Bản án 86/2023/DS-PT về tranh chấp lối đi

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI

BẢN ÁN 86/2023/DS-PT NGÀY 21/11/2023 VỀ TRANH CHẤP LỐI ĐI

Trong các ngày 26 tháng 10 năm 2023, ngày 16 và ngày 21 tháng 11 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai công khai xét xử phúc thẩm vụ án thụ lý số 73/2023/TLPT-DS ngày 28/8/2023 về việc “Tranh chấp về lối đi";

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 63/2023/DS-ST ngày 17/7/2023 của Tòa án nhân dân thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 135/2023/QĐ-PT ngày 05/9/2023, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Lê Văn N, sinh năm 1959; địa chỉ: Thôn T, xã T, thành phố P, tỉnh G. Có mặt Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của ông Lê Văn N: Ông Mai Văn T, địa chỉ: L, phường I, thành phố P, tỉnh G. Có mặt

2. Bị đơn: Ông Nguyễn Đức H và bà Thái Thị Thanh N; địa chỉ: Thôn T, xã T, thành phố P, tỉnh G. Ông H vắng mặt, bà N có mặt Người đại diện theo ủy quyền của ông H, bà N: Bà Hứa Thị Trung N; địa chỉ: L, phường I, thành phố P, tỉnh G. Có mặt

3. Người làm chứng:

3.1. Ông Nguyễn T, sinh năm 1963 – Ðịa chỉ: Thôn T2, xã T, thành phố P, tỉnh G, (có mặt).

3.2. Bà Võ Thị Anh Đ, sinh nãm 1962 – Ðịa chỉ: Thôn T, xã T, thành phố P, tỉnh G, (có mặt).

3.3. Ông Lê B, sinh năm 1965 – Ðịa chỉ: Thôn T2, xã T, thành phố P, tỉnh G, (có mặt).

3.4. Bà Dương Thị K, sinh năm 1954. Địa chỉ: Thôn T, xã T, thành phố P, tỉnh G, (có mặt).

3.5. Ông Nguyễn Văn H, sinh năm 1966. Địa chỉ: Thôn T2, xã T, thành phố P, tỉnh G, (Vắng mặt).

3.6 Bà Phạm Thị Thanh H; địa chỉ: Thôn A, xã K, huyện Đ, tỉnh G. (Có mặt) mặt mặt). mặt).

3.7 Ông Phạm Minh M; địa chỉ: Thôn Đ, xã B, thành phố P, tỉnh G. Có 3.8 Ông Phan Ngọc L; địa chỉ: Thôn T2, xã T, thành phố P, tỉnh G, (có 3.9 Ông Huỳnh Ngọc Đ; địa chỉ: Thôn T, xã T, thành phố P, tỉnh G, (có 3.10 Ông R, địa chỉ: Làng T 1, xã T, thành phố P, tỉnh G, (có mặt).

4. Người kháng cáo: Nguyên đơn: Ông Lê Văn N, sinh năm 1959; địa chỉ:

Thôn T, xã T, thành phố P, tỉnh G.

NỘI DUNG VỤ ÁN

1. Theo Bản án sơ thẩm thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Theo đơn khởi kiện cùng các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ và tại phiên toà Ông Lê Văn N và người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp ông Mai Văn T trình bày:

Nguyên trước đây, ông nội của ông Lê Văn N là ông Lê L đến xã T để lập nghiệp và có khai hoang, phục hóa được một số diện tích đất ruộng lúa và đất vườn để canh tác tại làng T (Nay thuộc Thôn T3, xã T), khu vực này có một bầu nước. Lúc bấy giờ ông L có tên thường gọi là ông Thủ C nên người dân ở đây gọi khu vực đất mà ông L khai hoang là Bầu Thủ C. Sau này, ông L chết nên để lại cho cha của ông N là ông Lê N tiếp tục canh tác khu đất mà ông L khai hoang để lại. Quá trình canh tác thì ông N cũng khai hoang thêm được một số diện tích đất tại khu vực này. Tổng số diện tích đất mà ông N quản lý, sử dụng là khoảng hơn 05ha. Ngoài ông L và ông N thì còn nhiều hộ dân khác, các hộ đồng bào cũng canh tác đất tại khu vực này.

Đến năm 1976, khi anh em ông N đã lập gia đình thì ông Lê N đã phân chia đất cho các anh em của ông N tại khu vực Bầu Thủ C để canh tác. Cụ thể ông N đã chia cho anh trai ông N là ông Lê Văn T một số diện tích (Khoảng 1,5ha), chia cho ông Lê Văn N nhiều thửa đất có diện tích khoảng 1,4ha, số còn lại thì ông N tiếp tục sử dụng, chưa chia cho ai. Anh em ông N tiếp tục canh tác ổn định trên diện tích đất được cha là ông Lê N chia và ông N cũng có mua thêm một số diện tích đất của người khác tại khu vực này. Sau đó, ông N làm thủ tục kê khai đất xin cấp Giấy chứng nhận đối với diện tích đất ông N nhận chuyển nhượng của người khác và được UBND thành phố P cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số U 637309, ngày 15/5/2002, với thửa đất 282, tờ bản đồ số 8. Các thửa đất còn lại ông N nhờ ông H (Địa chính xã) làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận nhưng ông H bị tai nạn chết đột ngột nên hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận của ông N đã bị thất lạc.

Từ lúc ông Lê N sử dụng đất, đến khi các anh em ông N cũng như nhiều hộ dân khác có đất tại khu vực Bầu Thủ C canh tác thì đã hình thành một con đường đi chung từ rất lâu, để tất cả người dân khu vực này đi lại, phục vụ canh tác. Cụ thể, con đường đi chung có chiều rộng khoảng 6m, chiều dài bắt đất từ đường liên thôn (nay là đường Đ) đi theo hướng đông rồi rẽ sang hướng nam (tiếp giáp với nhiều thửa đất) kéo dài khoảng 80m sau đó rẽ thành 02 nhánh, gồm một nhánh đi theo hướng đông N đi qua tiếp giáp với nhiều thửa đất của ông N, của ông T và của người dân khác và một nhánh rẽ về hướng tây kéo dài khoảng 55m, tiếp giáp với đất ông T, đất của người đồng bào và đi vào thửa đất số 282 của ông N. Ông N và các hộ dân đã sử dụng con đường trên làm đường đi chung để đi lại, canh tác, chuyên chở nông sản từ rất lâu (trước năm 1980).

Đến năm khoảng 2005 thì anh trai của ông N là ông T chuyển nhượng đất cho ông Nguyễn Đức H, lúc này diện tích đất ông T chuyển nhượng cho ông H cũng chưa có bìa đỏ, sau này ông H mới tự đi làm bìa. Khi gia đình ông H đến sử dụng đất thì ông H đã làm cổng ngõ rào chắn lấn chiếm đường đi chung, không cho người dân đi lại trên con đường đi chung nêu trên. Ông H cho rằng ông T chuyển nhượng đất cho ông là chuyển nhượng cả đường đi chung nên ông có quyền rào chắn, sử dụng riêng. Ông H còn trồng một số cây mít trên một đoạn con đường đi chung. Thậm chí ông H còn lấn chiếm cả một số diện tích đất của ông N, của ông N và của người khác (Việc ông H lấn chiếm đất thì ông N sẽ khởi kiện bằng vụ án khác).

