Bản án 37/2023/HS-ST về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm

TOÀ ÁN NHÂN DÂN QUẬN A - THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 37/2023/HS-ST NGÀY 14/03/2023 VỀ TỘI SẢN XUẤT, BUÔN BÁN HÀNG GIẢ LÀ THỰC PHẨM, PHỤ GIA THỰC PHẨM

Ngày 14 tháng 3 năm 2023 tại Trụ sở Tòa án nhân dân Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh, xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số 191/2022/TLST-HS ngày 03 tháng 10 năm 2022, theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 88/2023/QĐXXST-HS ngày 28/2/2023 đối với các bị cáo:

1. Nguyễn Văn T; Giới tính: Nam; Sinh năm: 1969, tại: Tỉnh NĐ; Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Xã Yên Cường, huyện Ý Yên, tỉnh NĐ; Nơi tạm trú: 94 đường TCH 18, phường T, Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh; Nghề nghiệp: Buôn bán; Trình độ văn hoá: Lớp 07/12; Quốc tịch:Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: không; Con ông: Nguyễn Văn B (đã chết); Con bà: Tr Thị N; sinh năm 1940; Vợ: Nguyễn Thị H, sinh năm 1969; Con: 02 người con, con lớn nhất sinh năm 1989 con nhỏ nhất sinh năm 1991; Tiền án, tiền sự: Không;

Nhân thân: Ngày 13/9/2020 bị công an phường Tân Chánh H xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đánh bạc. Ngày 21/9/2020 đã nộp phạt xong.

Bị cáo bị tạm giữ ngày 20/4/2022 đến ngày 28/4/2022 bị tạm giam đến nay (Có mặt).

2. Nguyễn Văn Tr; Giới tính: Nam; Sinh năm 1991, tại: tỉnh NĐ; Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Xã Yên Cường, huyện Ý Yên, tỉnh NĐ; Nơi tạm trú: 94 đường TCH 18, phường Tân Chánh H, Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh; Nghề nghiệp: Lao động tự do; Trình độ văn hoá: Lớp 09/12; Quốc tịch:Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Con ông: Nguyễn Văn T, sinh năm 1969; Con bà: Nguyễn Thị Hạnh, sinh năm 1969; Vợ con: chưa có.

Tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo tại ngoại. Có mặt.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1/ Bà Lê Thị Hồng N, sinh năm 1981 (vắng mặt) Nơi cư trú: C, ấp 6A, xã Vĩnh Lộc, huyện Bình C, Thành phố Hồ Chí Minh.

2/ Bà Lê Thị Ngọc L, sinh năm 1971 (vắng mặt) Nơi cư trú: A, ấp 6A, xã Vĩnh Lộc, huyện Bình C, Thành phố Hồ Chí Minh.

3/ Bà Trần Thị Kim L, sinh năm 1976 (vắng mặt) Nơi cư trú: Số 20 N, Khu phố 5, phường An L, quận Bình T, Thành phố Hồ Chí Minh.

4/ Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng MASAN Địa chỉ: Tầng 12, Tòa nhà Mplaza Sài Gòn, 39 Lê Duẫn, phường B, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại diện ủy quyền: Ông Trần Văn S (vắng mặt)

5/ Công ty A Việt Nam Địa chỉ: Số 06 M, phường Đ, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại diện ủy quyền: Ông Vũ Quốc H (vắng mặt)

6/ Công ty TNHH Q Việt Nam Địa chỉ: A2-3 T, xã Tân An Hội, huyện C, Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại diện ủy quyền bà Nguyễn Thị Xuân L (vắng mặt) Người bào chữa:

Ông Huỳnh Khắc T là Luật sư của Văn phòng Luật sư Nguyễn Quang V thuộc đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn T và Nguyễn Văn Tr (Có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào ngày 19/04/2022, tại trước địa chỉ số 1018 Tô Ký, phường Tân Chánh H, Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh, công an Quận A kiểm tra phát hiện Nguyễn Văn T và Nguyễn Văn Tr đang điều khiển xe ô tô biển số 51C-X chở theo 62 gói hạt nêm Knorr loại 170g, 07 gói hạt nêm Knorr loại 400g, 76 gói bột ngọt Aji-no-moto loại 400g, 82 gói bột ngọt Aji-no-moto loại 454g, 12 gói bột ngọt Aji-no-moto loại 1kg, 137 gói bột ngọt Aji-no-moto loại 100g, 45 gói bột giặt Aba loại 400g, 51 gói bột giặt Aba loại 800g, 20 gói bột giặt Aba loại 3kg, 16 gói bột giặt Omo xoáy bay 100% loại 3kg, 90 gói bột giặt Omo xoáy bay 100% loại 800g, 232 gói bột giặt Omo xoáy bay 100% loại 400g, 24 chai nước mắm Nam Ngư loại 500ml, 90 chai nước mắm Nam Ngư Đệ Nhị loại 900ml không có hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, có dấu hiệu giả mạo nên tiến hành tạm giữ tang vật, phương tiện đồng thời yêu cầu Nguyễn Văn T và Nguyễn Văn Tr về trụ sở Công an Quận A làm việc.

Tại Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Quận A, Nguyễn Văn T và Nguyễn Văn Tr khai nhận: Toàn bộ số bột ngọt nhãn hiệu AJI-NO-MOTO, hạt nêm nhãn hiệu KNORR, nước mắm nhãn hiệu Nam Ngư và Nam Ngư Đệ Nhị, bột giặt nhãn hiệu OMO xoáy bay 100% và ABA nêu trên là do Nguyễn Văn T mua N liệu, bao bì trôi nổi trên thị trường rồi mang về Phòng trọ số 2, thuộc dãy nhà trọ số 94, đường TCH 18, khu phố 2, phường Tân Chánh H, Quận A, TP.Hồ Chí Minh cất giấu và phối hợp cùng với Nguyễn Văn Tr sản xuất (làm giả) để bán kiếm lời.

Tiến hành khám xét khẩn cấp chổ ở của Nguyễn Văn T và Nguyễn Văn Tr tại Phòng trọ số 2, thuộc dãy nhà trọ số 94, đường TCH 18, khu phố 2, phường Tân Chánh H, Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả thu giữ thêm được hàng hóa thành phẩm, bán thành phẩm, công cụ, phương tiện, N vật liệu sản xuất hàng giả.

