TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 989/2022/HC-PT NGÀY 27/12/2022 VỀ KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH ĐÌNH CHỈ TRỢ CẤP ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VÀ QUYẾT ĐỊNH GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI
Ngày 27 tháng 12 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án hành chính thụ lý số 476/2022/TLPT-HC ngày 12 tháng 8 năm 2022 về việc “Khiếu kiện quyết định về việc đình chỉ trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng và quyết định giải quyết khiếu nại”. Do Bản án hành chính sơ thẩm số 56/2021/HC-ST ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Toà án nhân dân tỉnh Kiên Giang bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 2225/2022/QĐ-PT ngày 10 tháng 11 năm 2022, giữa các đương sự:
1. Người khởi kiện: Ông Trần Thanh T (tên gọi khác: Trần Văn C), sinh năm 1953 (có mặt).
Địa chỉ: xã Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Trần Thanh T (Trần Văn C): Luật sư Trần Song T1 - Văn phòng Luật sư Song Thắng thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Kiên Giang (vắng mặt).
Địa chỉ: phường Vĩnh Thanh, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.
2. Người bị kiện:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Thanh N, chức vụ: Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang (vắng mặt, có đơn xin vắng mặt).
Địa chỉ: phường Vĩnh Thanh, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang: Bà Lư Thị Trang Đ, chức vụ: Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Kiên Giang (vắng mặt, có đơn xin vắng mặt).
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Công Trứ, phường Vĩnh Thanh, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.
2. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang: Ông Đặng Hồng S (vắng mặt, có đơn xin vắng mặt).
Địa chỉ: Số 249 đường Nguyễn Trung Trực, phường Vĩnh Bảo, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.
3. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Ủy ban nhân dân huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Công T2, chức vụ: Chủ tịch UBND huyện An Biên.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Minh T3, chức vụ: Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và xã hội huyện An Biên (vắng mặt, có đơn xin vắng mặt).
Địa chỉ: Khu phố 3, thị trấn Thứ Ba, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang.
4. Người kháng cáo: Người bị kiện Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án, người khởi kiện và người đại diện theo ủy quyền của người khởi kiện trình bày:
Năm 1973 ông Trần Thanh T tham gia du kích ấp Đông Quý, xã Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. Vào ngày 05/10/1973 ông được xã Đội Đông Thái rút lên để bao vây Đồn Thứ Bảy. Trong lúc bao vây Đồn Thứ Bảy thì bị máy bay địch bỏ bom sụp hầm, ông bị 03 vết thương trên đầu, một vết trên trán, một vết trên vai, một vết tay phải, một vết bên hông. Ngày 30/10/2000, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện An Biên cấp Giấy chứng nhận bị thương số 10/2000/GCN, Hội đồng y khoa tỉnh Kiên Giang xác định tỷ lệ thương tật của ông 41%. Đến ngày 01/02/2001 Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Quyết định số 29 về việc cấp giấy chứng nhận và trợ cấp ưu đãi thương binh cho ông.
Năm 2016, do có đơn tố cáo cho rằng việc trợ cấp thương binh cho ông là không đúng nên ngày 19/6/2017 Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Quyết định số 6899/QĐ-LĐTBXH về việc đình chỉ trợ cấp và thu hồi quyền lợi thương binh đối với ông. Trong đó, có thu hồi số tiền trợ cấp 72.692.000 đồng (từ ngày 01/12/2000 đến ngày 30/02/2017) do ông hưởng sai quy định (ông không bị thương).
Ông không đồng ý với Quyết định số 6899/QĐ-LĐTBXH ngày 19/6/2017 của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nên ông làm đơn khiếu nại đến Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang.
Ngày 20/12/2017, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội ban hành Quyết định số 13577/QĐ-LĐTBXH giải quyết khiếu nại của ông, nội dung quyết định: Bác đơn khiếu nại của ông do không có tình tiết mới và giữ nguyên Quyết số 6899/QĐ-LĐTBXH ngày 19/6/2017 về việc đình chỉ trợ cấp và thu hồi thương binh đối với ông.