Trước sự việc ông H rào chắn, lấn chiếm con đường đi chung thì từ năm 2007 đến nay, ông N và một số hộ dân có đất tại khu vực này đã nhiều lần gửi đơn đến Ủy ban nhân dân xã T, yêu cầu giải quyết để buộc ông H trả lại con đường đi chung nhưng ông H vẫn không trả. Quá trình Ủy ban nhân dân xã giải quyết thì ông H có ý kiến cam kết sẽ mở lại một con đường khác để người dân đi lại canh tác nhưng sau đó ông H vẫn không thực hiện nên hiện nay ông N và các hộ dân tại khu vực này không có đường đi để vào các thửa đất của mình để canh tác.

Do ông H lấn chiếm đường đi chung, gây khó khăn cho việc đi lại vào các thửa đất của ông N để canh tác nên ông N đã làm đơn khởi kiện ông H.

Cụ thể một phần con đường đi chung mà ông N yêu cầu ông H trả lại có đặc điểm: diện tích là 1.050m2, chiều rộng là 6m, chiều dài là 175m, bắt đầu từ đường Đ cho đến thửa đất số 282, tờ bản đồ số 8 của ông N và có vị trí tứ cận tiếp giáp gồm 03 đoạn như sau:

Đoạn 1: dài 80m, có tứ cận: Phía tây là đầu đường, giáp với đường Đ, rộng 6m; Phía đông giáp với đất ông Lê N (Hiện bị ông H lấn chiếm sử dụng), rộng 6m; Phía bắc giáp đất ông T và đất ông Lê N (Hiện bị ông H lấn chiếm sử dụng), dài 80m; Phía nam giáp với ruộng lúa của ông N và ruộng rúa của ông H (Mua của người đồng bào) dài 80m. Đoạn đường này hiện nay vẫn còn tồn tại như trước đây nhưng ông H đã rào chắn ở đầu đường, không cho ông N đi lại.

Đoạn 2: dài 40m, có tứ cận: Phía tây ruộng lúa của ông H (Mua của người đồng bào) dài 40m; Phía đông giáp với ruộng lúa ông Lê N (Hiện bị ông H lấn chiếm sử dụng), dài 40m; Phía bắc giáp với đoạn đường 1 nêu trên, rộng 6m; Phía nam giáp với đất ông H (mua của ông T), rộng 6m. Đoạn đường này hiện nay vẫn còn tồn tại như trước đây nhưng ông H đã rào chắn ở đầu đường, không cho ông N đi lại.

Đoạn 3: dài 55m, có tứ cận: Phía tây giáp với thửa đất số 282, tờ bản đồ số 8 của ông N, rộng 6m; Phía đông giáp với đoạn đường 2 nêu trên, rộng 6m; Phía bắc giáp với ruộng lúa của ông H (Mua của người đồng bào) dài 55m; Phía nam giáp với đất thửa đất 275 của ông H, dài 55m. Đoạn đường này hiện nay ông H đã lấn chiếm trồng một số cây ăn trái.

So với đơn khởi kiện thì sau khi xem xét thẩm định ngày 07/9/2022 phần diện tích con đường đi có diện tích nhiều hơn, thể hiện trong bản trích đo hiện trạng, diện tích là: 1331,3m2 và con đường có tứ cận như sau: Phía Bắc giáp đất ông H, bà N có chiều dài: 8,39m + 67,23m + 8.39m; Hướng Đông giáp đất ông H, bà N có chiều dài: 34.95m + 8,12m + 7,58m. Phía Nam giáp đất ông H, bà N có chiều dài 52,76m + 3,77m. Phía Tây giáp đất ông N có chiều dài: 7.13m. Phía Bắc giáp đất ông H, bà N có chiều dài: 47.37m. Phía Tây giáp đất ông H, bà N có chiều dài 2.80m + 9.07m + 38,86m. Phía Nam giáp đất ông H, bà N có chiều dài 10,80m + 28,10m + 38,64m. Phía Tây Bắc giáp đường Đ có chiều dài 3,56m (có diện tích: 1.066,2m2);

Tuy nhiên đối với phần diện tích có nhánh ở phía Bắc giáp đất ông H, bà N và giáp đất ông Điệp có chiều dài đoạn đường là: 7,03m + 31.88m + 2.47m + 12.86m + 11.05m + 12.87m + 5.44m + 31.98m (có diện tích: 265,10m2), hiện chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã vì vậy nguyên đơn không đề nghị giải quyết đối với phần diện tích của lối đi này. Nguyên đơn chỉ yêu cầu bị đơn trả lại con đường đi như đã trình bày tại đơn khởi kiện và theo trích đo hiện là 1.066,2m2, vì con đường đi này đã có từ rất lâu tất cả các hộ dân có thửa đất phía sau thửa đất ông H trong đó có hộ ông Lê Văn N đều sử dụng con đường đi này để tăng gia sản suất phụ vụ cho cuộc sống hàng ngày của các hộ dân. Tại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Lê Văn N và bản đồ địa giới hành chính do Tòa án thu thập không thể hiện con đường đi là do lỗi của Nhà nước đã không cập nhật đúng với thực tế, dẫn đến có sự lấn chiếm đường đi của ông H, bà N.

Tất cả lời khai của những người làm chứng do nguyên đơn yêu cầu cũng đều có lời khai con đường có từ trước năm 1975 và mọi người cũng đã từng sử dụng con đường này làm giao thông đi lại để vận chuyển Lúa, Mỳ và tăng gia sản suất nông nghệp… Vì vậy đề nghị Tòa án buộc bị đơn phải trả lại lối đi chung cho tất cả mọi người cùng sử dụng trong đó có hộ ông Lê Văn N.

-Về chi phí tố tụng và án phí dân sự sơ thẩm đề nghị giải quyết theo quy định pháp luật.

Bà Hứa Thị Trung N là người đại diện theo ủy quyền cho bị đơn trình bày:

Về nguồn gốc lô đất: Vợ chồng ông Nguyễn Đức H, bà Thái Thị Thanh N là chủ sử dụng lô đất tọa lạc tại Thôn A, xã T (hiện nay thuộc thôn E, xã T) nguồn gốc lô đất vợ chồng ông H, bà N nhận sang nhượng của ông Lê Văn T là anh ruột của ông Lê Văn N là con của ông Lê N, bà Đoàn Thị C. Theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có tổng diện tích là 31.136m2, trong đó có 03 Giấy chứng nhận, bao gồm:

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AD 331173 được UBND thành phố Pleiku cấp ngày 26/9/2005 cho ông Nguyễn Đức H thửa đất số 271, tờ bản đồ số 8, diện tích là 3.121m2 địa chỉ tại Thôn Q, xã T, thành phố P, tỉnh G.

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AD 331174 được UBND thành phố Pleiku cấp ngày 26/9/2005 cho ông Nguyễn Đức H thửa đất số 292, tờ bản đồ số 8, diện tích là 2.232m2 địa chỉ tại Thôn Q, xã T, thành phố P, tỉnh G.

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AD 331176 được UBND thành phố Pleiku cấp ngày 26/9/2005 cho ông Nguyễn Đức H thửa đất số 273, tờ bản đồ số 8, diện tích là 25.783m2 địa chỉ tại Thôn Q, xã T, thành phố P, tỉnh G. (Nay đổi lại Thôn T2, xã T, Pleiku, Gia Lai).

Đất ông T có nguồn gốc nhận sang nhượng lại từ người khác chứ không phải là đất của cha ông T để lại cho ông T như đơn khởi kiện ông N nêu.

