TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG
BẢN ÁN 24/2024/HNGĐ-PT NGÀY 27/09/2024 VỀ CHIA TÀI SẢN CHUNG TRONG THỜI KỲ HÔN NHÂN
Ngày 27 tháng 9 năm 2024, Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương mở phiên tòa xét xử công khai vụ án Hôn nhân và gia đình phúc thẩm, thụ lý số 01/2024/TLPT-HNGĐ ngày 08/01/2024, về việc "Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân". Do bản án Hôn nhân gia đình sơ thẩm số 49/2023/HNGĐ-ST ngày 16/8/2023 của Tòa án nhân dân thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương bị kháng cáo.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 03/2024/QĐXXPT-HNGĐ ngày 07/4/2024; Quyết định hoãn phiên tòa và các thông báo thời gian mở lại phiên tòa, giữa:
1. Nguyên đơn: Cụ Vũ Văn B, sinh năm 1938; Địa chỉ: Khu L, phường T, thành phố H, tỉnh Hải Dương (có mặt).
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cụ B: Ông Trần Trung K, là Luật sư Văn phòng L1, Địa chỉ: Số A Hồ N, thành phố H, tỉnh Hải Dương (có mặt).
2. Bị đơn: Cụ Phạm Thị T, sinh năm 1936; chết ngày 09/8/2021; Nơi cư trú trước khi chết: Khu L, phường T, thành phố H, tỉnh Hải Dương.
Người kế thừa quyền và nghĩa vụ của bị đơn (các con đẻ của cụ T):
Bà Vũ Thị H, sinh năm 1960; Địa chỉ: Số F ngõ C khu G, phường T, thành phố H, tỉnh Hải Dương (vắng mặt).
Bà Vũ Thị P, sinh năm 1965; Địa chỉ: Số nhà A, khu Đ, phường T, thành phố H, tỉnh Hải Dương (vắng mặt).
Ông Vũ Văn C, sinh năm 1972; Địa chỉ Khu L, phường T, thành phố H, tỉnh Hải Dương (có mặt).
Ông Vũ Văn G, sinh năm 1976; Địa chỉ Khu L, phường T, thành phố H, tỉnh Hải Dương (có mặt).
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Vũ Văn G và ông Vũ Văn C: Luật sư Phạm Văn H1 - Đoàn luật sư thành phố H (có mặt).
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
- Cụ Phạm Thị B1, sinh năm 1948; Địa chỉ: Khu L, phường T, thành phố H, tỉnh Hải Dương (vắng mặt).
- Bà Vũ Thị H, sinh năm 1960; Địa chỉ: Số F ngõ C khu G, phường T, thành phố H, tỉnh Hải Dương (vắng mặt).
- Bà Vũ Thị P, sinh năm 1965; Địa chỉ: Số nhà A, khu Đ, phường T, thành phố H, tỉnh Hải Dương (vắng mặt).
- Ông Vũ Văn C, sinh năm 1972; Bà Vũ Thị T1, sinh năm: 1969; cùng địa chỉ Khu L, phường T, thành phố H, tỉnh Hải Dương (có mặt ông C, vắng mặt bà T1).
- Ông Vũ Văn G, sinh năm 1976; Bà Phạm Thị Q, sinh năm 1976; cùng địa chỉ Khu L, phường T, thành phố H, tỉnh Hải Dương (có mặt ông G, vắng mặt bà Q).
Ông Vũ Văn C1, sinh năm 1986; Bà Phạm Thị T2, sinh năm 1988; cùng địa chỉ Khu L, phường T, thành phố H, tỉnh Hải Dương (có mặt ông C1, vắng mặt bà T2).
- Ủy ban nhân dân phường T, thành phố H. Người đại diện theo pháp luật: Ông Phạm Công Q1, chức vụ: Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường T (vắng mặt).
Người kháng cáo: Ông Vũ Văn C, ông Vũ Văn G - Là người kế thừa quyền và nghĩa vụ của cụ B, đồng thời là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo bản án Hôn nhân gia đình sơ thẩm số 49/2023/HNGĐ-ST ngày 16/8/2023 của Tòa án nhân dân thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương vụ án có nội dung tóm tắt như sau:
1. Nguyên đơn - cụ Vũ Văn B trình bày: Cụ Vũ Văn B và cụ Phạm Thị T chung sống với nhau từ năm 1957, có 07 người con chung gồm bà Vũ Thị H, bà Vũ Thị P, bà Vũ Thị X (sinh năm 1968, chết năm 1988 không có chồng, con), ông Vũ Văn C, ông Vũ Văn G, ngoài ra các cụ còn sinh thêm 2 người con nữa nhưng đều đã chết khi còn nhỏ. Hiện nay còn 04 người con chung còn sống gồm bà H, bà P, ông C, ông G. Bố mẹ đẻ của cụ T đều chết trước cụ T từ lâu. Quá trình chung sống, do cụ B và cụ T không hợp nhau nên khoảng năm 1984 cụ B có qua lại với cụ Phạm Thị B1 (không đăng ký kết hôn), có một con chung là ông Vũ Văn C1, sinh năm 1986. Gia đình sống yên ổn, cùng tổ chức đám cưới cho ông C, ông G, ông C1. Sau khi ông C1 trưởng thành, cụ B1 về ở cùng con cháu riêng của cụ, không liên quan gì đến cuộc sống và tài sản cụ B và cụ T.
Về tài sản tranh chấp: Cụ B và cụ T chung sống cùng nhau trên mảnh đất tại thửa đất số 390, tờ bản đồ 9, tại khu L, phường T, thành phố H, tỉnh Hải Dương, có nguồn gốc là do cha ông để lại (là mảnh đất hiện đang tranh chấp). Đến năm 2002 chính quyền địa phương tiến hành đo đất thể hiện tại thửa đất số 390, tờ bản đồ 9, diện tích 442m² (trong đó có 300m² đất ở và 142m² đất vườn), được Ủy ban nhân dân thành phố H cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 457.QSDĐ/HD ngày 27/6/2002, đứng tên cụ B và cụ T. Năm 2001, gia đình đồng ý cho ông Công phá nhà cũ đi và xây dựng nhà ở mới như hiện nay trên một phần diện tích đất của hai cụ, diện tích khoảng 70m². Năm 2004 hai cụ đồng ý cho ông G xây nhà ở liền kề về bên trái ngay cạnh nhà của ông C1, diện tích khoảng 70m². Gia đình chưa làm thủ tục chuyển quyền quyền sử dụng đất cho ông C1, ông G. Diện tích đất còn lại cụ B và cụ T vẫn quản lý, sử dụng. Năm 2016 cụ B và cụ T thống nhất thỏa thuận miệng chia đôi phần đất trống, mỗi người được một nửa để sử dụng, phần của cụ T nhiều hơn và giáp đất của ông C, phần đất của cụ B ít hơn giáp nhà của ông C1 và ông G. Sau đó, cụ B xây một nhà nhỏ cấp 4 trên phần đất tự chia, nhưng do nóng không ở được nên cụ B phá đi để chuyển sang hướng khác. Phần đất chia cho cụ T thì ông C xây công trình nối với quán bán hàng diện tích khoảng 80m² (chiều ngang 5m, chiều dài 16m) tường gạch chỉ, mái lợp tôn vào năm 2016.