Không đồng ý với 02 quyết định trên nên ông tiếp tục khiếu nại đến Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang.
Ngày 15/8/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên ban hành Quyết định số 1824/QĐ- UBND về việc giải quyết khiếu nại của ông Trần Thanh T nội dung công nhận và giữ nguyên Quyết định số 13577/QĐ-LĐTBXH ngày 20/12/2017 của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang về việc giải quyết khiếu nại của ông Trần Thanh T.
Nhận thấy các quyết định nêu trên của Giám đốc sở Lao động - Thương binh và xã hội và Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang là không đúng thực tế, vì những người tố cáo ông không đúng, không biết rõ về giai đoạn hoạt động cách mạng của ông vào năm 1973, những người được triệu tập làm chứng không đúng đối tượng và lời khai không đúng thực tế. Vì vậy làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông.
Nay ông khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết những vấn đề sau:
1. Hủy Quyết định số 1824/QĐ-UBND ngày 15/8/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang (Quyết định số 1824);
2. Hủy Quyết định số 6899/QĐ-LĐTBXH ngày 19/6/2017 của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang (Quyết định số 6899);
3. Hủy Quyết định số 13577/QĐ-LĐTBXH ngày 20/12/2017 của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang (Quyết định số 13577);
4. Buộc khôi phục lại các trợ cấp thương binh cho ông theo đúng quy định của pháp luật.
Người bị kiện Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang trình bày ý kiến:
Theo hồ sơ thương binh xác lập năm 2000 thể hiện: Ông Trần Thanh T (tên gọi khác là Trần Văn C) sinh năm 1953, tham gia cách mạng năm 1970 là du kích xã Đông Thái, huyện An Biên; Bị thương trong lúc bao vây Đồn Thứ Bảy ngày 05/10/1973 (chức vụ lúc bấy giờ là Trung đội phó, xã đội Đông Thái - An Biên) và được 02 nhân chứng xác nhận trong hồ sơ là ông Lê Chí T4 (nguyên xã Đội trưởng, xã Đông Thái thời điểm từ năm 1972-1976) và ông Nguyễn Xuân T5 (nguyên xã Đội phó, xã Đông Thái thời điểm từ năm 1970-1974); UBND huyện An Biên cấp Giấy chứng nhận bị thương số 10/2000/GCN vào ngày 30/10/2000; Hội đồng Giám định y khoa tỉnh Kiên Giang xác định tỷ lệ thương tật của ông T là 41% (tại Biên bản số 17/GĐ.YK-TT ngày 05/12/2000). Sau đó, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Sở LĐ-TB&XH) ra Quyết định số 29 (KG.8258) ngày 01/02/2001, về việc cấp giấy chứng nhận và trợ cấp ưu đãi thương binh đối với ông Trần Thanh T.
Đến năm 2017, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang ban hành Quyết định số 6899/QĐ-LĐTBXH ngày 19/6/2017, về việc đình chỉ trợ cấp và thu hồi quyền lợi thương binh đối với ông Trần Thanh T, trong đó có thu hồi số tiền trợ cấp 172.692.000 đồng (từ ngày 01/12/2000 đến ngày 30/02/2017) do ông T hưởng sai quy định.
Ông T không đồng ý làm đơn khiếu nại được Giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang xem xét giải quyết không thừa nhận khiếu nại của ông T. Ông T không đồng ý, tiếp tục khiếu nại đến Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang.