Con đường đi mà ông H, bà N cho một số hộ dân đi nhờ là con đường nằm trong diện tích đất của gia đình ông H, bà N thuộc quyền sở hữu của gia đình ông H, bà N. Chính ông T cũng đã có lời khai và ý kiến tại buổi hòa giải tranh chấp con đường đi (biên bản làm việc ngày 02/11/2017 của UBND xã T) khẳng định con đường do ông tự bỏ ra rất nhiều công sức và tiền mua đất để làm. Ông vẫn cho các hộ phía trong đi lại để vào trong lao động, sản xuất. Khi ông chuyển nhượng cho ông H, bà N thì ông H, bà N có quyền quản lý sử dụng con đường đó. Như vậy, chủ đất sang nhượng đất cho ông H, bà N đã thừa nhận con đường là của cá nhân ông và khi chuyển nhượng đất thì người được chuyển nhượng được quyền sử dụng luôn con đường đi.

Về nguồn gốc lô đất của ông N: Ông N nhận sang nhượng của ông R, hiện ông R còn sống và cũng đang cư trú tại Thôn Q, xã T. Nên về nguồn gốc lô đất, con đường đi có hay không ông R biết rất rõ, ông R có đơn làm chứng nội dung này.

Về con đường đi vào lô đất của ông N: Thực tế, vẫn có con đường đi vào lô đất của ông N, nhưng mùa khô các hộ đi lại trên bờ ruộng từ ngoài đường nhựa vào, nhưng mỗi khi mùa nước ngập thì đi vào phải lội nước nên một số hộ vẫn thường đi nhờ con đường của gia đình ông H, bà N. Nếu như không có con đường nào để vào thì khác, nhưng đây là vẫn có đường, cả xóm đang ở đều xác định được lối đi vào đất của ông N, bản thân ông N không chịu đầu tư làm đường mà chỉ nhằm vào con đường của ông H, bà N, nên mới khởi kiện để chiếm con đường đi đó.

Ủy ban nhân dân xã T cũng đã cắm mốc xác định phần đất mở đường cho các hộ, nhưng ông N không chịu thực hiện, mặc dù tại UBND xã đã ký biên bản thống nhất với nhau, nhưng sau đó lại không thực hiện. Giờ lại đi kiện đòi đường trong đất của ông H, bà N là không đúng quy định.

Vì vậy, tôi nhận thấy:

- Việc ông N cho rằng lô đất của ông là đất của cha mẹ ông để lại là không đúng, lô đất của vợ chồng ông H, bà N mà ông N cho rằng của cha mẹ bán cho là cũng không đúng. Chính vị vậy khi ông T (anh ruột ông N) còn sống, nhiều lần ông N cũng khiếu nại đến UBND xã T để giải quyết, nhưng ông T có ý kiến thì ông N lại im lặng và dừng lại. Nay lợi dụng ông T đã chết nên ông N mới đi khởi kiện và đưa ra các thông tin sai trái, không đúng sự thật về nguồn gốc của 02 lô đất.

- Đặc biệt, con đường đi trong đất gia đình ông H là con đường thuộc sở hữu của gia đình ông H nằm trong diện tích được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Không phải là con đường đi chung mà vợ chồng ông H, bà N chiếm như ông N nêu trong đơn khởi kiện.

Tại phiên tòa hôm nay có nhân chứng là ông Phạm Minh M, người đã chuyển nhượng thửa đất số 282 cho ông N và nhiều người làm chứng khác họ đều là người dân sinh ra, sống tại địa phương lâu năm, biết rõ ràng nguồn gốc lô đất gia đình ông H và thửa đất của ông N, họ đều đi vào ruộng bằng đường bờ ruộng chỉ khi nào bị nước ngập thì mới đi nhờ đường nhà vợ chồng ông H.

- UBND xã T cũng đã giải quyết cắm mốc phân định lối đi vào ruộng các hộ trong đó có hộ ông N. Đây là con đường mùa khô các hộ vẫn đi vào được, mùa nước ngập không đi vào được. Muốn có đường đi thì họ cũng phải bỏ công, bỏ sức, bỏ tiền mới bảo đảm con đường lưu thông, nhưng ông N lại không muốn tốn công, tốn của nên cứ chăm chăm vào con đường là tài sản của cá nhân vợ chồng ông H, bà N.

Do đó, việc ông N khởi kiện vợ chồng ông H, bà N cho rằng ông H, bà N tự ý rào chắn lối đi chung có chiều ngang 3m dài 150m đi từ đường chính vào và lấn chiếm luôn toàn bộ các thửa đất của ông N để canh tác, sử dụng đất là không có căn cứ, Vợ chồng ông H, bà N đã được cấp 03 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất của vợ chồng ông H, mỗi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đều có diện tích cụ thể, trên các thửa đất không có đường đi, con đường hiện trạng trong đất vợ chồng ông H là đường đi vào nhà, đất vợ chồng ông H, nếu ông N đi nhờ thì có thể sang đến đất ông N, nhưng diện tích đường đi cũng nằm trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho gia đình ông H nên không phải là con đường đi chung của mọi người như ông N khởi kiện.

Còn nguyên đơn sử dụng lối đi là lối đi hiện đang tranh chấp là không thể được, vì lối đi này nằm trên diện tích đất của ông H, ông H chỉ cho ông N tạm thời sử dụng khi mùa mưa nước ngập, nhưng bây giờ ông H không đồng ý để ông N tự tiện đi lại như vậy nữa nên đã rào lại vì con đường đi này thuộc sở hữu của gia đình ông H.

Tuy nhiên để dĩ hòa tình làng nghĩa xóm thì bị đơn sẽ nhượng lại một phần diện tích để cho ông N mở con đường đi thẳng vô thửa đất của ông có kích thước đường rộng 2m, tổng diện tích 31,60m2, có tứ cận: Phía Đông giáp đất ông H, bà N có chiều dài 1,85m Phía Tây giáp đất ruộng có chiều dài 15,76m Phía Nam giáp đất ruộng có chiều dài 2m, Phía Bắc giáp đường Đ có chiều 2m.

Nhưng đến nay thì là người đại diện theo ủy quyền của bị đơn, tôi xin rút phần nhượng lại một phần diện tích như đã nêu trên và đề nghị Tòa án bác đơn khởi kiện của ông Lê Văn N vì không hề có việc vợ chồng ông H, bà N lấn chiếm con đường đi chung.

Những người làm chứng bên nguyên đơn yêu cầu trình bày:

1. Ông Nguyễn T: Đối với lối đi mà ông N đang tranh chấp với ông H là lối đi được có từ trước đây, tôi đến ở thôn T2, xã T, thành phố P, tỉnh G từ năm 1967, khi đến đó ở từ nhỏ tôi đã thấy tất cả mọi người có ruộng tại khu vực phía sau khu đất ông H đang bao bọc bây giờ đều đi ngang qua con đường mà vợ chồng ông H đang rào lại không cho mọi người đi, trong đó có ông N đang là người khởi kiện ông H, vì lối đi này ảnh hưởng đến quyền lợi của ông N. Bản thân tôi chỉ biết đó là con đường có từ khi còn ông Lê N là bố đẻ của ông Lê Văn N với ông Lê Văn T, sau đó ông T chuyển nhượng lại cho ông H, bà N. Việc xác nhận con đường đó là của riêng ai thì tôi không biết, bản thân tôi chỉ biết con đường này được hình thành từ rất lâu. Còn ông H hiện nay đã rào lại không cho ông N đi ngang qua vì lý do gì thì tôi không biết rõ, còn trong việc ông H, bà N nhận chuyển nhượng lại của ông T (là anh ông N) có chuyển nhượng lại con đường đi hay không, hay ông H lấn chiếm con đường đi thì tôi hoàn toàn không biết.