Cụ B xác định tài sản chung của cụ và cụ T là 442m² đất theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cụ xác định phần đất trên đó có nhà của vợ chồng ông C1, vợ chồng ông G thì cụ không yêu cầu giải quyết. Cụ chỉ đề nghị Tòa án phân chia cho cụ và cụ T phần đất trống còn lại là 290m² theo như hiện trạng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp, bao gồm cả 79,6m² đất mà vợ chồng ông C xây công trình nối với quán của họ, đồng thời xác định cụ B1 không có công sức đóng góp vào khối tài sản của cụ B và cụ T.
Về chi phí xem xét, thẩm định, định giá tài sản là 6.100.000 đồng cụ B đã nộp, cụ đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luật.
2. Đối với bị đơn là cụ Phạm Thị T: Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án đã nhiều lần triệu tập cụ T đến làm việc, nhưng do sức khỏe yếu, cụ không nói chuyện được, không làm việc được với Tòa án. Tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ về sức khỏe cụ T thể hiện: Cụ T tuổi cao, sức yếu, thường xuyên nằm viện điều trị các bệnh tim (suy tim độ III), đau thắt vùng ngực không ổn định, viêm phế quản phổi-khó thở, loãng xương đau nhiều ở cột sống thắt lưng, liệt nửa người không đi lại được, (từ thắt lưng đến 2 chi)... Cụ B và các con không ai yêu cầu Tòa án tuyên bố cụ T mất năng lực hành vi dân sự hay hạn chế năng lực hành vi dân sự, đều từ chối nhận là người đại diện cho cụ T. Ngày 09/8/2021, cụ T chết. Do đó trong hồ sơ không có lời khai của bị đơn là cụ Phạm Thị T. Sau khi cụ T chết, căn cứ quy định tại Điều 74, điểm a khoản 1 Điều 87 Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án xác định bà H, bà P, ông C và ông G là những người kế thừa quyền và nghĩa vụ của cụ T.
3. Lời khai của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
3.1. Lời khai của ông Vũ Văn C thể hiện: Bố mẹ ông là cụ B và cụ T sống với nhau từ năm 1957, không có đăng ký kết hôn, hiện còn 4 người con chung còn sống là bà H, bà P, ông G và ông. Năm 1980 cụ B sống với cụ B1, không đăng ký kết hôn và sinh được 1 con chung là ông Vũ Văn C1, sinh năm 1986. Năm 2001, nội bộ gia đình thống nhất cho ông C1 xây nhà trên đất như hiện tại đang ở. Năm 2004 vợ chồng ông G cũng được gia đình cho xây nhà trên phần đất bên cạnh, giáp nhà C1. Tháng Giêng năm 2016, ông có mua của bố mẹ khoảng 70m² đất (có lời khai là 80m², 90m²) với số tiền 360.000.000đồng (có lời khai là 350.000.000đồng), số tiền này cụ B không cầm mà bảo ông đứng lên xây nhà cho ông G (xây nhà 1 tầng). Khi ông G xây nhà, cụ B là người trông nom. Việc ông mua đất của bố mẹ, việc ông C1, ông G xây nhà trên đất chỉ chia trong gia đình, không qua chính quyền địa phương xác nhận, không làm thủ tục theo quy định, nhưng gia đình và hàng xóm đều biết. Số tiền xây nhà của ông G hết hơn 700.000.000đồng - 360.000.000đồng (tiền ông mua đất), còn lại là tiền của vợ chồng ông G. Ông và ông G cùng đi mua vật liệu xây dựng, thanh toán công khai cả nhà đều biết, không ai có ý kiến gì. Do đó ông xác định 80m² đất đã mua của bố mẹ là tài sản của vợ chồng ông. Ông C đề nghị Tòa án phân tích, hòa giải để cụ B rút đơn khởi kiện.
Ngày 18/8/2022, khi Tòa án tiến hành xem xét, thẩm định tài sản tranh chấp, ông C, ông G có mặt, ông nộp cho Tòa án bản photo Biên bản chuyển nhượng đất ở ngày 22/02/2018, nội dung gia đình thống nhất chuyển nhượng 80m² đất (gồm 60m² đất ở, 20m² đất vườn thừa lâu dài) ở cuối nhà- phía bắc giáp đất ông C, trị giá 320.000.000đồng. Tuy nhiên, khi Tòa án yêu cầu ông C nộp bản gốc Biên bản chuyển nhượng đất ở, vợ chồng ông C trình bày: Ông bà đang giữ bản gốc văn bản này nhưng không nộp cho Tòa án. Việc mua bán đất là sự thật, vợ chồng ông xây nhà cả gia đình đều biết, không ai phản đối gì. Ông bà yêu cầu Tòa án công nhận giao dịch chuyển nhượng 80m² đất từ bố mẹ sang cho vợ chồng ông. Ông bà chỉ trình bày như vậy và không làm đơn, không đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luật.
Quá trình giải quyết, bà T1 là vợ ông C vắng mặt, không có quan điểm.