Nguyễn Văn T khai nhận: T làm nghề buôn bán tạp hoá dạo tại khu vực huyện B, Thành phố Hồ Chí Minh và huyện Đức Hòa, tỉnh L. Thuê phòng trọ số 2, thuộc dãy nhà trọ số 94, đường TCH 18, khu phố 2, phường Tân Chánh H, Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh để ở và cất giữ hàng hoá. Do thấy các mặt hàng đang được bán trên thị trường như hạt nêm nhãn hiệu KNORR, bột ngọt nhãn hiệu AJI-NO-MOTO, nước mắm nhãn hiệu Nam Ngư và Nam Ngư Đệ Nhị, bột giặt nhãn hiệu ABA, bột giặt nhãn hiệu OMO xoáy bay 100% dễ tiêu thụ và có lợi nhuận cao nên Nguyễn Văn T đã sản xuất (làm giả) các mặt hàng trên để bán kiếm lời.

Để thực hiện hành vi phạm tội, Nguyễn Văn T đến các tiệm tạp hóa, đại lý phân phối ở phường Tân Chánh H và phường Tân Thới H, Quận A và khu vực chợ Tam Bình, quận Thủ Đức để mua các loại N liệu như: Bột ngọt in hình 2 con tôm ghi chữ nước ngoài loại 25kg hoặc Bột ngọt hiệu FuFeng loại 25kg với giá 1.300.000 đồng/bao, hạt nêm hiệu Nêm Việt loại 10kg với giá 230.000 đồng/bao, bột giặt hiệu YES loại 15kg với giá 235.000/bao, nước mắm nhãn hiệu Nam Ngư Siêu tiết kiệm loại 4,8 lít với giá 80.000 đồng/chai đồng thời mua các vỏ chai nước mắm (kèm theo nắp) nhãn hiệu Nam Ngư thể tích 500ml, 750ml và Nam Ngư Đệ Nhị thể tích 900ml cùng thùng giấy các loại (dùng để đóng gói hàng giả) từ những người bán phế liệu rồi mang về phòng trọ số 2, thuộc dãy nhà trọ số 94, đường TCH 18, khu phố 2, phường Tân Chánh H, Quận A, TP.Hồ Chí Minh cất giấu và phối hợp cùng Nguyễn Văn Tr sản xuất các loại hàng giả nêu trên. Đối với các loại bao bì hạt nêm nhãn hiệu KNORR, bột ngọt nhãn hiệu AJI-NO-MOTO, bột giặt nhãn hiệu ABA, bột giặt nhãn hiệu OMO xoáy bay 100%, tem nước mắm Nam Ngư và Nam Ngư Đệ Nhị thì Nguyễn Văn T mua của một người đàn ông không rõ lai lịch bán dạo ở huyện B, Thành phố Hồ Chí Minh với giá từ 600 đến 1000 đồng/cái (tùy kích thước) và 300 đồng/cặp tem (gồm mặt trước và mặt sau).

- Quy trình sản xuất hàng giả như sau:

+ Trước khi sản xuất các loại hàng giả Nguyễn Văn T cắm điện cho máy ép nhiệt nóng lên rồi sau đó chuẩn bị kéo, thau nhựa, đồ xúc, cân, phễu và các loại N liệu, bao bì (đã được ép kín một đầu, hở một đầu), vỏ chai nhựa.

+ Đối với việc sản xuất hạt nêm nhãn hiệu KNORR giả: Nguyễn Văn T dùng kéo cắt một đầu bao hạt nêm hiệu Nêm Việt loại 10kg rồi dùng đồ xúc xúc hạt nêm trong bao đổ vào trong các bao bì hạt nêm nhãn hiệu KNORR tương ứng, cân cho đủ theo trọng lượng in trên các loại bao bì. Sau đó hàn kín miệng bao bì bằng máy ép nhiệt tạo thành các gói hạt nêm nhãn hiệu KNORR giả thành phẩm.

+ Đối với việc sản xuất bột ngọt nhãn hiệu AJI-NO-MOTO giả: Nguyễn Văn T dùng kéo cắt một đầu bao bột ngọt in hình 2 con tôm, ghi chữ nước ngoài loại 25kg hoặc bao bột ngọt hiệu FuFeng loại 25kg rồi dùng đồ xúc xúc bột ngọt trong bao đổ vào trong các bao bì bột ngọt nhãn hiệu AJI-NO-MOTO tương ứng, cân cho đủ theo trọng lượng in trên các loại bao bì. Sau đó hàn kín miệng bao bì bằng máy ép nhiệt tạo thành các gói bột ngọt nhãn hiệu AJI-NO-MOTO giả thành phẩm.

+ Đối với việc sản xuất bột giặt nhãn hiệu OMO xoáy bay 100% và nhãn hiệu ABA giả: Nguyễn Văn T dùng kéo cắt một đầu bao bột giặt hiệu YES loại 15kg đổ vào một thau nhựa rồi dùng đồ xúc xúc bột giặt trong thau đổ vào trong các bao bì bột giặt nhãn hiệu OMO xoáy bay 100%, nhãn hiệu ABA tương ứng, cân cho đủ theo trọng lượng in trên các loại bao bì. Sau đó hàn kín miệng bao bì bằng máy ép nhiệt tạo thành các gói bột giặt nhãn hiệu OMO xoáy bay 100%, nhãn hiệu ABA giả thành phẩm.

+ Đối với việc sản xuất nước mắm nhãn hiệu Nam Ngư, Nam Ngư Đệ Nhị giả: Nguyễn Văn T tiến hành súc, rửa các vỏ chai nước mắm nhãn hiệu Nam Ngư, Nam Ngư Đệ Nhị đã qua sử dụng. Sau đó, Nguyễn Văn T sử dụng phễu sang chiết nước mắm từ chai nước mắm nhãn hiệu Nam Ngư Siêu tiết kiệm loại 4,8 lít sang các vỏ chai nước mắm nhãn hiệu Nam Ngư, Nam Ngư Đệ Nhị đã chuẩn bị trước đó cho đủ thể tích ghi trên vỏ chai, sau đó đóng nắp là được sản phẩm nước mắm nhãn hiệu Nam Ngư, Nam Ngư Đệ Nhị giả thành phẩm. Nếu chai nào có nhãn đã bị rách, hỏng, mất thì T sẽ dán nhãn giả do T mua lên (dán hai mặt trước và sau).

