TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH
BẢN ÁN 88/2018/DSPT NGÀY 12/10/2018 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG LỐI ĐI
Ngày 12 tháng10 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 69/2018/TLPT-DS ngày 20/6/2018 về “Tranh chấp quyền sử dụng lối đi”.
Do bản án dân sự sơ thẩm số 12/2018/DSST ngày 27/04/2018 của Tòa án nhân dân thị xã T, tỉnh Bắc Ninh bị kháng cáo, kháng nghị.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 68/2018/QĐ-PT ngày 01 tháng 8 năm 2018, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn:
1. Anh Nguyễn Doãn T, sinh năm 1958 (vắng mặt).
Người đại diện theo ủy quyền của anh T: Chị Nguyễn Thị L, sinh năm 1970. Đều trú tại: Số 1, khu phố B, phường Đ, thị xã T, tỉnh Bắc Ninh (có mặt).
2. Chị Nguyễn Thị T1 (tên gọi khác Nguyễn Thị C), sinh năm 1968.
Trú tại: Số 3, khu phố B, phường Đ, thị xã T, tỉnh Bắc Ninh (có mặt).
- Bị đơn:
1. Anh Trần Quang M, sinh năm 1965 (vắng mặt).
Người đại diện theo ủy quyền của anh M: Chị Nguyễn Thị Q, sinh năm 1973; Đều trú tại: Số 4, ngõ 1, khu phố B, phường Đ, thị xã T, tỉnh Bắc Ninh (có mặt).
2. Anh Trần Quang U, sinh năm 1971 (vắng mặt).
Người đại diện theo ủy quyền của anh U: Chị Nguyễn Thị T2, sinh năm 1977; Đều trú tại: Số 4, ngõ 1, khu phố B, phường Đ, thị xã T, tỉnh Bắc Ninh (có mặt).
3. Chị Trần Thị L1, sinh năm 1967; Trú tại: Số 4, ngõ 1, khu phố B, Đ, T, Bắc Ninh (có mặt).
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Ủy ban nhân dân phường Đ, thị xã T, tỉnh Bắc Ninh.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Thế C - Chức vụ: Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Đ (vắng mặt).
2. Chị Nguyễn Thị Q, sinh năm 1973; Trú tại: Số 4, ngõ 1, khu phố B, phường Đ, thị xã T, Bắc Ninh (có mặt).
3. Chị Nguyễn Thị L, sinh năm 1970; Trú tại: Khu phố B, phường Đ, thị xã T, Bắc Ninh (có mặt).
4. Chị Nguyễn Thị T2, sinh năm 1977; Trú tại: Số 4, ngõ 1, khu phố B, phường Đ, thị xã T, Bắc Ninh (có mặt).
5. Anh Nguyễn Doãn B, sinh năm 1967;
Trú tại: Khu phố B, phường Đ, thị xã T, tỉnh Bắc Ninh (vắng mặt). Người kháng cáo: Anh Nguyễn Doãn T, chị Nguyễn Thị T1.
Người kháng nghị: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thị xã T, tỉnh Bắc Ninh.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo bản án sơ thẩm và các tài liệu có trong hồ sơ thì nội dung vụ án như Phía nguyên đơn là Nguyễn Doãn T và chị Nguyễn Thị T1 trình bày:
Trước những năm 1978 thửa đất số 1356 nay là thửa số 335, tờ bản đồ số 93, diện tích 138,4m2 và thửa số 1400, tờ bản đồ số 190 và thửa 1399 nay là thửa số 14, tờ bản đồ số 100, diện tích 252,2m2 là của cụ Nguyễn Doãn Biểu và cụ Nguyễn Thị Lợi, khi còn sống cụ Biểu, cụ Lợi chia đất cho 02 con là ông Nguyễn Doãn Xuyên và Nguyễn Doãn Hỷ, cụ thể ông Nguyễn Doãn Xuyên được chia thửa bên trong theo bản đồ địa chính năm 2014 là thửa số 14, diện tích 252,2m2 được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (viết tắt GCNQSDĐ) số R 484834 ngày 09/10/2000 đứng tên chủ sử dụng đất là hộ bà Nguyễn Thị Đáo, thửa đất này hiện anh Nguyễn Doãn B và chị Nguyễn Thị T1 sử dụng; Ông Nguyễn Doãn Hỷ được chia thửa số 1356 thửa bên ngoài có ngôi nhà quay hướng Nam nay theo bản đồ địa chính 2014 là thửa 335, tờ bản đồ số 93, diện tích 138,4m2, hiện thửa đất này do anh Nguyễn Doãn T và chị Nguyễn Thị L sử dụng. Vào các năm 2000 và năm 2015 hộ anh T được cấp GCNQSDĐ và cấp đổi GCNQSDĐ với diện tích được Nhà nước công nhận 138,4m2.