3.2. Lời khai của ông Vũ Văn G thể hiện: Ông xác định cụ T đã nhận được Thông báo về việc thụ lý vụ án, giấy triệu tập của Tòa án. Cụ T cũng có mặt tại Tòa án, tuy nhiên sức khỏe yếu, cụ không biết viết, không biết chữ nên cụ T không làm việc được với Tòa án. Ông trình bày: Cụ B và cụ T sống với nhau từ năm 1957, không có giấy đăng ký kết hôn và sinh được 4 người con còn sống là bà H, bà P, ông C và ông. Năm 1980 (có lời khai vào năm 1984), cụ B qua lại với cụ B1, không đăng ký kết hôn, có 1 con chung là ông C1, sinh năm 1986. Cụ B1 không có tài sản, không có đóng góp gì vào khối tài sản chung của bố mẹ ông. Về thửa đất cụ B yêu cầu giải quyết có nguồn gốc là của tổ tiên để lại cho bố mẹ ông. Đến năm 2002 cụ B và cụ T được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2001 bố mẹ cho vợ chồng ông C1 một phần đất có chiều ngang hướng đông khoảng 5m, chiều dài chạy hết hướng tây, ông C1 xây nhà khoảng 70m², đằng sau vẫn là căn nhà tạm do các anh chị em xây cho cụ B ở. Năm 2004 bố mẹ cho vợ chồng ông đất có chiều ngang hướng đông dài 5m, chiều dài chạy hết đất hướng tây, liền kề về phía tay trái đất của ông C1. Năm 2016, vợ chồng ông xây nhà khoảng 70m², mặt tiền hướng đông, phần sau là đất trống. Ngoài ra gia đình còn nói cho ông thêm một suất đất nữa có chiều ngang 5m, hướng đông giáp đằng sau đất của ông C, hướng nam liền kề với đất của ông C1, cạnh hướng bắc giáp đất của bố mẹ, hướng tây là đường đi của xóm. Năm 2016 bố mẹ thống nhất bán 80m² đất= 360.000.000đồng cho ông C, hướng đông giáp đất của ông C khoảng 5m, hướng bắc chạy dài theo thửa đất có chiều dài 16,9m, hướng tây khoảng 5m, hướng nam giáp đất còn lại của bố mẹ. Tiền bán đất gia đình thống nhất cho ông để xây nhà. Ông xây nhà hết khoảng 700.000.000 đồng, số tiền còn lại là của vợ chồng ông. Quá trình xây nhà, cụ B có sang trông giúp. Ông và ông C cùng đi mua vật liệu, thiết bị xây dựng. Anh em thanh toán công khai. Việc cho đất diễn ra nội bộ gia đình, không thông qua địa phương và không làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất. Thời điểm đó, gia đình ông đều nhất trí, không tranh chấp gì. Nay ông không đồng ý với đơn khởi kiện của cụ B, đề nghị Tòa án hòa giải cho gia đình.
3.3. Lời khai của bà Vũ Thị P và bà Vũ Thị H đều thể hiện: Hai bà thừa nhận các đương sự khai đúng về nguồn gốc thửa đất, đồng thời xác định cụ B, cụ T là chủ sử dụng hợp pháp thửa đất số 390, tờ bản đồ 9, diện tích 442m². Cụ B1 không có công lao và không đóng góp gì trong khối tài sản chung của bố mẹ. Việc bố mẹ cho ông C1, ông G xây nhà trên đất và bán cho ông C 80m² đất các bà có biết. Tiền bán đất bố mẹ thống nhất cho ông G xây nhà. Việc cho đất diễn ra trong nội bộ gia đình, không qua địa phương và không làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất, không tranh chấp gì. Các bà không có tranh chấp gì với bố mẹ khi chia đất cho các em, đề nghị Tòa án hòa giải để gia đình giữ hòa thuận. Trường hợp cụ B rút đơn khởi kiện, anh chị em sẽ cùng xây nhà cho cụ B ở để cụ hưởng tuổi già.
3.4. Lời khai của ông Vũ Văn C1 thể hiện: Ông là con đẻ của cụ B và cụ B1, hai cụ có đi lại với nhau và sinh ra ông. Hai mẹ con ông sống cùng nhau tại nhà ngoại ở khu L, phường T, thành phố H. Đến năm 2006 ông lấy vợ và về sống cùng cụ B, cụ T trên mảnh đất của hai cụ. Năm 2008 cụ T và cụ B cùng gia đình cho vợ chồng ông phá nhà cũ đi, xây nhà 1 tầng mới trên đất, tổng diện tích nhà và các công trình xây dựng là 120m² như hiện tại, không làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất. Mọi người đều nhất trí, sinh sống ổn định cho đến nay, không có tranh chấp. Nguồn tiền xây nhà này là của vợ chồng ông, hết hơn 300.000.000đồng. Năm 2016 vợ chồng ông G xây nhà trên đất của cụ B, cụ T diện tích bằng với nhà của ông. Mẹ ông là cụ B1 không có công sức, tài sản gì đóng góp vào mảnh đất của cụ B, cụ T. Ông tôn trọng ý kiến của cụ B, đề nghị Tòa án giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.
3.5. Lời khai của cụ Phạm Thị B1 thể hiện: Cụ và cụ B qua lại, chung sống với nhau khoảng 3 đến 4 năm, không nhớ năm nào. Hai cụ có một con chung là ông C1 sinh năm 1986 và sinh sống ở quê đẻ cụ. Thời gian đó cụ và cụ B có xây dựng được một ngôi nhà 3 gian hướng bắc. Khi ông C1 trưởng thành ra ở cùng cụ B. Một thời gian sau, gia đình cụ B đồng ý cho ông Công phá nhà cũ 3 gian hướng bắc của cụ và cụ B đã xây để xây dựng trên vị trí đó một ngôi nhà 1 tầng như hiện nay vợ chồng ông C1 đang ở. Cụ B1 tự nguyện cho ông Công phá nhà đó để xây nhà mới và mong cụ B và gia đình chia tách phần đất đó cho ông C1 để các con ổn định cuộc sống. Cụ khẳng định cụ không có công sức gì về tài sản của vợ chồng cụ B, cụ T. Cụ đề nghị Tòa án giải quyết vắng mặt trong tất cả các buổi làm việc. Ngoài ra cụ không yêu cầu gì khác.
3.6. Ủy ban nhân dân phường T, thành phố H cung cấp và có quan điểm: Theo Bản đồ đo vẽ năm 1996 thể hiện tại trang 158, thửa đất 390, tờ bản đồ 9, diện tích 323m², đất thổ (T), nhưng trong số mục kê năm 1996 không ghi tên chủ sử dụng đất; còn thửa 425, tờ bản đồ 9, diện tích 171m², đất ao, ghi tên Vũ Văn B. Tại Bản đồ đo vẽ năm 2001 thể hiện thửa đất 390, tờ bản đồ 9, diện tích 442m² đất thổ cư (T); Bản đồ đo vẽ hiện trạng năm 2006 thể hiện tại tờ bản đồ 42, diện tích 550m², số mục kê ghi tên Vũ Văn B. Theo số cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gồm số thứ tự cấp số 457, diện tích 300m², tờ bản đồ 9, đất ở lâu dài và thửa đất số 390, tờ bản đồ 9, diện tích 142m², đất vườn, thời hạn lâu dài, tên người sử dụng: Vũ Văn B và Phạm Thị T.
