TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG
BẢN ÁN 27/2020/HC-PT NGÀY 27/02/2020 VỀ KHỞI KIỆN QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC CHÍNH SÁCH
Ngày 27 tháng 02 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hành chính phúc thẩm thụ lý số 19/2019/TLPT-HC ngày 03 tháng 12 năm 2019, về việc :“Khởi kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực chính sách”. Do Bản án hành chính sơ thẩm số 05/2019/HC-ST ngày 29/8/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 278/2020/QĐ-HC ngày 07-02-2020, giữa các đương sự:
1. Người khởi kiện: Bà Phạm Thị M; Địa chỉ: Thôn B, xã N, thành phố Đ, tỉnh Quảng Bình, có mặt.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Phạm Thị M: Bà Nguyễn Thị Hương T - Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúppháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Bình, có mặt.
2. Người bị kiện:
- Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tĩnh Quảng Bình - Ông Nguyễn Trường S.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Hồ Tấn C, chức vụ: Phó giám đốc Sở LĐTB và XH tỉnh Quảng Bình, có mặt.
- Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình - Ông Trần Công T, có đơn xin xét xử vắng mặt.
3. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: UBND thành phố Đ, tỉnh Quảng Bình.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Hữu Đ, có mặt.
4. Người làm chứng:
- Ông Trịnh Xuân Nguyễn Trường S; địa chỉ: TDP 7 phường Đ, Đ, Quảng Bình, vắng mặt.
- Ông Lê Văn L; địa chỉ: TDP 4, phường Đ, Đ, Quảng Bình, vắng mặt.
- Bà Phạm Thị V; địa chỉ: TDP 9 phường Đ, Đ, Quảng Bình, có mặt.
- Bà Hoàng Thị Cẩm H; địa chỉ: địa chỉ: Tổ 2, TDP 9 phường Đ, Đ, Quảng Bình, vắng mặt.
- Bà Đặng Thị B; địa chỉ: địa chỉ: TDP 5 phường N, Đ, Quảng Bình, vắng mặt.
- Bà Phan Thị Quỳnh H1, địa chỉ: phường Đ, Đ, Quảng Bình, có mặt.
- Bà Nguyễn Thị Đ; địa chỉ: phường Đ, Đ, Quảng Bình; Có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo Bản án sơ thẩm, các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, nội dung vụ án được xác định như sau:
Tại đơn khởi kiện, lời khai trong quá trình tham gia tố tụng người khởi kiện bà Phạm Thị M trình bày:
Từ tháng 2/1966 đến tháng 8/1966 bà Phạm Thị M được cử đi học lớp nữ hộ sinh tại huyện Q, Quảng Bình, sau đó được phân công phụ trách đội dân quân tự vệ và làm bí thư chi đoàn của thôn. Nhiệm vụ bà được giao là phục vụ chiến đấu, bốc hàng, cáng thương binh, cấp cứu và chuyển lên tuyến trên. Trong lúc cùng nhân dân bốc dỡ hàng hóa và cứu chữa thương binh tại ngầm cầu 3, bà bị sức ép của bom làm bị thương hai vết ở cổ trái gần thái dương ngày 10/6/1967. Sau khi bị thương bà được đồng đội cứu chữa và chuyển về trạm xá của thị trấn điều trị. Khi chiến tranh kết thúc, Nhà nước có chế độ ưu đãi đối với người có công cách mạng, bà đã làm hồ sơ để hưởng chế độ thương binh. Hồ sơ của bà có đầy đủ giấy tờ theo quy định. Ngày 19/11/2007, sau khi thẩm định hồ sơ, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định số 850/QĐ- SLĐTBXH về việc cấp Giấy chứng nhận người được hưởng chính sách thương binh và trợ cấp thương tật cho bà.
Sau khi có đơn tố cáo của một công dân trú tại Tổ dân phố 9, phường Đ, thành phố Đ, tỉnh Quảng Bình, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội (Giám đốc SLĐTB&XH) tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định số 1399/QĐ- SLĐTBXH ngày 11/4/2018 về việc đình chỉ chế độ ưu đãi đối với bà và truy thu số tiền trợ cấp thương tật là 104.939.100 đồng với lý do người làm chứng xác nhận trong hồ sơ hưởng chế độ thương tật là giả mạo, không đúng sự thật. Không đồng ý với Quyết định trên, bà đã làm đơn khiếu nại, ngày 15/6/2018 Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định số 3493/QĐ-SLĐTBXH về việc giải quyết khiếu nại lần đầu của bà với nội dung không công nhận nội dung khiếu nại và giữ nguyên quyết định số: 1399/QĐ- SLĐTBXH ngày 11/4/2018.