+ Các sản phẩm hàng giả sau khi sản xuất xong được T đóng gói lại bỏ vào thùng giấy để mang đi bán cho khách hàng. Riêng các sản phẩm nước mắm Nam Ngư, Nam Ngư Đệ Nhị thì sau khi sản xuất xong T dùng màng co nilon để gói sản phẩm và dùng máy sấy tóc sấy cho màng co co lại rồi mới bỏ vào thùng.

- Quá trình buôn bán hàng giả:

Nguyễn Văn T chất các loại hàng giả do T tự sản xuất (gồm hạt nêm nhãn hiệu KNORR, bột ngọt nhãn hiệu AJI-NO-MOTO, nước mắm nhãn hiệu Nam Ngư và Nam Ngư Đệ Nhị, bột giặt nhãn hiệu ABA, bột giặt nhãn hiệu OMO xoáy bay 100%) cùng các loại hàng tạp hoá khác lên xe ô tô biển số 51C-X rồi chở đi bán dạo cho các cửa hàng tạp hóa tại khu vực huyện B, TP.Hồ Chí Minh và huyện Đ, tỉnh L. Việc mua bán các loại hàng giả tự sản xuất được T giao dịch bằng tiền mặt và không ghi lại sổ sách. Nguyễn Văn T ước tính mỗi tháng thu được khoảng 8.000.000 đồng lợi nhuận từ việc sản xuất, buôn bán các loại hàng giả nêu trên. Giá bán từng loại hàng giả cụ thể như sau:

+ Bột ngọt nhãn hiệu AJI-NO-MOTO loại 1kg bán với giá 56.000 – 57.000 đồng/gói.

+ Bột ngọt nhãn hiệu AJI-NO-MOTO loại 454g bán với giá 25.000 đồng/gói.

+ Bột ngọt nhãn hiệu AJI-NO-MOTO loại 400g bán với giá 23.000 đồng/gói.

+ Bột ngọt nhãn hiệu AJI-NO-MOTO loại 100g bán với giá 5.000 - 6000 đồng/gói.

+ Hạt nêm nhãn hiệu KNORR loại 400g bán với giá 22.000 – 23.000 đồng/gói.

+ Hạt nêm nhãn hiệu KNORR loại 170g bán với giá 11.000 – 11.500 đồng/gói.

+ Nước mắm nhãn hiệu Nam Ngư Đệ Nhị loại 900ml bán với giá 250.000 đồng/thùng (15 chai).

+ Nước mắm nhãn hiệu Nam Ngư loại 500ml bán với giá 630.000 đồng/thùng (24 chai).

+ Bột giặt nhãn hiệu OMO xoáy bay 100% loại 03kg bán với giá 80.000 đồng/gói.

+ Bột giặt nhãn hiệu OMO xoáy bay 100% loại 800g bán với giá 420.000 – 430.000 đồng/thùng (18 gói).

+ Bột giặt nhãn hiệu OMO xoáy bay 100% loại 400g bán với giá 420.000 – 430.000 đồng/thùng (36 gói).

+ Bột giặt nhãn hiệu ABA loại 03kg bán với giá 80.000 đồng/gói.

+ Bột giặt nhãn hiệu ABA loại 800g bán với giá 420.000 – 430.000 đồng/thùng (18 gói).

+ Bột giặt nhãn hiệu ABA loại 400g bán với giá 420.000 – 430.000 đồng/thùng (36 gói).

- Trong quá trình sản xuất, buôn bán các loại hàng giả nêu trên, do khối lượng công việc lớn nên T có kêu con trai là Nguyễn Văn Tr phụ T, cụ thể như sau: Tr phụ T xúc, đổ bột giặt, hạt nêm, bột ngọt, nước mắm N liệu vào vỏ bao bì, vỏ chai các sản phẩm tương ứng (bột giặt OMO xoáy bay 100%, bột giặt ABA, hạt nêm KNORR, bột ngọt AJI-NO- MOTO, nước mắm Nam Ngư và Nam Ngư Đệ Nhị) và cân cho đủ khối lượng in trên bao bì. Đồng thời, Tr phụ T đóng gói hàng giả đã sản xuất và bốc xếp lên xe tải, cùng T đi bán hàng (bốc xếp hàng giả xuống cho khách hàng). Tuy nhiên, Nguyễn Văn Tr không thường xuyên thực hiện mà chỉ khi nào có nhiều hàng, khối lượng công việc lớn thì T mới kêu Tr phụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả các loại. Trung bình mỗi tháng, Tr phụ T sản xuất, buôn bán các loại hàng giả nêu trên khoảng 6 - 7 buổi/tháng.

- Sau khi bán hết số hàng giả đã sản xuất, Nguyễn Văn T tiếp tục mua N liệu, bao bì, vỏ chai rồi phối hợp cùng Nguyễn Văn Tr sản xuất theo quy trình như trên để mang đi bán kiếm lời.

- Đối với số hàng hóa gồm bột ngọt nhãn hiệu AJI-NO-MOTO, nước mắm nhãn hiệu Nam Ngư mà Cơ quan CSĐT Công an Quận A thu giữ tại cửa hàng tạp hóa của bà Lê Thị Hồng N và cửa hàng tạp hoá của bà Lê Thị Ngọc L Nguyễn Văn T khai nhận số hàng hóa trên là hàng giả do T tự sản xuất rồi đem đi bán cho bà N và bà Lê Thị Ngọc L. Bà N và bà Lê Thị Ngọc L không biết số hàng hóa trên là hàng giả vì trong quá trình mua bán T không có nói với bà N và bà Lê Thị Ngọc L đó là hàng giả, đồng thời giá bán cũng không chênh lệch nhiều so với giá hàng thật của các công ty.

- Nguyễn Văn T nhận thức được hành vi sản xuất, buôn bán các loại hàng giả, trong đó có hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm của bản thân là hành vi vi phạm pháp luật. Mặc dù đã được vợ là bà Nguyễn Thị Hạnh nhiều lần khuyên ngăn nhưng vì muốn thu lợi nhanh, dễ bán hàng (do giá thành sản xuất rẻ) nên T vẫn thực hiện hành vi trên.

Nguyễn Văn Tr khai nhận: Toàn bộ số hàng hóa, công cụ, N liệu, bao bì mà Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Quận A thu giữ trên xe ô tô biển số 51C-X và tại Phòng trọ số 2, thuộc dãy nhà trọ số 94, đường TCH 18, Khu phố 2, phường Tân Chánh H, Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh là của ông Nguyễn Văn T (ba của Tr). Đối với số hàng hóa thành phẩm gồm bột ngọt nhãn hiệu AJI-NO-MOTO, hạt nêm nhãn hiệu KNORR, nước mắm nhãn hiệu Nam Ngư và Nam Ngư Đệ Nhị, bột giặt nhãn hiệu OMO xoáy bay 100%, bột giặt nhãn hiệu ABA đều là hàng giả do Tr và T mới sản xuất (làm giả) trước đó không lâu.