Về quá trình sử dụng đất: Qua tìm hiểu cụ B, cụ T quản lý, sử dụng thửa đất ổn định, cho các con xây nhà trên đất, Ủy ban nhân dân phường không tiếp nhận đơn, thủ tục đề nghị chia tách, chuyển quyền sử dụng đất từ cụ B, cụ T và gia đình, không có tranh chấp về ranh giới giữa các hộ giáp ranh, sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, loại đất... Theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cụ B, cụ T được cấp 300m² đất ở và 142m² đất vườn. Nhưng khi áp theo số đo các cạnh của thửa đất để đo đạc, tính toán bằng kỹ thuật số thì diện tích thửa đất là 468,3m². Sở dĩ có sự thay đổi về số diện tích thửa đất là do sai số khi tính toán. Như vậy, quyền sử dụng đất mà cụ B, cụ T được phép sử dụng hợp pháp là 468,3m² trong đó 300m² đất ở và 168,3m² đất vườn. Cũng theo kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ thì toàn bộ diện tích đất mà gia đình cụ B đang quản lý, sử dụng là 542,9m². Phần đất ở mà cụ B, T được sử dụng hợp pháp là 300m² nằm ở phía Tây thửa đất giáp đường ngõ, phần đất ao (đất trồng cây lâu năm) nằm ở phía Đông thửa đất diện tích 168,3m² (trước đây nằm cạnh đất ruộng của khu dân cư, nay là trục đường 62m). Căn cứ hiện trạng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, kết quả thẩm định, tài liệu địa chính thì phần diện tích đất tăng lên so với Giấy chứng nhận là đất dôi dư, do lấn chiếm, cụ thể: lấn ở phía bắc thửa đất thuộc hành lang giao thông 4,5m² (trên đất có công trình vợ chồng ông C xây dựng), lấn ra phần đất nông nghiệp (ruộng) ở phía Đông thửa đất (nay là trục đường 62m đại lộ V) trên đất có nhà của ông C1, ông G là 70,1m². Toàn bộ diện tích đất dôi dư này (74,6m²) do Ủy ban nhân dân phường T quản lý, gia đình tiếp tục sử dụng cho đến khi có chủ trương, chính sách mới của nhà nước về đất đai.
Kết quả xem xét, thẩm định và định giá tài sản của Hội đồng định giá trong tố tụng dân sự:
1 .Quyền sử dụng đất: Thửa đất 390, tờ bản đồ 9, diện tích theo đo vẽ hiện trạng của Giấy chứng nhận là 468,3m² trong đó 300m² đất ở, 168,3m² đất vườn. Đất thuộc vị trí 3, bám mặt đường ngõ (ngõ nhỏ hơn 3m). Giá trị quyền sử dụng đất ở là 14.000.000đ/m² x 300m² = 4.200.000.000đồng; Giá trị quyền sử dụng đất vườn (đất ao vượt lập) là 4.000.000đ/m² x 168,3m² = 673.200.000đồng. Tổng giá trị đất là: 4.873.200.000đồng.
2. Phần nhà, tài sản gắn liền với diện tích đất yêu cầu giải quyết: Phần công trình xây năm 2016 nối liền với nhà của ông C, tường gạch chỉ, mái tôn, diện tích 79,6 m², trị giá 116.116.500đồng. Đoạn tường bao cụ B xây năm 2016, gạch ba banh, giáp đường xóm (phía Tây thửa đất), trị giá 660.400đồng. Đoạn tường bao cụ B xây năm 2016, gạch ba banh, ở giữa phần đất trống thửa đất, trị giá 1.438.320đồng. Đối với phần công trình gia đình ông C1, ông G xây dựng; cũng như 01 đoạn tường bao gạch chỉ đỏ đã cũ, xuống cấp; 01 nhà tạm xuống cấp, không sử dụng ở phía sau và các cây cối trên đất: Đương sự không yêu cầu thẩm định, định giá nên không xem xét.
Bản án Hôn nhân gia đình sơ thẩm số 49/2023/HNGĐ-ST ngày 16/8/2023 của Tòa án nhân dân thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương đã căn cứ Khoản 2 Điều 28, điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 147, khoản 2 Điều 227, Điều 228, Điều 271, Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự; Các điều 33, 38, 39 và 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, xử:
[1]. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của cụ Vũ Văn B. Xác định tài sản chung của cụ Vũ Văn B và cụ Phạm Thị T để phân chia, giải quyết là quyền sử dụng đất diện tích 290m² đất ở nằm trong thửa đất số 390, tờ bản đồ số 9, địa chỉ tại khu L, phường T, thành phố H, toàn bộ thửa đất đã được Ủy ban nhân dân thành phố H cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 457.QSDĐ/HD ngày 27/6/2002 mang tên cụ Vũ Văn B và cụ Phạm Thị T, giá trị 290m² đất ở là 4.060.000.000đồng.
Chia cho cụ B và cụ T mỗi người được 145m² đất ở trị giá 2.030.000.000 đồng.
Chia bằng hiện vật:
+ Giao cho cụ B được quyền quản lý, sử dụng, định đoạt phần đất diện tích 145m² được giới hạn bởi các điểm B4B5A23A22A21B8A7A6B4. Tài sản trên đất có 01 bức tường gạch ba banh dài 13,83m, cao 1,3m; 01 đoạn tường gạch chỉ cũ dài 6,35m, cao 1,3m do cụ B xây.
+ Tạm giao cho những người kế thừa quyền và nghĩa vụ của cụ T là bà H, bà P, ông C, ông G được quyền quản lý, sử dụng phần đất diện tích 145m² được giới hạn bởi các điểm BB3B2B6A24B5B4A5B1B, cụ thể:
Tạm giao cho ông C quản lý sử dụng 63,7m² đất ở, giới hạn bởi các điểm BB3B2B1B, trên đó có phần công trình lớp tôn của vợ chồng ông C, bà T1.
Tạm giao cho bà H, bà P và ông G quản lý, sử dụng 81,3m² đất ở, được giới hạn bởi các điểm B2B1A5B4B5A24B6B2.
Ngoài ra bản án còn quyết định về chi phí tố tụng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ông Vũ Văn C và ông Vũ Văn G đã kháng cáo toàn bộ bản án.
