Bản án 90/2020/DS-PT ngày 29/05/2020 về tranh chấp hợp đồng giao khoán quyền sử dụng đất, yêu cầu hủy quyết định cá biệt và bồi thường thiệt hại

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

BẢN ÁN 90/2020/DS-PT NGÀY 29/05/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG GIAO KHOÁN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT, YÊU CẦU HỦY QUYẾT ĐỊNH CÁ BIỆT VÀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI

Trong các ngày 06 tháng 5; ngày 12 tháng 5 và 29 tháng 5 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 74/2020/TLPT-DS ngày 11 tháng 3 năm 2020 về việc “Tranh chấp Hợp đồng giao khoán quyền sử dụng đất; yêu cầu hủy quyết định cá biệt và bồi thường thiệt hại”, do Bản án dân sự sơ thẩm số 68/2019/DS-ST ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Bình Phước bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 83/2020/QĐXXPT-DS ngày 31 tháng 3 năm 2020; Quyết định hoãn phiên tòa số 42/2020/QĐPT-DS ngày 23 tháng 4 năm 2020, giữa:

+ Nguyên đơn: Ông Lê Đình N, sinh năm 1962; Trú tại: Ấp P, xã H, huyện M, tỉnh Bình Phước (Vắng mặt).

Người đại diện theo uỷ quyền của ông Lê Đình N: Bà Lê Thị H, sinh năm 1978; Trú tại: Thôn 3, xã V, huyện M, tỉnh Bình Phước. (Có mặt tại phiên tòa, vắng mặt khi tuyên án) Người đại diện theo uỷ quyền lại của bà Lê Thị H: Ông Bùi Gia N2, sinh năm 1976; Trú tại: Số 455 Quốc lộ 14, phường B, thành phố Đ, tỉnh Bình Phước (Theo Hợp đồng ủy quyền được Phòng Công chứng số 1 Bình Phước công chứng số 73, quyển số 01 ngày 06/01/2016) (Có mặt tại phiên tòa, vắng mặt khi tuyên án).

+ Bị đơn: Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đ, tỉnh Bình Phước. Địa chỉ: Thôn 5, xã Đồng Nai, huyện Đ, tỉnh Bình Phước.

Người đại diện tham gia tố tụng: Ông Lê H2, chức vụ: Giám đốc và ông Nguyễn Văn C; Địa chỉ: Thôn 5, xã N, huyện Đ, tỉnh Bình Phước (Ông H2 vắng mặt; ông C có mặt tại phiên tòa, vắng mặt khi tuyên án).

+ Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Lê Thị Kim T, sinh năm 1966; Trú tại: Ấp P, xã H, huyện M, tỉnh Bình Phước (Đề nghị giải quyết vắng mặt).

2. Ủy ban nhân dân huyện Đ, tỉnh Bình Phước.

Địa chỉ: Quốc lộ 14, khu L, thị trấn P, huyện Đ, tỉnh Bình Phước.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Thanh B; Trú tại: Quốc lộ 14, khu L, thị trấn P, huyện Đ, tỉnh Bình Phước (Đề nghị giải quyết vắng mặt).

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đ, tỉnh Bình Phước.

Địa chỉ: Quốc lộ 14, khu L, thị trấn P, huyện Đ, tỉnh Bình Phước (Đề nghị giải quyết vắng mặt).

4. Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước.

Địa chỉ: Đường 6/1, phường P, thành phố Đ, tỉnh Bình Phước (Đề nghị giải quyết vắng mặt).

5. Công ty TNHH MTV cao su P.

Địa chỉ: Thôn H, xã B, huyện R, tỉnh Bình Phước.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Trần Tiến Đ; Trú tại: Thôn H, xã B, huyện R, tỉnh Bình Phước (Đề nghị giải quyết vắng mặt).

Người kháng cáo: Ông Bùi Gia N2 (là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn ông Lê Đình N).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Nguyên đơn ông Lê Đình N và người đại diện theo ủy quyền trình bày: Ngày 16/8/2010, ông Lê Đình N ký Hợp đồng giao khoán trồng rừng và chăm sóc rừng số 17/HĐTTr/2010 (viết tắt là Hợp đồng giao khoán số 17) với Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đ, tỉnh Bình Phước (viết tắt là BQLRPH Đ). Tài sản giao khoán là quyền sử dụng đất (QSDĐ) 05ha đất rừng sản xuất tại khoảnh 7 tiểu khu 175 thuộc lâm phần BQLRPH Đ, tỉnh Bình Phước. Thời hạn hợp đồng 04 năm (từ ngày 16/8/2010 đến ngày 16/8/2014). Nghĩa vụ, quyền của các bên: Bên giao khoán (Bên A): bàn giao diện tích giao thuê khoán ngoài thực địa, có ranh mốc rõ ràng hướng dẫn, kiểm tra, giám sát kỹ thuật trồng rừng và chăm sóc rừng, phòng chống cháy rừng theo từng giai đoạn; cung cấp cây giống, vật tư để thực hiện trồng rừng và chăm sóc rừng trồng; Bên nhận khoán: tổ chức trồng rừng theo đúng thiết kế và chăm sóc rừng trồng, phòng chống cháy năm 2007 theo hợp đồng ký kết; tuân thủ theo sự hướng dẫn của Bên A; cây trồng sau khi trồng phải đạt tỷ lệ cây sống từ 90% trở lên; được nhận tiền công trồng và chăm sóc rừng trồng hàng năm theo đơn giá của dự toán trồng và chăm sóc từng năm; được trồng xen cây ngắn ngày.... Trước và sau khi ký kết Hợp đồng giao khoán số 17, ông N đã trồng 2009 cây điều, 2000 cây keo lai và 16.000 cây sao đen trên toàn bộ diện tích 05ha, quy cách, loại cây trồng ông N tuân thủ đúng thiết kế kỹ thuật theo quy định. Ông N bỏ tiền đầu tư công, phân bón để chăm sóc cây trồng; Thực hiện đúng nghĩa vụ của bên nhận khoán đã được thỏa thuận trong hợp đồng, không vi phạm bất cứ nghĩa vụ gì với bên giao khoán.