Tôi xác nhận và làm chứng hiện từ thửa đất của ông N đi ra ngoài đường quốc lộ có hai con đường: Về mùa nắng thì ông N sẽ đi được con đường phía trước mặt, nhưng mùa mưa thì ông N không thể đi được vì nước ngập. Về mùa mưa thì con đường đi ngang qua nhà ông H, bà N là con đường mà mọi người cùng sử dụng để đi làm ruộng, vì con đường này mùa nào đi cũng được.

2. Bà Võ Thị Anh Đ: Đối với lối đi mà ông N đang tranh chấp với ông H là lối đi được có từ trước đây, tôi là người sinh ra ở Thôn T, xã T, thành phố P, tỉnh G từ năm 1962. Khi sinh ra và lớn lên tôi đã thấy tất cả mọi người có ruộng tại khu vực phía sau khu đất ông H đang bao bọc bây giờ đều đi ngang qua con đường mà vợ chồng ông H đang rào lại không cho mọi người đi, trong đó có ông N đang là người khởi kiện ông H, vì lối đi này ảnh hưởng đến quyền lợi của ông N. Bản thân tôi chỉ biết đó là con đường có từ khi còn ông Lê N là bố đẻ của ông Lê Văn N với ông Lê Văn T, sau đó ông T chuyển nhượng lại cho ông H, bà N. Việc xác nhận con đường đó là của riêng ai thì tôi không biết, bản thân tôi chỉ biết con đường này được hình thành từ rất lâu. Còn ông H hiện nay đã rào lại không cho ông N đi ngang qua vì lý do gì thì tôi không biết rõ, còn trong việc ông H, bà N nhận chuyển nhượng lại của ông T (là anh ông N) có chuyển nhượng lại con đường đi hay không, hay ông H lấn chiếm con đường đi thì tôi hoàn toàn không biết. Tôi xác nhận và làm chứng hiện từ thửa đất của ông N đi ra ngoài đường hoặc từ ngoài đường vào thì có hai con đường: Về mùa nắng thì ông N sẽ đi được con đường trước mặt ruộng, nhưng mùa mưa thì ông N không thể đi được vì nước ngập không thể đi được. Về mùa mưa thì con đường đi ngang qua nhà ông H, bà N là con đường mà mọi người cùng sử dụng để đi làm ruộng.

3. Bà A Lơng: Đối với lối đi mà ông N đang tranh chấp với ông H là lối đi được có từ trước đây, từ khi tôi sinh ra ở L, xã T, thành phố P, tỉnh G từ năm 1987. Khi sinh ra và lớn lên tôi đã thấy tất cả mọi người trong đó có gia đình tôi đều có ruộng tại khu vực phía sau khu đất ông H đang bao bọc bây giờ đều đi ngang qua con đường mà vợ chồng ông H đang rào lại không cho mọi người đi, trong đó có ông N đang là người khởi kiện ông H, vì lối đi này ảnh hưởng đến quyền lợi của ông N và đến mọi người. Tôi là người có ruộng ở phía dưới thửa đất nhà ông H. Ông H là người đến ở sau này còn ông N là người ở từ thời trước, ông N là người sinh ra và lớn lên tại đó, bản thân tôi chỉ biết đó là con đường có từ khi tôi còn nhỏ, tôi đi cắt lúa ở ruộng, ruộng nhà tôi ở phía sau thửa đất nhà ông H và ông H, bà N nhận chuyển nhượng từ ai thì tôi hoàn toàn không biết. Việc xác nhận con đường đó là của riêng ai thì tôi không biết, bản thân tôi chỉ biết con đường này được hình thành từ khi tôi sinh ra và lớn lên ở đó, còn ông H hiện nay đã rào lại không cho ông N đi ngang qua cùng với tất cả mọi người có ruộng phía dưới vì lý do gì thì tôi không biết rõ, hiện nay ông H đã rào con đường không cho mọi người đi thì tôi cùng mọi người đi ra quốc lộ bằng con đường trước thửa đất của ông N. Tôi xác nhận và làm chứng hiện từ thửa ruộng của ông N đi ra ngoài đường hoặc từ ngoài đường vào thửa đất ông N thì có hai con đường:

- Về mùa nắng thì ông N sẽ đi được con đường trước mặt ruộng, nhưng mùa mưa thì ông N không thể đi được vì bị nước ngập - Về mùa mưa thì con đường đi ngang qua nhà ông H, bà N là con đường mà mọi người cùng sử dụng để đi làm ruộng, vì con đường này đã được đắp thành con đường đi.

Tôi muốn khẳng định việc ông N sử dụng lối đi ngang nhà ông H, bà N là con đường đã có từ thời trước. Còn con đường này thuộc của ai thì tôi hoàn toàn không biết.

4. Ông Lê B: Đối với lối đi mà ông N đang tranh chấp với ông H là lối đi được có từ trước đây, tôi đến ở thôn T2, xã T, thành phố P, tỉnh G từ năm 1968. Khi đến đó ở từ nhỏ tôi đã thấy tất cả mọi người có ruộng tại khu vực phía sau khu đất ông H đang bao bọc bây giờ đều đi ngang qua con đường mà vợ chồng ông H đang rào lại không cho mọi người đi, trong đó có ông N đang là người khởi kiện ông H, vì lối đi này ảnh hưởng đến quyền lợi của ông N và mọi người. Trước đây tôi cũng có thửa đất gần thửa đất ông N và tôi cũng sử dụng con đường đi mà ông N đang tranh chấp với ông H. Việc xác nhận con đường đó là của riêng ai thì tôi không biết, bản thân tôi chỉ biết con đường này được hình thành từ rất lâu. Còn ông H hiện nay đã rào lại không cho ông N đi ngang qua vì lý do gì thì tôi không biết rõ, còn trong việc ông H, bà N nhận chuyển nhượng lại của ông T (là anh ông N) có chuyển nhượng lại con đường đi hay không, hay ông H lấn chiếm con đường đi thì tôi hoàn toàn không biết. Từ thửa đất của ông N đi ra ngoài đường quốc lộ có hai con đường:

- Về mùa mưa thì con đường đi ngang qua nhà ông H, bà N là con đường mà mọi người cùng sử dụng để đi làm ruộng, vì con đường này mùa nào đi cũng được.

- Về mùa nắng thì ông N cùng tất cả mọi người sẽ đi được con đường phía trước mặt thửa đất ông N, nhưng mùa mưa thì ông N không thể đi được vì nước ngập, về con đường này thì Ủy ban nhân xã T cũng đã hòa giải để tạo ra con đường này cho tất cả mọi người có ruộng đất phía sau nhà ông N, ông H cùng đi, tuy nhiên sau khi hòa giải và yêu cầu mọi người phải bỏ công, bỏ sức để làm thì không ai chịu làm nên cho đến hiện nay con đường này vẫn chưa làm.