Ngày 04/7/2018 bà tiếp tục khiếu nại lần 2 tới Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Bình. Ngày 30/11/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định số 4200/QĐ-UBND về việc giải quyết khiếu nại lần 2, không công nhận nội dung khiếu nại đối với Quyết định số 3493/QĐ-SLĐTBXH ngày 11/4/2018 của Giám Gốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình và yêu cầu Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình hủy bỏ phần kết luận có nội dung yêu cầu bà M cung cấp hồ sơ bổ sung giấy xác nhận của các nhân chứng khẳng định bà bị thương năm 1967 do sức ép của bom Mỹ để bà có thể thiết lập hồ sơ đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét hưởng chế độ chính sách như thương binh theo quy định tại Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT- BLĐTBXH-BQP ngày 22/10/2013 của Bộ Lao động Thương bỉnh và Xã hội và Bộ quốc phòng hướng dẫn xác nhận liệt sỹ, thương binh, người hưởng chính sách thương binh trong chiến tranh không có giấy tờ.
Bà M cho rằng hồ sơ xin hưởng chế độ của bà được lập từ năm 2005, có đầy đủ giấy tờ, tài liệu theo quy định. Tại giấy chứng nhận thương tích số 06/CNBT- UBND ngày 05/10/2005 của UBND thành phố Đ đã xác nhận bà có 01 vết thương tại cổ phía bên trái và 01 vết thương tại trán bên trái gần thái dương do ông Bùi Xuân N nguyên Phó chủ tịch UBND thành phố Đ ký. Tại biên bản giám định thương tật của Hội đồng giám định y khoa Quảng Bình cũng đã nêu rõ 02 vết thương của bà cùng kết quả khám hiện tại là các vết sẹo để lại do 02 vết thương đó. Sự việc bà bị thương tại ngầm cầu 3 đường 15 A ngày 10/6/1967 là hoàn toàn có thật, không hề khai man hồ sơ. Hơn nữa giấy xác nhận ngày 10/02/2017, ông Hoàng Xích T đã khẳng định sự việc bà bị sức ép bom dẫn đến bị 2 vết thương ở cổ trái và trán bên trái gần thái dương được chứng thực bởi UBND xã N. Ông Hoàng Xích T cũng đã ký xác nhận chữ ký trong hồ sơ hưởng chế độ của bà năm 2005 là do chính ông ký. Ngoài ra các anh chị em cùng bà chiến đấu tại thời điểm năm 1967 đều có xác nhận. Vì vậy việc Giám đốc Sở Lao động thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định số 1399/QĐ-SLĐTBXH ngày 11/4/2018, Quyết định giải quyết khiếu nại lần 1 số 3493/QĐ-SLĐTBXH ngày 15/6/2018 và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 số 4200/QĐ-UBND ngày 30/11/2018 là hoàn toàn không có căn cứ, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp và ảnh hưởng đến danh dự của bà. Bà đề nghị hủy các quyết định nói trên.
Người bị kiện Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình trình bày: Giữ nguyên Quyết định hành chính bị khởi kiện với lý do: Thứ nhất bà Phạm Thị M không cung cấp được các giấy tờ chứng minh bị thương theo quy định (giấy tờ có ghi sức ép hoặc chấn thương của cơ quan đơn vị quản lý đối tượng bị thương, giấy tờ của cơ quan đơn vị lập từ ngày 31/12/1994 trở về trước có ghi cá nhân bị thương). Mặt khác theo giấy chứng nhận ngày 10/2/2017 của ông Hoàng Xích T xác nhận, bà Phạm Thị M bị sức ép của bom là không trùng hợp với nội dung tại giấy chứng nhận trường hợp bị thương trong hồ sơ người hưởng chính sách như thương binh của bà M. Thứ hai hồ sơ hưởng chính sách như thương binh của bà Phạm Thị M không đúng quy định, vì qua xác minh ông Hoàng Xích T khẳng định không viết giấy chứng nhận bị thương cho bà M và được Phòng kỹ thuật Hình sự công an tỉnh Quảng Bình kết luận tại văn bản số 294/GĐ-PC54 ngày 29/3/2018. Đối chiếu với quy định tại điểm 2, mục I thông tư số 27/1999/TT- BLĐTBXH ngày 03/11/1999 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn về hồ sơ công nhận người hưởng chính sách như thương binh từ ngày 31/12/1994 trở về trước thì hồ sơ hưởng chính sách như thương binh của bà Phạm Thị M không đúng quy định.
