TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN TIÊN LỮ, TỈNH HƯNG YÊN
BẢN ÁN 43/2023/HS-ST NGÀY 19/09/2023 VỀ TỘI SẢN XUẤT HÀNG GIẢ LÀ PHỤ GIA THỰC PHẨM
Ngày 19 tháng 9 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Tiên Lữ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 33/2023/TLST-HS ngày 18 tháng 8 năm 2023, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 42/2023/QĐXXST-HS ngày 06 tháng 9 năm 2023 đối với các bị cáo:
1. Phạm Thị H, sinh năm 1980 tại xã TS, huyện TL, tỉnh Hưng Yên; Trú tại: Thôn NT, xã AV, huyện TL, tỉnh Hưng Yên; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hóa: 06/12; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; giới tính: Nữ; con ông Phạm Văn T (tại phiên tòa bị cáo khai còn có tên là Phạm Văn T1 đã chết) và bà Bùi Thị H1; có chồng là Phạm Văn Đ và 03 con, lớn nhất sinh năm 1998, nhỏ nhất sinh năm 2012; Tiền án, tiền sự: Chưa; Bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 30/01/2023 đến nay “có mặt tại phiên tòa”
2. Bùi Thị H1, sinh năm 1960 tại xã TS, huyện TL, tỉnh Hưng Yên; trú tại: Thôn TV, xã TS, huyện TL, tỉnh Hưng Yên; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hóa: 01/10; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; giới tính: Nữ; con ông Bùi Văn G và bà Đào Thị Đ (đều đã chết); có chồng là Phạm Văn T (tại phiên tòa bị cáo khai còn có tên là Phạm Văn T1 đã chết) và 08 con, lớn nhất sinh năm 1980, nhỏ nhất sinh năm 1999; Tiền án, tiền sự: Chưa; Bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 30/01/2023 đến nay “có mặt tại phiên tòa”
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
- Anh Nguyễn Tùng D, sinh năm 2004; Địa chỉ: Thôn CĐ, xã NT, huyện TL, tỉnh Hưng Yên “vắng mặt” - Công ty A Việt Nam; Địa chỉ: Khu Công nghiệp B I, phường B, thành phố B, tỉnh Đồng Nai; Địa chỉ Văn phòng đại diện tại Hà Nội: Số 3, phố Lê T, phường K, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội; Người đại diện hợp pháp: Ông Vũ Tiến D - Giám sát cao cấp Đội phòng chống hàng giả Công ty A Việt Nam “vắng mặt”
Người làm chứng:
- Chị Phạm Thị Th, sinh năm 1981 “vắng mặt”
- Anh Lương Văn H, sinh năm 1977 “vắng mặt”
Đều có địa chỉ: Thôn TV, xã TS, huyện TL, tỉnh Hưng Yên
- Anh Đào Quốc H, sinh năm 1983; Địa chỉ: Thôn NL, xã TS, huyện TL, tỉnh Hưng Yên “vắng mặt”
- Ông Phạm Hữu H, sinh năm 1958 “vắng mặt”
- Anh Hoàng Đình H, sinh năm 1983 “vắng mặt”
Đều có địa chỉ: Thôn CĐ, xã NT, huyện TL, tỉnh Hưng Yên
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên toà, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng 10 giờ ngày 16/10/2022, tại khu vực chợ Chùa thôn CĐ, xã NT, huyện TL, tỉnh Hưng Yên, tổ công tác Công an huyện Tiên Lữ phối hợp với công an xã Nhật Tân tuần tra phát hiện Bùi Thị H1 đang bán 02 gói mỳ chính nhãn hiệu A "Bột ngọt Nhật Bản duy nhất" loại 01 kg cho anh Nguyễn Tùng D với giá 120.000 đồng nghi là hàng giả. Tổ công tác tiến hành quản lý thu giữ 02 gói mỳ chính nghi là giả trên và 01 gói mỳ chính nhãn hiệu A "Bột ngọt Nhật Bản duy nhất" loại 01kg của Bùi Thị H1 trên sạp bán hàng niêm phong ghi kí hiệu M1. Tại chỗ, Bùi Thị H1 thừa nhận 02 gói mỳ chính vừa bán cho anh D là hàng giả, nguồn gốc mua tại kho của con gái tên Phạm Thị H ở thôn NL, xã TS, huyện TL vào sáng sớm cùng ngày với giá tiền 96.000 đồng. Cơ quan CSĐT Công an huyện Tiên Lữ tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của Bùi Thị H1 tại Thôn TV, xã TS nhưng không phát hiện thu giữ đồ vật tài liệu gì liên quan.