5. Bà Dương Thị K: Đối với lối đi mà ông N đang tranh chấp với ông H là lối đi được có từ trước đây khoảng vào năm 1973, tôi đến ở thôn T2, xã T, thành phố P, tỉnh G làm dâu, tôi là vợ ông Lê Văn T là người đã chuyển nhượng thửa đất cho ông H hiện đang sử dụng. Khi tôi về làm dâu từ năm 1973 tôi đã thấy tất cả mọi người có ruộng tại khu vực phía sau khu đất ông H đang ở bây giờ đều đi ngang qua con đường mà hiện nay vợ chồng ông H đã rào lại không cho mọi người đi, trong đó có ông N là em chồng của tôi cũng là người đã bỏ công để đổ đất đắp con đường cho mọi người cùng đi. Tôi chỉ biết đó là con đường có từ khi tôi lấy ông Lê Văn T và về làm dâu từ năm 1973 thì con đường đó đã có và mọi người đều sử dụng thành con đường đi chung, sau đó ông T chuyển nhượng lại cho ông H, bà N thì tôi không biết vì đất ông T chuyển nhượng cho ông H, bà N là thuộc tài sản cha mẹ chồng cho chung hai vợ chồng tôi, khi ông T chuyển nhượng cho ông H, bà N ông T không thông báo lại cho tôi, nên tôi không biết. Tôi xác nhận và làm chứng hiện từ thửa đất của ông N để đi ra ngoài đường quốc lộ chỉ có một con đường chính đi qua là con đường ông N đang tranh chấp với ông H, bà N.

6. Ông Nguyễn Văn H: Đối với lối đi mà ông N đang tranh chấp với ông H là lối đi được có từ trước đây từ khi nhà tôi về ở từ năm 1974, khi đến đó ở tôi đã thấy tất cả mọi người đi làm ruộng đều đi ngang qua con đường này. Việc xác nhận con đường đó là của riêng ai thì tôi không biết, bản thân tôi chỉ biết con đường này là đường tự phát, mọi người thấy tiện lợi nên đi chứ không phải nhà nước mở. Tôi xác nhận và làm chứng hiện từ thửa đất của ông N đi ra ngoài đường quốc lộ có rất nhiều con đường đi men theo bờ ruộng để đi ra đường quốc lộ, tuy nhiên việc sử dụng các con đường khác để đi ra đường quốc lộ sẽ xa hơn và vào mùa mưa thì bị ngập nước không đi được, vì vậy tất cả mọi người có ruộng phía sau thửa đất ông N, ông H thì đều sử dụng con đường hiện ông N đang tranh chấp để đi qua vì con đường này đã được bồi đắp thành con đường bằng phẳng không ngập nước. Thửa đất trước đây của tôi, tôi đã chuyển nhượng sang cho ông Phan Ngọc L.

Những người làm chứng bên bị đơn yêu cầu trình bày:

1.Ông Phan Ngọc L: Ông H trình bày như vậy là không đúng, nguyên thủy trước đây thửa đất của ông Lê Văn T đã bán cho vợ chồng ông H trong đó có hơn 3.000 m2 tôi bán cho ông T (đất không có giấy tờ chỉ có viết tay mua bán với nhau, thửa đất này là tôi mua lại của ông Nguyễn Văn H như ông H vừa trình bày), sau đó ông T mới chuyển nhượng toàn bộ cho vợ chồng ông H, bà N. Vì vậy tôi biết rất rõ về lối đi mà ông N đang tranh chấp với ông H không phải là lối đi chung của mọi người, trước đây do đất ruộng để trống nên dân làm ruộng phía dưới đất ruộng nhà ông T (nay là ông H đang sử dụng) đã đi ngang qua trở thành một lối mòn làm cho nhiều người cùng đi qua. Trước đây khi tôi còn ở đó thì tôi cũng rào lại không cho mọi người đi, đến năm 1998 tôi bán cho ông T, ông T để trống không rào nên mọi người mới đi hướng ra đường quốc lộ cho gần, sau đó ông Lê Văn T chuyển nhượng lại cho ông H, khi đã thuộc tài sản của ông H thì ông H rào lại không cho đi nữa là thuộc quyền của ông H, việc ông N tranh chấp và cho rằng con đường đó là lối đi chung của mọi người và là lối đi thuộc đất của cha ông N để lại thì không đúng. Tại thời điểm khi tôi còn ở tại Thôn T2, xã T thì tôi chỉ biết về con đường đi do ông N đang tranh chấp đối với ông H là con đường thuộc phần đất của ông T, sau đó ông T chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất cho vợ chồng ông H trong đó có con đường mà mọi người dùng làm đường tắt để đi qua, con đường này là do đất để trống dân đi qua lại nhiều thành lối mòn chứ không phải là lối đi chung được nhà nước mở như ông N khởi kiện yêu cầu ông H phải trả lại. Tôi khẳng định từ thửa đất của ông N đi ra ngoài đường quốc lộ có ba con đường: Con đường thứ nhất là con đường phía trước thửa đất của ông N tức là phải đi qua con suối nhưng con đường này khi mùa mưa thì sẽ bị ngập nước; Con đường thứ hai là con đường phía sau thửa đất của ông N, nhưng ông N không đi qua con đường này được vì chỉ có những người có ruộng phía sau thửa đất của ông H thì họ mới đi; Con đường thứ ba là con đường cách con đường thứ hai khoảng hơn 200m, con đường này dành cho những người có ruộng phía sau ruộng nhà ông N đi. Tôi khẳng định lối đi nhà ông H không phải là lối đi chung mà là lối đi riêng thuộc đất nhà ông H tự mở để đi, bây giờ ông H rào lại không cho đi thì đó là quyền của ông H.

2. Ông Phạm Minh M và bà Phạm Thị Thanh H trình bày: Về lịch sử thửa đất của ông N hiện đang sử dụng là thửa đất của bố mẹ chị em tôi tên là ông Phạm B và bà Lương Thị B (hiện bố mẹ tôi đã chết), sau khi bố mẹ chị em tôi qua đời có giao toàn bộ lại cho Phạm Minh M quản lý canh tác trồng mỳ, đến khoảng vào năm 1987-1988 thì ông M chuyển nhượng lại cho ông Lê Văn N. Về nguồn gốc thửa đất này là do cha mẹ chúng tôi là ông Phạm B và bà B tự khai hoang nên không có giấy tờ chứng nhận, vì vậy sau khi ông M chuyển nhượng lại cho ông Lê Văn N thì ông M cũng chỉ viết giấy tay bán lại cho ông N, khi bán lại cho ông N ông M chỉ viết tứ cận tiếp giáp với các thửa chứ về diện tích thì không đo nên không biết. Thửa đất này trước đây là cái gò giống như cù lao, xung quanh khi mùa mưa đến thì nước sẽ ngập và phải đi lại bằng ghe (hay còn gọi xuồng). Để xác định con đường đi mà ông N đang tranh chấp với ông H thì ông M, bà H trình bày về nguồn gốc như sau: Con đường đi ngang nhà ông H, bà N hiện đang sử dụng bây giờ là nằm trong diện tích thửa đất của bà N, ông H không phải là lối đi chung của mọi người, tại thời điểm tôi còn ở đó thì tất cả mọi người đều sử dụng bờ ruộng để đi ra con đường quốc lộ. Tại thửa đất ông N đang sử dụng thì chỉ một con đường duy nhất đi ra đường chính là con đường trước mặt chứ không phải con đường đi ngang qua thửa đất nhà ông H, bà N. Khi ông M chuyển nhượng lại cho ông N, ông N biết rõ. Sau đó ông M chuyển đi rồi thì mọi người đi lại bằng con đường nào khi nước ngập thì ông M không nắm rõ và cũng không biết, chứ gia đình ông M trước đây phải chèo xuồng để đi ra đường quốc lộ mỗi khi nước ngập. Con đường đi do ông N đang tranh chấp đối với ông H thì tại thời điểm gia đình ông M còn ở đó là không có, mà chỉ có một con đường có từ thời xa xưa là con đường hiện nay vẫn tồn tại là con đường phía trước thửa đất ông M đã chuyển nhượng cho ông N, một con đường thẳng từ thửa đất ông N đi thẳng ra đường quốc lộ, còn sau này con đường này bị ngập nước do thủy điện đắp đập ngăn giữ nước nên nước không chảy được trở nên con đường bị ngập nước, thửa đất này do ông Phạm B (là cha chúng tôi) đến khai hoang từ năm 1965, đến năm 1987 -1988 do việc nước ngập không Tận lợi cho việc con cái học hành nên ông M chuyển nhượng lại cho ông Lê Văn N và chỉ có một lối đi duy nhất là con đường nối thẳng từ thửa đất đi ra đến đường quốc lộ, mà con đường này hiện đang tồn tại, ông M khẳng định con đường này có từ thời xưa nên có hiển thị trên bản đồ địa giới hành chính mà Nhà nước đang quản lý, còn con đường nhà ông H, bà N thì tại thời điểm gia đình ông M còn ở đó thì không biết và không thấy. Ông M cam đoan vợ chồng con cái nhà ông là người ở tại thửa đất hiện đã chuyển nhýợng cho ông N từ thời ngụy cho đến khi đất nước hoàn toàn giải phóng vì vậy ông M là người biết rõ nhất, đối với con đường đi ngang qua thửa đất nhà ông H, bà N mà ông N cho rằng có từ thời xa xưa là hoàn toàn không đúng, ông M khẳng định ông N nói như vậy là sai.