Tại các phiên toà phúc thẩm ban đầu, cụ B có quan điểm đồng ý để ông C được quyền quản lý, sử dụng toàn bộ diện tích đất mà ông C đã xây quán bán hàng trên đất. Tuy nhiên tại phiên tòa ngày 27/9/2024 cụ B lại thay đổi quan điểm. Cụ đề nghị Tòa án chia toàn bộ tài sản chung của cụ B, cụ T là 442m² đất theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cụ không đồng ý với các biên bản chuyển nhượng đất ở do ông C, ông G xuất trình. Ông C, ông G vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo, đề nghị cấp phúc thẩm trừ diện tích đất mà cụ B, cụ T đã bán cho ông C, ông G theo biên bản chuyển nhượng đất ở. Phần diện tích đất còn lại mới là tài sản chung của cụ B, cụ T và đề nghị chia theo quy định của pháp luật.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cụ B có quan điểm: Kháng cáo của ông C và ông G không có căn cứ vì, thực tế sau khi cụ B và cụ T cho ông C1 và ông G một phần đất thì năm 2016 hai cụ đã thoả thuận miệng về việc phân chia đất (mặc dù thoả thuận của 2 cụ không có giá trị pháp lý, do là thoả thuận miệng). Ông G, ông C kháng cáo cho rằng cụ B và cụ T đã bán đất cho hai ông là không có căn cứ, vì thực tế cụ B chưa bao giờ thừa nhận là đã bán đất cho ông C và ông G, cụ cũng không thừa nhận nội dung của biên bản chuyển nhượng, nên mặc dù kết luận giám định xác định chữ ký của cụ B trong hai biên bản chuyển nhượng đất, nhưng không phải là ý chí của cụ B. Do vậy đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của các ông G và ông C, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp của ông C, ông G có quan điểm:
- Đối với kháng cáo của ông C: Thực tế sau khi mua đất của cụ B, cụ T thì ông C đã xây quán bán hàng trên đất và quản lý đất từ năm 2016 cho đến nay. Quá trình ông C xây dựng quán và sử dụng đất cụ B, cụ T cùng các con không ai có ý kiến gì. Bản thân cụ B còn trông nom, quản lý giúp việc xây dựng cho ông C. Mặc dù Hợp đồng chuyển nhượng chưa đúng về hình thức, tuy nhiên nhiên ông C đã thực hiện xong nghĩa vụ trả tiền và đã nhận đất, nên căn cứ vào khoản 2 Điều 129 Bộ luật dân sự thì Hợp đồng chuyển nhượng đất không bị vô hiệu. Đề nghị Hội đồng xét xử xác định diện tích đất này cụ B, cụ T đã bán cho ông C.
- Đối với kháng cáo của ông G: Sau khi mua đất cụ B đã xây tường để giao đất cho ông G. Ông G đã trồng một số cây lâu năm trên đất (đề nghị Hội đồng xét xử thẩm định bổ sung đối với những tài sản là cây cối trên đất). Ông G cũng đã thực hiện nghĩa vụ chăm sóc cụ T nên được coi là đã thực hiện xong nghĩa vụ trong hợp đồng. Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào khoản 2 Điều 129 Bộ luật dân sự, xác định hợp đồng chuyển nhượng đất cho ông G là có hiệu lực pháp luật.
Từ phân tích trên đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của ông C, ông G.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương có quan điểm: Việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, thư ký phiên tòa: Từ khi thụ lý đến thời điểm xét xử Thẩm phán đã chấp hành đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử và thư ký phiên tòa đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng: Từ khi thụ lý vụ án đến khi xét xử, các đương sự đã chấp hành đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Về hướng giải quyết vụ án: Căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ cho thấy cụ B, T tạo lập được khối tài sản chung là diện tích đất 442m² đất (đo hiện trạng là 468,3m²). Cụ B, cụ T đã cho ông C1 và ông G mỗi người một phần đất nên cụ B chỉ khởi kiện yêu cầu chia diện tích đất còn lại là 290m² đất. Tại cấp phúc thẩm ông G và ông C xuất trình 2 biên bản chuyển nhượng đất ở với nội dung cụ B, cụ T và các con thống nhất chuyển nhượng cho ông C 80m² đất, ông G 90m² đất. Xem xét nội dung kháng cáo của ông C thì thấy, thực tế ông C đã nhận đất và xây nhà trên đất, trong quá trình đó cụ B, cụ T và các con không ai có ý kiến gì. Như vậy, có căn cứ xác định cụ B, cụ T đã chuyển nhượng đất cho ông C nên Hợp đồng chuyển nhượng đất cho ông C có hiệu lực. Đối với Hợp đồng chuyển nhượng đất của ông G vô hiệu, vì thực tế các bên chưa có việc giao đất, giao tiền. Căn cứ vào kết quả thẩm định tại chỗ cho thấy sau khi trừ đi 63,7m² đất đã bán cho ông C thì diện tích đất còn lại là tài sản chung của cụ B, cụ T bằng 226,3m², mỗi người được hưởng 113,15m². Từ phân tích trên đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng của ông C, không chấp nhận kháng cáo của ông G.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về tố tụng: Quá trình tiến hành tố tụng, Tòa án cấp sơ thẩm đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục xác minh thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Ông Vũ Văn C và ông Vũ Văn G kháng cáo trong thời hạn luật định nên kháng cáo hợp lệ.
[2]. Về nội dung: 2.1. Tại phiên tòa cụ B có quan điểm đề nghị Hội đồng xét xử xem xét chia tài sản chung của cụ B và cụ T theo diện tích đất trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 442m². Hội đồng xét xử thấy, theo đơn khởi kiện và trong suốt quá trình Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết vụ án, cụ B chỉ yêu cầu Tòa án xem xét và chia tài sản chung của cụ B và cụ T là 290m² đất trống. Đối với phần đất mà các cụ đã cho anh C1, anh G xây nhà trên đất cụ B không đề nghị xem xét. Sau khi xét xử sơ thẩm cụ B cũng không kháng cáo về nội dung này. Do vậy căn cứ vào khoản 2 Điều 244 Bộ luật tố tụng dân sự thì yêu cầu này của cụ B đã vượt quá yêu cầu khởi kiện ban đầu nên Hội đồng xét xử không xem xét.