Trên cơ sở lời khai và tài liệu, chứng cứ thu giữ, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tiên Lữ tiến hành khám xét khẩn cấp kho hàng của Phạm Thị H ở thôn NL, xã TS phát hiện, quản lý: Tại gầm giường ngủ bên trong phòng của H: 90 vỏ túi nilon mặt ngoài ghi chữ A, vỏ ghi khối lượng tịnh 454g; 45 vỏ túi nilon mặt ngoài ghi chữ A, vỏ ghi khối lượng tịnh 01kg được niêm phong kí hiệu M3. Tại nền nhà ở góc bờ tường phía Đông tính từ cửa vào: 01 cân bàn nhãn hiệu Nhơn Hòa, loại 30kg đã qua sử dụng; 01 bàn là nhãn hiệu Sunhouse màu trắng cam đã qua sử dụng; 01 cục gỗ kích thước 20x10x9,8 (cm);
01 túi nilon bên trong có 01 cốc nhựa màu xanh cao 10cm, đường kính miệng cốc 9,8cm và chất kết tinh màu trắng (được niêm phong kí hiệu M4); 02 gói mỳ chính mặt ngoài ghi nhãn hiệu A vỏ ghi khối lượng tịnh 01kg/gói nguyên vẹn và 03 gói mỳ chính mặt ngoài ghi nhãn hiệu A, vỏ ghi khối lượng tịnh 454g/gói nguyên vẹn niêm phong kí hiệu M2; 11 bao tải dứa đều có khối lượng 25kg, mặt ngoài đều ghi chữ nước ngoài, bên trong đều chứa chất kết tinh màu trắng còn nguyên vẹn.
Tại cơ quan điều tra bị cáo Phạm Thị H khai nhận làm nghề buôn bán đồ khô, gia vị. Khoảng tháng 5/2022 tuy không được Công ty A Việt Nam cho phép sang chiết đóng gói mỳ chính nhãn hiệu A nhưng để phục vụ việc chuẩn bị hàng bán dịp Tết nguyên đán 2023, bị cáo đã nảy sinh ý định mua mì chính Trung Quốc về để sang chiết, sản xuất mỳ chính giả nhãn hiệu A kiếm lời. Bị cáo sang nhà em gái tên Phạm Thị Th ở thôn NM, xã AV, huyện TL hỏi mua 11 bao tải dứa mỳ chính Trung Quốc loại 25kg/bao với giá 1.100.000 đồng/bao, cùng với các vỏ túi mỳ chính nhãn hiệu A loại 01kg, 454g kèm theo 01 túi nilon đựng khoảng 05kg mỳ chính không rõ nhãn hiệu. Bị cáo đã thanh toán cho em gái tổng số tiền 12.100.000 đồng. Đến chiều ngày 15/12/2022 và rạng sáng ngày 16/12/2022, bị cáo lấy mỳ chính từ túi nilon mua của em gái đổ ra giấy bóng để trên nền kho, dùng cốc nhựa màu xanh xúc mì chính từ trong túi nilon đổ vào những vỏ túi nilon in sẵn nhãn hiệu Ajinonomoto loại 01 kg, 454g rồi đưa lên cân đồng hồ đủ khối lượng, dùng tay gấp phẳng mép túi đặt lên cục gỗ lấy bàn là cắm điện hàn kín lại thành 07 gói sản phẩm mỳ chính A gồm 04 gói loại 01kg và 03 gói loại 454g.
Cả hai bị cáo còn khai nhận, chiều ngày 15/12/2022 khi bị cáo H đang sang chiết, đóng các gói mì chính tại kho thì bị cáo Bùi Thị H1 sang chơi nhưng không nói gì. Đến 05 giờ sáng ngày 16/12/2022, bị cáo H1 điều khiển xe đạp mini màu hồng đến kho mua của bị cáo H 02 gói mì chính giả nhãn hiệu A loại 01kg/gói với giá 48.000 đồng/gói (02 gói giá 96.000 đồng) để đem bán cùng các mặt hàng đồ khô tại chợ Chùa, xã NT, huyện TL. Đến khoảng 10 giờ cùng ngày khi bị cáo H1 đang bán 02 gói mỳ chính giả nhãn hiệu A trên cho anh Nguyễn Tùng D thì bị lực lượng Công an phát hiện lập biên bản vụ việc.