Về lối đi, khi chưa chia tách đất cho các con, đất của gia đình cụ Biểu, cụ Lợi giáp và đi thẳng ngõ đi chung của thôn B thể hiện tại bản đồ địa chính năm 1978 (trên diện tích lối đi đang tranh chấp hiện nay còn chân đáy bể nước lịch sử của gia đình cụ Biểu để lại). Do nhu cầu chỗ ở, lúc còn sống cụ Biểu, cụ Lợi đã cắt một phần diện tích nằm tại hai thửa đất với diện tích hơn 16m2 (theo đo đạc thực tế là 18,27m2) dành làm lối đi cho gia đình ông Nguyễn Doãn Hỷ và ông Nguyễn Doãn Xuyên để làm lối đi ra phần ngõ chung. Sau khi ông Hỷ và ông Xuyên mất, gia đình anh Nguyễn Doãn T (con trai ông Hỷ) và gia đình anh Nguyễn Doãn B (con trai ông Xuyên) là người thừa kế tiếp tục sử dụng làm lối đi chung và chỉ khi gia đình anh T và gia đình anh B phá ngôi nhà cũ để làm nhà mới quay hướng Tây và trổ cửa chính hướng Tây đi thẳng ra đường chung của khu phố thì hai gia đình mới ít khi sử dụng phần diện tích phía sau trước đấy đã bớt lại làm lối đi (điều này được thể hiện trên bản đồ địa chính từ năm 1987 đến nay).
Gia đình ông Trần Quang Nguyên là hàng xóm sử dụng thửa đất số 1357 (theo bản đồ năm 1978) nay theo bản đồ địa chính năm 2014 là thửa số 01, tờ bản đồ số 100, diện tích 291,1m2 giáp với đất của gia đình ông Hỷ, ông Xuyên (nay là gia đình anh T, anh B), trước đây gia đình ông Nguyên làm nhà hướng Đông, lưng nhà ông Nguyên giáp với phần đất của gia đình anh B và gia đình anh T đồng thời cũng giáp với phần đất mà gia đình đã bớt ra làm lối đi chung, cổng nhà ông Nguyên quay hướng Đông, quá trình sử dụng mọi việc sinh hoạt đi lại gia đình ông Nguyên đều đi cổng hướng Đông. Sau khi ông Nguyên mất, năm 2015 các con ông Nguyên chia đất do bố, mẹ để lại. Chia cho anh Trần Quang Phong, anh Trần Quang M, anh Trần Quang U và chị Trần Thị L1. Sau đó anh M, anh U, chị L1 đã bàn nhau phá tường trổ cổng mở lối đi ra phần diện tích đất của gia đình ông Xuyên và gia đình ông Hỷ trước đây đã bớt ra làm lối đi mà không được sự đồng ý của anh T và anh B nên dẫn đến tranh chấp. Quá trình giải quyết tranh chấp, UBND phường Đ, thị xã T hòa giải nhưng không thành nên anh Nguyễn Doãn T và chị Nguyễn Thị T1 (vợ anh Nguyễn Doãn B) khởi kiện yêu cầu Tòa án xác định phần diện tích lối đi 18,27m2 nằm giữa các thửa số 335, 336 và thửa số 01, tờ bản đồ địa chính năm 2014 tại khu phố Ba La, phường Đ, thị xã T, tỉnh Bắc Ninh với tứ cận: Phía Bắc giáp ngõ đi rộng 1,9m; Phía Nam giáp thửa 14 rộng 2,3 m; Phía Đông Giáp thửa số 01 và một phần thửa số 336 dài 8,7m: Phía Tây giáp thửa 335 dài 8,7m, là lối đi riêng, thuộc quyền quản lý và sử dụng hợp pháp của gia đình anh T và gia đình anh B, buộc gia đình anh Trần Quang M, anh Trần Quang U và chị Trần Thị L1 không được tiếp tục sử dụng diện tích này làm lối đi.