2.2. Xét kháng cáo của ông Vũ Văn C: Ông C kháng cáo cho rằng vào năm 2016 cụ B và cụ T đã bán cho vợ chồng ông 80m² đất với giá 320.000.000 đồng. Sau khi mua đất ông đã xây dựng nhà cấp 4 là quán bán hàng như hiện nay, phần đất này khi đo có diện tích là 63,7m². Tại cấp phúc thẩm ông C xuất trình 01 “Biên bản chuyển nhượng đất ở” có chữ ký của cụ B cùng các con và những người làm chứng. Cụ T do không biết chữ nên đã điểm chỉ vào biên bản, còn chữ ký và chữ viết Phạm Thị T là do bà P viết thay cho cụ. Cụ B không thừa nhận chữ ký của mình trong biên bản, tuy nhiên căn cứ vào kết luận giám định số 1238/KL-KTHS ngày 03/5/2024 của Phòng K1 Công an thành phố H cho thấy, chữ ký và chữ viết “Vũ Văn B” trong biên bản là của cụ B. Do vậy có căn cứ xác định cụ B, cụ T, cùng các con đã thiết lập văn bản này.
Xem xét về nội dung biên bản chuyển nhượng đất do ông C xuất trình Hội đồng xét xử, thấy trong biên bản chuyển nhượng thể hiện cụ B, cụ T cùng các con thống nhất chuyển nhượng cho anh C 80m² đất, trong đó có 60m² là đất ở, 20m² là đất vườn thừa lâu dài, giá là 4.000.000đồng/1m² = 320.000.000đồng. Số tiền này đã được ông C thanh toán đầy đủ. Quá trình giải quyết vụ án, ông C, ông G, bà P, bà H đều xác nhận số tiền trên mọi người thống nhất để ông C mua nguyên vật liệu xây nhà cho cụ T ở (chính là ngôi nhà do ông G đang ở). Sau khi mua đất vợ chồng ông C đã xây nhà cấp 4 là quán bán hàng trên đất, cụ B, cụ T và các con không ai có ý kiến gì. Tại phiên tòa cụ B cũng thừa nhận khi ông C xây nhà thì cụ là người đứng ra trông coi hộ, đồng thời xác nhận có việc các con xây nhà cho cụ T ở. Lời khai của ông C phù hợp với lời khai của bà H, bà P, ông G, phù hợp với lời khai của cụ B. Do vậy có căn cứ xác định ông C đã trả tiền mua đất và đã được cụ B, cụ T giao đất, nên mặc dù hợp đồng chuyển nhượng đất cho ông C chưa được công chứng, chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng ông C đã thực hiện xong nghĩa vụ, đã nhận đất và xây dựng tài sản trên đất. Căn cứ khoản 2 Điều 129 Bộ luật dân sự thì Hợp đồng chuyển nhượng đất của cụ B, cụ T với ông C đã có hiệu lực.
Tại cấp phúc thẩm khi xem xét thẩm định diện tích đất đang có tranh chấp, cụ B và ông C đều thống nhất phần đất đã giao cho ông C quản lý sử dụng là phần đất mà trên đó ông C đã xây dựng quán bán hàng, đo thực tế là 63,7m² đất, nên có căn cứ xác định diện tích đất mà cụ B, cụ T đã bán cho ông C là 63,7m², không phải là 80m² như trong “Biên bản chuyển nhượng đất ở” do ông C xuất trình. Do vậy, diện tích 63,7m² đất nêu trên thuộc quyền sử dụng hợp pháp của ông C và bà T1, phần đất này không xem xét khi chia tài sản chung của cụ B và cụ T. Từ phân tích trên cho thấy kháng cáo của ông C có căn cứ chấp nhận.
2.3. Xét kháng cáo của ông Vũ Văn G: Ông G kháng cáo cho rằng trong diện tích đất mà cụ B yêu cầu chia tài sản chung có 90m² đất cụ B và cụ T đã bán cho ông vào năm 2018, việc mua bán này thể hiện bằng “Biên bản chuyển nhượng đất ở” với nội dung: Cụ B, cụ T thống nhất chuyển nhượng số đất ở của gia đình ở cuối nhà - Phía bắc giáp đất ông Vũ Văn C với diện tích 90m², trị giá = 405.000.000 đồng. Số tiền tương ứng đã được thanh toán đầy đủ, rõ ràng sau khi gia đình chuyển nhượng đất ở cho ông G sử dụng. Biên bản có chữ ký của cụ B cùng các con. Chữ ký của cụ T là do bà P viết thay. Cụ B cho rằng cụ không ký vào biên bản vì thực tế cụ chưa bao giờ bán đất cho ông G, còn lý do tại sao theo kết quả giám định kết luận chữ ký Vũ Văn B trong biên bản là chữ ký của cụ thì cụ không biết. Xem xét về nội dung và hình thức của văn bản này, Hội đồng xét xử thấy: Văn bản được xác lập vào ngày 22/02/2018 (số H có sự sửa chữa), nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Bên cạnh đó theo lời khai của cụ B thể hiện, do không có việc bán đất cho ông G nên không có việc ông G giao tiền và cũng không có việc 2 cụ giao đất cho ông G. Từ trước đến nay cụ vẫn là người trực tiếp quản lý và sử dụng phần đất này. Các lời khai của ông G, ông C, bà P, bà H cũng thể hiện do ông G là người nuôi mẹ nên mọi người trong gia đình đã thống nhất ông không phải trả số tiền này, mà để hàng tháng chi trả cho việc chăm sóc cụ T. Khi được hỏi tại sao thoả thuận này lại không được thể hiện trong “Biên bản chuyển nhượng đất ở” thì ông G cho rằng, vì toàn là những người ruột thịt trong gia đình nên việc thỏa thuận này không cần lập thành văn bản mà chỉ thỏa thuận miệng. Tuy nhiên cụ B không thừa nhận nội dung này. Do vậy không có căn cứ cho rằng cụ B và các con thoả thuận ông G không phải trả tiền mua đất mà được dùng số tiền này để nuôi dưỡng và chăm sóc cụ T, điều này cũng được hiểu rằng thực tế ông G chưa trả tiền mua đất.