Diện tích đất giao khoán nói trên trước đó BQLRPH Đ đã ký kết Hợp đồng khoán trồng rừng và chăm sóc rừng trồng số 44/HĐTTr/2008 ngày 4/12/2008 với ông Nguyễn Văn K với thời gian là 04 năm (từ ngày 4/12/2008 đến ngày 4/12/2011) (viết tắt là Hợp đồng giao khoán số 44). Ngày 13/7/2010, do ông Lê Đình N có nhu cầu cần đất sản xuất nên đã thỏa thuận nhận chuyển nhượng thành quả lao động có trên đất của ông K trên diện tích đất này với giá 312.500.000đ. Sau đó BQLRPH Đ đã thanh lý Hợp đồng số 44 với ông K và ngày 16/8/2010 ký kết với ông N Hợp đồng giao khoán số 17 nêu trên.

Khi ông N nhận diện tích đất giao khoán từ ông K và BQLRPH Đ thì trên đất đã có trồng cây điều và cây keo lai (trồng từ năm 2007, năm 2008), số lượng bao nhiêu thì không kiểm đếm. Việc bàn giao diện tích đất giao khoán không lập biên bản.

Đến năm 2011, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Đ, tỉnh Bình Phước ban hành các văn bản như: Kế hoạch số 78/KH-UBND ngày 12/8/2011 về việc thu hồi, cưỡng chế giải tải đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép tại tiểu khu 174,175,176,177 - BQLRPH Đ để thực hiện dự án XĐGN của tỉnh; Quyết định số 2418/QĐ-UBND ngày 18/8/2011 về việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra trong trường hợp không áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản tại tiểu khu 174,175,176,177 - BQLRPH Đ; Quyết định 2509/QĐ-UBND về việc cưỡng chế thi hành quyết định 2418/QĐ-UBND ngày 18/8/2011; Quyết định số 2514/QĐ-UBND ngày 29/8/2011 về việc thành lập Ban chỉ đạo cưỡng chế để thi hành quyết định số 2418/QĐ-UBND và Quyết định số 2518/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ chặt hạ, tháo gỡ thực hiện công tác cưỡng chế thi hành quyết định 2418/QĐ-UBND ngày 18/8/2011; Quyết định số 87/QĐ-UBND ngày 12/9/2011 về việc thực hiện cưỡng chế, giải tỏa đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép tại lâm phần Bù Đăng; Thông báo số 160/TB-UBND ngày 27/10/2011 về việc tổ chức cưỡng chế, giải tỏa đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép tại tiểu khu 174,175,176,177-BQLRPH Đ; Kế hoạch chi tiết số 113/KH-UB ngày 16/11/2011 về việc thực hiện cưỡng chế, giải tỏa đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép tại tiểu khu 174,175,176,177-BQLRPH Đ và theo kế hoạch này thì thời gian và địa điểm đóng quân thực hiện cưỡng chế chia làm 3 đợt. Ngày 20/12/2011, Đoàn cưỡng chế tổ chức chặt hạ, tháo gỡ và dùng xe ủi san ủi tất cả 139,7ha đất trồng cây cao su, điều, keo lai, sao đen tại khoảnh 7 tiểu khu 175, trong đó có 05ha đất trồng điều, sao đen, keo lai mà ông N đã được ký kết Hợp đồng giao khoán số 17 khiến ông N bị thiệt hại 1000 cây điều 04 năm tuổi, 1600 cây keo lai 3 năm tuổi, 3000 cây sao đen 3 năm tuổi và 01 chòi bạt.

Việc ông N nhận khoán 05ha đất với BQLRPH Đ là đúng quy định pháp luật. Hợp đồng giao khoán số 17 nêu trên được ký kết, thực hiện đúng quy định của pháp luật về nội dung và hình thức. Quá trình cưỡng chế, thu hồi UBND huyện không thực hiện đúng pháp luật về đất đai (không ban hành quyết định thu hồi đất), ban hành các kế hoạch, cưỡng chế, thành lập đoàn cưỡng chế trái pháp luật không đúng thẩm quyền theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và UBND. Mặt khác, BQLRPH Đ là một bên chủ thể của Hợp đồng giao khoán số 17 đã không thực hiện đúng quyền của mình vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ như: Không đảm bảo thực hiện đúng pháp luật về đất đai, không thực hiện đúng nghĩa vụ chịu trách nhiệm trước cơ quan có thẩm quyền về quản lý và sử dụng đất. Do đó, ông N khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết:

- Công nhận Hợp đồng giao khoán số 17 nói trên;

- Buộc BQLRPH Đ khôi phục lại nguyên trạng đất đai, tài sản của 05 ha đã thu hồi và chặt hạ tài sản trên đất của ông Lê Đình N. Nếu không khôi phục lại nguyên trạng thì phải giao khoán cho ông Lê Đình N vị trí đất khác có diện tích tương ứng;

- Buộc UBND huyện Đ, Chủ tịch UBND huyện Đ phải bồi thường thiệt hại đối với số cây trồng có trên đất và bồi thường tổn thất về tinh thần cho ông N đối với hành vi chặt phá cây trồng có trên đất trái pháp luật.

- Hủy Quyết định trả lời khiếu nại số 2319/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước ngày 28/11/2013 và một phần giấy chứng nhận QSDĐ số BI 285692, số vào sổ cấp GCN: CT04023 ký ngày 28/2/2014 của UBND tỉnh Bình Phước cấp cho Công ty cao su Phước Long;

- Yêu cầu BQLRPH Đ, Chủ tịch UBND huyện và UBND huyện Đ bồi thường thiệt hại đối với hoa lợi (hạt điều) từ năm 2012 đến năm 2019 trên diện tích đất giao khoán do hành vi cưỡng chế, thu hồi trái pháp luật.