Phía bị đơn là anh Trần Quang M, anh Trần Quang U, chị Trần Thị L1 và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là chị Nguyễn Thị T2 (vợ anh U), chị Nguyễn Thị Q (vợ anh M) trình bày: Về đất ở hiện nay gia đình các anh chị đang ở và sử dụng là đất của ông, cha các anh chị để lại, quá trình sử dụng lối đi thì ngay từ đời ông, cha các anh chị, gia đình đã sử dụng 02 cổng với 02 lối đi khác nhau, một lối đi hướng Đông và một lối đi hướng Tây. Lối đi hướng Đông do trước đây gia đình làm nông nghiệp nên chủ yếu dành cho trâu, bò đi lại, còn lối đi hướng Tây (là lối đi hiện nay đang tranh chấp) được gia đình sử dụng đi lại và có trổ một cổng với kích thước rộng khoảng hơn 0,8m cùng đi chung với gia đình cụ Biểu, cụ Lợi và sau này là ông Hỷ, ông Xuyên và các con của ông Xuyên, ông Hỷ là anh T, anh B không có tranh chấp gì. Sau khi bố, mẹ các anh chị qua đời, năm 2015 anh chị em trong gia đình đã họp bàn và tự thỏa thuận chia nhau thửa đất của bố, mẹ để lại và làm nhà trên đất đã được chia theo thỏa thuận, để thuận lợi cho việc đi lại anh, em anh chị có cải tạo và mở rộng cổng phía Tây của gia đình rộng ra khoảng 02m thì gia đình anh em nhà anh T, anh B có ý kiến cho rằng phần diện tích lối đi là đất của gia đình và không cho gia đình các anh, chị sử dụng dẫn đến tranh chấp. Anh M, chị L1, anh U, chị T2, chị Q còn cho biết vào năm 2007 - 2008 địa phương có tổ chức làm đường đổ bê tông trên các tuyến đường chính tại các khu phố trên địa bàn, phần diện tích lối đi hiện nay đang tranh chấp không nằm trong diện được địa phương cấp kinh phí đổ đường nên các gia đình đang sử dụng phần diện tích lối đi khi đó gồm: Gia đình anh, em các anh chị, gia đình anh B, gia đình anh T có thống nhất góp tiền, góp sức cùng nhau cải tạo nâng cấp đổ bê tông phần diện tích lối đi để nối với đường chính của khu phố, cụ thể mỗi gia đình góp 100.000đ để mua xi măng, xin cát, sỏi và tự bỏ công sức cùng nhau đổ bê tông làm đường và cùng sử dụng lối đi từ đó đến năm 2015, các anh, chị khẳng định gia đình đã sử dụng diện tích này làm lối đi và đi chung cùng gia đình ông Xuyên, gia đình ông Hỷ sau này là gia đình anh B, gia đình anh T mấy chục năm. Nay anh T, anh B cho rằng đây là đất của cha, ông để lại là không thuyết phục, không phù hợp với hiện trạng thực tế sử dụng lối đi, đồng thời cũng không phù hợp với hồ sơ quy hoạch sử dụng đất tại địa phương, bởi theo các bản đồ địa chính năm 1989, 1994, 2005 và 2014 đều thể hiện phần diện tích lối đi tranh chấp hiện nay là lối đi chung. Anh M, anh U, chị L1, chị T2, chị Q đề nghị Tòa án bác yêu cầu khởi kiện của anh T, chị T1.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là Ủy ban nhân dân phường Đ trình bày: Theo bản đồ địa chính năm 1978, phần diện tích lối đi đang tranh chấp nằm trong diện tích thửa đất số 1356, tờ bản đồ số 02, diện tích 138m2 do gia đình ông Nguyễn Doãn Hỷ (bổ đẻ anh T) sử dụng đến năm 1989 thửa đất tách thành 02 phần có số thửa 773a, diện tích 115m2 và một phần diện tích chuyển thành đất giao thông.