Xét nội dung thừa nhận của ông T tại Biên bản làm việc của Thanh tra tỉnh ngày 27/02/2018, cụ thể: Từ năm 1970 đến 1973, ông làm du kích ấp Đông Quý nhưng thực tế ông vẫn ở nhà chưa được ấp đội giao nhiệm vụ; khoảng cuối năm 1973 ông đến gặp ông Lê Chí T4 (xã đội trưởng xã Đông Thái) và xin ông T4 làm du kích xã Đông Thái (được ông T4 đồng ý); Khoảng 07 ngày sau ông T tham gia bao vây Sư đoàn 21 (không phù hợp với hồ sơ xác lập năm 2000 về địa điểm và chức vụ của ông khi bị thương); đồng thời, ông T có cung cấp thêm 02 nhân chứng biết rõ trường hợp bị thương của ông (gồm ông Phạm Văn H và ông Nguyễn Văn T6); Tuy nhiên, qua làm việc trực tiếp với ông Nguyễn Xuân T5, ông Phạm Văn H và ông Nguyễn Văn T6, kết quả 03 ông này đều xin rút lại việc xác nhận với lý do không biết rõ quá trình tham gia cách mạng của ông T; Còn ông Lê Chí T4 hiện nay đã chết.
Mặt khác, qua xác minh những người dân cố cựu và những người nguyên là du kích, ấp đội phó, ấp đội trưởng ấp Đông Quý, xã đội phó và cán bộ Ban An ninh xã Đông Thái thời điểm từ năm 1971 đến năm 1975 đều xác nhận ông T không có tham gia công tác chung và cũng không biết trường hợp ông T bị thương; Đồng thời tổ chức họp dân ngày 27/02/2017, kết quả các hộ dân đều xác nhận thời điểm trước năm 1975 ông T không có tham gia cách mạng, sau năm 1975 có tham gia du kích ấp được một thời gian rồi nghỉ và ông T không có bao vây Đồn Thứ Bảy, không có bị thương nên đề nghị đình chỉ trợ cấp thương binh đối với ông T.
Do đó, việc ông T xác lập hồ sơ để được cấp giấy chứng nhận và trợ cấp ưu đãi thương binh vào năm 2000 là không phù hợp quy định tại Khoản 1, Điều 27 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP, Mục 1 Thông tư số 27/1999/TT-BLĐTBXH ngày 03 tháng 11 năm 1999 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về hồ sơ công nhận người hưởng chính sách như thương binh, bị thương từ ngày 31/12/1994 trở về trước; nên việc Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, ban hành Quyết định số 1824/QĐ- UBND ngày 15/8/2018 giải quyết công nhận và giữ nguyên nội dung Quyết định số 13577/QĐ-LĐTBXH ngày 20/12/2017 của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là đúng quy định của pháp luật.
Từ cơ sở đã nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang bác đơn khởi kiện của ông Trần Thanh T.
Người bị kiện Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang và người đại diện ông Nguyễn Hoàng Minh trình bày ý kiến:
Ông vẫn giữ nguyên ý kiến của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang tại Công văn số 723/LĐTBXH-TTr ngày 19/4/2019 của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang về việc có ý kiến về đơn khởi kiện của ông Trần Thanh T.
Việc ông Trần Thanh T yêu cầu hủy Quyết định số 1824/QĐ-UBND ngày 15/8/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang và Quyết định số 6899/QĐ- LĐTBXH ngày 19/6/2017 của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Quyết định số 13577/QĐ-LĐTBXH ngày 20/12/2017 của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về việc giải quyết khiếu nại là không có căn cứ. Đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan Ủy ban nhân dân huyện An Biên và người đại diện ông Nguyễn Minh T3 trình bày ý kiến:
Qua nghiên cứu các văn bản giải quyết khiếu nại của ông Trần Thanh T Phòng Lao động - Thương binh và xã hội huyện An Biên hoàn toàn thống nhất việc giải quyết theo Quyết định số 1824/QĐ-UBND ngày 15/8/2018 của UBND tỉnh Kiên Giang kết luận: Việc Giám đốc Sở Lao động - Thường binh và Xã hội ban hành Quyết định số 6899/QĐ-LĐTBXH ngày 19/6/2017 về việc đình chỉ trợ cấp và thu hồi quyền lợi thương binh đối với ông Trần Thanh T, trong đó có thu hồi số tiền trợ cấp 172.692.000 đồng (từ ngày 01/12/2000 đến ngày 30/02/2017) của ông Trần Thanh T là đúng quy định tại Khoản 1, Điều 66, Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Vì việc xác lập hồ sơ để được cấp giấy chứng nhận và trợ cấp ưu đãi thương binh vào năm 2000 của ông Trần Thanh T là không phù hợp quy định tại Khoản 1, Điều 27, Nghị định số 31/2013/NĐ- CP, Mục 1 Thông tư số 27/1999/TT- BLĐXH ngày 03/11/1999 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về hồ sơ công nhận người hưởng chính sách như thương binh, bị thương từ ngày 31/12/1994 trở về trước, lý do: Việc ông Trần Thanh T kê khai trong hồ sơ về địa điểm và chức vụ của ông khi bị thương và được ông Lê Chí T4, ông Nguyên Xuân T5 xác nhận là không đúng thực tế; Quá trình tham gia cách mạng và trường hợp bị thương của ông T không ai biết; Mặt khác, qua làm việc với những nhân chứng do ông T cung cấp đều xin rút lại xác nhận do không biết rõ quá trình tham gia cách mạng của ông T, trong đó có ông Nguyễn Xuân T5 một trong hai nhân chứng xác nhận trong hồ sơ của ông T. Do đó, việc khiếu nại của ông Trần Thanh T là không có cơ sở để xem xét, giải quyết. Đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
Người làm chứng trình bày:
Ông Nguyễn Xuân T5 trình bày: Ông giữ chức vụ xã Đội phó xã Đông Thái, huyện An Biên từ năm 1972-1974, thời điểm này ông Lê Chí T4 là xã Đội trưởng. Vào năm 1973, xã Đội có rút một số du kích ấp đội của xã lên bao vây Đồn Thứ Bảy. Trong đó, có ông Trần Thanh T (Trần Văn C) là du kích ấp Đông Quý được rút lên bao vây Đồn Thứ Bảy và ông T có bị thương là sự thật. Ông biết được việc ông T bị thương là sau khi ông T bị thương thì ông T4 xã Đội trưởng chỉ huy bao vây Đồn Thứ Bảy nói lại khi ông T4 về đơn vị họp ban chỉ huy quân sự. Ông T nói lại vào năm 1973, do đó khi ông T làm hồ sơ thương binh nên ông và ông T4 có xác nhận cho ông T. Ông khẳng định ông T có tham gia bao vây Đồn Thứ Bảy và bị địch bỏ bom bị thương là đúng sự thật. Ông vẫn giữ nguyên lời xác nhận của mình.
Ông Phạm Văn H trình bày: Vào năm 1973, ông là du kích ấp Phú Lâm, xã Đông Thái. Vào năm 1973, ông có bao vây Đồn Thứ Bảy chung với ông T, trong lúc bao vây thì máy bay địch bỏ bom mọi người cùng di chuyển thì ông T bị thương và băng bó vết thương, còn việc điều trị ở đâu và như thế nào thì ông không biết, chỉ biết lúc đó ông T có bị thương. Vì lúc này ông Ba Hoài Tình (Lê Chí T4) xã Đội trưởng yêu cầu ai về vị trí đó nên ông không đưa ông T đi điều trị mà về vị trí chiến đấu.
Ông Nguyễn Tấn Đ trình bày: Trước năm 1973 tôi không biết ông Trần Thanh T. Vào tháng 10/1973 tôi được xã Đội trưởng là ông Lê Chí T4 yêu cầu mỗi ấp cử một số du kích để bao vây Đồn Thứ Bảy. Ông có tham gia Đồn Thứ Bảy, khi bao vây Đồn thì trực thăng của địch đến, lúc này Đồng chí T4 ra lệnh bắn trực thăng không cho tiếp lương thực cho Đồn, trực thăng bỏ bom thì đồng chí T4 yêu cầu rút về nhà ông 5 Hỏi thì đồng chí T bị thương. Đồng chí T4 cử hai đồng chí đưa đồng chí T đi điều trị tại vườn nhà ông Năm N. Ông chỉ biết bấy nhiêu và cam kết lời khai là hoàn toàn đúng sự thật, ông không rút lời khai của mình.
