TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI
BẢN ÁN 395/2020/HC-PT NGÀY 17/11/2020 VỀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI
Ngày 17 tháng 11 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử công khai vụ án hành chính thụ lý số 301/2020/TLPT-HC ngày 15 tháng 5 năm 2020, do có kháng cáo của người khởi kiện đối với bản án hành chính sơ thẩm số 146/2019/HC-ST ngày 19 tháng 8 năm 2019 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 8142/2020/QĐ-PT ngày 03 tháng 11 năm 2020 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, vụ án có các đương sự sau:
* Người khởi kiện: Ông B, sinh năm 1950; Trú tại: Thôn Đ, xã T, huyện O, thành phố Hà Nội; có mặt.
Đại diện theo ủy quyền: Bà B1, sinh năm 1953; Trú tại: Thôn Đ, xã T, huyện O, thành phố Hà Nội; có mặt.
* Người bị kiện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; Địa chỉ: Số 79A Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
Đại diện theo ủy quyền: Ông O1 Chức vụ: Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; vắng mặt và có đơn xin xét xử vắng mặt.
* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện O, thành phố Hà Nội; Địa chỉ: Số 153 tổ 3, thị trấn O2, huyện O, thành phố Hà Nội.
Người đại diện theo pháp luật: Ông O3; chức vụ: Chủ tịch UBND huyện O, thành phố Hà Nội; vắng mặt và có đơn xin xét xử vắng mặt.
2. Sở Lao động thương binh xã hội thành phố Hà Nội; Địa chỉ: Số 75 phố O4, quận O5, thành phố Hà Nội.
Người đại diện theo pháp luật: Ông O6; chức vụ: Giám đốc sở Lao đông thương binh xã hội thành phố Hà Nội.
Người đại diện theo ủy quyền: Bà O7; chức vụ: Phó Chánh thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội; vắng mặt và có đơn xin xét xử vắng mặt.
3. UBND xã T, huyện O, thành phố Hà Nội; Địa chỉ: Xã T, huyện O, thành phố Hà Nội.
Người đại diện theo pháp luật: Ông O8; chức vụ: Chủ tịch UBND xã T; vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Tại đơn khởi kiện và quá trình tham gia tố tụng, ông B trình bày: Bố đẻ ông là ông V cùng 23 người khác là du kích bị địch hun hầm chết vào ngày 04/10/1949 tại xã T. Từ năm 1995, hồ sơ của ông V đã được Đảng, chính quyền, đoàn thể xã T họp, xét, lập biên bản đề nghị Nhà nước công nhận ông V là liệt sĩ. Biên bản đề ngày 12/1/1996 là cơ sở pháp lý để công nhận ông V là liệt sĩ. Hồ sơ của ông V có 4 nhân chứng lịch sử đã công nhận ông V là du kích thôn Đ hy sinh trong chiến đấu. Đây là những người lãnh đạo du kích thôn Đ trực tiếp giao nhiệm vụ cho ông V, đã chứng nhận từ năm 1995. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội (tại Quyết định 5556/QĐ- UBND ngày 11/8/2017) đã cho rằng xác minh 4 người viết xác nhận trong hồ sơ của ông V đều là dân thường là không đúng thực tế vì họ đều là du kích hoạt động từ năm 1949. Ông có bút tích chứng minh là cuốn Lịch sử đấu tranh Cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã T; trích trong cuốn lịch sử làng Đ; cuốn “Làng tôi” thì họ đều là du kích hoạt động từ năm 1949.
Tại trang 4 Quyết định 5556/QĐ-UBND ngày 11/8/2017 ghi “Ông Z đầu thú” là không đúng. Ông Z được Nhà nước tặng kỷ niệm chương “Đã nêu cao tinh thần kiên trung, bất khuất đã góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc”.
Tại trang 5 Quyết định 5556/QĐ-UBND ngày 11/8/2017 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nêu sự kiện ngày 04/10/1949 có 23 du kích hy sinh, chỉ có 2 du kích được suy tôn là liệt sỹ. Thực tế có 5 du kích được suy tôn là liệt sỹ. Ông B khẳng định Đảng, chính quyền, đoàn thể xã T họp, xét, lập biên bản đề nghị Nhà nước công nhận ông V là liệt sĩ, biên bản đề ngày 12/01/1996 là cơ sở pháp lý không ai có thể đảo ngược được.