Tại bản kết luận giám định số 8846/KL-KTHS ngày 30/12/2022 của Viện khoa học hình sự Bộ Công an kết luận:
Các mẫu trong thùng giấy (kí hiệu M1) gồm: 02 (hai) gói ghi mì chính nhãn hiệu AJNOMOTO có dòng chữ “Bột ngọt Nhật Bản DUY NHẤT” loại 1 kg/gói (ký hiệu M1.1, M1.2) đều là hàng giả, đều không cùng loại với gói mì chính nhãn hiệu A có dòng chữ “Bột ngọt Nhật Bản DUY NHẤT” loại 1 kg/gói do Công ty A Việt Nam cung cấp làm mẫu so sánh; 01 (một) gói ghi mì chính nhãn hiệu AJNOMOTO có dòng chữ “Bột ngọt Nhật Bản DUY NHẤT” loại 1 kg/gói (ký hiệu M1.3) là hàng thật, cùng loại với gói mì chính nhãn hiệu A có dòng chữ “Bột ngọt Nhật Bản DUY NHẤT” loại 1 kg/gói do Công ty A Việt Nam cung cấp làm mẫu so sánh.
Các mẫu trong thùng giấy (ký hiệu M2) gồm: 02 (hai) gói ghi mì chính nhãn hiệu A có dòng chữ “TIN YÊU VỮNG VÀNG GỬI NGÀN TRI ÂN” loại 1 kg/gói gửi giám định đều là hàng giả, đều không cùng loại với gói mì chính nhãn hiệu A có dòng chữ “TIN YÊU VỮNG VÀNG GỬI NGÀN TRI ÂN” loại 1 kg/gói do Công ty A Việt Nam cung cấp làm mẫu so sánh; 03 (ba) gói ghi mì chính nhãn hiệu AJNOMOTO có dòng chữ “Bột ngọt Nhật Bản DUY NHẤT” loại 454 g/gói gửi giám định đều là hàng giả, đều không cùng loại với gói mì chính nhãn hiệu A có dòng chữ “Bột ngọt Nhật Bản DUY NHẤT” loại 454 g/gói do Công ty A Việt Nam cung cấp làm mẫu so sánh.
Trong các mẫu (ký hiệu M1, M2, M4) gửi giám định đều có hàm lượng kim loại nặng Asen (As), Thủy ngân (Hg), Cadimi (Cd), Chì (Pb) đạt tiêu chuẩn cho phép về hàm lượng kim loại nặng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm (QCVN 8-2:2011/BYT).
Tinh thể màu trắng trong các mẫu ký hiệu M1, M2, M4 gửi giám định đều là Mononatri glutamat (mì chính). Mononatri glutamat nằm trong danh mục phụ gia thực phẩm thuộc Thông tư số 05/2018/TT-BYT.
Tại bản kết luận giám định số 8856/KL-KTHS ngày 28/12/2022 của Viện khoa học hình sự Bộ Công an kết luận: Các lớp in trên các vỏ bao bì cần giám định ký hiệu từ A1-1 đến A1-90; Các lớp in trên vỏ bao bì của các mẫu cần giám định ký hiệu A2-1, A2-2, A2-3 so với các lớp in trên các vỏ bao bì mẫu so sánh ký hiệu M1-1, M1-2 không phải do cùng các bản in tương ứng in ra. Các lớp in trên các vỏ bao bì cần giám định ký hiệu từ A3-1 đến A3-45; Các lớp in trên vỏ bao bì của các mẫu cần giám định ký hiệu A4-1, A4-2, A4-3 so với các lớp in trên các vỏ bao bì mẫu so sánh ký hiệu M2-1, M2-2 không phải do cùng các bản in tương ứng in ra. Các lớp in trên vỏ bao bì của các mẫu cần giám định ký hiệu A5-1, A5-2 so với các lớp in trên vỏ bao bì của mẫu so sánh ký hiệu M3 không phải do cùng các bản in tương ứng in ra.
Tại bản kết luận số 1940/KL-KTHS ngày 27/3/2023 của Viện khoa học hình sự Bộ Công an đối với các tinh thể màu trắng thu được trong 11 bao tải dứa tại nhà H, kết luận: Trong các mẫu ký hiệu N1, N2, N3 gửi giám định đều có hàm lượng kim loại nặng Asen (As), Thủy ngân (Hg), Cadimi (Cd), Chì (Pb) đạt tiêu chuẩn cho phép về hàm lượng kim loại nặng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm (QCVN 8-2:2011/BYT), ngoài ra không tìm thấy các chất độc khác.