Theo bản đồ địa chính năm 1987, 1994, 2005 và 2014 đều thể hiện là đất giao thông đi ra lối đi chung của khu phố. Quá trình sử dụng các gia đình đã tự bỏ tiền đóng góp, cải tạo làm lối đi chung. Từ khi phần đất này chuyển thành đất giao thông thì gia đình ông Trần Quang Nguyên và sau này là gia đình các con ông Nguyên gồm chị Trần Thị L1, anh Trần Quang M, anh Trần Quang U vẫn sử dụng cho đến năm 2016 mới phát sinh tranh chấp. Với vai trò là chủ thể quản lý đất đai tại địa phương UBND phường Đ xác định phần diện tích lối đi đã hình thành và tồn tại từ lâu, quá trình sử dụng các gia đình đã góp tiền, góp sức cải tạo nâng cấp ngõ đi thuận tiện và không có tranh chấp gì, theo hồ sơ quản lý về đất đai hiện nay thì đây là đất giao thông là lối đi chung của cộng đồng, cần giữ nguyên hiện trạng, không gia đình nào được sử dụng vào mục đích riêng.
Từ nội dung trên, bản án sơ thẩm căn cứ khoản 9 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 143, 144, 147, 227, 228, 235, 264, 271, 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 246, 247 Bộ luật Dân sự; khoản 3 Điều 23 khoản 9 Điều 125 Điều 203 Luật Đất đai; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án, xử:
Bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của anh Nguyễn Doãn T do chị Nguyễn Thị L đại diện và chị Nguyễn Thị T1 về việc xác định, công nhận diện tích lối đi nằm giữa các thửa số 335, 336 và thửa số 01, tờ bản đồ địa chính năm 2014 có địa chỉ tại khu phố B, phường Đ, thị xã T, tỉnh Bắc Ninh với kích thước tứ cận: Phía Bắc giáp ngõ đi, rộng 1,9m; Phía Nam giáp thửa 14 rộng 2,3 m; Phía Đông giáp thửa số 01 và một phần thửa số 336 dài 8,7m; Phía Tây giáp thửa 335 dài 8,7m là lối đi riêng.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên nghĩa vụ chịu chi phí xem xét thẩm định, định giá tài sản, nghĩa vụ thi hành án, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Sau khi án sơ thẩm xử, ngày 08/5/2018, anh Nguyễn Doãn T, chị Nguyễn Thị T1 kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Ngày 11/5/2018, Viện kiểm sát nhân dân thị xã T kháng nghị đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy toàn bộ bản án số 12/DSST, ngày 27/4/2018 của Tòa án nhân dân thị xã T.
