Tòa áN NHÂN DÂN HUYỆN ĐÔNG HẢI, TINH BẠC LIÊU
BẢN ÁN 62/2022/DS-ST NGÀY 22/07/2022 VỀ CHIA THỪA KẾ
Ngày 22 tháng 7 năm 2022 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Đông Hải xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 52/2021/TLST-DS ngày 10 tháng 3 năm 2021 về việc “chia thừa kế”, theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 58/2022/QĐXXST-DS ngày 24 tháng 5 năm 2022 giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Ông Lâm Văn X, sinh năm 1968. Địa chỉ: Ấp LC, xã ĐT, huyện ĐH, tỉnh Bạc Liêu.
Bị đơn: Ông Lâm Văn H, sinh năm 1969.
Địa chỉ: Ấp LC, xã ĐT, huyện ĐH, tỉnh Bạc Liêu.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Bà Lâm Thị H1, sinh năm 1971.
2. Ông Lâm Văn Q, sinh năm 1963.
3. Bà Trần Thanh C, sinh năm 1975.
Cùng địa chỉ: Ấp LC, xã ĐT, huyện ĐH, tỉnh Bạc Liêu.
4. Bà Lâm Thị H2, sinh năm 1975.
Địa chỉ: Ấp 1B, thị trấn MN, huyện CT A, tỉnh Hậu Giang.
5. Bà Lâm Thị Q1, sinh năm 1981.
Địa chỉ: Ấp VĐ A, xã AT, huyện ĐH, tỉnh Bạc Liêu.
(Ông X, ông H, bà C có mặt; bà H1, ông Q vắng mặt, có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; bà H2, bà Q1 vắng mặt)
NỘI DUNG VỤ ÁN
Tại đơn khởi kiện ngày 10/3/2021, trong quá trình tố tụng và tại phiên tòa, ông Lâm Văn X trình bày:
Ông là con ruột của cụ Lâm Văn K, (chết năm 2014) và cụ Nguyễn Thị H0 (chết năm 2016), cha mẹ có 06 người con gồm Lâm Văn Q, Lâm Văn H, Lâm Văn X, Lâm Thị H1, Lâm Thị H2 và Lâm Thị Q1.
Di sản là căn nhà kết cấu bê tông cốt thép, đòn tay dầu, mái lợp tôn xi măng ngang 4.6m dài 9.6m cất trên phần đất tọa lạc tại ấp Lung Chim, xã Định Thành, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu tổng diện tích 225.5m2 thuộc một phần thửa đất số 57, 58 tờ bản đồ số 12 chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Khi còn minh mẫn, cụ K có di chúc miệng trước sự chứng kiến của bà Lâm Thị H1 và ông Đỗ Văn B (trưởng ấp LC), sau này hai cụ chết đất và nhà nêu trên sẽ cho ông.
Sau khi cụ K chết, do vợ chồng ông đi làm tại thị trấn Sông Đốc, không sống cùng cụ H0 nên vợ chồng ông H về sống cùng cụ H0. Khi cụ H0 chết ông yêu cầu ông H trả đất và nhà nhưng ông H không đồng ý, ông H thừa nhận đất và nhà là của ông nhưng yêu cầu ông trả 60.000.000 đồng, ông không đồng ý nên phát sinh tranh chấp.
Trong thời gian quản lý, sử dụng đất và nhà ông H có bồi đắp đất, cất thêm 01 căn nhà kết cấu cây gỗ địa phương, nền đất, vách lá liền phía sau căn nhà chính. Ngoài ra không còn bồi đắp, xây dựng gì thêm. Đối với căn nhà chính của cha mẹ ông H giữ nguyên hiện trạng, không sửa chữa, cải tạo gì thêm.
Nay ông khởi kiện yêu cầu được hưởng phần di sản của cha mẹ để lại cho ông theo di chúc miệng là phần đất tổng diện tích 203m2 thuộc một phần thửa đất số 57, 58 tờ bản đồ số 12 chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và căn nhà gắn liền với đất. Riêng diện tích nền mộ của cha mẹ ngang 4.5m, dài 5m diện tích 22.5m2 ông thống nhất trừ ra không yêu cầu.
Trong trường hợp yêu cầu chia thừa kế theo di chúc miệng của cụ K không được chấp nhận, ông đồng ý chia di sản theo quy định của pháp luật, yêu cầu được nhận đất và nhà.