Tại phiên tòa sơ thẩm, bà Lê Thị H đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện về bồi thường tổn thất về tinh thần và yêu cầu hủy Quyết định giải quyết khiếu nại số 2319/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước ngày 28/11/2013.

Bị đơn Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đ trình bày: Ngày 04/12/2008, BQLRPH Đ ký kết Hợp đồng khoán trồng rừng và chăm sóc rừng trồng số 44 với ông Nguyễn Văn K với thời gian là 04 năm (từ ngày 04/12/2008 đến ngày 04/12/2011). Sau đó, BQLRPH Đ nhận được đơn xin thôi khoán trồng và chăm sóc rừng trồng của ông K nên ngày 30/10/2009, BQLRPH Đ và ông K thỏa thuận thanh lý Hợp đồng giao khoán số 44.

Ngày 19/7/2010, ông N có đơn xin nhận khoán đất trồng rừng xem cây công nghiệp gửi BQLRPH Đ. Ngày 16/8/2010, BQLRPH Đ đã ký kết Hợp đồng giao khoán số 17 với ông N. Tài sản giao khoán là QSDĐ 05ha đất rừng sản xuất tại khoảnh 7 tiểu khu 175 thuộc lâm phần BQLRPH Đ. Thời hạn hợp đồng 04 năm (từ ngày 16/8/2010 đến ngày 16/8/2014). Về thẩm quyền ký kết hợp đồng là đúng thẩm quyền. Tại thời điểm ký Hợp đồng giao khoán số 17 với ông N thì đã có Công văn số 2735/UBND-SX ngày 02/11/2007 của UBND tỉnh thuận chủ trương cho Công ty cổ phần thương mại V liên doanh trồng rừng nguyên liệu và trồng cao su.

Về trình tự, thủ tục ký kết Hợp đồng giao khoán số 17 nói trên BQLRPH Đ thống nhất với biên bản ngày 13/5/2013 của Thanh tra huyện Đ. Trường hợp của ông N thuộc trường hợp giao khoán trồng rừng sản xuất. Về trình tự, thủ tục giao khoán trồng rừng sản xuất được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 661/QĐ-UB ngày 19/7/1998. Theo quy định trình tự, thủ tục ký hợp đồng giao khoán phải có quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật trồng rừng, căn cứ vào quyết định phê duyệt thiết kế trồng rừng BQLRPH Đ làm Tờ trình UBND huyện xin phê duyệt dự toán, cấp vốn trồng rừng. Tuy nhiên, chưa được UBND huyện phê duyệt cấp vốn mà BQLRPH Đ đã ký hợp đồng giao khoán trồng rừng cho ông N là không đúng quy định. Do vốn đầu tư hỗ trợ trồng rừng sản xuất chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, để đảm bảo thời vụ trồng rừng thì bên nhận giao khoán ông N tự bỏ vốn trồng rừng. Việc ông N tự bỏ vốn trồng rừng thì phía BQLRPH Đ đồng ý. Số vốn trồng rừng bỏ ra bao nhiêu giữa BQLRPH Đ và ông N không có thỏa thuận. Theo quyết định phê duyệt thì vốn được hỗ trợ để trồng rừng sản xuất là 2.000.000đ/1ha, tuy nhiên nguồn vốn đó vẫn chưa được nhà nước hỗ trợ.

Khi bàn giao diện tích đất giao khoán trồng rừng giữa BQLRPH Đ có chỉ ranh giới đất nhưng chưa lập biên bản bàn giao đất. Từ khi ký kết hợp đồng cho đến ngày 13/10/2011 thì BQLRPH Đ có đi kiểm tra tình hình thực hiện hợp đồng đối với ông N. Ngoài ra, BQLRPH Đ cũng thường xuyên kiểm tra định kỳ thực hiện hợp đồng với ông N nhưng không lập biên bản. Năm 2010, ông N chưa thực hiện trồng cây theo đúng hợp đồng ký kết (keo lai, cây điều), thực tế chỉ trồng cây điều. Đến năm 2011, ông N trồng keo lai, sao đen và điều và tỷ lệ cây trồng thấp. Sau đó, UBND huyện có thành lập Đoàn kiểm tra lại về việc xác định ranh giới diện tích hộ nhận khoán trồng rừng ngày 15/12/2011.

Đối với yêu cầu của ông N về việc công nhận Hợp đồng giao khoán số 17, buộc BQLRPH Đ khôi phục lại nguyên trạng đất đai, tài sản của 05ha đã thu hồi và chặt hạ tài sản trên đất của ông N. Nếu không khôi phục lại nguyên trạng thì phải giao khoán cho ông N vị trí đất khác có diện tích tương ứng thì BQLRPH Đ không thể thực hiện được vì lý do: Hợp đồng nói trên (nằm trong 36 hợp đồng) đã được UBND tỉnh giao cho thanh tra và đã có kết luận rất nhiều sai phạm trong quá trình thực hiện giao khoán. UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo thực hiện thanh lý, đơn vị đã nhiều lần mời nhưng các hộ dân không hợp tác nên việc thanh lý chưa thực hiện được. Hiện trạng hiện nay của diện tích đất giao khoán nói trên nằm trong quỹ đất an sinh xã hội của tỉnh, cây trồng là cao su 05 năm tuổi và UBND tỉnh Bình Phước đã có Quyết định số 397/QĐ-UBND ngày 28/2/2014 về việc thu hồi đất của BQLRPH Đ, cho thuê và cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho Công ty TNHH MTV cao su Phước Long (Công ty cao su P). BQLRPH Đ hiện không còn quỹ đất.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đ và Ủy ban nhân dân huyện Đ, tỉnh Bình Phước trình bày: Về bản chất Hợp đồng giao khoán số 17 được ký kết giữa BQLRPH Đ và ông Lê Đình N là hợp đồng trồng rừng cho Nhà nước. Ông N là người được nhận trồng rừng cho Nhà nước và nhận tiền công trồng rừng. Do đó, ông N chỉ được quyền khởi kiện về tiền công chăm sóc và cây giống là do BQLRPH Đ cung cấp, còn về đất và tài sản trên đất thuộc quyền sở hữu của Nhà nước.