Người bị kiện Chủ tịch ủy ban nhân tỉnh Quảng Bình: Tại các phiên đối thoại đều có đơn xin vắng mặt, tại phiên tòa hôm nay cũng có đơn xin xử vắng mặt nhưng đã cung cấp đầy đủ các tài liệu, chứng cứ cho Tòa án.
Trên cơ sở nội dung vụ án đã xác định nêu trên, tại Bản án số 05/2019/HC-ST ngày 29/8/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình đã quyết định:
Áp dụng Điều 30, khoản 3 Điều 32 và điểm a khoản 3 Điều 116 Luật tố tụng hành chính; Căn cứ Thông tư 27/1999/TT-BLĐTBXH ngày 03/11/1999 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; Thông tư 28/2013/TTLT-BLĐTBXH- BQP ngày 22/10/2013 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ quốc phòng; Căn cứ Điểm a khoản 2 Điều 193 Luật tố tụng hành chính; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 Ngày 21/12/2016 của ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Xử bác đơn khởi kiện của bà Phạm Thị M về yêu cầu hủy Quyết định số 1399/QĐ-SLĐTBXH ngày 11/4/2018, Quyết định giải quyết khiếu nại số 3493/QB-SLĐTBXH ngày 15/6/2018 của Giám đốc Sở Lao động Thương bỉnh và Xã hội tỉnh Quảng Bình và Quyết định giải quyết khiếu nại số 4200/QĐ- UBND ngày 30/11/2018 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình.
Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn tuyên về nghĩa vụ chịu án phí và quyền kháng cáo.
Sau khi xét xử sơ thẩm, Ngày 09 tháng 9 năm 2019 bà Phạm Thị M kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm sửa Bản án hành chính sơ thẩm số 05/2019/HCST ngày 29/8/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Phạm Thị M.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Phạm Thị M giữ nguyên kháng cáo đối với toàn bộ Bản án hành chính sơ thẩm, bà M trình bày: Tòa án cấp sơ thẩm đã nhận định và áp dụng pháp luật không đúng, không dựa trên kết quả tranh tụng và tài liệu chứng cứ để xét xử. Bà M có tham gia phục vụ cách mạng, thực tế có bị thương, có nhiều nhân chứng biết rõ, việc lập hồ sơ công nhận hưởng chính sách như thương binh có sai sót về thủ tục, nhưng Tòa án cấp cơ thẩm đã bác yêu cầu khởi kiện của bà M là không đúng bản chất khách quan của vụ việc, nay bà M yêu cầu sửa Bản án hành chính chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà M Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Phạm Thị M, bà Nguyễn Thị Hương T trình bày: Bà Phạm Thị M thực sự có tham gia lực lượng du kích vào thời điểm chống Mỹ, được giao phụ trách đội dân quân tự vệ và giữ chức bí thư Chi đoàn thôn, thường xuyên có nhiệm vụ phục vụ chiến đấu, bốc hàng, và cấp cứu người bị thương . Ngày 10/6/1967 bà M bị thương năm 2005 bà M đã lập hồ sơ đề nghị công nhận người được hưởng chính sách như thương binh. Ngày 19/11/2007 Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định số 850/QĐ-SLĐTBXH cấp Giấy chứng nhận cho bà M nhưng Sở LĐTH&XH tỉnh Quảng Bình đã dựa vào đơn tố cáo của một người dân để cho rằng bà Phạm Thị M “man khai” hồ sơ để được công nhận người được hưởng chính sách như thương binh nên đã ban hành Quyết định 1399/QĐSLĐTBXH ngày 11/4/2018 về việc đình chỉ chế độ và truy thu số 104.939.100 đồng đã cấp từ năm 2005 đến nay cho bà M. Bà M đã khiếu nại đến Giám đốc Sở LĐTB&XH cũng như Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhưng theo quyết định số 3493/QĐ SLĐTBXH ngày 15/6/2018 của Giám đốc sở y tế tỉnh Quảng Bình về việc giải quyết khiếu nại lần đầu và Quyết định số 4200/QĐUBND ngày 30/11/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình về việc giải quyết khiếu nại lần 2, đều bác đơn khiếu nại của bà Phạm Thị M là không đúng, việc bà M tham gia cách mạng và bị thương là có thật, việc lập hồ sơ có sai sót thủ tục chứ không phải man khai, trường hợp của bà M có đủ điều kiện để bổ sung thủ tục, tiếp tục duy trì và thực hiện chế độ ưu đãi cho bà M, việc sai sót thủ tục lỗi chủ yếu của những người thẩm định hồ sơ năm 2007, nay thu hồi lại tiền thì thực sự quá khó khăn cho một người neo đơn, già cả như bà M, do vậy đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà M, sửa Bản án hành chính hủy các quyết định hành chính số 1399/QĐ-SLĐTBXH ngày 11/4/2018 quyết định số 3493/QĐ-SLĐTBXH ngày 15/6/2018 của giám đốc Sở LĐTB&XH, quyết định số 4200/QĐ-UBND ngày 30/11/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình.
Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến như sau:
Về tố tụng: Tại giai đoạn xét xử phúc thẩm, Hội đồng xét xử, những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng đã thực hiện và tuân thủ đúng các quy định của Luật Tố tụng hành chính, quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm Tòa án cấp sơ thẩm đã thu thập tài liệu không đầy đủ và có vi phạm tố tụng, nhưng Tòa án cấp phúc thẩm đã khắc phục, bổ sung, do vậy đề nghị Hội đồng xét xử tiếp tục xét xử đối với vụ án.
Về nội dung: Sau khi phân tích nội dung vụ án, Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử bác đơn kháng cáo của bà Phạm Thị M, giữ nguyên Bản án hành chính sở thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào hồ sơ vụ án, các tài liệu chứng cứ đã được xem xét và kết quả tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm. Xem xét kháng cáo của bà Phạm Thị M, luận cứ bảo vệ của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà M. Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy:
[1]. Về tố tụng: Ngoài các quyết định hành chính của Sở LĐTB&XH và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, mà bà Phạm Thị M đã khởi kiện trong vụ án này thì còn có một số quyết định hành chính của UBND thành phố Đ, tỉnh Quảng Bình, ban hành có nội dung liên quan đến việc hưởng chế độ như thương binh của bà M nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không thu thập đầy đủ, để xem xét và không đưa UBND thành phố Đ, tỉnh Quảng Bình vào tham gia tố tụng tại giai đoạn sơ thẩm là vi phạm thủ tục tố tụng và giải quyết vụ án không toàn diện, triệt để. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã có văn bản gửi UBND thành phố Đ yêu cầu cung cấp tài liệu, UBND thành phố Đ cũng đã cung cấp, bổ sung đầy đủ và có văn bản trình bày ý kiến đối với các văn bản do UBND thành phố Đ ban hành, đồng thời UBND thành phố Đ cũng đã cử người tham gia tố tụng tại phiên tòa phúc thẩm.
Bên cạnh, để có cơ sở xem xét nội dung vụ án cần phải xác định một số người làm chứng để làm sáng tỏ các tình tiết khách quan của vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm đã không xác định và đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách người làm chứng trong vụ án, không tiến hành lấy lời khai hoặc trình bày của họ là thiếu sót. Tuy nhiên, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng căn cứ vào yêu cầu của đương sự đã xác định bổ sung và đưa họ vào tham gia tố tụng trong vụ án, đồng thời tại phiên tòa phúc thẩm, bà M yêu cầu Tòa án cho bổ sung thêm 02 người làm chứng hiện có mặt tại phiên tòa phúc thẩm. Sau khi kiểm tra căn cước, quá trình hoạt động của những người làm chứng, căn cứ các Điều 62, 84 Luật Tố tụng hành chính, Hội đồng xét xử chấp nhận đề nghị của đương sự xác định các bà Phạm Thị V, bà Phan Thị Quỳnh H1 và bà Nguyễn Thị Đ là những người làm chứng tại phiên tòa phúc thẩm.