Tại kết luận định giá tài sản số 60 ngày 26/4/2023 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lữ kết luận: Giá trị của 02 gói mỳ chính nhãn hiệu A có dòng chữ "Bột ngọt Nhật Bản duy nhất", loại 01kg/gói tại thời điểm 16/12/2022 có giá trị 132.000 đồng. Giá trị của 02 gói mỳ chính nhãn hiệu AJIINOMOTO có dòng chữ "Tin yêu vững vàng gửi ngàn tri ân", loại 01kg/gói tại thời điểm 16/12/2022 có giá trị 132.000 đồng. Giá trị của 03 gói mỳ chính nhãn hiệu AJINOTOMOTO có dòng chữ "Bột ngọt Nhật Bản duy nhất", loại 454g/gói tại thời điểm 16/12/2022 có giá trị 102.000 đồng.
Đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm loại Mononatri Gluatamat là mỳ chính có hàm lượng trong giới hạn quy chuẩn cho phép của các bị cáo Bùi Thị H1 và Phạm Thị H không có khả năng gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng nên không xem xét xử lý đối với hành vi này.
Việc bị cáo H khai mua 11 bao tải dứa mì chính Trung Quốc nguyên liệu và các vỏ túi nilon giả nhãn hiệu A của em gái tên Phạm Thị Th, tuy nhiên chị Th không thừa nhận việc bán cho bị cáo H. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tiên Lữ đã tiến hành đối chất giữa bị cáo H và chị Th, củng cố tài liệu liên quan nhưng chưa có đủ căn cứ chứng minh sự việc.
Vật chứng liên quan: Cơ quan điều tra đã thu giữ 11 bao tải dứa đều có khối lượng 25kg, mặt ngoài đều ghi chữ nước ngoài, bên trong đều chứa Mononatri glumat (mì chính); 01 cục gỗ kích thước 20x10x9,8 (cm); 01 bàn là điện nhãn hiệu Sunhouse màu trắng cam, đã qua sử dụng; 01 cân bàn nhãn hiệu Nhơn Hòa, loại 30kg đã qua sử dụng; 01 cốc nhựa màu xanh loại có quai chiều cao 10cm, đường kính 9,8cm đã qua sử dụng; 01 thùng giấy dán kín niêm phong bởi các hình dấu đỏ của Viện khoa học hình sự - Bộ Công an ghi số 8846/KL-KTHS bên trong chứa: 03 gói mì chính nhã hiệu A có dòng chữ " Bột ngọt Nhật Bản duy nhất" loại 01kg/gói; 02 gói mì chính nhãn hiệu A có dòng chữ " Tin yêu vững vàng gửi ngàn tri ân" loại 01kg/gói và 03 gói mì chính nhãn hiệu A có dòng chữ "Bột ngọt Nhật Bản duy nhất" loại 454g/gói; 01 túi nilon chứa tinh thể màu trắng; 01 thùng giấy dán niêm phong ghi số 8856/KL-KTHS bên trong chứa 90 vỏ túi nilon mặt ngoài ghi nhãn hiệu A loại 454g và 45 vỏ túi nilon mặt ngoài ghi nhãn hiệu A loại 01kg.
Đối với 01 xe đạp mini màu hồng đã cũ của bị cáo Bùi Thị H1 sử dụng ngày 16/12/2022 để chở mỳ chính giả nhãn hiệu A. Sau đó, bị cáo đã bán cho người thu mua phế liệu không biết rõ tên tuổi, địa chỉ cụ thể được số tiền 100.000 đồng. Bị cáo đã sử dụng tiêu sài cá nhân hết nên Cơ quan điều tra không quản lý được. Đối với số tiền 96.000 đồng và 120.000 đồng các bị cáo dùng vào việc mua bán mì chính giả nhãn hiệu A ngày 16/12/2022, do đã tiêu sài cá nhân hết nên Cơ quan điều tra không quản lý được.
Về trách nhiệm dân sự: Đối với thiệt hại của Công ty A Việt Nam do hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả nhãn hiệu mì chính A của các bị cáo gây ra, đại diện hợp pháp của Công ty là ông Vũ Tiến D, Giám sát cấp cao Đội chống hàng giả không yêu cầu bồi thường vì số lượng ít. Anh Nguyễn Tùng D yêu cầu bị cáo Bùi Thị H1 phải trả lại số tiền 120.000đ mua 02 gói mì chính giả nhãn hiệu A ngày 16/12/2022.
Quá trình điều tra, các bị cáo đã thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi của mình như đã nêu trên.