Hội nghị ngày 14/8/1997 cho rằng hồ sơ của ông V không đủ điều kiện công nhận liệt sỹ. Biên bản giả tạo không đủ 3 con dấu, không có cơ sở pháp lý.
Sự hy sinh của ông V cũng như sự hy sinh của Ông N1, Ông N2. Họ cùng là du kích thôn Đ, cùng chiến đấu chống càn lại hy sinh cùng một hầm hào chiến đấu, cùng giờ, ngày, tháng, năm, người thì được công nhận là liệt sỹ, người thì không được công nhận là liệt sỹ là bất công với chính đồng đội của ông V.
Quyết định số 54/QĐ-UBND ngày 13/1/2017 của Chủ tịch UBND huyện O đã sai nhưng Quyết định 5556/QĐ-UBND ngày 11/8/2017 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lại còn sai hơn. Từ những căn cứ nêu trên ông đề nghị Tòa hủy Quyết định 5556/QĐ-UBND ngày 11/8/2017 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.
Đại diện theo ủy quyền của người bị kiện trình bày:
Ông B có đơn xác nhận là liệt sĩ đối với bố đẻ là ông V hy sinh thời kỳ kháng chiến chống pháp được Ban Tiếp công dân thành phố chuyển theo Công văn số 2228632/9/BTCD-XIĐ ngày 12/8/2016. Ngày 19/9/2016, UBND huyện O ban hành Công văn số 1189/UBND-LĐTBXH về trả lời đơn của ông B trú tại thôn Đ, xã T, căn cứ vào các tài liệu hồ sơ chứng cứ liên quan, nội dung đơn của ông B đề nghị xác nhận liệt sĩ đối với bố đẻ là ông V hy sinh thời kỳ kháng chiến chống pháp là không đủ điều kiện để xác nhận liệt sĩ.
Ngày 26/9/2016, ông B gửi đơn khiếu nại văn bản số 1189/UBND-LĐTBXH ngày 19/9/2016 của Chủ tịch UBND huyện O. Ngày 13/01/2017, Chủ tịch UBND huyện O ban hành Quyết định số 54/QĐ-UBND về việc giải quyết khiếu nại của ông B, trú tại thôn Đ, xã T, O, Hà Nội. Quyết định giữ nguyên nội dung trả lời theo văn bản số 1189/UBND-LĐTBXH ngày 19/9/2016.
Do không đồng ý với Quyết định số 54/QĐ-UBND ngày 13/01/2019 của Chủ tịch UBND huyện O, ông B khiếu nại đến Chủ tịch UBND Thành phổ, với các nội dung: Đề nghị thực hiện suy tôn liệt sỹ cho ông V theo biên bản ngày 12/01/1996 của xã T; không đồng ý với kết quả hội nghị ngày 14/8/1997, căn cứ nào để tổ chức hội nghị này; các hồ sơ không đủ điều kiện UBND xã có trách nhiệm thông báo đến các đối tượng đề nghị; Việc Ông N1, Ông N2 cùng điều kiện như ông V thì được công nhận liệt sỹ còn ông V thì chưa được; trước năm 1996 UBND xã T thông báo cho gia đình ông đưa phần mộ của ông V vào nghĩa trang liệt sỹ của xã nhưng gia đình ông không đưa vào nghĩa trang.
Ngày 04/04/2017, Sở Lao Động thương binh và Xã hội báo cáo với UBND Thành phố về kết quả xác minh nội dung khiếu nại lần 2 và Quyết định số 2090/QĐ- UBND giao Sở Lao Động Thương binh và Xã hội xác minh nội dung khiếu nại của ông B. Ngày 09/06/2017, Sở Lao động Thương binh và Xã hội báo cáo với UBND Thành phố về kết quả xác minh nội dung khiếu nại của ông B tại văn bản số 1654/BC-LĐTBXH. Cụ thể như sau:
Nội dung thứ nhất: Biên bản ngày 12/01/1996, được UBND xã T lập và đề nghị suy tôn liệt sỹ cho ông V là không đúng với thực tế (UBND xã không tổ chức họp xét duyệt đề nghị xác nhận liệt sỹ, không tổ chức xác minh và chỉ lập Biên bản theo đơn đề nghị của gia đình ông B; Không có hồ sơ tài liệu nào chứng minh ông V là Du kích, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ và mộ của ông V không có trong nghĩa trang liệt sỹ xã T); xác nhận ngày 02/12/1996 của UBND xã T “phần chứng nhận nhân thân trong gia đình liệt sỹ V để xét trợ cấp cấp tuất và giấy chứng nhận gia đình liệt sỹ” là không đúng quy định vì tại thời điểm tháng 12/1996 ông V chưa được công nhận là liệt sỹ, 04 người viết xác nhận cho ông V thì 03 người (ông A, ông A1, ông Z) viết không chính xác chức vụ, nhiệm vụ của bản thân tại thời điểm ông V chết tháng 10/1949, đều không còn là Đảng viên, không tham gia công tác gì; 01 người (ông A3) tại thời điểm tháng 10/1949 có là du kích thôn, nhưng sau đó đầu hàng và đi lính cho địch. Từ những cơ sở trên, việc ông B đề nghị thực hiện suy tôn liệt sỹ cho ông V theo Biên bản ngày 12/01/1996 của xã T là không đúng quy định, không có cơ sở.