Cha mẹ chết không thiếu nợ ai. Ông H có đơn phản tố, yêu cầu ông trả 60.000.000 đồng gồm các khoản: Chi phí điều trị bệnh cho mẹ: 10.000.000 đồng; chi phí bồi đắp nền nhà: 10.000.000 đồng; công sức bồi đắp cải tạo đất: 18.000.000 đồng; chi phí xây mộ cho cha, mẹ: 5.000.000 đồng; chi phí đám tang: 17.000.000 đồng. Ông đồng ý trả cho ông H 14.412.400 đồng gồm tiền xây mộ 5.000.000 đồng và chi phí bồi đắp 9.412.400 đồng. Các khoản còn lại ông không đồng ý trả, yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
Kết quả thẩm định, định giá ông thống nhất. Ngoài di sản ông yêu cầu được hưởng, cụ K và cụ H còn phần đất khác nhưng ông không yêu cầu giải quyết.
Ông Lâm Văn H trình bày:
Ông thống nhất theo lời trình bày của ông X về quan hệ huyết thống.
Căn nhà ông X yêu cầu hưởng là của nhà nước cấp cho cha mẹ theo diện nhà đồng đội, còn đất là của ông bà trước đây để lại cho cha mẹ. Di sản trên hiện nay ông và bà Trần Thanh C đang quản lý.
Trong quá trình tố tụng, ông H thừa nhận: Khi cha còn minh mẫn có di chúc miệng cho ông X phần đất và căn nhà nêu trên. Tuy nhiên, ông X đi làm tại thị trấn Sông Đốc nên vợ chồng ông về ở cùng để chăm sóc cha mẹ, sau khi cha mẹ chết ông X yêu cầu ông trả nhà và đất. Ông cũng thừa nhận đất và nhà cha mẹ cho ông X và đồng ý trả với điều kiện ông X trả cho ông 60.000.000 đồng tiền công sức bồi đắp gìn giữ đất nhưng ông X không đồng ý mà chỉ đồng ý trả 10.000.000 đồng nên phát sinh tranh chấp. Tại phiên tòa ông H thay đổi lời trình bày, ông không biết cụ K có di chúc miệng cho đất và nhà cho ông X hay không.
Hiện nay ông X khởi kiện yêu cầu được hưởng di sản thừa kế của cụ K, cụ H0 là phần đất diện tích 203m2 và căn nhà gắn liền với đất, ông có ý kiến như sau: Ông yêu cầu ông X trả cho ông số tiền 60.000.000 đồng; nếu ông X đồng ý trả thì ông không yêu cầu hưởng phần di sản; nếu ông X không đồng ý thì ông yêu cầu yêu cầu hưởng di sản đối với phần đất, yêu cầu nhận giá trị. Riêng căn nhà ông không yêu cầu được hưởng, đồng ý giao căn nhà cho ông X.
Số tiền 60.000.000 đồng ông yêu cầu gồm các khoản: Chi phí điều trị bệnh cho mẹ: 10.000.000 đồng; chi phí bồi đắp nền nhà: 10.000.000 đồng; chi phí xây mộ cho cha, mẹ: 5.000.000 đồng; chi phí đám tang: 17.000.000 đồng; tiền công sức ông bồi đắp cải tạo đất 18.000.000 đồng.
Trên đất có căn nhà kết cấu cây gỗ địa phương, nền đất, vách lá do ông xây dựng, khi giao trả đất cho ông X ông tự nguyện tháo dỡ, di dời, không yêu cầu ông X bồi hoàn giá trị.
Đối với phần đất nền mộ của cha mẹ ngang 4.5m dài 5m diện tích 22.5m2 ông thống nhất trừ ra không yêu cầu giải quyết.
Kết quả thẩm định, định giá ông thống nhất. Ngoài di sản hiện nay ông X yêu cầu được hưởng, cha mẹ còn phần đất khác nhưng đã phân chia cho con xong, không tranh chấp.
Bà Lâm Thị H1, ông Lâm Văn Q cùng trình bày trong quá trình tố tụng:
Thống nhất theo lời trình bày của ông X, ông H về quan hệ huyết thống. Phần đất và nhà hiện nay đang tranh chấp có nguồn gốc của cụ K và cụ H0, khi cha mẹ còn sống có di chúc miệng là sau này hai cụ chết di sản hiện nay đang tranh chấp sẽ cho ông X nên ông, bà không còn quyền lợi liên quan trong vụ án, trường hợp theo pháp luật ông, bà được hưởng phần di sản thì sẽ giao lại cho ông X.
Bà Trần Thanh C trình bày:
Bà là vợ của ông H, hiện nay ông X khởi kiện ông H về chia thừa kế bà thống nhất theo lời trình bày của ông H.