Trong quá trình giải quyết vụ án: Cấp sơ thẩm tiến hành xác minh, ghi lời khai những người tố giác ông T, gồm có 04 người. Qua làm việc cả 04 người này đều xác nhận là họ không tố giác ông T, Việc ông T có bị thương lúc bao vây đồn Thứ Bảy hay không thì họ không biết. Còn một người ký trong đơn tố giác thì đã chết.
Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 56/2021/HC-ST ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Toà án nhân dân tỉnh Kiên Giang đã tuyên xử:
Căn cứ các Điều 30, 32, 116, 193, 194 của Luật Tố tụng hành chính;
Căn cứ Nghị định số 31/2013/NĐ-CP; Mục 1 Thông tư số 27/1999/TT- BLĐTBXH ngày 03 tháng 11 năm 1999 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về hồ sơ công nhận người hưởng chính sách như thương binh, bị thương từ ngày 31/12/1994 trở về trước.
Căn cứ Điều 32 của Nghị Quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ quốc hội quy định về thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí của Tòa án.
Tuyên xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Trần Thanh T.
Hủy Quyết định số 6899/QĐ-LĐTBXH ngày 19/6/2017 của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang về việc đình chỉ trợ cấp và thu hồi quyền lợi thương binh đối với ông Trần Thanh T;
Hủy Quyết định số 13577/QĐ-LĐTBXH ngày 20/12/2017 của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang về việc giải quyết khiếu nại của ông T;
Hủy Quyết định số 1824/QĐ-UBND ngày 15/8/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang về việc giải quyết khiếu nại lần hai của ông Trần Thanh T.
Hủy Quyết định số 3669/QĐ-UBND ngày 07/4/2017 của UBND huyện An Biên về việc thu hồi giấy chứng nhận bị thương đối với ông Trần Thanh T.
2. Kiến nghị Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang làm thủ tục khôi phục lại chế độ thương binh cho ông Trần Thanh T theo quy định pháp luật.
Ngoài ra bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 10/02/2022 người bị kiện Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang có đơn kháng cáo một phần bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm, người bị kiện có người đại diện theo ủy quyền và người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp xin xét xử vắng mặt.
Người khởi kiện ông Trần Thanh T không đồng ý với kháng cáo của người bị kiện.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa phát biểu: Về tố tụng: Từ khi thụ lý đến khi đưa vụ án ra xét xử Tòa án đã tiến hành đúng quy định của pháp luật tố tụng hành chính. Đơn kháng cáo trong hạn luật định và hợp lệ nên được xem xét theo thủ tục phúc thẩm. Về nội dung vụ án: Vị kiểm sát viên cũng phân tích toàn bộ các chứng cứ có thể hiện trong hồ sơ vụ án và xét yêu cầu kháng cáo của người bị kiện Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 241 của Luật Tố tụng hành chính, xử bác yêu cầu kháng cáo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang. Giữ nguyên bản án hành chính sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát, các quy định pháp luật, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về thủ tục tố tụng:
- Đơn kháng cáo của người bị kiện Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang trong hạn luật định nên đủ điều kiện để xem xét, giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.
- Về sự vắng mặt của đương sự: Những người bị kiện và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt, có người đại diện theo ủy quyền, người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp vắng mặt có đơn xin xét xử vắng mặt. Căn cứ Điều 158 của Luật tố tụng hành chính, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt những đương sự nêu trên.