Nội dung thứ hai: Việc UBND xã T mở hội nghị xét duyệt đối với các trường hợp đề nghị suy tôn là liệt sỹ, để làm cơ sở báo cáo UBND huyện O là đúng với quy định hiện hành. Biên bản Hội nghị ngày 14/08/1997 xét duyệt các cá nhân có công trong cuộc khánh chiến đã hy sinh nhưng chưa được công nhận là liệt sỹ là đúng với quy định tại Nghị định số 28/CP ngày 29 tháng 4 năm 1995 của Chính Phủ về chế độ ưu đãi người có công với Cách mạng, Thông tư số 22-LĐTBXH/TT ngày 29/08/1995 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn về thủ tục lập và quản lý hồ sơ người có công với Cách mạng. Do vậy, Ông B không đồng ý với nội dung cuộc họp ngày 14/08/1997 là không có cơ sở.
Nội dung thứ ba: Tại buổi làm việc ngày 03/05/2017 với Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội, ông B có ý kiến không khiếu nại nội dung này nữa.
Nội dung thứ tư: Sự kiện ngày 04/10/1949 xảy ra tại xã T có 24 người bị địch hun hầm chết, có người là du kích đang làm nhiệm vụ, có người là dân thường. Tại thời điểm kháng chiến chống Pháp và tổng kết thành tích chống Pháp, xã T, huyện O và các cơ quan nhà nước đã suy tôn ông N1, ông N2 là liệt sỹ; còn 22 người (trong đó có ông V) không được suy tôn liệt sĩ là do tại thời điểm đó những người trực tiếp lãnh đạo, trực tiếp phụ trách công tác kháng chiến ở địa phương không khẳng định 22 người (trong đó có ông V) đủ điều kiện suy tôn là liệt sỹ. Trong hồ sơ liệt sỹ N1 và liệt sỹ N2 không thể hiện cùng điều kiện với ông V, do vậy việc so sánh giữa ông V với Ông N1 và Ông N2 cùng điều kiện là không có cơ sở.
Nội dung thứ năm: Việc ông B nêu trước năm 1996 UBND xã T có thông báo cho gia đình ông để đưa phần mộ của ông V vào nghĩa trang liệt sĩ của xã T có thông báo cho gia đình ông để đưa phần mộ của ông V vào nghĩa trang liệt sĩ của xã, nhưng gia đình ông không đưa vào nghĩa trang; tuy nhiên ông B không đưa ra tài liệu, chứng cứ để khẳng định; UBND xã T cũng không có tài liệu nào thể hiện có sự việc trên, Vì vậy, nội dung khiếu nại này là không có cơ sở.
Từ kết quả xác minh nếu trên, ngày 11/08/2017 UBND Thành phố ban hành Quyết định số 5556/QĐ-UBND về việc giải quyết khiếu nại lần 2 của ông B, kết luận: Công nhận và giữ nguyên nội dung Quyết định số 54/QĐ-UBND ngày 13/01/2017 của UBND huyện O về việc giải quyết khiếu nại của ông B trú tại thôn Đ, xã T, huyện O, thành phố Hà Nội, là đúng.Yêu cầu ông B, UBND xã T thực hiện Quyết định số 54/QĐ-UBND ngày 13/0/2017 của UBND huyện O.Yêu cầu UBND huyện O chỉ đạo UBND xã, Hội đồng xác nhận người có công xã T có văn bản thu hồi “Biên bản đề nghị xác nhận liệt sĩ ngày 12/01/1996”; “Chứng nhận tình hình thân nhân trong gia đình liệt sỹ do UBND xã T ký ngày 02/12/1996” đã nêu ở trên theo thẩm quyền và kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với các tổ chức và các nhân có liên quan về sự việc nêu trên.
*Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:
1.Đại diện Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội có quan điểm: Ông B có đơn đề nghị (ghi ngày 10/01/1996) Ban giải quyết tồn đọng sau chiến tranh, xét công nhận liệt sĩ đối với ông V, kèm theo: + Giấy xác nhận viết tay của 04 người thôn Đ, xã T (Xác nhận ngày 12/2/1995 của Ông A, sinh năm 1919; Xác nhận ngày 01/02/1995 của ông A1, sinh năm 1929; Xác nhận ngày 3/02/1995 của ông Z, sinh năm 1920; Xác nhận ngày 02/02/1995 của ông A3, sinh năm 1929). Cả 04 người viết xác nhận trường hợp của ông V, nay đều đã mất. + Biên bản đề nghị xác nhận liệt sĩ ngày 12/01/1996 của UBND xã T, đề nghị xác nhận liệt sĩ đối với ông V, thành phần gồm: Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND, Chủ tịch UBMTTA xã T, CB Thương binh xã hội xã. Nội dung Biên bản ghi nhận: Ngày tham gia cách mạng tháng 01/1946; hy sinh ngày 4/10/1949; nơi hy sinh: Thôn Đ, xã T; cấp bậc chức vụ: Chiến sĩ du kích xã; thi hài được mai táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã T; kết luận: Nhất trí đề nghị suy tôn đồng chí V là liệt sỹ.+ Chứng nhận tình hình nhân thân trong gia đình liệt sĩ do UBND xã T ghi ngày 02/12/1996.
Sở Lao động Thương binh và Xã hội có văn bản số 1369/LĐTBXH-TTr ngày 19/5/2017 về việc xác minh quá trình công tác và sao lý lịch đảng viên của 04 người viết xác nhận trường hợp ông V. Ngày 25/5/2017 đ/c Bí thư Đảng ủy, đ/c Chủ tịch UBND xã T có văn bản số 22/BC-UBND.
Theo báo cáo số 220/LĐTB&XH ngày 05/12/2016 của Phòng Lao động TBXH huyện O về việc giải quyết đơn của ông B trú tại thôn Đ, xã T cho thấy: Năm 1996, Phòng có nhận được hồ sơ đề nghị suy tôn liệt sỹ của ông V do xã T chuyển đến; sau khi nghiên cứu hồ sơ và kiểm tra xác minh, Ban chỉ đạo UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã T tổ chức hội nghị quân dân chính theo đúng quy định Nghị định số 28/CP ngày 29 tháng 4 năm 1995 của Chính phủ về chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, Thông tư số 22-LĐTBXH/TT ngày 29/8/1995 hướng dẫn của Bộ lao động – Thương binh và xã hội về thủ tục lập và quản lý hồ sơ người có công với cách mạng, tại mục II, Thông tư số 22/LĐTBXH-TT quy định về thủ tục hồ sơ, tại điểm 3, tiết 2 ghi: “Đối với dân quân du kích, tự vệ, cán bộ xã, phường, nhân dân: do Ủy ban nhân dân cấp huyện, quận và tương đương cấp.” Thành phần Hội nghị xét duyệt ngày 14/8/1997: Huyện O, xã T, thôn Đ (ông X nguyên bí thư Đảng bộ, ông X1 nguyên phó Chủ tịch UBND xã “Chủ tọa hội nghị”, bà X2 nguyên cán bộ Lao động TBXH, ông X3 nguyên ủy viên UBND xã, ông X4 nguyên cán bộ của huyện đội O, bà X5 nguyên trưởng thôn Đ, ông X6 nguyên bí thư chi bộ thôn Đ…). Kết quả hội nghị: Đề nghị lập hồ sơ để suy tôn 06 trường hợp là liệt sĩ; 02 trường hợp không đủ điều kiện suy tôn liệt sĩ, trong đó có ông V.
Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội trình bày các nội dung liên quan đến việc xác minh, giải quyết khiếu nại đồng thời thể hiện quan điểm như người bị kiện, đề nghị giữ nguyên quyết định bị khởi kiện.