- Khi nào có nhiều hàng, khối lượng công việc lớn thì Nguyễn Văn Tr sẽ phụ T sản xuất, buôn bán các loại hàng giả. Cụ thể như sau:

+ Nguyễn Văn Tr xúc, đổ bột giặt, hạt nêm, bột ngọt, nước mắm N liệu mà ông T đã chuẩn bị trước đó vào vỏ bao bì, vỏ chai các sản phẩm tương ứng là bột giặt OMO xoáy bay 100%, bột giặt ABA, hạt nêm KNORR, bột ngọt AJI-NO-MOTO, nước mắm Nam Ngư và Nam Ngư Đệ Nhị rồi cân cho đủ khối lượng in trên bao bì và đưa cho ông T ép nhiệt bịt kín đầu sản phẩm.

+ Sau khi sản xuất hàng giả xong, Nguyễn Văn Tr đóng gói hàng giả đã sản xuất và bốc xếp lên xe tải rồi cùng ông T đi bán hàng giả (bốc xếp hàng giả xuống cho khách hàng). Trung bình mỗi tháng, Tr phụ T sản xuất, buôn bán các loại hàng giả nêu trên khoảng 6 - 7 buổi/tháng.

- Nguyễn Văn Tr nhận thức được hành vi sản xuất, buôn bán các loại hàng giả, trong đó có hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm của bản thân là hành vi vi phạm pháp luật. Mặc dù nhận thức được hành vi trên là vi phạm pháp luật nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn và ba của Tr là ông T nhờ phụ giúp nên T vẫn thực hiện hành vi trên.

Lê Thị Ngọc L và Lê Thị Hồng N trình bày:

Bà Lê Thị Ngọc L và bà N đều không biết các loại hàng hóa gồm bột ngọt nhãn hiệu AJI-NO-MOTO, nước mắm nhãn hiệu Nam Ngư mà ông Nguyễn Văn T bán cho mình là hàng giả do ông T và Nguyễn Văn Tr tự sản xuất. Do buôn bán tạp hóa một mình, không có ai trông coi cửa hàng nên bà Lê Thị Ngọc L và bà N không thể đến các đại lý phân phối để mua hàng hóa. Vì vậy, khi ông T đến chào bán các loại hàng tạp hóa trong đó có bột ngọt nhãn hiệu AJI-NO-MOTO, nước mắm nhãn hiệu Nam Ngư thì bà Lê Thị Ngọc L và bà N đã mua và không nghi ngờ gì. Giá mua cụ thể như sau:

-Bột ngọt nhãn hiệu AJI-NO-MOTO loại 454g mua với giá 25.000 đồng/gói.

-Bột ngọt nhãn hiệu AJI-NO-MOTO loại 400g mua với giá 23.000 đồng/gói.

-Nước mắm nhãn hiệu Nam Ngư loại 500ml bán với giá 630.000 đồng/thùng (24 chai).

Về thu lợi bất chính: Đối với các loại hàng giả là bột ngọt AJINOMOTO, hạt nêm KNORR, nước mắm nhãn hiệu Nam Ngư và Nam Ngư Đệ Nhị khoảng từ 5.000.000- 6.000.000 đồng tính từ thời điểm cuối tháng 11 năm 2021 đến khi bị phát hiện.

Bà Lê Thị Ngọc L và bà N không yêu cầu bị cáo Tr và T bồi thường trách nhiệm dân sự và cũng không có ý kiến gì.

Về phần dân sự:

Công ty TNHH Q Việt Nam, Công ty A Việt Nam là chủ nhãn hiệu hạt nêm Knorr, bột ngọt Ajinomoto, Công ty cổ phần tiêu dùng Masan không có yêu cầu bị can Nguyễn Văn T, Nguyễn Văn Tr bồi thường về dân sự.

Kết luận giám định số 2364/KLGĐ-TT ngày 26/04/2022 của Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an Thành phố Hồ Chí Minh, xác định:

+ Bản in bao bì các gói bột ngọt hiệu AJI-NO-MOTO thu của Nguyễn Văn T và Nguyễn Văn Tr so với bản in bao bì các gói bột ngọt hiệu AJI-NO-MOTO do Công ty A Việt Nam cung cấp không do cùng một bộ chế bản in ra.

+ Bản in bao bì các gói hạt nêm hiệu KNORR thu của Nguyễn Văn T và Nguyễn Văn Tr so với bản in bao bì các gói hạt nêm hiệu KNORR do Công ty TNHH Q Việt Nam cung cấp không do cùng một bộ chế bản in ra.

+ Bản in nhãn chai nước chấm Nam Ngư Đệ Nhị thu của Nguyễn Văn T và Nguyễn Văn Tr so với bản in nhãn chai nước chấm Nam Ngư Đệ Nhị do Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng MASAN cung cấp không do cùng một bộ chế bản in ra.

+ Bản in nhãn các chai nước chấm Nam Ngư thu của Nguyễn Văn T và Nguyễn Văn Tr so với bản in nhãn chai nước chấm Nam Ngư do Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng MASAN cung cấp không do cùng một bộ chế bản in ra.

Kết luận giám định số 2379/KL-KTHS ngày 15/6/2022 của phân viện khoa học hình sự tại Thành phố Hồ Chí Minh-Bộ Công an., xác định:

- Các mẫu bột ngọt thành phẩm nhãn hiệu AJNOMOTO của mẫu giám định (ký hiệu lần lượt A1, A2, A3, A4) có thành phần hóa học không cùng loại với các mẫu bột ngọt thành phẩm của mẫu so sánh cung loại tương ứng (ký hiệu lần lượt M1, M2, M3, M4) do Công ty AJNOMOTO Việt Nam cung cấp.

- Các mẫu bột nêm thành phẩm nhãn hiệu Knorr của mẫu giám định (ký hiệu lần lượt A5, A6) có thành phần hóa học không cùng loại với các mẫu bột nêm thành phẩm của mẫu so sánh cùng loại tương ứng (ký hiệu lần lượt M5, M6) do Công ty TNHH Q Việt Nam cung cấp.