Bản cáo trạng số 32/CT-VKSTL ngày 18/8/2023 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Tiên Lữ truy tố bị cáo Phạm Thị H về tội “Sản xuất hàng giả là phụ gia thực phẩm”, bị cáo Bùi Thị H1 về tội “Buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm” theo quy định tại Khoản 1 Điều 193 Bộ luật Hình sự.
Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát luận tội và tranh luận: Trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được Hội đồng xét xử thẩm tra công khai tại phiên tòa có đủ cơ sở kết luận bị cáo Phạm Thị H phạm tội “Sản xuất hàng giả là phụ gia thực phẩm”; bị cáo Bùi Thị H1 phạm tội “Buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm” theo quy định tại Khoản 1 Điều 193 Bộ luật Hình sự. Do đó, đại diện Viện kiểm sát giữ nguyên quyết định truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Khoản 1 Điều 193; Điểm s Khoản 1, Khoản 2 Điều 51; Điều 65 Bộ luật Hình sự đối với cả hai bị cáo; áp dụng thêm Điểm b Khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo H1. Xử phạt bị cáo Phạm Thị H từ 02 năm 03 tháng đến 02 năm 06 tháng tù cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách theo quy định; Xử phạt bị cáo Bùi Thị H1 từ 02 năm đến 02 năm 03 tháng tù cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách theo quy định. Giao bị cáo H cho UBND xã An Viên, bị cáo H1 cho UBND xã TS giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với các bị cáo. Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điểm a Khoản 1 Điều 46; Điểm a, b Khoản 1, Khoản 2 Điều 47 Bộ luật Hình sự; Điểm a, b Khoản 2, Khoản 3 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự: Đề nghị HĐXX tuyên tịch thu tiêu hủy toàn bộ vật chứng. Truy thu số tiền 96.000đ thu lợi bất chính của bị cáo H; buộc bị cáo H1 phải trả lại anh Nguyễn Tùng D số tiền 120.000đ. Về án phí: Bị cáo H phải chịu 200.000 đồng án phí sơ thẩm hình sự. Bị cáo H1 được miễn án phí vì là người cao tuổi.
Bị cáo Phạm Thị H, Bùi Thị H1 giao nộp chứng cứ chứng minh có chồng, cha, anh ruột được tặng thưởng huân chương, liệt sỹ và đơn đề nghị giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo H1 giao nộp biên lai thu tiền tại Chi cục THADS huyện Tiên Lữ để khắc phục hậu quả cho anh Nguyễn Tùng D số tiền 120.000đ.
Các bị cáo tự bào chữa: Nhất trí với cáo trạng đã truy tố và luận tội của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Tiên Lữ xác định các bị cáo phạm tội Sản xuất và Buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm một phần hình phạt.
Lời nói sau cùng của các bị cáo: Đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt, cho hưởng án treo được cải tạo tại địa phương.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận thấy:
[1]. Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện Tiên Lữ, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Tiên Lữ, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên toà, các bị cáo và những người tham gia tố tụng khác không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
[2]. Về nội dung: Lời khai nhận của các bị cáo tại phiên toà phù hợp với lời khai tại cơ quan điều tra và phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án. Hành vi của các bị cáo được chứng minh bằng biên bản vụ việc lập hồi 10 giờ ngày 16/12/2022 tại chợ Chùa thôn CĐ, xã NT, huyện TL thu giữ của Bùi Thị H1 03 gói mì chính nhãn hiệu A nghi là giả; bằng biên bản khám xét lập hồi 11 giờ ngày 16/12/2022 tại kho hàng của Phạm Thị H ở Thôn NL, xã TS, huyện TL thu giữ 90 vỏ túi nilon mặt ngoài ghi A khối lượng tịnh 454g; 45 vỏ túi nilon mặt ngoài ghi A khối lượng tịnh 1kg; 02 gói mì chính loại 1kg; 03 gói mì chính loại 454g; 11 bao tải dứa có khối lượng tịnh 25kg/bao đều được đóng, mở niêm phong theo đúng quy định và được Viện Khoa học hình sự Bộ Công an kết luận là mì chính giả nhãn hiệu, không cùng loại với mẫu mì chính của nhãn hiệu A do Công ty A Việt Nam cung cấp; bằng các vật chứng đã thu giữ tại kho hàng của bị cáo H là các công cụ dùng vào việc sản suất, đóng gói mì chính giả; bằng lời khai của các người làm chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và bằng chính lời khai nhận của các bị cáo. Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân huyện Tiên Lữ có đủ cơ sở kết luận: Ngày 15 và 16/ 12/2022 tại kho hàng ở Thôn NL, xã TS, huyện TL, tỉnh Hưng Yên bị cáo Phạm Thị H đã có hành vi sản suất 07 gói mì chính giả nhãn hiệu A gồm 04 gói loại 1kg và 03 gói loại 545g tương đương với số lượng hàng thật trị giá 366.000đ, sau đó bán cho bị cáo Bùi Thị H1 02 gói mì chính giả nhãn hiệu A loại 01kg với giá tiền 96.000đ. Đến khoảng 10 giờ ngày 16/12/2022 tại chợ Chùa Thôn CĐ, xã NT, huyện TL, tỉnh Hưng Yên bị cáo Bùi Thị H1 đã bán 02 gói mì chính giả nhãn hiệu A loại 01 kg tương đương với số lượng hàng thật trị giá 132.000đ cho anh Nguyễn Tùng D lấy số tiền 120.000đ thu lời bất chính 24.000đ thì bị lực lượng Công an phát hiện bắt giữ. Hành vi của bị cáo Phạm Thị H đã phạm tội “Sản xuất hàng giả là phụ gia thực phẩm”; hành vi của bị cáo Bùi Thị H1 đã phạm tội “Buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm” theo quy định tại Khoản 1 Điều 193 Bộ luật Hình sự. Bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Tiên Lữ truy tố các bị cáo về tội danh và điều luật nêu trên là đúng người, đúng tội, không oan sai.
[3]. Xét tính chất mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm đến quy định của nhà nước về sản suất, buôn bán các loại hàng hóa là phụ gia thực phẩm, gây mất ổn định thị trường, đe dọa đến tính mạng sức khỏa của người tiêu dùng. Các bị cáo nhận thức pháp luật đầy đủ, biết rõ việc sản suất, buôn bán mì chính giả là vi phạm pháp luật của nhà nước nhưng do hám lợi vẫn cố tình mua mì chính không rõ nguồn gốc, xuất xứ về đóng gói sản suất thành mì chính giả của Công ty A Việt Nam rồi đem bán cho người tiêu dùng thu lợi bất chính. Các bị cáo phạm tội độc lập, không đồng phạm với nhau về hành vi sản suất và buôn bán mì chính giả. Do vậy, cần phải có hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội của các bị cáo để đề cao tính nghiêm minh của pháp luật, đồng thời có tác dụng giáo dục riêng phòng ngừa chung.
[4]. Khi quyết định hình phạt, Hội đồng xét xử có xem xét đến nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo. Về nhân thân hai bị cáo là mẹ con của nhau, chưa vi phạm pháp luật lần nào. Về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ: Hai bị cáo không phải chịu tình tiết tăng nặng nào, được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại Điểm s Khoản 1, Khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự vì có thái độ thành khẩn khai báo ăn năn hối cải; có chồng, cha là ông Phạm Văn T (tức Phạm Văn T1) được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng ba vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Quốc tế tại nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; có đơn trình bày hoàn cảnh khó khăn đề nghị giảm nhẹ hình phạt được chính quyền địa phương xác nhận; bị cáo H1 có anh trai là Bùi Văn An hy sinh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bị cáo H1 còn được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự vì đã tự nguyện nộp số tiền 120.000đ để khắc phục hậu quả cho anh Nguyễn Tùng D.
Từ những phân tích và nhận định như trên, Hội đồng xét xử xét thấy các bị cáo được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhân thân tốt chưa vi phạm pháp luật lần nào, có nơi cư trú rõ ràng và khả năng tự cải tạo, đủ điều kiện được hưởng án treo quy định tại Điều 65 Bộ luật Hình sự, nên chỉ cần phạt tù cho hưởng án treo dưới sự giám sát, giáo dục của chính quyền địa phương nơi cư trú cũng đủ tác dụng giáo dục các bị cáo trở thành người có ích cho gia đình, xã hội, có ý thức tuân thủ pháp luật, đáp ứng nhu cầu phòng ngừa tội phạm chung như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Tiên Lữ tại phiên tòa.
[5]. Về hình phạt bổ sung, theo quy định tại khoản 5 Điều 193 Bộ luật Hình sự thì “Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”. Theo các tài liệu, chứng cứ và lời khai của các bị cáo tại phiên toà cho thấy các bị cáo đều là lao động tự do thu nhập thấp, hoàn cảnh gia đình khó khăn, không đảm nhiệm chức vụ hoặc hành nghề liên quan đến quản lý phụ gia thực phẩm nên Hội đồng xét xử quyết định không áp dụng hình phạt bổ sung đối với các bị cáo.