2. Ý kiến của UBND huyện O:
- Nội dung Ông B cho rằng văn bản ngày 12/01/1996 không đủ điều kiện để suy tôn, do xác minh các nội dung trong biên bản ngày 12/01/1996 là không chính xác. Về phần mộ ông V không có trong nghĩa trang liệt sỹ xã T. Về chiến sỹ du kích: Trong lịch sử đảng bộ xã T và các hồ sơ tài liệu khác không có tài liệu nào ghi nhận ông V là du kích. Ngày 20/11/2016, Tổ xác minh đã làm việc với ông X3 và ông X3 là bí thư và chủ tịch xã T người đã ký và đóng dấu tổ chức cuộc họp ngày 12/01/1996, ông X2 và ông X3 xác nhận xã T không tổ chức cuộc họp ngày 12/01/1996, mà xã chỉ lập biên bản theo đơn đề nghị của gia đình ông B.
- Hội nghị xét duyệt cá nhân có công trong cuộc kháng chiến đã hy sinh nhưng chưa được công nhận là liệt sỹ ngày 14/8/1997. Thành phần: Huyện O, Đảng ủy, UBND xã T, và 05 trưởng thôn có cá nhân trong danh sách xét duyệt. Kết quả hội nghị: Đề nghị lập hồ sơ để suy tôn 06 trường hợp là liệt sĩ; 01 trường hợp đề nghị xem xét thêm; 02 trường hợp không đủ điều kiên suy tôn liệt sĩ, trong đó có ông V. Biên bản ngày 14/8/1997 có 02 dấu (UBND xã và Đảng ủy xã T).
- Năm 2000, xã T tiếp tục tổ chức họp xem xét đề nghị những người được suy tôn, trong đó hội nghị ghi nhận 02 người (không nằm trong số 22 còn lại nêu trên) đủ điều kiện suy tôn là liệt sĩ (không có tên ông V).
3. Ý kiến của UBND xã T: Xã đã làm việc với nguyên chủ tịch, bí thư xã căn cứ đơn đề nghị của gia đình, không tổ chức hội nghị họp ngày 12/01/1996, xã chỉ lập Biên bản theo đơn đề nghị của gia đình. Sau khi UBND huyện O chỉ đạo rà soát, UBND xã đã họp xét tồn đọng ngày 14/8/1997, hội nghị có đầy đủ các thành phần, tại hội nghị ông V chưa được đề nghị suy tôn liệt sĩ vì không đủ điều kiện.
Tại Bản án Hành chính sơ thẩm số 146/2019/HCST ngày 19 tháng 8 năm 2019 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội quyết định:
Căn cứ điều 30, điểm a khoản 2 điều 116, điều 158; điểm a khoản 2 điều 193, các điều 194, 204, 206 Luật Tố tụng hành chính; Căn cứ Pháp lệnh số: 02/2020/UBTVQH14, Luật tổ chức Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; Căn cứ điểm đ khoản 1 điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH 14 ngày 20/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội;
Xử: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông B về yêu cầu tuyên hủy Quyết định số 5556/QĐ-UBND ngày 11/8/2017 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về việc giải quyết khiếu nại của ông B, thôn Đ, xã T, huyện O, Hà Nội (lần 2).
Ngoài ra Tòa án án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Sau khi xét xử, Ông B có đơn kháng cáo đề nghị xem xét hủy quyết định 5556/QĐ-UBND ngày 11/8/2017 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội để hồ sơ củaông V được Nhà nước công nhận là liệt sỹ.
* Tại phiên toà phúc thẩm, người khởi kiện giữ nguyên nội dung kháng cáo, đề nghị Hủy quyết định 5556 và đề nghị công nhận Biên bản đề nghị xác nhận liệt sĩ ngày 12/01/1996 của UBND xã T và lời chứng của 04 người (có tại hồ sơ); đây là căn cứ pháp lý để suy tôn ông V là liệt sỹ.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội sau khi phân tích các nội dung kháng cáo đề nghị bác kháng cáo của ông B, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1]Về tố tụng: Ông B khởi kiện đề nghị hủy Quyết định số 5556/QĐ-UBND ngày 11/8/2017 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về việc giải quyết khiếu nại của Ông B (gọi tắt là Quyết định 5556)– Đây là Quyết định giải quyết khiếu nại (lần 2) đối với Quyết định số 54/QĐ–UBND ngày 13/01/2017 của Ủy ban nhân dân huyện O về việc giải quyết khiếu nại (lần đầu) của Ông B (với nội dung đề nghị thực hiện suy tôn liệt sỹ cho ông V...). Tòa án sơ thẩm xác định đối tượng khởi kiện là Quyết định 5556 và xem xét các quyết định có liên quan là đúng quy định tại Điều 3, Điều 30 Luật tố tụng hành chính.