- Mẫu nước mắm thành phẩm nhãn hiệu Nam Ngư r của mẫu giám định (ký hiệu lần lượt A7) có thành phần hóa học không cùng loại với các mẫu nước mắm thành phẩm của mẫu so sánh cùng loại tương ứng (ký hiệu lần lượt M7) do Công ty Cổ phần hàng tiêu dùng Masan cung cấp.

- Mẫu nước mắm thành phẩm nhãn hiệu Nam Ngư r của mẫu giám định (ký hiệu lần lượt A8) có thành phần hóa học không cùng loại với các mẫu nước mắm thành phẩm của mẫu so sánh cùng loại tương ứng (ký hiệu lần lượt M8) do Công ty Cổ phần hàng tiêu dùng Masan cung cấp.

Kết luận định giá tài sản số 201/KL-HĐĐGTS ngày 08/9/2022 của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự kết luận:

Tổng số sản phẩm bột ngọt giả nhãn hiệu AJI-NO-MOTO, hạt nêm giả nhãn hiệu KNORR, nước mắm giả nhãn hiệu Nam Ngư Đệ Nhị, nước mắm giả nhãn hiệu Nam Ngư các loại nêu trên tương đương số lượng hàng thật có giá trị 14.197.547 đồng.

Tổng số sản phẩm bột giặt giả nhãn hiệu OMO xoáy bay 100% bột giặt giả nhãn hiệu ABA các loại nêu trên tương đươngsố lượng hàng thật có trị giá 14.785.450 đồng.

Xe ô tô tải biển số 51C-X đã qua sử dụng có trị giá 55.000.000 đồng. 

Vật chứng thu giữ và xử lý vật chứng:

*Thu giữ trên xe ô tô biển số 51C-X - 62 gói hạt nêm Knorr loại 170g, - 07 gói hạt nêm Knorr loại 400g, - 76 gói bột ngọt Aji-no-moto loại 400g, - 82 gói bột ngọt Aji-no-moto loại 454g, - 12 gói bột ngọt Aji-no-moto loại 1kg, - 137 gói bột ngọt Aji-no-moto loại 100g, - 24 chai nước mắm Nam Ngư loại 500ml, - 90 chai nước mắm Nam Ngư Đệ Nhị loại 900ml *Thu giữ tại Phòng trọ số 2, thuộc dãy nhà trọ số 94, đường TCH 18, Khu phố 2, phường Tân Chánh H, Quận A gồm *Hàng hóa thành phẩm, bán thành phẩm:

- 30 gói bột ngọt nhãn hiệu AJI-NO-MOTO loại 400g, thành phẩm.

- 36 gói bột ngọt nhãn hiệu AJI-NO-MOTO loại 454g, thành phẩm.

- 02 gói bột ngọt nhãn hiệu AJI-NO-MOTO loại 400g bán thành phẩm, chưa ép nhiệt miệng bao.

- 60 chai nước mắm nhãn hiệu Nam Ngư Đệ Nhị loại 900ml, thành phẩm.

*N liệu sản xuất hàng giả:

- 01 chai nước mắm Nam Ngư Siêu tiết kiệm loại 4,8 lít, thành phẩm.

- 01 chai nước mắm Nam Ngư Siêu tiết kiệm loại 4,8 lít đã qua sử dụng.

*Vỏ bao bì:

- 10 cái bao bì hạt nêm nhãn hiệu Knorr loại 900g.

- 105 cái bao bì hạt nêm nhãn hiệu Knorr loại 400g.

- 205 cái bao bì hạt nêm nhãn hiệu Knorr loại 170g.

- 302 cái bao bì bột ngọt nhãn hiệu AJI-NO-MOTO loại 01kg.

- 405 cái bao bì bột ngọt nhãn hiệu AJI-NO-MOTO loại 454g.

- 170 cái bao bì bột ngọt nhãn hiệu AJI-NO-MOTO loại 400g.

- 80 cái bao bì bột ngọt nhãn hiệu AJI-NO-MOTO loại 100g.

- 30 cặp (mặt trước, mặt sau) tem nước mắm nhãn hiệu Nam Ngư Đệ Nhị loại 900ml.

- 15 cặp (mặt trước, mặt sau) tem nước mắm nhãn hiệu Nam Ngư loại 500ml.

- 100 cái nắp chai màu đỏ in chữ “Chinsufood”.

- 39 cái vỏ chai nhựa chưa dán tem nhãn.

- 216 cái vỏ chai dán tem nước mắm Nam Ngư Đệ Nhị.

*Công cụ, phương tiện:

- 1,5 kg màng co ni lông giấy bóng kiếng.

- 01 cái cân loại 12kg, nhãn hiệu Nhơn Hòa (đã qua sử dụng).

- 01 cái cân loại 05kg, nhãn hiệu Nhơn Hòa (đã qua sử dụng).

- 01 máy ép nhiệt (chưa rõ nhãn hiệu đã qua sử dụng).

- 01 đồ quấn băng keo bằng kim loại màu đỏ.

- 01 máy sấy nhãn hiệu Panasonic.

- 02 cái đồ xúc màu đỏ.

- 01 cái phễu nhựa màu đỏ.

- 01 thau nhựa màu đỏ, bên trong có chứa khoảng 100g bột giặt.

- 01 đồ xúc nhựa màu xanh.

- 01 vỏ bao bì bột ngọt nhãn hiệu FuFeng.

- 06 cái vỏ thùng carton để chứa bột ngọt Ajinomoto.

- 08 cái vỏ thùng carton để chứa nước mắm Nam Ngư.

- 01 xe ô tô tải biển số 51C-X, số khung RPGCA25GL8V300014, số máy SVMGAA001391 bà Trần Thị Kim Lê Thị Ngọc L đứng tên chủ sở hữu, bà Lê Thị Ngọc L trình bày đã bán xe ô tô cho Nguyễn Văn T nhưng chưa làm thủ tục sang tên đổi chủ.

*Thu giữ tại cửa hàng tạp hóa của bà Lê Thị Hồng N, địa chỉ: F3/15C, ấp 6A, xã Vĩnh Lộc , huyện B, Thành phố Hồ Chí Minh:

- 01 gói bột ngọt nhãn hiệu AJI-NO-MOTO loại 400g, thành phẩm.

- 01 gói bột ngọt nhãn hiệu AJI-NO-MOTO loại 454g, thành phẩm.

- 08 chai nước mắm nhãn hiệu Nam Ngư loại 500ml, thành phẩm.