Về quá trình cưỡng chế: Thực hiện Thông báo số 686-TB/TU ngày 05/10/2011 của Tỉnh ủy tỉnh Bình Phước về ý kiến kết luận của Thường trực tỉnh ủy tại buổi làm việc với Thường trực huyện ủy Đ, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến việc thu hồi, cưỡng chế giải tỏa đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép tại tiểu khu 174,175,176,177 BQLRPH Đ. Ngoài ra, UBND huyện còn ban hành Quyết định số 2604/QĐ-UBND về việc cưỡng chế thi hành quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản tại tiểu khu 175,176 BQLRPH Đ; Kế hoạch chi tiết số 113/KH-UBND ngày 16/11/2011 về việc cưỡng chế, giải tỏa đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép tại tiểu khu 174,175,176, 177 thuộc BQLRPH Đ để thực hiện dự án an sinh xã hội của tỉnh và huyện, tổng diện tích cưỡng chế, giải tỏa là 1.378,3ha. Thời gian cưỡng chế chia làm 02 đợt, đợt 1 từ ngày 20/12/2011 đến ngày 31/12/2011, đợt 2 từ ngày 28/02/2012 đến ngày 20/3/2012. Như vậy, xác định từ ngày 31/12/2011 ông N đã chấm dứt việc trồng rừng và chăm sóc rừng trồng cho Nhà nước, tuy hợp đồng chưa được thanh lý (do ông N không đồng ý thanh lý).

Đối với các hợp đồng giao khoán mà BQLRPH Đ ký hợp đồng giao khoán trồng rừng cho các hộ tại các tiểu khu 174, 175, 176, 177 nằm trong dự án an sinh xã hội của tỉnh, huyện. Ngày 20/9/2011, UBND huyện ban hành Thông báo số 136/TB-UBND về ý kiến kết luận của ông Nguyễn Anh Hoàng - Chủ tịch UBND huyện tại cuộc họp Ban chỉ đạo, Đoàn cưỡng chế thi hành quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính gây ra trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản tiểu khu 174, 175, 176, 177 thuộc BQLRPH Đ, trong đó có nội dung UBND huyện giao BQLRPH Đ thực hiện chủ trương thanh lý hợp đồng giao khoán khoanh nuôi rừng, trồng rừng đối với diện tích nằm trong khu vực thực hiện dự án. Ngày 08/11/2011, BQLRPH Đ đã mời các hộ dân đến để thanh lý hợp đồng giao khoán nhưng đa số các hộ dân đều đề nghị được tiếp tục thực hiện thực hiện hợp đồng. Ngày 18/11/2011, UBND huyện tiếp tục ban hành Công văn số 959/UBND - KT về việc khẩn trương thanh lý hợp đồng giao khoán tại các đơn vị chủ rừng. Ngày 22/3/2012, UBND huyện ban hành Thông báo số 28/TB-UBND về kết luận của Chủ thịch UBND huyện tại cuộc họp các ngành ngày 16/3/2012, trong đó có nội dung giao BQLRPH Đ tiếp tục mời các hộ dân để bàn bạc thanh lý toàn bộ hợp đồng trước ngày 30/3/2012; trường hợp các bên không thống nhất thanh lý thì khởi kiện dân sự ra Tòa án nhân dân. Ngày 09/5/2012 và ngày 10/5/2012, BQLRPH Đ đã mời các hộ dân đến để thanh lý hợp đồng giao khoán nhưng đa số các hộ dân đề đề nghị được tiếp tục thực hiện hợp đồng.

Trên cơ sở đó, ngày 23/5/2012, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1579/UBND-KTN về thanh lý các hợp đồng giao khoán tại BQLRPH Đ. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Đ: Thanh lý các hợp đồng giao khoán đã hết hạn, các hợp đồng giao khoán sai quy định. Mọi thiệt hại của bên giao và bên nhận do các bên thống nhất trong quá trình thanh lý, trường hợp không thống nhất được thì lập hồ sơ khởi kiện ra Tòa án theo đúng quy định.

Để giải quyết dứt điểm việc thanh lý các hợp đồng, ngày 17/7/2012, UBND huyện tiếp tục ban hành Công văn số 683/UBND-KT về việc khẩn trương thanh lý các hợp đồng giao khoán tại BQLRPH Đ, trong đó UBND huyện yêu cầu: BQLRPH Đ tiếp tục mời các cá nhân, hộ gia đình nhận khoán đến tại BQLRPH Đ để thỏa thuận thah lý các hợp đồng giao khoán. Nếu các cá nhân, hộ gia đình không đến thỏa thuận thanh lý thì BQLRPH Đ có văn bản thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định. Thời gian thực hiện chậm nhất là ngày 30/7/2012.