- Tại phiên tòa phúc thẩm vắng mặt người bị kiện và một số người có quyền nghĩa vụ liên quan, tuy nhiên đây là phiên tòa mở lần thứ hai, đều đã được tống đạt hợp lệ; các đương sự có mặt đều đề nghị tiếp tục xét xử nên việc tiến hành phiên tòa phúc thẩm đảm bảo quy định tại Điều 225 Luật tố tụng hành chính.
[2] Nội dung và trình tự khiếu nại:
[2.1]Năm 1996, Ông B có đơn đề nghị Ban giải quyết tồn đọng sau chiến tranh, xét công nhận liệt sĩ đối với ông V (có các tài liệu kèm theo gồm: Giấy xác nhận viết tay của 04 người thôn Đ là Ông A, ông A1, ông Z, ông A3); Biên bản đề nghị xác nhận liệt sĩ ngày 12/01/1996 của UBND xã T; Chứng nhận tình hình nhân thân trong gia đình liệt sĩ do UBND xã T ghi ngày 02/12/1996). Sau khi nghiên cứu hồ sơ và kiểm tra xác minh, Ban chỉ đạo thực hiện pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng của huyện O chỉ đạo UBND xã T tổ chức Hội nghị quan dân chính. Theo kết quả Hội nghị xét duyệt cá nhân có công trong cuộc kháng chiến đã hy sinh nhưng chưa được công nhận là liệt sỹ ngày 14/8/1997: Đề nghị lập hồ sơ để suy tôn 06 trường hợp là liệt sĩ; 01 trường hợp đề nghị xem xét thêm; 02 trường hợp không đủ điều kiên suy tôn liệt sĩ, trong đó có ông V. Sau hội nghị, các hồ sơ đủ điều kiện được niêm yết công khai sau đó chuyển về huyện; các hồ sơ không đủ điều kiện UBND xã thông báo cho người đề nghị.
Ông B tiếp tục có đơn đề nghị xem xét; UBND xã T đã có công văn trả lời ngày 29/11/2013; phòng Lao động TB &XH huyện có công văn trả lời số 253/LĐTB& XH ngày 03/11/2014; sở Lao động TB & XH thành phố Hà Nội có công văn trả lời số 62/ SLĐTB & XH ngày 26/4/2014. Ngày 12/8/2016, Ông B tiếp tục có đơn đề nghị xác nhận là liệt sĩ đối với bố đẻ là ông V hy sinh thời kỳ kháng chiến chống pháp. Ngày 19/9/2016, UBND huyện O ban hành Công văn số 1189/UBND- LĐTBXH về trả lời đơn của ông B trú tại thôn Đ, xã T, căn cứ vào các tài liệu hồ sơ chứng cứ liên quan, nội dung đơn của ông B đề nghị xác nhận liệt sĩ đối với bố đẻ là ông V hy sinh thời kỳ kháng chiến chống pháp là không đủ điều kiện để xác nhận liệt sỹ.
Ngày 26/9/2016, ông B gửi đơn khiếu nại văn bản số 1189/UBND -LĐTBXH ngày 19/9/2016 của Chủ tịch UBND huyện O. Ngày 13/01/2017, Chủ tịch UBND huyện O ban hành Quyết định số 54/QĐ-UBND về việc giải quyết khiếu nại của ông B, trú tại thôn Đ, xã T, O, Hà Nội. Quyết định giữ nguyên nội dung trả lời theo văn bản số 1189/UBND-LĐTBXH ngày 19/9/2016.
Do không đồng ý với Quyết định số 54/QĐ-UBND ngày 13/01/2019 của Chủ tịch UBND huyện O, ông B khiếu nại đến Chủ tịch UBND Thành phố, với các nội dung: Đề nghị thực hiện suy tôn liệt sỹ cho ông V theo biên bản ngày 12/01/1996 của xã T; không đồng ý với kết quả Hội nghị ngày 14/8/1997, việc Ông N1, Ông N2 cùng điều kiện như ông V thì được công nhận liệt sỹ còn ông V thì chưa được; trước năm 1996 UBND xã T thông báo cho gia đình ông đưa phần mộ của ông V vào nghĩa trang liệt sỹ của xã nhưng gia đình ông không đưa vào nghĩa trang.