*Thu giữ tại cửa hàng tạp hoá của bà Lê Thị Ngọc L, địa chỉ: F2/34A, ấp 6A, xã Vĩnh Lộc, huyện B, Thành phố Hồ Chí Minh:

- 02 gói bột ngọt nhãn hiệu AJI-NO-MOTO loại 454g, thành phẩm.

- 20 chai nước mắm nhãn hiệu Nam Ngư loại 500ml, thành phẩm.

Tại phiên tòa: Kiểm sát viên tham gia phiên tòa giữ N quyết định truy tố, đề nghị:

Áp dụng khoản 1, Điều 193; điểm s khoản 1 Điều 51; Điều 38 Bộ luật Hình sự:

Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn T từ 2 (hai) 6 (sáu) năm đến 3 (ba) tù về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm”.

Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn T từ 2 (hai) năm đến 2 (hai) năm 6 (sáu) tháng tù về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm”.

Xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 47, 48 Bộ luật Hình sự; Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự. Xử lý vật chứng theo quy định.

Luật sư Huỳnh Khắc T bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn T và Nguyễn Văn Tr: Bị cáo T và bị cáo Tr phạm tội lần đầu hai bị cáo có thái độ khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải. Hoàn cảnh của hai bị cáo khó khăn hai bị cáo là lao động chính trong gia đình. Trước khi bị bắt bị cáo T có thành tích xuất sắc được thưởng Huy chương chiến sĩ vẻ vang đã làm tròn nhiệm vụ phục vụ trong Quận đội Nhân dân Việt Nam. Hồi đồng xét xử xem xét áp dụng cho bị cáo được hưởng khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự xử bị cáo dưới mức hình phạt mà Viện Kiểm Sát đề nghị, còn đối với bị cáo Tr bị cáo Tr chỉ là người giúp sức cho bố là Nguyễn Văn T bị cáo không giúp thường xuyên mà khi nào bố Nguyễn Văn T kêu bị cáo Tr giúp thì bị cáo Tr mới giúp, bị cáo Tr có chỗ ở ổn định. Vì vậy đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo Tr được hưởng án treo để bị cáo Tr chăm sóc cho mẹ và bà nội già yếu.

Bị cáo T và bị cáo Tr khai nhận hành vi phạm tội phù hợp với nội dung bản cáo trạng đã truy tố. Bị cáo T xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt tạo điều kiện để bị cáo có cơ hội sửa đổi, chăm sóc mẹ già. Bị cáo Tr xin được hưởng án treo để chăm sóc cho mẹ và bà nội già yếu và hiện đang bệnh nặng.

Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, các bị cáo và những người tham gia tố tụng khác;

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dụng vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an Quận A, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân Quận A, kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa các bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Về tố tụng: Tại phiên tòa người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án tống đạt hợp lệ quyết định đưa vụ án ra xét xử và giấy triệu tập tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt. Hội đồng xét xử xét thấy việc vắng mặt của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tại phiên tòa không ảnh hưởng hoặc trở ngại đến việc giải quyết vụ án nên tiến hành xét xử vắng mặt theo quy định tại Điều 292 Bộ luật tố tụng hình sự.

[2] Lời khai nhận tội của bị cáo Nguyễn Văn T và Nguyễn Văn Tr tại phiên toà phù hợp với lời khai của người làm chứng, tang vật thu giữ và các tài liệu chứng cứ khác đã được thu thập trong quá trình điều tra, có đủ cơ sở xác định: Ngày 19/4/2022, Nguyễn Văn T đã có hành vi: “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm” có giá trị hàng hóa tương đương hàng thật là 14.197.547 đồng. Hành vi của T cấu thành tội phạm “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm” quy định tại Điều 193 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

Nguyễn Văn Tr có hành vi hỗ trợ, giúp sức cho Nguyễn Văn T (là bố của Nguyễn Văn Tr) sản xuất, buôn bán hàng giả với công việc cụ thể là xúc, đổ hạt nêm, bột ngọt, nước mắm N liệu mà T đã chuẩn bị trước đó vào vỏ bao bì, vỏ chai các sản phẩm tương ứng là hạt nêm KNORR, bột ngọt AJI-NO-MOTO, nước mắm Nam Ngư và Nam Ngư Đệ Nhị rồi cân cho đủ khối lượng in trên bao bì và đưa cho T ép nhiệt bịt kín đầu sản phẩm. Sau khi sản xuất hàng giả xong, Nguyễn Văn Tr đóng gói hàng giả đã sản xuất và phụ T bốc xếp hàng giả lên xe tải rồi cùng T đi bán cho khách hàng. Vì vậy bị cáo Nguyễn Văn Tr đồng phạm với bố là bị cáo Nguyễn Văn T về tội“Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm” quy định tại Điều 193 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

[3] Các bị cáo là người có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, nhận biết được hành vi buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm bị pháp luật cấm nhưng vẫn thực hiện. Vì vậy, cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân Quận A đã truy tố các bị cáo Nguyễn Văn T và Nguyễn Văn Tr về tội “Buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm” được quy định tại khoản 1 Điều 193 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng luật định.

[4] Hành vi của các bị cáo thực hiện xâm hại đến trật tự quản lý kinh tế, xâm hại đến các quy định của nhà nước về quản lý thị trường đối với thực phẩm và chất phụ gia thực phẩm. Ảnh hưởng đến uy tín của sản phẩm đã đăng ký thương hiệu độc quyền. Ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

[5] Xét về nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

Về nhân thân: Bị cáo T có nhân thân xấu. Ngày 13/9/2020 bị cáo T bị công an phường Tân Chánh H xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đánh bạc. Ngày 21/9/2020 đã nộp phạt xong, Bị cáo T không có tiền án, tiền sự. Về tình tiết tăng nặng: Bị cáo không có tình tiết tăng nặng. Về tình tiết giảm nhẹ: Bị cáo có thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải theo quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Ngoài ra cần phải xem xét cho bị cáo T trước khi phạm tội bị cáo T từng phục vụ trong quân đội nhân dân Việt Nam và có thành tích xuất sắc được thưởng Huy chương chiến sỹ vẻ vang, bên cạnh đó bị cáo T có bố là ông Nguyễn Văn Bảo đã từng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc làm nhiệm vụ quốc tế sau ngày 30/4/1975. Vì vậy cần áp dụng thêm khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo khi quyết định hình phạt. Căn cứ tính chất, mức độ, hành vi phạm tội của bị cáo và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự Hội đồng xét xử xét thấy việc cách ly bị cáo T ra khỏi xã hội một thời gian là cần thiết cần áp dụng hình phạt tù để giáo dục bị cáo trở thành công dân có ích cho xã hội và có tác dụng phòng ngừa chung.