Về việc giao đất: Các lời khai ban đầu của ông G đều thể hiện, mặc dù có việc chuyển nhượng đất nhưng thực tế chưa có việc bàn giao đất cho ông, mà cụ B vẫn là người đang quản lý, sử dụng. Tuy nhiên tại phiên tòa ngày 17/7/2024 ông G lại thay đổi lời khai. Ông xác định cụ B, cụ T đã giao đất cho ông, gianh giới chính là bức tường mà cụ B đã xây ngăn cách ở giữa 2 phần đất. Hội đồng xét xử đánh giá và thấy rằng, lời khai của ông G không có căn cứ và không phù hợp với thực tế. Bởi lẽ, từ khi khởi kiện cho đến nay cụ B vẫn xác định khi cụ T còn sống 2 cụ đã tự phân chia đất, chính cụ B là người đã xây bức tường để phân định gianh giới đất của 2 cụ. Ông G cũng như các con của cụ T đều không có ý kiến gì về nội dung này. Lời khai của ông G tại phiên tòa mâu thuẫn với các lời khai ban đầu của ông, mâu thuẫn với các chứng cứ khác nên không có căn cứ xác định cụ B, cụ T đã giao đất cho ông G.
Quá trình giải quyết vụ án cụ B cho rằng cụ chưa bao giờ bán đất cho ông G và cũng không ký vào “Biên bản chuyển nhượng đất ở” như ông G trình bày. Tuy nhiên kết quả giám định cho thấy, chữ ký Vũ Văn B trong biên bản là chữ ký của cụ B. Do vậy có căn cứ xác định có việc các bên đã thiết lập hợp đồng chuyển nhượng đất.
Xem xét về hình thức của Hợp đồng chuyển nhượng đất Hội đồng xét xử thấy, theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 167 Luật đất đai năm 2013 quy định “Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này”. Tại khoản 2 Điều 119 Bộ luật dân sự cũng quy định “Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó”. Thực tế cho thấy “Biên bản chuyển nhượng đất ở” do ông G xuất trình chưa được cơ quan có thẩm quyền công chứng hay chứng thực, các bên cũng chưa thực hiện việc giao đất và giao tiền. Do vậy đã vi phạm quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự quy định tại khoản 2 Điều 117 Bộ luật dân sự nên hợp đồng chuyển nhượng này vô hiệu.
Xem xét về hậu quả của hợp đồng vô hiệu Hội đồng xét xử thấy, mặc dù hợp đồng vô hiệu nhưng trên thực tế các bên chưa có việc giao đất và giao tiền cho nhau nên chưa có hậu quả xảy ra.
Tại cấp phúc thẩm ông G, ông C đề nghị khi chia tài sản chung của cụ B và cụ T thì đề nghị tính từ cạnh phía đông giáp đất của anh C kéo thẳng đến sát phần đất của ông L, trên đó có phần lán tôn mà trước đây ông G đã xây cho cụ B, do vậy diện tích đất còn lại của cụ B và cụ T sẽ tăng lên so với diện tích đất đã thẩm định tại cấp sơ thẩm. Kết quả thẩm định tại cấp phúc thẩm cho thấy sau khi trừ đi phần diện tích 63,7 m² đất của ông C đang quản lý, sử dụng thì diện tích đất của cụ B và cụ T còn lại để chia là 250 m². Cụ B và cụ T mỗi người được hưởng 1/2 = 125 m².
Do cụ T chết nên theo quy định của pháp luật phần đất của cụ T sẽ được giao cho cụ B và các con của 2 cụ gồm ông C, ông G, bà P, bà H quản lý. Tuy nhiên quá trình giải quyết vụ án cụ B có quan điểm từ chối nhận phần di sản của cụ T để lại, nên toàn bộ phần di sản của cụ T sẽ tạm giao cho các con của cụ B, cụ T là các ông bà C, G, H, P quản lý là phù hợp.
Theo kết quả xem xét thẩm định cho thấy nằm trên phần đất mà ông C1 đang quản lý, sử dụng có 01 lán tôn do ông G xây dựng, ông G và ông C1 thống nhất ông G sẽ có trách nhiệm tháo dỡ toàn bộ phần lán này. Quá trình thẩm định Cụ B và ông G, ông C đều thống nhất không yêu cầu xem xét tài sản khác và cây cối trên đất, cụ B cũng không đề nghị xem xét về giá trị bức tường ngăn bằng gạch ba banh trên đất mà cụ đã xây, nên không cần thiết phải thẩm định lại tài sản trên đất như yêu cầu của Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông C và ông G.
Từ phân tích trên cho thấy không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của ông G. Tuy nhiên, căn cứ lời khai của các đương sự cho thấy, thực tế có việc ông G là người đã nuôi dưỡng cụ T từ thời điểm tháng 2 năm 2018 đến khi cụ T chết (tháng 8/2021). Khi cụ T chết ông G cũng là người lo mai táng cho cụ. Theo ông G và ông C xác nhận tổng số tiền nuôi dưỡng và chi phí lo mai táng cho cụ T hết 469.000.000 đồng. Cụ thể chi phí nuôi dưỡng 1 tháng = 7.000.000 đồng x 41 tháng = 287.000.000 đồng; 4 lần cụ T đi bệnh viện = 80.000.000 đồng; Chi phí cho việc mai táng = 94.000.000 đồng. Toàn bộ số tiền này do ông G chi phí, cụ B không tham gia đóng góp. Tòa án cũng đã tiến hành xác minh tại địa phương, kết quả xác minh cho thấy do cụ T thuộc diện là người khuyết tật đặc biệt nặng nên cụ T và gia đình cụ được hưởng trợ cấp xã hội. Từ thời điểm tháng 2/2018 đến tháng 8/2021 tổng số tiền cụ T và gia đình được hưởng trợ cấp = 39.225.000 đồng. Khi cụ T chết gia đình cũng được địa phương hỗ trợ tiền mai táng phí = 7.600.000 đồng. Tổng 2 khoản tiền trên là 46.845.000 đồng. Tòa án cũng đã tiến hành xác minh tại trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh H về chi phí cho 1 người khuyết tật nặng, kết quả cho thấy mức chi phí trung bình cho 1 người khuyết tật nặng trong các cơ sở bảo trợ xã hội trung bình là 1.655.000 đồng/1 tháng, khi phải nằm viện thì những người này được bảo hiểm chi trả. Hội đồng xét xử thấy, mặc dù ông G không đưa ra được chứng cứ cụ thể để chứng minh tổng số tiền chi phí cho việc nuôi dưỡng, chăm sóc và mai táng cho cụ T = 469.000.000 đồng, nhưng việc ông G nuôi dưỡng, chăm sóc cụ T là có thật. Theo quy định tại Điều 107 và Điều 111 Luật Hôn nhân và gia đình thì cụ B và các con đều phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cụ T. Do vậy cần buộc cụ B phải trả cho anh G 1 phần tiền cấp dưỡng cho cụ T = 100.000.000 đồng.