[2.2] Xét kháng cáo:
Tại phiên tòa phúc thẩm, Ông B tiếp tục đề nghị hủy quyết định 5556 về nội dung công nhận và giữ nguyên quyết định 54; khẳng định hồ sơ suy tôn Ông B đủ điều kiện do Biên Bản ngày 12/1/1996 và lời chứng của 04 nhân chứng lịch sử đều có giá trị pháp lý. Theo Biên bản ngày 12/01/1996 của UBND xã T đề nghị xác nhận liệt sĩ đối với ông V có nội dung: “Ngày tham gia cách mạng tháng 01/1946, hy sinh ngày 4/10/1949. Nơi hy sinh thôn Đ, xã T. Cấp bậc chức vụ: Chiến sĩ du kích xã, thi hài được mai táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã T. Kết luận: Nhất trí đề nghị suy tôn đồng chí V là liệt sỹ”.
Theo kết quả xác minh tại Biên bản làm việc ngày 29/12/2016 với những người đại diện Đảng ủy, UBND xã ký biên bản ngày 12/01/1996: Ngày 12/01/1996, UBND xã T không tổ chức hội nghị họp xét duyệt đề nghị xác nhận liệt sĩ đối với ông V, không tổ chức xác minh, mà chỉ lập biên bản theo đơn đề nghị của gia đình ông B. Trong cuốn lịch sử đấu tranh Cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã T không có nội dung nào ghi nhận ông V là du kích xã T.
Như vậy, Biên bản ngày 12/01/1996 không đúng với thực tế vì không tổ chức cuộc họp và nội dung biên bản được lập theo đề nghị của gia đình Ông B.
[2.3] Ngày 02/12/1996, UBND xã T xác nhận nội dung phần chứng nhận nhân thân trong gia đình liệt sỹ V để xét trợ cấp cấp tuất và giấy chứng nhận gia đình liệt sỹ nhưng thời điểm tháng 12/1996, ông V chưa được công nhận là liệt sỹ nên nội dung xác nhận là không phù hợp.
[2.4] Ngày 25/5/2017, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã T có văn bản số 22/BC-UBND, xác minh quá trình công tác và sao lý lịch đảng viên của 04 người viết xác nhận trường hợp ông V, kết quả (theo hồ sơ lưu trữ) thể hiện: Ông A có thời gian là đảng viên, nhưng đến năm 1949 do chiến tranh quá khốc liệt nên ông Am bỏ Đảng về sống làm người dân bình thường, nên không có lý lịch đảng viên. Tại thời điểm tháng 10/1949, ông A là người dân bình thường, sống cầu an; ông A1 có thời gian là đảng viên, sau đó ông bỏ Đảng đi vào vùng tự do làm nghề bán hàng phở nên không có lí lịch đảng viên. Tại thời điểm tháng 10/1949, ông A1 là người dân bình thường ở tại thôn Đ; ông Z là đảng viên đến năm 1950 do chiến tranh ác liệt quá nên ông đã đầu hàng nên không có lý lịch đảng viên, tại thời điểm tháng 10/1949 ông Đ không hoạt động gì, năm im tại nhà và đầu năm 1950 ông đầu thú; ông A3 là đảng viên, đến cuối năm 1949 ông đầu hàng và đi lính cho giặc nên không có lý lịch đảng viên. Tại thời điểm tháng 10/1949 ông A3 tham gia du kích tại thôn Đ.
[2.5] Theo báo cáo số 220/LĐTB&XH ngày 05/12/2016 của Phòng Lao động TBXH huyện O về việc giải quyết đơn của ông B cho thấy: Biên bản làm việc ngày 14/8/1997 của Hội nghị xét duyệt cá nhân có công trong cuộc kháng chiến đã hy sinh nhưng chưa được công nhận là liệt sĩ, thành phần gồm đại diện huyện O, xã T, thôn Đ. Kết quả hội nghị: Đề nghị lập hồ sơ để suy tôn 06 trường hợp là liệt sĩ; 02 trường hợp không đủ điều kiện suy tôn liệt sĩ, trong đó có ông V.
Như vậy, Hội nghị ngày 14/08/1997 về việc xét duyệt các cá nhân có công trong cuộc khánh chiến đã hy sinh nhưng chưa được công nhận là liệt sỹ được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 28/CP ngày 29 tháng 4 năm 1995 của Chính Phủ về chế độ ưu đãi người có công với Cách mạng; Thông tư số 22-LĐTBXH/TT ngày 29/08/1995 hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về thủ tục lập và quản lý hồ sơ người có công với cách mạng. Do vậy, việc Ông B không đồng ý với nội dung cuộc họp ngày 14/08/1997, cho rằng biên bản này là mập mờ, giả tạo là không có cơ sở.