Về nhân thân: Bị cáo Tr có nhân thân tốt, không có tiền án, tiền sự. Về tình tiết tăng nặng: Bị cáo không có tình tiết tăng nặng. Về tình tiết giảm nhẹ: Bị cáo có thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải theo quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Mặt khác, bị cáo Tr có nơi cư trú rõ ràng, trong thời gian tại ngoại bị cáo không phạm tội khác; bị cáo chỉ là người giúp sức cho bố là bị cáo Nguyễn Văn T bị xử phạt tù giam trong cùng vụ án. Căn cứ tính chất, mức độ, hành vi phạm tội của bị cáo và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự Hội đồng xét xử xét thấy việc cách ly bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian là không cần thiết chỉ cần áp dụng hình phạt tù nhưng cho bị cáo được hưởng án treo cũng đủ giáo dục bị cáo trở thành công dân có ích cho xã hội và có tác dụng phòng ngừa chung.

Đối với hành vi mua bán sản xuất, buôn bán bột giặt OMO, bột giặt ABA giả. Bột giặt là chất tẩy rửa, không phải là thực phẩm. Hành vi sản xuất, buôn bán bột giặt giả của T, Tr với giá trị hàng hóa tương đương hàng thật là 14.785.450 đồng (dưới 30.000.000 đồng) không cấu thành tội phạm mà chỉ vi phạm hành chính. Vì vậy, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Quận A đã đề nghị xử phạt hành chính đối với Nguyễn Văn T, Nguyễn Văn Tr về hành vi này với hình thức phạt tiền. Đồng thời, tịch thu tiêu hủy số tang vật, công cụ phương tiện liên quan. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Quận A ra quyết định xử phạt hành chính và tịch thu tiêu hủy là có căn cứ nên Hội đồng xét xử không xem xét đến khoản tiền thu lợi bất chính từ việc mua bán hàng hóa giả nêu trên.

[6] Về xử lý vật chứng:

Các vật chứng không còn giá trị sử dụng nên cần tịch thu tiêu hủy:

- 62 gói hạt nêm Knorr loại 170g, - 07 gói hạt nêm Knorr loại 400g, - 76 gói bột ngọt Aji-no-moto loại 400g, - 82 gói bột ngọt Aji-no-moto loại 454g, - 12 gói bột ngọt Aji-no-moto loại 1kg, - 137 gói bột ngọt Aji-no-moto loại 100g, - 24 chai nước mắm Nam Ngư loại 500ml, - 90 chai nước mắm Nam Ngư Đệ Nhị loại 900ml - 30 gói bột ngọt nhãn hiệu AJI-NO-MOTO loại 400g, thành phẩm.

- 36 gói bột ngọt nhãn hiệu AJI-NO-MOTO loại 454g, thành phẩm.

- 02 gói bột ngọt nhãn hiệu AJI-NO-MOTO loại 400g bán thành phẩm, chưa ép nhiệt miệng bao.

- 60 chai nước mắm nhãn hiệu Nam Ngư Đệ Nhị loại 900ml, thành phẩm.

- 01 chai nước mắm Nam Ngư Siêu tiết kiệm loại 4,8 lít, thành phẩm.

- 01 chai nước mắm Nam Ngư Siêu tiết kiệm loại 4,8 lít đã qua sử dụng.

- 10 cái bao bì hạt nêm nhãn hiệu Knorr loại 900g.

- 105 cái bao bì hạt nêm nhãn hiệu Knorr loại 400g.

- 205 cái bao bì hạt nêm nhãn hiệu Knorr loại 170g.

- 302 cái bao bì bột ngọt nhãn hiệu AJI-NO-MOTO loại 01kg.

- 405 cái bao bì bột ngọt nhãn hiệu AJI-NO-MOTO loại 454g.

- 170 cái bao bì bột ngọt nhãn hiệu AJI-NO-MOTO loại 400g.

- 80 cái bao bì bột ngọt nhãn hiệu AJI-NO-MOTO loại 100g.

- 30 cặp (mặt trước, mặt sau) tem nước mắm nhãn hiệu Nam Ngư Đệ Nhị loại 900ml.

- 15 cặp (mặt trước, mặt sau) tem nước mắm nhãn hiệu Nam Ngư loại 500ml.

- 100 cái nắp chai màu đỏ in chữ “Chinsufood”.

- 39 cái vỏ chai nhựa chưa dán tem nhãn.

- 216 cái vỏ chai dán tem nước mắm Nam Ngư Đệ Nhị.

- 1,5 kg màng co ni lông giấy bóng kiếng.

- 01 cái cân loại 12kg, nhãn hiệu Nhơn Hòa (đã qua sử dụng).

- 01 cái cân loại 05kg, nhãn hiệu Nhơn Hòa (đã qua sử dụng).

- 01 máy ép nhiệt (chưa rõ nhãn hiệu đã qua sử dụng).

- 01 đồ quấn băng keo bằng kim loại màu đỏ.

- 01 máy sấy nhãn hiệu Panasonic.

- 02 cái đồ xúc màu đỏ.

- 01 cái phễu nhựa màu đỏ.

- 01 thau nhựa màu đỏ, bên trong có chứa khoảng 100g bột giặt.

- 01 đồ xúc nhựa màu xanh.

- 01 vỏ bao bì bột ngọt nhãn hiệu FuFeng.

- 06 cái vỏ thùng carton để chứa bột ngọt Ajinomoto.

- 08 cái vỏ thùng carton để chứa nước mắm Nam Ngư.

- 01 gói bột ngọt nhãn hiệu AJI-NO-MOTO loại 400g, thành phẩm.

- 01 gói bột ngọt nhãn hiệu AJI-NO-MOTO loại 454g, thành phẩm.

- 08 chai nước mắm nhãn hiệu Nam Ngư loại 500ml, thành phẩm.

- 02 gói bột ngọt nhãn hiệu AJI-NO-MOTO loại 454g, thành phẩm.

- 20 chai nước mắm nhãn hiệu Nam Ngư loại 500ml, thành phẩm.