Như vậy, các nội dung thiếu sót, vi phạm tố tụng của Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm đã bổ sung, khắc phục, đây là phiên tòa mở lần thứ hai. Vì vậy, Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ Điều 225, Điều 232 để giải quyết, xét xử đối với vụ án.
[2]. Về nội dung: Xem xét quá trình tham gia hoạt động cách mạng, việc bị thương và việc hưởng chế độ ưu đãi như thương binh của bà Phạm Thị M. Nhận thấy: Theo lời khai của bà M, lời trình bày của những người làm chứng, các tài liệu thu thập và kết luận của các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Bình đã thể hiện: Bà Phạm Thị M tham gia cách mạng vào năm 1964, thuộc lực lượng dân quân tự vệ thôn B, từ tháng 2/1966 đến tháng 8/1966 bà được cử đi học lớp nữ hộ sinh. Vào đêm 10/6/1967 bà M có tham gia bốc dỡ hàng hóa và cứu thương tại ngầm cầu số 3, đường 15A, thôn B thì bị Mỹ ném bom và bị thương. Theo các Giấy xác nhận (có trong hồ sơ vụ án) của các bà Hoàng Thị Cẩm H, Phạm Thị V, Đặng Thị B, Phạm Thị Quỳnh H1, Nguyễn Thị Đ, Hồ Thị T, Tống Thị L, ông Trịnh Xuân Nguyễn Trường S, ông Lê Văn L, ông Nguyễn Đúc N, ông Hồ Văn C (chết) thì đều trình bày nội dung: Bà Phạm Thị M có bị thương trong trận Mỹ ném bom vào đêm 10/6/1967 (toàn bộ lời xác nhận của những ông bà nêu trên đều có chứng thực chữ ký của UBND xã N hoặc UBND phường Đ, thành phố Đ) Trong đó có Giấy xác nhận của bà Hoàng Thị Cẩm H được viết và UBND xã chứng thực từ ngày 11/4/2005 (Bút lục 198). Trong quá trình các cơ quan Thanh tra Nhà nước, UBND thành phố Đ, Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Bình làm việc, xác minh, đối thoại .. thì đa số các ý kiến đều xác định bà M có bị thương trong trận Mỹ ném bom vào đêm 10/6/1967 tại ngầm cầu đường 15A, thôn B, Đ. Đến năm 2005 bà M đã kê khai nộp cho UBND thành phố Đ để làm thủ tục hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước. Căn cứ biên bản giám định thương tật ngày 16/12/2005 của Hội đồng giám định y khoa tỉnh Quảng Bình đã xác định trên cơ thể bà Phạm Thị M có 02 vết thương ở cổ và trán được xác định tỷ lệ mất sức lao động do thương tật là 28%. Sau đó ngày 05/10/2005 bà được UBND thành phố Đ cấp giấy chứng nhận bị thương. Trên cơ sở thủ tục theo quy định tại Thông tư số 27/1999/TT-BLĐTBXH của Bộ lao động thương binh và xã hội, căn cứ vào Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26/5/2006 của Chính phủ. Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định số 850/QĐ-LĐTBXH ngày 19/11/2007 về việc cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh và trợ cấp thương tật đối với bà Phạm Thị M là đúng đối tượng được ưu đãi theo quy định Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng ngày 29 tháng 6 năm 2005 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội.
[3]. Xem xét các văn bản, quyết định hành chính liên quan việc đình chỉ, thu hồi chế độ đã cấp cho bà Phạm Thị M nhận thấy: Xuất phát từ đơn tố cáo của một số công dân về việc cho rằng bà Phạm Thị M khai man hồ sơ để được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước, Cơ quan Thanh tra nhà nước thành phố Đ đã thành lập Đoàn thanh tra và ban hành Báo cáo số 135/BC-ĐXM ngày 15/12/2016, sau đó UBND thành phố Đ đã ban hành Kết luận số 5775/KL-UBND ngày 31/12/2016, kết luận nội dung dung tố cáo đối với bà Phạm Thị M là đúng, căn cứ Kết luận nói trên, UBND thành phố Đ đã kiến nghị Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Bình ra quyết định đình chỉ, thu hồi chế độ đối với bà M. Ngày 03/4/2018 UBND thành phố Đ có Văn bản số: 639/UBND-LĐTBXH về việc thu hồi Giấy chứng nhận bị thương đã cấp cho bà M (thực chất là quyết định hành chính). Sau khi Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Bình ban hành Quyết định số 1399/QĐ-SLĐTBXH ngày 11/4/2018 về việc đình chỉ chế độ ưu đãi đối với bà M thì UBND thành phố Đ đã tiếp tục ban hành Văn bản số 1312/UBND-LĐTBXH ngày 05/7/2019 về việc thu hồi chế độ của bà M đã hưởng từ năm 2005 đến nay. Như vậy, các văn bản hành chính nêu trên của UBND thành phố Đ đều có liên quan đến các quyết định hành chính bị khởi kiện, vì vậy cần được xem xét đồng thời với các Quyết định hành chính bị khởi kiện trong vụ án này mới giải quyết triệt để đối với vụ án.