[2] Xét kháng cáo của người bị kiện Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang:
[2.1] Về nội dung vụ án:
Theo hồ sơ thương binh xác lập năm 2000 của Trần Thanh T thể hiện ông Trần Thanh T (tên gọi khác là Trần Văn C), sinh năm 1953, tham gia cách mạng năm 1970 là du kích xã Đông Thái, huyện An Biên. Ngày 05/10/1973, trong lúc bao vây Đồn Thứ Bảy thì bị máy bay bỏ bom sụp hầm, ông T bị thương 03 vết trên đầu, 01 vết trên trán, 01 vết trên vai, 01 vết trên tay phải và 01 vết xương hông. Thời điểm bị thương chức vụ của ông T là Trung đội phó, 02 nhân chứng xác nhận trong hồ sơ thương binh là ông Lê Chí T4 (nguyên Đội trưởng xã Đông Thái thời điểm từ năm 1972-1976 là người phân công ông T tham gia đánh trận bao vây Đồn Thứ Bảy) và ông Nguyễn Xuân T5 (nguyên Đội phó xã Đông Thái từ thời điểm 1970-1974).
Ngày 30/10/2000, UBND huyện An Biên cấp Giấy chứng nhận bị thương số 10/2000/GCN đới với ông T.
Ngày 05/12/2000, Hội đồng giám định y khoa tỉnh Kiên Giang theo Biên bản giám định thương tật, xác định tỷ lệ thương tật của ông T 41% theo quy định tiêu chuẩn thương tật ban hành tại Thông tư liên bộ số 12/TT-LB ngày 26/7/1995.
Ngày 01/02/2001, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang cấp giấy chứng nhận và trợ cấp ưu đãi thương binh đối với ông Trần Thanh T.
Tuy nhiên, đến ngày 27/6/2016 có đơn tố giác của công dân, gồm: Nguyễn Văn P, Trần Văn K, Trần D, Nguyễn Văn U, Lê Văn Đ về việc tố giác ông Trần Thanh T hưởng trợ cấp thương binh không đúng quy định. Qua xác minh giải quyết đơn tố giác, ngày 19/6/2017 Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Quyết định số 6899 về việc đình chỉ trợ cấp và thu hồi quyền lợi thương binh đối với ông T với lý do: Trong kháng chiến chống Mỹ ông Trần Thanh T có tham gia cách mạng được một thời gian ngắn, nhưng không bị thương. Không đồng ý với Quyết định số 6899 nên ông T làm đơn khiếu nại đến Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang. Ngày 20/12/2017 Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội ban hành Quyết định số 13577 giải quyết khiếu nại của ông, nội dung quyết định: Bác đơn khiếu nại của ông do không có tình tiết mới và giữ nguyên Quyết số 6899. Không đồng ý với 02 quyết định trên nên ông T tiếp tục khiếu nại đến Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang. Ngày 15/8/2018 Chủ tịch UBND tỉnh Kiên ban hành Quyết định số 1824 về việc giải quyết khiếu nại của ông Trần Thanh T nội dung công nhận và giữ nguyên Quyết định số 13577.
[2.2] Xét các Quyết định bị kiện:
[2.2.1] Quá trình tham gia kháng chiến của ông Trần Thanh T:
Qua xác minh đơn tố giác và lời khai những người tố giác ông T, gồm Nguyễn Văn P, Trần D, Nguyễn Văn U, Lê Văn Đ đều xác định: Từ trước đến giờ các ông không có tố giác trường hợp trợ cấp thương binh của ông T theo đơn tố giác ngày 27/6/2016, về quá trình tham gia cách mạng và bị thương của ông T thì những người này không biết. Đối với ông Trần Văn K hiện đã chết nên không có lời khai. Do đó đơn tố giác này chỉ là lời trình bày không có gì chứng minh.
Ông Nguyễn Xuân T5, ông Nguyễn Tấn Đ, Nguyễn Văn H, ông Phạm Văn H có lời khai phù hợp với nhau: Vào năm 1973 ông T là du kích ấp Đông Quý, xã Đông Thái được xã Đội Đông Thái rút lên bao vây Đồn Thứ Bảy của địch, lúc bao vây bị máy bom địch bỏ bom, trong trận này ông T có bị thương và điều trị thương tích (ông Đời, ông H trực tiếp chứng kiến và có sự chỉ đạo của ông T4 đưa ông T đi trị thương). Các lời khai này phù hợp với lời khai của ông T.