Bà Lâm Thị H2, bà Lâm Thị Q1 vắng mặt trong quá trình tố tụng và tại phiên tòa nên không có lời trình bày.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Đông Hải tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến:
Về thủ tục tố tụng: Việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa là đúng theo quy định của pháp luật. Việc chấp hành pháp luật tố tụng của các đương sự đúng quy định của pháp luật. Riêng bà Lâm Thị H2, Lâm Thị Q1 không chấp hành theo giấy triệu tập của Tòa án.
Ý kiến về giải quyết vụ án:
Ông X rút lại yêu cầu được hưởng di sản là phần đất nền mộ diện tích 22.5m2 nên cần đình chỉ xét xử một phần yêu cầu khởi kiện của ông X.
Ông X yêu cầu được hưởng di sản theo di chúc miệng của vụ K. Tuy nhiên, xét thấy di chúc miệng của cụ K là không hợp pháp nên cần phân chia di sản theo quy định của pháp luật.
Giá trị di sản gồm diện tích đất 203m2 và căn nhà gắn liền với đất là 80.000.000 đồng. Những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ K và cụ H0 gồm 06 người nên mỗi người được hưởng kỷ phần là 13.333.300 đồng (đã làm tròn số). Bà H1, ông Q từ chối nhận di sản, tự nguyện nhường kỷ phần cho ông X; ông H tự nguyện không nhận giá trị căn nhà, đồng ý giao cho ông X nên mỗi người được chia kỷ phần như sau: Ông X được chia 43.333.200 đồng (gồm kỷ phần của ông X, ông Q, bà H1 và kỷ phần căn nhà ông H từ chối nhận); bà Q1, bà H2 mỗi người được chia 13.333.300 đồng; ông H được chia 10.000.000 đồng.
Do ông X có nhu cầu sử dụng đất và nhà nên giao phần đất và căn nhà cho ông X; buộc ông X chia cho ông H 10.000.000 đồng, bà Q1 và bà H2 mỗi người 13.333.300 đồng.
Chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của ông H đối với ông X, buộc ông X trả cho ông H 14.412.400 đồng; không chấp nhận yêu cầu của ông H yêu cầu ông X trả 45.587.600 đồng.
Án phí, chi phí thẩm định đương sự chịu theo quy định của pháp luật.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu toàn bộ các tài liệu, chứng cứ có lưu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở phát biểu của đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử nhận định nội dung vụ án như sau:
[1]. Về thủ tục tố tụng: Ông Lâm Văn X khởi kiện về chia thừa kế với ông Lâm Văn H. Ông H có địa chỉ tại ấp LC, xã ĐT, huyện ĐH, tỉnh Bạc Liêu. Căn cứ khoản 5 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, Điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự, vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu.
Bà Lâm Thị H1, ông Lâm Văn Q vắng mặt và có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; bà Lâm Thị Q1, bà Lâm Thị H2 đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai để tham dự phiên tòa nhưng vắng mặt không có lý do. Căn cứ khoản 1, 3 Điều 228 của Bộ luật tố tụng dân sự, tiến hành xét xử vắng mặt các đương sự.
Ông Lâm Văn X rút lại một phần yêu cầu khởi kiện đối với phần đất nền mộ 22.5m2. Căn cứ khoản 2 Điều 246 của Bộ luật tố tụng dân sự, Hội đồng đình chỉ xét xử một phần yêu cầu khởi kiện của ông X.
[2]. Về nội dung vụ án:
Xét yêu cầu của ông Lâm Văn X về chia thừa kế theo di chúc miệng của cụ Lâm Văn K. Hội đồng xét xử xét thấy:
Ông X xác định vào năm 2013, khi cụ K còn minh mẫn, cụ có di chúc miệng trước sự chứng kiến của bà H1 và ông B với nội dung phần đất và căn nhà gắn liền với đất (hiện nay đang tranh chấp) sau này hai cụ chết cho ông.
Tại khoản 5 Điều 652 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định:
“5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực.” Bà H1 trình bày, từ khi nghe cụ K di chúc miệng về việc cho đất đến nay bà và ông B không ghi chép lại nội dung di chúc, không đến Ủy ban nhân dân xã ĐT công chứng, chứng thực di chúc. Ngày 29/11/2014 cụ K chết.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định:
“2. Sau ba tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.” Đối chiếu các quy định của pháp luật về di chúc miệng nêu trên, Hội đồng xét xử có căn cứ xác định, di chúc miệng của cụ K mặc nhiên bị hủy bỏ. Trước khi chết cụ K không để lại di chúc. Năm 2016, cụ H0 chết cũng không để lại di chúc nên phần di sản hiện nay ông X yêu cầu được hưởng được chia theo quy định của pháp luật.