Về thời hiệu khởi kiện của ông N: Theo quy định tại Điều 159 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) thì thời hiệu khởi kiện là 02 năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của nhà nước bị xâm phạm. Nhưng từ thời điểm cưỡng chế là ngày 20/12/2011 UBND huyện tiến hành cưỡng chế thu hồi đất tại các tiểu khu 174, 175, 176, 177 đến thời điểm Tòa án nhân dân huyện thụ lý là ngày 16/7/2015, tức là 03 năm 6 tháng 24 ngày thì thời hiệu khởi kiện của ông N đã hết. Mặt khác, theo quy định tại Điều 161 BLTTDS thì ông N không thuộc các trường hợp như bất khả kháng, trở ngại khách quan, chưa có người đại diện, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi. Sau khi xem xét thời hiệu yêu cầu khởi kiện theo quy định tại Điều 159 của BLTTDS đến ngày Tòa án nhân dân thụ lý vụ án ngày 16/7/2015 thì ông N đã mất quyền khởi kiện về vụ án dân sự.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước trình bày: Công ty cao su P đã được UBND tỉnh Bình Phước cho thuê và cấp giấy chứng nhận QSDĐ tại Quyết định số 387/QĐ-UBND ngày 28/02/2014 để thực hiện dự án trồng cây cao su tạo quỹ an sinh xã hội của tỉnh với diện tích 9.577.973,4m2 cụ thể như sau: Khu đất tọa lạc tại tiểu khu 174,175,176, 177 xã Phú Sơn, huyện Đ, tỉnh Bình Phước. Mục đích sử dụng: đất rừng sản xuất. Thời gian thuê đất: 50 năm (đến ngày 28/02/2064). Giấy chứng nhận QSDĐ số vào sổ CT 04023, số seri BI 285694 cấp ngày 28/02/2014.

Nguồn gốc đất: Thuộc đất của BQLRPH Đ (trước đây là Lâm trường Đ), đã được UBND tỉnh giao đất và cấp giấy chứng nhận QSDĐ theo Quyết định số 396/QĐ-UBND ngày 19/3/2003. Khu đất thuộc dự án cưỡng chế thu hồi 1.100ha đất lâm nghiệp bị xâm canh, lấn chiếm trái phép tại huyện Đ để tạo quỹ an sinh xã hội.

Việc cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho Công ty cao su P là phù hợp quy định tại các Điều 37 (thẩm quyền giao đất, cho thuê đất), Điều 49 (những trường hợp được cấp giấy chứng nhận QSDĐ), Điều 52 (thẩm quyền cấp giấy chứng nhận QSDĐ), Điều 75 (đất rừng sản xuất), Điều 122 (trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho người được giao đất, cho thuê đất) của Luật đất đai năm 2003; Điều 19 Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 (hồ sơ và trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận QSDĐ), Điều 28 Thông tư số 14/2009/TT-BTNMT ngày 01/10/2009 (hồ sơ giao đất, thuê đất), khoản 7 phần II (nội dung cụ thể của từng thủ tục hành chính cấp ỉnh thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Phước), Quyết định 2068/QĐ-UBND ngày 09/10/2012 của UBND tỉnh Bình Phước về việc công bố bộ thủ tục hành chính tại Sở Tài nguyên và Môi trường.

Đối với yêu cầu hủy Quyết định số 2319/QĐ-UBND ngày 28/11/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh: Ngày 19/7/2010, ông N làm đơn xin nhận khoán và được UBND xã H, huyện M xác nhận. Ngày 16/8/2010, BQLRPH Đ lập Hợp đồng giao khoán số 17 với hộ ông N, theo đó diện tích đất giao khoán là 05 ha thuộc khoảnh 7 tiểu khu 175 BQLRPH Đ. Tại buổi làm việc với Thanh tra tỉnh ngày 30/8/2012, bà Lê Thị H (người đại diện của ông N) không cung cấp được đơn khiếu nại và hợp đồng ủy quyền của ông N theo quy định của Luật Khiếu nại. Do đó, không có cơ sở để thụ lý, giải quyết.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty TNHH MTV cao su P trình bày: Mảnh đất có diện tích đất 5,5ha đang tranh chấp giữa BQLRPH Đ và ông N nằm tại khoảnh 7 tiểu khu 175, trước đây do BQLRPH Đ quản lý. Sau công tác thu hồi, được trồng cây cao su tại quỹ an sinh xã hội của tỉnh do Công ty TNHH MTV cao su R thực hiện. Công ty cao su P tiếp nhận dự án của Công ty cao su R từ ngày 12/6/2013 theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Phước. Hiện tại, diện tích đất này đang nằm trong tổng thể diện tích đất đã được UBND tỉnh Bình Phước giao cho Công ty cao su P thuê đất theo Quyết định số 397/QĐ - UBND và cấp giấy chứng nhận QSDĐ số 04023 ngày 28/2/2014 để Công ty thực hiện dự án trồng cây cao su tạo quỹ an sinh xã hội của tỉnh. Toàn bộ dự án trồng cao su có diện tích 9.577.973,4m2 nằm tại các tiểu khu 174,175,176 và 177 thuộc địa bàn xã Phú Sơn, huyện Đ, tỉnh Bình Phước.

Về việc ông N yêu cầu yêu cầu hủy 01 phần giấy chứng nhận QSDĐ đối với diện tích đất mà ông N nhận giao khoán với BQLRPH Đ trong giấy chứng nhận QSDĐ mà UBND tỉnh Bình Phước cấp cho Công ty cao su Phước Long: Công ty không chấp nhận yêu cầu này với lý do: Tổng thể diện tích đất nêu trên được UBND tỉnh thu hồi nhằm phục vụ công tác an sinh xã hội. Về mục đích, trình tự, thủ tục được thực hiện trên cơ sở quy định của pháp luật, đồng thời phù hợp với chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Việc Công ty được cấp giấy chứng nhận QSĐ là hợp pháp, theo quy định của Luật đất đai hiện hành. Vần đề tranh chấp hợp đồng giao khoán trồng rừng giữa ông N và BQLRPH Đ đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Đối với yêu cầu của nguyên đơn ông N đề nghị BQLRPH Đ, UBND huyện và Chủ tịch UBND huyện phải bồi thường hoa lợi trên diện tích đất 5,5ha: Công ty chỉ là đơn vị thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo của UBND tỉnh, do đó không có ý kiến tham gia vào việc bồi thường.