3. Ông R: Do các bên giữa ông N với ông H có tranh chấp về lối đi vì vậy tôi là người chủ sở hữu đám ruộng mà ông N đang sử dụng, vì vậy tôi cần phải trình bày với Tòa án về nguồn gốc thửa ruộng của ông N do tôi bán là đám ruộng tiếp giáp với lối đi trước đây như ông H chỉ xác định và tất cả những gia đình có ruộng tiếp giáp với ruộng ông N đều sử dụng lối đi này, tuy nhiên khi mùa mưa nước lên bờ ruộng bị ngập nước thì lúc đó chúng tôi và cả ông N đều mượn lối đi nhà ông H để làm đường đi, tôi bán ruộng cho ông N hai bên chỉ viết giấy tay với nhau, thời gian viết giấy bán ruộng cho ông N tôi không nhớ cụ thể, nhưng cách đây khoảng 4 năm, còn ông N đã làm giấy tờ quyền sử dụng đất chưa thì tôi không biết. Nhưng tôi khẳng định ruộng ông N và tất cả những ruộng lân cận đều sử dụng lối đi trên bờ ruộng rồi đi thẳng ra đường Đ, không phải lối đi ngang qua đất nhà ông H. Tôi muốn khẳng định việc sử dụng lối đi nhà ông H, bà N tất cả chỉ là tạm thời, còn lối đi cho ông N và các hộ lân cận là lối đi tiếp giáp với thửa ruộng của tôi đã bán cho ông N như theo hiện trạng sử dụng đất đã đo đạc của Tòa án vào ngày 07/9/2022.

4. Ông HL: Đối với lối đi mà ông N đang tranh chấp với ông H không phải là lối đi chung của mọi người, trước đây do đất ruộng để trống nên dân làm ruộng phía dưới đất ruộng nhà ông H đã đi ngang qua trở thành một lối mòn làm cho nhiều người cùng đi qua. Trước đây tôi ở Làng T, xã T từ năm 1971 tôi biết rõ con đường đi đó là thuộc phần đất của nhiều người sau đó ông Lê Văn T mua lại toàn bộ và sau này chuyển nhượng lại cho ông H, khi đã thuộc tài sản của ông H thì ông H rào lại không cho đi nữa là thuộc quyền của ông H, việc ông N tranh chấp và cho rằng con đường đó là lối đi chung của mọi người và là lối đi thuộc đất của ông N thì không có căn cứ. Tôi chỉ biết toàn bộ đất của ông H là do ông T (ông T là anh của ông N) ông T đã chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất trong đó có lối đi mà ông N đang tranh chấp với ông H. Còn lối đi của tất cả mọi người làm ruộng phía sau đất nhà ông H thì rất nhiều lối đi ra đường quốc lộ nhưng do khoảng cách xa hơn nên mọi người không đi, họ mượn đường đi nhà ông H để đi. Riêng từ thửa đất của ông N còn có con đường phía trước đi thẳng ra đường quốc lộ, tuy nhiên con đường này khi mùa mưa thì sẽ bị ngập nước và Ủy ban nhân dân xã T cũng có dự kiến bồi đắp con đường này cho mọi người cùng đi nhưng không ai chịu góp công, góp sức để làm đường.

5. Ông T: Trước đây vào khoảng năm 1981 tôi lấy vợ và bà mẹ vợ tôi tên là Hồ Thị N (bà N đã chết khoảng gần 10 năm nay )có ruộng phía sau ruộng nhà ông H, bà N (trước đây là ruộng của ông Lê N cha của ông Lê Văn T) và ruộng nhà ông B (là ruộng ông N đã mua lại của ông M con của ông B). Tại thời điểm đó toàn bộ là đất ruộng, tất cả mọi người sử dụng đều nhận sang nhượng lại của người đồng bào nên việc con đường đi thì mọi người thấy tiện cho việc đi lại thì đi, gần như không ai có giấy tờ, đến nay việc đất đai đã có giấy chứng nhận, chứng nhận quyền sử dụng thì mọi người rào lại để ngăn ranh giới nên việc ông H rào lại con đường thuộc phần diện tích theo giấy chứng nhận của ông H là đúng. Khi tôi còn làm ruộng ở đó thì tôi không sử dụng con đường đi qua nhà ông T (ông H, bà N đang sử dụng bây giờ) mà tôi chỉ đi qua ruộng nhà ông B cha của ông M (hiện giờ ông N đã mua lại của ông B) rồi đi lên con đường mà mọi người cho rằng mùa mưa thì nước ngập không đi được. Từ thửa đất của ông N đi ra ngoài đường quốc lộ có rất nhiều con đường, tuy nhiên từ thửa đất nhà ông N (là đất ông B trước đây)đi ra đường chính thì con đường trước mặt thửa đất của ông N là bờ ruộng trước thửa đất để đi ra là thuận tiện. Trước khi ông N mua lại thửa đất của ông M con ông B thì ông N vẫn biết có con đường trước mặt đã bị ngập nước khi mùa mưa đến nhưng ông N vẫn mua thì ông N phải chịu, chứ đòi đi sang đất nhà người khác thì sao được. Mảnh đất của ông H đang xử dụng là đã mua lại của ông Lê Văn T (ông T đã bán chuyển nhượng toàn bộ cho vợ chồng ông H), thời trước ông T mua lại của rất nhiều chủ, sau đó thành thửa lớn rồi chuyển nhượng lại cho vợ chồng ông H. Vì vậy tôi biết rất rõ về lối đi mà ông N đang tranh chấp với ông H không phải là lối đi chung của mọi người. Đối với lối đi mà ông N đang tranh chấp với ông H không phải là lối đi chung của mọi người, trước đây do đất ruộng để trống nên dân làm ruộng phía dưới đất ruộng nhà ông H đã đi ngang qua trở thành một lối mòn làm cho nhiều người cùng đi qua. Tôi ở khu vực đó từ nhỏ nên tôi biết rõ con đường đi do ông N đang tranh chấp với ông H là thuộc phần đất của ông Lê Văn T, sau này ông T chuyển nhượng lại cho ông H, khi đã thuộc tài sản của ông H thì ông H rào lại không cho đi nữa là thuộc quyền của ông H, việc ông N tranh chấp và cho rằng con đường đó là lối đi chung của mọi người và là lối đi thuộc đất của ông N thì không có căn cứ.