Xem xét việc bà M khiếu nại, tố cáo liên quan Kết luận số 5775/KL-UBND, xét thấy: Sau khi UBND thành phố Đ đã ban hành Kết luận số 5775/KL-UBND ngày 31/12/2016 về việc kết luận nội dung dung tố cáo đối với bà Phạm Thị M, theo bà M trình bày, bà đã có nhiều đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến văn bản Kết luận nêu trên gửi nhiều cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương nhưng không được UBND thành phố Đ xem xét, giải quyết đúng theo quy định của pháp luật, xem xét các tài liệu có trong hồ sơ vụ án cho thấy ngày 16/2/2017 bà M có đơn khiếu nại Kết luận số 5775/KL-UBND, nhưng UBND thành phố Đ chỉ làm việc trực tiếp với bà M và kết luận giữ nguyên Kết luận số 5775/KL-UBND chứ không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, ngoài ra bà M cũng đã gửi một số đơn khiếu nại, tố cáo trước đây để chứng minh. Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện UBND thành phố Đ trình bày có nhận đơn của bà M nhưng chỉ trả lời bằng công văn, chứ không ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại hay giải quyết tố cáo theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo.
Về nội dung: Kết luận thanh tra của UBND thành phố Đ kết luận cho rằng bà Phạm Thị M “khai man hồ sơ” và “giả mạo” chữ ký của ông Hoàng Xích T. Việc kết luận như trên chưa chính xác, bởi lẽ “khai man” hay “giả mạo hồ sơ” là từ việc không có, nhưng khai có hoặc lập khống thủ tục, còn trường hợp bà Phạm Thị M có tham gia và bị thương như nhận định nêu trên là có thật. Mặt khác, Kết luận thanh tra chỉ tập trung xoay quanh việc chữ ký của ông Hoàng Xích T là không đúng, nhưng không kết luận người nào đã giả chữ ký của ông Hoàng Xích T, lời khai ông T rất mâu thuẩn, khi thì xác nhận bà M có bị thương, lúc lại không biết, sau khi đã có Kết luận thanh tra, ngày 10/02/2017 ông T lại tiếp tục ký Giấy xác nhận bà M bị 02 vết thương trong trận Mỹ ném bom ngày 10/6/1967 và được UBND xã N chứng thực chữ ký của ông T (Bút lục số 54). Xét thấy: Việc xác nhận trường hợp bà M bị thương chỉ là một loại thủ tục, có thể do bất kỳ một người nào là đồng đội cũ, có tham gia hoạt động Cách mạng cùng thời, có chứng kiến và biết rõ trường hợp bị thương của bà M là có thể bổ sung thay cho Giấy xác nhận của ông Hoàng Xích T nhưng kết luận thanh tra đã chỉ căn cứ vào Giấy xác nhận của ông T, bỏ qua ý kiến, lời trình bày của những người làm chứng khác là thiếu khách quan, không đúng với bản chất của sự việc, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà M. Mặt khác, về trách nhiệm lập hồ sơ, theo quy định tại mục III, Phần B Thông tư liên tịch số: 16/1998/TTLT-BLĐTBXH-BQP-BCA ngày 25/11/1998; Mục II, Thông tư liên tịch số: 27/1999/TT-BLĐTBXH ngày 03/11/1999 cũng như quy định tại Mục V, Thông tư số 07/2006/TT-BLĐTBXH ngày 26/7/2006 của Bộ LĐ-TBXH đều quy định về trách nhiệm lập, thẩm định hồ sơ, thủ tục đối với đối tượng ưu đãi là thuộc về các cơ quan Nhà nước. Các thủ tục, hồ sơ của bà M đã được UBND xã N xác nhận, các cơ quan chuyên môn, UBND thành phố Đ, Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Bình xem xét, thẩm định trước khi ban hành quyết định cấp chế độ ưu đãi cho bà M, trách nhiệm về sai sót thủ tục, hồ sơ cấp chế độ cho bà M thuộc về các cơ quan Nhà nước, bà M không có lỗi.