Ông Lê Chí T4 thời điểm này là xã Đội trưởng xác nhận thương tích cho ông T, ông T5 là xã đội phó xác nhận cho ông T vào năm 1997 để ông làm hồ sơ thương binh. Tại phiên tòa sơ thẩm ông T5 cũng khẳng định việc ông T bị thương là do ông Lê Chí T4 báo lại với ban chỉ huy quân sự xã Đội vào thời điểm năm 1973 nên ông mới xác nhận cho ông T, ông xác định ông T có bao vây Đồn Thứ Bảy và bị thương là sự thật.
Ngoài ra, cấp sơ thẩm có ghi lời khai của một số người dân ở địa phương gồm:
- Bà Trần Thị T7 trú tại ấp Phú Hưởng, xã Đông Thái, bà khai từ nhỏ sống ở địa phương này, vào năm 1973 sau khi ông T bao vây Đồn Thứ Bảy trị thương về nhà thì bà có đến thăm ông T, nhà bà và nhà ông T cách nhau khoảng 700m.
- Ông Đoàn Công L là từ năm 1968 đến 1971 ông là bộ đội tham gia đánh Đồn Thứ Bảy, ông biết ông T có tham gia du kích ấp. Từ năm 1972 đến 1973 ông L tham gia đánh các trận ở huyện Gò Quao, Cần Thơ, khi ông T bị thương thì ông không biết nhưng khi ông về địa phương thì có nghe nói việc ông T bị thương lúc bao vây Đồn Thứ Bảy, ông khẳng định ông T có tham gia cách mạng và có công với đất nước.
Tại cấp sơ thẩm, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang thừa nhận ông T có bao vây Đồn Thứ Bảy và có bị thương.
Từ những cơ sở trên, có căn cứ kết luận ông T có tham gia kháng chiến chống Mỹ và có bị thương là sự thật và ông T đã được Hội đồng giám định y khoa tỉnh Kiên Giang giám định thương tật ngày 05/12/2000 với thương tật 41%.
[2.2.2] Phía người bị kiện cho rằng hồ sơ xác lập trợ cấp ưu đãi thương binh vào năm 2000 cho ông T không phù hợp quy định tại khoản 1, Điều 27 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP; Mục 1 Thông tư số 27/1999/TT-BLĐTBXH ngày 03/11/1999 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về hồ sơ công nhận người hưởng chính sách như thương binh, bị thương từ ngày 31/12/1994 trở về trước vì không đúng về địa điểm và chức vụ của ông khi bị thương. Thời điểm này ông T chỉ là chiến sỹ du kích và tại biên bản làm việc của Thanh tra tỉnh ngày 27/02/2018, cụ thể: Ông T khai nhận từ năm 1970 đến 1973, ông làm du kích ấp Đông Quý, khoảng cuối năm 1973 ông đến gặp ông Lê Chí T4 (xã Đội trưởng xã Đông Thái) và xin ông T4 làm du kích xã Đông Thái (được ông T4 đồng ý); Khoảng 07 ngày sau ông T tham gia bao vây Sư đoàn 21 nên đề nghị ông T làm lại hồ sơ thương binh mới theo quy định.
Hội đồng xét xử xét thấy, trong quá trình làm việc với Thanh tra ông T cho rằng bao vây Sư đoàn 21 nhưng thực tế ông bao vây Đồn Thứ Bảy bị địch phản công bỏ bom. Theo ông giải trình cứ nghĩ máy bay của địch là Sư đoàn 21; Còn ông Nguyễn Xuân T5 khẳng định ông T chỉ bao vây Đồn Thứ Bảy còn Sư đoàn chỉ viện trợ bỏ bom hỗ trợ, chi viện cho lực lượng trong đồn rút lui. Lời khai của ông T5, ông T phù hợp với thực tế khách quan và phù hợp với những người làm chứng khác. Tuy làm việc với Sở Lao động và Thanh tra, ông T có khai không đúng địa điểm như trên là do có sự ngộ nhận.