[6]. Về trách nhiệm dân sự và xử lý vật chứng: Đối với thiệt hại của Công ty A Việt Nam do hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả nhãn hiệu mì chính A của các bị cáo gây ra, đại diện hợp pháp của Công ty không yêu cầu bồi thường vì số lượng ít nên HĐXX không đề cập.
Số tiền 120.000đ bị cáo H1 bán 02 gói mì chính giả cho anh Nguyễn Tùng D bị cáo phải có trách nhiệm hoàn trả.
Đối với số tiền 96.000đ bị cáo H thu được từ việc bán 02 gói mì chính giả cho bị cáo H1 cần truy thu sung vào công quỹ nhà nước.
Đối với 11 bao tải dứa có khối lượng 25kg/bao, mặt ngoài ghi chữ nước ngoài, bên trong chứa Mononatri glumat (mì chính); 01 cục gỗ kích thước 20x10x9,8 (cm); 01 bàn là điện nhãn hiệu Sunhouse màu trắng cam, đã qua sử dụng; 01 cân bàn nhãn hiệu Nhơn Hòa, loại 30kg đã qua sử dụng; 01 cốc nhựa màu xanh loại có quai chiều cao 10cm, đường kính 9,8cm đã qua sử dụng; 01 thùng giấy dán kín niêm phong bởi các hình dấu đỏ của Viện khoa học hình sự, Bộ Công an ghi số 8846/KL-KTHS bên trong hoàn lại mẫu vật sau giám định; 01 thùng giấy dán niêm phong ghi số 8856/KL-KTHS bên trong chứa 90 vỏ túi nilon mặt ngoài ghi nhãn hiệu A loại 454g và 45 vỏ túi nilon mặt ngoài ghi nhãn hiệu A loại 01kg là công cụ, phương tiện phạm tội nên tịch thu cho tiêu hủy.
Đối với 01 gói mì chính loại 01 kg nhãn hiệu A thu giữ tại sạp bán hàng của bị cáo H1 ngày 26/12/2022 được giám định kết luận là mì chính thật nhưng bị cáo không yêu cầu nhận lại. Do giá trị gói mì chính thấp nên HĐXX quyết định tịch thu cho tiêu hủy.
Đối với chiếc xe đạp mini màu hồng đã cũ bị cáo Bùi Thị H1 sử dụng đi chợ ngày 16/12/2022, ngoài việc chở 02 gói mỳ chính giả bị cáo còn chở các hàng hóa khác đem bán. Sau đó, xe bị cũ hỏng bị cáo đã bán cho người thu mua phế liệu không thu hồi được nên HĐXX không xem xét giải quyết.
[7]. Về các nội dung khác trong vụ án: Đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm loại Mononatri Gluatamat là mỳ chính không rõ nguồn gốc suất xứ, có hàm lượng trong giới hạn quy chuẩn cho phép của bị cáo Bùi Thị H1 và Phạm Thị H không có khả năng gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng nên cơ quan điều tra không xem xét xử lý hành vi này là đúng quy định.
Việc bị cáo Phạm Thị H khai mua 11 bao tải dứa mì chính Trung Quốc nguyên liệu và các vỏ túi nilon giả nhãn hiệu A của em gái tên Phạm Thị Th, nhưng chị Th không thừa nhận việc bán cho bị cáo H. Cơ quan điều tra đã tiến hành đối chất giữa các bên, củng cố tài liệu liên quan nhưng chưa đủ căn cứ chứng minh sự việc nên HĐXX không xem xét giải quyết.
[8]. Về nghĩa vụ chịu án phí: Các bị cáo H, H1 bị kết tội nên phải chịu án phí theo quy định. Do bị cáo H1 là người cao tuổi nên được miễn án phí theo Nghị quyết số 326/2016/ UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về án phí, lệ phí Toà án.
[9]. Luận tội và đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Tiên Lữ tại phiên tòa về tội danh, điều luật áp dụng, mức hình phạt đối với các bị cáo và các vấn đề khác cần giải quyết trong vụ án là có căn cứ được Hội đồng xét xử chấp nhận.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ Khoản 1 Điều 193; Điểm s Khoản 1, Khoản 2 Điều 51; Điều 65 Bộ luật Hình sự; Nghị quyết số 326/2016/ UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về án phí, lệ phí Toà án đối với bị cáo Phạm Thị H.