Thế nhưng, Giám đốc Sở LĐTB và XH tỉnh Quảng Bình đã căn cứ vào nội dung Kết luận thanh tra nêu trên để ban hành Quyết định số 1399/QĐ-SLĐTBXH ngày 11/4/2018 về việc đình chỉ chế độ và truy thu số 104.939.100 đồng đối với bà M là không có cơ sở.
Bà M đã có đơn khiếu nại, ngày 15/6//2018, Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Bình có quyết định giải quyết khiếu nại số 3493/QĐ-SLĐTBXH về việc không chấp nhận khiếu nại của bà M là không đúng pháp luật. Sau đó, bà M tiếp tục khiếu nại lên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành quyết định số 4200/QĐ-UBND Ngày 30/11/2018 về việc tiếp tục không chấp nhận khiếu nại của bà M. Việc giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, sau khi thẩm tra, xác minh, đối thoại (02 lần không được) đã kết luận hồ sơ của bà M thiết lập không đúng do mạo danh chữ ký ông Hoàng Xích T, các người làm chứng trình bày không nhất quán, lý lịch bà M không khai bị thương để không công nhận khiếu nại của bà M. Xét thấy: Như đã phân tích đã nêu ở trên, có đủ căn cứ xác định bà M có bị thương, việc lập hồ sơ hưởng chế độ không thuộc trách nhiệm của bà M, không có căn cứ quy kết bà M giả mạo chữ ký của ông T, vì vậy Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình bác đơn khiếu nại của bà M là không đúng pháp luật, không đúng với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.
Theo tinh thần và nội dung của Pháp lệnh ưu đã người có công với cách mạng ngày 29/6/2005 và các văn bản hướng dẫn thực hiện, thi hành mà đặc biệt là Thông tư số 27/1999/TT-BLĐTBXH ngày 03/11/1999 của Bộ LĐTBXH là nhằm ghi nhận, có chế độ ưu đãi đối với người đã có công với cách mạng hoặc thân nhân của họ, đòi hỏi khi tổ chức thực hiện phải xác định đúng người, đúng sự thật khách quan của sự việc trước đây để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền lập thủ tục, bổ sung thủ tục nhằm giải quyết, cấp chế độ dúng đối tượng được hưởng.
Đối với một số quyết định hành chính khác của UBND thành phố Đ có liên quan như Công văn 639/UBND-LĐTBXH ngày 03/4/2018 về việc thu hồi Giấy chứng nhận bị thương của bà Phạm Thị M. Xét thấy việc đình chỉ, thu hồi các chế độ ưu đãi đối với bà Phạm Thị M thuộc thẩm quyền của Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Bình, trong lúc Sở LĐTB&XH tỉnh chưa có quyết định đình chỉ chế độ ưu đãi đối với bà M nhưng UBND thành phố Đ đã ban hành Công văn 639/UBND- LĐTBXH, (trước quyết định của Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Bình 08 ngày), đối với Công văn số 1312/UBND-LĐTBXH ngày 05/7/2019 của UBND thành phố Đ, trong lúc bà bà Phạm Thị M đang khởi kiện các quyết định hành chính của Sở LĐTB&XH và của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, chưa có Bản án có hiệu lực pháp luật nhưng UBND thành phố Đ đã ban hành công văn số 1312/UBND- LĐTBXH thì đều không đúng pháp luật. Tuy nhiên, các quyết định hành chính nói trên của UBND thành phố Đ là cơ quan hành chính cấp dưới, lệ thuộc vào việc xem xét các Quyết định hành chính đang bị khởi kiện. Do các Quyết định hành chính của Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Bình và Quyết định hành chính của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình bị Hội đồng xét xử hủy. Vì vậy, yêu cầu UBND Thành phố Đ, tỉnh Quảng Bình thu hồi và hủy toàn bộ các văn bản, quyết định hành chính lệ thuộc có liên quan đến việc đình chỉ, thu hồi chế độ đối với bà Phạm Thị M.