[3]. Các đương thống nhất xác định những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ K, cụ H0 gồm có: Ông Q, ông H, bà H1, ông X, bà Q1, bà H2 ngoài ra không còn ai khác.
Di sản ông X yêu cầu được hưởng là phần đất chiều ngang 6m, chiều dài 38m tổng diện tích 203m2 thuộc một phần thửa đất số 57, 58 tờ bản đồ số 12 chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ai và căn nhà gắn liền với đất có vị trí kích thước như sau:
- Hướng đông: giáp đất còn lại của cụ K, cạnh dài 38m;
- Hướng tây: giáp đất còn lại của cụ K cạnh dài 38m;
- Hướng nam: giáp lộ đan cạnh dài 6m;
- Hướng bắc: giáp đất còn lại của cụ K cạnh dài 6m.
Tổng giá trị tài sản là 80.000.000 đồng, mỗi người được nhận kỷ phần là 13.333.300 đồng (đã làm tròn số).
Trong quá trình tố tụng và tại phiên tòa, ông Q, bà H1 xác định di sản nêu trên là của ông X, không yêu cầu hưởng kỷ phần; ông H không yêu cầu nhận kỷ phần căn nhà, đồng ý giao cho ông X (chỉ nhận kỷ phần là giá trị phần đất) nên những kỷ phần trên được giao cho ông X.
Như vậy, phần di sản ông X được hưởng là 43.333.200 đồng. Chị Q1, chị H2 mỗi người được nhận kỷ phần là 13.333.300 đồng; ông H chỉ yêu cầu nhận giá trị phần đất nên được chia 10.000.000 đồng. Ông X có nhu cầu quản lý, sử dụng đất và nhà nên giao cho ông quản lý sử dụng và buộc ông X có nghĩa vụ giao kỷ phần cho ông H, chị Q1 và chị H2 là phù hợp.
Phần đất và nhà nêu trên ông H và bà C đang quản lý. Trên đất ông, bà xây dựng thêm 01 căn nhà kết cấu cây gỗ địa phương, nền đất, vách lá. Tại phiên tòa ông bà tự nguyện tháo dỡ, di dời nhà để trả đất nên buộc ông bà phải tháo dỡ để giao đất cho ông X. Ông H, bà C không yêu cầu ông X bồi hoàn giá trị nên không xét.
Căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 99 Luật đất đai, ông X đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần đất nêu trên.
[4]. Xét yêu cầu phản tố của ông Lâm Văn H yêu cầu ông Lâm Văn X trả 60.000.000 đồng. Hội đồng xét xử xét từng yêu cầu như sau:
- Chi phí xây mộ cho cụ K, cụ H0 số tiền 5.000.000 đồng: Trong quá trình tố tụng và tại phiên tòa ông X đồng ý trả cho ông H nên ghi nhận.
- Công sức ông bồi đắp cải tạo đất 18.000.000 đồng và chi phí bồi đắp nền nhà: 10.000.000 đồng: Ông H xác định, trong thời gian sống cùng hai cụ, ông có bồi đắp đất ngang 6m dài 28.4m cao 0.3m, nhưng ông không cung cấp được tài liệu chứng cứ chứng minh cho lời trình bày của ông là có căn cứ. Hội đồng định giá xác định giá trị phần bồi đắp là 7.412.400 đồng. Tại phiên tòa, ông X đồng ý trả cho ông H 7.412.400 đồng và tự nguyện trả thêm 2.000.000 đồng nên ghi nhận sự tự nguyện của ông X. Tổng số tiền ông X trả cho ông H là 9.412.400 đồng.
- Chi phí đám tang, chi phí điều trị bệnh cho cụ H0 tổng số tiền 27.000.000 đồng: Ông X và các đương sự còn lại không thừa nhận, ông H không cung cấp được tài liệu chứng minh cho yêu cầu của mình nên không có cơ sở để Hội đồng xét xử xem xét.
Từ nhận định trên, Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của ông H, buộc ông X trả cho ông H số tiền 14.412.400 đồng. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của ông H yêu cầu ông X trả 45.587.600 đồng.
[5]. Án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch ông X phải nộp số tiền 2.166.600 đồng, nộp 720.600 đồng đối với yêu cầu phản tố của ông H được chấp nhận, ông X đã nộp tiền tạm ứng án phí 2.500.000 đồng theo biên lai thu tiền số 0011589 ngày 10/3/2021 được chuyển thu án phí, ông X còn phải nộp số tiền 387.200 đồng.
Bà Lâm Thị Q1, Lâm Thị H2 mỗi người phải nộp 666.600 đồng.