Ti Bản án dân sự sơ thẩm số 68/2019/DS-ST ngày 31/12/2019 của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Bình Phước quyết định:

1/ Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Lê Đình N về việc “Tranh chấp hợp đồng giao khoán quyền sử dụng đất”. Tuyên bố hợp đồng giao khoán trồng rừng và chăm sóc rừng số 17/HĐTr/2010 giữa BQLRPH Đ và ông Lê Đình N vô hiệu.

2/ Đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu hủy Quyết định giải quyết đơn khiếu nại số 2319/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước ngày 28/11/2013. Nếu sau này đương sự khởi kiện lại và thời hiệu khởi kiện vẫn còn thì sẽ giải quyết bằng vụ án khác.

3/ Đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu bồi thường tổn thất về tinh thần do hành vi cưỡng chế, thu hồi trái pháp luật gây ra. Nếu sau này đương sự khởi kiện lại và thời hiệu khởi kiện vẫn còn thì sẽ giải quyết bằng vụ án khác.

4/ Tách yêu cầu về việc buộc Chủ tịch UBND huyện Đ và UBND huyện Đ bồi thường thiệt hại về số cây lâu năm có trên đất và bồi thường thiệt hại về hoa lợi từ mùa vụ điều năm 2012 đến mùa vụ điều năm 2019; Tách yêu cầu giải quyết về hủy một phần giấy chứng nhận QSDĐ số vào sổ CT 04023 cấp ngày 28/2/2014 do UBND tỉnh Bình Phước cấp cho Công ty TNHH MTV cao su Phước Long.

Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí, chi phí tố tụng, nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 13/01/2020 ông Bùi Gia N2 (là người đại diện theo ủy quyền của ông Lê Đình N) kháng cáo Bản án sơ thẩm với nội dung: Bị đơn, Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thực hiện cưỡng chế nhưng không bồi thường thiệt hại khi chưa thanh lý Hợp đồng giao khoán số 17 là trái pháp luật, điều này được thể hiện tại Báo cáo số 90 ngày 24/02/2012 của Công an tỉnh; Tòa án cấp sơ thẩm tuyên Hợp đồng vô hiệu nhưng không giải quyết hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu, đình chỉ xét xử đối với yêu cầu bồi thường tổn thất về tinh thần và tách ra giải quyết bằng vụ án khác; tách yêu cầu Chủ tịch UBND huyện và UBND huyện bồi thường hoa lợi thu hoạch điều từ 2012-2019, tách yêu cầu hủy một phần giấy chứng nhận QSDĐ là không đúng pháp luật, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Vì vậy, ông N2 kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông N.

Tại phiên tòa phúc thẩm: Nguyên đơn (đồng thời là người kháng cáo) giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và yêu cầu khởi kiện. Các đương sự không tự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát: Về tố tụng: Kể từ thời điểm thụ lý phúc thẩm đến nay và tại phiên tòa, Thẩm phán, Thư ký Tòa án, Hội đồng xét xử và các đương sự chấp hành đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS); Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn, căn cứ khoản 3 Điều 308 BLTTDS, hủy Bản án sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án về cho cấp sơ thẩm giải quyết lại theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Đơn kháng cáo của ông Bùi Gia N2 (là người đại diện theo ủy quyền của ông Lê Đình N) làm trong thời hạn luật định, thực hiện đúng quyền và có hình thức, nội dung phù hợp với quy định tại các điều 271, 272 và 273 của BLTTDS, nên được chấp nhận.

[2] Ngày 16/8/2010, BQLRPH Đ (do ông Thái Hữu C2 - Giám đốc) và ông Lê Đình N ký kết Hợp đồng giao khoán số 17, các bên đều thừa nhận có sự việc này nên đây là tình tiết không phải chứng minh trong vụ án theo quy định tại Điều 92 của BLTTDS. Nguồn gốc đất 5ha mà ông N nhận giao khoán trước đây là đất của ông Nguyễn Văn Kỳ được BQLRPH Đ giao khoán theo Hợp đồng giao khoán số 44 vào năm 2008, đến năm 2010 ông K chuyển nhượng thành quả lao động cho ông N, sau đó ông N với BQLRPH Đ ký kết lại Hợp đồng giao khoán số 17 nêu trên.

[3] Xét Hợp đồng giao khoán số 17:

Về hình thức: Hợp đồng được các bên ký kết bằng văn bản là phù hợp quy định về hình thức theo quy định tại Điều 401 Bộ luật dân sự năm 2005.

Bên giao khoán do đại diện cho BQLRPH Đ ký kết Hợp đồng giao khoán số 17 là ông Thái Hữu C2 - Giám đốc (đại diện theo pháp luật); bên nhận giao khoán là ông Lê Đình N. Các chủ thể ký kết hợp đồng đều có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, tự nguyện ký kết hợp đồng. BQLRPH Đ là chủ thể được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ trồng rừng; thiết kế trồng rừng cũng đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (viết tắt là NN&PTNT) tỉnh phê duyệt. Như vậy, ông Thái Hữu C2 - Giám đốc BQLRPH Đ ký kết Hợp đồng giao khoán số 17 là phù hợp về thẩm quyền. Việc BQLRPH Đ chưa được phê duyệt dự toán trồng rừng sản xuất năm 2007 theo Tờ trình số 32/TT-BQL ngày 04/9/2007 không ảnh hưởng đến thẩm quyền ký kết hợp đồng.