Hơn nữa, trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, ông T5 khẳng định lời khai của ông trước đây là đúng và không có việc ông T5 rút lại lời xác nhận hồ sơ cho ông T. Ông Lê Chí T4 hiện nay đã chết nên không có lời khai khác. Như vậy, hồ sơ của ông T đã từng được xác nhận của hai người cùng đơn vị xác nhận nên hồ sơ của ông T phù hợp với quy định như nhận định của cấp sơ thẩm là có căn cứ.
Do vậy, Hội đồng xét xử xét thấy Giám đốc sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh Kiên Giang chỉ dựa vào lời tố giác không có căn cứ, không được người có tên trong đơn tố giác thừa nhận và không có tài liệu, chứng cứ, người làm chứng phù hợp khác để chứng minh trường hợp của ông T không phải bị thương khi tham gia bao vây Đồn Thứ Bảy mà đình chỉ trợ cấp và thu hồi quyền lợi thương binh đối với ông T theo Quyết định số 6899 là không có cơ sở, cần thiết phải hủy như nhận định của cấp sơ thẩm là đúng.
Vì Quyết định số 6899 đã bị hủy nên các Quyết định giải quyết khiếu nại gồm Quyết định số 13577, Quyết định số 1824 và Quyết định số 3669/QĐ-UBND ngày 07/4/2017 của UBND huyện An Biên về việc thu hồi giấy chứng nhận bị thương đối với ông Trần Thanh T cũng phải bị hủy theo để khôi phục lại chế độ thương binh cho ông Trần Thanh T theo quy định pháp luật.
Tại phiên tòa phúc thẩm, người bị kiện Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cũng không có cung cấp hay bổ sung thêm tình tiết chứng cứ nào mới để làm cơ sở cho yêu cầu kháng cáo.
Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử xét đơn kháng cáo của người bị kiện Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang là không có cơ sở để chấp nhận. Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận. Giữ nguyên bản án hành chính sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang.
[3] Các Quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
[4] Về án phí: Do kháng cáo không được chấp nhận nên người bị kiện Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang phải chịu án phí hành chính phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 241 của Luật tố tụng Hành chính năm 2015; Áp dụng Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;
- Không chấp nhận kháng cáo của người bị kiện Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang. Giữ nguyên bản án sơ thẩm số 56/2021/HC-ST ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Toà án nhân dân tỉnh Kiên Giang.
Tuyên xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Trần Thanh T.
Hủy Quyết định số 6899/QĐ-LĐTBXH ngày 19/6/2017 của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang về việc đình chỉ trợ cấp và thu hồi quyền lợi thương binh đối với ông Trần Thanh T;
Hủy Quyết định số 13577/QĐ-LĐTBXH ngày 20/12/2017 của Giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang về việc giải quyết khiếu nại của ông T;
Hủy Quyết định số 1824/QĐ-UBND ngày 15/8/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang về việc giải quyết khiếu nại lần hai của ông Trần Thanh T.
Hủy Quyết định số 3669/QĐ-UBND ngày 07/4/2017 của UBND huyện An Biên về việc thu hồi giấy chứng nhận bị thương đối với ông Trần Thanh T.
2. Kiến nghị Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang làm thủ tục khôi phục lại chế độ thương binh cho ông Trần Thanh T theo quy định pháp luật.
3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
4. Án phí hành chính phúc thẩm: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang phải chịu 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) tiền án phí hành chính phúc thẩm được khấu trừ vào số tiền 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 0007155 ngày 21/02/2022 của Cục thi hành án dân sự tỉnh Kiên Giang.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án./.
Bản án 989/2022/HC-PT về khiếu kiện quyết định đình chỉ trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng và quyết định giải quyết khiếu nại
Số hiệu: | 989/2022/HC-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hành chính |
Ngày ban hành: | 27/12/2022 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về