Ông Lâm Văn H có nghĩa vụ nộp án phí đối với yêu cầu phản tố không được chấp nhận số tiền 2.279.300 đồng và án phí chia thừa kế số tiền 500.000 đồng, ông H đã nộp tiền tạm ứng án phí 1.500.000 đồng theo biên lai thu tiền số 0009290 ngày 14/7/2022 được chuyển thu án phí, ông H còn phải nộp số tiền 1.279.300 đồng.
Các khoản tiền đương sự nộp tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Đông Hải. Chi phí thẩm định tại chổ số tiền 1.653.880 đồng ông X tự nguyện chịu, ông X đã nộp và quyết toán xong, nên không xem xét.
Đề nghị của Kiểm sát viên là phù hợp, Hội đồng xét xử chấp nhận.
Vì các lẽ nêu trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 5 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; Điểm a khoản 1 Điều 39 ; khoản 1 Điều 91; khoản 1, 3 Điều 228; khoản 2 Điều 244 của Bộ luật tố tụng dân sự. Điều 651, 652, 674, 676, 683, 685 Bộ luật dân sự 2005; điểm đ khoản 1 Điều 99 Luật đất đai.
Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;
1/. Chấp nhận yêu cầu của ông Lâm Văn X về yêu cầu chia thừa kế.
Chia cho ông Lâm Văn X phần đất diện tích 203m2 thuộc một phần thửa đất số 57, 58 tờ bản đồ số 12 chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và căn nhà ngang 4.6m dài 9.6m kết cấu nền lót gạch men, khung sườn bê tông cốt thép, đòn tay dầu, lợp tôn xi măng gắn liền với đất có vị trí kích thước như sau:
- Hướng đông: giáp đất còn lại của cụ K, cạnh dài 38m;
- Hướng tây: giáp đất còn lại của cụ K cạnh dài 38m;
- Hướng nam: giáp lộ đan cạnh dài 6m;
- Hướng bắc: giáp đất còn lại của cụ K cạnh dài 6m.
Buộc ông Lâm Văn H và bà Trần Thanh C có nghĩa vụ di dời căn nhà kết cấu cây gỗ địa phương, nền đất, vách lá để giao phần đất và nhà nói trên cho ông Lâm Văn X.
Ông Lâm Văn X được quyền đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần đất nêu trên.
2/. Buộc ông Lâm Văn X chia cho bà Lâm Thị H2 và bà Lâm Thị Q1 mỗi người số tiền 13.333.300 đồng. Chia cho ông Lâm Văn H số tiền 10.000.000 đồng.
3/. Chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của ông Lâm Văn H đối với ông Lâm Văn X.
Buộc ông Lâm Văn X có nghĩa vụ trả cho ông Lâm Văn H số tiền 14.412.400 đồng.
4/. Không chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của ông Lâm Văn H yêu cầu ông Lâm Văn X trả số tiền 45.587.600 đồng.
5/. Đình chỉ xét xử một phần yêu cầu khởi kiện của ông Lâm Văn X đối với phần đất nền mộ diện tích 22.5m2.
6/. Về án phí: Án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch ông Lâm Văn X phải nộp số tiền 2.887.200 đồng, ông Lâm Văn X đã nộp tiền tạm ứng án phí 2.500.000 đồng theo biên lai thu tiền số 0011589 ngày 10/3/2021 được chuyển thu án phí, số tiền còn lại 387.200 đồng ông Lâm Văn X có nghĩa vụ nộp.
Bà Lâm Thị Q1, bà Lâm Thị H2 mỗi người phải nộp 666.600 đồng.
Ông Lâm Văn H có nghĩa vụ nộp án phí đối với yêu cầu phản tố không được chấp nhận và án phí chia thừa kế số tiền 2.779.300 đồng, ông Lâm Văn H đã nộp tiền tạm ứng án phí 1.500.000 đồng theo biên lai thu tiền số 0009290 ngày 14/7/2022 được chuyển thu án phí, ông Lâm Văn H còn phải nộp số tiền 1.279.300 đồng.
Các khoản tiền đương sự nộp tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Đông Hải. Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án, cho đến khi thi hành xong tất cả các khoảng tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu thêm khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ Luật dân sự.
Chi phí thẩm định tại chổ số tiền 1.653.880 đồng ông Lâm Văn X tự nguyện chịu, ông Lâm Văn X đã nộp và quyết toán xong, nên không xem xét.
Án xử sơ thẩm công khai, đương sự có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án. Đương sự vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
Bản án về chia thừa kế số 62/2022/DS-ST
Số hiệu: | 62/2022/DS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Đông Hải - Bạc Liêu |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 22/07/2022 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về