[2.6] Sự kiện ngày 04/10/1949 xảy ra tại xã T có 24 người bị địch hun hầm chết, có người là du kích đang làm nhiệm vụ, có người là dân thường. Tại thời điểm khánh chiến chống Pháp và tổng kết thành tích chống Pháp, xã T, huyện O và các cơ quan nhà nước đã suy tôn ông N1, ông N2 là liệt sỹ; còn những người khác (trong đó có ông V) không được suy tôn liệt sĩ là do tại thời điểm đó những người trực tiếp lãnh đạo, trực tiếp phụ trách công tác kháng chiến ở địa phương không khẳng định 22 người (trong đó có ông V) đủ điều kiện suy tôn là liệt sỹ.
Trong hồ sơ liệt sỹ N1 và liệt sỹ N2 không thể hiện cùng điều kiện với ông V, do vậy việc so sánh giữa ông V với Ông N1 và Ông N2 cùng điều kiện là không có cơ sở. Ngoài ra, Ông B cũng yêu cầu Tòa án xác minh 4 trường hợp công nhận liệt sỹ là F, F1, F2 và F3 để so sánh với ông V. Sở Lao động TBXH đã cung cấp cho Tòa 4 hồ sơ được công nhận liệt sỹ cùng làng Đ giai đoạn làm hồ sơ từ năm 1995 đến năm 2000 và trước năm 1959 thấy rằng việc suy tôn các liệt sỹ này là đúng quy định; việc Ông B so sánh cho rằng giữa ông V với ông F, bà F1, ông F2 và ông F3 có cùng điều kiện là không có cơ sở.
[2.7] Ông B trình bày trước năm 1996 UBND xã T có thông báo cho gia đình ông để đưa phần mộ của ông V vào nghĩa trang liệt sĩ của xã nhưng Ông B không có tài liệu, chứng cứ để chứng minh sự kiện trên; mặt khác, UBND xã T cũng không có tài liệu nào thể hiện đã thông báo cho gia đình Ông B về việc quy tập phần mộ của ông V vào nghĩa trang. Ngày 12/6/2015, UBND xã T có Công văn số 14/CV/UBND về việc xác minh phần mộ của ông V tại thôn Đ, xã T, theo đó đã xác định: Không mộ nào ghi tên ông V, nguyên quán: Thôn Đ, xã T tại Nghĩa trang liệt sĩ xã T. Vì vậy, cơ quan có thẩm quyền kết luận nội dung khiếu nại này không có cơ sở là đúng.
Ông B cho rằng căn cứ pháp lý là Biên bản ngày 12/01/1996 của UBND xã T, trong đó có nội dung: “thi hài được mai táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã T” tuy nhiên kết quả xác minh cho thấy Hội nghị ngày 12/01/1996 không diễn ra trên thực tế; mặt khác nội dung Biên bản về địa điểm mai táng ông V cũng không đúng thực tế.
Từ những nhận định trên cho thấy các tài liệu tại hồ sơ đề nghị suy tôn liệt sỹ cho ông V của người khởi kiện theo Biên bản ngày 12/01/1996 của xã T và các tài liệu kèm theo đơn là không đủ điều kiện nên kết quả giải quyết khiếu nại của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội là có căn cứ. Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông B là đúng vì vậy cấp phúc thẩm bác kháng cáo, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị.
[3]. Về án phí: Do kháng cáo không được chấp nhận nên người kháng cáo - ông B phải chịu án phí phúc thẩm, tuy nhiên Ông B là người cao tuổi nên được miễn án phí phúc thẩm theo quy định điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội.
Vì các lẽ trên;
Căn cứ khoản 1 Điều 241 Luật tố tụng hành chính; Nghị quyết 326/2016 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội;
QUYẾT ĐỊNH
1. Bác kháng cáo của ông B, giữ nguyên quyết định của Bản án hành chính sơ thẩm số 146/2019/HCST ngày 19 tháng 8 năm 2019 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.
2. Về án phí hành chính phúc thẩm: Miễn án phí hành chính phúc thẩm cho ông B.
3. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về giải quyết khiếu nại số 395/2020/HC-PT
Số hiệu: | 395/2020/HC-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hành chính |
Ngày ban hành: | 17/11/2020 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về