Đối với 01 xe ô tô tải biển số 51C-X, số khung RPGCA25GL8V300014, số máy SVMGAA001391 bà Trần Thị Kim Lê Thị Ngọc L đứng tên chủ sở hữu, bà Lê Thị Ngọc L trình bày đã bán xe ô tô cho Nguyễn Văn T nhưng chưa làm thủ tục sang tên đổi chủ. Bị cáo T dùng xe trên vào việc phạm tội nên cần tịch thu sung ngân sách nhà nước.

[7] Về hình phạt bổ sung: Xét thấy bị cáo T và bị cáo Tr có hoàn cảnh khó khăn nên không áp dụng hình phạt tiền đối với bị cáo Tr và bị cáo T.

[8] Về án phí hình sự sơ thẩm bị cáo T và bị cáo Tr phải nộp theo quy định của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

[1] Căn cứ khoản 1 Điều 193; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017;

Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn T 02 (hai) năm tù về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm”. Thời gian tù tính từ ngày 20/4/2022.

[2] Căn cứ khoản 1 Điều 193; điểm s khoản 1 Điều 51; Điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017; Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao.

Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn Tr 02 (hai) năm tù về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm” nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 4 (Bốn) năm Thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Giao bị cáo Nguyễn Văn Tr cho Ủy ban nhân dân phường Tân Chánh H, Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh cùng gia đình bị cáo phối hợp giám sát bị cáo. Trong thời gian thử thách. Trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại Điều 92 Luật thi hành án Hình sự. Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

[3]. Xử lý vật chứng: Áp dụng 47, 48 Bộ luật Hình sự; Điều 106 Bộ luật Tố tụng Hình sự.

- Tịch thu tiêu hủy:

- 62 gói hạt nêm Knorr loại 170g, - 07 gói hạt nêm Knorr loại 400g, - 76 gói bột ngọt Aji-no-moto loại 400g, - 82 gói bột ngọt Aji-no-moto loại 454g, - 12 gói bột ngọt Aji-no-moto loại 1kg, - 137 gói bột ngọt Aji-no-moto loại 100g, - 24 chai nước mắm Nam Ngư loại 500ml, - 90 chai nước mắm Nam Ngư Đệ Nhị loại 900ml - 30 gói bột ngọt nhãn hiệu AJI-NO-MOTO loại 400g, thành phẩm.

- 36 gói bột ngọt nhãn hiệu AJI-NO-MOTO loại 454g, thành phẩm.

- 02 gói bột ngọt nhãn hiệu AJI-NO-MOTO loại 400g bán thành phẩm, chưa ép nhiệt miệng bao.

- 60 chai nước mắm nhãn hiệu Nam Ngư Đệ Nhị loại 900ml, thành phẩm.

- 01 chai nước mắm Nam Ngư Siêu tiết kiệm loại 4,8 lít, thành phẩm.

- 01 chai nước mắm Nam Ngư Siêu tiết kiệm loại 4,8 lít đã qua sử dụng.

- 10 cái bao bì hạt nêm nhãn hiệu Knorr loại 900g.

- 105 cái bao bì hạt nêm nhãn hiệu Knorr loại 400g.

- 205 cái bao bì hạt nêm nhãn hiệu Knorr loại 170g.

- 302 cái bao bì bột ngọt nhãn hiệu AJI-NO-MOTO loại 01kg.

- 405 cái bao bì bột ngọt nhãn hiệu AJI-NO-MOTO loại 454g.

- 170 cái bao bì bột ngọt nhãn hiệu AJI-NO-MOTO loại 400g.

- 80 cái bao bì bột ngọt nhãn hiệu AJI-NO-MOTO loại 100g.

- 30 cặp (mặt trước, mặt sau) tem nước mắm nhãn hiệu Nam Ngư Đệ Nhị loại 900ml.

- 15 cặp (mặt trước, mặt sau) tem nước mắm nhãn hiệu Nam Ngư loại 500ml.

- 100 cái nắp chai màu đỏ in chữ “Chinsufood”.

- 39 cái vỏ chai nhựa chưa dán tem nhãn.

- 216 cái vỏ chai dán tem nước mắm Nam Ngư Đệ Nhị.

- 1,5 kg màng co ni lông giấy bóng kiếng.

- 01 cái cân loại 12kg, nhãn hiệu Nhơn Hòa (đã qua sử dụng).

- 01 cái cân loại 05kg, nhãn hiệu Nhơn Hòa (đã qua sử dụng).

- 01 máy ép nhiệt (chưa rõ nhãn hiệu đã qua sử dụng).

- 01 đồ quấn băng keo bằng kim loại màu đỏ.

- 01 máy sấy nhãn hiệu Panasonic.

- 02 cái đồ xúc màu đỏ.

- 01 cái phễu nhựa màu đỏ.

- 01 thau nhựa màu đỏ, bên trong có chứa khoảng 100g bột giặt.

- 01 đồ xúc nhựa màu xanh.

- 01 vỏ bao bì bột ngọt nhãn hiệu FuFeng.

- 06 cái vỏ thùng carton để chứa bột ngọt Ajinomoto.

- 08 cái vỏ thùng carton để chứa nước mắm Nam Ngư.

- 01 gói bột ngọt nhãn hiệu AJI-NO-MOTO loại 400g, thành phẩm.

- 01 gói bột ngọt nhãn hiệu AJI-NO-MOTO loại 454g, thành phẩm.

- 08 chai nước mắm nhãn hiệu Nam Ngư loại 500ml, thành phẩm.

- 02 gói bột ngọt nhãn hiệu AJI-NO-MOTO loại 454g, thành phẩm.

- 20 chai nước mắm nhãn hiệu Nam Ngư loại 500ml, thành phẩm.

Tịch thu sung ngân sách nhà nước 01 xe ô tô tải biển số 51C-X, số khung RPGCA25GL8V300014, số máy SVMGAA001391.

Theo Quyết định chuyển vật chứng số: 114/QĐ-VKS ngày 27/9/2022.

[4]. Căn cứ Căn cứ khoản 2 Điều 135, khoản 2 Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Điều 23 Nghị Quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án: Bị cáo T và bị cáo Tr mỗi người phải nộp là 200.000 (hai trăm nghìn) đồng án phí hình sự sơ thẩm.

[5]. Căn cứ Điều 331, 333 của Bộ luật tố tụng hình sự bị cáo T và bị cáo Tr có mặt tại phên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày tuyên án. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc từ ngày niêm yết bản án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

349
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 37/2023/HS-ST về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm

Số hiệu:37/2023/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quận 1 - Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 14/03/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;