Về nội dung của hợp đồng: Vào ngày 08/8/2007, Sở NN&PTNT tỉnh có Quyết định 190/QĐ-SNN về việc phê duyệt thiết kế trồng rừng cho BQLRPH Thọ Sơn (sau này là BQLRPH Đ). Sau đó, ngày 04/9/2007 BQLRPH Đ đã có Tờ trình số 32/TT-BQL về việc xin phê duyệt dự toán trồng rừng sản xuất năm 2007 nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt và cấp vốn. Mặt khác, ngày 02/11/2007 UBND tỉnh Bình Phước có Công văn số 2735/UBND-SX về việc thuận chủ trương cho Công ty cổ phần SX-XD- TM&NN V (viết tắt là Công ty V) liên doanh trồng rừng nguyên liệu và trồng cao su. BQLRPH Đ đã nhận được các văn bản này và biết được chủ trương trên của UBND tỉnh. Tuy nhiên, ngày 10/8/2010 BQLRPH Đ và ông N ký kết Hợp đồng giao khoán số 17 về việc giao khoán diện tích đất diện tích đất 55812,4m2 thuộc khoảnh 7 tiểu khu 175 nằm trong phần diện tích đất chủ trương giao cho Công ty Hải Vương liên doanh trồng rừng nguyên liệu và trồng cao su. Mặt khác, theo lời khai các bên thể hiện sau khi ký kết hợp đồng, giữa BQLRPH Đ và ông N thực tế không đo đạc, cắm mốc bàn giao đất, mà BQLRPH Đ chỉ có ra chỉ các mốc ranh để ông N canh tác. Hơn nữa, hợp đồng không thể hiện rõ mục tiêu giao khoán, quyền và nghĩa vụ của các bên. Vì vậy, nội dung hợp đồng vi phạm quy định tại các điều 3, 8, 9, 10 và 16 của Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 08/11/2005 của Chính phủ về việc giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản trong các Nông trường quốc doanh (Nghị định 135/2005/NĐ-CP). Mặt khác, vào tháng 01 năm 2011 đang trong thời hạn thực hiện hợp đồng thì ông N lại chuyển nhượng thành quả lao động trên đất cho vợ chồng bà Lê Thị H, ông Phạm Viết C3 với giá 350.000.000đ để tiếp tục canh tác mà không thông báo cho BQLRPH Đ biết. Việc chuyển nhượng này vi phạm thỏa thuận hợp đồng. Do đó, căn cứ quy định tại các điều 122 và 127 của BLDS năm 2005, Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bố Hợp đồng giao khoán số 17 là vô hiệu là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

[4] Xét kháng cáo của ông Bùi Gia N2 cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm không giải quyết hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu: Khi tuyên bố Hợp đồng giao khoán số 17 vô hiệu, Tòa án cấp sơ thẩm cũng đã xử lý hậy quả của hợp đồng vô hiệu, theo đó cấp sơ thẩm xác định do hiện nay ông N không còn quản lý, sử dụng diện tích đất 55812,4m2 thuộc khoảnh 7 tiểu khu 175, mà diện tích đất này đang do Công ty cao su P quản lý, sử dụng nên ông N không phải giao trả lại diện tích đất nói trên cho BQLRPH Đ; đồng thời khi thỏa thuận ký kết Hợp đồng giao khoán số 17 giữa các bên không giao nhận tiền giao khoán nên phía BQLRPH Đ không phải hoàn trả lại tiền cho ông N. Vì vậy, các bên không phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Việc xử lý này phù hợp với quy định tại Điều 137 của BLDS năm 2005.

Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại do Hợp đồng giao khoán số 17 vô hiệu: Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm, bà Lê Thị H là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn cùng các đương sự khác không yêu cầu giải quyết về bồi thường thiệt hại do hợp đồng vô hiệu. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét giải quyết bồi thường thiệt hại do Hợp đồng giao khoán số 17 vô hiệu do đương sự không có yêu cầu là có căn cứ, phù hợp với Giải đáp số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của Tòa án nhân dân tối cao, nên yêu cầu kháng cáo của ông Bùi Gia N2 về nội dung này không được chấp nhận.

[5] Xét kháng cáo của ông Bùi Gia N2 cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm đình chỉ xét xử đối với yêu cầu bồi thường tổn thất về tinh thần không đúng quy định của pháp luật: Tại phiên tòa sơ thẩm, bà Lê Thị H là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn rút một phần yêu cầu bù đắp tổn thất về tinh thần do hành vi cưỡng chế, thu hồi trái pháp luật. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu này là có căn cứ, nên yêu cầu kháng cáo của ông Bùi Gia N2 về nội dung này không được chấp nhận.

[6] Xét kháng cáo của ông Bùi Gia N2 cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm tách yêu cầu buộc Chủ tịch UBND huyện Đ và UBND huyện Đ bồi thường giá trị cây trồng và hoa lợi thu hoạch từ năm 2012 đến 2019 trên phần diện tích đất bị cưỡng chế thu hồi và yêu cầu hủy một phần giấy chứng nhận QSDĐ số vào sổ CT 04023 cấp ngày 28/2/2014 do UBND tỉnh Bình Phước cấp cho Công ty cao su P ra giải quyết thành vụ án khác là không đúng quy định của pháp luật, nhận thấy:

Tại đơn khởi kiện ngày 24/4/2014, nguyên đơn yêu cầu Tòa án buộc UBND huyện Đ, Chủ tịch UBND huyện Đ bồi thường giá trị 1000 cây điều 4 năm tuổi; 16000 cây keo lai 3 năm tuổi; 3000 cây sao đen 3 năm tuổi và hoa lợi từ năm 2012 đến 2019 do việc cưỡng chế thu hồi đất, chặt phá tài sản của ông N trên diện tích đất giao khoán 05ha theo Hợp đồng giao khoán số 17 (BL01-03, 190) Xét đây là yêu cầu bồi thường thiệt hại độc lập với việc bồi thường thiệt hại do Hợp đồng giao khoán số 17 bị vô hiệu như nhận định tại mục [4] nêu trên.