Tại phiên tòa phúc thẩm chị Nguyễn Thị L và đại diện theo ủy quyền của anh T và chị Nguyễn Thị T1 giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo. Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh giữ nguyên kháng nghị 01/QĐKNPT-VKS-DS đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xử hủy bản án dân sự sơ thẩm số 12/2018/DS-ST ngày 27/4/2018 của Tòa án nhân dân thị xã T.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa; Việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng kể từ khi thụ lý phúc thẩm cho đến phần tranh luận tại phiên tòa là đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Về nội dung vụ án, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 3 Điều 308, Điều 310 Bộ luật Tố tụng dân sự chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thị xã T và kháng cáo của anh Nguyễn Doãn T và chị Nguyễn Thị T1, xử hủy bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thị xã T.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án cũng như lời trình bày của các đương sự và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử thấy:
Nguồn gốc lối đi đang tranh chấp nằm giữa các thửa số 335, thửa số 14 và thửa số 01, tờ bản đồ địa chính năm 2014 tại khu phố B, phường Đ, thị xã T, tỉnh Bắc Ninh theo các bên đương sự trình bày và thừa nhận thì ngõ đi này có nguồn gốc do gia đình cụ Nguyễn Doãn Biểu và cụ Nguyễn Thị Lợi là ông bà nội anh Nguyễn Doãn T, anh Nguyễn Doãn B để lại và được thể hiện tại bản đồ địa chính năm 1978. Sau đó cụ Biểu chia đất cho ông Nguyễn Doãn Xuyên và ông Nguyễn Doãn Hỷ đã cắt một phần diện tích đất của gia đình làm ngõ đi. Sau khi cắt đất để làm ngõ đi thì gia đình ông Trần Quang Nguyên cùng sử dụng ngõ đi này. Tòa án cấp sơ thẩm nhận định việc gia đình ông Nguyên sử dụng ngõ đi này cha ông anh T, anh B không có ý kiến gì và đến đời anh T, anh B gia đình các anh cũng vẫn để cho các con của ông Nguyên đi cùng ngõ đi này không có ý kiến gì và khi gia đình anh T, chị T1 đi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã không kê khai phần diện tích ngõ đi. Bản án sơ thẩm nhận định nhận định về việc cha ông anh T, anh B đã đồng ý cho gia đình ông Nguyên sử dụng làm ngõ đi chung nên đã xử bác yêu cầu khởi kiện của đồng nguyên đơn.
Sau khi xét xử sơ thẩm anh Nguyễn Doãn T và chị Nguyễn Thị T1 kháng cáo bản án sơ thẩm.
Ngày 11/5/2018 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thị xã T có quyết định kháng nghị số 01/QĐKNPT-VKS-DS kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đối với bản án số 12/2018/DS-ST của Tòa án nhân dân thị xã T.
Xét kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thị xã T và kháng cáo của anh Nguyễn Doãn T và chị Nguyễn Thị T1 thì thấy:
Thứ nhất, Viện kiểm sát nhân dân thị xã T kháng nghị và anh Nguyễn Doãn T, chị Nguyễn Thị T1 kháng cáo về việc Tòa án cấp sơ thẩm xác định chưa đầy đủ những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng trong vụ án, cụ thể thửa đất hộ ông Nguyên còn chị Nguyễn Thị Huyền (con dâu ông Nguyên, là vợ anh Trần Quang Phong đã mất) và con là Trần Quang Yên; hộ gia đình anh Nguyễn Doãn T còn có mẹ anh T và các con; hộ gia đình chị Nguyễn Thị T1 còn có các con. Tòa án cấp sơ thẩm đã không đưa những người có tên trên vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là vi phạm khoản 4 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự. Hội đồng xét xử thấy: Đối với thửa đất của ông Trần Quang Nguyên được chia làm bốn phần gồm gia đình anh Trần Quang Phong, anh Trần Quang M, chị Trần Thị L1 và anh Trần Quang U, nhưng gia đình anh Phong ở phía ngoài và sử dụng lối đi khác không liên quan đến lối đi đang tranh chấp nên bản án sơ thẩm không đưa vợ và anh Phong là chị Nguyễn Thị Huyền và con anh Phong là Trần Quang Yên tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là chính xác; Đối với các gia đình anh Trần Quang M, Trần Quang U và gia đình anh Nguyễn Doãn T, Nguyễn Doãn B còn có các thành viên khác cùng sinh sống trên thửa đất thì thấy đây là vụ án tranh chấp quyền sử dụng lối đi, không phải là tranh chấp quyền sử dụng đất, do đó bản án sơ thẩm đã xác định tư cách tham gia tố tụng của đại diện hộ gia đình nguyên đơn là anh Nguyễn Doãn T, chị Nguyễn Thị T1 (vợ anh Nguyễn Doãn B), bị đơn là đại diện hộ gia đình anh Trần Quang M, anhTrần Quang U, chị Trần Thị L1 và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là chị Nguyễn Thị Q, chị Nguyễn Thị T2, chị Nguyễn Thị L, anh Nguyễn Doãn B và đại diện UBND phường Đ tham gia tố tụng trong vụ án là phù hợp pháp luật.