6. Bà Nguyễn Thị Ngọc H: Gia đình bố mẹ tôi ở từ năm 1975 ở tại Thôn Q xã C ( nay đổi là Thôn T, xã T) thì tôi chỉ biết về con đường đi do ông N đang tranh chấp đối với ông H là con đường thuộc phần đất của ông T, sau đó ông T chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất cho vợ chồng ông H bà N, trong đó có con đường mà mọi người dùng làm đường tắt để đi qua, con đường này là thuộc phần diện tích đất do dân đi qua lại nhiều thành lối mòn chứ không phải là lối đi chung được nhà nước mở như ông N khởi kiện yêu cầu ông H phải trả lại. Từ thửa đất của ông N đi ra mặt đường chính rất nhiều con đường để đi ra đường quốc lộ, tuy nhiên về sự tiện lợi từ thửa đất của ông N đi ra ngoài đường quốc lộ có hai con đường: Về mùa nắng thì ông N cùng tất cả mọi người sẽ đi được con đường phía thửa đất ông N tức là phải đi qua con suối nhưng con đường này khi mùa mưa thì sẽ bị ngập nước, vì vậy khi mùa mưa đến thì tất cả mọi người có ruộng phía sau nhà ông H trong đó có ông N mượn con đường nhà ông H để đi gánh lúa. Hiện tại chỉ có một mình ông H rào chắn toàn bộ diện tích thửa đất ông đã mua lại của ông T và ông có trồng cây ăn trái nên đã rào chắn lại, còn những thửa ruộng xung quanh đất còn trống chưa có ai rào chắn thì mọi người muốn đi đường nào để ra quốc lộ cũng được, chẳng qua con đường nhà ông H đã đổ đá không bị ngập nước nên sự tiện lợi của mọi người di chuyển bằng xe máy sẽ dễ hơn. Tôi khẳng định lối đi nhà ông H không phải là lối đi chung mà là lối đi riêng thuộc đất nhà ông H tự mở để đi.

7. Ông Nguyễn Đức P: Tất cả mọi người có ruộng tại khu vực gần thửa đất ông N và thửa đất ông H thì đều sử dụng bờ ruộng để đi ra đường quốc lộ và tôi chỉ biết có một con đường đi từ xưa cho đến bây giờ vẫn còn tồn tại, đó là con đường từ thửa đất nhà ông M đi thẳng phía trước (thửa đất này ông M đã bán lại cho ông N đang sử dụng là thửa số 282), còn con đường mà ông N đang tranh chấp với ông H là của thuộc của ông T mua lại đất của nhiều người rồi ông T mới đắp bờ ruộng làm con đường để sử dụng và mọi người có ruộng phía sau cùng đi ké, sau đó ông H mua lại toàn bộ diện đất của ông T, ông H tu bổ thêm. Đất ruộng thì phải bị ngập nước khi mùa mưa đến, vậy nếu không có người đắp bờ để tạo ra con đường thì lấy đường đâu cho mọi người qua lại, tất cả những người làm chứng bên phía ông N chỉ nói là con đường có từ trước, vậy ai là người đắp bờ tạo ra con đường để cho mọi người đi thì gần như không ai biết. Nếu con đường thuộc lối đi chung thì UBND xã T đã buộc ông H phải tháo dỡ hàng rào cho moi người cùng sử dụng, còn nếu nói con đường của nhân dân cùng làm thì có ai đóng góp công sức chưa tôi không thấy ai khai đã từng đóng góp công sức để tạo ra con đường.

8. Ông Nguyễn Văn T: Tôi là anh trai của ông Nguyễn Văn H (H là người làm chứng cho bên phía nguyên đơn), anh em tôi cùng ở trên phần đất mà cha mẹ đã cho, do ông H là con út nên cha mẹ tôi có cho ông H phần đất giáp đường Đ, ông H bán cho ông Linh, ông Linh bán cho ông T. Khi bán thửa đất này không có con đường đi, do ông H là em trai tôi khi đó còn nhỏ nên không nắm rõ mọi chuyện nên nói không chính xác, thửa đất ông H bán cho Linh, sau đó ông Linh bán lại cho ông T nằm sát con đường chính là đường Đ và sát bên thửa đất này là con đường mà Ủy ban nhân dân xã T đã dự kiến quy hoạch làm con đường mới cho dân đi vào các thửa đất bên trong. Còn ông N cho rằng con đường đi vào thửa đất của ông H là con đường có từ trước giải phóng đến nay là con đường chung của mọi người là hoàn toàn không đúng, không chính xác.

2. Quyết định của bản án sơ thẩm Quyết định của bản án sơ thẩm số 63/2023/DS-ST ngày 17/7/2023 của Tòa án nhân dân thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai:

Áp dụng khoản 9 điều 26 và các Điều 35, 39, 71, 72, 78, 91, 92, 147, 157, 165 và Điều 271, 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; các điều 6, 12 của Luật Đất đai năm 2013; Điều 26, Điều 27 của Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 (Quy định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án).

Tuyên xử: Bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Lê Văn N về việc “Tranh chấp về lối đi” tại Thôn A (nay là Thôn T2, xã T, thành phố P) đối với bị đơn ông Nguyễn Đức H và bà Thái Thị Thanh N có vị trí, diện tích, tứ cận tiếp giáp:

- Phía Bắc giáp đất ông H, bà N có chiều dài: 8,39m + 67,23m + 8.39m; Hướng Đông giáp đất ông H, bà N có chiều dài: 34.95m + 8,12m + 7,58m. Phía Nam giáp đất ông H, bà N có chiều dài 52,76m + 3,77m. Phía Tây giáp đất ông N có chiều dài: 7.13m.

- Phía Bắc giáp đất ông H, bà N có chiều dài: 47.37m. Phía Tây giáp đất ông H, bà N có chiều dài 2.80m + 9.07m + 38,86m. Phía Nam giáp đất ông H, bà N có chiều dài 10,80m + 28,10m + 38,64m. Phía Tây Bắc giáp đường Đ có chiều dài 3,56m.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về nghĩa vụ chịu chi phí tố tụng khác, án phí sơ thẩm và quyền kháng cáo của các đương sự.

3. Nội dung kháng cáo.

Ngày 25/7/2023, nguyên đơn ông Lê Văn N kháng cáo toàn bộ nội dung Bản án dân sự sơ thẩm số 63/2023/DS -ST ngày 17 tháng 7 năm 2023 của Tòa án nhân dân thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai và yêu cầu cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

4. Diễn biến tại phiên tòa phúc thẩm:

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và nội dung kháng cáo, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn không đồng ý với yêu cầu của nguyên đơn, các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Kiểm sát viên phát biểu ý kiến xác định trình tự thủ tục giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm được cơ quan tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng thực hiện đúng quy định của pháp luật tố tụng. Về đường lối giải quyết vụ án đề nghị hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự không chấp nhận đơn kháng cáo của nguyên đơn giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về tố tụng: Nguyên đơn ông Lê Văn N khởi kiện yêu cầu bị đơn ông Nguyễn Đức H và bà Thái Thị Thanh N phải tháo dỡ cổng ngõ rào chắn, di dời cây trồng đề trả lại một phần con đường đi chung có tổng diện tích 1.066,2m2 tại Thôn T2, xã T, thành phố P, tỉnh G, Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý, xác định quan hệ tranh chấp và pháp luật có liên quan khi giải quyết nội dung vụ án là có cơ sở, đúng thẩm quyền.