Theo quy định tại Điều 34 BLTTDS, khi giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết. Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm, bà Lê Thị H là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn xác nhận nguyên đơn không khiếu kiện quyết định thu hồi đất của UBND huyện và Chủ tịch UBND huyện Đ (tức quyết định cá biệt), mà chỉ khiếu kiện hành vi cưỡng chế, thu hồi đất của UBND huyện, của Chủ tịch UBND huyện Đ là trái quy định pháp luật vì khi thu hồi đất của ông N vẫn chưa thanh lý Hợp đồng giao khoán số 17 với BQLRPH Đ. Với việc xác định lại yêu cầu nêu trên của bà H về hành vi mà nguyên đơn muốn khởi kiện thì Tòa án không thể xem xét giải quyết cùng với vụ án dân sự này. Do đó, việc Tòa án cấp sơ thẩm tách yêu cầu bồi thường thiệt hại của về giá trị cây trồng và hoa lợi từ năm 2012 đến năm 2019 trên phần diện tích đất bị cưỡng chế thu hồi, cũng như tách yêu cầu hủy giấy chứng nhận QSDĐ do UBND tỉnh Bình Phước cấp cho Công ty cao su Phước Phước Long trong đó có 05ha đất của ông N nhận giao khoán ra giải quyết trong một vụ việc khác là phù hợp quy định pháp luật. Hơn nữa, việc tách 02 yêu cầu này của nguyên đơn để giải quyết bằng vụ việc khác cũng chưa làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn. Vì vậy, nguyên đơn kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết các yêu cầu này trong cùng vụ án này là không được chấp nhận.

[7] Từ những nhận định trên, xét thấy các yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn là không có căn cứ nên không được chấp nhận, cần giữ nguyên Bản án sơ thẩm.

[8] Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa phúc thẩm đề nghị hủy Bản án sơ thẩm là chưa phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử.

[9] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do kháng cáo của ông Bùi Gia N2 không được chấp nhận một phần, nên nguyên đơn phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308, Điều 313 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Không chấp nhận kháng cáo của ông Bùi Gia N2 (là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn ông Lê Đình N). Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 68/2019/DS-ST ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Bình Phước.

Áp dụng các điều 147, 157, 165 và 244 của Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 3 Điều 3, Điều 7 và khoản 1 Điều 115 của Luật Tố tụng hành chính; Điều 6 Luật Đất đai năm 2003; các điều 12 và 62 của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004; các điều 8, 9, 10 và 16 của Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 08/11/2005 của Chính phủ về việc giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản trong các Nông trường quốc doanh, Lâm trường quốc doanh; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí của Tòa án.

Quyết định:

1. Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Lê Đình N về hủy Quyết định giải quyết khiếu nại số 2319/QĐ-UBND ngày 28/11/2013 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước và yêu cầu về bồi thường tổn thất tinh thần do hành vi cưỡng chế, thu hồi đất trái pháp luật gây ra. Nếu sau này đương sự khởi kiện lại và thời hiệu khởi kiện vẫn còn thì sẽ giải quyết bằng vụ án khác theo quy định của pháp luật.

2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Lê Đình N về việc “Tranh chấp hợp đồng giao khoán quyền sử dụng đất”.

Tuyên bố hợp đồng giao khoán trồng rừng và chăm sóc rừng số 17/HĐTr/2010 ngày 16/8/2010 giữa Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đ, tỉnh Bình Phước và ông Lê Đình N vô hiệu. Không xem xét giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại do hợp đồng vô hiệu vì các đương sự không yêu cầu.

3. Tách yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc: Buộc Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đ và Ủy ban nhân dân huyện Đ, tỉnh Bình Phước bồi thường thiệt hại về giá trị cây trồng và hoa lợi từ mùa vụ năm 2012 đến năm 2019 trên phần diện tích đất được giao khoán tại khoảnh 7, tiểu khu 175; Hủy một phần giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số seri BI 285694, số vào sổ CT 04023 do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước cấp ngày 28/2/2014 cho Công ty TNHH MTV cao su Phước Long ra giải quyết thành vụ việc khác theo quy định của pháp luật.

4. Về chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản: Buộc ông Lê Đình N phải chịu số tiền chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản là 9.057.000 đồng (Chín triệu không trăm năm mươi bảy ngàn đồng).

5. Án phí dân sự sơ thẩm: Nguyên đơn ông Lê Đình N phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 300.000 đồng (Ba trăm ngàn đồng), được khấu trừ vào số tiền 5.000.000 đồng (Năm triệu đồng) tạm ứng án phí sơ thẩm ông N đã nộp theo biên lai thu tiền số 0020157 quyển số 000404 ngày 16/7/2015 và biên lai thu tiền số 0009480 quyển số 0190 ngày 13/6/2019. Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đ, tỉnh Bình Phước hoàn trả cho ông Lê Đình N số tiền còn lại là 4.700.000 đồng (Bốn triệu bảy trăm ngàn đồng).

6. Án phí dân sự phúc thẩm: Nguyên đơn ông Lê Đình N phải chịu án phí dân sự phúc thẩm là 300.000 đồng (Ba trăm ngàn đồng), được khấu trừ vào số tiền 300.000 đồng (Ba trăm ngàn đồng) tạm ứng án phí phúc thẩm ông N đã nộp theo biên lai thu tiền số 0010019 quyển số 0201 ngày 17/01/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đ, tỉnh Bình Phước.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án; quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 của Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án dân sự được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

950
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 90/2020/DS-PT ngày 29/05/2020 về tranh chấp hợp đồng giao khoán quyền sử dụng đất, yêu cầu hủy quyết định cá biệt và bồi thường thiệt hại

Số hiệu:90/2020/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Phước
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 29/05/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;