng 9 năm 2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Đ.

Tuyên xử:

1. Bác đơn khởi kiện của ông Hà Ngọc A yêu cầu Tòa án hủy một phần Quyết định số 56/QĐ-TBXH ngày 28 tháng 3 năm 1986 của Giám đốc Sở Thương binh Xã hội tỉnh Đak Lak (nay là Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đ) về việc thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động đối với ông Hà Ngọc A kể từ ngày 30/4/1986;

2. Bác đơn khởi kiện của ông Hà Ngọc A yêu cầu Tòa án hủy Văn bản số 2103/BHXH-KT ngày 15 tháng 9 năm 2016 của Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Đăk Lắk “V/v trả lời đơn của ông Hà Ngọc A”;

3. Bác đơn khởi kiện của ông Hà Ngọc A yêu cầu Tòa án hủy Quyết định số 1979/QĐ-BHXH ngày 31 tháng 5 năm 2017 của Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Đ “Về việc giải quyết đơn khiếu nại của ông Hà Ngọc A (lần đầu)”;

4. Bác đơn khởi kiện của ông Hà Ngọc A yêu cầu về bồi thường thiệt hại.

5. Về án phí: Miễn toàn bộ án phí hành chính sơ thẩm và án phí hành chính phúc thẩm cho ông Hà Ngọc A.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án 19/5/2020. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

265
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về khiếu kiện quyết định hành chính chế độ trợ cấp mất sức lao động số 65/2019/HC-PT

Số hiệu:65/2019/HC-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hành chính
Ngày ban hành: 19/05/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;