Thứ hai, Đối với nội dung kháng nghị về việc Tòa án chưa tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ hiện trạng sử dụng đất của gia đình ông Trần Quang Nguyên để lại cho các con để làm rõ lối đi đang có tranh chấp có phải là lối đi duy nhất của gia đình anh M, chị L1, anh U hay không. Quá trình giải quyết vụ án ở cấp phúc thẩm, ngày 09/8/2018 Tòa án đã cùng đại diện Ủy ban nhân dân phường Đ tiến hành xem xét về hiện trạng lối đi. Theo Biên bản xem xét hiện trạng lối đi ngày 09/8/2018, thửa đất anh Trần Quang M, anh Trần Quang U, chị Trần Thị L1 đang sử dụng tại khu phố B, phường Đ, thị xã T, tỉnh Bắc Ninh, theo bản đồ địa chính lập năm 1994 và hồ sơ kỹ thuật thửa đất năm 2000 thể hiện có hai lối đi, một lối đi hướng Đông và một lối đi hướng Tây để đi ra ngõ đi chung. Hiện tại lối đi hướng Đông gia đình anh Phong (là anh trai anh M, anh U, chị L1) đã xây công trình phụ lấp kín lối đi. Do đó, gia đình anh M, anh U, chị L1 sử dụng ngõ đi hướng Tây cùng gia đình anh T, chị T1. Như vậy nội dụng kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thị xã T có căn cứ và đã được khắc phục tại cấp phúc thẩm.
Thứ ba, Đối với nội dung kháng nghị Viện kiểm sát nhân dân thị xã T và kháng cáo của anh T, chị T1 về việc Tòa án bác đơn khởi kiện là chưa có đủ căn cứ, Hội đồng xét xử thấy: Về nguồn gốc, quá trình hình thành lối đi theo lời trình bày của các đương sự và tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ thấy: Theo bản đồ địa chính năm 1978 thể hiện thửa đất số 1356 nay là thửa số 335, tờ bản đồ số 93 diện tích 138,4m2 và thửa số 1400, tờ bản đồ số 190 và thửa 1399 nay là thửa số 14, tờ bản đồ số 100, diện tích 252,2m2 là của cụ Nguyễn Doãn Biểu và cụ Nguyễn Thị Lợi (là ông, bà nội của anh Nguyễn Doãn T và anh Nguyễn Doãn B. Khi cụ Biểu và cụ Lợi chia đất cho hai con là ông Nguyễn Doãn Hỷ (bố anh Nguyễn Doãn T) và ông Nguyễn Doãn Xuyên (bố anh B chồng chị Nguyễn Thị T1) có cắt một phần diện tích đất của gia đình làm lối đi ra đường công cộng của thôn B, phường Đ. Các đương sự đều xác nhận lối đi có nguồn gốc đất của cụ Biểu, cụ Lợi. Trên phần lối đi này trước đây là bể nước, hiện nay vẫn còn hàng gạch của phần móng của bể nước giáp với thửa đất số 336 của gia đình ông Nguyễn Thạc Vệ. Bản án sơ thẩm nhận định phần diện tích lối đi tranh chấp có nguồn gốc lịch sử của cha, ông anh T và anh B để lại được cắt ra dành làm lối đi là có căn cứ, phù hợp với tài liệu có trong hồ sơ, lời trình bày của các đương sự. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm lại nhận định về hiện trạng thực tế cùng khai thác sử dụng lối đi của các gia đình, cũng như việc kê khai, đăng ký quyền sử dụng đất, để Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp của hộ bà Nguyễn Thị Đáo (mẹ anh B) và hộ anh Nguyễn Doãn T cũng như các bản đồ địa chính từ năm 1987 đến nay có thể gián tiếp khẳng định từ đời cụ Biểu, cụ Lợi, sau đến đời ông Xuyên, ông Hỷ và sau này là anh T, anh B, gia đình đã tự nguyện cắt phần đất ra làm lối đi và cho các hộ xung quanh liền kề cùng khai thác, sử dụng làm lối đi trong đó có hộ gia đình ông Trần Quang Nguyên là không có cơ sở chấp nhận. Thực tế, hộ gia đình ông Nguyên có sử dụng lối đi chung cùng gia đình anh T, anh B nhưng sử dụng từ thời điểm nào thì không có tài liệu nào thể hiện. Theo bản đồ năm 1978 thì không có lối đi chung nhưng đến bản đồ năm 1989 đã thể hiện có lối đi chung nhưng không xác định được năm 1989 gia đình ông Nguyên đã đi trên lối đi này chưa. Quá trình giải quyết vụ án, anh T và chị T1 đều không xác nhận gia đình anh, chị đã cắt phần đất ra làm lối đi và cho các hộ xung quanh liền kề cùng khai thác, sử dụng mà chỉ là lối đi của 02 thửa đất số 335 của ông Hỷ và thửa số 14 của gia đình ông Xuyên. Phía bị đơn cũng không đưa ra được tài liệu chứng cứ thể hiện cụ Biểu, cụ Lợi và sau này là ông Xuyên, ông Hỷ đồng ý cho gia đình ông Nguyên đi trên phần diện tích đất của gia đình cắt ra làm lối đi và từ đó đến nay không có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về chuyển diện tích ngõ đi đó thành đất giao thông công cộng.
Như vậy, xét về nguồn gốc đất lối đi là của cụ Nguyễn Doãn Biểu là ông nội của anh T, anh B (chồng chị T1) để lại cho ông Hỷ, ông Xuyên, sau này là anh T, anh B sử dụng làm lối đi. Qua xem xét hiện trạng, lối đi hướng Đông (trước kia là lối đi chính của gia đình ông Nguyên) hiện nay gia đình anh Phong (là anh trai anh M, anh U, chị L1) đã xây công trình phụ lấp kín lối đi nên gia đình anh M, anh U, chị L1 chỉ còn lối đi cùng gia đình anh T, chị T1 là lối đi duy nhất và để đảm bảo hiện trạng theo đề nghị của Ủy ban nhân dân phường Đ về việc giữ lối đi cho các hộ gia đình như hiện nay. Theo quy định tại khoản 1 Điều 254 Bộ luật Dân sự: “Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ. Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Gia đình anh M, anh U, chị L1 được hưởng quyền về lối đi trên diện tích đất của gia đình anh T, chị T1 thì anh M, anh U, chị L1 phải đền bù cho gia đình anh T, chị T1 giá trị ngõ đi bằng tiền là phù hợp pháp luật. Theo biên bản định giá tài sản thì tổng giá trị phần ngõ đi là 96.999.000đ (trong đó phần ngõ đi là 18,27m2 x 182.000đ x 60% = 1.995.000đ; phần giá trị quyền sử dụng đất làm lối đi là 18,27m2 x 5.200.000đ/m2 = 95.004.000đ). Phần ngõ đi gồm có 05 gia đình là anh T, chị T1, anh M, anh U, chị L1 cùng sử dụng nên buộc gia đình anh M, anh U, chị L1 phải có trách nhiệm trích trả cho anh T, chị T1 một phần giá trị ngõ đi, cụ thể mỗi gia đình phải chịu 1/5 số tiền theo định giá. Như vậy, anh Trần Quang M, anh Trần Quang U, chị Trần Thị L1 mỗi người phải có nghĩa vụ trả cho anh Nguyễn Doãn T, chị Nguyễn Thị T1 số tiền 19.399.800đ. Anh T, chị T1 được nhận số tiền là 58.199.400đ, mỗi người được nhận 29.099.700đ.
Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử thấy cần chấp nhận kháng cáo của chị Nguyễn Thị T1, anh Nguyễn Doãn T và chấp nhận một phần kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thị xã T, xử sửa bản án sơ thẩm.
Do kháng cáo của anh T, chị T1 được chấp nhận nên anh T, chị T1 không phải chịu án phí dân sự sơ, phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, xử sửa bản án sơ thẩm.
Áp dụng Điều 245; Điều 246 và Điều 247 Bộ luật dân sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
1. Chấp nhận đơn khởi kiện của anh Nguyễn Doãn T, chị Nguyễn Thị T1 (Nguyễn Thị Chung).
Xác nhận diện tích đất 18.27m2 ngõ đi là của gia đình anh Nguyễn Doãn T và chị Nguyễn Thị T1, nay được sử dụng làm ngõ đi chung của gia đình anh Trần Quang M, anh Trần Quang U, chị Trần Thị L1 và gia đình anh Nguyễn Doãn T, chị Nguyễn Thị T1. Nhưng anh Trần Quang M, anh Trần Quang U, chị Trần Thị L1 mỗi người phải có nghĩa vụ trả cho anh Nguyễn Doãn T, chị Nguyễn Thị T1 số tiền 19.399.800đ. Anh Nguyễn Doãn T, chị Nguyễn Thị T1 mỗi người được nhận số tiền 29.099.700đ do anh M, chị L1, chị Út trích trả.
Anh M, chị Út, chị L1 được quyền sử dụng diện tích ngõ đi 18,27m2 nằm giữa các thửa số 335, 336 và thửa số 01, tờ bản đồ địa chính năm 2014 có địa chỉ tại khu phố B, phường Đ, thị xã T, tỉnh Bắc Ninh với kích thước tứ cận: Phía Bắc giáp ngõ đi, rộng 1,9m; Phía Nam giáp thửa 14 rộng 2,3 m; Phía Đông giáp thửa số 01 và một phần thửa số 336 dài 8,7m; Phía Tây giáp thửa 335 dài 8,7m.
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, nếu người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án mà người phải thi hành án chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
2. Về chi phi tố tụng: Anh Nguyễn Doãn T và chị Nguyễn Thị T1, anh Trần Quang M, anh Trần Quang U, chị Trần Thị L1 phải chịu 4.000.000đ chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản (cụ thể mỗi người phải chịu 800.000đ). Xác nhận anh T đã tự nguyện nộp 4.000.000đ tiền tạm ứng chi phí xem xem thẩm định tại chỗ và định giá tài sản. Chị T1, anh M, anh U, chị L1, mỗi người có trách nhiệm hoàn trả cho anh T 800.000đ tiền phí xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản.
3. Về án phí: Anh Trần Quang M, chị Trần Thị L1, anh Trần Quang U mỗi người phải chịu 969.000đ án phí dân sự sơ thẩm.
Anh Nguyễn Doãn T, chị Nguyễn Thị T1 không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm và dân sự phúc thẩm.
Hoàn trả anh Nguyễn Doãn T, chị Nguyễn Thị T1 1.000.000đ tiền tạm ứng án phí dân sơ thẩm đã nộp tại biên lai thu tiền tạm ứng án phí số AA/2013/03113, ngày 09/8/2017 của Chi cục thi hành án dân sự thị xã T.
Hoàn trả anh Nguyễn Doãn T, chị Nguyễn Thị T1 mỗi người 300.000đ tiền tạm ứng án phí dân phúc thẩm đã nộp tại Biên lai thu tiền tạm ứng án phí số AA/2013/03114 và AA/2013/3115 ngày 09/5/2018 của Chi cục thi hành án dân sự thị xã T.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 88/2018/DSPT ngày 12/10/2018 về tranh chấp quyền sử dụng lối đi
Số hiệu: | 88/2018/DSPT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bắc Ninh |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 12/10/2018 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về