- Về chi phí giám định và thẩm định: Quá trình giải quyết do cụ B không thừa nhận chữ ký của cụ trong 2 Biên bản chuyển nhượng đất ở do anh C và anh G xuất trình nên Tòa án đã phải tiến hành giám định chữ ký của cụ. Kết quả giám định cho thấy chữ ký “B” và chữ viết “Vũ Văn B” trong 2 biên bản trên là của cụ B, do vậy cụ B phải chịu số tiền chi phí giám định là 7.020.000 đồng. Số tiền này do anh C là người đã tạm ứng trước nên cụ B phải có trách nhiệm hoàn trả cho anh C 7.020.000 đồng.
- Tại cấp phúc thẩm Tòa án đã tiến hành thẩm định lại diện tích đất đang tranh chấp, chi phí thẩm định = 4.100.000đồng, số tiền này anh C đã nộp và tự nguyện không yêu cầu xem xét.
[3] Về án phí phúc thẩm: Do sửa án sơ thẩm nên anh G và anh C không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự.
Chấp nhận kháng cáo của anh Vũ Văn C; Không chấp nhận kháng cáo của anh Vũ Văn G. Sửa bản án Hôn nhân gia đình sơ thẩm số 49/2023/HNGĐ-ST ngày 16/8/2023 của Tòa án nhân dân thành phố Hải Dương như sau:
Áp dụng Khoản 2 Điều 28, điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 147, khoản 2 Điều 227, Điều 228, Điều 271, Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự; Các điều 33, 38, 39, 59, 107, 111 Luật Hôn nhân và gia đình; Khoản 2 Điều 117, khoản 2 Điều 119, khoản 2 Điều 129 Bộ luật dân sự; điểm a khoản 3 Điều 167 Luật đất đai; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, xử:
[1]. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của cụ Vũ Văn B.
Xác định tài sản chung của cụ Vũ Văn B và cụ Phạm Thị T để phân chia gồm 250 m² đất ở nằm trong thửa đất số 390, tờ bản đồ số 9, địa chỉ tại khu L, phường T, thành phố H, tỉnh Hải Dương, toàn bộ thửa đất đã được Ủy ban nhân dân thành phố H cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 457.QSDĐ/HD ngày 27/6/2002, mang tên cụ Vũ Văn B và cụ Phạm Thị T, giá trị 250m² đất ở là 3.500.000.000đồng.
Chia cho cụ B và cụ T mỗi người được 125m² đất ở trị giá 1.750.000.000đồng.
Chia bằng hiện vật:
+ Giao cho cụ Vũ Văn B được quyền quản lý, sử dụng diện tích 125m² đất được giới hạn bởi các điểm A18A19A5A6A7A8A9A10A11A12A13 đến A18. Tài sản trên đất có 01 lán tôn do anh G xây dựng. Anh G có trách nhiệm phải tháo dỡ toàn bộ lán tôn này.
+ Tạm giao cho những người kế thừa quyền và nghĩa vụ của cụ Phạm Thị T là bà Vũ Thị H, bà Vũ Thị P, ông Vũ Văn C, ông Vũ Văn G được quyền quản lý, sử dụng phần đất diện tích 125m² được giới hạn bởi các điểm A2A3A4A19A18A14A1đến A2. Các bà P, bà H, ông C, ông G được sử dụng 01 đoạn tường gạch cũ do cụ B xây trên đất.
- Xác nhận Hợp đồng chuyển nhượng đất (Biên bản chuyển nhượng đất ở ngày 22/02/2016) giữa cụ Vũ Văn B, Phạm Thị T với ông Vũ Văn C và bà Vũ Thị T1 có hiệu lực pháp luật. Ông Vũ Văn C và bà Vũ Thị T1 được quyền quản lý sử dụng 63,7m² đất ở, giới hạn bởi các điểm A1A2A20A21đến A1, trên đó có phần công trình lợp tôn của vợ chồng ông C, bà T1.
Các tài sản khác và cây cối trên đất nằm trên phần đất của ai thì người đó được hưởng, nếu nằm trên phần ranh giới giữa các thửa đất thì phải tháo dỡ.
- Xác nhận Hợp đồng chuyển nhượng đất (Biên bản chuyển nhượng đất ở ngày 22/02/2018) giữa cụ Vũ Văn B, Phạm Thị T với ông Vũ Văn G và bà Phạm Thị Q vô hiệu.
(Việc phân chia có sơ đồ kèm theo) - Cụ Vũ Văn B phải trả cho ông Vũ Văn G 100.000.000 đồng tiền nuôi dưỡng cụ Phạm Thị T.
Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành, nếu người phải thi hành án chưa thi hành khoản tiền trên thì phải chịu lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất phát sinh chậm trả được thực hiện theo khoản 2 Điều 357 Bộ luật dân sự.
[2] Về chi phí tố tụng:
- Chi phí thẩm định và định giá tại cấp sơ thẩm: Bà Vũ Thị H, Vũ Thị P, Vũ Văn C và ông Vũ Văn G mỗi người phải trả cho cụ Vũ Văn B số tiền 763.000đồng (đã được làm tròn).
- Chấp nhận sự tự nguyện của ông C chịu toàn bộ chi phí thẩm định tại cấp phúc thẩm là 4.100.000đồng (ông C đã nộp đủ).
- Chi phí giám định: Cụ Vũ Văn B phải trả cho ông C 7.020.000đồng chi phí giám định.
[3] Về án phí dân sự:
- Về án phí dân sự sơ thẩm: Miễn án phí dân sự sơ thẩm cho cụ Vũ Văn B và những người kế thừa quyền nghĩa vụ của cụ Phạm Thị T là bà Vũ Thị H, bà Vũ Thị P, ông Vũ Văn C, ông Vũ Văn G.
- Về án phí phúc thẩm: Các ông Vũ Văn C, Vũ Văn G không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Hoàn trả cho ông C 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm ông C đã nộp theo biên lai thu số 0002741 ngày 16/11/2023 của Cục thi hành án dân sự tỉnh Hải Dương.
Hoàn trả cho ông G 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm ông G đã nộp theo biên lai thu số 0002742 ngày 16/11/2023 của Cục thi hành án dân sự tỉnh Hải Dương.
Các quyết định khác của bản án Hôn nhân gia đình sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ khi hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án Hôn nhân gia đình phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án./ Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu yêu cầu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án về chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân số 24/2024/HNGĐ-PT
Số hiệu: | 24/2024/HNGĐ-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hải Dương |
Lĩnh vực: | Hôn Nhân Gia Đình |
Ngày ban hành: | 27/09/2024 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về