[2]. Về nội dung vụ án:

Đối với con đường bắt đầu từ đường Đ cho đến thửa đất số 282, tờ bản đồ số 8 của ông N và có diện tích 1.066,2m2, gồm các đoạn có vị trí tứ cận tiếp giáp như sau:

- Phía Bắc giáp đất ông H, bà N có chiều dài: 8,39m + 67,23m + 8.39m; Hướng Đông giáp đất ông H, bà N có chiều dài: 34.95m + 8,12m + 7,58m. Phía Nam giáp đất ông H, bà N có chiều dài 52,76m + 3,77m. Phía Tây giáp đất ông N có chiều dài: 7.13m.

- Phía Bắc giáp đất ông H, bà N có chiều dài: 47.37m. Phía Tây giáp đất ông H, bà N có chiều dài 2.80m + 9.07m + 38,86m. Phía Nam giáp đất ông H, bà N có chiều dài 10,80m + 28,10m + 38,64m. Phía Tây Bắc giáp đường Đ có chiều dài 3,56m.

Phần diện tích này nằm trong các thửa đất số 271, 272 và 292 tờ bản đồ số 08 đã được UBND thành phố Pleiku cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 14/5/2002 cho ông Nguyễn Văn T, sau đó ông T chuyển nhượng cho ông H và ông H đã được UBND thành phố Pleiku cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AD 331173 cấp ngày 26/9/2005, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AD 331174 cấp ngày 26/9/2005 và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AD 331176 cấp ngày 26/9/2005 nên thuộc quyền quản lý, sử dụng của bị đơn.

Nguyên đơn cho rằng con đường nêu trên là lối đi chung đã có từ trước năm 1980, được nguyên đơn và các hộ dân xung quanh sử dụng để đi lại, canh tác và chuyên chở nông sản nêu yêu cầu Tòa án buộc bị đơn phải tháo dỡ cổng, hàng rào, di dời cây trồng để trả lại lối đi chung là không có cơ sở để chấp nhận, bởi lẽ: Ông Lê Văn T là anh trai của ông Lê Văn N đã khẳng định, con đường này do ông T tạo lập, ông T đã bỏ rất nhiều công và tiền mua đất để làm đường, ông để cho các hộ phía trong đi lại để lao động sản xuất, khi ông chuyển nhượng cho ông H thì ông H có toàn quyền quyết định (bl 03,04), mặt khác, tại các biên bản làm việc ngày 02/11/2007, 23/10/2008, 31/10/2007, 24/8/2007 thể hiện ông N và 7 hộ đồng bào và ông Lê B tập trung để cùng chung sức để làm con đường mới, chấm dứt việc sử dụng con đường đi qua vườn nhà ông H (bl 02-06).

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn và những người làm chứng đều thừa nhận có một con đường đi vào đất của ông N là con đường nhỏ do ông H chỉ là lối đi trước đây (bl 122) thì chỉ đi được vào mùa nắng, còn mùa mưa thì ngập nước phải đi bằng xuồng (sõng). Việc ngập nước này đã có từ trước năm 1987 cụ thể, ông Phạm Minh M cũng khai rằng trước năm 1987 khi nhà nước làm đập thủy lợi thì con đường này ngập nước, mùa nắng đi được còn mùa mưa không đi được phải đi bằng sõng nên ông chuyển gia đình lên Biển Hồ ở còn nhượng lại phần diện tích đất này cho ông N và ông N cũng biết rõ điều này. Tuy nhiên, để có con đường đi như hiện nay các bên đang tranh chấp thì bà N và ông H cũng đã tự bỏ chi phí tôn tạo, đổ đất. Do đó, có thể thấy, muốn có con đường để đi thì nguyên đơn phải tự bỏ chi phí để tôn tạo con đường ngập nước để sử dụng vào mùa mưa.

Từ những phân tích trên cho thấy, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

[3]. Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn ông Lê Văn N không cung cấp được các tài liệu chứng cứ mới chứng minh cho yêu cầu kháng cáo của mình là có căn cứ, nên kháng cáo của ông Lê Văn N không có căn cứ để chấp nhận.

[2]. Về án phí dân sự phúc thẩm: Ông Lê Văn N phải chịu 300.000 đồng tiền án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự.

Căn cứ khoản 1 Điều 148 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, khoản 1 Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

1. Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn ông Lê Văn N. Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 63/2023/DS -ST ngày 17 tháng 7 năm 2023 của Tòa án nhân dân thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai như sau:

Áp dụng khoản 9 điều 26 và các Điều 35, 39, 71, 72, 78, 91, 92, 147, 157, 165 và Điều 271, 273 của B lut T tng dân s năm 2015; các điều 6, 12 của Luật Đất đai năm 2013; Điều 26, Điều 27 của Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 (Quy định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án).

1.1 Bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Lê Văn N về việc “Tranh chấp về lối đi” tại Thôn A (nay là Thôn T2, xã T, thành phố P) đối với bị đơn ông Nguyễn Đức H và bà Thái Thị Thanh N có vị trí, diện tích, tứ cận tiếp giáp:

- Phía Bắc giáp đất ông H, bà N có chiều dài: 8,39m + 67,23m + 8.39m; Hướng Đông giáp đất ông H, bà N có chiều dài: 34.95m + 8,12m + 7,58m. Phía Nam giáp đất ông H, bà N có chiều dài 52,76m + 3,77m. Phía Tây giáp đất ông N có chiều dài: 7.13m.

- Phía Bắc giáp đất ông H, bà N có chiều dài: 47.37m. Phía Tây giáp đất ông H, bà N có chiều dài 2.80m + 9.07m + 38,86m. Phía Nam giáp đất ông H, bà N có chiều dài 10,80m + 28,10m + 38,64m. Phía Tây Bắc giáp đường Đ có chiều dài 3,56m.

1.2. Về chi phí xem xét, thẩm định giá và chi phí trích đo hiện trạng là:

24.946.747đ (Hai mươi bốn triệu, chín trăm bốn mươi sáu ngàn, bảy trăm bốn bảy đồng) và đã chi phí xong. Buộc nguyên đơn ông Lê Văn N phải chịu chi phí xem xét, thẩm định giá và chi phí trích đo hiện trạng (Nguyên đơn đã nộp đủ).

1.3. Về án phí dân sự sơ thẩm: Buộc nguyên đơn ông Lê Văn N phải nộp 300.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm sung ngân sách Nhà nước nhưng được khấu trừ từ tiền tạm ứng án phí đã nộp là 300.000 đồng theo biên lai thu số 0001173 ngày 23/12/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Pleiku,

2. Về án phí dân sự phúc thẩm Ông Lê Văn N phải chịu 300.000 đồng tiền án phí dân sự phúc thẩm, nhưng được khấu trừ vào 300.000 đồng đã nộp theo Biên lai thu tiền số 0001135 ngày 25 tháng 7 năm 2023 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Ông Lê Văn N đã nộp đủ.

3. Bản án này được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

21
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 86/2023/DS-PT về tranh chấp lối đi

Số hiệu:86/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Gia Lai
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 21/11/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;