Căn cứ Khoản 1 Điều 193; Điểm b, s Khoản 1, Khoản 2 Điều 51; Điều 65 Bộ luật Hình sự, Nghị quyết số 326/2016/ UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về án phí, lệ phí Toà án đối với bị cáo Bùi Thị H1.
Tuyên bố: Bị cáo Phạm Thị H phạm tội “Sản xuất hàng giả là phụ gia thực phẩm” Bị cáo Bùi Thị H1 phạm tội “Buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm” Xử phạt bị cáo Phạm Thị H 02 năm 06 tháng (hai năm sáu tháng) tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 05 năm (năm năm) được tính từ ngày tuyên án. Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân xã AV, huyện TL, tỉnh Hưng Yên giám sát và giáo dục trong thời gian thử thách.
Xử phạt bị cáo Bùi Thị H1 02 năm (hai năm) tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 04 năm (bốn năm) được tính từ ngày tuyên án. Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân xã TS, huyện TL, tỉnh Hưng Yên giám sát và giáo dục trong thời gian thử thách.
Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại Điều 92 của Luật thi hành án hình sự. Trong thời gian thử thách người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.
Về trách nhiệm dân sự: Buộc bị cáo Bùi Thị H1 phải trả lại anh Nguyễn Tùng D số tiền 120.000đ (Một trăm hai mươi nghìn đồng) bán hai gói mì chính giả. Bị cáo đã tự nguyện nộp số tiền 120.000đ tại Chi cục THADS huyện Tiên Lữ theo biên lai thu số 0003511 ngày 19/9/2023 được trả cho anh D.
Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điểm a Khoản 1 Điều 46; Điểm a, b Khoản 1, Khoản 2 Điều 47 Bộ luật Hình sự; Điểm a, b Khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự:
Truy thu sung vào công quỹ nhà nước số tiền 96.000đ (chín mươi sáu nghìn đồng) của bị cáo Phạm Thị H thu lợi bất chính từ việc bán 02 gói mì chính giả cho bị cáo Bùi Thị H1.
Tịch thu cho tiêu hủy 11 bao tải dứa đều có khối lượng 25kg, mặt ngoài đều ghi chữ nước ngoài, bên trong đều chứa Mononatri glumat (mì chính); 01 cục gỗ kích thước 20x10x9,8 (cm); 01 bàn là điện nhãn hiệu Sunhouse màu trắng cam, đã qua sử dụng; 01 cân bàn nhãn hiệu Nhơn Hòa, loại 30kg đã qua sử dụng; 01 cốc nhựa màu xanh loại có quai chiều cao 10cm, đường kính 9,8cm đã qua sử dụng; 01 thùng giấy dán kín niêm phong bởi các hình dấu đỏ của Viện khoa học hình sự - Bộ Công an ghi số 8846/KL-KTHS bên trong chứa: 03 gói mì chính nhã hiệu A có dòng chữ " Bột ngọt Nhật Bản duy nhất" loại 01kg/gói;
02 gói mì chính nhãn hiệu A có dòng chữ " Tin yêu vững vàng gửi ngàn tri ân" loại 01kg/gói và 03 gói mì chính nhãn hiệu A có dòng chữ "Bột ngọt Nhật Bản duy nhất" loại 454g/gói; 01 túi nilon chứa tinh thể màu trắng; 01 thùng giấy dán niêm phong ghi số 8856/KL-KTHS bên trong chứa 90 vỏ túi nilon mặt ngoài ghi nhãn hiệu A loại 454g và 45 vỏ túi nilon mặt ngoài ghi nhãn hiệu A loại 01kg (Tình trạng, số lượng vật chứng theo phiếu nhập kho ngày 28/8/2023 giữa cơ quan Công an huyện Tiên Lữ và Chi cục thi hành án dân sự huyện Tiên Lữ).
Về án phí: Bị cáo Phạm Thị H phải chịu 200.000 đồng án phí sơ thẩm hình sự.
Miễn án phí sơ thẩm cho bị cáo Bùi Thị H1 vì là người cao tuổi.
Án xử công khai có mặt các bị cáo, vắng mặt người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Báo cho các bị cáo biết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan biết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự được quyền kháng cáo lên Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên để xét xử theo trình tự phúc thẩm.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án số 43/2023/HS-ST về tội sản xuất hàng giả là phụ gia thực phẩm
Số hiệu: | 43/2023/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Tiên Lữ - Hưng Yên |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 19/09/2023 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về