Với những nhận định nêu trên xét thấy tại Bản án hành chính sơ thẩm số 05/2019/HC-ST ngày 29/8/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Phạm Thị M là không đúng pháp luật. Do vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa toàn bộ Bản án hành chính sơ thẩm, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Phạm Thị M, hủy các Quyết định số: 1399/QĐ- SLĐTBXH ngày 11/4/2018 của Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Bình “Về việc đình chỉ chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng”; Quyết định số:
3493/QĐ-SLĐTBXH ngày 15/6/2018 của Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Bình, “Về việc giải quyết khiếu nại đối với bà Phạm Thị M” (lần đầu); Quyết định số: 4200/QĐ-UBND ngày 30/11/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình “Về việc giải quyết khiếu nại đối với bà Phạm Thị M” (lần hai).
Về án phí hành chính sơ thẩm: Do sửa bản án hành chính sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện nên người bị kiện Giám đốc Sở LĐTB&XH và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình phải chịu án phí hành chính sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
Về án phí hành chính phúc thẩm: Do chấp nhận yêu cầu khởi kiện và kháng cáo nên bà M không phải chịu.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ: Khoản 2 Điều 241 Luật Tố tụng hành chính.
Chấp nhận kháng cáo của bà Phạm Thị M, sửa toàn bộ Bản án hành chính sơ thẩm số 05/2019/HC-ST ngày 29/8/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình Áp dụng: Điều 19; 20; 43 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng ngày 29 tháng 6 năm 2005 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội; Mục 4, Nghị định số 28/CP ngày 29/4/1995 của Chính phủ.Thông tư liên tịch số 16/1998/TTLT- BLĐTBXH-BQP-BCA ngày 25/11/1998 của Bộ lao động Thương binh Xã hội, Bộ quốc phòng, Bộ công an; Thông tư liên tịch số 27/1999/TT-BLĐTBXH ngày 03/11/1999 của Bộ lao động Thương binh Xã hội. Mục 6, Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26/5/2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Thông tư số: 07/2006/TT- BLĐTBXH ngày 26/7/2006 của Bộ Lao động Thương binh Xã hội đều hướng dẫn về hồ sơ, lập hồ sơ thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.
-Tuyên xử: Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Phạm Thị M, hủy các Quyết định hành chính số: 1399/QĐSLĐTBXH ngày 11/4/2018 của Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Bình “Về việc đình chỉ chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng”; Quyết định số: 3493/QĐ-SLĐTBXH ngày 15/6/2018 của Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Bình, “Về việc giải quyết khiếu nại đối với bà Phạm Thị M” (lần đầu); Quyết định số: 4200/QĐ-UBND ngày 30/11/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình “Về việc giải quyết khiếu nại đối với bà Phạm Thị M” (lần hai).
-Yêu cầu UBND thành phố Đ, tỉnh Quảng Bình thu hồi và hủy toàn bộ các văn bản, quyết định hành chính lệ thuộc có liên quan đến việc đình chỉ, thu hồi chế độ đối với bà Phạm Thị M. Cụ thể: Văn bản số: 639/UBND-LĐTBXH ngày 03/4/2018 của UBND thành phố Đ “Về việc thu hồi giấy chứng nhận bị thương của bà Phạm Thị M”; Văn bản số: 1312/UBND-LĐTBXH ngày 05/7/2019 của UBND thành phố Đ “Về việc thu hồi trợ cấp đã hưởng sai quy đinh theo Quyết định số: 1399/QĐ-SLĐTBXH ngày 11/4/2018 của bà Phạm Thị M ở xã Nghĩa Hành”.
Về án phí hành chính sơ thẩm: Áp dụng Điều 32 Nghị quyết 326/NQ- UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí và lệ phí Tòa án, Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Bình phải chịu 300.000 đồng án phí hành chính sơ thẩm, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình phải chịu 300.000 đồng án phí hành chính sơ thẩm.
Về án phí hành chính phúc thẩm: Bà Phạm Thị M không phải chịu.
Bản án hành chính phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về khởi kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực chính sách (chế độ ưu đãi cho người có công với cách mạng) số 27/2020/HC-PT
Số hiệu: | 27/2020/HC-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hành chính |
Ngày ban hành: | 27/02/2020 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về